1
2
3
4
5

QUYỂN 4

Phật bảo Ca-diếp, thí như có người khéo hiểu thói quen của ngựa, ngựa ấy tánh tình hung dữ thật khó điều phục, mà người này thuận theo tánh của ngựa để điều phục khiến hiên lương thiện. Ca-diếp, Cũng vậy Tỳ Kheo tương ưng có thể giữ cấm giới, mà tánh tình rong ruổi thật khó điều phục, rồi được Tỳ Kheo khác điều phục chế ngự khiến xa lìa sân giận được như như bất động. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như ngựa hung hăng

Gặp người khéo điều phục

Dùng các thứ cấm chế

Không lâu ngựa hiền lành

Tỳ kheo hành tương ưng

Khéo giữ gìn giới cấm

Được điều phục tâm thức

Khiến trụ nơi an lạc.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người bị bịnh bứu nơi cổ họng chịu sự đau khổ cho đến khi chết. Ca-diếp, cũng như có người đắm trước nơi ngã, nghĩ tưởng đến thân mạng mình nên chịu sự khổ não. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như người bị bịnh bứu

Thân mạng chịu khổ não

Suốt ngày rồi đến đêm

Chưa từng được an lạc

Chúng sanh đắm trước ngã

Nghĩa ấy cũng như vậy

Tà kiến và điên đảo

Về sau chịu các khổ

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người thân bị trói chặt rồi khéo tìm phương tiện mà được giải thoát, Ca-diếp, cũng vậy các hữu tình làm điều thiện tương ưng ngăn ngừa tâm tán loạn khiến xa lìa sự trói buộc. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như người bị trói buộc

Khéo tìm phương tiện hay

Cởi bỏ sự trói buộc

Khiến tâm được tự tại

Chúng sanh làm điều thiện

Điều phục nơi tâm thức

Khiến xa lìa trói buộc

Nghĩa ấy cũng như vậy

Phật bảo Ca-diếp: Thí như hư không vốn rộng lớn mênh mông rồi có hai vật làm che lấp. Thế nào là hai vật, đó là mây và sương mù. Ca-diếp, Cũng vậy người xuất gia vốn tự thanh tịnh vắng lặng, lại tìm cầu các chú thuật thế gian, đối với y bát tài lợi thì ham cất chứa thọ dụng nên bị các thứ này che lấp. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như mây và sương mù

Che lấp cả hư không

Tỳ kheo cũng như vậy

Thực hành pháp thế gian

Học tập các chú thuật

Cất chứa nhiều y bát

Hai thứ này chướng ngại

Bồ Tát nên xa lìa

Phật bảo Ca-diếp: Người xuất gia có hai thứ ràng buộc. Thế nào là hai? Ca-diếp: Một là lợi dưỡng ràng buộc, hai là danh lợi ràng buộc. Nên người xuất gia cần phải xa lìa. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Nếu là người xuất gia

Tham đắm nơi lợi dưỡng

Lại ưa thích tiếng tốt

Hai thứ này ràng buộc

Chướng ngại đạo giải thoát

Nên cần phải xa lìa.

Phật bảo Ca-diếp: Có hai thứ pháp làm hư đức hạnh xuất gia. Thế nào là hai? Một là gần gũi người thế gian, hai là oán ghét chê trách bậc Thánh. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Gần gũi người thế gian

Chê ghét các bậc Thánh

Hai thứ này phi pháp

Mất hạnh người xuất gia

Người tu hạnh Bồ Tát

Cần phải mau tránh xa.

Phật bảo Ca-diếp: Có hai pháp làm cấu uế người xuất gia. Thế nào là hai? Một là tâm nhiều phiền não, hai là bỏ bạn lành theo bạn xấu ác. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Nếu là người xuất gia

Mà tâm nhiều phiền não

Xa rời các bạn lành

Gần gũi với bạn ác

Phật dạy hạng người này

Cấu uế hạnh xuất gia

Tất cả chúng Bồ Tát

Cần phải mau tránh xa

Phật bảo Ca-diếp: Có hai pháp nguy hiểm đối với người xuất gia. Thế nào là hai? Một là khinh chê giáo pháp, hai là ưa thích phá giới. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Nếu là người xuất gia

Mà khinh chê giáo pháp

Tin ưa người phá giới

Như vào chỗ hiểm nguy

Giây lát sẽ đọa lạc

Hai loại này phi pháp

Tất cả đệ tử Phật

Cần phải mau tránh xa

Phật bảo Ca-diếp: có hai pháp nếu người xuất gia thực hành thì phạm lỗi. Thế nào là hai? Một là nhìn lỗi người khác, hai là che giấu lỗi mình. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Nếu là người xuất gia

Thường nhìn lỗi người khác

Che giấu lỗi của mình

Cả hai là lỗi lớn

Tai hại như lửa đốt

Người trí phải tránh xa.

Phật bảo Ca-diếp: Có hai pháp làm tăng nhiệt não đối với người xuất gia. Rhế nào là hai? Một là thân đắp ca sa mà tâm nghĩ việc bất tịnh, hai là ỷ vào giới đức của mình rồi trách mắng những việc làm sai. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thân mang áo ca sa

Tâm nghĩ việc bất tịnh

Ỷ thân có giới đức

Miệng nói lời xấu ác

Trách mắng người làm sai

Cả hai phải lánh xa

Phật bảo Ca-diếp: Có hai loại thuốc pháp chữa bịnh cho người xuất gia. Thế nào là hai? Một là tu hạnh Đại thừa có tâm cương quyết. Hai là vì các chúng sanh mà nối tiếp phật pháp. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Nếu là người xuất gia

Thực hành pháp đại thừa

Tâm thường giữ cương quyết

Không đoạn chủng tử Phật

Người có hai pháp này

Phật dạy là không bịnh

Phật bảo Ca-diếp: Có hai loại pháp làm cho người xuất gia bịnh nặng lâu dài. Thế nào là hai? Một là phạm tội nặng, hai là không phát lồ sám hối. Nay ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Chúng Tỳ Kheo xuất gia

Phạm vào các tội nặng

Không sám hối diệt tội

Ngu si không kính giới

Để thời gian trôi qua

Tội này là bịnh lớn

Phật bảo Ca-diếp: Đây có Sa Môn gọi là Sa Môn danh.

Ca-diếp bạch Phật rằng: Sa Môn như thế nào gọi là Sa Môn danh.

Phật dạy: đây có bốn loại Sa Môn, Thế nào là bốn? Một là Sa Môn sắc tướng, hai là Sa Môn lén làm việc hư dối, ba là Sa Môn cầu danh tiếng, bốn là Sa Môn thật hạnh. Ca-diếp, đây là bốn loại Sa Môn.

Ca-diếp thưa rằng: Thế nào gọi là Sa Môn sắc tướng?

Phật dạy: Ca- diếp, một loại Sa Môn này tuy cạo bỏ râu tóc, mặc ca sa, thọ trì bát , đầy đủ sắc tướng nhưng thân không thanh tịnh, ý không thanh tịnh, không tự điều phục sự thô ác bất thiện, tham đắm tài lợi, mạn sống không thanh tịnh. phá huỷ giới pháp. Ca-diếp, đây gọi là Sa Môn sắc tướng.

Ca-diếp thưa rằng: Thế nào gọi là Sa Môn lén làm việc hư dối?

Phật dạy: Ca-diếp, Một loại Sa Môn này tuy biết hạnh nghiệp, cũng đầy đủ oai nghi, ăn thức ăn thô ác giả vờ vui mừng, đi đứng nằm ngồi thường lờ mờ luống đối, lại không gần gũi bốn dòng giống Thánh tại gia và xuất gia, giả im lặng để lừa gạt hữu tình, tâm không thanh tịnh, cũng không có sự điều phục, không đoạn dứt niệm phân biệt hư vọng, đắm vào tướng nhân ngã. Nếu gặp pháp nói về không thì sanh lòng sợ hãi như đi đến chỗ hiểm nguy, Nếu thấy Tỳ Kheo khéo nói về pháp không thì xem như gặp kẻ oán. Ca-diếp, đây gọi là Sa Môn lén làm việc hư dối.

Ca-diếp thưa rằng: Thế nào gọi là Sa Môn cầu danh tiếng?

Phật dạy: Ca-diếp, một loại sa Môn này vì cầu danh thơm tiếng khen mà giả vờ trì giới, làm mê hoặc người khác, tự khoe mình đa văn để cầu tiếng khen. Hoặc ở nơi đồng trống, hoặc ở nơi núi rừng, giả vờ ít muốn không tham lam, giả thực hành hạnh thanh tịnh, nhưng ở trong tâm thì không ly dục, không có vắng lặng, không có tư duy thiền định, không chứng bồ đề, cũng không làm Sa Môn, không làm Bà-la-môn, không vì đạo Niết Bàn, chỉ cầu tiếng khen danh dự. Ca-diếp, đây gọi là Sa Môn cầu danh tiếng.

Ca-diếp thưa rằng: thế nào gọi là Sa môn thật hạnh?

Phật dạy: Ca-diếp, một loại Sa Môn này, không làm thân mạng mà làm những việc thế gian, cũng không bàn luận về danh tiếng lợi dưỡng, chỉ thực hành pháp không, vô tướng, vô nguyện. Nếu nghe tất cả pháp rồi thì chánh ý tư duy về Niết-bàn thật tế , chỉ lo tu phạm hạnh mà không cầu quả báo thế gian, cũng không bàn luận việc vui chơi trong ba cõi , chỉ thấy tánh không , không nắm giữ pháp sự, không bàn luận về nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả hay các loài hữu tình, thấy biết pháp chơn chánh, xa lìa hư vọng, đối với đạo giải thoát đoạn trừ các phiền não, thấu đạt tất cả pháp tự tại thanh tinh, trong ngoài không đắm trước, không tích chứa, không phá hoại hiểu thấu rõ pháp thân của Như-lai, không thể thấy, không thể nắm bắt, không bàn về sắc thân ly dục, cũng không thấy sắc tướng, cũng thấy ba nghiệp tạo tác, cũng không chấp các pháp phàm thánh không có sở hữu, đoạn các sự phân biệt, tự tánh tĩnh lặng, không luân hồi không Niết-bàn, không trói buộc, không giải thoát, không đến không đi, biết tất cả pháp là vắng lặng thanh tịnh. Ca-diếp, đấy gọi là Sa môn thật hạnh, do tạo tác hạnh tương ưng mà không cầu danh tiếng. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như thân miệng ý

Ba nghiệp chẳng thanh tịnh

Tham ái không điều phục

Hạnh thô ác bất thiện

Cạo đầu mặc ca sa

Tay nắm giữ bình bát

Phật dạy Sa môn này

Chỉ là có sắc tướng

Tuy có nương hạnh nghiệp

Mà hư dối không thật

Giả hiện các oai nghi

Cho là đồng bậc thánh

Xa lìa chúng hòa hợp

Thường ăn thức ăn thô

Không có hạnh thanh tịnh

Lén làm việc hư dối

Hoặc vì cầu danh lợi

Muốn mọi người khen mình

Giả tu giới và định

Khoe thực hành đầu đà

Không điều phục tâm ý

Lừa dối các tín thí

Không thực hành ly dục

Cũng không dứt phan duyên

Thấy người nói pháp không

Sợ hãi như gặp nạn

Hoặc ở nơi đồng trống

Mà ý không chân thật

Phật dạy Sa môn này

Là người cầu danh tiếng

Nếu người có thật hạnh

Không vì thân mạng mình

Mà cầu các lợi dưỡng

Cũng không cầu khoái lạc

Chỉ chánh tu giải thoát

Cứu vớt các đường ác

Tuy hiểu rõ pháp không

Không đắc sự vắng lặng

Chẳng phải không vắng lặng

Không trụ nơi Niết-bàn

Không ở nơi sanh tử

Không đắm nơi bậc thánh

Không xả bỏ phàm phu

Vốn mình không chỗ đến

Nay cũng không chỗ đi

Tất cả pháp vắng lặng

Phật dạy hạng người này

Là Sa môn thật hạnh

Phật bảo Ca-diếp: Thí như người sanh ở nhà nghèo khó không có tài lợi, tự nói với mọi người rằng: trong nhà tôi có kho lớn chứa đầy của cải. Ca-diếp, Ý ông nghĩ thế nào, người nghèo này nói đúng sự thật không?

Ca-diếp thưa rằng: Bạch Thế-tôn không đúng.

Phật dạy: Ca-diếp, cũng như vậy, Sa môn, Bà-la-môn tự mình không có giới đức mà tự nói rằng: Thân tôi có đủ đức hạnh, lời này là không thật, việc này khó tin. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như người nghèo khổ

Tự nói có kho lớn

Chứa đầy bảy thứ báu

Lời kia không tương ưng

Sa môn Bà-la-môn

Hư đốn cũng như vậy

Ba nghiệp không thanh tịnh

Tự nói đủ giới đức.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người nhảy vào nước lớn mà không chuyên tâm, buông lung đùa giỡn trong nước mà không biết bị chết chìm. Ca-diếp, cũng vậy Sa môn Bà-la-môn biết nhiều pháp lạc, vào trong biển pháp lớn mà không chế ngự tâm, ưa thực hành tham sân si, nên bị phiền não dẫn dắt sanh vào đường ác. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như người đùa với nước

Vào trong hồ nước lớn

Tự mình không chuyên tâm

Nên bị nước nhấn chìm

Sa môn Bà-la-môn

Tham vào trong biển pháp

Buông lung tham sân si

Bị rơi vào đường ác

Phật bảo Ca-diếp: Thí như vị thầy thuốc điều chế thuốc thang định đi bốn phương để trị bịnh, bỗng nhiên tự mình mắc bịnh không thể cứu chữa. Ca-diếp, cũng vậy các Tỳ-kheo học rộng nghe nhiều, muốn giáo hóa chúng sanh nhưng bỗng nhiên giữa chừng tự mình có phiền não khởi không thể điều phục. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như vị lương y

Hòa hợp các thuốc thang

Định đi khắp bốn phương

Trị bịnh cho chúng sanh

Bỗng nhiên mình có bịnh

Mà không thể cứu chữa

Tỳ-kheo cũng như vậy

Tu học và nghe nhiều

Muốn giáo hóa chúng sanh

Tự mình khởi phiền não

Không thể khéo ngăn chận

Phải chịu sự khổ não.

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người thân bịnh nặng, uống các thứ thuốc tốt mà không tránh khỏi sự mạng chung. Ca-diếp, cũng vậy các hữu tình có đầy đủ bịnh phiền não muốn tu hành đa văn thì cũng không tránh khỏi đọa lạc. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như người bị bịnh nặng

Lâu ngày mà không lành

Uống các thứ thuốc tốt

Không tránh khỏi vô thường

Chúng sanh cũng như vậy

Nhiều các bịnh phiền não

Lại ưa tu đa văn

Không tránh khỏi đọa lạc

Phật bảo Ca-diếp: Thí như hạt châu ma ni bị rơi vào chỗ bất tịnh, thể của hạt châu dính bất tịnh không thể sử dụng. Ca-diếp, cũng vậy các Tỳ-kheo đa văn, tuy có đủ đa văn nhưng rơi vào trong lợi dưỡng bất tịnh thì Trời Người không sanh cung kính thương mến. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Như châu báu ma ni

Rơi vào chỗ bất tịnh

Xúc chạm sự ô nhiễm

Không thể sử dụng được

Tỳ-kheo cũng như vậy

Tuy có đủ đa văn

Rơi vào chỗ bất tịnh

Danh dự và lợi dưỡng

Chư thiên cùng nhan dân

Không sanh lòng ái kính

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người bỗng nhiên mạng chung, có người dùng mũ vàng, vòng hoa để trang sức nơi đầu mặt. Ca-diếp, cũng vậy Tỳ-kheo phá hủy giới luật , dùng ca sa trang nghiêm thân thể đâu có ích gì. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như người đã chết

Dùng các vòng hoa đẹp

Và thêm mũ vàng báu

Trang sức trên đầu mặt

Với người này vô ích

Tỳ-kheo cũng như vậy

Thân phá hủy các giới

Lại đắp áo ca sa

Trang sức làm oai nghi

Trọn không có ích gì

Phật bảo Ca-diếp: Thí như có người tắm gội sạch sẽ, dùng hương thơm thoa trên thân và đầu tóc, ngón tay thân mặc áo trắng đeo vòng hoa Chiêm-bặc, làm người dòng tộc cao quý. Ca-diếp, cũng vậy các Tỳ-kheo trí tuệ đa văn thân đắp ca sa, oai nghi đầy đủ làm đệ tử Phật. Nay Ta tuyên thuyết bài kệ rằng:

Thí như người thế gian

Tắm gội thân sạch sẽ

Thoa các thứ dầu thơm

Đầu đeo vòng hoa đẹp

Thân mặc áo trắng tinh

Làm người dòng tộc sang

Tỳ-kheo cũng như vậy

Đủ trí huệ đa văn

Giới đức luôn thanh tịnh

Thân mang đắp ca sa

Đầy đủ tướng oai nghi

Chơn chánh đệ tử Phật

Phật bảo Ca-diếp: Có bốn loại Tỳ-kheo phá giới gọi là ảnh tượng trì giới

Ca-diếp thưa rằng: Thế nào là bốn loại phá giới.

Phật dạy: Ca-diếp, Có Tỳ-kheo thọ trì đầy đủ giới biệt giải thoát, khéo biết giới cấm, đối với tội nhỏ luôn sanh lòng sợ hãi, thường y chỗ học thuyết giới thanh tịnh, b a nghiệp thân khẩu ý đầy đủ không phạm sống xa lìa tà mạng, đây có mắc lỗi. Tại vì sao? Do chấp công lao của mình thành ra giới thủ. Ca-diếp, đây là loại thứ nhất phá giới gọi là trì giới ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, có Tỳ-kheo khéo biết giới cấm thường giữ gìn giới hạnh, sử dụng ba nghiệp, có thân kiến mà chấp thủ không xả. Ca-diếp, đây là loại thứ hai phá giới gọi là trì giới ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, có Tỳ-kheo thường thực hành từ bi thương xót hữu tình, đầy đủ từ tâm mà nghe nói tất cả pháp là vô sanh thì tâm sanh sợ hãi. Ca-diếp, đây gọi là loại thứ ba phá giới gọi là trì giới ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, có Tỳ-kheo thực hành mười hai hạnh đầu đà đầy đủ không thiếu xót, nhưng thấy có ngã, tâm đắm nơi tướng ngã nhân. Ca-diếp, đây là loại thứ tư phá giới gọi là trì giới ảnh tượng. Ca-diếp, như trên là bốn loại phá giới gọi là trì giới ảnh tượng.

Lại nữa Ca-diếp, nếu thuyết giới này là vô nhân, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ mạng, không có thực hành cũng không phải không thực hành, không tạo tác cũng không phải không tạo tác, không phạm cũng không phải không phạm, không danh sắc cũng không phải không danh sắc, không tướng cũn g không phải không tướng, không dứt niệm cũng không phải không dứt niệm, không lấy không xả cũng không phải không lấy không xả, không thọ nhận cũng không phải không thọ nhận, không thức không tâm cũng không phải không thức không tâm, không thế gian cũng không xuất thế gian, không có chỗ trụ cũng không phải không có chỗ trụ, không có mình trì giới, không có người khác trì giới. Đối với giới luật lìa sự hủy báng, không mê không chấp. Ca-diếp, giới này Là chánh giới vô lậu của bậc thánh, xa lìa tất cả chỗ trụ trong ba cõi. Lúc bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Trì giới lìa cấu uế

Chẳng trụ tướng nhân ngã

Không phạm cũng không trì

Không trói cũng không mở

Thiện vi diệu thậm sâu

Xa lìa các nghi hoặc

Ca-diếp, giới tướng này

Như-lai chân thật thuyết

Trì giới không cấu uế

Mà ở nơi thế gian

Chẳng vì thân mạng mình

Cứu vớt các chúng sanh

Đồng đến chỗ chân như

Ca-diếp, giới tướng này

Như-lai chân thật thuyết

Trì giới lìa cấu uế

Đối với nhân và ngã

Không nhiễm cũng không tịnh

Không tối cũng không sáng

Không được cũng không mất

Không trụ ở bờ này

Không đến nơi bờ kia

Cũng chẳng ở giữa dòng

Trói mở đều bình đẳng

Không trụ như hư không

Không tướng chẳng không tướng

Ca-diếp, giới tướng này

Như-lai chân thật thuyết

Trì giới không cấu uế

Không tham đắm danh sắc

Không trụ nơi đến đi

Thường dùng tâm thanh tịnh

Xa lìa tướng có không

Nơi giới biệt giải thoát

Xa lìa việc trì phạm

Không giới chẳng không giới

Không định không tán loạn

Y đây mà hành đạo

Không thủ trí và quán

Giới thanh tịnh vi diệu

An trú Tam Ma Địa

Quán sát Tam Ma Địa

Trí huệ tự thanh tịnh

Đây gọi là đủ giới.

    Xem thêm:

  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Ngài Ma Ha Ca Diếp Độ Bà Lão Nghèo - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Na-Tiên Đàm Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Lễ Tắm Phật Sau Khi Đức Phật Đã Nhập Diệt - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Định Bất Định Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Đại A La Hán Nan Đề Mật Đa La Sở Thuyết Pháp Trụ Kí - Kinh Tạng
  • Kinh A Nậu Phát - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Công Đức Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Tu Lại - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 18 – Chọn Bạn Kết Giao - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Úy Thọ Sở Vấn Đại Thừa - Kinh Tạng