1
2

Kinh Tâm Phật

Đường Bồ Đề Lưu Chí dịch,

Bản Việt dịch của Thích Quảng Trí

*

QUYỂN 1

Ta nghe như thế này: Một thời Phật trú tại đỉnh núi Kim Cang nước Cu Diễm Di, xem khắp mười phương thấy toàn là màu sắc như lửa cháy. Thấy thế, Đức Phật khẽ thở dài nghĩ thương chúng sanh sai đường lạc lối, lấy gì cứu thoát; đang suy nghĩ như thế, thời thế giới của Chư Phật, cảnh giới của Bồ Tát, trên đến Ba mươi ba cõi Trời, dưới đến tận cùng Kim Cang Tế, cung điện của các Ma thảy đều rung rinh. Đồng thời, ba đời Chư Phật thảy đều suy nghĩ như vậy, lại các Bồ Tát nơi tự tâm bất động, các hàng Kim Cang khiến các quyến thuộc làm các Kim Cang sự nghiệp không thể ngồi yên nơi tòa, bay đi khắp mười phương. Các hàng Chư Thiên, Tiên, Ma đều sợ sệt không biết chạy nơi nào. Bấy giờ có mười Bồ Tát Kim Cang Tạng sửa sang y phục, bạch Phật rằng:“Bạch Thế Tôn ! Đây là điềm gì ? Là Thiện hay là Ác ?”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lo suy nghĩ nên không trả lời. Khi đó, ở trong Hội có một vị Bồ Tát tên là Kim Cang Mẫn bảo Bồ tát Kim Cang Tạng rằng:“ Đây là tướng không tốt. Nay Phật đang nhập Từ bi Tam muội, nên cần tịnh tâm chờ Phật giải thích”

Bấy giờ, lại có một vị Bồ Tát gọi là Đức Tạng hỏi Bồ tát Kim Cang Mẫn rằng: “Vì sao gọi là Từ bi Tam muội ? ” .

Bồ Tát Kim Cang Mẫn đáp rằng:“ Lành thay! Lành thay! Các ông có biết chúng sanh đang bị đắm chìm trong vô minh hay không? Ta vì tất cả chúng sanh không biết được Pháp, không biết được tâm, không tự điều phục, bị các Ma sai sử, lấy gì để cứu hộ, lấy gì để nhiếp phục các độc” .

Liền đó, tức có ba chục ngàn vạn ức Bồ Tát đều là các Bậc Quán Đảnh Đại Pháp Vương Tử, đầy đủ đại oai đức tự tại, lại bạch Phật rằng:“ Bạch Thế Tôn! Bọn chúng con có thể làm được gì không ?”.

Phật trả lời: “ Không được” .

Lại có trăm ngàn hằng hà sa số thế giới Kim Cang Mật Tích, mỗi vị Mật Tích có bốn Thiên hạ Lực sĩ cũng bạch Phật rằng:“ Bạch Thế Tôn ! Còn chúng con có thể làm được chăng ?”.

Phật bảo:“Không được ?” .

Lại các vị Đại Tự Tại Thiên trong tất cả Thế giới hay biến thân làm Phật, lại bạch Phật rằng:“ Bạch Thế Tôn! Sức biến hóa của chúng con có thể nhiếp được chăng?”.

Phật bảo:“ Sức huyễn hoặc của các ông cũng không thể được”.

Lúc ấy, trong Hội có một vị Bồ Tát tên là Bảo Đức bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Bồ Tát, Kim Cang, Thiên Tiên, cũng không ai nhiếp phục. Nay Thế Tôn lấy gì để cứu chúng sanh ra khỏi các nạn? ”.

Thời Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Bảo Đức rằng: “Chỉ có thần lực của Như Lai Tâm Trung Tâm là không thể sánh kịp.Vì sao vậy? Vì hay khiến các Ma sanh lòng từ mẫn, hay khiến các Pháp hiện tiền, Chư Phật thường không xa lìa, hay khiến Chư Bồ Tát làm quyến thuộc, các Kim Cang ban cho oai lực, hay khiến Chư Thiên thường luôn ủng hộ, các Đại Dạ Xoa, La Sát làm người trị Pháp, lại hay khiến tất cả các Đại Ma Thần sanh lòng hoan hỷ, hay khiến hành giả sức như Phật, tâm như Phật, trí như Phật, oai như Phật, hay khiến hành giả ra làm việc gì đều được tùy tâm, hay chặt đứt tất cả chướng nạn. Đế Thích, Phạm Vương đều theo phò trì, khiến cho đến Bồ Tát trọn không thối chuyển, tất cả sự nghiệp thế gian đều tự hiểu biết, cho đến tất cả quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả thế giới có thông không thông, có trí không trí, hiền hay không hiền thảy đều quy phục”.

Bấy giờ, Đại chúng nghe xong thảy đều muốn dược nghe. Bỗng nhiên, ở nơi đại chúng phát ánh sáng rực rỡ hơn trăm ngàn mặt trời .

Bồ Tát Bảo Đức lại bạch Phật rằng:“ Bạch Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì mà có ánh sáng này ?”.

Phật bảo: “ Đây là ánh sáng hoan hỷ từ Tâm Trung Tâm sanh ra, ánh sáng này không có hạn lượng, không thể xưng tán, ca vịnh, cũng không ấn khả được. Vì sao vậy? Vì đồng với Chư Phật vô ấn khả, đồng với Như Lai vô sở đắc, và tất cả các tướng cũng đều vô kiến vậy! Hay gìn giữ các căn không xả ly, khiến các Ma không sai sử và thường ngăn các đạo Ma chướng ngại vậy! Do các nhân duyên trên, nên gọi là Tâm Trung Tâm” .

Bấy giờ tất cả Đại chúng đều bạch Phật rằng:“ Chúng con đã từng theo Phật tu hành, chưa từng được nghe ca tụng công đức đại oai thần lực như vậy. Cúi xin Thế Tôn vì chúng con mà nói Chương cú tu chứng Giác địa, giúp chúng con được thọ trì Pháp này” .

Khi đó, Đức Như Lai bảo rằng: “ Này các Thiện Nam Tử ! Nay Ta sẽ nói, muốn tu thành Phật thì có mười cách nhất định sau đây sẽ thành tựu. Thế nào là mười?

– Thứ nhất: Trì tâm bình đẳng, nơi Pháp không nghi, nơi Phật sanh tín, sanh lòng thương xót chúng sanh, không đắm sắc dục.

– Thứ hai: Trì giới không phạm, thường nhiếp tâm không nói láo, hay giúp cho chúng sanh đoạn trừ ngã mạn.

– Thứ ba: Không làm ác, không được sát hại, không ăn ác thực (thịt, cá v.v…), thường xét kỹ mình không thấy lỗi của người.

– Thứ tư: Ở nơi các Pháp không sanh phỉ báng, dùng Phật Pháp ngăn ngừa tội lỗi, ở nơi Chư Tăng xem như cha mẹ.

– Thứ năm: Không quên lời nguyện, đối với giàu nghèo có tâm bình đẳng, hay tùy thuận người.

– Thứ sáu: Lời Phật nhớ kỹ, tu các Pháp cần cố giữ gìn, có người cầu xin thì phải dạy bảo, không cần xem xét căn Thượng, Trung, Hạ.

– Thứ bảy: Trì các ấn khế, không được dơ uế, không kết trái thời, không vì khen hay lợi lộc mà kết ấn, không lìa bỏ chúng sanh.

– Thứ tám: Nơi tất cả không tham lam, không đoạt lý làm ác, không dua nịnh , giữ gìn Phật Pháp như giữ thân mạng, cho đến dẫu đói nghèo cũng không sanh hai lòng.

– Thứ chín: Thường cứu các nạn không được thối tâm, trừ kẻ không chí thành, không được khinh hay phỉ báng Pháp hoặc khiến kẻ khác cũng làm như vậy, thường phải chân thật nói lời mềm mỏng, hay thích việc lành, lòng đầy Từ bi.

– Thứ mười: Diệt trừ các tà hạnh, lòng tin bền chắc không từ lao nhọc, trong đại chúng có Thiện trí thức cần nên lễ bái và thường gần gũi. Nếu nơi suối rừng thanh tịnh, tự có phát nguyện rộng cũng không được quên lãng, luôn luôn nhớ niệm, không khởi các tà kiến,.

Như vậy, mười điều khiến người tu trì quyết định được bất thối chuyển, mau đến Bồ đề, thành Bồ Tát, chứng thân Kim Cang không khó”.

Khi ấy, các vị Bồ Tát nghe Phật dạy xong, đồng bạch Phật rằng:“Bạch Thế Tôn! Chúng con xin nguyện tu học, cúi mong Thế Tôn lấy tâm Đại bi nói Thần chú này, đệ tử chúng con muốn được thọ trì” .

Phật bảo:“ Các Thiện nam tử ! Lắng nghe ! Lắng nghe ! Ta sẽ vì các ông mà nói” .

Thời Đức Như Lai dùng Bồ Đề Tâm khế, khiến cả đại chúng tâm không vọng động, mà nói chú rằng :

– Úm- bạt ra bạt ra sam bạt ra sam bạt ra ấn địa lặc da vi du đạt nễ hàm hàm rô rô giá lệ ca rô giá lệ ta phạ ha .

(OM- BHARA BHARA SAMBHARA SAMBHARA INDRIYA VI’SODHANE HÙM HÙM RURU CALE KURU CALE SVÀHA).Ø

¯ Thứ nhất, kết Ấn Bồ Đề Tâm Khế :

Trước hết, hai tay hai ngón vô danh co lại để nơi lưng hai ngón giữa, hai ngón cái vịn đầu móng hai ngón út, hai ngón trỏ co lại móc đầu hai ngón vô danh, chắp tay lại để nơi tim tức thành .

Nếu có người kết Ấn khế này, tức được tâm Bồ đề, đầy đủ trí của Bồ Tát, đầy đủ các môn Ba La Mật ở nơi tâm. Tất cả Pháp môn bí mật của Chư Phật và Bồ Tát đều do Ấn này mà thành. Ở nơi tịnh thất, thọ trì Ấn khế này trải qua bảy ngày, tất cả Pháp yếu đều hiện tiền, tất cả Ma đạo, chúng sanh, đạo quỷ thần, đạo ẩn hình dấu thân, trì Ấn khế này tức biết được chỗ ở của họ, khiến không thể biến hóa ẩn dấu được Các Thiện nam tử, nếu được Ấn khế này, vừa khởi niệm liền có mười phương Chư Phật vân tập trên đảnh, khởi niệm tức có mười phương Bồ Tát làm Thị giả, mười phương các Kim Cang theo sai khiến, mười phương Chư Thiên gần gũi cúng dường. Tất cả loài Ma và quyến thuộc bỏ chỗ ở, lại giúp cho Pháp thành tựu, tất cả Tỳ Na Dạ Ca cũng đều lại cúng dường. Các Thiện nam tử! Nếu muốn hàng phục cácMa oán ngoại đạo, trước kết Ấn khế chú 21 biến để nơi tim, đứng thẳng xoay bên trái một vòng; đại địa tức thời rung rinh, tất cả loài Ma liền ẩn trốn xuống đất không dám xuất hiện, nếu có xuất hiện là do Phật thương xót cho phép, tâm không dám oán giận. Người trì chú không được giận dữ, vì như vậy Chư Phật không hoan hỷ, mười phương không yên. Ấn khế này là đầu Chư Phật, mẹ của các Pháp, vua của các ấn, mười phương Chư Phật do đây sanh ra, như Chư Phật Thế Tôn không ai dám vượt qua, cần phải xét kỹ không được lạm dụng, xem việc lớn nhỏ mà dùng. Nếu muốn trì các Pháp, trước lấyẤn khế này làm đầu. Không có Ấn khế này, các Pháp như không có chủ; dẫu có thành tựu, thân tâm cũng không quyết định, chư Thần không vừa ý, khiến làm các Pháp hay bị chướng nạn, nên thật cẩn thận, không được bất tịnh dùng Ấn.

¯ Thứ hai, Ấn Bồ Đề Tâm Thành Tựu:

Còn gọi là Mười Phương Như Lai Đồng Ấn Đảnh Khế. Trước, lấy hai tay hai ngón giữa xoa nhau phải đè trái, đầu ngón ló ra nơi hổ khẩu, hai ngón vô danh co lại đè lưng hai ngón giữa, hai ngón cái đầu dựa nhau dựa trên lưng hai ngón vô danh, hai ngón trỏ cũng dựa trên lưng hai ngón vô danh đầu dính nhau; hai ngón út dựa nhau đứng thẳng, đầu ngón dính nhau, tức thành.

Nếu các Thiện nam tử, Thiện nữ nhân được Ấn khế này chuyển nghiệp tiêu chướng, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Hay trì Ấn khế này, được “Văn trì bất vong” (nghe nhớ không quên), các Pháp yếu tự nhiên hiểu biết. Từ trước tới giờ dầu chưa tu trì, khởi tâm làm việc gì đều không sai. Khi trì tụng, có các ngoại đạo và Ma Ba Tuần lại làm não loạn, khởi tâm liền lui. Có cầu việc gì, lấy Ấn khế chỉ đó tức lại, dù cho các loại dùng các pháp biến hóa mê hoặc, kết khế khởi tâm liền hiện nguyên hình. Cần dùng phục tàng trong lòng đất, bảo châu nơi Long cung, kết khế khởi tâm tức thời đem lại. Các Pháp yếu trong mười phương thế giới, trong tâm mong muốn, trong niệm chỉ bảo rõ ràng. Cầu việc nhỏ không quá 3 ngày, việc lớn không quá 7 ngày. Trong mộng Phật tự ấn đảnh, tự hộ công lực. Nếu muốn thấy Chư Phật, Bồ Tát, Kim Cang, Quỷ thần, Tinh linh v.v… kết Ấn khế nơi mắt chú 108 biến tức thấy, cần phải an nhiên không được sợ sệt khiến thất tâm . Nếu nơi bổn thổ có các tai họa, kết khế chú 108 biến, lấy khế chỉ lên trời viết chữ Phật, tai họa tức tiêu trừ. Nếu trì Ấn khế bị các Ma làm não loạn, chỉ nói tiểu tặc không quá ba lần tức bỏ đi. Tất cả bệnh tật, tai nạn ở thế gian đều trừ không nghi, kết khế chú mãn một ngày, bệnh cùi hủi tiêu trừ, trừ không chí tâm. Nếu cần Pháp yếu nơi Long Tạng, kết khế kêu tên Long Vương, không quá một đêm các Pháp tự hiện. Khi thấy được rồi phải gắng thọ trì không được lãng quên. Nếu được, cần phải giữ bí mật không được truyền cho phi nhân. Cẩn thận! Cẩn thận ! Phải biết việc lớn nhỏ mà dùng khế này, việc lớn nên dùng, việc nhỏ chớ dùng, dùng sẽ mất linh nghiệm. Nhớ kỹ, nhớ kỹ !

¯ Thứ ba, Ấn Khế Chánh Thọ Bồ Đề:

Còn gọi là Nhiếp Thọ Chư Mật Môn Khế, hay còn gọi là Đảnh Luân Khế.

Trước lấy hai ngón vô danh để ló đầu nơi giữa hai ngón trỏ và ngón giữa. Đầu hai ngón trỏ và hai ngón giữa dựa nhau, đầu bằng nhau, hai ngón cái vịn tiết trên hai ngón giữa, hai ngón út đứng thẳng, đầu dựa nhau, chắp tay lại tức thành .

Các Thiện nam tử, muốn trì tâm pháp của Chư Phật, Bồ Tát, Kim Cang, tùy theo Ấn này khởi niệm tức được Trí Bất Động biến khắp mười phương. Là Thánh không phải Thánh, là Ma không phải Ma, cho đến các Thiên Tiên, Tứ Thánh quả, Đại Quỷ Thần v.v… đồng thời ấn Bổn Tôn tức được khế hợp. Tất cả sự nghiệp nơi thế gian, phải hay không phải, do Ấn này đồng tâm Phật không khác.Vì sao vậy? Vì được Tam muội của Chư Phật, các Bí tạng của Chư Phật, đều do Ấn này nhiếp hết; các Phật Đảnh Luân cũng do đây mà thành; các Kim Cang cũng do đây mà an trụ; tất cả chúng Thánh đều lại quy y; tất cả các ác đều hướng thiện và đều tự nhiếp tâm vậy; tất cả các chướng tự nhiên tiêu trừ; Thiên Ma Ba Tuần tự nhiên hàng phục; Lõa hình ngoại đạo tự biết xấu hổ; tất cả Long Tạng tự nhiên khai mở; tất cả các Thần phục tàng tự đem ban cho; Long Vương bảo châu tự nhiên xuất hiện; Diêm La Thiên Tử, Ngũ đạo thần quan tự lại sám hối. Tất cả các Pháp không hiện tiền do Ấn này tự nhiên hiện tiền; tất cả các Pháp môn hoặc thuận hoặc nghịch của Phật, Bồ Tát tự nhiên hiểu biết; tất cả oai quang của Chư Bồ Tát không che được thân hành giả vậy; việc nhỏ hay lớn cầu nguyện đều được. Nếu có kẻ trai lành, người gái tín được Ấn khế này thọ trì, trước phải tịnh tâm không cho tán loạn, thường ở nơi Định, trước thọ Tam quy và các Tâm giới, sau kết ấn khế này. Ngay lúc đó, Địa thần ở mười phương bưng lư hương cúng dường hành giả. Đế Thích Phạm Vương hiện ra trước mặt, nói rõ các bổn nguyện giữ gìn. Các Đại Thần Vương ở hai bên làm chứng minh. Quán Đảnh Luân Vương và các Thần Chấp Kim Cang ở trước sau, tay cầm phất giữ gìn hành giả. Các Đức Như Lai ở mười phương phóng bạch hào quang chiếu thân hành giả. Các Kim Cang Tạng ở trên hư không mưa các hoa báu an ủy hành giả. Trong hào quang có Hóa Phật cầm ấn Đại Pháp Luân, hành giả được ấn đảnh rồi, các môn Phật Pháp đều tự hiểu biết. Nếu muốn kết Ấn khế này, thiêu ba thứ hương, một là Đàn hương, hai là Huân Lục hương, ba là Trầm hương, mỗi khi thiêu hương, ba đời Chư Phật đều hiện trước mắt. Muốn triệu Chư Phật, Bồ Tát, Kim Cang, Thiên Địa Thần kỳ, Nhật nguyệt Tinh tú, Ngũ đạo phù quan, Tư mạng Tư lục, kết Ấn khế này chú 21 biến, vận tâm khắp mười phương làm ba lần, tất cả đều đến. Nếu muốn triệu mười phương các Thần Bảo tàng, Long Tàng, Phục Tàng, kết Ấn chỉ lên trời, liền hiện trước mặt. Nếu muốn sai khiến Thần quỷ, Kim cang, Thiên Thần, Bồ Tát, cho đến tất cả các bậc có đạo lực, kết Khế để nơi miệng đọc thầm 7 lần hoặc 21 lần, tức thời hiện tiền tùy ý sai sử. Mỗi ngày không luận đêm ngày sáng chiều, kết Khế tụng 1000 lần, mười phương Như Lai tức hộ công lực. Các loại Nội đạo, Ngoại đạo, các loại có Pháp thuật làm huyễn hoặc, muốn phá khởi tâm tức phá.Tất cả các loại tật bệnh, dùng tâm Đại bi mà cứu hộ đều được trừ lành. Có các bệnh khổ lại cầu cứu, không cần đi, chỉ kết Ấn khế miệng bảo:“ Hãy đến bên bệnh nhân” tức có Thánh giả tự biến hóa thân lại mà trị. Muốn dùng Pháp này cần phải nén hơi thì thầm, không được bất tịnh dùng Pháp, nếu có bất tịnh các Pháp không thành. Nếu các ấn Pháp trì lâu không thành, kết Ấn khế này ngày tụng 1000 lần, không quá 7 ngày tức thành tựu. Không được tiết lộ, nhớ lấy, nhớ lấy, không được truyền phi khí nhân. Cần khổ luyện qua 21 ngày, được thành Phật, Bồ Tát .

¯ Thứ tư, Như Lai Mẫu Kheá:

Còn gọi Kim Cang Mẫu, còn gọi Bồ Tát Mẫu, còn gọi Chư Phật Trí Mẫu, Chư Pháp Mẫu, Chư Ấn Mẫu, Tự Tại Thiên Mẫu, còn gọi Khế Trì Mẫu, Tổng Trì Mẫu.

Hai tay chắp lại, hai ngón út trong lòng bàn tay, hai ngón trỏ như câu hai đầu ngón út, hai ngón cái áp lên lóng giữa hai ngón trỏ, hai ngón vô danh đứng thẳng đầu dựa nhau, hai ngón giữa đặt lên lưng hai ngón vô danh, đầu bốn ngón bằng nhau, chắp cổ tay lại tức thành.

Ngồi Kiết già phu, tụng Chú nho nhỏ tức linh nghiệm. Nếu có kẻ trai lành, người gái tín muốn trì Ấn khế này, tâm niệm mười phương Chư Phật 7 lần, sau đó kết Ấn. Ngày Rằm kết Ấn tụng vạn biến, mười phương thế giới tất cả tự tại Pháp môn tức thời hiện tiền, cho đến ba mươi ba cõi trời cần đến, tức đến không sai khác. Chư Phật trường sanh ta cũng trường sanh. Chư Phật thành đạo, ta cũng thành đạo. Chư Phật vô ngại, ta cũng vô ngại. Chư Phật hóa thân, phóng quang, tịch định, tam muội, thuyết pháp, không ăn, thì ta cũng hóa thân, phóng quang, tịch định, tam muội, thuyết pháp, không ăn; cho đến tất cả việc gì Chư Phật làm, ta cũng có thể làm như vậy.Vì sao thế ? Vì ở trong tám loại Mẫu và tám tự tại, Chư Phật thường nói tám tự tại. Ta cũng từ trong đó mà ra không khác. Khế ấn này hay nhiếp lực tự tại trong tám phương, mỗi mỗi phương giới đều có tám tùy tâm. Tám loại như sau: Một Tùy tâm biến hóa, hai là Tùy tâm từ bi, ba là Tùy tâm cứu khổ, bốn là Tùy tâm thuyết pháp, năm là Tùy tâm tự tại thuận nghịch, sáu là Tùy tâm Nhiếp chư yếu khế tự lai tương trục, bảy là Tùy tâm mà tất cả độc ác khiến đều hướng thiện cho đến thành Phật không thốùi chuyển, tám là Tùy tâm mà tất cả quả báo phước đức ở nơi thế gian cần cho thì cho, cần bỏ thì bỏ cần tu thì tu, muốn thành tức thành, muốn phá tức phá. Này Thiện nam tử, như vậy trong các loại Tùy tâm, mỗi loại đều có trăm ngàn việc tùy tâm không thể nói hết. nếu có cầu việc gì sáng chiều kết Khế ấn mà cầu đều, nếu không như vậy Chư Phật tức vọng ngôn. Nếu có kẻ trai lành người gái tín muốn trì Ấn khế này, cầu Phật vị, cầu Bồ tát vị, cầu Kim Cang vị, Thiên thần vị, cầu hiện mười phương, cầu sanh Tây phương, cầu sanh hạ phương, cầu sanh trong mười phương tự tại, cầu trí thế gian biện luận giỏi v.v… chỉ cần chí tâm suy nghĩ việc đó, ngày tụng 1000 biến, trong bảy ngày tức được một lần ra khỏi, không có trở lại. Vì sao vậy? Vì đồng thân Phật được Phật thần thông, vì đồng tâm Phật được Phật từ vậy, vì đồng Phật nhãn thấy như Phật, vì đồng Phật lực được Phật giữ gìn, vì đồng Phật hành ở nơi thế gian, vì đồng Phật ấn gần gủi lãnh thọ, vì biến hóa đồng với Chư Phật, vì được Pháp thân nên chư Ma Ngoại đạo tự hàng phục; lấy gì hàng phục? Thấy hai thân tức thấy một thân, thấy hai Phật tức thấy một Phật. Thiện nam tử! nên biết Khế này chỉ Phật với Phật mới có kẻ nhớ trì, không phải kẻ sơ tâm, không phải Kim Cang. Phật chỉ cho Khế này, không phải là kẻ hạ căn vậy. Thiện nam tử, nếu đem Khế này mười phương thế giới các chỗ thông linh, không có gì không biết, không gì không nhiếp thọ được, không ai không đảnh lễ, không ai không theo, không ai không ủng hộ. Mười phương Như Lai thảy đều ấn khả, làm cho trăm ngàn hằng hà sa số thế giới, đại địa thảy đều tràn ngập, núi Tu Di nát như bụi, chỉ có Phật thân là không thay đổi. Nên biết Khế này Chư Phật nắm giữ, nếu có Bồ Tát không từ nơi Phật thọ Khế này mà biết là điều vô lý, hết cả thế giới Chư Thiên không thể thấy nghe được. Vì sao vậy? Vì chư Phật cho không vậy!

Thiện nam tử! Nên biết Khế này có vô lượng lực. Nếu hay chí thành, trì qua ba ngày, đại địa chấn động như Phật ra đời, ánh sáng mặt trời mặt trăng tự nhiên lu mờ.Vì sao vậy? Vì do oai lực của Khế. Thiện nam tử! Kết Khế ấn này của Ta, mọi việc làm Ta chỉ là phụ thuộc; đồng như tâm Ta, Ta cũng chỉ phụ thuộc; đầy đủ Đại từ bi, Ta cũng chỉ là phụ; trưởng dưỡng Pháp tánh, Ta cũng chỉ phụ thuộc; hay độ chúng sinh cho đến Bồ đề, Ta cũng chỉ phụ thuộc; y theo kinh giáo nhớ nghĩ nơi tâm, Ta cũng chỉ phụ thuộc; hay vì chúng sanh làm việc quyết dịnh, Ta cũng chỉ phụ thuộc; hay khiến chúng sanh tu hành giới hạnh, đối với chúng sanh làm các chế ước (điều kiện giao hẹn) khiến không dám sai, Ta cũng chỉ là phụ thuộc. Thiện nam tử! Nên biết Khế này, trì tụng trăm lần đưa lên đến đầu tức hay phóng quang, vì Khế này là tâm Như Lai. Kết Khế, trì trăm biến tự được tâm Phật. Nên biết Khế này là mắt Như Lai, trì Khế trăm biến đưa để nơi mắt trái tức thấy như Phật, đưa để nơi mắt phải tức thấy như Bồ Tát, đưa để giữa chân mày tức thấy như thần thông Kim Cang bất hoại. Thiện nam tử! Nên biết Ấn này là thần thông biến hóa của Như Lai, kết Khế trì trăm lần để đùi bên trái tức đồng vô biên thân Như Lai, ở trong thân quán thấy chúng sanh đầy đủ tự tại. Đưa Ấn nơi đùi phải, tức chuyển đại địa vào trong thân. Thiện nam tử! Nên biết Ấn này là Như Lai thần túc vô ngại, kết Ấn khế trì trăm lần trên dưới tám hướng, tức thời xuất hiện đều không quá bảy bước, nên biết Khế này đồng Như Lai ngữ. Trì Khế trăm lần để nơi miệng khi nói Pháp yếu, đồng như Phật nói, tất cả đều hợp khế kinh, nên biết Khế này là Như Lai đảnh luân.Trì Khế trăm lần hay vì ác nghiệp chúng sanh làm đại phước điền, làm thiện nghiệp chúng sanh chứng quả Thọ ký. Nên biết Khế này, giả sử Chư Phật đồng thời ra đời, thần lực cũng như Chư Phật, vì thế Khế này không thể nghĩ bàn. Nếu tu trì cần phải trân trọng, không được truyền cho phi khí nhân. Vì sao vậy? Vì Ta tự bảo hộ. Nếu truyền cho phi khí nhân tức đồng phỉ báng Ta, nếu phỉ báng thì làm sao mà được xuất ly; nếu không xuất ly, làm sao thấy và nghe được danh hiệu mười phương Chư Phật, làm thế nào thấy được Pháp thân Chư Phật, vĩnh kiếp không được Chư Phật hộ niệm; một khi đọa vào Địa ngục, mười hằng hà sa kiếp mới được ra khỏi, khi ra khỏi Địa ngục phải qua trăm ngàn kiếp làm thân đui mù. Cho nên, phải biết Ấn khế này cần trân trọng tu trì không dùng bừa bãi.Thọ pháp Sám hối, trừ nạn cứu khổ, nhiếp chướng, độ người, hàng ma, chế độc mới dùng, việc nhỏ dùng Pháp này không thành tựu, tức thất nghiệm. Nếy thường y như trên mà làm, tức tự thành nghiệm. Giả sử Ta có nói rộng hết nghĩa lý bao trùm khắp đại địa cũng không thể nào hết được .

¯ Thứ năm, Ấn khế Như Lai Thiện Tập Đà La Ni:

Còn gọi là Nhiếp Nhất Thiết Bồ Tát Khế, hay còn gọi là Nhiếp Nhất Thiết Kim Cang Tạng Khế, Pháp Thân Khế, Tập Nhất Thiết Đà La Ni Thần Tạng Khế, Tập Nhất Thiết Oai Lực Tự Tại Khế.

Chắp hai tay lại, hai ngón giữa phải đè trái xoa nhau trong lòng bàn tay, hai ngón cái trái đè phải vịn ngón giữa như cái vòng, hai ngón vô danh, hai ngón út đứng thẳng đầu dựa nhau, hai ngón trỏ vịn hai ngón vô danh vặn tiết trên tức thành.

Nếu có kẻ trai lành, người gái tín muốn trì Khế này, nơi sớm chiều chí tâm xưng niệm Chư Phật trong ba đời, mặt ngó mười phương nói Pháp Tam Quy, súc miệng rửa tay cho sạch sẽ, sau đó kết Ấn, bế tâm tịnh tọa, trong tâm tự biết lời của Chư Phật trong mười phương, một lòng nhớ nghĩ chứng Chư Phật tâm, lời lẽ Chư Phật từ đó mà ra, biến khắp thế giới chỗ có các Đà La Ni Pháp môn, hết thảy Đà La Ni thần, trăm vạn ức Kim Cang Tạng Vương, trăm vạn ức thế giới Bồ Tát Ma Ha Tát và Chư Phật Đà La Ni, Long Tạng, Nhật Tạng, Nguyệt Tạng, Địa Tạng, A Tu La Tạng, Phục Tạng, Bảo Tạng, Chư Phật bí mật cho đến tất cả Tạng Từ bi của Chư Phật đều tự khai mở trước mắt, biến khắp mười phương thế giới chỗ có các Tạng Đà La Ni tự nhiên hiểu biết; hiểu biết xong thời tất cả các Pháp Đà La Ni lấy dụng không ngại. Thiện nam tử! Nếu muốn thọ trì Pháp này cần đốt Đàn Hương, Huân Lục Hương, Trầm Hương v.v… y phục sạch sẽ, xong phát thệ rằng: “ Con nay thọ trì Pháp ấn này là vì tất cả chúng sanh”. Phát lời thệ xong tức kết Ấn trì đến 108 biến, tất cả Chư Phật hóa làm trăm bách ức Thần cầm các khí trượng cùng các quyến thuộc vi nhiễu người trì chú; trăm ức Thần quân, trăm ức Quỷ quân, cùng chư Thiên tiên thảy đều tự tập hỏi rằng:“ Có cần sai sử điều gì, ta sẽ làm cho không dám trái”, chỗ cần làm đều được. Nếu chỗ cần các thất bảo, các Pháp ẩn hình và dùng Pháp giáo hóa tứ thiên hạ có đại oai lực, các vị trên đều tự nhiên thuận phục. Nếu không thuận, dùng Khế chỉ đó, tức trên Khế hóa ra binh chúng cầm lửa biến khắp mười phương thế giới, các binh chúng thân cao lớn vi nhiễu, Vua Chuyển Luân Vương dùng Ấn này thống trị thiên hạ. Muốn được Pháp tạng, trì Ấn để nơi tim tức có Trì Đà La Ni Vương vì nói Pháp yếu tự nhiên hiểu rõ. Muốn hàng phục ác thú, dùng Khế chỉ đó, tức thời trên Ấn có năm con sư tử xuất hiện, ác thú tự nhiên quy phục. Xưa Như Lai ở Ma Ha Đà La quốc, dùng Ấn này hàng phục voi điên Hộ Tài. Nếu muốn dời đổi núi non, kết Ấn khế chú 1000 biến, dùng Ấn chỉ núi ba lần chỉ đất ba lần, tức thời Địa Tạng và Kim Cang Tế từ dưới núi vọt lên, đem núi dời qua phương khác mà tất cả chúng sanh không hay biết, Như Lai phóng quang động địa là dùng Ấn khế này. Nếu có tai họa, tật bệnh lưu hành, mưa gió sấm sét, mưa đá v.v… muốn dứt, kết Ấn chú 7 lần, luân chuyển ba vòng, các tai họa đều diệt . Nếu trì các chú lâu ngày không linh nghiệm, nên kết Ấn này để nơi đảnh đầu, tức được tối thắng thành tựu không nghi. Các Thiện nam tử, Như Lai thần lực do đây mà có, Như Lai Khế ấn Pháp do đây mà ra, quá khứ Chư Phật Pháp Tạng cũng do đây mà tập, Chư Phật nhiếp phục Bồ Tát, Kim Cang thần lực, Chư Thiên tiên, tất cả ngoại đạo để làm phục sự đều dùng Ấn khế nầy. Nếu tất cả các Pháp của chúng sanh không hiểu được, kết Ấn chỉ nơi tâm kẻ kia tức hiểu rõ Chư Phật, Bồ Tát, Kim Cang làm các việc thần thông, người không biết được đều dùng ấn khế này. Chứng đắc Đà La Ni, làm chấn động Tam Thiên thế giới không do Ấn khế này mà được là điều vô lý. Các Khế ấn trì tụng phần nhiều bị khuyết phạm, đắc Khế ấn này không lo khuyết phạm, không sợ mất Pháp, tất cả các Thánh trên từ Chư Phật dưới đến các loại ẩn hình biến hóa đều lại cúng dường. Nếu trì Ấn này, thần lực cũng bằng Chư Phật, nếu người tu Vô Thượng Bồ Đề dùng đó tức có oai lực. Không được truyền cho kẻ tiểu tâm tham lam, có truyền cũng vô dụng lại khởi lòng phỉ báng. Thiện nam tử, nên biết Ấn này là thân Chư Phật hay nhiếp các Pháp tự thông rõ vậy, nên biết Khế này là thân Như Lai hay nhiếp các Thánh lại ủng hộ, nên biết Khế này là Như Lai tâm nhiếp các Pháp tạng tại nơi ý, nên biết Khế này là Như Lai thân hay nhiếp Bồ Tát Kim Cang giúp đỡ thế gian, nên biết khế này là Như Lai thân hay nhiếp tất cả đại thần lo việc thế gian Với Ấn khế này ta chỉ là phụ thuộc, Khế ấn này tẩy rửa tay của chúng sanh hạ tiện vì các chúng sanh là do Bồ Tát dạy dỗ đắc thọ ký Bồ Đề, Ta chỉ là phụ thuộc. Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử, đừng nói Chư Phật cũng do thân tâm dục, đừng khinh Ấn này, cần nên hộ trì. Vì sao vậy? Vì Chư Phật không làm hạnh dâm dục. Chư Phật Bồ Tát không có dâm dục, nên biết Khế này đồng với Chư Phật. Nếu trì Ấn khế này, từng tạo nhân đọa vào địa ngục liền khiến chúng sanh nhớ niệm tức được sanh Thiên, không có một ai phải chịu tội khổ. Như Lai Thích Ca thị hiện bệnh vào địa ngục cứu chúng sanh, thường dùng Khế ấn này vì không có Khế ấn nào bằng. Nếu Ta nói kiếp kiếp không ngừng nghỉ cũng không thể nói hết được. Nên nhớ lấy ! Nhớ lấy !

¯ Thứ sáu, Ấn khế Như Lai Ngữ:

Còn gọi là Sắc Lịnh Chư Thần Khế, Sắc Lịnh Ma Vương Ngoại Đạo Khế, Văn Trì Bất Vong Khế, Tuyên Thuyết Chư Mật Môn Khế, Đồng Nhất Thiết Chúng Sanh Ngôn Âm Khế, Nhất Thiết Nghịch Thuận Nhi Thuyết Vô Năng Giá Khế .

Chắp hai tay lại nơi ngón vô danh, hai ngón út xoa nhau trong lòng bàn tay, dùng hai ngón cái, trái đè phải vịn nơi móng hai ngón vô danh và hai ngón út, hai ngón giữa đứng thẳng, hai ngón trỏ đứng thẳng hơi cách 2 phân .

Nếu kẻ trai lành, người gái tín được Ấn khế này hoặc thấy hoặc nghe, tất cả tội chướng nơi thân đều được tiêu trừ, các Pháp yếu hoặc không phải Pháp yếu nói ra đều thành sự thực, lời nói ra sắc triệu các việc khắp mười phương thảy đều nghe biết, trong tâm có cần Pháp gì miệng chỉ cần nói ra: “Ta cần Pháp này, cần lực này, cần báu này, cần thuốc này, cần món ăn này”. Tất cả các việc cần chỉ tịnh tâm kết Ấn tụng chú 1080 biến, chỗ cần các thứ tức thời chư Thần tự đem đến dâng; cho đến ba mươi ba cõi Trời nghe lời nói cũng như Chư Phật nói đều lại cúng dường. Các loại Dạ Xoa, La Sát, Quỷ thần ở mười phuong nếu có tâm độc hại, nghe lời nói tâm độc tức trừ, tự lại cầu xin phát nguyện rộng lớn:“ Chúng con xin nghe theo lời Phật không dám làm ác”. Hạ phương thế giới các Kim Cang tạng nghe lời nói, đem tòa Kim Cang dâng lên để người trì tụng ngồi lên trên đó. Duy Ma Cật lấy Kim Cang tọa ở Đông Phương dùng Ấn khế này, Như Lai Đa Bảo cũng dùng sức của Ấn khế này mà từ dưới đất vọt lên, nói gì đều được không có sai chạy. Vì sao vậy? Vì lời nói của Chư Phật biến khắp mười phương, nay lời nói đây cũng đồng với Chư Phật không khác, dùng lời nói quyết định như Chư Phật vậy. Các Pháp nói ra đều không sai lầm, nhớ nghĩ không mất cũng như Chư Phật, nói ra điều gì chúng sanh nghe được đều hiểu rõ ràng, nói đúng nói sai các chúng sanh nghe thảy đều tin theo như nghe nói Pháp, dạy bảo việc gì chúng sanh nghe theo không có quên, dầu có nói bậy chúng sanh cũng nghe như Chánh Pháp mà hộ trì. Nếu có chúng sanh nào bị thất tâm thất niệm muốn chết, Chân ngôn của Ta giúp được lại bổn tâm, khiến được chánh định, chỗ tu các pháp yếu khiến các chúng sanh ưa nghe, lời lẽ nói ra không có vượt bực. Thiện nam tử! Nếu trì Pháp này mãn 100 ngày, tất cả ngôn âm thảy đều hiểu biết, nếu hay chí tâm mà không hiểu được thì Chư Phật tức vọng ngôn. Nếu Ta nói lực của Ấn khế này không thể so sánh, không thể nói hết cho đến tất cả quá khứ, hiện tại, vị lai, các Thánh cũng không thể biết được sức của Ấn khế này, trì tụng tự biết lấy. Tất cả việc đều từ trong tâm Khế này mà sanh, không được dùng bừa bãi. Nhớ kỹ, nhớ kỹ! Chúng sanh sơ tâm không được cho thấy Ấn khế này, việc nhỏ cấm dùng, nếu dùng khiến mất nghiệm”.

Khi Đức Thế Tôn nói Pháp này xong, tất cả Bồ Tát, Kim Cang Tạng Vương cùng các quyến thuộc đều muốn thọ trì Pháp này. Tất cả thiên địa, đại trắc nhật, nguyệt, tinh tú đều mất ánh sáng, tất cả Thần linh tự nhiên tiêu mất. Phật thấy như vậy liền khẽ mỉm cười, dùng Ngữ khế chỉ mười phương giới Thiên địa đại minh, thời các Bồ Tát tự hiện thân hình, mỗi khi cất bước, trời đất rung rinh không đứng vững được, dùng hết thần lực cũng không dừng được .

Bấy giờ, Như Lai liền lại nơi tòa ngồi, hỏi cùng Đại chúng: “ Để Ta dùng Khế ấn nầy xem sao”, tức duỗi tay trái bốn ngón đưa về phía trước, ngón cái để nơi lòng bàn tay, tay phải cũng như tay trái để nơi vế phải, tức thời đại chúng và đại địa trở lại bình thường .

“Lành thay ! Các ông nên biết, thần lực của Chư Phật là không thể nghĩ bàn, tâm các Bồ Tát được an ổn, được các Pháp, có chỗ gia trì, nếu không như vậy, dầu có tu hành cũng chẳng được gì”.

Bấy giờ, Bồ tát Bảo Đức bạch Phật rằng: “ Bạch Thế Tôn ! Khế ấn này gia trì như thế nào? Sao Ngài không nói ra, nếu không nói ra thì cũng như có bệnh mà không có cách cứu chữa”.

Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Đức Tạng rằng: “Định ấn này của Ta, tất cả Chư Phật do đây được Định. Từ xưa đến nay, chỉ có Chư Phật mới có Khế ấn này, còn tất cả Chư Bồ Tát Kim Cang không có, nếu có tức đồng với Chư Phật. Sức Định lực này không có lời nào nói hết được, vì không nói hết được nên các Pháp cũng không thể nào nói cho hết được, không ai nói được, không ai hiểu được, chỉ Ta mới hiểu được thôi, chỉ có quá khứ Chư Phật là hiểu được; nếu có Bồ Tát mà hiểu được tức đồng với Chư Phật không phải là Bồ Tát ” .

Lúc Như Lai nói lời này xong, phương dưới có một vị Bồ Tát tên là Vô Ngại Thông từ dưới đất vọt lên trước Đức Phật buồn rầu ngồi yên, bảo tọa cũng không có, ngồi mà thở dài không xưng tán Phật khiến đại chúng rất là kinh quái, đều đồng hỏi Phật. Phật đáp rằng: “Để Ta sẽ hỏi”, liền bảo Bồ Tát Vô Ngại Thông: “Ông nay sao lại thở dài? “ .

Thời Bồ tát Vô Ngại Thông vui vẻ, tòa báu xuất hiện oai quang rực rỡ chiếu khắp Đại chúng, từ tòa bước xuống sửa y áo đến trước Phật bạch rằng: “Con ở nơi phương dưới, nghe Phật nói Tâm Trung Tâm và các Ấn khế vui vẻ thọ trì được thần thông này, nay lại nơi đây. Lành thay ! Đức Thế Tôn, xin chứng biết cho con ” .

Phật bảo: “ Ta sở chứng cho ông nên cứu giúp chúng sanh, chỗ thấy biết đều ban cho họ. Ta sẽ đem Phật tâm ban cho, nếu được Phật tâm ban cho tức là Mạn Đà La” .

Bồ Tát Vô Ngại Thông bạch rằng: “Thế Tôn! Người chưa thành Phật, người không quyết định, người nhiều ràng buộc, người không Từ bi, các hàng như trên có vào được không ?” .

Phật bảo: “ Vô Ngại ! Nay Ta nói Pháp chỉ vì hàng hạ liệt, các hàng như trên muốn vào được Mạn Đà La, trong ngày làm Đàn có ba viện , không cần đồ cúng, chỉ cần hương thơm; 3 cây kích, nếu không có kích dùng 3 cây đao thay thế; 3 chén nước thơm; 3 mặt kiếng; chu vi Đàn 8 thước . Viện thứ nhất màu trắng, viện thứ hai mà đỏ, viện thứ ba màu xanh y như 5 phương pháp. Viện thứ nhất cầu Phật, viện thứ hai cầu Bồ Tát, viện thứ ba cầu Kim Cang. Ngoài ra các Thiên tiên quỷ thần, các Pháp ở nơi ngoài Đàn mà cầu, cử tâm đắc thành, không cần nhiều ngày đã có hiệu nghiệm; không được truyền ấn; có công hiệu nên cố gắng, cần phải tinh tấn các Pháp tự nhiên chứng được “.

Bấy giờ Đại chúng bạch với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Pháp khế này do đâu được trì, được hoán đảnh, được gia hộ, hay các thần thông biến khắp mười phương, khiến tất cả đều quy phục, hay khiến các Pháp tự nhiên hiện tiền, chỉ có người ở nơi Phật tu trì Pháp này mà được, các người như trên Phật tự chứng biết, nay chúng con cũng muốn thỉnh làm nơi quy y “.

Phật bảo: “ Các ông hãy chờ trong chốc lát sẽ thấy.” .

Tức thời Đức Phật ở nơi tự tâm kết trì Ngữ Khế, bảo khắp mười phương Phật Tâm Trung Tâm rằng: “ Các ông mau lại, Đại chúng muốn được thấy” .

Bấy giờ, Bồ Tát Đa La dẫn Bồ Tát Tam Khế và các quyến thuộc trước sau vi nhiễu, từ phương Đông biến thân làm Phật mà lại, tất cả Đại chúng thành tướng Bồ Tát hiện ra trước Phật. Bồ Tát Kiên Ý từ phương Nam đẫn các Bồ Tát Thành tựu khế hóa thân làm Phật, mỗi mỗi các quyến thuộc đều tự biến thân làm Bồ Tát. Phật Tâm Vương Sư Tử Hống Vương từ phương Tây lại dẫn các Bồ Tát chánh thọ Khế tứ nước kia mà lại, nơi đường gặp các loại chúng sanh thị tâm phi tâm đều dùng Ấn chỉ đó, tức đều chuyển tâm hướng Phật, những người chưa nghe đều được thọ ký Bồ Tát. Như Lai Tối Thắng có một Đồng tử 14 tuổi trì Mẫu khế ấn từ phương Bắc mà đến, đi qua các nước có các quân của đại Dạ Xoa La Sát, quân quỷ của Đại Hắc, các loại quân phun lửa đại hắc phong và rắn lớn, tất cả các loại như vậy dùng Phật Mẫu Khế chỉ đó, đều phát lòng từ đưa dẫn Đồng tử đến chỗ Phật, các loại ác thú đều được Phật tâm thọ ký Bồ Tát. Phật Sư Tử Âm từ phương dưới mà đến trì Bồ Tát tập Đà La Ni khế, có trăm vạn ức Thần Đà La Ni làm quyến thuộc bay trên hư không lại làm chứng. Phương trên, Như Lai Hương Tích có một Đồng tử có mùi thơm khắp thế giới trì Phật ngữ khế mà đến. Các chúng ở hạ phương, vì Như Lai Hương Tích, Như Lai Phổ Quang đều đến Diêm Phù Đề, đồng đem hoa cúng dường đến trước Phật, tất cả đều là đồng tử .

Bấy giờ, Như Lai bảo Đại chúng rằng: “ Như vậy, các vị đã đến từ nãy giờ có đáng làm Thầy các ông không? Các vị này đều thừa Phật lực, có đại thần thông không bao lâu sẽ đuợc thành tựu” .

Đại chúng không một ai lên tiếng. Phật bảo : “Lắng nghe! Ta sẽ gọi một người khác” ; liền gọi rằng: “Nầy đồng tử Quang Minh! Hãy đến đây !”.

Bấy giờ, đồng tử đang ở tại núi Tuyết Sơn, nghe Phật gọi tức thời liền tới nơi Đại chúng. Đại chúng nói rằng: “Phật gọi ông tới, vậy còn quyến thuộc ở đâu ?” .

Đồng tử đáp rằng: “ Tất cả các ông đều là quyến thuộc của ta”.

Đại chúng hỏi rằng: “Chúng ta cùng ông không từng biết nhau, tại sao bảo chúng ta là quyến thuộc?” .

Bấy giờ Đồng tử mật trì Ấn khế chỉ nơi đại chúng, ngoại trừ Hóa thân của Phật, còn tất cả chúng Bồ Tát thảy đều đảnh lễ Đồng tử, khiến Đại chúng đều không hiểu tại sao. Tứ chúng lễ xong thưa rằng : “Nay chúng tôi xin thỉnh Ngài làm Thầy” .

Đồng tử đáp rằng: “Như Lai Ngữ khế chân thật không hư dối, các ông nên thọ trì sẽ được như Ta không khác” .

Thời tất cả Đại chúng đồng lời bạch cùng Phật rằng: “Đồng tử này tu pháp Khế lâu chưa, mà nay có đủ thần lực nhiếp Đại chúng ở đây?” .

Phật bảo: “Các ông lắng nghe! Ta sẽ vì các ông mà nói nhân duyên này: Khi xưa, lúc Ta ở núi Linh Thứu tu hành, thường có nhiều loại ác thú muốn ăn thịt. Khi đó, ở trong Định, Ta nhớ lại Thầy Ta là Như Lai Không Vương có nói một câu chú, chỉ tụng một biến, tất cả các loại trùng thú độc ác đều được Phật tâm không có làm hại. Ta lại niệm tiếp, thời tất cả các loại ác trên đều được giới Bồ Tát, thảy đều ăn rau cỏ. Sau đó có một Đồng tử đến lo lắng cung cấp thừa sự cho Ta một đêm, và trộm được chú này. Sáng ra, Đồng tử từ giã Ta mà đi, sau 7 ngày được đại thần lực. Sau đó, gặp Ta lại muốn dùng thần thông nhiếp phục Ta, hai ba lần không được. Các ông nên biết, trộm Pháp mà còn có được thầøn thông như vậy, huống là được công khai thọ học“.

Đại chúng nghe Phật nói, thảy đều mong muốn được như Đồng tử có đại oai thần lực tự tại. Phật bảo: “ Qua 7 ngày sau, các ông sẽ được, trừ kẻ không có lòng tin”

Bấy giờ, có một kẻ ngoại đạo ẩn hình vào trong Đại chúng, Phật biết mà không nói ra. Kẻ kia muốn dùng Ấn khế này để hàng phục các vị Bồ Tát, vì khởi tâm ác nên lúc đang kết Khế, thân tâm bị thiêu đốt, các Pháp đều mất hết. Nên biết Pháp này không được vọng truyền, tất cả sự nghiệp đều tùy ý, chỉ trừ có lòng ác, lòng ganh tỵ tức không thành, bằng không quyết chứng không sai”.

“Lành thay! Bạch Thế Tôn! Xin nguyện ấn khả, nguyện cho chúng con, mau được thân Phật, sớm chứng quả Phật!”

Khi đó, Như Lai vì muốn ấn khả cho tất cả Đại chúng, liền dùng chánh thọ Bồ Tát Khế 3 lần, chỉ khắp mười phương, tức có gió đen thổi đến làm tất cả các vị Bồ Tát đều lăn nhào xuống đất. Khi các vị xuất hiện, tức có mây đỏ xuất hiện, mưa các thứ hương thơm Chiên Đàn, lại tuôn nước thơm tắm khắp Đại chúng. Đại chúng được tắm xong, đều được thần thông tự tại, được tự tại rồi tức tu Pháp này, trải qua 7 ngày đều chứng thân Phật. Do oai lực của Khế này, Phật sắp nhập Niết Bàn, các Hóa Phật dâng cúng dường. Đại chúng được nghe lực của Khế này, tất cả đều cùng nhau tán thán công đức của Phật.

Lành thay Đấng Cứu Độ

Đầy đủ đại thần thông

Biến hiện mười phương cõi

Đủ các Oai đức lớn

Thân Phật tức thân phàm

Đức lực đều bằng nhau

Pháp thân rất vi diệu

Cần nên phải quyết định

Nguyện chứng quả vị này

Cho đến khắp vị lai

Lời lẽ của phàm phu

Đồng Phật âm không khác

Bấy giờ Ngài Văn Thù Sư

Lợi và các Bậc Pháp Vương dùng thần lực báo khắp mười phương, tán thán Đức Phật .

Lành thay Đấng Sư tử

Từ quang chiếu thế gian

Pháp thân rất vi diệu

Hiện những việc ít có

Cần tu lâu không đắc

Phóng quang được Bồ Đề

Đồng thân như Chư Phật

Do sức của Thầy Ta

Nên biết con đường tu

Không qua chữ Từ bi

Nguyện cho người đời sau

Cũng như Ta không khác

Tức thời Như Lai lại nói kệ rằng :

Trong tất cả các thân

Không gì hơn thân Phật

Trong các Pháp vi diệu

Không gì hơn Phật tâm

Chúng sanh được Tâm này

Chúng sanh tức là Phật

Thần lực của đức Phật

Bồ Tát không thể hiểu

Trải qua hằng sa kiếp

Ta chỉ phụ thuộc thôi

Nếu người hay thọ trì

Thân đồng như chư Phật

Nếu có lòng chí thành

Trong mộng được Bồ Đề

Ta nói nhân trong mộng

Các người hãy lắng nghe

Nếu cầu thấy Pháp thời

Tất hóa ra lầu các

Chư Phật nơi hư không

Đều tụ tại nơi đầu

Hoặc thấy qua sông lớn

Tự hóa ra thuyền bè

Hoặc thấy lên núi cao

Rất lẹ làng nhanh nhẹn

Hoặc thấy tạo chùa tháp

Nương hư không mà đi

Hoặc thấy các Pháp hội

Đại chúng nghe mình nói

Hoặc thấy loài voi dữ

Duỗi tay tức quy phục

Hoặc thấy các kinh điển

Mình tự cầm lên xem

Hoặc thấy các lầu các

Mình yên ở trong đó

Hoặc thấy sông biển lớn

Đi vào đó không chìm

Tất cả tướng mộng trên

Nhân thành tựu đến gần

Cần tu niệm như vậy

Y thọ lời Ta dạy

Nếu không làm theo đây

Cách Bồ Đề rất xa

Nên trong Khế ấn này

Cần thận trọng giữ gìn

Bấy giờ Đại chúng nghe Phật nói Pháp xong, thảy đều vui vẻ làm theo và đồng lễ Phật mà lui ra .

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Bí Mật Bát Danh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Quảng Tụ - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Thích Huyền Tôn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh Pháp Nghi Quĩ Niệm Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (1) - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (2) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Kinh Công Đức Chư Phật Hộ Niệm Không Thể Nghĩ Bàn - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Thập Phương Thiên Ngũ Bách Phật Danh - Kinh Tạng