1
2

Giảng giải việc quán xét tâm Bồ-đề

Bồ Đề Tâm Quán Thích

Tống Pháp Thiên dịch

Bản Việt dịch (1) của Nguyễn Minh Tiến

Bản Việt dịch (2) của Thích Như Điển

***

Giảng giải việc quán xét tâm Bồ-đề

Việt dịch: Nguyễn Minh Tiến

Cung kính đảnh lễ về nương theo,

Đức Bổn sư Đại Giác Thế Tôn.

Nay con xin sơ lược giải thích,

Cách quán xét về tâm Bồ-đề.

Như Phật có dạy: “Từ nơi tâm mà khởi sinh hết thảy các pháp.” Con nay sẽ phân tích bàn về ý nghĩa của tâm Bồ-đề.

Hỏi: Thế nào là tánh [chân thật]?

Đáp: Đó là lìa khỏi hết thảy các tánh [không chân thật].

Lại hỏi: Thế nào là hết thảy các tánh [không chân thật]?

Đáp: Đó là nói các tánh như [năm] uẩn, [sáu] xứ, [mười tám] giới v.v… vì tâm Bồ-đề lìa khỏi những việc giữ lấy hay buông bỏ, [mà các tánh ấy đều có lấy bỏ]. Cho nên các pháp vốn không có ngã, tự tánh bình đẳng; bởi xưa nay không có sinh ra nên tự tánh đều là không.

Lại nói đến “hết thảy các tánh”, đó là nói các tánh [khởi sinh từ sự chấp] ngã, như là tánh ngã, tánh nhân, tánh chúng sinh, tánh thọ giả, tánh bổ-đặc-già-la, tánh ma-nõa-phược-ca v.v… nhưng các tánh ấy đều không phải tâm Bồ-đề.

Các vị nghĩ thế nào? Tuy nói các tánh đó là ngã, nhưng chính là ở trong chỗ tự tánh vốn xa lìa hết thảy các tướng mà lại sinh ra kiến chấp về tự ngã. Từ kiến chấp về tự ngã mà sinh ra hết thảy các phiền não, nên điều đó không thể sinh ra tâm Bồ-đề.

Còn nếu nói rằng các tánh như [năm] uẩn, [sáu] xứ, [mười tám] giới v.v… cũng lìa khỏi sự giữ lấy hay buông bỏ, nên cho rằng các tánh của uẩn, xứ, giới… là chân thật, thì điều đó hoàn toàn không hợp lý.

Vì sao [nói rằng] các tướng hình sắc đều không chân thật? Vì sắc uẩn là do bốn đại hợp thành. Bốn đại ấy tức là phạm vi của đất, nước, lửa, gió, từ đó lại sinh ra năm yếu tố thuộc về sắc thể là: hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và sự xúc chạm. Bốn đại như thế cùng với năm yếu tố thuộc sắc thể ấy, mỗi thứ đều không thể tìm thấy tự tánh. Các pháp khác cũng đều giống như vậy cả. Cho nên biết được rằng hình sắc là hư dối không thật. Từ đó biết rằng [tánh thật của] sắc uẩn là không. Cũng như do thân cây mà có bóng cây, khi cây mất đi thì bóng cây cũng không còn.

Sắc uẩn là như thế, thọ uẩn cũng giống như thế. Thế nào gọi là cảm thọ? Cảm thọ có ba loại: cảm thọ khổ, cảm thọ vui và cảm thọ không khổ không vui. Ba loại cảm thọ ấy đều làm nhân và duyên hỗ tương cho nhau.

Cảm thọ cũng có thể phân ra hai loại: cảm thọ của thân và cảm thọ của ý. Thân phụ thuộc hoàn toàn vào sắc uẩn, nên tự nó không thể hiện hữu được. Nhưng nếu không có thân tất nhiên không có cảm thọ [của thân], cũng không thể nói, không thể giải thuyết, không ngắn, không dài, không sắc, không tướng, không chân thật, không vướng mắc, vì không thể hay biết.

Cảm thọ của thân là như vậy, cảm thọ của ý cũng giống như vậy. Thọ uẩn là như vậy, nên thấy rằng [tánh thật của] thọ uẩn là không.

Tưởng uẩn cũng là hư dối không thật, vì nó tùy thuộc hoàn toàn vào các tư tưởng duyên theo, mà các tư tưởng duyên theo đó đều không thể tìm thấy được tự tánh, tức là không thật có. Các tư tưởng duyên theo đã không thật có, nên thấy rằng [tánh thật của] tưởng uẩn là không.

Tưởng uẩn là như vậy, hành uẩn cũng giống như vậy, vì các hành do tâm tạo ra như ý niệm hiền thiện, sự ghi nhớ v.v… đều không [có ai là chủ] sở hữu. Những gì do tâm pháp ấy sanh ra như hình sắc, âm thanh v.v… cho đến các uẩn, mỗi thứ đều không có chỗ sinh. Cho nên biết được tướng nghiệp của hành uẩn vốn không thật, cũng không có [một cái ta nào là] chủ tể, liền thấy được rằng [tánh thật của] hành uẩn là không.

Hành uẩn là như vậy, thức uẩn cũng giống như vậy. Cho đến [đối với] nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý thì các thức [tương ứng] như nhãn thức, nhĩ thức v.v… mỗi thứ đều không thể nào tìm thấy tự tánh. Như con mắt nhờ duyên có hình sắc, từ duyên ấy mới sinh ra [nhãn] thức. Vậy nếu không có duyên tất nhiên không thể sinh ra thức, nhưng các yếu tố như con mắt với hình sắc và sắc uẩn đều không thể phân biệt chia tách. Nếu phân tách con mắt với hình sắc tức không còn [tính chất của] con mắt với hình sắc nữa, và [nhãn] thức không có chỗ nào để sinh ra.

Nhãn thức là như vậy, cho đến nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức cũng đều như vậy. Do vậy biết rằng các thức ấy đều nương theo, dựa vào [thức thứ bảy là] mạt-na thức. Do nương theo, dựa vào mạt-na thức nên liền phát sinh ra các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại.

Vì sao [nói rằng] các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại [đều không thật]? Đó là vì pháp quá khứ đã diệt mất, pháp vị lai còn chưa sinh ra, pháp hiện tại thì [liên tục biến chuyển] không trụ yên. Do [thức uẩn dựa vào các pháp không thật này] nên biết rằng [tánh thật của] thức uẩn là không.

Như vậy lần lượt đề cập đến [năm] uẩn, [sáu] xứ, [mười tám] giới, mỗi một yếu tố như vậy đều phân biệt thấy rằng tự tánh của chúng đều là không. Nên nói rằng [tâm Bồ-đề] kia không phải không có tánh, đó là lời chân thật. Ví như không có hạt giống thì không thể sinh ra mầm cây, [nên tâm Bồ-đề kia làm sao lại không có tánh thật?] Cho nên nói rằng các yếu tố như uẩn, xứ, giới v.v… cũng là lìa khỏi sự giữ lấy và buông bỏ.

Vì sao [nói rằng] tâm Bồ-đề không có giữ lấy, không có buông bỏ? Như Phật có dạy Bồ Tát Bí Mật Chủ [Chấp Kim Cang] rằng: “Tâm Bồ-đề ấy đức Như Lai Ứng [cúng], Chánh đẳng giác đã rõ biết. Tâm ấy không phải xanh không phải vàng, không phải đỏ không phải trắng, chẳng phải màu hồng chẳng phải màu [trong suốt như] pha lê, chẳng phải ngắn chẳng phải dài, chẳng phải tròn chẳng phải vuông, chẳng phải sáng rõ chẳng phải tối tăm, chẳng phải nữ chẳng phải nam, cũng chẳng phải không nam không nữ… Lại nữa, này Bồ Tát Bí Mật Chủ, tâm Bồ-đề không phải tánh Dục giới, không phải tánh Sắc giới, không phải tánh chư thiên cõi trời, cũng chẳng phải tánh của các loài dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, loài người hoặc loài phi nhân, thậm chí nếu dùng hết thảy trí hiểu biết để tìm cầu cũng không thể được.”

Như vậy không thể có việc nắm giữ tâm ấy, làm sao nói là có sự buông bỏ? Lại nữa, như Phật có dạy Bồ Tát Bí Mật Chủ [Chấp Kim Cang] rằng: “Tâm Bồ-đề chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải khoảng giữa, cho nên không thể tìm cầu mà được. Ý ông nghĩ sao về việc ấy? Đó là vì tự tánh vốn luôn tịch tĩnh. Lại nữa, này Bồ Tát Bí Mật Chủ, tâm Bồ-đề kia nếu dùng hết thảy trí hiểu biết để tìm cầu còn không thể được, làm sao có thể giữ lấy hay buông bỏ?”

[Thấu hiểu được] như vậy thì đối với các pháp có thể lìa được sự giữ lấy hay buông bỏ, thấy tất cả đều bình đẳng, không có tự ngã. Nói tất cả pháp vô ngã cũng chính là như vậy. Như Phật có dạy, tâm Bồ-đề cũng là như thế. Hết thảy các pháp đều là không, vô tướng, vô ngã. Các pháp vốn tịch tĩnh, không có hình tướng tịch tĩnh. Tâm vốn là bình đẳng, xưa nay vốn không sinh, cũng chẳng phải không sinh.

Lại hỏi: Thế nào là tánh [chân thật]?

Đáp rằng: Đó là tánh Không.

Hỏi: Không, sao lại là tánh?

Đáp: Đó là nói tánh giống như hư không. Như Phật có dạy: “Tánh của hư không không thể lấy gì để so sánh thí dụ được. Tâm Bồ-đề cũng giống như vậy.” Tên gọi Bồ-đề đó chẳng phải tánh, chẳng phải tướng, không sinh không diệt, chẳng phải giác ngộ chẳng phải không giác ngộ. Nếu có thể nhận hiểu rõ biết đúng thật như vậy, đó gọi là tâm Bồ-đề.

Lại nữa, như Phật có dạy: “Này Bồ Tát Bí Mật Chủ, đối với bản tâm của chính mình có thể nhận hiểu rõ biết đúng thật, đối với các pháp không hoặc pháp có đều không có chỗ đạt được, như thế gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Lại nữa, này Bồ Tát Bí Mật Chủ, trước tiên nên như thật quán chiếu nơi tự bản tâm mình cho trọn vẹn, rồi sau đó mới phát khởi phương tiện quán chiếu nơi chúng sinh. [Quán chiếu chúng sinh rồi liền] biết rằng chúng sinh đối với tự tánh giác ngộ của chính mình không tự rõ biết như thật, nên mới khởi sinh tâm nghi ngờ sai lệch, điên đảo bám chấp vướng mắc, do đó phải nhận chịu đủ mọi nỗi khổ lớn lao trong luân hồi. Ta do [quán chiếu thấy được] điều đó nên khởi tâm đại bi, khiến cho chúng sinh đối với pháp trong tâm của chính mình có thể đúng như thật chứng biết giác ngộ. [Phát tâm đại bi thương xót chúng sinh] như thế gọi là tâm Bồ-đề, gọi là tâm lợi ích [chúng sinh], tâm an vui [chúng sinh], tâm tối thượng, tâm giác ngộ hiền thiện trong pháp giới.

Dùng sự nhận biết [rõ ràng đúng thật] như thế mà nhiếp phục, giáo hóa chúng sinh, đó gọi là tâm Bồ-đề.

Người phát khởi tâm Bồ-đề ấy đạt được phước đức rộng lớn như hư không, không có giới hạn. Công đức của người ấy như biển lớn, cũng mênh mông không thể đo lường. Thời gian kiếp số cũng có lúc cùng tận, nhưng công đức của người ấy không thể cùng tận.

Như thế gọi là phát tâm Bồ-đề tối thượng, căn bản của Trí tuệ hiểu biết tất cả.

    Xem thêm:

  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Pháp Thiên Thủ Quán Âm Tạo Thứ Đệ - Kinh Tạng
  • Bồ Tát Đại Thánh Diệu Cát Tường Dạy Trừ Tai Giáo Linh Pháp Luân - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Nhứt Thiết Bí Mật Tối Thượng Danh Nghĩa Đại Giáo Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Đức Phật Nói Về Hương Giới Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Tiên Nhơn Nói Phương Thuốc Cho Người Nữ - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Giải Thích Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Bố Đàn Pháp Tu Dược Sư - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 30 – Kinh Tướng (Lakkhana Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ - Kinh Tạng
  • Tịnh Lưu Ly Tịnh Độ Tiêu - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Quảng Tụ - Kinh Tạng
  • Kinh Độ Chư Phật Cảnh Giới Trí Quang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Giải Thâm Mật - Kinh Tạng