1
2

Phật Thuyết Lộc Mẫu Kinh

Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch

Bản Việt dịch (1) của Tuệ Uyển

Bản Việt dịch (2) của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

***

Kinh Lộc Mẫu

Việt dịch: Tuệ Uyển

Đức Phật dạy: Thuở xưa, một đàn nai gồm mấy trăm con do mải tìm cỏ non và nước ngọt đã xâm phạm vào làng xóm của người. Đàn nai bị thợ săn do nhà vua phái rượt đuổi, chúng chạy tán loạn, và lạc mất một nai mẹ đang mang thai. Nai mẹ bơ vơ một mình vừa đói khát vừa lo buồn, đến lúc lâm bồn sinh hai chú nai con.

Một hôm, nai mẹ trong lúc đi tìm thức ăn sơ ý rơi vào bẫy của thợ săn. Nghĩ đến hai con nhỏ đang ở trong hang, nai mẹ kêu thảm thiết, cố vùng vẫy thoát thân, nhưng không được. Thợ săn bắt được nai vô cùng mừng rỡ, định giết. Nai khẩn khoản xin tha mạng :

– Hai con tôi vừa chào đời còn nhỏ, ngây ngô chưa biết gì. Xin hoãn cho tôi ít thời gian trở về thăm con, chỉ chỗ có cỏ non, nước ngọt để chúng có thể tự kiếm sống và để vĩnh biệt chúng. Đúng thời hẹn tôi sẽ quay lại chịu chết, không chút oán hận. Tôi tha thiết cầu xin ông rủ lòng xót thương ban ơn cho loài hàm thức này, và để đền đáp ơn trời biển này xin nguyện cầu chư thiên chở che và ban phúc lành cho bậc đức độ.

Nghe nai mẹ nói những lời vượt tình người như thế, người thợ săn vừa kinh sợ vừa ngạc nhiên, toàn thân rúng động. Ông hỏi:

– Lẽ nào ngươi là loài yêu quái, là thần núi rừng, hay là thần cây biến ra thân nai? Hãy nói sự thật rõ ràng cho ta biết.

Nai mẹ đáp:

– Vì đời trước tôi tạo tội tham lam, tàn bạo nên bây giờ phải thọ thân nai ; lòng thương con khiến tôi bộc bạch những lời thiết tha như thế, chứ tôi không phải yêu quỉ. Mong ông hiểu và xót thương tạm tha cho tội chết, sau đó tôi xin cam lòng làm thỏa mãn ý ông.

Tuy tin lời nai, nhưng tâm vẫn còn tham, người thợ săn không muốn tha. Ông nói:

– Người mà còn chưa đáng tin huống gì là nai! Ngươi vì quá thương con, tiếc mạng, nên mới cầu mong thoát nạn, chứ làm gì có chuyện thoát chết mà quay lại! Vả lại, Vua đã ra lệnh cấp bách, ta làm mất nai chắc chắn sẽ bị tội nặng. Ta không nỡ giết, nhưng không thả ngươi được!

Nai mẹ kinh sợ van xin:

– Tôi tuy là súc sinh thấp hèn, có chết cũng không oán trách, chỉ mong được về thăm con rồi trở lại ngay, lẽ nào tôi dám sai lời. Nếu tôi về thì con tôi được sống, nếu tôi ở lại thì con tôi phải chết. Tôi tha thiết cầu xin người ban chút phúc đức cho tôi đi, đúng hẹn tôi sẽ quay lại, xin chư thiên chứng minh lời tôi. Chết còn không tiếc thì làm sao tôi bội tín được? Sống không có mẹ, các con tôi sẽ chết mất. Tôi quyết chết để bảo toàn con mình, nếu cả ba mẹ con đều chết thì đau lòng xiết bao!

Nai mẹ cúi đầu tha thiết:

Tôi thọ thân súc sinh

Kiếm ăn nơi hoang dã

Mạng hèn lại tham sống

Không thể nào thoát chết.

Nay đã sa vào bẫy

Dao bén sẽ phanh thây

Nào tiếc thân dơ bẩn

Chỉ xót con dại khờ.

Chính vì trong đời trước

Bạo ác không tín thành

Chẳng tin sinh tử khổ

Tội phúc thật phân minh.

Làm ác phải thọ tội

Nay mang lông đội sừng

Nếu ông tạm tha mạng

Quyết sẽ giữ đúng lời.

Người thợ săn vừa thán phục vừa ngạc nhiên, nhưng vẫn còn tham tiếc không muốn thả nai mẹ. Ông mắng:

– Ngươi là kẻ gian trá, hư dối trăm điều, làm sao tin được? Ngươi đã xâm hại ruộng đồng, làm tổn thất mùa màng, tội rành rành như thế. Nay bị sa vào bẫy, sẽ bị xẻ thịt làm thức ăn dâng vua, ngươi đừng mong dối gạt để được tha mạng. Ai cũng tham sống sợ chết, sao có thể bỏ mạng mình? Con người khi thiếu ăn còn khó đúng hẹn, huống gì loài súc sinh, một khi thoát chết, tính mạng an toàn thì làm sao dám quay lại đúng như lời đã hứa? Chắc chắn ngươi phải chết, ta không thể nào tha được!

Nai mẹ khóc than:

Tuy tôi thọ thân nai

Không rõ điều nhân nghĩa,

Nhưng đã nhờ ơn lành,

Lẽ nào không trở lại.

Thà chịu đau như cắt

Không dối để tồn tại.

Xót thương trẻ khốn cùng

Xin hoãn chút thời gian.

Do ác nghiệp nhiều đời

Phải thọ báo súc sinh,

Bị người không tin tưởng

Tai họa tự như thế

Còn thọ báo nhiều đời.

Muốn thoát thân súc sinh

Phơi gan tỏ lòng thành

Xin lắng nghe lời nguyện:

Thế gian có kẻ ác

Nhiễu loạn tì-kheo[1] tăng

Hủy pháp, hoại chùa chiền

Hại người chuyên trì giới,

Ngỗ nghịch với song thân

Anh em cùng vợ con,

Nếu tôi không trở lại

Sẽ chịu tội như thế.

Chịu tội khổ nhiều đời

Hết kiếp, họa vẫn còn

Lần lượt bị thiêu đốt

Hết đây sinh đến kia

Nghĩ suy thật sâu nặng

Thọ khổ không cùng tận,

Nếu tôi không trở lại

Sẽ chịu tội như thế.

Người thợ săn thán phục:

– Ta thấy người đời này do phúc báo từ nhiều đời trước, nên được thọ thân người mà lại ngu si mê mờ, vong ân bội nghĩa, bất trung bất hiếu, tham lam bạo ngược, dối trá để bảo toàn mạng sống, không có lòng nhân, không biết vô thường, không kính tam bảo[2]. Nai tuy là súc sinh mà biết nói lời thiết tha, chí thành thề nguyện hơn cả con người, tấc lòng son sắt thật rõ ràng. Đúng là chứng kiến tận mắt, thấu đến tận lòng.

Thế là người thợ săn tháo bẫy thả nai mẹ. Nai mẹ được tự do, ngoái cổ lại nhìn, rồi về gặp con mình. Nai mẹ cúi đầu ngửi và liếm khắp thân hai con, buồn vui lẫn lộn, lo lắng bồi hồi, ngậm ngùi:

Thương yêu cùng tụ hội

Do nhân duyên hợp thành

Có tựu ắt có tán

Vô thường, khó kéo dài.

Ta là mẹ các con

Nhưng không giữ được con

Sống ngập tràn âu lo

Mạng như sương trên cỏ.

Nai mẹ đưa hai con vào rừng sâu, chỉ giống lúa nào ăn được, nơi nào có cỏ non, nước mát, dặn dò cặn kẽ mọi cách sống. Nghĩ đến cảnh con phải mồ côi, nai mẹ tuôn nước mắt, sụt sùi:

Đời trước sống không thật

Nay nặng nợ ái ân.

Giết hại mạng chúng sinh,

Tự cướp, sai người giết,

Thân làm, báo liền theo

Do vậy đời này khổ.

Nếu không gây nhân lành

Sẽ trở lại nơi ấy.

Chống Phật, phỉ báng pháp

Làm sai lời thầy dạy,

Lòng tham không nhàn chán,

Sống buông thả, ngu si,

Thọ báo thân súc sinh

Làm thức ăn cho người.

Thủ phận không oán than

Mạng hết, lại chẳng thẹn,

Tham cầu điều phi đạo,

Xưa trộm cướp, giết hại,

Phải thọ thân súc sinh.

Nghiệp cũ mãi truy tìm

Trói buộc phải chịu chết.

Vì sợ, nên không sân

Nhờ hiểu rõ tam tôn

Nên đã đoạn ái ân.

Một sáng mẹ lâm nạn

Rơi vào bẫy thợ săn

Sắp phanh thây, xẻ thịt

Thọ quả báo nát thân.

Thương con, mẹ xin hoãn

Nay quay lại chịu chết.

Thương con thân mồ côi

Nỗ lực tự sinh sống

Ra đi, không tách bầy,

Chung sống, không rời đàn,

Ăn cũng cùng bạn hữu,

Khi ngủ luôn cảnh giác,

Cẩn trọng khi một mình,

Kiếm ăn ven vệ đường.

Nói xong, nai từ biệt, quay lại chịu chết. Ba mẹ con bịn rịn nhiều lần không nỡ lìa xa. Nai mẹ cúi đầu rống tiếng thê lương rồi quay lưng đi. Hai chú nai con đầm đìa nước mắt, lẫm đẫm theo dấu chân mẹ, nức nở:

Do tham dục ân ái,

Sinh làm mẹ làm con.

Xưa nay thọ báo thân

Loài súc sinh thấp hèn

Vì sao lại cô phụ

Đoạn mạng, chết nơi này.

Yêu mẹ, lòng đau xót

Con xin được chết cùng.

Luống nghĩ, từ lúc sinh

Hoàn toàn chẳng biết gì

Thương mẹ chăm chúng con

Phải đền ơn bú mớm.

Nào ngờ sớm chia xa

Trọn đời con vắng mẹ

Thương mẹ khổ vì con

Chẳng thiết sống một mình.

Vô phúc thọ súc sinh

Kém phúc, tai họa đến

Xưa sống trong mê muội

Nay phải bị chia cách.

Có sinh ắt có tử

Sớm muộn gì cũng đến

Nỗi khốn khó hôm nay

Chúng con xin san sẻ.

Nghe con nói, nai mẹ xúc động tuôn nước mắt, quay đầu nhìn lại, nghẹn ngào:

– Các con hãy trở về, đừng theo mẹ, để mẹ trả báo. Các con phải sống, không nên chết oan uổng cùng mẹ. Cuộc đời vô thường, không ai tránh khỏi cảnh biệt li. Đời mẹ mệnh bạc, chết đã đành, chỉ thương hai con còn quá thơ dại, lại kém phúc. Mẹ không muốn hai con theo, mẹ nên nhanh chân để trả cho xong mối nợ này.

Xưa vì mẹ quá tham,

Nay thọ súc sinh hèn;

Đời, có sinh có tử,

Không thoát, vẫn mãi lo;

Giữ ý, lìa xan tham,

Về sau được an lạc.

Thà chết giữ chữ tín,

Không sống mà dối gian.

Hai chú nai con lưu luyến theo mẹ đến chỗ bẫy của người thợ săn. Người thợ săn đang nằm dưới gốc cây. Nai mẹ đến bên cạnh, cúi đầu nói lớn đánh thức người thợ săn:

Giao ước toàn chân thật,

Chấm dứt kiếp súc sinh

Được tha, không thất hứa,

Quay về chịu thọ hình.

Vừa rồi ông tha tôi ;

Nay đến xin chịu chết.

Ban ơn cho kẻ mọn,

Được về thăm con khờ.

Hướng dẫn nơi cỏ nước,

Chỉ rõ vô thường khổ,

Muốn chết không oán hận,

Nhớ ân nào dám phụ.

Người thợ săn nghe những lời bộc bạch chân thành của nai mẹ thì tỉnh giấc đứng dậy, vừa kinh sợ vừa thương xót. Nai mẹ cúi đầu, quì hai chân trước, vui vẻ hướng về người thợ săn:

Nhân giả vừa tha tôi,

Đức dày hơn trời đất.

Kẻ hèn đượm lòng từ,

Bi thương không kềm chế.

Vạn vật đều vô thường,

Vui, giữ lời chịu chết.

Diệt oán, dứt nhân duyên,

Oán hận từ đây hết.

Ân của Ngài khó quên,

Cảm nhận, đâu dám trái,

Muôn ngàn lần cảm tạ.

Không đủ đáp nghĩa ân,

Chỉ có lời chân thành,

Phúc ấy tự nhiên đến.

Nay cam lòng chịu chết,

Con thơ gửi người trông.

Người thợ săn bàng hoàng cảm nhận lòng chân thật của nai mẹ, lòng tin tưởng việc xả thân chấp nhận chết để trọn lời thệ nguyện:

– Ba mẹ con đau đớn đến thế mà cũng đến thọ tội. Nai này thật khác thường, có tâm của thánh nhân, trên đời khó có ai sánh được. Ta từng sống tàn bạo bất lương, trong khi nai sống nhân nghĩa, nói lời thành tín, không vong ơn. Lời nai quá sáng suốt đáng cho ta lĩnh thụ, lẽ nào ta lại làm tổn hại nai!

Người thợ săn nhún nhường, cung kính, cảm khái:

Nai tôn trọng chữ tín,

Lập thệ, chí nguyện lớn,

Lòng tôi thật sợ hãi,

Nào dám thương tổn nai!

Thà tự giết thân mình,

Vợ con phân từng đoạn,

Sao nỡ hại thánh nhân,

Dù chỉ trong ý tưởng!

Thợ săn nói xong, lòng xót xa, hối hận dày vò, thả nai mẹ đến chỗ các con. Nai con vừa thấy mẹ được sống trở về vội chạy đến, nhảy lên kêu thảm thiết. Mẹ con đoàn tụ mừng vui khôn xiết, húc đầu vào nhau bật lên những tiếng kêu rộn rã. Cảm nhận ân lớn, chúng ngước đầu tạ ơn người thợ săn:

Kẻ mọn ở trên đời

Cung cấp cho nhà bếp

Sắp phanh thân, xào nấu

Xin hoãn về thăm con,

Trời người thương yêu vật,

Được thả cho về nhà

Phúc đức tích vô lượng,

Từ nào tả cho xiết!

Tạ ân xong, nai mẹ đưa hai con trở về rừng sâu, gọi tất cả bạn bè cùng dạo chơi, cả đàn sống yên ổn bên đồng cỏ xanh, trên đồi núi cao. Thả nai rồi, người thợ săn ngẫm nghĩ: “Nai tuy là súc sinh mà thân luôn thực hành tín nghĩa, vừa thoát chết liền cứu giúp kẻ khác, đáng được ngợi khen. Ta lâu nay làm ác, sao không trải từ tâm?”.

Tỉnh giấc mộng dài, tâm ý tỏ rõ, người thợ săn mở rộng lòng nhân. Ông vứt bỏ cung tên, xa lìa tâm sát hại, siêng năng lui tới chùa chiền, học hỏi chư tăng, đỉnh lễ quy y sám hối, kính thuận nhân nghĩa và giữ gìn tâm chân chính. Ông đến tâu vua rõ ràng câu chuyện nai mẹ, vua nghe xong tấm tắc:

– Súc sinh như nai mà có nghĩa, trí tuệ sáng suốt, thấu hiểu lời giáo hóa, biết tôn kính tam bảo, còn ta sao quá tham lam, tàn bạo! Dân nước ta ngu si tăm tối, nghe những lời yêu mị, nay ta phải nên lìa bỏ, để mãi mãi bảo toàn cái đẹp. Ta phải giúp cho toàn dân nghe biết việc súc sinh hành điều nhân nghĩa, hiện tại được minh chứng để việc giáo hóa của Đạo lớn được thấm nhuần khắp nơi.

Vua triệu tập quần thần, tuyên bố khắp nhân dân:

– Ta vì si ám đã không phân biệt được chân- ngụy, học theo thầy tà, sợ thần sợ quỉ, cúng tế yêu quái một cách vô đạo, áp bức dân lành, chẳng giống loài nai nhận rõ tam bảo. Từ nay về sau, tất cả dân chúng từ bỏ tà đạo quay về nẻo chính, thường xuyên đến chùa, thân cận học hỏi các bậc thánh tăng, nguyện đời sau mãi mãi thụ hưởng phúc đức. Quần thần cao thấp, dân chúng lớn nhỏ đều phải tin thờ tam bảo, giữ gìn năm giới, tu tập mười điều lành[3].

Sau ba năm thay đổi như thế, đất nước hưng thịnh, nhân dân an lạc, đó chính là nhờ phúc lành của nai vậy.

Đức Phật dạy tôn giả A-nan:

– Từ lâu ta đã dùng phương tiện khéo léo nhiều kiếp thi ân, cứu giúp chúng sinh, việc ấy thật như thế. Nai mẹ khi ấy là tiền thân của ta; hai nai con là La-vân[4] và Chu-ly Mẫu; nhà vua là Xá-lợi-phất[5]; người thợ săn là A-nan[6]; còn người dân chạy đến tâu vua là Điều-đạt[7].

Khi Đức Phật dạy xong, một luồng ánh sáng thật lớn từ bắp chân phóng ra chiếu khắp nghìn cõi Phật ở mười phương đông, tây, nam, bắc, bốn góc, trên dưới. Nơi nào ánh sáng chiếu đến thì nơi ấy hiện ra hóa Phật ngồi trên tòa sư tử và hoa sen báu, hoặc nhục thân pháp sư tì-kheo, hoặc quốc vương, hoặc con của trưởng giả, hoặc thân phàm phu nghèo hèn, hoặc thân súc sinh, các thân ấy lại phóng ánh sáng chiếu soi thuyết pháp dẫn dắt chúng sinh.

Đức Phật nói công đức tín nguyện của nai mẹ làm phương tiện giáo hóa. Pháp âm đã thấm vào lòng, mọi người dốc lòng tín thọ hành trì, và cùng quay về đạo vô thượng chân chính. Bấy giờ Đức Phật xoay luồng ánh sáng chiếu khắp toàn cõi Diêm-phù-đề, nơi nơi đều rực sáng. Những ai được ánh sáng này chiếu đến, tâm đều an ổn.

Bấy giờ trong hội chúng có tám trăm tì-kheo chuyên tu bốn đạo[8], sau khi nghe câu chuyện nai mẹ đã phát khởi đại nguyện, dùng tín tâm để thành tựu đạo quả đã cảm ngộ, chuyển tâm, tức thời sám hối, bạch Phật:

– Chúng con xin lập tín nguyện, thề hành đạo Bồ-tát[9], cúi xin Đức Phật từ bi trợ giúp cho chúng con. Chúng con phát nguyện gánh vác chúng sinh, cứu giúp muôn loài, đến chết cũng không rời chí nguyện.

Thưa xong, các vị tì-kheo liền được khoác chiếc áo giáp bốn thệ nguyện[10] rộng lớn của bồ-tát. Khi ấy, tôn giả A-nan sửa pháp phục, quì gối bạch Đức Thế Tôn:

– Bạch thế Tôn! Các vị tì-kheo này vốn không hiểu pháp Đại thừa[11], phủ nhận chân đế, vì sao nay lại khai ngộ nhanh chóng, đắc pháp, vượt thoát vực sâu như thế? Hàng tiểu quả không hiểu nổi. Trong hội chúng còn có người hoài nghi, ngưỡng mong Thế Tôn nói lý do để người sau được biết rõ!

Đức Phật dạy:

– Lành thay, A-nan! Ngươi hỏi thật hay! Đó là do các vị ấy kế thừa quá trình giác ngộ từ đời trước, chứ không phải mới có được trong đời hiện tại. Các tì-kheo này chính là những người dân trong nước thuở xưa, do tín thọ lời vua, kính giữ tam bảo, lại được sự cảm hóa của nai mẹ, nên đã phát tâm chân chính vô thượng. Nhưng họ ngu si, mê ám không chịu tu tập, nên nay tuy gặp ta được làm bậc sa-môn, mà quên mất bổn nguyện, mờ mịt pháp Đại thừa. Bây giờ nghe ta nói rõ ngọn nguồn đời trước, nhờ vào tâm thức thuở xưa họ đã quét sạch hoài nghi, đạt đến sự an ổn tối thượng.

Khi Đức Phật dạy, tám trăm vị tì-kheo thành tựu A-duy-việt-trí[12]. Tám nghìn lực sĩ[13] chứng tâm giải thoát, không còn phóng dật, phát tâm vô thượng chân chính, thâm nhập tín thanh, đạt vô tưởng định[14] an ổn. Bảy ức hai nghìn trời, rồng, và người đều phát tâm vô thượng chính chân đạo. Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

– Khi còn là súc sinh, Ta đã vì chúng sinh phải chịu khổ đau cùng tột mà không quên tâm hoằng hóa rộng lớn của bồ-tát, hướng dẫn tu tập làm lợi ích cho đến ngày này. Nếu có người quên nguồn cội, trôi nổi, đắm chìm chưa được cứu vớt thì không buông bỏ họ. Những ai muốn tìm cầu an lạc, đạt được công đức, sớm thành Phật quả, đều phải hết lòng chí thành qui tín tam bảo, đời đời không lui sụt. Sở dĩ ngày nay ta đạt đến Niết-bàn là nhờ tâm thành tín. Này A-nan! Ông nên thụ trì, lưu truyền kinh này rộng khắp, đừng để đoạn dứt.

Tôn giả A-nan cúi đầu đỉnh lễ Đức Thế Tôn, vâng lời đọc tụng thụ trì.


Chú thích:

[1] Tì-kheo 比丘 (S: bhiksu): người nam được độ xuất gia, thụ giới cụ túc, một trong năm chúng, một trong bảy chúng của giáo đoàn Phật giáo.

[2] Tam bảo 三寶 (S: tri-ratna, ratna-traya. Cg: tam tôn): ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo được tín đồ Phật giáo tôn kính, cúng dường.

[3] Mười điều lành (Thập Thiện 十善): mười hành vi thiện do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo ra. Thân: không sát sinh, trộm cắp, tà dâm; Khẩu: không nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói thêu dệt; ý: không tham, sân, si.

[4] La vân 羅雲 (Cg: La-hầu-la): vị la-hán mật hạnh đệ nhất sống vào thời Phật, là một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật.

[5] Xá-lợi-phất 舍利弗 (S: Sàriputra): vị a-la-hán có trí tuệ bậc nhất trong mười vị đại đệ tử lớn của Đức Phật.

[6] A-nan 阿難 (S: Ànanda; Hd: Khánh Hỉ): đệ tử đa văn bậc nhất và là em chú bác với Đức Phật.

[7] Điều Đạt 調達 (Cg: Đề-bà-đạt-đa): vị tì-kheo phạm tội ngũ nghịch, phá hoại tăng đoàn, đối nghịch với Phật.

[8] Bốn đạo (Tứ đạo 四道): bốn quá trình đoạn trừ phiền não, chứng đắc chân lí.

[9] Bồ-tát 菩薩 (S: bodhi-sattva): người tu hành, trên cầu thành Phật bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sinh bằng tâm từ bi, tức là người đầy đủ hai hạnh: tự lợi, lợi tha và dũng mãnh cầu thành Phật.

[10] Tứ hoằng thệ nguyện 四弘誓願 (Cg: tứ hoằng hạnh nguyện): bốn điều nguyện rộng lớn mà tất cả bồ-tát nên phát khởi khi còn ở nhân vị.

[11] Đại thừa 大乘 (S: Maha-yana): vốn chỉ phương tiện chuyên chở lớn như xe cộ, thuyền bè… trong kinh điển thường dùng từ này để dụ cho giáo pháp sâu xa vi diệu của Đức Phật có thể chuyên chở vô lượng chúng sinh từ bờ phiền não đến bờ giải thoát

[12] A-duy-việt-trí 阿惟越致 (S: Avaivarti; Cg: A-bệ-bạt-trí): bậc tu hành tinh tiến, có nhiều công hạnh và phúc đức, gần với quả vị Phật, không sinh trở lại trừ phi phát nguyện độ đời.

[13] Lực sĩ 力士: người có sức mạnh.

[14] Vô tưởng định (S: asamjnà-samãpati): vô tưởng định là định dứt sạch tâm, tâm sở (tác dụng của tâm), làm ngưng hoạt động của tất cả tâm thức. Giống như cá ướp lạnh, sâu chưa nở, nhưng không thể đoạn hoặc và chứng nhập thánh quả.

    Xem thêm:

  • Pháp Môn Lược Thuật Kim Cang Đỉnh Du Già Phân Biệt Thánh Vị Tu Chứng - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Cúng Dường Niệm Tụng Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức - Kinh Tạng
  • Thiếu Thất Lục Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Về Tám Điều Nuôi Lớn Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Thất Tinh Như Ý Luân Bí Mật Yếu - Kinh Tạng
  • Kinh Cửu Sắc Lộc - Kinh Tạng
  • Tâm Yếu Kim Cang Đỉnh Du Già Lược Thuật Ba Mươi Bảy Tôn Vị - Kinh Tạng
  • Kệ Tụng Kinh Mật Tích Lực Sĩ Đại Quyền Thần Vương - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Thiền Sư Tào Sơn Bản Tịch - Kinh Tạng
  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Lục Độ Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng