1
2
3

Kinh Đại Bát Niết Bàn

Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經]

Đông Tấn Pháp Hiển dịch

Việt dịch: Thích Tâm Châu

***

QUYỂN THƯỢNG

I. DUYÊN-KHỞI NIẾT-BÀN

Chính tôi (A-Nan) được nghe: Một thời kia đức Phật ở Trùng-Các giảng-đường, trong khu rừng lớn Tỳ-Da-Ly (Vaisàli), cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Tỳ-Khưu.

Khi ấy, đức Thế-Tôn cùng ông A-Nan, một buổi sáng nọ, mặc áo, mang bát vào thành khất-thực. Khất-thực rồi, trở về nơi cũ.

Khi ăn cơm xong, súc miệng, rửa thực-dụng, thu xếp áo, bát, đức Phật bảo ông A-Nan: “Ông cầm giúp tôi cái ngọa-cụ. Nay tôi muốn đến nơi tháp Già-Ba-La, nhập-định tư-duy”. Đức Phật nói lời ấy rồi, Ngài liền cùng ông A-Nan đi đến nơi kia.

Đến nơi kia, ông A-Nan trải ngọa-cụ, đức Phật ngồi. Lúc đó, đức Thế-Tôn ngồi kết gia-phu[2], im lặng suy-nghĩ. Khi ấy ông A-Nan cũng ở riêng một nơi, đoan-tọa nhập-định, nhưng cách nơi Phật ngồi không mấy.

Trong giây lát, đức Thế-Tôn từ trong thiền-định tỉnh dậy, Ngài gọi ông A-Nan, bảo: “Nơi Tỳ-Da-Ly đây, có nhiều tháp rất yêu quý, như tháp Ưu-Đà-Diên, tháp Cồ-Đàm, tháp Am-La, tháp Đa-Tử, tháp Sa-La, tháp Già-Bà-La”.

Ông A-Nan! Người được bốn phép Thần-túc[3] còn có thể ở trong cõi thọ trọn một kiếp hay non một kiếp, huống là Như-Lai nay có sức thần-thông lớn-lao, há lại không thể ở trong cõi thọ được một kiếp hay non một kiếp?”

Đức Thế-Tôn đã mở ra cái cửa: “Có thể thỉnh đức Thế-Tôn lưu lại thế-gian” như thế, để dạy ông A-Nan, nhưng, khi ấy ông A-Nan vẫn im-lặng, không hiểu biết chi cả.

Đức Thế-Tôn ân-cần nói đến ba lần, ông A-Nan vẫn bâng-khuâng không giải-ngộ được và không thỉnh đức Như-Lai ở lại cõi thọ trong một kiếp hay non một kiếp, đem lại lợi-ích cho chư Thiên và nhân-dân trong thế-gian. Sao vậy? Ông A-Nan bị Ma-Vương mê-hoặc.

Đức Thế-Tôn nói lời ấy đến ba lần, thấy tâm ông A-Nan vẫn không khai-ngộ, Ngài liền im-lặng.

Bấy giờ, Ma-Vương[4] đến nơi đức Phật, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn! Nay đấng Thiện-Thệ[5] nên nhập Niết-Bàn! Sao vậy? Trước khi Thế-Tôn ở bên bờ sông Ni-Liên-Thiền (Nairanjana) con khuyến-thỉnh Thế-Tôn nhập Niết-Bàn, nhưng, lúc ấy Thế-Tôn thấy con khuyến-thỉnh như thế, Ngài đáp: “Nay bốn bộ-chúng của Tôi là Tỳ-Khưu (Bhiksu), Tỳ-Khưu-Ni (Bhiksuni), Ưu-bà-tắc (Upàsaka), Ưu-bà-di (Upàsikà) chưa được đầy đủ và chưa hàng-phục được các ngoại-đạo, nên Tôi chưa nhập Niết-Bàn”. Lạy đức Thế-Tôn! Nay bốn bộ-chúng của đức Thế-Tôn đã đầy đủ, đã hàng-phục được các ngoại-đạo và những sự đáng làm, đều đã làm xong, vậy đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn!”

Khi Ma-Vương thỉnh ba lần như thế, đức Như-Lai liền đáp: “Quý hóa thay! Trước kia bên bờ sông Ni-Liên-Thiền, Tôi đã hứa với ông là bốn bộ-chúng của Tôi chưa được đầy đủ; cho tới nay, nay đầy đủ rồi, sau đây ba tháng Tôi sẽ nhập Niết-Bàn!”

Ma-Vương nghe đức Phật nói lời ấy rồi, vui mừng hớn-hở, trở về Thiên-cung.

Ngay khi ấy đức Thế-Tôn liền xả tuổi thọ thế-gian, dùng sức thần-thông, trụ lại nơi thân-mệnh trong ba tháng.

Lúc đó, trên cõi đất này có mười tám tướng rung-động, trống cõi trời tự nhiên kêu và do sức thần-thông của Phật, tự-nhiên trong không có lời xướng lên rằng: “Đức Như-Lai không bao lâu nữa sẽ nhập Niết-Bàn.” Chư Thiên, nhân-dân, chợt nghe tiếng nói ấy, tâm rất buồn rầu, khắp mình ửng huyết.

Đức Thế-Tôn, ngay tại nơi kia, nói bài kệ rằng:

Hết thảy mọi chúng-sinh,

Theo “hữu” (có) mà sinh-tử.

Ta nay cũng sinh-tử,

Nhưng không theo nơi “hữu”.

Mọi hành-tướng tạo-tác,

Ta nay muốn vứt bỏ.[6]

Đức Thế-Tôn nói bài kệ ấy rồi, Ngài lại ngồi im-lặng.

II. A-NAN KHẢI-THỈNH

Khi ấy ông A-Nan thấy cõi đất rung-động, tâm sợ-hãi quá ông mới tự-nghĩ: “Cớ sao ngày nay bỗng có sự-tướng ấy. Và, việc như thế, không phải là duyên nhỏ, nay ta nên đến hỏi đức Thế-Tôn!”

Nghĩ thế rồi, ông A-Nan liền từ tòa ngồi của mình đứng dậy, đến trước đức Phật, đầu mặt lễ xuống chân Phật, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Lúc nãy con ở riêng nơi kia, ngồi thiền suy nghĩ, bỗng đâu con thấy cõi đất này có mười tám tướng rung động; con lại nghe thấy những tiếng trống của cõi trời trong hư-không, tâm con sợ quá, không biết tướng ấy là nhân-duyên gì, kính xin đức Thế-Tôn chỉ-giáo cho!”

Đức Phật dạy: “Ông A-Nan! Cõi đất này rung-động vì tám nhân-duyên: Một là cõi đất nhờ nước mà đứng vững, nước này nhờ guồng gió mà còn, gió này nhờ hư-không mà trụ. Trong hư-không có lúc gió mạnh bốc lên, thổi vào guồng gió kia, guồng gió kia động; guồng gió kia đã động, nước kia cũng động; nước kia đã động, cõi đất này động. Hai là, các vị Tỳ-khưu hoặc Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tu về thần-thông, mới được thành-tựu, các vị muốn tự thí-nghiệm, nên cõi đất này động. Ba là, khi Bồ-tát (Bodhissattva) ở nơi cung trời Đâu-Xuất (Tusita), sắp giáng-thần vào mẫu-thai, nên cõi đất này động. Bốn là, khi Bồ-tát mới sinh từ nơi hông bên hữu ra, nên cõi đất này động. Năm là, khi Bồ-tát bỏ cung vua xuất-gia, học đạo, thành Nhất-thiết-chủng-trí[8], nên cõi đất này động. Sáu là, khi Như-Lai thành đạo, bắt đầu vì Nhân, Thiên chuyển pháp-luân[9], nên cõi đất này động. Bảy là, khi Như-Lai xả tuổi thọ thế-gian, dùng sức thần-thông trụ lại nơi thân-mệnh, nên cõi đất này động. Tám là, khi Như-Lai nhập Niết-Bàn, nên cõi đất này động. Ông A-Nan! Ông nên biết nhân-duyên của cõi đất này động, có tám sự như thế!”

Ông A-Nan! Có tám bộ-chúng: Một là, Sát-lỵ[10]. Hai là, Bà-la-môn[11]. Ba là, Trưởng-giả[12], Cư-sĩ[13]. Bốn là, Sa-môn[14]. Năm là, Tứ-thiên-vương. Sáu là, Đao-lỵ-thiên. Bảy là, Ma-vương. Tám là, Phạm-vương. Tám bộ-chúng ấy Tôi xem căn-khí của họ, người nào muốn được độ, Tôi tùy chỗ hiện-hình vì họ nói pháp, mà người kia cũng không biết là Tôi nói”.

Ông A-Nan! Có tám chỗ thượng-thắng (thắng-xứ): Một là, trong tâm có tưởng về sắc-tướng, ngoài quán về sắc-tướng ít đi. Hai là, trong tâm có tưởng về sắc-tướng, ngoài quán về sắc-tướng nhiều lên. Ba là, trong tâm không tưởng về sắc-tướng, ngoài quán về sắc-tướng ít đi. Bốn là, trong tâm không tưởng về sắc-tướng, ngoài quán về sắc tướng nhiều lên. Năm là, quán hết thảy sắc đều xanh. Sáu là, quán hết thảy sắc đều vàng. Bảy là, quán hết thảy sắc đều đỏ. Tám là, quán hết thảy sắc đều trắng. Đó là phương-pháp thượng-thắng của người tu-hành về Thiền-định![15]

Lại nữa, Ông A-Nan! Có tám pháp giải-thoát: Một là, trong tâm có tưởng về sắc, ngoài cần quán về sắc. Hai là, trong tâm không tưởng về sắc, ngoài quán về sắc bằng cách suy-nghĩ là bất-tịnh. Ba là, tịnh giải-thoát, Bốn là, không-xứ giải-thoát. Năm là, Thức-xứ giải-thoát. Sáu là, Vô-sở-hữu-xứ giải-thoát. Bảy là, Phi-tưởng, phi-phi-tưởng-xứ giải-thoát. Tám là, Diệt-tận-định giải-thoát. Tám pháp giải-thoát này cũng là pháp thượng-thắng của người tu-hành về Thiền-định. Nếu ai đạt tới chỗ cứu-cánh của những pháp này, tức là đối với mọi pháp được tự-tại vô-ngại.[16]

Ông A-Nan! Ông có biết không: Trước kia khi Tôi thành-đạo, độ ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvilvàkàsyapa) ở bên sông Ni-liên-thiền, bấy giờ Ma-vương đến chỗ Tôi, thỉnh Tôi rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn! Lạy đấng Thiện-Thệ! Nay đấng Thiện-Thệ nên nhập Niết-Bàn! – Sao vậy? – Những người nên độ, đều được giải thoát cả rồi! Nay chính là lúc đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn!” Ma-vương thỉnh Tôi ba lần như thế, Tôi đáp: “Nay chưa phải lúc Tôi nhập Niết-Bàn! – Sao vậy? – Bốn bộ-chúng của tôi chưa được đầy đủ, những người nên độ, đều chưa đạt tới chỗ cứu-cánh, những đồ-chúng ngoại-đạo, chưa hàng-phục được!” Tôi đáp như thế ba lần, Ma-vương nghe rồi, mang lòng buồn-rầu, trở về Thiên-cung. Do duyên xưa kia, nay Ma-vương lại và lại thỉnh Tôi: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn! Lạy đấng Thiện-Thệ! Nay đấng Thiện-Thệ nên nhập Niết-Bàn! – Sao vậy? – Trước kia khi ở bên bờ sông Ni-liên-thiền, con khuyến-thỉnh đức Thế-Tôn nhập Niết-Bàn, nhưng lúc ấy đức Thế-Tôn thấy con khuyến-thỉnh như thế, Ngài đáp: “Nay bốn bộ-chúng của Tôi là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di chưa được đầy đủ, lại chưa hàng-phục được các ngoại-đạo, thế nên Tôi chưa nhập Niết-Bàn. Lạy đức Thế-Tôn! Nay bốn bộ-chúng của đức Thế-Tôn đã đầy đủ, đã hàng-phục được các ngoại-đạo và những sự đáng làm đều đã làm xong, vậy nay Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn!” Ma-vương thỉnh Tôi đến ba lần như thế, Tôi đáp: “Trước kia bên bờ sông Ni-liên-thiền, Tôi đã hứa với ông bốn bộ-chúng của Tôi chưa được đầy đủ, cho tới nay, nay đầy đủ rồi, sau đây ba tháng Tôi sẽ nhập Niết-Bàn. Ma-vương nghe Tôi nói lời ấy rồi, vui mừng hớn-hở, trở về Thiên-cung. Nơi đây Ta nhận lời thỉnh của Ma-vương rồi, Tôi liền xả tuổi thọ thế-gian, tạm trụ nơi thân-mệnh ba tháng, vì nhân-duyên ấy, nên cõi đất này chấn-động!”

Bấy giờ ông A-Nan nghe đức Phật nói lời ấy rồi, tâm ông buồn-rầu quá, khắp mình ửng huyết, khóc-lóc thướt-mướt, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn thương xót chúng con, ở lại cõi thọ chừng một kiếp hay non một kiếp, đem lại lợi-ích cho chư Thiên và nhân-dân trong thế-gian!”

Ông A-Nan thỉnh đức Thế-Tôn đến ba lần như thế. Lúc đó, đức Thế-Tôn bảo ông A-Nan: “Bây giờ không phải lúc ông thỉnh Như-Lai lưu lại thế-gian nữa! – Sao vậy? – Tôi đã hứa với Ma-vương, sau đây ba tháng Tôi nhập Niết-Bàn, nay ông làm sao thỉnh Tôi lưu lại thế-gian được? Ông A-Nan! Ông thị-giả Tôi từ trước tới nay, ông đã từng nghe thấy Tôi nói hai lời bao giờ chưa? – Ông A-Nan bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Con chưa từng nghe thấy đấng Thiên-Nhân-Sư nói hai lời bao giờ! Trước kia con chỉ từng nghe thấy đức Thế-Tôn, vì bốn bộ-chúng nói pháp rằng: “Người được bốn phép Thần-túc, có thể ở trong cõi thọ trọn một kiếp hay non một kiếp, huống chi Như-Lai là bậc có vô-lượng sức thần-thông tự-tại, nay lại không thể ở trong cõi thọ được một kiếp hay non một kiếp, liền xả tuổi thọ thế-gian, tạm trụ thân-mệnh ba tháng, vậy kính xin đức Thế-Tôn thương xót chúng con, ở lại cõi thọ chừng một kiếp hay non một kiếp!”

Đức Thế-Tôn đáp lời ông A-Nan: “Nay Tôi sở dĩ xả tuổi thọ, chính là do ông! Sao vậy? Ban nãy, tại nơi đây, Tôi hướng vào ông mà nói: “Người được bốn phép Thần-túc còn có thể ở trong cõi thọ trọn một kiếp hay non một kiếp, huống là Như-Lai nay có sức thần-thông lớn-lao, há lại không thể ở trong cõi thọ trọn một kiếp hay non một kiếp? Tôi ân-cần nói như thế đến ba lần, để mở ra cái cửa cho ông khuyến-thỉnh Thế-Tôn lưu lại thế-gian, mà ông cứ im-lặng, từng không có lời thỉnh Tôi ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp, vì thế, nay Tôi chỉ tạm trụ thân mệnh ba tháng, sao nay ông mới thỉnh Tôi trụ lại thế-gian?

Ông A-Nan nghe đức Phật nói lời ấy, biết hẳn là đức Phật quyết nhập Niết-Bàn, không sao khuyến-thỉnh được, tâm sinh đau-khổ, buồn-bã, áo-não, khóc-lóc thướt-mướt, không thể hãm được.

Đức Thế-Tôn thấy ông A-Nan sinh khổ-não quá như thế, Ngài dùng phạm-âm an-ủi: “Ông A-Nan! Nay ông đừng nên sinh tâm lo buồn như thế! Ông nên biết: Các pháp hữu-vi đều như thế cả; hết thảy sự hội-hợp, đều phải biệt-ly!”

Liền đó, đức Thế-Tôn nói bài kệ rằng:

Hết thảy pháp hữu-vi,

Đều quay về vô-thường.

Sự ân-ái hòa-hợp,

Tất về nơi biệt-ly.

Hành-tướng sự vật thế,

Không nên sinh lo buồn!

Bấy giờ, ông A-Nan sa lệ bạch rằng: “Đấng Thiên-Nhân-Sư bậc vô-thượng đại-tôn, không bao lâu nữa sẽ nhập Niết-Bàn, nay con làm sao mà không lo buồn được!” Bạch rồi ông liền bứt đầu, lớn tiếng xướng lên rằng: “Than ôi, khổ lắm! Con mắt của thế-gian mất rồi, không bao lâu nữa chúng-sinh, mất người cha lành!”

Đức Thế-Tôn lại bảo ông A-Nan: “Nay ông không nên sinh tâm lo buồn, dù Tôi có ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp, nhưng hội-hợp rồi cũng phải ly-diệt; tính và tướng của pháp hữu-vi như thế, ông chớ nên đối với việc Tôi nhập Niết-Bàn mà riêng chịu sự đau-khổ! Giờ Tôi muốn trở về Trùng-Các giảng-đường, ông cầm giúp cái ngọa-cụ về!” Liền đó, đức Thế-Tôn cùng ông A-Nan trở về Trùng-Các giảng-đường.

III. NHÓM HỌP ĐẠI-CHÚNG

Đức Thế-Tôn bảo ông A-Nan: “Nay ông đi bảo tất cả các vị Tỳ-Khưu nơi Trùng-Các giảng-đường, trong khu rừng rộng này, đều về cả Đại-tập-đường!”

Ông A-Nan vâng lời đức Phật dạy, liền đi bảo khắp các vị Tỳ-Khưu rằng: “Đức Thế-Tôn bảo các vị về cả Đại-tập-đường!”

Các vị Tỳ-Khưu tập họp đông đủ, ông A-Nan bạch Phật: “Lạy đức Thế-Tôn! Các vị Tỳ-Khưu đều về họp đông đủ, kính xin đức Như-Lai biết cho giờ định họp ấy”!

Khi ấy, đức Như-Lai từ Trùng-Các giảng-đường đến Đại-Tập-đường, Ngài trải tòa ngồi và bảo các vị Tỳ-Khưu: “Xưa kia Tôi vì các vị nói ra mọi pháp, các vị luôn luôn suy-nghĩ và tu-tập những pháp ấy đừng lãng quên! Các vị tu phạm-hạnh cho thanh-tịnh, gìn-giữ giới cấm, làm phúc-lợi cho chư Thiên, nhân-dân thế-gian. Các vị Tỳ-Khưu! Xưa kia Tôi vì các vị nói những pháp gì, các vị nên suy-nghĩ những pháp ấy, chớ sinh biếng-nhác. Tôi nói ba mươi bảy đạo-phẩm pháp như: bốn niệm xứ, bốn chính cần, bốn như-ý-túc, năm căn, năm lực, bảy giác-chi và tám thánh-đạo-phận[17], các vị nên tu-tập, suy-nghĩ tinh-cần những pháp ấy có thể làm cho các vị đến nơi giải-thoát!

Lại nữa, các vị Tỳ-Khưu! Hết thảy các pháp đều thuộc vô-thường, thân-mệnh nguy-ngập, cũng như chớp-giật, các vị không nên sinh ra buông-lung! Các vị nên biết: Như-Lai không bao lâu, chỉ sau ba tháng nữa sẽ nhập Niết-Bàn!”

Bấy giờ, đức Thế-Tôn liền nói bài kệ:

Tôi muốn bỏ thân này,

Tấm thân già suy-yếu.

Nay xả tuổi thọ rồi,

Tạm nương mệnh ba tháng!

Những người nên hóa-độ,

Hết thảy đã xong xuôi;

Thế nên không bao lâu,

Tôi sẽ nhập Niết-Bàn.

Những pháp Tôi nói xưa,

Pháp ấy thầy các vị;

Các vị kính-trọng, giữ,

Tu-tập đừng bỏ quên!

Các vị cần tinh-tiến,

Như Tôi sống khác gì?

Sinh-tử nguy-ngập quá,

Thân-mệnh đều vô-thường!

Thường mong đường giải-thoát,

Đừng tạo hạnh buông-lung!

Niệm chính, quán thanh-tịnh,

Giữ trọn giới cấm răn.

Định-ý, suy-nghĩ thẳng,

Ngoại-cảnh, nén giữ tình.

Nếu ai làm được thế,

Là hộ-trì chính-pháp.

Tự đến nơi giải-thoát,

Lợi-ích cả Nhân, Thiên.

Sau khi các vị Tỳ-Khưu nghe những lời ấy của đức Phật, tâm các vị rất đau khổ, khóc-lóc thướt-mướt, khắp mình ửng huyết, mê buồn áo-não, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn, ở lại cõi thọ, đừng nhập Niết-Bàn, đem lại lợi-ích cho chúng-sinh, làm tăng-trưởng Nhân, Thiên. Kính xin đức Thế-Tôn, ở lại cõi thọ, đừng nhập Niết-Bàn, mở tỏ con mắt trí-tuệ cho chúng-sinh. Hết thảy chúng-sinh sa-đọa trong nơi đen tối, kính xin đức Như-Lai vì họ soi sáng cho họ. Hết thảy chúng-sinh chìm-đắm trong bể lớn sinh-tử, kính xin đức Như-Lai vì họ làm thuyền bè vớt họ!”

Bạch xong, các vị Tỳ-Khưu lại khoa tay, bứt đầu, đấm ngực, kêu to: “Than ôi, khổ lắm! Đức Như-Lai không bao lâu nữa sẽ nhập Niết-Bàn, hết thảy chúng-sinh quy-y vào đâu!”

Đức Thế-Tôn bảo các vị Tỳ-Khưu: “Hết thảy mọi pháp đều thuộc vô-thường, ân-ái hội-hợp, đều phải biệt-ly, các vị không nên thỉnh Tôi lưu lại thế-gian nữa! Sao vậy? – Nay không phải là lúc các vị khuyến-thỉnh Tôi! Trước đây Tôi vì các vị nói những pháp-yếu, các vị nên vâng giữ trọn vẹn, thời như Tôi còn ở đời không khác!”

Ngày đã tối, đức Thế-Tôn cùng ông A-Nan trở về Trùng-Các giảng-đường.

IV. ĐỨC PHẬT GẶP PHÁI LY-XA

Sáng mai đức Thế-Tôn mặc áo, mang bát, cùng ông A-Nan vào thành khất-thực. Khất-thực rồi, Ngài lại trở về Trùng-Các giảng-đường. Ăn cơm xong, Ngài súc miệng, rửa thực-dụng, rồi Ngài cùng các vị Tỳ-Khưu đến thôn Càn-đồ.

Đường đến thôn này phải qua thành Tỳ-Da-Ly. Khi qua thành này Ngài ngoảnh lại, trông hướng lên thành, cười. Ông A-Nan thấy thế, liền cúi đầu đỉnh lễ xuống chân Phật, hỏi đức Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Đấng Vô-Thượng Đại-Tôn cười chắc có nhân-duyên, vậy kính xin đức Thế-Tôn chỉ-giáo cho con được biết!”

Đức Phật đáp: “Ông A-Nan! Sở dĩ Tôi hướng lên thành cười, chính vì nay là lần cuối cùng, Tôi trông thấy thành này vậy!”

Đương lúc Như-Lai thốt lời nói ấy, trong hư-không, không có mây, tự-nhiên mưa. Ông A-Nan thấy thế, lại bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Rất lạ-lùng, hư-không trong-sạch, không có chút khí thấp che phủ nào, bỗng nhiên mưa xuống trận mưa nhiều hạt như thế?”

Đức Phật bảo ông A-Nan: “Ông A-Nan! Ông có biết việc ấy sao không, đấy là chư Thiên trên hư-không, nghe thấy Tôi nói nay là lần cuối cùng Tôi trông thấy thành Tỳ-Da-Ly này, tâm chư Thiên áo-não quá, thương-cảm khóc-lóc. Đấy là nước mắt của chư Thiên, không phải là nước mưa đâu!”

Ông A-Nan cùng các vị Tỳ-Khưu, nghe đức Phật nói lời ấy rồi, tâm lại buồn-rầu, buồn-bã ngất xuống đất, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Ngày nay Thiên, Nhân đau-khổ quá chừng, Thế-Tôn làm sao muốn ủy-xả cả, mà nhập Niết-Bàn được!”

Đức Như-Lai liền dùng phạm-âm an-ủi các vị: “Các vị! Các vị không nên sinh tâm lo-buồn, sầu-khổ nữa!.

Các vị Tỳ-Khưu bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay lần cuối cùng đức Thế-Tôn trông thành Tỳ-Da-Ly này, không bao lâu nữa, đức Thế-tôn sẽ nhập Niết-Bàn, chúng con làm sao không lo-buồn, đau-khổ được!”

Dần-dà như thế, người người bảo nhau, tiếng lan đến cả những người dòng Ly-Xa (Licchavi)[18]. Dòng Ly-xa này, nghe thấy lời nói ấy rồi, mang lòng buồn-rầu, khắp mình ửng huyết, khoa tay, bứt đầu, đấm ngực, kêu to: “Than ôi, khổ lắm! Con mắt của thế-gian sắp mất rồi; chúng-sinh ngày nay không còn nơi quy-y nữa!”

Rồi, họ lại bảo lẫn nhau: “Nay chúng ta nên đến nơi Phật, khuyến-thỉnh Ngài ở lại thành Tỳ-Da-Ly và ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp, đem lại lợi-ích cho chư Thiên, nhân-dân thế-gian”. Nói rồi, họ liền chỉnh-nghiêm xe-cộ, đến ngay nơi Phật.

Ra ngoài cửa thành, họ trông thấy đức Như-Lai ở đằng xa, lại thấy ông A-Nan, cùng các vị Tỳ-Khưu, khóc-lóc thướt-mướt, buồn-bã, áo-não, các người dòng Ly-xa lại càng cảm-động, thương-xót. Họ liền đến nơi Phật ở, đầu mặt lễ xuống chân Phật bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn, sắp nhập Niết-Bàn, hết thảy chúng-sinh sẽ mất con mắt trí-tuệ; chúng-sinh đương ở trong nơi đen-tối, làm sao thấy được những chỗ nên làm. Kính xin đức Thế-Tôn ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp hãy nhập Niết-Bàn!”

Họ thỉnh đức Thế-Tôn đến ba lần như thế, đức Phật đáp: “Hết thảy pháp hữu-vi[19] đều thuộc về vô-thường; dù Tôi có ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp, rồi cũng quay về vô-thường!”

Khi ấy đức Như-Lai liền nói bài kệ:

Núi Tu-Di cao lớn,

Sau cũng phải tiêu-mòn.

Biển cả tuy rộng, sâu,

Rồi cũng phải khô cạn.

Nhật, nguyệt dù trong sáng,

Mấy nỗi lặn phương Tây.

Cõi đất tuy kiên-cố,

Mang-gánh hết thảy vật;

Kiếp tận lửa nghiệp cháy,

Cũng lại về vô-thường.

Sự ân-ái hội-hợp,

Tất về nơi biệt-ly.

Như-Lai đời quá-khứ,

Thân kim-cương bất-hoại;

Cũng bị vô-thường chuyển,

Nay Ta há khác sao?

Chư Phật pháp như thế,

Các vị không nên thỉnh;

Đừng riêng đối với Tôi,

Mà sinh ra lo, buồn!

Khi đức Thế-Tôn nói bài kệ ấy rồi, Ngài bảo các người dòng Ly-xa rằng: “Các vị nên lắng lại cái tình khóc-lóc, nghe kỹ lời Như-Lai nói buổi sau cùng!”

Những người dòng Ly-xa kia bạch rằng: “Quý hóa thay, lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn nói cho, chúng con mong muốn được nghe”.

Bấy giờ đức Như-Lai trải tọa-cụ, ngồi kết gia-phu, các vị Tỳ-Khưu, cùng những người dòng Ly-xa kia, tự gượng nén nhịn, ngồi về một bên. Đức Thế-Tôn bảo những người dòng Ly-xa kia rằng: “Các vị nên biết có bảy phương-pháp, ngày càng tiến thêm: Một là, vui-vẻ hòa-đồng, không trái ngược nhau. Hai là, cùng giác-ngộ nhau và giảng bàn nghiệp thiện. Ba là, giữ-gìn giới cấm cùng giữ lễ-nghi. Bốn là, cung kính cha mẹ và các bậc tôn-trưởng khác. Năm là, thân-thích hòa-mục, thừa-thuận lẫn nhau. Sáu là, tháp miếu trong nước, sửa-sang cúng-dàng. Bảy là, vâng giữ Phật-pháp, thân kính Tỳ-Khưu và Tỳ-Khưu-ni; yêu mến giúp đỡ các Ưu-bà-tắc cùng Ưu-bà-di. Nếu ai chịu làm bảy pháp như thế, uy-đức người ấy, ngày càng tiến thêm, đất nước hưng-thịnh, nhân-dân vui-vẻ. Từ nay cho đến lúc hết đời, các vị nên vâng giữ bảy pháp ấy, không nên biếng nhác!”

Những người dòng Ly-xa kia bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Trong bảy pháp ấy, nếu chúng con chỉ tu-hành được một pháp, còn làm cho uy-đức chúng con tiến thêm, huống là chúng con tu-hành trọn-vẹn được cả bảy pháp! Quý hóa thay, lạy đức Thế-Tôn! Nay chúng con được phúc-lợi này, trọn đời chúng con xin vâng giữ, không dám nhãng quên!”

Đức Phật bảo các vị Tỳ-Khưu: “Từ nay trở đi, các vị cũng nên tu-tập bảy pháp sau đây: Một là, vui-vẻ hòa-hài, như nước với sữa. Hai là, thường cùng tập-họp giảng bàn kinh pháp. Ba là, giữ-gìn giới cấm, không sinh tư-tưởng vi-phạm. Bốn là, cung-kính thầy cùng các bậc Thượng-tọa. Năm là, lo-liệu xếp-đặt và kính-mến các vị Tỳ-Khưu tĩnh-tu nơi A-lan-nhã. Sáu là, khuyến-hóa đàn-việt, sửa-sang Tam-Bảo cùng những nơi an-nghỉ trong trụ-xứ. Bảy là siêng-chăm tinh-tiến giữ-gìn Phật-pháp. Các vị nên biết, nếu Tỳ-Khưu nào, làm được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tiến thêm!”

“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp, các vị nên tu: Một là, không nên như hàng tại-gia kinh-doanh sinh-nghiệp. Hai là, không bàn nhảm, nói đùa. Ba là, không ham ngủ-nghỉ, bỏ sự tinh-cần. Bốn là, không bàn những việc thế-gian vô-ích. Năm là, tránh xa bạn ác, thân-gần bạn lành. Sáu là, thường nghĩ chính-niệm, không sinh tà-tưởng. Bảy là, nếu trong Phật-pháp, có chỗ chứng được, lại cầu tiến hơn. Nếu các vị làm được bảy pháp ấy, công-đức trí-tuệ ngày ngày tăng-trưởng”.

“Các vị Tỳ-Khưu! Có bảy pháp nữa các vị nên làm: Một là, đối với Phật, Pháp, Tăng, sinh lòng tin kiên-cố. Hai là, biết thẹn. Ba là, biết hổ. Bốn là, tâm thường ham nghe nhiều. Năm là, tâm không xốc-nổi. Sáu là, ham nghe nghĩa kinh. Bảy là, ham tu trí-tuệ. Nếu các vị tu được bảy pháp ấy, công-đức trí-tuệ ngày ngày tăng-trưởng”.

“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp “giác-ý”[20], các vị nên làm: Một là, trạch-pháp (chọn pháp). Hai là, tinh-tiến. Ba là, hỷ (vui vẻ). Bốn là, khinh-an (an-vui nhẹ-nhàng). Năm là, niệm (nhớ nghĩ). Sáu là, định (thiền-định). Bảy là, xả (rũ bỏ). Nếu các vị làm được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tăng-trưởng”.

“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp: Một là, quán vô-thường. Hai là, quán vô-ngã. Ba là, quán bất-tịnh. Bốn là, quán khổ. Năm là, không ham thế-gian. Sáu là, không mê ngũ-dục[21]. Bảy là, siêng tu đạo tịch-diệt (Niết-Bàn). Nếu các vị làm được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tăng-trưởng”.

“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp, các vị nên làm: Một là, thân thường làm lành (từ). Hai là, miệng thường làm lành. Ba là, ý thường làm lành. Bốn là, nếu có đàn-việt, bố-thí mọi vật, phân-phát bình-đẳng, không nên thiên-vị. Năm là, pháp mầu sâu-xa, ham nói không chán. Sáu là, không đem sách vở thế-gian dạy người. Bảy là, thấy người không đồng học, không sinh tâm ghen-ghét. Nếu các vị tu được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tăng-trưởng”.

“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp, các vị nên làm: Một là, phân-biệt rành-rẽ chín bộ pháp[22]. Hai là, giải rõ nghĩa ấy. Ba là, hành-đạo, tụng-tập, đều phải hợp thời. Bốn là, đi, đứng, ngồi, nằm đúng trong nghi-tắc. Năm là, thuyết-pháp cho người phải lượng sức mình. Sáu là, nếu Bà-la-môn, Sát-lỵ, Trưởng-giả, Cư-sĩ, muốn lại nghe pháp, nên so lường khéo, nói theo căn-cơ. Bảy là, chia rành ngu, trí. Nếu các vị làm được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tăng-trưởng, thời có thể gìn-giữ được chính-pháp của Tôi!”

Bấy giờ, vợ những người dòng Ly-xa nghe thấy đức Phật không bao lâu nữa sẽ nhập Niết-Bàn và đây là lần cuối cùng Ngài nhìn thành Tỳ-da-ly, tâm họ rất áo-não, thương khóc thướt-mướt, cùng với năm trăm quyến-thuộc, sắm-sửa năm trăm cỗ xe, chở các đồ cúng-dàng. Tất cả mọi xe đều trần-thiết trang-nghiêm: cỗ xe do trâu trắng kéo, thời treo những phan-cái trắng-tinh; cho đến những cỗ xe sắc tím, đen, sắc vàng…, đều theo sắc trâu mà trần-thiết. Các xe trang-nghiêm rồi, họ lần-lượt ra ngoài thành, đi đến chốn Phật.

Khi ấy, đức Thế-Tôn xa xa trông thấy những người kia đương đi lại, Ngài bảo các vị Tỳ-Khưu: Các vị có trông thấy những người vợ của dòng Ly-xa, trước sau rầm-rập, rất là trang-nghiêm, mỹ-lệ đi lại đây không?

Các vị Tỳ-Khưu đáp: “Dạ, chúng con có trông thấy”.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-Khưu: “Đấy là những người dòng Ly-xa, trưởng-giả cùng vợ của họ thuộc thành Tỳ-Da-Ly này, dung-nghi xuất nhập của họ, rất là bóng-loáng, như chư thiên trên cung trời Đao-lỵ không khác!”

Lúc những người vợ của dòng Ly-xa kia đến nơi Phật rồi, đầu mặt lễ xuống chân Phật, thương khóc thướt-mướt, không tự hãm được; họ đem các đồ cúng-dàng lên Phật và bạch rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn ở lại cõi thọ, giáo-hóa chúng-sinh. Nếu nay đức Thế-Tôn nhập Niết-Bàn, chúng con là kẻ mù tối, mãi mãi không thể khai-ngộ được. Vả lại, chúng con phúc ít, thụ sinh thân nữ-nhân, thường có những sự ngăn-ngại, không được tự-tại, không có duyên luôn luôn được thân-cận đức Thế-Tôn, đức Thế-Ton lại sắp nhập Niết-Bàn, thiện-căn chúng con ngày càng sút-kém!”

Khi ấy, đức Như-Lai liền đáp rằng: “Từ nay trở đi cho đến hết cõi thọ, các bà nên giữ giới tinh-cần, như người giữ con mắt; ý-niệm ngay-thẳng, đừng sinh tâm xiểm-nịnh, ghen-ghét, như thế tức là thường được thấy Tôi vậy!” Những người vợ của dòng Ly-xa kia, nghe đức Phật nói lời ấy rồi, càng thêm thương-xót, buồn-bã, không tự hãm được, liền ngồi lùi về một bên.

Bấy giờ, nàng Am-bà-la (Àmrà) dung-nhan đoan-chính, đệ nhất thế-giới, nghe đức Phật không bao lâu nữa, sẽ nhập Niết-Bàn, nay là lần cuối cùng, Ngài nhìn thành Tỳ-Da-Ly, nàng mang lòng thương-xót, áo-não, khóc-lóc thướt-mướt, liền cùng năm trăm quyến-thuộc của nàng, trang-nghiêm năm trăm cỗ xe, lần-lượt ra ngoài thành, đi đến nơi Phật.

Lúc đó, đức Thế-Tôn xa xa trông thấy họ đi lại, Ngài bảo các vị Tỳ-Khưu: “Các vị! Nay nàng Am-bà-la lại nơi Ta, hình-dáng nàng ấy, đẹp lạ tuyệt-vời, cả thế-gian này, không ai sánh kịp. Các vị đều nên đoan-tâm, chính-niệm, đừng sinh ý-tưởng say-mê. Là vị Tỳ-Khưu nên quán thân này, có những thứ bất-tịnh: gan, mật, dạ-dầy, ruột, tim, phổi, thận, lá-lách, phân, giải, máu, mủ… đầy-dẫy trong ấy những thứ bất-tịnh, lại có đến tám vạn con trùng ở ngay trong ấy và lông, tóc, móng, răng, da mỏng bọc thịt, chín lỗ thường chảy[23]…, không một cái gì có thể vui-thích được. Lại, căn-bản đầu tiên sinh ra thân này, do nơi bất-tịnh và chỗ có thể vãng-lai của thân này, đều làm cho bất-tịnh tuôn chảy. Tuy trang-sức bằng những tơ-lụa sặc-sỡ, xông những hương thơm, nhưng, cũng ví như trong bình báu đựng đồ xú-uế. Và, thân khi chết, chương-phềnh, rữa-nát, đốt đốt rời-rã, trong thân có trùng, lại rỉa thịt ăn; còn bị hùm beo, chim cú, chim cắt… mổ-rỉa. Người đời ngu si, không biết quán-sát chân-chính, mê-đắm ân-ái, giữ cho đến chết, và ở trong ấy, vọng-sinh tham-dục. Người nào có trí, lại ưa muốn thế?”

Đức Thế-Tôn liền nói bài kệ:

Tuy đeo đồ anh-lạc[24],

Hương, hoa tự sửa-sang;

Phân, giải cùng mũi, dãi,

Bất-tịnh đựng đầy trong.

Chúng-sinh mến-tiếc, giữ,

Mê-lầm không giác-ngộ;

Cũng như tro phủ lửa,

Người ngu xéo lên trên.

Trí-giả nên xa tránh,

Đừng sinh tâm nhiễm-trước.

Khi ấy nàng Am-bà-la đến trước đức Phật, đầu mặt lễ xuống chân Phật, đem các đồ cúng-dàng, cúng-dàng lên Phật, nuốt lệ nghẹn-ngào, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn ở lại cõi thọ, lưu lại thế-gian, không nhập Niết-Bàn, đem lại lợi-ích cho chư Thiên, nhân-dân thế-gian. Nếu đức Thế-Tôn định nhập Niết-Bàn, hết thảy chúng-sinh, không còn ai dắt-dẫn, như đứa trẻ mất mẹ hiền!”

Lúc đó, đức Thế-Tôn bảo nàng Am-bà-la: “Tính, tướng của hết thảy hành-tướng sự-vật như thế, nay nàng không nên sinh tâm bi-não!”

Đức Thế-Tôn liền thuyết-pháp cho tất cả mọi người lại nơi Phật nghe: “Này các vị! Các vị từ nay trở đi nên giữ-gìn giới cấm, không nên thiếu-sót, vi-phạm. Những người phá-giới, Thiên, long, quỉ-thần đều chán-ghét, tiếng xấu đồn khắp, người không muốn thấy; nếu ở trong chúng, không có uy-đức, các thiện-quỉ-thần lại không thủ-hộ; khi mệnh sắp mất, tâm-thức sợ-hãi và dù có chút thiện-nghiệp, đều không nhớ nghĩ, chết liền theo nghiệp, chịu sự đau-khổ trong địa-ngục, trải nhiều kiếp số, sau mới được ra lại chịu làm thân ngã-quỉ, súc-sinh. Cứ luân-chuyển, thế, không biết kỳ nào sẽ được giải-thoát. Trái lại, Tỳ-Khưu giữ giới, Thiên, long, quỉ-thần, đều cùng cung-kính, tiếng tốt đồn kkhắp, cả thế-gian hay; ở trong đại-chúng, uy-đức rỡ-thịnh, các thiện-quỉ-thần, thường theo thủ-hộ, khi mệnh sắp mất, chính-niệm phân-minh, chết sinh ngay vào những nơi thanh-tịnh”.

Giữa lúc Như-Lai nói pháp ấy, sáu vạn tám nghìn ức Thiên, Nhân tám bộ xa-lìa trần-cấu[25] được pháp-nhãn-tịnh[26]; sáu mươi vị Tỳ-Khưu, lậu-nghiệp hết, ý khai-giải[27], thành bậc A-la-hán[28].

Bấy giờ đức Thế-Tôn bảo những người dòng Ly-xa cùng vợ họ và nàng Am-bà-la rằng: “Ta nay muốn đi đến thôn Càn-đồ, các vị đều nên trở về nơi ở của mình và các vị nên biết: tất cả các hành-tướng (sự-vật) đều là vô-thường, các vị chỉ nên tu-hành theo những pháp Tôi đã nói, các vị đừng nên làm như đứa trẻ khóc-lóc, thương-xót áo-não!”

Nói rồi đức Thế-Tôn liền từ tòa ngồi của mình đứng dậy. Những người dòng Ly-xa cùng vợ họ và nàng Am-bà-la, nghe đức Phật nói lời ấy, đấm ngực, bứt đầu, kêu gào, khóc-lóc, noi đường theo Phật không chịu trở về.

Đức Thế-Tôn thấy tình luyến-mộ sâu-xa như thế, không thể dùng lời nói an-ủi được, Ngài liền dùng sức thần-thông, hóa làm con sông ngập nước, bờ sông sâu-thẳm, sóng rồ nước chảy vun-vút. Khi ấy, những người dòng Ly-xa cùng vợ họ và nàng Am-bà-la thấy đức Như-Lai, các vị Tỳ-Khưu đã ở bờ sông bên kia, tất cả càng thêm cảm-động, thương xót, buồn-bã, vật-vã lăn ra đất, cùng nói nhỏ với nhau rằng: “Quái lạ, bỗng dưng nơi đây lại có con sông lớn này, mà lại có sóng vỗ ầm-ầm kinh sợ? Hẳn là đức Như-Lai thấy chúng ta đi theo không bỏ, mà hóa làm ra thế, để cho hết đường đi vậy!” Những người dòng Ly-xa kia cùng vợ họ và nàng Am-bà-la, không qua sông được, lòng càng thổn-thức, ngặt-nghẽo, nghẹn-ngào, tuyệt-vọng trở về.

Bấy giờ đức Như-Lai đến thôn Càn-đồ, Ngài ngồi trong khu rừng phía Bắc, bảo các vị Tỳ-Khưu rằng: “Các vị nên biết có bốn pháp: Một là Giới, hai là Định, ba là Tuệ, bốn là Giải-Thoát, nếu ai không nghe biết bốn pháp ấy, người ấy đời đời ở trong bể sinh-tử. Xưa kia Tôi nếu không nghe biết bốn pháp ấy, Tôi không thể chứng được đạo-quả Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác được!”

Đức Thế-Tôn liền nói bài kệ:

Giới, Định, Tuệ, Giải-thoát,

Nếu Ta không nghe lâu;

Không thể chóng chứng được,

Đạo vô-thượng chính-chân.

Các vị nên tinh-tiến,

Tu-tập bốn pháp ấy;

Dứt được khổ sinh-tử,

Ruộng phúc nhất Thiên, Nhân.

Đức Thế-Tôn nói bài kệ ấy rồi, Ngài lại vì các Tỳ-Khưu phân-biệt và nói rộng nghĩa của bốn pháp ấy. Trong lúc đức Như-Lai nói những pháp ấy, một nghìn hai trăm vị Tỳ-Khưu, tức thời đối với mọi pháp, lậu-nghiệp hết, ý khai-giải, thành bậc A-la-hán.

V. 4 ĐẾ VÀ 4 QUYẾT-THIẾT

Sau đó, đức Thế-Tôn cùng các vị Tỳ-Khưu, đều từ tòa ngồi của mình đứng dậy, đi đến thôn Tượng, thôn Am-bà-la, thôn Diêm-phù, cho đến thành Thiện-già. Đến thành kia, Ngài cùng các vị Tỳ-Khưu đi quanh trước sau, rồi ngồi tại một nơi. Đức Thế-Tôn bảo các vị Tỳ-Khưu: “Có bốn Thánh-đế, các vị nên chăm quán-sát: Một là Khổ-đế. Hai là Tập-đế. Ba là, Diệt-đế. Bốn là, Đạo-đế.

Các vị Tỳ-Khưu! KHỔ-ĐẾ tức là tám-khổ: Một là, khổ về sinh, hai là, khổ về già, ba là, khổ về bệnh, bốn là, khổ về chết, năm là, khổ về mong cầu không được, sáu là, khổ về sự oán-ghét phải hội-ngộ, bảy là, khổ về tình ân-ái phải biệt-ly, tám là, khổ về năm ấm[30] rỡ-thịnh. Các vị nên biết: tám thứ khổ ấy cùng pháp hữu-lậu[31] bức-bách, nên thực là khổ.

TẬP-ĐẾ: Vô-minh tham-ái làm nhân căn-bản cho tám khổ kia, nên biết Tập-đế này thực là nhân của khổ.

DIỆT-ĐẾ: Vô-minh tham-ái diệt, ngắt dứt nhân khổ, nên biết Diệt-đế này thực là diệt.

ĐẠO-ĐẾ: Tức là bát-chính-đạo (tám con đường chính): Một là, chính-kiến (hiểu biết, tư-tưởng chân-chính), hai là, chính tư-duy (suy-nghĩ chân-chính), ba là, chính-ngữ (nói năng chân-chính), bốn là, chính-nghiệp (hành-động chân-chính) năm là, chính-mệnh (nghề sống chân-chính), sáu là, chính tinh-tiến, bảy là, chính-niệm (nhớ nghĩ chân-chính), tám là chính-định. Tám pháp ấy, thực là con đường của Thánh-nhân. Nếu ai tinh-siêng quán được bốn Thánh-đế ấy, nhất-định chóng xa được bể sinh-tử, đến nơi giải-thoát.

Các vị Tỳ-Khưu! Trong bốn Thánh-đế ấy, nếu ai đã đạt tới chỗ cứu-cánh, cũng nên cố gắng giải-thuyết cho người khác. Sau khi Tôi diệt-độ, các vị cũng nên siêng năng suy-nghĩ, tu-tập.”

Giữa lúc đức Như-Lai nói pháp này, năm trăm vị Tỳ-Khưu, lậu-nghiệp hết, ý khai-giải, thành bậc A-La-Hán; bốn vạn chư Thiên trên hư-không, do nơi pháp này, xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh.

Đức Thế-Tôn lại bảo các vị Tỳ-Khưu: “Có bốn pháp quyết-định về sự nói: (quyết-thuyết): Một là, nếu có vị Tỳ-Khưu, ham thuyết-pháp, nói là: “tôi thân theo Phật, nghe Phật nói pháp như thế, tôi hiểu rành nghĩa của pháp ấy và tôi thụ-trì, đọc tụng rất thông-lợi”; các vị nên thỉnh vị ấy nói, nhưng các vị nên theo chỗ nghe được ấy, tự suy-nghĩ, rành-rẽ, đúng trong kinh, luật, luận (pháp-tướng) có pháp ấy ư? Nếu trong kinh, luật, luận có pháp ấy các vị nên thụ-trì, khen ngợi là quí lắm. Nếu trong kinh, luật, luận không có pháp ấy, các vị không nên thụ-trì, cũng không nên khen-ngợi. Các vị nên biết: pháp ấy không phải Tôi nói.”

Hai là, nếu có vị Tỳ-Khưu ham thuyết-pháp nói là: “tôi ở chỗ kia… nghe các vị Tỳ-Khưu-Tăng được pháp như thế, tôi hiểu rành nghĩa của pháp ấy. Và tôi thụ-trì, đọc-tụng rất thông-lợi”; các vị nên thỉnh vị ấy nói, nhưng, các vị nên theo chỗ nghe được pháp ấy, tự suy-nghĩ rành-rẽ, đúng trong kinh, luật, luận có pháp ấy ư? Nếu trong kinh, luật, luận có pháp ấy, các vị nên thụ-trì, khen-ngợi là quí lắm. Nếu trong kinh, luật, luận không có pháp ấy, các vị không nên thụ-trì, cũng không nên khen-ngợi. Các vị nên biết: pháp ấy không phải Tôi nói cũng không phải các vị Tỳ-Khưu kia nói”.

Ba là, nếu có vị Tỳ-Khưu, ham thuyết-pháp, nói là: “tôi theo nơi Tăng-già-lam[32] kia, nơi A-lan-nhã[33] kia, có nhiều vị Tỳ-Khưu thượng-tọa, đều là các vị nghe nhiều, học giỏi, thông-minh, trí-tuệ, nói ra pháp ấy, tôi được nghe, tôi hiểu rành nghĩa của pháp ấy và tôi thụ-trì, đọc tụng rất thông-lợi”; các vị nên thỉnh vị ấy nói, nhưng, các vị nên theo chỗ nghe được pháp ấy, tự suy-nghĩ rành-rẽ, đúng trong kinh, luật, luận có pháp ấy ư? Nếu trong kinh, luật, luận có pháp ấy, các vị nên thụ-trì, khen-ngợi là quí lắm. Nếu trong kinh, luật, luận không có pháp ấy, các vị không nên thụ-trì, cũng không nên khen-ngợi. Các vị nên biết: pháp ấy không phải Tôi nói.”

Bốn là, nếu có vị Tỳ-Khưu ham thuyết-pháp, nói là: “tôi theo nơi Tăng-già-lam kia, nơi A-lan-nhã kia, có một vị Tỳ-Khưu thượng-tọa, trí-tuệ, nghe nhiều, nói ra pháp ấy, tôi được nghe, tôi hiểu rành-rẽ nghĩa của pháp ấy và tôi thụ-trì, đọc tụng rất thông-lợi”; các vị nên thỉnh vị ấy nói, nhưng các vị nên theo chỗ nghe được pháp ấy, tự suy-nghĩ rành-rẽ, đúng trong kinh, luật, luận có pháp ấy ư? Nếu trong kinh, luật, luận có pháp ấy, các vị nên thụ-trì, khen-ngợi là quí lắm. Nếu trong kinh, luật, luận không có pháp ấy, các vị không nên thụ-trì, cũng không nên khen-ngợi! Các vị nên biết pháp ấy không phải Tôi nói.”

Các vị nên phân-biệt rõ bốn pháp quyết-định về sự nói ấy, lại cũng dùng pháp ấy phân-biệt thuyết-pháp, trao-truyền cho người khác.

Dù Tôi còn ở đời hay Tôi nhập Niết-Bàn, dối-trá hay chân-thực, các vị dùng pháp ấy, biết rõ!”

Khi ấy, các vị Tỳ-Khưu bạch Phật rằng: “Quí hóa thay, lạy đức Thế-Tôn! Từ nay về sau, chúng con xin phân-biệt lời Phật nói và lời ma nói!”

VI. PHẤT-BA-DỤC-ĐẾ CÚNG TRAI

Bấy giờ, đức Thế-Tôn cùng các vị Tỳ-Khưu đều từ tòa ngồi của mình, đứng dậy, đi đến thôn Cưu-bà. Đến thôn kia, Ngài cùng các vị Tỳ-Khưu, đi quanh trước sau, rồi ngồi xuống dưới một gốc cây.

Khi ấy, những người Bà-la-môn, Trưởng-giả, Cư-sĩ trong thôn kia, nghe thấy đức Phật đã đến thôn mình, đều cùng nhau đổ xô đến chốn Phật. Đến nơi, đầu mặt lễ xuống chân Phật, rồi ngồi lui về một bên, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn cùng các vị Tỳ-Khưu tới thôn chúng con, chúng con riêng nhận có ý-thú khác!”

Đức Như-Lai liền đáp: “Sau đây ba tháng Tôi sẽ nhập Niết-Bàn, nên từ thành Tỳ-Da-Ly, đi khắp thôn-ấp lần-lượt Tôi đến thôn này!”

Mọi người nghe đức Phật nói lời ấy, thương khóc áo-não, buồn-bã lăn ra đất, khoa tay, bứt đầu, đấm ngực kêu to: “Than ôi, khổ lắm! Con mắt của thế-gian mất rồi, chúng con không bao lâu nữa, mất nơi quy-hướng, dẫn-đạo!”

Kêu rồi họ sụt-sùi bạch rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn, ở lại cõi thọ trong một kiếp hay non một kiếp.”

Đức Thế-Tôn đáp: “Các vị không nên sinh tâm buồn-rầu như thế! Sao vậy. – Tính, tướng của pháp hữu-vi như thế. Các vị nên bỏ tính lo buồn đi, tĩnh-tâm nghe Tôi thuyết-pháp lần cuối cùng!”

Lúc đó, những người kia, tự gượng nín nhịn, cúi đầu lặng nghe. Khi ấy, trong tòa ngồi kia, có một người Bà-la-môn, tên là Phất-ba-dục-đế, là người thông-minh, trí-tuệ, nghe nhiều, nhớ kỹ, đức Như-Lai liền bảo người ấy rằng: “Các vị nên biết: người tại-gia có bốn pháp, phải nên tu-tập: Một là, cung-kính cha mẹ, hết lòng hiếu-dưỡng. Hai là, thường đem pháp lành, dạy bảo vợ con. Ba là, thương, nhớ tôi đòi, biết những thức họ có hay không. Bốn là, gần-gũi thiện-tri-thức, xa tránh người ác. Nếu các ông thường làm được bốn pháp ấy, đời nay được người kính mến, đời sau thường sinh vào chốn thiện.

Lại nữa, ông Phất-ba-dục-đế! Người tại-gia có bốn pháp vui: Một là, không nợ tiền của người khác, thời không có sắc mặt hổ-thẹn. Hai là, người rất giầu có, tự tiếc không dám dùng gì, ngay đến cha mẹ, vợ con, thân-thích quyến-thuộc, đều không chu-cấp và không cúng-dàng các bậc Sa-môn, Bà-la-môn. Ba là, người rất giầu có, thân mặc áo đẹp, miệng ăn mùi ngon; biết cúng-dàng cha mẹ, thân-thích quyến-thuộc đều chu-cấp và phụng-sự các bậc Sa-môn, Bà-la-môn. Bốn là, người được ba nghiệp: thân, khẩu, ý, không làm ác; thông-minh trí-tuệ, ưa thích nghe nhiều.

Các ông nên biết: người tại-gia tuy có pháp vui ấy, nhưng, người không mang nợ người khác cùng người chỉ có tâm sẻn tham, thời pháp ấy gọi là pháp vui tối hạ; người hay làm việc bố-thí, là pháp vui của bậc trung, còn người mà nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý, không tạo ác, thông-minh, trí-tuệ, ưa thích nghe nhiều, thời pháp ấy là pháp vui hơn hết (thượng thắng)”.

Đức Như-Lai liền nói kệ:

Không nợ cùng sẻn tham,

Gọi là vui tối hạ,

Có của đem bố-thí,

Ấy là vui bậc trung.

Ba nghiệp luôn trong sạch,

Trí-tuệ, thích nghe nhiều;

Đó là vui hơn hết,

Người trí-tuệ chăm làm.

Các vị từ ngày nay,

Cho đến hết cõi thọ;

Già trẻ dạy lẫn nhau,

Làm pháp trung, thượng ấy.[34]


Chú thích:

[1] Kinh Đại Bát-Niết-Bàn là cuốn kinh số 7 trong Đại-Tạng kinh.

Đại Bát-Niết-Bàn (Mahàparinirvàna): Tàu dịch là “Đại nhập-diệt tức”; “Đại-diệt-độ”; “Đại-viên-tịch nhập”… “Đại” là lời khen đức “tịch-diệt”, có tính cách sâu, rộng lớn; “Diệt” là diệt phiền-não nơi thân tâm; “Tức” là yên nghỉ, “Độ” là vượt qua bể sinh-tử, “Viên-tịch” là công-đức viên-mãn, tịch-diệt phiền-não và “Nhập” có nghĩa là hướng về nơi tịch-diệt. Tóm lại, là đức-trí đầy đủ, phiền-não dứt sạch, chứng nhập nơi yên-tịnh sáng-suốt cao-sâu, rộng lớn.

Kinh này gồm 3 quyển: Thượng, trung, hạ. Nhận thấy ý văn trong kinh liên-tục, nên khi dịch chúng tôi không theo sự phân chia thành từng quyển như cũ. Song, đến cuối mỗi quyển cũ chúng tôi có ghi nơi chú-thích để lưu lại dấu xưa. Và, muốn cho dễ nhận-định và ký-ức, chúng tôi ghi thêm đề-mục và toát-yếu từng đoạn trong kinh. (lời dịch-giả)

[2] Gia-phu: Ngồi xếp bằng, hai bàn chân để chéo lên hai vế .

[3] Bốn phép thần-túc: Còn gọi là 4 như-ý-túc: Dục, niệm, tinh-tiến và tuệ.

[4] Ma-Vương: Vị chúa trong loài Thiên-ma, tức vị Thiên-chúa ở cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên, là cõi trời thứ 6 thuộc Dục-giới. Ma-vương kia thường đốc-xuất quyến-thuộc hướng về nhân-gian, làm chướng-ngại đạo Phật, nên còn gọi là Ba-tuần. Nhưng, Đại-thừa là cho đó là vị Bồ-tát, dùng đại phương-tiện, hiện Ma-vương để giáo-hóa chúng-sinh.

[5] Thiện-Thệ: (Tu-già-đà: Sugata): Một hiệu trong 10 hiệu của Phật và có nghĩa là đi tốt. Ý nói: Dùng nhất thiết trí làm xe, đi trên đường bát-chính, rảo tới nơi Niết-Bàn, nên gọi là “Thiện-Thệ”.

[6] Hữu: Tức là hữu-lậu-nghiệp. Ý nói: Chúng-sinh bị sinh-tử luân hồi, đều do những hành-vi tạo-tác bất thiện huân-tập và hấp-dẫn. Đức Thế-Tôn cũng có thân ở trong sinh-tử nhưng, vì độ sinh mà có và Ngài đã đạt tới chỗ vô-lậu rồi. Nay tấm thân giả-tạm do tứ-đại hợp-thành này Ngài muốn trả về bản-hữu của nó.

[7] Đây là phần chọn lựa những ý yếu-ước trong chính-văn, hầu giúp quí Phật-tử dễ hiểu, dễ nhớ, khi xem xong từng đoạn. Vì là, những toát-yếu, nếu Phật-tử nào muốn tụng, xin tụng chính-văn, mà dành phần này lại. (Lời dịch-giả).

[8] Nhất-thiết chủng-trí: Tức là Phật-trí, có nghĩa là trí-tuệ biết suốt hết thảy pháp.

[9] Chuyển-pháp-luân (quay bánh xe pháp): Giáo pháp của Phật gọi là “pháp-luân” (bánh xe pháp); truyền nói giáo-pháp ấy gọi là “chuyển” (quay). Nghĩa là giáo-pháp của Phật, quay vòng khắp chúng-sinh-giới, phá tan những phiền-não. Và, “chuyển” đây còn có nghĩa là chuyển pháp tự tâm mình, chuyển-di sang tâm người khác.

[10] Sát-lỵ (Ksatriya): Giai-cấp vua chúa. Gia-cấp thứ 2 trong 4 giai-cấp của Ấn-Độ.

[11] Bà-la-môn (Bràhmana): Giai-cấp tu-sĩ của Ấn-Độ-giáo, Tàu dịch là “Tịnh-hạnh”; “Tịnh-chí”, “Tĩnh-chí”. Giái-cấp thứ nhất, trong 4 giai-cấp của Ấn-Độ.

[12] Trưởng-giả: Tiếng Phạm gọi là “Nghị-lực-hạ-bát-để” (Drha-pati). Tiếng gọi thông thường chỉ cho người nhiều của, đủ đức. Bộ Pháp-Hoa Huyền-Tán quyển 10 nói: “Trưởng-giả là người tâm bình, tính thẳng, nói thực, làm chăm, tuổi nhiều, của lắm”.

[13] Cư-sĩ: Tiếng Phạm gọi là Ca-la-việt (Kulapati): Là người có của ở nhà không ra làm việc đời; là người ẩn-dật ở nơi nhà mình không ra làm quan; hay là người tại-gia có chí-hướng về đạo Phật. Bộ Pháp-Hoa Huyền-Tán quyển 10 nói: “Giữ đạo tự điềm-đạm, chứa đức ít muốn, gọi là Cư-sĩ”.

[14] Sa-môn (Srmana): Xưa dịch là “Tức-tâm, Tĩnh-chí, Bần-đạo v.v…” Nay dịch là “Công-lao, Cần-tức”, đều có nghĩa là vị tu-hành siêng-năng tu-tập, ngăn dứt phiền-não nơi tâm, làm yên-lặng, trong sạch thần-chí, có công cần-cù khó-nhọc tiến tu về đạo giải-thoát (đạo Phật).

[15] Đây là nói về y-cứ của 8 thiền-định phát-khởi ra thắng-tri (hiểu biết cao), thắng-kiến (thấy biết cao) để xả tâm tham-ái. Đại-ý: 1/ Đạo nơi mình chưa tăng-trưởng, thời cần chú trọng quán-tưởng ngay nơi thân tâm mình đã, chưa cần quán-tưởng đến hình-sắc ngoài thân tâm mình, hoặc chỉ ít thôi. Tỷ-dụ: mình đang quán-tưởng thân mình là bất-tịnh chưa được thấu đáo, bền chắc, thời chưa nên (hay chỉ ít thôi) đi xem thây người chết khác, có khi sinh sợ-hãi, thoái-chuyển. 2/ Đạo tiệm tiến, quán nơi mình và quán nơi người nhiều vẫn không hại. 3/ Đạo đạt dần tới chỗ thắng-diệu, dù quán hình sắc ngoài, nhưng trong tâm không vương chút hình-sắc nào. 4/ Tiến thêm hơn nữa, dú quán hình-sắc ngoài nhiều, trong tâm vẫn không vương chút hình-sắc nào. Bốn quán trên đây là lẫn lộn cả tịnh và bất-tịnh. Còn tứ quán thứ 5, 6, 7, 8 là đạo đã đạt tới chỗ thắng-diệu thực sự, không còn có sự chấp-trước vào pháp-tướng nữa, mà chuyển-biến tự-tại.

[16] Đây là 8 pháp quán giúp người tu Thiền-định được giải-thoát. Đại-ý: 1/ Trong tâm mình có lòng tham-tưởng về sắc, muốn trừ nó cho được giải-thoát, nên đi xem cái thây thối-tha, chương phềnh của người chết v.v… 2/ Muốn thêm kiên-cố trong sự giải-thoát, dù trong tâm không khởi tưởng tham sắc, vẫn cứ đi xem thây chết kia v.v… 3/ Quán sắc-tướng thanh-tịnh, trừ-tướng bất tịnh. Ba quán trên, quán thứ nhất y vào Sơ-thiền-định phát-khởi và duyên vào sắc của Dục-giới; quán thứ 2 y vào Nhị-thiền-định phát-khởi và duyên vào sắc của Sơ-thiền; quán thứ 3 y vào Tứ-thiền phát-khởi và duyên vào sắc của Dục-giới, nhưng cho là sắc bất-tịnh. Còn quán giải-thoát thứ 4, 5, 6, 7 y vào 4 định của cõi Vô-sắc phát-khởi và ở ngay chỗ đắc định quán về khổ, không, vô-thường, vô-ngã, sinh tâm chán ghét mà bỏ, nên gọi là giải-thoát. Quán giải-thoát thứ 8, diệt thụ, tưởng, y vào Tứ-thiền bỏ hết thảy sở-duyên trong Phi-phi-tưởng nên gọi là giải-thoát.

[17] Ba mươi bảy đạo phẩm: a/ 4 niệm xứ: Quán thân bất-tịnh, quán thụ là khổ, quán tâm vô-thường và quán pháp vô-ngã. b/ 4 chính cần: Ác đã sinh làm cho chóng dứt. Ác chưa sinh làm cho không sinh được. Thiện chưa sinh làm cho chóng sinh. Thiện đã sinh làm cho tăng-trưởng. c/ 4 thần-túc: Dục, niệm, tiến và tuệ. d/ Năm căn: Tín, tinh-tiến, niệm, định và tuệ. e/ Năm lực: Cũng là 5 căn, nhưng, đây đứng về mặt đối-trị mà nói. f/ 7 giác-chi: trạch-pháp, tinh-tiến, hỷ, khinh-an, niệm, định và hành-xả. g/ 8 thánh đạo: chính-kiến, chính-tư-duy, chính-ngữ, chính-nghiệp, chính-mệnh, chính-tinh-tiến, chính-niệm và chính-định.

[18] Ly-xa (Licchavi): Tên dòng vua, quan của thành Tỳ-da-ly.

[19] Pháp hữu-vi: Sự-vật do nhân-duyên tạo-tác.

[20] Giác-ý: Ý-niệm giác-ngộ. Tức 7 giác-chi.

[21] Ngũ-dục: Năm thứ ham-muốn: của-cải, sắc-đẹp, danh-vọng, ăn-uống, ngủ-nghỉ. Hoặc là sắc, thanh, hương, vị, xúc: 5 trần-cảnh.

[22] Cửu bộ pháp (tức Cửu bộ kinh): Chín bộ kinh: Trong kinh có chia làm 12 phận-giáo: 1/ Tu-đa-la (Sutra: khế-kinh: văn suôi). 2/ Kỳ-dạ (Geya: trùng-tụng: bài kệ nói lại nghĩa của văn suôi). Già-đà (Gàthà: phúng-tụng: bài kệ 4 câu đứng riêng, không liền với văn suôi). 3/ Ni-đà-na (Nidàna: nhân-duyên). Y-đế-mục-đa (Itivrtaka: Bản-sự: nói những việc đời trước). 6/ Xà-đa-già (Jàtaka: Bản-sinh: Phật tự nói nhân-duyên mình đời trước). 7/ A-phù-đạt-ma (Adbhuta-dharma: Vị-tằng-hữu: làm những sự hiếm có). 8/ A-ba-đà-na (Avadàna: thí-dụ). 9/ Ưu-bà-đề-xá (Upadesa: luận-nghĩa). 10/ Ưu-đà-na (Udana: tự thuyết: tự Phật nói, không đợi ai hỏi). 11/ Tỳ-phật-lược (Vaipulya: phương-quảng: Văn nói về chân-lý phương-chính, quảng-đại; tức là đại-thừa-giáo). 12/ Hòa-già-la (Vyàkarana: thụ-ký). Tuy vậy, có chỗ Tiểu-thừa bỏ: Phương-quảng, thụ-ký và tự-thuyết đi còn 9 phần, gọi là cửu-bộ pháp (hay cửu-bộ kinh). Và Đại-thừa có chỗ bỏ: Nhân-duyên, thí-dụ và luận-nghĩa, thành cũng còn 9 bộ-phận.

[23] Chín lỗ thường chảy: Trong thân người có chín lỗ hổng thường chảy những thứ nhơ-nhớp là: 2 mắt, 2 lỗ mũi, mồm và nơi đại, tiểu-tiện.

[24] Anh-lạc: Tiếng Phạm gọi là Chỉ-do-la (Keyùra): Chuỗi dây-chuyền làm bằng ngọc để đeo vào cổ, vào mình.

[25] Trần-cấu: Chỉ cho phiền-não, nhưng nay thường chỉ vào 88 kết-sử của kiến-hoặc.

[26] Pháp-nhãn-tịnh: Nghĩa là thấy chân-lý bằng cách rõ ràng.

[27] Lậu-nghiệp hết, ý khai-giải: Bậc tam-thừa dùng Thánh-trí dứt hết phiền-não do ý căn tạo ra, ý được mở tỏ và giải-thoát.

[28] A-la-hán: (Arahat): Quả vị thứ tư trong 4 quả của bậc Thanh-văn, A-la-hán, Tàu dịch là “Bất-sinh” (cũng có chỗ gọi là Vô-Sinh). Nghĩa là quả-báo trong một đời diệt hết, được vào Niết-bàn mãi mãi, không phải tái-sinh trong 3 cõi nữa.

[29] Xem phần chính-văn.

[30] Năm ấm: Sắc, thụ, tưởng, hành, thức.

[31] Pháp hữu-lậu: “Lậu” (dò-rỉ) tên riêng chỉ cho phiền-não. Sự-vật có hàm-tàng sự phiền-não gọi là hữu-lậu. Hết thảy sự thể trong thế-gian đều là pháp hữu-lậu.

[32] Tăng-già-lam (Samghàràma): Tàu dịch là “chúng-viên” cái vườn hay rừng chúng-tăng ở. Nay ta thường cho là chùa.

[33] A-lan-nhã (Àrinya): Tên gọi chung cho các tự-viện, là nơi ở của các vị Tỳ-Khưu. Nhưng, đúng ra A-lan-nhã là nơi xa-vắng, yên-tĩnh, nên Tàu dịch là “Nhàn-tịch”.

[34] Đến đây là hết quyển thượng.

    Xem thêm:

  • Pháp Niệm Tụng Bồ Tát Quán Thế Âm Như Ý Ma Ni Luân Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Pháp Yếu Niệm Tụng Đà La Ni Bạch Tản Cái Đại Phật Đỉnh Vương Tối Thắng Vô Tì Đại Oai Đức Kim Cang Vô Ngại Đại Đạo Tràng - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Quán Thế Âm Như Ý Ma Ni Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 118 – Kinh Nhập Tức, Xuất Tức Niệm (Kinh Quán Niệm Hơi Thở) (Anàpànasati sutta) - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Niệm Tụng Đà La Ni Nhứt Kế Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Thất Bảo - Kinh Tạng
  • Pháp Lược Tối Yếu Bí Mật Thứ Đệ Niệm Tụng Đô Biểu Như Ý Ma Ni Chuyển Luân Thánh Vương - Kinh Tạng
  • Thức Xoa Ma Na Ni Giới Bổn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 69 – Kinh Gulisàni (Gulisàni sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Quảng Bác Lâu Các Thiện Trụ Bí Mật Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Tuệ Khai dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Ái Đạo Bát Niết Bàn - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Phật Đỉnh Đại Bạch Tản Cái - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Lan Na Xa Phộc Lý Đại Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 16 – Kinh Ðại Bát Niết Bàn (Mahà-parinibbàna Sutta) - Kinh Tạng
  • Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 97 – Kinh Dhànanjàni (Dhànanjàni sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Tàng Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 22 – Kinh Ðại Niệm Xứ (Mahà-Satipatthàna Sutta) - Kinh Tạng