1
2
3
4

QUYỂN 2

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Nếu có người đối với tất cả trong sắc mà không thật phân biệt về phần lượng và phân vân về phần lượng, nhưng có thể như thật quán sát bình đẳng thì sắc trong sắc không có sở đắc. Nếu khi sắc trong sắc mà không có sở đắc, tức là sắc kiến trong sắc không có sở đắc. Nếu sắc kiến trong sắc không có sở đắc thì chúng sanh trong sắc không có sở đắc. Nếu chúng sanh trong sắc không có sở đắc thì tất cả trong sắc không có sở đắc. Khi tất cả trong sắc không có sở đắc tức là tất cả có sở đắc. Nếu với pháp ai có tướng sở đắc để thành lập thì có tướng sở đắc và có chỗ nương tựa. Cho nên ở trong Đại thừa vị ấy không thể ra khỏi, huống gì trong Thanh văn, Duyên giác thừa.

Này Tu-Bồ-Đề! Nếu người nào ở trong thọ, tưởng, hành, thức mà tất cả không thật phân biệt về phần lượng và phân vân về phần lượng, nhưng có thể như thật quán sát bình đẳng thì thức trong thức không có sở đắc. Khi thức trong thức không có sở đắc thì thức kiến trong thức không có sở đắc. Nếu thức kiến trong thức không có sở đắc thì chúng sanh trong thức không có sở đắc. Nếu chúng sanh trong thức không có sở đắc thì tất cả trong thức đều không sở đắc. Nếu khi tất cả trong thức không có sở đắc thì tất cả có sở đắc. Nếu với pháp, vị ấy có tướng sở đắc để thành lập thì có tướng sở đắc và có nơi nương tựa. Cho nên ở trong Đại thừa vị ấy không thể ra khỏi, huống gì trong Thanh văn, Duyên giác thừa.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát ở trong các sắc mà tùy thuận theo sự nói năng thì hành có chấp trước, có tác dụng. Ai hành như vậy là hành hữu thân kiến, cũng hành với hữu ái. Nếu lìa hữu tìm cầu mà có sở hành thì ở trong sắc không biết rõ tướng.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu ở trong các thức mà Bồ-tát tùy theo sự nói năng thì hành có chấp trước, có tác dụng. Ai hành như vậy là hành hữu thân kiến, cũng hành hữu ái. Nếu lìa hữu tìm cầu mà có sở hành thì trong thức không biết rõ tướng.

Lại nữa, này tu-Bồ-Đề! Nếu ở trong các sắc, Bồ-tát tùy theo sự nói năng mà hành không có chấp trước, không tác dụng thì không hành hữu thân kiến, cũng không hành hữu ái. Lìa hữu tìm cầu và không có sở hành, thì ở trong sắc biết rõ hoàn toàn về tướng.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu ở trong các thức, Bồ-tát theo sự nói năng mà hành không có chấp trước, không tác dụng thì không hành hữu thân kiến, cũng không hành hữu ái. Nếu lìa hữu tìm cầu cũng không có sở hành thì ở trong thức hoàn toàn biết rõ về tướng.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc, nếu đại Bồ-tát có đầy đủ ba duyên chủng tử của tâm để giữ gìn thì đó là tịnh pháp. Thế nào là ba?

1- Chủng tử tâm tín giải.

2- Chủng tử tâm nhàm chán.

3- Chủng tử tâm không hoại.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong các thức, nếu đại Bồ-tát có đầy đủ ba duyên chủng tử của tâm thì là tịnh pháp. Thế nào là ba?

1- Chủng tử tâm tín giải.

2- Chủng tử tâm nhàn chán.

3- Chủng tử tâm không hoại.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc, đại Bồ-tát nên phát sanh ba loại tâm. Ba loại tâm đó là gì?

1- Tâm không chấp thủ.

2- Tâm không hòa hợp.

3- Tâm thanh tịnh.

Cho nên, này Tu-Bồ-Đề! Ở trong sắc ấy đại Bồ-tát nếu tâm có sanh hay tâm không sanh, đại sanh, bình đẳng sanh đều nên như thật quán sát bình đẳng. Do quán sát bình đẳng như vậy nên đại Bồ-tát ấy mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy; ở trong các thức, đại Bồ-tát nên phải phát ba loại tâm. Ba loại tâm ấy là gì?

1- Tâm không chấp thủ.

2- Tâm không hòa hợp.

3- Tâm thanh tịnh.

Cho nên, này Tu-Bồ-Đề! Ở trong thức ấy, đại Bồ-tát nếu tâm có sanh hay tâm không sanh, đại sanh, bình đẳng sanh đều nên như thật quán sát bình đẳng. Do quán sát bình đẳng như vậy nên đại Bồ-tát ấy mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc, nếu đại Bồ-tát thấy có, thấy không, thì nên biết rằng Bồ-tát ấy không thật sự hiểu biết rõ.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy; ở trong các thức nếu đại Bồ-tát thấy có, thấy không thì nên biết rằng Bồ-tát ấy không thật sự hiểu biết rõ.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Nếu đại Bồ-tát có tâm muốn trụ trong cảnh giới bình đẳng; khi với sắc, tâm vị ấy cầu giải thoát thì ở trong sắc tâm vị ấy đã lay động, có động, động khắp. Do vậy nên biết, Bồ-tát ấy khó được giải thoát.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu đại Bồ-tát có tâm muốn trụ trong cảnh giới bình đẳng; khi với thức, tâm vị ấy cầu giải thoát thì trong các thức tâm vị ấy lay động, có động, động khắp. Do vậy nên biết, Bồ-tát này khó được giải thoát.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Nếu đại Bồ-tát có tâm muốn trụ trong cảnh giới bình đẳng thì với sắc, tâm vị ấy cầu giải thoát. Nếu ở trong sắc mà tâm không trói buộc, không phải không trói buộc, nên biết rằng nhờ vậy mà Bồ-tát này hoàn toàn được giải thoát.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu đại Bồ-tát có tâm muốn trụ trong cảnh giới bình đẳng thì với thức, tâm vị ấy cầu giải thoát. Nếu ở trong thức, tâm không chấp trước, không phải không chấp trước thì nên biết rằng Bồ-tát này hoàn toàn được giải thoát.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Nếu đại Bồ-tát ở trong các sắc hiểu rõ pháp vô tướng thì khổ tự tiêu trừ, các tướng tịch tịnh. Như hàng phàm phu vì không như thật hiểu biết về sắc, nên trong sắc sẽ sanh chấp trước, hiện chuyển bị che lấp. Do vị ấy đối với sắc có tâm chấp trước, hiện tại bị che lấp nên trong Thanh văn, Duyên giác thừa còn không thể ra khỏi, huống chi Đại thừa. Vì do chấp trước che lấp như vậy nên luôn luôn ở trong các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người chịu khổ sanh tử, luân hồi vô cùng tận.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, cho đến Nhãn sắc, nhãn thức; Nhĩ thanh, nhĩ thức; Tỷ hương, tỷ thức; Thiệt vị, thiệt thức; Thân xúc, thân thức; Ý pháp, ý thức cũng đều là vô tánh, giả tánh, thật tánh.

Này Tu-Bồ-Đề! Ý thức chuyển trong ba tánh như vậy, hàng phàm phu dị sanh không thể như thật hiểu rõ về thức, nên ở trong thức mà sanh chấp trước, hiện chuyển bị che lấp. Với thức, vì vị ấy sanh tâm chấp trước, hiện tại đã bị che lấp nên trong Thanh văn, Duyên giác thừa còn không thể ra khỏi, huống chi Đại thừa. Do chấp trước bị che lấp như vậy nên luôn luôn ở trong các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người chịu khổ sanh tử, luân hồi không cùng tận.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Sắc chuyển trong ba tánh như vậy, nếu người có trí biểu biết như thật thì đối với sắc không có chấp trước, cũng không hiện chuyển, tâm vị ấy khai sáng. Do vị ấy không chấp trước sắc, tâm được khai sáng nên trong pháp Đại thừa còn có thể ra khỏi, huống chi trong Thanh văn, Duyên giác thừa. Do không có chấp trước, tâm khai sáng như vậy, nên không bao giờ ở trong các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người đó để chịu khổ sanh tử. Trong khi tìm cầu sắc không có sở đắc thì tất cả sắc hoàn toàn không chiếu sáng. Sắc đã không chiếu sáng thì như thật biết rõ tánh bình đẳng của sắc pháp, Bồ-tát ấy mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu đại Bồ-tát khi ở trong các thức mà tìm cầu không thể đắc thì tất cả thức hoàn toàn không chiếu sáng. Thức đã không chiếu sáng thì như thật biết rõ trong tánh bình đẳng của thức pháp. Bồ-tát ấy mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ, Thế Tôn dùng kệ nói lại:

– Tìm cầu không pháp lạ

Vật cảnh không chiếu tâm

Biết rõ về pháp tánh

Tức là đắc Bồ-đề.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Nếu đại Bồ-tát ở trong sắc hoàn toàn hiểu rõ pháp vô tánh thì sắc trong sắc tu tập đầy đủ, nhưng với sắc giới không bị lay động. Bồ-tát ấy mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu đại Bồ-tát ở trong thức mà hoàn toàn hiểu rõ pháp vô tánh thì thức trong thức tu tập đầy đủ, nhưng đối với pháp giới không bị lay động. Bồ-tát ấy mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ, Thế Tôn dùng kệ nói lại:

– Hoàn toàn hiểu vô tánh

Tu tập đều đầy đủ

Pháp giới không lay động

Đắc được Nhất thiết trí.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Trong sắc là vô nghĩa, vô cú nghĩa, đại nghĩa. Đại Bồ-tát nào như thật biết một cách chân chánh thì Bồ-tát ấy mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-Bồ-Đề! thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Trong thức là vô nghĩa, vô cú nghĩa, đại nghĩa. Nếu đại Bồ-tát nào như thật biết chân chánh, Bồ-tát ấy mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ Thế Tôn dùng kệ nói lại:

– Vô nghĩa, vô cú nghĩa

Đại nghĩa cũng như vậy

Bồ-tát hiểu rốt ráo

Mau chứng quả Bồ-đề.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc, đại Bồ-tát nên hiểu rõ năm loại pháp tham. Nếu biết rồi thì xả bỏ. Năm pháp tham ấy là gì?

1- Tham tìm cầu.

2- Tham tìm cầu cùng khắp.

3- Tham phân biệt.

4- Tham.

5- Đại tham.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong các thức, đại Bồ-tát nên biết rõ năm loại pháp tham. Nếu biết rồi thì xả bỏ. Năm pháp tham ấy là gì?

1- Tham tìm cầu.

2- Tham tìm cầu cùng khắp.

3- Tham phân biệt.

4- Tham.

5- Đại tham.

Này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc nếu đại Bồ-tát đã lìa bỏ năm pháp tham ấy rồi thì đối với tự tánh của các sắc không có sở đắc. Khi tự tánh của sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc cũng không có sở đắc. Khi sắc trong sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc có sở đắc. Nếu sắc trong sắc có sở đắc thì sắc trong sắc ấy lại không có sở đắc. Vì vậy ở trong các sắc dù có sở đắc hay không có sở đắc thì đối với các loại sắc đều được siêu việt, tức liền giải thoát, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu đại Bồ-tát ở trong các thức lìa bỏ năm pháp tham ấy thì đối với tự tánh của các thức không có sở đắc. Nếu khi tự tánh của thức không có sở đắc thì thức trong thức cũng không có sở đắc. Khi thức trong thức không có sở đắc thì thức trong thức có sở đắc. Nếu thức trong thức có sở đắc thì thức trong thức ấy không có sở đắc. Vì vậy, ở trong các thức có sở đắc hay không có sở đắc, các loại thức đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc, đại Bồ-tát cần phải biết rõ năm loại pháp sân. Nếu biết rồi nên xả bỏ. Năm pháp sân ấy là gì?

1- Sân tầm tứ.

2- Sân tầm tứ cùng khắp.

3- Sân tứ phân biệt.

4- Sân.

5- Đại sân.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong các thức, đại Bồ-tát cần phải biết rõ năm pháp sân. Nếu biết rồi phải xả bỏ. Năm pháp sân ấy là gì?

1- Sân tầm tứ.

2- Sân tầm tứ cùng khắp.

3- Sân tứ phân biệt.

4- Sân.

5- Đại sân.

Này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc, nếu đại Bồ-tát đã xa lìa năm pháp sân này thì với tự tánh của các sắc không có sở đắc. Nếu khi tự tánh của sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc cũng không có sở đắc. Nếu khi sắc trong sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc có sở đắc. Nếu sắc trong sắc có sở đắc thì sắc trong sắc ấy không có sở đắc. Vì vậy ở trong các sắc có sở đắc hay không có sở đắc thì các loại sắc đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, ở trong các thức nếu đại Bồ-tát đã lìa bỏ năm pháp sân rồi thì với tự tánh của các thức không có sở đắc. Nếu khi tự tánh của thức không có sở đắc thì thức trong thức cũng không có sở đắc. Nếu thức trong thức không có sở đắc thì thức trong thức có sở đắc. Nếu thức trong thức có sở đắc thì thức trong thức ấy không có sở đắc. Vì vậy, nếu trong các thức có sở đắc hay không có sở đắc thì các loại thức đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc, đại Bồ-tát cần phải biết rõ năm pháp si. Nếu biết rồi nên xả bỏ. Năm pháp si ấy là gì?

1- Si động loạn.

2- Si tướng động loạn.

3- Si tướng không động loạn.

4- Si.

5- Đại si.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Ở trong các thức, đại Bồ-tát cần phải biết năm pháp si. Nếu biết rồi nên lìa bỏ. Năm pháp si ấy là gì?

1- Si động loạn.

2- Si tướng động loạn.

3- Si tướng không động loạn.

4- Si.

5- Đại si.

Này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc, nếu đại Bồ-tát xa lìa năm pháp si này thì với tự tánh của các sắc không có sở đắc. Nếu khi tự tánh của sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc cũng không có sở đắc. Nếu khi sắc trong sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc có sở đắc. Nếu sắc trong sắc có sở đắc thì sắc trong sắc ấy không có sở đắc. Vì vậy ở trong các sắc nếu có sở đắc hay không có sở đắc thì các loại sắc đều siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Ở trong các thức nếu đại Bồ-tát lìa bỏ năm pháp si ấy thì với tự tánh của các thức không có sở đắc. Nếu khi tự tánh của thức không có sở đắc thì thức trong thức trong thức cũng không có sở đắc. Nếu khi thức trong thức không có sở đắc thì thức trong thức có sở đắc. Nếu thức trong thức có sở đắc thì thức trong thức ấy không có sở đắc. Vì vậy, ở trong các thức có sở đắc hay không có sở đắc thì các loại thức đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc, đại Bồ-tát nên biết năm pháp ngã mạn. Nếu biết rồi phải lìa bỏ. Năm pháp mạn ấy là gì?

1- Mạn đa văn.

2- Mạn cao thắng.

3- Mạn tăng thượng.

4- Mạn.

5- Đại mạn.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, ở trong các thức, đại Bồ-tát cần phải biết rõ năm pháp mạn. Nếu biết rồi nên lìa bỏ. Năm pháp mạn ấy là gì?

1- Mạn đa văn.

2- Mạn cao thắng.

3- Mạn tăng thượng.

4- Mạn.

5- Đại mạn.

Này Tu-Bồ-Đề! Ở trong các sắc nếu đại Bồ-tát lìa bỏ năm pháp mạn này thì với tự tánh của các sắc không có sở đắc. Nếu khi tự tánh của sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc không có sở đắc. Nếu khi sắc trong sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc có sở đắc. Nếu sắc trong sắc có sở đắc thì sắc trong sắc ấy không có sở đắc. Vì vậy, ở trong các sắc có sở đắc hay không có sở đắc thì các loại sắc đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-Bồ-Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong các thức nếu đại Bồ-tát xa lìa năm pháp mạn này rồi thì với tự tánh của các thức không có sở đắc. Nếu khi tự tánh của thức không có sở đắc thì thức trong thức cũng không có sở đắc. Nếu khi thức trong thức không có sở đắc thì thức trong thức có sở đắc. Nếu thức trong thức có sở đắc thì thức trong thức ấy không có sở đắc. Vì vậy, ở trong các thức có sở đắc hay không có có sở đắc thì các loại thức đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 13 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 18 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 14 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 21 - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm 31 đến 45) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 22 - Kinh Tạng
  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 19 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 6 - Kinh Tạng
  • Vãng Sanh Tịnh Độ Cảm Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 12 - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm 61 đến 75) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Giáo Hóa Phạm Chí A Bạt - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 20 - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 24 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 23 - Kinh Tạng
  • Phạn Ngữ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - Kinh Tạng