1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14

Phẩm thứ tư: HỮU Y HÀNH Phần III

Lại nữa, này thiện nam tử! Có các chúng sanh bẩm tánh hung bạo, lời nói hung ác, thật là ngu si, ngã mạn, tự cho là thông minh, không trừ bỏ sát sanh cho đến tà kiến. Đối với người được lợi dưỡng, cung kính, tiếng khen ở đời thì ganh ghét; thường tự tìm cầu lợi dưỡng, cung kính, tiếng khen ở đời chưa từng mỏi mệt; thường khen ngợi mình, khinh chê người; không phòng ngừa, giữ gìn ba nghiệp thân, ngữ, ý; thường ưa làm tất cả điều ác; ôm lòng độc ác, không có từ bi; không tàm, không quý; ưa làm não loạn người khác. Đối với các bậc phước điền ưa so lường hơn thua. Đối với các người xuất gia quy y trong giáo pháp của Ta thì ưa tìm vết xấu của họ. Vừa được chút ít hình tướng, không chịu xem xét hư thật thế nào mà liền khinh chê, quở mắng, trách phạt. Tâm họ ương ngạnh, mê loạn, bướng bỉnh, tàn ác; thường ưa làm não loạn các người xuất gia, không xét lỗi của mình mà nghĩ đến việc quở trách lỗi lầm của người khác. Tuy khi được nghe tán thán công đức của Đại thừa thì phát khởi ý chí mong cầu, nhưng tâm ưa làm các việc ác lớn, chưa từng dừng nghỉ, làm mê hoặc người khác. Đối với pháp Đại thừa hiện tại, tự mình lắng nghe, dạy người khác lắng nghe. Hiện tại tự mình đọc tụng, dạy người khác đọc tụng; tự mình cống cao lấn hiếp kẻ khác. Đối với pháp Đại thừa thì cung kính khen ngợi. Đối với các hạnh, cảnh giới của Đại thừa tự mình chưa từng tu học, chưa có thể hiểu biết mà tự xưng ta là Đại thừa, khuyên dụ người khác theo mình tu học, mưu cầu danh lợi để tự sinh sống. Ví như vị thầy giữ luật mà lại phá giới, làm ác, tự mình phạm giới, ưa làm việc ác, vì danh lợi nên khuyến dụ người khác siêng năng tu học tạng luật. Dua nịnh, lừa dối chúng sanh như vậy, làm thân người hạ tiện còn khó được, lui mất đường thiện đi đến Niết-bàn nhị thừa, huống là đắc Đại thừa, hoàn toàn không có việc này, sẽ đọa vào đường ác, khó có thời kỳ ra khỏi. Những người có trí không nên thân gần người như vậy.

Người ở giữa đại chúng mà không có tàm quý, tự xưng là Đại thừa như sư tử rống, vì danh lợi nên dụ người ngu si cuồng loạn làm cho thân gần mình, cùng nhau kết bè đảng. Ví như con lừa đội lốt sư tử, liền tự cho mình là sư tử, có người trông thấy cho là sư tử thật, khi đến gần nghe tiếng kêu thì biết là lừa, họ cùng la lên: “Đây chẳng phải là sư tử, ăn những đồ dơ bẩn. Thật là con lừa dơ xấu”, rồi quở mắng đủ thứ và bỏ đi. Ta nói hạng người này thường ưa làm mười nghiệp đạo ác, đốt cháy tất cả hạt giống trời người; pháp Thanh văn, Độc giác thừa còn thối lui, huống là Đại thừa mà có thể thành tựu bậc pháp khí.

Người ngu si, kiêu mạn tự xưng là Đại thừa, dối gạt người khác để chiêu tập lợi dưỡng. Ví như người không có chân tay, bị trở ngại, chậm chạp mà muốn vào trận lớn đánh nhau, dù có cố gắng cũng không thể nào chiến thắng. Giả xưng là Đại thừa cũng như vậy, tay lòng tin, chân giữ giới không có trọn vẹn, tự mình không phòng giữ các nghiệp mà muốn đánh nhau với giặc phiền não, thì dù có cố gắng cũng không thể nào chiến thắng được.

Ta nói những người này không giữ gìn ba nghiệp, hay làm việc ác, vọng xưng là Đại thừa; đối với ba thừa thật chẳng phải là pháp khí mà muốn phá hoại giặc phiền não kiên cố, mạnh mẽ của tất cả chúng sanh, muốn hiển thị tám Thánh đạo cho tất cả chúng sanh, làm cho họ được vào thành Niết-bàn vô úy thì hoàn toàn không thể được.

Vì sao? – Này thiện nam tử! Vì bậc Đại thừa thọ trì luật nghi thanh tịnh bậc nhất, tu hành thiện hạnh vi diệu bậc nhất, đầy đủ tàm quý kiên cố bậc nhất; thấy rõ nên rất sợ quả khổ đời sau, xa lìa tất cả pháp ác, thường ưa tu hành tất cả pháp thiện, tâm từ bi ban khắp tất cả hữu tình, thường làm lợi ích an lạc, cứu giúp khắp tất cả chúng sanh vượt qua các đau khổ tai nạn sanh tử, không trông mong cho bản thân mình được an lạc, mà chỉ cầu mong cho tất cả chúng sanh được an lạc. Như vậy gọi là người an trụ vào Đại thừa.

Này thiện nam tử! Những tướng nào gọi là Thanh văn thừa?

– Nghĩa là các chúng sanh thường siêng năng tinh tấn an trú chánh niệm, ưa định đẳng dẫn, xa lìa các dua nịnh, tin hiểu biết nghiệp quả báo, không đắm trước năm món dục lạc ở đời, không bị tám pháp thế tục làm nhiễm, tu tập việc thiện mạnh mẽ như cứu đầu đang cháy, thường quán xét kỹ các uẩn – xứ – giới, thường ưa an trú dòng giống Thánh. Người đầy đủ những tướng này gọi là bậc Thanh-văn thừa. Những chúng sanh như vậy còn chưa thành tựu pháp khí Độc giác thừa, huống là có thể thành tựu pháp khí Đại thừa.

Này thiện nam tử! Có những tướng nào gọi là Độc giác thừa?

– Nghĩa là các chúng sanh đầy đủ tất cả công đức của Thanh văn thừa đã nói ở trên, lại phải đối với năm thủ uẩn kia thường an trú phép quán vô thường, thường an trú quán sanh diệt, ở trong tất cả pháp duyên sanh hay quán sát kỹ đều là pháp diệt. Người đầy đủ những tướng này gọi là Độc giác thừa. Chúng sanh như vậy chẳng phải pháp khí Đại thừa.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói bài tụng:

– Nếu bậc Sát-đế-lợi hiền thiện

Cho đến Mậu-đạt-la hiền thiện

Tu tập tin theo mười luân trên

Mau thành pháp khí Thanh văn thừa

Ba nghiệp thanh tịnh cầu Độc giác

Đầy đủ tàm quý, sợ các uẩn

Biết lỗi, ưa ở nơi thanh vắng

Gìn giữ các căn, tâm tịch tịnh

Tu tịnh lự, quán pháp duyên khởi

Khéo quán sát các uẩn, giới, xứ

Đủ mười luân hữu y hành này

Vượt qua biển khổ thành pháp khí

Tu cả nhị thừa và tam thừa

Cầu cho mình thoát khổ phiền não

Không độ hữu tình, bỏ tập khí

Người này chẳng phải khí Đại thừa

Ngu si, biếng nhác, căn thấp kém

Đối pháp nhị thừa không siêng tu

Luân Đại thừa quyết định không đủ

Nên chẳng phải khí lớn Đại thừa

Ngu si cầu giải thoát riêng mình

Chí thấp kém, không hành từ bi

Ưa chấp đoạn kiến, hướng đường ác

Xả bỏ chánh pháp, nói phi pháp

Không trì luật, phỉ báng nhị thừa

Thọ giới Cụ túc, xưng Đại thừa

Phá pháp Ta, mê hoặc chúng sanh

Do nhân này, khó được thân người

Não loạn pháp Ta và Hiền Thánh

Trách phạt người mặc ca-sa đỏ

Quở mắng, ngăn đoạt các y bát

Lui mất đường trời người lâu dài

Thế nên muốn được lại thân người

Không do bệnh lưỡi mà mất mạng

Thường ưa đích thân gặp chư Phật

Nên hoằng truyền chánh pháp ba thừa

Muốn được tối thượng trong ba thừa

Pháp ba thừa nên quán sát kỹ

Vui vẻ chỉ dạy khắp mọi người

Quyết định thành Phật không còn nghi

Phá giới, tham, ganh ghét, kiêu mạn

Khen mình, chê người, xưng Đại thừa

Xa người ác đó, nương kẻ trí

Quyết định thành Phật độ ba cõi

Pháp khí ba thừa tùy căn cơ

Từ bi giảng thuyết pháp ba thừa

Tùy nguyện viên mãn, không ganh, tham

Sẽ được thành Phật, không nghi ngờ

Biết uẩn, xứ, giới đều vắng lặng

Ví như hư không, không chỗ trú

Thuyết pháp giáo hóa các hữu tình

Sẽ được trí diệu giác vô biên

Phá giới, tâm ưa nghĩ điều ác

Nghe công đức Đại thừa thù thắng

Dối xưng Đại thừa vì danh lợi

Như lừa đội lốt da sư tử.

Nay Ta bảo tất cả đại chúng

Nếu muốn mau được đạo thù thắng

Nên tu tập tốt mười nghiệp thiện

Hộ trì pháp Ta, chớ phá hoại

Khi xưa Ta thuyết các khế kinh

Cầu Đại giác nên hành Đại thừa

Xa lìa Thanh văn, Độc giác thừa

Vì thanh tịnh nên nói pháp này

Từng cúng vô lượng câu chi Phật

Dứt ác, siêng tu, tâm thanh tịnh

Ta vì khuyên chúng sanh tinh tấn

Nên nói một thừa, không có hai

Chúng này đầy đủ khí ba thừa

Chỉ có thể trú Thanh văn thừa

Tâm rất lo sợ nhiều sự nghiệp

Thì không thể chứng đắc Bồ-đề

Kẻ si ưa Độc giác thanh vắng

Thì không khả năng đạt giác ngộ

Có thể an trú trí thượng diệu

Tùy theo sở thích thuyết ba thừa

Đủ công đức tịnh, ưa giải thoát

Nghe nói Đại thừa đọa đường ác

Như bệnh có đàm, bày uống sữa

Bệnh không lành, tăng thêm độc hại

Vậy chẳng phải hạng Thanh văn thừa

Nghe thuyết Đại thừa, tâm mê loạn

Liền sanh đoạn kiến, đọa ác thú

Thuyết pháp cần phải quán căn cơ.

    Xem thêm:

  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Thập Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Tám Thói Xấu Của Ngựa - Kinh Tạng
  • A Di Đà Thông Tán Sớ - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Thắng Quân Hóa Thế Bách Luận Già Tha - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Thắng Quân Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trưởng Giả Cự Lực Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Giảng Giải Tinh Yếu Kinh A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Thiên Trì Tâm Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Vô Tương Thập Lễ - Kinh Tạng