1
2

Kinh Nhân Duyên Đăng Chỉ

Việt dịch: Thích Tâm Nhãn

Nếu trồng một ít hạt giống thiện vào ruộng phước thù thắng thì được cái vui cảnh giới trời, người, sau đắc niết-bàn. Là người có trí tuệ phải nên hết lòng siêng năng tu tập thiện nghiệp. Nói phước điền tức là Phật vậy. Thân Phật sáng chói như ánh sáng vàng ròng hội tụ. Ngài trang nghiêm bằng công đức trí tuệ nên được thiên nhãn viên mãn, khéo quan sát các căn của chúng sanh; vì thế gian u ám mà làm đèn sáng, vì thế gian ngu si mà làm người thân thiện; các thiện đầy đủ, danh tiếng vang lừng. Mâu-ni Thế Tôn là chỗ nương tựa cho nhân loại và chư thiên. Nếu ai đem tâm chí thành tu phước đều được quả báo tốt.

Thuở xưa, thành Vương Xá nằm giữa năm ngọn núi, cũng là một trong năm đô thành nước Ma-kiệt-đà. Thành Vương xá là một đô thành sầm uất, trong đó đường sá tương đương vườn đình thênh thang tráng lệ. Nhà cửa kỳ diệu, vòm mái ngao ngất thoáng rộng, lan can bao quanh có rừng, hồ tuyệt đẹp, dòng nước chảy đi chảy về giao nhau lưu chuyển. Rừng cây rậm rạp, cành lá sum suê. Hoa trái đầy cành, phản chiếu cả ánh sáng nhật nguyệt. Mùi hương vi diệu ngào ngạt thơm ngát của rừng hoa theo làn gió bay đi bốn phương. Khắp cả thành Vương Xá những người thắng trí tu hành phạm hạnh từ xa đến đây. Tất cả đất nơi này trang nghiêm thù thắng, tâm được hỷ lạc. Vua A-xà-thế là người trị vì ngôi thành này. Ông lấy chánh pháp trị nước, dùng đạo giáo hoá nên được mọi người xa gần kính trọng, họ tập trung về đây sinh sống. Người người tu thiện, nhân dân trong nước đông đúc, luôn hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bấy giờ, trong thành có một người trưởng giả, nhà ông ta giàu có, kho tàng đầy ấp như Tỳ-sa-môn, nhưng không có con nối dõi tông đường. Ông ta bèn làm lễ cầu đảo thần thánh để xin một mụn con. Không bao lâu vợ ông mang thai, tròn đầy mười tháng hạ sinh một nam nhi. Túc duyên đời trước đứa bé có phước, cho nên ngày mới sanh bàn tay của nó có một ngón phát ra ánh sáng lớn, chiếu xa mười dặm. Cha mẹ đứa bé quá vui mừng liền thiết bày đại hội, mời thân tộc và các thầy tướng đến để đặt tên cho con. Vì ngón tay đứa bé có hào quang đặt tên Đăng Chỉ (ngón tay đèn sáng). Mọi người trong tiệc thấy đứa bé có tướng khác lạ nên khen ngợi là chưa từng có. Trong hội có một Bà-la-môn tên Bà-tu thông hiểu mọi việc, bác học đa văn, thuộc lòng bốn bộ thánh điển Vi-đà. Thấy đứa bé có dáng vẻ kỳ lạ, tướng tá phi thường, Bà-tu mỉm cười nói: “Đứa bé này có thể là trời Na-la-diên, Thích-đề-hoàn-nhơn, Thiên tử mặt trời, hay các đại đức cõi trời hiện đến hạ sinh.” Cha mẹ đứa bé nghe vậy hoan hỷ bội phần, thiết bày đàn tràng đại hội bảy ngày, bảy đêm bố thí làm phước. Do vậy mà tiếng đồn lan khắp cả nước đều nghe biết chuyện trưởng giả sinh phước tử. Lời đồn tốt đẹp thấu đến tai vua. Nhà vua nghe vậy liền ban lệnh xuống, trưởng giả vâng thánh chỉ ẵm đứa bé vào vương cung. Gặp lúc nhà vua có yến hội đủ loại đàn nhạc tưng bừng nên không ai bẩm báo. trưởng giả không dám vào cứ đứng ớ phía trước. Ngón tay của đứa bé toả ánh sáng, chiếu thấu vào cung đình, sáng chói đỏ rực. Ánh sáng chiếu đến long thể rồi sáng cả cung. Tất cả mọi thứ đều bị phủ màu vàng ròng. Ánh sáng chiếu khắp vương cung giống như chìm sâu trong biển nước mênh mông. Nhà vua lấy làm lạ hỏi:

“Ánh sáng ấy từ đâu đến mà bỗng nhiên chiếu vào cung ta? Chẳng lẽ Thế Tôn hoá hiện chúng sanh đến chỗ chúng ta? Hay là đại đức chư thiên, Thích-đề-hoàn-nhơn, Nhật thiên tử… giáng hạ chăng?”

Nhà vua sai người ra cổng xem sao. Người ấy ra xem rồi quay vào bẩm lên nhà vua:

– Tâu đại vương! Đứa bé mà đại vương cho gọi đang đứng trước cửa, có một ngón tay phóng ánh sáng chiếu thấu đến đây, nên mới có ánh sáng này.”

Vua sắc lệnh: “Hãy mau ẵm đứa bé đến đây!” Nhà vua thấy đứa bé kỳ lạ liền nắm tay nó xem tướng mà nói:

– Lục sư ngoại đạo không biết nhân quả, chơn nguỵ, dối gạt nghi ngờ. Nếu không có nhân quả làm sao có đứa bé này? Từ lúc sinh đến giờ dung mạo siêu tuyệt, ngón tay sáng ngời, điều đó cũng đủ làm chứng. Những kẻ hãm hại chúng sanh sẽ bị đoạ lạc vào ác thú. Theo ta nhận biết đứa bé này không phải từ trên trời hoá sinh xuống, cũng chẳng phải thần kỳ mà tự nhiên ngón tay sáng; chắc chắn do nhân duyên đời trước có gieo hạt giống phước nên gặt hái quả báo lành, và nghe được lời nói Thánh đế chân thật của Phật. Phật thuyết nhiều thứ nghiệp duyên trang nghiêm thế gian. Tất cả chúng sanh thấy có báo ứng mà không chịu tu phước, chuyện lạ làm sao!?

Nhà vua nói tiếp: “Nay ta còn nghi ngờ không biết ánh sáng này do mặt trời hay ánh sáng chiếu rọi của ngón tay kia?! Ta muốn chiêm nghiệm việc này”.

Khi mặt trời lặn đợi đến nửa đêm, nhà vua và các quần thần đem đứa bé đặt lên lưng voi, dẫn ra phía trước vào trong khu vườn. Ánh sáng nơi ngón tay của đứa bé chiếu sáng rực rỡ phá tan màn đêm. Nhìn thấy chim thú, hoa quả trong khu vườn không khác gì ban ngày. Nhà vua thốt lên khen rằng: “Lời Phật thuyết vi-diệu biết bao! Ngày hôm nay tâm ta đối với nhân quả lòng tin càng vững chắc và khinh bỉ lục-sư quá ngu si mê muội. Cho nên đối với Phật ta tôn ngưỡng gấp bội.”

Khi ấy Kỳ-vực thưa với nhà vua:

– Tâu đại vương! Trong kinh Phật thuyết: “Nếu không thấy nghiệp thì keo kiệt tham lam. Còn nếu thấy nghiệp thì keo kiệt tham lam vĩnh viễn chấm dứt”. Nay thấy Đăng Chỉ có phước báo đó; giả như bị khốn cùng khánh kiệt, vẫn còn tu thiện nghiệp, huống chi giàu có không chịu tác phước.

Kỳ-vực vừa dứt lời trời cũng đã khuya. Mọi người dẫn Đăng-chỉ hồi cung. Nhà vua rất vui ban cho nhiều châu báu rồi cho phép Đăng-chỉ trở về nhà. Theo năm tháng Đăng-chỉ dần dần lớn khôn. Trưởng giả thân phụ lựa chọn nhiều nhà cao môn, muốn tìm người sánh vai cầu hôn làm vợ cho Đăng-chỉ. Gia đình trưởng giả giàu có lại toàn diện mọi mặt như: lễ giáo, gia phong, sau thì khuê môn hòa thuận, tài sản vật chất thịnh vượng. Nhưng than ôi! Đã thạnh thì có suy, hội hợp có biệt ly. Vợ chồng trưởng giả đều qua đời; giống như mặt trời khuất bóng ánh sáng nhường chỗ cho màn đêm. Như vầng nguyệt lu mờ khi bình minh ló dạng. Như ngọn lửa hồng lụi tàn chỉ còn lại đống tro than. Tráng kiện sắc đẹp bị hủy hoại khi bệnh tật hoành hành. Thiếu niên trai trẻ sẽ bị già nua xâm nhập, mến yêu thân thể này rồi tử thần cũng đoạt mạng. Sau khi cha mẹ quá vãng, cuộc sống môi sinh dần dần hao tổn, mà Đăng-chỉ thuở thiếu thời giàu có xa xỉ, không giữ gia nghiệp, giao du bạn xấu, tâm ý phóng đãng, đam mê tửu sắc, dùng tiền vô độ. Kho khố dự trữ, tích chứa không còn ai lo liệu như trăng tròn khuyết dần rồi mất hẳn.

Bấy giờ, nước này có phong tục một năm lễ hội một lần. Mọi người tập hợp vây quần xung quanh núi. Đăng-chỉ cũng đến dự hội, anh ta trang sức một cách xa hoa phung phí, mang đàn nhạc, dẫn theo kỹ-nữ tất cả đều lộng lẫy không khác gì một vương giả. Mọi người trong hội ai ai cũng kính trọng khen đẹp. Họ cùng nhau ăn uống vui chơi thỏa ý, trống chuông đua nhau trỗi dậy, đàn ca vang lừng. Cả bình nguyên rộng lớn họ vui chơi nhảy múa, âm thanh của cuộc vui chơi vang dội gần như “động núi lấp hang”. Khi bọn giặc cướp biết Đăng-chỉ đi dự hội trong thời gian chưa về, chúng đến nhà anh ta rình rập không thấy người, liền tấn công cướp sạch tiền của không còn một thứ gì. Trời tối, Đăng-chỉ trở về, thấy trong nhà bị giặc cướp lấy sạch, chỉ ngổn ngang: cây, đá, gạch, ngói,…. thấy sự tình như vậy tuyệt vọng ngã quỵ xuống đất, người bên cạnh lấy nước rưới vào mới tỉnh lại, ưu sầu khóc lóc suy nghĩ: “Xưa cha ta đã làm nhiều việc có phương pháp thích hợp, tu trị gia-nghiệp, lao nhọc tích chứa của cải đầy kho. Cha ta sinh ta ra nuôi lớn khôn là thấy đã có người ủy thác, giao phó; cớ sao ta không chịu giữ gìn sự nghiệp của cha mình? Làm một con người dối lừa, biếng nhát chạy theo cảnh phù-du. Tài sản kho khố của phụ thân chỉ trong một ngày tan biến vào hư không, gia súc thì chạy tán loạn, ngó quanh ngó quất trong nhà chỉ còn con ta đeo anh lạc và một vài bộ đồ. Nếu ta đem đổi lấy miếng cơm để độ nhất trong lúc cấp thời thì cũng sẽ hết sạch, vậy làm sao đây!?”.

Lúc đó, ánh sáng trên ngón tay của Đăng-chỉ cũng biến mất. Vì quá túng quẩn người vợi khinh rẽ anh ta bỏ ra đi. Nô tỳ tôi tới cũng trốn biệt. Thân bằng quyến thuộc chỗ quen biết tình cảm thắm thiết mặn nồng, giờ thì họ quay lưng đoạn tuyệt như oán thù. họ thấy anh ta bần cùng sợ theo xin xỏ nên trở mặt giận dữ. Vợ con còn ruồng bỏ huống chi là người dưng. Phải biết, cảnh đói nghèo giống như là địa ngục, bần cùng tạm bợ với cái chết không khác nhau. Trước đây đời sống giàu sang giờ gặp cảnh khốn cùng thì không chỗ cậy nhờ, chẳng nơi nương tựa. Lửa tâm ưu phiền đốt cháy, đọc sầu muộn hừng hực. Sắc diện suy hao, dung nhan tiều tụy chuyển đổi rõ rệt. Thân thể ốm gầy đói khát mòn mỏi. Đôi mắt bị mờ dần tất cả xương cốt lồi ra. Da mỏng bao bọc gân huyết lộ bày. Đầu tóc bù xù tay chân teo ốm. Sắc da trắng phếch thân thể bẩn thỉu. Lại không có mảnh áo che thân nên Đăng-chỉ vào trong đống rác hôi thối, lượm nhạt miếng lớn, miếng nhỏ chấp vá để mặc, mới có thể che được tấm thân gầy. Đăng-chỉ ăn nằm trong đống rác dơ bẩn không có giường chiếu, nhiều người thân quen cũ thấy mà không biết, đi khắp các ngõ đường xin ăn như con quạ đói. Một hôm Đăng-chỉ biết bên đường có nhà người bạn bèn đến xin miếng cơm, nhưng người giữ cổng ngăn cản không cho. Vậy mà Đăng-chỉ không nghe cứ rình rập đột nhập vào nên bị trận đòn đau nhục nhã. Chủ nhà chạy ra lấy roi muốn đánh thêm, Đăng-chỉ vội cúi mình quỳ lạy van xinh tạ tội. Chủ nhà khinh miệt không đoái hoài đến cũng cho vào nhà, nhưng coi anh ta không ra gì, không nói một lời, không cho ngồi, với một ít thức ăn không đủ no ném vào âu. Bấy giờ, trong nước ấy có phong tục cưới vợ, sinh con, cạo tóc đều tổ chức lễ hội. Đăng-chỉ lân la vào trong hội hy vọng xin được miếng cơm thừa. Nhưng người ta khinh rẽ không cho ngồi, lại xua đuổi anh ta ra ngoài. Đăng-chỉ vẫn cố gắng van xin thì được một ít thức ăn dư đựng trong bát của bọn đầy tớ. Đăng-chỉ suy nghĩ: “Sao ta đến nông nỗi thế này, nghèo nàn và cô độc?!” Lại thầm nghĩ: “Hôm nay, tinh thần ta như bị hôn mê, tâm trí hết nhận thức được. không biết ta bây giờ là hình hài gì lúc xưa, mà thọ thân như vậy?! Chuyện đời đau khổ đắng cay không phải ngẫu nhiên; đời ta ví như rừng cây không hoa loài ong xa lánh. Như cỏ đá bị sương mốc héo úa tàn rụng. Như ao hồ khô cạn chim hồng nhạn không lai vãng. Như ruộng lúa cắt xong không người thâu giữ. Bây giờ, ta bần khốn nếu kể lể trước đây giàu có, thì chẳng ai tin điều đó, nói ra cũng vô ích thôi! Người đời đa số không biết đến ta. Do ta nghèo khổ nên tương lai mù mịt như đồng hoang lửa bốc cháy. Chẳng có ai yêu mến như cây khô không bóng mát, không nơi núp bóng. Như lúa mạ bị mưa đá sương mốc, hư hại thất thâu. Như nhà có rắn độc mọi người xa lánh. Như thức ăn nhiều chất độc không có người thưởng thức. Như mồ hoang không có người trông coi. Như nhà xí dơ dáy bẩn thỉu đầy dãy hôi thối. Như kẻ đồ tể người đời khinh ghét. Như kẻ thường trộm cắp bị người ta tình nghi, ta cũng giống những hoàn cảnh như vậy. Nhất củ nhất động đều bị khinh khi, nghi ngờ. Còn như có thể nói, nếu mở lời càng thêm khổ, tuy nói ra có đúng họ cũng cho là sai. Nếu ta tạo thiện nghiệp thì họ cũng cho là xấu. Đôi khi lợi dụng thời cơ nhanh chân lại bị hiềm khinh là thô tháo. Nếu thư giãn thảnh thơi lại bị quở là cái thứ quá nặng nề. Giả sử lại khen ngợi thì người ta bảo là dua nịnh. Nếu mình không khen ngợi thì họ lại phỉ báng rằng: “Cái hạng người bần cùng đó thường không có lời hay.” Nếu ta chỉ dạy thì bị mắng là trá ngụy sự hiểu biết của bậc trưởng thượng kỳ cựu. Còn nói năng hoạt bát thì người ta bảo đại ngôn. Nếu im lặng không nói thì người ta cho là ẩn tình. Nếu ta nói thẳng thì nói ta thô tháo. Nếu cầu ý người lại nói là dua nịnh, quanh co. Nếu có ý định thân cận nương tựa thì họ nói huyễn hoặc. Nếu không gần gũi thì nói là kiêu mạng ngông láo. Nếu thuận theo lời nói của họ thì nói: “Giả vờ giữ ý người”. Nếu không tùy thuận thì nói tự chuyên. Nếu “ôm chân núp bóng” thì bị mắng là khiếp nhược, ty tiện. Nếu không theo ý họ, thì họ mắng là bần nhơn còn có tự ngã. Nếu tự ý phóng khoáng một chút thì nói là kẻ ngu si không có dè dặt. Nếu mình khiêm tốn, thì họ nói: “Hắn không thô lỗ chẳng qua trá hình tướng đàng hoàng, chính chắn”. Nếu lại vui chơi, an nhàn thì họ dùng lời chửi rủa: “Trạng thái nó như thằng điên”. Nếu lại buồn thảm thì nói: “Vậy là từ trước tới nay tâm nó không bao giờ vui, là nhà độc”. Nếu mãi mê nghe người khác nói thì họ đánh giá rằng: “Hắn bị sai khiến là lấy ngu thay trí nên chịu nhiều hổ thẹn”. Nếu mặc nhiên thì họ lại nói ngu xuẩn không biết đạo lý. Nếu ít hý luận thì nói không tin tội phước. Nếu có tìm tòi thì họ nói: “Nó tùy tiện mà được chứ không biết liêm sĩ”. Nếu không đòi hỏi thì lại nói: “Nay tuy không cầu nhưng sau này nó mong nhiều hơn”. Nếu dẫn chứng sách kinh mà nói thì họ bảo giả vờ thông minh. Nếu nói lời lẽ mộc mạc thì họ lại hiềm khinh khờ khạo, ngu độn. Nếu công luận sự thật lại bảo là nói năng ồn ào. Nếu thì thầm việc riêng tư dù có nói chánh ngữ lại nói: “dèm pha, nịnh hót.” Nếu mặc áo mới thì nói mượn đồ trang sức. Nếu mặc áo rách lại chế giễu là hàn vi rách nát. Nếu ăn uống nhiều thì nói đói khát, tham ăn. Nếu ăn uống ít thì nói: “Hắn trong bụng thực ra đói mà giả vờ từ tốn”. Nếu nói kinh luận thì họ bảo: “Hắn hiển bày cái hiểu biết của mình ý phô trương là ta đây ít ngu muội”. Nếu không nói kinh luận thì bảo là ngu si vô thức, có thể cho đi chăn trâu. Nếu kể lể sự nghiệp ngày xưa thì họ nói tự ca ngợi sự nghiệp là khoác lác. Nếu im lặng thì nói tài sản gia môn của nó đã cạn kiệt.

Những người nghèo khổ đi, đứng, qua lại, nói năng, ngẩn lên cuối xuống hết thảy là lỗi lầm sai sót. Còn người giàu sang nhất cử nhất động làm việc gì đều đúng, nếu có gây ra những điều phi pháp cũng không có tội. Người bần cùng như thây quỉ di chuyển tất cả đều sợ; như gặp bệnh nan y khó có thể trị-liệu. như nơi hoang vắng nguy hiểm tuyệt nhiên không có một chút nước hay ngọn cỏ. Như rơi vào biển lớn chìm đắm trong ngọn sóng cuồn cuộn. Như người bị ấn yết hầu khí không xuất ra được. Như đôi mắt bị nhặm không thấy đường đi. Như đống rác cao khó có thể tẩy khử. Như oan gia tuy cùng nhau sinh hoạt nhưng không bỏ được ác tâm. Như vào mùa hè giếng nước khô cạn nếu rơi xuống sẽ chết ngợp. Như vào trong đầm lầy sâu không thể ra. Như núi lở nước chảy ào ạt. như gió lóc cây cối gãy đổ, nghèo khổ cũng như thế. Những gian nan, bần cùng đều có thể hủy hoại: sắc đẹp trai tráng, khí lực, danh tiếng, chủng tộc, nhà cửa, trí-tuệ, trì-giới, bố-thí, tàm-quý, nhân-nghĩa, tín-hạnh, dũng võ, ý-chí đều mất hết. Lại sinh ra đói lạnh, oán-ghét, thô-tháo, hẹp-hòi, sầu-muộn, độc-ác, oán-trách, mắc tội, những cái khổ như vậy từ bần cùng mà sinh ra. Ví như ẩn tàng nhiều thứ tạp vật, mà núp bóng bên trong cái nghèo là thân tâm đủ loại khổ não. Ôi! Còn người giàu thì oai đức cao quý, dung mạo đàng hoàng, tâm ý độ lượng, quảng-đại khoan-dung, bộc lộ lễ-nghĩa, có thể sinh trí dũng, tăng trưởng gia-nghiệp, quyến thuộc hòa thuận tiếng lành đồn xa. Đăng-chỉ suy nghĩ: “Ta quá nghèo ở đời không ai sánh bằng. Ta không thể tự sát để bỏ thân này, vậy phải có phương pháp gì để giúp đỡ sự sống còn?!”. Lại nghĩ: “Người đời thô bỉ, thôi! Bất quá ta đi vác tử thi, tuy việc đó đồng hàng với việc ác nhưng đời sau không thọ nghiệp khổ; còn hơn là làm những việc khác như sát sinh, hay những điều bất thiện. Cứ theo ý nghĩ này mà ta đi xin làm việc gánh xác”.

Bấy giờ, có người nghe Đăng-chỉ xin việc, đồng ý thuê vác xác, Đăng-chỉ nhận lời. Đăng-chỉ theo người hướng dẫn gánh một xác chết đến nghĩa địa. Khi đến nơi Đăng-chỉ muốn ném xuống, nhưng xác chết ôm ngay Đăng-chỉ, nó ghì chặt không gỡ được như đứa bé ôm cha mẹ. Đăng-chỉ cố gắng hết sức bung chạy cũng không thể thoát thân. Thây chết bấu xương sống như keo hồ buông chẳng được, tháo không ra. Đăng-chỉ quá sợ hãi suy nghĩ: “Bây giờ ta tìm đến chỗ nào đó nhờ cứu mình”. Vội vã chạy vào thôn Chiên-đà-la, la lên: “Nếu ai có thể gỡ dùm thây chết trên lưng tôi, thì tôi sẽ thuê giá gấp đôi”. Những người Chiên-đà-la nghe rõ, tất cả cùng lại kéo thây chết nhưng cũng không ra. Có một người đứng ngoài thấy thế mắng Đăng-chỉ: “Thằng điên! Hà cớ gì vác thây chết chạy vào thôn của người ta”. Rồi họ xúm nhau lấy cây đánh, lượm đá ném. Thân thể Đăng-chỉ đầy thương tích, đau đớn lẫn cả sợ hãi. Có người thương xót đưa anh đến thành. Vừa dìu đến dưới cổng thành thì người giữ cửa ngăn lại đánh Đăng-chỉ không cho đến gần cửa. Đâu có ai ngu si gì mà vác tử thi đi vào thành? Đăng-chỉ nhìn lại thân phận mình, thân thể đầy thương tích gậy gộc. Tràn trề ảo não khóc lớn mà nói: “Ta chính vì miếng ăn làm việc thô bỉ này, hôm nay bỗng nhiên gặp đại khổ. Cũng vì bần khốn nên không tìm được việc làm, vì vậy phải làm nghề đê tiện này. Mình chỉ mong kiếm tiền lấy đó để tự sinh nhai, sao mới một ngày lại gặp cay đắng. Nhưng thà vác xác chết khác chớ không mang thây sống”. Vừa khóc vừa kể lể, người giữ cổng quá cảm động cho Đăng-chỉ trở về nhà. Bản thân không nhà nên trước tiên xin ăn cùng những người nghèo khổ, sống chung với họ, nhưng khi trông thấy xác chết trên lưng anh ta, tất cả đều bỏ đi. Về đến nhà rồi thì thây chết tự rớt xuống đất, khi ấy Đăng-chỉ càng thêm khiếp sợ, sầu muộn tuyệt vọng ngã quỵ xuống đất. Hồi lâu mới tỉnh lại thấy cả cánh tay xác chết thuần nhất vàng ròng. Tuy còn sợ nhưng thấy màu vàng ròng đẹp, liền đến bên cạnh thây chết lấy dao chém thử thì đúng vàng ròng thật. Được vàng Đăng-chỉ lòng vui mừng lấy dao cắt đầu, tay, chân, vừa cắt xong trong khoảnh khắc tay, chân, đầu bằng vàng mọc ra như cũ y hệt con người lúc trước. Như ông vua mất nước trở lại ngôi vị. Như người mù mắt lành thấy được ánh sáng. Như nhớ người con gái nọ lâu ngày nay gặp nhau giao hoan. Như người học thiền bỗng nhiên được chứng đạo, Đăng-chỉ vui mừng cũng như thế. Đăng-chỉ có kho tàng châu báu nhiều hơn trước gấp bội, oai đức danh tiếng hơn ngày xưa. Họ hàng, bằng hữu, vợ con, tôi tớ tất cả đều trở lại. Đăng-chỉ than: “Chao ôi! Quái lạ thay, giàu có tột đỉnh thì có thể sai khiến người ta mau chóng trở về. Ô, lạ thay! Còn nghèo quá thì cũng có thể làm cho người thân lẹ làng bỏ ta ra đi. Trước đây ta bần hàn thăm hỏi người thân thiết, họ đoạn tuyệt giao du, hầu như không có một người nào nói chuyện với ta. Hôm nay, tất cả nghiêm chỉnh thừa sự, chắp tay cung kính. Giả sử sinh nơi như Đế-Thích, dũng lực như La-ma, thấy biết như Thiên-sư, nếu không có tiền tài cũng không được như vậy. Ai giàu có không cần hỏi trí hay ngu đều tôn xưng họ là tốt. Nếu thực chất họ không biết gì, thì người đời cứ cho là trí, cũng được oai thế nhiều danh thơm tiếng tốt. Mặc dù già nua, xấu xí nhưng cũng có phụ nữ trẻ đẹp yêu mến, cận kề người ấy”.

Bấy giờ, Đăng-chỉ giàu sang trở lại Vua A-xà-thế liền hạ lệnh cho người đến thâu bảo vật đó, nhưng chỉ là một thây chết họ ném lại trong nhà. Nhưng xác chết biến lại thành vàng thật, Đăng-chỉ biết vua muốn được bảo vật này, liền lấy đầu, tay, chân bằng vàng đem dâng cho vua. Nhà vua được vàng rồi hồi cung. Sau đó Đăng-chỉ suy nghĩ nói kệ:

Ngũ dục quá dễ động

Như điện, nọc độc trùng

Vinh hoa chẳng bền lâu

Mau sinh tâm nhàm chán.

Đăng-chỉ lấy chân bảo bố thí cho mọi người, rồi xuất gia cầu đạo theo giáo pháp Như Lai, tinh tấn tu tập chứng A-la-hán. Tuy đắc đạo quả nhưng cái xác bằng vàng thường theo bên ngài. Một hôm, có một vị Tỳ-kheo hỏi Phật:

– Thưa Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Tỳ-kheo Đăng-chỉ từ khi sanh đến nay có ngón tay phát sáng? Vì nhân duyên gì phải chịu cảnh nghèo khốn? Và vì nhân duyên gì mà có thây bằng vàng thường theo bên ngài?

Phật bảo:

– Này Tỳ-kheo, hãy chí tâm lắng nghe! Ta sẽ vì ông nói túc duyên đó.

Vào thời xa xưa, Tỳ-kheo Đăng-chỉ sinh tại nước Ba-la-nại, trong gia đình đại trưởng giả. Đăng-chỉ lúc còn nhỏ lấy xe ra ngoài dạo chơi chiều tối mới trở về thì cửa nhà đã đóng, bèn gọi lớn: “Mở cửa!…” nhưng không một ai ra mở cửa. Một hồi lâu người mẹ mới ra mở cửa cho tiểu nhi. Nó giận dữ mắng người mẹ rằng: “Cả nhà đi vác thây chết rồi hay sao! Hay là bọn cướp đến giết cả rồi! Mà chẳng có mạng nào ra mở cửa cho tôi”. Do nghiệp duyên đó nên Đăng-chỉ chết đọa địa ngục, khi sanh trở lại làm người dư báo ở địa ngục còn lại, phải thọ lãnh cảnh nghèo khổ ấy. Còn chuyện ánh sáng ngón tay và thây chết bằng vàng ta nói cho ông nghe:

Thời quá khứ 91 kiếp có một vị Phật hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi Phật Tỳ-bà-thi nhập Niết-bàn, pháp trụ mãi ở đời. Bấy giờ, Đăng-chỉ là một đại trưởng giả. Gia đình rất giàu có. Một hôm, Đăng-chỉ đi chùa tháp để cung kính lễ bái, nhân thấy một pho tượng bằng đất gãy rớt một ngón tay. Đăng-chỉ lượm ngón tay sửa lại và lấy vàng lá thếp lên pho tượng, và phát nguyện: “Ta sẽ lấy hương hoa, kỷ nhạc để cúng dường, rồi nhờ công đức tu sửa tượng nương theo công đức ấy ta nguyện: Nếu sanh thiên hay làm người được ở chỗ tôn quí giàu có; còn giả như rơi rớt trở lại vẫn được như vậy. Rồi giúp ta vào trong giáo pháp Như Lai xuất gia đắc đạo”. Vì Đăng-chỉ tu bổ ngón tay Phật nên được ngón tay có ánh hào quang và tử thi toàn vàng. Còn do ác khẩu khi ra khỏi địa ngục bị quả báo bần cùng.

Khi Đức Phật thuyết kinh về chuyện Đăng-chỉ, có chư thiên, nhân dân tung rải các loại hoa, tấu nhạc trời. Chư thiên cúng dường xong lại trở về thiên cung. Đó là nhân duyên đối với hình tượng chỉ gieo trồng một ít phước nghiệp mà còn được phước báo, cho đến quả vị Niết-bàn; tu sửa hình tượng còn như thế huống gì là Pháp thân của Như Lai? Đối với giáo pháp Như Lai mà tu hành như lời chỉ dạy, thì công đức đó không hạn lượng. Nếu muốn sinh Thiên, hay muốn làm người thọ hưởng những hạnh phúc, thì phải chí tâm lắng nghe pháp. Còn Đăng-chỉ thọ quả báo đại khổ là vì chuyện ác khẩu. Phải nên sợ mọi thống khổ, xa lìa ác khẩu, các bất thiện nghiệp, hãy noi theo những điều đó. Tất cả người đời vinh hoa phú quí và tham lam không biết đủ, còn chư thiên nơi tôn quí không cần hỷ lạc. Nên biết bần cùng là hội tụ đại khổ, muốn đoạn bần cùng thì không nên tham lam. Như lời trong kinh dạy: Người bần cùng là đại khổ.

    Xem thêm:

  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Thích Huệ Hưng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Duy Lực dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Nhân - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 19 - Kinh Tạng
  • Kinh Hoa Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Những Điều Trái Nghịch Của Ma - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 18 – Chọn Bạn Kết Giao - Kinh Tạng
  • Những Nghi Vấn Về Pháp Môn Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 3 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng