1
2

QUYỂN HẠ

Luận rằng:

(Từ hai chữ) luận rằng trở xuống, đây là phần giải nghĩa. Trong phần này (về) nghĩa có 10 lớp:

– Một là (về) đại ý của kệ nguyện,

– Hai là khởi (lên) quán (và) sinh tín tâm,

– Ba là thể (và) tướng của quán hạnh,

– Bốn là nguyện tâm nhập (vào) tịnh,

– Năm là khéo léo gom (lại mà giáo) hóa,

– Sáu là lìa (các) chướng (cho) Bồ Đề,

– Bảy là thuận (với) môn Bồ Đề,

– Tám là danh (và) nghĩa gom (lại so) sánh (với nhau),

– Chín là nguyện sự thành tựu,

– Mười là lợi hạnh thành mãn.

Luận là bàn bạc, (ý) nói bàn bạc về lý do (làm kệ). Rằng là lời văn, (ý) chỉ các câu cú ở dưới, (nghĩa) là các lời văn bàn bạc giải thích (các) kệ vậy. Nên nói là Luận rằng.

1) Đại ý của kệ nguyện:

CÁC KỆ NGUYỆN NÀY THỂ HIỆN Ý NGHĨA GÌ? (KỆ NGUYỆN NÀY) HIỂN BÀY (CÁC SỰ VIỆC NHƯ SAU): QUÁN THẾ GIỚI AN LẠC KIA, (CỐT ĐỂ) GẶP A DI ĐÀ NHƯ LAI, (CHO NÊN) NGUYỆN SINH (VỀ) NƯỚC ĐÓ.

2) Khởi (lên) quán (và) sinh tín (tâm)

Trong phần này lại có hai lớp: một là hiển năm lực niệm (1), hai là (đưa) ra năm môn niệm. Hiển năm lực niệm là:

LÀM SAO QUÁN? LÀM SAO SINH TÂM TÍN? NẾU (CÓ) NGƯỜI THIỆN NAM, NGƯỜI THIỆN NỮ (2) NÀO TU HẠNH CỦA NĂM MÔN NIỆM THÀNH TỰU, THÌ RỐT CUỘC SẼ ĐƯỢC SINH VỀ CÕI NƯỚC AN LẠC, GẶP PHẬT A DI ĐÀ KIA.

CHÚ THÍCH 37:

(1) Tức năng lực của năm niệm môn.

(2) Thiện nam và thiện nữ ý chỉ cho các người, dù nam hay nữ, có nhân duyên tùy thuận và quy ngưỡng về Phật pháp. Hai chữ này thông thường có nghĩa là các tại gia cư sĩ. Nhưng cũng ám chỉ chung cho cả hai giới xuất gia nam nữ nữa.

(Đưa) ra năm môn niệm là:

NHỮNG GÌ LÀ NĂM MÔN NIỆM? MỘT LÀ MÔN LỄ BÁI, HAI LÀ MÔN TÁN THÁN, BA LÀ MÔN TÁC NGUYỆN, BỐN LÀ QUÁN SÁT, NĂM LÀ MÔN HỒI HƯỚNG.

Môn có nghĩa là ra vào, như khi ta có môn (môn là cửa), tất ra vào không ngại. Bốn niệm trước là môn “vào” Tịnh Độ An Lạc. Một niệm sau (cùng) là môn “ra” từ bi giáo hóa.

LỄ BÁI RA SAO? (BẰNG) NGHIỆP (CỦA) THÂN LỄ BÁI A DI ĐÀ NHƯ LAI ỨNG CÚNG CHÍNH BIẾN TRI.

Đức của chư Phật Như Lai có vô lượng, (danh) hiệu (của) đức (do đó) cũng vô lượng. Nếu muốn nói cho đủ, (thì) bút mực không thể ghi chép (hết) được. Cho nên các kinh hoặc nêu lên 10 danh (1), hoặc tỏa lên ba hiệu (2), cốt giữ (lấy) chỗ chí (tột của) tông mà thôi, (chứ) có đâu (nói) tận (hết) được các thứ (danh hiệu) này. Ba hiệu được nói đây tức là: Như Lai, Ứng (và) Chính Biến Tri. Như Lai là (y) như pháp tướng (mà) hiểu, (y) như pháp tướng (mà) nói; (y) như con đường an ổn của chư Phật (theo đó mà) lại, đức Phật này cũng (y) như thế (mà) lại, (lại rồi thì) không đi đến hữu sau (3) nữa, nên gọi là Như Lai (4). Ứng là ứng cúng (5). (Với) các kết sử (6) (đã) trừ tận,(đã) được tất cả (mọi) trí tuệ, đáng được tất cả chúng sinh (trên) trời (dưới) đất cúng dường, nói là Ứng vậy. Chính Biến Tri (7) là biết tướng (chân) thật không hoại (diệt) của tất cả pháp, (tướng ấy) không tăng không giảm. Tại sao không hoại? Chỗ tâm hành diệt (hết), đường ngôn ngữ qua (khỏi) (8). Các pháp (đều) như, (thuộc) tướng Niết Bàn (và) không động nên gọi là Chính Biến Tri. (Còn về) nghĩa của Vô Ngại Quang thì như trong kệ trước đã có giải thích.

CHÚ THÍCH 38:

(1) Mười danh là:

1- Như Lai

2- Ứng cúng

3- Chính Biến Tri

4- Minh Hạnh Túc

5- Thiện Thệ

6- Thế Gian Giải

7- Vô Thượng Sĩ

8- Điều Ngự Trượng Phu

9- Thiên Nhân Sư

10-Phật Thế Tôn.

(2) Nguyên văn: “đằng tam miệu”. “Đằng” là bốc lên, tỏa lên, ở đây chỉ là chữ dùng cho văn vẻ mà thôi.

(3) Hữu sau hán văn là “hậu hữu”, tức một kiếp sống kế tiếp theo kiếp sống hiện tại. Đời sống của kiếp này là nhân để phát sinh một đời sống nữa trong kiếp sau. Nên chấm dứt kiếp sống này không phải là hết mà còn phải chịu một “hậu hữu” nữa, tức một kiếp sống nữa tiếp theo sau. Thành quả A La Hán là chấm dứt mọi “hậu hữu”. Đức Phật và chư A La Hán không còn tái sinh nữa, nên gọi là không thọ “hậu hữu”, không đi đến hữu sau nữa.

(4) Tathāgata hoặc là Tathā đi với gata: Tathā là như thế, như vậy, y như vậy; gata là đi. Tathāgata là đi như vậy (như khứ). Hoặc Tathā đi với āgata. Āgata nghĩa là lại đến. Tathāgata là lại y như vậy (Như Lai). Đó là nghĩa đen của chữ Như Lai. Còn ý nghĩa chính được chấp nhận thì như trên Đàm Loan Đại sư đã trình bày.

(5) Ứng Cúng. Arhat từ động từ gốc Arh có nghĩa là xứng đáng, đáng được. Hán dịch là Ứng (đáng được) hoặc ứng cúng (đáng được cúng dường).

(6) Kết sử: Thường hay đi đôi với nhau. Kết (Saṃyojana) là trói chặt vào (với ba cõi luân hồi) gồm 9 kết: 1) Ái. 2) Khuế. 3) Mạn. 4) Si. 5) Nghi. 6) Kiến. 7) Thủ. 8) San. 9) Tật. Sử là nói chung cho tất cả các hoặc (tức phiền não, kleṣa), thuộc kiến và tư. Trừ hết mọi kết sử tức diệt mọi phiền não và mọi liên hệ với ba cõi hữu.

(7) Xem chú thích (25), số 10, trang 49.

(8) “Ngôn ngữ đạo quá”. Thông thường nói là “Ngôn ngữ đạo đoạn”, tức diệt hết ngôn ngữ.

VÌ ĐỂ SINH NƯỚC KIA VẬY.

Cớ sao (lại) nói (như) vậy? Pháp của Bồ Tát thường lấy ngày ba thời, đêm ba thời (để) lễ (bái) tất cả chư Phật (khắp) mười phương, (mà) không hẳn phải (do) có ý nguyện sinh (về cõi Phật). Giờ đây nên phải thường tác ý nguyện sinh, nên (mới) lễ (bái) A Di Đà Như Lai vậy.

TÁN THÁN RA SAO? (DÙNG) NGHIỆP (CỦA) MIỆNG (MÀ) TÁN THÁN.

Tán là tán dương, thán là ca ngợi. Tán thán không bằng miệng thì không nói lên được, nên nói (tán thán) là (do) nghiệp (của) miệng vậy.

XƯNG DANH NHƯ LAI KIA, NHƯ TRÍ TƯỚNG QUANG MINH CỦA NHƯ LAI KIA, NHƯ DANH (VÀ) NGHĨA (CỦA NHƯ LAI) KIA, DO MUỐN (ĐƯỢC) TU HÀNH (MỘT CÁCH) NHƯ THẬT TƯƠNG ƯNG.

Xưng danh Như Lai kia là nói xưng danh của Vô Ngại Quang Như Lai vậy. Như trí tướng quang minh của Như Lai kia là quang minh của Phật là tướng trí huệ vậy. Quang minh này chiếu (khắp các) thế giới (ở khắp) mười phương (mà) không (hề) có (gì) chướng ngại (được), (và) có thể trừ (diệt các) tội ám (thuộc) vô minh (của) chúng sinh (khắp) mười phương. Không phải (chỉ) như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng (hay) châu ngọc, chỉ phá (được) (tối) ám trong (chỗ) trống (và hư) không. Như danh (và) nghĩa (của Như Lai) kia, muốn (được) tu hành (một cách) như thật tương ưng là: danh hiệu của Như Lai Vô Ngại Quang kia có thể phá tất cả (mọi) vô minh của chúng sinh, có thể (thỏa) mãn tất cả chí nguyện của chúng sinh. Tuy nhiên có người xưng danh (và) nhớ tưởng (Như Lai kia) mà vô minh vẫn còn, mà các nguyện không (thỏa) mãn, đó là sao vậy? Do vì không tu hành (đúng) như thật, (và) không tương ưng với danh và nghĩa vậy. Thế nào là không tu hành như thật, không tương ưng với danh nghĩa? Nghĩa là không biết (rằng) Như Lai là thân (của) thật tướng, (mà cho) đó là thân (của) vật (loại). Lại (về không tương ưng thì) có ba loại không tương ưng: một là tín tâm không (được) thuần, do hoặc còn hoặc mất; hai là tín tâm không chuyên nhất, do không (được) quyết định; ba là tín tâm không liên tục, do (còn có) các niệm khác (xen vào làm) gián đoạn. Ba câu này (1) chuyển theo nhau mà thành. Do tín tâm không thuần, cho nên không quyết định, không quyết định cho nên niệm không liên tục. Cũng có thể là (vì) niệm không liên tục, nên không được quyết định tín, không được quyết định tín, nên tâm không thuần. Ngược lại với các điều này, gọi là tương ưng với (sự) tu hành (như) thật. Cho nên luận chủ mới nói lên lời (rằng): “Con một lòng”.

Hỏi rằng: Danh là ngón tay (của) pháp, như ngón tay chỉ mặt trăng (2). (Nếu) như xưng danh hiệu của Phật mà được mãn nguyện, thì ngón tay chỉ mặt trăng kia phải phá được tối ám (3). (Theo ý đó, dám hỏi) xưng danh hiệu của Phật làm sao mãn được nguyện đây?

Đáp rằng: Các pháp vô vàn sai khác không thể lấy một mà khái quát (tất cả). Có danh chính là pháp, có danh (lại) khác với pháp. Danh chính là pháp là: danh hiệu của chư Phật (và) Bồ Tát, (hoặc) Bát Nhã Ba La Mật, và các chương cú Đà La Ni, cùng các âm từ cấm chú này nọ, chính là đó vậy. Như lời (chú) cấm (trị bệnh) thũng nói rằng: “Mặt trời mọc phương đông, chợt đỏ chợt vàng…” các câu như vậy. Giả sử (vào giờ) dậu (hoặc) hợi (mà) thực hành cấm (chú) ấy, chẳng quan hệ gì đến mặt trời mọc mà bệnh thũng (vẫn) khỏi được. (Lại) như làm quan ra trận, cứ việc (cho) trong tất cả các quan cấp tụng (câu): “Gặp khí giới đấu đều bày ra trước mặt”, tụng lấy chín chữ này, (thời) năm loại binh khí (4) không trúng vào mình được. (Trong) Bao Bốc Tử (5) gọi đó là “yếu đạo” (6) vậy. Lại (như) đau (bệnh) chuyển gân (7), dùng (trái) mộc qua (đu đủ) hơ lửa (nóng) rồi chườm thì đỡ. Lại có người chỉ kêu lên tên “mộc qua” cũng đỡ; (chính) thân của tôi (đã từng) đạt được sự hiệu nghiệm đó. Mọi sự việc tương tự như thế, người đời đều biết, huống gì là cảnh giới không thể suy lường vậy. Thí dụ thuốc diệt trừ (bệnh) bôi lên trống lại là một sự việc nữa (làm chứng). Ví dụ này đã nêu rõ ở trên, nên không trích dẫn lần nữa. (Còn) có danh khác với pháp là: như các danh (kiểu như) ngón tay chỉ mặt trăng này nọ vậy.

CHÚ THÍCH 39:

(1) Tức ba loại tín tâm ở trên. Các luận đề hay chủ đề của các giáo thuyết thường được gọi là câu (“cú”).

(2) Danh hay tên là để gọi hay để chỉ cho một sự vật thật có như ngón tay chỉ mặt trăng. Lập luận ở đây nghi ngờ là danh hiệu của Phật không thể có tác dụng gì hơn là tên gọi mà thôi.

(3) Ý nói nếu danh hiệu của A Di Đà Phật có thể làm chúng ta giác ngộ, thì ngón tay chỉ mặt trăng kia cũng phải phá được tối ám.

(4) Tức năm loại vũ khí được xử dụng trong quân trận thời xưa.

(5) Một bộ sách luận về thuốc trường sinh, thần tiên, quỷ quái, trị tà trị ma, thế gian sự được thua… do Cát Hồng trước thuận vào thời Đông Tấn.

(6) Yếu đạo nghĩa đen là con đường trọng yếu, ý nói là vấn đề chính yếu nhất trong việc giữ gìn thân mạng.

(7) Không rõ bệnh gì, chắc là bong gân.

TÁC NGUYỆN RA SAO? TÂM THƯỜNG TÁC NGUYỆN: MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM, (MONG SAO) KẾT CUỘC (ĐƯỢC) VÃNG SINH VỀ CÕI NƯỚC AN LẠC, DO MUỐN TU HÀNH (MỘT CÁCH) NHƯ THẬT SA MA THA.

(Người ta) dịch Sa Ma Tha là chỉ (1). Chỉ là ngừng tâm lại một chỗ (để) không làm ác vậy. Danh (từ chỉ được) dịch là chỉ là không trái với ý chính (mà thôi), (còn) nơi nghĩa (thì) chưa đầy đủ. Do đâu mà nói vậy? Như ngừng tâm ở đầu mũi, cũng gọi là chỉ; quán bất tịnh (2) ngừng tham, quán từ bi ngừng sân, các thứ như thế cũng gọi là chỉ. Như người ta định đi (mà) không đi, cũng gọi là chỉ. Mới biết nói “chỉ” (rất) là mênh mang, không (chân) chính (đạt) được danh (từ) Sa Ma Tha (kia) vậy. Như (các cây) xuân, chá, du, liễu (3), tuy đều gọi là (loài thảo) mộc, (song) nếu chỉ nói mộc (thời) làm sao (có) được du, liễu (kia) chớ? Sa Ma Tha (mà) nói là chỉ kia, nay có ba nghĩa: một là một lòng chuyên niệm A Di Đà Như Lai, (với ý) nguyện sinh về cõi kia, (nhờ) danh hiệu của Như Lai này, và danh hiệu của cõi nước này (mà) có thể ngừng tất cả các ác. Hai là cõi An Lạc kia, vượt hẳn đường ba cõi, nếu người nào vừa sinh về nước kia (thời) tự nhiên sẽ ngừng (mọi việc) ác (thuộc) thân miệng ý. Ba là (do nhờ) lực trụ trì chính giác của A Di Đà Như Lai, tự nhiên (người ấy sẽ) ngừng tâm cầu (các quả) Thanh Văn (và) Bích Chi Phật (nữa). Ba loại chỉ này từ công đức như thật của Như Lai mà sinh, cho nên nói (là) do muốn tu hành (một cách) như thật Sa Ma Tha.

CHÚ THÍCH 40:

(1) Samatha phiên âm là sa ma tha, dịch là “chỉ”, tức dừng đứng lại, ngăn lại, cấm ngăn.

(2) Tức quán toàn thân trong ngoài đều không trong sạch. Cốt yếu để đối trị tham dục về thân xác. Xem chú thích về chín tưởng bên dưới.

(3) Các chữ này đều là tên cây.

QUÁN SÁT THẾ NÀO? (LÀ DO) TRÍ TUỆ (MÀ) QUÁN SÁT, CHÍNH NIỆM QUÁN (CÕI) KIA, DO MUỐN TU HÀNH (MỘT CÁCH) NHƯ THẬT TỲ BÀ XÁ NA.

(Người ta) dịch Tỳ Bà Xá Na là quán. (Song) chỉ nói (một cách) rộng rãi (là) quán (vậy thôi), (nên) nghĩa cũng chưa (được) đầy đủ. Do đâu mà nói vậy? Như quán thân vô thường, khổ, không, vô ngã, và chín tưởng (1) các thứ, đều gọi là quán, (thì) cũng như (chỉ nêu) tên (của các thứ cây) như trên (đã trình bày, sẽ) không có được cây xuân cây chá vậy. Tỳ Bà Xá Na (mà dịch) nói là quán đó (thì) cũng có hai nghĩa: một là ở nơi (cõi) này tác ý (mà) quán ba loại công đức trang nghiêm (của cõi) kia. Do các công đức này (vốn) như thật, (nên) người tu hành cũng được công đức như thật, công đức như thật (ở đây) là quyết định được sinh về cõi kia. Hai là vừa được sinh về (cõi) tịnh độ kia, liền gặp Phật A Di Đà, (thời) các Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm kết cuộc được chứng pháp thân bình đẳng, (sẽ) cùng với Bồ Tát (đã chứng) tịnh tâm, cùng với Bồ Tát (ở các) địa trên, kết cuộc cùng được bình đẳng tịch diệt. Cho nên nói (là) do muốn tu hành (một cách) như thật Tỳ Bà Xá Na (2).

CHÚ THÍCH 41:

(1) Chín tưởng tức một cách quán thuộc về quán bất tịnh. Chín tưởng gồm:

1. Tưởng (sau khi chết, thân này) sình trướng lên.

2. Tưởng thây thâm sanh.

3. Tưởng thây tan lở.

4. Tưởng máu mủ xì ra.

5. Tưởng thây tan rã hết.

6. Tưởng thú vật rĩa rúc thây.

7. Tưởng thây tan ra mỗi phần một nơi.

8. Tưởng chỉ còn lại xương trắng.

9. Tưởng xương bị thiêu thành tro bụi.

(2) Vipasyanā (tỳ bà xá na) từ ngữ căn dṛś có nghĩa là “thấy”, hợp với tiếp đầu ngữ Vi, ngụ ý chia ra, phân ra, lan ra. Dṛś chuyển thành động từ gốc Paśya(ti), thêm Vi vào đầu thành Vipaśyati là “thấy ra”, thấy rõ ra. Chuyển thành danh từ Vipaśyana, phiên âm là Tỳ Bà Xá Na, Trung Hoa dịch là quán hay quán sát.

QUÁN SÁT (CÕI) KIA CÓ BA LOẠI. NHỮNG GÌ LÀ BA LOẠI? MỘT LÀ QUÁN SÁT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM (VỀ) CÕI NƯỚC CỦA PHẬT KIA. HAI LÀ QUÁN SÁT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM CỦA PHẬT A DI ĐÀ. BA LÀ QUÁN SÁT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM CỦA CÁC BỒ TÁT.

Tâm duyên (theo) các sự (thể) kia gọi là quán, tâm quán phân minh gọi là sát.

HỒI HƯỚNG THẾ NÀO? KHÔNG BỎ TẤT CẢ CÁC CHÚNG SINH KHỔ NÃO, TÂM THƯỜNG TÁC NGUYỆN HỒI HƯỚNG LÀM ĐẦU, DO (MUỐN) ĐƯỢC THÀNH TỰU TÂM ĐẠI BI.

Hồi hướng có hai loại tướng: một là tướng đi (đến), hai là tướng (quay) về. Tướng đi (đến) là dùng công đức của (chính) mình quay về thí cho tất cả chúng sinh, tác nguyện cùng (họ) vãng sinh về tịnh độ An Lạc của A Di Đà Như Lai. Tướng (quay) về là sinh vào cõi kia rồi, được (năng) lực (làm) phương tiện (của) Sa Ma Tha (và) Tỳ Bà Xá Na (đã) thành tựu, quay về trở vào rừng rậm sinh tử, giáo hóa tất cả chúng sinh cùng hướng về Phật đạo. Hoặc đi (đến) hoặc (quay) về, đều vì kéo chúng sinh qua khỏi biển sinh tử, thế nên nói (là) hồi hướng làm đầu, do (muốn) được thành tựu tâm đại bi.

Thể (và) tướng của quán hạnh là: trong phần này có hai thể: một là thể khí (thế gian) hai là thể chúng sinh. Trong phần (về) khí (thế gian) lại có ba lớp: một là thể (và) tướng của cõi nước, hai là hiển hiện (ý nghĩa) lợi mình lợi người, ba là nhập vào đệ nhất nghĩa. (Giờ) đây nói (về) thể tướng của quốc độ là:

1) Thể tướng của quốc độ.

QUÁN SÁT THẾ NÀO (VỀ) CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM (VỀ) CÕI NƯỚC CỦA PHẬT KIA? CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM (VỀ) CÕI NƯỚC CỦA PHẬT KIA LÀ: DO THÀNH TỰU (NĂNG) LỰC KHÔNG THỂ SUY LƯỜNG, DO NHƯ TÍNH (CHẤT) CỦA BÁU MA NI NHƯ Ý, (VỐN LÀ HAI) PHÁP TƯƠNG TỢ TƯƠNG ĐỐI (VỚI NHAU).

(Năng) lực không thể suy lường (1) là: tổng chỉ (cho) (năng) lực (của) 17 loại công đức trang nghiêm (thuộc) cõi nước (của) Phật kia (vốn) không thể suy lường được vậy. (Theo) các kinh tóm nói có năm loại không thể suy lường: một là chúng sinh nhiều (hay) ít, (điều này) không thể suy lường, hai là lực (của) nghiệp không thể suy lường, ba là lực (của) rồng không thể suy lường, bốn là lực (của) thiền định không thể suy lường, năm là lực (của) Phật pháp không thể suy lường. Trong (năm điều) này (thì) không thể suy lường của cõi Phật có hai loại lực: một là lực (của) nghiệp, ý nói là do (năng) lực (của) nghiệp đại nguyện (vốn từ) thiện căn xuất thế của Bồ Tát Pháp Tạng (2) mà thành. Hai là (cõi đó) do (năng) lực khéo trụ trì của pháp vương A Di Đà mà gom thâu lại (3). (Hai) không thể suy lường này (cứ) như 17 loại (công đức kể) dưới đây (thì) mỗi một tướng đều là không thể suy lường, đến văn (bên dưới) sẽ giải thích (rõ). Do như tính (của) báu Ma Ni Như Ý kia, (vốn là) pháp tương tợ tương đối là: mượn tính chất của báu Ma Ni Ý kia (để) hiển bày tính không thể suy lường của cõi An Lạc vậy. Khi chư Phật vào Niết Bàn, (các Ngài) dùng lực phương tiện (4) để lại các xá lợi (5) của thân phần, để làm phúc cho chúng sinh (6). (Khi) chúng sinh hết phúc (thì) xá lợi này biến thành ngọc báu Ma Ni Như Ý. Ngọc này phần nhiều ở trong biển cả. Đại long vương dùng để trang điểm trên đầu. Nếu Chuyển Luân Thánh Vương (7) ra đời, do phương tiện từ bi (nên) đắc được ngọc này, (mà) làm lợi ích lớn trong Diêm Phù Đề (8). (Chẳng hạn) nếu cần quần áo, ăn uống, đèn đuốc, thuốc thang (thì) khi theo ý (mình) muốn các đồ vật (nào), vua sẽ chay tịnh, đặt ngọc nơi đầu cây cao, (rồi) phát nguyện rằng: “Nếu tôi thực sự là vua Chuyển Luân (thời) xin ngọc báu mưa xuống các vật như thế, hoặc đầy một dặm, hoặc 10 dặm, hoặc 100 dặm, (cứ thế) tùy theo tâm nguyện của tôi”. Khi ấy lập tức từ trong hư không mưa xuống đủ loại (đồ) vật, đều đúng với ước nguyện, thỏa hết ước nguyện của tất cả mọi người, thiên hạ, (đó là) do (năng) lực (thuộc) tính chất (của) báu này. Cõi Phật An Lạc cũng như vậy, do tính (của) cõi nước An Lạc (mà) đủ loại thành tựu. Tương tợ tương đối là do (năng) lực của ngọc báu kia, cầu ăn, mặc, (thời) có thể mưa xuống các vật ăn, mặc, đúng theo ý người cầu, (chứ) không phải là không cầu (mà tự nhiên mưa). (Còn) cõi Phật này thời không như thế, do tính (tự nhiên của cõi đó là) thành tựu thỏa mãn đủ (tất cả nguyện), không hề thiếu sót, lấy tạm tính (ngọc) kia (ra) làm thí dụ nên nói là tương tợ tương đối. Lại báu kia chỉ có thể đáp ứng các nguyện ăn, mặc của chúng sinh (chứ) không thể thỏa đáp nguyện đạo vô thượng cho chúng sinh. Lại báu kia chỉ đáp ứng được nguyện (đối với) một thân của các chúng sinh (chứ) không thể đáp ứng được nguyện của vô lượng thân của chúng sinh (9). (Do) có vô lượng sai khác như thế nên gọi là tương tợ (mà thôi).

CHÚ THÍCH 42:

(1) Hán văn là “bất khả tư nghị”.

(2) Tức tiền thân của A Di Đà Phật, xem kinh Vô Lượng Thọ (đại bổn).

(3) Gom thâu, hán ngữ là “nhiếp”. Có nghĩa là không những Phật A Di Đà đã khai sinh ra thế giới Cực Lạc rồi, mà còn trụ trì tại đó để duy trì (nhiếp) cõi ấy vậy.

(4) Lực phương tiện ở đây liên hệ với đại bi tâm trong ý hướng độ sinh. Do đại bi tâm nên chư Phật hành đủ các công đức và trí huệ, rồi lấy đó làm phương tiện để độ sinh. Sự ra đi (tức vào Niết Bàn) của chư Phật cũng là một năng lực phương tiện để độ sinh. Ngoài ý nghĩa chân chính của Niết Bàn, các ngài còn để lại các xá lợi để lợi ích cho chúng sinh trong chiều hướng cứu độ.

(5) Xá lợi (Śarīna) vốn nghĩa là thân cốt, thân thể, thể xác… được dùng để chỉ cho thi thể của chư Phật (và sau này ngay cả của chư thánh đệ tử Phật) để lại sau khi hỏa tán xong.

(6) Để xá lợi cốt cho chúng sinh phụng thờ. Sự thờ phụng này phát sinh công đức chân thật.

(7) Tức vào thời vua Chuyển Luân (Cakra-vartitva) dùng thập thiện đạo để giáo hóa chúng sinh, nên thời ấy thuần thiện.

(8) Xem chú thích (9), số 3, trang 26.

(9) Ý nói nếu chúng sinh có vô lượng thân thì vô lượng thân đồng muốn một lúc, báu Ma Ni không thể đáp ứng được, nhưng thế giới Cực Lạc có thể đáp ứng cho vô lượng thân của chúng sinh. (Ở đây Đàm Loan Đại sư đưa ra một tính chất đặc biệt của Cực Lạc, nhưng không ngoài tính chất “rộng lớn không bờ bến” và “tất cả được đầy đủ” của cõi này vậy).

QUÁN SÁT (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM (VỀ) CÕI NƯỚC CỦA PHẬT KIA LÀ: CÓ 17 THỨ CẦN PHẢI BIẾT. NHỮNG GÌ LÀ 17?

– MỘT LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) THANH TỊNH TRANG NGHIÊM,

– HAI LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) LƯỢNG TRANG NGHIÊM,

– BA LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) TÍNH TRANG NGHIÊM,

– BỐN LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) HÌNH TƯỚNG TRANG NGHIÊM,

– NĂM LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐỦ LOẠI SỰ TRANG NGHIÊM,

– SÁU LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) DIỆU SẮC TRANG NGHIÊM,

– BẢY LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) XÚC TRANG NGHIÊM,

– TÁM LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) BA THỨ TRANG NGHIÊM,

– CHÍN LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) MƯA TRANG NGHIÊM,

– MƯỜI LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) QUANG MINH TRANG NGHIÊM,

– MƯỜI MỘT LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) DIỆU THANH TRANG NGHIÊM,

– MƯỜI HAI LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) CHỦ TRANG NGHIÊM,

– MƯỜI BA LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) QUYẾN THUỘC TRANG NGHIÊM,

– MƯỜI BỐN LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) THỌ DỤNG TRANG NGHIÊM,

– MƯỜI LĂM LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) KHÔNG CÓ CÁC HOẠN NẠN TRANG NGHIÊM,

– MƯỜI SÁU LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐẠI NGHĨA MÔN TRANG NGHIÊM,

– MƯỜI BẢY LÀ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) TẤT CẢ MONG CẦU ĐẦY ĐỦ TRANG NGHIÊM.

Trước nêu lên các chương môn, tiếp đến đề ra giải thích.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) THANH TỊNH TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “QUÁN TƯỚNG THẾ GIỚI KIA, HƠN HẲN ĐƯỜNG BA CÕI”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? (Vì) có người phàm phu, (nơi họ) phiền não thành tựu (mà) cũng được sinh về cõi nước kia. Nghiệp ràng của ba cõi rốt cuộc không lôi kéo (được). (Như vậy) thời chính là không đoạn phiền não (mà) được (có) phần Niết Bàn. (Như thế thì) sao (mà) có thể suy lường được.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) LƯỢNG TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “CỨU CÁNH TỰA HƯ KHÔNG, RỘNG LỚN KHÔNG BỜ BẾN”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? (Vì) người trời của nước kia, nếu (có) ý muốn cung điện lầu gác, hoặc rộng một do tuần, hoặc trăm do tuần, hoặc ngàn do tuần, ngàn gian vạn gian (thì đều) tùy tâm mà thành, mỗi người (đều được) như thế. Lại (trong) chúng sinh khắp mười phương thế giới, những người (mà) nguyện vãng sinh, thời hoặc đã sinh, hoặc đang sinh, hoặc sẽ sinh, trong khoảng một thời một ngày, (thì đến) toán số (cũng) không thể biết số lượng ấy là bao. Song thế giới kia vẫn như hư không, không có vẻ gì chật hẹp hết. Chúng sinh trong (cõi) đó, ở trong số lượng như thế, (đều) có chí nguyện quảng đại, cũng như hư không không có hạn lượng. Lượng của cõi nước đó có thể thành (tựu) lượng tâm hành (1) của chúng sinh, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 43:

(1) Tâm hành tức xu hướng, tính chất, chủng tính của tâm thức đang hoạt động, đang hiện hành. Tâm hành của chúng sinh vốn luôn theo xu hướng tham, sân, si và hạn cuộc trong ngã kiến… Nhưng nếu sinh vào Cực Lạc thế giới, thế giới này sẽ làm cho tâm hành của chúng sinh trở thành quảng đại vô lượng, tức phát triển về bi, trí theo Đại thừa.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) TÍNH TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÍNH ĐẠO ĐẠI TỪ BI, THIỆN CĂN XUẤT THẾ SINH”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Ví như loài trùng Ca La Cầu La, hình dáng nhỏ bé, nếu gặp gió lớn (thì) thân (thành) như núi lớn. (Nó) tùy gió lớn nhỏ, (lấy đó) làm thân tướng của mình. Chúng sinh sinh về An Lạc cũng y như vậy. Sinh vào thế giới (thuộc) chính đạo kia, tức thành tựu thiện căn xuất thế, (được) nhập vào tụ chính định. Cũng như loài trùng kia chẳng phải thân (mình) mà (là) thân (mình) (1), (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 44:

(1) Ý nói Ca La Cầu La lấy thế gió để biến thân lớn nhỏ, chứ không phải tự ý muốn của nó mà thành. Gió và thân phối hợp trở thành một sự kiện khó suy lường. Như chúng sinh sinh về Cực Lạc được thành tựu thiện căn, chính định vậy, cũng không thể suy lường.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) HÌNH TƯỚNG TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “QUANG MINH SẠCH ĐẦY ĐỦ, NHƯ GƯƠNG, VÒNG NHẬT NGUYỆT”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Thường thì (do) nhẫn nhục (mà) được đoan chính, (đó là do) tâm của tôi ảnh hưởng (mà ra) vậy (1). (Còn ở đây) vừa sinh về (cõi) kia, (thời) không còn sân (và) nhẫn khác nhau (nữa) (2). Sắc lượng của người, trời (ở cõi đó) bằng nhau tuyệt đẹp. Do nhờ (năng) lực của tịnh quang vậy. Quang kia không phải (thuộc về) tâm hành, mà (vẫn) là sự việc của tâm hành, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 45:

(1) Ý nói tâm có công đức nhẫn nên sinh tướng đoan nghiêm.

(2) Ý nói cõi Cực Lạc sân hận và nhẫn nhục đều nhất tướng bình đẳng, tức tướng trí huệ Bát Nhã vậy.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐỦ LOẠI SỰ TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “ĐỦ TÍNH CHẤT TRÂN BẢO, GỒM HẾT DIỆU TRANG NGHIÊM”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Đủ loại sự (1) (ở cõi) kia, hoặc một báu, mười báu, trăm ngàn loại báu, (đều) tùy tâm như ý, không ai không (được) đầy đủ. Nếu (lại) muốn khiến không (sạch) hết, (thì sẽ) lập tức biến mất hết. (Do đó) tâm được tự tại, hơn cả thần thông, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 46:

(1) Đủ loại sự là sự sự vật vật nơi cõi kia vậy.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) DIỆU SẮC TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “QUANG VÔ CẤU RỰC RỠ, SÁNG SẠCH RỌI THẾ GIAN”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Ánh sáng (mà) rọi chiếu (mọi) sự, thời hiện thấu trong ngoài. Ánh sáng này (mà) chiếu rọi tâm, thời hết sạch vô minh. Quang làm Phật sự, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) XÚC (CHẠM) TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “CỎ CÔNG ĐỨC BẰNG BÁU, MỀM MẠI TRÁI PHẢI CHUYỂN, CHẠM VÀO SINH THẮNG LẠC, HƠN CA CHIÊN LÂN ĐÀ”

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Thường thì báu nói cho (sự) cứng rắn, song ở đây (lại) mềm mại, chạm (sinh vui) thích (thì) phải (tham) chấp, mà ở đây (lại) tăng (thêm) đạo (lực). Sự (thể như thế) đồng (với) yêu thích (1), (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 47:

(1) Ý nói vẫn có tâm yêu thích mà vẫn hợp với đạo thể.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) BA THỨ TRANG NGHIÊM LÀ: CÓ BA THỨ PHẢI BIẾT. NHỮNG GÌ LÀ BA? MỘT LÀ NƯỚC, HAI LÀ ĐẤT, BA LÀ HƯ KHÔNG.

Ba thứ này sở dĩ nói chung là do đồng loại với nhau vậy. Do đâu mà nói vậy? Một là cùng loại sáu đại, nghĩa là hư không, thức, đất, nước, lửa, gió (1). Hai là đồng loại không phân biệt, nghĩa là đất, nước, lửa, gió, hư không. (Còn) chỉ nói có ba loại là vì thức đại kia thuộc về chúng sinh thế gian; lửa đại thì vì (cõi) kia không có; (còn) tuy có gió, song gió không thể thấy, không có chỗ trụ. Cho nên trong năm loại thuộc sáu đại, chọn ba loại có (sắc) mà có thể trang nghiêm để nói chung lại.

CHÚ THÍCH 48:

(1) Sáu thứ này phổ biến khắp không gian thời gian nên được gọi là đại (mahābhūta). “Mahā” là to lớn, “bhūta” chỉ cho tính chất, thuộc tính. “Mahābhūta” nghĩa là cái tính chất to lớn…

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) NƯỚC TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “HOA BÁU NGÀN VẠN LOẠI, CHE KHẮP SUỐI AO HỒ, GIÓ THOẢNG LAY HOA LÁ, QUANG GIAO THOA LOẠN CHUYỂN”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Người trời ở cõi tịnh độ kia chẳng phải (do) nước dưỡng thân, (thì) cần gì nước đây! Thanh tịnh (đã) thành tựu, đâu cần (phải) tắm rửa, lại (phải cần) dùng gì (đến) nước nữa sao! Trong (cõi) đó không có bốn thời (tiết), thường điều hòa không nóng bức, (thì) còn (phải cần) dùng gì (đến) nước nữa sao! Không cần mà (vẫn) có, (ắt) phải có lý do. Kinh (1) có nói: các Bồ Tát và Thanh Văn (nơi cõi) kia, nếu vào (trong) ao báu, ý muốn nước ngập đến chân, nước liền ngập chân; muốn lên đến đầu gối, nước tức thì đến đầu gối; muốn đến ngang lưng, nước đến ngay ngang lưng, muốn đến tận cổ, nước đến ngay tận cổ; muốn tưới lên mình, tự nhiên tưới lên mình; muốn rút trở lại, nước liền rút trở lại. (Hoặc) điều hòa (hoặc) lạnh (hoặc) nóng, (đều) tự nhiên theo ý. Sảng (khoái tinh) thần, (vui) thích (thân) thể, trừ sạch (các) cấu (bẩn) của tâm. Trong trẻo lắng sạch, sạch (đến mức) như vô hình. Các báu óng ánh không (chỗ) thâm sâu nào không chiếu (đến). Sóng gợn ngược dòng, quay rót vào nhau. Êm ả nhẹ trôi, không chậm không mau. Sóng dâng vô lượng, diệu thanh tự nhiên. Tùy mỗi người nên nghe ra sao, chẳng ai chẳng được nghe (2). Hoặc nghe thật thanh, hoặc nghe pháp thanh, hoặc nghe tăng thanh, hoặc nghe tịch tĩnh thanh, (hoặc nghe) không, vô ngã thanh, đại từ bi thanh, ba la mật thanh, hoặc nghe mười lực, vô úy, bất cộng pháp (3) thanh, các thông huệ (4) thanh, không sở tác (5) thanh, không khởi (lên) diệt (xuống) thanh, vô sinh nhẫn (5) thanh, cho đến cam lồ quán đỉnh chúng diệu pháp (7) thanh. Các (âm) thanh như thế (tương) xứng (với những) gì chúng sinh (nên phải) được nghe, (thế nên chúng sinh) hoan hỉ vô lượng. (Các âm thanh đó) tùy thuận theo nghĩa chân thật tịch diệt ly dục thanh tịnh, tùy thuận theo (các) pháp bất cộng vô sở úy tam bảo lực, tùy thuận theo đạo mà các thông huệ Bồ Tát Thanh Văn thực hành. Không có danh (xưng) ba đường khổ nạn, chỉ có âm (thanh) khoái lạc tự nhiên. Cho nên nước kia gọi là An Lạc. Nước ở đây làm Phật sự, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 49:

(1) Tức Vô Lượng Thọ kinh (đại bổn).

(2) Nguyên văn: “Tùy kỳ sở ưng, mạc bất văn giả”, tức âm thanh đáp ứng đúng với căn tính của mỗi chúng sinh mà biến hiện ra các pháp tương ưng để ích lợi cho người nghe.

(3) Bất cộng là không có chung với nhau. Đức Phật có các tính chất mà các Bồ Tát Thanh Văn, người trời không có được, nên gọi là bất cộng pháp. Tóm lược có 18 pháp, tức 10 lực, 4 vô úy, 3 niệm trụ và đại bi. Song Đại Trí Độ Luận lại kê ra 18 pháp khác (xem Đại Trí Độ Luận quyển 26).

(4) Thông huệ (hoặc thông minh huệ), tức sáu thần thông (cùng với 3 minh) và 3 huệ. Sáu thông là: 1. Thiên nhãn thông -2. Thiên nhĩ thông – 3. Túc mệnh thông (biết kiếp trước) – 4. Tha tâm thông (biết tâm người khác) – 5. Thần túc thông (đi trên không, trên nước, qua tường vách không trở ngại) – 6. Lậu tận thông (hết phiền não, dứt sinh tử). Ba huệ tức là: 1. Văn huệ (do nghe mà có huệ) – 2. Tư huệ (do suy tư mà có huệ) – 3. Tu huệ (do tu tập mà có huệ).

(5) Vô sở tác là không tạo tác ra, tức không có nhân duyên.

(6) Xem chú thích (16), trang 30.

(7) Cam lồ là chất tối thượng mỹ vị, ví cho diệu pháp giác ngộ giải thoát. Quán đỉnh là rót lên trên đỉnh đầu. Lệ cổ xưa bên Ấn Độ, các con vua thụ nhận lễ quán đỉnh, lấy nước thánh rót lên đỉnh đầu, tức chính thức thành Thái tử để kế nghiệp vua cha. Phật pháp lấy đó làm thí dụ cho các bậc Bồ Tát nhập đạo và an trụ vững vàng trong đạo.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐẤT TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “CUNG ĐIỆN CÁC LẦU GÁC, THẤY MƯỜI PHƯƠNG KHÔNG NGẠI, CÂY TẠP QUANG ĐỦ SẮC, LAN CAN BÁU GIÁP VÒNG”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Đủ các thứ sự (trang nghiêm ở cõi) kia, hoặc một báu, mười báu, trăm báu, (cho đến) vô lượng báu, (đều) tùy tâm đúng ý, (mà) trang nghiêm đầy đủ. (Các) sự trang nghiêm này như gương sáng sạch, các tướng sạch bẩn của (các) cõi nước ở mười phương, (các) nghiệp duyên thiện ác, tất cả điều hiện (trong ấy) (1). Người trời trong (cõi) ấy do thấy các sự (việc) kia, (thời) các lẽ dò nước sôi (và) không kịp (đủ) (2) tự nhiên (sẽ) thành tựu. Lại cũng như các đại Bồ Tát lấy các báu chiếu (sáng) pháp tính làm mũ. Trong mũ báu này, đều thấy (được) chư Phật, lại thông đạt tính của tất cả các pháp. Lại như khi Phật nói kinh Pháp Hoa, phóng hào quang (ở) giữa (hai) lông mày chiếu (khắp về) phía đông (đến) vạn tám ngàn cõi, đều như sắc vàng. Từ ngục A Tỳ lên đến (trời) hữu đỉnh (3), sáu nẻo chúng sinh trong các thế giới (4), (các) chỗ hướng đến (thuộc về) sinh tử, (các) nghiệp duyên thiện ác, (nào) thọ báo xấu tốt, trong (hào quang) này đều thấy (rõ). Vốn cũng đồng (một) loại như nhau vậy. (Các hình) bóng này làm Phật sự, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 50:

(1) Tức đều hiện trong các báu trang nghiêm.

(2) Nguyên văn “thám thang bất cập”. “Thám thang” là dò thử nước sôi nóng, “bất cập” là không kịp. Lối diễn tả này mượn theo Luận Ngữ (chương Lý Thị) của Nho học, trong đó có câu “Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thang”, có nghĩa là coi việc thiện như không bao giờ đủ hết, coi việc bất thiện như dò thử nước sôi. Ý nói đối với việc thiện thì làm hoài cũng không cho là đủ, còn đối với việc ác thì thật dè dặt không dám phạm vào như lấy tay xem nước nóng ra sao vậy. Do đó, “thám thang” và “bất cập” có nghĩa là sợ làm ác và ham làm thiện.

(3) Trời hữu đỉnh (Akaniṣṭha) chính là “sắc cứu cánh thiên”. Từng trời tột cùng của cõi sắc, tức cõi có hình sắc, trên nữa là thuộc cõi vô sắc, tức vô hình sắc. Thế nên cõi này được coi là ở trên đỉnh của các thế giới hữu hình, nên gọi là hữu đỉnh.

(4) Sáu nẻo chúng sinh tức 6 lối đi luân hồi gồm: 1. địa ngục, 2. ngạ quỷ, 3. súc sinh, 4. a tu la, 5. người, 6. trời.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) HƯ KHÔNG TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “VÔ LƯỢNG BÁU GIAO NHAU, HƯ KHÔNG TRÀN LƯỚI VÕNG, ĐỦ LOẠI LINH VANG HƯỞNG, NGÂN NGA ÂM DIỆU PHÁP”.

(Sự thành tựu) ở đây tại sao (lại) không thể suy lường (được)? Kinh nói: Vô lượng võng báu che chở cõi Phật, đều dùng chỉ vàng trân châu, trăm ngàn báu tạp, kỳ diệu quý lạ, trang nghiêm chỉnh sức. Bốn mặt giáp vòng treo rũ linh báu. Quang sắc lấp lánh, đẹp đẽ cực kỳ. Gió đức (1) tự nhiên, nhẹ nổi thoáng lay. Gió này điều hòa, không lạnh không nóng, ấm mát mềm mại, không chậm không mau, thổi các lưới võng cùng những cây báu, phát ra vô lượng pháp âm vi diệu, lan xa vạn loại đức hương ôn nhã. Có ai nghe được (pháp âm nọ), (thời) thói dơ bụi bặm (2), tự nhiên không khởi. Gió chạm vào thân, đều được khoái lạc. Âm thanh (ở) đây làm Phật sự, (chuyện đó làm) sao (lại) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 51:

(1) Gió đức là gió công đức, gió mà có tác dụng công đức.

(2) Nguyên văn “trần lao cấu tập”, nói cho các tập khí tham sân si phiền não dính líu vào các cõi luân hồi uế trược.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) MƯA TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “MƯA HOA, Y, TRANG NGHIÊM, VÔ LƯỢNG HƯƠNG HUÂN KHẮP”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)?

Kinh nói: gió thổi rải hoa khắp cùng cõi Phật, thứ tự theo sắc mà không tạp loạn, mềm mại trơn nhuần, hương thơm ngào ngạt. Chân đạp trên (hoa) ấy, thun xuống bốn tấc, theo chân nhấc lên, hoàn lại như cũ. Hoa dùng xong rồi, đất liền mở ra, để lần lượt biến mất, trong sạch không sót (lại chút) gì (1). Tùy theo thời tiết (mà) gió thổi rải hoa, cứ thế sáu hồi. Lại các hoa sen báu đầy khắp thế giới. Mỗi một hoa báu, (có) trăm ngàn ức lá. Quang minh của (các) hoa này (gồm) vô lượng sắc loại. Sắc xanh (thì) quang xanh, sắc trắng (thì) quang trắng, đen vàng đỏ tím, quang (và) sắc (đều) rỡ ràng. Ứng rạng sáng rực, tỏ ngời (như) nhật nguyệt. Trong mỗi một hoa phát ra 36 trăm ngàn ức quang. Trong mỗi một quang phát ra 36 ngàn ức (vị) Phật, thân màu vàng tía, tướng tốt đặc biệt. Mỗi một chư Phật (2) lại phóng ra trăm ngàn quanh minh, vì khắp (chúng sinh) mười phương nói lên pháp vi diệu. Chư Phật như thế, mỗi vị an lập vô lượng chúng sinh vào chính đạo của Phật. Hoa (mà) làm Phật sự, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 52:

(1) Ý nói các hoa này biến hết vào lòng đất không để lại chút gì thành rác rưởi.

(2) Tức mỗi vị Phật trong từng nhóm 36 trăm ngàn ức đức Phật hiện ra trong mỗi một quang mà gồm tất cả là 36 trăm ngàn ức quang.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) QUANG MINH TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “MẶT TRỜI PHẬT HUỆ SÁNG, SẠCH TRỪ THẾ ÁM SI”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Quang minh của cõi kia, từ trí tuệ của Như Lai báo ứng mà khởi (lên). Ai mà chạm vào (thời) vô minh tối tăm rốt đều tiêu trừ. Quang minh không phải là huệ (mà) có thể (làm tác) dụng (như) của huệ, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) DIỆU THANH TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “PHẠM THANH NGỘ SÂU XA, VI DIỆU VỌNG MƯỜI PHƯƠNG”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Kinh nói: Nếu người nào chỉ (cần được) nghe (nói là) cõi nước kia thanh tịnh an lạc, (rồi) ghi nhớ nguyện sinh, cũng (sẽ) được vãng sinh (và) liền nhập tụ chính định. Đây là danh tự của cõi nước (mà) làm Phật sự, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) CHỦ TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÍNH GIÁC A DI ĐÀ, VUA PHÁP KHÉO TRỤ TRÌ”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Chính giác A Di Đà (là) không thể suy lường được. Tịnh độ An Lạc kia, do thực hiện của chính giác A Di Đà giữ trì (thì) làm sao có thể suy lường nổi đây. Trụ gọi là không đổi, không diệt, trì gọi là không tản, không mất. Như dùng thuốc không mục rữa bôi lên hạt mầm, (cho) vào nước (sẽ) không rữa, vào lữa không thiêu, (mà) gặp nhân duyên (thì) liền sinh. Cớ sao vậy? Do lực của thuốc không rữa. Nếu người nào mà sinh vào tịnh độ An Lạc, ý nguyện sau đó (là) sinh vào ba cõi (để) giáo hóa chúng sinh. (Người ấy) bỏ mạng (thuộc) tịnh độ, tùy nguyện được sinh (vào ba cõi). Tuy sinh vào ba cõi (như) tạp sinh trong nước lửa, (song) hạt giống bồ đề vô thượng rồi ra không rữa nát. Tại sao vậy? Vì đã (trãi) qua sự khéo giữ trì của chính giác A Di Đà.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) QUYẾN THUỘC TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “NHƯ LAI TỊNH HOA CHÚNG, CHÍNH GIÁC HOA HÓA SINH”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Thường thì tạp sinh (vào các) thế giới, hoặc thai hoặc trứng hoặc ẩm thấp hoặc hóa, quyến thuộc bao nhiêu, khổ sướng vạn kiểu. (Đó là) do bởi tạp nghiệp. Cõi nước An Lạc kia, (thời) không ai không phải là do (trong) tịnh hoa chính giác của A Di Đà Như Lai mà hóa sinh. Bởi cùng một (tính chất) niệm Phật, không đạo nào khác. Suốt hết hễ cứ thuộc trong (vòng) pháp giới (1) (thì) đều là anh em vậy. Quyến thuộc vô lượng, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 53:

(1) Pháp giới: Chữ “giới” theo Phạm văn là Dhātu, cũng có nghĩa là “tính”. Mọi hiện hữu đều là những thành quả. Mà quả dĩ nhiên phải có nhân. Quả bị nhân quy định và hoàn toàn bị hạn cuộc trong giới hạn của nhân. Thế nên các yếu tố nhân căn bản được gọi là giới (Dhātu) vậy.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) THỌ DỤNG TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “YÊU THÍCH PHẬT PHÁP VỊ, THIỀN TAM MUỘI MÓN ĂN”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Không ăn mà nuôi được mạng (mình). Do vì (mạng) được nuôi ấy có duyên do vậy. Không phải (đó là do) Như Lai (đã) thành mãn bổn nguyện (của ngài mà ra hay) sao (1). Nhận lấy nguyện của Phật làm mạng (sống) của tôi, (chuyển ấy làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 54:

(1) Có nghĩa là sinh mạng của chúng ta nơi Tịnh Độ không phải là nghiệp thức của cá nhân mình mang lại. Do tín tâm và nguyện tâm hồi hướng vãng sinh Tịnh Độ, chúng ta có thể nhận lấy tất cả tịnh nghiệp của Tịnh Độ là sinh mạng của chúng ta nơi Tịnh Độ vậy. Mà tịnh nghiệp nơi Tịnh Độ lại chính là kết quả (trang nghiêm công đức) thành mãn cho các bổn nguyện cứu độ chúng sinh của A Di Đà Phật vậy. Thế nên sinh mạng của chúng sinh nơi Tịnh Độ chính là sự thành mãn bổn nguyện của Phật A Di Đà.

Có lẽ đây là khởi nguyên cho lập trường rằng tin vào bổn nguyện của A Di Đà là hội đủ mọi yếu tố để vãng sinh Tịnh Độ, mà đã ảnh hưởng sâu rộng đến tịnh độ tông Nhật Bản chăng?

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) KHÔNG CÓ CÁC (TAI) HỌA TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “DỨT LÌA THÂN TÂM NÃO, THƯỜNG THỌ LẠC KHÔNG NGƯNG”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Kinh nói: Thân là đồ khổ, tâm là mối phiền. Nhưng (cõi) kia có thân có tâm mà thọ lạc không ngơi, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐẠI NGHĨA MÔN TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “ĐẠI THỪA THIỆN CĂN GIỚI, BẰNG, KHÔNG DANH XẤU XA, NGƯỜI NỮ VÀ CĂN KHUYẾT, GIỐNG HAI THỪA KHÔNG SINH”. QUẢ BÁO (ĐƯỢC SINH VỀ) TỊNH ĐỘ LÌA KHỎI HAI THỨ LỖI XẤU XA CẦN PHẢI BIẾT: (HAI LỖI XẤU XA GỒM) MỘT LÀ THỂ, HAI LÀ DANH. THỂ (LẠI) CÓ BA THỨ: MỘT LÀ NGƯỜI HAI THỪA, HAI LÀ NGƯỜI NỮ, BA LÀ NGƯỜI KHÔNG ĐỦ CÁC CĂN. (DO CÕI TỊNH ĐỘ) KHÔNG CÓ BA LỖI NÀY, (NÊN) GỌI LÀ “LÌA (XA) THỂ XẤU XA”. (VỀ) DANH CŨNG (GỒM CÓ) BA THỨ: (CÓ NGHĨA LÀ) KHÔNG PHẢI (NƠI TỊNH ĐỘ) CHỈ KHÔNG CÓ BA THỂ, (MÀ) BỞI CHO ĐẾN KHÔNG NGHE ĐẾN CẢ CÁC DANH XƯNG HAI THỪA, NGƯỜI NỮ VÀ KHÔNG ĐỦ CÁC CĂN NỮA, (NÊN) GỌI LÀ “LÌA (XA) DANH XẤU XA”. (CÒN CHỮ) BẰNG LÀ (CÁC CHÚNG SINH TRONG CÕI TỊNH ĐỘ) MỘT TƯỚNG BẰNG NHAU VẬY.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Thường đồ (dùng) chung của các vị cõi trời, (hoặc như) cơm có màu sắc (khác nhau), tùy theo phúc (nhiều ít). Ngón chân ấn xuống, mới rõ ý chỉ đâu vàng đâu sỏi (1). Song người nguyện vãng sinh thì vốn ba lần ba phẩm (2) mà nay chẳng có sai khác một hai, cũng như (sông) Chuy (và sông) Thằng (3) một vị, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 55:

(1) Nguyên văn: “Túc chỉ án địa, nãi tường kim lịch chi chi”. Phẩm Phật Quốc trong kinh Duy Ma có đoạn ghi “Thế rồi Phật dùng ngón chân ấn xuống đất (túc chỉ án địa), tức thời ba ngàn đại thiên thế giới (được) trăm ngàn trân bảo như thế trang sức, ví như cõi Bảo Trang Nghiêm vô lượng công đức của Phật Bảo Trang Nghiêm”. Ý ở đây muốn nói các cõi có sạch có dơ là do trí huệ phước đức của chúng sinh không được trọn vẹn, như trong kinh, Xá Lợi Phất nghi ngờ cõi Phật Thích Ca ô uế, nên Phật mới ấn ngón chân xuống đất để cho thấy với trí huệ chân thật của chư Phật, mọi cõi đều trong sạch bình đẳng. Vấn đề ở chỗ có trí huệ chân thật hay không. Cho nên tuy chúng sinh thấy có cõi sạch cõi dơ, song nơi thật tướng chân thật, các cõi đồng một vị.

(2) Ba lần ba phẩm tức chín phẩm độ sinh của Phật A Di Đà (xem Quán Vô Lượng Thọ Kinh).

(3) chỉ là hai sông bên Trung Hoa, lấy ra làm ví dụ mà thôi, vị các sông tuy có khác, song vào vào đến biển chỉ là một vị.

THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐẦY ĐỦ TẤT CẢ MONG CẦU TRANG NGHIÊM LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÚNG SINH BAO ƯỚC NGUYỆN, TẤT CẢ ĐỀU ĐẦY ĐỦ”.

(Sự thành tựu ở) đây tại sao (lại) không (thể) suy lường (được)? Người trời (ở) nước kia, nếu muốn nguyện đến vô lượng cõi Phật (ở khắp) thế giới (trong) mười phương, (để) cúng dường chư Phật (và) Bồ Tát, và (muốn có) các vật dụng cần thiết để cúng dường, (thời) không muốn nào không như nguyện. Lại muốn bỏ thọ mạng (của mình nơi cõi) kia (để) sinh về các nước khác, (muốn sinh ra được sống) lâu ít (đều) tự tại, tùy ý (muốn) đều được (như nguyện). Chưa lên đến (địa) vị tự tại (1) mà đồng (với) tác dụng tự tại, (chuyện đó làm) sao (mà) có thể suy lường được.

CHÚ THÍCH 56:

(1) Tự tại là tùy thích như ý không hề bị trở ngại. Tuy nhiên ở đây là nói cho các phương diện trí huệ, công đức và thần thông trong đạo, chứ không phải nói cho tham, sân, si được tự tại tùy ý.

2) Hiển hiện lợi mình lợi người.

NÓI TÓM (XONG VỀ) SỰ THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) 17 THỨ TRANG NGHIÊM CỦA CÕI PHẬT A DI ĐÀ KIA. (TRONG ĐÓ) HIỂN HIỆN (LÊN) SỰ THÀNH TỰU CỦA LỰC CÔNG ĐỨC LỚN VỀ LỢI ÍCH (CHO) CHÍNH THÂN MÌNH, (QUA) SỰ THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) LỢI ÍCH (CHO) NGƯỜI KHÁC.

Nói tóm là nêu lên công đức của tịnh độ kia là vô lượng, (chứ) không phải chỉ có 17 thứ vậy. Cũng như (núi) Tu Di mà cho vào hạt cải, lỗ chân lông mà chứa trọn biển lớn. Nào phải (do) núi biển (có) thần thánh gì đâu, (hay chân) lông (hạt) cải có năng lực chi đâu. Cái làm nên thần diệu, (chỉ cái đó) mới thần diệu mà thôi. Cho nên 17 thứ tuy bảo là lợi người, (song) ý nghĩa lợi mình hiển nhiên đủ thấy (1).

CHÚ THÍCH 57:

(1) Ý nói cái gì tạo ra sự thần diệu, cái đó chính là thần diệu, cũng như ai làm lợi ích cho người thì chính người ấy là lợi ích vậy. Nên đã lợi tha rồi thì chính tự mình là lợi rồi.

3) Nhập vào đệ nhất nghĩa đế.

SỰ TRANG NGHIÊM CÕI (CỦA) PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ KIA (LÀ) TƯỚNG (CỦA) CẢNH GIỚI (VI) DIỆU (THUỘC) ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ, (TRONG ĐÓ) MƯỜI SÁU CÂU VÀ MỘT CÂU (ĐƯỢC) NÓI RA (MỘT CÁCH) THỨ TỰ, CẦN PHẢI BIẾT.

Đệ nhất nghĩa đế là pháp nhân duyên (của) Phật vậy. Đế này là nghĩa cảnh cho nên 16 câu (về) các thứ trang nghiêm được gọi là tướng cảnh giới vi diệu. Ý nghĩa này đến đoạn văn “nhập (vào) một câu pháp” (thì) sẽ lại giải thích (chi tiết).

Và một câu thứ tự là ý nói 17 câu tóm (chung) (nói) riêng về quán các (sự thanh) tịnh của khí (thế gian) là thứ tự của quán hạnh vậy. Thế nào là khởi (lên) thứ (tự)? Chương kiến lập (1) có nói “quy mạng vô ngại quang Như Lai, nguyện sinh nước An Lạc”. Nơi đây có (điều đáng) nghi. Nghi rằng sinh là gốc của hữu, (là) nguồn của các lụy (2). Bỏ sinh (để lại) nguyện sinh, sinh (làm) sao hết được. Để giải nghi này, cho nên (phải) quán (sự) thành tựu công đức trang nghiêm của tịnh độ kia. (Mới) rõ tịnh độ kia là sinh mà không sinh, (vì vốn là) bổn nguyện thanh tịnh của A Di Đà Như Lai, (chứ) không phải như (là cái) sinh hư vọng thuộc ba cõi vậy. Do đâu mà nói vậy? Thường thì pháp tính (vốn) thanh tịnh, chung cuộc (là) vô sinh. Nói sinh thì đó là (thể theo cái) tình (thức) của kẻ có sinh vậy. Sinh (kia) nếu (như là) không sinh, (thì) sinh (làm) sao có tận. Thường (thì nếu) sinh mà (có) tận, (thời) trên mất (cái) thân không làm mà năng làm (3), dưới mê cố tật ba KHÔNG mà không KHÔNG (4). (Các) căn (bại) hoại mất (tuyệt) luôn, gào (khóc) động ba ngàn (5), chẳng trở (lại) chẳng (quay) về, do đấy (mà) phải thẹn (6). Thường (cứ) thể theo sinh lý (7), (thì sinh ấy) gọi là tịnh độ. Căn nhà tịnh độ chính là 17 câu (8) được nói kia. Trong 17 câu (phân thành) tổng (quát) và (phân) biệt là hai (phần). Câu đầu tổng tướng, tức (ý) nói là cõi Phật thanh tịnh này hơn quá đường ba cõi. (Cõi mà) hơn hẳn ba cõi kia có (những) tướng gì? (Thì) chính là (các) tướng thành tựu công đức của 16 thứ trang nghiêm kế dưới. Một là lượng, cứu cánh tựa hư không, vì rộng lớn không bờ bến. Biết lượng rồi, (thử hỏi) lượng này lấy gì làm gốc? Nên phải quán tính. (Vì) tính là nghĩa của gốc. Tịnh độ kia do chính đạo từ bi, thiện căn xuất thế sinh. Đã nói (là) thiện căn xuất thế, (thì) thiện căn này sinh những tướng gì? Cho nên tiếp quán hình tướng trang nghiêm. Biết hình tướng xong, nên biết (các) hình tướng (này) thể là những gì? Cho nên kế quán đủ loại sự. Đã rõ đủ loại sự, nên biết diệu sắc của đủ loại sự, cho nên tiếp quán diệu sắc. Đã biết diệu sắc (thì) sắc này có xúc thế nào? Cho nên tiếp quán xúc. Đã biết thân xúc, cần biết mắt xúc. Cho nên tiếp quán ba sự trang nghiêm thuộc nước, đất và hư không. Đã biết mắt xúc, cần biết lỗ mũi xúc, cho nên kế quán y (áo), hoa, hương xông. Đã biết các xúc mắt mũi này nọ, cần biết lìa nhiễm. Cho nên tiếp quán Phật huệ chiếu minh. Đã biết lực (thanh) tịnh (của) ánh sáng huệ, nên biết danh tiếng xa gần, cho nên kế quán phạm thanh nghe xa. Đã biết danh tiếng, nên biết ai (là người) làm tăng thượng (9), cho nên kế quán chủ. Đã biết có chủ, (thời) ai là quyến thuộc của chủ? Cho nên tiếp quán quyến thuộc. Đã biết quyến thuộc, cần biết quyến thuộc này thọ dụng ra sao, cho nên tiếp quán thọ dụng. Đã biết thọ dụng, cần biết thọ dụng này có (hoạn) nạn (hay) không (hoạn) nạn, cho nên kế quán không các (hoạn) nạn. Đã biết không các (hoạn) nạn, (thì) do nghĩa gì mà không các nạn? Cho nên kế quán đại nghĩa môn. Đã biết đại nghĩa môn, cần biết đại nghĩa môn (thành) mãn hay không (thành) mãn, cho nên kế quán (các) cầu mong (được) thành mãn. Lại nữa, 17 câu này không phải chỉ giải nghi, (mà) quán sự thành tựu của 17 thứ trang nghiêm này (còn) sinh được tín chân thật (10), chắc chắn được sinh cõi Phật An Lạc.

Hỏi rằng: Trên nói (là) biết sinh (là) không sinh, (thì) sẽ là thượng phẩm sinh. (Còn) như người (sinh) hạ hạ phẩm, nương theo mười niệm vãng sinh, thế không phải là nhận lấy sinh thật đó sao? (Mà) cứ nhận lấy sinh thật, tức (sẽ) đọa (vào) hai chấp: một (là) sợ không được vãng sinh, hai là sợ sinh (một lần) nữa (sẽ) sinh (các) hoặc (11).

Đáp rằng: Ví như ngọc Ma Ni sạch đặt vào nước đục, nước liền trong sạch. Nếu người (vãng sinh) tuy có vô lượng tội đục về sinh tử, (mà) nghe được danh hiệu (như) ngọc báu cùng cực vô sinh thanh tịnh của Phật A Di Đà Như Lai kia, cho vào (trong) tâm đục, (thì) trong từng niệm một, tội (sẽ) diệt, tâm (sẽ) tịnh, được ngay vãng sinh. Lại ngọc Ma Ni này, lấy lụa (mầu) vàng (hoặc) đen bọc lại, cho vào trong nước, nước thành vàng (hoặc) đen, y như mầu (thật của) vật (bọc kia). Cõi Phật thanh tịnh kia, có A Di Đà Như Lai là ngọc báu vô thượng, dùng lụa (là sự) thành tựu công đức vô lượng trang nghiêm bọc lại, cho vào trong chỗ nước tâm của người vãng sinh (thời) chẳng lẽ không thể chuyển cái thấy sinh thành trí vô sinh được sao? Lại như trên băng thắp lửa, lửa mạnh ắt băng tan, băng tan thời lửa tắt. Người (vãng sinh thuộc) hạ phẩm kia, tuy không biết pháp tính (vốn) không sinh, (song) chỉ do (năng) lực xưng Phật danh, lập ý vãng sinh, nguyện sinh cõi kia, cõi kia (vốn là) cõi không sinh, (nên) ngọn lửa thấy (là) có sinh tự nhiên sẽ diệt.

CHÚ THÍCH 58:

(1) Tức bài kệ đầu tiên tạo dựng căn bản cho bổn luận, tức lý do tạo luận vậy.

(2) Lụy là vướng víu trong phiền não sinh tử.

(3) Nguyên văn: “Vô vi năng vi chi thân” tức Pháp (giới) thân vậy. Pháp thân không sinh mà sinh, không làm (vô vi) mà làm (năng vi).

(4) Nguyên văn: “Tam không bất không chi cố”. Ba KHÔNG thông thường chỉ cho KHÔNG, vô tướng và vô nguyện. Ý nói phàm phu không thấy rõ các pháp bản thể là KHÔNG, hiện tướng cũng là KHÔNG, tức vô tướng, hiện hành cũng là KHÔNG, tức vô nguyện. Do mê muội không thấy rõ ba KHÔNG này tuy KHÔNG mà vẫn không phải là KHÔNG. Nghĩa là bản thể các pháp là KHÔNG mà các pháp vẫn hiện có, vẫn có tướng, vẫn có hành, như ánh trăng trong nước, không thật có mà vẫn có ánh trăng. Thế nên thành cố tật (chấp KHÔNG).

(5) Nguyên văn: “Căn bại vĩnh vong, hiệu chấn tam thiên”. Do không đạt được pháp thân, do không thể được pháp KHÔNG mà không KHÔNG, nên khi thân hoại mạng chung, khóc lóc vang cả ba ngàn đại thiên thế giới.

(6) Nguyên văn: “Vô phản vô phục, ư tư chiêu sỉ”. Câu này tiếp ý với câu trên, là chết rồi kêu khóc chẳng thấy trở lại. Đó là nêu rõ ý nghĩa có sinh có tận theo thế gian. Câu cuối do đó mà phải chịu xấu thẹn không sáng nghĩa lắm. Có lẽ ý nói kẻ phàm phu không rõ lý sinh mà vô sinh, tận mà không tận, nên thấy có sinh có tận rồi khóc lóc kêu than, thật là đáng hổ thẹn cho sự vô minh của mình.

(7) Sinh lý tức lý chân thật của sinh thì sinh mà không sinh vậy. Đó là ý nghĩa của vãng sinh Tịnh Độ.

(8) Tức 17 quán cảnh về nước (khí thế gian) Cực Lạc đã nói ở trên.

(9) Làm tăng thượng là năng tác nhân giúp cho các hiện hành (ở đây là phạm thanh nghe xa) được thể hiện hoàn mãn.

(10) Tịnh tín là tin vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc chân thật tức tin vào công đức chân thân tức công đức trang nghiêm của Tịnh Độ.

(11) Tức các phiền não thuộc kiến đạo và tư đạo. Thanh tịnh hết các kiến chấp là kiến đạo, trừ hết mọi phiền não thuộc tình cảm (tham, sân, si…) là tư đạo.

(Về thể tướng của quán hạnh phần thể khí đã nói xong, kế đến là phần) thể chúng sinh thì trong phần này gồm hai lớp, một là quán Phật, hai là quán Bồ Tát. Quán Phật là:

THẾ NÀO LÀ QUÁN (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) TRANG NGHIÊM (CỦA) PHẬT? QUÁN (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) TRANG NGHIÊM (CỦA) PHẬT THỜI CÓ TÁM THỨ TƯỚNG CẦN PHẢI BIẾT:

Ý nghĩa (của các) quán này đã hiển rõ (trong phần) kệ đàng trước.

NHỮNG GÌ LÀ TÁM THỨ? MỘT LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) TÒA TRANG NGHIÊM, HAI LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) NGHIỆP THÂN TRANG NGHIÊM, BA LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) NGHIỆP MIỆNG TRANG NGHIÊM, BỐN LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) NGHIỆP TÂM TRANG NGHIÊM, NĂM LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐẠI CHÚNG TRANG NGHIÊM, SÁU LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) CẦM ĐẦU TRANG NGHIÊM, BẨY LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) CHỦ TRANG NGHIÊM, TÁM LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) KHÔNG UỔNG RA SỨC TRỤ TRÌ TRANG NGHIÊM.

GÌ LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) TÒA TRANG NGHIÊM? DO KỆ RẰNG: “VÔ LƯỢNG VUA BÁU LỚN, ĐÀI HOA SẠCH VI DIỆU”.

Nếu muốn quán tòa, xin y theo kinh Quán Vô Lượng Thọ.

GÌ LÀ (SỰ) CÔNG ĐỨC (VỀ) NGHIỆP THÂN TRANG NGHIÊM? DO KỆ RẰNG: “TƯỚNG TỐT RẠNG MỘT TẦM, SẮC TƯỢNG VƯỢT QUẦN SINH”.

Nếu muốn quán thân Phật, xinh y theo kinh Quán Vô Lượng Thọ.

GÌ LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) NGHIỆP MIỆNG TRANG NGHIÊM? DO KỆ RẰNG: “TIẾNG NHƯ LAI VI DIỆU, TỊNH VANG KHẮP MƯỜI PHƯƠNG”.

GÌ LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) NGHIỆP TÂM TRANG NGHIÊM? DO KỆ RẰNG: “ĐỒNG ĐẤT, NƯỚC, LỬA, GIÓ, HƯ KHÔNG, KHÔNG PHÂN BIỆT”. KHÔNG PHÂN BIỆT ĐÂY LÀ DO TÂM KHÔNG PHÂN BIỆT VẬY.

Ba nghiệp thân, miệng, ý của chúng sinh là để tạo tội. (Do đó) luân chuyển ba cõi, không có cùng tận. Cho nên chư Phật, Bồ Tát trang nghiêm ba nghiệp thân, miệng, ý, dùng (để) trị ba nghiệp hư dối của chúng sinh vậy. Dụng trị thế nào? Chúng sinh do (cái) thấy (về) thân (1) nên chịu (nào là) thân ba đường (ác), thân ti tiện, thân xấu xí, thân tám nạn (2), thân lưu chuyển (3). Các chúng sinh như thế nếu (như) thấy (được) thân quang minh tốt tướng của A Di Đà Như Lai (thì) đủ thứ trói ràng (thuộc) nghiệp thân như trên (sẽ) đều được giải thoát. (Do đó được) vào nhà Như Lai, rốt cuộc được nghiệp thân bình đẳng. Chúng sinh do kiêu mạn nên phỉ báng chính pháp, nhục mạ thánh hiền, coi thường tôn trưởng. Những (loại) người ấy đáng bị khổ lóc lưỡi, khổ câm ngọng, khổ nói giảng không xong, khổ không danh tiếng. Các chúng sinh khổ đủ thứ như thế, (nếu) nghe được danh hiệu chí đức của A Di Đà Như Lai, (hoặc) âm thanh nói pháp (của ngài) (thì đối với) các thứ buộc ràng (thuộc) nghiệp miệng ở trên, đều được giải thoát. (Sẽ được) vào nhà Như Lai, rốt cuộc được miệng nghiệp bình đẳng. Chúng sinh do thấy (theo) tà, (nên) tâm sinh phân biệt, (cho rằng các pháp) hoặc có hoặc không có, hoặc không phải hoặc phải, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc thiện hoặc ác, hoặc đây hoặc kia, có đủ thứ phân biệt như thế. Do vì phân biệt nên trôi mãi (trong) ba cõi, chịu đủ thứ khổ phân biệt, khổ lấy bỏ (4), mộng dài (trong) đêm lớn, chẳng có ngày ra. Các chúng sinh này nếu gặp (được) ánh sáng bình đẳng của A Di Đà Như Lai chiếu đến, nếu nghe (được) nghiệp ý bình đẳng của A Di Đà Như Lai, (thời) các chúng sinh này (đối với) các buộc ràng (thuộc) ý nghiệp ở trên (sẽ) đều được giải thoát, (sẽ) vào nhà Như Lai, rốt cuộc được nghiệp ý bình đẳng.

Hỏi rằng: Tâm là tướng cảm, biết, làm sao (lại) có thể đồng với đất, nước, lửa, gió, không hề phân biệt được?

Đáp rằng: Tâm tuy (là) tướng biết, (song khi) nhập (vào) tướng thật ắt (thành) không biết (5) vậy. Ví như tính (của) rắn tuy cong queo, (song) vào ống trúc tất (thành) ngay thẳng. Lại như thân người nếu kim châm, hoặc ong chích, ắt có cảm biết, nếu đỉa đá cắn, hoặc đao ngọt cắt (6) ắt không có cảm biết. Các thứ có biết không biết như thế (đều) nơi nhân duyên. Nếu nơi nhân duyên, ắt (tâm) chẳng phải biết (cũng) chẳng phải không (có) biết vậy (7).

Hỏi rằng: Tâm nhập (vào) tướng thật có thể thành không biết, (thì) làm sao có được trí tất cả chủng (loại) (8)?

Đáp rằng: Hể tâm có biết, ắt (phải) có cái không biết. Tâm thánh không (có) biết, nên không gì (lại) không biết. Không (có) biết mà biết, (nên) biết tức (là) không (có) biết vậy.

Hỏi rằng: Đã nói không (có) biết nên không có gì không biết. Nếu không có gì không biết, (thì) không phải là biết đủ thứ pháp đó hay sao? (Mà) đã biết pháp đủ thứ đó, (thì) tại sao còn nói không có phân biệt gì hết được?

Đáp rằng: Đủ thứ tướng của các pháp, đều như huyển hóa. Tuy nhiên (là) voi ngựa huyển hóa, (song) chẳng phải là không có cổ dài, mũi, đầu, chân khác nhau. Nhưng người trí quan sát có đâu lại nói chắc là có voi ngựa khác nhau vậy sao?

CHÚ THÍCH 59:

(1) Tức thân kiến (sat-kāyaḍṛṣti), một trong năm (tà) kiến, thấy thân là thật có và chấp thân thật ngã.

(2) Tức có thân vào một trong tám chỗ hoạn nạn. Tám nạn là: 1/ địa ngục, 2/ ngạ quỷ, 3/ súc sinh, 4/ Bắc Câu Lô Châu (do hoàn toàn hưởng lạc không biết gì đến khổ tại châu này), 5/ cõi trời trường thọ, 6/ điếc, mũ, câm, ngọng, 7/ thế trí biện thông (trí thông minh thuộc thế gian), 8/ (sinh ra) trước Phật hoặc sau Phật.

(3) Nói chung cho các thân biến hoại vô thường…

(4) Hán ngữ “thủ xả”, dựa theo tâm phân biệt ra phải trái, xấu tốt… mà tâm tự động chọn lấy (thủ) các cái phải tốt và lọc bỏ (xả) các cái trái, xấu.

(5) Vì tướng thật vốn vô tướng, nên không có tướng biết.

(6) Đỉa đá (thạch điệt): một loại đỉa. Đao ngọt (cam đao): ý nói đao cực sắc bén.

(7) Ý nói cái “biết” không tự có, nói cách khác là không có tự tính, tại sao? Vì phải do nhân duyên mới biết, thế nên chẳng phải biết, mà cũng chẳng phải là không biết.

(8) Xem chú thích (1), số 28, trang 51.

GÌ LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐẠI CHÚNG TRANG NGHIÊM? DO KỆ RẰNG: “CHÚNG NGƯỜI, TRỜI BẤT ĐỘNG, BIỂN TRÍ THANH TỊNH SINH”.

GÌ LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) CẦM ĐẦU TRANG NGHIÊM? DO KỆ RẰNG: “NHƯ NÚI CHÚA TU DI, THẮNG DIỆU KHÔNG GÌ HƠN”.

GÌ LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) CHỦ TRANG NGHIÊM? LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÚNG NGƯỜI, TRỜI, TRƯỢNG PHU, CHIÊM NGƯỠNG KÍNH VÂY QUANH”.

GÌ LÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) KHÔNG UỔNG RA SỨC TRỤ TRÌ TRANG NGHIÊM? DO KỆ RẰNG: “QUÁN PHẬT BỔN NGUYỆN LỰC, GẶP KHÔNG LUỐNG QUA KHÔNG, KHIẾN ĐƯỢC MAU ĐẦY ĐỦ, BIỂN LỚN CÔNG ĐỨC BÁU”.

Sự thành tựu công đức (về) không uổng ra sức trụ trì là: vốn đó là bổn nguyện lực của A Di Đà Như Lai vậy. Giờ sẽ tóm bày tướng uổng ra sức không thể trụ trì được, cốt để nêu rõ ý nghĩa không uổng ra sức trụ trì. Người ta có kẻ nhịn ăn nuôi sĩ, hoặc (lại thành) khơi động (chuyện) trong thuyền (1), trữ vàng đầy kho, mà chẳng khỏi chết đói. Các sự việc như thế đâu lại chẳng thấy? Được (cái) chẳng phải (được mà) cho là được, ở nơi (cái) chẳng phải (nên ở mà) giữ lấy ở yên (2). (Như thế) đều do nghiệp làm hư vọng, (nên) không thể trụ trì được vậy.

Còn nói không uổng ra sức trụ trì là y theo gốc từ 48 nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng, ngày nay là thần lực tự tại của A Di Đà Như Lai. Nguyện để thành lực, lực để tựu nguyện. Nguyện không phí không, lực chẳng hư đặt, lực (và) nguyện hợp nhau, rốt cuộc không sai (trái), nên gọi là thành tựu.

CHÚ THÍCH 60:

(1) Nguyên văn: “…xuyết xan dưỡng sĩ, hoặc hấn khởi chu trung”, không rõ có từ điển tích nào chăng? Ý nghĩa ở đây chỉ là “nhịn ăn nuôi bộ hạ mà lại tạo thành sự chia rẽ hiềm khích trong nội bộ”. Ý nói có trì giữ đó mà không trụ nổi. Chữ “chu trung” nghĩa là trong thuyền. Có thể từ thành ngữ “chu trung địch quốc”, nghĩa là đồng thuyền mà lại đối địch với nhau, ý chỉ sự chống đối lẫn nhau trong nội bộ. Câu sau “trữ vàng đầy kho” là trì thì có, “mà chẳng khỏi chết đói” là trụ không được.

(2) Nguyên văn: “Đắc phi tác đắc, tại phi thủ tại”, ý nói không phải cái thật sự mình có mà cho là mình có, không phải chỗ thật sự ở yên mà cứ bám lấy ở yên.

CHÍNH LÀ GẶP PHẬT KIA, BỒ TÁT (NÀO MÀ) CHƯ CHỨNG TÂM TỊNH, (THÌ) RỒI RA (SẼ) CHỨNG ĐƯỢC PHÁP THÂN BÌNH ĐẲNG, VÌ CÙNG VỚI BỒ TÁT (ĐÃ CHỨNG) TÂM TỊNH, VỚI CÁC BỒ TÁT ĐỊA TRÊN, RỒI RA ĐỒNG ĐƯỢC BÌNH ĐẲNG TỊCH DIỆT.

Pháp thân bình đẳng là: Bồ Tát pháp tính sinh thân (1) từ địa thứ tám trở lên vậy. Bình đẳng tịch diệt là: chính (là) pháp bình đẳng tịch diệt do Bồ Tát pháp thân chứng được vậy. Do được pháp thân bình đẳng tịch diệt này nên gọi là pháp thân bình đẳng. Do Bồ Tát pháp thân bình đẳng đắc được nên gọi là pháp tịch diệt bình đẳng vậy. Bồ Tát này được tam muội báo sinh (2). Do thần lực của tam muội, có thể (nơi) một chỗ, một niệm, một thời, đến khắp các thế giới trong mười phương (dùng) đủ thứ (để) cúng dường tất cả chư Phật, cùng biển chúng (3) (trong) đại hội của chư Phật. (Và) có thể ở các chốn không có Phật Pháp Tăng trong vô lượng thế giới, hiển hiện đủ thứ giáo hóa đủ loại, độ thoát tất cả chúng sinh, (và) thường làm Phật sự (tại đó). Ban đầu không có (tâm) tưởng đi lại, tưởng cúng dường, tưởng độ thoát. Cho nên thân này gọi là pháp thân bình đẳng, pháp này gọi là pháp bình đẳng tịch diệt vậy. Bồ Tát chưa chứng tâm tịnh là các Bồ Tát từ địa thứ nhất trở lên (và) địa thứ bảy trở lại vậy. Các Bồ Tát này cũng có thể hiện thân hoặc trăm hoặc ngàn hoặc vạn hoặc ức, hoặc trăm ngàn vạn ức, (ở nơi) cõi nước không có Phật (mà) làm nên Phật sự. (Song) cần phải lập tâm nhập tam muội mới có thể, (chứ) không phải không lập tâm (mà được) (4). Do lập tâm nên gọi là chưa được tâm tịnh. Bồ Tát này nguyện sinh (về) tịnh độ An Lạc, liền gặp Phật A Di Đà. Khi gặp Phật A Di Đà, (thì) cùng với các Bồ Tát địa trên, rồi ra thân bằng (nhau), pháp bằng (nhau). Bồ Tát Long Thụ, Bồ Tát Bà Tẩu Bàn Đầu, các vị ấy nguyện sinh cõi kia, sẽ là các bậc này vậy.

Hỏi rằng: Xét theo kinh Thập Địa, (thì) tầng bậc tiến lên của Bồ Tát, dần dần có công đức vô lượng, (và phải) trải qua nhiều số kiếp, (rồi) sau đó mới được. Ở đây tại sao khi gặp Phật A Di Đà, rồi ra (sẽ) cùng các Bồ Tát địa trên bằng thân bằng pháp?

Đáp rằng: Nói rồi ra là chưa (hề) nói (là lập) tức bằng vậy. Rồi ra không mất (cái) “bằng” này nên nói (là) bằng vậy.

Hỏi rằng: Nếu không (lập) tức bằng, thì cần gì phải nói nữa. Bồ Tát chỉ (cần) lên địa đầu tiên, do từ từ tiến lên, tự nhiên sẽ bằng với Phật, (chứ) việc gì phải nói là bằng với Bồ Tát địa trên?

Đáp rằng: Bồ Tát ở trong địa thứ bẩy được đại tịch diệt. (Lúc đó) trên không thấy (có) chư Phật (để) có thể cầu (thành), dưới không thấy (có) chúng sinh (để) có thể độ (được). (Cho nên) muốn bỏ Phật đạo, (để) chứng lấy thật tế (5). Lúc đó nếu không được thần lực của mười phương chư Phật khuyến khích, thì sẽ diệt độ ngay, (và do đó) cùng với hai thừa chẳng khác. Bồ Tát nếu vãng sinh về An Lạc gặp Phật A Di Đà sẽ không có nạn ấy. Cho nên phải nói “rồi ra bình đẳng”. Lại nữa trong kinh Vô Lượng Thọ, (theo) bổn nguyện của A Di Đà Như Lai có nói: Giả như ta đắc Phật, các chúng Bồ Tát ở cõi Phật thuộc các phương khác (mà) sinh về nước ta (thì) rồi ra chắc đến (địa vị) nhất sinh bổ xứ (6). Trừ khi do bổn nguyện của vị ấy tự tại biến hóa, vì chúng sinh nên mặc giáp hoằng thệ (7), tích lũy gốc đức, độ thoát tất cả, dạo các nước Phật tu hạnh Bồ Tát, cúng dường mười phương chư Phật Như Lai; khai hóa hằng sa số lượng chúng sinh, khiến lập nên đạo vô thượng chính chân; vượt ngoài các hành của các địa thường tình (8); hiện tiền tu tập đức của Phổ Hiền (9). Nếu không được vậy (xin) không giữ chính giác. Xét theo kinh này (thì) Bồ Tát cõi đó, hoặc có thể chẳng từng một địa (này) đến (một địa) khác. Nói tầng bậc mười địa đó là Thích Ca Như Lai nơi Diêm Phù Đề ứng hiện một phen hóa đạo (đó) thôi. Tịnh độ các cõi khác chắc gì đã vậy. Trong năm thứ không suy lường (được) (thì) Phật pháp là không suy lường (được) hơn hết. Nếu bảo Bồ Tát phải từ một địa đến một địa, không có lý siêu việt, (thì) chưa dám nói là đầy đủ vậy. Ví như có thứ cây tên gọi là “Rất Chắc”; cây này sinh từ đất, trăm năm mới đủ lớn, mỗi ngày cao trăm trượng, ngày ngày đúng vậy. Lấy trăm năm mà đo sự tăng trưởng, lại có thể xem là cùng loại với tùng cao nọ được sao? Xét tùng lớn cao, ngày không quá tấc, nghe (nói về) cây “Rất Chắc” kia, sao lại không nghi được. Thì cũng y như có người nghe Thích Ca Như Lai, nghe một lần (đã) chứng La Hán, trọn buổi sớm đạt vô sinh (thời) cho rằng đó là kiểu nói dẫn dụ, không phải lời nói đúng thật. (Các kẻ ấy) nghe các sự (việc) của luận này cũng sẽ không tin. Thường thì lời nói chẳng (thuộc) thường (tình sẽ) không vào được tai người thường. (Nếu họ có) nói là không phải, (thì) cũng đúng với (trình độ) họ vậy thôi.

CHÚ THÍCH 61:

(1) Pháp tính sinh thân: một trong năm loại pháp thân do Hoa Nghiêm Tông chủ xướng. Thân của chư Phật do từ pháp tính mà sinh ra nên gọi là pháp tính sinh thân. Tuy nhiên ở đây theo Đàm Loan Đại sư nhận định, thì đó là thân của chư Bồ Tát từ địa thứ tám trở lên. Chư Bồ Tát này đã thể chứng được pháp thân và an trụ vào pháp thân ấy làm nền tảng chính cho hiện hành của các ngài. Khi đó dù Bồ Tát có nhận lấy thân hiện hành nào chăng nữa, thì cũng chính là từ pháp tính mà sinh ra. Bậc Bồ Tát như vậy, Đàm Loan Đại sư gọi là Pháp thân Bồ Tát.

(2) Cảnh giới báo ứng của Bồ Tát pháp thân chính là tam muội sinh ra tự nhiên đã có tại Cực Lạc thế giới. Tam muội này tương ưng với mọi tác dụng của pháp thân như diễn tả kế đó.

(3) Tức chúng Thanh Văn và Bồ Tát nhiều vô số như biển nên gọi là biển chúng.

(4) Ý nói tam muội mà các vị này chứng phải dụng tâm để nhập chứ không phải tự nhiên có sẵn (tức báo sinh) như các Bồ Tát từ bát địa trở lên.

(5) Bản thể chân thật của các pháp vốn lìa ngôn thuyết, không hình tướng. Nếu giữ lấy lý ấy và trụ vào cảnh ấy, thời Đại thừa gọi cảnh lý ấy là thật tế. Tuy nhiên thật tế này vẫn chưa viên mãn vì nó sẽ đưa chư Bồ Tát đến chứng tịch diệt của Nhị thừa, chứ không còn tác dụng trang nghiêm Tịnh Độ, thành tựu chúng sinh, và thể chứng vô thượng Bồ Đề (tức Phật quả) nữa.

(6) Nhất sinh bổ xứ: (Ekajāti-pratibaddha) Nghĩa là chỉ còn phải chịu một kiếp hệ lụy nữa thôi (là thành Phật). Hán dịch là nhất sinh bổ xứ, hoặc nhất sinh sở hệ, hoặc nhất sinh tương tục, hoặc hệ thuộc nhất sinh… Đây là địa vị tột cùng của Bồ Tát đạo trước khi thành Phật quả. Thế nên còn được dịch là “tối hậu thân”, tức thân sau cùng một vị Bồ Tát phải mang lấy trước khi thành Phật.

(7) Tức phát thệ nguyện đại bi.

(8) Tức các tâm hành của chúng sinh phàm phu lên đến nhị thừa, với các địa tiền Bồ Tát.

(9) Hạnh Phổ Hiền tức hạnh tất cả viên mãn. Viên mãn ở đây là về hai phương diện thời gian (gồm ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai) và không gian (tức mười phương vô tận). Lại viên mãn ở hai chỗ là sự và lý: sự là tất cả chư Phật (trong ba đời mười phương), lý là tất cả chư pháp thiện, xuất thế, Đại thừa (cũng trong ba đời mười phương). Lại viên mãn vì thời, không, sự, lý, một lúc viên dung vô ngại. Phổ Hiền Bồ Tát khởi một tâm niệm nào cũng tròn đầy như trên, biến khắp thời, không, sự, lý như vậy. Như thế gọi là hạnh hay đức của Phổ Hiền vậy.

NÓI TÓM TÁM CÂU, HIỂN HIỆN SỰ THÀNH TỰU TUẦN TỰ CÁC CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI CỦA NHƯ LAI, CẦN PHẢI BIẾT.

(Ở) đây tại sao lại (nói là) tuần tự? Mười bẩy câu trước là (sự) thành tựu công đức cõi nước trang nghiêm. Biết tướng cõi nước rồi (thì) nên biết chủ của cõi nước, cho nên tiếp quán công đức trang nghiêm của Phật. Phật kia nếu mà trang nghiêm thì ngồi nơi chỗ nào? Cho nên trước hết quán tòa. Đã biết tòa rồi, nên biết chủ của tòa, cho nên kế quán nghiệp thân trang nghiêm của Phật. Biết nghiệp thân xong, nên biết có danh tiếng nào (1), cho nên kế quán nghiệp miệng trang nghiêm của Phật. Đã biết danh vang rồi, cần biết tại sao được danh (như thế), cho nên kế quán nghiệp tâm trang nghiêm. Đã biết ba nghiệp đầy đủ, đáng làm đại sư của người trời, (vậy thời) xứng đáng được giáo hóa là ai? Cho nên kế quán công đức (của) đại chúng. Đã biết đại chúng có vô lượng công đức rồi, cần biết (các) vị cầm đầu là ai? Cho nên kế quán (người) cầm đầu. Cầm đầu là Phật. Đã biết cầm đầu, sợ đồng với (các chúng) lớn nhỏ (2) cho nên kế quán chủ. Đã biết chủ ấy, chủ có (các) tăng thượng (3) gì, cho nên kế quán không uổng ra sức giữ gìn trang nghiêm. Tám câu (như thế là) tuần tự thành xong.

(Về môn quan sát, đã quan sát xong cõi nước và Phật, kế đến là) quán về Bồ Tát.

CHÚ THÍCH 62:

(1) Danh tiếng (hán ngữ “thanh danh”) ở đây không có ý nghĩa như thường dùng. Danh là ngôn từ do A Di Đà Phật dùng, còn tiếng là âm thanh đưa các ngôn từ kia ra và truyền đi khắp mọi nơi.

(2) Lớn tức Bồ Tát đăng địa, còn nhỏ tức chúng trời, người.

(3) Tăng thượng ở đây là trợ giúp cho phát triển mạnh mẽ.

THẾ NÀO LÀ QUÁN SÁT (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM (CỦA) BỒ TÁT? QUÁN SÁT (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM (CỦA)

BỒ TÁT LÀ QUÁN BỒ TÁT (Ở CÕI) KIA CÓ BỐN THỨ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) CHÍNH TU HÀNH, CẦN PHẢI BIẾT.

Chân như là thể chính của các pháp. Thể (tuy) như mà (có) hành (nghiệp), (nên thể) ắt là không hành. Không hành mà hành gọi là tu hành như thật, thể tuy nhất như mà nghĩa phân làm bốn, cho nên bốn hành lấy một chính (mà) thống nhiếp.

GÌ LÀ BỐN? MỘT LÀ NƠI MỘT CÕI PHẬT THÂN KHÔNG CHAO ĐỘNG MÀ ĐẾN KHẮP MƯỜI PHƯƠNG, (HIỆN) ĐỦ LOẠI ỨNG HÓA, TU HÀNH NHƯ THẬT, THƯỜNG LÀM PHẬT SỰ. DO KỆ RẰNG: “NƯỚC AN LẠC THANH TỊNH, THƯỜNG CHUYỂN VÔ CẤU LUÂN, HÓA PHẬT, BỒ TÁT NHẬT, NHƯ TU DI TRỤ TRÌ”. DO VÌ LÀM NỞ ĐÓA HOA BÙN LẦY CỦA CÁC CHÚNG SINH (VẬY).

Bồ Tát (từ) địa thứ tám trở lên thường ở trong tam muội. Nhờ lực (của) tam muội, (nên) thân không động khỏi chỗ mình, mà có thể đến khắp mười phương, (để) cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sinh. Luân vô cấu là công đức cõi Phật vậy. Công đức cõi Phật không có cấu (bợn) tập thói phiền não. Phật vì các Bồ Tát thường chuyển bánh (xe) pháp này. Các đại Bồ Tát, cũng có thể dùng bánh (xe) pháp này khai (đường) dẫn (lối) cho tất cả (chúng sinh), không tạm thời dừng nghỉ. Nên nói là thường chuyển. Thân pháp như mặt trời, còn ánh sáng (vì như là) thân ứng hóa đến khắp các thế giới vậy. Nói (như) mặt trời (cũng) chưa đủ để thấy rõ (nghĩa) không động, (nên) lại nói (thêm là) như (núi) Tu Di trụ trì vậy. Hoa bùn lầy là (như) kinh nói: cao nguyên, đất liền chẳng sinh hoa sen, bùn lầy nước đọng mới sinh hoa sen. Ví dụ cho phàm phu ở trong bùn phiền não, nhờ Bồ Tát mở dẫn (nên) có thể sinh (thành) hoa chính giác của Phật. Suy cùng (cũng) để (tiếp) tục hưng (thịnh) Tam Bảo, khiến thường (còn) không mất.

HAI LÀ THÂN ỨNG HÓA (CỦA BỒ TÁT) KIA, (TRONG) TẤT CẢ CÁC THỜI KHÔNG TRƯỚC KHÔNG SAU, MỖI TÂM MỖI NIỆM, PHÓNG QUANG MINH LỚN, ĐỀU CÓ THỂ ĐẾN KHẮP (CÁC) THẾ GIỚI (TRONG) MƯỜI PHƯƠNG (ĐỂ) GIÁO HÓA CHÚNG SINH, (HIỆN) ĐỦ LOẠI PHƯƠNG TIỆN, DO TU HÀNH LÀM THÀNH, VÌ DIỆT TRỪ KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH. DO KỆ RẰNG: “QUANG TRANG NGHIÊM VÔ CẤU, MỖI NIỆM VÀ MỖI THỜI, CHIẾU KHẮP CÁC PHẬT HỘI, LỢI ÍCH CÁC QUẦN SINH”.

Ở (phần) trên nói không động (thân) mà đến (mười phương). Chấp nhận là đến hoặc có trước (có) sau cho nên (ở đây) lại nói (thêm là) mỗi niệm mỗi thời không trước không sau vậy.

BA LÀ CÁC VỊ (BỒ TÁT Ở CÕI) KIA NƠI TẤT CẢ THẾ GIỚI, CHIẾU KHÔNG SÓT (MỘT) ĐẠI CHÚNG NÀO CỦA CÁC PHẬT HỘI, CÚNG DƯỜNG, CUNG KÍNH, TÁN THÁN (MỘT CÁCH) RỘNG LỚN VÔ LƯỢNG KHÔNG SÓT (MỘT) CÔNG ĐỨC (NÀO) CỦA CHƯ PHẬT NHƯ LAI. DO KỆ RẰNG: “MƯA NHẠC TRỜI, HOA, Y, NÀO DIỆU HƯƠNG CÚNG DƯỜNG, KHEN CÔNG ĐỨC CÁC PHẬT, KHÔNG CÓ PHÂN BIỆT TÂM”.

Không sót là cho thấy rõ đến khắp các tất cả các đại hội của chư Phật trong tất cả các thế giới, không có một Phật hội nào trong một thế giới nào (mà lại) không đến vậy. Triệu Công (1) nói: “Thân pháp không (hình) tượng, mà (các) hình (thức này) khác cùng ứng (hiện). Vần tột (2) không lời, mà sách huyền (3) đầy dẫy. Quyền thầm (4) không mưu (tính), mà động (đậy đều) cùng (với) sự (khế) hội”. Chính là ý (nghĩa) này vậy.

CHÚ THÍCH 63:

(1) Tức Tăng Triệu (384 – 414), môn đồ của Cưu Ma La Thập, tác giả của Triệu Luận.

(2) Vần tột (chí vận) ý nói ngôn ngữ để diễn tả, song đến mức chí chân của chân tính thì cùng tột âm vận ngôn ngữ, tức không có lời để diễn đạt nữa.

(3) Sách huyền (huyền tịch) chỉ cho các kinh sách nói về pháp thân vậy. Tuy không lời để diễn tả cực lý của pháp thân, song kinh Phật diễn bày thời đầy dẫy.

(4) Quyền thầm (minh quyền) ý nói năng lực tác dụng của chân tính pháp thân, tuy tự nhiên không toan tính, mà luôn luôn vận chuyển ăn nhịp với mọi sự sự vật vật.

BỐN LÀ CÁC VỊ (BỒ TÁT Ở CÕI) KIA, ĐỐI VỚI NƠI (NÀO) KHÔNG CÓ TAM BẢO, TRONG KHẮP CẢ THẾ GIỚI MƯỜI PHƯƠNG, (ĐỂ) GIỮ GÌN (VÀ) TRANG NGHIÊM (CHO CHỖ ĐÓ BẰNG) BIỂN LỚN CÔNG ĐỨC (CỦA) PHẬT, PHÁP, TĂNG (TAM) BẢO, (SẼ) ĐẾN (KHẮP CÁC CHỖ ĐÓ) HIỆN BÀY KHIẾN (CÁC CHÚNG SINH NƠI ĐÓ) HIỂU RÕ (MÀ) TU HÀNH NHƯ THẬT. DO KỆ RẰNG: “NHỮNG THẾ GIỚI NÀO KHÔNG, CÔNG ĐỨC PHẬT PHÁP BẢO, TÔI NGUYỆN ĐỀU SINH ĐẾN, HIỂN PHẬT, PHÁP NHƯ PHẬT”.

Ba câu trên tuy nói (là) đến khắp, (song) đều là (đến khắp) các cõi nước có Phật. Nếu không có câu này, thì hóa (ra) là thân pháp có chỗ không (là) pháp (1), thượng thiện có chỗ không thiện.

CHÚ THÍCH 64:

(1) Nguyên văn: “Pháp thân hữu sở bất pháp”, ý nói pháp thân không viên mãn vì có cảnh giới, quốc độ không hiển hiện ra được.

(Về mười lớp thuộc phần giải nghĩa đến đây là lớp) thể tướng (của) quán hạnh, đã (trình bày) xong.

4) Dưới đây là lớp thứ tư của phần giải nghĩa, gọi là nguyện tâm nhập (vào) tịnh. Nguyện tâm nhập tịnh là:

LẠI (CHO) ĐẾN ĐÂY (LÀ) ĐÃ NÓI (VỀ) QUÁN SÁT (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) CÕI PHẬT TRANG NGHIÊM, (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) PHẬT TRANG NGHIÊM, (VÀ) (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) BỒ TÁT TRANG NGHIÊM. BA THỨ TRANG NGHIÊM (DO) NGUYỆN TÂM (ĐƯỢC) THÀNH TỰU NÀY, CẦN PHẢI BIẾT.

Cần phải biết là cần phải biết ba thứ thành tựu trang nghiêm này, (là) do gốc từ nguyện tâm thanh tịnh (gồm) 48 nguyện nọ mà được trang nghiêm. Do nhân tịnh nên quả tịnh, không (hề) phải là không có nhân (hay do) nhân (nào) khác (mà) có (được sự trang nghiêm kia) vậy.

VÌ (BA THỨ TRANG NGHIÊM TRÊN) NÓI TÓM (LẠI SẼ) NHẬP (VÀO) MỘT CÂU PHÁP.

Mười bẩy câu (về) trang nghiêm cõi nước, tám câu (về) trang nghiêm Như Lai, bốn câu (về) trang nghiêm Bồ Tát ở trên là (nói) rộng. Nhập (vào) một câu pháp là (nói) tóm. Cớ gì hiện bày rộng tóm (cùng) nhập (vào) nhau? Chư Phật, Bồ Tát có hai loại thân pháp: một là thân pháp thuộc pháp tính, hai là thân pháp thuộc phương tiện. Do thân pháp pháp tính (mới) sinh thân pháp phương tiện. Do thân pháp phương tiện (mới) ra thân pháp pháp tính. Hai thân pháp này, khác (nhau) mà không thể phân (chia), (là) một mà không thể đồng. Cho nên rộng tóm (cùng) nhập (vào) nhau. Gom (lại) lấy pháp (mà) gọi tên. Bồ Tát nếu không biết rộng tóm (cùng) nhập (vào) nhau, tất không thể lợi mình lợi người được.

MỘT CÂU PHÁP LÀ: NÓI CHO CÂU THANH TỊNH, CÂU THANH TỊNH LÀ VÌ NÓI CHO THÂN PHÁP VÔ VI TRÍ HUỆ CHÂN THẬT.

Ba câu này luân chuyển nhập (vào) nhau. Theo nghĩa gì mà được gọi là pháp, do vì thanh tịnh. Theo nghĩa gì mà gọi là thanh tịnh, do vì (là) thân pháp vô vi trí huệ chân thật. Trí huệ chân thật là trí huệ (thuộc về) tướng thật vậy. Tướng thật (vốn) không (có) tướng, nên trí chân (thật) không (có) biết vậy. Thân pháp vô vi là thân (thuộc về) pháp tính vậy. Pháp tính (vốn) tịch diệt, nên thân pháp không (có) tướng vậy. Không (có) tướng nên có thể không (có) gì (lại) không (thành) tướng vậy, cho nên trang nghiêm tướng tốt chính là thân pháp vậy. Không (có) biết nên có thể không (có) gì (lại) không biết được, cho nên trí tất cả chủng chính là trí huệ chân thật vậy. Dùng chân thật để đề ra trí huệ, cho thấy trí huệ chẳng phải làm chẳng phải làm vậy. Lấy vô vi để nêu lên thân pháp, cho thấy thân pháp chẳng phải (là) sắc chẳng phải (là) chẳng phải sắc vậy. Nếu chẳng phải đối với (cái) chẳng phải, (thì) chả lẽ chẳng phải (là) chẳng phải mà có thể (là) phải được sao (1)? Nguyên vì không (có) chẳng phải gọi thì gọi là phải vậy. (Cái) tự (mình là) phải (rồi) (thì) không (cần gì phải) đợi (tới) (cái) chẳng phải (hay là) phải (làm chi nữa) vậy (2). Chẳng phải (là) phải (cũng) chẳng phải (là) chẳng phải, trăm (cái) chẳng phải (kia cũng) không ) đem ra mà thí) dụ được, cho nên (mới) nói (là) câu thanh tịnh. Câu thanh tịnh là nói cho thân pháp vô vi (mà vốn là) trí huệ chân thật vậy.

CHÚ THÍCH 65:

(1) Nguyên văn: “Phi ư phi giả khởi phi phi chi năng thị hồ”. Đàm Loan Đại sư không chấp nhận “phi phi” tức là “thị”, nghĩa là chẳng phải là chẳng phải không có nghĩa là phải. Ý nghĩa “phi” (chẳng phải) ở đây là phủ nhận chứ không hề là khẳng nhận bao giờ. Cho nên “phi phi” (chẳng phải là chẳng phải) chỉ là phủ nhận cái “phi” (chẳng phải) chứ không hề có ý nói là phải.

(2) Nguyên văn: “Tự thị vô đãi phù phi thị đã”. Ý nói pháp thân tuyệt đối phủ nhận “phi” cả “thị” mà “phi” cả “phi”, vì nếu cho rằng “phi phi” tức “thị”, thì nếu đã là “thị” (tức phải) rồi thì việc gì còn phải nói là “phi thị”, “phi phi” làm gì nữa.

THANH TỊNH NÀY CÓ HAI THỨ, CẦN PHẢI BIẾT.

Trong phần chuyển nhập vào (một) câu (pháp) ở trên, (thì) gồm một pháp nhập (vào) thanh tịnh, gồm thanh tịnh nhập (vào) pháp thân. Nay do vì đem riêng thanh tịnh nêu ra hai thứ cho nên nói là cần phải biết.

NHỮNG GÌ LÀ HAI THỨ? MỘT LÀ KHÍ THẾ GIAN THANH TỊNH, HAI LÀ CHÚNG SINH THẾ GIAN THANH TỊNH. KHÍ THẾ GIAN THANH TỊNH LÀ NHƯ ĐẾN ĐÂY ĐÃ NÓI VỀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) 17 THỨ TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT. ĐÓ GỌI LÀ KHÍ THẾ GIAN THANH TỊNH. CHÚNG SINH THẾ GIAN THANH TỊNH LÀ NHƯ ĐẾN ĐÂY ĐÃ NÓI VỀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) TÁM THỨ TRANG NGHIÊM PHẬT VÀ (SỰ) THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC (VỀ) BỐN THỨ TRANG NGHIÊM BỒ TÁT, ĐÓ GỌI LÀ CHÚNG SINH THẾ GIAN THANH TỊNH. MỘT CÂU PHÁP NHƯ THẾ (THÂU) NHIẾP (Ý) NGHĨA CỦA HAI THỨ THANH TỊNH, CẦN PHẢI BIẾT.

Thường thì chúng sinh là thể, thuộc (quả) báo riêng, (còn) cõi nước là dụng, thuộc (quả) báo chung. Thể (và) dụng không phải (là) một, cho nên cần phải biết. Song các pháp (đều do) tâm thành, không sót cảnh giới (nào). (Do đó) chúng sinh và khí (thế gian) lại không được khác (nhau), không được (là) một. Không phải (là) một ắt nghĩa phân (khác), không phải khác (nhau) (nên) đồng thanh tịnh. Khí (thế gian) là dụng vậy. Ý nói tịnh độ kia là cái được chúng sinh thanh tịnh kia thọ dùng, nên gọi là khí (thế gian). Như đồ ăn sạch (mà) dùng bát (1) không sạch, do vì bát không sạch (nên) đồ ăn cũng (thành) không sạch. Đồ ăn không sạch (mà) dùng bát sạch, do đồ ăn không sạch (nên) bát cũng không sạch (theo). Phải cả hai đều sạch, mới được nói là sạch. Cho nên một danh (xưng) thanh tịnh sẽ gồm hai thứ.

Hỏi rằng: Nói chúng sinh thanh tịnh, ắt là Phật và Bồ Tát. Các người trời kia có được (kể) vào số thanh tịnh này không?

Đáp rằng: Được danh thanh tịnh (chứ) chẳng phải (là) thật thanh tịnh. Ví như (vị) thánh nhân xuất gia, do giết (được) giặc phiền não nên gọi là Tỳ khưu. Kẻ phàm phu xuất gia (hoặc) giữ giới (hay) phá giới đều được danh (là) Tỳ khưu. Lại như vương tử quán đảnh, vào lúc sơ sinh (đã) đủ 32 tướng, bẩy báu đã thuộc về mình. Tuy chưa thể làm chuyện của vua Chuyển Luân, (song) cũng được danh là vua Chuyển Luân, do bởi chắc chắn sẽ làm vua Chuyển Luân. Các người trời kia cũng y như vậy. (Do) đều nhập vào tụ chính định của Đại thừa, rốt cuộc sẽ được thân pháp thanh tịnh. Do vì sẽ được nên được danh (là) thanh tịnh.

CHÚ THÍCH 66:

(1) Khí có nghĩa là đồ dùng hay đồ đựng. Ở đây là bát.

5) (Lớp thứ năm của phần giải nghĩa là) khéo léo gom (lại mà giáo) hóa:

BỒ TÁT NHƯ THẾ, (ĐỐI VỚI) SA MA THA (VÀ) TỲ BÀ XÁ NA, RỘNG LƯỢC TU HÀNH (MÀ) THÀNH TỰU TÂM MỀM MẠI.

Tâm mềm mại là nói cho chỉ quán rộng lược, thuận nhau mà tu hành, thành tâm không hai (1) vậy. Ví như dùng nước (thâu) lấy bóng, (do) trong sạch nương nhau mà thành tựu vậy.

CHÚ THÍCH 67:

(1) Tâm không hai (bất nhị tâm) tức tâm lìa khỏi phân biệt một cách viên mãn. Phân biệt vốn theo hai cực đối đãi mà thành như lớn đối với nhỏ, phải đối với trái, có đối với không…

BIẾT NHƯ THẬT CÁC PHÁP (MỘT CÁCH) RỘNG LƯỢC.

Biết như thật là (đúng) như tướng thật mà biết vậy. Hai mươi chín câu nói rộng, một câu nói lược (1) không câu nào chẳng phải (là) tướng thật vậy.

CHÚ THÍCH 68:

(1) 29 câu tức 17 quán cõi Cực Lạc, 8 quán Phật và 4 quán Bồ Tát. Còn một câu lược tức câu thanh tịnh.

NHƯ VẬY (LÀ) THÀNH TỰU HỒI HƯỚNG (VỚI) PHƯƠNG TIỆN KHÉO.

Như vậy là như rộng lược trước sau, đều (là) tướng thật vậy. Do vì biết tướng thật, tất biết tướng hư vọng (của) chúng sinh (thuộc) ba cõi vậy. Biết chúng sinh (là) hư vọng, ắt sinh từ bi chân thật vậy. Biết thân pháp chân thật, tất khởi (tâm) quy y chân thật vậy. Từ bi kia là quy y (và) phương tiện khéo (như) dưới đây:

GÌ LÀ HỒI HƯỚNG (VỚI) PHƯƠNG TIỆN KHÉO CỦA BỒ TÁT? HỒI HƯỚNG (VỚI) PHƯƠNG TIỆN KHÉO CỦA BỒ TÁT NGHĨA LÀ NÓI NĂM THỨ TU HÀNH LỄ BÁI CÁC THỨ, TẤT CẢ CÁC THIỆN CĂN CÔNG ĐỨC TÍCH TẬP ĐƯỢC (TỪ ĐÓ), (ĐỀU) KHÔNG MONG SUNG SƯỚNG TRÌ GIỮ (LẤY) CHO THÂN MÌNH, (MÀ) VÌ MUỐN VỚT HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH, (NÊN) LẬP NGUYỆN GOM LẤY TẤT CẢ CHÚNG SINH CÙNG NHAU SINH (VỀ) NƯỚC PHẬT AN LẠC KIA. ĐÓ GỌI LÀ (SỰ) THÀNH TỰU HỒI HƯỚNG (VỚI) PHƯƠNG TIỆN KHÉO CỦA BỒ TÁT.

Dựa theo kinh Vô Lượng Thọ được nói tại thành Vương Xá, (thì) trong ba nhóm (1) sinh (về), tuy thành (nghiệp) có hơn kém, (song) không ai lại không phát tâm Bồ Đề vô thượng. Tâm Bồ Đề vô thượng này tức là tâm nguyện thành Phật. Tâm nguyện thành Phật tức là tâm độ chúng sinh. Tâm độ chúng sinh tức tâm gom lấy chúng sinh (về) cõi nước Phật tịnh. Cho nên người nguyện sinh (về) tịnh độ An Lạc kia, cần phải phát tâm Bồ Đề vô thượng vậy. Nếu người nào không phát tâm Bồ Đề vô thượng (mà) chỉ nghe cõi nước kia hưởng lạc không ngơi, vì lạc nên nguyện sinh, thì sẽ không được vãng sinh vậy. Cho nên (mới) nói là không mong sung sướng trì giữ (lấy) cho thân mình, (mà) vì muốn vớt hết khổ cho tất cả chúng sinh. Sung sướng trì giữ (lấy) là nói cho tịnh độ An Lạc kia do bổn nguyện của A Di Đà Như Lai mà được trì giữ, (nên) hưởng lạc không gián đoạn vậy. Phàm giải thích danh nghĩa (của) hồi hướng, thì đem tất cả công đức (mình) tích tập được thí cho tất cả chúng sinh (để) cùng hướng về Phật đạo. Phương tiện khéo là nói rằng Bồ Tát nguyện lấy lửa trí huệ của chính mình đốt cháy hết cỏ cây phiền não của tất cả chúng sinh. Nếu (còn) có một chúng sinh (nào) không thành Phật, thì tôi (sẽ) không thành Phật. Mà chúng sinh chưa thành Phật hết (thì) Bồ Tát đã tự thành Phật. Ví như cây diêm muốn nhắm lấy tất cả cỏ cây đốt cho tận hết. Cỏ cây chưa tận, (thì) cây diêm đã tận. Do “lo thân mình sau mà lại thành thân mình trước” nên gọi là phương tiện khéo. Ở đây nói phương tiện là nói lập nguyện gom lấy tất cả chúng sinh, cùng nhau sinh về nước Phật An Lạc. Nước Phật kia chính là phương tiện vô thượng (mà) rồi ra (sẽ) thành nẻo Phật đạo vậy.

CHÚ THÍCH 69:

(1) Ba nhóm sinh về cõi Cực Lạc là người, trời và Bồ Tát.

6) (Lớp thứ sáu của phần giải thích là) lìa (các) chướng ngại (cho) Bồ Đề:

BỒ TÁT NHƯ THẾ KHÉO BIẾT (CÁCH) THÀNH TỰU HỒI HƯỚNG, TỨC CÓ THỂ LÌA XA BA THỨ PHÁP TRÁI NGHỊCH (VỚI) MÔN BỒ ĐỀ. NHỮNG GÌ LÀ BA THỨ (BỒ ĐỀ): MỘT LÀ Y THEO MÔN TRÍ HUỆ (LÀ) KHÔNG CẦU (SUNG) SƯỚNG (CHO) RIÊNG MÌNH, DO LÌA XA (CÁI) TÂM TÔI THAM ĐẮM (CHO) THÂN MÌNH.

Biết tiến giữ thối (1) gọi là trí. Biết KHÔNG không (có) tôi gọi là huệ. Do y theo trí (nên) không cầu sướng riêng mình. Do y theo huệ (nên) lìa xa tâm tôi tham đắm thân mình.

CHÚ THÍCH 70:

(1) Nguyên văn: “Tri tiến thủ thối” tức biết tiến lên và giữ không để thối lui.

HAI LÀ Y THEO MÔN TỪ BI, (LÀ) VỚT HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH, DO LÌA XA TÂM KHÔNG (ĐƯA LẠI) AN (LẠC) CHO CHÚNG SINH.

Nhổ khổ gọi là từ, do y theo từ (nên) vớt hết khổ cho tất cả chúng sinh. Do y theo bi (nên) lìa xa tâm không (đưa lại) an (lạc) cho chúng sinh.

BA LÀ Y THEO MÔN PHƯƠNG TIỆN, (LÀ) TÂM THƯƠNG XÓT TẤT CẢ CHÚNG SINH, DO LÌA XA TÂM CÚNG DƯỜNG CUNG KÍNH CHO (CHÍNH) THÂN MÌNH.

Ngay thẳng gọi là phương, ở ngoài mình gọi là tiện. Do y theo ngay thẳng (nên) sinh tâm thương xót tất cả chúng sinh. Do y theo ở ngoài mình (nên) lìa xa tâm cúng dường cung kính cho thân mình.

ĐÓ GỌI LÀ LÌA XA THỨ PHÁP TRÁI NGHỊCH VỚI MÔN BỒ ĐỀ.

7) (Lớp thứ bẩy của phần giải nghĩa là) thuận với môn Bồ Đề:

BỒ TÁT LÌA XA BA THỨ PHÁP TRÁI NGHỊCH VỚI MÔN BỒ ĐỀ NHƯ THẾ, VÌ (SẼ) ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ BA THỨ PHÁP THUẬN THEO VỚI MÔN BỒ ĐỀ. NHỮNG GÌ LÀ BA THỨ? MỘT LÀ TÂM THANH TỊNH KHÔNG (CÓ) NHIỄM, DO BỞI KHÔNG VÌ THÂN MÌNH (MÀ) CẦU CÁC SUNG SƯỚNG.

Bồ Đề là chỗ thanh tịnh không (có) nhiễm. Nếu vì thân (mình) (mà) cầu sung sướng, tức trái với Bồ Đề. Cho nên tâm thanh tịnh không (có) nhiễm là thuận với môn Bồ Đề.

HAI LÀ TÂM THANH TỊNH AN, DO BỞI NHỔ HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH.

Bồ Đề là chỗ thanh tịnh làm (cho) tất cả chúng sinh (được) an ổn. Nếu không phát tâm vớt hết tất cả chúng sinh lìa khỏi khổ sinh tử, thì sẽ trái ngay với Bồ Đề. Cho nên vớt hết khổ cho tất cả chúng sinh là thuận với môn Bồ Đề.

BA LÀ TÂM THANH TỊNH LẠC, DO VÌ KHIẾN CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐƯỢC ĐẠI BỒ ĐỀ, DO VÌ GOM LẤY CHÚNG SINH SINH (VỀ) CÕI NƯỚC KIA.

Bồ Đề là chỗ cứu cánh thường lạc. Nếu không làm cho tất cả chúng sinh được cứu cánh thường lạc, ắt (là) trái với Bồ Đề. Cái cứu cánh thường lạc này y theo gì mà được? Y theo môn Đại thừa. Môn Đại thừa là: chính cõi nước Phật An Lạc kia là đó vậy. Cho nên lại nói: do vì gom lấy chúng sinh sinh (về) cõi nước kia (vậy).

ĐÓ GỌI LÀ ĐẦY ĐỦ BA THỨ PHÁP THUẬN THEO VỚI MÔN BỒ ĐỀ, CẦN PHẢI BIẾT.

8) (Lớp thứ tám của phần giải nghĩa là) danh (và) nghĩa gom (lại so) sánh (với nhau):

ĐẾN ĐÂY ĐÃ NÓI VỀ TRÍ HUỆ, TỪ BI VÀ PHƯƠNG TIỆN (LÀ) BA THỨ MÔN, GOM LẤY BÁT NHÃ, BÁT NHÃ (LẠI) GOM LẤY PHƯƠNG TIỆN, CẦN PHẢI BIẾT.

Bát Nhã là tên của huệ đạt đến (chân) như. Phương tiện là danh xưng của trí gồm hết (các) quyền biến. Đạt đến (chân) như ắt (các) hành của tâm (sẽ) tịch diệt. Gồm hết quyền biến ắt sẵn xét mọi (căn) cơ. Trí xét cơ thời sẵn ứng (các cơ) mà không (có) biết. Huệ tịch diệt thời cũng không (có) biết mà sẵn xét (các cơ). Vậy thời trí huệ (và) phương tiện duyên nhau mà động, duyên mau mà tĩnh. Động không mất tĩnh, (do) công của trí huệ vậy. Tĩnh không bỏ động, (do) lực của phương tiện vậy. Cho nên trí huệ, từ bi (và) phương tiện gom lấy Bát Nhã. Bát Nhã (lại) gom lấy phương tiện. Cần phải biết là: ý nói cần phải biết (về) trí huệ (và) phương tiện (này) là cha (và) mẹ của Bồ Tát. Nếu không y theo trí huệ (và) phương tiện (thì) pháp Bồ Tát ắt (sẽ) không thành tựu. Cớ sao vậy? Nếu không (có) trí huệ (thì) khi vì chúng sinh tất (sẽ) đọa vào điên đảo. Nếu không (có) phương tiện (thì) khi quán tính (của) pháp ắt (sẽ) chứng thật tế. Cho nên cần phải biết.

ĐẾN ĐÂY ĐÃ NÓI (VỀ) LÌA XA TÂM TÔI KHÔNG THAM ĐẮM THÂN MÌNH, LÌA XA TÂM KHÔNG (LÀM) AN (LẠC) CHO CHÚNG SINH, LÌA XA TÂM CÚNG DƯỜNG CUNG KÍNH CHO THÂN MÌNH, BA THỨ PHÁP NÀY, LÌA XA TÂM CHƯỚNG (NGẠI) BỒ ĐỀ, CẦN PHẢI BIẾT.

Các pháp mỗi thứ (đều) có tướng chướng ngại. Như gió có thể chướng (sự yên) tĩnh, đất có thể chướng nước, ướt có thể chướng lửa, năm đen mười ác (1) chướng (báo sinh) trời người; bốn điên đảo (2) chướng quả Thanh Văn, ba thứ không lìa xa ở đây chướng tâm Bồ Đề. Cần phải biết là nếu muốn được không chướng, (thì) phải lìa xa ba thứ chướng ngại này vậy.

CHÚ THÍCH 71:

(1) Năm đen tức “ngũ nghịch”, xem chú thích (1), số 36, trang 66.

Mười ác là “thập bất thiện”, xem chú thích (3), số 36, trang 66.

(2) Bốn điên đảo, là (a) vô thường cho là thường, (b) khổ cho là lạc, (c) vô ngã cho là ngã, (d) bất tịnh cho là tịnh.

ĐẾN ĐÂY ĐÃ NÓI (VỀ) TÂM THANH TỊNH KHÔNG NHIỄM, TÂM THANH TỊNH AN, TÂM THANH TỊNH LẠC, BA THỨ TÂM NÀY TÓM (LẠI) MỘT CHỖ, THÀNH TỰU TÂM THẮNG CHÂN DIỆU LẠC, CẦN PHẢI BIẾT.

Lạc có ba thứ: một là lạc (bên) ngoài, nói cho (các) lạc do năm thức mà sinh: hai là lạc (bên) trong, nói cho (các) lạc (do) ý thức (thuộc) thiền đầu tiên, thiền thứ hai (và) thiền thứ ba mà sinh. Ba là lạc (do) thích Pháp, nói cho lạc do trí huệ mà sinh. Lạc do trí huệ mà sinh này (là) từ (chỗ) yêu thích công đức (của) Phật mà khởi. Đó là tâm lìa xa tôi, tâm lìa xa không (làm) an (lạc) cho chúng sinh, tâm lìa xa cúng dường mình. Ba thứ tâm này, thanh tịnh thăng tiến, tóm (lại) là tâm thắng chân diệu lạc. Diệu là nói (tâm) ấy tốt (đẹp), do vì lạc này duyên Phật (mà) sinh. Thắng là nói thắng hẳn các lạc của ba cõi. Chân là nói không hư dối, không điên đảo.

9) (Lớp thứ chín của giải nghĩa phần là) nguyện sự thành tựu:

NHƯ THẾ (VỚI CÁC) TÂM TRÍ HUỆ, TÂM PHƯƠNG TIỆN, TÂM KHÔNG CHỨNG, TÂM THẮNG CHÂN CỦA BỒ TÁT, CÓ THỂ SINH (VỀ) CÕI NƯỚC PHẬT THANH TỊNH, CẦN PHẢI BIẾT.

Cần phải biết là nói cần phải biết bốn thứ công đức thanh tịnh, có thể sinh được (về) cõi nước Phật thanh tịnh, không phải do (các) duyên (nào) khác mà sinh vậy.

ĐÓ GỌI LÀ NĂM THỨ PHÁP MÔN THUẬN THEO CỦA BỒ TÁT MA HA TÁT, (MỌI) VIỆC PHẢI LÀM (ĐỀU) TÙY Ý TỰ TẠI (MÀ) THÀNH TỰU. VÌ NHƯ (CÁC) PHÁP MÔN THUẬN THEO (THUỘC) VỀ NGHIỆP THÂN, NGHIỆP MIỆNG, NGHIỆP Ý, NGHIỆP TRÍ, NGHIỆP TRÍ PHƯƠNG TIỆN MÀ CHO ĐẾN GIỜ ĐÃ ĐƯỢC NÓI.

Tùy ý tự tại là nói năm thứ lực công đức này, có thể sinh cõi Phật thanh tịnh, ẩn hiện tự tại vậy. Nghiệp thân là lễ bái vậy; Nghiệp miệng là tán thán vậy; Nghiệp ý là phát nguyện vậy; Nghiệp trí là quán sát vậy; Nghiệp trí phương tiện là hồi hướng vậy. (Ở đây) nói năm thứ nghiệp này hòa hợp, tức (chính) là (sự) thành tựu (của các) nghiệp tự tại thuận theo với pháp môn vãng sinh tịnh độ.

10) (Lớp thứ mười của phần giải nghĩa là) lợi hạnh thành mãn:

LẠI CÓ NĂM THỨ MÔN, TUẦN TỰ THÀNH TỰU NĂM THỨ CÔNG ĐỨC, CẦN PHẢI BIẾT, GÌ LÀ NĂM MÔN? MỘT LÀ MÔN GẦN, HAI LÀ MÔN ĐẠI HỘI CHÚNG, BA LÀ MÔN NHÀ ĐẤT, BỐN LÀ MÔN PHÒNG ỐC, NĂM LÀ MÔN ĐẤT VƯỜN DẠO CHƠI.

Năm thứ này hiển hiện tướng vào ra thứ tự. Nơi tướng vào (thì) đầu tiên đến tịnh độ là tướng gần, nghĩa là (nhập) vào tụ chính định (của) Đại thừa, gần (với) A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ

Đề. Vào tịnh độ xong, liền vào số đại hội chúng của Như Lai. (Nhập) vào số chúng xong, sẽ đến (khu) nhà đất tu hành an tâm. Vào nhà đất xong, sẽ đến (các) phòng ốc mà tu hành cư ngụ. Tu hành thành tựu xong, sẽ đến đất giáo hóa. Đất giáo hóa tức là chỗ đất Bồ Tát tự ưa thích. Cho nên môn ra được gọi là môn đất vườn rừng dạo chơi.

NĂM THỨ MÔN NÀY, (THÌ) BỐN THỨ MÔN ĐẦU THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC VÀO, MÔN THỨ NĂM THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC RA.

Các môn công đức vào ra này là những gì? Giải thích rằng:

MÔN VÀO THỨ NHẤT LÀ: DO LỄ BÁI A DI ĐÀ PHẬT VÌ ĐỂ SINH NƯỚC KIA, (NÊN) ĐƯỢC SINH (VỀ) THẾ GIỚI AN LẠC, ĐÓ GỌI LÀ MÔN VÀO THỨ NHẤT.

Lễ bái nguyện sinh nước Phật, là tướng công đức đầu tiên.

MÔN VÀO THỨ HAI LÀ: DO TÁN THÁN A DI ĐÀ PHẬT, TÙY THEO DANH NGHĨA (MÀ) XƯNG DANH NHƯ LAI, Y THEO TƯỚNG TRÍ QUANG MINH (MÀ) TU HÀNH, (NÊN) ĐƯỢC (NHẬP) VÀO SỐ CHÚNG (CỦA) ĐẠI HỘI. ĐÓ LÀ MÔN VÀO THỨ HAI.

Y như danh (và) nghĩa của Như Lai, là tướng công đức thứ hai.

MÔN VÀO THỨ BA LÀ: DO MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM, PHÁT NGUYỆN SINH (CÕI) KIA (ĐỂ) TU HẠNH TAM MUỘI TỊCH TĨNH SA MA THA, (NÊN) ĐƯỢC (NHẬP) VÀO THẾ GIỚI LIÊN HOA TẠNG. ĐÓ GỌI LÀ MÔN VÀO THỨ BA.

Do vì (để) tu chỉ tịch tĩnh, (nên) một lòng nguyện sinh cõi kia, là tướng công đức thứ ba.

MÔN VÀO THỨ TƯ LÀ: DO CHUYÊN NIỆM QUÁN SÁT (CÁC) TRANG NGHIÊM VI DIỆU (CỦA CÕI) KIA, (ĐỂ) TU HÀNH TỲ BÀ XÁ NA (NÊN) ĐƯỢC ĐẾN CHỐN KIA, THỌ DÙNG ĐỦ LOẠI, THỌ DÙNG ĐỦ LOẠI PHÁP VỊ (AN) LẠC. ĐÓ GỌI LÀ MÔN VÀO THỨ TƯ.

Đủ loại pháp vị lạc là trong Tỳ Bà Xá Na, có quán vị thanh tịnh cõi nước Phật, vị Đại Thừa tóm nhận (lấy) chúng sinh (1), vị cứu cánh không uổng (làm) trụ trì, vị các sự (việc) kiểu (như) khởi hạnh nguyện giữ lấy cõi Phật. Có vô lượng vị Phật đạo trang nghiêm các kiểu như thế, nên nói đủ loại: Đó là tướng công đức thư tư.

CHÚ THÍCH 72:

(1) Chỉ có Đại thừa mới có chất vị này, là vị thâu tóm lấy tất cả chúng sinh, do đại bi kích phát và do phương tiện khéo thực hiện vậy.

MÔN RA THỨ NĂM LÀ: DO ĐẠI TỪ BI, QUÁN SÁT TẤT CẢ CHÚNG SINH KHỔ NÃO, HIỆN THÂN ỨNG HÓA, QUAY TRỞ VÀO TRONG VƯỜN SINH TỬ RỪNG PHIỀN NÃO, THẦN THÔNG DẠO CHƠI, ĐẾN ĐẤT GIÁO HÓA, DO BỔN NGUYỆN LỰC HỒI HƯỚNG VẬY. ĐÓ GỌI LÀ MÔN RA THỨ NĂM.

Hiện thân ứng hóa là: giống kiểu phổ môn thị hiện trong Pháp Hoa Kinh vậy. Dạo chơi có hai nghĩa: Một là nghĩa tự tại. Bồ Tát độ chúng sinh, ví như sư tử bắt nai, chuyện ấy không khó, tựa như dạo chơi. Hai là nghĩa độ (mà) không có gì (để) độ. Bồ Tát quán chúng sinh, rốt cuộc không có gì (là chúng sinh) hết. Tuy độ vô lượng chúng sinh mà thật không có một chúng sinh (nào là người) được diệt độ. Hiện độ chúng sinh, tựa như dạo chơi. Nói bổn nguyện lực là: thị hiện đại Bồ Tát ở trong thân pháp, (và) thường tại tam muội mà hiện đủ loại thân, đủ thứ thần thông, đủ loại thuyết pháp, đều do bổn nguyện lực (mà) khởi. Ví như cây đàn của A tu la (1), tuy không người đánh mà âm khúc tự nhiên (trổi). Đó gọi là đất giáo hóa, tướng công đức thứ năm.

CHÚ THÍCH 73:

(1) A tu la (Asura) có nghĩa là không được đẹp đẽ, ý nói tướng mạo xấu xí. Loài này tuy thần thông phước lực không thua gì chư thiên, song vì không được thuần thiện, nên cũng gọi là “phi thiên” (không phải cõi trời), do đó được liệt vào hạng quỷ thần. Tương truyền loài này có tính tật đố, tức ganh tị, rất nặng, nên hay sinh sân hận. Tuy nhiên lại hay tu phước, bố thí, nên có thần lực như chư thiên. Do phước lực này nên loại đàn của cõi ấy muốn nghe thì tự động phát ra âm nhạc, không cần người gẩy (Xem Đại Trí Độ Luận quyển 17).

BỐ TÁT VÀO THỨ BỐN MÔN (ĐẦU) (LÀ) HẠNH LỢI MÌNH THÀNH TỰU, CẦN PHẢI BIẾT.

Thành tựu là: ý nói lợi mình đầy đủ vậy. Cần phải biết là: ý nói cần phải biết do vì lợi mình ắt có thể lợi người. Chẳng phải là không thể lợi mình mà có thể lợi người vậy.

BỒ TÁT RA MÔN THỨ NĂM (LÀ) HẠNH HỒI HƯỚNG ÍCH NGƯỜI THÀNH TỰU, CẦN PHẢI BIẾT.

Thành tựu là: ý nói dùng nhân hồi hướng, chứng quả “đất giáo hóa”. Như nhân như quả, không có một sự nào mà không lợi người được. Cần phải biết là: ý nói phải biết do vì lợi người, ắt có thể lợi mình, chẳng phải là không thể lợi người mà có thể lợi mình được vậy.

BỒ TÁT NHƯ THẾ TU HẠNH CỦA NĂM MÔN NIỆM. DO (VÌ) LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI, (VÌ) MAU ĐƯỢC THÀNH TỰU A NẬU ĐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ.

Pháp do Phật đắc gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Vì được Bồ Đề này, nên gọi là Phật. Giờ đây nói là mau được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, là được sớm thành Phật vậy. A gọi là vô (là không có), Nậu Đa La gọi là thượng (là trên), Tam Miệu gọi là chính, Tam gọi là biến (là cùng khắp), Bồ Đề gọi là đạo. Tóm lại mà dịch thì gọi là Vô thượng chính biến đạo. Vô thượng là nói đạo này (vốn) lý cùng tính tận (1), không còn có gì hơn nữa. Do đâu mà nói vậy? Do chính vậy. Chính là trí (của) thánh vậy. (Đúng y) như tướng (của) pháp mà biết, nên gọi là chính trí. Tính (của) pháp không (có) tướng, nên trí thánh không (có) biết vậy. Biến có hai thứ, một là tâm thánh, biết cùng khắp tất cả (các) pháp, hai là thân pháp đầy cùng khắp pháp giới. Hoặc thân hoặc tâm, không thứ nào không cùng khắp vậy. Đạo là con đường không (có) chướng ngại vậy. Kinh có nói: Bậc mười phương không (có) ngại, một đường thoát sinh tử. Một đường (đó) là một đường không (có) chướng ngại vậy. Không (có) (chướng) ngại nghĩa là biết sinh tử tức là Niết Bàn, cứ như thế (sẽ) nhập (vào) tướng không (có chướng) ngại của môn pháp không (phải là) hai vậy.

Hỏi rằng: Có những duyên gì (mà) nói mau được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề?

Đáp rằng: Luận nói tu hạnh (của) năm môn, do lợi mình lợi người thành tựu. Song xét tìm tận gốc, (thì) A Di Đà Như Lai (chính) là duyên tăng thượng. Người lợi với lại lợi người, luận ra (thì cũng) có bổ sung cho nhau. Nếu tự nơi Phật mà nói (thì) phải nói là lợi người. Tự nơi chúng sinh mà nói (thì) phải nói là người lợi. Nay sẽ bàn về lực (của) Phật, cho nên lấy lợi người để mà nói, phải biết (đó là) ý này vậy. Phàm việc sinh về tịnh độ kia, cùng các hạnh mà Bồ Tát, người, trời (cõi) kia khởi lên, đều do duyên (nơi) lực nguyện gốc của A Di Đà Như Lai. Do đâu mà nói như thế? (Bởi) nếu chẳng phải (do) lực Phật (thì) bốn mươi tám nguyện sẽ thành uổng bày. Nay xin lấy ba nguyện (ra) để chứng cho nghĩa (này). Nguyện rằng: “Giả như ta đắc (thành) Phật, (thì) chúng sinh trong mười phương hết lòng chịu tin muốn sinh về nước ta, (chỉ cần) cho đến mười niệm, nếu mà không được sinh, (ta sẽ) không nhận lấy chính giác. Chỉ trừ (kẻ phạm tội) năm nghịch (và) phỉ báng chính pháp” (2). Do duyên lực nguyện của Phật, (thời) mười niệm niệm Phật sẽ được vãng sinh. Do được vãng sinh, tức khỏi bị các việc luân chuyển của ba cõi. Do không (có) luân chuyển, cho nên được mau. (Đây là) một chứng (cớ) vậy. Nguyện rằng: “Giả như ta đắc (thành) Phật, nếu người trời trong nước (ta) (mà) không trụ (nơi) tụ chính định (và) sẽ đến được diệt độ, (ta sẽ) không nhận lấy chính giác” (3). Do duyên nguyện lực của Phật (nên) trụ (được) tụ chính định. Do trụ (được) tụ chính định, (nên) sẽ đạt đến diệt độ. Không có các nạn (bị luân) chuyển trở lại, cho nên được mau (vậy). (Đây là) chứng cớ thứ hai vậy. Nguyện rằng: “Giả như ta đắc (thành) Phật, các chúng Bồ Tát ở các cõi Phật thuộc phương khác đến sinh vào nước ta, chung cuộc sẽ đạt đến (địa vị) nhất sinh bổ xứ. Trừ khi do bổn nguyện tự tại của họ mà biến hóa (cốt) vì chúng sinh, (nên) khoác áo giáp hoằng thệ, (để) cất chứa gốc đức, (mà) độ thoát tất cả (chúng sinh), dạo (chơi) các nước Phật, tu hạnh Bồ Tát, cúng dường các Phật Như Lai ở mười phương, khai hóa hằng sa vô lượng chúng sinh, khiến đứng vào đường vô thượng chính chân, vượt khỏi các hành thuộc các địa thường tình, tu tập đức của Phổ Hiền ngay hiện tiền. Nếu không phải vậy, (ta) không nhận lấy chính giác” (4). Do duyên nguyện lực của Phật, vượt khỏi các hành thuộc các địa thường tình, tu tập đức (hạnh) của Phổ Hiền ngay hiện tiền. Do vượt khỏi các hành thuộc các địa thường tình, cho nên được mau. (Đây là) chứng cớ thứ ba vậy. Theo đó mà suy (thì) tha lực làm duyên tăng thượng, có đâu không phải sao! Lại sẽ (trích) dẫn (ra) các lệ cho thấy (các) tướng (về) tự lực (và) tha lực. Như vì (có) người sợ (khổ của) ba nẻo (ác) (nên) giữ lấy cấm giới. Do giữ lấy cấm giới (nên) có thể tu thiền định. Do nhờ thiền định (mà) tu tập thần thông. Do nhờ thần thông (mà) có thể dạo (chơi) bốn thiên hạ. Những gì như thế gọi là tự lực. Còn như kẻ yếu, leo ngựa không nổi, (do) nương theo hạnh của vua Chuyển Luân sẽ theo hư không dạo bốn thiên hạ, không (có) gì chướng ngại. Những gì như vậy gọi là tha lực. Ngu thay! Học giả đời sau, nghe tha lực có thể nương theo, (thì) nên sinh tín tâm, đừng tự hạn cuộc vậy (5).

CHÚ THÍCH 74:

(1) Ý nói về mặt lý thời cùng cực, về mặt thể tính cũng tận cùng.

(2) Tức nguyện thứ 18.

(3) Tức nguyện thứ 11.

(4) Tức nguyện thứ 22.

(5) Nguyên văn: “vật tự cục phận dã”. Cục phận có nghĩa là khí lượng, tài phận. Vật tự cục phận là đừng có chỉ ỷ vào chính mình, đừng có lấy mình ra mà đong lường mọi sự, như vậy là chỉ thu hết tất cả vào giới hạn của mình mà thôi.

VÔ LƯỢNG THỌ KINH ƯU BÀ ĐỀ XÁ NGUYỆN SINH KỆ LƯỢC GIẢI NGHĨA XONG.

Vào đầu kinh nói là “như vầy”, để hiển rõ tín mới có thể vào (kinh). Cuối cùng nói “phụng hành”, (là) nói lên việc vâng nhận đã xong. Luận vào đầu quy lễ, cho thấy tông chỉ (vốn) có duyên do. Kết cuộc nói nghĩa xong, hiển lên lý được nói đến đã xong. Các người sáng tác (tuy) khác nhau (song) theo đây (mà) thành lệ.

    Xem thêm:

  • Kinh Hiệu Lượng Sổ Châu Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Ma Lợi Chi Thiên - Kinh Tạng
  • Kinh Cha Mẹ Ân Trọng (Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh) - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Đà La Ni Bồ Tát Thiên Nhãn Thiên Tý Quán Thế Âm - Kinh Tạng
  • Kinh Lăng Già Tâm Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn (Đôn Hoàng) - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Lạo Đà La Ni Thân - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Giới Tiêu Tai – Thích Khánh Anh dịch - Kinh Tạng
  • Những Nghi Vấn Về Pháp Môn Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Lược Luận Về Nghĩa An Lạc Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Vạn Phật Thánh Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Lý Thú Phân Thuật Tán - Kinh Tạng
  • Kinh Vua A Xà Thế - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm – HT Thích Thanh Từ dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Đại thừa Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng