Kinh Li Cấu Tuệ Bồ Tát Sở Vấn Lễ Phật Pháp

Li Cấu Huệ Bồ Tát Sở Vấn Lễ Phật Pháp Kinh

Đường Na Đề dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Nguyên Nhã

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Phật cùng với năm trăm vị đại tì-kheo, vô số bồ-tát an trú tại Thắng Đức Lâm Cấp Cô Độc Viên, thành Thất-la-phiệt-tất-đế. Bấy giờ có vô lượng bà-la-môn, tì-xá, thủ-đà-la và các trưởng giả, mỗi mỗi đều là người đứng đầu cùng nhau dẫn quyến thuộc đi đến chỗ Phật. Lại có trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già hiện diện đầy khắp pháp hội.

Bấy giờ trong chúng có bồ-tát ma-ha-tát tên là Li Cấu Tuệ từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối phải sát đất, ở trước Phật chắp tay cung kính thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con có một vài điều muốn thưa hỏi, xin Ngài chấp thuận!

Đức Phật dạy:

– Ông cứ hỏi, Ta sẽ theo ý ông mà trả lời.

Sau khi được Phật hứa khả, bồ-tát Li Cấu Tuệ vô cùng vui mừng thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ muốn cung kính, lễ bái cúng dường Như Lai thì phải như thế nào?

Đức Phật dạy:

– Này Li Cấu Tuệ! Hay thay, hay thay! Ông đã có lòng từ bi thương xót, làm nhiều điều lợi ích cho tất cả trời, người. Ông khéo lắng nghe Ta sẽ giảng nói.

– Nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn cung kính, đỉnh lễ Như Lai thì trước tiên phải phát nguyện: “Hôm nay con chí tâm đỉnh lễ mười phương chư Phật, nguyện đồng vào tất cả các pháp thù thắng. Con nguyện khi ngũ luân[1] lễ Phật thì thoát khỏi năm đường, đoạn trừ ngũ cái[2], nguyện cho các chúng sinh thường được an trú, không mất năm thông, đầy đủ năm căn. Khi gối phải con sát đất, nguyện cho tất cả chúng sinh được đạo Chính giác. Khi gối trái con sát đất thì nguyện cho các chúng sinh không khởi tà kiến đối với pháp ngoại đạo, tất cả đều được đứng vững trong đạo Chính giác. Khi tay phải con chạm đất, nguyện cho con giống như Thế Tôn ngồi tòa kim cương, tay phải chỉ xuống đất thì mặt đất chấn động, hiện điềm lành, chứng quả đại bồ-đề; nay con cũng xin được như vậy, cùng với các chúng sinh đồng chứng Giác đạo. Khi tay trái con sát đất, nguyện dùng tứ nhiếp pháp thu phục các ngoại đạo khó điều phục, đưa họ vào chính pháp. Khi đỉnh đầu con chạm đất, nguyện cho các chúng sinh xa lìa tâm kiêu mạn, tất cả đều thành tựu Vô kiến đỉnh tướng[3]”.

– Này Li Cấu Tuệ! Đây là tướng ngũ luân lễ Phật. Kế đến lễ các Đức Phật hiện tại trong mười phương. Các ông phải xướng:

Nam-mô A-súc Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới ở phương đông, các đại pháp tạng cùng các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Bảo Tướng Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới phương nam, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Vô Lượng Thọ Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới phương tây, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Diệu Cổ Thanh Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới phương bắc, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Nhân-đà-la-kê-đô Tràng Vương Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới phương đông nam, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Bảo Du Bộ Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới phương tây nam, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Ta-la Nhân-đà-la Vương Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới phương tây bắc, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Vô Lượng Tràng Vương Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới phương đông bắc, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Trí Quang Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới phương trên, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Tì-lô-giá-na Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới phương dưới, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy thánh hiền.

Nam-mô Ta-bà thế giới Bản sư Thích-ca Mâu-ni Như Lai và tất cả Như Lai trong vô lượng thế giới khắp mười phương, các đại pháp tạng, các vị bồ-tát, thanh văn, duyên giác và hết thảy hiền thánh.

Kế đến lại nguyện:

– Hôm nay con nhất tâm đỉnh lễ tất cả Phật, pháp và các hiền thánh tăng. Xin các Ngài chứng biết cho con. Từ nay đến khi thành Phật, con luôn qui y Phật Thế Tôn, đấng Đại từ bi, bậc Nhất thiết trí, Nhất thiết tri kiến, bậc đã lìa sự lo sợ, là đại sư tử trong nhân gian, là đại long vương, là Đại tiên trong nhân gian, là Đại trượng phu, là bậc thân biết khắp không thể nghĩ bàn, là bậc thân vô thượng, thân vô đẳng, thân không chung với Nhị thừa, bậc pháp thân thanh tịnh, bậc tối thượng trong tất cả chúng sinh. Nay con chí thành nhất tâm qui mạng. Qui mạng như vậy đến trăm lần, nghìn lần, trăm nghìn vạn lần, vô lượng vô số lần cho đến tận đời vị lai thấu xương thấu tủy. Con qui y chư Phật Thế Tôn như đã nói trên.

Lại nguyện:

– Nay con nguyện đem căn lành của ba nghiệp thân, khẩu, ý cùng các chúng sinh qui y Phật, thường không lìa xa Phật. Con qui y bậc ngồi đạo tràng, bậc thường trụ không thay đổi, bậc không già-không chết-không hoại diệt, bậc không trụ-không duyên tính hằng vắng lặng, bậc trụ vào pháp xả-làm bến bờ đại hộ niệm, bậc đã chứng niết-bàn làm nơi nương tựa, bậc trụ pháp tối thượng trong các pháp. Con nay chí thành ân cần trang trọng qui mạng chính pháp của chư Phật như vậy. Lại nữa, con chí thành như trên mà qui mạng các vị bồ-tát trụ trong Chủng tính địa, các vị bồ-tát từ Hoan hỉ địa cho đến Pháp vân địa và các vị bồ-tát tăng trụ ở giai vị Thập địa.

Lại nữa, con xin sám hối phát nguyện:

– Cúi xin chư Phật Thế Tôn trong mười phương chứng biết, nhớ nghĩ, xót thương nhận lời sám hối của con. Thân có ba nghiệp là sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Khẩu có bốn nghiệp là nói dối, nói lời hung ác, nói lưỡi hai chiều, nói lời thêu dệt. Ý có ba nghiệp là tham lam, sân giận, ngu si. Những nghiệp ấy, hoặc tự mình tạo, hoặc bảo người tạo, hoặc thấy nghe người tạo mà vui theo. Mười điều ác như vậy, nay con thảy đều xin sám hối.

Lại suy nghĩ từ xưa đến nay con luân chuyển trong sáu đường, dụng nhiều cách lừa dối chúng sinh, hoặc dùng cân già, đấu lớn để lấy vật về mình, còn dùng cân non, đấu nhỏ để trao cho người, giả làm mạ bằng vàng bên ngoài, âm thầm đầu độc… tất cả đều làm tổn hại mọi người. Hôm nay con thảy đều xin sám hối.

Hoặc co đã phỉ báng Tam thừa, nói càn pháp luật, khinh mạn Tam bảo, dối gạt cha mẹ, không cung kính các bậc tôn túc, hòa thượng, a-xà-lê, trưởng lão. Những tội lỗi ở quá khứ như vậy nay con thảy đều xin sám hối. Con thành tâm tỏ bày những việc ác đã làm ở hiện tại, những việc chưa làm thì càng không dám làm. Nay con ở trước chư Phật, chư bồ-tát, là các bậc trưởng thượng, các bậc vô tỉ vô thượng vô đẳng đẳng mà tỏ bày sám hối không dám che giấu. Một lần sám hối rồi, con nguyện về sau không dám tái phạm (Sám hối như thế, lần thứ hai, thứ ba cũng nói như trên).

Kế đến nên khuyển thỉnh: “Nếu chư Phật trong mười phương chưa chuyển pháp luân, hoặc muốn vào niết-bàn thì con xin thỉnh cầu chư Phật trụ mãi ở đời, trong vô lượng kiếp thương xót chúng sinh mà tuôn trận mưa đại pháp, chuyển chính pháp luân, chớ vội vào niết-bàn!”.

Lại nên phát tâm tùy hỉ: “Con xin tùy hỉ hằng hà sa hiền thánh Tam thừa trong mười phương và tất cả chúng sinh tu tập lục độ, trợ giúp pháp bồ-đề”.

Lại nguyện hồi hướng: “Những việc làm của chư Phật cùng với những hạnh tu lục độ của các bồ-tát, thanh văn, duyên giác đều hồi hướng hết về Vô thượng bồ-đề. Con cũng nguyện hồi hướng Phật đạo như thế”.

Lại xin phát nguyện:

– Kính nghĩ! mười phương ba đời chư Phật, bồ-tát đều phát nguyện rộng lớn giáo hóa tất cả chúng sinh trong cùng tận pháp giới khắp cõi hư không, thâu nhiếp hết ba cõi, nguyện các chúng sinh được hoàn toàn lợi lạc, đầy đủ thiện luật nghi[4], trụ đại niết-bàn. Nay hiện tiền con cũng lập đại thệ nguyện như vậy: “Con nguyện ở trong đạo Vô thượng tâm không tán loạn, thường thấy chư Phật, được nghe chính pháp, tiếp nhận và tu tập không hề luống bỏ. Các thiện pháp đã làm và tâm bồ-đề cũng không lui sụt, sinh vào nơi nào cũng thường cúng dường thánh chúng, giáo hóa chúng sinh chứng đạo Vô thượng, chuyển chính pháp luân, đầy đủ đại thần thông, lại cũng khiến tu tập như vậy đến bất thoái chuyển”.

Lại nguyện tất cả chúng sinh sớm đoạn các khổ, mau chứng Niết-bàn, trụ nơi trí Như Lai. Con đã ra khỏi sinh tử, giác ngộ tất cả thì cũng giúp chúng sinh xa lìa sinh tử, thoát mọi phiền não và giác ngộ tất cả. Xin nguyện mười phương chư Phật chứng tri cho con thực hành bồ-tát đạo, phát khởi biển nguyện lớn.

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:

Con nguyện sinh nơi nào

Tùy nghiệp mà thụ thân

Thành tướng đại trượng phu

Tín tâm, đủ các căn

Thông thạo các nghề nghiệp

Hiểu rõ ý giáo pháp

Buông bỏ hết việc đời

Xa lìa hết các dục.

Chính ngữ, trụ pháp niệm

Trang nghiêm tâm bồ-đề

Cung kính thiện tri thức

Được hữu tình tôn trọng

Uy nghi đã đầy đủ

Chỉ nghĩ được quả vui

Thường sợ những ác nghiệp

Đi vào các thiện pháp

Thường nương vào thập độ[5]

Nên chứng đắc bồ-đề.

Cho đến thân sau cùng

Luôn ban vui cho người.

Ma-ni đẹp bậc nhất

Thành tựu hạnh loại tha

Con nguyện mãi đời sau

Không ngừng làm lợi lạc.

Đức Phật bảo Li Cấu Tuệ bồ-tát ma-ha-tát:

– Nếu có chúng sinh hành bồ-tát đạo như Ta đã nói thì nên theo đó mà tu học.

Khi nghe Đức Phật thuyết kinh này xong, bồ-tát Li Cấu Tuệ và các đại chúng trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người và phi nhân v.v… tất cả đều rất vui mừng, tin nhận và cung kính thực hành.

*

Chú thích:

[1] Ngũ luân 五輪 còn gọi là ngũ thể: năm pha bộ phận trên cơ thể: gối phải, gối trái, tay phải, tay trái và đầu.

[2] Ngũ cái 五蓋: chỉ cho năm thứ phiền não che lấp tâm tính, làm cho pháp lành không sinh ra được (tham dục, sân khuể, hôn miên, trạo cử ác tác cái, nghi cái.

[3] Vô kiến đỉnh tướng 無見頂相: tướng đỉnh đầu của Đức Phật cao đến độ không thấy được, chỉ cho tướng thứ 66 trong 80 thứ tướng tốt đẹp của Phật.

[4] Thiện luật nghi 善律儀 cũng gọi là luật nghi: Những điều răn cấm do Đức Phật chế định, dùng làm khuôn phép trong sinh hoạt cho các đệ tử có thể điều phục thân tâm, diệt trừ các lỗi.

[5] Thập độ 十度: cũng gọi Thập ba-la-mật, Thập thắng hạnh. Mười hạnh thù thắng mà bồ-tát phải tu tập đầy đủ để đạt đến đại niết-bàn: 1.Thí độ 2. Giới độ 3. Nhẫn độ 4. Tinh tiến độ 5. Thiền độ 6. Bát-nhã độ 7. Phượng tiện độ 8. Nguyện độ 9. Lực độ 10. Trí độ

    Xem thêm:

  • Kinh Mười Pháp Tu Vãng Sanh Cực Lạc - Kinh Tạng
  • Pháp Môn Lược Thuật Kim Cang Đỉnh Du Già Phân Biệt Thánh Vị Tu Chứng - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Tuệ Nhuận dịch - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Bố Đàn Pháp Tu Dược Sư - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Sự Nhân Duyên Lợi Ích Của Danh Hiệu Phật Vô Lượng Thọ - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Cúng Dường Niệm Tụng Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Sự Tu Hành Của Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Nghi Thức Lễ Bái và Sám Hối ở Trước 35 Vị Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Lục Tự Chú Công Năng Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Mục Liên Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Tu Lại - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Niệm Tụng Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Tỳ Kheo Trẻ Tuổi Nói Việc Làm Chân Chánh - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng
  • Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Diệu Cát Tường Bồ Tát Sở Vấn Đại Thừa Pháp Loa - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Tàng Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng