1
2
3
4
5
6
7
8

QUYỂN 6

Lúc bấy giờ, Bồ tát Bảo Cát Tường hỏi Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Thưa ngài! Ngài đã tịnh đạo xuất thế gian rồi sao?

Ngài Đại Hư Không Tạng Bồ tát đáp rằng:

– Thưa thiện nam tử! Đúng vậy! Tôi đã tịnh!

Lại hỏi:

– Sao gọi là đã tịnh?

Đáp rằng:

– Tôi thanh tịnh nên đã tịnh!

Lại hỏi:

– Sao gọi là ngã thanh tịnh?

Đáp rằng:

– Thế gian thanh tịnh nên ngã thanh tịnh!

Lại hỏi:

– Sao gọi là thế gian thanh tịnh?

Đáp rằng:

– Này thiện nam tử! Sắc đời trước thanh tịnh, không đi. Sắc đời sau thanh tịnh, không lại. Sắc đời giữa thanh tịnh, chẳng trụ. Như vậy thọ, tưởng, hành, thức…Thức đời trước thanh tịnh, không đi. Thức đời sau thanh tịnh, không lại. Thức đời giữa thanh tịnh chẳng trụ. Thưa thiện nam tử! Vậy nên gọi là thế gian thanh tịnh.

Lại hỏi:

– Thưa ngài! Như vậy thế gian thanh tịnh dục hiển hiện ở chỗ nào?

Đáp rằng:

– Thưa thiện nam tử! Hiển bày tất cả pháp đều thanh tịnh.

Lại hỏi:

– Sao gọi là hiển tất cả pháp thanh tịnh?

Đáp rằng:

– Do trí tuệ nên biết phân tề của tất cả pháp đời trước, đời sau.

Lại hỏi:

– Sao gọi là tất cả pháp trước sau phân tề?

Đáp rằng:

– Chẳng đoạn, chẳng thường!

Lại hỏi:

– Đối với cái chẳng đoạn, chẳng thường đó là nói cái gì?

Đáp rằng:

– Chẳng đoạn, chẳng thường chính nói chẳng sinh, chẳng diệt!

Lại hỏi:

– Đối với sự chẳng sinh chẳng diệt đó là nói cái gì?

Đáp rằng:

– Chẳng sinh chẳng diệt chính là không ngôn thuyết!

Lại hỏi:

– Sao gọi là pháp không ngôn thuyết?

Đáp rằng:

– Đó là pháp không số!

Bồ tát Bảo Cát tường lại nói rằng:

– Thưa ngài! Pháp nếu không số thì sao gọi là tùy theo danh số?

Đáp rằng:

– Thưa thiện nam tử! Ví như hư không chẳng tùy theo danh số mà chỉ dùng danh số giả danh hư không. Như vậy danh số tức là chẳng phải danh số!

Lại hỏi:

– Sao gọi là số chẳng phải số môn?

Đáp rằng:

– Số môn là nói theo pháp hữu vi. Chẳng phải số môn là nói theo pháp vô vi. Lại, pháp số chẳng phải số đều là vô vi. Vậy nên đức Phật nói, nên dùng trí tuệ xa lìa tất cả pháp xưng lượng số. Đối với số hữu vi dùng thức xưng lượng, đúng như lý mà quan sát thì bấy giờ chẳng là pháp nên đoạn hay là chẳng nên đoạn, là pháp nên chứng là chẳng nên chứng, là pháp nên tu là chẳng nên tu, chẳng thấy các pháp cũng chẳng làm hạn lượng. Nếu không thấy không lượng thì khi đó liền được không sở chấp trước, được không hy vọng. Nếu không không hy vọng không sợ không mong thì không sở duyên. Được không sở duyên thì được vô ngã. Nếu được vô ngã thì không sở chấp. Sao gọi là không sở chấp? Chẳng chấp sắc là thường hay vô thường chẳng chấp thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường. Chẳng chấp sắc là khổ hay là vui, chẳng chấp thọ, tưởng, hành, thức là khổ hay là vui. Chẳng chấp sắc là ngã hay vô ngã…cho đến chẳng chấp thức là ngã hay vô ngã. Chẳng chấp sắc là tịnh hay chẳng phải tịnh…cho đến chẳng chấp thức là tịnh hay chẳng phải tịnh. Chẳng chấp sắc là không hay chẳng phải không…cho đến chẳng chấp thức là không hay chẳng phải không. Như vậy liền thu hoạch Tam ma địa Vô Sở Chấp Trước. Được Tam ma địa đó rồi thì thường khởi Đại Bi độ các loài hữu tình, chẳng thấy lưu chuyển sinh tử phiền não. Sở dĩ vì sao? Vì sinh tử và Niết bàn tính không sai biệt. Đối với các loài hữu tình, Bồ tát hiện thấy Niết bàn, cũng thấy thân mình bản lai Niết bàn. Đó gọi là hạnh Bát Niết bàn của Bồ tát. Này thiện nam tử! Sao gọi là hạnh Bát Niết bàn của Bồ tát? Bát Niết bàn gọi là không có quán hạnh, hồi hướng Nhất thiết trí. Đối với Nhất thiết trí chẳng cầu bằng sắc, chẳng cầu bằng thọ, tưởng, hành, thức mà dùng lòng không cầu trụ ở Thanh tịnh giới (cấm) thì thỏa mãn bản nguyện, đối với tất cả pháp chẳng thấy tăng giảm, được đến bình đẳng, trụ ở pháp giới. Do trụ ở pháp giới làm hạnh Bồ tát, cũng pháp không hạnh mà là sở hạnh. Này thiện nam tử! Đó là hạnh Bát Niết bàn của Bồ tát.

Bồ tát Bảo Cát Tường lại hỏi:

– Sao gọi là không hạnh, có hạnh quan sát Niết bàn?

– Thưa thiện nam tử! Bồ tát tác khởi ý quan sát Niết bàn thì gọi là có hạnh chứng được không hạnh. Vì không hạnh nên gọi là Niết bàn. Lại nữa, Bồ tát đối với lời nói giải bày chẳng sinh ra phân biệt thì gọi là Niết bàn. Lại, Niết bàn gọi là bờ kia mà bờ kia thì không có các tướng. Đối với các tướng đó lòng chẳng thủ trước thì gọi là Niết bàn. Lại, bờ kia gọi là không phân biệt. Ở đó chẳng khởi lên lòng phân biệt nên gọi là Niết bàn. Lại, bờ kia thì không có a lại gia (tàng). Ở đó chẳng khởi tâm a lại gia (tàng tâm) nên gọi là Niết bàn. Này thiện nam tử! Hành như vậy rồi thì gọi là hạnh Bát Niết bàn của Bồ tát.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn khen Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Hay thay! Hay thay! Này Chánh sĩ! Ông nói hay lắm! Pháp này khế hợp với hạnh Bát Niết bàn của Bồ tát!

Khi nói pháp này, trong hội có năm trăm vị Bồ tát được Pháp nhẫn vô sanh.

Lúc bấy giờ, đại Bồ tát Đại Hư Không Tạng bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Nhờ ánh sáng trí tuệ của đức Như Lai soi sáng cho chúng con nên được biện tài ấy, chẳng phải khả năng của con! Ví như ánh sáng mặt trời chiếu vào những sắc tượng sở hữu của cõi Diêm Phù Đề, như vậy sức ánh sáng tuệ của đức Thế Tôn, đấng Đại Điều Ngự Sĩ có thể khiến cho chúng con hiểu rõ các pháp cũng lại như vậy.

Lúc bấy giờ, Bồ tát Bảo Cát Tường nói với Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Này thiện nam tử! Vì sao ngài giấu trí ấy của mình mà đều đổ hết cho sự gia trì của đức Như Lai?

Ngài Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Tất cả sự thu hoạch biện tài của Bồ tát đều chính là sự gia trì của đức Như Lai, chẳng phải chỉ mình tôi. Thưa thiện nam tử! Nếu không có sự nói các pháp của đức Như Lai thì Bồ tát có biện tài từ đâu?

Bồ tát Bảo Cát Tường nói rằng:

– Nếu nhân vào Như Lai mà Bồ tát sinh biện tài thì phải biết là, Phật biện có thể di chuyển sao?

Bồ tát Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Biện tài của Như Lai không có di chuyển mà chỉ vì cái nhân ấy thôi! Do nhân nói pháp của đức Như Lai mà sinh ra biện tài của Bồ tát. Ví như vô minh chẳng chuyển đến hành, chỉ vì cái nhân của hành sinh khởi lên hành. Như vậy biện tài của Phật không có sự di chuyển mà chỉ là tác nhân sinh ra biện tài của Bồ tát. Lại như tiếng của voi, ngựa, người chẳng chuyển đến hang mà nhân những tiếng ấy sinh ra tiếng vang của hang. Những tiếng đó chỉ cùng với tiếng vang của hang mà làm thành cái nhân ấy. Biện tài của đức Phật cũng vậy không có di chuyển mà chỉ cùng với biện tài của Bồ tát tạo tác nhân.

Ngài Bảo Cát Tường nói rằng:

– Đức Như Lai thường nói duyên sinh thậm thâm, còn lại nói các pháp mà không sở sinh. Thưa thiện nam tử! Há không có duyên sinh tất cả pháp sao?

Ngài Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Nếu duyên có tác giả thì pháp đó có sinh. Pháp nhân duyên không có tác giả, vậy nên các pháp nói không có sinh.

Ngài Bảo Cát Tường nói rằng:

– Đức Như Lai nay xuất hiện ở đời thì há chẳng phải sinh sao?

Ngài Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Nếu chân như có sinh thì có thể nói đức Như Lai có sự sinh ra ấy. Nếu cho là chân như không có sinh thì chẳng nên căn cứ vào việc đức Như Lai ra đời mà cho là có sinh. Vậy nên vô sinh gọi là Như Lai. Như Lai là đối với tất cả pháp tùy theo sự giác ngộ gọi là Như Lai. Thưa thiện nam tử! Còn tại sao lại nói Như Lai có sinh vậy? Vì đây là ứng để đáp.

Lại hỏi:

– Sao gọi là để đáp?

Trả lời rằng:

– Như trụ ở pháp tính thì đó gọi là để (trí = đặt để)!

Lại hỏi:

– Pháp tính sao gọi là trụ?

Ngài Đại Hư Không Tạng đáp rằng:

– Trụ mà chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng trụ, chẳng phải chẳng trụ. Đó gọi là pháp tính trụ! Như phá tính trụ không chỗ trụ, tất cả các pháp cũng lại như vậy, trụ không chỗ trụ. Như Lai cũng vậy, trụ không chỗ trụ, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng phải trụ, chẳng phải chẳng trụ. Như vậy chẳng phải trụ, chẳng phải chẳng trụ gọi là chỗ trụ của Như Lai. Thưa thiện nam tử! Nói rằng, Như Lai sinh là ở một bên, nói rằng, Như Lai chẳng sinh cũng là ở một bên. Lìa khỏi hai bên này gọi là trung đạo. Thưa thiện nam tử! Quan sát Như Lai thì nên quan sát như vậy. Nếu quan sát khác đi thì chẳng phải là quan sát chân chính vậy!

Ngài Bảo Cát Tường nói rằng:

– Ý nghĩa Như Lai sinh thậm thâm như vậy, trụ không chỗ trụ, chẳng sinh, chẳng diệt.

Ngài Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Thưa thiện nam tử! Nếu lý giải được ý nghĩa Phật sinh này thì chẳng sinh tăng thượng.

Lại hỏi:

– Này thiện nam tử! Sao gọi là tăng thượng?

Ngài Đại Hư Không Tạng đáp rằng:

– Tăng thượng là gọi câu tăng thêm (ích) nghĩa là ở trong không có mà vọng (dối) sinh tăng thêm. Pháp không có tăng thêm. Nếu có thể đối với pháp chẳng sinh tăng thêm thì gọi là câu bình đẳng, câu vô đẳng, câu không có, câu không có câu (cú), câu không văn tự, câu không liễu biệt. Đối với sở hạnh của không tâm ý thức đó là câu không sở hạnh. Câu không sở hạnh ấy ví như trong hư không quả thật không dấu vết chim, giả dùng tiếng nói nói lên tiếng dấu vết chim. Như vậy Như Lai quả thật không có sinh mà giả dùng tiếng nói nói lên đức Phật ra đời. Người trí tuệ ấy mới có thể hiểu rõ ý nghĩa câu chẳng sinh. Sở dĩ vì sao? Vì ý nghĩa câu chẳng sinh này tức là tự tánh của tất cả các pháp nghĩa là vô sinh mà vô sinh này cũng không tự tánh. Không tự tánh thì không có sở trụ. Không sở trụ tế là tất cả pháp tế. Trụ ở tất cả pháp tế gọi là thật tế, cũng gọi là biên tế, biên tế khắp tất cả xứ (chỗ). Do đó chứng được tất cả pháp thật tế. Giống như hư không bình đẳng không có hạn tề (bằng), thật tế pháp đó cũng không hạn tề. Nếu thật tế có hạn tề thì chẳng gọi là tất cả pháp thật tế. Như vậy bình đẳng tất cả pháp thật tế tức là Ngã tế. Biết Ngã tế thì biết tất cả hữu tình tế. Nếu biết tất cả hữu tình tế thì biết tất cả pháp thật tế. Thật tế đó là Ngã tế, là tất cả hữu tình tế, là tất cả pháp tế. Đó gọi là Tận tế. Luận về tận tế thì cái gọi là Niết bàn vậy. Người chứng được lý này gọi là được Niết bàn (Tế = vị trí, địa vị, bờ cõi). Lại tất cả pháp thì không có tiếp đãi nhau, lìa khỏi tướng đối trị nhau. Ví như hư không không thể đối trị, như vậy các pháp cũng không đối trị. Nếu nói Niết bàn có

thể vào, có thể cầu thì chính là sinh diệt kiến, pháp này nên sinh, pháp này nên diệt. Người theo cái kiến đó tức là đã hành động theo sanh diệt mà chẳng biết Niết bàn bình đẳng một tính. Do chẳng biết nên chấp trước các pháp, vọng sinh ra tranh luận. Như đức Thế Tôn nói, nếu biết ta dạy trao thì nên biết là vì thỏa mãn công đức tối thắng của Sa môn.

Lúc bấy giờ, cụ thọ (đủ sống lâu?) A Nan Đà bạch đức Phật rằng:

– Rất lạ, thưa đức Thế Tôn! Chỉ với biện tài vô ngại của Bồ tát Đại Hư Không Tạng mới có thể do tự thân chứng như vậy, mới có thể nói lên những lời nói ấy.

Bồ tát Đại Hư Không Tạng nói với ngài A Nan Đà rằng:

– Thưa Đại đức! Ngài chẳng nên nói rằng, tội tự thân chứng! Sở dĩ vì sao? Vì thân tôi tức là hư không. Do thân hư không nên biết tất cả pháp đều là hư không thì sao Đại đức nói thân tôi chứng.

Ngài A Nan Đà nói rằng:

– Thân, nếu như hư không thì làm sao ngài dùng thân mà làm Phật sự?

Ngài Đại Hư Không Tạng đáp rằng:

– Dùng pháp thân vậy! Pháp thân thì không có biến đổi, uẩn, xứ, giới…chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng phải thân điên đảo, được thị hiện tùy ý. Ý hóa thành thân mà làm Phật sự.

Ngài A Nan Đà nói rằng:

– Thưa Đại sĩ! Ngài chứng được pháp thân rồi sao?

Ngài Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Thưa Đại đức! Như sự lý giải của tôi, lìa khỏi pháp thì không có thân. Thân tôi tức là pháp, pháp tức là thân tôi. Nếu pháp hoặc thân không có hai tướng thì nói rằng thân chứng.

Ngài A Nan Đà nói rằng:

– Thưa Đại sĩ! Nếu thân chứng thì ngài được A la hán sao?

Đáp rằng:

– Không sở đắc mà được. Sở dĩ vì sao? Vì A la hán thì giỏi có thể thông đạt pháp vô tránh (không tranh luận), chẳng nhiễm, chẳng sân nhuế, chẳng ngu si.

Lại nói rằng:

– Thưa Đại sĩ! Nếu như vậy thì ngài nên rốt ráo vào Niết bàn sao?

Ngài Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Thưa Đại đức! A la hán thì chẳng vào Niết bàn. Vì sao vậy? Vì biết tất cả pháp rốt ráo Niết bàn mà đoạn tuyệt Niết bàn tưởng, chỉ các sự sinh khác mới tạo tác sự phân biệt này, nói rằng tôi Niết bàn, thậm chí phân biệt kể ra có đủ thứ Niết bàn sai khác.

Ngài A Nan Đà nói rằng:

– Thưa Đại sĩ! Như ngài đã nói, Bồ tát chẳng phải A la hán, chẳng phải sinh khác, chẳng phải học, chẳng phải vô học, chẳng phải Bích Chi Phật, chẳng phải Bồ tát, chẳng phải Như Lai.

Ngài Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Hay thay! Hay thay! Thưa ngài cụ thọ (?) A Nan Đà! Do chẳng phải A la hán, chẳng phải dị sinh, chẳng phải học, chẳng phải vô học, chẳng phải Bích Chi Phật, chẳng phải Bồ tát, chẳng phải Như Lai nên Bồ tát ở tất cả chỗ đều có thể thị hiện, cũng chẳng trụ ở tất cả địa vị.

Khi nói pháp này, trong hội có năm trăm vị A la hán, mỗi mỗi đều cởi áo mặc dâng lên cúng dường Bồ tát Đại Hư Không Tạng và nói rằng:

– Nguyện cho tất cả loài hữu tình thu được biện tài như hư không tạng.

Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại Hư Không Tạng dùng sức gia trì khiến cho những pháp y thượng diệu đã dâng ấy ẩn hết vào hư không mà biến mất. Những vị La hán Bí sô đó hỏi Bồ tát Hư Không Tạng rằng:

– Thưa Đại sĩ! Như vậy những áo ấy đang ở đâu?

Ngài Hư Không Tạng nói rằng:

– Đều vào trong kho tàng hư không của tôi!

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vui vẻ mĩm cười. Ngài A Nan Đà bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà ngài mĩm cười? Đức Như Lai mĩm cười chẳng phải không có nhân duyên! Nguyện xin đức Thế Tôn diễn nói cho!

Đức Phật bảo ngài A Nan Đà rằng:

– Những y phục dâng lên của các vị Bí sô đó, do sức uy thần của Bồ tát Đại Hư Không Tạng nên khiến cho áo vào hết trong kho tàng hư không, đi đến chỗ đức Như Lai Sơn Vương trong thế giới Cà Sa Tràng kia mà làm Phật sự. Lời nói pháp âm của Bồ tát Hư Không Tạng ở thế giới đó đều được tuông ra từ áo Cà sa. Vô lượng Bồ tát nghe pháp này rồi đều được Vô Sanh pháp nhẫn. Này A Nan Đà! Ông phải biết, Bồ tát thần thông thắng trí, dùng đủ thứ lời nói như vậy mà thành tựu loài hữu tình. Vì nhân duyên đó nên ta cười vậy.

Khi nói pháp này thì bỗng nhiên ở trong hư không mưa xuống vô lượng hoa ánh sáng mặt trời, mặt trăng, đều như màu lửa mà từ xưa chẳng thấy. Trong hoa phát ra tiếng mà nói lên rằng: “Nếu người nghe lời nói pháp ấn chẳng thoái của Bồ tát Đại Hư Không Tạng này mà được sinh tín giải thì nhất định sẽ đi đến Bồ đề Đạo Tràng.

Lúc bấy giờ, ngài A Nan Đà bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Những hoa như vậy từ đâu đến?

Đức Phật bảo ngài A Nan Đà rằng:

– Có một vị Phạm vương tên là Quang Trang Nghiêm làm chúa hàng trăm ngàn thế giới. Chí vị Phạm vương đó vì cúng dường Bồ tát Đại Hư Không Tạng nên mưa xuống hoa như vậy.

Ngài A Nan Đà bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Chúng con đều nguyện xin được thấy vị Phạm vương đó!

Đức Phật dạy rằng:

– Hãy đợi giây lát, ông sẽ tự thấy!

Lúc bấy giờ, Phạm vương Quang Trang Nghiêm cùng với các Phạm chúng gồm sáu mươi vạn tám ngàn người, vây quanh trước sau, từ cõi trời đó biến mất, hiện đến ở trước đức Phật, đầu mặt lễ dưới chân, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi lùi về ngồi một bên, chắp tay hướng về đức Phật bạch rằng:

– Rất lạ, thưa đức Thế Tôn! Vị Bồ tát Hư Không Tạng này chẳng thể nghĩ bàn! Ngài đầy đủ uy đức tịnh giới, uy đức Tam ma địa, uy đức thần thông, uy đức trí tuệ, uy đức mãn nguyện, uy đức phương tiện khéo léo, uy đức tăng tượng ý lạc, uy đức pháp thân tự tại, uy đức thân trang nghiêm, uy đức miệng ý trang nghiêm, uy đức đối với tất cả pháp tự tại. Thưa đức Thế Tôn! Bồ tát Hư Không Tạng đó đều chẳng từ ở nghiệp thân, miệng, ý khuyến phát, thị hiện tất cả việc biến hóa mà chỉ do sức tu tập thuở xa xưa, tích tập căn lành, đầy đủ hạnh thậm thâm của chư Phật. Do những việc này mà có thể làm đại sư tử hống.

Đức Phật dạy rằng:

– Đúng vậy! Đúng vậy Này Phạm vương! Đúng như lời nói của ông. Bồ tát đều do lực thiện căn xưa tích tập tư lương phước trí mà đối với Vô Thượng Chánh Giác Bồ đề thề chẳng thoái chuyển, có thể hiện ra việc biến hóa thần thông như vậy.

Lúc bấy giờ, Phạm Vương Quang Trang Nghiêm bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là thiện căn của Bồ tát Sao gọi là phước? Sao gọi là trí?

Đức Phật dạy Phạm vương rằng:

– Thiện căn là các hữu tình đầu tiên phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác! Phước là sự phát tâm đã khởi lên ở tất cả Thanh văn, Duyên giác, vì các loài hữu tình tu hành bố thí, trì giới và sự tu đã thành tựu tất cả phước nghiệp. Trí là đem thiện căn đã gom góp được hồi hướng về Nhất thiết trí. Lại nữa, thiện căn là ý lạc thanh tịnh, không kiêu mạn, lừa dối. Phước là gia hạnh gom chứa tất cả phước. Trí là tăng thượng ý lạc đều thù thắng. Lại nữa, thiện căn là được bạn lành. Phước là chẳng bỏ bạn lành. Trí là học hỏi bạn lành. Lại nữa, thiện căn là ưa cầu Phật pháp. Phước là điều nghe được chẳng quên. Trí là vui với niềm vui pháp. Lại nữa, thiện căn là thường cầu Phật pháp. Phước là nói pháp mà không mong cầu điều gì. Trí là đối với pháp không keo kiệt. Lại nữa, thiện căn là thường ưa nghe pháp. Phước là theo đúng như lý mà quan sát. Trí là theo đúng như pháp mà tu hành. Lại nữa, thiện căn là thường ưa thấy Phật. Phước là thường cúng dường Phật. Trí là thuận theo lời dạy của Phật. Lại nữa, thiện căn là được xuất gia. Phước là tu hạnh Thánh chủng. Trí là ưa trụ ở chỗ La nhã. Lại nữa, thiện căn là giỏi có thể tu tập ít dục biết đủ. Phước là đối với những đồ ăn thức uống mặc kệ chẳng tham. Trí là đối với việc thọ dụng mặc kệ không nhiễm. Lại nữa, thiện căn là tu niệm xứ quán. Phước là đầy bốn chánh đoạn. Trí là được Như ý túc. Lại nữa, thiện căn là vào Tín căn. Phước là tu theo Tấn niệm. Trí là quán Tam ma địa tuệ. Lại nữa, thiện căn là trụ ở năm Lực. Phước là thuận theo Giác chi. Trí là vào Thánh đạo trí. Lại nữa, thiện căn là lòng trụ ở diệu lý. Phước là câu tư lương xa ma tha (Chỉ). Trí là được Tỳ bát xá na (quán) khéo léo. Lại nữa, thiện căn là bố thí đã thành sự nghiệp phước. Phước là giới đã thành sự nghiệp phước. Trí là tu đã thành sự nghiệp phước. Lại nữa, thiện căn là tăng thượng giới học. Phước là tăng thượng tâm học. Trí là tăng thượng tuệ học. Lại nữa, thiện căn là nói hối các tội. Phước là tùy hỷ mọi thiện. Trí là khuyến thỉnh chư Phật. Lại nữa, thiện căn là bỏ các sở hữu. Phước là chẳng hy vọng báo đền. Trí là hồi hướng về Bồ đề. Lại nữa, thiện căn là giới (cấm) cần hẹn. Phước là trì giới chẳng khiếm khuyết. Trí là trì giới hồi hướng. Lại nữa, thiện căn là đối với các loài hữu tình chẳng ôm lòng tổn hại. Phước là nghe lời nói ác mà có thể chịu nhịn. Trí là có thể bỏ thân mạng để thành tựu cho loài hữu tình. Lại nữa, thiện căn là siêng cầu thiện pháp, chẳng sinh lòng chán mệt. Phước là đem thiện căn đã có bố thí trở lại cho loài hữu tình. Trí là gom chứa thiện căn, hồi hướng về Bồ đề. Lại nữa, thiện căn là có thể tu tập các thiền chi…Phước là được tất cả thiện căn thiền định. Trí là từ các thiền định hiện sanh cõi Dục. Lại nữa, thiện căn là tuệ lực, đa văn. Phước là đã nghe thì quan sát. Trí là tuệ được viên mãn. Lại nữa, thiện căn là bình đẳng nhìn thấy hữu tình. Phước là chứng được Từ định. Trí là từ tâm bình đẳng giống như hư không. Lại nữa, thiện căn là tu tập Tam địa tư lương. Phước là gom chứa Tứ địa tư lương. Trí là viên mãn Bát địa, Cửu địa, Thập địa tư lương (hưng vốn). Lại nữa, thiện căn là mới phát tâm Bồ tát. Phước là trụ ở hạnh Bồ tát. Trí là chẳng thoái chuyển Bồ tát. Lại nữa, thiện căn là hạnh bình đẳng. Phước là tướng tốt trang nghiêm. Trí là tướng Vô Kiến Đảnh. Lại nữa, thiện căn là trang nghiêm lên trên đức Phật. Phước là tâm niệm huệ thí. Trí là lợi các hữu tình. Lại nữa, thiện căn là nghe nói ma nghiệp. Phước là hay biết, xem xét ma nghiệp. Trí là có thể vượt ma nghiệp. Lại nữa, thiện căn là đủ Đại bi. Phước là phương tiện khéo léo. Trí là tu Bát nhã. Lại nữa, thiện căn là trang nghiêm Bồ đề đạo tràng. Phước là giỏi có thể diệt hoại các ma. Trí là trong một sát na tâm tương ứng tuệ thành Chánh giác. Này Phạm vương! Đó gọi là thiện căn, phước, trí.

Lúc bấy giờ, Phạm vương Quang Trang Nghiêm bạch đức Phật rằng:

– Lạ thay! Thưa đức Thế Tôn! Có thể dùng ba cú nghĩa nói tất cả pháp.

Bồ tát Ma-ha-tát Đại Hư Không Tạng bảo Phạm thiên Quang Trang Nghiêm rằng:

– Thưa Phạm vương! Có một câu có thể nhiếp lấy tất cả pháp. Sao gọi là một? Đó là câu tính không. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả pháp đồng chung không tính. Đó gọi là một câu. Lại có một câu nhiếp lấy tất cả pháp gọi là câu vô tướng, câu vô nguyện đều nhiếp lấy tất cả pháp. Như vậy nói rộng ra cho đến câu vô hành, câu ly dục, câu tịch tịnh, câu a lại gia, câu pháp giới, câu chân như, câu thật tế, câu bất sinh, câu chẳng khởi, câu Niết bàn…đều nhiếp lấy tất cả pháp cũng như vậy. Lại nữa, thưa Phạm vương! Dục chính là câu ly dục vì ly dục tính tức là dục, tất cả Phật pháp cũng đồng với tính đó. Sân chính là câu ly sân vì tính ly sân tức là sân, tất cả Phật pháp cũng đồng tính đó. Si chính là câu ly si, vì tính ly si tức là si, tất cả Phật pháp cũng đồng tính đó…Cho đến thân kiến chính là câu không thân kiến vì tính không thân kiến tức là thân kiến, tất cả Phật pháp cũng đồng tính đó. Sắc chính là câu vô sắc vì tính vô sắc tức là sắc, tất cả Phật pháp cũng đồng tính đó. Như vậy thọ, tưởng, hành, thức…Thức chính là câu vô thức vì tính không liễu biệt tức là thức, tất cả Phật pháp cũng đồng tính đó. Như vậy nói rộng đến xứ, giới, mười hai duyên sinh…Vô minh tức là câu Minh vì tính của minh tức là Vô minh, tất cả Phật pháp cũng đồng tính đó. Cho đến sinh chính là câu bất sinh vì tính của bất sinh tức là sinh, tất cả Phật pháp cũng đồng tính đó. Tất cả câu pháp chính là câu Vô pháp vì tính của vô pháp tức là các Phật pháp, tất cả Phật pháp cũng đồng tính đó. Thưa Phạm vương! Đó là một câu nhiếp lấy tất cả pháp. Nếu Bồ tát vào pháp môn này thì đối với một câu vào tất cả Phật pháp. Thưa Phạm vương! Ví như biển cả nuốt hết mọi dòng nước, mỗi một câu nhiếp lấy tất cả pháp cũng lại như vậy. Ví như hư không có thể bao bọc vạn tượng, mỗi một câu nhiếp lấy tất cả pháp này cũng lại như vậy. Vậy nên câu này không hết mà đắp đổi đến không lường. Ví như thầy toán khi tính dùng thẻ tính toán bày ở trên cuộc. Nhưng trong cuộc không có thẻ, trong thẻ không có cuộc mà có thể đắp đổi trở thành vô lượng số. Như vậy một câu thành vô lượng câu cũng lại như vậy. Thưa Phạm vương! Trăm ngàn kiếp như vậy…đã nói về hiệu lượng Phật pháp mà nếu thân hoặc tâm đều không sở đắc, cũng chẳng thể dùng tính toán để biết. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả pháp chính là Phật pháp. Phật pháp đó tức là chẳng phải pháp. Sở dĩ vì sao? Vì dùng tưởng phân biệt, dùng tưởng biết khắp cả, giả danh mà nói vậy. Ở trong vô tướng cũng chẳng phải vô tướng, vô pháp chẳng phải vô pháp mà rốt ráo là vô tướng. Tướng này thanh tịnh, tự tướng xa lìa giống như hư không đồng một tự tính. Phật pháp cũng vậy, tính tướng đều không.

Khi Bồ tát Đại Hư Không Tạng nói pháp đó thì đối với hai vạn hai ngàn Phạm thiên của Phạm chúng đó đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lại nữa, năm ngàn Phạm vương nhờ gieo trồng căn lành đời trước nên được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

    Xem thêm:

  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Sư Tử Trang Nghiêm Vương Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng
  • Bài Kệ Ca Ngợi Đức Phật A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sở Thuyết Tối Thắng Danh Nghĩa - Kinh Tạng
  • Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Tán Phật Pháp Thân Lễ - Kinh Tạng
  • Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú - Kinh Tạng
  • Kinh Những Điều Trái Nghịch Của Ma - Kinh Tạng
  • Kinh Hưng Khởi Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Chư Pháp Vô Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Phật Không Thể Nghĩ Bàn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 60 – Kinh Không Gì Chuyển Hướng (Apannaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Tàng Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Sát Chư Pháp Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Ha Điêu A Na Hàm - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 113 – Kinh Chân Nhân (Sappurisa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 5 - Kinh Tạng