1
2

Kinh Ba Mươi Bảy Phẩm Hạnh Thiền

Việt dịch: Tuệ Khai

Tôi nghe như vầy, một thuở đức Phật du hành tại vườn ông Cấp Cô Độc và rừng cây ông thái tử Kỳ Đà ở nước Xá Vệ. Đức Phật bảo rằng :

– Này các Tỳ kheo ! Nếu có thể trong thời gian gẩy móng tay (ý nói nhanh) tư duy hành “chỉ quán” thân đối với thân mình, chỉ quán thân đối với cái bên ngoài thân, chỉ quán thân đối với nội ngoại thân, phân biệt hiểu rõ si não của thế gian thì đó là tinh tấn, là đúng như lời dạy của Phật, chẳng phải là ngu si ăn của bố thí của người huống gì là người có khả năng làm nhiều ? Hãy rút lấy điều cốt yếu ấy ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay mà chỉ quán Thống hoặc chỉ quán Ý và chỉ quán Pháp, trong ngoài phân biệt, hiểu rõ si não của thế gian thì đều nói như trên… huống gì là người làm nhiều. Vậy nên cần phải nghĩ làm bốn ý chỉ.

Đức Phật dạy rằng :

– Này các Tỳ kheo ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay tư duy hành động đối với pháp ác chưa sinh chẳng cho nó sinh, khuyến ý sữa trị, hành tinh tấn, nhiếp lấy ý thì đó là tinh tấn hành thiền, là đúng như lời dạy của Phật, chẳng phải là ngu si ăn của bố thí của người, huống gì là người làm nhiều ? Hãy tóm lấy điều cốt yếu ấy ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay tư duy hành động đối với pháp ác đã sinh liền đoạn trừ, hoặc tư duy hành động đối với pháp thiện chưa sanh liền phát sinh và thiện pháp đã sinh đứng vững chẳng quên tăng thêm hành động để được viên mãn, khuyến ý sữa trị, hành tinh tấn, nhiếp lấy ý, đều nói như trên… huống gì là người hành động nhiều ? Vậy nên có thể niệm hành bốn ý đoạn.

Đức Phật dạy rằng :

– Này các Tỳ kheo ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay tư duy hành dục định, đoạn, sinh tử, tư duy thần túc thì đó là tối tinh tấn hành thiền, là đúng như lời dạy của Phật, chẳng phải là ngu si, ăn của bố thí của người, huống gì là người tu hành nhiều ? Hãy nhiếp lấy điều cốt yếu ấy ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay tư duy hành tinh tấn định, hoặc tư duy hành ý định và giới định, đoạn sinh tử, tư duy thần túc… đều nói như trên, huống gì là người tu hành nhiều ? Vậy nên có thể niệm hành bốn thần túc.

Đức Phật dạy rằng :

– Này các Tỳ kheo ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay tư duy hành tín căn, do thấy bốn hỷ sự nên chẳng lìa Phật cũng chẳng lìa pháp cùng chúng và giới thì đó là tinh tấn hành thiền, là đúng như lời dạy của Phật, chẳng phải là ngu si ăn đồ bố thí của người, huống gì là kẻ tu hành nhiều ? Hãy rút lấy điều cốt yếu ấy ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay tư duy hành tinh tấn căn do thấy bốn ý đoạn, hoặc tư duy hành niệm căn do thấy bốn ý chỉ, hoặc tư duy hành định căn do thấy bốn thiền, hoặc tư duy hành tuệ căn do thấy bốn Đế… đều nói như trên, huống gì là người tu hành nhiều ? Vậy nên có thể niệm hành năm căn.

Đức Phật dạy rằng :

– Này các Tỳ kheo ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay tư duy hành tín lực, từ đó được hỷ sự khiến cho không thể hoại thì đó là tinh tấn hành thiền, là đúng như lời dạy của Phật, chẳng phải là ngu si ăn đồ bố thí của người, huống gì là người tu hành nhiều ? Nếu trong thời gian gẩy móng tay, tư duy hành tinh tấn lực, hoặc niệm lực, hoặc định lực hoặc huệ lực đều nói như trên… huống gì là người tu hành nhiều ? vậy nên có thể niệm hành năm lực !

Đức Phật dạy rằng :

– Này các Tỳ kheo ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay, tư duy hành Niệm giác ý mà do chỗ niệm sẽ niệm, do ái niệm, do chánh niệm là niệm nghĩ thiện pháp và khi đắc chí chẳng quên thì đó là tinh tấn hành thiền, là đúng như lời dạy của Phật, chẳng phải là ngu si ăn đồ bố thí của người, huống gì là người tu hành nhiều ? Hãy rút lấy điều cốt yếu ấy !

Nếu trong thời gian gẩy móng tay, tư duy hành pháp hiểu rõ Giác ý mà ý ấy theo từng kinh, từng kinh phân biệt giải, tùy thuận giải; hoặc tư duy hành tinh tấn giác ý mà thân ấy tinh tấn, ý ấy cũng tinh tấn; hoặc tư duy hành ái giác ý mà biết cái sẽ ái khiến cho ý được vui; hoặc tư duy hành chỉ giác ý mà khiến cho thân dừng nghỉ, ý cũng dừng nghỉ; hoặc tư duy hành định giác ý mà khiến cho ý trụ, niệm cũng trụ, chí chẳng loạn chẳng tà niệm; hoặc tư duy hành hộ giác ý mà khiến cho hành động hộ biết sở niệm, biết an thân; khiến cho thấy đạo hộ yên ổn ác niệm trong việc hành sự…. đều nói như trên, huống gì là người tu hành nhiều ? Vậy nên hãy niệm hành bảy giác ý !

Đức Phật dạy rằng :

– Này các Tỳ kheo ! Nếu trong thời gian gẩy móng tay, tư duy hành chánh kiến do biết xưa, biết nay, biết đầu biết cuối, biết trong biết ngoài, biết khổ biết tập, biết tận biết đạo, biết Phật, biết Pháp, biết Tỳ kheo chúng, biết việc học hành như sáu hợp đã tập quen, đã chọn lấy, hoan hỷ biến thất và qui thú ấy, biết đức chẳng tham thì đó gọi là Chánh kiến, là tinh tấn hành thiền, là đúng như lời dạy của Phật, chẳng phải là ngu si ăn đồ bố thí của người, huống gì là người tu hành nhiều ? Hãy rút lấy điều cốt yếu ấy !

Nếu trong thời gian gẩy móng tay, tư duy hành chánh tư duy tức là nghĩ về xuất gia, nghĩ về chẳng tranh, nghĩ về chẳng giết; hoặc tư duy hành chánh ngữ, chẳng vọng ngữ, chẳng lưỡng thiệc, chẳng ác khẩu, chẳng nói đùa; hoặc tư duy hành chánh mạng, chẳng dùng tham để sinh sống, chẳng dùng sân nhuế để sinh sống, chẳng dùng si để sinh sống; hoặc tư duy hành chánh nghiệp, chẳng sát sinh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm; hoặc tư duy hành chánh trị do việc sửa trị bốn ý đoạn; hoặc tư duy hành chánh niệm do thọ hành bốn ý chỉ; cũng tư duy hành chánh định, do việc suy nghĩ bốn thiền sự… đều đồng nói như trên. Chỉ tư duy hành động trong thời gian gẩy móng tay mà công đức như vậy huống gì là người tu hành nhiều ? Vậy nên hãy niệm hành tám Chánh đạo !

Đức Phật nói như vậy, rồi các Tỳ kheo đều hoan hỷ thọ.

    Xem thêm:

  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Vạn Thiện Đồng Quy Tập - Kinh Tạng
  • Tây Phương Xác Chỉ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 24 - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Tịnh Từ Yếu Ngữ - Kinh Tạng
  • Giải Nghi Thiền Tông - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn (Đôn Hoàng) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 31 Đến Phẩm 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Lộc Mẫu - Kinh Tạng
  • Kinh Bảo Tinh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Giải Thích Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 22 - Kinh Tạng