Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên

Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên Kinh

Tống Trở Cừ Kinh Thinh dịch

Bản Việt dịch của Thích Tâm Châu

***

1. Chính tôi được nghe, vào một thời kia, đức Phật trụ tại vườn Cấp Cô Độc, rặng cây Kỳ Đà, thuộc nước Xá vệ.

2. Bấy giờ Thế Tôn cử động thân thể, phóng ra hào quang. Hào quang sắc vàng, quanh vườn Kỳ Đà. Quanh suốt bảy vòng, rồi chiếu vào nhà ông Tu Đạt (2) ở. Hào quang chiếu này cũng bằng sắc vàng. Hào quang vàng này, như từng đám mây lan tỏa cùng khắp cả nước Xá Vệ. Lan tới chỗ nào, nơi ấy đều mưa.

3. Sau đó, Ngài lại hóa hoa sen vàng. Trong mỗi hào quang hóa hoa sen vàng, trong đó có đến vô lượng trăm nghìn chư đại hóa Phật, và mỗi hóa Phật, đều xướng lên rằng: “ Nay ở trong này có nghìn bồ tát, sẽ thành Phật đạo. Đầu tiên thành Phật, Ngài Câu Lưu Tôn. Và thời sau cùng, vị được thành Phật là ngài Lâu Chí ”.

4. Các vị hóa Phật, nói lời ấy rồi, ông Kiều Trần Như, từ thiền định dậy, cùng với hai trăm năm mươi quyến thuộc cùng đến nơi Phật. Ngài Đại Ca Diếp cũng cùng hai trăm năm mươi quyến thuộc, cùng đến nơi Phật. Đại Mục Kiền Liên cũng cùng hai trăm năm mươi quyến thuộc, cùng đến nơi Phật. Tôn giả Xá Lỵ cũng cùng hai trăm năm mươi quyến thuộc, cùng đến nơi Phật. Tu Đạt trưởng giả cũng cùng ba nghìn vị Ưu bà Tắc (3), cùng đến nơi Phật. Tỳ Xá Khư Mẫu cũng cùng hai nghìn vị Ưu bà Di (4), cùng đến nơi Phật. Chúng đại Bồ tát gồm mười sáu vị như là Bồ tát Bạt Đà Bà La…, cũng đến nơi Phật. Ngài pháp vương tử (5) Văn Thù Sư Lỵ cũng cùng năm trăm vị Bồ tát khác cùng đến nơi Phật. Cả đến các vị Thiên, Long, Dạ Xoa, cùng Càn Thát Ba…, hết thảy đại chúng, thấy hào quang Phật, đều cùng vân tập đến nơi Phật trụ.

5. Bấy giờ Thế Tôn lại phóng thêm ra hàng nghìn hào quang tướng quảng trường thiệt. Trong mỗi hào quang, có nghìn màu sắc, có nhiều hóa Phật. Các hóa Phật ấy, tuy rằng khác miệng, nhưng đồng âm thanh, đều nói lên rằng: “Các đại Bồ tát đều thanh tịnh nầy, có Đà ra ni (6) rất sâu vi diệu không thể nghĩ bàn như: đà ra ni mục khư, đà ra ni không tuệ, đà ra ni vô ngại tính, đà ra ni đại giải thoát vô tướng”.

6. Khi ấy Thế Tôn dùng một âm thanh nói ra trăm ức môn đà ra ni. Lúc Thế Tôn nói đà ra ni song, ở trong pháp hội có một Bồ tát tên là Di Lặc, nghe lời Phật nói tức thời chứng được hàng trăm vạn ức môn đà ra ni, và ngay sau đó, Bồ tát Di Lặc, liền từ tòa ngồi, nghiêm chỉnh y phục, xoa tay, chắp tay, đứng ngay trước Phật.

7. Và, cùng khi ấy, ông Ưu Bà Ly, từ tòa đứng dậy, đầu diện tác lễ, bạch đức Phật rằng: “Kính bạch Thế Tôn, xưa kia khi Thế Tôn nói trong kinh luật rằng, A Dật Đa sẽ được thành Phật, ở đời sau nầy. Nay con thấy rằng ông A Dật Đa vẫn còn đầy đủ tấm thân phàm phu và chưa dứt hết được các lậu hoặc. Khi Di Lặc mất sẽ sinh nơi nào? Bản thân Di Lặc, con người hiện nay, tuy là xuất gia, không tu thiền định, không dứt phiền não. Thế Tôn thụ ký (7) cho ông Di Lặc con không dám nghi. Nhưng, con muốn biết, khi ông mất rối, sinh vào nước nào?

8. Thế Tôn liền bảo ông Ưu Bà Ly: “Ông hãy nghe kỹ, nghe cho thật kỹ và khéo nhớ nghĩ, nay Như Lai đây, bậc Chánh biến tri, ở trong chúng này, nói về Di Lặc bậc đại bồ tát, thụ ký vô thượng chính đẵng chánh giác”.

9. Sau mười hai năm, Di Lặc mệnh chung, quyết được sinh lên cõi trời Đâu Suất. Trên trời Đâu Suất có năm trăm ức các vị Thiên tử. Mỗi vị Thiên tử đều tu về pháp thí Ba la mật. Các vị Thiên tử vì sự cúng dường một vị Bồ tát “Nhất sinh bổ sứ” (8) nhờ phúc lực ấy, xây cất cung điện. Các vị trút bỏ cả các mũ báu chiên đàn ma ni, quỳ thẳng, chắp tay, phát lời nguyện rằng:“ Ngày nay chúng con đem các bảo châu và mũ thiên quan, thực vô giá này, chỉ với mục đích cúng dường cho bậc “ Đại tâm Chúng Sinh” Vì, rằng bậc này, không bao lâu nữa, ở trong đời sau, thành bậc vô thượng chính đẵng chính giác. Chúng con chỉ mong, trong đời sau này, chúng con sẽ được trang nghiêm quốc giới củ a đức Phật ấy, và được thụ ký. Nếu được như thế, mũ báu của chúng con, hóa thành đồ cúng”. Rồi cứ như thế, các vị thiên tử lấn lượt quỳ thẳng cũng lại phát nguyện, nguyện lớn như trên.

10. Khi các Thiên tử phát nguyện xong rồi, các mũ báu ấy hóa thành năm trăm vạn ức cung báu. Mỗi một cung báu có một trùng tường. Mỗi một trùng tường, xây bàng bảy báu. Và, mỗi thứ báu phóng ra hàng năm trăm ức ánh sáng. Trong mỗi ánh sáng, có năm trăm ức bông hoa sen lớn. Mỗi một hoa sen, lại biến hóa ra thành năm trăm ức hàng cây bảy báu. Mỗi một lá cây, lại có hàng năm trăm ức sắc báu. Mỗi một sắc báu, có năm trăm ức ánh sáng vàng ròng cõi Diêm phù đàn (9). Mỗi một ánh sáng như ánh vàng ròng cõi Diêm phù đàn, hiện năm trăm ức chư thiên bảo nữ. Mỗi nàng bảo nữ, đứng dưới cây báu, cầm hàng trăm ức vô số anh lạc (10). Và, trong khi ấy, tự nhiên trổi lên âm nhạc vi diệu. Trong âm nhạc ấy, diễn thuyết ra những pháp luân bất thoái. Các cây báu ấy, sinh ra các quả, màu như pha lê. Các ánh sáng ấy, chiếu theo chiều phải, uyển chuyển phát ra nhiều thứ âm thanh. Những âm thanh ấy, nói ra những pháp đại từ, đại bi.

11. Về mỗi trùng tường, cao độ vào khoảng, sáu hai do tuần. Tường dầy vào khoảng mười bốn do tuần. trong trùng tường ấy, có năm trăm ức các vị Long vương vây quanh gìn giữ. Mỗi vị Long vương, hóa hàng trăm ức hàng cây bảy báu, để trang nghiêm thêm các trùng tường ấy. Rồi tự nhiên có gió hiu hiu thổi động các câu ấy. Các cành cây ấy va chạm vào nhau, diễn ra những pháp: khổ, không, vô thường, vô ngã, và cả pháp ba la mật.

12. Trong cung điện này, có vị đại thần, danh hiệu gọi là Lao Độ Bạt Đề, liền từ tòa ngồi đứng dậy đỉnh lễ tất cả chư Phật ở khắp mười phương, vá phát ra lời thệ nguyện rộng lớn:“ Nay tôi muốn xây ngôi thiện pháp đường, chí thành cúng dường Bồ tát Di Lặc. Nếu có phúc ấy, nơi trán của tôi, tự nhiên xuất ra nhiều thứ bảo châu, để tôi được làm theo như sở nguyện”. Đại thần nguyện rồi, tự nhiên trên trán xuất ra trăm thứ bảo châu, lưu ly, và ngọc pha lê, tất cả màu sắc ấy như ngọc ma ni này, chiếu tỏa hư không, liền hóa hiện ra bốn mươi chín trùng bảo cung ấy, được hợp thành lại, kể như vạn ức viên ngọc ma ni, màu sắc tía biếc, thấu suốt trong ngoài. Ánh ma ni nầy, chiếu tỏa hư không, liền hóa hiện ra bốn mươi chín trùng bảo cung vi diệu. Mỗi hàng lan can của bảo cung ấy, được hợp thành lại, kể như vạn ức viên ngọc ma ni, ở dưới bảo sở của cõi Phạm thiên. Các lan can ấy, tự nhiên hóa sanh chín ức thiên tử, và năm trăm ức các nàng thiên nữ. Tay mỗi thiên nữ lại hóa sinh ra vô lượng ức vạn hoa sen bảy báu. Trên mỗi hoa sen, có đến vô lượng số ức hòa quang. Trong hào quang ấy đủ các nhạc khí. Các nhạc khí ấy, không đánh tự kêu. Khi tiếng nhạc khí tự nhiên phóng ra, các nàng thiên nữ cũng cầm nhạc khí, ganh đua ca vũ. Những ca vũ ấy chỉ ca diễn nói về mười điều thiện, bốn nguyện rộng lớn. Chư Thiên nghe rồi, phát vô thượng tâm.

13. Trong các vườn hoa, có những mương nước, tạo bằng lưu ly, tám màu xen lẫn. Trong mỗi mương nước, được hợp thành bởi hàng năm trăm ức các thứ bảo châu. Trong mỗi mương nước, nước có tám vị, tám sắc đầy đủ. Khi nước phun ra, phun vòng hành cột, ra ngoài bốn cửa, lại hóa sinh ra bốn loại hoa quý. Nước trong hóa ra, như hoa báu tỏa. Trên mỗi bông hoa, hăm bốn thiên nữ, sắc thân vi diệu, như sự trang nghiêm, thân các Bồ tát. Trong tay thiên nữ, tự nhiên hóa sinh, hàng năm trăm ức các loại bảo khí. Trong mỗi bảo khí, tự nhiên cam lộ, tràn đầy trong ấy. Các nàng thiên nữ, vai tã mang đầy những vòng anh lạc, vai hữu lại mang vô lượng nhạc khí. Âm thanh nhạc khí, như mây trên không, từ hơi nước tụ. Âm thanh lưu lượng, chỉ tán thán về sáu ba la mật của các Bồ tát. Nếu ai sinh lên cõi trời Đâu Suất, tự nhiên cũng được các thiên nữ ấy, hầu hạ săn sóc.

14. Có các tòa ngồi, hình sư tử lớn, tạo bằng bảy báu, cao bốn do tuần. Tòa sư tử ấy, được trang nghiêm bằng vàng Diêm phù đàn, và cùng rất nhiều các châu bảo khác. Bốn góc tòa nầy, trạm bốn hoa sen. Mỗi một hoa sen, được tạo ra bằng hàng trăm thứ báu. Mỗi thứ báu ấy, luôn luôn phóng ra trăm ánh sáng. Trong ánh sáng ấy, rất là vi diệu, chúng biến hóa ra các tạp hoa khác, bằng các châu báu, hằng trăm ức bông, để trang nghiêm cho các cờ (11) bảy báu.

15. Và, khi bấy giờ trăm nghìn Phạm vương mỗi vị đều mang một thứ diệu bảo của cõi Phạm thiên, làm thành chuông báu, treo trên ngọn cờ. Các Tiểu Phạm vương, cũng mang các thứ châu báu cõi mình, làm thành màn lưới, giăng phủ lên trên các lá cờ báu. Trăm nghìn quyến thuộc thiên tử, thiên nữ, cũng đem hoa báu, đặt trên các tòa và, các hoa ấy, tự nhiên hiện ra hàng năm trăm ức các nàng bảo nữ, tay cầm bạch phất (12), đứng hầu dưới cờ.

16. Nâng đỡ cung diện, bốn góc điện có bốn cây cột báu. Mỗi cột báu ấy, lại hóa hiện ra trăm nghìn lâu các, có hàng trăm nghìn các nàng thiên nữ, sắc đẹp vô cùng, tay cầm nhạc khí. Trong nhạc khí ấy, phát ra âm thanh, diễn nói các pháp: khổ, không, vô thường, vô ngã và cùng các ba la mật.

17. Như thế thiên cung, có trăm ức vô lượng bảo sắc. Cho đến hết thảy các nàng thiên nữ cũng bằng bảo sắc. Do đó, vô lượng chư thiên ở khắp mười phương. khi sắp mệnh chung, đều nguyện sinh lên cung trời Đâu Suất.

18. Cung trời Đâu Suất, có năm đại thần: Đệ nhất đại thần tên là Bảo Chàng. Thân vị thần này biến ra bảy báu, trải khắp quanh tường ở trong cung điện. Mỗi thứ báu ấy, lại hóa ra thành rất nhiều nhạc khí, treo trong chỗ trống. Rồi nhạc khí ấy, trổi lên tiếng nhạc. Những tiếng nhạc ấy, hợp ý chúng sinh. Đệ nhị đại thần, tên là Hoa Đức. Thân vị thần này, biến ra các hoa, rải khắp quanh tường ở trong cung điện. Các loại hoa ấy, biến thành lọng hoa. Mỗi một lọng hoa, có hàng trăm nghìn đủ loại tràng phan, đi trước dẩn đạo. Đệ tam đại thần, tên là Hương Âm. Trong lổ chân lông của vị thần này, phóng ra các loại mùi hương chiên đàn, ngát thơm vi diệu. Các mùi hương này, tỏa lên như mây, tạo thành trăm thứ màu sắc châu báu, bay vòng bảy lần trong cung điện này. Đệ tứ đại thần, tên là Hỷ Lạc. Thân vị thần này, phóng ra các ngọc như ý bảo châu. Mỗi một bảo châu, gắn trên tràng phan, tự nhiên nói ra: nguyện quy y Phật, nguyện quy y pháp, nguyện quy y Tăng. Lại cũng nói ra gìn giữ năm giới, vô lượng thiện pháp, các Ba La Mật. Và, lời lợi ích, khuyên gắng hộ trợ về tâm bồ đề. Đệ ngũ đại thần, tên là Chính Âm Thanh. Thân vị thần nầy, các lổ chân lông, phóng ra loại nước. Trên mồi loại nước, có năm trăm ức các loại tạp hoa. Trên mỗi bông hoa, lại hóa hiện ra, hăm lăm ngọc nữ. Mỗi nàng ngọc nữ, nơi lổ chơn lông, lại phóng âm thanh. Những âm thanh ấy, tiếng hay thanh thoát, hơn cả âm nhạc, trong cung hoàng hậu, của các Thiên Ma.

19. Sau khi diễn tả cảnh trời Đâu Suất, đức Phật liền bảo, Ông Ưu bà Ly: “Cõi Đâu Suất này, là nơi phúc đức, báo ứng thắng diệu của mười điều thiện. Nếu ta ở đời, khoảng nữa tiểu kiếp nói về trụ xứ của vị Bồ tát “Nhất Sinh Bổ Xứ”, kết quả báo ứng của mười điều thiện cũng không hết được. Nay vì các vị, Ta nói sơ lược như thế mà thôi.

20. Đức Phật lại bảo ngài Ưu Bà Ly: “Nếu các Tỳ Khưu hay đại chúng nào, không chán sinh tử, muốn sinh cõi trời, nhưng tâm ưu kính vô thượng bồ đề, và muốn được làm đệ tử Di Lặc, nên quán tưởng về cõi trời Đâu Suất. Nhưng khi quán tưởng, nên giữ năm giới, bát quan trai giới, thân tâm tinh tiến. Tuy chưa mong cầu dứt hết kết sử, nhưng cần phải tu, làm mười pháp lành. Mỗi sự suy nghĩ, về sự khoái lạc vô cùng vi diệu, cõi trời Đâu Suất, cần phải phát tâm. Quán tưởng như thế, gọi là chính quán. Nếu quán khác đi, đó là tà quán”.

21. Đức Phật dạy xong, ông Ưu Bà Ly, từ tòa đứng dậy, nghiêm chỉnh y phục, đầu diện lễ Phật, và bạch Phật rằng: ” Kính bạch Thế Tôn, trên trời Đâu Suất có những sự vui rất mực như thế, nay ông Di Lặc, vào thế gian nào, ông sẽ viên tịch tại Diêm phù đàn, và sẽ sinh lên cõi trời Đâu Suất?”.

22. Đức Phật liền bảo ông Ưu Bà Ly: “Di Lặc sinh trong dòng Ba bà Lợi thuộc dòng Bà la môn, thôn Kiếp ba lợi, nước Ba la Nại. Sau mười hai năm, vào ngày mười lăm tháng hai nông lịch, trở về nơi sinh, ông ngồi kiết già, như vào diệt định. Thân ông sắc vàng, màu sáng tía biếc. Và, ánh sáng ấy, chói lói như là ánh sáng của hàng trăm nghìn mặt trời. Cũng ánh sáng ấy, soi suốt lên đến cõi trời Đâu Suất. Xá lợi thân ông, như tượng vàng đúc, không lay, không động. Viên quang thân ông, hiện rõ chữ nghĩa của Thủ Lăng Nghiêm tam muội, bát nhã ba la mật đa”.

23. Khi ấy mọi người cùng các thiên chúng dõi theo ánh sáng, tìm đến nơi này, xây cất bảo tháp, cúng dường xá lợi. Và, cùng khi ấy, trên trời Đâu Suất, ông tự hóa sinh, ngồi kiết già phu, trong hoa sen bàu, trên tòa sư tử, ở điện ma ni, trong đài thất bảo. Thân ông sắc vàng, như là vàng ròng ở Diêm phù đàn. Thân ông cao đến mười sáu do tuần. Đủ băm hai tướng, tám mươi vẻ đẹp. Nhục kế đầu ông, màu tóc xanh biếc như ngọc lưu ly. Cái mũ thiên quan được trang nghiêm bằng ngọc thích ca tỳ lăng già ma ni, trăm nghìn vạn ức ngọc yên thúc ca. Mũ thiên quan ấy, có nhiều màu sắc, trăm vạn ức sắc. Trong mỗi một sắc, có đến vô lượng trăm nghìn hóa Phật, các hóa Bồ tát, đứng bên thị giả. Các đại Bồ tát ở phương khác đến, hiện ra mười tám thần thông biến hóa (13), tùy ý tự tại. Tất cả đều hiện trong mũ thiên quan. Khoảng giữa chặn mày của ông Di Lặc, có hào quang trắng, phóng ra hàng trăm ánh sáng châu báu. Ba mươi hai tướng, trong mỗi một tướng, có năm trăm ức màu sắc châu báu. Mỗi một vẻ đẹp cũng có đến cả hàng năm trăm ức màu sắc châu báu. Mỗi một tướng tốt, lại ánh hiện ra tám vạn bốn nghìn đám mây quang minh.

24. Bồ tát Di Lặc cùng các thiên tử, ngồi tòa hoa sen. Ngày đêm sáu thời (14), thường nói diệu pháp. Nói những pháp hạnh về “Bất thoái chuyển”. Trong một thời gian, ông thành tựu cho hàng năm trăm ức các vị thiên tử, không thoái chuyển được đạo pháp vô thượng chính đẵng chính giác. Cứ thế ngày đêm, trên trời Đâu Suất, thường nói pháp ấy, để hóa độ cho các vị thiên tử. Vào khoảng năm mươi sáu ức vạn năm của cõi Diêm phù, ông sẽ giáng sinh trở lại cõi này, như Ta đã nói ở trong quyển kinh Di Lặc Hạ Sinh”.

25. Đức Phật lại bảo ông Ưu Ba Ly: “Thế là nhân duyên Bồ tát Di Lặc mất ở Diêm phù, sinh lên Đâu Suất”.

26. “Sau Ta diệt độ, các đệ tử Ta., nếu ai siêng năng, tu các công đức, uy nghi không thiếu, quét tháp, lau đất, cúng dường các thứ hương thơm, hoa quý, tu các môn định, thâm nhập chính định, đọc tụng kinh sách, những người như thế, cần nên chí tâm. Tuy chưa dứt hết tất cả kết sử, cùng chưa chứng được sáu phép thần thông, nhưng cần hệ niệm (15). Niệm hình tượng Phật, xưng tán hồng danh của ông Di Lặc. Những người như thế, chỉ trong một niệm, thụ tám trai giới, tu các tịnh nghiệp, phát thệ nguyện rộng, sau khi mệnh chung, ví như tráng sĩ co duỗi cánh tay, liền được sinh lên cung trời Đâu Suất, ngồi kiết già phu ở trên hoa sen, trăm nghìn thiên tử, tấu nhạc cõi trời, và rãi các hoa, trên đầu người ấy, như hoa mạn đà, hoa đại mạn đà, và khen ngợi rằng:” Lành thay, lành thay, này thiện nam tử, khi ông ở cõi Nam Diên phù đề, tu nhiều phúc nghiệp, mới sinh lên đây. Nơi đây gọi là cõi trời Đâu Suất. Thiên chủ ngày nay là ngài Di Lặc. Ông nên quy y, xưng tán hồng danh và làm lễ Ngài. Lễ rồi nhìn kỹ tướng hào quang trắng ở giũa chặng mày, sẽ khỏi các tội sinh tử luân hồi, chín mươi ức kiếp”.

27. “Và, ngay khi ấy, tùy theo duyên trước Bồ tát Di Lặc, liền nói diệu pháp. Nói các diệu pháp, làm người ấy, giữ gìn vững vàng, không thoái chuyển được đạo tâm vô thượng.

28. Các chúng sinh ấy, sạch được các nghiệp, làm được sáu sự (16), quyết được sinh lên cõi trời Đâu Suất, gặp được Di Lặc, xuồng cõi Diêm phù, cùng được nghe pháp trong hội thứ nhất. Trong đời vị lai, thuộc thời Hiền kiếp, gặp được tất cả chư Phật thuyết pháp. Trong kiếp Tinh tú, cũng lại gặp được chư Phật, Thế Tôn. Và, trước chư Phật, được thụ ký đạo vô thượng bồ đề”.

29. Đức Phật lại bảo ông Ưu Ba Ly: “Sau Ta diệt độ, các vị Tỳ khưu, các Tỳ khưu ni, cùng ưu bà tắc và Ưu bà di, thiên Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già…, nghĩa là tất cả các đại chúng ấy, nếu ai được nghe hồng danh của ông Di Lặc Bồ tát. Nghe rồi hoan hỷ, cung kính, lễ bái, người ấy mệnh chung, chỉ trong giây lát, như khảy móng tay, liền được sinh lên cõi trời Đâu Suất, như trên không khác. Và, ngay cả đến chỉ nghe được tên Bồ tát Di Lặc, sau khi mệnh chung, không phải đọa vào những nơi hắc ám, biên địa, tà kiến và ác luật nghi. Thường được sinh vào gia đình chính kiến, họ hàng nề nếp, tin tưởng Tam bảo”.

30. Đức Phật lại bảo ông Ưu Ba Ly: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, phạm các giới cấm, tạo nhiều nghiệp ác, nghe được hồng danh Di Lặc Bồ tát, ngũ thể đầu địa (17), thành tâm sám hối, các nghiệp ác ấy, chóng được thanh tịnh. Trong đời vị lai, nếu chúng sinh nào nghe được hồng danh Bồ tát Di Lặc, tạo lập hình tượng, cúng dường hương hoa, y phục, phướn lọng chí thành lễ bái, nhất tâm hệ niệm, đến khi sắp mất, sẽ được Bồ tát phóng hào quang trắng giữa chặng mày, cùng các thiên tử, rải hoa mạn đà, lại đón người ấy. Chỉ trong giây lát, người ấy liền sinh lên cõi Đâu Suất, gặp được Bồ tát, đầu diện kính lễ dưới chân Bồ tát. Và, khi người ấy chưa ngẩng đầu lên, đã được nghe pháp. Được nghe pháp rồi, với đạo vô thượng, không bị thoái chuyển. Trong đời vị lai, được gặp chư Phật. Chư Phật rất nhiều như cát sông Hằng”.

31. Đức Phật lại bảo ông Ưu Ba Ly: “Ông nên nghe kỹ! Trong đời sau nầy, Bồ tát Di Lặc, làm chỗ quy y cho các chúng sinh. Nếu được quy y Bồ tát Di Lặc, người ấy nhất định, không bị thoái chuyển trong đạo vô thượng. Và, khi Bồ tát thành bậc Như Lai Ứng, Chính Biến Tri, người thực hành ấy, thấy hào quang Phật liền được thụ ký”.

32. Đức Phật lại bảo ông Ưu Ba Ly: “Sau khi diệt độ, trong hàng bốn chúng đệ tử của Ta, hay các bộ chúng Thiên, Long, quỷ thần…, nếu ai muốn sinh lên trời Đâu Suất, cần nên quán tưởng, hệ niệm tư duy về trời Đâu Suất. Cần giữ giới cấm của Phật đã dạy. Kể từ một ngày cho đến bảy ngày, suy nghĩ niệm vững về mười điều lành, siêng năng thực hành mười thiện nghiệp đạo (18), đem công đức ấy, hồi hướng tất cả, mong được sinh lên cõi trời Đâu Suất, và được tới trước Bồ tát Di Lặc”.

33. Nên quán như thế! Quán tưởng như thế, thấy được một người, một bông hoa sen trên cõi trời ấy; hoặc trong một niệm, xưng tán hồng danh Bồ tát Di Lặc, người ấy khỏi được tội lỗi sinh tử nghìn hai trăm kiếp. Chỉ nghe danh hiệu Bồ tát Di Lặc, chắp tay cung kính, người ấy khỏi được tội lỗi sinh tử hàng năm mươi kiếp. Nếu ai kính lễ Bồ tát Di Lặc, khỏi tội sinh tử hàng trăm ức kiếp. Ví dù không muốn sinh lên Đâu Suất, trong đời vị lai, dưới cây Long Hoa sẽ cũng gặp được Bồ tát Di Lặc, phát tâm vô thượng”.

34. Khi đức Thế Tôn nói lời ấy rồi, vô lượng đại chúng, từ tòa đứng dậy, lễ xuống chân Phật, và lễ dưới chân Bồ tát Di Lặc. Lễ rồi đi nhiễu, vòng quanh quanh đức Phật, Bồ tát Di Lặc hàng trăm nghìn vòng. Người chưa đắc đạo, phát lời nguyện ràng: “Tất cả chúng con thiên, nhân tám bộ…, nay trước đức Phật, thành thực thệ nguyện, nguyện đời vị lai, mong mỏi được gặp Bồ tát Di Lặc. Trong đời hiện tại, chúng con mong mỏi, xả báo thân này, đều được sinh lên cõi trời Đâu Suất”.

35. Khi ấy Thế Tôn lại thụ ký rằng: “Tất cả các ông cùng những chúng sinh trong đời vị lai, tu phúc, trì giới, đều được tới trước Bồ tát Di Lặc, và được Bồ tát nhiếp thụ cho cả ”.

36. Đức Phật lại bảo ông Ưu Ba Ly: “Quán tưởng như thế gọi là chính quán. Nếu quán khác đi, gọi là tà quán”.

37. Sau khi Phật dạy, tôn giả A Nan, từ tòa đứng dậy, chắp tay, quỳ thẳng, bạch đức Phật rằng:“ Kính bạch Thế Tôn. Lành thay Thế Tôn, Thế Tôn nói rõ về công đức của Bồ tát Di Lặc. Thế Tôn lại còn hoan hỷ thụ ký cho các chúng sinh trong đời vị lai, thực tâm tu phúc, sẽ được quả báo. Con xin tùy hỷ những công đức ấy. Kính xin Thế Tôn cho con được biết về sự quan yếu của giáo pháp này, thụ trì thế nào? Và, kinh pháp này đặt tên là gì?”

38. Đức Phật liền bảo ông A Nan rằng: “Ông nên nhớ đúng lời Phật đã dạy, và nên cẩn thận, chớ có lãng quên! Ông cần vì các chúng sinh đời sau, mở ra cho họ con đường sinh thiên, và chỉ cho họ tướng của bồ đề, khiến cho Phật chủng không bị dứt mất. Kinh này được gọi là kinh Di Lặc Bồ Tát Niết Bàn. Cũng là kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Sinh Đâu Suất Thiên. Ông khuyên mọi người phát tâm bồ đề, thụ trì như thế”.

39. Khi Phật nói rồi, mười vạn Bồ tát từ phương xa lại, các vị liền chứng Lăng Nghiêm Tam Muội. Tám vạn ức vị trên các cõi trời phát tâm bồ đề, đều nguyện tùy tùng Di Lặc hạ sinh.

40. Khi đức Phật nói kinh này xong rồi, bốn chúng đệ tử, Thiên, Long… tám bộ, nghe lời Phật nói, đều rất hoan hỷ, lễ Phật rồi lui.

***

Chú thích:

(1) Kinh Quán Di Lặc Bồ tát Thượng Sinh Đâu Suất thiên là một quyển kinh số 452 trong Đại Chính Tân Tu Đại Tạng kinh.

(2) Tu Đạt (Sudatta): Còn gọi là Tu Đạt Đa, chính tên ông Cấp Cô Độc. Ông là bậc trường giả, giầu có, hay làm việc bố thí. Ông là người kiến tạo tinh xá Kỳ Viên, cúng dường đúc Phật và chúng Tăng. “Tu Đạt”, Trung Hoa dịch nghĩa là thiện Chí, thiện cấp v.v..

(3) Ưu Bà tắc (Upàsaka): Trung Hoa dịch nghĩa là “Cận sự nam, thanh tín sĩ” nghĩa là người nam, quy y Tam bảo, thụ trì ngũ giới, luôn luôn thân cận và phụng sự Tam bảo.

(4) Ưu Bà Di (Upàsika): Trung Hoa dịch nghĩa là “Cận sự nữ, thanh tín nữ” nghĩa là người nữ, quy y Tam Bảo, thụ trì ngũ giới, luôn luôn thân cận và phụng sự Tam Bảo.

(5) Pháp vương tử: Con đấng pháp vương. Bồ tát được sinh dục trong gia đình đấng pháp vương (Phật), nên gọi là Pháp vương tử. Phật địa luận viết: “ Từ miệng Thế Tôn sinh ra chính pháp. Người kế thừa và làm long thịnh chính pháp ấy, khiến cho Phật chủng không đoạn tuyệt, gọi là Pháp vương tử.

(6) Đà ra ni (Dhàrani): Trung Hoa dịch nghĩa là “Tác trì, Tổng trì”, nghĩa là đà ra ni này có lực dụng, giữ cho thiện pháp không mất, ác pháp không khởi. Đà ra ni có bốn loại là: pháp, nghĩa, chú, và nhẫn đà ra ni.

(7) Thụ ký (Vyakarana): Một trong mười hai bộ phận trong kinh. Đức Phật đối với chúng sinh phát tâm. Ngài dự ghi cho biết là sau này sẽ thành Phật.

(8) Nhất sinh bổ xứ (Eka-jàti-Pratibuddha): Vị đại Bồ tát tu chứng đạo quả, gần quả vị Phật, còn một đời nữa sẽ thành vô thượng chính đẵng chính giác, như Bồ tát Di Lặc sẽ giáng sinh xuống cõi Diêm phù Đề một lần nữa, tu chứng thành Phật.

(9) Diêm phù Đàn (Jambudvipa): Có chỗ phiên âm là “Diêm phù Đề, Diêm phù, Thiệm bộ châu”. Tên gọi của một châu thuộc phía nam trong bốn châu quanh núi Tu Di, nên có chỗ gọi là Nam thiệm bộ châu hay Nam Diêm phù Đề. Theo Phật học thì châu nầy thuộc trái đất chúng ta ở.

(10) Anh Lạc: (Kevura): Xâu chuỗi bằng châu báu. Đồ trang sức của hàng quý phái Ấn Độ hay đeo nơi cổ, nơi ngực, nơi đầu. Chư Bồ tát, chư thiên nữ cũng hay đeo chuỗi anh lạc.

(11) Cờ: Dịch nghĩa từ chữ “Chàng”. Trong Phật giáo hay dùng chữ “Chàng phan” Chàng, tiếng phạm là Đà phạ nhã (Dhvaja), còn gọi là “Kế đô” (Ketu). Phan, tiếng phạm là Ba tra ca (Patàka). Là một vật được kết hay được thêu, may bằng vải nhiều màu, dát thêm các loại châu báu, treo trên một cây cao biểu trưng cho oai nghi, cho sự triệu thỉnh, hay cho sự chế phục những sự bất thiện của những loài có tâm niệm phá hoại.

(12) Phất: cây gỗ nhỏ ngắn hình tròn, đầu kết những sợi tơ, những lông chim, hay lông đuôi ngựa, để phủi các bụi trên bàn v.v.. Cùng hình thức ấy đối với vương quyền thuở xưa, có những viên chức cầm cây phất trần ấy đừng hầu, biểu tượng cho sự uy nghiêm, quyền lực. Đối với Phật giáo có nơi tùng lâm, nơi tổ đình hay trai đàn, vị chủ của những nơi ấy, đôi khi cũng dùng tới cây Phất ấy, những kết bằng những sợi tơ nõn chẵng hạn. “Bạch phất” là cây phất màu trắng.

(13) 18 thần biến: 18 thứ thần thông biến hóa, Năng lực của Phật, Bồ tát, A la hán nương vào thiền định tự tại, thị hiện ra 18 thứ thần thông biến hóa:

A. Theo Du Già Sư Địa quyển 37: 1) Chấn động (Kampana): Rung chuyển thế giới 2) Xí nhiên (Jvalana): Trên thân bốc lửa, dưới thân tuôn nước. 3) Lưu bố (Spharana): Tỏa ánh sáng cùng khắp. 4) Thị hiện (Vidarsana): Tùy theo sở thích của đại chúng hiện ra các ảnh tượng 5) Chuyển biến (Anyatibhàvakarana): Chuyển lửa thành nước, nước thành lửa v.v.. 6) Vãng lai (gamanàganana): tự do tự tại không chướng ngại 7) Quyển (Samksepa) Cuộn vật lớn thành vật nhỏ. 8) Thư (Prathana): Biến nhỏ hành lớn. 9) Chúng tướng nhập thân (Sarvarùpakàrya-pravesana); Thu tất cả sự vật gì hiện tiền vào trong thân mình. 10) Đồng loại vãng thú (Sabhàgatopasamkrànti): Đi tới mọi sắc loại, hiện ra đồng chủng loại âm thanh để thuyết pháp. 11) Hiển (Àvir-bhàva): hiển hiện thân hình trăm ngàn nghìn lần trước đại chúng. 12) Ẩn (Tirobháva): Thân mình có thể ẩn khuất hằng trăm nghìn lần. 13) Sở tác tự tại (Vsaitva-karana): Đi lại trong mọi giới hữu tình, tự tại vô ngại. 14) Chế tha thần thông (Pararddhyabhi-bhavana): Chế phục thần thông của người khác. 15) Năng thí biện tài (Pratibhadàna): Khi biện tài của chúng sinh cùng tận, vị ấy có năng lực cấp cho biện tài. 16) Năng thí ức niệm (Smrti-dàna): Khi chúng sinh quên, vị ấy có năng lực làm cho sự nhớ nghĩ lại. 17) Năng thí an lạc (Sukha-dàna): Cung cấp sự khinh an về thân tâm cho những người nghe pháp, và diệt trừ những chướng nạn ở các giới. 18) Phóng đại quang minh (Rasmipramoksana); Dùng thần lực, phóng ra rất nhiều ánh sáng, làm Phật sự và làm lợi ích chúng sinh.

B. Theo phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự trong kinh Pháp Hoa: 1) Nách bên hữu ra nước 2) Nách bên tả ra lửa. 3) Nách bên tả ra nước. 4) Nách bên hữu ra lửa. 5) Trên thân ra nước. 6) Trên thân ra lửa. 7) Dưới thân ra nước. 8) Trên thân ra lửa. 9) Đi dưới nước như trên đất. 10) Đi trên đất như trên nước. 11) Ẩn trên không bổng nhiên hiện xuống đất. 12) Ẩn dưới đất bỗng hiện trên không. 13) Đi trên hư không. 14) Ở trên không trung. 15) Ngồi trên không trung. 16) Nằm trên không trung. 17) Hiện thân lớn đầy hư không. 18) Hiện lớn thành nhỏ.

(14) Sáu thời: Thuở xưa chia ngày đêm, làm sáu thời: sáng, trưa, chiều, chập tối, nửa đêm, gần sáng (tức sơ dạ, trung dạ, hậu dạ).

(15) Hệ niệm: “Hệ” là trói buộc hay hệ thuộc với nhau. “Niệm” là nhớ nghĩ hay chú ý đến sự việc gì. “Hệ niệm” nghĩa là giữ chặt và chú ý đến sự vật gì đó một cách liên tục, không dời đổi. Như, tu thiền phải chánh niệm, niệm Phật phải nhất tâm bất loạn v.v…

(16) Sáu sự: Bồ tát muốn thành tựu 6 độ, cần làm 6 việc: 1) Cúng dường bố thí 2) Học giới (trì giới). 3) Tu tâm bi (thương chúng sinh. Nhẫn nhục). 4) Chăm làm việc thiện (tinh tiến). 5) Tránh luận nghị (thiền định). 6) Ham thích giáo pháp (tăng trưởng trí tuệ).

(17) Ngũ thể đầu địa: Khi lễ bái, 5 chi thể nơi thân mình, đặt sát mặt đất. Năm chi thể của thân mình tức là đầu, hai tay, và hai đầu gối.

(18) Mười thiện nghiệp đạo: Nói về nhân quả của mười điều thiện: a) Thân không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; b) Miệng: không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói thêu dệt, không nói thô ác; Ý: không tham, không sân, không tà kiến (si).

    Xem thêm:

  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nữ Long Thí - Kinh Tạng
  • Thần Chú Thường Cù Lợi Độc Nữ Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Củ Lí Ca Long Vương Tượng Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tiêu Trừ Hết Thảy Chướng Nạn Thiểm Điện Tùy Cầu Như Ý - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Hà Da Yết Lợi Bà Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Pháp Đàn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Hải Long Vương Dạy Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Câu Lợi Già La Đại Long Thắng Phục Ngoại Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Thiền Tâm dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Đại Bồ Tát – Thích Nữ Hạnh Diệu dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng