1
2
3
4
5
6
7

6. Phẩm Niệm Xứ Thứ Sáu

Phật bảo ngài Bạt Ðà Bà La rằng, vào một thời trước kia có những người thiện nghĩ thế này, chúng ta phải y theo tứ niệm xứ (1) tu tập. Tứ niệm xứ là trong Thánh pháp bao gồm tất cả các pháp nên gọi là niệm xứ. Tại sao như thế? Vì các pháp tự tánh thường hằng không hoại. Pháp niệm xứ là chỗ trụ của cửa vào đầu tiên, đến cửa bát chánh đạo (2) và ba cửa giải thoát (3). Cửa giải thoát là lấy pháp bất nhị (4), xa lìa hai bên được giải thoát thánh trí. Pháp bất nhị là pháp vô sở hữu. Vì vô sở hữu nên vô tận, gọi là chánh kiến, xa lìa cả hai bên. Gọi hai bên tức là từ không không có cái chân thật vậy.

Này Bạt Ðà Bà La, ông nên biết rằng Như Lai không đem chỗ thấy một bên mà xa lìa một bên. Vốn không có một bên nên nói xa lìa hai bên. Chư Phật Thế Tôn lìa tất cả pháp; kiến chấp kẻ trí không giống như người phàm phu.

Này Bạt Ðà Bà La, cầu thấu triệt chân tướng của pháp thì bất khả đắc nên phải xa lìa. Pháp vốn hư vọng không được không mất. Này Bạt Ðà Bà La, do nghĩa này nên trước kia có vị trời đến hỏi ta rằng:

– Sa môn vui mừng chăng?

– Ta đáp: tôi được pháp gì mà có sự vui mừng ư?

– Vị trời lại hỏi: không ưu tư chăng?

– Ta lại đáp: có mất pháp gì mà có sự lo lắng ư?

– Lại hỏi nữa rằng: không mừng không lo chăng?

– Ta đáp: như vậy.

– Trời nói: hay thay, không mừng, không lo !

– Ta lại hỏi vị trời: ngươi có hiểu ý ta muốn nói gì không?

– Trời đáp: tôi nghĩ sa môn ở chỗ an ổn vắng lặng.

Này Bạt Ðà Bà La, ông xem vị trời kia chóng được pháp của ta chăng? Vị trời thuở đó, nay trong hội này biết tất cả các pháp bổn tánh vắng lặng, nên biết rằng vị trời kia xưa đã từng cúng dường 500 đức Phật, nên đối với trong giáo pháp ta thông đạt một cách mau chóng. Vì thế Phật nói không gieo thiện căn hay thiện căn chưa thuần thục thì pháp Thanh Văn còn chưa hiểu nổi, huống gì là giáo pháp của ta mà chóng thông đạt ư?

Này Bạt Ðà Bà La, người nào nghe pháp như đây mà có thể thông đạt được liền, nên biết là đã có gieo trồng chút ít công đức lành với một nghìn đức Phật rồi. Tại sao lại như thế? Vì thiện căn sâu rộng có thể đạt được trí huệ vi diệu.

Lúc đó Bạt Ðà Bà La Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Ðạo Sư Bồ Tát, Tinh Ðắc Bồ Tát, Na La Ðạt Bồ Tát, Ðế Thiên Bồ Tát , Thủy Thiên Bồ Tát, Thiện Lực Bồ Tát, Ðại Ý Bồ Tát, Ích Ý Bồ Tát, Tăng Ý Bồ Tát, Bất Hư Kiến Bồ Tát, Thiện Trụ Ý Bồ Tát, Quá Lực Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát… 500 vị Bồ Tát như thế, mỗi vị đem rải hoa cúng dường đức Phật và bạch rằng, bạch Thế Tôn: nếu có chúng sanh cầu được các kinh này mà được nghe chắc chắn đều được đạo Bồ Ðề. Vì nhân duyên như thế nên mười phương chư Phật hiện tại được thỉnh trụ lâu ở đời để thuyết pháp, làm cho họ được đầy đủ các pháp trợ đạo Bồ Ðề (5).

Lúc bấy giờ Phật hỏi ngài Bạt Ðà Bà La, chúng sanh đối với các ông có những lợi ích gì mà phát đại nguyện thỉnh Phật trụ lâu ở đời thuyết pháp làm cho họ đầy đủ trợ đạo Bồ Ðề? Ngài Bạt Ðà Bà La bạch Phật rằng, thưa Thế Tôn, con không nghĩ rằng đem chỗ chúng sanh làm tổn hại hay lợi ích cho con mà phát đại nguyện. Những chúng sanh này làm lợi ích cho con là làm cho Phật Pháp tồn tại ở đời. Ðối với con có tổn hại, song Phật pháp không tồn tại thì chư Bồ Tát cũng không phát đại nguyện như thế. Cũng như Thế Tôn, lúc cây Ba Lợi Chất Ða, hoa lá Câu Tỳ Sa sung thạnh, các vị trời Ðao Lợi thấy hoa lá sum sê, tâm rất hoan hỷ ở dưới gốc cây, với năm thứ dục lạc tự được thỏa mãn. Thưa Thế Tôn, các vị trời Ðao Lợi đối với cây chúa này bị tổn thương hay có lợi gì mà khiến cho tâm chư thiên sanh ra ưa thích đến dưới gốc cây để thỏa mãn 5 món dục lạc (6); khi trông thấy cây liền được vui mừng vô kể. Chư Bồ Tát cũng thế, không lấy việc chúng sanh làm lợi hay thương tổn mà phát đại nguyện trang nghiêm. Chư vị Bồ Tát chỉ nghĩ rằng, lúc nào phải đạt được trí huệ Phật làm chỗ nương tựa cho vô số chúng sanh trong 10 phương thế giới; như cây thiên thọ kia nở hoa trùm khắp niềm vui của chư thiên, làm cho chúng sanh lấy pháp ngũ căn của Phật tự vui với các thiện pháp. Như cây chúa cõi trời ấy, chư thiên ở dưới gốc tự vui thích 5 món dục lạc.

Lại nữa, thưa Thế Tôn: lìa chúng sanh mà phát nguyện trang nghiêm chẳng còn có chúng sanh; cũng như lìa cái NGÃ vậy. Lìa pháp mà phát đại nguyện chẳng còn các pháp, lìa ấm (7) mà phát đại nguyện chẳng còn các ấm, lìa giới mà phát đại nguyện chẳng còn giới, lìa nhập mà phát đại nguyện chẳng còn các nhập.

Bạch Thế Tôn, trong các pháp trang nghiêm ấy không có các quả, hễ trang nghiêm phải lìa hết. Do cái quả không, nên đối với các pháp không thủ không bỏ mà phát đại nguyện. Bạch Thế Tôn, không có tướng trang nghiêm như thế, ấy là chỗ trang nghiêm; chỗ trang nghiêm đều bất khả đắc. Bạch Thế Tôn, nếu còn sở đắc là còn NGÃ; cho nên Bồ Tát, không nhận hoặc NGÃ hay VÔ NGÃ. Nếu nhận vô ngã có ngã chấp, không gọi được là Vô ngã, vô thọ nhận. Thưa Thế Tôn, do cái nghĩa đây mà phát nguyện trang nghiêm ở thế gian này, nên trong lời đại nguyện không còn tướng bỉ thử (8) nữa.

– Phật hỏi Bạt Ðà Bà La rằng: phát nguyện như thế có lợi gì?

– Ðáp: thưa Thế Tôn, con phát đại nguyện không thấy có phàm phu và pháp để học.

Ðối với cái NGã phải lìa, Phật Pháp nên gần gủi. Con cũng chẳng thấy Phật Pháp như thế là Phật Pháp. Thưa Thế Tôn, con phát đại nguyện không còn thấy có chỗ lợi hại. Vì còn thấy như thế là đối với các tướng thế gian.

Lúc bấy giờ chư vị Bồ Tát đều rãi hoa và hiện thần thông dạo khắp 10 phương cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sanh làm cho Phật Pháp trường tồn.

7. Phẩm Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân Thứ Bảy

Lúc bấy giờ ở phương Ðông cách thế giới này vô số cõi có một thế giới tên là Tướng Ðức Tụ, đức Phật hiệu là Vô Tướng Âm hiện đang thuyết pháp, vì Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát mà thọ ký đạo vô thượng Bồ Ðề. Phật bảo vị Bồ Tát đây kế ta sẽ thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Lúc đó Bồ Tát thấy ánh sáng rực rỡ, nghe âm thanh rõ ràng, bèn bạch Phật rằng: thưa Thế Tôn, Phật phóng quang và âm thanh gì thế?- Phật đáp: ở phương Tây cách đây vô số cõi, có một thế giới tên là Ta Bà, có đức Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni hiện đang phóng quang và âm thanh ấy. Phật Thích Ca nay vì Bồ Tát mà thuyết pháp để đoạn nghi cho chúng sanh, làm cho họ hoan hỷ trong kinh tạng Ðại Thừa, là chư vị Bồ Tát đã thành tựu vô lượng công đức trang nghiêm. Lúc đó Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát bạch rằng: thưa Thế Tôn, con muốn đích thân đến cõi Ta Bà cúng dường lễ bái đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chúng đại Bồ Tát. Vì sao thế? Vì các bậc đại sĩ khó có thể gặp được huống gì là thân cận. Phật bảo: ông nên biết thời. Lúc đó Bồ Tát đã hứa muốn nghe, nên từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật rồi đi nhiễu bên phải. Lúc đó Phật Vô Tướng Âm đưa cho Bồ Tát một cành hoa sen và bảo rằng: ông đem hoa này dâng cúng đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong hoa thấy có đức Phật Vô Tướng Âm vì Bồ Tát tu các công đức, hoa liền hiện ở thế giới Ta Bà làm cho chúng sanh đều trông thấy rõ. Lúc đó Bồ Tát nhận hoa từ Phật rồi thân đến cõi này. Lúc bấy giờ cõi Ta Bà này có những cây cối, hoa lá, hạt trái cho đến cuống ngọn đều nằm trong tay của Phát Tâm, tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát, hiện ra vì các chúng sanh mà phát thành tiếng vang ra pháp âm vô thường, khổ, không, vô ngã; những pháp âm như căn (ngũ căn), lực (ngũ lực), giác chi, bát chánh đạo, thiền định, giải thoát tam muội…

Lúc bấy giờ Xá Lợi Phất bạch Phật rằng, bạch Thế Tôn: nay con được thấy đại thần thông lực của Phật. Phật bảo Xá Lợi Phất, không phải do ta làm ra mà từ phương Ðông cách đây vô số cõi, có một thế giới tên là Tướng Ðức Tụ, Phật hiệu là Vô Ttướng Âm hiện đang thuyết pháp, có Bồ Tát tên là Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân từ cõi Phật kia đến thế giới này, là lực thần thông, quả báo và bổn nguyện của Bồ Tát ấy.

Xá Lợi Phất bạch Phật, bạch Ðức Thế Tôn: Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát trong đời quá khứ đã gieo căn lành gì mà có thần lực quả báo như vậy? Phật bảo Xá LợI Phất: Lành thay! Lành thay! Ông dùng thần lực của Phật hỏi Như Lai. Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ tát từ đời quá khứ đã gieo căn lành Phật chủng, nay ông nên nhứt tâm lắng nghe cho kỹ; vị Bồ Tát này ở đời quá khứ đã gieo trồng gốc công đức rồi. Ðối với mười phương chư Phật ngồi đạo tràng từ lúc mới thành Phật, lúc đó Phát Tâm Bồ Tát hoặc làm Phạm Vương hoặc làm Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc làm tiên nhơn có ngũ thông (8) thân đến đạo tràng cúng dường chư Phật, thỉnh Phật chuyển pháp luân nhiều hoặc ít.

Xá Lợi Phất, ta lúc mới thành đạo vô thượng, có vị trời Phạm Thiên Vương đến thưa rằng: cúi mong Thế Tôn chuyển bánh xe pháp đến chúng sanh trong đời quá khứ đã hành thâm pháp lành có căn trí mẫn lợi có thể hiểu được ý Phật, nếu chẳng nghe pháp thì hoàn toàn mất hết lợi ích.

Xá Lợi Phất, Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát cầu thỉnh chư Phật nói pháp; công đức này hoàn toàn không có tạo tác mà Bồ Tát chỉ thỉnh Phật nói pháp thôi. Này Xá Lợi Phất, nay ta phải dùng thí dụ để chứng minh nghĩa này. Kẻ trí nhờ thí dụ đây mà hiểu rõ. Giả sử ba nghìn cõi đại thiên thế giới, một trăm ức mặt trời, mặt trăng, bốn trăm ức biển lớn, một trăm ức bốn châu thiên hạ, bốn trăm ức cõi thuộc các tiểu quốc trong bốn châu, một trăm ức núi chúa Tu Di, một trăm ức núi Thiết Vi đều phát ra một thứ binh khí hoặc trong biển sâu đầy ắp những hạt nhỏ như hạt cải, hoặc hạt mè hay hạt gạo. Có một lực sĩ tận lực mang đi rãi khắp bốn phương, có gió thổi mạnh làm cho hạt cải rơi vào một thế giới khác. Ý ông nghĩ sao? Những hạt cải ấy rơi vào thế giới kia có nhiều chăng?

Thưa Thế Tôn: rất là nhiều vô lượng không thể tính kể hết được.

– Này Xá Lợi Phất, ta nay vì ông giải rõ việc này. Những hạt cải đã rơi vào thế giới ấy hợp thành một loại khí giới tung ra cũng rộng lớn như vậy. Tường vách của thế giới kia thật kiên cố mà chất khí loại này nhiều như số hạt cát, nếu lấy đồ đong lường thóc gạo đo số cát ấy có nhiều chăng? Rất nhiều, nhiều không thể tính kể hết được, thưa Thế Tôn. Phật bảo: này Xá Lợi Phất, số cát ấy chỉ có thể biết được một ít, thì Bồ Tát đây cũng có thể thỉnh chư Phật đăng đàn thuyết pháp độ thoát khổ chúng sanh, không thể tính kể hết được. Những thiện căn này không thể nào hồi hướng hết được về đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lại dùng bảy loại châu báu kết vòng cho đức Phật rồi thỉnh Phật thuyết pháp số châu báu ấy thật là nhiều. Lại đem các loại hoa báu kết vòng trên đức Phật rồi thỉnh Phật nói pháp số hoa ấy cũng lại thật nhiều. Lại đem hương kết vòng lên đức Phật rồi thỉnh Phật thuyết pháp số vòng hương ấy cũng thật là nhiều, huống gì dùng vàng bạc tô vẽ chạm khắc trên gỗ cúng dường chư Phật, thỉnh Phật thuyết pháp, những việc làm thiện này cũng không thể nào hồi hướng hết được về đạo vô thượng Bồ Ðề mà chỉ có thể thỉnh Phật chuyển bánh xe pháp.

Lại này Xá Lợi Phất, về đời đức Phật hiệu là Quá Trí Lực, lúc đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương tên là Danh Văn uy danh chấn động đến cả đại thiên thế giới. Nơi hậu cung nhà vua có hoa viên với đầy đủ năm món vui chơi thỏa thích. Các cung nữ ca múa hát xướng hả hê theo năm món dục lạc, tự nhiên vang ra âm thanh của vô thường, khổ không, bất tịnh làm cho vua kinh sợ sanh tâm nhàm chán. Một hôm vua thân hành đến chỗ đức Phật Quá Trí Lực. Phật làm cho vua tự nhớ lại bổn nguyện từ trước đã có trồng căn lành rồi. Nhà vua nghe Phật nói bèn nghĩ thế này: chư Phật Như Lai trí huệ thật là hy hữu không thể sánh kịp làm cho ta được rõ thấu chỗ Phật gieo thiện căn. Ta vì tự thỏa mãn năm món dục che tâm, cai trị việc dân, việc nước ràng buộc, nên trước đây chưa từng biết rõ việc gieo trồng thiện căn nơi một đức Phật. Ta trước kia đã từng theo chư Phật gieo trồng các căn lành mà không hồi hướng về Phật đạo vô thượng nên thiện căn ấy rơi vào chỗ bất định. Ta nay phải tích chứa thiện căn vì đạo vô thượng và vì lợi ích chúng sanh, khi sanh ra ở đâu đều được dạo chơi nơi các Phật quốc. Trong các cõi ấy chúng sanh phát ra tiếng đều là vô thường, khổ không và vô ngã; cũng như các thế giới cây cỏ, lùm rừng, hoa lá, hạt trái đều phát ra tiếng vô thường, khổ không, vô ngã. Ta đem căn lành này họp với chúng sanh nên được trí huệ như Phật Quá Trí Lực đã được hiện nay. Nghĩ như thế rồi ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật mà nói thế này, thưa Thế Tôn: tôi nay đem tất cả sở hữu dâng cúng Phật và Tăng, mong Phật nạp thọ. Cúng dường Phật xong nhà vua xuất gia hành đạo. Tứ binh nghe vua xuất gia cũng xuất gia theo và hơn 40 cung nữ cũng đều xuất gia; cùng 80 ức vô số người khác cũng đều theo gót nhà vua mà xuất gia. Ðức Phật Quá Trí Lực làm cho bốn chúng càng thêm phát triển; những người xuất gia đều chứng được phép ngũ thông. Mỗi vị dùng thần lực đi đến phương Ðông có vô số cõi Phật khuyến thỉnh chư Phật ngồi đạo tràng, chuyển pháp độ chúng sanh. Các phương Nam, Tây, Bắc, đông Nam, tây Nam, đông Bắc, tây Bắc, thượng phương, hạ phương khuyến thỉnh hằng sa vô lượng chư Phật chuyển pháp độ chúng sanh cũng đều như vậy. Vua Danh Văn Lực từ đó về sau không còn thọ thai nữa, cũng không sanh vào cõi bất tịnh, thường dạo chơi ở các thế giới mà trong đó chúng sanh, cây cối, lùm rừng đều phát ra tiếng vô thường, khổ không, vô ngã.

Này Xá Lợi Phất, ông có nghĩ rằng khi vua Danh Văn Lực trong đời Phật Quá Trí Lực nghe được đời trước của mình đã gieo căn lành nên xuất gia hành đạo, chứng được năm phép thần thông, dạo chơi mười phương vô số cõi nước, khuyến thỉnh chư Phật chuyển hoá giáo pháp độ thoát chúng sanh đâu phải người nào lạ mà nay chính là Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát không.

8. Phẩm Hiện Biến Thứ Tám

Lúc bấy giờ Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát đến thành Vương Xá nơi Trúc Viên đãnh lễ dưới chân đức Phật xong, ngồi qua một bên và bạch Phật rằng, Phật Vô Tướng Âm thăm hỏi đức Thế Tôn có được ít bịnh, ít phiền, chỗ ở có được an ổn, khí lực có điều hòa không? Ngài đưa hoa sen này dâng lên đức Thế Tôn. Phật nhận hoa xong, liền hỏi Bồ Tát rằng, Phật Vô Tướng Âm có được an ổn không và khéo giáo hóa chúng sanh chăng?

– Ðáp: thưa Thế Tôn, Phật Vô Tướng Âm khí lực vẫn khỏe mạnh, chúng sanh dễ độ. Tại sao thế? Vì ở thế giới kia đại chúng hòa hợp nhờ có bốn pháp thanh tịnh. Bốn pháp ấy là gì?

1- Căn lành thanh tịnh vì đạo Bồ Ðề

2- Giới đức thanh tịnh do chính mỗi người tự phát nguyện

3- Chỗ thấy biết thanh tịnh, vì không còn chấp các pháp

4- Chỗ quán xét thanh tịnh, vì không chấp tướng.

Bạch Thế Tôn, đại chúng ở đó không phá các giới cấm, không bỏ những oai nghi; cũng không ba lần bỏ tên của giới cấm. Chúng sanh cõi ấy quán xét chúng sanh ở thế giới này như bị ngục tra tấn, nay con cầu thỉnh mong Như Lai đến cõi Ta Bà. Lúc đó Phật bảo: thôi đi thiện nam tử, đến cõi kia để làm gì? Nay ta ở đây cũng hóa độ được chúng sanh vậy. Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát ân cần ba lần thưa thỉnh mong Như Lai đến cõi Ta Bà. Nếu Phật không quang lâm, con phải dùng thần lực quả báo đón Ngài ở cõi này trong một khoảnh khắc (tích tắc) trong hư không sẽ phân thân đến cõi kia. Lúc đó Phật lặng yên lắng nghe Bồ Tát hiện sức thần thông tự tại, muốn làm cho chúng sanh đầy đủ căn lành, cũng làm cho họ có đủ lực tri kiến. Lúc bấy giờ Bồ Tát Chuyển Pháp Luân liền dùng tay phải nắm gọn ba ngàn đại thiên thế giới cũng như người thợ nặn dùng gậy quay vòng cầm nơi tay mà đi. Lúc đó Xá Lợi Phất biết cõi tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động mạnh, nên bạch Phật: thưa Thế Tôn, cầm nắm thế giới này cùng với chúng ta đồng đi.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn khéo dùng từ tâm nói lời dịu dàng hòa nhã làm cho tâm đại chúng hoan hỷ, đầy đủ tuyệt vời không cao không thấp, thuần tịnh không loạn để hiểu rõ được nghĩa thú. Phật bảo Xá Lợi Phất rằng, nếu không do ta phát ra tiếng thì âm thanh không thể nào nghe thấu đến cõi đại thiên thế giới. Lúc ấy có những chúng sanh tham trước ngã chấp, nhân vì chấp có, lấy làm hốt hoảng nên được tâm xa lìa. Còn bốn chúng khác chỉ trông thấy Phật, Bồ Tát vây quanh thuyết pháp, như vua Chuyển Luân ngồi chỗ an ổn, như Ðại Phạm Vương trong chúng Phạm Thiên. Lúc đó Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát đều nắm gọn 10 phương vô lượng thế giới trong tay làm cho nhóm lại một chỗ để chỉ rõ cho chúng sanh.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng thần thông lực làm cho gió lớn thổi các thế giới chạm vào nhau vỡ tan thành từng mãnh vụn và tan nát cả. Phật hiện thần thông khiến các vua Ðại Phạm và trời Phạm thiên lúc nghe pháp thường không mất. Cõi Phạm Vương và cung điện của họ nay thấy đều tan nát hết, họ rất lấy làm sợ hãi nên sanh tâm xa lánh. Mỗi vị nghĩ như vầy: các cung điện này trước đây chúng ta tạo dựng nên mà nay hình tướng đều hoại diệt, như sóng dợn đập vào bờ, bọt nước tan biến. Khi nước khô cạn, mặt trời chiếu rọi, gió thổi làm mòn rồi tan biến, tướng vô thường của chúng ta đây cũng vậy, nên tất cả đều một lòng lo sợ chấp tay lễ Phật.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất rằng, ta từ trước đến nay vì ông mà nói cõi thế gian hư vọng không chân thật. Ví như có người tranh cãi với hư không, thế gian cũng thế, chỉ là do tưởng nghĩ phân biệt mà có, không bền chắc, cũng như bọt nước tụ lại rồi tan. Thế gian hư huyễn (giả dối), lừa dối chúng sanh. Thế gian như lửa cháy, không thật tướng, do không trừ khát ái mà ra. Thế gian như bóng hình không nắm bắt được. Thế gian như tiếng vang lừa dối tạo thành nghiệp. Nếu thế gian như thật tánh thì không điên đảo.

Này Xá Lợi Phất, ta ngồi đạo tràng rõ thật thông suốt biết thế gian là tướng trống rỗng, vô sở hữu, không chỗ nương tựa; do cái không ngăn che mà được tướng thế gian. Này Xá Lợi Phất khi ta vốn chưa biết mùi vị thế gian nên ra khỏi hoạn họa của thế gian, không tự cho rằng ta đắc Phật đạo. Khi ta đã biết thật tướng thế gian và sự tập hợp của thế gian; biết thế gian diệt và diệt đạo thế gian, nên tự xướng rằng ta được Phật đạo.

Này Xá Lợi Phất, tại sao gọi thế gian lại là thế gian? Vì thế gian bị ngũ ấm (9) ngăn che. Ngũ ấm là gì? Ngũ ấm là sắc – thọ – tưởng – hành – thức vậy. Này Xá Lợi Phất, sắc ấm là gì? Như có chúng sanh suy nghĩ như vầy: trong quá khứ không có tên là sắc, hiện tại, vị lai không có tên là sắc. Vì thế, Phật bảo các sở hữu là sắc, hay trong quá khứ, hiện tại, vị lai, ở trong, ở ngoài, thô hoặc tế, tốt hay xấu, gần hay xa đều gọi là sắc ấm, song sắc ấm ấy không thật tướng. Cũng như hư không, gió, lửa, đất, nước… cũng chỉ có cái tên thôi. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Do các nhân duyên này nên nói có các ấm như thế.

Này Xá Lợi Phất, phàm phu ngu muội, tham đắm cái thân không biết đó là sắc tướng, cho hình sắc là ta, là sở hữu của ta. Do chấp tướng phân biệt nên sanh tâm đắm nhiễm, thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế. Này Xá Lợi Phất, ta thành đạo ở trong đây, không gọi có, cũng không gọi không nên được pháp nhãn (10). Phàm phu không có pháp nhãn, sanh tâm khát ái nên pháp ấy tán hoại sanh ra lo phiền. Thì ra, những ai tham đắm càng dày thì càng bị mất hút trong đó, càng tăng thêm ngu muội, tạo nghiệp chồng chất, chẳng khác nào dùng đá, gậy, dao, chất nổ, các loại binh khí làm hại lẫn nhau. Người ngu tạo các nghiệp tội cũng thế, Như Lai thấu suốt các pháp bình đẳng, thấy biết bình đẳng nên nói điều chánh kiến. Gọi là chánh kiến, vì bình đẳng chánh trực, không có cao thấp; hành đạo chân chánh, tu tập chân chánh, giải thoát chân chánh… đạt được cái thấy như thế gọi là chánh kiến. Này Xá Lợi Phất, Phật nói chánh kiến không thể dùng lời mà nói với các Thầy, nên tùy thuận đúng như thuyết tu hành. Này Xá Lợi Phất, các Thầy nên theo như pháp ấy mà tu tập được vô lượng vô biên trí huệ. Ðó là một trong tám vạn bốn nghìn pháp môn. Dù chưa khởi tạo tác hay chẳng tạo tác các tướng, lúc Như Lai thuyết pháp môn này có bảy vạn bảy nghìn na do tha các vua trời Phạm Thiên lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh; và vô số người cũng trong pháp này mà xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Trong cõi Diêm Phù Ðề có trăm ức, trăm nghìn vạn ức chúng Bồ Tát đều do nơi pháp hội này mà được pháp vô sanh nhẫn (11). Ngoài ra còn vô số chúng sanh đều phát tâm cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn thâu nhiếp thần lực, bốn bộ chúng: Phạm Thế, Phạm Trụ, Phạm Chúng, Chư Thiên; và trong cõi dục, trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn… đều thấy thân mình hoàn lại thế giới này.

9. Phẩm Như Lai Lực Thứ Chín

Lúc bấy giờ Mục Kiền Liên từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai bên hữu, chấp tay hướng về Phật bạch rằng: bạch Thế Tôn, một việc chưa từng có, Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát có đại thần lực tiếp xúc với cõi tham nhẫn (Ta Bà) này, và nương thần lực Như Lai ở thế giới khác.

Bạch Thế Tôn, con đã đến cõi kia và trở lại cõi này, lúc đó con thần còn chẳng có huống nữa có thông. Con bèn nảy ra ý nghĩ: vị đại Bồ Tát này có đủ đại thần thông rước con trở về lại, nên hoàn toàn chẳng biết gần xa, mau chậm là gì cả. Con lại nghĩ rằng, vị Bồ Tát này hiện thời chưa thành Phật mà còn có thần lực, huống gì thành Phật ư? Phật bảo Mục Kiền Liên rằng, ông muốn nói Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát có thể tiếp xúc với Như Lai rồi trở lại đây chăng? Chớ nghĩ như thế. Tại sao vậy? Vì ta không thấy có sa môn, bà la môn, A La Hán, Bích Chi Phật, và những chúng sanh khác như: trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn động tới một góc y của Như Lai, huống gì tiếp xúc đưa đến thế giới khác, và trở lại cõi này. Không có việc đó Mục Kiền Liên. Giả sử đem cõi thế gian này đặt hết thảy trời, người ở cõi ba nghìn đại thiên thế giới có chúng sanh, có sắc, vô sắc, có tưởng, vô tưởng, chẳng có tưởng, phi vô tưởng, có thể trông thấy hay không trông thấy, trong chốc lát liền được thân người; do niềm tin mà xuất gia đắc quả A La Hán có đủ sáu phép thần thông cũng giống như Mục Liên vậy. Ý ông nghĩ sao? Những chúng sanh ấy có trí lực thần thông như thế có vĩ đại không? Rất là vĩ đại, thưa Thế Tôn. Phật bảo Mục Liên rằng, hàng A La Hán đây tay tiếp xúc với cõi ba nghìn đại thiên thế giới, dạo đi khắp mười phương vô số quốc độ, cũng như Như Lai lấy một hạt cải đặt trong hư không thì, đại thần thông của A La Hán còn chưa động đến một mảy may.

Này Mục Liên, vã lại đem đại thần thông này làm cho một người có đại thần lực thì, Phật nghe người ấy có thể dùng một cái thổi thổi bay cả đại thiên thế giới làm cho tan tác như các vi trần tan biến ra thành vô số thế giới khác nhau; cũng như dùng cái thổi làm cho các vi trần hoàn trở lại trong ba nghìn đại thiên thế giới. Này Mục Liên, ý ông nghĩ sao? Người kia có đủ đại thần lực chăng? Ðầy đủ đại thần lực, thưa Thế Tôn.

Này Mục Liên, giả sử có người đạt được đại thần thông lực như thế đầy khắp trong ba nghìn đại thiên thế giới như cây cỏ, lúa mè, lùm rừng đồng nhứt tâm có thần lực, còn chưa động đến được một góc y của Như Lai, huống là đem Như Lai để ở thế giới khác rồi hoàn lại như cũ ư? Này Mục Liên, ta chia chỗ ngồi này có thể di động đến vô lượng vô biên a tăng kỳ cõi (12) ở phương Ðông không thể nghĩ bàn mà chúng sanh ở đó phần nhiều đều không tự giác, còn niệm vãng lai. Những chúng sanh ấy không biết việc thành bại và sự tan hoại của thế gian. Này Mục Liên, ông nên biết rằng, thấy Như Lai có thần lực, vì để tùy thuận chúng sanh mà thuyết pháp. Hoặc có chúng sanh được thấy thân Phật mà được độ thoát, hoặc có chúng sanh được thấy thân trời mà được độ, hoặc có chúng sanh được thấy thân rồng mà được độ, hoặc có chúng sanh được thấy thân dạ xoa, càn thát bà, khẩn na la, ma hầu la dà mà được độ. Hoặc được thấy thân nam tử, thân nữ nhơn mà được độ hoặc được thấy thân lớn, thân nhỏ mà được độ. Này Mục Liên, Như Lai có thần lực vô sở úy do thần thông tự tại, ông nên biết đều thâu nhiếp trong kinh này. Cho đến các phương Nam, Tây, Bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng, hạ phương cũng đều như thế. Này Mục Liên, nếu ông thấy được chỗ hành của Như Lai và đại thần lực của Như Lai không còn hỏi đáp nữa.

Này Mục Liên, ta dạy A Nan môn đà la ni là để thọ trì mười hai bộ kinh (13) như Tu Ða La, Kỳ Dạ, Xà Dà La Na, Dà Ðà Ưu Ðà Na, Ni Ðà Na, A Ba Ðà Na, Y Ðế Mục, Ða Dà, Xà Ða Dà, Phương Quảng, Vị Tằng Hữu, Ưu Bà Ðề Xá khiến cho không quên mất mà nay A Nan còn chẳng biết thần lực của Như Lai. Tại sao thế? Vì Phật dùng mỗi lời, mỗi chữ, mỗi câu… hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật hoặc trong một kiếp hay trong trăm ngàn muôn ức kiếp, cho đến trong vô số a tăng kỳ kiếp còn chưa thể đọc tụng, thọ trì, suy lường, diễn thuyết hết, huống gì biết được Như Lai dùng đại thần thông lực, không thể nào hiểu được.

Này Mục Liên, Như Lai tùy theo mỗi loại nhân duyên, các oai nghi, các cửa đạo môn mà thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Chỉ lúc Như Lai mặc y, tất cả hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật còn chưa có thể biết được sự lợi ích đến bao nhiêu chúng sanh là nên nói pháp gì, huống gì có thể biết rõ được chỗ hành của Như Lai, thần thông và trí tuệ của Như Lai không thể nào biết hết được vậy.

Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nhận hoa sen từ tay Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát xong, bảo Bạt Ðà Bà La Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Ðạo Sư Bồ Tát, Tinh Ðắc Bồ Tát, Na La Ðạt Bồ Tát, Ðế Ðắc Bồ Tát, Thủy Thiên Bồ Tát, Thiện Lực Bồ Tát… rằng, những vị Bồ Tát đây ở đời sau sẽ là những vị hộ trì chánh pháp. Này chư thiện nam tử, các vị nên giữ gìn kho tàng giáo pháp của Phật, phải khéo tin hiểu chỗ thực hành của Như Lai mà diễn thuyết. Mong thay Thế Tôn, chúng con đều có thể. Phật bảo: các vị kể từ nay, nếu có nói điều chi trước phải xét chỗ thực hành của Như Lai để thấu rõ ý thú các pháp môn, rồi sau mới nói. Như có người hỏi: thế nào mới được gọi là đầy đủ Phật trí, các vị phải y theo các bộ kinh trên. Trước hết phải quán xét chỗ Như Lai thực hành, rồi sau mới đáp. Hoặc các vị nghe nói tới nhiều pháp môn đều phải quán xét cốt tủy thực hành của Như Lai. Phải quán xét như thế và phải nói pháp như thế… Các vị hoặc thấy chỗ thực hành của chúng sanh cũng nên quán xét tạng giáo pháp của Như Lai. Vì chúng sanh có hành như thế Phật mới đem chỗ hành ấy chuyển dứt trừ nghiệp. Chúng sanh thực hành có 9 vạn 9 ngàn các căn chẳng đồng nên Như Lai biết rất rõ; phần nhiều người có căn tham dục, căn nóng giận hay đa phần có căn si mê. Tương tự như người đa dục có căn tham muốn nhiều, người nóng giận nhiều có căn sân, người si mê nhiều có căn si mê. Người tham sân nhiều có căn tham sân, người tham si nhiều có căn tham si, người giận dữ si ám nhiều có căn giận si; người nhiều tham – sân – si đều có căn như thế. Các căn ấy có thể được thanh tịnh nhờ đạo khai mở. Các căn như thế từ gốc duyên sanh, từ thực hành tu tập mà có. Như gây tạo nghiệp căn trở thành hắc nghiệp hoặc bạch nghiệp, hoặc cả hai. Các căn hợp đạo, thuận định và thuận huệ, là thuận trí hoàn toàn, thuận trí vô sanh là căn tuỳ thuận; rốt ráo trí vô sanh là căn thuận hợp chân lý. Này chư thiện nam tử ! trong đó có hai vạn các căn hòa hợp với nhân duyên đời trước khởi thành nghiệp, hoặc đen (xấu ác) hoặc trắng (thiện lành). Do các nghiệp duyên ấy mà có nhiều hình sắc hoặc đen hoặc trắng, không đen không trắng, hoặc thoát hoặc đọa. Những hình sắc như vậy có hai vạn căn, có thể sanh các thân hoặc dài, ngắn, thô hoặc tế, không thô không tế v.v… Có 20 vạn căn biểu hiện tướng bên trong hoặc hiện nơi mắt, tai mũi, lưỡi, hoặc nơi thân. Biết có tâm tham – sân – si như thế người ấy lìa tham – sân ­- si. Có ba vạn căn và nghiệp báo (14) sai biệt. Vì con người lúc chết tỉnh thức mê man, thân xác biến hoại, tay chân co quắp, các căn rã rời, mọi khớp xương đều lìa hẳn ra. Nhằm lúc ám khí xông lên biết đó căn sa vào địa ngục. Các căn như thế nào rơi vào súc sanh, các căn như thế nào ở trong loài quỉ đói; là căn sanh lên cõi trời, cõi người, căn sanh vào các cõi Phật được thấy chư Phật, là căn lìa sanh tử không còn thọ lại thân sau nữa. Có bảy vạn căn nhờ sức tin hiểu mà thu nhiếp được gốc lành. Có hai vạn căn nhiếp thu các pháp bất thiện mà lúc chết có thể biết rõ.

Này chư thiện nam tử, đó là Phật lực Như Lai nhờ thực hành tạng giáo pháp của Như Lai. Như Lai trụ trong đây mà diễn nói các pháp bất tăng bất giảm.

10. Phẩm Công Đức Thứ Mười

Lúc bấy giờ trong chúng hội có một vị Bồ Tát tên là Kiên Ý từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay cung kính bạch Phật: bạch đức Thế Tôn, con nhờ từ cửa này mà được pháp quang minh. Vì thế con phải tu pháp môn này cho được đầy đủ. Vì sao thế? Nay con phải phát nguyện trang nghiêm như vầy: tìm cầu và thực hành đầy đủ pháp này trọn không biếng trễ; ở đời vị lai được nghe giáo pháp của Như Lai.

Phật bảo Kiên Ý rằng, lành thay, lành thay ! Ông đã khéo cần cầu đại pháp của chư Phật trong vô lượng kiếp để tu tập. Này Kiên Ý, như trong ba nghìn đại thiên thế giới có những chúng sanh hoặc có hình hoặc vô hình, có tưởng, vô tưởng, chẳng có tưởng, phi vô tưởng nhứt thời mượn tạm mà được thân người. Nếu có người nam, kẻ nữ với lòng tốt cung cấp cho những chúng sanh ấy tất cả đồ vui thích đầy đủ, như tùy khả năng cấp cho sắc, hương, vị, xúc… tức là có thể chu cấp tất cả. Ðem những chúng sanh này để trong lòng bàn tay hoặc trong một kiếp hoặc chưa đầy một kiếp, và dùng tay kia xua tan những mùi hôi hám cho bay qua cõi khác.

Này Kiên Ý, ý ông nghĩ sao? Việc làm của người ấy như thế có lớn lao không? Rất lớn, thưa Thế Tôn. Này Kiên Ý, như có người phát tâm cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, trong lúc Phật còn tại thế hay sau khi Phật diệt độ có thể cầu các pháp trợ đạo Bồ Ðề như thế nơi các kinh tạng đại thừa. Nên nghĩ thế này: ta tu tập pháp đại thừa này vì chúng sanh mà nói để đoạn trừ tham – sân – si, lìa sanh, già, bịnh, ưu sầu khổ não. Lúc nguyện như thế, nếu gặp được kinh này một bài kệ bốn câu mà có thể đọc tụng, giảng giải cho chúng sanh, đem so với công đức trước trăm nghìn phần hay trăm nghìn vạn phần cũng không bằng được một, cho đến dùng thí dụ lại càng không thể nào so sánh. Vị Bồ Tát ấy vì nhân duyên cầu pháp mầu như thế, nên làm được nhiều việc lợi ích cho chúng sanh. Này Kiên Ý, việc ấy ai có thể tin, ai có thể hiểu rõ rốt ráo được chư Phật, nếu không phải là các hàng đệ tử của bậc Thánh, và những người phát tâm cầu Phật đạo, thì không thể nào tin hiểu nổi. Tại sao thế? Vì chư Bồ Tát lúc mới phát tâm vô thượng Bồ Ðề tự nguyện không nghĩ cứu chúng sanh mà làm việc cứu độ, không có đất liền tạo đất liền, không có người dẫn đạo tạo người dẫn đạo, nghĩ ta nên tu tập trí huệ của Phật theo pháp đại thừa này khiến cho vô số chúng sanh an trụ trong pháp vô lậu (15).

Này Kiên Ý, giả sử người ấy từ sáng đến tối đem các thứ châu báu chất cao như núi Tu Di (16) rồi cho những người khác giữa ban ngày, xế trưa, đầu hôm, cuối đêm dùng hết sức mình đêm ngày sáu thời (17) đem châu báu ấy cho khắp chúng sanh. Này Kiên Ý, ý ông nghĩ sao? Tâm của những chúng sanh kia có được thỏa mãn không? Ðược thỏa mãn, thưa Thế Tôn. Rồi cũng do đấy mà đọa vào ba đường ác. Bồ Tát nghĩ rằng, ta nên cần cầu pháp mầu vô thượng ban cho chúng sanh, làm cho chúng quán sát việc tích chứa châu báu trong ba nghìn đại thiên thế giới cũng như đờm dãi mà sanh lòng ghê sợ. Các bậc đại trí Bồ Tát quán sát châu báu đều là ba độc (18) gây ra phiền não cho chúng sanh, là gốc của sanh tử luân hồi khổ não qua lại trong loài người, ngạ quỉ, súc sanh, và địa ngục…

Tham cầu là gốc khổ, chứa giữ cũng là gốc khổ, oán ghét, kiện tụng dấy lên là gốc của những nghiệp tội. Bồ Tát nhân đây ở trong chỗ châu báu mà sanh tâm xa lìa; lại nghĩ thế này: đây không phải của báu kết tụ mà là sự chứa nhóm các sự khổ trong ác đạo, vì chúng sanh tham đắm nên đọa trong ba đường ác.

Này Kiên Ý, đem của cải chúng sanh trong ba nghìn đại thiên thế giới cho hết thảy chúng sanh ở các quốc độ trong 10 phương nhiều như số cát sông Hằng, hoặc có hình hoặc vô hình, có tưởng, vô tưởng, chẳng có tưởng, phi vô tưởng trong nhất thời tạm được thân người mà có người phát tâm muốn cho tất cả sự vui thích đầy đủ theo khả năng như cho sắc, thanh, hương, vị… đem cung cấp, hoặc đội trên đầu hoặc mang vác trên vai cho đến một kiếp hay chưa đầy một kiếp ngồi nằm tùy ý, cũng như lấy tay dọn sạch hôi hám đem bỏ ở nơi khác. Này Kiên Ý, ý ông nghỉ sao? Người này của cải có nhiều không? Rất nhiều, thưa Thế Tôn. Này Kiên Ý, nay ta bảo ông lời thật này: như có kẻ thiện nam, người tín nữ nào phát tâm vô thượng Bồ Ðề, cầu các pháp trợ đạo Bồ Ðề trong kinh tạng Ðại thừa như thế giở chân lên một bước phước đức không lường được, cho đến khi chứng được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng không thể nào hết được. So sánh với công đức trước trăm phần, nghìn phần, trăm nghìn vạn phần không bằng một phần, cho đến dùng thí dụ cũng không thể nào sánh bằng. Vì sao thế? Vì cái vui thích là nhân hữu lậu kết thành nên không thể lìa khổ được vui. Các bậc Bồ Tát vì nhân duyên cầu pháp làm tăng trưởng giới – định – huệ và thâm hiểu Phật pháp đầy đủ nên được vô lượng lực phương tiện không thể nghĩ bàn để thành tựu cõi Phật thanh tịnh cho chúng sanh. Vì thế, này Kiên Ý: Phật nói Bồ Tát vì nhân duyên cầu pháp mà được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lại nữa, này Kiên Ý, như trong bốn châu (19) thiên hạ đều có chư Phật nhiều như lúa, mè, mía, rừng mà có một người muốn chấm dứt tuổi thọ của mình đem cúng dường y phục, đồ nằm, thuốc thang, và mọi thứ nhu yếu khác sau khi các đức Phật nhập Niết Bàn, tạo lập tháp bằng bảy báu cao một do tuần, trang hoàng trang nghiêm hương hoa, bảo cái, tràng phan (20), đèn dầu cúng dường đến một trăm kiếp hay hơn một trăm kiếp.

Này Kiên Ý, nay ta bảo ông lời thật này: người ấy cúng dường các đức Phật như thế, tạo tháp như thế, trong nhiều kiếp làm việc cúng dường như thế. Như có người thiện nam, tín nữ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác cầu các pháp trợ đạo Bồ Ðề như thế mà thọ trì đọc tụng kinh tạng Ðại Thừa; nếu so sánh với phước đức trước trăm phần nghìn phần, trăm nghìn vạn phần không bằng một, cho đến dùng thí dụ cũng không bằng được. Tại sao như vậy? Vì trong các món thí, pháp thí là hơn hết; trong các thứ mong cầu, cầu pháp là hơn hết. Vì thế, này Kiên Ý, các ông ở đời sau, sau khi ta diệt độ 500 năm mà thọ trì, đọc tụng những kinh điển như vừa nói được vô lượng vô biên công đức, cho đến khi thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng không hết được. Này Kiên Ý, nay ta muốn đưa ra một thí dụ cho rõ việc này, ông cần phải tin tưởng. Ví như trong cõi ba nghìn đại thiên thế giới mà chỉ lấy một vật nhỏ xíu như hạt cải, hay đen như hạt mè. Ý ông nghĩ sao? Số hạt cải ấy có nhiều không? Rất nhiều, thưa Thế Tôn, không thể tính đếm hết được.

Này Kiên Ý, giả sử đem số hạt cải ấy để trong cõi đại thiên thế giới hợp thành một vật nhỏ như những hạt cát, thì những hạt cát này có nhiều chăng? Rất nhiều, nhiều vô số, thưa Thế Tôn. Này Kiên Ý, có người sức mạnh mang số cát này đem đi rải khắp bốn phương, gặp gió lớn nổi lên thổi tung cát bay tứ tán và mỗi một hạt rơi vào một thế giới. Ý ông nghĩ sao? Các thế giới ấy số có nhiều chăng? Rất nhiều, nhiều vô số không thể đếm hết được, thưa Thế Tôn.

Này Kiên Ý, nay ta chỉ cho ông rõ điều này: Như Lai đầy đủ vô lượng thần thông lực, trì giới, thiền định, trí tuệ, có thể bước một bước là vượt qua các cõi ấy mà vẫn giữ oai nghi bất động, chưa hiện hết lực thần thông. Này Kiên Ý, Như Lai lấy một hạt cát làm một kiếp, đem kiếp ấy làm một ngày, lấy một ngày làm một tháng, lấy một tháng làm một năm, cho đến 1000 năm đi về phương Ðông không ngừng, cũng như đi tới các phương Nam, Tây, Bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng, hạ phương cũng như vậy.

Nếu có thiện nam, tín nữ nào muốn nghe kinh này để thọ trì, đọc tụng bước đi một bước vẫn được nhiều công đức. Giả sử như có hình Như Lai đi qua các quốc độ ấy không thể nào dung nhận hết được. Như Lai chỉ biết người này có phước đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Này Kiên Ý, phước này không thể nào dùng văn tự, toán số mà có thể biết hết được, vì phước đã thu nhiếp trong vô số lượng vậy.

    Xem thêm:

  • Kinh Bi Hoa – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hoa Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Hoa Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Bi Hoa – Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Pháp Niệm Tụng Du Già Liên Hoa Bộ - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Đại Tì Lô Xá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Liên Hoa Thai Tạng Bi Sanh Mạn Đồ La Quảng Đại Thành Tựu - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Tự Tại Thành Tựu Du Già Liên Hoa Bộ Niệm Tụng Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Liên Hoa Nhãn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 3 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (Trọn bộ 4 tập) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 2 - Kinh Tạng
  • Những Truyện Cảm Ứng Về Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Kinh Tạng