Nghi Quỹ Đàn Tràng Đại Khổng Tước Minh Vương Hoạch Tượng

Đường Bất Không dịch,

Bản Việt dịch của Quảng Minh

*

Đức Phật bảo tôn giả A nan đà: Trong thế gian có nhiều tai họa bức não như chiến tranh, mất mùa, bịnh dịch, bốn trăm lẻ bốn thứ bịnh tranh đua làm cho sầu khổ và tám muôn bốn ngàn quỷ mị quấy rối gây hại hữu tình. Những mong cầu của thế gian, những thắng nguyện của xuất thế gian phần nhiều có các chướng ngại, đó là do vô thỉ đến nay, chúng sinh vô minh tham ái, phân biệt hư vọng, phiền não ba độc, không hiểu thật tướng của các pháp, nên tích tập những nghiệp bất thiện, chiêu cảm vô số tai nạn như thế. A nan đà, cho nên hôm nay ta vì chúng sinh đọc tụng bản kinh Phật mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương để tiêu trừ tất cả tai ách cho chúng sinh, lại nói ra phương pháp họa tượng, kiến lập đàn tràng và nghi quỹ cúng dường. Nếu ai nương phương pháp này, đọc tụng kinh này, thì tất cả tai nạn đều được tiêu trừ, những nguyện cầu tùy ý đầy đủ. A nan đà, lúc có tai nạn, khổ não khởi lên, thì vị quốc vương và các vương tử, đại thần, phi hậu, cho đến các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, những thiện nam, thiện nữ v.v… muốn trừ tai ương, nên ở nơi vương cung, ở nơi thắng địa, nơi già lam thanh tịnh hay nhà cửa, tùy chỗ cư trú của mình, dựa theo pháp thức làm sạch đất mà đào đất sâu xuống một khuỷu tay, loại bỏ ngói đá, đồ dơ bẩn trong đất, sau đó lấp đầy đất sạch, nện đất cho bằng phẳng. Nếu đất đó vốn sạch thì không cần phải nện đất (2) . Nếu đất dư ra, là đất tốt mầu, nên dùng để tô trét đất bùn cho thanh tịnh đạo tràng.

Kiến lập đạo tràng bằng cách đắp một cái đàn hình vuông mỗi cạnh năm khuỷu tay, cao bốn tấc, có ba tầng trên an trí chư tôn vị, được tô vẽ sặc sỡ bằng phấn màu ngũ sắc. Ở trung tâm nội viện, vẽ hoa sen tám cánh. Trên đài hoa sen, vẽ hình tượng đức Phật mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Bồ tát, đầu hướng về phương Đông, thân màu trắng, mặc áo nhẹ bằng lụa trắng, đầu đội mũ có đính ngọc anh lạc, tai đeo châu ngọc, cánh tay mang vòng xuyến, các thứ trang nghiêm. Ngài cưỡi con khổng tước vương màu vàng kim, ngồi thế kiết già phu tọa trên hoa sen trắng hay hoa sen màu xanh lục, an trú sắc thái từ bi, có bốn cánh tay: bên phải, tay thứ nhất cầm đóa sen nở rộ, tay thứ hai nắm trái câu duyên (3) ; bên trái, tay thứ nhất nâng trái cát tường(4) đặt ngang tim, tay thứ hai cầm ba mươi lăm cọng lông đuôi khổng tước.

Từ bên phải đức Phật mẫu, vòng theo chiều phải, trên những cánh hoa sen bao quanh, vẽ bảy đức Phật Thế tôn: từ đức Như lai Tỳ bà thi cho đến đức Phật Thích ca và bồ tát Từ thị. Bảy vị Phật đều hướng ra ngoài, đều ngồi an trú trong tướng thiền định. Đến góc Tây bắc, trên cánh hoa thứ tám, vẽ bồ tát Từ thị, tay trái cầm bình quân trì, tay phải phô bày lòng bàn tay hướng ra ngoài, làm dáng thí vô úy.

Lại ở ngoài những cánh hoa sen, bốn phương của nội viện, vẽ bốn Bích chi phật, được tạo hình như tượng Phật, đảnh có nhục kế và cũng an trú trong tướng thiền định. Lại ở bốn hướng vẽ bốn vị đại thanh văn: phương đông bắc vẽ tôn giả A nan đà, phương đông nam vẽ tôn giả La hầu la, phương tây nam vẽ tôn giả Xá lợi phất và phương tây bắc vẽ tôn giả Mục kiền liên; các tôn giả đều mặc ca sa kiện đà (5) , trật vai áo bên phải. Chư tôn vị đây đều ở trung viện.

Tiếp theo là nơi viện thứ hai, vẽ thiên vương ở tám phương, cùng với các quyến thuộc: phương đông, vẽ thiên vương Đế thích cầm chày kim cương, cùng các thiên chúng vây quanh; phương đông nam, vẽ thiên vương Hỏa, tay trái cầm bình quân trì, tay phải kết ấn thí vô úy, cùng tiên chúng ngũ thông khổ hạnh vây quanh; phương nam, vẽ thiên vương Diệm ma cầm tràng diệm ma(6) , cùng quỷ chúng cõi Diệm ma vây quanh; phương tây nam, vẽ thiên vương La sát cầm cây đao, cùng các la sát chúng vây quanh; phương tây, vẽ thiên vương Thủy cầm dây quyến tác, cùng các long chúng vây quanh; phương tây bắc, vẽ thiên vương Phong cầm tràng phan, cùng các trì minh tiên chúng(7) vây quanh; phương bắc, vẽ thiên vương Đa văn cầm cây gậy báu, cùng các dược xoa chúng vây quanh; phương đông bắc, vẽ thiên vương Y xá na(8) cầm cây kích có ba chĩa, cùng các bộ đa quỷ chúng(9) vây quanh. Chư tôn vị đây đều ở viện thứ hai.

Tiếp theo là viện thứ ba, từ hướng đông bắc, vòng theo chiều phải, vẽ hai mươi tám Đại dược xoa tướng, cùng các quỷ thần chúng vây quanh; và vẽ các tú diệu(10) và mười hai cung thần(11) .

Tiếp theo là vòng quanh bên ngoài của viện thứ ba, dùng bùn thơm xoa phết, thiết bày những lá sen, trên lá đặt những phẩm vật cúng dường, như là cháo nhũ mi (12) , sữa lạc(13) , cơm canh, trái hạt v.v…, đều dùng chân ngôn của minh vương A ba la nhĩ đa(14) gia trì trong nước thơm rưới rảy trên phẩm vật cúng dường được bày biện bốn bên. Lại lấy các thứ nước như nước đường cát(15) , nước thạch mật(16) , nước thạch lựu mật (17) v.v… mà phụng hiến chư tôn vị.

Trên đàn tràng rải các loại hoa màu trắng, nơi bốn góc đặt bốn chén đèn dầu tô(18) . Ở bốn cửa, mỗi cửa đều đặt hai bình(19) sạch sẽ chứa đầy nước thơm. Ở phía đông của đàn tràng, an trí tượng đức Phật mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương; cách vẽ tượng thì như cách vẽ ở nội đàn. Có một việc không an trí chính là đường cương giới(20) (ở ngoại đàn).

Ở trung viện, đốt trầm hương cùng các thứ hương thơm khác để cúng dường các Thánh chúng. Thiên chúng ở phương đông nên đốt bạch giao hương(21) mà cúng dường. Thiên chúng ở phương nam dùng tử khoáng, giới tử và diêm tương hòa chung lại mà đốt cúng dường. Thiên chúng ở phương tây lấy dầu tô hòa với an tất hương mà đốt cúng dường. Thiên chúng ở phương bắc nên đốt huân lục hương mà cúng dường.

Người trì tụng ở mặt tây của đàn tràng, nên trải đệm rơm để ngồi, hoặc ngồi trên cái sàng có chân thấp. Nghiêm sức cái án kinh đặt ở trước đàn, dùng các hương hoa cúng dường quyển kinh, nên xếp đặt như thế. Số người tụng đọc tôn kinh có thể là ba người, năm người cho đến bảy người; thay nhau tụng đọc liên tục ngày đêm, không cho tiếng kinh gián đoạn, chính yếu là bặt đường ngôn ngữ(22) . Ngoại trừ ở nội đàn cần có một người biết rành rẻ giáo pháp, tức vị thầy chú nguyện đứng đầu chỉ huy, cung đối chư tôn vị mà tác pháp khải thỉnh hiền Thánh; các người khác chỉ nên chí tâm đọc kinh. Với số lượng chư tôn vị rất nhiều và khắp cả, hành giả nên ân cần trân trọng phát nguyện, dựa vào ba mươi bảy tôn vị mà lễ sám, hoặc ba thời, hoặc sáu thời (trong một ngày), hoặc một ngày, hoặc hai ngày, ba ngày, cho đến bảy ngày, nhờ đó tất cả tai họa đều được diệt mất, ngoại trừ không có chí tâm (hành trì).

Người tụng kinh, hoặc là người tại gia, hoặc là người xuất gia, vào mỗi ngày, sau khi tắm gội sạch sẻ, mặc áo sạch mới, việc đầu tiên là đối trước đạo tràng, chí thành nhất tâm đảnh lễ các Thánh chúng, bằng cách kết khế ấn và tụng chân ngôn, y giáo thỉnh triệu tất cả chư Phật, bồ tát và các thiên chúng mà cúng dường đúng pháp, nói ra những sự mong cầu, ân cần khải cáo, nguyện xin gia hộ, và khắp vì tất cả chúng sinh khổ nạn mà rộng phát đại nguyện. Sau đó, ngồi kiết già, lấy hương bột xoa bàn tay, trước kết ấn tam muội da, bằng cách hai bàn tay trái và phải đan nhau bên ngoài tạo thành quyền, hai ngón giữa thẳng đứng, hai ngón cái tựa nhau thì thành ấn. Kết ấn ngang tim, tụng chân ngôn tam muội da bảy biến. Chân ngôn rằng:

Án, tam ma dã, sa đát thiết.

Liền lấy ấn này gia trì bốn chỗ nơi thân mình, đó là tim, trán, cổ họng, đỉnh đầu, sau đó xả ấn trên đỉnh đầu. Tiếp theo kết ấn bồ tát Kim cương câu, cũng dựa theo ấn tam muội da ở trước, lấy hai ngón cái co lại như móc câu, hướng vào thân mà vẫy không gián đoạn, tụng chân ngôn bảy biến để mời thỉnh khắp cả chư Phật, bồ tát, chư thiên, quỷ thần, tất cả Thánh chúng. Chân ngôn rằng:

Án, phạ nhật lãng củ thi, a yết trà, vi yết trà, sa phạ ha.

Nhờ kết ấn này và tụng chân ngôn mà mời thỉnh được tất cả Thánh chúng không trái bản thệ đều đến phó hội.

Tiếp theo, kết ấn minh vương A ba la nhĩ đa, bằng cách hai bàn tay trái và phải đan nhau bên trong, chỉ có hai ngón giữa thẳng đứng và tựa nhau ở lóng đầu. Ấn này dùng để kết địa giới và kết phương ngung giới(23) : đưa ấn ấy lên trên đỉnh đầu, xoay theo chiều phải ba vòng thì tùy tâm xa gần liền thành tựu kết giới. Tụng bảy biến chân ngôn rằng:

Án, hổ lỗ hỗ lỗ, chiến nã lý, ma đặng kì, sa phạ ha.

Tiếp theo, kết ấn Phổ cúng dường tất cả hiền Thánh, bằng cách hai bàn tay trái phải áp lại, chắp tay đan nhau, mười ngón tréo nhau ở lóng đầu thì thành ấn. Kết ấn ngang tim, tụng bảy biến, đưa lên đỉnh đầu xả ấn. Chân ngôn rằng:

Nẵng mồ tam mãn đa bột đà nẫm, tát phạ đà khiếm ốt na nghiệt đế, sa hiệt ra hứ hàm, nga nga nẵng kiến, sa phạ ha.

Nhờ kết ấn này và tụng chân ngôn mà có thể ở trước tất cả chư Phật, bồ tát, các Thánh chúng và vô lượng quốc độ của chư Phật, thành tựu được tất cả sự cúng cúng dường rộng lớn.

Tiếp theo, kết ấn Phật mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương, bằng cách bàn tay phải úp lên bàn tay trái nằm gọn bên trong, hai ngón cái và hai ngón út đều thẳng đứng và tựa nhau ở lóng đầu thì thành ấn. Kết ấn ngang tim, tụng chân ngôn bảy biến, dùng ấn gia trì bốn chỗ như trên, đưa lên đỉnh đầu xả ấn. Chân ngôn rằng:

Án, ma dữu ra, ngật lan đế, sa phạ ha.

Tiếp theo, bưng lò hương để phụng hiến, khải thỉnh, cáo bạch Thánh chúng những việc mong cầu. Vậy là y theo giáo pháp thỉnh triệu, cúng dường xong, sau đó khởi tâm bi mẫn, vì cứu giúp chúng sinh khổ nạn mà tụng đọc kinh Phật mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương. Trước giữa trưa mỗi ngày phải thay đổi phẩm vật cúng dường. Kết ấn minh vương A ba la nhĩ đa, tụng chân ngôn của ấn ấy, đưa ấn lên đỉnh đầu rồi xoay một vòng theo chiều trái, tạm thời giải giới tràng để thay đổi phẩm vật cúng dường, sau đó lại theo thứ tự nghinh thỉnh, kết giới.

Đó là y theo giáo pháp cúng dường, tụng đọc tôn kinh, thì bao nhiêu tai nạn, hạn hán, bịnh dịch, quỷ mị áp đảo, tai chướng ác độc, các thứ khổ nạn thảy đều được trừ diệt, bao nhiêu nguyện cầu đều được toại lòng.

Ta đã rộng nói xong nghi quỹ họa tượng đàn tràng và cúng dường. Nếu không thể làm được đàn tràng bằng việc tô bùn và họa tượng như thế, hoặc vì tai nạn xảy đến nhanh chóng, thì tùy năng lực của mình mà ở một nơi sạch sẽ, dùng đất bùn cù ma di(24) đắp cái đàn hình vuông một khuỷu tay, tùy kích thước lớn nhỏ mà mài bạch đàn hương(25) thành bột rồi làm cái đàn hình tròn. Ở nơi chín vị trí an đặt tượng Phật và lấy ba hay năm cọng lông đuôi khổng tước cắm ở trên đàn. Tùy thời đốt hương, rải hoa, cháo nhũ mi, sữa lạc v.v… cúng dường Thánh chúng. Chỉ nên chí thành nhất tâm tụng đọc tôn kinh, hoặc một biến, hoặc ba biến, cho đến bảy biến, (hành trì) hoặc một ngày, hoặc hai ngày, thì tất cả ách nạn thảy đều tiêu trừ, bao nhiêu nguyện cầu đều được viên mãn.

Bấy giờ, tôn giả A nan đà được nghe từ đức Phật Thế tôn vì hữu tình bị tất cả khổ nạn trong đời vị lai mà thuyết ra phương pháp tụng đọc kinh Đại Khổng Tước Minh Vương, tôn giả đem đỉnh đầu đội lên mà vâng giữ, lễ Phật rồi lui ra.

Chú giải:

1. Đại tạng kinh số 983A

2. Tức bỏ giai đoạn đào đất lên, loại bỏ tạp vật rồi lấp đất lại.

3. Trái câu duyên (câu duyên quả): còn gọi cụ duyên quả, trái này giống trái dưa tây, hạt của nó rất giống hạt đu đủ và hạt tắc. Mật giáo dùng nó để tượng trưng cho nghĩa điều phục hay trừ tai ách.

4. Trái cát tường (cát tường quả): trái thạch lựu. Đây là trái mà thần Quỷ tử mẫu cầm ở tay phải, vì nó có năng lực phá trừ ma chướng nên được gọi là cát tường quả. Cát tường quả còn gọi là quỷ bố quả, có công năng tiêu trừ tai nạn, hoa ít trái nhiều, có ý nghĩa: nhân hạnh tuy ít mà được đại quả.

5. Ca sa kiện đà (= hoại sắc y): còn gọi là càn đà, kiện đà la da, tức ca sa được nhuộm bằng màu vàng sẩm hay đỏ đục, gọi là màu trược xích. Càn đà là tên một loại thực vật dùng để chế nguyên liệu nhuộm y.

6. Tràng Diệm ma: tràng phan mà trên đỉnh có hình đầu người.

7. Trì minh tiên chúng: còn gọi Tất địa trì minh tiên, Thành tựu trì minh tiên. Tôn vị thuộc Kim cang bộ ngoại viện trong mạn đà la Thai tạng giới của Mật tông, là vị tiên nhân nhờ trì tụng đà la ni, hoặc nhờ năng lực của thuốc mà được sức thần thông. Vị tiên này vốn là thị giả của thần Tháp bà thuộc Bà la môn giáo, tương truyền trụ ở Tuyết sơn, có đầy đủ chú lực. Y cứ vào minh chú thọ trì, Mật giáo xếp vị này vào trong Hải hội mạn đà la. Có 4 loại: Trì danh dược xoa, Thành tựu tiên chúng, Thành tựu trì minh tiên chúng và Thành tựu minh tiên.

8. Thiên vương Y xá na (Y xá na thiên): Hán dịch là Tự tại hay Chúng sinh chủ, là vị trời chủ quản về việc phối hợp, là 1 trong 12 vị trời, 1 trong các vị thần vương hộ pháp ở 10 phương, 1 trong các vị trời hộ thế ở 8 phương. Trong Mật giáo, tôn giả này ngự ở đông bắc Kim cang bộ ngoại viện mạn đà la Thai tạng giới, thân hình là một vị trời 3 mắt, tay trái cầm chén kiếp ba đựng máu, tay phải cầm cây thương 3 mũi, ngồi trên tấm nệm lông, hoặc ngồi trên tòa cao hình trâu mập màu vàng. Y xá na thiên xưa gọi là Ma hê thủ la thiên, cũng tức là Đại tự tại thiên.

9. Bộ đa quỷ chúng (bhùta): Sinh ra có tình gọi là bộ đa. Câu Xá Luận, quyển 10 ghi: “Lại như khế kinh nói, thức ăn có bốn loại khiến cho bộ đa (có tình) được yên ổn … bộ đa có nghĩa là dĩ sinh (đã sinh ra), mọi thú sinh ra rồi đều gọi là dĩ sinh”. Ở đây là tên một loài quỷ. Sách Tuệ uyển âm nghĩa, quyển hạ chép: “Bộ đa có nghĩa là tự sinh. Loại quỷ do cha mẹ sinh ra thì gọi là dạ xoa, do hoá sinh thì gọi là bộ đa”.

10. Tú diệu: Diệu thuộc Nhật thiên, có 7 diệu. Tú thuộc Nguyệt thiên, có 28 tú. Các tinh tú vận hành trong hư không, gồm có Mệnh tú, Đối xung tú, Thiên di tú, Đại sát nghiệp tú, An tú, Bạc tương tú, Nô tỳ tú v.v… liên hệ các chúng sinh, gây ra các ách hại. Có 4 diệu đại ác là Hỏa diệu, Thổ diệu, La hầu, Kế đô, gây tai họa rất nặng cho chúng sinh.

11. Mười hai cung thần: 12 cung này là quyến thuộc của Nguyệt thiên, trong đó Thái dương chia ra 6 cung: Sư tử cung, Nữ cung, Xứng cung, Yết cung, Cung cung và Ma yết cung; Thái âm chia ra 6 cung: Bảo bình cung, Ngư cung, Bạch dương cung, Kim ngưu cung, Nam nữ cung và Giải cung. Mỗi cung đều có phân định chủ quản 1 việc để phán định tốt xấu, như 6 cung Thái dương theo thứ tự chủ quản về quân lữ, cung phòng, khố tạng, bịnh hoạn, tướng tướng và hình sát; 6 cung của Thái âm theo thứ tự chủ về sự học, chức quan, nhà bếp, chuồng ngựa, cửa nẻo và ngục tụng. Thập nhị cung phối hợp với phương vị thì phương đông là Nam nữ cung, Bạch dương cung, Kim ngưu cung; phương tây là Xứng cung, Yết cung, Cung cung; phương nam là Bảo bình cung, Ngư cung, Ma yết cung; phương bắc là Giải cung, Sư tử cung, Nữ cung.

12. Nhũ mi (tarpana): là cháo ngũ cốc nấu với sữa bò hay sữa dê. Đại nhật kinh sớ, quyển 7, có ghi: “Nhũ mi: Tây Phương có nhiều loại cháo, hoặc dùng chất chiết từ ô ma, hoặc dùng các loại đậu và dược vị, như trong phần Thập tụng dược pháp … có nói rộng, nhưng đều cho nhũ mi là ngon nhất”. Du già sư địa luận, quyển 36, Tự tha lợi phẩm, giải thích nhũ mi là bánh khô, lương khô. Trước khi thành chánh giác dưới cội bồ đề, đức Phật đã nhận bát cháo nhũ mi từ nàng Tu xà đa dâng cúng, nhờ đó thân thể bình phục, tâm hồn sảng khoái, Ngài đến dưới gốc cây bồ đề ngồi trên thảm tọa và phát nguyện: “Nếu không tìm ra chân lý thì thà chết ta không rời thảm tọa này”.

13. Sữa lạc: từ con bò cho ra sữa bò là nhũ, từ nhũ mà ra là lạc, từ lạc mà ra là sanh tô, từ sanh tô mà ra là thục tô, từ thục tô mà ra là đề hồ.

14. Minh vương A ba la nhĩ đa: Sách Đại sư (Mahavastu) kể chuyện hai người đi buôn tên là Bạt lê ca (Bhallika) và Đế lê phú bà (Trapusha) cúng dường bữa ăn đầu tiên sau khi đức Phật thành đạo, đã chép lại lời chúc nguyện của Phật ban cho hai người ấy. Trong lời đó, A ba la nhĩ đa là một trong 8 thiên nữ ở phương đông do Trì quốc thiên vương (Dhrtrastra) cai quản. Đức Phật mong các vị ấy che chở cho hai thương buôn ấy. A ba la nhĩ đa sau đó được đưa vào trong các kinh điển Mật giáo và trở thành một vị đại minh vương làm quyến thuộc cho những vị bồ tát khác.

15. Đường cát (sa đường = bạch thạch mật): đường cát trắng.

16. Thạch mật: mật mía, đường phèn.

17. Nước thạch lựu mật: mật đường của trái thạch lựu (pomegranate) pha với nước.

18. Đèn dầu tô = đèn bơ. Phẩm Đà la ni nói đến sự hiến cúng kinh Pháp hoa “bằng các thứ đèn như đèn bơ, đèn dầu, bằng các thứ đèn dầu thơm như đèn dầu hoa tô ma na, đèn dầu hoa chiêm bặc, đèn dầu hoa ba si ca, đèn dầu hoa ưu bát la, bằng hàng trăm hàng ngàn những thứ cùng loại.”

19. Được gọi là bình Át già (閼伽), tức bình đựng nước thơm. Bình này làm bằng vàng, bạc, hoặc là cái cốc bằng vỏ ốc. Át già (argha) có nghĩa là vật có giá trị, về sau, chuyển thành nghĩa vật dâng cho thần hoặc quí nhân. Theo Tuệ lâm âm nghĩa quyển 10, át già là bình nước thơm. Theo Hy lân âm nghĩa, quyển 5, át già chỉ chung bình hay chén nước thơm.

20. Đường cương giới (giới đạo): đường cương giới chỉ có ở nội đàn, được làm bằng các màu sắc sặc sỡ, không được dùng vàng bạc để phân ranh.

21. Bạch giao hương: một loại hương liệu được chế bằng mủ cây Ta la. Đây là 1 trong 5 loại hương được đốt lên để tu pháp tiêu tai cầu mưa.

22. Bặt đường ngôn ngữ: tụng kinh mà nhất tâm.

23. Kết địa giới, kết phương ngung giới: Trong Mật tông, khi lập đàn tu pháp, vì ngăn ngừa ma chướng xâm nhập đàn tràng nên phải vạch ra một khu đất nhất định để bảo hộ đạo tràng cho hành giả, gọi là kết giới. Việc kết giới có sự và lý: hoạch định khu vực, kết ấn tụng chân ngôn và các tác pháp khác là thuộc sự kết giới; bản kinh mà hành giả lấy đó làm pháp quán tưởng để hoàn thành sự kết giới là thuộc về lý kết giới. Phạm vi kết giới có rộng hẹp khác nhau, đều lấy tự tâm quán tưởng rộng hẹp của hành giả mà kiến lập khu vực đàn tràng. Khi kết giới, từ đất mà khởi, hướng đến phương ngung vạch một vòng tròn, rồi đi trở về địa diện, như cái chụp bằng pha lê, cương giới che phủ một đối tượng hay khu vực đặc định, tay kết ấn, miệng trì chân ngôn, trong tâm quán tưởng phạm vi kết giới.

24. Cù ma di = ngưu phấn: phân bò. Từ xưa, người Ấn độ đều xem bò là vật tượng trưng cho thần thánh, nên cho phân bò là vật thanh tịnh nhất, và thường trét phân bò để thanh tịnh hóa các đàn tràng. Về sau, phong tục này được Mật giáo sử dụng, khi lập đàn tu pháp, lấy phân bò không dính đất và nước tiểu bò hòa chung rồi phết đàn, hoặc cho phân bò vào lò, để làm một trong các vật cúng tế lửa. Ở đây là lấy cù ma di trộn với bùn hương mà làm đàn tràng.

25. Bạch đàn hương = bạch chiên đàn: một loại thực vật có hương thơm, thân màu trắng (thuộc giống chiên đàn) sống ở vùng nhiệt đới như Ấn độ v.v… Hương liệu cây bạch đàn được xem là tốt nhất, gọi là bạch đàn hương. Mật giáo cho rằng đốt bạch đàn hương thì ai ngửi được mùi hương ấy có thể diệt trừ tội chướng, và dùng nó làm 1 trong 5 thứ hương sử dụng tu pháp.

    Xem thêm:

  • Kinh Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ - Kinh Tạng
  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Thanh Quy Của Ngài Bách Trượng - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni - Kinh Tạng
  • Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh Pháp Nghi Quĩ Niệm Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Thuyết Đà La Ni Phổ Hiền - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Pháp Tùy Hành Niệm Tụng Đại Tì Lô Già Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Lược Thị Thất Chi - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Bí Mật Bát Danh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Dược Sư Như Lai Quán Hạnh - Kinh Tạng