1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Phẩm 25: MƯỜI TÁM PHÉP QUYỀN BIẾN

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Như Lai khi ấy chuyển pháp luân giáo hóa nhóm năm người; Câu-lân kia xong, lại nghĩ: “Gần đây còn có nhóm ông Ưu-vi Ca-diếp rất có tiếng tăm, nhà vua, dân chúng rất tôn sùng, ông có năm trăm đệ tử. Ta nay trước hết muốn đến đó giáo hóa khiến cho thầy trò ông hiểu được đạo pháp, rồi sau đó lần lượt nhiếp phục”. ]

Nghĩ như vậy xong, Đức Thế Tôn liền đi đến chỗ của thầy trò Ca-diếp. Ca-diếp thấy Đức Phật đi đến, đứng dậy đón rước và chào hỏi:

-Thật quý hóa thay được Đại Đạo Nhân đến thăm, Ngài có được khỏe không?

Đức Phật trả lời:

Không bệnh rất lợi

Biết đủ rất giàu

Có lòng rất thân

Vô vi rất an.

Ca-diếp thưa:

-Chẳng hay Đại Đạo Nhân có gì dạy bảo?

Phật đáp:

-Tôi muốn thưa một điều, xin Ngài đừng giận, cảm phiền cho tôi được nghỉ tạm qua đêm nơi đền thờ lửa của Ngài.

Ca-diếp thưa:

-Thưa Ngài, không thể được, vì đền thờ lửa hiện đang có một con Độc long ở trong đó, sợ nó sẽ làm hại Ngài.

Phật bảo:

-Không lo. Độc long không hại Ta.

Và Phật lại hỏi mượn đến lần thứ ba, Ca-diếp mới bằng lòng.

Phật liền tắm rửa rồi đi vào đền thờ lửa. Ngài lấy nệm trải trên đất, vừa ngồi được giây lát, rồng liền nổi giận, từ trong thân tuôn ra khói, Phật cũng tuôn ra khói. Rồng càng giận dữ, toàn thân tuôn ra lửa. Phật cũng hiện thần thông, toàn thân tuôn ra lửa sáng rực. Lửa của rồng và lửa của Phật khi ấy đều rất mạnh nên thạch thất bị cháy rụi. Khói lửa tuôn ra như hiện tượng hỏa hoạn.

Ca-diếp ban đêm dậy xem các tinh tú, thấy đền thờ lửa bị cháy rụi, than:

Đáng tiếc thay! Vị đại Sa-môn này đoan chánh, bởi không tin lời ta nên bị lửa làm hại!

Phật biết tâm ý Ca-diếp nhưng khi đó Ngài đang dùng đạo lực hàng phục rồng. Rồng hết khí lực, liền tự quy phục:

Phật bảo rồng:

-Ý ngươi muốn quy phục thì phải tự chui vào trong bình bát của Ta.

Rồng liền chui vào trong bình bát của Phật, Phật để nguyên trong bát.

Ca-diếp thấy lửa cháy rất sợ hãi, bảo năm trăm đệ tử mỗi người đem một bình nước đến để diệt lửa nhưng mỗi người đem đến một bình đầy nước lại trở thành một bình đầy lửa. Thầy trò càng sợ hãi, đồng nói:

-Than ôi! Độc long đã giết hại vị Sa-môn này mất rồi!

Sáng hôm sau, Đức Phật đem bình bát có đựng con Độc long từ đền thờ lửa đi ra. Ca-diếp thấy Phật rất vui mừng thưa:

-Đại Đạo Nhân còn sống đó ư? Vật gì ở trong bình bát của Ngài vậy?

Phật đáp:

-Thạch thất bị đốt cháy, nhưng Ta được an ổn. Độc long ở trong bình bát này, có thể chứng minh Độc long bị hại. Nay Ta đã hàng phục Độc long và Độc long đã thọ giới.

Ca-diếp cho mình đã đắc đạo, còn Phật chưa đắc đạo nên quay lại nói với các đệ tử:

-Vị Đại Sa-môn này tuy có thần thông nhưng không bằng ta. Ta đã đắc đạo quả A-la-hán.

Phật lại dời đến gần chỗ của Ca-diếp và ngồi dưới một gốc cây. Ban đêm, Tứ Thiên vương đến dưới gốc cây nghe kinh, ánh sáng của Tứ Thiên vương sáng như lửa lớn. Ca-diếp ban đêm dậy xem khí hậu, thấy lửa, sáng ngày đi đến chỗ Phật, hỏi:

-Ngài cũng thờ lửa ư?

Phật đáp:

-Không, đêm qua Tứ Thiên vương tự xuống nghe kinh, ánh sáng đó là của họ đấy.

Đức Phật ngồi dưới gốc cây. Khi ấy Thiên đế Thích lại đến nghe kinh, ánh sáng cửa Thiên đế Thích rực rỡ hơn ánh sáng trước. Ca-diếp xem khí hậu thấy ánh sáng rất lớn đó trong lòng nghĩ: “Sa-môn tiếp tục công việc thờ lửa”. Sáng ngày hỏi Phật:

-Ngài có thể bảo là Ngài không thờ lửa được ư?

Đức Phật đáp:

-Không! Đêm qua Thiên đế Thích xuống nghe kinh, ánh sáng đó là của họ đấy.

Qua đêm sau, Phạm thiên lại xuống nghe kinh. Ánh sáng của Phạm thiên lại sáng gấp bội ánh sáng của Đế Thích. Ca-diếp ban đêm dậy xem khí hậu, thấy ánh sáng rực rỡ, sáng ngày đến hỏi Phật.

-Theo tôi nghĩ, Ngài cũng thờ lửa vậy.

Đức Phật đáp:

-Không. Đêm qua Phạm thiên xuống nghe kinh. Đó là ánh sáng của ông ta.

Năm trăm người đệ tử của Ca-diếp thờ ba thứ lửa, nhân lên thành một ngàn năm trăm ngọn lửa. Sáng ngày họ nhen lửa, lửa tuyệt nhiên không cháy, rất lấy làm lạ, đi đến hỏi thầy. Thầy nói: “Đây là do vị Sa-môn làm ra như vậy”. Họ liền cùng nhau đi đến hỏi Phật:

-Chúng tôi thờ lửa, nay đốt lửa sao không cháy?

Đức Phật dạy:

-Muốn cho lửa cháy ư?

Thưa:

-Xin cho lửa cháy.

Đức Phật dạy:

-Hãy đốt lên, lửa sẽ cháy ngay.

Sau khi đốt lửa cháy rồi, Ca-diếp muốn tắt lại, không thể tắt được. Năm trăm người đệ tử cùng giúp thầy để tắt, nhưng lửa cũng không tắt. Họ nghĩ: “Đây lại là do vị Sa-môn”, liền cùng nhau đi đến hỏi Phật:

-Chúng tôi đốt lửa đã cháy rồi, nay muốn tắt lại không tắt được.

Đức Phật dạy:

-Muốn khiến cho tắt không?

Đồng thưa:

-Muốn tắt.

Đức Phật dạy:

-Hãy tắt đi! Lửa sẽ tắt ngay.

Ca-diếp bạch Phật:

-Xin thỉnh Ngài ở lại nơi đây, đừng đi xa. Chúng tôi sẽ dâng cúng thức ăn cho Ngài.

Thưa xong, Ca-diếp liền trở về bảo với người nhà sắm sửa một bữa cơm thịnh soạn và khi đến giờ, ông đến thỉnh Phật.

Phật dạy:

-Hãy về trước. Ta sẽ đến sau.

Ca-diếp vừa đi, Phật liền dùng Thần túc thông bay lên trời Đao-lợi lấy quả Trú độ; dùng thần túc bay đến phương Đông tới thế giới Phất-vu-đãi cách xa vài ngàn vạn dặm lấy quả Diêm-bức; bay đến phương Nam tới cõi Diêm-phù-đề lấy quả Ha-lê-lặc; bay đến phương Tây tới cõi Câu-da-ni lấy quả A-ma-lặc; bay đến phương Bắc đến cõi uất-đơn-việt lấy gạo thơm tự nhiên, mỗi thứ đựng đầy bình bát rồi trở về ngồi nơi chỗ của mình trước khi các Ca-diếp về đến.

Ca-diếp hỏi:

-Ngài từ con đường nào để đi đến đây?

Phật đáp:

-Sau khi ông trở về, Ta đến bốn cõi và lên trời Đao-lợi lấy trái cây và gạo thơm ngon này. Ông có thể dùng những thứ ấy.

Sáng ngày hôm sau Phật đến nhà Ca-diếp nhận thức ăn trở về, ở chỗ thanh vắng thọ trai xong, Ngài nghĩ muốn tắm giặt. Đế Thích biết được ý Phật, liền đi xuống chỉ tay xuống đất, nước liền tuôn ra thành ao để cho Phật dùng tắm giặt.

Ca-diếp chiều tối đi dạo quanh trong thôn thấy ao nước rất lấy làm lạ, không hiểu do duyên cớ gì có việc này, hỏi Phật. Phật dạy:

-Sáng nay sau khi ta thọ trai xong, ta muốn tắm giặt, Đế Thích biết ý đưa tay chỉ đất, khiến tuôn ra nước này. Ông nên gọi đây là “ao Chỉ địa”. ,

Phật trở lại dưới gốc cây, trên đường đi, thấy có một chiếc áo rách vứt bỏ, Ngài muốn lượm đem đi giặt, Đế Thích biết ý bèn lên trên núi Phả-na lấy đá đẹp vuông vức bằng phẳng, dâng lên để Phật giặt y, Phật muốn phơi y, Đế Thích lại đi lấy đá sáu cạnh đến dâng cho Phật dùng để phơi y.

Ca-diếp thấy bên bờ ao có hai loại đá đẹp, hỏi Phật:

-Do đâu Ngài có được đá này?

Phật dạy:

-Ta muốn giặt y, và phơi y, Đế Thích biết ý nên đem dâng lên cho Ta dùng. Nguyên do là như vậy.

Sau khi Phật vào ao Chỉ địa tắm giặt xong, muốn lên, nhưng không có chỗ để vịn, cây Ca hòa trên bờ ao tự nhiên sà nhánh xuống đến chỗ Phật, Phật vịn cây bước lên.

Ca-diếp thấy cây sà nhánh xuống rất lấy làm lạ hỏi Phật, Phật dạy:

-Ta vào trong ao tắm giặt, khi lên không có chỗ để vịn lên, do đó Thần cây vì Ta sà nhánh xuống.

Bấy giờ vua nước Ma-kiệt-đà cùng với quần thần và dân chúng nhân mùa tiết hội, đem lễ vật đến, ban tặng cho Ca-diếp và cùng nhau vui chơi bảy ngày, Ca-diếp nghĩ: “Phật là Bậc Thánh siêu việt hơn ta, mọi người gặp Ngài ắt sẽ bỏ ta, cùng nhau theo phụng thờ Ngài hết. Giá như hôm nay không có sự hiện diện của Ngài thì sung sướng biết bao!”

Phật biết tâm niệm của Ca-diếp nên liền ẩn mất. Khi mọi người đã trở về hết, Ca-diếp lại nghĩ: “Ta gặp tiết hội, thức ăn dẫy đầy, giá có Đại Sa-môn cùng thọ hưởng thì vui biết bao!”.

Phật biết, liền hiện ngay trước mặt Ca-diếp. Ca-diếp vừa kinh sợ vừa vui mừng, thưa:

-Ngài đến sao đúng lúc, thật sung sướng. Vừa rồi Ngài đi đâu vắng mặt?

Đức Phật đáp:

-Do ý nghĩ của ông.

-Sao lại bảo là do ý nghĩ của tôi? Ca-diếp hỏi.

Đức Phật dạy:

-Trước đó ông nghĩ là vị Đại Sa-môn này đạo đức cao vời, thân tướng tốt đẹp như sắc vàng ròng, vạn dân nếu thấy Ngài ắt sẽ bỏ Ta mà cùng theo thờ phụng Ngài hết. Do đó nên ta ẩn đi; nay ông lại nghĩ đến Ta, cho nên Ta lại đến.

Khi ấy năm trăm người đệ tử của Ca-diếp cùng nhau bửa củi, mỗi người đều cầm búa đưa lên và không hạ xuống được, đi đến bạch với thầy, thầy dạy:

-Lại do vị Đại Sa-môn này làm ra như vậy.

Liền cùng nhau đi đến hỏi Phật:

-Các đệ tử của tôi đang cùng bửa củi, cùng đưa búa lên nhưng không hạ xuống được.

Đức Phật dạy:

-Hãy hạ xuống.

Ứng theo tiếng, búa liền hạ. Sau khi hạ xuống, búa lại dính vào củi không thể đưa lên được, lại đến hỏi Phật, Phật dạy:

-Có thể đi, tự nó sẽ đưa lên. Liền đưa lên được.

Bấy giờ nước sông Ni-liên-thiền dâng tràn đầy và chảy cuồn cuộn. Phật dùng thần thông cắt dứt dòng nước khiến cho không chảy, làm cho nước dâng tràn lên cao khỏi đầu người và khiến cho đất dưới đáy sông bày ra và Phật đi kinh hành trong đó.

Ca-diếp thấy vậy, sợ Phật bị nước cuốn trôi liền cùng với các đệ tử chèo thuyền tìm kiếm Phật. Thấy nước cắt ngăn đôi, ở giữa bày đất và Phật đi kinh hành trong đó Ca-diếp kêu lớn:

-Đại Đạo Nhân còn sống đó ư?

Đức Phật đáp:

-Còn sống.

Ca-diếp lại hỏi:

-Phật có muốn lên thuyền không ?

Đức Phật dạy:

-Rất tốt!

Phật nghĩ: “Hôm nay Ta phải hiển bày đạo lực, khiến cho tâm của ông này phải phục”. Ngài liền từ trong nước xuyên qua đáy thuyền, vào trong thuyền mà không làm cho thuyền có dấu vết lủng lỗ.

Như vậy, Ngài biến hóa tất cả mười tám cách. Ca-diếp lại nghĩ: “Vị Sa-môn này có Thần túc thông, nhưng không bằng ta, ta đã đắc A- la-hán”.

Phật bảo Ca-diếp:

-Ông không phải A-la-hán, không biết chứng đạo, mặt mày gượng gạo không biết xấu hổ. Tự cho mình có đạo đức một cách luống dối.

Khi ấy Ca-diếp trong lòng sợ hãi, sởn tóc gáy, xấu hổ mặt biến sắc, tự biết mình không chứng đạo, liền cúi đầu lạy thưa:

-Nay Đại Đạo Nhân quả thật là Bậc Thánh nhiệm mầu mới biết được tâm ý của con. Con nguyện được xin theo Đại Đạo Nhân lãnh thọ giới kinh làm vị Sa-môn.

Phật dạy:

-Ông hãy trở về bảo với các đệ tử để cùng đồng được lợi ích. Ông là bậc kỳ cựu trong nước, mọi người đều tôn kính. Nay muốn học đạo, há lại chỉ riêng một mình mình biết thôi ư?

Ca-diếp vâng lời Phật dạy, báo với tất cả các đệ tử:

-Các con biết không, thầy được tận mắt thấy, lòng mới tin hiểu. Thầy sẽ cạo bỏ râu tóc, khoác pháp y, nhận lãnh giới cấm của Phật để làm Sa-môn, ý của các con muốn thế nào?

Các đệ tử đồng bạch:

-Sự hiểu biết của chúng con phần lớn là nhờ ân thầy. Nay thầy có chỗ kính tin thì chắc chắn là không hư dối. Chúng con xin cùng đi theo thầy để làm Sa-môn.

Khi ấy thầy trò đều cởi áo lông cừu, bình đựng nước cúng, giày da cùng với các dụng cụ thờ lửa đem vứt hết xuống dòng sông, rồi tất cả cùng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, thưa:

-Kính bạch Đức Thế Tôn, nay con cùng năm trăm đệ tử của con đều có lòng tin, nguyện lìa bỏ gia đình, cạo râu tóc làm Sa-môn.

Phật dạy:

-Lành thay, các Sa-môn hãy đến đây!

Ca-diếp cùng năm trăm người đệ tử râu tóc liền tự rụng và đều trở thành Sa-môn.

Ưu-vi Ca-diếp có hai người em: Người em kế tên là Na-đề, người em út tên là Kiệt-di. Hai người này mỗi người đều có hai trăm năm mươi người đệ tử. Thảo am của họ được dựng ở bên bờ sông. Khi trông thấy y phục cùng hằng trăm dụng cụ thờ lửa của các Phạm chí trôi trên dòng sông, hai người em vô cùng kinh hãi, sợ anh mình cùng năm trăm đệ tử bị kẻ ác làm hại thả trôi sông nên liền cùng với năm trăm đệ tử đi ngược theo dòng sông. Đến nơi thấy thầy trò anh mình đều thành Sa-môn, họ rất lấy làm lạ, hỏi đại huynh:

-Đại huynh năm nay đã một trăm hai chục tuổi, trí tuệ cao xa, quốc vương quần thần dân chúng đều tôn kính thờ phụng, ý của chúng em nghĩ rằng đại huynh đã là bậc A-la-hán, nay đại huynh lại bỏ sự nghiệp Phạm chí theo học pháp Sa-môn. Phật đạo đâu phải lớn hơn đạo của đại huynh?

Ca-diếp bảo:

-Phật đạo tối tôn, pháp đó vô lượng. Anh tuy được người đời tôn kính nhưng thực sự chưa đắc đạo và chưa được thần thông trí tuệ như Phật. Pháp của Ngài rất thanh tịnh. Anh thấy Ngài có từ tâm, cứu độ người nhiều vô cùng Ngài đem ba việc này để dạy bảo:

1. Đạo định thần túc biến hóa tự nhiên.

2. Trí tuệ hiểu biết bổn ý của người.

3. Đúng theo bệnh cho thuốc.

Hai người em nghe xong, quay lui nói với các đệ tử:

-Các con muốn thế nào?

Năm trăm người cùng đồng thanh thưa:

-Chúng con nguyện được như đại sư.

Liền cùng cúi đầu đảnh lễ Phật, cầu xin được làm Sa-môn. Phật dạy:

-Đến đây Tỳ-kheo!

Hai anh em và năm trăm người đệ tử râu tóc tự rụng, thân khoác ca-sa, liền thành Sa-môn đi theo sau Phật. Khi ấy Phật có một ngàn Sa-môn cùng đi đến nước Ba-la-nại, ngồi dưới rừng cây Di huyền.

Các đệ tử của Phật đều vốn là Phạm chí, Phật vì các đệ tử hiển bày thần thông biến hóa.

1. Bay đi.

2. Giảng kinh.

3. Giáo giới.

Các đệ tử thấy oai thần biến hóa của Phật, không ai là không hoan hỷ, đều chứng quả A-la-hán.

***

Phẩm 26: PHẬT ĐẾN NƯỚC MA-KIỆT-ĐÀ

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở tại Ba-la-nại, sau khi thuyết pháp xong, cùng với ba anh em ưu-vi Ca-diếp và một ngàn vị La-hán, là các vị xưa kia đều thuộc đạo bện tóc, đã đạt được thần thông, sinh tử đã dứt, ra khỏi ba cõi, muốn đi đến nước Ma-kiệt-đà truyền dạy đạo pháp, mở bày dắt dẫn cho những người ngu tối.

Khi ấy, vua Bình-sa của nước Ma-kiệt-đà được nghe Thái tử con vua dòng họ Thích, thân có tướng đặc biệt, với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, thân cao một trượng sáu, màu vàng ròng, bỏ nước, bỏ ngôi vua, làm Sa-môn, đạt được quả Phật, hiệu là: Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu, giảng dạy đạo nghĩa, đầu, giữa, cuối đều thiện. Pháp giảng dạy đầy đủ, đạt đến nghĩa lý nhiệm mầu, tịnh tu phạm hạnh, giữ gìn giới cấm đầy đủ, thành tựu thiền định, trí tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Thành tựu ngũ nhãn: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn, sáu thông, ba đạt. Chư Thiên, Thích, Phạm đều phụng sự. Tất cả đều được nhờ ân cứu độ.

Vua Bình-sa được nghe như thế, vui mừng hớn hở, nghĩ: “Vốn ta cũng có lòng cầu xin được Phật cứu độ”, liền sắc các đại thần, trưởng giả, Phạm chí, cùng dân chúng trong nước sửa sang đường sá, rải hoa, đốt hương, cầm các cờ lọng; vua cỡi xe quý, đại thần bách quan trước sau theo hộ vệ, bằng ngàn xe, vạn mã. Các trưởng giả, Phạm chí có tất cả là một vạn hai ngàn người, muốn ra cửa thành để nghinh đón Phật. Bỗng một luồng gió mạnh thổi ập đến, đóng bít cửa thành. Vua rất lấy làm lạ, không hiểu vì sao: “Nay đi nghinh đón Phật, đáng lẽ ứng hiện điềm tốt lành an vui mới phải”.

Vị thần giữ cửa thành liền tâu vua:

-Thật vui mừng, mọi việc đều tốt đẹp. Trong đời trước, vua cùng với tám vạn bốn ngàn vua, cùng sửa chùa, dựng tháp và thệ nguyện trong đời sau đồng thời được gặp Phật, thưa hỏi và nhận lãnh giáo pháp. Nay có một tù nhân bị hình phạt nhốt trong ngục, trái với lời xưa của vua, cho nên cửa thành đóng bít. Ngài nên đại xá, phóng thích cho người đang bị nhốt trong ngục kia ra để đồng cùng một lúc được gặp Phật, thưa hỏi và nhận lãnh lời giáo hóa thì cửa thành mới mở.

Vua nghe rồi, liền ra lệnh cho các nơi thả tù nhân trong nước ra dể cùng đi nghênh đón Phật.

Bấy giờ Phật vào nước Ma-kiệt-đà, ở đó có một cây đại thọ tên là Giá-việt. Đức Phật cùng các thầy Tỳ-kheo đồng ngồi dưới cây. Vua từ xa thấy Phật cùng với chúng Tỳ-kheo như mặt trăng giữa các vì sao, giống như vầng thái dương vừa mới xuất hiện, khắp thiên hạ đều bừng sáng, không một nơi nào là không được chiếu soi. Cũng như Đế Thích, Phạm vương, Thánh đế đang ngự nơi cung điện của mình. Như cây hoa tươi tốt, như ngọn núi vàng, oai thần đặc biệt, sáng chói rực rỡ, siêu tuyệt vô song, trong lòng vua vô cùng phấn khởi. Vua xuống xe, cởi bỏ tất cả những vật trang nghiêm: lọng, giày, quạt, mũ, khăn cùng đao trượng và đi bộ đến trước Phật, cúi đầu lạy sát chân Phật và tự giới thiệu mình:

-Con là vua Bình-sa, từ lâu luôn nghĩ nhớ đến Thánh Tôn, khát khao mộng có ngày được gặp lại.

Vua lặp lại ba lần như vậy. Phật bảo vua:

Đúng vậy, ông là vua Bình-sa. Chư Phật và Thiên thần đều ủng hộ vua.

Vua thưa:

-Con kính mong nhờ ân Phật cứu giúp.

Thưa xong, vua lui ngồi một bên. Quần thần bách quan cúi đầu làm lễ rồi cũng lui ngồi một bên. Người đến trước thì sụp lạy, người đứng giữa thì cúi đầu, người đứng sau thì chỉ chắp tay. Và tất cả sau khi đã an tọa, vua cùng đại thần trông thấy Ưu-vi Ca-diếp là một bậc kỳ cựu lâu nay từng tu học theo đạo Tiên ở trên núi, nay sao lại ngồi một bên Phật, nên rất lấy làm lạ, trong tâm tự nghĩ: “Phật là thầy của ưu-vi Ca-diếp hay ưu-vi Ca-diếp là thầy của Phật?”

Phật đọc được tâm niệm đó, Ngài liền dùng kệ hỏi Ưu-vi Ca-Diếp.

Thế nào, thầy ưu-vi?

Việc thờ thần xưa kia

Theo cúng tế lửa nước

Nhật, nguyệt, các Phạm thiên

Đến nay như thế nào

Ngày đêm siêng năng học

Trong tâm không biếng nhác

Đâu chẳng đến Thần tiên?

Ca-diếp dùng kệ bạch Phật:

Con nhớ xưa cúng tế

Trải qua tám mươi năm

Thờ thần gió, lửa, nước

Nhật, nguyệt, các núi sông

Ngày đêm không luống bỏ

Trong tâm không xao lãng

Cuối cùng chẳng được gì

Gặp Phật mới an ổn.

Vua, quần thần và vạn dân trong nước nhờ vậy mới phân biệt, biết rõ ưu-vi Ca-diếp là đệ tử của Phật. Phật bảo ưu-vi Ca-diếp:

-Ông hãy đứng dậy.

Ưu-vi Ca-diếp liền đứng dậy, quỳ thẳng chắp tay trước Phật. Phật dạy:

-Hiện nay nếu ông là A-la-hán, hãy biểu hiện có thần thông.

Ca-diếp liền vâng lời Phật dạy bay lên hư không, trên thân tuôn ra lửa, dưới thân tuôn ra nước, mưa trở lại nơi thân nhưng thân không thấm ướt. Dưới thân tuôn ra lửa, lửa không làm hại thân. Bay đi trên hư không giống như chim bay, bảy lần hiện, bảy lần ẩn mất. Đi trên nước như đi trên đất, không bị ngăn ngại bởi vách tường, núi Tu-di và đất, tất cả đều thông suốt như đi vào trong nước. Từ phương Đông đến ở trước Phật lại ẩn mất, bỗng hiện ra ở phương Tây. Từ phương Tây đến ở trước Phật, lại ẩn mất, bỗng hiện ra ở phương Nam. Từ phương Nam ẩn mất, rồi hiện ra ở phương Bắc. Từ phương Bắc lại ẩn mất và hiện trở lại ở phương Nam. Biến hóa như vậy xong, lại trở về ở trước Phật, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật:

-Con là đệ tử của Phật. Phật là Thầy của con.

Vua và đại thần nhân đó biết rõ hơn ưu-vi Ca-diếp là đệ tử của Phật. Phật bảo với quốc vương:

Thiên hạ đều có mắt nhưng chưa chắc đã thấy được sắc. Quán sắc vô thường, thọ tưởng, hành, thức cũng đều vô thường. Nghĩa vô thường là khổ, không, vô ngã, là chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã (bỉ). Chưa thấy có người nào ưa đạo như háo sắc. Người sáng suốt hiểu rõ điều này. Sắc giống như đống bọt, thọ như bọt nước, tưởng như cây chuối, hành cũng như mộng, thức giống như huyễn. Tam giới như là ảo hóa, tất cả đều vô thường, không thể giữ lâu.

Phật hỏi nhà vua:

-Từ khi thành lập vương triều đến nay đã bao nhiêu năm?

Vua đáp:

-Hơn bảy trăm năm.

-Đã có bao nhiêu triều vua?

-Đã có trên hai mươi triều vua.

Phật lại hỏi:

-Ngài có biết tất cả các triều vua đã qua không?

-Con không biết. Con chỉ biết có triều đại của phụ vương con thôi.

Phật dạy:

-Hiện tại, đất là vật trường tồn. Người và vật tất cả đều trở về vô thường. Trời đất tuy nói là thường nhưng cũng không có thể lâu dài. Ba cõi không có chỗ cậy nhờ, chỉ có đạo mới là nơi nương tựa, cắt đứt cái họa ngay trong lúc chưa xảy ra, vun trồng cái phước ngay từ khi chưa nhen nhúm. Diệt sạch cái hoạn nạn của năm ấm, như dập ngọn đuốc. Chứa đức cho ngày một tăng thêm như trăng đầu tháng.

Phật dạy:

-Vua cũng như người mẹ mang con trong thai, tướng mạo và phước lộc của mỗi đứa con đều khác nhau, hoặc giàu sang phú quý, hay bần cùng hạ tiện; hoặc thông minh trí tuệ, hay ngu tối, câm ngọng, điếc đui, Cha mẹ nào có thể biết được. Sinh con sau khi lớn lên mới phân biệt được họa phước. Đó không phải là lỗi của cha mẹ, mà đó là do vạ của người kia đời trước đã tạo ra lành hay dữ! Thân làm việc ác, miệng nói lời hung dữ, tâm nghĩ điều ác độc, chê bai Hiền thánh thì khi thân hoại mạng chung đọa làm quỷ thần trong địa ngục ác. Thân, miệng, tâm lành, không phạm mười điều ác, tu hành mười thiện đức, sau khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi trời, được ở trước chư Phật trong mười phương. Nếu sinh ở chốn nhân gian thì được giàu sang, sung sướng, tuổi thọ dài lâu.

Đức Phật dạy:

-Tuy có lời nói về họa phước như thế, nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn. Vì sao? Vì tất cả đều từ nơi duyên mà khởi. Duyên hiệp thì sinh, duyên tan thì diệt. Từ vô minh duyên thì có hành, từ hành duyên thì có thức, từ thức duyên thì có danh sắc, từ danh sắc duyên thì có lục nhập, từ lục nhập duyên thì có xúc, từ xúc duyên thì có thọ, từ thọ duyên thì có ái, từ ái duyên thì có thủ, từ thủ duyên thì có hữu, từ hữu duyên thì có sinh, từ sinh duyên thì có ưu bi, khổ não một tập hợp khổ lớn. Trừ các độc hoạn lớn: Vô minh, hành thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão, bệnh, tử, sầu ưu khổ não, thì được các tội, và diệt độc hoạn tự tiêu diệt, thì mới đạt đến sự nghiệp vô vi vô cùng.

Ba cõi không có thần. Cội gốc là mười hai duyên khởi, thản nhiên không dấu vết, giống như hư không, không tâm ý thức, không chỗ dựng lập, cùng với đạo lớn đồng nhau, vốn không có sự phân biệt nên mau đạt được pháp nhẫn. Một mình cất bước, độ thoát khắp mười phương, tất cả chúng sinh đều nhờ ân.

Khi Phật thuyết kinh này, trong tám vạn bốn ngàn chư Thiên, người đời, có một vạn hai ngàn người xa trần lìa cấu, sinh các pháp nhãn tịnh, vô số người phát ý đạo Vô thượng Chánh chân.

Lúc này vua Bình-sa được pháp nhãn tịnh, trong lòng rất vui mừng, đến trước xin Phật được lãnh thọ năm giới. Các đại thần bách quan, quốc dân đều đến trước xin quy y, cũng lãnh thọ năm giới. Khi thọ năm giới xong, người, ngựa, xe cộ, thảy đều yên lặng, không phát ra một tiếng động. Vua đến trước bạch Phật:

-Con bận nhiều việc nước, con xin trở về. Con sẽ trở lại hầu thăm Đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy:

-Lành thay! Nhọc lòng đại vương cùng quần thần nhân dân.

Vua cúi đầu đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng, lạy trở lại lần nữa rồi lui. Quần thần bách quan, nhân dân cũng tiếp nối nhau đảnh lễ Phật rồi lui. Đại thần đến trước vua chúc tụng:

-Ngay giờ này các vua đều không thấy Phật, chỉ riêng một mình đức vua được thấy. Đó là do nhờ phước lộc sâu dày ở đời trước nên mới được như vậy.

Vua càng phấn khởi, cũng chúc tụng lại chư thần:

-Các khanh đã sẵn có phước đức nên mới gặp Thế Tôn. Vua trở về cung, sắc cho tất cả mọi người trong cung từ phu nhân đến các thể nữ lớn nhỏ và nhân dân trong nước: Trong một năm phải có ba tháng trường trai, một tháng phải có sáu ngày trai, giữ gìn giới cấm, tu hạnh bố thí, trì giới, học rộng nghe nhiều.

Vua trở về cung, khi ấy Thiên đế Thích đem tám vạn Thiên nhân dâng hoa lên Phật, quy y, làm lễ rồi lui. Họ đồng niệm: “Nam-mô Phật”, liền được độ thoát, đắc pháp nhãn tịnh.

Bấy giờ trong nước Ma-kiệt-đà có một trưởng giả tên là Ca-lăng, thấy Phật đến nước Ma-kiệt-đà, trời người đều thờ kính, nhưng chưa có tinh xá, ông nghĩ: “Ta có khu vườn trúc rất đẹp, muốn dâng cúng Phật”. Ông liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu lạy sát chân Phật, rồi tới trước bạch: -Phật thương xót khắp tất cả, xem như ái tử, bỏ ngôi vị Chuyển luân thánh vương, không ưa thích sự giàu sang phú quý ở đời, nay không có tinh xá. Con có một khu vườn trúc, cách thành không xa. Con xin dâng cúng Phật, có thể để làm tinh xá.

Phật nhận và chú nguyện.

Phật và Thánh chúng đến ở trong khu vườn đó nên gọi là vườn Trúc Ca-lăng.

***

Phẩm 27: GIÁO HÓA XÁ-LỢ-PHẤT và MỤC-KIỀN-LIÊN

Khi Phật chưa vào nước Ma-kiệt, dân chúng nơi đó giàu có sung túc, ăn uống đầy đủ với thức ngon bổ, đêm ngày trổi nhạc hát xướng, thường vui chơi không hề ngừng nghỉ. Đến lúc Phật vào nước Ma-kiệt, trong thành La-duyệt-kỳ ngày đêm yên tịnh, mọi người khen ngợi sự cứu độ, đọc kinh, giữ gìn trai giới, bỏ những thú vui thế tục như bỏ phân nhơ. Chỉ có Phật là tôn quý. Tất cả đều nghe kinh, thực hành theo chánh pháp, không bỏ Tam bảo.

Phật có một đệ tử Sa-môn tên là An Bệ, được gởi đi truyền bá giáo pháp, mở bày chỉ dạy cho những người chưa được nghe. Tâm con người ở trong đời ác năm trược mê mờ, không đạt được chỗ chí chân.

Sa-môn An Bệ vào thành khất thực, y phục trang nghiêm tề chỉnh, oai nghi đỉnh đạc, không mất thường pháp, bước đi đoan lạc, nhân đó khiến người trông thấy đều vui thích.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất vốn tên thật là Ưu-ba-thế, nhân được gặp An Bệ, trong lòng rất vui mừng, tự nghĩ: “Ta học đạo đến nay đã lâu, nhưng chưa thấy có Sa-môn như thế. Y phục tề chỉnh, oai nghi an tường đỉnh đạc, không mất lễ tiết. Ta thử đến hỏi xem vị ấy đang phụng thờ đạo nào. Ta thường có ý nghi ngờ những điều được nghe khác nhau. Đạo giáo đặc thù mầu nhiệm chưa chắc đã bằng đây. Ta nên đến hỏi Tỳ-kheo xem hiện đang tu học theo giáo pháp nào và vị thầy truyền dạy là ai? Xin được nghe tôn chỉ của Tôn giả”. Tỳ-kheo biết ý liền thuyết kệ:

Thầy tôi, ba hai tướng

Ba cõi đều tôn quý

Không vướng mắc hữu, vô

Độ chúng mười hai môn

Tuổi tôi còn thơ bé

Sở học rất cạn cợt

Đâu có thể nói đúng

Thắng nghiệp của Như Lai

Gốc của tất cả pháp

Từ duyên nên vốn không

Nếu trở về cội nguồn

Mới gọi là Sa-môn.

Sa-môn An Bệ tiếp:

-Vị Thầy mà tôi thờ, từ vô số kiếp phụng hành pháp mơn lục độ vô cực, tứ đẳng, tứ ân, hành từ bi vô lượng, muốn cứu độ tất cả, chưa công, nhóm đức không thể kể xiết, là vị Nhất sinh bổ xứ tại cung trời Đâu-suất giáng thần thị hiện, thác thai phu nhân nước Ca-duy-la-vệ như mặt trời hiện trong nước. Vừa sinh ra Ngài bước đi bảy bước, trời đất chấn động mạnh, có ba mươi hai tướng tốt, xưng mình là Thánh.

Ngài nói: “Ba cõi đều khổ, Ta sẽ cứu độ”. Thích, Phạm, Tứ Thiên vương đều đến thưa hỏi và nhận lời dạy bảo. Chín rồng phun nước tắm rửa thân thể Ngài. Đức của Ngài vô lượng. Nêu sơ lược những điểm chính yếu về Ngài, không phải dựa vào chỗ khen ngợi như chút ánh sáng nơi con đom đóm của tôi mà có thể hiểu được tất cả về Ngài. Cũng không phải đây là lời nói và ý nghĩ của cá nhân, mà đó là lời tôn kính ca ngợi của Thiên nhân về Bậc Đại Đạo Sư của tôi.

Liền đọc kệ:

Thầy tôi trời trong trời

Tối tôn trong ba cõi

Tướng tốt, thân trượng sáu

Thần thông đi trên không

Giáo hóa trừ ngũ ấm

Nhổ phăng mười hai căn

Không tham ngôi trời người

Mở pháp môn thanh tịnh.

Khi ấy Tôn giả Xá-lợi-phát hết sức vui mừng sung sướng, như người tôi gặp ánh sáng, liền thưa:

-Lành thay! Từ xưa đến nay con ôm ấp những điều nghi vấn, lại ham học. Theo thầy học đạo từ khi tám tuổi, đến nay đã mười sáu năm, gồm thâu tất cả, trải qua mười sáu nước lớn trong thiên hạ, tự cho mình đã thông đạt, nay mới được nghe những điều chân chánh khác thường, đúng với bản nguyện của con. Hiện nay Đức Phật đang ở đâu, xin cho con được biết.

Tôn giả An Bệ đáp:

-Đức Thế Tôn hiện đang ngự tại vườn Trúc Ca-lăng.

Xá-lợi-phất đem các đệ tử đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, bạch:

-Kính bạch Đức Thế Tôn, bản thân con bị rơi vào chốn ngu tối, mê lầm triền miên, không được thưa thỉnh và lãnh thọ, nay muốn được theo đạo lớn vô cực của bậc Thánh. Xin Thế Tôn cho con được xuất gia làm Tỳ-kheo thọ giới cụ túc.

Đức Phật vừa nói: “Lành thay! Đến đây Tỳ-kheo!” thì tóc Xá-lợi- phất liền tự rụng, ca-sa khoác thân. Đức Phật vì ông thuyết kinh, phân biệt rõ các pháp, mười hai căn bản khiến lòng thanh thản thấu suốt, lậu tận ý giải, chứng được quả Vô trước.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

-Con có một người bạn đồng học tên đời là Câu-luật, nay gọi là Mục-liên. Từ thuở nhỏ đồng hẹn với nhau: Nếu người nào tìm được chân đạo thì sẽ chỉ cho nhau biết. Nay con đã được nhờ ân Thế Tôn tế độ, nhưng bạn con còn đang chìm trong trần cấu, chưa được cứu vớt, con xin nương nhờ Thánh chỉ của Thế Tôn, đi đến đó để khai thị cho bạn con.

Phật dạy:

-Lành thay! Thầy nên biết đúng thời, chớ nên trễ nải.

Bấy giờ Xá-lợi-phất cúi đầu lạy sát chân Phật và từ giã ra đi, vào thành tìm Mục-liên. Từ xa trông thấy Mục-kiền-liên cùng với các đệ tử đang đi trong thành, nơi ngã tư đường. Xá-lợi-phất đi đến chỗ bạn. Mục-liên trông thấy bạn mình từ đầu đến chân đều khác hẳn không giống như mọi ngày, liền hỏi bạn:

-Do đâu lại thay đổi y phục? Có được kiến giải gì khác lạ chăng? Xá-lợi-phất đáp:

-Người học vô thường chỉ theo ánh sáng lớn. Ta học đã nhiều năm nhưng không gặp được Bậc Đại Thánh, nay mới gặp được đạo lớn vô thượng, vui mừng vô lượng, cho nên đến tìm bạn để cùng được thưởng thức đạo vị nhiều kiếp không cùng.

Mục-liên đáp:

-Đây là việc lớn, hãy khéo cùng nhau suy nghĩ kỹ.

Xá-lợi-phất đáp:

-Không cần nói nữa. Tôi chán việc đã từng làm lâu nay, không muốn nghe nữa. Tôi ví dụ: Người có trân bảo đẹp đem cho, có người nhận được ngọc báu như ý minh châu và anh lạc báu, lại muốn trở lại cầu xin lụa là, châu ngọc giả, không phải chỗ bản thân mình ưa muốn.

Mục-liên đáp:

-Trí tuệ của huynh hơn tôi. Những gì huynh tôn thờ ngưỡng mộ chắc không lầm lẫn. Tôi sẽ cùng đồng một chí hướng. Hãy đưa tôi đến xin đảnh lễ Đấng Chí Tôn và nhận lời giáo huấn của Ngài.

Khi ấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đồng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi lui ngồi một bên, chắp tay bạch Phật:

-Chúng con tự xét mình lầm lỗi, thiếu sót, bị chìm đắm trong trần cấu, nay mới được gần gũi phụng thờ Ngài. Chúng con xin được làm Sa-môn để học hỏi, thọ trì pháp luật của Thế Tôn.

Phật dạy:

-Lành thay!

Hai vị Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đều bỏ bình rửa, áo da nai, gậy, cùng các dụng cụ.

Phật gọi: “Đến đây, Tỳ-kheo!”, thì râu tóc liền rụng, ca-sa khoác thân.

Phật thuyết chánh đế, hai vị ấy được lậu tận, ý giải, việc làm đã xong, thành quả Vô trước (A-la-hán).

Phật dạy:

-Hai người này nhiều đời trong những kiếp quá khứ cùng nguyện cúng dường Ta, Đợi khi Ta thành Phật sẽ hộ vệ hai bên. Nay mới gặp nhau.

Đức Phật đã có một ngàn đệ tử, nay độ Xá-lợi-phất và Mục- kiền-liên có hai trăm năm mươi người đệ tử, cộng thành một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo được độ cùng một lúc.

Bấy giờ vua Tịnh Phạn nghe tin Thái tử đắc đạo quả Phật đến nay đã được sáu năm. Vua nhớ Phật, trong lòng buồn vui lẫn lộn, khát khao muốn được gặp.

Có một vị Phạm chí tên là Ưu-đà-da thông minh trí tuệ, xưa kia vốn từng hầu hạ Bồ-tát nên thường hiểu được ý của Ngài. Vua sai Ưu-đà-da đi đến thỉnh Phật, thăm hỏi: “Từ ngày cách biệt đến nay đã mười hai năm, phụ vương ngày đêm trong lòng buồn thương sầu nhớ không nguôi. Nghĩ đến lúc được gặp nhau tưởng như chết được sống trở lại”.

Ưu-đà-da nhận lãnh sắc chỉ của vua, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lạy sát chân Phật, đem ý của vua bạch đầy đủ với Phật, ưu-đà-da thấy Phật được chư Thiên, Thích, Phạm cùng về đảnh lễ, tất cả đồng thọ nhận lời dạy, ông bèn đến trước bạch Phật, xin được xuất gia làm Sa-môn, Phật dạy: “Đến đây, Tỳ-kheo!” thì tóc ông tự rụng, liền thành Sa-môn, được đạo quả A-la-hán. Khi ấy, số người mà Phật đã độ trước và sau đắc đạo không thể kể xiết. Phật tự nghĩ: “Ta vốn ước mong cho phụ vương được Phật đạo. Bây giờ ta sẽ trở về nước độ phụ mẫu. Nay chính là lúc nên trở về. Giả như Ta trở về nước mà không gây được sự cảm động thì đối với việc ấy không nên vì sự hóa độ ít quá. Nên trước hết cho đệ tử có thần túc là Tỳ-kheo Ưu-đà-da về hiển bày thần túc cho mọi người biết Phật muốn về, họ mới hiểu được đạo tôn quý, mới cùng khát ngưỡng phát khởi đạo tâm thì việc hóa độ mới được nhiều”.

    Xem thêm:

  • Kinh Luân Vương Thất Bảo - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 48 – Kinh Kosambiya (Kosambiya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Diên Thọ Diệu Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Thập Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Tòng Đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Kinh Tạng
  • Kinh Cửu Sắc Lộc - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Thập Nhứt Diện Quán Thế Âm - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà-ra-ni - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Năng Thắng Phan Vương Như Lai Trang Nghiêm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Pháp Thất Phật Câu Chi Phật Mẫu Tâm Đại Chuẩn Đề Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng