1
2
3

Luận Thích Kinh Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa

Vô Trước Bồ Tát tạo Tụng Thế Thân Bồ Tát Thích Đường Nghĩa Tịnh dịch

Bản Việt dịch của Nguyên Huệ

***

QUYỂN 1

Kinh nầy: Văn, câu nghĩa, thứ lớp

Đời không minh tuệ, không thể hiểu

Đảnh lễ bậc ấy dạy chúng con

Công đức vô biên sinh khởi thân.

Đủ đức như đây nên lễ kính

Dấu chân hoằng hóa dốc phụng trì

Biết rõ nẻo vận hành chánh pháp

Tâm cầu lợi khắp mọi hàm thức.

* Kinh viết: Có thể đem lại lợi ích tối thắng. Đây là căn cứ vào các Bồ-tát đã thành thục. Có thể tạo được sự phó chúc tối thắng. Đây là căn cứ vào các Bồ-tát chưa thành thục. Thế nào là lợi ích tối thắng đối với các Bồ-tát? Lại, những gì là phó chúc tối thắng? Đáp lại câu hỏi ấy, tụng viết:

Lợi ích thắng, nên biết

Nơi thân cùng quyến thuộc

Đạt, chưa đạt, không thối

Là phó chúc tối thắng.

Nghĩa là ở trong thân Bồ-tát, vì lợi ích kia, nên cũng có thể khiến Bồ-tát ấy tạo lợi ích cho quyến thuộc, bạn bè hiện có, gọi là lợi ích tối thắng. Ở trong thân đó, khiến pháp Phật được thâu hợp thành thục, tức là tạo lợi ích cho thân. Cũng khiến việc hóa độ các hữu tình khác, những người có thể kham nhận hiện có đều thành tựu, là đối với người thân thuộc có thể đạt được lợi ích. Nên biết như thế.

Nơi các công đức hiện có, đạt được, chưa đạt được, có thể vì họ tạo nhân không thối chuyển. Do đối với thiện hữu đã hết lòng phó thác. Đó gọi là đem sự phó chúc thù thắng mà cùng phó chúc. Ở đây, đạt được mà không thối chuyển: Là nhằm khiến không xả bỏ Đại thừa. Chưa đạt được nhưng không thối chuyển: Là khiến đối với Đại thừa, càng hướng tới nẻo thù thắng.

Các hữu tình phát tâm hướng đến thừa Bồ-tát, nên trụ như thế nào? Để đáp lại câu hỏi ấy, tụng nêu:

Nơi tâm rộng, hơn hết

Tột cùng, không điên đảo

Lợi ích, chốn ý lạc

Thừa nầy công đức đủ.

Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Nếu Bồ-tát tạo bốn thứ ý lạc lợi ích ấy, khởi đầu là trụ phát tâm, đối với Đại thừa có đủ ý lạc đó, mới có thể gọi là công đức viên mãn.

Những gì là 4 ý lạc lợi ích? Đó là:

1. Rộng lớn.

2. Hơn hết.

3. Tột cùng.

4. Không điên đảo.

* Kinh viết: Các hữu tình phát tâm hướng đến thừa Bồ-tát, nên sinh tâm như vầy: Nói rộng cho đến: Tất cả như thế. Đây là nêu rõ về ý lạc lợi ích rộng lớn.

+ Ta đều khiến nhập Niết-bàn vô dư, đạt được giải thoát: Đây là làm rõ về ý lạc lợi ích hơn hết.

+ Tuy hóa độ vô lượng chúng sinh như thế, cho đến: Không gọi là Bồ-tát. Đây là làm rõ về ý lạc lợi ích tột cùng.

Đấy là có ý gì? Tức muốn biện minh tất cả chúng sinh hiện có thảy đều thâu giữ đồng với Bồ-tát. Thân mình do đấy chỉ là vắng lặng. Thân mình không khác biệt với hữu tình. Nếu tạo sự dị biệt là có chúng sinh, không phải là tưởng của chính mình, thì đấy tức không gọi là Bồ-tát. Nếu thâu giữ làm thể của mình, tức là tận cùng không xả bỏ. Do đấy gọi là ý lạc tột cùng.

+ Nếu Bồ-tát có tưởng về ngã, tưởng về chúng sinh, tưởng về thọ giả, tưởng về cánh cầu thú, tức không gọi là Bồ-tát: Đây là nêu rõ về ý lạc lợi ích không điên đảo. Đó tức do dựa nơi hữu thân kiến, nên các tưởng như ngã v.v… sinh khởi. Vì khiến chánh đoạn là không điên đảo, nên phần tiếp sau sẽ hiển bày.

Các hữu tình phát tâm hướng đến thừa Bồ-tát nên tu hành như thế.

* Kinh viết: Bồ-tát không trụ nơi sự để hành bố thí, nói rộng như vậy. Ở đây do đâu chỉ dùng một tiếng bố thí mà gồm thâu chung hết thảy sáu thứ Ba-la-mật? Kệ đáp:

Sáu Độ đều gọi thí

Do tài, pháp, vô úy

Trong đó một, hai, ba

Gọi tu hành chẳng trụ.

Tức nêu rõ sáu Độ ấy đều có tướng thí. Tánh của thí do tài, pháp, vô úy. Tài thí gồm thâu một thứ, đó là Thí Ba-la-mật. Vô úy thí gồm thâu hai thứ là Giới, Nhẫn Ba-la-mật. Nơi không oán thù (Giới) cùng xứ oán thù (Nhẫn) đều không sợ hãi. Pháp thí gồm thâu ba: Là Cần (tinh tấn), Định, Tuệ. Do quên hẳn mệt nhọc (Cần), rõ tâm kia rồi (Định) thì nêu giảng pháp như thật (Tuệ). Đây là xứ tu hành của Đại Bồ-tát, tức dùng một tiếng thí, gồm thâu hết sáu Độ.

* Kinh viết: Bồ-tát không trụ nơi sự để hành bố thí v.v…: Ở đây thế nào là tánh không trụ? Tụng nêu:

Là tự thân, báo ân

Quả báo, đều không chấp.

+ Nói không trụ nơi sự: Đó là hiển bày không chấp trước nơi tự thân.

+ Không trụ theo xứ để hành bố thí: Đây là làm rõ không chấp trước nơi báo ân, đối với lợi dưỡng cung kính. Cầu ân, mong xứ có lợi ích, sự việc ấy có nhiều đường, nên gọi là: Không nên theo xứ sinh chấp trước mà hành bố thí.

+ Không trụ nơi sắc v.v…: Là không chấp trước nơi quả báo.

Hỏi: Do đâu hành không trụ như thế để bố thí?

Tụng nêu:

Là lìa nơi không khởi

Cùng lìa các hành khác.

Do quyến luyến tự thân, không hành bố thí, vì nhằm lìa tâm không dấy khởi bố thí ấy, nên chớ chấp trước tự thân, nên mau chóng hành thí. Vì tâm mong báo ân, cùng mong cầu quả, nên bèn xả bỏ tánh của quả Bồ-đề Chánh giác. Do ở nơi các sự khác mà hành tuệ thí, vì thế nên xả bỏ cầu hành thí khác.

Phần tiếp sau sẽ nói về thâu phục tâm. Sự ấy như thế nào? Tụng nêu:

Thâu phục tại ba luân

Nơi tướng, tâm trừ dứt

Các nghi hoặc về sau

Theo đời, thảy đều diệt.

* Kinh viết: Bồ-tát nên hành bố thí như thế, cho đến: Tướng tưởng cũng không nên chấp trước: Đây là hiển bày về vật được xả thí, cùng đối tượng được thí là chúng sinh vả chủ thể thí.

Nơi ba xứ ấy, đều trừ bỏ tâm tưởng chấp.

Tiếp đến là nêu rõ về lợi ích của bố thí. Hoặc có vấn nạn: Đã ở nơi thí v.v…, lìa các tướng trạng, như thế thì có đạt được phước đức, lợi ích? Vì đáp lại vấn nạn ấy, nên nói là sinh phước rất nhiều.

Hỏi: Vì sao nêu bày về tu hành ở sau, không làm sáng rõ về phước lợi đối với việc thâu phục, sau đấy mới bắt đầu nói?

Đáp: Vì nhằm hiển bày: Nếu người không chấp trước nơi tướng, tưởng, mới có thể hành bố thí không chấp trước.

Từ đây trở về sau, phần văn kinh hiện có đều là nhằm trừ bỏ các nghi hoặc tiếp sau. Ở đây, tức có sinh nghi như thế.

Hỏi: Nếu không gắn liền với pháp mà hành bố thí, thì làm sao hành tuệ thí để cầu thắng quả Chánh giác?

Nhằm đáp lại nghi vấn ấy, nên kinh viết: Ý của Tôn giả thế nào? Có thể dùng tướng thù thắng để quán Như Lai chăng? Nói rộng như thế. Tụng nêu:

Nếu dùng để hợp tạo

Diệu tướng phi thắng tướng

Ba tướng dời đổi khác

Không đấy tức Như Lai.

Nếu cho Như Lai là do nhân duyên như bố thí v.v… tạo nên, thì ở trong tướng hữu vi đạt được tánh tối thắng, tức thấy Như Lai có thắng tướng kia. Nếu đối chiếu với tánh chân như của Như Lai, tức không có thắng tướng ấy. Do đấy, không nên dùng tướng để quán Như Lai. Do Pháp thân kia không phải là chỗ hiển bày của hợp tạo, nên tiếp theo nói: Vì sao? Vì Như Lai nói thắng tướng kia nơi ba tướng là đổi khác. Do thắng tướng ấy tức phi thắng tướng.

Ở đây ý nói thể của ba tướng là dời chuyển, nên nầy Diệu Sinh (Tu-bồ-đề)! Thắng tướng hiện có đều là hư vọng. Vì vậy, nên dùng thắng tướng phi tướng để quán Như Lai.

Ý nầy nhằm làm rõ: Từ nhân sinh pháp là hư giả, nên không. Đấy nghĩa là Như Lai do hoàn toàn không có ba thứ tướng kia. Do lìa tướng ấy, tức lấy vô tướng làm tướng. Nếu ở nơi xứ đó, không sinh khởi tánh biến dị trụ diệt, có thể nhận biết rõ: Đấy là hiển bày Như Lai không là tánh tạo tác của hữu vi, do nhân duyên tạo thành. Như vậy là giải thích rõ về tánh của Như Lai rồi, tuy vì quả Phật mà hành bố thí, không phải là chấp trước nơi pháp thí, tức là trừ bỏ niệm nghi. Tiếp sau diệu sinh lại khởi niệm nghi lần nữa: Nếu do hành không trụ như thế để bố thí, tức là nhân hết sức thâm diệu. Lại nói Như Lai là tánh vô vi, tức là quả vô cùng sâu xa. Vì sao vào đời sau cùng có được người tin, khiến quả báo kia không bị dứt bỏ? Vì đoạn trừ nghi ấy, tụng nêu:

Nhân cùng quả sâu xa

Lúc nơi ác kia nói

Đây chính là lợi ích

Do ba, Bồ-tát khác.

Nếu ở đời sau cùng mà có Bồ-tát gồm đủ giới, đức, tuệ, do đấy nói pháp, quả lợi không hư dối. Tụng nêu:

Từ nơi chốn Phật trước

Phụng trì về giới học

Cùng gieo trồng thiện căn

Gọi đủ giới đủ đức.

* Kinh viết: Nhưng Bồ-tát kia không phải ở nơi một Đức Phật mà hành sự cúng dường. Không phải ở nơi một Đức Phật gieo trồng các thiện căn: Đây là hiển bày, nơi trụ xứ của Đức Phật trước, vì trì giới mà hành cung kính, thừa sự, cùng gieo trồng các thiện căn. Như thứ lớp ấy tức là đủ giới đủ đức. Tiếp theo là làm rõ về người đủ tuệ. Tụng nêu:

Hay đoạn trừ tưởng ngã

Cùng do nơi tưởng pháp

Đây gọi là đủ tuệ

Hai, bốn khác thành tám.

Đấy là nêu rõ: Tưởng ngã có bốn, tưởng pháp cũng có bốn, nên thành tám tưởng. Tụng nêu:

Thể riêng nối tiếp khởi

Đến thọ mạng hết, trụ

Lại cầu tìm nẻo khác

Tưởng tưởng có bốn thứ.

Bốn thứ tưởng ngã:

1. Tưởng ngã.

2. Tưởng hữu tình.

3. Tưởng thọ giả.

4. Tưởng cánh cầu thú.

Bốn thứ ấy chẳng đồng. Ở đây nơi hữu tình của năm uẩn, mỗi mỗi riêng biệt tự sinh, đoạn dứt là tưởng ngã, thấy nối tiếp khởi, tạo tưởng hữu tình, cho đến thọ mạng tồn tại, tạo tưởng thọ giả. Mạng căn đã diệt, chuyển cầu hữu sau, là tạo tưởng cánh cầu thú. Bốn thứ tưởng pháp, tụng nêu:

Đều không nên chẳng có

Có nên không thể nói

Là nêu bày về nhân

Tưởng pháp có bốn thứ.

Bốn thứ tưởng pháp:

1. Tưởng pháp.

2. Tưởng không pháp.

3. Tưởng có.

4. Tưởng không.

Đây nghĩa là chủ thể giữ lấy, đối tượng được giữ lấy là các pháp đều không, nên tưởng pháp không sinh, tức tưởng không pháp. Chúng không phải là có pháp mà là không tự tánh. Tánh không có, nên không phải là tưởng không pháp. Tức chúng không phải có, có không phải là tánh có. Không phải là ngôn từ nơi đối tượng được nêu giảng, nên không phải là tưởng có. Là nhân của ngôn thuyết nên không phải là tưởng không. Do sức của tưởng, nên tuy không phải là ngôn từ hiển bày mà cho là ngôn thuyết, nên có tám nghĩa chẳng đồng. Vì tám tưởng của ngã và pháp dứt hết, nên gọi là người đủ tuệ. Nghĩa nầy có ý gì? Tức chỉ nơi gồm đủ tuệ mà nói, không phải là đủ giới đủ đức, vì sao? Đáp: Vì hiển bày về tưởng thật có sai biệt, nên nói như thế. Tụng nêu:

Do lực tin hiểu kia

Tin nên sinh tưởng thật

Chẳng như lời chấp giữ

Chấp giữ cho chánh thuyết.

Do nghĩa ấy nên nói. Về sau, tức gọi là người có thể nghe kinh điển nầy sinh khởi nhất tâm tin tưởng. Do gồm đủ tuệ, nên không như ngôn thuyết mà chấp giữ. Cùng do tùy thuận trí thắng nghĩa, nên dùng làm chánh thuyết, gọi là tưởng thật. Vì lý ấy nên nói, về sau tức cho là không nên giữ lấy làm pháp, không nên giữ lấy làm phi pháp. Không nên như ngôn thuyết dùng làm pháp, cũng lại chẳng tức cho là phi pháp. Do đấy là có thể tùy thuận trí thắng nghĩa, dùng làm chánh thuyết. Tức là kinh nói: Nghe thuyết giảng kinh nầy sinh khởi tin thật chăng?

* Kinh viết: Diệu Sinh! Như Lai đều đã thấy biết về người ấy v.v…: Là hiển bày nghĩa gì? Tụng nêu:

Phật rõ quả không đối

Do nguyện trí nên biết.

Người có đủ giới v.v… kia, với quả báo hiện có, Phật không dùng so sánh để nhận biết, nhưng do hiện lượng của nguyện trí mà thấu tỏ. Nếu không nói thấy, thì hoặc cho là do so sánh nên biết. Nếu không nói biết, thì e cho là do nhục nhãn v.v… mà thấy. Thế nên cùng nói là thấy, biết. Do đâu Đức Thế Tôn nói như vậy? Tụng nêu:

Vì cầu được lợi, kính

Ngăn chỗ tự nêu ấy.

Kẻ đủ giới kia, vì cầu được lợi dưỡng, cung kính, nên tự nói về đức của mình, liền sinh niệm: Đức Như Lai đã từ xa thấy rõ Ta, vì đấy, không nên tự nói.

* Kinh viết: Diệu Sinh! Các hữu tình kia sẽ sinh, sẽ gồm thâu vô lượng nhóm phước: Đây là nêu về nghĩa gì? Tức khiến nhóm phước kia sẽ sinh. Lại, phước kia sẽ có thể nối tiếp, huân tập không dứt.

Nói có ngã chấp v.v…: Ý nói có tánh của tùy miên, không phải là có chấp hiện hành.

* Kinh viết: Do đó, Như Lai mật ý tuyên thuyết về pháp môn dụ như chiếc bè. Các hữu tình trí tuệ, pháp hãy còn nên bỏ, huống chi là phi pháp. Ở đây có mật ý gì? Tụng nêu:

Chứng chẳng trụ nơi pháp

Đó chính là tùy thuận

Cũng như bỏ bè kia

Là mật ý, nên biết.

Nghĩa là đối với các pháp như kinh v.v…, không phải là trụ xứ của tăng thượng chứng. Tức được chứng rồi, nên xả bỏ pháp đó. Như tới bờ kia thì xả bỏ chiếc bè. Đối với tăng thượng chứng, là tùy thuận, nên cần thâu giữ. Như chưa đạt đến bờ tất nhờ vào bè ấy. Đó gọi là mật ý.

Trên một chiếc bè có sự lấy, bỏ, nên gọi là mật. Nếu là từ nơi khác, không phải là thuận chứng lý pháp, cần xả bỏ. Nên tiếp theo sau lại là trừ nghi. Thế nào là văn ở trên viết: Không nên dùng thắng tướngđể quán Như Lai. Vì Như Lai là từ nơi vô vi hiển bày tánh. Nếu như thế, thì vì sao lại nói: Như Lai Thích-ca Mâu-ni chứng đắc Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng, mới có thể tuyên dương pháp giáo hiện có. Do đạo lý ấy, nên Như Lai kia không phải là Chánh giác, cũng khiến thuyết pháp. Đáp lại nghi vấn ấy, tụng nêu:

Hóa, thể không Phật thật

Cũng không người thuyết pháp.

Do có 3 Phật:

1. Phật Pháp thân.

2. Phật Thọ dụng thân.

3. Phật Hóa thân.

Nói Phật Thích-ca Mâu-ni, tức là Hóa thân. Đây chính là gốc, không phải là chứng giác, cũng không thuyết pháp độ sinh. Văn viết: Vì sao? Vì Phật đã thuyết pháp v.v… Vì nhằm ngăn trừ sự bài bác chung về tất cả sự việc thuyết pháp, nên nói:

Hóa, thể không Phật thật

Cũng không người nói pháp.

Nhưng chẳng phải toàn bộ là không. Tụng nêu:

Thuyết pháp không hai thủ

Chỗ nói lìa giảng nêu.

Hai thứ như thế, nghĩa là pháp tánh, phi pháp tánh, phi tai có thể nghe, phi lời có thể nói. Do đó nên biết, phi pháp, phi – phi pháp. Đây là căn cứ nơi đạo lý của chân như mà nói. Phi kia là pháp, nghĩa là pháp, tánh là vô vi. Lại, phi – phi pháp. Do pháp kia không tự tánh, thể là có, vì sao chỉ nói pháp của đối tượng được nêu giảng, không nói người chủ thể chứng đắc?

Đáp: Chỉ nói về đối tượng được thuyết giảng thì nghĩa của chủ thể chứng đắc hiển bày, do phi chẳng giác tức có được đối tượng nêu giảng.

* Kinh viết: Do các bậc Thánh đều từ nơi vô vi mà được hiển bày: Là nêu rõ về nhân của pháp ấy. Do các Thánh nhân đều từ pháp thanh tịnh của chân như mà hiển hiện, nên gọi là chỗ hiển bày của vô vi, vì thế, Thánh nhân trở lại thuyết giảng pháp vô vi. Phàm các sự hiện có, ngôn từ không thể nêu bày: Đây tức nêu đâu có thể giữ lấy. Tự tánh của pháp kia không phải là xứ hành của ngôn thuyết, làm rõ đây tức là tánh phi ngôn thuyết. Do đâu trong ấy không có lựa chọn phân biệt, để nói chung về Thánh giả, không chỉ nói Phật?

Đáp: Vì làm rõ Thánh nhân đều từ nơi chân như thanh tịnh hiển bày. Do có một phần tịnh của hoàn toàn tịnh, theo chỗ ứng hợp, nên không có lỗi. Lại nói phước sai khác, là muốn hiển bày về gì?

Đáp: Pháp tuy thật tánh là không thể giữ lấy, cùng không thể nói, nhưng mà có ích. Tụng nêu:

Tự thọ, vì khác nói

Hợp phước không vô ích.

Do đâu kinh viết: Thế Tôn! Nhóm phước nầy, tức không phải là nhóm phước, thế nên Như Lai nói là nhóm phước, nhóm phước. Tụng nêu:

Phước không giữ Bồ-đề

Hai ấy đều nên giữ.

Nói phước đối với Bồ-đề không thể gánh giữ. Hai thứ đối với Bồ-đề là có thể thọ trì. Ý của tụng là như thế. Thế nào gọi là hai? Nghĩa là tự thọ nhận và vì kẻ khác giảng nói.

* Kinh viết: Đã tự thọ nhận rồi, ở nơi kẻ khác diễn nói. Chưa rõ lời ấy sắp nêu về nghĩa gì? Do tiếng nhóm (tụ) kia có 2 thứ nghĩa:

1. Nghĩa tích tụ.

2. Nghĩa gánh vác.

Cũng như ở nơi vai, có thể gánh vác, vì đấy nên gọi vai là tụ (Nhóm). Do lý ấy, nên phước kia tích tụ, gọi là phước tụ. Do không thể nhận giữ Bồ-đề, nên nói là phi tụ, tức chẳng phải là nghĩa về vai gánh vác, mà là nghĩa tích tụ. Hai thứ đó là nhân của Bồ-đề, nên phước mới rất nhiều.

Hỏi: Do đâu hai thứ ấy có thể nhận giữ Bồ-đề? Vì hiển bày nghĩa ấy, nên kinh nói: Vì sao? Nầy Diệu Sinh! Do quả Bồ-đề Vô thượng của các Như Lai đã từ nơi kinh nầy xuất sinh. Vì sao Bồ-đề gọi là xuất, chư Phật gọi là sinh? Tụng nêu:

Đạt nhân của tự tánh

Phần khác ấy là sinh.

Nói Bồ-đề tức là Pháp thân. Đây là tánh vô vi, nên gọi là tự tánh. Do đó, hai thứ ấy là đạt được nhân của tự tánh kia, không phải là nhân sinh. Nếu đối chiếu với hóa thân thọ dụng khác đây, là nhân sinh. Do sự thân cận ấy, có thể nắm giữ Bồ-đề, nên sinh phước đức rất nhiều. Vì hiển bày nghĩa đó, nên kinh nói: Vì sao? v.v… Tức do đâu đó là nhân có thể thành lập? Tụng nêu:

Nên chính là pháp Phật

Hay thành phước tối thắng.

Nói Như Lai thuyết giảng là phi Phật pháp: Đây hiển bày về pháp của đối tượng được giác ngộ, chỉ Phật mới có thể chứng đắc, do tánh bất cộng, thế nên là tối thắng. Đây là tánh của nhân nơi phước tối thắng, nên chiêu cảm phước rất nhiều. Ý nêu rõ đấy là nhân gần có thể tạo thành thắng phước. Ở trên, kinh nói: Thánh nhân đều chẳng phải là chỗ hiển bày của tích tập tạo tác. Vì các bậc Thánh ấy, nơi pháp chứng đắc kia là không thể giữ lấy, không thể nêu bày. Các Thánh nhân như bậc Dự lưu v.v…, thảy đều giữ lấy tự quả của mình, vì sao ở đây xác nhận không phải là tánh được giữ lấy? Nơi đối tượng được giữ lấy kia mà tuyên thuyết, thì không phải là tánh không thể nêu bày? Vì nhằm dứt trừ nghi, nên sinh khởi phần văn sau, tức làm rõ phi đối tượng được giữ lấy, phi đối tượng được chứng đắc, lý khéo thành tựu. Tụng nêu:

Không giữ lấy tự quả

Phi có thể giữ, nói.

Do là chỗ hiển bày tánh của vô vi, nên vị kia đối với sáu cảnh không có một chút pháp nào có thể thủ đắc. Đã không thể tham dự gọi là Dự lưu, cho đến A-la-hán cũng không có pháp, vì lý đều đồng nơi Thể của pháp vô vi ấy, không thể giữ lấy cho đó là Thánh nhân. Đối với tự quả không giữ lấy, không nêu bày. Nếu Thánh nhân khởi niệm như vầy: Ta chứng đắc quả, tức là có các chấp như ngã v.v… Ý nói có tùy miên Hoặc, không phải là hiện hành. Do không phải vị kia lúc chứng hiện quán, có các chấp như ngã v.v…, mà gọi là ngã chứng đắc. Vì đâu Diệu Sinh tự nói là đắc A-la-hán? Vì khiến một phần hữu tình nhận biết là đã thân chứng. Lại tự nói đạt được trụ vô tránh, là hiển bày thân cùng thắng đức tương ưng. Vì nhằm khiến cho kẻ khác sinh tin kính hơn hết. Do ý nghĩa sâu xa gì, mà nói: Diệu Sinh đều không chỗ trụ? Nhưng đã nói: Ta đạt được trụ vô tránh, đạt được trụ vô tránh? Tụng nêu:

Giải thoát nơi hai chướng

Nói Diệu Sinh không tranh.

Chướng có 2 thứ:

1. Chướng của phiền não.

2. Chướng của định.

Đối với các chướng ấy đã giải thoát, nên không trụ nơi hai chướng. Vì đấy nên nói lần nữa. Nói hai lần về tánh không tranh, tức là sự tranh cãi không hề có.

Tiếp theo lại khởi nghi vấn: Đức Thế Tôn, thời xa xưa, ở nơi trụ xứ của Phật Nhiên Đăng, có thể giữ lấy pháp hiện có. Vị kia cũng vì người khác nêu giảng pháp yếu. Theo đấy mà nói, vì sao được xác nhận là không giữ lấy, không nêu bày? Vì đáp vấn nạn ấy, nên nói: Thật không có pháp nào để Như Lai giữ lấy. Đây có ý gì? Tụng nêu:

Tại nơi Phật Nhiên Đăng

Nói không giữ pháp chứng.

Đây là nói Đức Thế Tôn nơi trú xứ của Phật Nhiên Đăng, cũng không dùng ngôn từ để giữ lấy pháp chứng đắc kia. Tụng nêu:

Do đấy pháp chứng thành

Không nơi giữ chốn nêu.

Nếu nói các Thánh đều là chỗ hiển bày của vô vi, thì pháp kia không là chỗ được giữ lấy, cũng không phải là chỗ được nêu bày. Vì sao các Bồ-tát đã giữ lấy việc làm nghiêm tịnh quốc độ Phật? Lại, thân thọ dụng, vì sao tự mình cho là Pháp vương? Thế gian đối với bậc ấy cũng cho là Pháp vương? Vì dứt trừ nghi vấn ấy, nên mới sinh khởi phần văn tiếp sau. Ý ở đây, như tụng nêu:

Trí động, chỉ tánh thức

Quốc độ không chỗ giữ.

Do thật không có cõi Phật nghiêm tịnh, là sự việc có thể giữ lấy, ngoại trừ từ nơi trí tịnh của chư Phật lưu xuất, chỉ là thức hiện bày. Đây tức không thể có chỗ chấp giữ. Nếu nói thật có hình chất, là tánh có thể giữ lấy, Ta sẽ thành tựu quốc độ nghiêm tịnh, thì đấy thực là vọng ngữ. Như Lai nói quốc độ kia không là nghiêm tịnh. Do đấy nói là quốc độ nghiêm tịnh. Đây là có nghĩa gì? Tụng nêu:

Không hình nên hơn hẳn

Không nghiêm, cho tánh nghiêm.

Nói trang nghiêm, ở đây có 2 nghĩa:

1. Hình tướng.

2. Thắng tướng.

Đây nói tối thắng là đệ nhất nghĩa. Đấy là cho không hình chất, nên cõi Phật trang nghiêm, chẳng phải là trang nghiêm, do cõi kia không là trang nghiêm đích thực, thế nên nói đấy là tối thắng. Pháp thù thắng tích tập ở đấy nên gọi là tối thắng. Nếu chấp có cõi Phật hình tướng thù thắng trang nghiêm, nói là Ta sẽ thành tựu cõi ấy, tức là ở nơi cảnh giới như sắc v.v…, có tâm trụ chấp. Vì nhằm ngăn chận kiến chấp ấy, nên có văn nói về chẳng trụ. Lại sinh khởi nghi vấn: Phật của thân thọ dụng, vì sao tự mình cho là phó chúc, người khác cũng cho như thế. Vì đáp vấn nạn ấy, nên đem thân thọ dụng đồng nơi núi Diệu Cao. Văn nầy nhằm hiển bày nghĩa gì? Tụng nêu:

Ví như núi Diệu Cao

Nơi thọ dụng không lấy.

Như núi chúa Diệu Cao, đạt được tánh của vị Tôn chủ lớn lao hơn hẳn, nên gọi là Diệu Cao, nhưng không tự cho là tánh của núi chúa, do tánh của núi không phân biệt. Phật của thân thọ dụng cũng lại như thế: Gồm đủ tánh Pháp vương do đạt được tánh của bậc Tôn chủ lớn lao thù thắng, nên gọi là vĩ đại, thù thắng, nhưng không tự chấp giữ tánh Pháp vương kia: Ta là Pháp vương, do không còn phân biệt. Vì sao được nói là không phân biệt? Vì hiển bày nghĩa ấy, văn viết: Như Lai nói là chẳng phải thân. Do thân kia không phải là có, nên nói là có thân. Đây là có ý gì? Tụng nêu:

Tánh không phải hữu lậu

Cũng không là nhân tạo.

Nhưng thân thọ dụng, tánh không phải là hữu lậu. Do đấy, không phải là có thân, nói là có thân, hiển nhiên, thuần tịnh tự thể là có, nên cũng không phải là từ nhân gây tạo. Do đấy có thân, không phải là dựa vào nhân duyên khác sinh khởi. Vì sao ở trước phần hiển bày về tánh của phước đức, đã nói dụ kia, nay lại nói nữa? Tụng nêu:

Vì hiển nhiều sai biệt

Cùng do thành thù thắng

Trước sau phước không đồng

Lại nêu ra dụ nói.

Trước là nêu dụ về Tam thiên thế giới để hiển bày phước nhiều, nay nói vô số Tam thiên, là làm rõ về sự việc kia càng rộng.

Do đâu ở trước không nói dụ ấy? Là do chỗ ưa thích của người thọ hóa không đồng. Trước ít, sau nhiều, ý ở tại đấy. Phước trước sai biệt, không nêu rõ nhân được thành, nên đối với Bồ-đề không có dụng của sự gánh vác, nhận giữ. Nay muốn hiển bày về tướng của nhân có thể thành lập, lại nêu dụ riêng theo sự mà nói.

    Xem thêm:

  • Luận Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật - Luận Tạng
  • Luận Tụng Kinh Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa - Luận Tạng
  • Luận Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Phá Thủ Trước Bất Hoại Giả Danh - Luận Tạng
  • Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận - Luận Tạng
  • Luận Kim Cương Tiên - Luận Tạng
  • Luận Tối Thượng Thừa - Luận Tạng
  • Luận Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 5 - Luận Tạng
  • Giải Nghĩa Kinh Kim Cang - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ (Trọn bộ 5 tập) - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 2 - Luận Tạng
  • Sớ Luận Toát Yếu Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 4 - Luận Tạng
  • Giảng Giải Kinh Viên Giác - Luận Tạng
  • Bài Tán Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Bản 1) - Luận Tạng
  • Tây Phương Hiệp Luận - Luận Tạng
  • Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Về Tịnh Độ Sanh, Vô Sanh - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng