1
2
3
4

Phật Thuyết Pháp Ấn Kinh

Hán dịch: Tống Thi Hộ

Bản Việt dịch (1) của Huyền Thanh, bản Việt dịch (2) của Thích Nhất Hạnh

Bản Việt dịch (3) của Thích Nguyên Chơn, bản Việt dịch (4) của Thích Thiện Trì

***

Kinh Pháp Ấn

Việt dịch: Huyền Thanh

Bấy giờ Đức Phật ngự tại nước Xá Vệ (Śrāvastya) cùng với chúng Bật Sô (chúng Tỳ Khưu) đều đến dự.

Khi ấy Đức Phật bảo chúng Bật Sô rằng: “Các ông nên biết, có Thánh Pháp Ấn, (Ārya-dharma-mudra) nay Ta vì các ông phân biệt diễn nói. Các ông nên khởi sự thấybiết trong sạch, lắng nghe kỹ lưỡng, chân thật thọ nhận, như khéo tác Ý, ghi nhớ suy nghĩ”

Thời các vị Bật Sô (Bhikṣu) liền bạch Phật rằng: “Lành thay Thế Tôn ! Nguyện xin tuyên nói, chúng con vui thích lắng nghe”

Đức Phật nói: “Này Bật Sô ! Tính trống rỗng (Không Tính:Śūnyatā) không có chỗ có được (sở hữu), không có vọng tưởng, không có chỗ sinh ra (sở sinh), không có chỗ tan mất (sở diệt), lìa các sự thấy biết (tri kiến). Tại sao thế ? Vì Tính trống rỗng (không tính) không có nơi chốn, không có sắc tướng, chẳng phải là có tưởng, vốn không có chỗ sinh ra, chẳng phải là chỗ tri kiến theo kịp, lìa sự dính mắc của các Hữu (vạn vật sai biệt của Mê Giới, chỗ tạo nghiệp của chúng sinh). Do lìa sự dính mắc, cho nên nhiếp tất cả Pháp, trụ cái thấy bình đẳng, là cái thấy chân thật.

Bật Sô nên biết, Tính trỗng rỗng (không tính) như vậy, các Pháp cũng như thế. Đây gọi là Pháp Ấn (Dharma-mudra)

Lại nữa, các Bật Sô ! Pháp Ấn này tức là ba Môn Giải Thoát (Trīṇi vimokṣa-mukhāni: Tam giải thoát môn), là Pháp căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật. Đây tức là nơi quy thú của chư Phật. Thế nên, các ông hãy nghe cho kỹ, chân thật thọ nhận, ghi nhớ suy nghĩ, quán sát như thật.

Lại nữa Bật Sô ! Nếu có người tu hành thì nên đến rừng cây, hoặc ở dưới gốc cây, các nơi vắng lặng (tịch tĩnh xứ), quán sát như thật: hình thể vật chất (Rūpa¬skandha: Sắc uẩn) là khổ (Duḥkha), là trống rỗng (Śūnya:Không), là không có thường (Anitya:vô thường) sẽ sinh chán lìa, trụ cái thấy bình đẳng.

Như vậy quán sát: Cảm Giác (Vedanā-skandha: Thọ uẩn), Tri Giác (Saṃjñā-skandha:Tưởng uẩn), Lưu Chuyển Tạo Ứng (Saṃskāra-skandha:Hành uẩn), Nhận Thức (Vijñāna-skandha:Thức uẩn) là khổ (Duḥkha), là trống rỗng (Śūnya:Không), là không có thường (Anitya:vô thường) sẽ sinh chán lìa, trụ cái thấy bình đẳng.

Này các Bật Sô ! Các Uẩn (Skandha) vốn trống rỗng (không), do Tâm đã sinh ra. Tâm Pháp tan mất xong thì các Uẩn không có tạo làm. Như vậy biết thấu tỏ, tức Chính Giải Thoát. Chính Giải Thoát xong, lìa các sự thấy biết (tri kiến). Đây gọi là Không Giải Thoát Môn (Śūnya-vimokṣa-mukhāni)

Lại nữa, trụ Tam Ma Địa (Samādhi) quán các Sắc Cảnh (Cảnh giới đối đãi với con mắt như: dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, ngay ngắn, chẳng ngay ngắn…trắng, xanh, vàng, đỏ, mây, khói, bụi, sương mù, bóng ảnh, ánh sáng, tối, sáng….) thảy đều diệt hết, lìa các Hữu Tưởng (Saṃjñin: có đủ cảm giác, nhận thức, ý chí, tác dụng của ý thức của nhóm khảo xét). Như vậy âm thanh (Śabda:Thanh), mùi ngửi (Gandha: Hương), vị nếm (Rasa: Vị), cảm giác tiếp chạm (Spraṣṭavya: Xúc), Pháp cảnh (Dharma: Pháp) cũng đều diệt hết, lìa các Hữu Tưởng. Như vậy quán sát thì gọi là Vô Tưởng Giải Thoát Môn (Asaṃjñā-vimokṣa-mukhāni)

Vào Môn Giải Thoát (Vimokṣa-mukhāni) này xong, liền được Tri Kiến trong sạch. Do sự trong sạch này, cho nên tham muốn (Tham: Lobha, hay Rāga), giận dữ (Sân: Pratgha, hoặc Dveṣa), ngu si (Si: Moha, hay Mūḍha) thảy đều diệt hết, trụ cái thấy bình đẳng. Trụ cái thấy này, liền lìa Ngã Kiến (ātma-dṛṣṭi: cái thấy sằng bậy chấp dính có cái Ta chân thật) với Ngã Sở Kiến (Mama-kāra-dṛṣṭi: Vọng chấp Pháp của năm Uẩn là chỗ có được của cái Ta), tức thấu tỏ các cái thấy (Kiến:Dṛṣṭi), không có chỗ sinh khởi, không có chỗ nương cậy

Lại nữa, lìa Ngã Kiến xong, liền không có thấy, không có nghe, không có hiểu, không có biết. Tại sao thế ? Do Nhân Duyên (Hetu-pratyaya) mà sinh các sự nhận thức (Thức: Vijñāna), tức Nhân Duyên ấy với sự nhận thức (Thức) được sinh ra, thảy đều không có thường (vô thường). Do Vô Thường cho nên sự nhận thức (Thức) chẳng thể đắc, Thức Uẩn (Vijñāna-skandha) đã trống rỗng (Śūnya: Không) không có chỗ tạo làm. Đây gọi là Vô Tác Giải Thoát Môn (Akarmaka-vimokṣa-mukhāni)

Vào Môn Giải Thoát (Vimokṣa-mukhāni) này xong, biết cứu cánh của Pháp, đối với Pháp không có dính mắc, chứng sự Tịch Diệt của Pháp”

Đức Phật bảo các vị Bật Sô: “Như vậy gọi là Thánh Pháp Ấn, tức là ba môn Giải Thoát. Hàng Bật Sô, các ông nếu tu học, liền được Tri Kiến trong sạch”

Khi các vị Bật Sô nghe Pháp này xong, đều rất vui vẻ, đỉnh lễ, tin nhận

    Xem thêm:

  • Kinh Ngũ Uẩn Giai Không - Kinh Tạng
  • Kinh Thánh Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 29 – Xem Tướng - Kinh Tạng
  • Kinh Duyên Khởi - Kinh Tạng
  • Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Tán Phật Pháp Thân Lễ - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tu Ðạt - Kinh Tạng
  • Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Bi Tâm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa 12 Tương Khế Với 108 Danh Hiệu Vô Cấu Của Thiên Nữ Đại Cát Tường - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sở Thuyết Tối Thắng Danh Nghĩa - Kinh Tạng
  • Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ - Kinh Tạng
  • Kinh Tì Nại Da Kinh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Tuệ Sỹ dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 01 – Kính Phật - Kinh Tạng
  • Bài chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Tinh Yếu Đế Thích Bát Nhã - Kinh Tạng