1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Phẩm 7: THỊ HIỆN HỌC CHỮ

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Bấy giờ Thái tử vừa được bảy tuổi, hiện rõ vô số trăm ngàn điềm tốt lành. Một vạn bé trai, một vạn bé gái cỡi một vạn cỗ xe chở vô số các thức ăn uống đầy đủ chất quý bổ đến nước Ca-di, để nơi ngã tư đường và ở đầu các con đường quanh co, trổi lên các thứ kỹ nhạc, ở khoảng giữa các cây trang sức lầu gác với mái hiên, cửa sổ có chấn song, các thể nữ trang sức anh lạc ở trên đó rải hoa đốt hương. Tám ngàn thể nữ dọn sạch đường sá, nghinh đón Bồ-tát. Chư Thiên, Long, Thần và Kiền-đạp-hòa ở trong hư không với nhiều hình dáng khác nhau, rải hoa đốt hương, thòng các ngọc châu và cờ lụa bằng ngũ sắc.

Tất cả bà con trong dòng họ Thích trước sau theo dẫn đường. Bạch Tịnh vương cũng cùng đi nghinh đón Bồ-tát.

Bồ-tát cỡi xe dê đi đến chỗ thầy dạy học. Vừa vào lớp học, muốn được gặp thầy. Thầy giáo tên là Tuyển Hữu. Khi thấy oai thần sáng chói của Bồ-táí, thầy không thể chịu được liền quỳ xuống đất. Trên Đâu-suất thiên có một Thiên tử tên là Thanh Tịnh, liền đến trước cầm tay đỡ thầy đứng dậy và đặt ngồi trên ghế, ngay trước đại chúng, nói bài kệ:

Nay sinh trong dòng Thích

Tại đời học kỹ thuật

Toán số và thơ văn

Vô số kiếp đã rõ

Cứu chúng sinh nên hiện

Học rộng hiện nhập đạo

Độ vô số đồng tử

Ban cho chúng cam lộ

Dạy đời hiểu bốn đế

Rõ báo ứng nhân duyên

Có thành tức có diệt

Huống nay thư đường đây

Tột sáng nơi ba đời

Trời người tôn bậc nhất

Đã nhiều lần đến lớp

Vô số kiếp học đây

Chúng sinh nhiều tâm niệm

Thánh biết hết gốc nguồn

Ngài không tham nghĩ sắc

Tức là vô niệm đây

Lập giới độ kẻ tham.

Bấy giờ, Bồ-tát cùng với trẻ em trong dòng họ Thích đi đến trường. Bồ-tát tay cầm cây bút bằng vàng, sách đóng bằng gỗ thơm chiên-đàn có các minh châu báu. Giá sách đó được thị giả đưa đến. Thái tử hỏi thầy giáo Tuyển Hữu:

-Nay thầy dùng loại sách nào để dạy?

Thầy giáo đáp:

-Dùng sách Phạm từ xưa lưu lại để dạy. Ngoài ra không có sách nào khác.

Bồ-tát đáp:

-Các loại sách khác có sáu mươi bốn thứ, sao nay thầy nói chỉ có hai loại?

Thầy giáo hỏi:

-Sáu mươi bốn loại đó tên như thế nào tôi chưa hề biết. Thái tử đáp:

1. Phạm thơ.

2. Khứ-lưu thơ.

3. Phật-ca-la thơ.

4. An-khư thơ.

5. Mạn-khư thơ.

6. An-cầu thơ.

7. Đại-tần thơ.

8. Hộ chúng thơ.

9. Thủ thơ.

10. Bán thơ.

11. Đà-tỷ-la thơ nhất cửu.

12. Tật-kiên thơ.

13. Đà-tỳ-la thơ.

14. Di-địch-tắc thơ.

15. Thí dữ thơ.

16. Khang-cư thơ

17. Tối thượng thơ.

18. Đà-la thơ.

19. Khư-sa thơ.

20. Tần thơ.

21. Hung-nô thơ.

22. Trung-gian-tự thơ.

23. Duy-kỳ-đa thơ.

24. Phú-sa thơ.

25. Thiên thơ.

26. Long quỷ thơ.

27. Kiền-đạp-hòa thơ.

28. Chân-đà-la thơ.

29. Ma-hưu-lặc thơ.

30. A-tu-luân thơ.

31. Ca-lưu-la thơ.

32. Lộc-luân thơ.

33. Ngôn thiện thơ.

34. Thiên phúc thơ.

35. Phong thơ.

36. Giáng thiên thơ.

37. Bắc phương thiên hạ thơ.

38. Câu-da-ni thiên hạ thơ.

39. Đông phương thiên hạ thơ.

40. Cử thơ.

41. Hạ thơ.

42. Yếu thơ.

43. Kiên cố thơ.

44. Đà-ha thơ.

45. Đắc tận thơ.

46. Yếm cử thơ.

47. Vô dữ thơ.

48. Chuyển số thơ

49. Chuyển nhãn thơ.

50. Môn câu thơ.

51. Hương thượng thơ.

52. Thứ cận thơ.

53. Nãi chí thơ.

54. Độ thân thơ.

55. Trung ngự thơ.

56. Tất-diệt-âm thơ.

57. Điển thế giới thơ.

58. Trì-phụ thơ.

59. Thiện tịch địa thơ.

60. Quán không thơ.

61. Nhất thiết dược thơ.

62. Thiện thọ thơ.

63. Nhiếp thủ thơ.

64. Giai hưởng thơ.

Thái tử bảo với thầy:

-Đây là sáu mươi bốn tên sách, nay thầy muốn dùng sách nào để dạy?

Khi ấy thầy Tuyển Hữu trong lòng vui vẻ, vứt bỏ lòng tự đại, đọc bài kệ:

Khó kịp Chân tịnh tôn

Tại thế phát lòng thương

Học hết tất cả sách

Nay vào trong trường học

Đọc hết các tên sách

Tôi không biết gốc ngọn

Các kinh sách thấu đạt

Mà thị hiện nhập học

Không dám sánh trí Ngài

Chỉ xem người lễ bái

Làm sao khiến Đại Thánh?

Nêu vô số loại sách

Siêu vượt Thiên Trung Thiên

Tối thượng trong hàng trời

Tối tôn, không ai bằng

Trên đời không thể dụ

Do vì oai thần vậy

Nghiêm tịnh dùng phương tiện

Ai thấy suốt tất cả

Đều vượt khỏi thế gian,

Bấy giờ một vạn đồng tử đã cùng với Bồ-tát đi đến chỗ thầy dạy học, thấy oai đức của Bồ-tát kiến lập trí tuệ của Bậc Đại Thánh phân biệt tên sách mà tuyên bày:

Lời nói đó nói về không, phát ra âm thanh về vô thường, khổ, không, vô ngã.

Lời nói đó nói về dục, phát ra âm thanh về dâm, nộ, si cùng các thứ tham cầu.

Lời nói đó nói về sự rốt ráo, phát ra âm thanh tất cả đầu đuôi đều tịnh.

Lời nói đó nói về hành, phát ra âm thanh vô số kiếp phụng thờ tu đạo.

Lời nói đó nói về không, phát ra âm thanh không theo chúng lìa các danh sắc.

Lời nói đó nói về loạn động, phát ra âm thanh trừ nguồn gốc nhơ nhớp của vực thẳm sinh tử.

Lời nói đó nói về thí, phát ra âm thanh bố thí, trì giới, trí tuệ, ngay thẳng phân minh.

Lời nói đó nói về sự ràng buộc, phát ra âm thanh giải trừ thi hành những ngục hình khảo trị.

Lời nói đó nói về thiêu đốt, phát ra âm thanh thiêu rụi tội dục trần lao.

Lời nói đó nói về tín, phát ra âm thanh tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ.

Lời nói đó nói về sự thù thắng, phát ra âm thanh siêu việt Thánh đạo vô thượng.

Lời nói đó nói về như thật, phát ra âm thanh không hoại diệt của Như Lai.

Lời nói đó nói về tịch tịnh, phát ra âm thanh quán pháp tịch nhiên vắng lặng.

Lời nói đó nói về sự chìm lặng, phát ra âm thanh tiêu trừ sân, si, tranh tụng.

Lời nói đó nói về sự tạo tác, phát ra âm thanh tội lỗi phước báo đều từ nơi hành thọ.

Lời nói đó nói về trí, phát ra âm thanh trí Nhất thiết không thể hủy hoại.

Lời nói đó nói về ma, phát ra âm thanh hàng phục sức ma cùng bè lũ quyến thuộc.

Lời nói đó nói về hại, phát ra âm thanh vứt bỏ tự đại, tà kiến.

Lời nói đó nói về thệ, phát ra âm thanh đối với chánh pháp không rối loại.

Lời nói đó nói về chỉ, phát ra âm thanh không sợ sức thế tục.

Lời nói đó nói về canh, phát ra âm thanh vượt các khổ về sinh, già, chết.

Lời nói đó nói về ý, phát ra âm thanh ý chí vững bền, một mình dạo chơi trong ba cõi.

Lời nói đó nói về pháp, dùng âm thanh các pháp để chế ngự, cứu độ cùng khắp từ đầu đến cuối.

Lời nói đó nói về sự tán thán, phát ra âm thanh tùy theo chỗ nguyện mà khai hóa.

Lời nói đó nói về nạn, phát ra âm thanh trừ tám nạn tội ương.

Lời nói đó nói về sự tận diệt, phát ra âm thanh diệt sạch không còn chỗ phát sinh.

Lời nói đó nói về xứ, phát ra âm thanh tiêu sạch chỗ điên đảo.

Lời nói đó nói về tuệ, phát ra âm thanh trí tuệ Thánh không trở ngại.

Lời nói đó nói về thị, phát ra âm thanh quay về thiện, ác, ương, họa.

Lời nói đó nói về hữu, phát ra âm thanh của các việc làm trong ba cõi.

Lời nói đó nói về sự vứt bỏ, phát ra âm thanh vứt bỏ những điều đưa đến sự tâng bốc cái ngã.

Lời nói đó nói về mình, phát ra âm thanh hướng đến nghiệp thiện, nghiệp ác của mình,

Lời nói đó nói về ngã, phát ra âm thanh diệt trừ ái dục nhơ nhớp của thân.

Lời nói đó nói về đố, phát ra các âm thanh thiện, ác, tật đố… Ngược lại xưng tán bình đẳng.

Lời nói đó nói về số, phát ra âm thanh thường điều phục vô minh.

Lời nói đó nói về xứ, phát ra âm thanh vượt ra ngoài xứ và phi xứ, hữu hạn và vô hạn.

Lời nói đó nói về nhã, phát ra âm thanh độ vô số các loạn tưởng, buông lung, vắng lặng mong cầu.

Lời nói đó nói về quả, phát ra âm thanh chứng các quả thật không có chỗ trụ.

Lời nói đó nói về trừ, phát ra âm thanh không tham đắm tự kỷ, trừ sạch ngũ cái.

Lời nói đó nói về tà, phát ra âm thanh trừ ưu não và tật bệnh, hoạn nạn.

Lời nói đó nói về tuệ, phát ra âm thanh tuệ bố thí, trì giới, học rộng nghe nhiều, không vọng tưởng.

Bấy giờ Bồ-tát vì các đồng tử phân biệt rõ ràng gốc ngọn các tên, diễn các âm thanh giống pháp môn như vậy, ngay nơi trường học lần lần khai hóa mở bày dạy dỗ ba vạn hai ngàn đồng tử, khuyên phát tâm đạo Vô thượng Chánh chân, vì vậy cho nên Bồ-tát đi đến trường học nhưng không nhận sự chỉ dạy từ nơi thầy giáo.

***

Phẩm 8: NGỒI DƯỚI GỐC CÂY XEM CÀY RUỘNG

Bấy giờ Thái tử tuổi đã trưởng thành, xin phép phụ vương, cùng các quần thần cùng đi vào xóm làng xem người ta cày bừa, thấy thửa đất mới vừa cày bừa lật lên, các loài côn trùng phơi ra trên mặt đất, loài chim bay xuống mổ ăn. Bồ-tát biết việc này nhưng lại cố hỏi người cày ruộng:

-Làm công việc này để làm gì?

Người nông phu đáp:

-Để trồng lúa đem đóng thuế cho nhà vua.

Bồ-tát than:

-Chỉ nhân một người mà làm cho bao nhiêu người trong nước phải rầu lo, sợ bị ách quan tăng thêm hình phạt roi gậy, trong lòng hồi hộp lo lắng không yên. Mạng sống con người thật ngắn ngủi, nỗi buồn lo lại dài vô cùng. Ngày tháng trôi qua, một hơi thở ra không trở vào lại đã qua đời sau. Trời người rốt cuộc chỉ là nỗi khổ đau trong ba đường ác không thể tả hết. Trôi lăn mãi trong năm đường sinh tử không có bến bờ. Chìm đắm không tỏ ngộ, đớn đau, thật khó ví dụ. Vào núi tu hành thành đạo mới có thể vượt được những hoạn nạn nguy ách khởi diệt trong mười phương ba cõi.

Xem việc cày bừa xong, Thái tử lại đi dạo xem. Bấy giờ Bồ-tát chỉ đi một mình không có bạn bè. Ngài ở nơi chỗ đó đi kinh hành, thấy một cây Diêm-phù tàng bóng sum suê mát mẻ, liền đến ngồi dưới gốc cây ấy, nhất tâm tư duy thiền định, chứng đệ Nhất thiền. Khi ấy có năm trăm Thần tiên ngoại học đang bay đi trong hư không từ Nam đến Bắc, muốn vượt qua lùm cây kia nhưng không thể nào qua được, đành phải đứng yên. Từ xa trông thấy Bồ-tát, cùng nhau khen ngợi. Xem công đức to lớn của Bồ-tát, thấy đức của Ngài vòi vọi giống như núi lớn Tu-di kim cang, như ngọc châu sáng đẹp, vững chắc không lay động, nghi là Diêm-la quỷ vương, Càn-thát-bà? Nay ngồi dưới gốc cây, tâm như hư không, dùng việc tọa thiền này để làm việc lành gì, bỗng dưng khiến cho chúng ta bị mất thần túc? Các Thần tiên ấy quán sát thấy lòng thương của Ngài rất sáng suốt, phơi bày tỏ rõ, trong lòng tự nghĩ: “Đây là bậc Thần kỳ Tỳ-sa-môn giàu có lớn hoặc là con trời Đế Thích, là ánh sáng mặt trời, mặt trăng, Chuyển luân thánh vương vậy?” Khi ấy chư Thiên trên hư không nói kệ khen ngợi:

Sắc đẹp hơn Thiên vương

Và cả Ly Oán Thiên

Như vô lượng kim cang

Là trượng phu tôn quý

Vượt xa các Thiên thần

Như trăng rằm rực rỡ

Cùng tột ở trong đời

Người này không ai hơn

Đức này không lường được

Là trời Càn-đạp-hòa

Công huân sáng rực rỡ

Đây tăng hơn ức lần

Thần túc thường thua xa

Đem vị trời ngàn mắt .

Hộ Thế Tứ Thiên vương

Bậc Tôn, Tu-luân, Phạm

Nhiếp chúng được an lành

Vị này hay làm được

Vị đang ngồi ở trước

Xem Ngài không ai bằng.

Bấy giờ năm trăm Tiên nhân nghe chư Thiên trên hư không đọc lời kệ khen ngợi, liền theo xuống mặt đất, xem thấy Bồ-tát ngồi thiền định, thân không lay động, tâm không tà niệm, trong lòng vui mừng, xem thấy công đức của Bồ-tát rực rỡ vòi vọi không hạn lượng, không thể ví dụ, tôn quý trong hàng trời người, chưa từng được nghe thấy. Nhờ phước báo đời trước nên nay mới được thấy, lấy làm vui mừng nói kệ khen:

Đời ngập lửa trần lao

Chứng đạo dứt các khổ

Như Tu-di giữa dời

Thành tựu được đạo pháp

Đắc thắng trừ các sắc

Thực hành rộng như biển

Đắc đạo nhờ huân tuệ

Ngài cứu độ tất cả

Cởi trói buộc nơi thân

Để mong thành đạo pháp

Độ thoát khắp tất cả

Vượt khỏi cảnh giới ma.

Bấy giờ, vua quan và mọi người cùng nhau vội vã đi tìm, mong được biết Thái tử hiện đang ở chỗ nào. Từ xa trông thấy, các quần thần đuổi theo sau. Thấy dưới bóng mát của gốc cây Diêm-phù, Ngài ngồi thiền định tư duy.

Bấy giờ mặt trời chiếu ánh nắng, cây sà nhánh xuống che thân Bồ-tát. Tất cả cây cối đều nghiêng mình hướng về phía cây Diêm-phù cúi đầu kính lễ. Bồ-tát ngồi không lay động, quần thần vội trở về tâu vua Bạch Tịnh: “Tướng ánh sáng của Bồ-tát cây không thể che. Mặt trời lặng lẽ chiếu soi, cây nghiêng mình che thân Bồ-tát nhưng không thể che tướng của Ngài”.

Vua nghe việc như vậy bèn đi đến chỗ gốc cây đó, thấy Bồ-tát với oai thần lành tốt vòi vọi không lường, liền nói kệ:

Như lửa trên đỉnh núi

Như trăng giữa muôn sao

Dưới cây hiện ngồi thiền

Oai chiêu soi cùng khắp

Nay lần nữa cúi đầu

Lạy chân của Đạo Sư

Lúc Ngài vừa mới sinh

Tự thân ngồi thiền tư

Thân Ngài oai thần sáng

Chiếu khắp cả mọi nơi

Ai thấy cũng vui mừng

Nhân đây được cứu độ.

Bấy giờ Thái tử tâu phụ vương:

-Con vừa mới đi dạo xem, vì sao phụ vương và quần thần cùng nhau đi tìm?

-Vì sao con đi? Vua hỏi.

Thái tử thưa:

-Các quan muốn trừ các trần cấu, các tư tưởng quấy, chỉ giữ lại tướng đẹp, thanh tịnh sáng suốt thì phải tọa thiền cho thật vững chắc. Thiền định vững chắc sẽ hàng phục được các ma, trừ sạch được những sự tối tăm che lấp.

Vua khen:

-Lành thay! Lành thay! Khi Thái tử mới sinh có các điềm lành ứng hiện trọn không hư dối. Nay đều hiện rõ, mười phương mong chờ ân cứu độ.

***

Phẩm 9: VUA BẠCH TỊNH CHỌN VỢ CHO THÁI TỬ

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Khi ấy Bạch Tịnh vương cùng với Thái tử và các người trong dòng họ Thích đứng ở ngay chỗ đó. Các lực sĩ, trưởng giả trong dòng họ Thích tâu vua Bạch Tịnh:

-Vua đã biết việc đó, các Phạm chí này chưa được rốt ráo.

Vua nói:

-Giả sử Thái tử bỏ nước, bỏ ngôi vua, thành Như Lai mới được rốt ráo. Giả như không xuất gia, làm Chuyển luân vương, dùng chánh pháp trị vì gọi là pháp vương, tự nhiên có bảy báu:

1. Bánh xe vàng báu.

2. Ngựa màu xanh biếc.

3. Voi trắng.

4. Ngọc Minh nguyệt.

5. Vợ là ngọc nữ.

6. Bề tôi chủ kho tàng.

7. Bề tôi chủ binh.

Và có một ngàn người con khôi ngô tuấn tú, sức khỏe mạnh mẽ, tài trí vượt bậc. Một người có thể chống cự một ngàn người, có khả năng dẹp trừ oán dịch. Nếu làm Phật, dứt dòng Thánh vương, chỉ còn Tản vương, mọi người xưng danh hiệu.

Bạch Tịnh vương lại bảo:

-Hãy xem xét ngọc nữ nào đáng làm vợ Thái tử.

Năm trăm bà con trong dòng họ Thích đều nói lên:

-Tôi sẽ đi tìm người xứng đáng để làm vợ Thái tử.

Vua Bạch Tịnh nói với tất cả bà con trong dòng họ:

-Nay tìm vợ cho Thái tử rất là khó khăn. Không biết người con gái nào có thể vừa ý Thái tử?

Họ cùng nhóm họp suy nghĩ và bàn luận việc này rồi cùng nhau đến nói với Thái tử, xin Thái tử suy nghĩ.

Thái tử hẹn bảy ngày nữa sẽ trả lời.

Bồ-tát suy nghĩ: “Ta không tham dục lạc thì không nên ở đời. Ta bỏ cõi trời Đâu-suất đến ở cõi này tâm không hề quyến luyến một việc gì. Lặng yên thiền định, dùng phương tiện khéo léo gánh vác lấy tất cả. Siêng năng gần gũi đạo tràng, đem tình thương không tổn hại bao trùm khắp để khuyên nhủ, giúp đỡ tất cả, liền nói kệ:

Dòng vua sinh bậc kính

Lửa sinh hoa sen lớn

Có sức dưỡng Bồ-tát

Ức năm hóa cam lộ

Không bỏ ý hưng đạo

Không sợ, đức chân thật

Điều tâm ta ưa thích

Chí thanh tịnh bất động

Bồ-tát sống trong dục

Khéo léo giáo hóa vợ

Ái dục không an lạc

Bỏ hại, học công huân.

Bấy giờ Bồ-tát sai một người thợ tài giỏi đúc một pho tượng bằng vàng ròng rất xinh đẹp và dùng văn tự viết lên nơi đó: “Giả sử có người con gái nào đức hạnh, lễ nghĩa, hình dáng diện mạo giống y như đây, ta mới có thể bằng lòng. Không dùng kẻ tầm thường, người đúng như thế này ta mới cưới: Nhan sắc dung mạo như vàng ròng, trong ngoài tương ưng, thân khẩu không chống trái, tâm tịnh như hư không, an hòa sáng láng, không buông lung, lời lẽ nói ra luôn có lòng thương yêu, không hại, kính phụng đạo nghĩa. Đối với Sa-môn, Phạm chí trì giới bố thí, điều ta cầu xin, không ganh ghét, không nhàm chán, tánh tình hiền lành, không sai thời gian, ngay thẳng, không dua nịnh, luôn luôn kính chồng, không có ý khác, ý không phóng dật, không mang thai, không sinh con, bỏ cống cao tự đại, hầu hạ chồng như kẻ tôi tớ, không uống rượu, không ham vị ngon, không mê âm thanh, không ngu đần tăm tối, tiêu trừ cội gốc vô minh, biết pháp, an trụ nơi chân đế, không sơ xuất, vụt chạc, không có tà thuật, thường biết hổ thẹn, không ác khẩu nguyền rủa, thường vâng thờ và thực hành chánh pháp. Thân, miệng, ý thanh tịnh. Lời nói và việc làm luôn đi đôi. Tâm khiêm tốn, phần nhiều tu hạnh từ bi thương xót, không khinh thường người trên, không ngu đần cứng cỏi, không có lòng sân giận, trong chúng vui vẻ an hòa, không bị sai lầm, siêng năng làm các việc lành. Đối với bạn bè luôn tỏ lòng cung kính, xem như Thế Tôn. Nghĩ họ cũng như mình, tiếng tốt lan khắp. Tu tất cả các nghiệp lành, thường phụng thờ cung kính. Người vợ như thế ta mới có thể bằng lòng”.

Khi ấy Bạch Tịnh vương nghe Bồ-tát nói như vậy, bảo với vị Phạm chí xem tướng vào thành Ca-di-vệ, đi khắp từng nhà tìm xem những cô gái đẹp, xem ai có đức tướng này. Quân tử, trưởng giả, thợ, thầy, thường dân, so sánh ai có công huân đầy đủ như đây không? Nếu có được như vậy, Thái tử mới đón về. Vì sao? Vì Thái tử không ưa nơi dòng họ, chỉ ưa người có đức hạnh mà thôi. Liền khi ấy đọc kệ:

Quân tử dòng Phạm chí

Thầy, thợ, hay thường dân

Người có đức như thế

Mới nên cưới về vậy

Không ưa dòng họ sang

Chỉ quý hạnh tao nhã

Có chí thành công huân

Tâm mới ưa như vậy.

Khi ấy Phạm chí nghe nói bài kệ này xong, đi khắp thành Ca-tỳ- la-vệ, đến từng nhà một để xem người như thế. Vừa vào một nhà kia, thấy một cô gái xinh đẹp như Thiên nữ trên trời, nhan sắc tột bậc, thanh tịnh như hoa sen, không cao không thấp, không trắng không đen, không mập không ốm, nói chung đầy đủ sự cân đối của một cô gái thuộc hạng đẹp đẽ quý phái. Khi ấy người thiếu nữ chào Phạm chí xem tướng và hỏi ông ta:

-Phạm chí muốn gì?

Phạm chí trả lời:

-Đức vua Bạch Tịnh sinh chân Thái tử, đoan chánh không ai có thể so sánh, ba mươi hai tướng tốt và công đức oai thần rực rỡ. Tự tay Thái tử viết kệ: “Thiếu nữ nào có hình tướng dung mạo đứng đầu trong hàng trời người, ta mới cưới người đó”.

Khi ấy cô gái xinh đẹp đọc bài kệ:

Bài kệ Phạm chí nói

Rõ ý muốn thấy sắc

Phạm muốn biết sắc đó

Ta đều có đầy đủ

Người đáng làm chồng ta

Đoan chánh rất khó sánh

Bạch Thái tử việc này

Đừng bỏ lỡ cơ hội.

Phạm chí nghe bài kệ đó, trở về chỗ vua thưa rõ sự việc như vậy:

-Thiên vương xem xét, người như vậy không đáng làm vợ Thái tử sao?

Vua hỏi:

-Người con gái nào?

Phạm chí đáp:

-Người con gái đó sinh trong gia đình dòng chiến sĩ họ Thích.

Vua tự nghĩ: “Hình mạo Thái tử vượt hẳn người đời, sắc diện thanh tịnh, e không vừa ý, để cho Thái tử tự chọn lấy. Ta sẽ đi đến nhà Vô ưu nhóm họp các thiếu nữ, rồi bảo Thái tử tự mình xem xét. Bồ-tát tự xem xét, mắt hướng về người mình ưa thích”.

Bấy giờ, vua Bạch Tịnh đem các thứ ngọc châu quý báu làm một giảng đường xinh đẹp mời hết tất cả các thiếu nữ xinh đẹp trong thành La-vệ tự tập về giảng đường kia.

Bồ-tát đi đến giảng đường, ngồi nơi tòa nhân hiền. Vua sai sứ giả: “Hễ thấy Bồ-tát hướng mắt nhìn về phía nào mà tỏ ý vui thì liền đến báo cho ta biết”. Bấy giờ Bồ-tát gặp các thể nữ.

Khi ấy, thiếu nữ trong gia đình dòng chiến sĩ họ Thích tên là Cù-di (Gopa) cùng các thể nữ đi đến chỗ Bồ-tát. lui đứng một bên, chăm nhìn Bồ-tát mắt không hề chớp. Bồ-tát nhìn khắp thiếu nữ, tức thì mỉm cười vui vẻ, rồi đem chuỗi ngọc báu trao tặng cho Cù-di. Cù-di thưa: ‘Thiếp không ham thích các thứ anh lạc báu, sẽ dùng công đức để tự trang nghiêm thân”.

Thái tử trở về cung thất, khen việc chưa từng có. Nay Cù-di hiểu rõ được cuộc đời là vô thường, không ham sự giàu sang vinh hiển ở đời.

Khi ấy sứ giả đi đến chỗ vua tâu lại đầu đuôi sự việc: Người mà Thái tử để ý hướng mắt đến chính là nàng Cù-di trong dòng họ Thích. Vua nghe thưa như vậy, sai Phạm chí đi làm mối tìm người con gái này để làm vợ Thái tử. Gia đình dòng chiến sĩ họ Thích nói:

-Theo dòng họ của chúng tôi, người nào có nghệ thuật mới gả con gái cho. Nếu Thái tử có nghệ thuật, biết rõ về bắn cung, cỡi ngựa, đánh cờ, thơ văn, toán số và lễ nhạc, sáu môn nghệ thuật thảy đều biết đầy đủ, chúng tôi mới gả con gái cho.

Phạm chí liền trở về tâu lại đầy đủ với Bạch vương. Vua tự suy nghĩ rồi đem việc đó nói với Bồ-tát. Bồ-tát tâu vua:

-Hãy thôi! Tìm để làm gì.

Vua hỏi:

-Vì sao con nói thôi? Ông tướng mà không có nghệ thuật sao? Bàn về việc chính đáng mà con nói thôi đi!

Thái tử tâu vua cha:

-Việc đáng nên làm, con đều có thể làm.

Vua hỏi Bồ-tát:

-Con có được nghệ thuật gì?

Bồ-tát thưa:

-Giữa đời này chẳng có nghệ thuật gì đặc biệt khác lạ với chúng ta cả. Sắp đến sẽ thấy.

Vua liền cười:

-Con có thể biểu diễn nghệ thuật ư?

Bồ-tát thưa:

-Con có thể. Xin phụ vương nhóm họp tất cả thân tộc trong dòng họ Thích sẽ cùng con biểu diễn nghệ thuật. Vua ra lệnh cận thần lịnh cho cả nước dộng chuông đánh trống báo bảy ngày nữa Thái tử sẽ biểu diễn nghệ thuật. Ai có nghệ thuật đều đến dự hội.

Trong thời gian bảy ngày có tất cả năm trăm người trong thân tộc dòng họ Thích đều đến nhóm họp. Người nào có nghệ thuật cao hơn hết thì sẽ đem con gái của gia đình dòng chiến sĩ họ Thích gã cho người đó. Người nào đứng đầu về bắn cung, đánh cờ sẽ cưới được người con gái này.

Mọi người cùng nhau đi ra cửa thành. Bấy giờ Điều-đạt tay dắt một con voi đi vào cửa thành, thấy các Thích chủng nhóm họp, muốn trổ tài nghệ, liền dùng tay phải xách đầu con voi, tay trái cầm vòi quật xuống đất giết chết con voi. Ngay khi ấy, Nan-đà cùng các đồng bạn đi ra cửa thành, thấy con voi to lớn nằm chết ngay giữa đường, hỏi:

-Ai giết?

Đáp:

-Điều-đạt giết.

Nan-đà xách con voi để nằm qua một bên lề đường.

Bấy giờ Thái tử ra cửa thành, thấy con voi chết này, dừng lại hỏi:

-Ai giết con voi này?

Thị giả thưa:

-Điều-đạt giết.

Bồ-tát lại hỏi:

-Ai đem dời nó nằm sang một bên đường?

Thưa:

-Hiền giả Nan-đà.

Bồ-tát bảo:

-Rất tốt! Thân con voi to lớn như vậy, mùi hôi thối sẽ xông khắp trong thành.

Liền dùng tay phải xách con voi quăng ra ngoài thành, cách hào thành rất xa. Khi ấy vô số trăm ngàn Thiên nhân ngợi khen vang dội, cùng nhau nói:

-Hay thay! Hay thay!

Chư Thiên trong hư không đọc kệ tán thán:

Tay cầm voi trắng lớn

Thân đã chết rất nặng

Ném bỏ ra ngoài thành

Cách hào thành rất xa

Đây ắt là chí Thánh

Thân lìa tục bình đẳng

Chóng thành Nhất thiết trí

Do Thánh lực thường còn.

Bấy giờ năm trăm bà con dòng họ Thích đều đi đến cửa thành, cùng nhóm họp ngay ở chỗ khoảng đất rộng rãi, muốn biểu diễn nghệ thuật. Vua Bạch Tịnh cùng với các nhà thế lực lớn trong dòng họ Thích đến chỗ biểu diễn nghệ thuật. Có vô số người theo hầu Bồ-tát, muốn được thấy nghệ thuật của Ngài.

Bấy giờ dòng họ Thích trước đó đã thấy Bồ-tát ở nơi trường học, khen ngợi và nêu rõ tên của sáu mươi bốn loại sách. Thầy Tuyển Hữu thấy vậy rất lấy làm lạ, bảo chưa từng có. Trên trời, trong nhân gian, không ai có tài nghệ như vậy. Các Quỷ thần, Rồng, A-tu-luân thảy đều không sánh kịp. Xem thấy nghệ thuật của Ngài, biết đây chính là bậc Thánh nhân. Do sức hiểu biết của Ngài cùng tột, Ngài hiểu rõ hết tất cả nghĩa lý văn tự đầu đuôi, không một chỗ nào là không thông suốt. Nghe, thấy đức của Ngài vượt hẳn cả Thích, Phạm, chư Thiên, Nhật, Nguyệt. Chúng ta chính mắt nhìn thấy đạo thuật như vậy, ai có thể hơn Ngài.

Bà con dòng họ Thích bảo với mọi người:

-Bồ-tát tuy vào trường học, nhưng Ngài đã thông suốt hết tất cả các môn thơ văn, toán số, nghệ thuật. Người kiến thức như vậy thật rất ít có.

Nay gặp đại chúng cùng một lúc đến nhóm họp nơi đây là để tranh hơn thua hay để biểu diễn nghệ thuật; mọi người xem để biết ai là người thắng?

    Xem thêm:

  • Kinh Luân Vương Thất Bảo - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 48 – Kinh Kosambiya (Kosambiya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Diên Thọ Diệu Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Thập Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Tòng Đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Kinh Tạng
  • Kinh Cửu Sắc Lộc - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Thập Nhứt Diện Quán Thế Âm - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà-ra-ni - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Năng Thắng Phan Vương Như Lai Trang Nghiêm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Pháp Thất Phật Câu Chi Phật Mẫu Tâm Đại Chuẩn Đề Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng