1
2
3
4
5

QUYỂN 2

Phật bảo Ca-diếp-ba: Nếu các Bồ-tát đầy đủ ba mươi hai pháp thì mới gọi là Bồ-tát .

Ca-diếp thưa: Thế nào gọi là ba mươi hai pháp?

– Một là vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Hai là gieo hạt giống nhất thiết trí trí. Ba là không kể sang hèn đều khiến được trí huệ. Bốn là vì tất cả chúng sanh mà khiêm nhường xa lìa ngã. Năm là chân thật thương xót chúng sanh ý không thối chuyển. Sáu là có tâm bình đẳng đối với bạn tốt bạn xấu. Bảy là tuy đắc Niết-bàn vẫn nhớ đến ái ngữ . Tám là thấy người làm việc lớn trước đến thăm hỏi. Chín là thường khởi tâm từ bi đối với các chúng sanh. Mười là thường cầu pháp vi diệu. Mười một là tâm không mệt mỏi nhàm chán. Mười hai là nghe pháp không lúc nào thấy đủ. Mười ba là thường suy xét lỗi mình, không nói lỗi người khác. Mười bốn là giữ các oai nghi, thường phát tâm lớn. Mười lăm là tu các nghiệp thù thắng mà không cầu quả báu. Mười sáu là phát sanh giới luật đức hạnh diệt trừ luân hồi. Mười bảy là khiến đạo tâm của chúng sanh được tăng trưởng . Mười tám là thực hành tất cả căn lành. Mười chín là thực hành nhẫn nhục tinh tấn. Hai mươi là như nhập thiền định cõi Vô-sắc. Hai mươi mốt là dùng trí huệ phương tiện khéo hiểu rõ pháp Tổng-trì. Hai mươi hai là thường thực hành khéo léo Tứ-nhiếp-pháp. Hai mươi ba là đối với người trì giới hay phạm giới đều từ tâm như nhau. Hai mươi bốn là thường ở núi rừng, ưa học hỏi pháp thâm sâu. Hai mươi lăm là xa lìa các pháp thế gian. Hai mươi sáu là ưa pháp xuất thế và quả đức vô vi. Hai mươi bảy là bỏ pháp tiểu thừa tu pháp đại thừa. Hai mươi tám là xa lìa bạn ác gần gũi bạn lành . Hai mươi chin là có tâm bi hỷ xả và năm thứ thần thông. Ba mươi là thông đạt hết thảy các pháp. Ba mươi mốt là không đắm vào chánh tà, chỉ như thật mà y theo thầy. Ba mươi hai là phát tâm Bồ-đề thuần nhất không tạp. Này Ca-diếp! Đầy đủ ba mươi hai pháp như vậy thì gọi là Bồ-tát. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Vì lợi ích chúng sanh

Thực hành hạnh thanh tịnh

Khiến sanh nhất thiết trí

Không lựa chọn sang hèn

Cùng vào Như-lai tuệ

Thương xót các chúng sanh

Tâm ý không thối chuyển

Bạn lành và bạn ác

Đều quán sát bình đẳng

Tuy được đến Niết-bàn

Vẫn ái ngữ thăm hỏi

An ủi người làm thiện

Đối với các chúng sanh

Luôn khởi tâm đại bi

Tâm cầu pháp không dừng

Nghe pháp mãi không chán

Thường quán xét lỗi mình

Không nói lỗi người khác

Tu tập các oai nghi

Thực hành hạnh Đại Thừa

Không cầu nơi quả báo

Gìn giữ các giới luật

Đoạn diệt đường luân hồi

Khiến cho các chúng sanh

Lìa ác khởi tâm đạo

Nhẫn nhục chứa căn lành

Tinh tấn tu các pháp

Như vào định vô sắc

Dùng trí huệ phương tiện

Khéo hiểu pháp Tổng trì

Thực hành Tứ nhiếp pháp

Trì, phạm, đều thương xót

Pháp thường ở nơi núi rừng

Ưa thích nghe diệu pháp

Xa lìa pháp thế gian

Ái kính đạo Vô thượng

Không theo Thanh-văn-thừa

Mà tu pháp Đại thừa

Xa lìa các bạn ác

Gần gũi với bạn lành

Ngũ thông, Tứ vô lượng

Trí huệ đều thông đạt

Trí hoàn toàn thanh tịnh

Không đắm nơi chánh, tà

Chân thật y theo thầy

Tâm thuần nhất không tạp

Phật thuyết các pháp ấy

Trước phát tâm Bồ-đề

Như ba mươi hai pháp này

Bậc Thiện thệ diễn thuyết

Bồ-tát thực hành đủ

Đắc vị cam lồ Phật.

Phật bảo Ca-diếp-ba: Ta vì các Bồ-tát mà thuyết pháp ví dụ, Khiến biết được đức hạnh của Bồ-tát.

Ca-diếp bạch rằng: Nghĩa ấy như thế nào?

Phật dạy: Ca-diếp! Thí như tất cả chúng sanh sống trên đại địa, nhờ nương vào đại địa mà tồn tại nhưng đại địa đối với các chúng sanh không có mong cầu, cũng không tham đắm. Bồ- tát cũng như vậy, từ sơ pháp tâm cho đến lúc ngồi đạo tràng, trong khoảng giữa ấy đã độ hết thảy chúng sanh mà không có mong cầu, cũng không tham đắm cũng như vậy, Ta nay tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như đại địa

Có các cúng sanh

Nương vào để sống

Nhưng đại địa ấy

Không mong cầu gì

Bồ-tát cũng vậy

Từ sơ phát tâm

Đến ngồi đao tràng

Thành vô thượng giác

Rộng độ chúng sanh

Mà không mong cầu

Kẻ oán người thân.

Đều xem bình đẳng

Khiến đắc Bồ-đề.

Phật bảo Ca-diếp-ba: Thí như nước làm thấm nhuần lợi ích tất cả cỏ cây, nhưng nước đối với cỏ cây không có sự mong cầu hay tham đắm. Này Ca-diếp, Bồ-tát cũng như vậy, dùng tâm từ bi thanh tịnh khiến tất cả chúng sanh có sự lợi ích, gieo trồng pháp lành khiến được tăng trưởng, nhưng Bồ-tát không có sự mong cầu hay tham đắm. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như nước chảy

Thấm nhuần tất cả

Cỏ cây lớn nhỏ

Đều được sanh trưởng

Mà chẳng mong cầu

Bồ-tát cũng vậy

Dùng tâm từ bi

Ban khắp chúng sanh

Lần lượt lợi ích

Tăng trưởng nhân lành

Phá dẹp ma quân

Đắc quả Bồ-đề.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như lửa nấu chín tất cả lúa gạo, nhưng lửa đối với lúa gạo không có mong cầu tham đắm. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, dùng trí huệ lớn để nấu chín mầm thiện của tất cả chúng sanh. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như ngọn lửa

Nấu chín tất cả

Đậu mè lúa gạo

Mà ngọn lửa kia

Đối với các thứ

Không có mong cầu

Bồ-tát cũng vậy

Dùng lửa trí huệ

Nấu chín tất cả

Mầm thiện chúng sanh

Mà tâm Bồ-tát

Không có mong cầu.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như gió thổi khắp cõi nước chư Phật. Này Ca-diếp, Bồ-tát cũng lại như vậy, dùng phương tiện khéo léo khiến chúng sanh khắp nơi hiểu rõ Phật pháp. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như gió thổi

Tùy theo thế lực

Biến khắp cõi Phật

Các chúng Bồ-tát

Cũng lại như vậy

Dùng phương tiện khéo

Vì các chúng sanh

Nói pháp tối thượng.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như ma oán thống lĩnh bốn binh chúng, Mà chư thiên ở cõi dục không bị ma hàng phục. Này Ca-diếp, Bồ-tát cũng như vậy đã đắc ý thanh tịnh rồi thì tát cả chúng ma không thể làm não loạn. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như ma oán

Thống lĩnh binh chúng

Chư thiên cõi dục

Không bị hàng phục

Bồ-tát cũng vậy

Đắc ý thanh tịnh

Tất cả chúng ma

Không thể làm hại.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như mặt trăng sáng dần dần tăng trưởng cho đến khi tròn đầy. Này Ca-diếp, Bồ-tát cũng như vậy, dùng tâm vô nhiễm để cầu tất cả pháp cho đến khi viên mãn. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như mặt trăng

Dần dần tăng trưởng

Đến khi tròn đầy

Bồ-tát cũng vậy

Dùng tâm vô nhiễm

Tu các pháp lành

Dần dần tăng trưởng

Đến khi viên mãn.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như mặt trời xuất hiện phóng ánh sang lớn, chiếu khắp thế gian không nơi nào là không sáng. Này Ca-diếp, Bồ-tát cũng lại như vậy, phóng ánh sáng trí huệ chiếu đến các chúng sanh, không ai là không khai ngộ. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như mặt trời

Chiếu khắp thế gian

Tất cả cảnh vật

Đều được soi sáng

Bồ-tát cũng vậy

Ánh sáng trí huệ

Chiếu đến chúng sanh

Khiến đều khai ngộ

Phật bảo Ca-diếp: Thí như sư tử là vua trong loài thú, có oai đức lớn, sư tử đi đến đâu cũng không có sự sợ hãi. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, an trụ nơi giới đức đa văn, như vậy tất cả chỗ Bồ-tát an trụ đều không có sợ hãi. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Sư tử là vua

Oai đức dõng mãnh

Dù đi đến đâu

Cũng không sợ hãi

Bồ-tát cũng vậy

An trụ đa văn

Trì giới, trí huệ

Đối với thế gian

Những nơi an trụ

Đều không sợ hãi

Phật bảo Ca-diếp: Thí như voi lớn có thế lực mạnh mang tất cả vật nặng mà không mệt nhọc. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy gánh vác các khổ năm uẩn cho tất cả chúng sanh mà không khổ nhọc. Nay ta thuyết bài kệ rằng:

Thí như voi lớn

Có sức lực mạnh

Thân mang vật nặng

Không thấy mệt nhọc

Bồ-tát cũng vậy

Gánh cho chúng sanh

Các khổ năm uẩn

Cũng không khổ nhọc

Phật bảo Ca-diếp: Thí như hoa sen sanh trưởng trong bùn dơ mà không bị nhiễm. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, tuy sống ở thế gian mà không đắm trước các tạp nhiễm ở thế gian. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như hoa sen

Sống ở trong nước

Nằm trong bùn dơ

Mà không ô nhiễm.

Bồ-tát cũng vậy

Tuy ở thế gian

Mà các tạp nhiễm

Không hề đắm trước.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người dùng phương tiện chặt cây mà không chặt gốc rễ qua thời gian sau cây lại được sống. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy dùng sức phương tiện đoạn sạch phiền não, nhưng không đoạn chủng tử nên dung căn lành đại bi mà sanh ở ba cõi. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như có người

Dùng sức phương tiện

Mà chặt thân cây

Không chặt gốc rễ

Qua thời gian sau

Cây lại được sống

Bồ-tát cũng vậy

Dùng phương tiện hay

Đoạn trừ phiền não.

Không đoạn chủng tử

Do lòng đại bi

Lại sanh ba cõi.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như nước sông chảy các nơi mà đều quay về biển lớn đồng một vị mặn. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, có tất cả căn lành và các thứ lợi ích đều hồi hướng đạo Bồ-đề, đồng quy về một vị đó là giải thoát. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như tất cả

Nước khắp suối sông

Đều chảy về biển

Chung một vị mặn

Bồ-tát cũng vậy

Có các căn lành

Cùng việc lợi ích

Hồi hướng Bồ-đề

Đến nơi Niết-bàn.

Phật bảo: Ca-diếp! Thí như Tứ đại thiên vương và chư thiên ở cõi trời Đao-lợi cần ở nơi núi Diệu Cao. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, dùng Nhất-thiết-trí tu các pháp lành, cần an trụ nơi tâm Bồ-đề lớn. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Giống như Tứ thiên vương

Và chư thiên Đế Thích

Đều cần phải an trụ

Ở tại núi Diệu cao

Chư Bồ-tát cũng vậy

Vì quả Nhất-thiết-trí

Chuyên tu các pháp lành

An trú nơi Bồ-đề.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như vua muốn làm việc nước thì phải nhờ các bầy tôi. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, muốn làm phật sự thì phải nhờ vào trí huệ phương tiện. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như quốc vương

Muốn làm việc nước

Phải nhờ bầy tôi

Mới được thành tựu

Bồ-tát cũng vậy

Muốn làm phật sự

Trí tuệ phương tiện

Mới được thành tựu.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như trời trong xanh không có mây mù thì ở thế gian chắc chắn không có tướng mưa rơi. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, đối với chúng sanh căn trí thấp hèn ít học hỏi, thì chắc chắn sẽ không thuyết các tướng của pháp. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như hư không

Chẳng có mây mù

Nơi thế gian kia

Mưa sẽ không rơi

Bồ-tát cũng vậy

Đối với chúng sanh

Thấp kém ít học

Không thuyết pháp tướng.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như hư không có mây mù và sấm chớp ắt là có mưa khiến lúa được chín. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, đối với thế gian mà khởi mây từ bi, rưới mưa pháp vi diệu khiến chúng sanh thành thục. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như hư không

Bỗng nỗi mây, sấm

Ắt có mưa lớn

Khiến lúa được chín

Bồ-tát cũng vậy

Mây từ che khắp

Rưới trận mưa pháp

Thành tựu chúng sanh.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như Chuyển-luân-thánh-vương thường có bảy báu theo bên mình. Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy. Có pháp Thất-giác-chi thường theo Bồ-tát. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng

Thí như thế gian

Chuyển-luân-thánh-vương

Thường có bảy báu

Đi theo bên vua

Bồ-tát cũng vậy

Có Thất giác chi

Nơi Bồ-tát đến

Pháp cũng đi theo.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như châu báu ma ni khiến được giàu sang có giá trị gấp trăm ngàn lần bốn trăm đồng tiền vàng. Này Ca-diếp: Bồ-tát cũng lại như vậy, được nhiều sang trọng giá tị gấp trăm ngàn lần sang trọng của Thanh Văn Duyên Giác. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như châu báu ma-ni

Khiến được nhiều giàu sang

Bốn trăm đồng tiền vàng

Gấp bội không thể sánh

Bồ-tát cũng như vậy

Được cao quý sang trọng

Bích chi và Thanh Văn

Trăm ngàn khó sánh bằng

Phật bảo Ca-diếp: Thí như chư thiên ở cõi trời Đao-lợi, dẫu ở nơi rừng rậm thì thọ dụng sự cao sang như nhau không khác. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, nếu trụ tâm nơi thanh tịnh, vì tất cả chúng sanh mà dùng phương tiện hay chánh trực đều như nhau không khác. Nay Ta ở đó tuyên thuyết kệ rằng:

Như Chư thiên cõi trời

Trụ ở nơi rừng rậm

Thọ dụng sự cao sang

Đều như nhau không khác.

Bồ-tát cũng như vậy

Trụ tâm nơi thanh tịnh

Chánh trực vì chúng sanh

Phương tiện cũng không khác.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người khéo giải các chú thuật và khéo biết các thuốc độc, thì tất cả thuốc độc không thể làm hại. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, có đầy đủ trí huệ lớn và khéo thực hành phương tiện, thì tất cả phiền não không thể làm hại. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như ngời ở thế gian

Khéo biết các bùa chú

Cùng tất cả thuốc độc

Thì không bị tổn hại

Bồ-tát cũng như vậy

Có phương tiện, trí tuệ

Tất cả độc phiền não

Không thể làm tổn hại

Phật bảo Ca-diếp: Thí như mảnh đất xấu nơi thế gian mà có thể sanh ra cây mía mập ngọt. Này Ca-diếp: Bồ-tát cũng lại như vậy, ở nơi mảnh đất phiền não thô xấu mà có thể phát sanh Nhất-thiết-trí. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như mảnh đất thô xấu

Sanh ra cây mía ngọt

Lại to lớn béo tốt

Bồ-tát nơi phiền não

Lại sanh Nhất-thiết-trí

Nghĩa ấy cũng như vậy.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người không học võ nghệ nếu cầm gậy gộc thì không thể múa quyền. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, nếu trước đây chưa nghe pháp ít có hiểu biết, nếu dung tri kiến thì sao phân biệt được tà chánh. Phật bảo Ca-diếp: Thí như người thợ gốm muốn nung gạch thì cần lửa mạnh. Này Ca-diếp! Bồ-tát cũng lại như vậy, muốn khai phát trí huệ cho các chúng sanh ngu si, thì phải dung lửa trí huệ Phật pháp. Này Ca-diếp! cho nên Chánh Pháp Đại Bảo Tích này khiến các Bồ-tát tu học thọ trì thì được hiểu pháp hành.

Ca-diếp bạch rằng: Bồ-tát làm thế nào để thọ trì và thấy được pháp hành.

Phạt dạy: Này Ca-diếp! Như tự quán xét thân là không ngã, không nhân, không chúng sang, không thọ mạng, không danh, không tướng, không quán hạnh. Này Ca-diếp, đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, phải như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng. Này Ca-diếp, Thế nào là các pháp trong ảnh tượng? Như chánh quán sắc, thì sắc kia là vô thường, cũng chẳng phải vô thường, như vậy thọ, tưởng, hành, thức, cũng thường và vô thường, vô định và chẳng phải vô định. Này Ca-diếp! Đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp! Như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng là, như có địa giới quán sát thường và vô thường, vô định và chẳng phải vô định. Như vậy thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới cũng lại như vậy, vô định và chẳng phải vô định. Này Ca-diếp, đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, như có nhãn xứ thì quán sát thường và vô thường, vô định và chẳng phải vô định. Như vậy nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ cũng như vậy thường và vô thường, vô định và chẳng phải vô định. Này Ca-diếp, đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, pháp định và bất định, nếu hai pháp này ở trong sắc mà không thấy, không trụ, không vi tế, không biết, cũng không tướng. Này Ca-diếp! Đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, ta thấy một pháp không có hai pháp ngã và vô ngã, nếu hai pháp này ở trong sắc mà không thấy, không trụ, không vi tế, không biết, cũng không tướng. Này Ca-diếp, đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, tâm chân thật và tâm không chân thật. Ca-diếp! Hai pháp này ở nơi vô tâm, vô giác, vô ý, vô thức. Này Ca-diếp, đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, thiện và bất thiện, thế gian và xuất thế gian, có tội và không tội, hữu lậu và vô lậu, hữu vi và vô vi, có phiền não và không phiền não, như vậy tất cả pháp. Này Ca-diếp, pháp này sanh thì pháp kia diệt, trong hai pháp ấy không có ở chung, không có tan mất. Này Ca-diếp, đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, pháp hữu và pháp vô, nếu hai pháp này ở trong sắc mà không thấy, không trụ, không vi tế, không biết, cũng không có tướng. Này Ca-diếp, đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, pháp Luân-hồi và pháp Niết-bàn, nếu hai pháp này ở trong sắc mà không thấy, không trụ, không vi tế, không biết. Này Ca-diếp, đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, Ta nói cho các ông biết, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh lão tử, lão tử duyên ưu bi khổ não. Này Ca-diếp, như vậy là chứa nhóm tất cả khổ uẩn. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử diệt, lão tử diệt thì ưu bi khổ não diệt, như vậy là tất cả khổ uẩn diệt. Này Ca-diếp, nếu dùng trí để quán sát minh và vô minh là như nhau không có hai tướng. Này Ca-diếp, đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, như vậy hành và hành diệt, thức là thức diệt, danh sắc và danh sắc diệt, lục nhập và lục nhập diệt, xúc và xúc diệt, thọ và thọ diệt, ái và ái diệt, thủ và thủ diệt, hữu và hữu diệt, sanh và sanh diệt, lão tử và lão tử diệt. Như vậy dùng trí để quán sát tánh sanh và tánh diệt không có hai tướng. Này Ca- diếp, lìa hai tướng này đây là như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, phải như thật quán sát các pháp trong ảnh tượng, pháp ấy chẳng phải không, cũng chẳng phải không không, như vậy pháp không là không có pháp tướng, chẳng phải không có pháp tướng, Pháp tướng tức là không tướng, không tướng tức là vô tướng, vô tướng tức là vô nguyện. Tại vì sao? Vì không có chỗ để nguyện. Vô tướng tức là không tướng, như vậy thực hành, nếu pháp chưa sanh thì không sanh, do pháp chưa sanh vậy. Nếu pháp sanh thì kia cũng không sanh, do sanh rồi lại mất. Như vậy không sanh, sanh lìa ở thủ, pháp không có tự tánh, tự tánh tức là không, như vậy là chánh quán các pháp trong ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, các chúng sanh chẳng phải bị phá hoại mới thành không, mà ngay nơi thể tức là không, bởi vốn chẳng phải có, chẳng phải trước kia là không hay sau này là không mà hiện tại tức là không.

Ca-diếp bạch rằng: Các chúng sanh kia, nay con hiểu biết chúng sanh là không, do phá hoại ngã vậy, tất cả đều là không pháp ấy như vậy.

Phật dạy: Ca-diếp, lời ông nói chẳng đúng. Ông có thể thấy chúng sanh kia nhiều như núi Tu-di, chớ cho rằng lìa ngã mà thấy chúng sanh là không. Tại vì sao? Do phá ngã, đoạn không, chấp tất cả là không, Ta nói đó là bịnh nặng không thể cứu được.

Phật bảo Ca-diếp: thí như có người bị bịnh trầm trọng, rồi đưa thuốc hay bảo họ uống, tuy uống thuốc vào nhưng bịnh không thể lành. Này Ca-diếp, người này có thoát khỏi bịnh không?

Ca-diếp thưa: Bạch Thế-tôn, không được.

Phật dạy: nghĩa ấy như thế nào?

Ca-diếp thưa: Bạch Thế-tôn! Do người này bịnh nặng không thể cứu.

Phật dạy: Ca-diếp, nếu chấp vào không thì cũng như vậy, đối với tất cả chỗ đều đắm vào không, thấy có ngã tức không thể chữa bịnh. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như người bị bịnh nặng

Có người cho thuốc hay

Tuy uống bịnh không lành

Người kia không thể cứu

Đắm không cũng như vậy

Đối với tất cả chỗ

Đắm vào ở không kiến

Ta nói không thể cứu

Phật bảo Ca-diếp: Thí như người ngu nhìn lên hư không bỗng sanh sợ hãi đấm ngực kêu khóc. Tại vì sao? Do sợ hư không rơi xuống đất làm tổn hại thân.

Phật dạy: Ca-diếp! Hư không kia có thể rơi xuống đất không?

Ca-diếp thưa: không thể.

Phật dạy: Ca-diếp! Sa môn, Bà-la-môn mê muội thì cũng như người kia vậy, nghe pháp không thì sanh tâm hoảng sợ. Tại vì sao? Nếu không có ngã thì tâm nương vào đâu mà tạo tác. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như có người ngu

Nhìn hư không rồi sợ

Kêu khóc và bỏ chạy

Sợ hư không rồi chạy

Hư không không chướng ngại

Không tổn hại chúng sanh

Người này tự ngu muội

Vọng sanh tự sợ hãi

Sa môn Bà-la-môn

Mê chấp cũng như vậy

Nghe nói các pháp không

Tâm liền sanh lo sợ

Nếu không là pháp ngã

Nương vào đâu thọ dụng.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như họa sĩ tự vẽ quỷ dạ xoa xấu ác, vẽ rồi lại kinh sợ ngã lăn trên đất. Ca-diếp, phàm phu chúng sanh cũng như vậy, tự thọ dụng sắc thanh hương vị xúc pháp, thọ rồi tham đắm nên rơi vào luân hồi. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như có người họa sĩ

Vẽ dạ xoa xấu ác

Vẽ rồi bỗng kinh sợ

Nằm ngã lăn trên đất

Phàm phu cũng như vậy

Tự đắm vào thanh sắc

Mê muội không hiểu biết

Nên rơi vào luân hồi.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như nhà ảo thuật biến ra các thứ, trong các thứ biến hóa lại biến thành nhà ảo thuật. Ca-diếp, Tỳ-kheo tương ưng với hành cũng lại như vậy, tự mình phát ý nói tất cả đều là không, hư không kia là không thực. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như có nhà ảo thuật

Biến hóa ra các thứ

Trong các thứ biến hóa

Hóa ra nhà ảo thuật

Tỳ-kheo tương ưng hành

Phát ý cũng như vậy

Nói tất cả là không

Hư không là không thật.

Phật bảo Ca Diếp: thí như hai cây củi cọ xát nhau, gió thổi vào khiến phát ra lửa, lửa đã sanh rồi lại thiêu đốt hai cây củi kia. Này Ca-diếp, như thật quán sát cũng lại như vậy, ở nơi chánh quán sanh ra huệ căn, huệ căn đã sanh lại thiêu đốt chánh quán. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như hai cây cọ xát

Gió thổi sanh ra lửa

Lửa cháy trong phút chốc

Lại thiêu đốt hai cây

Chánh quán cũng như vậy

Hay sanh ra huệ căn

Trong sát na đã sanh

Lại thiêu đốt chánh quán.

    Xem thêm:

  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Ngài Ma Ha Ca Diếp Độ Bà Lão Nghèo - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Na-Tiên Đàm Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Lễ Tắm Phật Sau Khi Đức Phật Đã Nhập Diệt - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Định Bất Định Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Đại A La Hán Nan Đề Mật Đa La Sở Thuyết Pháp Trụ Kí - Kinh Tạng
  • Kinh A Nậu Phát - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Công Đức Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Tu Lại - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 18 – Chọn Bạn Kết Giao - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Úy Thọ Sở Vấn Đại Thừa - Kinh Tạng