1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Tịch diệt thắng tướng thắng ngữ 9

Luận nói : Như vậy là đã nói về tướng thù thắng của tăng thượng tuệ học rồi, còn làm sao tháy được tướng thù thắng của tịch diệt ? Tịch diệt của chư Bồ-tát là vô trụ xứ Niết-bàn, vì xả ly phiền não mà không bỏ sinh tử, cùng y chỉ chuyển y làm tướng. Trong đây sinh tử là phần nhiễm ô của tính y tha, Niết-bàn là phần thanh tịnh của tính y tha. Y chỉ tức là đủ 2 phần của tính y tha. Chuyển y là khi khởi đối trị tính y tha, phần nhiễm ô diệt, phần thanh tịnh hiển hiện.

Giải thích : Tướng vô trụ xứ Niết-bàn tức là xả ly phiền não mà không bỏ sinh tử. Cùng y chỉ chuyển y làm tướng, nghĩa là khi trụ chuyển này thì không cho phiền não được trụ lại, nhưng không bỏ sinh tử. Phần nhiễm nên gọi là y tha, tức phần tịnh nên gọi Niết-bàn. Hai phần nên là chỗ y chỉ của kia. Chuyển y tức trong đây được thành. Do trong đây khi khởi đối trị thì phần nhiễm không hiện hành, phần tịnh hiện hành.

Luận nói : Lại nữa sự chuyển y này lược nói có 6 thứ : Một là chuyển bằng cách thêm sức, giảm khả năng. Do sức tín giải trụ nơi văn huân tập, do có sự hổ thẹn nên một ít phiền não hiện hành và không hiện hành. Hai là chuyển do thông đạt, nghĩa là các Bồ-tát đã nhập địa cho đến địa thứ 6, thì trước mắt chân thật hiển hiện không chân thật không hiển hiện. Ba là chuyển bằng sự tu tập, nghĩa là cho đến địa thứ 10 tất cả tướng có chướng ngại không hiển hiện, chân như thì hiển hiện. Bốn là chuyển quả viên mãn, tất cả tướng không chướng ngại không hiển hiện, chân như thanh tịnh cùng tột hiển hiện vì được tất cả tướng tự tại. Năm là chuyển hạ liệt, nghĩa là chuyển đổi sự thấp kém, vì các Thanh Văn thông đạt nhân vô ngã nên một bề quay lưng với sinh tử xả bỏ sinh tử. Sáu là chuyển thành rộng lớn, nghĩa là chư Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã, nên thấy sinh tử tức tịch tĩnh, diệt phiền não mà không bỏ sinh tử. Chư Bồ-tát trong chuyển hạ liệt có lỗi lầm gì ? Có lỗi là không nghĩ đến việc lợi ích chúng sinh. Pháp Bồ-tát là phải siêu quá hạ thừa, nghĩa là vượt qua trình độ thấp kém, chứ giải thoát đồng như họ là có lỗi. Chư Bồ-tát đối với sự chuyển thành rộng lớn có được công đức gì ? Ở trong pháp sinh tử lấy sự tự y chỉ chuyển thành y chỉ, cho nên được thân tự tại trong tất cả nẻo đường sinh tử hiển thị tất cả thân, dùng nhiều phương tiện điều phục, điều phục và an lập trong quả báo thế gian và trong 3 thừa. Đó là công đức.

Giỉ thích : Chuyển y này lại có 6 thứ. Chuyển bằng cách thêm sức giảm khả năng, nghĩa là những huân tập nhiễm ô trong thức A-lê-da làm giảm khả năng gây ô nhiễm mà tăng thêm sức đối trị. Cho nên được chuyển trụ giải hành địa, nghĩa là vì sức trụ nơi văn huân tập đã được chuyển y nên nếu phiền não hiện hành thì kia có sự hổ thẹn do đó sự hiện hành phiền não huân tập mỏng manh ít ỏi. Trong sự chuyển bởi thông đạt mà việc hiển hiện chân thật không chân thật, nghĩa là do chính khi nhập vào địa rồi thì đó là nhân hiển hiện chân thật, cho nên tức thời được chuyển y. Hoặc có khi xuất quán thì đó là nhân hiển hiện không chân thật. Tình trạng này tồn tại cho đến địa thứ 6. Chuyển bằng tu tập, nghĩa là nên biết rằng trong chướng có ngại. Bồ-tát này tất cả các tướng đã không hiển hiện trở lại nên được chuyển y. Chuyển y này đến địa thứ 10. Trong chuyển quả viên mãn, tất cả chướng không còn chướng ngại nữa, nghĩa là Bồ-tát này tất cả chướng đã không hiển hiện, không có tất cả chướng ngại, thấy đượcchân như thanh tịnh cùng cực, được tự tại trong tất cả tướng nên được y chỉ. Do được tướng tự tại này nên có thể tùy ý làm các việc lợi ích chúng sinh. Chuyển thành rộng lớn, nghĩa là do thấy sinh tử là tịch tĩnh thì phền não tức diệt không có cái gì gọi là xả bỏ. Chỉ phiền não không nhiễm là do ở trong nhiễm mà không bị nhiễm. Không bỏ sinh tử, điều này có công đức gì ? Chuyển y rộng lớn này, chư Bồ-tát lấy sự tự y chỉ chuyển y cho nên được tự tại trong tất cả pháp, trong tất cả nẻo đường sinh tử hiển thị đồng thân với chúng sinh, dùng mọi phương tiện điều phục mà điều phục, an lập chúng sinh trong sự phú lạc và trong 3 thừa. Đó là công đức. Trong đó phú lạc là quả báo thế gian.

Luận nói : Trong đây có các bài kệ về chuyển y :

Phàm phu che chân thật,

Tất cả hư vọng hiện.

Chư Bồ-tát lìa vọng,

Tất cả chân thật hiện.

Nên biết hiện không hiện,

Chân thật chẳng chân thật.

Y chỉ này chuyển rồi,

Là giải thoát như ý.

Sinh tử và Niết-bàn,

Như bình đẳng trí sinh.

Sinh tử tức Niết-bàn,

Người kia được như vậy.

Tức được nơi sinh tử,

Phi xả phi phi xả.

Tức ở nơi Niết-bàn,

Phi đắc phi phi đắc.

Giải thích : Nói kệ để làm rõ chuyển y. Như các phàm phu do vô minh che khuất chân thật, hư vọng hiển hiện, tức các tướng chúng sinh. Như vậy chư Thánh nhân chân thật hiển hiện nên xả bỏ các tướng chúng sinh, do đoạn trừ hư vọng vô minh nên được như vậy. Phải biết hiện không hiện chân thật không chân thật, nghĩa là hư vọng phân biệt không hiển hiện, tính chân thật thành tựu hiển hiện, gọi là chuyển y. Trong chuyển y hư vọng không hiện hành, chân thật hiện hành. Đây tức là giải thoát tương ưng. Gọi giải thoát như ý, nghĩa là như ý muốn làm đều được giải thoát. Chẳng phải như Thanh Văn rốt ráo Niết-bàn như người bị chém đầu. Được giải thoát như vậy, trí bình đẳng sinh tử như Niết-bàn sinh, tức là đối với 2 thứ sinh tử và Niết-bàn, sinh trí bình đẳng. Nói vì 2 thứ này không khác biệt nhau, nhưng nếu như khi ấy lại có sinh tử Niết-bàn thì làm sao được bình đẳng ? Do phiền não là sinh tử. Pháp phiền não là vô ngã, Bồ-tát thông đạt pháp này, trí vô ngã sinh thấy các pháp kia đều vô sở hữu. Các hữu sinh tử tức là Niết-bàn, thấy pháp sinh tử tức là Niết-bàn tịch tịnh. Nếu như vậy có gì là sở đắc ? Tức được nơi sinh tử phi xả phi phi xả. Phi xả là do các hữu sinh tử tức là Niết-bàn. Phi phi xả là xả. Do trong đó không nhiễm cho nên thấy là vô sở hữu. Nếu được như vậy thì cũng ở nơi Niết-bàn là phi đắc phi phi đắc. Bởi pháp kia không khác Niết-bàn cho nên là phi đắc. Do nơi pháp kia thấy là tịch tĩnh, với Niết-bàn không khác, cho nên là phi phi đắc. Đến đây giải thích xongvề học quả tịch tĩnh.

    Xem thêm:

  • Luận Bồ Đề Tư Lương - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Thích Ma Ha Diễn - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 5 - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 4 - Luận Tạng
  • Luận Giảng Rộng Ý Nghĩa Năm Uẩn Theo Giáo Pháp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ - Luận Tạng
  • Bửu Tạng Luận - Luận Tạng
  • Luận Bảo Tạng - Luận Tạng
  • Sớ Giải Kinh A Di Đà - Luận Tạng
  • Luận Thủ Trượng - Luận Tạng
  • Luận Giải Thoát Đạo - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 2 - Luận Tạng
  • Thiền Ba La Mật - Luận Tạng