1
2
3
4

QUYỂN 3

Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật:

– Ánh sáng trên đảnh Phật Vô Lượng Thanh Tịnh sáng vô cùng. Sao, trăng, mặt trời đứng yên trong hư không, không thể xoay chuyển hay vận hành, cũng không phát ánh sáng được. Ánh sáng ấy bị phủ mờ không xuất hiện. Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh tỏa chiếu trong nước và luôn tỏa chiếu rực rỡ khắp các cõi nước khác, không bao giờ bị tối tăm.

Trong nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh không có thời gian gọi là một ngày, hai ngày, không có mười lăm ngày hay một tháng, không có năm tháng hay mười tháng, không có năm năm hay mười năm, không có trăm năm hay ngàn năm, không có vạn năm, ức năm, ức vạn năm, mười ức vạn năm, không có trăm ngàn ức vạn năm, không có ngàn ức ức vạn năm, không có một kiếp hay mười kiếp, không có trăm kiếp hay ngàn kiếp, không có vạn kiếp hay mười vạn kiếp, không có ngàn vạn kiếp, không có trăm ngàn vạn ức kiếp.

Đức Phật dạy:

– Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh sáng vô cùng tận. Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh sau vô số kiếp hay vô số kiếp, lại đến vô số kiếp nữa, vô số kiếp không thể tính được, vô số kiếp không bao giờ có sự tối tăm. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và chư thiên không bao giờ bị tan hoại. Vì sao? – Vì tuổi thọ của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh dài vô tận mà cõi nước thì vô cùng tốt đẹp, cho nên như vậy.

Đức Phật dạy:

– Tuổi thọ tối tôn của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh vô số kiếp về sau hay vô số kiếp về sau nữa, không bao giờ có sự nhập diệt. Phật Vô Lượng Thanh Tịnh giáo thọ nơi thế gian muốn hóa độ khắp mười phương vô số cõi nước, chư thiên, loài người cho đến những loài côn trùng nhỏ nhít, Ngài đều muốn tất cả vãng sanh nơi nước của Ngài và làm cho họ đắc đạo Nê-hoàn. Phật muốn các vị Bồ-tát thì được làm Phật, đã làm Phật rồi chuyển bánh xe pháp giáo hóa khắp mười phương, từ chư thiên loài người, cho đến loài côn trùng nhỏ nhít, Ngài đều muốn cho họ được làm Phật. Khi đã làm Phật rồi, lại giáo hóa vô số chư thiên, loài người, cho đến loài côn trùng nhỏ nhít đều được vào đạo Niết-bàn.

Những chúng sanh nào đáng được giáo thọ, lần lượt được Phật giáo thọ và lần lượt được độ thoát, cho đến đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, tiếp đến được độ thoát, đều được đạo quả Nê-hoàn.

Phật Vô Lượng Thanh Tịnh thường chưa muốn nhập diệt. Phật Vô Lượng Thanh Tịnh có sự độ thoát lần lượt như vậy. Ngài an trú vô số kiếp, vô số kiếp không thể tính toán, không bao giờ Ngài nhập Niết-bàn.

Nơi mười phương vô số chư thiên và loài người cho đến vạn loại côn trùng được sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh nhiều không thể tính hết. Những chúng sanh đạt đạo quả A-la-hán, đạo quả Niết-bàn cũng nhiều vô số, không thể tính toán được.

Ân đức của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đã ban bố cho mọi loài khắp mười phương trời bao la vô tận, ân đức ấy sâu xa vô lượng; làm sao nói hết được những sự an vui tốt đẹp mà Phật đã ban cho?! Với trí tuệ siêu tuyệt, sự giáo hóa, chỉ dạy của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đã phát xuất kinh đạo, truyền bá khắp mười phương vô lượng vô biên từ trên trời đến dưới trời, nhiều vô tận. Số lượng quyển kinh rất nhiều, không thể tính kể, nhiều vô cùng tận.

Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật:

– Ông có muốn biết tuổi thọ vô cùng tận của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh chăng?

Bồ-tát A-Dật thưa:

– Con xin muốn nghe.

Đức Phật bảo:

– Ông hãy nghe rõ. Giả sử làm cho tất cả chúng sanh nơi mười phương trời, trong vô số cõi nước, từ chư thiên, loài người cho đến những loài côn trùng nhỏ nhít đều được làm người, làm cho thành A-la-hán, Bích-chi Phật… tất cả cùng nhất tâm tọa thiền, hợp thành một khối trí tuệ, một sự dõng mãnh, cùng muốn tính biết tuổi thọ của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh là bao nhiêu ngàn vạn ức kiếp, hay bao nhiêu vô số kiếp, nhưng hoàn toàn không ai có thể tính biết được tuổi thọ vô cực của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.

Và nói về phương diện khác, nơi mỗi ngàn núi Tu-Di trong cõi Phật, từ chư thiên, loài người, cho đến những loài côn trùng nhỏ nhít đều được làm người, làm cho thành A-la-hán, Bích-chi Phật… tất cả cùng nhất tâm tọa thiền, hợp thành một khối trí tuệ, một sự dõng mãnh, cùng muốn tính số Bồ-tát, A-la-hán trong nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh là bao nhiêu ngàn vạn ức người, nhưng hoàn toàn không ai có thể tính biết được.

Đức Phật dạy:

– Tuổi thọ của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh rất lâu dài, miên viễn, mênh mông. Ánh sáng của Phật cũng rực rỡ mênh mông, tỏa chiếu bao tốt đẹp sâu xa vô cùng vô tận. Ai có thể tin hiểu nổi sự kỳ diệu này, ngoài đức Phật tự biết.

Bồ-tát A-Dật nghe những lời Phật dạy, rất vui mừng, quỳ gối chắp tay thưa:

– Đức Phật nói về tuổi thọ rất lâu dài của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh cùng oai thần, ánh sáng đại trí tuệ rực rỡ, hoàn hảo; chỉ riêng Ngài như vậy phải không?

Đức Phật bảo:

– Đến khi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh nhập diệt, đệ tử của Ngài là Bồ-tát Khư Lâu Thuyên sẽ làm Phật, thống lãnh về trí tuệ và chủ trì giáo thọ cho khắp thế gian. Đức Phật ấy hóa độ cho chư thiên, loài người, cho đến vạn loại côn trùng, làm cho họ đều được đạo Niết-bàn của Phật. Phước đức hoàn hảo của Bồ-tát Khư Lâu Thuyên – cũng như bậc thầy tối thượng là Phật Vô Lượng Thanh Tịnh – trụ ở đời vô số kiếp, kiếp vô số không thể tính hết được và không thể tính được số kiếp duy trì giáo pháp của bậc Đại sư, sau đó mới nhập Niết-bàn.

Tiếp đến là Bồ-tát Ma Ha Na Bát sẽ làm Phật, chủ trì về trí tuệ và thống lãnh giáo hóa tất cả. Phước đức hóa độ của đức Phật này – cũng như bậc thầy tối thượng là Phật Vô Lượng Thanh Tịnh – trụ ở đời vô số kiếp, sẽ không nhập Niết-bàn, kế tục truyền thừa, thọ trì kinh đạo rất sáng suốt nên đất nước cực kỳ tốt đẹp, an vui. Giáo pháp của Phật như vậy, không bao giờ có sự đoạn tuyệt và không thể cùng tận.

Tôn giả A-Nan quỳ gối chắp tay bạch Phật:

– Phật dạy: trong cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh không có núi Tu-Di, như vậy Tứ Thiên Vương thứ nhất, trời Đao Lợi thứ hai nương vào những nơi nào để an trú? Con xin muốn nghe điều này.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Thầy có ý nghi ngờ về chỗ của Phật ư? – Nơi mười phương vô cùng vô tận không có bến bờ, nước trong biển lớn khắp thiên hạ, một người có thể múc hết nước làm cho khô cạn được chăng? Trí tuệ Phật cũng vậy, bao la vô cùng vô tận, không có bến bờ.

Theo trí tuệ của Ta thấy biết thì chư Phật thời quá khứ đã qua, những vị có tên là Thích Ca Văn Phật như Ta nhiều như cát sông Hằng, mỗi một hạt cát là một đức Phật. Những vị mới bắt đầu làm Phật trong tương lai có tên như Ta là Thích Ca Văn cũng nhiều như số cát sông Hằng, mỗi hạt cát là một đức Phật. Phật ngồi hướng về phương Nam, thấy Phật hiện tại có tên như Ta là Thích Ca Văn Phật nhiều như số cát sông Hằng, mỗi hạt cát là một đức Phật. Chư Phật thời quá khứ, tương lai và hiện tại nơi khắp mười phương có tên như Ta là Thích Ca Văn Phật đều như số cát của mười sông Hằng, mỗi một hạt cát là một đức Phật. Số cát như vậy Phật đều biết tất cả.

Đức Phật dạy:

– Từ thuở xa xưa vô số kiếp đến nay, một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, ức kiếp, vạn ức kiếp, ức vạn kiếp, có Phật trong mỗi kiếp. Chư Phật đã qua trong quá khứ, một Phật, mười Phật, trăm Phật, ngàn Phật, vạn Phật, ức Phật, có Phật trong vạn ức Phật, mỗi một Phật có tên riêng không giống nhau. Những đức Phật khác tên với Ta bắt đầu phát tâm vào kiếp tương lai sẽ thành Phật một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, ức kiếp, vạn ức kiếp, ức vạn kiếp.

Trong kiếp có một Phật, mười Phật, trăm Phật, ngàn Phật, vạn Phật, ức Phật, vạn ức Phật, trong vạn ức Phật có Phật, mỗi đức Phật có một tên khác nhau, danh hiệu không giống, khi đó mới có một Phật hiệu Thích Ca Văn như Ta. Vô số cõi Phật trong mười phương trời, đức Phật hiện tại, tiếp đến cõi Phật phương khác, một nước Phật, mười nước Phật, trăm nước Phật, ngàn nước Phật, vạn nước Phật, ức nước Phật, vạn ức nước Phật, ức vạn nước Phật, trong nước Phật có Phật, mỗi một Phật có tên riêng, danh tự khác nhau rất nhiều và không giống nhau, không có danh hiệu như Ta.

Trong vô số chư Phật khắp mười phương, lâu lâu mới có một vị tên Thích Ca Văn Phật như Ta. Thời quá khứ, tương lai và hiện tại ở khắp mười phương, trong khoảng thời gian ấy mênh mông, sâu xa diệu vời, vô cùng vô cực. Trí Phật an nhiên và rất sáng suốt, biết xưa biết nay, biết cả vô cùng của đời trước, thấy rõ vô tận của đời sau, dự đoán biết đến vô cực, không còn cách tính nào khác để tính được. Phật biết tất cả oai thần tối tôn minh triết của vô số chư Phật. Đạo đức, trí tuệ Phật hợp cùng các minh, không ai có thể hỏi Phật về sự cùng tận của kinh đạo. Làm sao có thể đo lường được trí tuệ vô cùng tận của Phật?

Tôn giả A-Nan nghe lời Phật dạy, rất sợ hãi nên lông tóc đều dựng ngược. Tôn giả bạch Phật:

– Con không dám có ý nghi ngờ về cảnh giới của Phật. Sở dĩ con thỉnh hỏi Ngài, vì các cõi khác đều có núi Tu-Di để làm nơi cư trú cho cõi Tứ Thiên Vương thứ nhất, trời Đao Lợi đệ nhị. Con sợ sau khi Phật nhập diệt, bất chợt có trời, người, hoặc Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đến hỏi con về cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh tại sao không có núi Tu-Di, vậy thì Tứ Thiên Vương đệ nhất, trời Đao Lợi đệ nhị nương vào đâu để an trú? Con phải giải đáp với họ. Nếu bây giờ con không thỉnh hỏi Phật, để đến khi Phật nhập diệt con sẽ đem những lời này hỏi ai, và ai sẽ trả lời cho con? Chỉ có Phật mới biết như vậy, ngoài ra không ai có thể giải thích được điều này. Thế nên con thỉnh hỏi Ngài.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Nếu nói như vậy thì Diệm thiên đệ tam, Đâu Suất thiên đệ tứ, lên đến Phạm thiên đệ thất, đều nương vào đâu để cư trú?

Tôn giả A-Nan thưa:

– Các trời này đều tự nhiên cư trú trong hư không, chứ không nương vào đâu cả.

Đức Phật bảo:

– Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh không có núi Tu-Di cũng như vậy. Tứ Thiên Vương đệ nhất, Đao Lợi thiên đệ nhị đều tự nhiên ở trong hư không, không có nương tựa vào chỗ nào cả. Phật có oai thần vĩ đại, tự tại tùy theo ý muốn mà hành động. Ý muốn có chỗ tạo tác không dự tính vậy. Chư thiên thường tự nhiên ở trong hư không, huống chi Phật có nhiều oai thần vĩ đại, tự tại theo ý muốn ư?

Tôn giả A-Nan nghe lời Phật dạy, rất hoan hỷ, liền quỳ gối chắp tay thưa:

– Trí tuệ Phật biết rõ mọi việc từ thời quá khứ, hiện tại đến tương lai trong khắp mười phương. Trí tuệ ấy thật vô cùng, vô tận, không bờ bến, một trí tuệ cao vời, sâu xa, tuyệt diệu, cực kỳ thông tuệ, an vui tốt đẹp không gì sánh được. Oai thần của Phật thật tôn quý, không ai vượt hơn.

Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật:

– Những ai trong thế gian, hoặc thiện nam, thiện nữ nào muốn nguyện vãng sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh thì có ba hạng, với công đức đã làm có lớn – nhỏ, chuyển đến quả không thể bằng nhau. Ba hạng người đó là:

1- Hạng người tối thượng đệ nhất là lìa xa gia đình, từ bỏ vợ con, đoạn tuyệt ái dục, làm Sa-môn, thành tựu đạo giải thoát, thường hành đạo Bồ-tát, phụng hành kinh sáu ba-la-mật. Làm Sa-môn thì không nên khiếm khuyết, làm mất kinh giới, từ tâm tinh tấn, không có tâm sân hận, không giao hợp cùng người nữ, trai giới thanh tịnh, tâm không tham tiếc, chuyên ròng nguyện ước sinh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, chí tâm đương niệm không ngưng nghỉ. Trong đời hiện tại – thời gian cầu đạo – người này trong lúc ngủ mộng thấy Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán. Đến khi người này qua đời, Phật Vô Lượng Thanh Tịnh cùng các Bồ-tát và A-la-hán bay đến tiếp đón người này sang nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Người này sẽ hóa sanh trong ao hoa sen bằng bảy báu, tự nhiên thọ thân cao lớn, làm Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ, tức thời cùng với các Bồ-tát bay đi cúng dường vô số chư Phật trong mười phương. Với trí tuệ dõng mãnh, tâm hân hoan, người ấy vui nghe kinh đạo. Nơi cư trú, nhà cửa bằng bảy báu trong hư không, tha hồ tùy ý muốn mà làm theo ý mình và đi đến gần Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.

Đức Phật bảo:

– Những người nào muốn sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, hãy nên tinh tấn giữ gìn kinh giới và thực hành như pháp trên. Người được sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh sẽ được mọi người tôn kính. Đây là hạng người thứ nhất.

Đức Phật dạy:

– Trong những người này, có người mong được sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, tuy không thể xa gia đình, bỏ vợ con, đoạn tuyệt ái dục, làm Sa-môn, nhưng phải giữ gìn kinh giới không để khuyết mất, làm nhiều việc bố thí cúng dường, tin hiểu lời Phật sâu xa với lòng trung tín chí thành. Cúng dường thực phẩm cho Sa-môn, làm chùa, xây tháp, xông hương, rải hoa, thắp đèn, treo các tràng phan… Thực hiện các pháp như vậy, hoàn toàn không có tâm tham tiếc, không nên sân hận, trai giới thanh tịnh, từ tâm tinh tấn đoạn niệm dục. Luôn mong được sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, trong một ngày một đêm không gián đoạn. Trong đời hiện tại, người ấy cũng trong giấc mộng thấy Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Đến khi người ấy hết tuổi thọ nơi cõi Dục, Phật Vô Lượng Thanh Tịnh hóa ra cho người ấy thấy cõi nước và Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Người được sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh sẽ được trí tuệ dõng mãnh.

Đức Phật dạy:

2- Người thực hành việc bố thí như vậy mà sau đó lại hối tiếc, trong tâm do dự, nghi ngờ, không tin rằng bố thí và làm những việc thiện đời sau sẽ được phước đức, không tin rằng có nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, không tin rằng mình sẽ sanh sang nước ấy. Tuy có tâm nghi ngờ như vậy, nhưng người ấy vẫn tiếp tục nhớ nghĩ kinh giới không dừng nghỉ. Người ấy lúc tin, lúc không tin, ý chí do dự, không có sự chuyên nhất. Tiếp tục kết tập thiện nghiệp và nguyện được vãng sanh. Khi người ấy bị bệnh, sắp qua đời thì Phật Vô Lượng Thanh Tịnh tự hóa làm hình tượng làm cho mắt người ấy thấy Phật, nhưng miệng thì không thể nói, trong tâm rất hoan hỷ phấn chấn, ý nghĩ rằng: “Ta hối tiếc mà không biết được sự ích lợi của tâm thannh tịnh và làm thiện nghiệp, nay sẽ sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh “. Người ấy cảm thấy hối lỗi trong tâm. Người biết hối lỗi thì lỗi lầm sẽ giảm đi, không gì sánh bằng. Và người ấy qua đời, tức thì được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh nhưng không thể đến trước chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh được. Từ xa, người ấy trông thấy thành bảy báu tự nhiên ở bên cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, trong tâm vô cùng hoan hỷ, liền dừng lại trong thành ấy, tức thì được hóa sanh trong ao hoa sen bảy báu, thọ thân tự nhiên cao lớn. Người ấy ở trong thành thời gian 500 năm. Thành này có chiều ngang – dọc là hai ngàn dặm. Trong thành cũng có nhà cửa bằng bảy báu. Phía trong, ở trong nhà tự nhiên đều có ao tắm bảy báu, trong ao tắm tự nhiên có hoa đẹp mọc ven bờ. Phía trên ao tắm có những hàng cây bảy báu tự tạo thành năm âm thanh vi diệu. Khi người ấy muốn ăn uống thì trước mặt tự nhiên có thức ăn ngon, đầy đủ trăm vị, tùy theo sở thích đều có cả.

Người ấy ở trong thành rất khoái lạc. Trong thành có những vật dụng tự nhiên như ở cõi trời Đao Lợi. Người ấy ở trong thành không thể đi ra ngoài và không thể gặp được Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, mà chỉ thấy ánh sáng tỏa chiếu của Ngài, trong lòng hối hận tự trách sao hân hoan vui mừng như vậy. Người ấy cũng không được nghe kinh, không được gặp những thầy Tỳ-kheo, không được thấy biết các vị Bồ-tát, A-la-hán trong nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh dung mạo như thế nào. Người ấy đã có những tâm niệm như vậy nên chỉ thích ứng với một ít phước nghiệp như vậy. Phật không làm cho chính người ấy và những nghiệp đã tạo tự nhiên được phước báo đó, mà tự tâm người ấy hướng đến con đường đi vào trong thành. Vốn xưa khi còn cầu đạo Bồ-đề, tâm và miệng không hợp nhất, lời nói và ý niệm không thành thật, nghi ngờ kinh Phật, không có niềm tin hướng về Phật nên tự nhiên phải vào con đường ác. Người ấy năm trăm năm mới được ra, đi đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh nghe kinh nhưng tâm không thông hiểu và không được ở trong chúng Bồ-tát, A-la-hán, Tỳ-kheo để nghe kinh. Vì đã xa lìa nơi chốn, nhà cửa trên đất liền nên không thể làm cho nhà cửa rộng lớn tùy ý thích trong hư không được. Vì đã xa lìa Phật Vô Lượng Thanh Tịnh nên càng cách Phật rất xa, không thể gần gũi bên Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Người ấy trí tuệ tối tăm nên không hiểu kinh nhiều, tâm không vui vẻ, ý không cởi mở. Sau thời gian lâu, trí tuệ thông đạt dần, hiểu được kinh, tinh tấn dõng mãnh, tâm ý vui vẻ nên người ấy cũng được như hạng người thứ nhất. Vì sao? – Vì người ấy vào đời trước – trong khi cầu đạo – ít trì trai giữ giới, thiếu sót pháp kinh, tâm ý nghi ngờ không tin lời Phật dạy, không tin kinh điển sâu xa, không tin rằng bố thí, cúng dường, làm việc thiện đời sau sẽ được phước mà còn có ý hối tiếc, không tin sinh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, không chí tâm làm việc công đức. Thế cho nên những người như vậy xếp vào hạng thứ hai.

Đức Phật dạy:

3- Hạng người thứ ba là nguyện được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, nhưng không bố thí cúng dường, không thắp hương rải hoa, thắp đèn, treo tràng phan, làm chùa, xây tháp, cúng thực phẩm cho Sa-môn. Người này đoạn trừ ái dục không tham tiếc, tâm từ tinh tấn, không sân hận, trai giới thanh tịnh. Người thanh tịnh như vậy nhất tâm mong cầu được vãng sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh trong suốt mười ngày đêm không gián đoạn, đến lúc qua đời được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, có trí tuệ dõng mãnh, được mọi người tôn kính.

Đức Phật dạy:

– Người thực hiện những việc như vậy, về sau lại thấy hối tiếc, ý niệm nghi ngờ, không tin rằng làm việc thiện đời sau sẽ được phước, không tin sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Mặc dầu vậy, người này vẫn tiếp tục được vãng sanh. Đến khi người này bị bệnh, sắp qua đời thì Phật Vô Lượng Thanh Tịnh làm cho trong giấc mộng được trông thấy cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, trong tâm hoan hỷ, ý tự nghĩ rằng: “Ta hối tiếc mà không biết được sự lợi ích của sự tạo nghiệp thiện, nay sẽ sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh “. Người này chỉ nghĩ trong tâm nhưng miệng không thể nói được và cảm thấy hối lỗi. Người biết hối lỗi thì lỗi sẽ giảm bớt, không gì sánh bằng. Và người này qua đời, được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh nhưng không thể đến được, từ xa trông thấy thành bảy báu rộng hai ngàn dặm, vui vẻ trong lòng và muốn dừng lại trong thành này nên hóa sanh trong ao hoa sen bảy báu, thân hình tự nhiên cao lớn. Trong thành này cũng có cách thức như thành trước, vật dụng có tự nhiên, sánh bằng trên trời Đao Lợi. Người này ở trong thành năm trăm năm mới được ra khỏi thành, đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, trong tâm vô cùng hoan hỷ. Người này nghe kinh nhưng tâm không thông hiểu, ý không vui vẻ, trí tuệ tối tăm nên ít hiểu được kinh. Vì nơi chốn, nhà cửa trên đất liền nên không thể làm cho nhà cửa rộng lớn tùy ý thích trong hư không được. Vì đã xa lìa Phật Vô Lượng Thanh Tịnh nên càng cách Phật xa hơn, giống như hạng người hồ nghi thứ hai.

Sau thời gian lâu, người này có trí tuệ thông đạt, hiểu được kinh điển, tâm dõng mãnh hân hoan như hạng người thứ nhất. Vì sao? – Vì người này vào đời trước, trong khi cầu đạo lại có lòng hối tiếc, hồ nghi, lúc tin lúc không tin, không tin làm điều thiện về sau sẽ được phước đức, nên tự nhiên được quả báo như vậy. Tùy theo công đức có trọn vẹn hay không, đều tự nhiên hướng đến. Thuyết kinh, hành đạo, công đức siêu việt, cao vời không gì sánh kịp.

Đức Phật dạy:

– Người mong cầu hành đạo Bồ-tát và sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, như sau đó đều được Bồ-tát Bất thối chuyển. Bồ-tát Bất thối chuyển đều có 32 tướng tốt, sắc vàng ròng và 80 vẻ đẹp, sẽ được làm Phật, tùy tâm mong cầu sẽ được làm Phật ở cõi nào theo ý muốn. Người này không bao giờ bị rơi vào địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ. Tùy theo sự tinh tấn cầu đạo mà mọi sự việc sớm được viên thành. Cầu đạo không ngưng nghỉ sẽ đạt được kết quả y như sự mong cầu.

Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật cùng chư thiên và loài người:

– Ta cũng bảo rằng: Những ai muốn sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, mặc dù không tinh tấn, thiền định, giữ kinh giới nhiều, nhưng chính yếu là làm thiện nghiệp:

1- Không được giết hại mạng sống.

2- Không được trộm cắp.

3- Không được dâm dục, xâm phạm vợ – chồng người khác.

4- Không được nói dối trá.

5- Không được uống rượu.

6- Không được nói lưỡi hai chiều.

7- Không được nói lời hung ác.

8- Không được nói lường gạt.

9- Không được có tâm ganh ghét.

10- Không được tham dục.

Không được có tâm tham lam, bỏn sẻn.

Không được sân hận.

Không được ngu si.

Không được tùy tâm ham muốn.

Không được nuối tiếc.

Không được nghi ngờ.

Hãy nên làm việc hiếu thuận, hãy trung tín chí thành, hãy thọ trì lời kinh Phật sâu xa, hãy tin là làm việc thiện đời sau được phước. Nếu phụng trì đúng pháp như vậy không thiếu sót thì sẽ được tùy tâm sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Điều cần thiết là nên giữ gìn trai giới, nhất tâm thanh tịnh, luôn nghĩ nhớ ngày đêm là muốn sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, suốt mười ngày đêm không gián đọan, Ta đều giữ lòng thương xót họ và làm cho tất cả được sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.

Đức Phật dạy:

– Người thế gian muốn ngưỡng mộ sự hiền minh nên ở nhà tu thiện, làm việc đạo, sống cùng vợ con trong sự âu lo, nhớ nghĩ ái dục, ân nghĩa; hoặc lắm công nhiều việc, không có thời gian nhiều để trai giới, nhất tâm thanh tịnh. Tuy không được xuất gia, nhưng cũng có lúc rảnh rỗi, lắng tâm chánh niệm, ý nghĩ những điều thiện và chuyên nhất hành đạo trong mười ngày mười đêm, không làm việc gì khác.

Như vậy, tiếp tục tư duy thất sâu xa, mong thân này được độ thoát, chấm dứt suy nghĩ, buông bỏ âu lo, không nhớ đến việc nhà, không ở chung cùng người nữ, tự đoan chánh thân tâm, đoạn trừ ái dục, nhất tâm trai giới thanh tịnh, hết lòng mong được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, trong một ngày một đêm không ngưng nghỉ. Những người này đến lúc qua đời đều được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, hóa sanh trong ao hoa sen bảy báu, được trí tuệ dõng mãnh, nơi chốn nhà cửa bằng bảy báu, hành động tự tại tùy theo ý muốn, cũng như hạng người thứ nhất.

Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật:

– Khắp mười phương, vô số chư thiên loài người, Tỳ-kheo Tăng, Tỳ-kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… tất cả hội chúng đã sanh sang nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, cùng ở trong ao bảy báu, mỗi người đều ngồi trên một hoa sen lớn, tự trình bày về đạo đức tốt đẹp. Mỗi người đều tự nói về đời trước của họ khi còn cầu đạo Bồ-đề, trì giới, làm pháp thiện, từ đầu đến cuối, những sự vui thích kinh đạo, biết trí tuệ kinh điển, những công đức thực hành chuyển khắp nơi từ trên đến dưới, biết kinh có thông tuệ hay không, có nông – sâu, lớn – nhỏ; biết đức có cao – thấp, hay mỏng – dày. Tự nhiên biết sự khác biệt của đạo mới có trí tuệ dõng mãnh, chúng cùng quán chiếu lễ nghĩa, hòa thuận. Mỗi người cảm thấy hoan hỷ phấn chấn, trí tuệ dõng mãnh đều không theo kịp.

Đức Phật dạy:

– Còn những người khác thì không do dự vào việc làm công đức. Vì điều thiện giảm bớt, nên không tin những điều này, thành ra ỷ lại rồi giải đãi, mới đưa đến sự kiện như vậy. Đến lúc tập hợp giảng kinh, hành đạo, tự nhiên bức xúc nên trả lời chậm chạp. Trí đạo cao vời, siêu tuyệt, tài ba lỗi lạc mà riêng chịu thấp hèn, đến khi gặp việc liền sanh hối tiếc. Người đã làm mà hối tiếc thì sau đó còn có ích gì? Chỉ còn sự nghĩ đến tiếc nuối trong lòng mà thôi.

Đức Phật dạy:

– Các Bồ-tát, A-la-hán và các chúng ở cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đều tự vân tập trong đạo tràng lớn, buộc tâm định ý, nghiêm thân chánh hạnh, tự tại thông đạt. Họ cùng bay đi ra đi vào tùy ý, cúng dường vô lượng với tâm an lành hoan hỷ, thích cùng xem kinh, hành đạo, hòa hiếu học tập, trí tuệ vượt bậc, chí cao như hư không, tinh tấn cầu nguyện. Họ không bao giờ có tâm lui sụt, ý không bao giờ có sự lay chuyển và không lúc nào có sự lười nhác. Mặc dầu bên ngoài cầu đạo chậm rãi nhưng bên trong lại nhanh chóng, gấp rút, thong dong trong hư không, thích hợp với nhau nên trong và ngoài tương ưng, tự nhiên nghiêm thân, thúc liễm ngay thẳng, thân tâm trong lắng không có ái dục, không có sự tham đắm, không có những xấu ác nhơ bẩn. Chí nguyện của họ hoàn toàn an tịnh, tốt đẹp tuyệt vời, không tăng không giảm. Cầu đạo hòa chính, không tin điên đảo tà vạy, thấy đúng chánh pháp, theo kinh chỉ giáo, không dám sai trái lỗi lầm. Người này sống với mực thước, dạo khắp mười phương mà không bị trở ngại. Tùy ý tự tại đạt đến vô cùng vô tận, khắp nơi đều là đạo, an lạc thênh thang và khoáng đãng, chỉ nghĩ đến đạo chứ không nghĩ một điều gì khác, không có âu lo suy nghĩ mà phiêu diêu tự tại như đứng giữa hư không bao la, an lạc chẳng chút mong cầu, hết lòng tìm cầu làm việc phước đức thiện nguyện, đầy sự từ ái bao dung, tinh tấn; từ nội tâm đến ngoại cảnh đều hợp với lễ nghĩa; thông suốt không trái ngược, hòa thuận thích ứng, bao la từ trong đến bên ngoài, hóa độ giải thoát, dám tiến vào Niết-bàn, tăng trưởng cùng hợp với ánh sáng đạo đức, tự nhiên cùng giữ gìn, càng thêm ý vui chân tánh; chân tánh khiết bạch, rõ ràng; chí nguyện cao siêu vô thượng, thanh tịnh an định, tĩnh lạc không cùng tận, tốt đẹp không thể sánh, sáng chiếu rực rỡ, cao vời. Bỗng nhiên khai đạt minh triết, tướng tự nhiên trong tự nhiên, căn bản có tự nhiên, tự nhiên thành năm ánh sáng đến chín màu; năm ánh sáng đến chín màu xen nhau xoay chuyển đến trăm, ngàn lần. Tự nhiên tối thắng, tự nhiên thành bảy báu, gom tất cả thành vạn vật. Ánh sáng xen cùng sự sáng, đều phát ra mọi sự tốt đẹp, thật đặc thù vô tận.

Cõi nước ấy rất thù thắng, tốt đẹp như thế này, tại sao không hết sức làm điều thiện, tự nhiên nghĩ đến đạo mà còn vướng mắc nơi không trên dưới? Thông đạt vô bờ bến, bỏ chí nguyện trong hư không. Vì sao mỗi người không tinh tấn, nỗ lực tìm cầu để có thể đạt đến nơi siêu tuyệt, sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh A-Di-Đà, mà cắt đứt năm đường? Đường ác tự bít lấp mà thẳng tiến đến đạo vô cực, dễ đến như chỗ không có người.

Cõi nước ấy không có sự trái nghịch, tự tại, tự nhiên, vì sao không bỏ việc đời để đi tìm đạo đức, được sự sống lâu dài, tuổi thọ an vui vô cùng vô tận? Sao lại vì việc đời mà nhiều lo âu không yên ổn? Người đời có thói quen bạc bẻo, cùng tranh cãi những việc không đâu, cùng ở trong chỗ cực khổ vô cùng xấu ác, thân nhọc nhằn sắp đặt đời sống, làm cho đời sống được đầy đủ, không luận cao, không luận thấp, không luận giàu, không luận nghèo, không luận già, không luận trẻ, không luận nam, không luận nữ, đều phải cùng lo tiền tài, có không cũng như vậy, gặp phải ưu tư rất nhiều. Họ thường che dấu những khổ sầu, nhiều lo âu suy nghĩ, làm nô lệ cho sự sai khiến, chẳng có lúc nào được bình an. Như có ruộng thì lo ruộng, có nhà thì lo nhà, có trâu thì lo trâu, có ngựa thì lo ngựa, có gia súc thì lo gia súc, có nô tỳ thì lo nô tỳ…. Ăn mặc, tiền tài, vàng bạc, châu báu, của cải… tất cả đều phải lo âu. Ân nặng chập chùng, ôm sầu nhớ nghĩ, lo sợ. Dọc ngang làm việc phi thường, giặc trộm, nước lửa, nợ nần, oan gia, bị nước trôi, lửa cháy, trói buộc, đường đột chết chìm, ưu tư căm giận, lo sợ vội vã, chẳng có lúc nào được giải thoát thảnh thơi. Trong tâm tình liên kết thắt chặt, khí phẫn nộ thành bệnh nơi bụng, nơi ngực; lòng đầy lo âu, khổ sở. Tâm tham lam, ý không lối thoát nên không có tự do. Hoặc ngồi nơi ngục tối tồi tàn, cuối cùng đến chết. Đã bỏ thân rồi thì chẳng có ai theo cùng. Người giàu sang cao quý sẽ có sự lo sợ này. Sự nhọc nhằn khổ sở như đây kết hợp với những sự lạnh nóng cùng chung với tật bệnh.

Người nghèo, nhà tranh vách đất, thiếu thốn khổ sở, không có ruộng cũng lo mong có ruộng, không nhà cũng lo mong có nhà, không trâu cũng lo mong có trâu, không ngựa cũng lo mong có ngựa, không gia súc cũng lo mong có gia súc, không nô tỳ cũng lo mong có nô tỳ, không y phục, tiền tài, vật dụng, thực phẩm… cũng lo muốn có tất cả như vậy. Vừa có một, cảm thấy thiếu một. Có và thiếu này đều phát sinh từ tư tưởng như nhau. Được đầy đủ chút ít rồi cũng cạn kiệt. Như vậy đau khổ lại sanh, lại phải tiếp tục tìm cầu. Những tư tưởng vô ích này chẳng khi nào đạt được. Cả thân và tâm đều nhọc nhằn, đứng ngồi không yên, lo nghĩ theo nhau nên khổ sở như vậy. Lửa đốt cháy tâm, không lìa sân hận, ôm giận một mình, cùng sống chung với đau đớn bệnh tật, hoặc thời tiết lạnh lẽo, nóng bức. Có khi suốt đời bị mạng yểu, cũng chẳng chịu làm điều thiện, làm việc đạo. Đến lúc chết đều phải một mình đi xa thăm thẳm, có chỗ hướng đến cũng chẳng biết được con đường nào là lành hay dữ.

Có khi làm người đời, đối với cha mẹ, anh em, chồng vợ trong gia đình hay thân thuộc bên ngoài, ở giữa thế gian này đều phải thương kính nhau, không nên oán ghét nhau, dầu có hay không cũng nên giúp đỡ nhau. Không nên có tâm tham lam. Lời nói và sắc diện phải hòa thuận, chớ trái nghịch với nhau. Giả sử người có tâm tranh chấp nhau thì sẽ có sự giận dữ. Đời này ý ganh ghét nhau một chút thì đời sau chuyển thành oán thù kịch liệt. Vì sao? – Vì sự kiện đời nay là muốn làm hại nhau, tuy nhiên chưa đến lúc phải gấp rút phá hại nhau, nhưng vì sự hận thù kết tinh, tự nhiên khắc sâu vào tâm thức không thể rời nhau nên cùng sanh sóng đôi nhau, gặp nhau cùng báo oán nhau.

Con người sống trong ái dục thế gian, đến và đi một mình trên con đường sanh tử, tự thân đi đến chỗ khổ hay vui chứ không ai có thể thay thế được. Thiện ác biến hóa, chỗ tai hại tội lỗi khác nhau. Nghiệp đời trước dù nhanh hay chậm thì vẫn phải một mình đi vào chỗ khác xa xôi, không thể thấy đi đến chỗ nào. Thiện hay ác tự nhiên lôi kéo sanh vào, tối tăm mù mịt, dài dặt biệt ly trên con đường không đồng hội ngộ, không thể hẹn trước. Khó thay! Khó thay! Biết bao giờ gặp lại? Vì sao không buông bỏ những sự kiện ấy? Khi còn trẻ trung khỏe mạnh, mỗi người hãy tự nỗ lực làm điều thiện, tinh tấn cầu mong giải thoát mới có thể được trường thọ. Sao không chịu cầu đạo mà còn cần cầu chờ đợi cái gì? Mong thú vui nào khác nữa?

Người đời như vậy, không tin làm thiện được thiện, không tin hành đạo sẽ đắc đạo, không tin sau khi chết tái sanh, không tin bố thí cúng dường được phước đức… Họ không tin gì cả. Họ cũng cho việc đó là không như vậy. Nói rằng không có việc này nhưng họ bị lệ thuộc vào. Hãy tự thấy như vậy. Hãy cùng nhau xem xét, chuyển tiếp thừa nhận từ trước đến sau. Ngoài sự dạy dỗ của người cha, ông tổ ông sơ của họ vẫn không làm thiện. Vốn không làm việc đạo nên thể chất ngu si, tinh thần hôn ám, tâm ý bế tắc, không thấy con đường thánh thiện, tuyệt nhiên không thể thấy được con đường sanh tử của kiếp người. Có nẻo hướng đến cũng chẳng rõ về đâu, chẳng thấy gì. Con đường nào là thiện hay ác và không có ai nói cho họ về việc làm thiện ác, phước đức, về tai ương, lỗi lầm, tai vạ chém giết nên mạnh ai nấy tranh nhau làm, thật không có gì là lạ. Đến nỗi xoay vòng liên tục nơi đường sanh tử, điên đảo lắm đường nơi gốc vô thường biến hoại khắp cả quá khứ cũng không thể tồn tại được.

Những lời chỉ dạy này, người ít tin đạo sẽ bị sanh tử không ngừng. Hạng người như vậy ở tận cùng nơi tối tăm mê muội, không tin lời kinh mà muốn ý được vui, lòng không suy tính, ngu si nơi ái dục, không hiểu đạo đức, bị mê hoặc nơi giận tức, tham đắm tài sắc, mắc tội không đắc đạo, phải ở nơi nhọc nhằn khổ cực rồi lại sanh vào đường ác, không bao giờ được ngưng nghỉ. Thật đáng thương thay cho nỗi đau đớn không ngừng!

Hoặc khi trong ngoài gia đình có cha con, anh chị, vợ chồng nghĩ đến nghĩa tình sống chết, tiếc thương khóc mãi không thôi. Buồn lo nghĩ nhớ ân tình gắn chặt nhiều năm, tâm ý khổ đau vương vấn thiết tha suốt cả ngày đêm không lúc nào dứt. Đối với những lời chỉ dạy đạo đức, tâm không tỏ ngộ, vì không xa lìa ân ái dục tình. Bị lấp ngăn, che phủ lần lượt đắp đổi nhau trong cõi mịt mùng, không suy tính được. Tự tâm đoan chánh, quyết đoạn việc đời, chuyên nhất hành đạo để trở về cứu cánh thì tuổi đời đã hết nên không thể đạt đạo, không biết làm thế nào cả. Tất cả những tệ tình, phiền toái như vậy đều do tâm tham ái dục. Pháp như vậy, người không đạt đạo thì nhiều, mà người đạt đạo thì ít.

Thế gian mong manh, không thể nào lười nhác, ỷ lại. Kẻ giàu sang, phú quý tôn ty thượng hạ, nam nữ lớn nhỏ, ai cũng bận rộn công việc của mình, nhọc nhằn khổ sở suốt đời, ôm lòng giết hại, hơi độc tối tăm, chỉ toàn là buồn bã thất vọng. Vì việc làm sai trái nên ác nghịch với đất trời, chẳng thuận nhân từ, xấu ác trái với đạo đức. Trước đã theo cùng ác nghiệp, hành động buông lung nên chưa hết tuổi đời bỗng nhiên chết sớm, rơi vào đường ác bị khổ nhiều đời. Khổ đau tiếp nối tính đến ngàn vạn ức năm mà chưa có ngày thoát khỏi. Làm sao nói hết đợc nỗi khổ đau này? Thật đáng thương thay!

Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật, chư thiên, vua chúa, nhân dân:

– Hành động của con người chỉ là việc của thế gian, thế nên họ mắc tội không đắc đạo. Những người nào biết tư duy chín muồi những hành động ấy thì người ác sẽ buông bỏ, xa lìa được lỗi lầm kia. Người theo con đường thiện phải kiên trì, chớ có dối trá và làm điều sai trái, càng làm nhiều điều thiện hơn. Sự thích thú của ái dục – dù lớn nhỏ hay ít nhiều – đều không tồn tại được, rồi cũng phải xa lìa, không thể vui thú mãi.

Vào thời không có Phật, những người có lòng kính tin những lời kinh Phật sâu xa, phụng hành đạo đức đều là đệ tử của Ta. Những người vừa mới mong học kinh giới Phật đều là đệ tử của Ta. Những người có ý muốn xuất gia, từ bỏ gia đình, vợ con, cắt đứt với tiền tài, danh sắc, muốn được làm Sa-môn, làm Tỳ-kheo của Phật, đều là con cháu của Ta. Rất khó mà gặp được thời có Ta. Những người mong được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh sẽ được trí tuệ dõng mãnh, được mọi người tôn kính. Không nên chạy theo sự mong muốn mà giảm sút kinh giới. Người sau có những điều nghi không hiểu nghĩa kinh, hãy đến thỉnh hỏi Phật, Phật sẽ giải thích cho họ.

Bồ-tát A-Dật quỳ xuống, chắp tay bạch Phật:

– Oai thần của Phật rất cao sâu, Ngài đã dạy kinh an lạc hiền thiện. Chúng con nghe lời kinh Phật, cảm thấy tâm tư như thông suốt, thênh thang. Con người thế gian quả đúng như vậy, như lời Phật dạy hoàn toàn không khác. Nay Phật từ bi thương xót, khai thị cho chúng con một con đường thánh thiện và chỉ dạy cho chúng con một con đường sống, cho sự thấy nghe sáng suốt và được độ thoát lâu dài. Nếu được vãng sanh, chúng con được nghe lời kinh Phật, ai cũng được khai thông trí tuệ, có từ tâm hoan hỷ, hân hoan. Chúng con cùng chư thiên, đế vương, nhân dân, cho đến vạn loại côn trùng đều nhờ hồng ân Phật, không ai mà không được thoát khỏi sự lo buồn đau khổ. Những lời chỉ dạy của Ngài thật sâu xa vi diệu, vô cùng vô tận.

Trí tuệ của Phật thấy biết mọi sự quá khứ, tương lai, hiện tại trong khắp mười phương, thật vô lượng vô biên không bờ bến. Khó thay được gặp Phật. Kinh đạo cũng rất khó được nghe. Chúng con được cư trú nơi tâm từ của Phật, được Phật thương tưởng, cứu độ, giải thoát như ngày hôm nay đều do đời trước, khi Phật còn cầu đạo Bồ-đề, phải học hỏi khổ nhọc, tinh tấn nỗ lực mới được như vậy. Ân đức chở che, sự ban bố phước đức và phước lộc của Ngài thật cao siêu vời vợi. Hào quang tỏa chiếu xuyên suốt khắp đất trời vô tận, khai nhập Nê-hoàn, giáo thọ kinh điển, pháp chế oai nghi sửa đổi khắp mười phương vô cùng vô tận.

Phật là bậc Thầy giáo pháp, là bậc Thánh tôn quý tuyệt vời của khắp quần sanh, không ai có thể sánh bằng. Phật vì chư thiên, vua chúa, nhân dân khắp mười phương mà làm vị Thầy tùy tâm mãn nguyện cho họ, dù lớn hay nhỏ đều làm cho đắc đạo. Hôm nay chúng con được gặp Phật, được nghe âm thanh Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, chúng con rất vui mừng, ai nấy đều được khai mở trí tuệ sáng suốt.

Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật:

– Ông nói như vậy rất đúng, người có tâm từ ở chỗ Phật, có đại thiện, nghĩ đến Phật thật chân chánh, thời gian rất lâu dài mới có Phật như vậy. Nay Ta ở trong cuộc đời khổ đau làm Phật phát ra kinh đạo, chỉ dạy mọi người được thông đạt, chấm dứt sự nghi ngờ, đoan tâm chánh hạnh, đoạn trừ ái dục, nhổ sạch gốc rễ xấu ác, tự tại không bị gò bó, trí tuệ hàng đầu, tóm thâu tất cả lưới ràng buộc, chiếu sáng rõ ràng, chỉ bày năm đường, quyết định đúng đắn con đường nào là Niết-bàn hay sanh tử.

Đức Phật dạy:

– Các ngươi từ vô số kiếp đến nay, nhiều không tính hết, hoặc làm đạo Bồ-tát muốn hóa độ chư thiên, loài người, cho đến vạn loại côn trùng nhỏ nhít, đến nay rất là lâu xa. Người đắc đạo độ thoát nhiều vô số, cho đến người đắc đạo Niết-bàn cũng nhiều vô số. Các ngươi và chư thiên, vua chúa, nhân dân nơi mười phương, hoặc là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… Các ngươi từ vô số kiếp trước đến nay trôi lăn trong năm đường sanh tử. Than ôi! Những dòng nước mắt khóc than đưa đến sự ham thích, lo nghĩ, khổ sầu, khổ đau không thể nói cho cùng tận. Mãi cho đến hôm nay vẫn sanh tử không dứt.

– Đến nay được gặp Phật, được nghe âm thanh Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, vô vàn vui sướng. Hay thay! Ngài đã mang đến niềm an lạc cho chúng con, và chúng con tự nhàm chán sự đau đớn trong đường sanh tử. Khi sanh ra rất đau, rất khổ, rất cực. Đến khi lớn lên cũng đau, cũng khổ, cũng cực, và khi chết cũng đau, cũng khổ, cũng cực. Ở nơi xấu xa, hôi hám, không sạch sẽ, không có khả ái.

Đức Phật nhấn mạnh:

– Các ngươi cũng có thể tự quyết định đoạn trừ nơi hôi hám và con đường xấu ác. Các ngươi cũng có thể nghiêm thân, chánh ý, làm nhiều nghiệp thiện. Do đó thường trang nghiêm thân tâm, gột sạch thân thể, tẩy trừ tâm vẩn đục, chính mình thúc liễm, tương xứng từ trong đến ngoài, lời nói và hành động trung tín.

Người có thể tự cứu độ giải thoát cho mình, rồi lại giúp đỡ người khác nhổ sạch gốc rễ ái dục, tâm chí thuần khiết, nguyện cầu không thay đổi, kết tập những căn bản đạo thiện. Tuy tinh tấn khổ chỉ một đời mà trong thoáng chốc được nghe như vậy. Đời này làm thiện, đời sau sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, vô cùng hạnh phúc an vui, thường hợp cùng ánh sáng đạo đức.

Nếu luôn giữ gìn thiện nghiệp thì sẽ mãi mãi xa lìa sự lo buồn, bức xúc, khổ đau nơi con đường ác. Nhổ bật những gốc ác khổ nhọc, đoạn tận những đam mê ái dục, mãi mãi sanh vào cõi Phật Vô lượng Thanh Tịnh và không bị những sự đau đớn, không trở lại những nơi hôi hám, xấu xa, không còn khổ nhọc, không có tâm lý dâm dục, sân hận và ngu si, không bị ưu tư sầu khổ. Những người như vậy được sanh nơi cõi Phật Vô lượng Thanh Tịnh, muốn sống lâu một kiếp hay mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, hay vạn ức kiếp, hoàn toàn tùy theo ý muốn. Nếu muốn tuổi thọ được vô số kiếp, số kiếp nhiều không tính đếm được, thì tùy theo ý muốn đều có thể được như ý. Muốn ăn hay không thì hoàn toàn tự nhiên theo ý muốn sẽ được tùy thuận.

Đối với con đường Niết-bàn, mỗi người phải tự sáng suốt, tinh tấn tìm cầu, tâm phải mong muốn, chớ nên hồ nghi và hối tiếc trong lòng. Người muốn được vãng sanh, không được lệ thuộc vào những lầm lỗi, thì tự nhiên ở trong thành bảy báu bên cõi nước Phật Vô lượng Thanh Tịnh đúng năm trăm năm.

Bồ-tát A-Dật thưa:

– Chúng con nghe lời nghiêm minh chỉ giáo, cặn kẽ của Phật, ai nấy đều một lòng tinh tấn mong cầu và xin phụng hành theo lời Phật dạy, không dám có sự nghi ngờ.

    Xem thêm:

  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Phúc Báo Tạo Hình Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ - Kinh Tạng
  • Kinh Vợ Trưởng Giả Pháp Chí - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Thỉnh Vấn Về Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 113 – Kinh Chân Nhân (Sappurisa sutta) - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Tội Nghiệp Báo Ứng Giáo Hóa Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Úy Thọ Sở Vấn Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Nhật Tử Vương Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Giảng Giải Tinh Yếu Kinh A Di Đà - Kinh Tạng