1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 9

Phẩm 21: Thiện Sinh Luân Vương

Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn vì cả đại hội nói về vương pháp chính luận rồi, lại bảo, đại hội các người nên lắng nghe. Như lai lại nói cho các người về một sự phụng hành chánh pháp xưa kia của Như lai. Ngay lúc ấy đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Như lai xưa kia

làm vị luân vương,

bỏ hết đại địa

và cả đại dương,

đem bao trân bảo

đầy bốn đại lục

cung kính hiến cúng

chư vị Như lai.

(2) Như lai xưa kia

trong vô lượng kiếp,

vì cầu pháp thân

tối cực chân tịnh,

nên bao bảo vật

đều xả bỏ cả,

cả đến thân mạng

cũng không tiếc lẫn.

(3) Trong thì quá khứ

khó lường đời kiếp,

có bậc đẳng giác

danh hiệu Bảo kế;

sau khi Ngài đã

nhập vào niết bàn,

có một vị vua

tên là Thiện sinh.

(4) Làm bậc luân vương

cả bốn đại lục,

ngoại biên đại dương

đều qui phục cả;

vua có hoàng thành

tên Diệu âm nhạc,

vua thường cư trú

nơi hoàng thành ấy.

(5) Đêm mộng thấy nói

phước trí Như lai.

Thấy có pháp sư

tên là Bảo tích,

ngồi nghiêm trên tòa

tựa vầng thái dương,

diễn giảng kinh mầu

Ánh sáng hoàng kim.

(6) Sau khi tỉnh mộng,

vua rất hoan hỷ,

nỗi hoan hỷ lớn

tràn khắp cơ thể.

Đến lúc trời sáng,

vua ra hoàng cung,

đi đến dà lam

của chư Bí sô.

(7) Luân vương tôn kính

cúng thánh chúng rồi,

liền hỏi các ngài :

trong thánh chúng này

có hay không có

pháp sư Bảo tích

thành tựu công hạnh

hóa độ chúng sinh?

(8) Bấy giờ Bảo tích,

vị đại pháp sư,

cư trú ở trong

một cái tịnh thất,

chánh niệm trì tụng

kinh mầu Hoàng kim,

trang nghiêm bất động,

thân tâm vui đẹp.

(9) Một vị Bí sô

hướng dẫn luân vương

đến chỗ cư trú

của ngài Bảo tích,

thấy trong tịnh thất

ngài ngồi thẳng mình,

toàn thân đầy cả

ánh sáng tướng đẹp.

(10) Bí sô bảo vua:

đây, ngài Bảo tích,

giữ được hành xứ

sâu xa của Phật,

đó là bản kinh

Ánh sáng hoàng kim,

kinh vua các kinh,

tối thượng bậc nhất.

(11) Luân vương tức thì

lạy ngài Bảo tích,

cung kính chắp tay

mà thỉnh cầu ngài:

Xin bậc mặt đẹp

tựa như trăng đầy,

nói cho con nghe

diệu pháp Hoàng kim.

(12) Pháp sư Bảo tích

nhận lời thỉnh cầu,

hứa sẽ nói cho

bản kinh vua ấy.

Thế là khắp cả

đại thiên thế giới,

hết thảy chư thiên

cùng đại hoan hỷ.

(13) Vua dùng một nơi

rộng rãi sạch sẽ,

tận lực trang hoàng

trân bảo quí lạ,

rưới bụi bằng nước

hương liệu thượng hạng,

rải những bông hoa

màu sắc đa dạng.

(14) Nơi đặc biệt này

vua đặt tòa cao,

trang hoàng bảo cái

tràng phan gấm lụa;

xát hương xoa hương

với đủ mọi cách,

hơi thơm tỏa ra

khắp cả mọi nơi.

(15) Thiên, long, tô la,

và khẩn na la,

ma hô lạc dà

cùng với dược xoa,

nhất là chư thiên

rải hoa mạn đà,

hiến cúng pháp tòa

rất cao cả ấy.

(16) Lại có hàng ngàn

hàng vạn chư thiên

ưa nghe chánh pháp

cùng đến tụ tập.

Pháp sư bắt đầu

rời chỗ ngồi cũ,

họ đã hiến cúng

bằng những thiên hoa.

(17) Bấy giờ Bảo tích,

vị đại pháp sư,

tắm rửa mình mẩy,

mặc đồ sạch sẽ,

đi đến đại hội,

lại chỗ pháp tòa,

chắp tay chân thành

mà kính lễ bái.

(18) Thiên chủ, thiên chúng,

cùng với thiên nữ,

chung nhau rải xuống

thiên hoa mạn đà;

trăm ngàn thiên nhạc

khó nghĩ khó tả,

ở trong không trung

xuất ra tiếng mầu.

(19) Bấy giờ Bảo tích,

vị đại pháp sư,

liền lên pháp tòa

mà ngồi xếp bằng,

tập trung tâm trí

nghĩ đến mười phương

trăm ngàn vạn ức

bậc Đại từ tôn.

(20) Nghĩ đến tất cả

chúng sinh đau khổ,

phát sinh ý niệm

từ bi bình đẳng.

Rồi vì chủ mời

là Thiện sinh vương,

mà giảng kinh mầu

Ánh sáng hoàng kim.

(21) Vua đã nghe được

diệu pháp như vậy,

thành tâm chắp tay

nói rằng tùy hỷ.

Nghe pháp hiếm có,

Vua trào nước mắt,

nỗi mừng lớn lao

tràn ngập thân tâm.

(22) Bấy giờ quốc chúa

luân vương Thiện sinh,

vì muốn hiến cúng

kinh vua Hoàng kim,

nên cầm viên ngọc

như ý ma ni,

nguyện rằng hãy vì

bao loại chúng sinh.

(23) Hãy ngay nơi đây,

đại lục Thiệm bộ,

mưa xuống thất bảo,

những xâu chuỗi ngọc,

để người nghèo thiếu

đồ dùng tiền của

hảy đều tùy ý

thụ hưởng hạnh phúc.

(24) Tức thì thất bảo

đổ xuống khắp nơi,

sung mãn dân chúng

cả bốn đại lục,

cần gì tùy ý:

chuỗi ngọc làm đẹp

y phục ẩm thực

không thiếu thứ gì.

(25) Bấy giờ quốc chúa

luân vương Thiện sinh

thấy bốn đại lục

được mưa trân bảo,

thì đem hiến cúng

Bảo kế như lai,

và Bí sô tăng

theo di huấn Ngài.

(26) Đại hội nên biết

luân vương Thiện sinh

ngày nay chính là

bản thân Như lai,

xưa kia đã bỏ

cả đại địa này,

cả bao trân bảo

đầy bốn đại lục.

(27) Còn ngài Bảo tích,

vị đại pháp sư,

đã thuyết diệu pháp

cho Thiện sinh vương,

diễn giảng kinh vua

cho nhà vua ấy,

nay ở hướng đông

thành đức Bất động.

(28) Như lai xưa kia

lắng nghe kinh vua,

chắp tay nói rằng

con xin tùy hỷ,

quảng thí thất bảo,

do những phước ấy

được kim cương thân

tối thắng bậc nhất.

(29) Thân ấy ánh vàng

trăm phước trang nghiêm,

ai nhìn thấy được

cũng hoan hỷ cả;

tất cả chúng sinh

không ai không thích,

vô số chư thiên

cũng thích như vậy.

(30) Như lai trải qua

chín mươi chín lần

vô số đời kiếp

làm vị luân vương,

hoặc làm quốc vương

cho những tiểu quốc

cũng đến số lượng

trăm ngàn đời kiếp.

(31) Trong vô lượng kiếp

lại làm Đế thích,

và cũng đã làm

bậc Đại phạn vương,

hiến cúng Thập lực

đại từ thế tôn

số lượng đời kiếp

cũng khó biết hết.

(32) Như lai xưa kia

nghe kinh, tùy hỷ,

khối phước có được

số lượng khó biết;

do khối phước ấy

được vô thượng giác,

được pháp tánh thân

diệu trí chân thường.

Bấy giờ đại hội nghe sự tuyên thuyết như vậy ai cũng than là hiếm có. Ai cũng nguyện phụng trì kinh vua Ánh sáng hoàng kim, quảng bá bất tuyệt.

Phẩm 22: Tám Bộ Hộ Trì (90)

Bấy giờ đức Thế tôn bảo Đại cát tường thiên nữ, rằng nếu có thiện nam hay thiện nữ đức tin trong sáng nào muốn đem cúng phẩm bất tư nghị phụng hiến chư vị Như lai trong ba thì gian, lại muốn thấu hiểu hành xứ (91) rất sâu của các Ngài, thì người ấy quyết định phải hết lòng tùy bản kinh vua này ở đâu hãy diễn giảng quảng bá cho chúng sinh chỗ ấy, dầu chỗ ấy là thành thị, xóm làng hay trong chằm núi. Còn những người nghe pháp thì phải bỏ tâm tưởng tán loạn mà tập trung thính giác, chuyên chú tâm trí. Bấy giờ đức Thế tôn liền nói những chỉnh cú sau đây cho chư thiên và đại hội.

(1) Đối với chư Như lai

muốn hiến cúng siêu việt,

lại muốn hiểu lĩnh vực

sâu xa của các Ngài,

(2) thì thấy ai diễn giảng

kinh Ánh sáng hoàng kim,

hãy đích thân đi đến

những chỗ diễn giảng ấy.

(3) Kinh ấy khó nghĩ bàn,

phát sinh mọi phước đức,

trong biển khổ rộng lớn

cứu vớt bao chúng sinh.

(4) Như lai thấy kinh này

đầu giữa cuối đều hay,

đều sâu không lường nổi,

thí dụ cũng không bằng.

(5) Giả như cát sông Hằng,

bụi đại địa, nước biển,

đá núi cả không gian,

không ví được ít phần.

(6) Muốn hội nhập pháp tánh

hãy lắng nghe kinh này:

nơi chùa tháp pháp tánh

mới khéo được hội nhập.

(7) Trong chùa tháp như vậy

Thấy ta, đấng Mâu ni,

với ý đẹp lời hay

quảng diễn kinh vua này.

(8) Thấy thế nên nhiều kiếp

số lượng khó nghĩ bàn,

thường ở trong trời người

hưởng được vui siêu việt.

(9) Lắng nghe kinh vua này

hãy tư duy như vầy:

ta được một hợp thể

phước đức bất tư nghị.

(10) Giả sử khối lửa lớn

trải dài trăm thiện na,

nhưng vì nghe kinh này

bước qua không do dự.

(11) Đến chỗ giảng kinh này

được nghe kinh này rồi,

ác nghiệp loại trừ hết,

ác mộng cũng loại trừ.

(12) Ác tinh và biến quái

cổ đạo cùng tà mị,

lúc nghe được kinh này

thì rời xa tất cả.

(13) Hãy trang trí tòa cao

đẹp sạch tựa hoa sen,

pháp sư ngồi trên đó

trông như chúa đại dương.

(14) An tọa pháp tòa rồi

giảng kinh sâu xa này,

lại sao chép tụng trì

và giải thích ý nghĩa

(15) Pháp sư rời tòa ấy

đi đến các nơi khác,

thì nơi tòa cao ấy

tưởng thấy bao thần biến.

(16) Hoặc thấy hình pháp sư

còn ngồi trên tòa cao.

Hoặc thấy hình Như lai

cùng chư vị Bồ tát.

(17) Hoặc tưởng đức Phổ hiền,

hoặc tưởng Diệu cát tường,

hoặc thấy Từ thị tôn,

ngồi trên tòa cao ấy.

(18) Hoặc thấy tướng kỳ diệu

hay thấy hình chư thiên,

và mới thấy như vậy

thoạt cái đã biến mất.

(19) Thấy những điềm lành ấy

làm gì cũng vừa ý,

phước đức viên mãn cả:

Như lai nói như vậy.

(20) Siêu việt và danh tiếng,

hủy diệt mọi phiền não,

giặc ngoại xâm trừ được,

chiến đấu thường đắc thắng.

(21) Ác mộng toàn không có

độc tố cũng tiêu tan,

ác nghiệp thân miệng ý

kinh lực cũng diệt được.

(22) Trong đại lục Thiệm bộ

danh tiếng tràn đầy cả,

bao nhiêu những oán thù

rời xa được hết thảy.

(23) Thù địch đến xâm lăng

nghe danh cũng triệt thoái,

không động đến vũ khí,

đối trận sinh hoan hỷ.

(24) Phạn vương và Đế thích,

bốn Thiên vương hộ thế,

và Kim cương dược xoa,

Chánh liễu tri đại tướng,

(25) long vương hồ Vô nhiệt,

cùng với Sa yết la,

nhạc thần Khẩn na la,

Tô la kim sí chủ,

(26) Đại biện tài thiên nữ,

Đại cát tường thiên nữ,

chư thiên đứng đầu này

thống lãnh cả thiên chúng,

(27) thường hiến cúng Như lai

và Pháp bảo siêu việt,

thường sinh tâm hoan hỷ

tôn kính kinh vua này.

(28) Thiên chúng như thế này

đều cùng nhau suy nghĩ,

quan sát người làm phước

rồi cùng nói như vầy:

(29) Hãy coi những người ấy

là bậc đại phước đức,

thiện căn tinh tiến lực

sẽ sinh lên Thiên giới.

(30) Để nghe kinh vua này,

người ấy kính đến đây,

hiến cúng chùa tháp Pháp

vì lòng tôn trọng Pháp.

(31) Người ấy thương chúng sinh

mà làm đại lợi ích,

và là đồ chứa đựng

kinh vua sâu xa này.

(32) Nhập được pháp môn này

là nhập được pháp tánh,

nên với kinh Hoàng kim

hãy hết lòng lắng nghe.

(33) Người ấy đã hiến cúng

vô số chư Như lai,

do thiện căn lực ấy

mới được nghe kinh này.

(34) Do vậy các thiên chủ,

thiên nữ Đại biện tài,

thiên nữ Đại cát tường,

cùng bốn vị Thiên vương,

(35) và vô số Dược xoa

dũng mãnh đầy thần lực,

phân nhau ra bốn phía

thường đến hộ vệ cho.

(36) Nhật nguyệt và Đế thích,

chư thần nước gió lửa,

Phệ sốt nộ, Diêm la,

Đại biện tài vân vân,

(37) Các Thiên vương hộ thế

dũng liệt, đủ uy thần,

hộ vệ người trì kinh

ngày đêm không rời xa.

(38) Đại lực dược xoa vương,

Na la diên, Tự tại,

hâm tám thần Dược xoa,

Chánh liễu tri cầm đầu,

(39) và trăm ngàn Dược xoa

sức lớn lại thần thông,

thường đến chỗ hiểm nguy

ủng hộ người trì kinh.

(40) Kim cương dược xoa vương

với năm trăm tùy thuộc,

cùng chư đại bồ tát

cũng thường đến hộ trì.

(41) Bảo vương dược xoa chủ,

cùng với Mãn hiền vương,

Khoáng dã, Kim tì la,

Tân độ la, Hoàng sắc (92) .

(42) Mỗi dược xoa vương này

cùng năm trăm tùy thuộc,

thấy ai nghe kinh vua

thì cùng đến hộ vệ.

(43) Thái quân, Kiền thát bà,

Vi vương, Thường chiến thắng,

Châu cảnh và Thanh cảnh,

và Bột lý sa vương,

(44) Đại tối thắng, Đại hắc,

Tô bạt noa kê xá,

Bán chi ca, Dương túc,

cùng với Đại bà dà,

(45) Tiểu cừ và Hộ pháp,

cọng với Di hầu vương,

Châm mao và Nhật chi,

Bảo phát, cùng đến giúp.

(46) Đại cừ, Nặc câu la,

Chiên đàn, Dục trung thắng,

Xá la với Tuyết sơn,

cùng với Sa đa sơn (93) ,

(47) đều có thần thông lớn

hùng mãnh đủ đại lực,

thấy người trì kinh ấy,

cùng đến mà hộ vệ.

(48) A na bà đáp đa,

cùng với Sa yết ra,

Mục chân, Ê La diệp,

Nan đà, Nan đà nhỏ (94) ,

(49) rồng trong trăm ngàn rồng,

đủ thần thông uy đức,

cùng giúp người trì kinh,

ngày đêm không rời bỏ.

(50) Bà trĩ, La hầu la,

Tì ma chất đa la,

Mẫu chỉ chiêm bát ra,

Đại kiên và Hoan hỷ (95) .

(51) Và tô la vương khác

cùng vô số thiên chúng,

có sức lớn, mạnh mẽ,

đều đến giữ người ấy.

(52) Mẫu thần Ha lị để,

Dược xoa chúng năm trăm,

người trì kinh thức dậy

là đến hộ vệ cho.

(53) Chiên trà, Chiên trà lị,

Chiên trĩ nữ dược xoa,

Côn đế, Câu tra xỉ,

Hút tinh chất chúng sinh (96) ,

(54) thần chúng như thế ấy

sức lớn, có thần thông,

giữ gìn người trì kinh

ngày đêm thường không rời.

(55) Vô lượng các thiên nữ

Biện tài thiên cầm đầu,

bao nhiêu là tùy thuộc

Cát tường thiên lãnh đạo,

(56) Nữ thần đại địa này,

thần trái hạt vườn rừng,

thần cây, thần sông rào,

thần chùa tháp, vân vân,

(57) chư thiên thần như vậy

lòng sinh đại hoan hỷ,

cùng đến mà hộ vệ

người đọc tụng kinh vua.

(58) Thấy ai trì kinh vua,

tăng thọ lượng sắc lực,

tăng uy quang phước đức,

tăng tướng tốt trang nghiêm,

(59) mà tinh tú biến quái

xúc phạm đến người ấy,

thì đến nỗi ác mộng

cũng làm cho tan biến.

(60) Nữ thần đại địa này

Kiên cố đầy uy thế,

bằng năng lực pháp vị

của kinh vua Hoàng kim,

(61) làm cho màu mỡ đất

vốn thấm xuống rất sâu,

nay lại được thấm lên

tươi nhuần cho đại địa.

(62) Đại địa dày sáu mươi

tám ức du thiện na,

từ ngoại biên kim cương

màu đất vẫn thấm lên.

(63) Lại do nghe kinh vua

được khối đại công đức,

làm cho chính chư thiên

cũng nhờ được ích lợi;

(64) làm cho chư thiên ấy

tăng uy lực ánh sáng,

tăng hoan hỷ yên vui,

hết hiện tượng suy đồi.

(65) Đại lục phía nam này

thần cây trái lúa thóc

cũng do lực kinh vua

mà tâm thường hoan hỷ,

(66) làm lúa cây thành thục,

bông hoa đều sum sê,

trái hạt đầy phẩm chất,

tất cả tràn đại địa.

(67) Bao nhiêu loại cây cỏ,

và cả những vườn rừng,

đều sinh ra hoa đẹp,

hương thơm thường lan tỏa.

(68) Những loại cây có hoa

kết ra các thứ trái,

thì trái ngon và ngọt,

và chỗ nào cũng có.

(69) Cũng tại đại lục này,

vô số những long nữ

tâm sinh đại hoan hỷ,

cùng vào trong ao hồ.

(70) Sen hồng, sen trắng nở,

sen xanh và sen trắng,

ao hồ nào cũng trồng

và hoa đầy ao hồ.

(71) Uy lực kinh vua này

làm không gian trong sáng,

mây mù bị xua tan,

toàn bộ đều sáng sủa.

(72) Thái dương phóng ánh sáng

trong suốt và rực rỡ,

do lực kinh vua này

sáng huy hoàng khắp nơi.

(73) Uy lực kinh vua này

hỗ trợ cho quốc chúa,

có và dùng vàng ròng

mà kiến tạo cung điện.

(74) Thần thái dương vui vẻ

nhìn thấy đại lục này,

nên thường đem sáng lớn

chiếu rực khắp mọi nơi.

(75) Do vậy trong đại địa

bao nhiêu hồ ao sen,

ánh sáng chiếu đúng lúc

nên hoa sinh nở cả.

(76) Trong cả đại lục này

trái hạt và dược liệu

đều khéo thành thục hết

và tràn đầy đại địa.

(77) Do uy lực kinh vua,

nhật nguyệt chiếu đến đâu

tinh tú đúng hành độ

gió mưa thuận thời tiết.

(78) Khắp đại lục Thiệm bộ

đất nước rất giàu vui,

chỗ nào có kinh vua

hơn chỗ khác bội phần.

(79) Kinh Ánh sáng hoàng kim

quảng bá đến chỗ nào,

có người giảng và tụng

thì phước được như vậy.

Bấy giờ Đại cát tường thiên nữ, cùng chư thiên vân vân, nghe đức Thế tôn tuyên thuyết như vậy thì ai cũng đại hoan hỷ, nhất tâm hộ vệ kinh vua và những người thọ trì kinh vua, làm cho những người ấy không lo buồn, được an lạc.

Phẩm 23: Thọ Ký Thành Phật

Bấy giờ đức Thế tôn ở trong đại hội thuyết pháp phong phú rồi, muốn thọ ký cho bồ tát Diệu tràng và hai người con, Ngân tràng và Ngân quang, sẽ được vô thượng bồ đề. Lúc ấy có mười ngàn thiên tử, do thiên tử Tối thắng quang minh cầm đầu, từ Đao lợi thiên đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài rồi ngồi qua một phía, lắng nghe Ngài thuyết pháp.

Đức Thế tôn bảo bồ tát Diệu tràng, trong vị lai, quá vô lượng vô số kiếp, tại thế giới hệ Kim quang minh, ông sẽ thành vô thượng giác, với danh hiệu Kim bảo sơn vương như lai, đủ mười đức hiệu. Sau khi đức Kim bảo sơn vương như lai nhập niết bàn, giáo pháp cũng hết, thì trưởng tử là Ngân tràng sẽ ở chính nơi thế giới hệ ấy mà kế tiếp chỗ Ngài, được thành Phật đà danh hiệu Kim tràng quang như lai, đủ mười đức hiệu, và thế giới hệ ấy bấy giờ chuyển danh là Tịnh tràng. Sau khi đức Kim tràng quang như lai nhập niết bàn, giáo pháp cũng hết, thì thứ tử là Ngân quang cũng ở chính nơi thế giới hệ ấy mà kế tiếp chỗ Ngài, được thành Phật đà, danh hiệu Kim quang minh như lai, đủ mười đức hiệu.

Mười ngàn thiên tử nghe ba vị đại sĩ được thọ ký, trước đó lại nghe kinh vua tối thượng, nên tâm hoan hỷ, sạch như hư không. Đức Thế tôn biết mười ngàn thiên tử ấy thiện căn thuần thục, nên cũng thọ ký cho sẽ được đại bồ đề. Rằng các thiên tử, trong vị lai, quá vô lượng vô số kiếp, các người sẽ ở nơi thế giới hệ Tối thắng nhân đà ra cao tràng mà thành tựu vô thượng bồ đề, cùng một dòng họ, cùng một danh hiệu. Danh hiệu ấy là Diệm mục thanh tịnh ưu bát la hương sơn như lai, đủ mười đức hiệu. Mười ngàn đức Như lai như vậy tuần tự tiếp nhau mà xuất hiện.

Bấy giờ Bồ đề thọ thần thưa, bạch đức Thế tôn, mười ngàn thiên tử này mới từ Đao lợi đến chỗ đức Thế tôn để nghe pháp, tại sao đức Thế tôn thọ ký liền cho sẽ thành Phật đà? Bạch đức Thế tôn, con chưa nghe những thiên tử này tu tập đầy đủ sáu ba la mật và những khổ hạnh khó làm như vô lượng bồ tát khác, xả bỏ tay chân, đầu mắt, tủy não, thân quyến, vợ con, voi ngựa, xe cộ, tôi tớ, bộc tùng, cung điện, vườn rừng, bạc vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, bích ngọc, bạch ngọc, đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm, dược phẩm, đem cúng phẩm hiến cúng vô số chư vị Thế tôn. Mà bồ tát thì phải làm như vậy, và ai cũng phải trải qua vô số kiếp, sau đó mới được thọ ký thành tựu vô thượng bồ đề. Bạch đức Thế tôn, các thiên tử này vì lý do nào, tu thắng hạnh gì, trồng thiện căn chi, mà từ Đao lợi đến đây, mới nghe pháp lại được thọ ký liền? Xin đức Thế tôn giải thích cho con khỏi hoài nghi.

Đức Thế tôn bảo Bồ đề thọ thần, theo thiện nữ nói thì phải từ thiện căn thắng diệu là siêng khổ tu tập mới được thọ ký. Nhưng các thiên tử này từ bỏ lạc thú ở thiên cung mà cố đến đây lắng nghe kinh Ánh sáng hoàng kim. Nghe rồi thiết tha tôn trọng kinh ấy. Tâm họ như lưu ly, không gợn dơ bẩn. Họ lại nghe sự thọ ký của ba vị đại sĩ. Họ còn có yếu tố thệ nguyện và chánh hạnh mà quá khứ đã tu tập lâu xa. Do vậy mà Như lai thọ ký cho trong vị lại sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Bồ đề thọ thần nghe đức Thế tôn giải thích như vậy thì hoan hỷ tín thọ.

Phẩm 24: Chữa Trị Bịnh Khổ

Đức Thế tôn lại bảo Bồ đề thọ thần, hãy nghe cho kỷ hãy khéo nghĩ nhớ. Như lai nay nói cho thiện nữ nghe về bản nguyện của mười ngàn thiên tử.

Thiện nữ, quá khứ vô số kiếp, bấy giờ có đức Phật đà xuất hiện thế giới, danh hiệu Bảo kế như lai, đủ mười đức hiệu. Sau khi đức Như lai ấy nhập niết bàn, giáo pháp nguyên chất hết rồi, trong giáo pháp tương tự có một quốc vương tên Thiên tự tại quang, luôn luôn áp dụng chánh pháp mà hóa cải quốc dân, tựa như cha mẹ đối với con cái. Trong vương quốc có một trưởng giả tên Trì thủy, hiểu rành y học, thông suốt tám thuật. Ai bịnh khổ, tứ đại bất ổn, ông cứu chữa được cả.

Thiện nữ, Trì thủy trưởng giả có người con trai duy nhất, tên là Lưu thủy. Người đẹp, nghiêm chỉnh, ai cũng thích nhìn. Bẩm tính thông minh, quán triệt mọi luận thuyết và kyՠthuật. Bấy giờ trong vương quốc nhiều người bị bịnh truyền nhiễm, khổ sở đến nỗi không thích sống nữa. Thiện nữ, trưởng giả tử Lưu thủy thấy vậy thì sinh đại bi tâm, nghĩ như vầy. Bao nhiêu là người bịnh khổ! Cha ta rành y học, khéo tám thuật, chữa được mọi bịnh do tứ đại hoặc thêm hoặc bớt. Nhưng cha ta già yếu rồi. Đi đâu cũng phải đỡ, làm sao đến được những nơi làng xóm thành thị mà chữa bịnh. Thế thì bao người bịnh nặng mà không ai cứu chữa. Vậy ta hãy đến chỗ cha ta, vị đại lương y, hỏi bí quyết chữa bịnh. Biết được bí quyết ấy, ta sẽ đi đến thành thị làng xóm mà cứu chữa cho người, làm cho họ an lạc. Trưởng giả tử nghĩ rồi tức tốc đến chỗ cha, lạy ngang chân ông, chắp tay cung kính, đứng qua một bên, dùng lời chỉnh cú mà thỉnh cầu.

(1) Xin cha thương tưởng con.

Con muốn cứu mọi người.

Nay con hỏi y thuật,

mong cha nói cho con.

(2) Tại sao thân suy hỏng,

tứ đại có thêm bớt?

Và ở vào lúc nào

thì bịnh tật sinh ra?

(3) Ăn uống như thế nào

để hưởng được yên vui?

Làm sao trong cơ thể

nhiệt lực không suy tổn?

(4) Bịnh con người có bốn,

có bịnh phong, nhiệt, đàm,

lại có bịnh hỗn hợp,

làm sao trị liệu được?

(5) Lúc nào nổi bịnh phong?

lúc nào phát bịnh nhiệt?

lúc nào động bịnh đàm?

lúc nào bịnh hỗn hợp?

Trì thủy trưởng gia nghe con hỏi rồi, cũng nói lại bằng chỉnh cú.

(6) Y theo phép chữa bịnh

của tiên nhân đời xưa,

cha tuần tự nói cho,

khéo nghe để cứu người.

(7) Ba tháng là mùa xuân,

ba tháng là mùa hè,

ba tháng là mùa thu,

ba tháng là mùa đông.

(8) Ấy là theo một năm

ba tháng một mà nói.

Hai tháng một một tiết

một năm thành sáu tiết:

(9) giêng hai là tiết hoa,

ba tư là tiết nóng,

năm sáu là tiết mưa,

bảy tám là tiết thu,

(10) chín mười là tiết lạnh

một chạp là tiết tuyết.

Phải phân biệt như vậy,

cho thuốc đừng sai chậy

(11) Tùy theo mùa tiết ấy

mà điều hòa ăn uống,

vào bụng tiêu hóa được,

mọi bịnh mới không sinh.

(12) Khí hậu nếu thay đổi

thì tứ đại biến động,

bấy giờ mà không thuốc

thì tất sinh bịnh khổ.

(13) Thầy thuốc biết bốn mùa,

lại biết về sáu tiết,

biết bảy phần cơ thể

thì cho thuốc không sai.

(14) Bảy phần là vị (97) , máu,

thịt, mỡ, xương, tủy, não.

Biết bịnh nhập bảy phần

lại biết chữa được không.

(15) Bịnh thì có bốn loại:

các loại phong, nhiệt, đàm,

và loại bịnh hỗn hợp,

nên biết lúc chúng phát:

(16) mùa xuân phát bịnh đàm

mùa hè phát bịnh phong,

mùa thu phát bịnh nhiệt,

mùa đông biểnh hỗn hợp.

(17) Xuân ăn chất nóng cay,

hè béo nóng mặn dấm,

thu ăn lạnh ngọt béo,

đông ăn chát béo ngọt.

(18) Trong bốn mùa như vậy,

dùng thuốc và ăn uống

theo như mùi vị ấy,

bịnh không lý do sinh.

(19) Sau ăn bịnh do đàm,

ăn tiêu bịnh do nhiệt,

sau tiêu bịnh do phong,

cứ thế nhận thức bịnh.

(20) Nhận thức gốc bịnh rồi,

tùy bịnh mà cho thuốc.

Nếu bịnh trạng khác đi,

cũng chữa cái gốc trước.

(21) Phong thì dùng dầu, kem,

nhiệt thì lợi đại tiểu,

đàm thì hóa, thông, thổ,

hỗn hợp thì cả ba.

(22) Phong nhiệt đàm cùng có,

thế gọi là hỗn hợp.

Tuy biết lúc bịnh phát,

cũng phải xét gốc bịnh.

(23) Xét biết như vậy rồi,

tùy lúc mà cho thuốc.

Ăn, uống, thuốc, không sai,

mới gọi thầy thuốc giỏi.

(24) Lại nữa biết tám thuật

bao quát mọi cách chữa.

Nếu hiểu rõ tám thuật

hãy chữa bịnh cho người.

(25) Tám thuật là châm chích,

giải phẫu, chữa thân bịnh,

chữa tâm bịnh, trúng độc,

khoa nhi với khoa lão,

sau hết là dưỡng sinh,

[đó, tám thuật chữa bịnh].

(26) Trước xem xét hình sắc,

nói năng và tánh tình,

sau hỏi đến chiêm bao,

thì biết phong nhiệt đàm.

(27) Khô ốm đầu ít tóc,

tâm tính không ổn định,

nói nhiều mộng bay đi,

đó là thuộc loại phong.

(28) Tuổi trẻ mọc tóc trắng,

nhiều mồ hôi, hay giận,

thông minh, mộng thấy lửa,

đó là thuộc loại nhiệt.

(29) Tâm ổn, thân ngay thẳng,

nghĩ kyլ đầu nhờn, cáu,

mộng thấy nước, vật trắng,

đó là thuộc loại đàm.

(30) Hỗn hợp thì có chung,

chung hai hay chung ba,

và hễ loại nào nhiều

là tính bịnh hỗn hợp.

(31) Biết gốc, đặc tính bịnh,

chuẩn bịnh mà cho thuốc.

Nhưng thấy không tướng chết

mới rõ bịnh cứu được.

(32) Giác quan thì thác loạn,

khinh khi thầy thuốc giỏi,

thấy bạn thân cũng giận,

đó là hiện tượng chết.

(33) Mắt trái biến màu trắng

lưỡi đen, sống mũi lệch,

vành tai không như cũ,

môi dưới thì xệ xuống (98)

(34) Ha lê lặc một thứ

có đủ cả sáu vị,

trừ được tất cả bịnh,

là thuốc vua, không kị.

(35) Lại ba trái ba cay (99)

là thuốc dễ có được,

đường cát, mật ong, sữa,

cũng chữa được nhiều bịnh.

(36) Ngoài ra, dược liệu khác,

tùy bịnh mà thêm vào.

Nhưng trước phải từ tâm,

đừng mưu tính tài lợi.

(37) Cha đã nói những việc

cần cho sự chữa bịnh.

Con đem ra cứu người

thì phước sẽ vô biên.

Thiện nữ, bấy giờ trưởng giả tử Lưu thủy đích thân hỏi và nghe cha nói về tám thuật, về tứ đại thêm bớt, về thời tiết bất đồng, về cách cho thuốc. Hiểu biết rành rẽ rồi, trưởng giả tử tự xét kyՠmình đủ sức cứu chữa mọi bịnh. Bèn đi đến thành thị thôn xóm, chỗ nào có bịnh nhân cũng đến, dịu ngọt an ủi, và rằng tôi là thầy thuốc, tôi là thầy thuốc, tôi rành thuốc chữa bịnh. Tôi sẽ chữa cho các người lành mạnh. Thiện nữ, bấy giờ người ta nghe trưởng giả tử an ủi, hứa chữa bịnh cho, thì bao nhiêu bịnh nhân trầm trọng nghe lời ấy cũng phấn chấn thân tâm, vui mừng hiếm có. Do vậy mà bịnh khổ tiêu tan, khí lực sung mãn, bình phục như cũ. Thiện nữ, bấy giờ lại có bao nhiêu bịnh nhân trầm trọng mà khó cứu chữa, tức thì đến chỗ trưởng giả tử xin chữa thêm. Trưởng giả tử tức thì cho thuốc, bảo dùng, và ai cũng lành cả. Thiện nữ, cứ như thế, trưởng giả tử Lưu thủy chữa lành cho bao nhiêu bịnh nhân ở trong vương quốc.

Phẩm 25: Truyện Của Lưu Thủy

Đức Thế tôn bảo Bồ đề thọ thần, thiện nữ, xưa kia, trưởng giả tử Lưu thủy chữa cho bao nhiêu bịnh nhân trong vương quốc của quốc vương Thiên tự tại quang, làm cho ai cũng bình phục, yên vui. Bấy giờ vì hết bịnh nên con người làm nhiều phước nghiệp, làm rộng huệ thí, và tự lấy thế làm vui. Họ cùng đến chỗ trưởng giả tử. Ai cũng tôn kính mà thưa, lành thay đại trưởng giả tử! Ngài khéo làm tươi tốt và lớn lên những sự phước đức. Ngài đem thêm sự yên ổn và sống lâu cho chúng tôi. Ngài thật là thầy thuốc vĩ đại, là bồ tát từ bi, giỏi y học và chữa bịnh. Khen như vậy khắp cả thành thị thôn xóm.

Thiện nữ, trưởng giả tử có vợ tên Thủy kiên tạng, có hai người con, một tên Thủy mãn, một tên Thủy tạng. Trưởng giả tử đem hai con du hành, qua khu chằm trống, chỗ sâu hiểm, thấy những cầm thú ăn thịt đều bay và chạy theo một hướng. Ông nghĩ tại sao những cầm thú này bay chạy về một phía? Ta nên đi theo coi. Ông tức khắc đi theo, thấy nơi hồ lớn, hồ Dã sinh, nước sắp cạn hết. Trong hồ có nhiều cá. Thấy vậy nên ông sinh tâm đại bi. Bấy giờ có một thọ thần hiện ra nửa mình, nói lành thay thiện nam tử. Ông có phải là người thật tên Lưu thủy thì hãy thương hồ cá này mà cho chúng nước. Lưu thủy là cái tên có hai lý do, một là làm nước chảy, hai là đem cho nước. Ông nên làm theo tên mình. Trưởng giả tử Lưu thủy hỏi thọ thần, hồ cá này có mấy con? Thọ thần nói, đúng mười ngàn. Thiện nữ, Ông nghe con số ấy thì càng thương. Hồ lại bị phơi nắng, nước còn không bao nhiêu. Mười ngàn cá sắp chết, xoay trở lội chậm, thấy trưởng giả tử thì như có hy vọng, nhìn theo không rời. Ông thấy vậy, chạy khắp bốn phía kiếm nước mà không có. Trông qua một bên thấy có đại thọ, tức thì trèo lên bẻ nhánh lá mà làm bóng mát. Rồi đi tìm xuất xứ của nước hồ này. Thì thấy đó là con sông lớn tên Thủy sinh. Bấy giờ bờ sông có những ngư dân, vì bắt cá nên tìm chỗ hiểm của thượng lưu sông ấy, xoi nước [cho chảy qua chỗ khác] mà không cho chảy xuống. Chỗ họ xoi thật khó đắp lại cho chóng. Ông nghĩ, chỗ này sâu hiểm, cả trăm cả ngàn người, mất vài ba tháng, cũng chưa lấp được, huống chi mình ta. Trưởng giả tử tức tốc trở về hoàng thành mình ở, đến chỗ quốc vương, đem cả đầu mặt lạy ngang chân, rồi đứng qua một bên, chắp tay cung kính mà tâu, hạ dân đã chữa bịnh cho cả quốc dân, làm cho ai cũng lành mạnh. Vừa rồi hạ dân du hành đến khu chằm trống, thấy hồ Dã sinh sắp khô nước. Mười ngàn cá trong đó bị phơi nắng, sắp chết. Kính xin đại vương thương mà cho hai mươi con voi lớn, tạm chở nước tới cứu mạng chúng — như hạ dân đã đem sự sống lại cho bao bịnh nhân. Quốc vương nghe vậy, tức tốc hạ lịnh cho đại thần, rằng đem ngay voi lớn cấp cho ông vua thầy thuốc này. Đại thần tuân lịnh, thưa trưởng giả tử, lành thay đại sĩ, ngài nên tự theo đến chuồng voi mà tùy ý chọn lấy hai mươi con lớn để lợi ích chúng sinh. Trưởng giả tử, với hai người con, dẫn hai mươi con voi lớn, với bao da đã mượn, đến ngay chỗ nước bị xoi, đem bao da chứa nước cho voi mang về hồ Dã sinh mà đổ. Và nước lại đầy như cũ.

Thiện nữ, trưởng giả tử lúc ấy đi ven theo bốn phía bờ hồ mà nhìn, thấy đám cá cũng theo bờ hồ mà lội. Ông nghĩ, đám cá tại sao cứ lội theo ta? Tất chúng đói nên theo ta kiếm ăn đây. Ta nên cho chúng. Ông bảo hai con, hãy đem con voi mạnh nhất, chạy mau về nhà, thưa với ông nội, trong nhà có gì ăn được, kể cả phần ăn của ông bà, của mẹ con các con, của tôi tớ, đều gom lại chở đến đây. Theo lời cha bảo, hai người con cỡi voi mạnh nhất, chạy về thưa chuyện với ông nội, thu gom những gì ăn được đặt trên lưng voi, đi mau trở lại chỗ cha đang chờ bên hồ. Ông thấy con trở lại thì cả thân ông và tâm ông đều mừng rỡ, đem đồ ăn vãi khắp trong hồ.

Thiện nữ, đám cá ăn no rồi, ông lại nghĩ, ngày nay ta cho đám cá này thực phẩm, nguyện đời sau ta cho đám cá này pháp thực. Lại nghĩ, ngày trước, nơi khu rừng trống vắng, ta đã thấy một vị Bí sô đọc tụng kinh đại thừa, nói về cái pháp sâu xa là mười hai duyên khởi. Kinh ấy lại nói, chúng sinh sắp chết mà nghe danh hiêểu đức Bảo kế như lai thì được sinh chư thiên. Ta nay nên vì mười ngàn cá này mà nói mười hai duyên khởi sâu xa, lại niệm cho chúng hồng danh đức Bảo kế như lai. Nhưng người đại lục Thiệm bộ có hai loại, có loại thâm tín đại thừa, có loại phỉ báng không tin. Ta cũng nên phát sinh và tăng trưởng tín tâm cho loại này. Ông nghĩ ta nên vào trong hồ nói diệu pháp cho đám cá. Nghĩ rồi, ông bước xuống nước, xướng lớn: Kính lạy đức Bảo kế như lai đã nhập niết bàn, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn, bậc Tôn cao nhất đời. Đức Bảo kế như lai, xưa kia, khi làm việc làm bồ tát, có lời nguyện như vầy: mười phương quốc độ, bao nhiêu chúng sinh có ai sắp chết mà nghe được danh hiệu của Như lai, thì chết rồi được sinh Đao lợi. Trưởng giả tử lại nói diệu pháp cho đám cá. Diệu pháp ấy là sự thể này có thì có sự thể kia, sự thể này sinh thì sinh sự thể kia, đó là vô minh sinh nên sinh hành, cho đến sinh sinh nên sinh già bịnh chết; sự thể này không thì không sự thể kia, sự thể này diệt thì diệt sự thể kia, đó là vô minh diệt nên diệt hành, cho đến sinh diệt nên diệt già bịnh chết. Và thế là cái khối đau khổ thuần túy và cùng cực hủy diệt tất cả. Trưởng giả tử nói diệu pháp này rồi, lại nói minh chú thích ứng với mười hai duyên khởi: Tát da tha, vi cha ni, vi cha ni, vi cha ni, săm sơ cha ni, săm sơ cha ni, săm sơ cha ni, bi si ni, bi si ni, bi si ni, soa ha; tát da tha, na mi ni, na mi ni, na mi ni, soa ha; sa ti ni, sa ti ni, sa ti ni, soa ha; si pri sa ni, si pri sa ni, si pri sa ni, soa ha; tát da tha, vê đa ni, vê đa ni, vê đa ni, soa ha; tri si ni, tri si ni, tri si ni, u pa đi ni, u pa đi ni, u pa đi ni, soa ha; tát da tha, ba vi ni, ba vi ni, ba vi ni, soa ha; tát da tha, ja ti ni, ja ti ni, ja ti ni, soa ha; jăm ma ni ni, jăm ma ni ni, jăm ma ni ni, soa ha. (Tadyatha vicani vicani vicani samscani samscani samscani bhisini bhisini bhisini svaha, tadyatha namini namini namini svaha, satini satini satini svaha, sprsani sprsani sprsani svaha, tadyatha vedani vedani vedani svaha, trsni trsni trsni upadhini upadhini upadhini svaha, tadyatha bhavini bhavini bhavini svaha, tadyatha jatini jatini jatini svaha, jammanini jammanini jammanini svaha).

Bấy giờ, khi đức Thế tôn nói cho đại hội truyện xưa của trưởng giả tử Lưu thủy, thì bộ chúng nhân loại và bộ chúng chư thiên đều than là sự chưa từng có. Bốn vị Thiên vương cùng ở nơi chỗ họ ngồi, khác miệng cùng tiếng mà nói như vầy:

(1) Lành thay đức Thích tôn!

nói minh chú diệu pháp,

sinh phước và diệt tội,

thích ứng mười hai chi.

(2) Chúng con cũng nói chú

hộ trì diệu pháp ấy.

Ai chống đối trái nghịch

không khéo tùy thuận theo,

(3) thì đầu vỡ làm bảy

tựa như ngọn lan hương.

Đối trước đức Thế tôn

chúng con nói minh chú:

Tát da tha, hi ri ni, ga tê, găn đa ri, chăn đa ni, đi ri, jăm va rê, si hi ba rê, pu rê, pu rê, gu gu ma ti, khi ra ma ti, đa đim mu khi, lau ru ba, mu ru ba, ku cha mu ru kăn tê, đu ru, đu ru, đu ru, vi ri da, ai đi si, đa đê vê, đa đa vê, út tri, út tra va ti, ăn sa pra ha ti, pát ma va ti, ku su ma va tê, soa ha. (Tadyatha hirini gate gandhari candari dhiri jamvare sihibhare pure pure gugumati khiramati dadhimukhi laurubha murubha kucamurukante duru duru duru virya aidhisi dadheve dadhave ustri ustravati ansaprahati padmavati kusumavate svaha).

Đức Thế tôn bảo Bồ đề thọ thần, thiện nữ, bấy giờ trưởng giả tử Lưu thủy với hai con cho nước cho ăn bầy cá trong hồ, lại thuyết Pháp niệm Phật cho chúng rồi, cùng nhau về nhà. Sau đó, nhân có cuộc hội họp, ông nghe nhạc, say rượu mà nằm. Còn mười ngàn cá thì cùng lúc chết với nhau, sinh Đao lợi thiên, nghĩ rằng chúng ta vì thiện nghiệp nào mà sinh lên cõi trời này? Họ nói với nhau, trước đây chúng ta đọa vào loài bàng sinh ở đại lục Thiệm bộ, làm thân cá tất cả. Nhờ trưởng giả tử Lưu thủy cho chúng ta nước và cho chúng ta ăn, lại thuyết cho chúng ta diệu pháp mười hai duyên khởi và minh chú tương ứng, niệm cho chúng ta hồng danh của đức Bảo kế như lai. Vì yếu tố này mà chúng ta được sinh lên đây. Bây giờ chúng ta phải đến chỗ trưởng giả tử Lưu thủy mà hiến cúng trả ơn. Mười ngàn thiên tử tức thì ẩn mất khỏi Đao lợi thiên, hiện đến chỗ đại y vương. Bấy giờ ông đang ngủ yên trên lầu cao. Mười ngàn thiên tử cùng nhau đem một xâu chuỗi mười ngàn hạt ngọc chân châu để bên khuôn mặt của ông, đem một xâu nữa đặt chỗ chân ông, đem một xâu nữa đặt bên hông phải, đem một xâu nữa đặt bên hông trái, rồi rải hoa mạn đà la và đại mạn đà la cao đến đầu gối, chiếu ánh sáng khắp cả, tấu thiên nhạc nhiệm mầu, làm cho đại lục Thiệm bộ ai đang ngủ cũng thức. Trưởng giả tử cũng thức. Mười ngàn thiên tử hiến cúng rồi lướt không gian mà bay, khắp cả quốc gia của quốc vương Thiên tự tại quang, chỗ nào họ cũng rải xuống hoa sen đẹp của chư thiên. Họ bay đến chỗ cũ, nơi hồ trong chằm trống, rải xuống các thứ thiên hoa. Rồi ẩn mất, trở về thiên cung, hưởng hạnh phúc tùy thích. Quốc vương Thiên tự tại quang sáng ngày hỏi đại thần, đêm qua vì gì mà bỗng nhiên có hiện tượng lành là ánh sáng phóng lớn? Đại thần tâu, xin đại vương biết cho, đó là có một chúng chư thiên đến nhà trưởng giả tử Lưu thủy, hiến bốn xâu chuỗi mỗi xâu có mười ngàn hạt ngọc chân châu, lại rải thiên hoa mạn đà la dày đến đầu gối. Quốc vương bảo đại thần, hãy đến nhà trưởng giả Trì thủy triệu trưởng giả tử Lưu thủy đến đây. Đại thần tuân lịnh, đến tuyên vương mạng mà mời ông. Ông đến chỗ quốc vương tức thì. Quốc vương hỏi, vì gì mà đêm qua hiện ra hiện tượng hiếm có? Ông tâu, theo hạ dân nghĩ, thì chắc chắn bầy cá trong hồ, như trong kinh dạy, đã chết và sinh lên Đao lợi, họ đến trả ơn nên có những hiện tượng hiếm có và kỳ lạ như vậy. Quốc vương nói làm sao biết được? Ông tâu, xin đại vương phái sứ giả đi với hai con hạ dân, đến ngay hồ ấy mà xét nghiệm coi ra sao? Mười ngàn cá chết hay sống? Quốc vương nghe vậy, tức thì phái sứ giả và hai con của ông đến ngay bên hồ. Thì thấy trong hồ có nhiều hoa mạn đà la, dồn thành đống lớn. Bầy cá đã chết cả. Thấy rồi chạy về tâu rõ với quốc vương. Quốc vương nghe thế, hoan hỷ hết sức, than là sự thể chưa bao giờ đã có.

Đức Thế tôn bảo Bồ đề thọ thần, thiện nữ nên biết, trưởng giả tử Lưu thủy xưa kia chính là bản thân Như lai. Trưởng giả Trì thủy nay là bồ tát Diệu tràng. Hai người con của trưởng giả tử thì con trưởng Thủy mãn nay là Ngân tràng, con thứ Thủy tạng nay là Ngân quang. Quốc vương Thiên tự tại quang thì chính là thiện nữ, Bồ đề thọ thần. Còn bầy cá mười ngàn chính là mười ngàn thiên tử đây. Vì xưa kia Như lai cho họ nước để họ sống, cho họ ăn để họ no, lại thuyết cho họ diệu pháp mười hai duyên khởi và minh chú thích ứng diệu pháp ấy, niệm cho họ hồng danh của đức Bảo kế như lai, do thiện căn như vậy mà họ sinh chư thiên, [và liên tiếp sinh chư thiên mãi]. Nay đến chỗ Như lai, hoan hỷ nghe pháp, và Như lai thọ ký cho họ thành tựu vô thượng bồ đề, nói cho họ biết danh hiệu của họ. Thiện nữ, xưa kia, trong sinh tử luân hồi mà Như lai vẫn làm lợi ích cho chúng sinh một cách rộng rãi. Đối với vô lượng chúng sinh, Như lai làm cho họ tuần tự thành thục vô thượng bồ đề và thọ ký cho họ. Các người hãy làm như Như lai, cần cầu giải thoát, đừng có phóng dật.

Đại hội lúc ấy nghe đức Thế tôn nói như vậy thì ai cũng hiểu rằng, phải do đại bi cứu giúp tất cả, siêng làm khổ hạnh, mới chứng được vô thượng giác. Ai cũng phát ra tâm nguyện sâu xa, tín thọ một cách hoan hỷ.

Chú thích:

(78) Ngài Nghĩa tịnh ghi chú: Minh chú phẩm này có lược có rộng, có mở có hợp, trước sau bất đồng. Phạn bản có nhiều. Tôi y theo 1 bản mà dịch. Sau này ai tìm hiểu thì phải biết như vậy (Chính 16/437)

(79) 1. Tất cả chỉnh cú đoạn này có thể dịch khác hơn, thí dụ “Kính lạy chư Như lai, bậc hùng biện nhiệm mầu” … Nhưng xét ra không bằng dịch như đã dịch.

2. Sau đây là một số Phạn văn trong đoạn này: Ô ma: Uma, Tắc kiến đà: Skanda, Ma na tư: Manasi, Thông minh dạ thiên: Ratridevata, Phệ sốt nộ thiên: Visnu, Tì ma thiên nữ: Bhima, Thị số thiên thần: Samkhyayama (?), Thất lị thiện nữ: Sisumata, Hê lị: Heli, Ha ri để: Hariti.

(80) Triền: những sự ràng buộc tâm thức, cái: những sự che đậy tâm trí.

(81) Trần tập: tập khí của phiền não.

(82) Mãn tài: Purna – bhadra. Ngũ đỉnh: Pancasikhi.

(83) Thì gian thích hợp lẽ ra là sau lúc bình minh.

(84) Đúng chính văn là tâm chú – Tâm chú cũng như tâm kinh. Bài minh chú tinh túy, cốt lõi, thì gọi là tâm chú.

(85) Là mỗi tháng âm lịch mà là nửa trước. Đối lại, nửa sau gọi là tháng trăng tối.

(86) Coi lại ghi chú 68 .

(87) Các pháp có gì là hiện tượng, các pháp là gì là bản thể. Tùy hiện tượng mà biết thì gọi là như lượng trí (cái trí biết hết cái lượng của các pháp). Như bản thể mà biết thì gọi là như lý trí (cái trí biết đúng cái thể của các pháp).

(88) Tra không ra. Đọc mâu thử cũng chỉ đọc theo bán âm. Và theo bán âm này mà suy thì mâu thử có thể là một loại mâu.

(89) Coi lại ghi chú 76 .

(90) Đề này, đúng chính văn là chư thiên và dược xoa hộ trì. Nhưng nội dung phẩm này nói tám bộ hộ trì, nhất là bộ chúng dược xoa. Nên Phạn văn chỉ đề Yaksa.

(91) Hành xứ: chỗ đi. Là chỗ Phật biết và Phật làm, gọi là hành xứ của Phật.

(92) Sau đây là Phạn văn những tên trong các bài chỉnh cú 25-41. Hồ vô nhiệt: Anayatapta, Sa yết ra: Sagara, Tô la kim sí chủ: Asura (metri causa), Phệ sốt nộ: Visnu, Diêm la: Yama, Na la diên: Narayama, Tự tại: Mahesvara, Chánh liễu tri: Sanjaya, Kim cương dược xoa: Vajrapani, Bảo vương dược xoa chủ: Manibhadra, Mãn hiền vương: Purnabhadra, Khoáng dã: Atavaka, Kim tì la: Kumbira, Tân độ la: Pingala, Hoàng sắc: Kapila

(93) Đây là Phạn văn những tên trong các chỉnh cú 43-46. Thái quân: Citrasena, Vi vương: Jinaraja, Thường chiến thắng: Jinarsabha, Châu cảnh: Manikanta, Thanh cảnh: Nilakanta, Bột lý sa vương: Varsadhipati, Đại tối thắng: Mahagrasa, Đại hắc: Mahakala, Tô bạt noa kê xá: Suvarnakesin, Bán chi ca: Pancika, Dương túc: Chagarapada, Đại bà dà: Mahabhaga, Tiểu cừ: Pranali, Hộ pháp: Dharmapala, Di hầu vương: Markada, Châm mao: Suciloma, Nhật chi: Suryamitra, Bảo phát: Ratnakesa, Đại cừ: Mahapranali, Nặc câu la: Nakula, Chiên đàn: Candana, Dục trung thắng: Kamasresta, Xá la: Nagayasas, Tuyết sơn: Hemavanta, Sa đa sơn: Satagiri.

(94) Đây là Phạn văn của các tên trong chỉnh cú 48. A na bà đáp đa: Anavatapta, Sa yết ra: Sagara, Mục chân: Mucilinda, EÁ la diệp: Erapata, Nan đà: Nanda, Nan đà nhỏ: Upananda.

(95) Phạn văn các tên trong chỉnh cú 50. Bà trĩ: Vali, La hầu la: Rahula, Tì ma chất đa la: Vemacitra, Mẫu chỉ chiêm bạt ra: Samavara, Đại kiên: Khuraskanda,

(96) Phạn văn các tên trong chỉnh cú 52 và 53. Ha lị để: Haliti, Chiên trà: Canda, Chiên trà lị: Candalika, Chiên trĩ nữ: Candika, Côn đế: Danti, Câu tra xỉ: Kutadanti, Hút tinh chất chúng sinh: Sarvasattojaharini.

(97) Thực phẩm vào dạ dầy thì một mặt thành đại tiểu thải ra, một mặt thành tự vị nuôi thân. Vị là tư vị ấy.

(98) Ngang đây rõ ràng là thiếu. Mà có thể thiếu không dưới vài ba câu. Đáng lẽ nói thêm và kết thúc về tướng chết, mới nói về thuốc. Ở đây nói liền về thuốc thì không thích đáng. Bản dịch Đàm mô sấm càng không hơn gì.

(99) 3 trái là ha lê lặc ca, ca ma lặc ca, tỉ tỉ đắc ca. 3 cay là can cương, hồ tiêu, tất bát. (Chính 39/326).

    Xem thêm:

  • Kinh Nhứt Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Huyền Trang - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Bát Nhã Cộng Lợi Ngôn Đẳng - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cương Tam Muội Bản Tính Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt - Kinh Tạng
  • Nghi Thức Tụng Niệm Đại Lạc Kim Cang Tát Đỏa Lược Trích Từ Kinh Kim Cang Đỉnh Thắng Sơ Du Già - Kinh Tạng
  • Bá Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Sắc Vương - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Tam Muội - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nhập Niết Bàn Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ Ai Luyến - Kinh Tạng
  • Pháp Môn Lược Thuật Kim Cang Đỉnh Du Già Phân Biệt Thánh Vị Tu Chứng - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Đàn Tràng Đại Khổng Tước Minh Vương Hoạch Tượng - Kinh Tạng
  • Kinh Nhất Thiết Chư Như Lai Tâm Quang Minh Gia Trì Bồ Tát Phổ Hiền Đà La Ni Diên Mạng Kim Cang Tối Thắng - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Oai Đức Kim Luân Phật Đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu Trừ Nhất Thiết Tai Nạn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Danh Hiệu Kim Cương Giáo Pháp Của Thai Tạng - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn (Đôn Hoàng) - Kinh Tạng
  • Kim Cang Đỉnh Siêu Thắng Tam Giới Kinh Thuyết Văn Thù Ngũ Tự Chơn Ngôn Thắng Tướng - Kinh Tạng