1
2
3
4
5

QUYỂN 3

Lúc bấy giờ Thế Tôn lại dùng thí dụ để làm rõ nghĩa trên.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như ánh sáng ngọn đuốc có thể xua tan tất cả tối tăm nhưng sự tối tăm kia đi chỗ nào, chẳng phải đi hướng Đông, chẳng phải đi hướng, Nam chẳng phải đi hướng Tây, chẳng phải đi hướng Bắc. Đi cũng chẳng phải đi, đến cũng chẳng phải đến. Này Ca-diếp, ánh sáng kia chẳng phải có ngã phá trừ được tối tăm, nếu chẳng tối tăm sao hiển bày ánh sáng. Ca-diếp, ánh sáng và tối tăm vốn không có tự tánh, hai thứ này đều là không, không đắc không xả. Ca-diếp, trí huệ cũng lại như vậy, nếu có trí huệ sanh thì vô trí liền mất, mà sự vô trí kia đi về chỗ nào? Chẳng đi hướng Đông, chẳng đi hướng Nam, chẳng đi hướng Tây, chẳng đi hướng Bắc. Đi chẳng phải đi, đến cũng chẳng phải đến. Ca-diếp, có trí huệ sanh thì vô trí liền mất, trí kia chẳng phải có ngã phá trừ được vô trí, nếu vô trí không có thì trí huệ sao hiển bày. Này Ca-diếp, có trí và vô trí đều không có tự tánh, hai thứ này đều là không, không đắc không xả. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như ánh sáng ngọn đèn

Xua tan đi tối tăm

Lúc tối tăm bị mất

Thì nó đi phương nào

Ánh sáng ngọn đèn kia

Chẳng có tối sao hiển

Cả hai không tự tánh

Không tánh nên là không

Trí huệ cũng như vậy

Khi phát sanh trí huệ

Vô trí tự biến mất

Cả hai đều là không

Thật không có tự tánh

Không thể lấy hay xả

Phật bảo Ca-diếp: Thí như ngôi nhà trống không có cửa lớn của sổ . Trãi qua trăm ngàn năm không có người ở, rồi ngôi nhà tối ấy bỗng có người đến . Thắp lên ngọn đèn để trong nhà. Ca-diếp, ý ông nghĩ thế nào? Nếu bóng tối ấy có ngã trãi qua trăm ngàn kiếp ở đây, nay ngã không chịu đi, có việc này chăng.

Ca-diếp thưa: Bạch Thế Tôn ! Không được, bóng tối kia không có sức lực, nếu ánh sáng sanh thì bóng tối nhất định phải đi.

Phật bảo Ca-diếp: Phiền não nghiệp chướng cũng lại như vậy, trãi qua trăm ngàn kiếp trụ ở trong thức, nhưng hành giả ngày đêm chánh quán tương ưng phát sanh đèn trí huệ. Ca-diếp, như vậy trí huệ bậc Thánh đã sanh thì nghiệp phiền não nhất định không có chỗ ở. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như ngôi nhà ngàn năm

Không cửa không người ở

Bỗng nhiên có người đến

Thắp lên ngọn đèn sáng

Bóng tối ở lâu năm

Trong phút chốc biến mất

Bóng tối nơi nhà ấy

Không nói ta ở lâu

Nay sẽ không chịu đi

Nghiệp phiền não chứa nhóm

Nghĩa ấy cũng như vậy

Tuy ở trăm ngàn kiếp

Tánh vốn không chân thật

Hành giả suốt ngày đêm

Thâm nhập chân thật quán

Đèn trí huệ phát sinh

Các phiền não tích tập

Trong giây lát liền mất.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như hư không không thể gieo hạt giống. Như vậy Ca-diếp, nếu hành giả cố chấp vào đoạn kiến, quá khứ đã diệt, ngày mai chẳng có thì hạt giống Phật pháp trụ ở chỗ nào. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như hư không rộng lớn

Vô bờ không thể lường

Ở nơi hư không ấy

Gieo hạt giống chỗ nào

Đoạn kiến cũng như vậy

Quá khứ không thể có

Vị lai cũng chưa sanh

Sao gieo chủng tử Phật.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như phân đầy cả mặt đất, có thể gieo tất cả hạt giống. Ca-diếp, cũng vậy nghiệp phiền não đầy cả thế gian, có thể gieo tất cả hạt giống Phật pháp. Nên Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như phân đầy mặt đất

Có thể gieo hạt giống

Phiền não của chúng sanh

Khắp đầy cả thế gian

Nếu gần gũi Phật pháp

Có thể gieo hạt giống

Phật bảo Ca-diếp: Thí như đất mặn không thể trồng hoa sen. Ca-diếp, như vậy không có tánh hạnh thì trước đây vốn chẳng có vị lai không chúng sanh, sao gieo được hạt giống Bồ-đề. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như đất nhiễm mặn

Không thể trồng hoa sen

Sen ở trong bùn lầy

Mới phát sinh mùi thơm

Vô tánh cũng như vậy

Quá khứ vị lai không

Không thể gieo Bồ-đề

Phật bảo Ca-diếp: Thí như đất bùn nhơ có thể trồng hoa sen. Này Ca-diếp, như vậy chúng sanh tà hạnh phiền não cũng có thể phát sanh chủng trí Phật. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như mảnh đất bùn nhơ

Có thể sanh hoa sen

Chúng sanh có tà hạnh

Gieo được chủng trí Phật

Phật bảo Ca-diếp: Thí như nước trong bốn biển tràn đầy không bờ mé. Này Ca-diếp, như vậy Bồ-tát làm các căn lành có thể đầy khắp pháp giới. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như nước trong bốn biển

Tràn đầy không bờ mé

Bồ-tát cũng như vậy

Gieo căn lành rộng khắp

Phật bảo Ca-diếp: Thí như người lấy mảy lông rồi chia ra trăm phần rồi lấy một phần, ở trên đầu mảy lông ấy lại nhỏ một giọt nước, muốn trở thành câu chi biển lớn. Này Ca-diếp, cũng như Thanh Văn kia làm điều thiện nhỏ mà cầu đạo vô thượng. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như lấy một mảy lông

Chia trăm phần lấy một

Nhỏ giọt nước trên ấy

Muốn thành vô số biển

Thanh Văn cũng như vậy

Dùng trí nhỏ cạn cợn

Tự làm ít điều thiện

Cầu thành đạo Vô Thượng

Phật bảo Ca-diếp: Thí như trong hạt cải có con sâu ăn hạt cải, thấy hạt cải rỗng rồi cho đó là hư không. Này Ca-diếp, như vậy Thanh Văn tu trí thấp nhỏ, chỗ ấy sanh ý tưởng là không cũng như vậy. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như trong hạt cải

Có sâu bọ đục khoét

Thấy trong đó trống rỗng

Liền cho là hư không

Thanh Văn tu trí nhỏ

Chứng đạo được phần không

Chỗ hiểu biết không lớn

Nghĩa này cũng như vậy.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người thấy vô biên hư không trong mười phương thế giới. Này Ca-diếp! Như vậy Bồ-tát có trí lớn vô ngại thấy khắp pháp giới không cùng tận. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như hư không mười phương

Rộng lớn không bờ mé

Chứa tất cả thế gian

Mà không có chướng ngại

Bồ-tát cũng như vậy

Phát khởi trí tối thượng

Thấy rõ khắp pháp giới

Vô biên không chỗ đắc

Phật bảo Ca-diếp: Thí như dòng Sát-đế-lợi nhận lễ quán đảnh lên ngôi vua, hoàng hậu của vua lại tư thông với người dưới mà sanh ra đứa con. Này Ca-diếp! Ý ông nghĩ thế nào đứa trẻ kia có được gọi là con của Vua Quán Đảnh chăng?

Ca-diếp thưa: Không thể.

Phật dạy: Ca-diếp! Thanh Văn đắc pháp vô sanh rồi cho rằng ta là con của Như Lai Quán Đảnh cũng lại như vậy. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Hoàng hậu Vua Sát Lợi

Tư thông với người dưới

Rồi sanh ra đứa con

Không gọi con Quán Đảnh

Thanh Văn cũng như vậy

Ly dục chứng vô sanh

Chỉ thực hành tự lợi

Đối với đức Như Lai

Con của đấng Pháp vương

Phải tự lợi lợi tha

Phật bảo Ca-diếp: Thí như dòng Sát-đế-lợi nhận lễ quán đảnh lên ngôi vua rồi gần gũi với tỳ thiếp mà sanh ra người con. Này Ca-diếp! Ý ông nghĩ thế nào, người con của tỳ thiếp này có được gọi là con Vua không?

Ca-diếp thưa: Đây là con Vua

Phật dạy: Ca-diếp, cũng vậy Bồ-tát mới phát tâm, tuy đạo lực yếu kém nên giáo hóa chúng sanh chưa thoát khỏi luân hồi, nhưng cũng được gọi là con của Như Lai. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như tỳ thiếp của Vua

Được vua thương, sủng ái

Sau sanh ra người con

Cũng là dòng giống vua

Bồ-tát cũng như vậy

Mới phát tấm Bồ-đề

Đức hạnh có yếu kém

Phương tiện dạy chúng sanh

Tuy chưa phát luân hồi

Chỗ làm là Phật tâm

Được gọi là con Phật

Phật bảo Ca-diếp: Thí như Vua Chuyển Luân sanh ngàn người con, Có sức lực dõng mãnh biện tài đoan chánh, có đầy đủ tướng như Vua Chuyển Luân. Trong số các người con nếu không có một người nào đầy đủ tướng Vua Chuyển Luân thì vua Chuyển Luân sẽ không khởi ý tưởng là con ruột. Này Ca-diếp! Như vậy trong hội của Như Lai có trăm ngàn câu chi Thanh Văn vây quanh, nếu có người không đủ tướng Bồ-tát thì Như Lai cũng không khởi ý tưởng là con. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như Vua Chuyển Luân

Sanh ra ngàn Thái tử

Nếu không có người nào

Đủ tướng Vua Chuyển Luân

Không có một phần nhỏ

Vua không nghĩ là con

Con Phật cũng như vậy

Tuy cả ngàn câu chi

Chúng Thanh Văn vây quanh

Không có tướng Bồ-tát

Đức Như Lai quán xét

Không nghĩ là con Phật.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như Chuyển Luân Thánh Vương có hoàng hậu mang thai mới bảy ngày nhưng ắt sẽ sanh đầy đủ tướng Chuyển Luân. Thai tạng ấy dần dần lớn, chưa có căn hình, tuy chưa thành hình mà có trời người phát tâm thương mến kính trọng, mà chẳng phải thương mến đứa con có sức dõng mãnh lớn. Tại vì sao? Đó là kính trọng chủng tử Chuyển Luân Vương không bị đoạn tuyệt. này Ca-diếp, cũng vậy Bồ-tát mới phát tâm tuy chưa thành thục căn lành, chưa tránh khỏi luân hồi, nhưng ưa làm việc Phật pháp, chư Phật quá khứ thấy rồi bèn sanh sự thương mến kính trọng, còn đối với A-la-hán chánh quán bát giải thoát thì không thương mến kính trọng. Tại vì sao? Vì Bồ-tát mới phát tâm sẽ không đoạn chủng tử Phật. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như Chuyển Luân Thánh vương

Có hoàng hậu mang thai

Bảy ngày chưa thành hình

Mà trời người ái kính

Chẳng phải trọng sức mạnh

Mà trọng chủng tử vua

Bồ-tát cũng như vậy

Sơ phát tâm Bồ-đề

Muốn độ thoát luân hồi

Chư Phật trong quá khứ

Kính trọng Bồ-tát ấy

Bởi nối tiếp Phật sự

Đối với chúng Thanh Văn

Chánh quán bát giải thoát

Không sanh sự ái kính

Bởi không có chủng tử

Phật bảo Ca-diếp: Thí như những hạt châu Ma-ni giả dồn lại bằng núi Diệu Cao cũng không bằng một hạt châu Ma-ni Phật . Này Ca-diếp, giả sử tất cả Thanh Văn Bích Chi Phật cũng không thể bằng một vị Bồ-tát sơ phát tâm Bồ-đề. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như ngọc Ma-ni giả

Và hạt châu Ma-ni

Nhiều như núi Tu Di

Cũng không thể sánh với

Một hạt Ma-ni Phật

Bồ-tát cũng như vậy

Giả sử các Thanh văn

Và chúng Duyên giác Phật

Số nhiều như vi trần

Cũng không thể sánh bằng

Bồ-tát sơ phát tâm

Cầu nơi đạo Bồ-đề

Phật bảo Ca-diếp: Thí như chim Ca Lăng Tần Già lúc còn trong trứng mà tất cả loài chim đều không thể sánh bằng. Ca-diếp, Ý ấy thế nào? Do chim sẽ hót ra tất cả âm thanh vi diệu vậy. Này Ca-diếp, Cũng vậy Bồ-tát mới phát tâm tuy ở trong nghiệp phiền não vô minh mà tất cả Thanh Văn Bích Chi Phật đều không thể sánh bằng. Ca-diếp, ý ấy thế nào? Do Bồ-tát có phương tiện thuyết pháp và hồi hướng căn lành vậy. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như chim Tần Già

Lúc còn ở trong trứng

Tuy chưa thấy thân hình

Đã khác các loài chim

Do tiếng hót vi diệu

Khiến ai cũng ưa thích

Bồ-tát cũng như vậy

Sơ phát tâm Bồ-đề

Chưa ra khỏi phiền não

Mà các Bích Chi Phật

Cùng với chúng Thanh Văn

Không thể nào sánh bằng

Do hồi hướng Bồ-đề

Phương tiện lợi chúng sanh

Tâm từ bi thanh tịnh

Tuyên dương pháp vi diệu

Phật bảo Ca-diếp: Thí như hoàng hậu của vua Chuyển Luân sanh ra vương tử đầy đủ tướng tốt như Vua Chuyển Luân, tất cả quốc vương và nhân dân đều quy thuận. Này Ca-diếp, Cũng vậy Bồ-tát mới phát tâm được trời người và tất cả chúng sanh đều quy thuận. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như vua Chuyển Luân

Hoàng hậu sanh được con

Tuy làm thân trẻ con

Mà có đủ tướng vua

Quốc vương và thần dân

Đều quy thuận hướng về

Bồ-tát cũng như vậy

Mới phát tâm Bồ-đề

Có đủ tướng con Phật

Tất cả các thế gian

Trời người và chúng sanh

Đều thanh tịnh quy y.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như núi tuyết lớn phát sanh ra giống cỏ thuốc tốt nhất, có thể trị lành tất cả bịnh, người uống vào không có tâm nghi ngờ thì chắc chắn được lành bịnh. Này Ca-diếp, như Bồ-tát kia có thuốc trí huệ có thể chữa lành các bịnh phiền não cho tất cả chúng sanh, B ồ-tát dùng tâm bình đẳng ban cho các chúng sanh, uống vào không có lòng nghi hoặc thì bệnh được tiêu trừ. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như núi tuyết lớn

Sanh ra cỏ thuốc hay

Trị lành tất cả bịnh

Người nào uống thuốc này

Chớ nghi sẽ lành bịnh

Bồ-tát cũng như vậy

Có giống thuốc trí huệ

Có thể chữa các bịnh

Phiền não cùng già chết

Thực hành tâm bình đẳng

Người được uống thuốc này

Chớ nghi quyết lành bịnh.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người quy y mặt trăng mới mọc mà không quy y mặt trăng tròn đầy. Này Ca-diếp, như vậy người có tín lực sẽ quy mạng Bồ-tát mà không quy mạng Như Lai. Tại vì sao? Vì Như Lai là từ Bồ-tát phát sanh, còn Thanh Văn Bích Chi Phật thì từ Như Lai sanh, chẳng phải như Bồ-tát. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như có chúng sanh

Quy y mặt trăng khuyết

Còn mặt trăng tròn đầy

Thì không đến quy y

Phật tử cũng như vậy

Quy y ở Bồ-tát

Không quy hướng Thế Tôn

Bồ-tát có trí lực

Phát sanh thân Như Lai

Chẳng phải như Thanh Văn

Trí huệ còn thấp kém

Sanh ra từ Như Lai

Phật bảo Ca-diếp: Thí như bảng chữ cái đầy đủ để bao quát tất cả luận nghĩa. Này Ca-diếp: Bồ-tát mới phát tâm có thể thâu nhiếp tất cả sự thực hành, giáo hóa thân vô thượng trí của chư Phật. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như bảng chữ cái

Thế gian và trời người

Nghị luận và biện tài

Đều do đây kiến lập

Bồ-tát cũng như vậy

Mới phát tâm Bồ-đề

Đầy đủ chủng trí Phật

Và phương tiện giáo

Phật bảo Ca-diếp: Thí như người thế gian chưa ai từ bỏ mặt trăng sáng để tìm các ngôi sao. Này Ca-diếp, cũng vậy chưa có ai thọ trì giới của ta mà xả bỏ Bồ-tát để quy mạng Thanh Văn. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như người thế gian

Xa lìa mặt trăng sáng

Nương tựa các ngôi sao

Việc này chưa từng có

Như vậy đệ tử ta

Thực hành cũng như vậy.

Đã thọ trì giới pháp

Không quy y Bồ-tát

Mà hướng đến Thanh Văn

Việc này thật hiếm có

Phật bảo Ca-diếp: Thí như ngọc lưu ly giả đối với người thế gian trọn không có lợi ích, nếu ngọc lưu ly thật và Ma-ni báu thì đối với thế gian có lợi ích rất lớn. Này Ca-diếp, như Thanh Văn đầy đủ giới học đầy đủ hạnh đầu đà, tu pháp môn Tam-ma-địa, nhưng cuối cùng không thể ngồi đạo tràng Bồ-đề thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như ngọc lưu ly giả

Thấy hình thể trong suốt

Nhưng đối với thế gian

Trọn không chút ích lợi

Nếu ngọc lưu ly thật

Và châu báu Ma-ni

Thể tánh nó đặc biệt

Lợi ích ấy rất lớn

Cũng vậy các Thanh Văn

Tuy đủ hạnh đầu đà

Trì giới và đa văn

Pháp môn Tam-ma-địa

Không hành phục bốn ma

Không ngồi tòa Bồ-đề

Để thành bậc Chánh Giác

Bởi chẳng phải Bồ-tát

Phật bảo Ca-diếp: Thí như lưu ly thật và châu báu Ma-ni khi dùng thì có giá trị gấp trăm ngàn bốn trăm tiền vàng. Này Ca-diếp, Cũng vậy Bồ-tát gieo trồng các công đức khi làm việc thì giá trị gấp trăm ngàn Thanh Văn Bích Chi Phật. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như ngọc lưu ly thật

Và châu báu Ma-ni

Khi đem ra sử dụng

Giá trị gấp trăm ngàn

Bốn ngàn đồng tiền vàng

Bồ-tát cũng như vậy

Gieo trồng cội công đức

Làm lợi ích chúng sanh

Giá trị hơn Thanh Văn

Và cả Bích Chi Phật

Gấp mấy trăm ngàn lần

Số lượng cũng như trên

Lúc bấy giờ Thế Tôn lại nói rằng: Tôn giả Đại Ca-diếp, như có đất nước hiện các ngôi sao là điềm xấu khiến trong nước bị tai nạn, khởi các khổ não. Này Ca-diếp, nếu đất nước kia có vị Bồ-tát thì các tai nạn mau được tiêu trừ không còn khổ não. Ca-diếp, Bồ-tát thực hành các việc là rộng chứa nhóm tất cả căn lành, vì lợi ích cho chúng sanh. Lại nữa, Bồ-tát kia có thuốc trí huệ rộng khắp bốn phương, có thể trị lành bịnh khổ não cho tất cả chúng sanh là chân thật không hư dối.

Ca-diếp bạch Phật rằng: Dùng các thuốc gì và chữa các bịnh gì?

Phật dạy: Ca-diếp, chúng sanh có bịnh tham sân si đều do duyên sanh, Bồ-tát dùng vô duyên từ quán sát tất cả tướng hoặc nghiệp của chúng sanh, vốn là vô sanh nay cũng là vô tướng, dục giới, sắc giới và vô sắc giới vắng lặng cũng như vậy, lại diệt trừ tất cả điên đảo. Thế nào là điên đảo? Gồm có bốn thứ: Một là chúng sanh đối với vô thường mà cho là thường, nay khiến suy nghĩ tất cả đều là vô thường. Hai là đối với chỗ khổ mà cho là vui, nay khiến suy nghĩ tất cả đều là khổ. Ba là đối với pháp vô ngã mà cho là có ngã, nay khiến suy nghĩ tất cả pháp đều là vô ngã. Bốn là đối với thân bất tịnh mà cho là tịnh, nay khiến suy nghĩ tất cả đều là bất tịnh, chỉ có Niết-bàn mới đầy đủ bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Lại chỉ bày pháp Tứ Niệm Xứ, khiến chúng sanh quán sát thân là vô sở hữu, để phá trừ ngã kiến. Quán sát thọ là không có chỗ thọ để phá trừ ngã kiến. Quán sát tâm là không có tâm nào có thể đắc để phá trừ kiến chấp. Quán sát pháp là không có pháp nào có thể đắc để phá trừ pháp chấp. Dùng pháp Tứ chánh cần để dạy bảo việc thiện chưa làm nên làm, việc thiện đã làm siêng năng thêm, việc ác chưa làm không làm, việc ác đã làm siêng năng đoạn trừ. Dùng pháp Tứ thần túc để thành tựu lực thần thông. Dùng pháp Ngũ căn Ngũ lực để trị bịnh bất tín, giãi đãi, thất niệm, tán loạn, ngu si. Dùng pháp Thất-giác-chi để trị tất cả sự ngu si. Dùng pháp Bát Chánh Đạo để trị tất cả lỗi vô tri và tám pháp tà. Này Ca-diếp, đây gọi là pháp trị bịnh chân thật. Ca-diếp, Bồ-tát này ở trong cõi Diêm phù đề là đệ nhất trong các vị lương y. Này Ca-diếp, như các chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới vì bảo vệ thân mạng mình gặp Bồ-tát này thì cũng như gặp vị y vương.

Ca-diếp bạch rằng: Nếu có người trụ nơi tà kiến thì dùng thuốc gì để trị, xin ngài diễn thuyết cho con hiểu rõ.

Phật dạy: Này Ca-diếp, Bồ-tát kia chữa trị cho chúng sanh chẳng phải dùng thuốc thế gian, mà dùng thuốc trí huệ vô lậu xuất thế gian lưu truyền bốn phương để trị bịnh vọng tưởng cho tất cả chúng sanh, chân thật không hư dối.

Ca-diếp thưa: Thế nào gọi là trí huệ xuất thế gian?

Phật dạy: Ca- diếp! Trí huệ kia từ nhân duyên sanh, xa lìa các phân biệt, vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh , vô thọ mạng, trí huệ ấy không đắm trước nơi ”không”. Này Ca-diếp , Các ông nên chơn chánh cầu tâm chớ lo sợ phát tâm tinh tấn, như vậy mà cầu tâm, như vậy mà trụ tâm.

Ca-diếp thưa: Thế nào là trụ tâm, thế nào là không trụ tâm? Có quá khứ, vị lai, hiện tại, sẽ trụ nơi chỗ nào?

Phật dạy: Này Ca-diếp, quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại không trụ, Này Ca-diếp, tâm pháp này chẳng phải ở trong, chẳng phải bên ngoài, cũng chẳng phải ở giữa. Ca-diếp, tâm pháp này xa lìa các sắc tướng, không trụ, không đắm, cũng không thể thấy. Ca-diếp, tất cả Phật trong quá khứ không thấy, tất cả Phật nơi vị lai không thấy, tất cả Phật nơi hiện tại cũng không thấy.

Ca-diếp bạch rằng: Nếu tất cả Phật trong quá khứ vị lai hiện tại không thấy, thì tại sao tâm kia có các hành tướng?

Phật dạy: Ca-diếp, Tâm kia là không thật, từ nơi vọng tưởng sanh ra, thí như huyễn hóa sanh ra các thứ đó là hư vọng.

Ca-diếp bạch rằng: Hư vọng không thật, ví dụ như thế nào?

Phật bảo Ca-diếp: Tâm như bọt nước sanh diệt không dừng, tâm như gió thổi không thể nắm bắt, tâm như đèn sáng do nhân duyên hòa hợp, tâm như hư không đắc phiền não hư vọng, tâm như điện chớp trong sát na liền mất, tâm như vượn khỉ vịn vào cảnh giới, tâm như người thợ vẽ tạo các hình tượng, tâm niệm không dừng sanh ra tất cả phiền não, thể của tâm và hành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là một, do không có hai tác dụng. Tâm như chúa tể, do tự tại duyên tất cả pháp. Tâm như bạn ác phát sanh tất cả khổ não. Tâm như biển lớn, do nhấn chìm tất cả căn lành. Tâm như người dùng móc câu để câu cá, do đối với khổ lại sanh ý tưởng là vui. Tâm như mộng huyễn vọng nghĩ là có ngã. Tâm như ruồi xanh, đối với vật bất tịnh lại sanh ý tưởng là tịnh. Tâm như quỷ mị, tạo tác các vật bất thiện. Tâm như dạ xoa, ưa thích uống tinh khí của người nơi thế gian. Tâm như oan gia thường tìm sự lỗi lầm. Tâm không trụ vắng lặng, hoặc cao hoặc thấp, tiến thối không chừng. Tâm như giặc cuồng si, phá hoại tất cả công đức thiện. Tâm như loài bướm, thường ưa thích ánh đèn. Tâm tham đắm nơi tiếng, như thích tiếng trống chiến đấu. Tâm như loài chó, đối với vật bất tịnh mà cho là thơm ngon. Tâm như đầy tớ thấp hèn, tham ăn thức ăn dư thừa. Tâm tham đắm sự xúc chạm, như ruồi tham đắm mùi tanh hôi. Này Ca- diếp, tâm là hông thể cầu, cầu cũng không thể đắc. Quá khứ chẳng có, vị lai cũng không, hiện tại không thể đắc. Nếu quá khứ hiện tại vị lai là không thể đắc, thì cả ba đời đều đoạn dứt. Do ba đời đã đoạn nên tâm kia không có, tâm kia không có tức là không sanh, tâm kia không sanh tức là vô tánh, tâm vô tánh tức là không sanh không diệt. Nếu không sanh không diệt thì cũng không có đến đi, không có đến đi nên không có chủ tể, không có chủ tể nên không giả không thật, đó tức là Thánh tánh.

Này Ca-diếp, như thánh tánh kia là không đắc giới, chẳng phải không có giới, không có hạnh thanh tịnh, không có hạnh cấu uế, không có nhân hạnh, không có quả hạnh, cũng không có tâm ý. Nếu không có tâm ý tức là không có nghiệp, cũng không có nghiệp báo, không có nghiệp báo thì không có khổ vui, không có khổ vui tức là thánh tánh. Thánh tánh ấy không có trên, dưới, ở giữa, thân khẩu ý bình đẳng không có đắm trước. Tại vì sao? Tánh ấy biến khắp hư không, do bình đẳng nên không có phân biệt.

(Từ câu VÔ PHÂN BIỆT trở xuống thì ở đây thiếu phần nguyên bản chữ Phạn)

    Xem thêm:

  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Ngài Ma Ha Ca Diếp Độ Bà Lão Nghèo - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Na-Tiên Đàm Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Lễ Tắm Phật Sau Khi Đức Phật Đã Nhập Diệt - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Định Bất Định Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Đại A La Hán Nan Đề Mật Đa La Sở Thuyết Pháp Trụ Kí - Kinh Tạng
  • Kinh A Nậu Phát - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Công Đức Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Tu Lại - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 18 – Chọn Bạn Kết Giao - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Úy Thọ Sở Vấn Đại Thừa - Kinh Tạng