Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên có nghĩa là mọi tính toán của con người không bằng sự sắp đặt của ông trời. Sự thành bại trong cuộc sống đều đã được định đoạt trước đó, không ai thay đổi được. Vì thế, dần dần tử vi có mặt và tạo nên sức ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của trong dân gian.

Quan điểm của Phật giáo về câu mưu sự tại nhân thành sự tại thiên

Đức Phật cho rằng: Không có bậc thượng đế hay bất kỳ ai can thiệp đến hạnh phúc khổ đau, sinh mạng của chúng ta, mọi thứ đều do chính chúng ta, do nghiệp và nhân quả quyết định tất cả. Theo quan điểm của Phật học, Trời cũng là một chúng sanh nhiều phước đức hơn loài người, chứ không phải là một bậc sáng tạo nắm trong tay quyền sinh sát.

Cho nên, chúng ta quyết định trực tiếp đến số phận của mình qua những ý nghĩa, những việc làm rồi tương ứng theo quy luật nhân quả để thọ hưởng những gì tương ứng. Cũng như khi gieo hạt ớt chắc chắn sẽ lên cây ớt, không bao giờ lên được cây cam, cho dù chúng ta có van xin, cầu cúng, nhân và quả không thể nào khác biệt được

Vì thế, khi xã hội phát triển, những người thuộc tầng lớp tri thức có câu rằng: Tận nhân lực mới tri thiên mạng. Nghĩa là hãy cố gắng hết mình rồi hãy nghĩ đến vận mạng. Họ không chấp nhận được mọi thứ được ai đó an bài, áp đặt để rồi tự trói buộc đi khả năng của mình, biết sống an phận và không vươn lên để phát triển.

Hiểu được vấn đề này, người học Phật không thể sống thụ động, phó thác cuộc đời cho số phận an bài được. Câu chuyện cho chúng ta thấy một điều rằng: Sự giàu nghèo, thành bại, hạnh phúc hay đau khổ được quyết định bởi khả năng của chúng ta. Cho nên, sự có mặt của Phật giáo góp phần bù lấp lại những lỗ hổng đó, để con người nhìn nhận vấn đề một cách thực tế hơn.

Phật giáo hoàn toàn không khuyến khích con người khi đau khổ phải cầu cúng, mà dạy chúng ta rằng hãy làm thật nhiều phước đức mà chuyển hóa đi những khổ đau, nạn tai của chính mình. Phước đức quan trọng vô cùng. Nếu chúng ta không đủ phước đức thì có cúng cách mấy cũng không thể nào đạt được sở nguyện.

Nếu gặp khổ đau, chúng ta phải nên làm nhiều phước đức và tu học hơn nữa. Nhưng thường những người bị rơi vào hoàn cảnh khổ đau, họ sinh ra tâm lý không cam chịu, ganh ghét, tìm mọi cách để đạt được điều mong muốn bất chấp sai trái nên đó là hành động khiến họ càng lún sâu vào đau khổ.

Cuộc đời này, chúng ta hơn nhau ở phước báu chứ không hơn về sự khôn ngoan. Sự nghiệp của chúng ta có thành công và giữ được lâu không do phước đức quyết định. Đó là vì sao mà ngày nay rất nhiều doanh nhân thành đạt họ luôn làm từ thiện.

Không hẳn họ là người giác ngộ hay có tâm từ bi như Đức Phật, mà họ nhận định một điều rằng: Sức lực này, khả năng này chưa chắc giữ được của cải lâu dài nên họ tạo phước để giữ chúng lâu hơn. Đó là một chân lý!

Hành động lương thiện là trải đường phước đức dài lâu. Chúng ta làm và quyết định tất cả. Số phận chúng ta luôn đổi thay theo ngày tháng, theo thời gian chứ không mãi là khởi đầu như thế rồi kết thúc như vậy theo một nhận định của ai đó hoặc tử vi nào cả. Cho nên, đừng đặt mọi thứ theo quan điểm hên xui. Dựa vào Phật học chúng ta không được buông xuôi bản thân mình .

Nghèo phải ráng cố gắng bố thí, nghe nghịch lý nhưng đó là cách chuyển nghiệp. Nhiều người cho rằng bố thí là khờ dại, nhưng trên đời không ai khờ hơn ai cả. Tùy vào mỗi nhận thức khác nhau mà hành động khác nhau. Người có tu hành nhận thức khác và hành động theo hướng tu hành. Người không tu hành nhận định theo lẽ thường tình và hành động theo bản năng của mình.

Người học Phật không được sống vì lý tưởng lệ thuộc đó mà phải tin sâu nhân quả, lương tâm của chúng ta. Người Phật tử phải lấy tâm lương thiện làm gốc, lấy đạo đức làm gốc, lấy nhân quả làm gốc và lấy bản lĩnh sức lực của mình làm gốc thì chúng ta vươn lên để đạt được những gì mong muốn, cho dù không hoàn hảo nhưng cũng không quá tệ.

Tóm lại, câu nói Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên không phải là công thức sống của chúng ta – những người biết tu học. Chúng ta phải có đủ chánh kiến, dựa vào chính mình để chọn hướng đi và cách sống để tránh khổ đau bởi những điều tiêu cực trong xã hội.