1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 8

Bà la môn Kiều trần như nói những chỉnh cú tán dương và chú tán Đại biện tài thiên nữ rồi, lại nói với đại hội, thưa các vị, nếu muốn thỉnh cầu Đại biện tài thiên nữ từ mẫn da hộ, để hiện tại được hùng biện vô ngại, đại trí thông minh, ngôn ngữ tuyệt diệu, bác học kỳ tài, thảo luận văn hoa, tùy ý hoàn thành mà không ngưng trệ, thì nên làm như thế này. Trước hết chí thành thiết tha mà triệu thỉnh

Nam mô Phật đà da,

Nam mô Đạt ma da,

Nam mô Tăng dà da,

Kính lạy chư vị Bồ tát,

Kính lạy chư vị Độc giác,

Kính lạy chư vị Thanh văn,

Kính lạy chư vị Hiền thánh.

Chư vị Thế tôn quá khứ hiện tại đã tập lời nói chân thật, lời nói tùy thuận, lời nói hợp thời cơ, lời nói không lừa dối. Chư vị Thế tôn trong vô lượng đại kiếp thường xuyên nói chắc chắn. Nói chắc chắn thì ai cũng tùy hỷ. Vì không vọng ngữ nên quảng trường thiệt tướng xuất ra thì khắp cả khuôn mặt, khắp cả đại lục Thiệm bộ và ba đại lục khác, khắp một ngàn cho đến ba ngàn thế giới, khắp mười phương thế giới, phủ khắp tất cả một cách bất khả tư nghị, loại trừ nhiệt lực cao độ của phiền não. Kính lạy kính lạy quảng trường thiệt tướng như vậy của chư vị Thế tôn, nguyện con thành tựu hùng biện nhiệm mầu. Con xin chí tâm kính lạy

(65) Kính lạy sự hùng biện

của chư vị Thế tôn.

Kính lạy sự hùng biện

của chư vị Bồ tát.

Kính lạy sự hùng biện

của chư vị Độc giác.

Kính lạy sự hùng biện

của chư vị Thanh văn.

(66) Kính lạy sự hùng biện

của tiếng nói tứ đế.

Kính lạy sự hùng biện

của chánh hành chánh kiến.

Kính lạy sự hùng biện

của Phạn thiên, chư tiên.

Kính lạy sự hùng biện

của Ô ma đại thiên.

(67) Kính lạy sự hùng biện

của Tắc kiến đà thiên.

Kính lạy sự hùng biện

của Ma na tư vương.

Kính lạy sự hùng biện

của Thông minh dạ thiên.

Kính lạy sự hùng biện

của bốn Đại thiên vương.

(68) Kính lạy sự hùng biện

của Thiện trú thiên tử.

Kính lạy sự hùng biện

của Kim cang mật chủ.

Kính lạy sự hùng biện

của Phệ sốt nộ thiên.

Kính lạy sự hùng biện

của Tì ma thiên nữ.

(69) Kính lạy sự hùng biện

của Thị số thiên thần.

Kính lạy sự hùng biện

của Thất thị mạt đa.

Kính lạy sự hùng biện

của lời tiếng Hê lị.

(70) Kính lạy sự hùng biện

của Mẹ lớn các mẹ.

Kính lạy sự hùng biện

quỉ mẫu Ha rị để.

Kính lạy sự hùng biện

của chư thần Dược xoa.

Kính lạy sự hùng biện

của chư vương mười phương(79) .

(71) Có bao nhiêu thắng nghiệp

xin giúp đỡ cho con,

làm cho con thực hiện

sự hùng biện nhiệm mầu.

(72) Con xin kính lạy

bậc không dối trá.

Con xin kính lạy

bậc đã giải thoát.

Con xin kính lạy

bậc đã ly dục.

Con xin kính lạy

bậc hết triền cái (80) .

(73) Con xin kính lạy

bậc tâm thanh tịnh.

Con xin kính lạy

bậc đầy ánh sáng.

Con xin kính lạy

bậc nói chân thật.

Con xin kính lạy

bậc hết trần tập (81) .

(74) Con xin kính lạy

bậc ở thắng nghĩa.

Con xin kính lạy

bậc đại chúng sinh.

Con xin kính lạy

Đại biện thiên nữ,

hãy làm cho con

lời tiếng vô ngại.

(75) Cầu cho cái điều

con nguyện cầu đây

mau chóng thành đạt

một cách toàn hảo.

Cầu con vô bịnh,

cầu con yên ổn,

cầu con thọ lượng

được kéo dài ra,

(76) cầu con thể hội

các lời minh chú,

cầu con siêng tu

các pháp giác phần,

cầu con lợi lạc

cho bao chúng sinh,

cầu con sớm toại

tâm nguyện như trên.

(77) Con nói những lời

chân thành chắc thật,

con nói những lời

không hề dối trá;

cầu sự hùng biện

của Đại thiên nữ

giúp đỡ cho con

được thành đạt cả.

(78) Cầu nguyện Thiên nữ

ứng đến chỗ con,

làm con nói năng

không bị ngưng trệ,

đưa vào mau chóng

trong thân miệng con

sự đại thông minh

hùng biện toàn hảo.

(79) Cầu nguyện làm cho

cái lưỡi của con

sẽ được hùng biện

giống đức Thế tôn,

và do uy lực

của hùng biện ấy

mà con thuần hóa

cho bao chúng sinh.

(80) Lúc con xuất ra

lời tiếng hùng biện,

thì tùy sự việc

được thành tựu cả;

bởi vì người nghe

sinh ra kính trọng,

nên nói và làm

không vô hiệu quả.

(81) Nếu con cầu nguyện

về sự hùng biện

mà sự thể ấy

không được hiệu nghiệm,

thì lời chắc thật

Thiên nữ đã nói

sẽ toàn thành ra

hư vọng tất cả.

(82) Có kẻ đã làm

năm tội vô gián,

mà lời Thế tôn

làm họ thuần hóa.

Lại như các bậc

thánh giả La hán

nói ra những lời

báo đáp ân huệ.

(83) Và lời các ngài

Thu tử, Mục liên,

đứng đầu thánh chúng

đệ tử Thế tôn.

Tất cả lời nói

chân thật trên đây,

nguyện cầu cho con

cũng được như vậy.

(84) Nay con chí thành

triệu thỉnh các bậc

thánh chúng Thanh văn

của đức Thế tôn,

nguyện xin các ngài

mau đến chỗ con,

tác thành cho con

lời nguyện cầu này.

(85) Lời cầu của con

là lời chân thật,

lời nguyện của con

là không hư dối.

Trên từ chư thiên

của Sắc cứu cánh,

cùng với thánh giả

năm nơi Tịnh cư;

(86) chư vị Phạn vương

chư thiên Phạn phụ

cùng với tất cả

chư thiên Phạn chúng;

và Đại phạn vương

chúa tể tự phong

của cả đại thiên

thế giới Sách ha,

(87) cùng với tất cả

chư thiên tùy thuộc;

giờ này con xin

triệu thỉnh tất cả,

ước nguyện tất cả

rủ lòng từ mẫn,

thương tưởng đến con

mà cùng nhiếp thọ.

(88) Tha hóa tự tại,

Lạc biến hóa thiên,

Đỗ sư đa thiên

nơi có Từ tôn;

(89) chư thiên Dạ ma,

chư thiên Đao lợi,

cùng với chư thiên

nơi bốn Thiên vương;

(90) tất cả chư thần

đất nước lửa gió

ở núi Diệu cao

tất cả chư thần

bảy lớp biển cả

bảy lớp núi lớn,

cùng với bao nhiêu

tùy thuộc của họ;

(91) Mãn tài, Ngũ đỉnh (82) ,

nhật nguyệt tinh tú,

tất cả chư thiên

có cái tâm nguyện

làm cho thế giới

nhân loại yên ổn;

(92) chư thiên chư thần

không thích tạo tội;

quỉ mẫu cùng với

đứa con nhỏ nhất;

(93) lại còn tất cả

tám bộ thiên long.

(94) Nay con dựa vào

uy lực Thế tôn

mà triệu thỉnh cả,

nguyện xin từ mẫn

mà giúp cho con

hùng biện vô ngại.

(95) Tất cả nhân loại

cùng với chư thiên

những vị biết được

tâm nguyện của người,

nguyện đem thần lực

gia hộ cho con,

giúp con có được

hùng biện nhiệm mầu.

(96) Cho đến nguyện cầu

hết thảy chúng sinh

cùng tận không gian

khắp cả pháp giới,

giúp con có được

hùng biện nhiệm mầu.

Đại biện tài thiên nữ, bấy giờ, nghe lời nguyện cầu như vậy, thì nói với Bà la môn, rằng lành thay, đại nhân! Nếu thiện nam hay thiện nữ nào có thể y theo minh chú và chú tán như trước đã nói mà thọ trì đúng cách, qui kính Tam bảo, chí thành chánh niệm, thì mọi sự cầu nguyện đều không vô hiệu. Những người ấy nếu còn thọ trì đọc tụng bản kinh nhiệm mầu Ánh sáng hoàng kim này, thì mọi sở nguyện càng không vô hiệu, thành đạt mau chóng, trừ kẻ không có chí tâm. Bấy giờ Bà la môn, từ trong tâm trí sâu xa, rất là hoan hỷ, chắp tay thành kính mà vâng lời.

Đức Thế tôn bảo Đại biện tài thiên nữ, rằng lành thay, thiện nữ! Thiện nữ có thể quảng bá kinh này như vậy, hộ vệ cho những người thọ trì kinh này, và lợi ích cho chúng sinh an lạc.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết pháp thoại này, [kết thúc rằng] ban cho hùng biện thì bất khả tư nghị, phước được vô lượng, làm cho những người phát tâm cùng đi mau đến vô thượng bồ đề.

Phẩm 16: Cát Tường Thiên Nữ

Vào lúc bấy giờ Đại cát tường thiên nữ tức thì đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, bước tới đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, nếu con thấy trong bốn bộ đệ tử của đức Thế tôn có ai tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, giảng nói cho người bản kinh Ánh sáng hoàng kim này, thì con chuyên tâm tôn kính hiến cúng những vị pháp sư ấy. Đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm, dược phẩm, cùng với tất cả đồ dùng cần thiết cho đời sống, con làm cho đủ cả, không thiếu thứ gì. Để những vị pháp sư ấy sống thư thái mà, ngày cũng như đêm, tư duy cứu xét văn tự và nghĩa ý của bản kinh vua này. Nhờ vậy mà làm cho bản kinh vua này quảng bá rộng rãi trong đại lục Thiệm bộ, để cho những người đã trồng thiện căn nơi chỗ vô số chư vị Thế tôn thường được lắng nghe, chứ không ẩn mất mau chóng; để cho những người ấy trong vô số kiếp sẽ hưởng hạnh phúc vượt bậc trong nhân loại chư thiên, hiện tại thì sung túc, không bao giờ còn bị đói khát. Lại nhờ vậy mà làm cho chúng sinh được hưởng yên vui, được gặp chư vị Thế tôn, vị lai mau được vô thượng bồ đề, tuyệt hẳn cái khổ luân hồi ba nẻo đường dữ.

Bạch đức Thế tôn, con nhớ quá khứ có đức Thế tôn danh hiệu Lưu ly kim sơn bảo hoa quang chiếu cát tường công đức hải như lai, đủ mười đức hiệu. Con đã gieo trồng thiện căn ở nơi đức Thế tôn ấy. Chính nhờ thần lực của đức Thế tôn ấy từ bi da trì mà làm cho con nghĩ chỗ nào, nhìn hướng nào, đến nước nào, đều đem lại lạc thú cho vô số chúng sinh; ngoài y phục, ẩm thực, những thứ cần thiết để sống, họ còn có cả bạc vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu. Do vậy, những ai chí tâm đọc tụng kinh vua Ánh sáng hoàng kim này, thì cũng nên mỗi ngày đốt những hương liệu danh tiếng, chưng những bông hoa tốt đẹp, vì con mà hiến cúng đức Lưu ly kim sơn bảo hoa quang chiếu cát tường công đức hải như lai, thêm nữa, mỗi ngày ba buổi xưng niệm danh hiệu của con, đặt riêng hương hoa và mĩ vị mà hiến cúng cho con. Những ai lắng nghe tiếp nhận kinh vua này thì cũng được phước như trên.

Đại cát tường thiên nữ nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Do sự trì kinh

như con đã nói,

mà bản thân họ

cùng với thân quyến

tách rời thật xa

bao sự suy biến,

đồ dùng đầy đủ

không bao giờ thiếu,

uy quang, thọ lượng

đều khó cùng tận.

(2) Cái lực trì kinh

làm đất màu mỡ,

làm mưa với gió

rất đúng thời vụ,

chư thiên đẹp dạ,

chư thần ra sức.

(3) Cây trái tốt tươi,

lúa má toàn hảo,

cầu tài cũng thỏa,

nghĩ gì toại ý.

Đức Thế tôn bảo Đại cát tường thiên nữ, rằng lành thay, thiện nữ có thể nhớ trả ơn xưa mà chỉ cách hiến cúng, lợi ích yên vui cho vô số chúng sinh, và quảng bá kinh này thì phước đức thật bất tận.

Phẩm 17: Tăng Trưởng Tài Vật

Bấy giờ Đại cát tường thiên nữ lại thưa, bạch đức Thế tôn, Đa văn thiên vương ở hướng bắc có thành trì tên là Hữu tài. Cách thành trì ấy không xa thì có hoa viên tên là Diệu hoa phước quang. Trong hoa viên này có cung điện thù thắng, do bảy chất liệu quí báu tạo thành. Con thường ở trong cung điện ấy. Những ai muốn cầu ngũ cốc mỗi ngày mỗi thêm, kho lẫm tràn đầy, thì phải có cái tâm kính tin, sửa dọn một phòng cho sạch, dùng cù ma mà tráng nền. Hãy vẽ tượng con với những chuỗi ngọc trang sức khắp người. Phải tắm rửa mình mẩy, xoa xát hương liệu, mặc đồ sạch sẽ. Vào tịnh thất thì hãy phát tâm vì con mà mỗi ngày ba buổi xưng niệm hồng danh đức Thế tôn của con, và danh hiệu kinh này mà kính lạy. Hãy niệm Nam mô Lưu ly kim sơn bảo hoa quang chiếu cát tường công đức hải như lai, [Nam mô Kim quang minh tối thắng vương kinh]. Hãy đem hương hoa và mĩ vị mà chí tâm phụng hiến. Cũng hiến cúng hình tượng của con bằng hương hoa và ẩm thực. Lại đem ẩm thực mà vãi các phương hướng, hiến cho chư thần. Rồi nói thành thật mà triệu thỉnh con, Đại cát tường thiên nữ, để phát ra ước nguyện của mình. Và rằng nếu Thiên nữ nói thật thì đừng để thỉnh nguyện của con vô hiệu quả. Bấy giờ con, Đại cát tường thiên nữ, biết sự thể này thì thương tưởng, làm cho nhà họ thêm thóc lúa, thêm tài vật. Hãy tụng minh chú sau đây mà triệu thỉnh con. Nhưng trước khi tụng minh chú, hãy chí tâm mà xướng và lạy hồng danh của chư vị Như lai và chư vị Bồ tát.

Kính lạy chư vị Như lai khắp mười phương hướng trong ba thì gian,

Kính lạy đức Bảo kế như lai,

Kính lạy đức Vô cấu quang minh bảo tràng như lai,

Kính lạy đức Kim tràng quang như lai,

Kính lạy đức Bách kim quang tạng như lai,

Kính lạy đức Kim cái bảo tích như lai.

Kính lạy đức Kim hoa quang tràng như lai,

Kính lạy đức Đại đăng quang như lai,

Kính lạy đức Đại bảo tràng như lai,

Kính lạy đức Bất động như lai ở hướng đông,

Kính lạy đức Bảo tràng như lai ở hướng nam,

Kính lạy đức Vô lượng thọ như lai ở hướng tây,

Kính lạy đức Thiên cổ âm vương như lai ở hướng bắc,

Kính lạy đức Diệu tràng bồ tát,

Kính lạy đức Kim quang bồ tát,

Kính lạy đức Kim tạng bồ tát,

Kính lạy đức Thường đề bồ tát,

Kính lạy đức Pháp thượng bồ tát,

Kính lạy đức Thiện an bồ tát.

Kính lạy chư vị Như lai và chư vị Bồ tát rồi, kế đó, trì tụng minh chú sau đây mà triệu thỉnh con, Đại cát tường thiên nữ. Do cái lực của minh chú này mà sự nguyện cầu được hiệu quả. Đại cát tường thiên nữ tức thì tuyên thuyết minh chú ấy: Nam mô, Sri ma ha đê vi, tát da tha, pa ri pua na cha rê, Sa măn ta đar sa ni, ma ha vi ha ra ga tê, sa man ta, pi ta ma ma ti, ma ha ka ri da, prát vít tha pi ni, sar văn tơ, a sa măn tan, su pra ti pu rê, a da na đa ma ta, ma ha ba gê na, ma ha mai tri, u pa săm hê tê, ma hắt lê sa, su sam gri hơ tê, a nu pu la na, soa ha. (Namo Srimahadevi tadyatha paripurnacare Samantadarsani mahaviharagate samanta pitamamati mahakarya prat’visthapini sarvant asamantan (?) supratipure ayanadharmata mahabhagena mahamaitri upasamhete mahaklesa susamgrh’te anupulana svaha).

Bạch đức Thế tôn, ai trì tụng minh chú này để triệu thỉnh con, thì con nghe là đến ngay chỗ người ấy để làm cho họ toại nguyện. Bạch đức Thế tôn, minh chú này là câu chữ của đại pháp quán đảnh, câu chữ của đại định thành tựu, câu chữ tối chân thật, câu chữ không dối trá, là việc làm bình đẳng, là thiện căn chính yếu đối với chúng sinh. Thọ trì đọc tụng minh chú này thì phải bảy ngày đêm thọ giới Bát quan trai, mỗi buổi sáng sớm đánh răng súc miệng sạch sẽ rồi, sau lúc quá trưa (83) thì hiến cúng hương hoa lên chư vị Thế tôn, phát lộ tội lỗi của mình. Hãy vì bản thân và vì chúng sinh mà hồi hướng, phát nguyện. Như thế mới làm cho hy vọng mau thành tựu. Hãy dọn sạch một cái phòng, hoặc ở chỗ trống vắng, hoặc ở chỗ lan nhã, dùng cù ma mà làm đàn tràng, đốt đàn hương mà hiến cúng. Hãy đặt một cái ghế đặc biệt, trang hoàng tràng phan, lọng dù. Hãy dùng bông hoa danh tiếng mà sắp ra trong đàn tràng. Rồi chí tâm tụng trì minh chú đã nói ở trên, mong ước con đến. Lúc này con tức khắc nghĩ đến người ấy, quan sát người ấy, và đến trong đàn tràng, ngồi nơi cái ghế đặc biệt, nhận sự hiến cúng của người ấy. Từ đó về sau, con làm cho người ấy được mộng thấy con. Người ấy cầu gì thì cứ nói thật. Thì dầu ở trong làng xóm, ở cạnh đầm chằm, hay ở trong trú xứ chư tăng, cầu gì cũng thỏa. Bạc vàng, tài sản, gia súc, thóc lúa, ẩm thực, y phục, đều tùy tâm ước muốn mà hưởng thụ lạc thú. Nhưng được sự linh nghiệm rồi, trước hết phải đem phần thượng hạng mà hiến cúng Tam bảo, hồi thí cho con. Hãy làm pháp hội lớn, thiết ẩm thực và bày hoa hương. Hiến cúng rồi thì cúng phẩm đem bán đi, lấy tiền mà hiến cúng nữa. Trọn đời người ấy con thường ở bên cạnh, giúp cho người ấy không thiếu thứ gì, cầu gì cũng thỏa. Nhưng cũng phải thường xuyên chu cấp cho người nghèo thiếu, không được tiếc lẫn, chỉ vị bản thân. Lại thường đọc tụng kinh này, hiến cúng không ngớt. Phải đem cái phước này phổ thí tất cả mà hồi hướng bồ đề, nguyện vượt sinh tử mà giải thoát mau chóng.

Bấy giờ đức Thế tôn tán dương, rằng lành thay Đại cát tường thiên nữ. Thiên nữ có thể quảng bá kinh này như vậy. Thì thật bất khả tư nghị, lợi ích cho cả bản thân và tha nhân.

Phẩm 18: Kiên Lao Địa Thần

Vào lúc bấy giờ Kiên lao địa thần ở trong đại hội tức thì đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, trong hiện tại hay trong vị lai, những nơi thành thị, làng xóm, cung vua, lầu đài, lan nhã, chằm núi, rừng hoang, chỗ nào có bản kinh vua Ánh sáng hoàng kim này quảng bá thì, bạch đức Thế tôn, con sẽ đến chỗ ấy, hiến cúng, tôn kính, hộ vệ, quảng bá. Chỗ nào đặt tòa cao cho vị pháp sự diễn giảng kinh này, thì con đem thần lực, không biểu hiện bản thân, mà ở ngay nơi tòa cao đưa đỉnh đầu đội chân cho vị pháp sư ấy bước lên. Con được nghe pháp, thâm tâm hoan hỷ, được hưởng pháp vị, tăng thêm uy quang, mừng vui vô hạn. Bản thân con được lợi ích như vậy, con làm cho cõi đất to lớn này, sâu một trăm sáu mươi tám ngàn, sâu đến kim cang luân, màu mỡ của đất đều thêm lên. Trong bốn biển, đất đai tất cả hải đảo cũng vậy, được làm cho màu mỡ hơn ngày thường. Trong đại lục Thiệm bộ, bao nhiêu sông rào ao hồ mà có các loại cây, cỏ thuốc, lùm rừng với các thứ hoa quả, rễ thân, nhánh lá, cùng với lúa má, thì bề ngoài ai cũng đã thích nhìn, màu sắc hương vị đủ cả, và thứ nào cũng dùng được. Dùng những ẩm thực phẩm khác thường như vậy thì tăng thêm sống lâu, sắc đẹp, và sức mạnh, tất cả giác quan đều ổn định, tươi sáng thêm lên, đau đớn không còn. Tâm trí mạnh mẽ, đủ mọi kham năng. Cả địa cầu này cần gì thì hàng trăm hàng ngàn sự việc đều hoàn bị. Bạch đức Thế tôn, vì tình trạng này mà cả đại lục Thiệm bộ yên ổn sung túc, dân chúng đông đảo, không mọi suy tổn, ai cũng an lạc.

Cả cơ thể và tâm trí hưởng được lạc thú như vậy, thì đối với bản kinh vua này càng thêm mến trọng sâu xa, ở đâu cũng muốn thọ trì, hiến cúng, cung kính, tôn trọng, tán dương. Lại cùng nhau đến chỗ pháp tòa của vị pháp sư, vì chúng sinh mà thỉnh cầu diễn giảng bản kinh vua tối thắng này. Tại sao, vì bạch đức Thế tôn, diễn giảng kinh này thì bản thân con và mọi tùy thuộc đều nhờ lợi ích, khí lực tươi sáng, uy thế mạnh mẽ, dung mạo đoan trang, sắc tướng đẹp đẽ, tất cả đều hơn ngày thường. Bạch đức Thế tôn, con, Kiên lao địa thần, hưởng được pháp vị rồi, có thể làm cho đại lục này, với bảy ngàn lần trăm triệu chu vi đất đai đều màu mỡ, cho đến như trước đã nói ai cũng an lạc. Do vậy, bạch đức Thế tôn, lúc đó chúng sinh, để trả ơn con, nên nghĩ như vậy, ta nhất định phải lắng nghe tiếp nhận kinh vua ấy, cung kính hiến cúng tôn trọng, tán dương. Nghĩ vậy nên từ bất cứ chỗ nào họ cư trú, họ cùng đến pháp hội, kính lạy pháp sư, lắng nghe kinh này. Lắng nghe rồi, ai nấy trở về chỗ cũ, lòng rất mừng vui, và nói rằng nay chúng ta được nghe cái pháp thậm thâm vô thượng, thế là đã thu nhận cái khối phước đức bất khả tư nghị. Do cái lực của kinh này, chúng ta sẽ gặp được vô lượng chư vị Thế tôn mà phụng sự hiến cúng, vĩnh ly những chỗ tối khổ là ba nẻo đường dữ. Thêm nữa là vị lai, trong hàng trăm hàng ngàn đời, thường hưởng hạnh phúc hơn hết ở trong nhân loại và trên chư thiên. Khi trở về chỗ cũ, họ cũng nói cho những người đồng hương về bản kinh vua này. Họ nói kinh này qua một sự ví dụ, một phẩm, một chuyện đời trước, một danh hiệu Thế tôn, một danh hiệu Bồ tát, một bài chỉnh cú bốn câu, hoặc một câu có nghĩa, hay đến nỗi chỉ nói tên kinh. Như thế thì bạch đức Thế tôn, chỗ họ cư trú đất đai phì nhiêu hơn chỗ khác. Đất đai ấy sản xuất gì cũng tăng trưởng, tươi tốt, to lớn, làm cho chúng sinh thụ hưởng lạc thú, nhiều của, ưa bố thí, tâm chí kiên định mà thâm tín Tam bảo.

Kiên lao địa thần thưa như vậy rồi, đức Thế tôn bảo, rằng Kiên lao địa thần, nếu ai nghe được kinh vua Ánh sáng hoàng kim thì, dầu chỉ một câu, họ chết cũng sinh Đao lợi hay các thiên xứ khác. Ai vì sự hiến cúng kinh vua này mà trang hoàng nhà cửa, thì đến nỗi chỉ trương một cái lọng dù, treo một cái tràng phan, cũng do nhân tố ấy mà sinh trong sáu thiên xứ cõi Dục, sống trong cung điện thất bảo mà thụ hưởng tùy thích, và điều mà ai cũng tự nhiên có được là vui với bảy ngàn thiên nữ, ngày đêm thường xuyên hưởng thụ cái phước đặc biệt và khó mà nghĩ bàn.

Đức Thế tôn dạy như vầy rồi, Kiên lao địa thần lại thưa, bạch đức Thế tôn, chính vì sự thể đức Thế tôn đã nói, nên những ai trong bốn bộ đệ tử của Ngài lên ngồi pháp tòa diễn giảng kinh này, thì con ngày đêm hộ vệ những người ấy, tự ẩn mình đi, đưa đỉnh đầu mình mà đỡ chân cho vị pháp sư khi bước lên và khi ngồi trên pháp tòa. Bạch đức Thế tôn, kinh này vì những người đã trồng thiện căn nơi vô số chư vị Thế tôn mà quảng bá bất tuyệt trong đại lục Thiệm bộ. Những người ấy lắng nghe kinh này thì vị lai vô số kiếp thường hưởng hạnh phúc vượt bậc trong chư thiên nhân loại, được gặp chư vị Thế tôn, được mau thành tựu vô thượng bồ đề, và nhất là không còn phải trải qua cái khổ sống và chết trong ba nẻo đường dữ.

Khi ấy Kiên lao địa thần lại thưa, bạch đức Thế tôn, con có một bài minh chú (84) có năng lực lợi ích nhân thiên, an lạc tất cả. Nam tử nữ nhân nào, hay bốn bộ đệ tử của đức Thế tôn, muốn được đích thân nhìn thấy chân thân của con, thì phải chí tâm mà trì minh chú ấy. Thì tùy sở nguyện mà toại ý cả. Là như nguyện được đồ dùng để sống, nguyện được tài sản, nguyện được vàng ngọc, nguyện được kho tàng ẩn trong lòng đất, nguyện được những khả năng thần kỳ, nguyện được thuốc thần để trường sinh hay trị liệu mọi bịnh, nguyện chiến thắng thù địch, nguyện chế ngự các thứ luận thuyết. Hãy dọn một tịnh thất mà thiết đạo tràng, tắm mình mẩy, mặc đồ sạch, ngồi nệm cỏ. Hãy đối trước hình tượng Phật có xá lợi, hay trước chùa tháp Phật có xá lợi, mà đốt hương, rải hoa, hiến dâng ẩm thực. Lấy ngày tám tháng trăng sáng (85) , hoặc là ngày sao Bố sái (86) mà tụng minh chú triệu thỉnh con, Kiên lao địa thần: Tát da tha, chi ri, chi ri, chu ru, chu ru, ku ru, ku ru, ku tu, ku tu, tô tu, tô tu, ba ha, ba ha, sa va ri, sa va ri, soa ha. (Tadyatha ciri ciri curu curu kuru kuru kutu kutu totu totu bhaha bhaha savari savari svaha).

Bạch đức Thế tôn, minh chú này, nếu có ai trong bốn bộ đệ tử Thế tôn tụng được một trăm tám biến mà triệu thỉnh con, thì con sẽ đến tức khắc. Lại nữa, bạch đức Thế tôn, nếu ai muốn thấy con biểu hiện thân ra để nói chuyện với nhau, thì cũng phải sắp đặt như trước rồi tụng minh chú này: Tát da tha, a cha ni, gri li ga, kơ sa na ti, si ra, sít đa ri, ha, ha, hi, hi, ku ru, ba rê, soa ha. (Tadyatha acani griliga ksanati sira sidhari ha ha hi hi kuru bhare svaha).

Bạch đức Thế tôn, tụng minh chú này thì phải một trăm tám biến, lại tụng minh chú trên nữa, thì quyết chắc con sẽ biểu hiện thân con, thành tựu cho sở nguyện của họ, hoàn toàn không vô hiệu quả. Nhưng muốn tụng minh chú này thì trước hết phải tụng minh chú giữ mình: Tát da tha, ni si ri, ma sa ka ni, na ti, ku ti, bút đi, bút đi rê, bi ti, bi ti, ku ku ti, ba chi ri, soa ha. (Tadyatha nisiri masakani nati kuti budhi budhire biti biti kukuti baciri svaha).

Bạch đức Thế tôn, tụng minh chú này thì dùng chỉ ngũ sắc, tụng hai mươi mốt biến thì thắt hai mươi mốt gút, đem buộc sau khuỷu tay trái, thì giữ mình mà không có gì sợ hãi nữa. Chí tâm mà tụng minh chú này thì cầu gì cũng thỏa. Con không vọng ngữ. Phật pháp tăng là chứng điệp của con, chứng nhận cho con.

Bấy giờ đức Thế tôn bảo Kiên lao địa thần, lành thay, địa thần có thể đem minh chú nói thật mà hộ trì kinh này và pháp sư quảng bá kinh này. Nhân tố này làm cho địa thần được phước báo vô số lượng.

Phẩm 19: Dược Xoa Đại Tướng

Vào lúc bấy giờ, đại tướng Dược xoa là Chánh liễu tri, cùng với chư thần hai mươi tám bộ Dược xoa, ở trong đại hội cùng nhau đứng dậy khỏi chỗ họ ngồi, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, ở thành thị, ở làng xóm, ở chằm núi, ở rừng hoang, ở cung điện vua, ở tăng trú xứ, ở bất cứ chỗ nào mà bản kinh vua Ánh sáng hoàng kim này quảng bá đến, thì, bạch đức Thế tôn, con, đại tướng Chánh liễu tri, cùng chư thần hai mươi tám bộ Dược xoa, đều đến chỗ ấy, cùng ẩn mình đi, tùy chỗ mà hộ vệ cho vị thuyết pháp khỏi suy tổn, hưởng yên vui; hộ vệ cho những người nghe pháp, bất kể nam hay nữ, đồng nam hay đồng nữ, mà đối với bản kinh vua này dầu chỉ tiếp nhận ghi nhớ một bài chỉnh cú bốn câu, hoặc một câu có nghĩa, hoặc cái tên của bản kinh vua này mà thôi, hoặc một danh hiệu Thế tôn hay một danh hiệu Bồ tát trong bản kinh vua này mà phát tâm xưng niệm tôn kính hiến cúng, thì con hộ vệ, thu nhận, làm cho khỏi tai nạn, rời khổ được vui.

Bạch đức Thế tôn, tại sao tên con là Chánh liễu tri, [thấu hiểu chính xác]? Điều này thì chính đức Thế tôn đích thân làm chứng cho con. Con biết các pháp, con hiểu các pháp. Tùy các pháp có gì, như các pháp là gì (87) thì, bạch đức Thế tôn, con thấu hiểu cả. Con có ánh sáng trí tuệ khó lường, có ánh đuốc trí tuệ khó lường, có việc làm trí tuệ khó lường, có cái khối trí tuêể khó lường, nên đối với lĩnh vực trí tuệ khó lường con thông suốt được cả. Bạch đức Thế tôn, vì đối với các pháp con biết chính xác, hiểu chính xác, ngộ chính xác, có năng lực chính xác quan sát, nên bạch đức Thế tôn, con tên là đại tướng Chánh liễu tri. Do yếu tố này mà con làm cho người thuyết pháp ngôn từ hùng biện đều cụ túc trang nghiêm, lại làm cho sinh khí nhập vào qua lỗ chân lông nên toàn hảo tất cả thể lực sung mãn, uy thần mạnh mẽ, trí quang khó lường; được ký ức chính xác nên không có khuất phục, được thể lực gia tăng nên không có suy tổn, được giác quan thư thái nên thường sinh hoan hỷ; và vì vậy mà quảng bá kinh vua này trong đại lục Thiệm bộ cho những người gieo trồng thiện căn và tu tạo phước nghiệp nơi vô số chư vị Thế tôn, chứ không để ẩn mất mau chóng. Những người này lắng nghe kinh vua này thì được cái ánh trí tuệ nan tư nghị và được cái khối phước trí vô số lượng; và trong thì vị lai thì vô số kiếp thường được thụ hưởng hạnh phúc vượt bậc trong nhân loại chư thiên, được gặp chư vị Thế tôn, được mau chứng vô thượng bồ đề, đặc biệt không còn đi qua những nỗi tối khổ trong ba nẻo đường dữ của lĩnh vực Diêm la.

Bấy giờ đại tướng Chánh liễu tri thưa rằng, bạch đức Thế tôn, con có một minh chú, xin đích thân tự trình bày trước đức Thế tôn, để thương tưởng lợi ích cho bao chúng sinh: Nam mô Bút đa da, nam mô Đa ma da, nam mô Săm ga da, nam mô Brắt ma da, nam mô In đra da, na ma hơ cha tu năm, ma ha ra ja năm, tát da tha, hi ri, hi ri, mi li, mi li, Gau ri, Ma ha gau ri, Găn đa ri, Ma ha găn đa ri, Đra vi đi, Ma ha đra vi đi, đăn đa, khu kun tê, ha, ha, ha, ha, ha, hi, hi ,hi, hi, hi, hô, hô, hô, hô, hô, ha la, đa ma, ku đa mê, cha, cha, cha, cha, chi, chi, chi, chi, chu, chu, chu, chu, chăn đê soa ra, sít kha ra, sít kha ra, út tít ta hi, ba ga văn, săm chin ja da, soa ha. (Namo Buddhaya, namo Dharmaya, namah Samghaya, namo Brahmaya, namo Indraya, namah caturnam mahasjanam, tadyatha hiri hiri mili mili Gauri Mahagauri Gandhari Mahagandhari Dravidi Mahadravidi danda khukunte ha ha ha ha ha, hi hi hi hi hi, ho ho ho ho ho, hala dhana kudame, ca ca ca ca, ci ci ci ci, cu cu cu cu, candesvara sikhara sikhara uttistahi bhagavan saceinjaya svaha).

Bạch đức Thế tôn, ai thọ trì được minh chú này thì con cung phụng đủ cả đồ dùng để sống để vui, cung cấp ẩm thực, y phục, hoa quả, trân bảo, hoặc cầu con trai con gái, cầu bạc vàng trân bảo, hay cầu những chuỗi ngọc, con cung phụng cho cả, không để nguyện cầu mà thiếu thốn. Minh chú này có uy lực cực lớn. Trì tụng minh chú này thì con đến mau chỗ người ấy, làm cho toại ý mà không có gì trở ngại. Trì tụng minh chú này thì phải biết cách thức. Ấy là trước hết vẽ tượng con trên một mặt phẳng, cao bốn năm thước xưa, tay cầm mâu thử (88) . Trước tượng này làm cái đàn bốn hướng, đặt bốn cái bình trong đựng đầy nước mật hay nước đường. Rồi xoa hương liệu, đốt hương liệu, và hiến những vòng hoa. Trước đàn để cái lò đất, trong để tro nóng có lửa mà đốt tô ma giới tử. Tụng minh chú trên một trăm tám biến, mỗi biến đốt một lần. Cho đến lúc con, đại tướng Chánh liễu tri, tự đến biểu hiện bản thân, hỏi người tụng chú, rằng cần gì thì cứ nói. Con tức khắc tùy lời người ấy nói mà làm cho thỏa mãn. Cần bạc vàng, cần kho tàng ẩn trong lòng đất, cần thần tiên lướt không gian mà đến, cần thiên nhãn thông, cần tha tâm thông, tất cả sự cần cầu như vậy để lợi ích chúng sinh thì tùy ý thành tựu, cho đến làm cho chúng sinh diệt phiền não, chứng giải thoát, cũng thực hiện được cả.

Bấy giờ đức Thế tôn bảo đại tướng dược xoa Chánh liễu tri, rằng lành thay đại tướng. Đại tướng có thể lợi ích chúng sinh như vậy, tuyên thuyết minh chú để hộ vệ chánh pháp, phước lợi thật vô biên.

Phẩm 20: Vương Pháp Chính Luận

Bấy giờ nữ thần đại địa tên Kiên lao địa thần, ở trong đại hội lại từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, trong mọi quốc gia, những người làm quốc vương, nếu không có chánh pháp thì không thể quản trị quốc gia, an dưỡng quốc dân, bảo đảm bản thân ngồi lâu vương vị. Kính xin đức Thế tôn từ bi thương tưởng, dạy cho con nghe về vương pháp chính luận, chủ yếu của sự quản trị quốc gia. Để cho các vị quốc vương nghe được chánh pháp này thì tuân hành đúng như huấn dụ, đem chánh pháp mà hoá cải quốc dân, làm cho ngôi vua an ninh, quốc dân lợi lạc. Lúc ấy, ở trong đại hội, đức Thế tôn bảo Kiên lao địa thần, địa thần hãy nghe cho kyծ Quá khứ có quốc vương tên là Lực tôn tràng. Quốc vương có thái tử tên Diệu tràng. Đăng quang không bao lâu, phụ vương bảo Diệu tràng, có vương pháp chính luận tên là Pháp của trời dạy. Trước đây ta đăng quang làm quốc vương, thì phụ vương của ta tên Trí lực tôn tràng đã dạy cho ta chính luận ấy. Ta y theo nên khéo quản trị quốc gia trong hai mươi ngàn năm, ta nhớ không hề mống lên một ý nghĩ làm điều phi pháp. Ngày nay con cũng phải như vậy. Đừng đem điều phi pháp mà quản trị quốc gia. Vương pháp chính luận là gì, con hãy nghe cho khéo, ta sẽ nói cho. Thế rồi quốc vương Lực tôn tràng liền nói cho con về chính luận ấy, bằng những chỉnh cú sau đây.

(1) Tôi nói vương pháp luận

lợi lạc bao sinh linh,

để loại trừ hoài nghi

và loại bỏ lỗi lầm.

(2) Tất cả các thiên chủ

cùng với các nhân vương

nên sinh tâm hoan hỷ

chắp tay nghe tôi nói.

(3) Xưa bộ chúng chư thiên

họp tại Kim cương sơn,

bốn Thiên vương đứng dậy

xin hỏi Đại phạn vương.

(4) Đại phạn vương tối tôn

tự tại nhất chư thiên,

xin thương tưởng chúng tôi

loại trừ giúp hoài nghi.

(5) Làm sao ở nhân loại

mà được gọi là trời?

lại vì lý do nào

mà gọi là con trời?

(6) Tại sao sinh nhân gian

một mình làm nhân vương?

rồi sao tại chư thiên

lại được làm thiên chủ?

(7) Người hộ vệ thế giới

hỏi Đại phạn vương rồi,

Đại phạn vương bấy giờ

liền nói cho họ nghe.

(8) Người hộ vệ thế giới,

vì ích lợi bao kẻ

mà hỏi phép trị nước,

ta nói, hãy lắng nghe.

(9) Do lực thiện nghiệp cũ

sinh thiên làm thiên chủ;

lại ở trong nhân loại

làm quốc vương thống lĩnh.

(10) Chư thiên cùng da hộ

mới nhập vào thai mẹ,

khi ở trong thai mẹ

chư thiên vẫn giữ gìn.

(11) Dẫu sinh trong nhân loại

tôn hơn nên gọi trời,

do chư thiên hộ vệ

nên được gọi con trời.

(12) Chúa trời Đao lợi thiên

phân sức giúp nhân vương,

và tất cả chư thiên

cũng giúp sức tự tại.

(13) Loại trừ mọi phi pháp

không cho sinh ác nghiệp,

dạy người tu điều thiện

để họ sinh chư thiên.

(14) Nhân loại, a tô la,

càn thát bà vân vân,

la sát, chiên trà la,

cùng giúp đến nửa sức.

(15) Cha mẹ giúp nửa sức

để bỏ ác làm lành,

chư thiên càng hộ trì

chỉ cho thấy phước báo.

(16) Nếu tạo tác ác nghiệp

thì ngay trong hiện tại

chư thiên đã không giúp

chỉ cho thấy ác báo.

(17) Quốc dân tạo ác nghiệp,

quốc vương không cấm đoán,

thế là phi chánh pháp

không đúng cách trị đuổi.

(18) Thấy ác mà không chận,

phi pháp tự tươi lớn,

thế là trong vương quốc

gian trá ngày càng nhiều.

(19) Quốc vương thấy quốc dân

làm ác mà không ngăn,

thì chư thiên Đạo lợi

cùng sinh ra phẫn nộ.

(20) Nên quốc chính thương tổn

dối trá lan khắp nước,

bị ngoại thù xâm lược

hủy diệt cả vương quốc.

(21) Nhà ở với đồ dùng

tài sản đều tan hoang,

nịnh và láo đa dạng

chiếm đoạt hại lẫn nhau.

(22) Do Pháp mới làm vua,

mà không tuân hành Pháp,

quốc dân phải tan rã

như hồ sen voi dẫm.

(23) Gió dữ nổi lên mãi,

mưa dữ đổ trái mùa,

yêu tinh lắm biến quái,

nhật nguyệt thực tối mờ.

(24) Ngũ cốc cùng hoa quả

trái hạt đều hư hỏng,

quốc gia bị đói khát

vì vua bỏ chánh pháp.

(25) Vua mà bỏ chánh pháp

đem phi pháp dạy dân,

thì ở cung điện mình

chư thiên vẫn lo rầu.

(26) Những vị thiên vương ấy

cùng nhau nói như vầy,

vua mà làm phi pháp,

phe ác hùa với nhau.

(27) Thì ngôi vua bất an,

chư thiên cùng phẫn nộ,

chư thiên mà phẫn nộ,

quốc gia ấy bại vong.

(28) Giáo dục bằng phi pháp

lan tràn trong quốc gia,

thì đấu tranh gian dối,

thì bịnh dịch hoành hành.

(29) Thiên chủ không hộ vệ,

chư thiên khác cũng bỏ,

quốc gia sẽ diệt vong,

quốc vương bị khổ ách.

(30) Cha mẹ và vợ con

anh em và chị em

đều bị khổ biệt ly,

đến nỗi phải mất mạng.

(31) Biến quái và sao sa,

nóng như hai mặt trời,

giặc thù đến từ ngoài,

quốc dân phải tan hoang.

(32) Đại thần cả nước trọng

thì chết oan chết uổng,

đến voi ngựa vân vân

cũng tản mát sạch không.

(33) Giặc giã khắp mọi nơi,

dân chết vì phi pháp,

ác quỉ thì xâm nhập,

bịnh dịch thì hoành hành.

(34) Tối đại thần trong nước,

cùng các vị phụ tướng,

lòng đầy những dua nịnh,

cùng nhau làm phi pháp.

(35) Thấy kẻ làm phi pháp

mà yêu mến kính nể,

thấy người làm thiện pháp

lại hành hạ khổ sở.

(36) Do yêu nể kẻ ác

mà hành hạ người lành,

nên tinh tú, phong, vũ,

không còn thuận thời tiết.

(37) Ba điều xấu ấy sinh

thì chánh pháp ẩn mất,

con người hết tươi sáng,

màu mở đất cũng mất.

(38) Vì nể ác khinh lành,

có ba điều xấu nữa:

sương, mưa đá trái mùa,

đói, dịch, cùng lưu hành.

(39) Lúa má với trái hạt

phẩm chất đều tổn giảm,

thế nên trong quốc gia

dân đa số bịnh tật.

(40) Những loại cây thổ sản

trước đây là ngon ngọt,

nay vì thế tổn giảm

đắng chát không ra gì.

(41) Trước đây lâm viên đẹp,

toàn chỗ du ngoạn tốt,

nay bỗng nhiên khô cằn,

ai thấy cũng lo rầu.

(42) Lúa, nếp, thứ chắc hạt,

phẩm chất tiêu mất dần,

ăn không còn thấy thích,

làm sao tăng thể lực?

(43) Dân chúng mất tươi sáng,

đẹp và khỏe suy tàn,

ăn với uống tuy nhiều,

vẫn không làm sung sức.

(64) Trong cả quốc gia ấy

mọi tầng lớp quốc dân

ít sức, không khoẻ mạnh,

làm việc không kham năng.

(65) Quốc dân nhiều bịnh hoạn

cơ thể nhiều đau đớn,

quỉ mị tràn khắp nơi

tùy theo sinh la sát.

(66) Vua mà làm phi pháp

thân gần với kẻ ác,

thì cả ba thế giới (89)

do vậy suy tổn cả.

(67) Vô số hiện tượng xấu

xuất hiện trong quốc gia,

toàn do thấy kẻ ác

bỏ qua, không trị, đuổi.

(68) Do chư thiên da hộ

được làm vị quốc vương,

mà không đem chánh pháp

bảo vệ lấy quốc gia.

(69) Nhưng người làm điều lành

thì sẽ sinh chư thiên,

còn kẻ làm điều ác

chết đọa ba đường dữ.

(70) Quốc vương mà buông thả

để quốc dân làm ác,

thì chư thiên Đao lợi

nóng bức cả tâm trí.

(71) Chư thiên dạy không nghe

cha mẹ nói không cứ

thì là người phi pháp

phi vua phi hiếu tử.

(72) Nếu trong quốc gia mình

thấy ai làm phi pháp,

phải trị phạt đúng phép

không nên bỏ cho qua.

(73) Thế nên hàng chư thiên

cùng hộ trì vua ấy,

vì vua diệt ác pháp

và theo được thiện pháp.

(74) Vua ấy trong đời này

đón nhận quả báo tốt,

vì đối với thiện, ác

biết khuyên dân làm, bỏ.

(75) Huấn thị thiện ác báo,

nên làm vị quốc vương,

chư thiên cùng hộ trì,

chư thiên cùng tùy hỷ.

(76) Do tự lợi lợi tha

trị nước bằng chánh pháp,

nên thấy kẻ dua nịnh

thì phải trị đúng phép.

(77) Giả sử mất ngôi vua,

gặp cảnh ngộ mất mạng,

cũng quyết không làm ác,

không thấy ác bỏ qua.

(78) Tai hại nặng nề nhất

cho sự mất ngôi vua

là toàn vì dua nịnh,

do đó phải trị phạt.

(79) Dua nịnh là dối trá

làm tan nát quốc gia,

làm thương tổn vương pháp,

như voi vào vườn hoa.

(80) Thiên chủ tức giận cả,

a tô la cũng vậy,

ấy là làm quốc vương

không trị nước bằng Pháp.

(81) Thế nên phải đúng phép

trị phạt những kẻ ác,

cải hóa bằng điều thiện,

chứ không theo phi pháp.

(82) Thà là mất thân mạng

không theo bạn phi pháp,

với thân với không thân

bình đẳng nhìn tất cả.

(83) Làm vị vua chánh pháp

không thiên vị phe cánh,

thì tiếng khen”vua pháp”

vang cả trong ba cõi.

(84) Chư thiên ở Đao lợi

hoan hỷ mà nói rằng

vị vua nhân loại này

chính là con của ta.

(85) Biết thiện hóa quốc dân,

biết chánh pháp trị nước,

khuyến hóa thực hành Pháp,

sẽ sinh cung điện ta.

(86) Chư thiên, chư thiên tử,

cùng bộ chúng tô la,

do vua hành hóa Pháp

mà tâm họ hoan hỷ.

(87) Chư thiên cùng hoan hỷ

hộ trì cho vua ấy,

tinh tú đi đúng ngôi,

nhật nguyệt không sai độ.

(88) Gió hòa đúng thời tiết,

mưa ngọt thuận thời vụ,

thóc trái khéo sinh, lớn,

quốc dân không đói khát.

(89) Tất cả hàng chư thiên

hay ẩn mình cung vua

cầu chúc cho nhà vua

quên mình quảng bá Pháp.

(90) Hãy tôn trọng Pháp bảo

mà yên vui quốc dân,

hãy thân thiết Pháp bảo,

phước báo tự trang hoàng.

(91) Thân quyến thường hoan hỷ

thường lánh xa ác pháp:

đem Pháp giáo dục người

thì an lạc thường xuyên.

(92) Làm cho cả quốc dân

tu hành mười thiện nghiệp,

thì cả nước sung túc,

thì quốc gia thanh bình.

(93) Vua mà hành hóa Pháp

thuần hóa kẻ làm ác,

thì được danh vọng tốt

vì lợi lạc quốc dân.

Bấy giờ đại hội, trong đó có các vị quốc vương, nghe đức Thế tôn nói về chánh pháp quản trị quốc gia của quốc vương xưa, ai cũng được sự tâm đắc hiếm có, cùng đại hoan hỷ mà tin tưởng, tiếp nhận và phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Nhứt Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Huyền Trang - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Bát Nhã Cộng Lợi Ngôn Đẳng - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cương Tam Muội Bản Tính Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt - Kinh Tạng
  • Nghi Thức Tụng Niệm Đại Lạc Kim Cang Tát Đỏa Lược Trích Từ Kinh Kim Cang Đỉnh Thắng Sơ Du Già - Kinh Tạng
  • Bá Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Sắc Vương - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Tam Muội - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nhập Niết Bàn Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ Ai Luyến - Kinh Tạng
  • Pháp Môn Lược Thuật Kim Cang Đỉnh Du Già Phân Biệt Thánh Vị Tu Chứng - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Đàn Tràng Đại Khổng Tước Minh Vương Hoạch Tượng - Kinh Tạng
  • Kinh Nhất Thiết Chư Như Lai Tâm Quang Minh Gia Trì Bồ Tát Phổ Hiền Đà La Ni Diên Mạng Kim Cang Tối Thắng - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Oai Đức Kim Luân Phật Đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu Trừ Nhất Thiết Tai Nạn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Danh Hiệu Kim Cương Giáo Pháp Của Thai Tạng - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn (Đôn Hoàng) - Kinh Tạng
  • Kim Cang Đỉnh Siêu Thắng Tam Giới Kinh Thuyết Văn Thù Ngũ Tự Chơn Ngôn Thắng Tướng - Kinh Tạng