Kinh Bảy Người Nữ

Phật Thuyết Thất Nữ Kinh

Ngô Chi Khiêm dịch

Bản Việt dịch của Thích Tâm Nhãn

***

Nghe như vầy. Một thời đức Phật ở trong vườn cây Phân-nho-đạt nước Câu-lưu, cùng một ngàn vị A-la-hán, năm trăm vị Bồ Tát và Chư thiên, rồng, quỉ thần.

Bấy giờ, trong núi Câu-lưu có một Bà-la-môn tên Ma-ha-mặt tham lam keo kiệt không tin Phật pháp. Ông ta rất giàu có của cải châu báu, ngọc quí, ngựa trâu, ruộng vườn nhà cửa nhiều vô số, lại có trí tuệ không ai bằng. Vì vậy mà được làm thầy trong nước, không những thế ông có năm trăm đệ tử và được quốc vương, đại thần kính mộ. Bà-la-môn này có bảy người nữ đoan chánh ăn nói không ngoan thông suốt không ai bằng. Từ đầu đến chân trang sức kim ngân ngọc châu anh lạc trắng, ăn mặc trang điểm y phục theo thời và thường được năm trăm người nữ hầu hạ. Họ thường tự cao, ỷ mình đoan chánh, ỷ mình giàu có, mỗi khi đàm luận với mọi người trong nước họ bảo vạn bật thường còn lấy đó làm đắc thắng.

Bấy giờ, có một người cư sĩ tên Phân-nho-đạt nghe bảy người nữ này rất đẹp liền đến chỗ Bà-la-môn nói:

-Ông tự rêu rao nhà ông có người nữ đoan chánh. Tuy nhiên, nếu đi khắp trong nước có người trách mắng người nữ này thì ông phải thua tôi năm trăm lạng vàng, còn nếu không ai trách mắng thì tôi thua ông năm trăm lạng vàng.

Sau đó suốt mười chín ngày bảy người nữ Bà-la-môn này đi biểu diễn rêu rai khắp trong nước nhưng không có ai nói người nữ này xấu, Bà-la-môn liền được năm trăm lạng vàng. Phân-nho-đạt bảo Bà-la-môn:

-Đức Phật ở gần vườn Kỳ-thọ. Ngài biết sự việc hiện tại, quá khứ, tương lai và nói lời chơn thật không nói hư vọng. Chúng ta đi đến đó đức Phật sẽ nói cho biết.

Bà-la-môn nói: “Tốt lắm”!

Rồi cùng quyến thuộc năm trăm người và trong nước có năm trăm người nữ cùng nhau đến chỗ Phật.

Bấy giờ, đức Phật vì vô số người nói pháp. Mỗi người đến trước đảnh lễ Phật rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn đến trước đức Phật bạch:

Thưa Cù-đàm! Ngài thường đi đến nhiều nước chắc có thấy người nữ đoan chánh, vậy có người nào đoan chánh bằng người này không?

Đức Phật liền quở trách:

-Người nữ này không đoan chánh xinh đẹp, toàn thân xấu xí không có chỗ nào là đẹp cả.

Bà-la-môn hỏi Phật:

-Khắp trong nước không có người nào chê cô ta xấu. Nay chỉ riêng Cù-đàm chê người nữ này xấu, vì sao?

Bà-la-môn hỏi tiếp: “Người đời lấy gì làm đẹp”?

Đức Phật nói:

-Người thế gian mắt không tham sắc, tai không ghi nhận tiếng ác đó là tốt đẹp. Mũi không ngửi mùi thơm, miệng không nếm vị đó là tốt đẹp. Tay chẳng lấy tài vật của người, miệng chẳng nói ác người đó là tốt đẹp. Không cống cao, không nói thêu dệt, biết mình từ đâu sanh đến và chết đi về đâu, đó là tốt đẹp. Tin bố thí sẽ được phước, đó là tốt đẹp. Tin Phật, tin pháp, tin Tỳ-kheo Tăng, đó là tốt đẹp.

Đức Phật bảo Bà-la-môn:

Sắc đẹp bên ngoài chẳng phải đẹp, thân thể đẹp chẳng phải là đẹp, thân thể đẹp chẳng phải đẹp, khéo nói lời ỷ ngữ chẳng phải đẹp, tâm ngay thắng ý đoan chánh mới thật là đẹp.

Khi ấy, Phân-nho-đạt được trả lại năm trăm lạng vàng. Đức Phật bảo Bà-la-môn:

-Ngày xưa có thành tên là Ba-la-nại, từ dưới đất có đức Phật vọt lên, các đức Phật đương lai đã ngồi trên toà. Bấy giờ, có quốc vương tên là Cơ-duy-ni làm Ưu-bà-tắc hiểu rõ kinh điển và đức Phật làm tịnh xá. Vua có những tỳ nữ làm Ưu-bà-di cũng hiểu rõ kinh điển, trí tuệ đoan chánh vô song. Toàn thân họ đều được trang sức kim ngân hổ phách chân bảo, y phục quí giá. Người nữ thứ nhất tên Tu-đam, người nữ thứ hai tên Tu-đam-ma, người nữ thứ ba tên Tỳ-kheo Ni, người nữ thứ tư tên Tỳ-kheo-la-truy, người nữ thứ năm tên Sa-môn-ni, người nữ thứ sáu tên là Sa-môn-mật, người thứ bảy tên Tăng-đại-tất-đam. Bảy người nữ này vì Chánh pháp Phật luôn giữ gì trai giới.

Một hôm khi bố thí xong, họ cùng nhau đi đến cung điện vua cha thưa rằng:

-Chị em chúng con muốn cùng nhau đi đến nghĩa địa xem chơi.

Vua nói:

Nghĩa địa rất đáng sợ. Nơi ấy toàn là những xương cốt, râu tóc, tay chân hình hài của những người chết vung vãi trên đó. Trong đó đầy dãy những điều bi ai khóc lóc, hổ, lang, kênh, quạ đến ăn máu của những người chết. Chị em con vào trong đó làm gì? Trong cung cha có vườn cảnh, ao tắm, có chim bay, uyên ương cùng nhay vui hót, các loài hoa cỏ cây lá kỳ lạ năm sắc đẹp mắt, trái cây mát ngọt tuỳ ý mà dùng, thật là chỗ vui chơi sướng nhất. Cớ chi chị em các con vào trong nghĩa địa để làm gì?

Bảy chị em liền thưa:

Tâu phụ vương! Những trái cây ngon ngọt tuyệt trần nào có ích gì. Chúng con thấy người thế gian đến lúc già yếu, mạng sống thoi thóp chết đến nơi, con người không ai là không chết. Chúng con thường bị các món ăn làm mê hoặc, chị em con không còn nhỏ nữa, xin cha thương cảm cho chị em con ra ngoài thành quán thân người chết.

Họ xin như vậy ba lần. Vua nói:

-Thôi được! cha cho phép các con làm việc đó.

Bấy giờ, bảy người nữ cùng năm trăm nữ hầu trang hoàng xe ngựa ra khỏi hoàng cung. Họ cỡi bỏ anh lạc xuống đất, làm cho trong nước có hơn ngàn người thấy, theo sau vui mừng thu lượm châu ngọc. Đến nghĩa địa ở ngoài thành là chỗ bất tịnh rất hôi thối chỉ nghe tiếng khóc lóc. Những người nữ hầu và người dân đứng yên, toàn thân cảm giác rùng rợn. Bảy người nữ đi đến thấy những người chết, trong đó: có người mất đầu, có người mất tay chân, có người mất tai, mũi, có người chết hoặc chưa chết, có quan tài, có người ở trong quan tài, có người nằm trên chiếu, có người bị trói buộc. Gia đình họ khóc lóc đều muốn cho người chết được giải thoát. Bảy người nữ nhìn xung quanh thấy quá nhiều người chết. lại có kẻ mạng người chết từ bốn phía đi lại làm cho các loài chim thú tìm đến giành nhau ăn thịt. Thân người chết sình trướng máu mủ chảy ra. Trong bụng vạn ức côn trùng lúc nhúc chui ra hôi thối không thể chịu nỗi. Bảy người nữ không bịt mũi đến trước đó đi quanh một vòng rồi cùng nhau nói rằng:

Không bao lâu, thân thể chị em chúng ta cũng hôi thúi như vậy.

Người thứ nhất nói: “Mỗi người có thể làm một bài kệ giúp cho thần hồn của người chết được giải chăng”.

Sáu người kia đều đáp: “Hay lắm!”

Người thứ nhất nói: “Người này khi còn sống, thân thể mặc y phục đẹp trang sức hương thơm, ở giữa mọi người đi đứng dịu dàng thuỳ mị. Cặp mắt nhỏ long lanh kỳ diệu ai cũng muốn nhìn. Nay chết ở đây, Hằng ngày gió thổi mùi thịt. Vậy người làm chủ thuỳ mị nay ở chỗ nào?”

Người thứ hai nói:

-Như con chim ở trong lồng bị nhốt kín không thể bay được. Nay lồng bị phá vỡ chim bay đi.

Người thứ ba nói:

-Như người lái xe giữa đường bỏ xe, xe không thể tiếp tục chạy, người làm chủ điều khiển xe chạy được. Vậy nay chủ nó ở đâu?

Người thứ tư nói:

-Ví như người lên thuyền mà đi, nhiều người được chở qua sông rồi lên bờ bở thuyền. Người bỏ thân này cũng như thuyền vậy.

Người thứ năm nói:

-Như có thành vách kiên cố, trong thành nhiều người sinh sống. Nay thành biến mất không biết người dân sống ở chỗ nào?

Người thứ sáu nói:

-Người chết nằm đây y như áo từ đầu đến chân vẫn còn nguyên đẹp không mất hay mục nát. Nay người này không thể đi cũng không thể hoạt động. Vậy người ấy đang ở chỗ nào?

Người nữ thứ bảy nói:

-Như người sống độc thân khi ra khỏi nhà mình, trong nhà trống không có người coi giữ. Nhà sẽ lần lần hư hoại.

Lúc ấy, có Đệ nhị Đao Lợi Thiên Vương Thích-đề-hoàn-nhơn ngay chỗ ngồi bị dao động vì nghe bảy người nữ nói kinh. Trong chốc lát, ông từ thiên cung hạ giới đến chỗ bảy người nữ và khen bảy người nữ nói kinh rất hay. Ông ta nói:

-Các cô muốn ước nguyện gì, Tôi sẽ vì các cô làm cho được như sở nguyện.

Bảy người nữ cùng hỏi:

-Ông là Trời Đế Thích hay Phạm Thiên? Không thấy Ông đến mà sao tự nhiên ở trước mặt chúng tôi?

Ông ta đáp:

Tôi là Thích-đề-hoàn-nhơn nghe các cô nói pháp rất hay nên Tôi đến đây. Bảy người nữ nói:

-Có phải Ông là vị trời thứ hai trên cung trời Đao Lợi tối tôn, là người muốn giúp chúng tôi được như sở nguyện phải không? Vậy chị em chúng tôi sẽ nói sở nguyện của mình.

Người nữ thứ nhất nói:

-Tôi nguyện muốn được sống chỗ cây không gốc rễ nhánh lá. Đó là sở nguyện của tôi.

Người nữ thứ hai nói:

-Tôi muốn ở trên chỗ đất không hình bóng, không có đầu mối âm dương. Tôi nguyện sống ở đó.

Người nữ thứ ba nói:

-Người ở trong núi sâu, nói to âm vang vọng bốn phương đều nghe mà không biết chỗ họ ở. Tôi nguyện sống ở đó.

Thích-đề-hoàn-nhơn liền nói:

-Xin thôi! Tôi không thể làm theo sở nguyện của các cô. Các cô muốn được làm Thích, Phạm, tứ Thiên-vương, mặt trời, mặt trăng chính giữa tối tôn thì có thể được. Nay ước nguyện của các cô thật tôi không đáp ứng được.

Bảy người nữ nói:

-Là vị cao cả đọc tôn có oai thần sao không đáp ứng được những ước nguyện ấy? Ông giống như con trâu già không thể kéo xe, không thể cày bừa, không có ích gì cho chủ.

Thích-đề-hoàn-nhơn nói:

“Ta nghe các cô nói kinh nên đến nghe, Ta chẳng biết những điều nguyện đó.” Rồi cáo lỗi xin lui.

Bảy người nữ im lặng không nói. Lúc ấy, trong không trung có vị trời nói:

Nay chỉ có đức Phật Ca-diếp ở gần Duy-vu-lặng-tụ, sao không đến đó hỏi ngài.

Bảy người nữ nghe rất vui mừng cùng năm trăm nữ hầu đi đến đó. Trong nghĩa địa tang vong bi ai khóc lóc lại có năm trăm người phát tâm đi theo.

Khi ấy, đức Phật Ca-diếp vì vô số ngàn người nói pháp. Tất cả đến trước đức Phật Ca-diếp đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Thích-đề-hoàn-nhơn bạch Phật:

-Vừa rồi con nghe bảy người nữ của quốc vương nói kinh nên đến nghe. Vì cảm kích nên đã yêu cầu họ ước nguyện; họ ước nguyện: “Tôi nguyện sống ở chỗ cây không có gốc rễ, cành lá, chỗ vô hình không có đầu mối âm dương. Trong thâm sơn cùng cốc nói to bốn phương đều nghe mà không biết chỗ ở.” Con không thể đáp ứng được, cúi xin Thế-Tôn vì bảy người nữ giải nói ý muốn của họ.

Đức Phật Ca-diếp bảo:

-Hay thay! Chỗ hỏi của các cô thật quá sâu xa. Việc này La-hán, Bích-chi Phật còn không thể biết huống gì là Ông.

Khi đó, Ngài mỉm cười, ánh sáng năm sắc từ miệng phóng ra chiếu khắp cõi Phật, trở lại nhiễu quanh thân Ngài rồi từ đỉnh nhập vào. Thị giả đến trước quì gối hỏi:

-Phật cười không duyên cớ, nguyện xin nghe ý đó.

Đức Phật Ca-diếp bảo Tát-bà-la:

-Ông thấy những người nữ này không.

-Dạ thấy.

-Bảy người nữ của quốc vương đây phát tâm Vô-thượng-bồ-đề, đã cúng dường năm trăm đức Phật, sẽ báo đáp vạn đức Phật, mười kiếp sau đều sẽ thành Phật đồng một hiệu là Phục-đa-la-bôn. Cõi Phật tên là Thư-đà-la, đức Phật đó thọ ba vạn tuổi. Nhân dân cõi này ăn uống, y phục vật sở hữu giống như ở trên trời Đao-lợi thứ hai. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn đạo lý kinh sách lưu bố đến tám nghìn năm mới tận diệt. Khi đức Phật này thuyết pháp sẽ độ được bảy mươi lăm ức vạn người đắc đạo Bồ Tát và La-hán.

Lúc đức Phật Ca-diếp thọ ký riêng cho bảy người nữ, họ vui mừng hớn hở bay lên trụ ở hư không cách đất hai mươi trượng, từ đầu đến chân, tất cả đều hoá thành nam tử đắc quả bất-thối-chuyển. Năm trăm người hầu nữ cùng một ngàn năm trăm người và chư thiên thấy bảy người nữ hoá thành nam tử, họ vui mừng hớn hở đều phát tâm Vô-thương-bồ-đề. Một nghìn người xa lìa trần cấu đắc được pháp nhãn.

Phật bảo Bà-la-môn: Bảy người nữ của quốc vương đoan chánh an vui, giàu có phú quí con không muốn giữ cái thân tốt đẹp, là vì sao? Vì nhớ nghĩ thân chẳng thường, biết thân này không thể sống lâu được. Tất cả người thế gian vì ngu si còn nằm trong thập nhị nhân duyên nên có sanh tử. Người đời đều do ân ái nên từ sanh đến già, từ già đến bệnh, từ bệnh đến chết, từ chết đến khóc lóc tận cùng đều đau khổ. Người đời từ ân ái sanh ra nên tự quán thân mình và thân người khác nhân đó phát khởi thấy thân bất tịnh hôi thúi, đờm giãi lạnh nóng, nước mắt, nước mũi chảy ra. Như vậy một khi thân hoại tự nhiên sanh giòn, nó trở lại ăn thịt thân, xương cốt, tay chân tiêu thành tro đất. Phải nhớ thân ta chết sẽ như vậy. Không nên tự hào cho thân này là đẹp, và chẳng phải thường. Nếu người làm điều lành không cống cao ỷ ngữ thì sau khi chết được sanh lên trời. Nếu người làm việc ác sẽ đọa trong địa ngục. Người nữ sở dĩ đọa trong địa ngục nhiều là vì sao? là vì họ nhiều đố kỵ ghen ghét.

Khi đức Phật nói lời này, những người nữ Bà-la-môn hân hoan vui mừng, cỡi trân bảo trên thân tung rãi cúng dường Phật. Nhờ oai thần của Phật làm cho những thứ đó trụ giữa hư không, hoá thành bảo cái, trong bảo cái có tiếng nói: “Hay thay! như lời Phật nói không có sai khác.” Lúc đó, đức Phật cảm động liền dùng oai thần, từ trên chỗ ngồi dùng ngón chân ấn xuống đất làm cho ba ngàn đại thiên thế giới đều rúng động. Ánh sáng chiếu khắp mười phương, cây khô trăm năm sanh hoa quả, các khe rạch khô tự nhiên có nước, những nhạc khí không đánh tự kêu. Vàng ngọc châu báu của những người nữ đều tự phát ra âm thanh. Người mù thấy được, người điếc nghe được. Người câm nói được. Người gù được thẳng lưng. Người chân tay bị bệnh được hết. Người bị điên cuồng được trở lại bình thường. Người bị trúng độc, độc không làm hại. Người bị bắt được thả ra. Trăm chim muôn thú cùng nhau hoà vui múa hát. Bấy giờ, người dân trong nước Câu-lưu không có người nam, người nữ nào mà không vui mừng hoan hỷ, đồng hoà hợp như được đắc thiền. Khi đức Phật biến hoá, vua nước Câu-lưu xả bỏ châu báu vui mừng phấn khởi cùng trăm đại thần Bà-la-môn nữ và quyến thuộc Bà-la-môn năm trăm người đều phát tâm Vô-thượng-bồ-đề. Lại có năm trăm Tỳ-kheo đắc A-la-hán, trong nước có năm trăm người được quả Tu-đà-hoàn. Đức Phật nói kinh xong Bồ Tát, Tỳ-kheo Tăng, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, quốc vương đại thần trưởng giả nhân dân, Chư thiên, rồng, quỉ thần rất vui mừng đến trước cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh Phật Dạy Vua Ưu Điền Dùng Chánh Pháp Trị Nước - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Kinh Tạng
  • Đại Đường Tây Vực Ký - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 16 – Phóng Sanh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 02 – Kính Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 46 - Kinh Tạng
  • A Di Đà Thông Tán Sớ - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 23 – Kinh Tệ Túc (Pàyàsi Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Ly Thùy - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 42 - Kinh Tạng
  • Kinh Thắng Quân Hóa Thế Bách Luận Già Tha - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Tu Đại Noa - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Như Huyền dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng