KINH TRUNG A HÀM

中 阿 含 經

Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

8 – PHẨM UẾ


MỤC LỤC

87. Kinh Uế Phẩm 88. Kinh Cầu Pháp
89. Kinh Tỳ-Kheo Thỉnh 90. Kinh Tri Pháp
91. Kinh Chu-Na Vấn Kiến 92. Kinh Thanh Bạch Liên Hoa Dụ
93. Kinh Thủy Tịnh Phạm Chí 94. Kinh Hắc Tỳ-Kheo
95. Kinh Trụ Pháp 96. Kinh Vô

***

87. KINH UẾ PHẨM[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật đến Bà-kì-sấu, ở trong núi Ngạc rừng Bố, vườn Lộc dã[02].

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử nói với các thầy Tỳ-kheo:

“Này chư Hiền, thế gian có bốn hạng người. Những gì là bốn? Hoặc có một hạng người bên trong thật có ô uế[03] mà không tự biết, không biết như thật bên trong có ô uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật có ô uế nhưng tự biết, biết như thật bên trong có ô uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật không có ô uế mà không tự biết, không tự biết bên trong thật không có ô uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật không có ô uế và tự biết, biết như thật bên trong thật không có ô uế.

“Chư Hiền, nếu một người bên trong thật có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong có ô uế, thì trong loài người, người này là tối hạ tiện.

Nếu một người bên trong thật có ô uế nhưng tự biết như thật, biết như thật bên trong thật có ô uế, thì trong loài người, người này là tối thắng. Nếu có một người bên trong thật không có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật không có ô uế, thì trong loài người, người này là tối hạ tiện.

Nếu có một người bên trong thật không có ô uế mà tự biết, biết như thật bên trong thật không có ô uế, thì trong loài người, người này là tối thắng”.

Lúc ấy, có một thầy Tỳ-kheo[04] liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, chắp tay hướng về Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, vì nhân gì, duyên gì mà hai hạng người trước đều có ô uế, tâm ô uế, mà một người được nói là tối hạ tiện và một người được coi là tối thắng? Và do nhân gì, duyên gì mà hai hạng người sau không có ô uế, không làm ô uế tâm, nhưng một người được nói là tối hạ tiện và một người được coi là tối thắng?”

Khi đó, Tôn giả Xá-lê Tử trả lời vị Tỳ-kheo kia rằng:

“Hiền giả, nếu có một người bên trong thật có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật có ô uế, thì nên biết, người ấy không muốn đoạn trừ ô uế, không cầu phương tiện, không tinh cần học. Người ấy khi mạng chung, với ô uế làm ô uế tâm, do mạng chung với ô uế làm ô uế tâm, nó chết không an lành, sanh vào chỗ bất thiện. Vì sao? Vì người ấy do mạng chung với ô uế làm ô uế tâm.

“Này Hiền giả, cũng như có một người từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng bị bụi dơ làm dơ. Người ấy mang về nhưng không năng rửa bụi, không năng lau chùi, cũng không phơi nắng, lại để chỗ nhiều bụi bặm nên đồng càng dính thêm bụi bặm dơ bẩn. Hiền giả, cũng vậy, nếu có một người bên trong thật có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật có ô uế, thì nên biết, người ấy không muốn đoạn trừ ô uế, không cần phương tiện, không tinh cần học, nó mạng chung với sự ô uế làm ô uế tâm. Do mạng chung với sự ô uế làm ô uế tâm, nó chết không an lành, sanh vào chỗ bất thiện. Vì sao? Bởi vì nó mạng chung với ô uế làm ô uế tâm.

“Này Hiền giả, nếu có một người biết như thật rằng: ‘Trong ta có ô uế, trong ta quả thật có ô uế này’, thì nên biết, người ấy muốn đoạn trừ ô uế đó, cầu phương tiện và tinh cần học. Người ấy mạng chung mà không có ô uế, không làm ô uế tâm. Do mạng chung không có ô uế, không làm ô uế tâm, người ấy chết an lành, sanh vào cõi thiện. Vì sao? Vì người ấy mạng chung mà không có ô uế, không làm ô uế tâm.

“Này Hiền giả, cũng như có người từ chợ, quán, hoặc từ nhà người làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng bị bụi bặm làm dơ bẩn. Người ấy mang mâm về, thường năng rửa bụi bặm, thường năng lau chùi, thường năng phơi nắng và không để chỗ nhiều bụi bặm. Như vậy, mâm đồng hết sức sạch bóng. Hiền giả, cũng vậy, nếu có một người biết như thật rằng: ‘Trong ta có ô uế; trong ta quả thật có ô uế này’, thì nên biết, người ấy muốn đoạn trừ ô uế đó, cầu phương tiện và tinh cần học. Người ấy mạng chung mà không có ô uế, không làm ô uế tâm. Do mạng chung không có ô uế, không làm ô uế tâm, người ấy chết an lành, sanh vào cõi thiện. Vì sao? Vì người ấy mạng chung mà không có ô uế, không làm ô uế tâm.

“Hiền giả, nếu một người không biết như thật rằng: ‘Trong ta không có ô uế; trong ta quả thật không có ô uế này’, thì nên biết người ấy không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe, nó bị dục tâm ràng buộc. Nó sẽ mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm. Do mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm, nó chết không an lành, sanh vào cõi bất thiện. Vì sao? Vì nó mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm.

“Hiền giả, cũng như có một người từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng, mua về một cái mâm đồng không có bụi dơ. Người ấy mang mâm về nhưng không năng rửa bụi, không năng lau chùi, không thường phơi nắng, để chỗ nhiều bụi bặm. Như vậy, mâm đồng chắc chắn dính bụi bặm dơ bẩn. Hiền giả, cũng vậy, nếu một người không biết như thật rằng: ‘Trong ta không có ô uếâ; trong ta thật không có ô uế này’, thì nên biết, người kia không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe, nó bị dục tâm ràng buộc. Nó sẽ mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm. Nó chết không an lành, sanh vào cõi bất thiện. Vì sao? Vì nó mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm.

“Hiền giả, nếu một người biết như thật rằng: ‘Trong ta không có ô uế; trong ta quả thật không có ô uế này’, thì nên biết, người ấy giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do vì giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe nên người ấy không bị dục tâm ràng buộc. Người ấy mạng chung mà không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm. Do mạng chung mà không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm, người ấy chết an lành, sanh vào nẻo thiện. Vì sao? Vì người ấy không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm.

“Hiền giả, cũng như có người hoặc từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng không có bụi dơ, sạch bóng. Người ấy mang mâm về, thường năng rửa bụi, thường năng lau chùi, thường năng phơi nắng, không để chỗ bụi bặm. Như vậy, cái mâm đồng hết sức sạch bóng. Hiền giả, cũng vậy, nếu một người biết như thật rằng: ‘Trong ta không có ô uế; trong ta quả thật không có ô uế này’, thì nên biết người ấy giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do vì giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe nên người ấy không bị dục tâm ràng buộc. Người ấy mạng chung mà không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm. Do mạng chung mà không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm, người ấy chết an lành, sanh vào cõi thiện. Vì sao? Vì người ấy không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm.

“Hiền giả, do nhân này, duyên này mà hai hạng người trước mặc dù đều có ô uế làm ô uế tâm, nhưng một người được nói là tối hạ tiện, và một người được coi là tối thắng. Và cũng do nhân này, duyên này mà hai hạng người sau mặc dù đều không có ô uế, không làm ô uế tâm, nhưng một người được nói là tối hạ tiện, và một người được coi là tối thắng”.

Bấy giờ lại có một thầy Tỳ-kheo khác, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu, chắp tay hướng về Tôn giả Xá-lê Tử, bạch rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Ngài nói ô uế; những gì là ô uế?”

Tôn giả Xá-lê Tử đáp rằng:

“Này Hiền giả, vô lượng pháp ác bất thiện từ dục mà sanh, đó là ô uế[05]. Vì sao? giả sử có một người tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong rằng người khác đừng biết ta phạm giới’. Hiền giả, nhưng có người khác biết nó phạm giới, bởi vì người khác biết nó phạm giới, nên người ấy tâm sanh ác[06]. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện[07].

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong người khác quở trách ta ở chỗ kín đáo, chứ đừng quở trách ta phạm giới ở trong chúng’. Hiền giả, nhưng có người khác quở trách nó ở trong chúng chứ không ở chỗ kín đáo. Do bởi người khác quở trách nó ở trong chúng, chứ không ở chỗ kín đáo, nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong rằng bị người hơn mình trách mắng, chứ đừng bị người kém mình trách mắng ta phạm giới’. Này Hiền giả, nhưng người kém nó chứ không phải người hơn, trách mắng nó phạm giới. Do bị người kém mình chứ không phải người hơn trách mắng, nên tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Mong rằng ta ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe, chứ không phải vị Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe. Do vì có vị Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe, nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Lúc các Tỳ-kheo vào làng[08], mong rằng ta đi trước nhất, các Tỳ-kheo theo sau ta mà vào làng, đừng để một Tỳ-kheo nào khác mà khi các Tỳ-kheo vào làng đi trước nhất, và các Tỳ-kheo đi theo sau mà vào’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo, khi các Tỳ-kheo vào làng, đã đi trước nhất, và các Tỳ-kheo theo sau vị ấy để vào làng. Do bởi có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo vào làng, đã đi trước nhất và các Tỳ-kheo theo sau để vào làng, nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Khi các Tỳ-kheo đã vào trong[09], thì mong rằng ta ngồi chỗ cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất, chứ đừng có vị Tỳ-kheo nào khác mà khi các Tỳ-kheo đã vào trong lại ngồi chỗ cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất’. Này Hiền giả nhưng có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã vào trong, ngồi chỗ cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất. Do bởi có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã vào trong, ngồi ghế cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được thức ăn bậc nhất, nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Các Tỳ-kheo ăn xong, sau khi thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi, mong ta nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng và thành tựu hoan hỷ; đừng có Tỳ-kheo nào khác sau khi các Tỳ-kheo ăn xong thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi, nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng và thành tựu hoan hỷ’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác, sau khi Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi, nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Do bởi có Tỳ-kheo khác, sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy sanh tâm ác và tâm dục thì cả hai đều bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Khi các cư sĩ đi đến chúng viên[10], mong rằng ta với họ cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận, đừng có Tỳ-kheo nào khác khi các cư sĩ đi đến chúng viên cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ’. Này Hiền giả nhưng có Tỳ-kheo khác, khi các cư sĩ đi đến chúng viên, cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ. Do bởi có Tỳ-kheo khác khi các cư sĩ đi đến chúng viên cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Mong rằng ta được nhà vua quen biết, được các Đại thần, Phạm chí, cư sĩ và nhân dân trong nước biết đến và kính trọng’. Này Hiền giả, nhưng có vị Tỳ-kheo khác được vua quen biết, được các Đại thần, Phạm chí, cư sĩ và nhân dân trong nước biết đến và kính trọng. Do bởi có vị Tỳ-kheo khác được vua quen biết, được các Đại thần, Phạm chí, cư sĩ và nhân dân trong nước biết đến và kính trọng nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Mong rằng ta được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di kính trọng, đừng có Tỳ-kheo nào khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng. Do bởi có Tỳ-kheo khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng nên người ấy tâm sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Mong ta được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, đừng có Tỳ-kheo nào được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang. Do bởi có Tỳ-kheo khác được các dụng cụ sinh hoạt như: quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

“Này Hiền giả, như vậy nếu có các vị phạm hạnh có trí, vì không biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng ác bất thiện như vậy, nên mặc dù người ấy như thế không phải Sa-môn nhưng các vị tưởng là Sa-môn, không phải là Sa-môn có trí mà tưởng là Sa-môn có trí, không phải là chánh trí mà tưởng là chánh trí, không phải là chánh niệm mà tưởng là chánh niệm, không phải thanh tịnh mà tưởng là thanh tịnh. Hiền giả, người ấy như vậy mà nếu các vị phạm hạnh có trí, do biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng ác bất thiện như vậy, người ấy như thế không phải Sa-môn thì không cho là Sa-môn, không phải là Sa-môn có trí thì không cho là Sa-môn có trí, không phải chánh trí thì không cho là chánh trí, không phải chánh niệm thì không cho là chánh niệm, không phải thanh tịnh thì không cho là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, cũng như có người hoặc từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua một cái mâm đồng đựng đầy phẩn bên trong, có nắp đậy phía trên, rồi bưng đi. Qua các phố xá, gần chỗ đông người qua lại; những người kia thấy mâm đồng ấy đều muốn được ăn, tỏ ý rất ưa thích, không chán ghét và nghĩ lầm cái mâm đồng là sạch. Người ấy bưng mâm đồng đi rồi dừng chân tại một chỗ nào đó và giở nó ra. Mọi người thấy vậy đều không muốn ăn, không có ý ưa thích, rất chán ghét và cho là đồ bất tịnh. Dù cho người đã muốn ăn cũng không thèm dùng, huống chi người vốn không muốn ăn. Hiền giả, cũng vậy, người ấy như vậy, nếu các phạm hạnh có trí, vì không biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng bất thiện như vậy, nên mặc dù người ấy như thế, không phải Sa-môn mà các vị kia cứ tưởng là Sa-môn, không phải Sa-môn có trí mà cứ tưởng là Sa-môn có trí, không phải chánh trí mà tưởng là chánh trí, không phải chánh niệm mà tưởng là chánh niệm, không phải là thanh tịnh mà tưởng là thanh tịnh. Này Hiền giả, người ấy như vậy, nếu các vị phạm hạnh có trí, do biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng ác bất thiện như vậy, nên người ấy như thế không phải là Sa-môn thì các vị kia không cho nó là Sa-môn, không phải Sa-môn có trí thì không cho là Sa-môn có trí, không phải chánh trí thì không cho là chánh trí, không phải chánh niệm thì không cho là chánh niệm, không phải thanh tịnh thì không cho là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, phải biết, người như vậy không nên gần gũi, không nên cung kính, lễ bái. Nếu Tỳ-kheo nào không đáng gần gũi mà gần gũi, không đáng cung kính lễ bái mà cung kính lễ bái thì người thân cận cung kính lễ bái ấy mãi mãi không được thiện lợi, không được hữu ích, không lợi ích, không an ổn khoái lạc, sanh ra đau khổ buồn lo.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy: ‘Ta đã phạm giới, mong người khác đừng biết ta phạm giới’. Này Hiền giả, hoặc có người biết người ấy phạm giới, người ấy nhân vì người khác biết mình phạm giới, tâm không sanh ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong người khác quở tránh ở chỗ kín đáo chứ đừng quở trách là ta phạm giới ở trước công chúng’. Này Hiền giả, hoặc có người khác quở trách người ấy ở trước công chúng chứ không ở chỗ kín đáo, người ấy nhân vì người khác quở trách ở trước công chúng chứ không ở chỗ kín đáo, tâm không sanh ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong người hơn mình la rầy chứ đừng có người không bằng mình la rầy ta đã phạm giới’. Này Hiền giả, hoặc có người không bằng, chứ không phải người hơn la rầy người ấy phạm giới, người ấy nhân vì người không bằng mình chứ không phải người hơn la rầy, tâm không sanh ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Mong ta ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe’. Này Hiền giả, hoặc có vị Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe. Người ấy nhân vì có vị Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe, tâm không sanh ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Lúc các Tỳ-kheo vào làng mong rằng ta đi trước nhất và các Tỳ-kheo theo sau ta để vào, chứ đừng có vị Tỳ-kheo nào đi trước nhất khi các Tỳ-kheo vào trong và các Tỳ-kheo theo sau vị ấy vào’. Này Hiền giả, hoặc có vị Tỳ-kheo, khi các Tỳ-kheo vào trong, đi trước nhất và các Tỳ-kheo theo sau vị ấy vào trong. Người ấy nhân vì có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo vào trong, đi trước nhất, các Tỳ-kheo theo sau vào trong nhưng không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Khi các Tỳ-kheo đã vào trong, mong ta ngồi trên ghế cao hơn hết, được ngồi chỗ bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất’. Này Hiền giả, hoặc có vị Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã vào trong, ngồi ghế cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất. Người ấy nhân vì có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã vào trong, ngồi ghế cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, không sanh tâm ác. Nếu người ấy không sanh tâm ác, không sanh tâm ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi mong ta nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, đừng có Tỳ-kheo nào khác, sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’. Này Hiền giả, hoặc có vị Tỳ-kheo khác, sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Người ấy nhân vì có Tỳ-kheo khác, sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, nhưng không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh tâm ác, tâm không sanh ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Khi các cư sĩ đi đến chúng viên, mong ta với họ cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận, chứ đừng có Tỳ-kheo nào khác khi các cư sĩ đi đến chúng viên, cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ’. Này Hiền giả, hoặc có Tỳ-kheo khác, khi các cư sĩ đi đến chúng viên cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ. Người ấy nhân vì có Tỳ-kheo khác, khi các cư sĩ đến chúng viên cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ, không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Mong ta được vua biết đến, được các Đại thần, Phạm chí, cư sĩ, nhân dân trong nước biết đến và kính trọng; đừng có Tỳ-kheo nào khác được vua biết đến, được các Đại thần, Phạm chí, cư sĩ, nhân dân trong nước biết đến và kính trọng’. Này Hiền giả, hoặc có vị Tỳ-kheo khác được vua biết đến, được các Đại thần, Phạm chí, cư sĩ, nhân dân trong nước biết đến và kính trọng. Nhân vì có Tỳ-kheo khác được vua biết đến, được các Đại thần, Phạm chí, cư sĩ, nhân dân trong nước biết đến và kính trọng, người ấy tâm không sanh ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Mong ta được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng, đừng có Tỳ-kheo nào khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng’. Này Hiền giả, hoặc có Tỳ-kheo khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng. Nhân vì có Tỳ-kheo khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng, người ấy không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh ham muốn, thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm không sanh ước muốn như vầy, ‘Mong ta được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, đừng có Tỳ-kheo nào khác được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang’. Này Hiền giả, hoặc có Tỳ-kheo khác được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, người ấy không sanh tâm ác. Nếu người ấy tâm không sanh ác, tâm không sanh ham muốn thì cả hai đều là thiện.

“Hiền giả, người ấy như vậy, nếu các vị phạm hạnh có trí, vì không biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng thiện như vậy nên người ấy như thế chính là Sa-môn, mà các vị kia tưởng không phải là Sa-môn, chính là Sa-môn có trí mà tưởng không phải là Sa-môn có trí, chính là chánh trí mà tưởng không phải là chánh trí, chính là chánh niệm mà tưởng không phải là chánh niệm, chính là thanh tịnh mà tưởng không phải là thanh tịnh. Này Hiền giả, người ấy như vậy, nếu các vị phạm hạnh có trí, do biết người này sanh tâm ham muốn vô lượng thiện như vậy, nên người ấy như vậy chính là Sa-môn, các vị kia cho là Sa-môn, chính là Sa-môn có trí thì cho là Sa-môn có trí, chính là chánh trí thì cho là chánh trí, chính là chánh niệm thì cho là chánh niệm, chính là thanh tịnh thì cho là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, cũng như có người, hoặc từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng đựng đầy đủ thứ đồ ăn uống trong sạch, ngon lành, đậy nắp lên trên rồi bưng đi. Ngang qua phố xá, gần chỗ đông người qua lại, những người kia thấy được mâm đồng đều không muốn ăn, không có ý ưa thích, hết sức chán ghét và nghĩ rằng mâm đồng này không trong sạch và nói như vầy, ‘Phẩn dơ kia, hãy đem đi lập tức! Phẩn dơ kia, hãy đem đi lập tức!’ Người kia bưng mâm đồng đi, rồi dừng chân lại một chỗ và giở nó ra. Sau khi thấy giở ra rồi, những người kia đều muốn ăn, ý hết sức ưa thích, không còn chán ghét và nghĩ rằng đó là đồ trong sạch. Dù cho những người đã không muốn ăn, thấy rồi cũng muốn ăn, huống chi những người đã có ý muốn ăn. Hiền giả, cũng vậy, người ấy như vậy, nếu các vị phạm hạnh có trí không biết người ấy sanh tâm ham muốn vô lượng thiện như vậy thì người ấy như thế chính là Sa-môn mà các vị kia tưởng không phải là Sa-môn, chính là Sa-môn có trí mà tưởng không phải là Sa-môn có trí, chính là chánh trí mà tưởng không phải là chánh trí, chính là chánh niệm mà tưởng không phải là chánh niệm, chính là thanh tịnh mà tưởng không phải là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, người ấy như vậy, nếu có vị phạm hạnh có trí, do biết người này sanh tâm ham muốn vô lượng thiện như vậy nên người ấy như vậy, chính là Sa-môn các vị kia cho là Sa-môn, chính là Sa-môn có trí thì cho là Sa-môn có trí, chính là chánh trí thì cho là chánh trí, chính là chánh niệm thì cho là chánh niệm, chính là thanh tịnh thì cho là thanh tịnh.

“Này Hiền giả, phải biết người như vậy nên gần gũi, nên cung kính lễ bái. Nếu Tỳ-kheo nào đáng gần gũi, đáng cung kính lễ bái mà cung kính lễ bái thì người gần gũi, cung kính lễ bái ấy mãi mãi được thiện lợi, được hữu ích, an ổn khoái lạc và cũng được không khổ, không buồn lo”.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng có mặt trong chúng, ngài bạch rằng:

“Tôn giả Xá-lê Tử, nay tôi muốn nói một thí dụ cho các Tỳ-kheo nghe, ngài cho phép chăng?”

Tôn giả Xá-lê Tử đáp:

“Hiền giả Đại Mục-kiền-liên, ngài muốn nói thí dụ, xin cứ nói”.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bạch rằng:

“Tôn giả Xá-lê Tử, tôi nhớ một thời đến thành Vương xá, ở trong nham sơn. Bấy giờ, đêm đã qua, trời vừa sáng, tôi đắp y, ôm bát vào thành Vương xá để khất thực, đến nhà Vô Y Mãn Tử, trước kia là một thợ xe[11]. Lúc ấy ngang nhà ông lại có một người thợ đang đẽo trục xe. Vô Y Mãn Tử, một thợ xe cũ, đi đến nhà đó. Rồi Vô Y Mãn Tử, một thợ xe cũ, thấy người kia đang đục đẽo trục xe, tâm sanh ý nghĩ như vầy, ‘Nếu người thợ này cầm búa đẽo trục, đẽo gọt chỗ xấu này, chỗ xấu kia, như thế thì cái trục ấy mới tuyệt đẹp’. Bấy giờ, người thợ kia đúng như điều suy nghĩ của Vô Y Mãn Tử, một thợ xe cũ, liền cầm búa đẽo gọt chỗ xấu này, chỗ xấu kia. Khi ấy, Vô Y Mãn tử, một thợ xe cũ, hết sức hoan hỷ, nói như thế này:

“– Này con ông thợ xe, tâm ông như vậy tức là biết tâm tôi rồi. Vì sao? Vì đúng theo ý nghĩ của tôi, ông cầm búa đẽo gọt chỗ xấu này, chỗ xấu kia.

“Cũng như thế, Tôn giả Xá-lê Tử, nếu như có kẻ dua nịnh, dối trá, ganh tị, không tín, giải đãi, không chánh niệm, không chánh trí, không định, không tuệ, tâm nó cuồng mê, không giữ các căn, không tu hạnh Sa-môn, không hiểu biết phân biệt; Tôn giả Xá-lê Tử vì biết tâm của nó nên nói pháp này.

“Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có người không dua nịnh, không dối trá, không ganh tị, có tín, có tấn, không giải đãi, có chánh niệm, chánh trí, tu định, tu tuệ, tâm không cuồng mê, giữ gìn các căn, tu tập rộng rãi hạnh Sa-môn và phân biệt khéo léo thì người ấy nghe Tôn giả Xá-lê Tử nói pháp giống như kẻ đói muốn được ăn, khát muốn được uống, tức thì được ăn và uống như ý vậy.

“Tôn giả Xá-lê Tử, giống như con gái Sát-lợi hay con gái Phạm chí, Cư sĩ, Công sư, đoan trang xinh đẹp, tắm rửa sạch sẽ, lấy hương thoa khắp thân thể, mặc áo mới và dùng các thứ anh lạc để trang sức dung nhan. Giả sử có người nghĩ đến nàng ấy, mong cầu sự thiện lợi hữu ích, cầu an ổn khoái lạc cho nàng ấy nên đem tràng hoa sen xanh, hoặc tràng hoa chiêm-bặc, hoặc tràng hoa tu-ma-na, hoặc tràng hoa bà-sư, hoặc tràng hoa a-đề-mâu-đa đến tặng. Người con gái ấy hoan hỷ nhận cả hai tay, dùng trang sức trên đầu. Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như thế, nếu có người không dua nịnh, không dối trá, không ganh tị, có tín, tinh tấn, không giải đãi, có chánh niệm, chánh trí, tu định, tu tuệ, tâm không cuồng mê, gìn giữ các căn, tu tập rộng rãi hạnh Sa-môn và phân biệt khéo léo, người ấy được nghe Tôn giả Xá-lê Tử nói pháp, giống như người đói muốn được ăn, người khát muốn đượïc uống thì liền được ăn no, uống như ý vậy.

“Tôn giả Xá-lê Tử! Thật kỳ diệu! Thật hy hữu! Tôn giả Xá-lê Tử thường cứu vớt các người tu phạm hạnh, khiến cho xa lìa bất thiện, an trụ chỗ thiện”.

Như thế, cả hai Tôn giả tán thán lẫn nhau, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và các thầy Tỳ-kheo nghe Tôn giả Xá-lê Tử thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Uế Phẩm:

[01] Tương đương Pāli M.5 Anaṅgaṇa-suttaṃ. Hán, biệt dịch, No.49, No.125 (25.6).

[02] Xem cht.2 và 3, Kinh 74.

[03] Hán: uế 穢. Pāli: aṅgaṇa, vết bẩn, bụi bẩn, nước dơ.

[04] Bản Pāli: Tôn giả Mahāmoggallāna (Đại Mục-kiền-liên). No.125 (25-6) cũng vậy.

[05] So sánh Pāli: pāpakānaṃ kho etaṃ akusalānaṃ icchāvacarānaṃ adhivacanaṃ yadidaṃ aṅgaṇaṃ, các pháp ác bất thiện, cảnh giới của dục, là đồng nghĩa của uế.

[06] Pāli: so kupito hoti appatīto, nó phẫn nộ và bất mãn.

[07] Pāli: kopo yo ca appaccayo ubhayam etaṃ aṅgaṇaṃ, phẫn nộ và bất mãn, cả hai cái này là ô uế.

[08] Hán: nhập nội thời 入 內 時. Pāli: gāmaṃ bhattāya paviseyyuṃ, vào làng để ăn cơm.

[09] Hán: dĩ nhập nội 已 入 內. Pāli: bhattagge, tại nhà ăn.

[10] Bản Hán: “cư sĩ… chúng viên…”; Pāli: ārāmagatānaṃ bhikkhūnaṃ dhammaṃ deseyyaṃ, mong ta thuyết pháp cho các Tỳ-kheo tập họp tại tinh xá.

[11] Cựu xa sư Vô y Mãn Tử 舊 車 師 無 衣 滿 子. Pāli: Paṇḍuputta ājīvaka purāṇayāna-kāra putta, Paṇḍuputta, đạo sĩ phái Tà mạng, con trai của một người thợ làm xe trước kia.


88. KINH CẦU PHÁP[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa nước Câu-tát-la[02] cùng đại chúng Tỳ-kheo, qua đến phía Bắc làng Ngũ sa-la[03], trong rừng Thi-nhiếp-hòa với hàng đại đệ tử Trưởng lão, Thượng tôn, danh đức, như các ngài: Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả Lệ-việt[04], Tôn giả A-nan và các đại đệ tử Trưởng lão Thượng tôn danh đức khác ngang hàng như vậy cũng có mặt tại làng Ngũ sa-la. Tất cả đều ở gần bên cạnh ngôi nhà lá của Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:

“Các ngươi nên thực hành sự cầu pháp[05], đừng thực hành sự cầu ẩm thực. Vì sao? Vì Ta thương tưởng các đệ tử, muốn các đệ tử nên thực hành sự cầu pháp, chứ không thực hành sự cầu ẩm thực. Nếu các ngươi thực hành cầu ẩm thực, không thực hành sự cầu pháp, không những các ngươi tự xấu xa, mà Ta cũng không được danh dự gì. Nếu các thầy thực hành sự cầu pháp, chứ không thực hành sự cầu ẩm thực, không những các thầy đã tự tốt đẹp mà Ta cũng được danh dự.

“Thế nào là các đệ tử vì cầu ẩm thực mà theo Phật tu hành, chứ không phải vì cầu pháp? Sau khi Ta ăn no, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư; sau đó có hai Tỳ-kheo đến, đói khát, sức lực hao mòn, Ta nói với họ rằng: ‘Sau khi Ta ăn no, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư, các ngươi muốn ăn thì lấy mà ăn. Nếu các ngươi không lấy thì Ta sẽ mang đổ nơi đất sạch, hoặc đổ trong nước không có trùng’.

“Trong hai người ấy, Tỳ-kheo thứ nhất suy nghĩ như vầy, ‘Đức Thế Tôn ăn rồi, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư, nếu ta không lấy tất nhiên Đức Thế Tôn sẽ mang đổ nơi đất sạch, hoặc trong nước không có trùng. Vậy ta hãy lấy mà ăn’. Tỳ-kheo ấy liền lấy mà ăn. Tuy được một ngày một đêm an ổn khoái lạc, nhưng vì Tỳ-kheo ấy nhận lấy đồ ăn dư đó nên không vừa ý Phật[06]. Vì sao? Vì Tỳ-kheo đó nhận lấy đồ ăn đó nên không thể thiểu dục, không thể tri túc, không thể dễ nuôi, không thể dễ thỏa mãn, không thể biết thời, không thể biết tiết độ, không thể tinh tấn, không thể tĩnh tọa, không thể có tịnh hạnh, không thể sống viễn ly, không được nhất tâm, không được tinh cần, cũng không thể chứng đắc Niết-bàn. Vì vậy, do bởùi Tỳ-kheo nhận lấy đồ ăn dư mà không vừa ý Phật. Như thế, gọi là các đệ tử vì cầu ẩm thực mà theo Phật tu hành, chứ không phải vì cầu pháp.

“Thế nào là các đệ tử thực hành sự cầu pháp, chứ không thực hành cầu ẩm thực? Trong hai người ấy, Tỳ-kheo thứ hai suy nghĩ như vầy, ‘Đức Thế Tôn ăn rồi, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư. Nếu ta không lấy thì tất nhiên Đức Thế Tôn sẽ mang đổ nơi đất sạch, hoặc trong nước không có trùng. Nhưng Đức Thế Tôn có dạy rằng: ‘Điều thấp kém nhất trong việc ăn uống là ăn đồ ăn dư[07].’ Vậy ta không nên nhận lấy đồ ăn đó’. Nghĩ như thế rồi, Tỳ-kheo ấy không nhận lấy đồ ăn. Tỳ-kheo kia không nhận lấy đồ ăn đó, tuy suốt một ngày một đêm khổ sở, không được an ổn, nhưng nhân vì Tỳ-kheo ấy không nhận lấy đồ ăn đó nên được vừa lòng Phật. Vì sao? Tỳ-kheo ấy do bởi không nhận lấy đồ ăn dư nên được sự thiểu dục, được sự tri túc, được sự sống dễ nuôi, dễ thỏa mãn, biết thời, có tiết độ, có tinh tấn, có thể tĩnh tọa, có tịnh hạnh, có thể sống viễn ly, được nhất tâm, được tinh cần và cũng có thể chứng đắc Niết-bàn. Cho nên, do bởi Tỳ-kheo ấy không nhận lấy đồ ăn này mà được vừa lòng Phật. Như thế, gọi là các đệ tử vì cầu pháp mà theo Phật tu hành, chứ không phải vì cầu ẩm thực”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các đệ tử:

“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, mà đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó không có ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải là mong sự thiện lợi, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người.

“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, mà đệ tử bậc trung và bậc hạ của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó không ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải là mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người.

“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, mà đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại an lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời và loài người.

“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, đệ tử bậc trung và bậc hạ của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại an lạc cho mọi người, là bậc thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho trời, người”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cũng hiện diện trong chúng. Đức Thế Tôn bảo Tôn giả rằng:

“Xá-lê Tử, thầy hãy nói pháp như pháp cho các Tỳ-kheo nghe. Ta bị đau lưng, nay Ta muốn nghỉ một lát”.

Tôn giả Xá-lê Tử liền vâng lãnh lời Phật:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn”.

Rồi Đức Thế Tôn gấp tư y Ưu-đa-la-tăng trải trên giường, cuộn y Tăng-già-lê làm gối, nằm nghiêng hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, khởi quang minh tưởng[08], chánh niệm, chánh trí và chuyên niệm về dục khởi tưởng[09].

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo:

“Này chư Hiền, nên biết, Đức Thế Tôn vừa nói pháp sơ lược rằng: ‘Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly mà đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó không có ích gì cho mọi người, không mang lại an ạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, không phải là mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người. Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly mà đệ tử bậc trung và hạ của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó không có ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải là mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người. Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly và đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại an lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người. Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, đệ tử bậc trung và bậc hạ của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại sự an lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người’.

“Nhưng Đức Thế Tôn nói pháp này hết sức sơ lược, các thầy thấu hiểu nghĩa đó như thế nào và phân biệt rộng rãi như thế nào?”

Bấy giờ trong chúng, hoặc có Tỳ-kheo nói như thế này:

“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, nếu các Trưởng lão Thượng tôn tuyên bố rằng ‘Ta đã chứng đắc cứu cánh trí, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’, thì các vị phạm hạnh khi nghe vị Tỳ-kheo tự tuyên bố ‘Ta đã chứng đắc cứu cánh trí’, bèn được hoan hỷ”.

Lại có Tỳ-kheo nói như thế này:

“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có đệ tử bậc trung, bậc hạ có ước nguyện vô thượng Niết-bàn, các người phạm hạnh thấy vị Tỳ-kheo kia đã thực hành theo, nên được hoan hỷ.”

Như vậy, các Tỳ-kheo ấy giải thích ý nghĩa đó như vậy mà không hài lòng Tôn giả Xá-lê Tử.

Tôn giả Xá-lê Tử nói với các thầy Tỳ-kheo ấy rằng:

“Này chư Hiền, hãy lắng nghe, tôi sẽ giải thích cho các thầy.

“Này chư Hiền, nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, mà hàng đệ tử trưởng thượng của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì người đệ tử hàng trưởng thượng ấy có ba điều đáng chê.

“Những gì là ba? Tôn sư thích an trú viễn ly mà đệ tử hàng trưởng thượng không học theo hạnh viễn ly. Vị đệ tử ấy vì vậy mà đáng chê. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ mà đệ tử trưởng thượng không đoạn trừ pháp ấy. Vị đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Với những điều có thể thủ chứng mà đệ tử trưởng thượng lại từ bỏ phương tiện[10]. Vị đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Nếu bậc Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly mà đệ tử trưởng thượng của vị ấy không thích đời sống viễn ly thì người đệ tử ấy có ba điều đáng chê trách này.

“Này chư Hiền, nếu Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly mà đệ tử bậc trung và hạ không thích đời sống viễn ly, thì đệ tử trung và hạ ấy có ba điều đáng chê.

“Những gì là ba? Tôn sư thích an trú viễn ly, đệ tử trung và hạ không học theo hạnh viễn ly, những đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ mà đệ tử trung và hạ không đoạn trừ những pháp ấy, những đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Với những điều có thể thủ chứng, mà đệ tử trung và hạ lại từ bỏ phương tiện, những đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Nếu Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, mà đệ tử trung và hạ không thích đời sống viễn ly, thì những đệ tử ấy có ba điều đáng chê này.

“Này chư Hiền, nếu Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly và đệ tử trưởng thượng của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì đệ tử trưởng thượng này có ba điều đáng tán thưởng.

“Những gì là ba? Tôn sư thích an trú viễn ly, đệ tử trưởng thượng cũng học theo hạnh viễn ly. Vị đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ và đệ tử trưởng thượng đoạn trừ những pháp ấy. Vị đệ tử trưởng thượng này vì vậy đáng tán thưởng. Với những điều có thể thủ chứng thì đệ tử trưởng thượng tinh tấn cầu học, không bỏ phương tiện. Vị đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu bậc Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly và đệ tử trưởng thượng cũng thích đời sống viễn ly thì những đệ tử ấy có ba điều đáng tán thưởng này.

“Này chư Hiền, nếu Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, đệ tử trung và hạ cũng thích đời sống viễn ly, thì những đệ tử ấy có ba điều đáng tán thưởng.

“Những gì là ba? Tôn sư thích an trú viễn ly, đệ tử trung và hạ cũng thích đời sống viễn ly. Những đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ thì đệ tử trung và hạ đoạn trừ những pháp ấy. Những đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Với những điều có thể thủ chứng thì đệ tử trung và hạ tinh tấn, cầu học, không bỏ phương tiện. Những đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu bậc Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly và đệ tử trung và hạ cũng thích đời sống viễn ly thì những đệ tử ấy có ba điều đáng tán thưởng này”.

Tôn giả Xá-lê Tử lại nói với các Tỳ-kheo:

“Này chư Hiền, có con đường giữa, nhờ đó có thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn.

“Này chư Hiền, thế nào là có một con đường giữa, có thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ pháp, được trí thông, được giác ngộ và chứng đắc Niết-bàn?

“Này chư Hiền, niệm tham dục là ác pháp, ghét bỏ niệm tham dục cũng là ác pháp[11]. Người ấy đoạn trừ niệm tham dục và cũng đoạn trừ sự ghét bỏ niệm tham dục. Cũng vậy, sân nhuế, oán kết, bỏn sẻn, ganh tị, dối trá, vô tàm, vô quý, mạn, tối thượng mạn, cống cao, phóng dật, hào quý, tăng tránh[12].

“Này chư Hiền, tham cũng là pháp ác mà đắm trước cũng là pháp ác. Người ấy đoạn trừ tham và cũng đoạn trừ đắm trước.

“Này chư Hiền, đó là có một con đường giữa, có thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn.

“Này chư Hiền, lại có một con đường giữa khác có thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn. Chư Hiền, thế nào là có một con đường giữa khác có thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn? Chư Hiền, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định, ấy là tám. Chư Hiền, đó là một con đường giữa khác có thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ pháp, được trí thông, được giác ngộ và chứng đắc Niết-bàn”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đã qua cơn đau và được an ổn, từ chỗ nằm trở dậy, ngồi kiết già, Ngài tán thán Tôn giả Xá-lê Tử:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lê Tử nói pháp như pháp cho các Tỳ-kheo nghe. Xá-lê Tử, từ nay về sau, thầy hãy nói pháp như pháp cho các Tỳ-kheo nghe nữa. Xá-lê Tử, thầy nên luôn luôn nói pháp như pháp[13] cho các Tỳ-kheo nghe”.

Rồi Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Các ngươi phải cùng nhau vâng lãnh pháp như pháp, hãy tụng tập, chấp trì. Vì sao? Vì pháp như pháp này có pháp, có nghĩa, là căn bản phạm hạnh, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn. Các thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia học đạo thì phải khéo léo thọ trì pháp như pháp này”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử và các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Cầu Pháp:

[01] Tương đương Pāli M.3 Dhammadāyāda-suttam.

[02] Bản Pāli: Phật tại Sāvatthi.

[03] Ngũ Sa-la 五 娑 羅. Pāli: Pañcasāla.

[04] Lệ-việt tức Revata mà chỗ khác cũng bản Hán này, âm là Li-việt-đa. Xem chú thích Kinh số 184.

[05] Hành cầu pháp 行 求 法 (…). Pāli: Dhammadāyādā me bhavatha mà āmisadayādā hãy là những kẻ thừa tự Pháp của Ta, chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật.

[06] Bất khả Phật ý 不 可 佛 意.

[07] Bản Pāli: Thế Tôn dạy: Hãy là kẻ thừa tự Pháp…

[08] Xem cht.11, Kinh 83.

[09] Xem cht.12, Kinh 83.

[10] Xả phương tiện, nên hiểu là từ bỏ sự nỗ lực.

[11] Niệm dục ác, ố niệm dục diệc ác 念 欲 惡, 惡 念 欲 亦 惡, ở đây muốn nói trung đạo vượt qua hai tâm niệm đó. Pāli có hơi khác: lobho ca pāpako doso ca pāpako, lobhassa ca pahānāya dossa ca pahānāya atthi majjhimā paṭipadā, tham là ác, sân là ác; có con đường giữa để đoạn trừ tham và sân.

[12] Hào quý 豪 貴 và tăng tránh 憎 諍; có lẽ Pāli: thambo (ngạo mạn) và sārambho (nóng nảy, hay gây gổ). Liệt kê các tính xấu, theo bản Pāli: kodho (phẫn nộ), upanāho (oán hận), makkho (đạo đức giả), palāso (ác ý), issā (bủn xỉn), maccheram (keo kiệt), māyā (dối trá), sāṭheyyam (giảo hoạt), thambho (ngạo mạn), sārambho (hay gây sự), māno (mạn), atimāno (tự cao), mado (nghiện ngập), pamādo (phóng túng).

[13] Pháp như pháp, được hiểu là pháp và tùy pháp (Pāli: dhammānudhamma).


89. KINH TỲ-KHEO THỈNH[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa cùng với chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa[02].

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên[03] nói với các Tỳ-kheo:

“Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo thỉnh cầu[04] các Tỳ-kheo rằng: ‘Xin các ngài nói với tôi, chỉ giáo tôi, ha trách tôi, xin đừng cật nạn tôi’. Vì sao vậy? Này chư Hiền, hoặc có một người hay có lời nói cộc[05], mang bản tánh nói cộc và do bản tánh nói cộc này mà các vị phạm hạnh không nói tới, không chỉ giáo, không ha trách, trái lại cật nạn người ấy[06].

“Này chư Hiền, thế nào là bản tánh nói cộc, mà nếu ai có bản tánh nói cộc, các vị phạm hạnh không nói với, không chỉ giáo, không ha trách, trái lại cật nạn người ấy?

“Này chư Hiền, ở đây có người có ác dục và nhớ nghĩ đến dục[07]. Này chư Hiền, nếu là người có ác dục và nhớ nghĩ đến dục thì đó là bản tánh nói cộc. Cũng như thế, nhiễm và hành nhiễm[08], cố ý phú tàng[09], lường gạt dối trá, xan tham, tật đố, vô tàm, vô quý, sân tệ ác ý [10], nói lời phẫn nộ, ha trách Tỳ-kheo ha trách[11], ha trách Tỳ-kheo khinh mạn[12], ha trách Tỳ-kheo phát lồ, nói lãng ngoài đề để tránh né, che giấu và hờn giận, thù ghét phừng phực, bằng hữu ác, đồng bọn ác, vong ân, không biết ân. Chư Hiền nếu ai người vong ân, không biết ân, thì đó là người có bản tánh cộc. Này chư Hiền, đó là những bản tánh khiến nói cộc. Nếu ai có bản tánh nói cộc, các vị phạm hạnh không nói với, không chỉ giáo, không ha trách, trái lại cật nạn người ấy.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo hãy tự tư lương[13]. ‘Chư Hiền, nếu ai có ác dục, niệm dục thì tôi không ưa thích người đó và nếu tôi có ác dục, niệm dục thì người ấy cũng chẳng ưa thích tôi’. Tỳ-kheo hãy quán sát như vậy, không hành ác dục, không niệm dục. Nên học như vậy.

“Cũng như thế, ai nhiễm và hành nhiễm, cố ý phú tàng, lường gạt dối trá, xan tham, tật đố, vô tàm, vô quý, sân tệ ác ý, nói lời phẫn nộ, ha trách Tỳ-kheo ha trách, ha trách Tỳ-kheo khinh mạn, ha trách Tỳ-kheo phát lồ, nói lãng ngoài đề để tránh né, che giấu và hờn giận, thù ghét phừng phực, bằng hữu ác, đồng bọn ác, vong ân, không biết ân. ‘Chư Hiền, nếu ai vong ân, không biết ân thì tôi không ưa thích người ấy, và nếu tôi vong ân, không biết ân thì người ấy cũng chẳng ưa thích tôi’. Tỳ-kheo hãy quán sát như vậy, không hành sự vong ân không biết ân. Nên học như vậy.

“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo không thỉnh cầu các Tỳ-kheo rằng: ‘Xin các ngài nói với tôi, chỉ giáo tôi, ha trách tôi, đừng cật nạn tôi’. Vì sao vậy? Chư Hiền, hoặc có một người dễ nói, đầy đủ bản tánh dễ nói[14], và do đầy đủ bản tánh dễ nói nên các bậc phạm hạnh khéo nói với, khéo chỉ giáo, khéo ha trách và không cật nạn người đó.

“Này chư Hiền, thế nào là bản tánh dễ nói? Nếu có người đầy đủ bản tánh dễ nói thì các vị phạm hạnh khéo nói với, khéo chỉ giáo, khéo ha trách và không cật nạn người đó. Chư Hiền, hoặc có người không ác dục, không niệm dục, đó là bản tánh dễ nói. Cũng như thế, không nhiễm và hành nhiễm, không cố ý phú tàng, không lường gạt dối trá, không xan tham tật đố, không vô tàm vô quý, không sân tệ ác ý, không nói lời phẫn nộ, không ha trách Tỳ-kheo ha trách, không ha trách Tỳ-kheo khinh mạn, không ha trách Tỳ-kheo phát lồ, không nói lãng ngoài đề để tránh né, không che giấu và hờn giận, không thù ghét phừng phực, không bằng hữu ác đồng bọn ác, không vong ân không biết ân. Chư Hiền, nếu ai không vong ân không biết ân, đó là có bản tánh dễ nói. Chư Hiền, đó là những bản tánh khiến dễ nói. Nếu ai đầy đủ bản tánh dễ nói thì các vị phạm hạnh khéo nói với, khéo chỉ giáo, khéo ha trách và không cật nạn người đó.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo nên tự tư lương. ‘Chư Hiền, ‘nếu có người không ác dục, không niệm dục, thì tôi ưa thích người đó; và nếu tôi không ác dục, không niệm dục thì người đó cũng ưa thích tôi’, Tỳ-kheo nên quán sát như vậy, không hành ác dục, không niệm dục. Nên học như vậy. Cũng như thế, không nhiễm và hành nhiễm, không cố ý phú tàng, không lường gạt dối trá, không xan tham tật đố, không vô tàm vô quý, không sân tệ ác ý, không nói lời phẫn nộ, không ha trách Tỳ-kheo ha trách, không ha trách Tỳ-kheo khinh mạn, không ha trách Tỳ-kheo phát lồ, không nói lãng ngoài đề để tránh né, không che giấu và hờn giận, không thù ghét phừng phực, không bằng hữu ác đồng bọn ác, không vong ân không biết ân. ‘Chư Hiền, nếu có người không vong ân không biết ân thì tôi thích người đó, và nếu tôi không vong ân không biết ân thì người đó cũng ưa thích tôi’. Tỳ-kheo nên quán sát như vậy, không vong ân không biết ân. Nên học như vậy.

“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán sát như vầy[15]: ‘Ta có ác dục, niệm dục hay không có ác dục, niệm dục?’ thì chắc chắn có nhiều lợi ích.

“Này chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có ác dục, niệm dục thì không thể vui mừng. Do đó mong cầu đoạn trừ dục.

“Này chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết mình không có ác dục, niệm dục tức thì vui mừng, rằng: ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’, cho nên vui mừng.

“Này chư Hiền, như người có mắt, lấy gương tự soi thì thấy được mặt mình là sạch hay dơ. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình bẩn thì không vui mừng và mong muốn rửa sạch. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình không bẩn thì vui mừng rằng: ‘Mặt ta sạch’, nên vui mừng. Chư Hiền, cũng như vậy, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có ác dục, niệm dục thì không vui mừng và mong cầu đoạn trừ dục. Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có ác dục, niệm dục thì vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’ nên vui mừng. Cũng như thế, ta nhiễm và hành nhiễm hay không nhiễm và hành nhiễm? Cố ý phú tàng hay không cố ý phú tàng? Lường gạt dối trá hay không lường gạt dối trá? Xan tham tật đố hay không xan tham tật đố? Vô tàm vô quý hay không vô tàm vô quý? Sân tệ ác ý hay không sân tệ ác ý? Nói lời phẫn nộ hay không nói lời phẫn nộ? Ha trách Tỳ-kheo ha trách hay không ha trách Tỳ-kheo ha trách? Ha trách Tỳ-kheo khinh mạn hay không ha trách Tỳ-kheo khinh mạn? Ha trách Tỳ-kheo phát lồ hay không ha trách Tỳ-kheo phát lồ? Nói lãng ngoài đề để tránh né hay không nói lãng ngoài đề để tránh né? Che giấu và hờn giận hay không che giấu và hờn giận? Thù ghét phừng phực hay không thù ghét phừng phực? Bằng hữu ác và đồng bọn ác hay không bằng hữu ác và đồng bọn ác? Vong ân không biết ân hay không vong ân không biết ân? Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ‘ta có vong ân không biết ân’ thì không vui mừng và mong muốn đoạn trừ. Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có vong ân không biết ân thì được vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’, cho nên vui mừng.

“Này chư Hiền, như người có mắt, lấy gương tự soi thì thấy được mặt mình là sạch hay dơ. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình bẩn thì không vui mừng và mong muốn rửa sạch. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình không bẩn thì được vui mừng rằng ‘Mặt ta sạch sẽ’, cho nên vui mừng. Chư Hiền, cũng vậy, nếu khi Tỳ-kheo mà biết được ta có vong ân không biết ân, thì không vui mừng và mong muốn đoạn trừ. Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có vong ân không biết ân thì được vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học tôn pháp’, cho nên vui mừng. Do vui mừng cho nên có hỷ, nhân hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an[16] nên được cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên được định tâm.

“Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử do định tâm nên thấy như thật, biết như thật; do thấy như thật, biết như thật nên được yểm ly, do yểm ly nên được vô dục, do vô dục nên được giải thoát, do giải thoát mà được tri giải thoát, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh’.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói như vậy, các thầy Tỳ-kheo nghe Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Tỳ-Kheo Thỉnh:

[01] Bản Hán, quyển 23. Tương đương Pāli M.15. Anumāna-suttaṃ. Hán, tham chiếu No.50.

[02] Bản Pāli tương đương không có đoạn này.

[03] Bản Pāli: āyasmā moggallāno bhaggesu viharati suṃsumāragire, lúc bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền kiên trú ở giữa những người Bhagga, trong núi Suṃsumāra.

[04] Hán: thỉnh 請. Pāli: pavāreti: tự tứ.

[05] Hán: lệ ngữ, lệ ngữ pháp 戾 語 法. Pāli: dubbaca, dovacassakaraṇa dhamma.

[06] Có lẽ ở đây có một chi tiết liên hệ luật Tỳ-kheo, bị yết-ma mặc tẩn vì đều được gọi là “ác tính bất thọ nhân ngữ” (ngoan cố không nghe lời khuyên của các Tỳ-kheo) nên không được các Tỳ-kheo chấp nhận tự tứ. Bản Pāli: pavāreti… Bhikkhu vadantu maṃ āyasmanto vacanīyomhi āyasmantehi…atha kho naṃ sabrahmacārī na ceva vattabbaṃ maññanti, Tỳ-kheo thỉnh nguyện (tự tứ): chư Trưởng lão hãy nói với tôi; tôi cần được chư Trưởng lão nói… nhưng các đồng phạm hạnh nghĩ rằng vị ấy không đang được nói tới.

[07] Ác dục niệm dục 惡 欲 欲 念. Pāli: pāpiccho hoti pāpikānaṃ icchānaṃ vasaṃgato, là người có ác dục, bị chi phối bởi ác dục.

[08] Nhiễm hành nhiễm 染 行 染; có lẽ Pāli: attukkaṃsako paravambhī, khen mình che người.

[09] Bất ngữ kết trụ 不 語 結 住; có lẽ Pāli: makkhata (xem Kinh 122).

[10] Sân tệ ác ý 瞋 弊 惡 意; có lẽ Pāli: kodhahetu upanāhī, do nóng giận mà ôm lòng cừu hận.

[11] Ha Tỳ-kheo ha 訶 比 丘 訶. Pāli: codito codakena codakṃ paṭipphareti, bị nêu tội kích ngược lại người nêu tội.

[12] Ha Tỳ-kheo khinh mạn 訶 比 丘 輕 慢, có lẽ Hán văn dịch đảo ngữ nên phải hiểu ngược lại. Pāli: codakaṃ apasādeti, khinh dễ người nêu tội.

[13] Pāli: attanāva attānaṃ evaṃ anuminitabbaṃ, nên tự mình suy xét về mình như vầy.

[14] Thiện ngữ, thành tựu thiện ngữ pháp 善 語 成 就 善 語 法. Pāli: so ca sovaco hoti, sovacassakaraṇehi samannāgato.

[15] Pāli: attanāva attānaṃ evaṃ paccavekkhitabbaṃ, tự mình phản tỉnh về mình như vầy.

[16] Hán: chỉ thân 止 身.


90. KINH TRI PHÁP[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-xá-di, trong vườn Cù-sư-la[02].

Bấy giờ Tôn giả Chu-na[03] nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nói như thế nầy, ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết ấy không có tham lam’. Nhưng trong tâm Hiền giả kia, ác tham lam[04] đã sanh và tồn tại.

“Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến[05]. Nhưng trong tâm Hiền giả ấy ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại. Các vị đồng phạm hạnh biết Hiền giả ấy không biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả ấy tham lam đã sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại.

“Này chư Hiền, như người không giàu mà tự xưng là giàu, cũng không có phong ấp mà nói là có phong ấp. Lại không có súc mục mà nói là có súc mục. Khi muốn tiêu dùng thì không có vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách; không có súc mục, lúa gạo; cũng không có nô tỳ. Các bằng hữu quen biết đến nhà người ấy mà nói rằng: ‘Anh thật không giàu mà tự xưng là giàu, cũng không có phong ấp mà nói có phong ấp; lại không có súc mục mà nói có súc mục. Khi muốn tiêu dùng thì không có vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, không có súc mục, lúa gạo và cũng không có nô tỳ’. Cũng giống như thế, này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo nói như thế này: ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết mà không có tham lam’, nhưng trong tâm Hiền giả kia tham lam đã sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại. Các người phạm hạnh biết Hiền giả ấy không biết các pháp, những pháp được biết mà không có tham lam. Vì sao? Vì tâm của Hiền giả kia không hướng đến chỗ diệt tận tham lam, đến Vô dư Niết-bàn. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì tâm Hiền giả kia không hướng đến chỗ diệt tận ác nhuế, đến Vô dư Niết-bàn.

“Này chư Hiền, hoặc có Tỳ-kheo không nói như thế này: ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam”, nhưng trong tâm Hiền giả kia tham lam không sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến, nhưng trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại. Các người phạm hạnh biết Hiền giả ấy thật biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả kia, ác tham lam đã không sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại.

“Này chư Hiền, như người giàu to mà tự nói không giàu, cũng có phong ấp mà nói là không có phong ấp. Lại có súc mục mà nói là không có súc mục. Nếu lúc muốn tiêu dùng thì có sẵn vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách; có súc mục, lúa gạo và có nô tỳ. Các bằng hữu quen biết đến nhà người ấy, nói rằng: ‘Anh thật giàu to mà nói là không giàu, cũng có phong ấp mà nói không có phong ấp. Lại có súc mục mà nói không có súc mục, nhưng khi muốn dùng thì có sẵn vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách; có súc mục, lúa gạo và cũng có nô tỳ’.

Cũng giống như thế, này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo không nói như thế này: ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam”, nhưng trong tâm Hiền giả kia ác tham lam đã không sanh và không tồn tại.

Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến, nhưng trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại.

Các người đồng phạm hạnh biết Hiền giả ấy thật biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì tâm Hiền giả ấy hướng đến chỗ diệt tận tham lam, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì tâm Hiền giả kia hướng đến chỗ diệt tận ác kiến, đến Vô dư Niết-bàn”.

Tôn giả Chu-na thuyết như vậy, các thầy Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả nói xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Tri Pháp:

[01] Tương đương Pāli, A.10.24. Mahā-cunda-suttam.

[02] Câu-xá-di Cù-sư-la viên 拘 舍 彌 瞿 師 羅 園. Xem Kinh 72. Bản Pāli: khi ấy Mahā-cunda đang trú tại Ceti.

[03] Chu-na 周 那. Pāli: Māha-Cunda. Xem Kinh số 196 và chú thích (3).

[04] Ác tăng tứ 惡 增 伺. Pāli: lobha. Nơi khác . Hán: tăng tứ, Pāli: abhijjhā.

[05] Bản liệt kê Hán, xem các Kinh 183196. Liệt kê theo Pāli: lobha (tham), loha (si), kodha (phẫn nộ), upanāha (oán hận), makkha (giả dối hay phú tàng), palāsa (não hại hay có ác ý), macchariya (xan tham hay keo kiệt), pāpikā issā (ác tật đố), pāpikā ichā (ác dục).


91. KINH CHU-NA VẤN KIẾN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-xá-di, trong vườn Cù-sư-la[02]. Bấy giờ Tôn giả Đại Chu-na vào lúc xế, từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, trong đời, các kiến chấp phát sanh và phát sanh, tức các chủ trương có thần ngã, có chúng sanh, có nhân, có thọ, có mạng, có thế gian[03]. Bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào để các kiến chấp này được tiêu diệt, được xả ly và khiến cho các tà kiến khác không tiếp diễn, không bị chấp thủ?”

Bấy giờ Thế Tôn nói rằng:

“Chu-na, trong đời, các kiến chấp phát sanh và phát sanh, tức các chủ trương có thần ngã, có chúng sanh, có nhân, có thọ, có mạng, có thế gian. Chu-na, nếu muốn các pháp diệt tận không dư, thì phải biết như vậy, thấy như vậy mới có thể khiến cho các kiến chấp này được tiêu diệt, được xả ly và khiến cho các kiến chấp khác không tiếp diễn, không bị chấp, hãy học pháp tiệm giảm[04].

“Chu-na, trong Thánh pháp luật, thế nào là tiệm giảm? Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ, vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta đã thực hành sự tiệm giảm’. Này Chu-na, trong Thánh pháp luật không phải chỉ có sự tiệm giảm này[05].

“Có bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú[06], hành giả từ đó xuất rồi lại nhập trở lại. Vị ấy nghĩ như thế này: ‘Ta thực hành sự tiệm giảm này’. Này Chu-na, trong Thánh pháp luật không phải chỉ có sự tiệm giảm này.

“Tỳ-kheo vượt khỏi mọi sắc tưởng, cho đến chứng đắc phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy nghĩ như thế này: ‘Ta thực hành sự tiệm giảm’. Này Chu-na, trong Thánh pháp luật không phải chỉ có sự tiệm giảm này.

“Có bốn tịch tĩnh giải thoát[07], lìa sắc, chứng đắc vô sắc, hành giả từ đó khởi lên sẽ nói cho người khác biết. Vị ấy nghĩ như thế này: ‘Ta thực hành sự tiệm giảm’. Này Chu-na, trong Thánh pháp luật không phải chỉ có sự tiệm giảm này.

“Chu-na, ‘Người khác có ác dục, niệm dục; ta không có ác dục, niệm dục’. Hãy học tiệm giảm[08].

“Chu-na, ‘Người khác có sân hại ý[09]; ta không có sân hại ý’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác có sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh; ta không phi phạm hạnh’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác có tham lam[10], tâm não hại[11], thụy miên triền[12], trạo cử[13], cống cao và có nghi hoặc[14]; ta không có nghi hoặc’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác có sân kết[15], dua siểm, lừa gạt, vô tàm, vô quý; ta có tàm quý’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác có mạn, ta không có mạn’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác có tăng thượng mạn, ta không có tăng thượng mạn[16]’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác không đa văn, ta có đa văn’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác không quán các thiện pháp, ta quán các thiện pháp’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác hành phi pháp, ác hạnh; ta hành đúng pháp, diệu hạnh’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác có nói láo, hai lưỡi, nói cộc cằn, nói thêu dệt, ác giới; ta không ác giới’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, ‘Người khác có bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định mà lại có ác tuệ; ta không có ác tuệ’. Hãy học tiệm giảm.

“Chu-na, chỉ cần phát tâm nghĩ muốn cầu học các thiện pháp còn được nhiều sự lợi ích, huống chi thân và khẩu thực hành thiện pháp?

“Chu-na, ‘Người khác có ác dục, niệm dục; ta không có ác dục, niệm dục’. Hãy phát tâm.

 “Chu-na, ‘Người khác có sân hại ý; ta không có sân hại ý’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh; ta không phi phạm hạnh’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có tham lam, tâm não hại, thụy miên triền, trạo cử và cống cao và có nghi hoặc; ta không có nghi hoặc’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có sân kết, dua siểm, lừa gạt, vô tàm, vô quý; ta có tàm quý’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có mạn, ta không có mạn’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có tăng thượng mạn, ta không có tăng thượng mạn’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác không đa văn, ta có đa văn’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác không quán các thiện pháp, ta quán các thiện pháp’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác hành phi pháp, ác hạnh; ta hành đúng pháp, diệu hạnh’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có nói láo, nói hai lưỡi, nói cộc cằn, nói thêu dệt, ác giới; ta không ác giới’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ‘Người khác có bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định mà lại có ác tuệ; ta không có ác tuệ’. Hãy phát tâm.

“Chu-na, ví như con đường xấu, có con đường tốt đối lại; bến đò xấu, có bến đò tốt, đối lại. Cũng vậy, này Chu-na, ác dục có phi ác dục đối lại. Hại ý sân, có không hại ý sân đối lại. Sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh, có phạm hạnh đối lại. Tham lam, não hại, thụy miên, trạo cử cống cao, nghi hoặc, có sự không nghi hoặc đối lại. Sân kết, dua siểm, lừa gạt, vô tàm, vô quý; có tàm quý đối lại. Mạn, có không mạn đối lại. Tăng thượng mạn có không tăng thượng mạn đối lại. Không đa văn, có đa văn đối lại. Không quán các thiện pháp, có quán các thiện pháp đối lại. Hành phi pháp, ác hạnh; có hành đúng pháp, diệu hạnh đối lại. Nói láo, nói hai lưỡi, nói cộc cằn, nói thêu dệt, ác giới; có thiện giới đối lại. Bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định, ác tuệ; có thiện tuệ đối lại.

“Chu-na, hoặc có pháp đen, có quả báo đen, dẫn đến ác xứ; hoặc có pháp trắng, có quả báo trắng, dẫn lên thiện xứ. Cũng như thế, này Chu-na, người ác dục thì do phi ác dục mà đi lên. Người có hại ý sân thì do không có hại ý sân mà đi lên. Người sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh, thì do phạm hạnh mà đi lên. Người tham lam, não hại, thụy miên, trạo cử cống cao, nghi hoặc thì do không nghi hoặc mà đi lên. Người sân nhuế, dua siểm, lừa gạt, vô tàm, vô quý thì do tàm quý mà đi lên. Người mạn thì do không mạn mà đi lên, Người tăng thượng mạn thì do không tăng thượng mạn mà đi lên. Người không đa văn thì do đa văn mà đi lên. Người không quán các thiện pháp thì do quán các thiện pháp mà đi lên. Người hành phi pháp, ác hạnh thì do hành đúng pháp, diệu hạnh mà đi lên. Người nói láo, nói hai lưỡi, nói cộc cằn, nói thêu dệt, ác giới thì do thiện giới mà đi lên. Người bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định, ác tuệ thì do thiện tuệ mà đi lên.

“Chu-na, nếu có người tự mình không điều phục, người khác không điều phục, mà muốn có sựï điều phục, sự kiện ấy không bao giờ có. Tự mình chìm, người khác chìm mà muốn vớt lên, sự kiện ấy không bao giờ có. Tự mình không Bát-niết-bàn, người khác không Bát-niết-bàn mà muốn dẫn đến nhập Niết-bàn, sự kiện ấy không bao giờ có.

“Chu-na, nếu có người tự mình điều phục được, người khác không điều phục được, mà muốn có sự điều phục, sự kiện ấy có xảy ra. Tự mình không chìm, người khác bị chìm mà muốn vớt lên, sự kiện ấy có xảy ra. Tự mình Bát-niết-bàn, người khác không Bát-niết-bàn mà muốn đưa đến Niết-bàn, sự kiện ấy có xảy ra.

“Cũng như thế, này Chu-na, người ác dục thì do phi ác dục mà nhập Niết-bàn. Người có hại ý sân thì do không có hại ý sân mà nhập Niết-bàn. Người sát sanh, lấy của không cho, phi phạm hạnh thì do phạm hạnh mà nhập Niết-bàn. Người tham lam, não hại, thùy miên, trạo cử, cống cao, nghi hoặc, thì do không nghi hoặc mà nhập Niết-bàn. Người sân kết, dua nịnh, vô tàm, vô quý, thì do tàm quý mà nhập Niết-bàn. Người tăng thượng mạn thì do không tăng thượng mạn mà nhập Niết-bàn. Người không đa văn thì do đa văn mà nhập Niết-bàn. Người không quán các thiện pháp thì do quán các thiện pháp mà nhập Niết-bàn. Người hành phi pháp, ác hạnh thì do hành đúng pháp, diệu hạnh mà nhập Niết-bàn. Người nói láo, nói hai lưỡi, nói cộc cằn, nói thêu dệt, ác giới, thì do thiện giới mà nhập Niết-bàn. Người bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định, ác tuệ, thì do thiện tuệ mà nhập Niết-bàn.

“Chu-na, đó là Ta đã nói cho ngươi nghe về pháp tiệm giảm, đã nói pháp phát tâm, đã nói pháp đối trị, đã nói pháp thăng thượng, đã nói pháp nhập Niết-bàn. Như bậc Tôn sư đối với đệ tử khởi tâm đại từ, thương xót, thương tưởng, mong cầu cho đệ tử được phước lợi và thiện ích, mong cầu an ổn khoái lạc. Ta đã làm như vậy. Các ngươi cũng nên tự mình làm. Hãy đến nơi rừng vắng, núi sâu, dưới gốc cây, chỗ an tĩnh không nhàn, tĩnh tọa tư duy, đừng phóng dật, không ngừng tinh tấn, chớ để ân hận mai sau. Đó là lời khuyến giáo, lời huấn thị của Ta”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Đại Chu-na và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Chu-Na Vấn Kiến:

[01] Tương đương Pāli, M.8. Sallekha-suttaṃ.

[02] Xem Kinh 90 trên.

[03] Các kiến chấp: thần 神 (Pāli: attā), chúng sanh 眾 生 (satta), nhân 人(puggala), thọ 夀 (āyu), mạng 命 (jīva), thế 世 (loka) đều liên hệ đến quan niệm linh hồn hay tiểu ngã (attavāda). Baûn Pāli chỉ nêu: attavādapaṭisaṃyuttā lokavādapaṭisaṃyuttā (diṭṭhiyo), các kiến chấp liên hệ đến các thuyết về hữu ngã và thế giới (thường hay vô thường v.v…).

[04] Tiệm giảm. Pāli: sallekha, tổn giảm, theo nghĩa kiểm thức, sống khắc khổ.

[05] Pāli: na kho panete, cunda, ariyassa vinaye sallekhā vuccanti, diṭṭhadhamma- sukhavihārā ete ariyassa vinaye vuccanti, trong luật của bậc Thánh, chúng không được gọi là tiệm giảm, mà được gọi là hiện pháp lạc trú.

[06] Hiện pháp lạc cư 現 法 樂 居; chỉ tính chất của bốn thiền sắc giới.

[07] Nguyên. Hán: tức giải thoát 息 解 脫, tức tịch tịnh giải thoát, chỉ bốn vô sắc giới định. Pāli: santā vimokkhā.

[08] Pāli: pare vihaṃsakā bhavissanti, maya ettha avihisakā bhavissāmā, những người khác có thể sẽ là bạo hại; chúng ta sẽ không là bạo hại, nên học tiệm giảm như vậy.

[09] Hán: hại ý sân 害 意 瞋. Pāli: vihiṃsaka, bạo hành.

[10] Tăng tứ 增 伺; Pāli: abhijjhālu.

[11] Tránh ý 諍 意; Pāli: vyāpannacitta.

[12] Thụy miên sở triền 睡 眠 所 纏, triền cái thụy miên. Pāli: thīnamiddhapariyuṭṭhāna, mê ngủ nghỉ, bị buồn ngủ khống chế.

[13] Điệu cống cao, hay trạo cử ố tác hay trạo hối. Pāli: uddahacca-kukkucca, vị kích động và vọng động.

[14] Liệt kê năm triền cái (Pāli: pañca nīvaraṇāni): tham, sân, thụy miên, trạo hối và nghi.

[15] Sân kết 瞋 結, chỗ khác (xem Kinh 89 trên) gọi là bất ngữ kết, Pāli: makkha, ngụy thiện và ác ý hay ác cảm.

[16] Tăng mạn 增 慢. Pāli: atimāna, tự cao.


92. KINH THANH BẠCH LIÊN HOA DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cáp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:

“Hoặc có pháp do nơi thân mà diệt trừ, không do nơi miệng mà diệt trừ. Hoặc có pháp do nơi miệng mà diệt, không do nơi thân mà diệt. Hoặc có pháp không do nơi thân và miệng diệt trừ nhưng do tuệï kiến để diệt trừ.

“Thế nào là pháp do nơi thân mà diệt trừ, không do nơi miệng diệt trừ? Tỳ-kheo có thân hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ, dễ dính trước nơi thân, các thầy Tỳ-kheo thấy vậy khiển trách Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Hiền giả, thân hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ, sao lại dính trước nơi thân? Hiền giả, nên bỏ thân hành bất thiện, tu tập thân hành thiện’. Thời gian sau, vị Tỳ-kheo ấy bỏ thân hành bất thiện, tu tập thân hành thiện. Đó gọi là pháp do nơi thân mà diệt trừ, không do nơi miệng mà diệt trừ.

“Thế nào là pháp do nơi miệng mà diệt trừ, không do nơi thân diệt trừ? Tỳ-kheo khẩu hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ và dính trước nơi miệng. Các thầy Tỳ-kheo thấy vậy quở trách Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Hiền giả, khẩu hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ, sao lại dính trước nơi miệng? Hiền giả, nên bỏ khẩu hành bất thiện, tu tập khẩu hành thiện’. Thời gian sau, vị Tỳ-kheo ấy bỏ khẩu hành bất thiện, tu tập khẩu hành thiện. Đó gọi là pháp do nơi miệng mà diệt trừ, không do nơi thân diệt trừ.

“Thế nào là pháp không do nơi thân, miệng mà diệt trừ, nhưng chỉ do tuệ kiến để diệt trừ? Tham lam không từ thân, miệng diệt trừ, chỉ do tuệ kiến mà diệt trừ. Cũng như thế, tranh tụng, nhuế, hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, tật đố, lừa gạt, dua siểm, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến [01] không do nơi thân, miệng diệt trừ, chỉ do tuệ kiến mà diệt trừ. Đó gọi là pháp không do nơi thân, miệng mà diệt trừ, chỉ do tuệ kiến mà diệt trừ.

“Như Lai hoặc có quán sát; quán sát tâm của người khác, biết người này không tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ như vậy. Nếu như người này tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ thì diệt trừ được tham lam. Vì sao? Vì người này tâm sanh ác tham mà trụ. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế, hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, tật đố, lừa gạt, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến; nếu người ấy tu tập thì diệt trừ được ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì người này tâm sanh ác dục, ác kiến mà trụ.

“Như Lai cũng biết người này tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ như vậy. Nếu như người này tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ thì diệt trừ được tham lam. Lý do vì sao? Vì người này tâm không sanh nơi ác tham mà trụ. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, tật đố, lừa gạt, dua nịnh, vô tàm, vô quý, diệt được ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì người này tâm không sanh ác dục, ác kiến mà trụ.

“Giống như hoa sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh từ trong nước, lớn lên trong nước, vượt lên khỏi mặt nước, không bị dính nước. Cũng như thế, Như Lai sanh từ trong thế gian, lớn lên trong thế gian, tu hành vượt trên thế gian, không đắm trước pháp thế gian. Vì sao? Vì Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, vượt khỏi tất cả thế gian”.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng cầm quạt hầu Phật, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, kinh này tên là gì, và thọ trì như thế nào?”

Lúc ấy Đức Thế Tôn bảo rằng:

“A-nan, kinh này tên là ‘Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’. Ngươi hãy như vậy thọ trì đọc tụng”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi hãy cùng nhau thọ trì đọc tụng, gìn giữ kinh Thanh Bạch Liên Hoa Dụ này. Lý do vì sao? –Vì kinh ‘Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’ này là như pháp, có nghĩa, là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí thông, đưa đến giác ngộ và cũng đưa đến Niết-bàn. Nếu thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo thì nên hãy khéo thọ trì, đáng tụng đọc kinh ‘Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’ này”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Thanh Bạch Liên Hoa Dụ:

[01] Các bất thiện tâm sở này, xem các kinh trên


93. KINH THỦY TỊNH PHẠM CHÍ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật đến Uất-bệ-la, bên bờ sông Ni-liên-nhiên, ngồi dưới gốc cây A-đa-hòa-la Ni-câu-loại vào lúc mới thành đạo[02].

Bấy giờ sau giờ ngọ, có Thủy Tịnh Phạm chí[03] ung dung đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn thấy Thủy Tịnh Phạm chí từ xa đi lại; nhân vì có Thủy Tịnh Phạm chí, Ngài bảo các Tỳ-kheo[04]:

“Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế làm ô uế tâm[05] thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.

“Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật[06].

“Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.

“Ví như cái áo bị cáu bẩn đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, hoặc dùng tro sạch[07], hoặc dùng bột giặt[08] hay dùng nước chắt[09] chà xát thật kỹ cho sạch cái áo dơ bẩn đó. Dù người thợ giặt dùng tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho sạch, nhưng cái áo dơ bẩn ấy vẫn có màu dơ bẩn[10]. Cũng như vậy, nếu có hai mươi mốt thứ ô uế làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật.

“Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật. Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.

“Ví như cái áo trắng sạch của loại vải dệt ở xứ Ba-la-nại, đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, dùng hoặc tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho thêm sạch cái áo trắng sạch bằng loại vải Ba-la-nại này. Người thợ giặt Ba-la-nại chà xát thật kỹ cho thêm sạch, nhưng cái áo trắng sạch loại vải Ba-la-nại ấy vốn đã sạch lại càng trắng sạch thêm. Cũng vậy, nếu có hai mươi mốt thứ ô uế mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật. Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.

“Nếu ai biết được tà kiến là ô uế của tâm, sau khi biết liền đoạn trừ. Cũng như vậy, nếu ai biết được tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn; nếu biết phóng dật là tâm uế, sau khi biết liền đoạn trừ.

“Tâm của vị ấy cùng đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Như vậy, cho đến hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới, trùm khắp tất cả cùng đi đôi với lòng từ, không kết, không oán, không giận, không tranh, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.

“Này Phạm chí, đó là phương pháp gột rửa nội tâm chứ không phải gột rửa ngoại thân”.

Bấy giờ, Phạm chí nói với Thế Tôn:

“Này Cù-đàm, hãy đến sông Đa thủy tắm rửa[11].”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Phạm chí, nếu đến tắm nơi sông Đa thủy thì sẽ được những gì?”

Phạm chí trả lời:

“Này Cù-đàm, sông Đa thủy ấy là dấu hiệu trai khiết của thế gian, là dấu hiệu độ thoát, là dấu hiệu phước đức. Cù-đàm, nếu đến tắm nơi sông Đa thủy thì được trừ sạch tất cả ác”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng cho Phạm chí nghe:

Diệu hảo thủ Phạm chí [12]

Nếu vào sông Đa Thủy

Là trò chơi kẻ ngu

Không thể sạch nghiệp dữ.

Hảo Thủ, đến sông chi

Sông ấy có nghĩa gì?

Người tạo nghiệp bất thiện

Nước trong nào ích chi!

Người tịnh, không cấu uế,

Người tịnh, thường thuyết giới;

Người tịnh, nghiệp trắng trong;

Thường được thanh tịnh hạnh.

Nếu ông không tạo sát,

Cũng không hay trộm cắp,

Chân thật không điêu ngoa,

Thường chánh niệm, chánh trí;

Phạm chí học như vậy,

Tất cả chúng sanh an.

Phạm chí về nhà chi?

Suối nhà đâu trong sạch.

Phạm chí, ông nên học,

Dùng thiện pháp tẩy sạch.

Cần gì nước bẩn kia,

Chỉ trừ dơ thân thể.

Phạm chí bạch Phật rằng:

Tôi cũng nghĩ như vầy:

Dùng thiện pháp tẩy sạch,

Cần gì nước dơ kia.

Phạm chí nghe Phật dạy,

Trong lòng rất hoan hỷ.

Tức thì lạy chân Phật,

Quy y Phật, Pháp, Tăng.

Phạm chí bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, con đã biết! Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Con nay tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ ngày nay, trọn đời, con tự quy y cho đến chết”.

Phật thuyết như vậy. Phạm chí Diệu Hảo Thủy Tịnh và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Thủy Tịnh Phạm Chí:

[01] Tương đương Pāli M.7 Vatthūpama-suttaṃ. Hán, biệt dịch, No.51, No.99 (1185), No.100 (99), No.125 (13.5).

[02] Xem cht.2, Kinh 134. Bản Pāli: Phật tại Xá-vệ.

[03] Thủy Tịnh Phạm chí 水 淨 梵 志. No.51: Kế Thủy Phạm chí; No.99 (1185) không nói tên; No.100 (99): Bà-la-môn thờ lửa; No.125 (13.5): một người Bà-la-môn đang gánh một gánh nặng, đi đến gần Phật. Người Bà-la-môn mà Phật gặp ngay sau khi vừa thành đạo, được nói đến trong Luật tạng Pāli teân laø Huhuṅkajātika.

[04] Sự kiện này hoàn toàn không phù hợp. Khi vừa thành đạo này, Ngài chưa có một đệ tử xuất gia nào cả.

[05] Uế ô ư tâm 穢 污 於 心. Pāli: citassa upakkilesa, ô nhiễm của tâm (hay tùy phiền não của tâm). No.51 và No.125: kết  結.

[06] No.125 (13.5): 21 kết nhiễm tâm: sân, nhuế, hại, thùy miên, điệu hý, nghi, nộ, kỵ, não, tật, tắng, vô tàm, vô quý, huyễn, gian, ngụy, tránh, kiêu mạn, đố, tăng thượng mạn, tham. Liệt kê theo bản Pāli: abhijjhavisamalobho (tham và tà tham), vyāpādo (sân), kodho (phẫn nộ), upanāho (oán hận), makkho (phú tàng hay ngụ thiện), palāso (não hay ác ý, ác cảm), issā (tật đố), macchariyam (xan hay bỏn sẻn), māyā (cuống hay huyễn hoặc), sāṭheyyam (siểm hay gian trá), thambho (ngoan cố hay ngạo mạn), sārambho (cấp tháo hay dễ kích động), māno (mạn), atimāno (quá mạn), mado (kiêu hay say sưa), pamādo (phóng túng hay buông lung). Bản danh sách đầy đủ và giải thích chi tiết, xem Pháp Uẩn Túc Luận 9 (Đại 26, tr.494c).

[07] Thuần hôi 淳 灰; có lẽ nước tro.

[08] Tháo đậu 澡 豆; loại bột giặt do nghiền đậu trộn với vài thứ cây lá.

[09] Thổ tí 土 漬, nước chắt, để thấm qua đất?

[10] No.51 cũng nói không thể giặt sạch như vậy. No.125 (13.5). Pāli: tấm vải dơ thì không thể nhuộm bất cứ màu gì cho đẹp đẽ ra được.

[11] Đa thủy hà 多 水 河. No.99 (1158): Bà-hưu hà. Pāli: Bāhukā.

[12] Diệu hảo thủ Phạm chí 妙 好 首 梵 志?


94. KINH HẮC TỲ-KHEO[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong Đông viên, giảng đường Lộc mẫu. Hắc Tỳ-kheo[02], con bà Lộc Mẫu, thường ưa tranh cãi, đi đến chỗ Phật. Thế Tôn thấy Hắc Tỳ-kheo từ xa đi lại, nhân vì có Hắc Tỳ-kheo nên Ngài nói với các Tỳ-kheo:

“Hoặc có người thường ưa tranh cãi, không khen việc đình chỉ tranh cãi. Nếu có người thường ưa tranh cãi, không khen việc đình chỉ tranh cãi, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý[03], không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người ác dục, không khen việc đình chỉ ác dục. Nếu có người ác dục, không khen việc đình chỉ ác dục, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm, không thể khiến kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới, làm rách giới, ô uế giới và không khen việc trì giới. Nếu có người phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới, làm rách giới, ô uế giới, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người có sân triền, có phú kết, có bỏn sẻn, tật đố, có dua siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen tàm quý[04]. Nếu có người có sân triền, có phú kết, bỏn sẻn, tật đố, có dua siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen tàm quý, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, không khen sự tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh. Nếu có người không tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, không khen sự tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không quán các pháp, không khen việc quán các pháp. Nếu có người không quán các pháp, không khen việc quán các pháp, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không tĩnh tọa[05], không khen tĩnh tọa. Nếu có người không tĩnh tọa, không khen tĩnh tọa, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Những người như thế tuy nghĩ rằng: ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người ấy có vô lượng điều ác này. Nhân vì người ấy có vô lượng điều ác này nên khiến cho các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy.

“Cũng như con ngựa dữ bị nhốt vào trong chuồng, tuy nó nghĩ rằng: ‘Mong người ta nhốt tôi ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức uống tươi tốt và thích ngắm nghía tôi’, nhưng người ta không nhốt nó ở chỗ an ổn, không cho nó đồ ăn thức uống tốt tươi và không thích ngắm nghía nó. Vì sao? Vì con ngựa ấy có sự dữ, nghĩa là vì nó hết sức thô tệ, không hiền lành, nên khiến cho người ta không nhốt nó ở chỗ an ổn, không cho đồ ăn thức uống tốt tươi và không thích ngắm nghía nó. Cũng như vậy, người này dù nghĩ rằng ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cunh kính, lễ sự ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người ấy có vô lượng điều ác này. Nhân vì người ấy có vô lượng điều ác này nên khiến cho các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy.

“Hoặc có người không thích tranh cãi, khen ngợi việc đình chỉ tranh cãi. Nếu có người không thích tranh cãi, khen ngợi việc đình chỉ tranh cãi, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không ác dục, khen ngợi việc đình chỉ ác dục. Nếu có người không ác dục, khen ngợi việc đình chỉ ác dục, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới; không làm rách giới, ô uế giới và khen ngợi việc trì giới. Nếu có người không phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới; không làm rách giới, ô uế giới và khen ngợi việc trì giới, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không có sân triền, không phú kết, không bỏn sẻn, tật đố, không dua siểm, dối trá, không vô tàm, không vô quý và khen ngợi tàm quý. Nếu có người không có sân triền, không phú kết, không bỏn sẻn, tật đố, không dua diểm, dối trá, không vô tàm, không vô quý và khen ngợi tàm quý, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người có tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, khen ngợi việc tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh. Nếu có người tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, khen ngợi việc tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người quán các pháp, khen ngợi việc quán các pháp. Nếu có người quán các pháp, khen ngợi việc quán các pháp, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người tĩnh tọa, khen ngợi tĩnh tọa. Nếu có người tĩnh tọa, khen ngợi tĩnh tọa, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Người này tuy không nghĩ rằng: ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự nơi ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh vẫn cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người ấy có vô lượng điều lành này. Nhân người ấy có vô lượng điều lành này khiến cho các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy.

“Giống như con ngựa hiền nhốt trong chuồng, tuy nó không nghĩ rằng: ‘Mong người ta nhốt tôi ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức ống tốt tươi và thích ngắm nghía tôi’, nhưng người ta vẫn nhốt nó ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức uống tốt tươi và vẫn thích ngắm nghía nó. Vì sao? Bởi vì đó là con ngựa lành, nghĩa là nó rất thuần thục, rất hiền lành, nên người ta nhốt nó ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức uống tốt tươi và thích ngắm nghía nó. Cũng như vậy, người này tuy không nghĩ rằng ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự nơi ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh vẫn cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy”.

Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Hắn tỳ-Kheo:

[01] Tương đương Pāli A.10.87. Nappiya-sutta (Adhikaraṇa-sutta hay Kālaha-bhikkhu-sutta).

[02] Hắc Tỳ-kheo 黑 比 丘. Pāli: Kālaka-bhikkhu.

[03] Nhất ý 一 意. Pāli: ekībhava, nhất thể, hiệp nhất.

[04] Xem các Kinh 90 và 93 trên.

[05] Yến tọa 宴 坐; ngồi chỗ yên tĩnh, vắng vẻ. Pāli: patisallāno, độc cư, nhàn tĩnh, ẩn dật.


95. KINH TRỤ PHÁP[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các thầy Tỳ-kheo:

“Ta nói về sự thối thất của thiện pháp[02], không đình trụ cũng không tăng tiến. Ta nói về sự đình trụ của thiện pháp, không thối thất không tăng tiến. Ta nói về sự tăng tiến của thiện pháp, không thối thất cũng không đình trụ.

“Thế nào là sự thối thất của thiện pháp, không đình trụ cũng không tăng tiến? Tỳ-kheo nếu có dốc tín, cấm giới, bác văn, bố thí, trí tuệ, biện tài, thánh giáo và sở đắc của thánh giáo[03], đối với các pháp này, vị ấy thối thất, chứ không trụ, cũng không tăng. Đó là sự thối thất của thiện pháp, không đình trụ cũng không tăng tiến.

“Thế nào là sự đình trụ của thiện pháp, không thối thất không tăng tiến? Tỳ-kheo nếu có dốc tín, cấm giới, bác văn, bố thí, trí tuệ, biện tài, thánh giáo và sở đắc của thánh giáo; đối với các pháp này, vị ấy trụ, chứ không thối, không tăng. Đó gọi là sự đình trụ của thiện pháp, không thối thất không tăng tiến.

“Thế nào là sự tăng tiến của thiện pháp, không thối thất cũng không đình trụ? Tỳ-kheo có dốc tín, cấm giới, bác văn, bố thí, trí tuệ, biện tài, thánh giáo và sở đắc của thánh giáo; đối với các pháp này vị ấy tăng, không thối, không trụ. Đó gọi là sự tăng tiến của thiện pháp, không thối thất cũng không đình trụ.

“Tỳ-kheo chắc chắn được nhiều lợi ích nếu quán như vầy, ‘Ta sống nhiều với tham lam hay sống không nhiều tham lam? Ta sống nhiều với tâm sân nhuế hay không nhiều tâm sân nhuế? Ta sống với thùy miên hay sống không thùy miên? Ta sống với nhiều trạo cử, cống cao hay là sống không nhiều trạo cử, cống cao? Ta sống với nhiều nghi hoặc hay sống không nhiều nghi hoặc. Ta sống với nhiều thân tránh hay sống không nhiều thân tránh? Ta sống với nhiều ô uế hay sống không nhiều ô uế tâm? Ta sống với nhiều tín hay sống với nhiều bất tín? Ta sống với nhiều tinh tấn hay sống với nhiều giải đãi? Ta sống với nhiều chánh niệm hay sống với nhiều vô niệm? Ta sống với nhiều chánh định hay sống với nhiều vô định? Ta sống với nhiều ác tuệ hay sống với nhiều không ác tuệ?’

“Nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình sống nhiều với tham lam, sân nhuế tâm, thùy miên triền, trạo cử và cống cao, nghi hoặc, thân tránh, ô uế tâm, bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định và sống với nhiều ác tuệ, thì Tỳ-kheo ấy vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này nên gấp rút tìm phương tiện học hỏi, hết sức tinh cần chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút cầu phương tiện cứu đầu cứu áo. Cũng như thế, vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này nên vị Tỳ-kheo ấy gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình sống không nhiều tham lam, không nhiều sân nhuế tâm, không nhiều thùy miên triền, không nhiều trạo cử cống cao, không nghi hoặc, không thân tránh, không ô uế tâm, có tín, có tấn, có niệm, có định và sống với nhiều không ác tuệ, thì vị Tỳ-kheo ấy vì muốn trụ nơi thiện pháp này, không quên mất, không thoái lui, tu hành phát triển, nên gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút cầu phương tiện cứu đầu cứu áo. Cũng như thế, vị Tỳ-kheo vì muốn an trụ nơi thiện pháp này, không quên mất, không thoái lui, tu hành phát triển, nên vị Tỳ-kheo ấy gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Trụ Pháp:

[01] Tương đương Pāli A.10. 53. Ṭhiti-sutta. Tham chiếu các kinh A.10. 17, 18. Nātha.

[02] Pāli: ṭhitimpāhaṃ, bhikkhave, na vaṇṇayāmi kusalesu dhammesu, pageva parihāniṃ, Ta không tán thán sự đứùng im trong các pháp thiện, huống gì là sự thối thất.

[03] Nguyên bản: A-hàm cập kỳ sở đắc 阿 含 及 其 所 得.


96. KINH VÔ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử nói với các thầy Tỳ-kheo:

“Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không được nghe pháp chưa từng nghe; pháp đã nghe thì lại quên mất. Giả sử có pháp mà vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được hiểu bởi tuệ, nhưng vị ấy không nhớ lại và không thấu hiểu. Này chư Hiền, đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni suy thoái tịnh pháp.

“Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni pháp chưa nghe thì được nghe; pháp đã nghe thì không quên mất. Giả sử có pháp mà vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được hiểu bởi tuệ, rồi vị ấy thường ghi nhớ và thấu hiểu, thì đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tăng trưởng tịnh pháp.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo phải quán như vầy, ‘Ta có tham lam hay là không có tham lam? Ta có tâm sân nhuế hay không có tâm sân nhuế? Ta có thùy miên triền hay không có thùy miên triền? Ta có trạo cử, cống cao hay không có trạo cử, cống cao? Ta có nghi hoặc hay không có nghi hoặc? Ta có thân tránh hay không có thân tránh? Ta có tâm ô uế hay không có tâm ô uế? Ta có tín hay không có tín? Ta có tấn hay không có tấn? Ta có niệm hay không có niệm? Ta có định hay không có định? Ta có tuệ hay không có tuệ?’

“Này chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình có tham lam, có tâm sân nhuế, có thùy miên triền, có trạo cử, cống cao, có nghi hoặc, có thân tránh, có tâm ô uế, không tín, không tấn, không niệm, không định, có ác tuệ, thì này chư Hiền, vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này cho nên vị Tỳ-kheo ấy gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Này chư Hiền, như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút tìm cách cứu đầu, cứu áo. Này chư Hiền, cũng như thế, vị Tỳ-kheo vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này nên gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Này chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình không có tham lam, không có tâm sân nhuế, không thùy miên triền, không trạo cử, cống cao, không có nghi hoặc, không có thân tránh, không có tâm ô uế; có tín, có tấn, có niệm, có định, không ác tuệ, thì Tỳ-kheo ấy vì muốn an trụ nơi pháp thiện này, không quên mất, không thoái lui, tu hành phát triển, nên gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.

“Này chư Hiền, như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút tìm cách cứu đầu, cứu áo. Này chư Hiền, cũng như thế, Tỳ-kheo muốn an trụ nơi pháp thiện này, không quên mất, không thoái lui, tu hành phát triển, nên gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh tấn, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui”.

Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Vô:

[01] Không thấy Pāli tương đương. Nội dung giống như Kinh số 95 ở trước.


Mục Lục Phẩm 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15 16 17 18 Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Chú Đà La Ni Kim Cang Bí Mật Thiện Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 16 – Phẩm Đại (Phần sau) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 17 – Phẩm Bô-Đa-Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 48 – Kinh Kosambiya (Kosambiya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 18 – Phẩm Lệ - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 10 – Phẩm Lâm - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Lâm Niết Bàn Ký Pháp Trụ - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 15 – Phẩm Song - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 104 – Kinh Làng Sama (Sàmagàma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 14 – Tiểu Kinh Khổ Uẩn (Cùladukkhakkhanda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 14 – Phẩm Tâm - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 9 – Phẩm Nhân - Kinh Tạng
  • Kinh Thất Câu Chi Phật Mẫu Tâm Đại Chuẩn Đề Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Thiên Trì Tâm Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 4 – Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm 61 đến 75) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 11 – Phẩm Đại (Phần đầu) - Kinh Tạng