1
2

QUYỂN HẠ

Hơi thở ra, hơi thở vào tự giác, hơi thở ra, hơi thở vào tự biết. Đang lúc ấy là giác, về sau là biết. Giác là hay biết hơi thở dài ngắn. Biết là biết hơi thở sinh diệt, lớn nhỏ, chậm mau. Hơi thở vào, hơi thở ra giác tận là chỉ thì nghĩa là hay biết khi hơi thở ra vào muốn đáp lại là tận, cũng kể là thân muôn vật sinh lại diệt. Tâm thì gọi là Ý chỉ vậy. Thấy quan sát rỗng không là làm đạo được quán chẳng lại thấy thân thì liền rơi vào trống rỗng. Không sở hữu thì nghĩa là ý không sở trước. Nhân của ý có sở trước là hữu (có). Cắt đứt sáu nhập liền được hiền minh. Hiền gọi là thân, minh gọi là đạo vậy. Biết chỗ nào ra, chỗ nào diệt là ví như nghĩ về đá, ra đá vào cây thì đá liền diệt. Năm ấm cũng vậy, ra sắc vào thống dương, ra thống dương vào tư tưởng, ra tư tưởng vào sinh tử, ra sinh tử vào thức. Đã phân biệt thế thì mới rơi vào ba mươi bảy phẩm kinh vậy.

Hỏi : Những gì là tư duy đạo vô vi ?

Đáp : Tư là tính toán, duy là xử đoán. Vô nghĩa là chẳng nghĩ đến muôn vật, Vi là đúng như lời nói làm đạo là được nên nói rằng, tư duy đạo vô vi vậy. Tư là niệm, Duy là phân biệt trắng đen. Đen là sinh tử, trắng là đạo. Đạo không sở hữu mà đã phân biệt không sở hữu thì liền không sở vi (không có cái để làm) nên nói rằng, tư duy đạo vô vi. Nếu kể có sở vi, sở trước là chẳng phải tư duy. Tư cũng là vật, duy là giải lý mà giải ý (mở ý) thì liền biết mười hai việc nhân duyên. Cũng gọi tư là niệm, duy là kể vậy. Cắt đứt sinh tử được thần túc nghĩa là ý có sở niệm là sinh, không sở niệm là chết. Được thần túc thì có thể bay đi nên nói rằng, sinh tử phải cắt đứt vậy.

Được thần túc có năm ý, một là hỷ, hai là tín, ba là tinh tấn, bốn là định, năm là thông. Niệm bốn thần túc chẳng tận lực thì được năm thông, niệm tận lực thì tự tại hướng về sáu thông. Làm đạo nhân bốn thần túc được năm thông nếu tận ý có thể được sáu thông. Tận ý nghĩa là ý muôn vật chẳng muốn vậy. Một là Tín, hai là Tinh tấn, ba là Ý, bốn là Định, năm là Thông Tuệ, năm việc này là bốn thần túc. Niệm là lực thì thường có sáu việc vậy. Theo Tín là thuộc niệm bốn thần túc. Theo Hỷ, theo Niệm, theo Tinh tấn, theo Định, theo Thông Tuệ thì đó là thuộc năm căn vậy. Theo Hỷ định gọi là Tín đạo, theo Lực định gọi là Tinh Tấn, theo Ý định gọi là Ý niệm định, theo Thí định gọi là hành đạo vậy. Vì gieo trồng nên có căn, việc hữu vi đều là ác liền sinh ra tư tưởng chẳng thể được thắng thì nghĩa là được thiền thì chính nhân này là động lực, cũng nghĩa là ác chẳng thể thắng thiện. Hơi thở diệt lại khởi lên nên là lực. Lực định thì ác ý muốn đến chẳng thể hoại được thiện ý nên là lực định vậy.

Đạo nhân làm đạo chưa được Quán phải toan tính được quán. Tại chỗ quán, ý chẳng lại chuyển là được. Quán dừng một pháp ác là ngồi thiền quán hai pháp, có khi quán thân, có khi quán ý, có khi quán hơi thở, có khi quán có, có khi quán không… tại nơi nhân duyên sẽ phân biệt quán vậy. Dừng một pháp ác, quán hai ác pháp cho đến hết – Chỉ quán tức là quan sát đạo. Ác chưa hết chẳng thấy đạo, ác đã hết rồi mới được nhìn thấy đạo vậy. Dừng một pháp ác là biết ác thì tất cả có thể chế ngự, chẳng chấp trước ý là Chỉ, cũng là được sổ tức, tương tùy, chỉ. Được sổ tức, tương tùy, chỉ tức là dừng một pháp ác mà ác đã dừng thì liền được quán, là quán hai pháp, là được bốn đế, là hành tịnh. Sẽ lại tác tịnh là biết khổ thì bỏ tập, biết tận (diệt) thì làm đạo như khi mặt trời mọc thì tịnh chuyển ra mười hai cửa. Kinh nói rằng, theo đạo được giải thoát vậy. Khử tối thấy sáng như khi mặt trời mọc. Ví như mặt trời mọc thấy được nhiều nơi vì loại bỏ bóng tối mà tối là khổ. Vì sao biết nó là khổ ? Vì có nhiều sự ngăn ngại nên biết là khổ. Những gì là bỏ tập ? Đó là chẳng tạo tác sự việc. Những gì là tận chứng (chứng diệt) ? Đó là không sở hữu. Đạo là sáng suốt nhận thức Khổ, cắt đứt Tập, chứng Tận (Diệt) và niệm Đạo. Thức từ khổ sinh ra mà chẳng được khổ cũng không có thức. Đó là Khổ vậy. Tận chứng nghĩa là biết người tận phải già, bịnh, chết, chứng là biết vạn vật đều phải diệt. Đó là Tận chứng vậy. Ví như mặt trời mọc tác khởi bốn việc, một là hoại tối như là trí tuệ có thể hoại ngu si. Hai là thấy ánh sáng như là ngu si trừ rồi độc nhất trí tuệ tồn tại. Ba là thấy sắc muôn vật như là thấy những sự phơi bày ác của thân. Bốn là thành thục muôn vật. Giả sử không mặt trời, mặt trăng thì vạn vật chẳng thành thục như con người không có trí tuệ thì ý ngu si chẳng thành thục vậy. Phần đầu bên trên hành động thì đều hành động hết là việc hành sự khi đã hành thì chẳng phân biệt nói. Nghĩa là hành theo năm tiếng : thân, tâm, tịnh, đắc, hành vậy. Theo Đế niệm pháp, ý đặt vào trong pháp, theo Đế niệm pháp, ý đặt vào sở niệm là liền sinh ra, là cầu sinh tử. Được sinh tử thì cầu Đạo. Được đạo thì trong ngoài tuy theo sự khởi lên của ý. Đó là Niệm pháp. Ý đặt trong pháp là từ bốn Đế tự biết ý sinh ra là sẽ được, là chẳng sinh, là chẳng được hay là liền khước từ ý, sợ chẳng dám phạm. Sở hành, sở niệm luôn ở tại đạo. Đó là ý đặt trong pháp vậy. Đó gọi là pháp chính theo đế, vốn khởi lên vốn đặt ở ý. Pháp chính thì gọi là Đạo pháp. Từ Đế tức là bốn đế. Vốn khởi vốn đặt ở ý tức là việc hướng về sinh tử. Muôn việc đều vốn từ ý khởi lên tức thời đặt vào ý, tức thời có sự khởi dậy của năm ấm. Ý sẽ cắt đứt mà gốc cắt đứt thì năm ấm liền cắt đứt. Có lúc tự cắt đứt chẳng niệm mà ý tự khởi lên là tội lỗi. Lại nữa, chẳng định tại đạo là tội chưa hết vậy. Ý đặt trong pháp nghĩa là ý niệm muôn vật là rơi ra ngoài, ý trong pháp chẳng niệm muôn vật là rơi vào trong đạo pháp. Năm ấm là pháp sinh tử, ba mươi bảy phẩm kinh là đạo pháp. Ý đặt trong pháp nghĩa là chế ngự năm ấm chẳng phạm, cũng nghĩa là thường niệm đạo chẳng rời. Đó là ý đặt trong pháp vậy. Cái chính gốc là cái ở bên ngoài là vật, gốc là phước ở bên trong. Tổng lại là ba mươi bảy phẩm kinh. Hành đạo chẳng phải là mục đích nhất thời nên nói đến cái gốc, nghĩa là tu hành ba mươi bảy phẩm kinh pháp. Như theo thứ lớp hành ý chẳng vào tà là chính nên gọi là cái chính gốc. Cái chính gốc đều tự hành khác, hành do không là đối gốc, do chẳng cầu là đối chính, do vô vi là đối vô vi, do chẳng thường là đối đạo, do không có là đối cũng không có cái, cũng không có gốc, cũng không có chính, là không sở hữu vậy. Định Giác thọ thân ! Như vậy pháp đạo nói nghĩa là pháp định. Đạo nói nghĩa là nói cái từ nhân duyên được đạo. Thấy ấm thọ tức là thọ năm ấm. Có vào tức là vào trong năm ấm. Nhân có sinh tử ấm tức là thọ chính. Chính là đạo tự chính, chỉ phải là tự chính tâm vậy. Người hành An Bát Thủ Ý được sổ tức, được tương tùy, được chỉ thì liền hoan hỷ. Bốn thứ này ví như dùi lửa thấy khói thì chẳng thể làm chín được vật. Được những vui gì do chưa được xuất hiện điều cốt yếu vậy ?

An Bát Thủ Ý có mười tám phiền não khiến cho người chẳng theo đạo : Một là ái dục, hai là sân nhuế, ba là si, bốn là hỷ lạc, năm là mạn, sáu là nghi, bảy là chẳng thọ hành tướng, tám là thọ tướng người khác, chín là chẳng niệm, mười là niệm người khác, mười một là niệm chẳng đầy, mười hai là quá tinh tấn, mười ba là tinh tấn bất cập, mười bốn là kinh sợ, mười lăm là ý cưỡng chế, mười sáu là lo, mười bảy là vội vàng, mười tám là ý hành ái chẳng điều độ. Đó là mười tám phiền não. Chẳng hộ mười tám nhân duyên này thì chẳng được đạo, nếu hộ thì liền được đạo vậy. Chẳng thọ hành tướng nghĩa là chẳng quan sát ba mươi hai (sáu?) vật, chẳng niệm ba mươi bảy phẩm kinh. Đó là chẳng thọ hành tướng. Thọ tướng người khác nghĩa là chưa được mười hơi thở liền hành tương tùy. Đó là thọ tướng người khác. Tha niệm là khi hơi thở vào nghĩ hơi thở ra, khi hơi thở ra nghĩ hơi thở vào. Đó là tha niệm. Niệm chẳng đầy nghĩa là chưa được nhất thiền liền nghĩ nhị thiền. Đó là niệm chưa đầy. Ý cưỡng chế nghĩa là ngồi mà loạn ý chẳng được hơi thở thì phải kinh hành, đọc kinh để loạn chẳng khởi. Đó là ý cưỡng chế. Tinh tấn là thông tuệ. Chạy trong sáu việc này nghĩa là chạy trong sổ tức, tương tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Đó là sáu vậy.

Cái gì là thở ? Cái gì là hơi thở ? Cái gì là hơi ? Cái gì là lực ? Cái gì là gió ?

– Chế tức là ý, hơi thở là mạng, thủ là hơi (khí), thấy nghe là gió, là có thể nói thành lời nói từ lực co duỗi của đạo, là có thể cất lên sân nhuế nặng vậy. Cốt yếu là từ thủ ý được đạo. Do duyên gì được thủ ý ? Do từ sổ (đếm, tính) chuyển được tức (hơi thở), tức chuyển thì được tương tùy. Chỉ, quán, hoàn, tịnh cũng lại như vậy.

Hành đạo muốn được chỉ ý phải có ba việc.

Một là trước quán niệm thân vốn từ đâu lại ? – Nếu nó chỉ từ năm hành ấm mà có thì chặt đứt năm ấm, nó chẳng lại sinh. Ví như ký thác giây lát vậy. Ý chẳng giải thì niệm chín đường để tự chứng.

Hai là tự phải nhìn thấy bên trong theo hơi thở ra vào trong tâm.

Ba là khi hơi thở ra, hơi thở vào mà niệm diệt thì hơi thở ra nhỏ và nhẹ. Khi niệm diệt thì những gì là biết không sở hữu ? Ý định tức thời biết rỗng không mà biết rỗng không thì liền biết không sở hữu. Vì sao vậy ? Vì hơi thở chẳng đáp lại là liền chết. Biết thân chỉ là sở tác của khí hơi mà khí hơi diệt là rỗng không. Hay biết rỗng không là rơi vào đạo. Vậy nên hành đạo có ba việc, một là quán thân, hai là niệm một lòng, ba là niệm hơi thở ra vào.

Lại có ba việc nữa, một chỉ (ngưng) thống dương của thân, hai là chỉ âm thanh của miệng, ba là chỉ niệm hành của ý. Sáu việc này mau chóng được hơi thở vậy. Kinh cốt yếu nói một niệm nghĩa là nhất tâm, cận niệm nghĩa là kể thân, đa niệm nghĩa là nhất tâm, chẳng lìa niệm nghĩa là chẳng lìa niệm. Thân làm bốn việc này liền mau chóng được hơi thở vậy. Ngồi thiền sổ tức thì tức thời định ý. Đó là phước hiện nay. Trở nên nhanh chóng yên ổn chẳng loạn thì đó là phước vị lai. Tiếp nối lâu thêm lại an định thì đó là phước quá khứ vậy. Ngồi thiền sổ tức mà chẳng được định ý thì đó là tội hiện nay. Trở nên chẳng yên ổn, ý loạn khởi lên thì đó là tội đương lai. Ngồi thiền càng lâu mà chẳng an định thì đó là tội quá khứ vậy. Đó cũng là có lỗi của thân, có lỗi của ý. Thân trực tiếp sổ tức mà chẳng được thì đó là lỗi của ý. Thân quanh co sổ tức mà chẳng được thì đó là lỗi của ý vậy. Tọa thiền tự giác được định ý, ý vui mừng là loạn ý, chẳng vui mừng là đạo ý. Ngồi thiền niệm hơi thở đã dừng liền quán, quán dừng lại hành hơi thở. Người hành đạo phải lấy đó làm thường pháp vậy.

Đức Phật nói có năm niềm tin :

Một là tin có Phật có Kinh.

Hai là bỏ nhà, xuống tóc cầu đạo.

Ba là ngồi hành đạo.

Bốn là được tức (hơi thở).

Năm là định ý.

Cái niệm chẳng niệm là không, khó chẳng niệm là không. Vì sao niệm tức ?

Đáp rằng : Vì trong hơi thở (tức) không có năm sắc : Tham, dâm, sân nhuế, ngu si, ái dục. Đó cũng là rỗng không vậy. Có thể thủ ý trong thân nghĩa là quan sát ý tại thân. Đó là ý trong thân. Người chẳng thể chế ngự ý nên phải sổ tức. Do thông tuệ có thể chế ngự ý thì chẳng lại dùng sổ tức vậy.

Hỏi : Những gì là tự biết ? Những gì là tự chứng ?

Đáp : Có thể phân biệt năm ấm thì đó là tự biết. Chẳng nghi ngờ đạo thì đó là tự chứng.

Hỏi rằng : Những gì là vô vi ?.

Đáp : Vô vi có hai nhóm, có ngoại vô vi, có nội vô vi. Mắt chẳng xem sắc, tai chẳng nghe tiếng, mũi chẳng thọ hương, miệng chẳng nếm vị, thân chẳng tham trơn nhẵn, ý chẳng để lòng vào niệm. Đó là ngoại vô vi. Sổ tức, tương tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh thì đó là nội vô vi vậy.

Hỏi : Sở niệm hiện hữu thì vì sao là vô vi ?

Đáp : Thân, miệng bị cấm giới, ý hướng về đạo. Tuy có sở niệm nhưng vốn hướng đến vô vi vậy.

Hỏi : Những gì là vô ? Những gì là vi ?

Đáp : Vô nghĩa là chẳng niệm muôn vật, Vi là theo sự hành chỉ của kinh mà xưng danh nên gọi là Vô vi vậy.

Hỏi : Giả sử đối tượng của túc mạng đến phải lấy gì khước từ ? Đáp : Hành sổ tức, tương tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh hay niệm ba mươi bảy phẩm kinh thì có thể khước từ nạn.

Hỏi : Đối tượng túc mạng chẳng thể khước từ bằng sổ tức, hành ba mươi bảy phẩm Kinh thì lấy gì có thể khước từ ?

Đáp : Dùng niệm đạo nên tiêu ác. Giả sử sổ tức, tương tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh chẳng thể diệt ác thì người thế gian chẳng được đạo. Do tiêu ác nên được đạo. Sổ tức, tương tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh, hành ba mươi bảy phẩm kinh còn được làm Phật huống gì là đối tượng tội. Cho dù tại mười phương chứa tội như núi mà tinh tấn hành đạo thì chẳng cùng với tội hội ngộ.

Hỏi rằng : Kinh nói rằng, làm thế thì vì sao chẳng hội ngộ ?

Đáp : Do làm thế vậy ? Sổ tức bị rơi vào mười hai phẩm. Những gì là mười hai phẩm ? Khi sổ tức thì rơi vào bốn ý chỉ. Khi hơi thở chẳng loạn bốn ý niệm đoạn, có khi được mười hơi thở thì bị rơi vào bốn thần túc. Đó là rơi vào mười hai phẩm vậy.

Hỏi : Những gì là niệm ba mươi bảy phẩm kinh ?.

Đáp : Sổ tức, tương tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh, sáu việc này chính là niệm ba mươi bảy phẩm kinh vậy. Hành sổ tức cũng là hành ba mươi bảy phẩm kinh.

Hỏi : Vì sao là hành ba mươi bảy phẩm kinh ?

Đáp : Sổ tức là rơi vào bốn ý chỉ. Vì sao vậy ? Vì là bốn ý chỉ. Sổ tức cũng rơi vào bốn ý đoạn, do chẳng đợi niệm nên là bốn ý đoạn. Nó cũng rơi vào bốn thần túc, do từ Tín nên là thần túc. Sổ tức là rơi vào tín căn, do tin Phật, ý vui mừng nên sinh ra tín căn. Nó cũng rơi vào năng căn (căn năng động) do ngồi tu hành căn là rơi vào năng căn. Nó cũng rơi vào thức căn, do biết Đế nên là thức căn. Nó cũng rơi vào định căn, do ý an nên là định căn. Nó cũng rơi vào căn thông tuệ, do lìa khỏi ý si, giải được kết sử nên là căn thông tuệ vậy. Sổ tức cũng rơi vào tín lực, do chẳng si nên là tín lực. Nó cũng rơi vào tiến lực, do tinh tiến nên là tiến lực. Nó cũng rơi vào niệm lực, do những ý khác chẳng thể làm rối loạn nên là niệm lực. Nó cũng rơi vào định lực, do nhất tâm nên là định lực. Nó cũng rơi vào thông tuệ lực, do trước phân biệt bốn ý chỉ, đoạn, thần túc nên là lực thông tuệ. Sổ tức cũng rơi vào giác ý, do biết khổ nên là giác ý. Nó cũng rơi vào pháp thức giác ý, do biết nhân duyên đạo nên là pháp thức giác ý. Nó cũng rơi vào lực giác ý, do bỏ ác nên là lực giác ý. Nó cũng rơi vào ái giác ý, do ham thích đạo nên là ái giác ý. Nó cũng rơi vào tức giác ý, do ý chỉ nên là tức giác ý. Nó cũng rơi vào định giác ý, do chẳng niệm nên là định giác ý. Nó cũng rơi vào thủ giác ý, do hành chẳng rời khỏi nên là thủ giác ý. Sổ tức cũng rơi vào tám hạnh, do ý chính nên vào tám hạnh : Định ý, từ tâm, niệm tịnh pháp thì đó là trực thân. Lời chí thành, lời nhu nhuyến, lời ngay thẳng, lời chẳng trở lại thì đó là trực ngữ. Thông tuệ tại ý, tin tại ý, nhẫn nhục tại ý thì đó là trực tâm. Sở dĩ gọi là thanh tức (dứt tiếng) vì đó là mười thiện rơi vào đạo hạnh vậy. Sổ tức cũng rơi vào trực kiến, do quan sát Đế nên là trực kiến. Nó cũng rơi vào trực hành, do hướng về đạo nên là trực hành. Nó cũng rơi vào trực trị (sửa trị) do hành ba mươi bảy phẩm kinh nên là trực trị. Nó cũng rơi vào trực ý do niệm đế nên là trực ý. Nó cũng rơi vào trực định, do ý trắng sạch phá hoại ma binh nên là trực định. Đó là tám hạnh.

Những gì là ma binh ? – Gọi sắc, thanh, hương, vị, xúc. Đó là ma binh. Chẳng nhận những thứ đó là hoại ma binh. Ba mươi bảy phẩm Kinh nên thu lấy. Giả sử tự quán thân, quán thân người khác dừng (chỉ) dâm, chẳng loạn ý, dừng những ý còn lại. Tự quán thống dương, quán thống dương người khác dừng sân nhuế. Tự quán ý, quán ý người khác dừng ngu si. Tự quán pháp, quán pháp người khác được đạo. Đó gọi là bốn ý chỉ vậy. Tránh thân là tránh sắc, tránh thống dương là tránh năm dục, tránh ý là tránh niệm, tránh pháp chẳng rơi vào nghiệp nguyện sửa trị sinh ra. Đó gọi là bốn ý niệm đoạn vậy. Nhận thức khổ vốn là khổ. Vì khổ là có thân từ khổ là nhân duyên. Khởi là sự nhìn thấy muôn vật. Khổ Tập vốn là khổ từ khổ là nhân duyên sinh ra. Tận là muôn vật đều phải bại hoại, là tăng thêm khổ tập, lại phải bị rơi vào trong tám đường. Đạo nhân phải niệm tám đường này. Đó gọi là bốn thâu (thu lấy) khổ, được niệm bốn thần túc. Tin Phật, ý vui mừng thì đó gọi là tín căn, vì tự thủ hành pháp. Từ Đế thọ thân ý đó gọi là Năng căn, vì tinh tấn. Từ Đế niệm hết Đế thì đó gọi là Thức căn, vì thủ ý theo một ý Đế. Từ một ý Đế dừng lại thì đó gọi là Định căn, vì chính ý. Từ Đế quan sát Đế thì đó gọi là căn thông tuệ vì đạo ý. Đó gọi là năm căn.

Từ Đế tin chẳng nghi nữa thì gọi là Tín lực, bỏ tham hành đạo. Từ Đế tự tinh tấn, ác ý chẳng thể bại hoại tinh tấn thì đó gọi là Tấn lực, ác ý muốn khởi tức thời diệt. Từ Đế ý này không có khả năng hoại ý thì đó gọi là Niệm lực, quan sát trong ngoài. Từ Đế dùng định thì ác ý chẳng thể hoại thiện ý, đó gọi là Định lực, niệm bốn thiền. Từ Đế được thông tuệ mà ác ý chẳng thể hoại ý thông tuệ thì đó gọi là lực Thông tuệ, niệm ra vào hết lại sinh ra. Đó gọi là năm lực vậy. Từ Đế niệm Đế thì đó gọi là Giác ý, được ý đạo. Từ Đế quan sát Đế thì gọi là pháp thức giác ý, được sinh tử ý. Từ Đế giữ thân ý thì đó gọi là Lực giác ý, giữ đạo chẳng mất là lực. Từ Đế đủ hỷ (mừng) Đế thì đó gọi là Ái giác ý, tham ái đạo pháp, làm đạo pháp. Từ Đế mà ý được ngưng nghỉ thì đó gọi là Tức giác ý, đã nghỉ rồi là yên ổn. Từ Đế mà ý một niệm thì đó gọi là Định giác ý, tự biết ý đã an định. Từ Đế tự tại ý mà sở hành theo quán thì đó gọi là Thủ (giữ) giác ý. Từ bốn đế quan sát ý thì đó gọi là bảy giác ý vậy. Từ Đế thủ (giữ) Đế thì đó gọi là trực (thẳng) tín đạo. Từ Đế theo thẳng hành Đế thì đó gọi là trực tùng hành niệm đạo. Từ Đế giữ thân ý thì đó gọi là trực trị pháp, chẳng muốn rơi vào bốn ác. Bốn ác nghĩa là bốn điên đảo. Từ Đế niệm Đế thì đó gọi là trực ý, chẳng loạn ý. Từ Đế mà ý nhất tâm thì đó gọi là trực định, là nhất tâm làm đầu, là ba hạnh pháp ý. Chúng đều hành xử bằng thanh (tiếng), thân, tâm giống như tám hạnh của đệ tử đức Phật. Đó gọi là bốn thiền, là bốn ý đoạn vậy. Tám hạnh là :

Hạnh thứ nhất là trực niệm thuộc về tâm, thường niệm đạo. Hạnh thứ hai là trực ngữ thuộc về miệng, đoạn bốn ý.

Hạnh thứ ba là trực quán thuộc về thân, quan sát trong ngoài thân.

Hạnh thứ tư là trực kiến, tin đạo.

Hạnh thứ năm là trực hành, chẳng theo bốn ác là bốn điên đảo. Hạnh thứ sáu là trực trị, đoạn trừ ý.

Hạnh thứ bảy là trực ý, chẳng rơi vào tham dục.

Hạnh thứ tám là trực định, chính tâm vậy. Đó là tám hạnh mà Phật, Bích Chi Phật, A la hán chẳng hành vậy.

Hạnh thứ nhất là trực niệm. Những gì là trực niệm ? – Gọi chẳng niệm muôn vật, ý chẳng rơi vào trong đó. Đó là trực niệm. Niệm vạn vật mà ý rơi vào trong đó là chẳng trực niệm vậy. Bốn Ý chỉ thì một ý dừng là thân niệm dứt, hai ý dừng là niệm thống dương, ba ý dừng là niệm ý dứt vào ra, bốn ý chỉ là niệm pháp nhân duyên. Đó là bốn Ý chỉ vậy. Đạo nhân phải niệm bốn Ý chỉ này. Một là vì ta đời trước ái thân nên chẳng được giải thoát. Hai là nay có oán gia kịch liệt. Vì sao vậy ? Vì có sở dục thì ái sinh ra nên phải đoạn dứt mà đoạn rồi là bên ngoài thân quán chỉ vậy. Bốn Ý chỉ thì ý chỉ là ý chẳng tại thân là chỉ, ý chẳng tại thống dương là chỉ, ý chẳng phải tại ý là chỉ, ý chẳng tại pháp là chỉ. Ý theo sắc thì thức liền sinh ra thì đó là chẳng chỉ vậy.

Hỏi : Người vì sao chẳng rơi vào bốn Ý chỉ ?

Đáp : Do người chẳng niệm khổ, không, chẳng phải thân, bất tịnh nên chẳng rơi vào bốn Ý chỉ. Nếu ý người thường niệm khổ, không, chẳng phải thân, bất tịnh mà thường niệm bốn việc này chẳng rời khỏi, thì liền mau chóng được bốn Ý chỉ vậy.

Hỏi : Những gì là ý chỉ của thân ?

Đáp : Niệm bịnh, già, chết là ý chỉ của thân.

Những gì là ý chỉ của thống dương ? – Điều chẳng vừa ý chính là ý chỉ của thống dương.

Những gì là ý chỉ của ý ? – Niệm rồi lại niệm chính là ý chỉ của ý.

Những gì là ý chỉ của pháp ? – Gọi thời gian qua là hành, đáp trở lại là pháp, cũng gọi làm cái này được cái này thì đó là pháp ý chỉ vậy.

Bốn ý chỉ có bốn nhóm : Một là niệm phi thường ý chỉ, hai là niệm thân khổ ý chỉ, ba là niệm “hữu” rỗng không ý chỉ, bốn là niệm vui bất tịnh ý chỉ. Tất cả việc thiên hạ đều rơi vào thân thống dương, rơi vào pháp đều đen chẳng qua khỏi bốn việc này.

Bốn ý chỉ thì một là chỉ có niệm dứt chẳng tà niệm. Hai là chỉ niệm thiện chẳng niệm ác. Ba là tự niệm thân chẳng phải ngã, vạn vật sở hữu đều chẳng phải ngã sở nên liền chẳng hướng theo nữa. Bốn là mắt chẳng nhìn mà ý ở tại trong pháp. Đó gọi là bốn ý chỉ vậy.

Đạo nhân phải hành bốn ý chỉ : Một là nhãn sắc phải tính kể là ác lộ (nước ác) trong thân. Hai là ý vui mừng niệm lạc phải niệm thống dương khổ. Ba là ý ta sân thì ý người khác cũng sân, ý ta chuyển thì ý người khác cũng chuyển nên liền chẳng chuyển ý. Bốn là ý ta ganh ghét thì ý người khác cũng ganh ghét, ta nghĩ người khác xấu thì người khác cũng nghĩ ta xấu nên liền chẳng nghĩ. Đó là pháp vậy. Thân ý chỉ là tự quan sát thân, quan sát thân người khác. Cái gì là thân ? Muốn nói thống dương là thân thì thống không có số (tính). Muốn nói ý là thân thì lại chẳng phải thân có ý quá khứ, ý vị lai. Muốn nói pháp là thân thì lại chẳng phải thân có pháp quá khứ, pháp vị lai. Muốn nói hành là thân mà hành không có hình thì biết là chẳng phải thân. Được sự tính kể này là bốn Ý chỉ vậy. Ý chẳng rơi vào sắc niệm thì thức cũng chẳng sinh ra. Tai, mũi, miệng, thân cũng vậy. Ý chẳng tại thân là tâm. Ý chẳng tại thống dương, ý chẳng tại niệm, ý chẳng tại pháp là tâm vậy.

Hỏi : Ai là người chủ biết thân ý thống dương ?

Đáp : Có thân biết thân ý, thống dương biết ý thống dương, ý biết ý của ý như có đói biết ý đói, có khát biết ý khát, có lạnh biết ý lạnh, có nóng biết ý nóng… do sự phân biệt này mà biết vậy. Ý thân khởi thân ý, ý thống dương khởi thống dương ý, Ý ý khởi Ý ý, ý pháp khởi pháp ý. Bốn Ý chỉ nghĩa là chế ngự ý ác khiến cho nó chẳng khởi lên. Đó là Chỉ vậy. Bốn Ý chỉ cũng theo bốn thiền, bốn thiền cũng theo bốn Ý chỉ mà theo bốn Ý chỉ là gần đạo. Chẳng đắm trước ác thì thiện liền sinh. Bốn thiền là bốn ý định, là dừng ý vậy.

Hành đạo có bốn nhân duyên : Một là chỉ (dừng) thân, hai là chỉ thống dương, ba là chỉ ý, bốn là chỉ pháp. Chỉ thân nghĩa là thấy sắc nghĩa là bất tịnh. Chỉ thống dương nghĩa là chẳng tự cống cao. Chỉ ý nghĩa là chẳng sân nhuế. Chỉ pháp nghĩa là chẳng nghi ngờ. Đạo nhân hành bốn Ý chỉ thì khi ý khởi niệm sinh ra tức thời biết thuốc đối trị. Đã được một ý chỉ thì liền được bốn ý chỉ vậy.

Bốn ý định : Một là tự quán thân cũng lại quán thân người khác. Hai là tự quán thống dương cũng lại quán thống dương người khác. Ba là tự quán tâm cũng lại quán tâm người khác. Bốn là tự quán nhân duyên pháp cũng lại quán nhân duyên pháp người khác. Thân như vậy, tất cả quan sát nhân duyên trong ngoài, việc thành bại thì phải nghĩ thân ta cũng phải thành bại như vậy. Đó là bốn ý định vậy. Người muốn dừng bốn ý thì bỏ là ngoài, nhiếp lấy là trong. Đã nhiếp ý là ngoài, bỏ ý là trong vậy. Quan sát thân người khác nghĩa là tự quan sát thân mà chẳng lìa bỏ người khác tức là quan sát khổ của thân người khác. Quán thân người khác là chẳng phải. Thống dương, ý, pháp cũng vậy. Tự tham thân thì phải quan sát thân người khác, nghĩ đến thân người khác tức là tự quan sát thân. Như vậy là ý chỉ.

Hỏi : Ý thấy hành vì sao là chỉ ?

Đáp : Ý do tự quan sát thân tham liền khiến cho mình quan sát thân người khác thì ý từ tham chuyển nên phải dừng. Nếu ý tham thân người khác thì phải trở lại tự quán thân vậy.

Có lúc tự quán thân, chẳng quán thân người khác. Có lúc phải quán thân người khác, chẳng phải tự quán thân. Có lúc có thể tự quán thân, cũng có thể quán thân người khác. Có lúc chẳng thể tự quán thân, cũng chẳng thể quán thân người khác. Tự quán thân là tính toán để quán thân người khác. Nếu ý chẳng dừng cần phải tự niệm thân là mê trước rồi liền chuyển mê trước qua thân người khác. Quan sát thân người thấy sắc trắng trẻo no tròn, mày đen, môi đỏ. Như thấy béo tốt (no tròn) thì phải nghĩ đến người chết trương phình, thấy trắng trẻo phải nghĩ đến xương người chết, thấy mày đen phải nghĩ đến sắc sạm đen của người chết, thấy môi đỏ phải nghĩ đến màu đỏ của máu. So tính các sở hữu của bản thân để được những ý đó, rồi liền chuyển đổi, chẳng yêu thân nữa vậy. Quán có trong ngoài : Tật đố, sân nhuế, ngu si thì phải quan sát bên trong, còn tham dâm thì phải quan sát bên ngoài. Tham thì phải nghĩ đến sự phi thường, bại hoại. Dâm thì phải nghĩ đến ác lộ (nước bẩn) sở hữu của đối tượng. Như tự quan sát dâm của thân thì phải nghĩ đến bốn ý đoạn vậy. Quán có hai nhóm, một là quán nội, hai là quán ngoại. Quan sát thân có ba mươi sáu vật mà tất cả có đối tượng đều thuộc về ngoại quán. Quán vô sở hữu là đạo thì đó là nội quán vậy.

Quán có ba việc : Một là quán thân có bốn sắc là đen, xanh, đỏ, trắng. Hai là quán sinh tử. Ba là quán chín đường : Quán trắng thấy đen là bất tịnh. Phải trước nghe để học rồi sau đắc đạo. Chưa đắc đạo là vì nghe còn phân biệt là chứng được, là biết vậy.

Quán có bốn, một là thân quán, hai là ý quán, ba là hành quán, bốn là đạo quán. Đó là bốn quán. Ví như người giữ đồ vật mà kẻ trộm đến liền bỏ vật. Nhìn thấy kẻ trộm rồi được quán liền bỏ thân quán vật vậy.

Quán có hai việc : Một là quan sát những sắc sở hữu ở bên ngoài. Hai là nội quán nghĩa là không sở hữu. Quán “không” rồi thì được bốn thiền. Quán “không” không sở hữu, có ý, không ý, không sở hữu thì đó là Không, cũng gọi là bốn bỏ được bốn thiền vậy. Hết cũ chẳng nhận mới là bốn ý chỉ. Cũ hết, mới dừng là bốn ý đoạn. Cũ hết, mới đoạn (dứt) là bốn thần túc. Biết đủ chẳng cầu nữa là thủ ý. Ý là hết, sinh là mới, lão là cũ. Chết là thân thể, hoại bại là hết vậy. Bốn ý đoạn nghĩa là thường nghĩ đến đạo. Niệm thiện sinh ra liền bị niệm ác cắt đứt là đoạn dứt Đạo. Niệm thiện dừng liền sinh niệm ác là chẳng đoạn vậy. Bốn ý đoạn là ý tự chẳng muốn hướng đến điều ác là đoạn. Cũng có nghĩa là chẳng niệm tội là đoạn. Bốn Thần túc : Một là thần túc thân, hai là thần túc miệng, ba là thần túc ý, bốn là thần túc đạo. Nghĩ bay (phi) mà niệm chẳng muốn diệt là chẳng theo đạo vậy.

Bốn Y đề bát : Bốn là số lượng, y đề là chỉ (dừng), bát là thần túc. Muốn bay liền bay được, có khi tinh tấn ngồi bảy ngày liền được, hoặc có khi đến bảy tháng hay bảy năm. Được thần túc có thể ở tại thế gian lâu chẳng chết nhờ có thuốc : Một là ý chẳng chuyển, hai là tín, ba là niệm, bốn là có đế, năm là có thông tuệ. Đó là thuốc thần túc.

Được bốn thần túc chẳng ở tại thế gian lâu do có ba nhân duyên : Một là tự chán thân xú ác ấy nên bỏ. Hai là không có người có thể theo thính thọ kinh đạo nên bỏ. Ba là sợ kẻ oán ác bài báng bị tội nên bỏ. Thần túc có chín nhóm là : cưỡi xe ngựa, đi bộ mà chạy nhanh cũng là thần túc. Cấm giới bên ngoài kiên cố cũng là thần túc. Chí thành cũng là thần túc. Nhẫn nhục cũng là thần túc vậy. Hành thần túc thì ý phải bay.

Hỏi : Sao gọi là ý bay ?

Đáp : Có bốn nhân duyên : Một là tín, hai là tinh tấn, ba là định, bốn là chẳng chuyển ý.

Những gì là tín ? – Tín phi hành. Cái gì là tinh tấn ? – Phi hành. Cái gì là định ? – Phi hành. Cái gì là chẳng chuyển ý ? – Nghĩa là chấp trước phi hành chẳng chuyển ý vậy. Thân chẳng muốn làm đạo mà ý muốn làm liền làm. Thần túc như vậy là ý muốn bay thì liền có thể bay vậy. Năm căn ví như trồng vật bền vững mới sinh ra căn (rễ), chẳng bền thì không có căn. Tín là nước mưa, chẳng chuyển ý là lực. Muôn vật thấy được là căn, chế ngự ý là lực vậy. Trong tín căn có ba ấm : Một là thống dương, hai là tư tưởng, ba là thức ấm. Trong Định căn có một ấm là thức ấm vậy.

Năm căn, năm lực, bảy giác ý cho dù ở trong có một ấm, trong có hai ấm, trong có ba ấm, trong có bốn ấm thì cũng đều có ấm.

Hỏi : Đạo hạnh này vì duyên gì mà có ấm ?

Đáp : Do Nê Hoàn không có ấm nên còn lại đều có ấm vậy. Ba giác trên của bảy giác ý thuộc về miệng, ba giác giữa thuộc về thân, một giác cuối thuộc về ý. Những gì là giác ? Niệm của niệm là giác, niệm của niệm là được. Giác được ý này thì liền theo đạo vậy. Ngoài bảy giác ý là rơi vào trong sinh tử. Bảy giác ý là theo đạo. Bên trong bảy giác ý là gọi ba mươi bảy phẩm kinh. Bên ngoài bảy giác ý là gọi muôn vật vậy. Giác là nhận thức sự việc thì liền theo giác ý vậy. Có giác ý liền theo đạo. Có giác ý rơi vào tội. Giác ba mươi bảy phẩm Kinh liền chánh ý thì đó là theo đạo. Giác thiện ác thì đó là rơi vào tội vậy.

Hỏi : Những gì là từ Đế thân ý giữ ?

Đáp : Thân giữ bảy giới, ý giữ ba giới. Đó là thân, ý giữ vậy. Từ Đế ý được hưu tức là từ bốn Đế nhân duyên của ý ngưng nghỉ. Hưu là chỉ (dừng), tức là tư (suy nghĩ), đắc đạo là thọ tư (nhận suy nghĩ) vậy. Ham thích đạo pháp sẽ làm đạo là Ái giác ý. Giữ đạo chẳng mất là Lực giác ý. Đã được mười hơi thở, thân yên ổn là Tức giác ý. Tự biết đã an là Định giác ý. Thân giữ ý, ý chẳng tẩu tán là trì (giữ). Từ Đế tự tại, ý ở tại sở hành nghĩa là được bốn Đế, cũng có thể niệm bốn ý chỉ, cũng có thể niệm bốn ý đoạn, cũng có thể niệm bốn thần túc, cũng có thể niệm năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám hạnh. Đó là ý tự tại. Tại sở hành theo Đế quán tức là quán cốt yếu của ba mươi bảy phẩm kinh. Đó là Thủ ý. Giác nghĩa là Giác Đế, chẳng thọ tội nữa. Tám hạnh có trong có ngoài. Thân là sát, đạo, dâm. Miệng là lưỡng thiệc, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. Ý là tật đố, ngu si. Ba pháp đầu trên đây là mười việc ở ngoài, còn năm đạo (trực) là ở tại bên trong vậy. Từ Đế Thủ Đế : Từ là thần, thủ là hộ, nghĩa là hộ pháp chẳng phạm tội, Đế là Đạo. Biết chẳng phải thường, khổ, không, chẳng phải thân, bất tịnh là Trực kiến. Người chẳng phải thường kể là thường, nghĩ khổ là vui, không kể là có, chẳng phải thân lấy làm thân thì đó là chẳng trực kiến vậy.

Những gì là Trực kiến ? – Tin nhân duyên xưa, biết từ túc mạng có thì đó là Trực kiến.

Những gì là Trực trị ? – Suy nghĩ phân biệt mà có thể đến thiện ý thì đó là Trực trị.

Những gì là Trực ngữ ? – Giữ lời nói thiện, chẳng phạm pháp, theo đúng như ứng đáp mà nhận lời thì đó là Trực ngữ.

Những gì là Trực nghiệp ? – Thân phù hợp với hạnh, chẳng phạm hạnh thì đó là Trực nghiệp.

Những gì là Trực nghiệp trị ? – Tùy theo người đắc đạo dạy giới hạnh thì đó gọi là Trực nghiệp trị.

Những gì là Trực tinh tấn ? – Tu hành hạnh không kể ngày đêm, chẳng dừng giữa chừng, chẳng bỏ phương tiện thì đó gọi là Trực tinh tấn phương tiện.

Những gì là Trực niệm ? – Luôn hướng về kinh điển, giới luật thì đó gọi là Trực niệm.

Những gì là Trực định ? – Ý chẳng mê hoặc, cũng chẳng bỏ hạnh thì đó là Trực định. Tu hành như vậy khiến cho tám nghiệp hạnh của bậc hiền giả đầy đủ.

Đã tu hành đầy đủ thì liền làm Đạo. Tám Trực có trị, có hành mà hành tám Trực thì mới được hiện ra điều cần chẳng phạm giới của thân. Đó là Trực trị. Tuệ, tín, nhẫn nhục là hạnh, thân, ý, trì thì đó gọi là Trực trị. Nghĩa là không sở niệm là Trực, có sở niệm là chẳng Trực. Mười hai bộ kinh đều rơi vào trong ba mươi bảy phẩm Kinh. Ví như muôn dòng sông, bốn dòng chảy đều về với biển cả. Ba mươi bảy phẩm kinh là ngoài, tư duy là trong. Tư duy phát sinh Đạo nên là trong. Đạo nhân làm đạo phân biệt ba mươi bảy phẩm kinh thì đó là bái (lạy) Phật. Ba mươi bảy phẩm Kinh cũng rơi vào thế gian, cũng rơi vào đạo. Khi tụng Kinh, miệng nói thì đó là thế gian, ý nghĩ về Kinh thì đó là ứng với đạo. Trì giới là chế ngự thân, Thiền là làm tan ý. Hạnh từ nguyện, nguyện cũng từ hạnh, sở hướng của hành đạo ý chẳng rời, ý đến Phật, ý chẳng trở lại vậy. Cũng có theo thứ lớp tu hành được đạo, cũng có chẳng theo thứ lớp tu hành được đạo. Nghĩa là hành bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám hạnh, đó là theo thứ lớp. Sợ thế gian, ghét thân mạng mà liền từ một niệm đó đắc đạo thì đó là chẳng theo thứ lớp. Đạo nhân có thể được ba mươi bảy phẩm mà hành ý có thể chẳng thuận theo sổ tức, tương tùy, chỉ vậy. Thân, miệng có bảy việc, tâm, ý, thức mỗi thứ có mười việc nên là ba mươi bảy phẩm. Bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc thuộc về ngoài. Năm căn, năm lực thuộc về nội. Bảy giác ý, tám hạnh được Đạo vậy. Nê Hoàn có bốn mươi việc là ba mươi bảy phẩm Kinh cùng với ba hướng (?). Phàm bốn mươi việc đều là nê Hoàn.

Hỏi : Sổ tức là Nê Hoàn hay chẳng phải ?

Đáp : Sổ tức, tương tùy, đầu mũi dừng ý mà có sở trước thì chẳng là Nê Hoàn.

Hỏi : Nê Hoàn là có chăng ?

Đáp : Nê Hoàn là không có mà chỉ là khổ diệt, một tên là Ý tận. Hỏi : Niết Bàn là Diệt à ?

Đáp : Chỉ là thiện, ác diệt vậy ! Tri hành là có lúc có thể hành bốn ý chỉ, có lúc có thể hành bốn ý đoạn, có lúc có thể hành bốn thần túc, có lúc có thể hành năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám hạnh. Đế tức là biết định loạn. Định là biết hành, loạn là chẳng biết hành vậy.

Hỏi : Vì sao chính có năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám hạnh ? Đáp : Người có năm căn nên đạo có năm căn, người có năm lực nên đạo có năm lực, người có bảy kết sử nên đạo có bảy giác ý, hành có tám trực nên đạo có tám thứ. Tùy bệnh cho thuốc nhân duyên tương ứng. Mắt thọ sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, miệng nếm vị, thân tham mịn màng, đó là năm căn.

Vì sao gọi là căn ? Đã thọ thì sẽ lại sinh nên gọi là căn. Chẳng thọ sắc, thanh, hương, vị, trơn nhẵn thì đó là lực. Chẳng rơi vào bảy sử là giác ý. Đã tám trực là ứng đạo hạnh. Năm căn là bền ý, năm lực làm chẳng chuyển ý. Bảy giác làm chánh ý. Tám hạnh làm trực ý vậy. Hỏi : Những gì là thiện ý ? Những gì là đạo ý ?

Đáp : Bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, đó là thiện ý. Bảy giác ý, tám hạnh, đó là Đạo ý. Có đạo thiên, có thế gian thiện: Từ bốn ý chỉ đến năm căn, năm lực, đó là đạo thiện. Chẳng dâm, lưỡng thiệc, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ, tham, sân, si, đó là thế gian thiện. Đế kiến là biết muôn vật đều phải diệt. Đó là Đế kiến. Muôn vật hoại bại, thân phải chết nên chẳng lấy làm lo. Đó là Đế quán. Ý ngang ngược, ý tẩu tán liền quở trách chế ngự được. Đó là trừ toi. Các ác đến chẳng thọ là Thiền. Nhất tâm là nội ý, mười hai việc là trí tuệ. Bảy là sổ tức, tám là tương tùy, chín là chỉ, mười là quán, mười một là hoàn, mười hai là tịnh. Đó là mười hai việc bên trong. Mười hai việc ở ngoài nữa là : Một là mắt, hai là sắc, ba là tai, bốn là thanh, năm là mũi, sáu là hương, bảy là miệng, tám là vị, chín là thân, mười là trơn nhẵn, mười một là ý, mười hai là thọ dục. Đó là mười hai việc bên ngoài. Thuật xà tức là trí. Phàm là có ba trí : Một là trí biết cha mẹ, anh em, vợ con của vô số đời. Hai là trí biết trắng đen, dài ngắn của vô số đời, biết điều suy nghĩ trong lòng của người khác. Ba là trí độc hại đã cắt đứt. Đó là ba vậy.

Sa la nọa đãi là sáu thông trí : Một là thần túc, hai là nghe thông suốt, ba là biết ý người khác, bốn là biết vốn từ đâu đến, năm là biết vãng sinh về chỗ nào, sáu là biết lậu tận. Đó là sáu vậy.

Ghi chú : Kinh này căn cứ vào bài tựa đầu quyển Kinh và thấy Kinh văn tương tự bài tựa đó. Sự lẫn lộn của người ghi chép với Kinh chú chẳng phân minh mà gắn liền với người ghi chép vậy. Nghĩa lý đáng ra phải phân tiết mà chú giải. Nhưng thường thường có nhiều chỗ chẳng thể phân ra được nên chẳng dám tự chuyên phân tiết mà để lại cho bậc hậu hiền vậy.

    Xem thêm:

  • Kinh Phật Dạy Về Đối Trị Bệnh Tật - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Định Bất Định Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 32 - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 65 – Kinh Bhaddàli (Bhaddàli sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đăng Chỉ Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 10 – Phẩm Lâm - Kinh Tạng
  • Kinh Giải Thâm Mật - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Sư Tử Tố Đà Bà Không Ăn Thịt - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • An Lạc Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Sanh Tử - Kinh Tạng
  • Tịnh Từ Yếu Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Lý Thú Phân Thuật Tán - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng