1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 7

Phẩm 8: TINH TẤN BA-LA-MẬT-ĐA

Đức Thế Tôn nói Nhẫn nhục ba-la-mật-đa xong, Đại Bồ-tát Từ Thị liền đứng dậy, trịch áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay cung kính thưa:

–Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Thế Tôn đã nói Nhẫn nhục ba-la-mật-đa rồi, bây giờ xin Ngài hãy nói rộng về Tinh tấn ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát trụ vào đó như thế nào, hàng phục thế nào và tu hành như thế nào? Làm sao viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa? Cúi xin Ngài phân biệt giải nói.

Đức Thế Tôn dạy Bồ-tát Từ Thị:

–Này thiện nam! Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ. Ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói, nghĩa là tu tập năm pháp Ba-la-mật-đa kia đều nhờ sức tinh tấn mà được thành tựu. Tinh tấn ba-la-mật nghĩa là ba nghiệp thiện thân, khẩu, ý đều nhờ lực tinh tấn mới phát sinh được. Trong ba nghiệp thì ý nghiệp là hơn hết. Đại Bồ-tát tu ý nghiệp có hai loại tâm là tinh tấn và thoái lui. nghĩa là phát tâm Bồ-đề là tinh tấn, dừng tâm Bồ-đề là thoái lui.

Phát khởi là thế nào? Là có lòng Từ bi với tất cả hữu tình.

Dừng lại là thế nào? Là trụ vào ngã không.

Phát khởi là thế nào? Là nắm giữ tất cả chúng sinh.

Dừng lại là thế nào? Là xả bỏ tất cả chúng sinh.

Phát khởi là thế nào? Là trong sinh tử không mệt mỏi.

Dừng lại là thế nào? Là muốn ra khỏi ba cõi.

Phát khởi là thế nào? Là xả bỏ tất cả.

Dừng lại là thế nào? Là tâm khinh thị không bố thí.

Phát khởi là thế nào? Là kiên trì giữ giới thanh tịnh.

Dừng lại là thế nào? Là hủy phạm giới cấm.

Phát khởi là thế nào? Là khéo trụ vào nhẫn nhục.

Dừng lại là thế nào? Là không tu nhẫn nhục.

Phát khởi là thế nào? Là tu tập các căn lành.

Dừng lại là thế nào? Là giải đãi, biếng nhác.

Phát khởi là thế nào? Là trụ trong thiền định.

Dừng lại là thế nào? Là tâm tán loạn.

Phát khởi là thế nào? Là tương ưng với trí tuệ.

Dừng lại là thế nào? Là tương ưng với vô minh.

Phát khởi là thế nào? Là nghe nhiều, nói đúng.

Dừng lại là thế nào? Là không nghe chánh pháp.

Phát khởi là thế nào? Là tích tụ trí tuệ.

Dừng lại là thế nào? Là phân biệt chấp tướng.

Phát khởi là thế nào? Là quán uẩn như huyễn.

Dừng lại là thế nào? Là với uẩn sinh nhàm chán.

Phát khởi là thế nào? Là biết xứ như mộng.

Dừng lại là thế nào? Là diệt trừ căn cảnh.

Phát khởi là thế nào? Là quán giới vô sinh.

Dừng lại là thế nào? Là thân diệt, trí diệt.

Phát khởi là thế nào? Là phạm hạnh tăng trưởng.

Dừng lại là thế nào? Là xả trí tuệ chân thật.

Phát khởi là thế nào? Là năm thần thông tự tại.

Dừng lại là thế nào? Là nhàm chán hữu lậu.

Phát khởi là thế nào? Là chánh quán Niệm xứ.

Dừng lại là thế nào? Là không tu niệm trụ.

Phát khởi là thế nào? Là tương ưng với chánh đoạn.

Dừng lại là thế nào? Là không hành chánh đoạn.

Phát khởi là thế nào? Là thần túc tự tại.

Dừng lại là thế nào? Là không đủ thần túc.

Phát khởi là thế nào? Là siêng năng tu tập năm Căn.

Dừng lại là thế nào? Là năm Căn không tăng trưởng.

Phát khởi là thế nào? Là thích tu năm Lực.

Dừng lại là thế nào? Là không tu năm Lực.

Phát khởi là thế nào? Là viên mãn Giác chi.

Dừng lại là thế nào? Là không đủ bảy Giác chi.

Phát khởi là thế nào? Là siêng năng tu Chánh đạo.

Dừng lại là thế nào? Là không tu tám Chánh đạo.

Phát khởi là thế nào? Là tu Quán.

Dừng lại là thế nào? Là không tu Chỉ.

Phát khởi là thế nào? Là quán duyên sinh.

Dừng lại là thế nào? Là chán sự nguy hiểm của duyên sinh.

Phát khởi là thế nào? Là nghe điều chưa nghe.

Dừng lại là thế nào? Là chấp nhận điều đã nghe.

Phát khởi là thế nào? Là lấy giới để trang sức thân.

Dừng lại là thế nào? Là chán ghét thân uẩn.

Phát khởi là thế nào? Là Biện tài vô ngại.

Dừng lại là thế nào? Là không học im lặng.

Phát khởi là thế nào? Là tu tập ba pháp môn giải thoát.

Dừng lại là thế nào? Là không tu tập ba pháp môn giải thoát.

Phát khởi là thế nào? Là chiến thắng quân ma.

Dừng lại là thế nào? Là thích trụ Niết-bàn.

Phát khởi là thế nào? Là khéo tu phương tiện.

Dừng lại là thế nào? Là ưa thích tịch tĩnh.

Phát khởi là thế nào? Là cầu tiến không ngừng.

Dừng lại là thế nào? Là được rồi không chịu tiến nữa.

Phát khởi là thế nào? Là hiểu rõ tục đế.

Dừng lại là thế nào? Là tự chứng diệt đế.

Phật dạy Từ Thị:

–Tất cả pháp hành tinh tấn như vậy đều nhờ sức tinh tấn mà có thể viên mãn, không tăng không giảm, có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Vì sao? Vì có thể viễn ly tất cả tướng. Tất cả đều nhờ trí lực mà viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa.

Sự nghiệp tu tập của Đại Bồ-tát như thế nào? Nghĩa là tu tập đại Từ, đại Bi, không xả hữu vi mà chứng chân vô vi, không thoái lui cho đến khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Từ Thị nên biết! Đó là Đại Bồ-tát ý nghiệp thanh tịnh nhờ Tinh tấn ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Đại Bồ-tát Từ Thị, có bốn loại tinh tấn:

1.Điều bất thiện chưa sinh, đừng cho sinh.

2.Đã sinh điều bất thiện rồi, hãy mau diệt trừ.

3.Điều thiện chưa sinh thì làm cho mau phát sinh.

4.Điều thiện đã sinh rồi thì làm cho tăng trưởng.

Từ Thị nên biết! Đó là bốn loại tinh tấn của Đại Bồ-tát, nếu không có bốn loại tinh tấn này thì làm sao viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát phát khởi tinh tấn cho đến bố thí, trì giới, nhẫn nhục, phải tinh tấn xả bỏ điều khó bỏ, làm những việc khó làm. Những việc khó như vậy phải siêng năng tinh tấn dũng mãnh, không biếng nhác, tu hành vượt hơn tất cả chư Thiên. Đó là điều mà Phạm thiên, Hộ thế không làm được. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát rộng độ chúng sinh ra khỏi biển sinh tử, nhưng không thấy có tướng độ. Tất cả đều nhờ lực tinh tấn mà được thành tựu. Đó gọi là Tinh tấn ba-la-mật-đa.

Này Từ Thị! Vì chúng sinh biếng nhác nên công đức của sự tu hành rất ít. Giống như giọt nước không thể thành biển cả, người giải đãi cũng vậy, không thể đến được Vô thượng Bồ-đề. Giống như có người không có tay chân thì không thể đi, đứng, nằm, ngồi theo ý được, cho đến một việc làm rất nhỏ cũng không làm xong. Người như vậy làm sao có thể vượt qua sông lớn biển cả được, chúng sinh biếng nhác không tinh tấn cũng vậy. Đối với sự nghiệp gia đình, người lười biếng này còn không thành đạt được thì làm sao có đủ từ bi để tu giới tuệ, cứu chúng sinh ra khỏi nhà lửa!

Bồ-tát tu hành Ba-la-mật-đa làm tư lương cho Bồ-đề, Đại Bồ-tát lấy Tinh tấn ba-la-mật-đa làm thuyền bè mà được thành tựu vô số kiếp phước trí, cùng ngồi một thuyền với các hữu tình vượt qua biển lớn sinh tử, đến bờ kia Niết-bàn.

Tất cả chúng sinh trên thế gian gồm có ba loại:

1.Lười biếng.

2.Không siêng năng, không biếng nhác.

3.Tinh tấn dũng mãnh.

Hạng lười biếng nghĩa là bỏ bê công việc trong gia đình thì làm sao có thể kinh doanh, làm việc cho người khác.

Hạng không siêng năng, không biếng nhác là đối với sự nghiệp lớn thì không làm được. Giả sử muốn cầu tiến mà gặp trở ngại thì thoái lui.

Hạng tinh tấn dũng mãnh là luôn chịu lao khổ cực nhọc cho hữu tình, chỉ làm lợi ích cho mọi người mà không nghĩ đến bản thân mình.

Người biếng nhác bị con quỷ giải đãi luôn móc kéo, làm mê hoặc thân tâm, giống như có người vào biển lớn, đến núi bảy báu, châu báu trong núi ấy nhiều vô lượng, vừa muốn lấy thì ông ta bị quỷ bắt lại nên đành bỏ lỡ cơ hội mà đi bộ trở về với thân trơ trọi, không lấy được một món châu báu nào. Chúng sinh biếng nhác cũng vậy. Ở Thiệm-bộ châu, chúng sinh do phước đức của mười thiện nghiệp mà sinh vào trong cõi này. Bồ-tát quán vô lượng, vô biên châu bảo Thập thiện đầy khắp cả đại địa, chúng sinh bị quỷ giải đãi làm mê hoặc, cuồng loạn mất trí, nếu thấy châu bảo không được móng tâm lấy, như núi Diệu cao không thể lay chuyển. Nếu người tinh tấn lấy bảo vật này không lấy làm khó mà lại thấy dễ dàng như giơ mảy lông.

Đại Bồ-tát muốn viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa thì phải vì khắp tất cả chúng sinh từ vô lượng kiếp chịu sinh tử mãi mà không tiếc thân mạng, luôn siêng năng tinh tấn mới đạt đến Bồ-đề. Bồ-tát quán như vậy mà tâm không giải đãi, mỏi mệt, xem như thời gian chừng một bữa ăn.

Lại tư duy: Chư Phật quá khứ đã hành Bồ-tát hạnh, vì muốn viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa mà trải qua vô lượng kiếp cũng xem như thời gian chừng một bữa ăn. Đại Bồ-tát quán hiện tại, vị lai có vô lượng, vô biên chư Phật đã từng hành Bồ-tát hạnh, trải qua vô lượng kiếp mới thành Chánh giác, kiếp số như vậy khó tính đếm được. Giống như có bức thành rất cao rộng, bốn mặt cao dày đều một trăm do-tuần. Trong thành này có đầy hạt mè, cứ một trăm, một trăm kiếp lấy đi một hạt, như vậy trong từng kiếp số lấy dần dần từng hạt một, cho đến lúc trong thành không còn hạt nào cả là một đại kiếp. Như vậy, trong đại kiếp tính đủ ba a-tăng-kỳ kiếp. Kiếp số của Đại Bồ-tát cũng vậy, luôn vì mỗi hữu tình trong năm đường mà siêng năng tinh tấn, lại chịu các khổ não mới chứng Bồ-đề. Ví như nghiền nát đất thành bụi, như vậy bụi có nhiều không?

Từ Thị thưa:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Đức Phật dạy Từ Thị:

–Giả sử chúng sinh như số bụi kia, thì Bồ-tát vì mỗi hữu tình mà siêng năng tinh tấn như trong kiếp số nói trên không tiếc thân mạng, chịu các khổ não, sau đó mới chứng Vô thượng Bồ-đề. Đại Bồ-tát nên tư duy như vầy: “Về quá khứ như kiếp số trên, ta đã siêng năng tinh tấn đầy đủ viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa, đắc quả vị không thoái chuyển mới chứng Bồ-đề.” Tư duy như vậy rồi, ngày đêm Bồ-tát siêng năng tinh tấn dũng mãnh. Với kiếp số tính theo năm tháng trong nhân gian mà so với ở đó thì như khoảng một sát-na để thành Chánh giác, sao lại không tinh tấn? Đại Bồ-tát siêng năng tinh tấn một cách kiên cố, xả bỏ đầu, mắt, tủy, não, tay, chân… mà không chút tiếc nuối. Đã tư duy như vậy, Bồ-tát nhất tâm tinh tấn, không giải đãi mỏi mệt. Đây gọi là Tinh tấn ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát.

Lúc đó Đức Thế Tôn nói kệ:

Các thật quả thế gian

Do tinh tấn sinh ra

Địa, thủy, hỏa, phong giới

Căn trần nhờ đây có

Tham, sân, si ba độc

Đều do giải đãi sinh

Bồ-tát thấy như vậy

Sợ hãi như tên độc.

Nếu người có tài năng

Biếng nhác việc không thành

Con cái mà giải đãi

Mẹ hiền không được vui.

Có trí gắng tinh tấn

Thành tựu hạnh Bồ-tát

Người ấy nở hoa giác

Thành quả vị Phật-đà.

Người trí luôn dũng mãnh

Thông đạt nghĩa thâm sâu

Người giải đãi lười biếng

Người đời không khen ngợi

Người nào không tinh tấn

Ở đời không được khen

Không hành trang thiện pháp,

Như phân dơ ô uế.

Như cỏ và ngói đá,

Ở đời còn dùng được

Người giải đãi biếng nhác

Không ai thèm dùng đến.

Giống như áo rách dơ

Như vòng hoa héo tàn

Người nào không tinh tấn

Người tốt không cần dùng.

Nếu ai được tiếng khen

Nhờ tinh tấn nhẫn nhục

Không nhẫn không tinh tấn

Là phi nữ phi nam.

Giải đãi thiếu của cải

Hèn hạ lắm kiêu mạn,

Thường sợ người ta chê

Việc nhà không thành đạt.

Không tinh tấn như vậy

Tuy có lắm tài năng,

Thường bị người đời khinh

Như rắn hết khí độc.

Dù không nhiều tài năng

Nhưng siêng năng tinh tấn

Chắc chắn được thành tựu

Phật quả đại Bồ-đề.

Những ai tu nghiệp phước

Đều nhờ sức tinh tấn

Nếu muốn làm sứ giả

Chuyên đợi lệnh vua sai.

Tinh tấn gốc tôn quý

Nên siêng năng dũng mãnh

Bồ-tát thích tu hành

Ắt thành quả Vô thượng.

Luôn trụ vào tinh tấn

Được người trí khen ngợi

Không trí bảo do trời

Tà kiến gốc sinh tử

Người trí trú chánh kiến

Tinh tấn từ bỏ trời.

Nên siêng năng tinh tấn

Để độ cõi trời kia

Ngu đần không tinh tấn

Thờ trời, không siêng năng.

Người trí thích tinh tấn

Tránh xa giáo pháp trời

Mạng trời và tinh tấn

Ngu, trí rất sai biệt

Tin trời do tà kiến

Tinh tấn được quả lành.

Có đất không hạt giống

Cày xới ích lợi gì!

Không tinh tấn cũng vậy

Làm sao được làm trời.

Ví như gió thổi lửa

Từ nhỏ cháy thành lớn,

Tinh tấn cũng như vậy

Pháp lành thêm lớn mạnh.

Làm các hạnh khó làm

Nên được quả tối thắng

Không tham tiếc thân mạng

Sẽ kế thừa Pháp vương.

Đức Thế Tôn dạy Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Khi cầu Bồ-đề, Bồ-tát phải mang giáp tinh tấn, lấy đại thệ nguyện làm binh khí, ngày đêm siêng năng làm tăng trưởng công đức, giống như trăng non dần dần tròn trịa. Ví như có người nghe ở phương xa kia có tháp xá-lợi Phật và có người khéo nói Chánh pháp. Nghe vậy, người kia rất vui mừng, không cần lương thực, xe cộ, bạn bè, một mình ông ta đi đến tháp ấy. Trên đường đi, người kia đã trải qua toàn là lửa dữ và dao bén nhưng vẫn mạnh mẽ kiên trì không thoái lui, quyết định tiến tới để chiêm ngưỡng, lễ lạy tháp Phật và nghe Chánh pháp. Giữa đao nhọn, lửa dữ, trong mỗi bước đi, người kia luôn tư duy và phát thệ rằng: “Trong đao lửa hôm nay, con nguyện được nghe Chánh pháp. Con nguyện sẽ ở trong biển khổ lớn sinh tử để cứu vớt chúng sinh qua bờ Niết-bàn an lạc.” Đại Bồ-tát phát nguyện như vậy rồi, dù có đạp lên đao nhọn, lửa dữ cũng giống như đạp lên hoa sen, dưới chân mềm mại như hoa Tu-mạn-na và dường như nước thơm Chiên-đàn được rảy trên mình, mát mẻ thơm ngát, không gì ví dụ được.

Người kia lại phát nguyện: “Bắt đầu từ hôm nay cho đến khi chứng Vô thượng Bồ-đề, thân, khẩu, ý nghiệp của con luôn làm, nghĩ và nói những việc Phật sự. Nếu con làm những việc phi pháp thì nguyện thân này của con sẽ như cây khô, miệng con nói những lời phi pháp thì con sẽ bị câm ngọng, ý nghĩ đến những điều phi pháp thì con sẽ bị điên cuồng, ngoại trừ Chánh pháp. Còn những giáo pháp dị đạo con không ưa thích. Ba nghiệp đã tu các điều thiện như vậy, con đều hồi hướng lên Vô thượng Bồ-đề.”

Lại nguyện cho tất cả chúng sinh đều thành Chánh giác với công đức vô tận, rộng lớn như pháp giới, cứu cánh như hư không, cho đến tận cùng vị lai không dừng nghỉ. Giống như trên hư không, mây bao phủ dày đặc và mưa trận mưa lớn. Nếu nước mưa chảy đến những chỗ mặt đất, đá sỏi thì không bao lâu sẽ khô cạn. Nếu mưa một giọt vào biển lớn, nước biển chưa cạn thì giọt nước mưa ấy không mất. Công đức mà Bồ-tát đã tạo cũng vậy; nếu vì riêng mình cầu giải thoát thì giống như nước mưa ở mặt đất, không bao lâu sẽ khô. Nếu vì pháp giới hữu tình mà tu tập nghiệp thiện, vào biển sinh tử Niết-bàn, lấy lòng Từ bi rộng lớn, nguyện độ vô tận chúng sinh thì những điều thiện đã tạo cũng vô tận.

Này Từ Thị! Giống như Bồ-tát sống lâu vô cùng, đi về phương Đông trải qua vô lượng câu-chi tam thiên đại thiên thế giới, qua quốc độ của từng loài chúng sinh, Bồ-tát đều hướng dẫn họ đến chỗ đại Niết-bàn an lạc. Chúng sinh được độ trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp như vậy, ta thấy như đất dính trong móng tay, còn những người chưa được độ thì như đất ở mặt đất. Chúng sinh chưa độ ở cõi phương Đông đã như vậy thì nên biết phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên dưới cũng vậy. Mặc dù còn vô lượng hữu tình như vậy, nhưng Đại Bồ-tát vẫn không chán bỏ thoái lui, lại siêng năng tinh tấn, không bao giờ dừng nghỉ. Đại Bồ-tát luôn phát tâm rộng lớn như vậy thì không có một pháp nhỏ nào khó tu hành. Tất cả phước trí tôn quý tự tại của Đại Bồ-tát trong ba cõi, không nhọc công sức mà tự nhiên có.

Đức Phật dạy Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Tất cả chúng sinh Hữu học, Vô học, Bích-chi-phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai của các thế giới, tất cả vô lượng, vô biên công đức của hữu tình này siêng năng tinh tấn tu tập so với một mảy công đức của Như Lai thì trăm ngàn vạn phần không bằng một phần của Ngài. Như vậy, mỗi chân lông công đức đều do vô lượng công đức của Như Lai sinh ra.

Tất cả công đức của hết thảy chân lông trên than Như Lai cộng lại thành một sợi tóc công đức của Như Lai. Tám vạn bốn ngàn sợi tóc của Đức Phật mà trong mỗi sợi tóc đều đủ chân lông công đức ở trên như vậy mà hợp lại cộng thành một vẻ đẹp công đức của Như Lai. Như vậy, vẻ đẹp có đủ tám mươi loại, trong mỗi vẻ đẹp đều có tóc công đức của Phật như trên, hợp lại tất cả cộng thành công đức của một tướng tốt Như Lai.

Các tướng ấy đủ ba mươi hai tướng và đều giống như công đức vẻ đẹp. Như vậy, hợp lại gấp trăm ngàn lần thành công đức tướng lông giữa chặng mày của Như Lai. Tướng ấy tròn đầy, xoay về bên phải, như trái châu pha lê thanh tịnh, để trong đêm tối, giống như sao sáng. Tướng lông ấy duỗi ra đến cõi trời Sắc cứu cánh rồi cuốn lại như cũ ở giữa chặng mày.

Tất cả trăm ngàn lần công đức của tướng giữa long mày thành tướng nhục kế trên đỉnh đầu Như Lai. Công đức ấy không có trời, người nào thấy được. Như vậy, ngàn lần công đức của nhục kế không bằng công đức tiếng Phạm âm của Như Lai.

Âm thanh ấy, dưới thấu địa ngục A-tỳ, trên đến cõi trời Sắc cứu cánh. Vô lượng công đức được nói đều do đại Bi Như Lai hóa hiện. Như vậy, hóa thân đều do vô lượng, vô biên công đức hợp lại mà thành, không thể nào so sánh hoặc ví dụ được, và cũng không ai sánh bằng. Vậy thì ngàn lần công đức của hóa thân thành một báo thân Phật.

Tất cả trăm ngàn vạn lần công đức của báo than thành Pháp thân Phật. Tất cả công đức ấy không ai biết được số lượng của nó. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe nói vô biên công đức của chư Phật Như Lai mà không kinh nghi sợ sệt thì nên biết rằng người đó đã thành tựu Tinh tấn ba-la-mật-đa. Cho nên hãy phát tâm rộng lớn như vầy: “Công đức thân Phật do vô lượng phước đức tụ lại. Nay ta được chiêm ngưỡng thì cần phải chứng đắc, siêng năng tinh tấn không tiếc thân mạng, vì tất cả chúng sinh mà trải qua vô số kiếp, chịu khổ trong ba đường không hối hận. Ta luôn làm cho họ đầy đủ viên mãn sáu pháp Ba-la-mật, chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.”

Phật dạy Bồ-tát Từ Thị:

–Này thiện nam! Nên quán thật kỹ về trí tuệ của Phật. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói: giống như trong hàng Thanh văn thì Xá-lợi-phất là người có trí tuệ đệ nhất. Thiệm-bộ châu này phía Bắc rộng, phía Nam hẹp, giống như thùng xe, chu vi bảy ngàn du-thiện-na. Địa hình của Đông Thắng thần châu như nửa mặt trăng, chu vi tám ngàn du-thiện-na. Địa hình của Tây Ngưu hóa châu tròn như trăng rằm, chu vi chin ngàn du-thiện-na. Địa hình của Bắc Cu-lô châu như hình vuông, chu vi mười ngàn du-thiện-na. Bốn phía núi Diệu cao chìm xuống nước tám vạn du-thiện-na. Do bốn báu hợp thành nên núi cao khỏi mặt nước cũng tám vạn du-thiện-na, chu vi của núi cũng tám vạn du-thiện-na. Bên ngoài núi có bảy lớp núi bằng vàng, xung quanh có tám biển lớn. Ngoài cùng là núi Đại thiết vi. Như vậy, lấy bốn châu và các núi dùng làm giấy, lấy nước tám biển làm mực, lấy tất cả cây cỏ làm bút, tất cả trời, người cùng nhau viết trong một đại kiếp, nhưng so với trí tuệ của Xá-lợi-phất, trong mười sáu phần không bằng một phần. Tất cả trí tuệ của chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới này bằng trí tuệ của Xá-lợi-phất. Tất cả trí tuệ của Đại Bồ-tát thông đạt Bố thí ba-la-mật-đa hơn gấp trăm ngàn lần so với trí tuệ của tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới.

Lại nữa, chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đủ trí tuệ về Bố thí ba-la-mật-đa không bằng một phần trí tuệ của Đại

Bồ-tát đắc Trì giới ba-la-mật-đa, cho đến Trí tuệ ba-la-mật-đa. Tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đủ trí tuệ sáu pháp Ba-la-mật-đa không bằng trí tuệ của một Đại Bồ-tát chứng Sơ địa, cho đến trí tuệ của Thập địa Đại Bồ-tát chứng đắc. Cứ như vậy mà lần lượt tăng dần. Trí tuệ mà Thập địa Bồ-tát chứng đắc so với trí tuệ của Đại Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ Từ Thị, trong trăm ngàn phần không bằng một phần.

Nghe Đức Phật nói xong, Đại Bồ-tát Từ Thị suy nghĩ: “Hôm nay giữa đại chúng, Như Lai khen ngợi mình như vậy thật là run sợ.” Đức Thế Tôn dạy Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Này thiện nam! Ông hãy lắng nghe. Trí tuệ của tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới bằng trí tuệ của Từ Thị không khác. Như vậy, trí tuệ của tất cả Đại Bồ-tát ở đạo tràng ngồi dưới cội Bồ-đề chiến thắng quân ma, sắp thành Chánh giác thì tất cả trí tuệ ấy đối với trí tuệ của Phật Như Lai chứng đắc trăm ngàn vạn phần không bằng một phần.

Từ Thị nên biết! Trí tuệ của Như Lai thậm thâm vô lượng không thể nghĩ bàn, không thể ví dụ, so sánh được. Nếu Đại Bồ-tát nghe trí tuệ thậm thâm của chư Phật không kinh nghi sợ sệt, lại thêm tinh tấn, sẽ thành tựu Ba-la-mật-đa. Một việc thiện nhỏ ở  đời mà người biếng nhác còn không làm xong, huống gì với việc của đại trí bỉ ngạn chư Như Lai có thể rộng độ tất cả chúng sinh.

Này Từ Thị! Có ba loại tinh tấn:

1.Nghe trí tuệ rộng lớn thậm thâm của Như Lai mà tâm không lay động.

2.Có thể thực hành theo hạnh đại Bi của các Đại Bồ-tát ở quá khứ.

3.Với những việc đã tu hành, giả sử gặp khổ nạn, không bao giờ thoái lui.

Dùng lực tinh tấn quán sát tất cả cảnh giới hữu tình, phi tình, thế gian và xuất thế gian đều là không. Vì quán thắng nghĩa không như vậy, nên thấy không có một chúng sinh nào có tướng khả đắc. Tuy biết là vô tướng nhưng vì chúng sinh trải qua vô số kiếp tu khổ hạnh không từ lao khổ, dùng bốn Nhiếp pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự để làm lợi ích cho hữu tình. Đem giáo lý ba thừa dạy cho họ được giải thoát, lần lượt đưa họ đến Tối thượng thừa, chứng quả vị không thoái chuyển. Tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, đầy đủ viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa, được chư Như Lai thọ ký riêng, sẽ chứng Vô đẳng đẳng Vô thượng Bồ-đề. Giống như trăng đêm mười bốn dần dần tròn trịa; Bồ-tát cũng vậy, đối với Phật Bồ-đề, dần dần viên mãn chứng đắc Vô công dụng hạnh, tự nhiên đạt được mười loại thù thắng:

1.Không do nghe học tập Chánh pháp chư Phật nhưng tất cả đều được hiện tiền, có thể tuyên nói pháp vi diệu cho hữu tình.

2.Lực không thể nghĩ bàn tự nhiên phát thệ nguyện kiên cố, khiến cho tất cả chúng sinh phát tâm Bồ-đề.

3.Thân, khẩu, ý nghiệp tự tại, nguyện gì được nấy, không bị chướng ngại.

4.Có thể tự do biến hóa tất cả thần thông tùy tâm tự tại không bị chướng ngại.

5.Có thể làm những việc thù diệu chưa từng có, tất cả đều được tự tại.

6.Được sống tự tại, tùy theo căn cơ chúng sinh trong năm đường mà làm cho họ được lợi ích.

7.Có kho báu, tùy theo cuộc sống của chúng sinh mà chu cấp đầy đủ.

8.Làm thầy của tâm, không để tâm làm thầy. Không hung hăng, như voi được điều phục.

9.Tự nhiên giác ngộ, sinh tử, Niết-bàn, cả hai đều bình đẳng không do thầy răn dạy.

10.Được trí Vô thượng, làm lợi lạc cho hữu tình, cứu vớt hết ra khỏi sinh tử để an ổn nơi đường chân chánh Niết-bàn, cứu cánh Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại nữa, người tinh tấn nói các tai họa trong sinh tử là để hiển bày vô lượng công đức đại Niết-bàn, đại Bi và Bát-nhã luôn như đôi cánh không thể thiếu một. Do đây mà không trụ vào sinh tử,

Niết-bàn, làm lợi lạc hữu tình cho đến cùng tận đời vị lai. Đó là Tinh tấn ba-la-mật-đa.

Người tinh tấn nghe Chánh pháp tổng trì tự tại, nhờ sức tinh tấn mà thân không bệnh đau, với tất cả oán thù đều đem lòng Từ bi để đối xử với nhau. Tỳ-na-dạ-ca có làm chướng ngại cũng không thể được. Bồ-tát nói pháp, tất cả chúng sinh đều chấp nhận.

Người tinh tấn được tất cả chư Thiên cung kính, yêu mến, gặp ách nạn được tất cả thiện thần ủng hộ.

Người tinh tấn bố thí ít nhưng có thể viên mãn Bố thí ba-la-mật-đa.

Người tinh tấn giữ gìn giới thanh tịnh, không biếng nhác, mau thành tựu viên mãn Trì giới ba-la-mật-đa.

Người tinh tấn lòng nhẫn nhục, coi oán thân như nhau, không có hai tâm, mau thành tựu viên mãn Nhẫn nhục ba-la-mật-đa.

Người tinh tấn dũng mãnh không thoái lui, khoác giáp tinh tấn đại Từ, đại Bi không bao giờ lìa xa, mau thành tựu viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa.

Người tinh tấn siêng năng thiền định, an trụ trong chánh định không lay động, mau thành tựu viên mãn Thiền định ba-la-mật-đa.

Người tinh tấn đa văn trí tuệ, đọc tụng không mỏi mệt, không dừng nghỉ, mau thành tựu viên mãn Trí tuệ ba-la-mật-đa.

Nhưng biển lớn sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật này đối với tất cả Thanh văn, Độc giác và các vị Bồ-tát không cách nào suy lường được, chỉ có Tinh tấn ba-la-mật-đa mới có thể biết rốt ráo mà thôi.

Người tinh tấn ngày đêm làm tăng trưởng vô lượng công đức, như hoa sen xanh mọc trong bùn nhơ, ngày đêm phát triển dần dần lên khỏi mặt nước. Khi hoa nở, hương thơm ngào ngạt, ai cũng đều thích, lấy làm vòng hoa đặt trên đỉnh Phật. Tất cả Trời, Ma, Phạm, Quốc vương, Đại thần, Trưởng giả, Cư sĩ, Nhân dân đều ưa thích.

Người tinh tấn cũng vậy, trong bùn dơ sinh tử sinh chồi Bồ-tát, ra khỏi kiến chấp của Nhị thừa, mở bày tướng chân thật, làm sáng tỏ hạt giống Bồ-đề, trí tuệ khai mở, mùi hương thơm phức bay khắp cả mười phương, làm lợi ích cho trời, người. Giống như hoa sen xanh, ai thấy cũng ưa thích. Đó gọi là Tinh tấn ba-la-mật-đa.

Còn người biếng nhác giống như cái chày và cái cối.

Cối: tự mình không sử dụng được nên ngày càng bị hư hoại. Chày: không thể tự đứng một mình nên bị vứt bỏ nằm lăn trên đất, không thể dùng được nữa nên bị đốt. Người biếng nhác cũng vậy: Không tự mình sách tấn thì khiến cho sắc lực ngày càng giảm sút. Không thể lo lắng, sửa sang gia nghiệp, luôn nằm ngủ nghỉ. Đến khi qua đời đọa trong địa ngục lửa, bị khổ não thiêu đốt.

Người tinh tấn giống như cây như ý, làm chỗ nương tựa cho chúng sinh giữa đồng hoang sinh tử, làm thức ăn uống cho người đói khát, làm quần áo cho người trần truồng, cho đến đưa họ qua khỏi chỗ hiểm nạn sinh tử. Hết cả đời này cũng không để họ thiếu thốn, khiến cho tất cả chúng sinh đều được an vui hạnh phúc. Nhờ lực tinh tấn nên mau thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Khi Đức Thế Tôn nói Tinh tấn ba-la-mật-đa xong, trong hội có bảy mươi tám câu-chi na-do-tha người, trời phát tâm Vô thượng Bồ-đề; ba vạn hai ngàn Đại Bồ-tát đắc Vô sinh pháp nhẫn.

Phật dạy Từ Thị:

–Đây là Tinh tấn ba-la-mật-đa.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Bí Mật Bát Danh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh Pháp Nghi Quĩ Niệm Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Quảng Tụ - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Nhứt Thiết Như Lai Kim Cang Thọ Mạng - Kinh Tạng
  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Kinh Tâm Phật - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nhứt Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Kinh Tạng