Kinh Hóa Châu Bảo Mạng

Phật Thuyết Hoá Châu Bảo Mạng Chơn Kinh

Khuyết danh

Bản Việt dịch của Thích Nữ Lệ Nhã

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật ở cõi trời Đâu-suất-la, hạt châu ma-ni trên đỉnh đầu của Ngài rực sáng như ban ngày soi thấy nhân duyên của chúng sinh ở thế giới Ta-bà. Khi ấy, tám bộ: trời, rồng… đều đến cung kính chiêm ngưỡng Ngài. Bấy giờ hai vị pháp vương tử Dược Vương và Dược Thượng đứng dậy đỉnh lễ thưa:

– Bạch Thế Tôn! Bệnh khổ của chúng sinh đều khác nhau, như bệnh đậu mùa lây truyền khắp thế gian, hoặc ở trong thai sinh, hoặc còn ẳm bồng, hoặc năm tuổi hay sáu tuổi cho đến người trưởng thành đều có khả năng bị tà khí lây nhiễm, khiến kẻ còn người mất đều đau buồn khổ não. Vậy do nhân duyên gì mà chúng sinh mắc chứng bệnh quái ác này?

Đức Phật dạy:

– Hay thay! Hay thay! Ta sẽ nói cặn kẽ nhân duyên này cho các ông nghe! Chỉ có hạt châu ma-ni là vật do chư Phật kết tụ từ nhiều kiếp nay tạo thành, như mặt trời trên hư không giữ gìn hữu tình và vô tình ở trong thế giới, tất cả đều được chiếu soi.

Ở trong thân người, nước tính lặng trong, có hạt châu ma-ni hiện ở trong đó, giống như bóng trăng hiện ở muôn sông, chẳng phải một chẳng phải nhiều. Ánh sáng của tự tâm, khí phần của đạo lớn chiếu suốt âm dương. Nhưng do chúng sinh từ vô thỉ kiếp nay, huân nhiễm chân tính, lại thêm dục khí thô uế, tinh huyết giao hợp, cho nên sau khi thụ sinh, chân vọng đối kháng, tịnh uế xung khắc. Trong tính thể này chỉ có hạt châu ma-ni, nhưng đã có các tướng tối sáng, uế tịnh nên trong hình hài của chúng sinh kia lại có hạt châu ma-ni hư huyễn, từ đó liền có các chứng bệnh đậu nặng, nhẹ.

Lại có một pháp vương tử thưa:

– Bạch Thế Tôn! Phật tính từ bi, lại có hạt châu ma-ni chiếu khắp, thì đúng ra giữ được tính mạng, chứ vì sao lại chết?

Đức Phật nói:

– Này Pháp vương tử! Chân tính không hoại, đời đời không mất, nhưng do tâm chúng sinh vọng khởi thiện, ác. Khí thiện thì nhẹ mà thanh, khí ác thì nặng và trược. Nhẹ và thanh là dương; nặng mà trược là âm. Dương thanh thì hạt châu sáng, nên tính giữ gìn mạng và vẫn ở cõi dương; âm trược thì hạt châu tối, nên tính và mạng lìa nhau, thì trở lại cõi âm. Chẳng phải hạt châu ma-ni có tối có sáng mà do chúng sinh kia tự phân biệt tối và sáng. Vì âm dương không chung lối, quả báo thiện ác khác nhau, nên chúng sinh bị bệnh đậu mà sống chết khác nhau.

Bồ-tát Dược Vương lại đứng dậy thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn! Có những chúng sinh hiện ở cõi dương, khi bị bệnh đậu thấy các ác quỷ hoặc nam, hoặc nữ, nhiều loại hình ác, nuôi dưỡng trẻ con, hoặc đến bên sông, hoặc chèo thuyền chở đi. Vì sao lại hiện các hình tượng đó?

Đức Phật dạy:

– Này Dược Vương! Một luồng khí dày đặc mịt mù, giống như biển lớn; người ở trong đó giống như đàn cá bơi dưới nước. Khí âm đã nhiều, thần âm (phách) theo đó rời khỏi nhà, dạo đi bốn biển, như người bỏ nhà đi phiêu bạc khắp nơi, đến chỗ người tu thiện. Khí dương nhiều thì thần dương (hồn) thấy hình thiện cũng lại như thế. Khi người lâm chung qua cầu Nại hà, thì hoặc thấy có hung thần đầu trâu, dạ-xoa, hoặc thấy các tướng tốt như: cờ xí, hoa sen cũng lại như vậy. Tất cả đều do tâm tạo, đâu có gì phải nghi ngờ!

Bấy giờ, bồ-tát Dược Vương lại thưa:

– Bạch Thế Tôn! Đứa bé khi mới sinh đã tạo nghiệp ác gì mà phải chịu quả báo ác? Lại nữa, thiện nam, tín nữ dùng pháp nào tu tập để được tiêu trừ tai họa? Xin Phật từ bi giảng nói khiến cho tâm thiện của các chúng sinh ấy bền chắc.

Đức Phật nói:

– Hay thay, hay thay! Ông có thể vì các chúng sinh mà cầu lợi ích lớn, nay Ta sẽ giảng nói vì sao khi đứa trẻ mới sinh ra đã có tội? Đó là do chúng sinh trong thế giới sinh tử luân hồi, đời trước tạo nghiệp ác, tính của họ đó âm trược, nên thần khí không thanh tịnh, khiến hạt châu ma-ni không chiếu sáng, dẫn đến bị bệnh mà chết. Hoặc do nghiệp ác của cha mẹ, tổ tiên chiêu cảm, âm dương trói buộc, mắc nợ nghiệp sát sinh, dâm uế không sạch, dẫn đến tính mạng của đứa trẻ cũng không được bảo toàn, khi chết chìm đắm trong sông ái. Thật đau xót thay! Đứa trẻ đó chịu tội báo mà không hề hay biết. Dù tìm thầy uống thuốc, oán trời trách người thì có ích gì?

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân luôn giữ được tâm thiện, từ bi, hỉ xả, chuyên giữ giới sát sinh, trộm cướp, tà dâm thì liền sinh đứa bé xinh đẹp lại có phúc, thần linh mẫn, khí trong lắng, trí tuệ thông minh, hợp nhất với hạt châu ma-ni, thì làm sao bệnh đậu mùa xâm nhập được!

Nếu có người lúc còn trẻ mắc bệnh đầu mùa, thì nên mau phát khởi tâm thiện, tự sám hối nghiệp ác, cha mẹ người này cũng nên trì trai, giữ giới, không sát sinh, không tà dâm, đốt đèn, dâng hương hoa, sáng tối đỉnh lễ, trì tụng tôn hiệu Phật bảo và thần chú bí mật một nghìn biến, hoặc hơn bốn nghìn, năm nghìn biến thì Phật thánh hiển linh, hạt châu ma-ni chiếu sáng, trời rồng ủng hộ, ác quỷ lánh xa, đứa trẻ được bảo toàn tính mạng, cha mẹ được sống lâu. Đó là lợi ích lớn không thể nghĩ bàn.

Nghe xong, hai vị Pháp vương tử vô cùng vui mừng, đỉnh lễ thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu có người nào trì tụng danh hiệu Phật và thần chú bí mật thì con sẽ phân thân hiện đến chỗ đó cứu giúp, khiến cho họ được an ổn.

Bấy giờ Đức Phật đối trước hai vị đại bồ-tát Dược Vương và Dược Thượng tuyên thuyết thần chú:

– Án ba la mật đa, án tất đạt đa, bàn đát na

Nam mô Tì-bà-thi Phật.

Nam mô Thi-khí Phật.

Nam mô Tì-xá-phù Phật.

Nam mô Câu-lưu-tôn Phật.

Nam mô Tì-na-hàm Mâu-ni Phật.

Nam mô Ca-diếp Phật.

Nam mô Bổn-sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Nam mô Đương lai hạ sinh Di-lặc tôn Phật.

Nam mô Đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, linh cảm Quán Thế Âm bồ-tát ma-ha-tát.

Nam mô Thệ độ chúng sinh tiêu tai tăng thọ Dược Vương, Dược Thượng bồ-tát ma-ha-tát.

Án ba la mật đa, án tất đạt đa, bàn đát na.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 06 – Nhập Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Mộ Phách – Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Ưu Điền - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Kinh Khổ Ấm - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Phúc Báo Tạo Hình Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Số - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Pháp Bố Thí - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 23 - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Vãng Sanh Tịnh Độ Bản Duyên - Kinh Tạng