1
2
3

QUYỂN 3

Kinh viết: “Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có Nhục nhãn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai có Nhục nhãn.

Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có Thiên nhãn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai có Thiên nhãn.

Đức Phật bảo: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có Tuệ nhãn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai có Tuệ nhãn.

Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có Pháp nhãn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai có Pháp nhãn.

Đức Phật bảo: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có Phật nhãn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai có Phật nhãn.

Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như số lượng cát hiện có nơi sông Hằng, Phật nói là cát chăng? Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai nói là cát.

Đức Phật bảo: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như số lượng cát hiện có nơi một sông Hằng. Lại có số lượng sông Hằng bằng số lượng cát ấy. Lại có số lượng thế giới Phật bằng số lượng cát hiện có nơi những con sông Hằng kia. Vậy thế giới như thế nên cho là nhiều chăng? Tu-bồ-đề thưa: Thế giới ấy rất là nhiều, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật nói với Tôn giả Tu-bồ-đề: Trong số lượng thế giới như vậy, với chúng sinh hiện có theo từng ấy thứ tâm trụ, Như Lai đều nhận biết. Vì sao? Vì Như Lai nói các tâm trụ đều là phi tâm trụ, đó gọi là tâm trụ. Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ không thể thủ đắc. Tâm hiện tại không thể thủ đắc. Tâm vị lai không thể thủ đắc.

Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Nếu có người đem bảy thứ báu đầy khắp Tam thiên đại thiên thế giới để bố thí. Thế thì các thiện nam, thiện nữ ấy, do nhân duyên đó nên phước có được là nhiều chăng? Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Người ấy, do nhân duyên đó nên được phước rất nhiều.

Đức Phật bảo: Đúng thế! Đúng thế! Nầy Tu-bồ-đề! Các thiện nam, thiện nữ kia, do nhân duyên ấy, nên đạt được tụ phước đức rất nhiều. Nầy Tu-bồ-đề! Nếu tụ phước đức có thật, Như Lai tức không nói là tụ phước đức, tụ phước đức”.

* Luận nêu: Lại có nghi vấn: Trước nói Bồ-tát không thấy các chúng sinh kia là chúng sinh, không thấy mình là Bồ-tát, không thấy quốc độ của Phật thanh tịnh. Vì sao? Vì do không thấy có các pháp gọi là chư Phật Như Lai. Nếu như thế, hoặc có người cho: Chư Phật, Như Lai không thấy các pháp. Từ đây tiếp xuống, phần văn kinh là nhằm trừ bỏ nghi vấn ấy, nên nói năm thứ mắt. Kệ viết:

Tuy không thấy các pháp

Phi không rõ cảnh, mắt

Chư Phật năm thứ thật

Do thấy kia điên đảo.

Do đâu nói chỗ thấy kia là không điên đảo? Vì đã hiển bày thí dụ đoạn trừ nghi. Vì vậy nói Như Lai nhận biết vô số tâm trụ của các chúng sinh ấy. Đây là làm rõ về nghĩa gì?

Chỗ thấy kia không điên đảo, do đã thấy rõ về điên đảo.

Thế nào là điên đảo? Kệ nêu:

Vô số thức điên đảo

Do lìa nơi niệm thật

Chẳng trụ trí thật kia

Vì thế nói điên đảo.

Nghĩa ấy là thế nào?

Vô số điên đảo: Tức vô số tâm duyên trụ, đó gọi là vô số thức. Do sáu thứ thức có sai biệt nên điên đảo. Vì sao tâm trụ ấy gọi là điên đảo? Kệ nêu:

Do lìa nơi niệm thật

Chẳng trụ trí thật kia

Vì thế nói điên đảo.

Như Lai nói các tâm trụ đều là phi tâm trụ: Câu nầy chỉ rõ việc xa lìa bốn niệm xứ. Đây là do nghĩa gì?

Tâm trụ là trụ nơi niệm xứ, do lìa niệm xứ ấy nên nói là chẳng trụ. Lại, trụ và bất động, về căn bản tên gọi khác, nhưng nghĩa là một. Nếu không trụ như thế, do đấy nói là tâm trụ. Đây là nêu bày nhân hành của chẳng trụ nối tiếp không dứt, thế nên chẳng trụ, tức chỉ rõ điên đảo kia tương tục. Như kinh nói: Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ không thể thủ đắc. Tâm hiện tại không thể thủ đắc. Tâm vị lai không thể thủ đắc. Do là quá khứ, vị lai, nên không thể thủ đắc. Tâm hiện tại luôn phân biệt hư vọng, nên không thể thủ đắc. Như thế, tức chỉ rõ tâm trụ ấy là điên đảo. Các thức hư vọng do không quán ba đời.

Do đâu dựa nơi phước đức để nói lần nữa về thí dụ? Kệ viết:

Căn bản trí tuệ Phật

Công đức không điên đảo

Là do tướng phước đức

Nên lại nói thí dụ.

Đây là nêu bày về nghĩa gì? Lại có nghi vấn: Đã nói tâm trụ điên đảo. Nếu như thế thì phước đức cũng là điên đảo. Nếu là điên đảo thì sao gọi là pháp thiện? Vì nhằm đoạn trừ nghi vấn ấy, nên hiển bày tâm trụ tuy điên đảo, nhưng phước đức thì không điên đảo. Vì sao? Kệ nói:

Căn bản trí tuệ Phật.

Vì sao hiển bày về căn bản? Như kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai tức không nói là tụ phước đức, tụ phước đức. Nghĩa nầy là thế nào? Tức nêu rõ tụ phước đức hữu lậu là điên đảo. Do tụ phước đức ấy là hữu lậu, vì vậy Như Lai không nói là tụ phước đức.

Lại, tụ phước đức ấy là tụ phước đức. Vì sao? Vì nếu không phải là tụ phước đức, Như Lai tức không nói là căn bản của trí tuệ. Thế nên tụ phước đức ấy là tụ phước đức.

* Kinh viết: “Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả nghĩ sao? Có thể dùng sắc thân đầy đủ để thấy Phật chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Không thể, bạch Đức Thế Tôn! Không thể dùng sắc thân để thấy Như Lai. Vì sao? Vì Như Lai nói sắc thân đầy đủ tức phi sắc thân đầy đủ, thế nên Như Lai nói là sắc thân đầy đủ.

Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Có thể dùng các tướng đầy đủ để thấy Như Lai chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không thể, bạch Đức Thế Tôn! Không nên dùng các tướng đầy đủ để thấy Như Lai. Vì sao? Vì Như Lai nói các tướng đầy đủ tức phi đầy đủ, thế nên Như Lai nói là các tướng đầy đủ”.

* Luận nêu: Ở đây lại có nghi vấn: Nếu chư Phật do pháp vô vi v.v… được gọi tên, thì vì sao chư Phật thành tựu ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, gọi là Phật? Vì đoạn trừ nghi ấy, do đó nói không phải sắc thân thành tựu, không phải là các tướng thành tựu để được thấy Như Lai. Lại, sắc thân gồm thâu được ba mươi hai tướng và tám mươi thứ vẻ đẹp, như kinh nói: Vì sao? Vì Như Lai nói sắc thân đầy đủ tức phi sắc thân đầy đủ, thế nên Như Lai nói là sắc thân đầy đủ. Vì sao? Vì Như Lai nói các tướng đầy đủ tức phi đầy đủ, thế nên Như Lai nói là các tướng đầy đủ. Do đâu nói như vậy? Kệ viết:

Pháp thân, thể rốt ráo

Không phải Thân tướng hảo

Do phi tướng thành tựu

Không phải Pháp thân kia.

Chẳng lìa nơi Pháp thân

Hai thứ phi chẳng Phật

Nên lại nói thành tựu

Cũng không hai cùng có.

Hai kệ nầy nói về nghĩa gì? Pháp thân ấy, thể rốt ráo, không phải là do sắc thân thành tựu, cũng không phải do tướng thành tựu, tức do không phải thân kia. Không phải thân kia, là do không phải tướng của Pháp thân ấy. Hai thứ nầy không phải là không Phật, tức là thân Như Lai hiện có. Những gì là 2 thứ?

1. Sắc thân thành tựu.

2. Các tướng thành tựu.

Do hai pháp nầy không lìa nơi Pháp thân, thế nên thân Như Lai ấy đã thành tựu tướng tốt, cũng được gọi là có. Vì sao nói là có? Tức như kinh viết: Sắc thân thành tựu, các tướng thành tựu. Vì vậy, kệ nêu:

Hai thứ, phi chẳng Phật.

Do đấy, hai thứ đó cũng được nói là không, nên nói không phải thân thành tựu, không phải tướng thành tựu. Tức cũng được nói là có, nên nói sắc thân thành tựu, các tướng thành tựu. Kệ viết:

Cũng không hai cùng có.

Do đâu nói như vậy? Do trong Pháp thân ấy là không. Tức ở nơi nghĩa nầy mà nói sắc thân của Như Lai thành tựu, các tướng của Như Lai thành tựu, do không lìa thân kia. Nhưng Pháp thân không nói như vậy, vì Pháp thân không phải là thể của chúng.

* Kinh viết: “Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Tôn giả cho là Như Lai khởi niệm: Ta hiện có thuyết pháp chăng? Chớ nên nghĩ như thế. Vì sao? Vì nếu người nào nói Như Lai có thuyết pháp, tức là hủy báng Phật, không thể lãnh hội những điều Như Lai đã nêu giảng. Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai thuyết pháp, thì thuyết pháp ấy là không pháp nào để có thể thuyết. Đó gọi là thuyết pháp”.

* Luận nêu: Lại có nghi vấn:

Nếu không thể dùng sắc thân thành tựu đầy đủ để thấy Như Lai, nếu không thể dùng các tướng thành tựu để thấy Như Lai, thì vì sao nói Như Lai thuyết pháp? Phần văn kinh từ đây tiếp xuống là để đoạn trừ nghi ấy. Như kinh viết: Nếu người nói Như Lai có thuyết pháp, tức là hủy báng Phật, không thể lãnh hội được những điều Như Lai đã nêu giảng. Nghĩa nầy là thế nào? Kệ viết:

Như Phật pháp cũng thế

Chỗ nói, hai sai biệt

Không lìa nơi pháp giới

Thuyết pháp không tự tướng.

Do đâu lại nói thuyết pháp, thuyết pháp? Kệ nêu:

Chỗ nói, hai sai biệt

Thế nào là 2? Tức:

1. Pháp được thuyết giảng.

2. Nghĩa hiện có.

Do đâu nói: Không pháp để có thể thuyết, đó gọi là thuyết pháp.

Kệ viết:

Không lìa nơi pháp giới

Thuyết pháp không tự tướng.

Đây là nói về nghĩa gì? Pháp được thuyết giảng lìa nơi chân pháp giới, không thể thấy được tự tướng.

* Kinh viết: “Bấy giờ, Huệ mạng Tu-bồ-đề bạch Phật: Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nơi đời vị lai nghe thuyết pháp pháp nầy có thể sinh tâm tin tưởng chăng?

Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Chúng sinh ấy, là phi chúng sinh, là phi chẳng chúng sinh. Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Vì chúng sinh, chúng sinh ấy, Như Lai nói là phi chúng sinh, đó gọi là chúng sinh”.

* Luận nêu: Lại có nghi vấn: Nếu nói chư Phật thuyết giảng là không chỗ thuyết, pháp không lìa nơi Pháp thân, cũng là không có. Thế những người nào có thể tin pháp giới sâu xa như thế?

Từ đây tiếp xuống, phần văn kinh là nhằm đoạn dứt nghi ấy.

Kệ nói:

Chỗ thuyết, người thuyết, sâu

Không phải, không thể tin

Phi chúng sinh, chúng sinh

Phi Thánh, phi chẳng Thánh.

Do đâu nói: Tu-bồ-đề! Chúng sinh ấy là phi chúng sinh, là phi chẳng chúng sinh? Kệ nêu:

Phi chúng sinh, chúng sinh

Phi Thánh, phi chẳng Thánh.

Đây là nói về nghĩa gì? Nếu có người tin kinh nầy, thì người ấy là phi chúng sinh. Phi chúng sinh là không phải không có thể Thánh. Không phải không có thể Thánh là không phải thể phàm phu.

Phi chẳng chúng sinh: Là do có thể Thánh, nên người ấy không phải là chúng sinh của phàm phu, không phải chẳng là chúng sinh của thể Thánh. Như kinh viết: Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Chúng sinh, chúng sinh ấy, Như Lai nói là phi chúng sinh, đó gọi là chúng sinh.

Như Lai nói phi chúng sinh: Là không phải chúng sinh của phàm phu, do đó nói chúng sinh, chúng sinh. Do chúng sinh của Thánh nhân thế nên nói phi chúng sinh.

* Kinh viết: “Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không có, bạch Đức Thế Tôn! Không có một chút pháp nào để Như Lai chứng đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng.

Đức Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai ở nơi đạo quả Chánh giác Vô thượng, cho đến không có một chút pháp để có thể chứng đắc. Đó gọi là đạo quả Chánh giác Vô thượng. Lại nữa, nầy Tu-bồ-đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp. Đó gọi là đạo quả Chánh giác Vô thượng. Do không có chúng sinh, không ngã, không nhân, không thọ giả, nên đạt được đạo quả Chánh giác Vô thượng bình đẳng. Tu tập tất cả pháp thiện, đạt được đạo quả Chánh giác Vô thượng. Nầy Tu-bồ-đề! Gọi là Pháp thân, pháp thiện ấy, Như Lai nói là phi pháp thiện, đó gọi là pháp thiện”.

* Luận nêu: Lại có nghi vấn: Nếu Như Lai không chứng đắc một pháp nào gọi là đạo quả Chánh giác Vô thượng, vì sao lìa nơi càng lên cao để chứng, lần lượt để đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng?

Từ đây tiếp xuống, phần văn kinh là nhằm dứt trừ nghi vấn ấy, hiển bày không phải chứng pháp gọi là đạo quả Chánh giác Vô thượng. Nghĩa ấy là thế nào? Kệ viết:

Xứ kia không chút pháp

Biết Bồ-đề Vô thượng

Pháp giới không tăng giảm

Tự tướng tịnh, bình đẳng.

Có phương tiện vô thượng

Cùng lìa nơi pháp lậu

Thế nên phi pháp tịnh

Tức là pháp thanh tịnh.

Đây là nêu rõ về nghĩa gì?

Xứ Bồ-đề ấy không có một pháp nào có thể chứng đắc, gọi là đạo quả Chánh giác Vô thượng. Như kinh nói: Thế Tôn! Không có một chút pháp nào để Như Lai chứng đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng. Ở đây lại có nghĩa gì? Kệ nêu:

Pháp giới không tăng giảm.

Không tăng giảm: Là pháp bình đẳng. Thế nên gọi là vô thượng, do lại còn trên vô thượng. Như kinh nói: Lại nữa, nầy Tu-bồ-đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp. Đó gọi là đạo quả Chánh giác Vô thượng.

Lại, Pháp thân thanh tịnh của chư Phật Như Lai, là bình đẳng không sai biệt. Ở nơi xứ ấy không có gì hơn, thế nên nói là vô thượng. Như kinh viết: Do không có chúng sinh, không ngã, không nhân, không thọ giả, nên đạt được đạo quả Bồ-đề Vô thượng bình đẳng.

Lại, pháp vô ngã ấy, tự thể là chân thật, lại không có gì hơn, nên gọi là đạo quả Chánh giác Vô thượng.

Lại, pháp ấy có phương tiện vô thượng, do đầy đủ tất cả pháp thiện, nên nói là đạo quả Chánh giác Vô thượng. Các Bồ-đề khác, pháp thiện không đầy đủ, phương tiện lại là hữu thượng. Như kinh nêu: Tu tất cả pháp thiện, đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Nầy Tu-bồ-đề! Gọi là pháp thiện, pháp thiện ấy Như Lai nói là phi pháp thiện, đó gọi là pháp thiện. Vì sao nói như thế? Kệ nêu:

Cùng lìa nơi pháp lậu.

Thế nên lậu ấy không phải là pháp tịnh. Đây tức là pháp thanh tịnh. Như vậy là do nghĩa gì? Do pháp kia là pháp không có lậu. Gọi là phi pháp thiện, do pháp không có lậu. Thế nên gọi là pháp thiện, do quyết định là pháp thiện vô lậu.

* Kinh viết: “Nầy Tu-bồ-đề! Các núi chúa Tu-di hiện có trong Tam thiên đại thiên thế giới, có người đem bảy thứ báu bằng số lượng các núi chúa Tu-di ấy để hành bố thí. Lại có người đối với Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nầy, cho đến chỉ bốn câu kệ, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói, thì phước đức có được trong trường hợp bố thí ở trước, so với phước đức có được ở đây, trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn vạn phần không bằng một, Ca-la phần không bằng một, số phần không bằng một, Ưu-ba-ni-sa-đà phần không bằng một. Cho đến dùng toán số, thí dụ cũng không thể nêu bày hết số lượng công đức ấy”.

* Luận nêu: Lại có nghi vấn: Nếu tu tất cả pháp thiện đầy đủ, chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, thì pháp được thuyết giảng không thể đạt đến Đại Bồ-đề. Vì sao? Vì do pháp được thuyết giảng là pháp vô ký. Để đoạn trừ nghi ấy nên nói lại lần nữa thí dụ về phước báo thù thắng.

Đây là hiển bày về gì? Kệ viết:

Tuy nói pháp vô ký

Nhưng nêu là nhân kia

Thế nên một pháp báu

Hơn vô lượng châu báu.

Nghĩa nầy là sao? Tuy nói pháp được thuyết giảng là vô ký, nhưng có thể đạt được Đại Bồ-đề. Vì sao? Vì do đã xa lìa các pháp được nêu giảng không thể đạt đến Đại Bồ-đề. Do nghĩa ấy nên pháp nầy có thể làm nhân của Bồ-đề.

Lại, nói vô ký, nghĩa nầy không đúng. Vì sao? Vì pháp của ông là vô ký, nhưng pháp của tôi là ký. Kệ nêu:

Thế nên một pháp báu

Hơn vô lượng châu báu.

Do đó, pháp được nêu giảng nầy hơn hẳn số lượng châu báu nhiều như A-tăng-kỳ Tu-di kia. Như kinh nói: Nếu người đối với Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nầy, cho đến chỉ bốn câu kệ, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói, thì phước đức có được, so với trường hợp trước v.v… Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Kệ nêu:

Số, lực, không giống, hơn

Không giống, nhân cũng thế

Hết thảy pháp thế gian

Không thể nêu dụ được.

Những nghĩa gì được nêu ra ở đây? Là chỉ rõ phước đức nầy hơn phước đức trước. Thế nào là hơn?

1. Số lượng hơn.

2. Lực hơn.

3. Không tương tợ, hơn.

4. Nhân hơn.

Thế nên, kệ viết:

Hết thảy pháp thế gian

Không thể nêu dụ được.

+ Số lượng hơn: Như kinh nói: Trăm phần không bằng một, cho đến toán số, thí dụ cũng không thể nêu bày hết. Do số lượng là vô hạn nên thâu gồm được các số lượng khác, nên biết.

+ Lực hơn: Như kinh viết: Không bằng một phần Ca-la.

+ Không tương tợ, hơn: Số lượng trong phước đức nầy không tương tợ, do phước đức ấy là không thể tính kể. Như kinh nói: Toán, số cũng không đạt tới.

+ Nhân hơn: Nhân quả không giống nhau. Do nhân quả nầy hơn hẳn nhân quả kia. Như kinh nói: Cho đến Ưu-ba-ni-sa-đà phần không bằng một.

Lại, pháp nầy là tối thắng, không có pháp thế gian nào có thể dụ cho pháp ấy. Kệ nêu:

Hết thảy pháp thế gian

Không thể nêu dụ được.

Như vậy, trong phước đức nầy thì phước đức kia là nhỏ, ít. Vì thể không pháp nào có thể nêu dụ.

* Kinh viết: “Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Tôn giả cho là Như Lai đã khởi niệm: Ta hóa độ chúng sinh chăng? Nầy Tu-bồ-đề! Chớ nên có kiến giải như thế. Vì sao? Vì thật không có chúng sinh nào để Như Lai hóa độ.

Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có thật chúng sinh để Như Lai hóa độ, thì Như Lai tức có các thứ tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói có ngã, tức phi có ngã, nhưng hàng phàm phu tối tăm lại sinh khởi, cho là có ngã. Nầy Tu-bồ-đề! Hàng phàm phu tối tăm sinh khởi, Như Lai nói là phi sinh khởi, do đó nói là hàng phàm phu tối tăm sinh khởi”.

* Luận nêu: Lại có nghi vấn:

Nếu pháp ấy là bình đẳng không có cao thấp, vì sao Như Lai nói là hóa độ chúng sinh? Từ đây tiếp xuống, phần văn kinh là nhằm đoạn dứt nghi ấy. Đoạn trừ nghi như thế nào? Kệ nêu:

Chân pháp giới bình đẳng

Phật không độ chúng sinh

Do danh cùng ấm kia

Không lìa nơi pháp giới.

Nghĩa nầy là thế nào? Chúng sinh là giả danh cùng hợp với năm ấm, nên danh kia cùng ấm không lìa nơi pháp giới. Kệ nêu:

Không lìa nơi pháp giới.

Pháp giới ấy không có sai biệt. Kệ viết:

Chân pháp giới bình đẳng.

Thế nên Như Lai không hóa độ một chúng sinh. Kệ viết:

Phật không độ chúng sinh

Như kinh nói: Vì sao? Vì thật không có chúng sinh để Như Lai hóa độ. Nếu có thật chúng sinh để Như Lai hóa độ thì Như Lai tức có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Đây là làm rõ về nghĩa gì? Kệ nêu:

Chấp Ta độ là lỗi

Do chấp giữ pháp kia

Chấp là độ chúng sinh

Nên biết không chấp thủ.

Nghĩa nầy là thế nào?

Nếu Như Lai có tâm như vầy: Trong năm ấm có chúng sinh có thể hóa độ, thì đấy là lỗi lầm của chấp lấy tướng, là cho chấp trước nơi pháp kia. Kệ nêu:

Chấp Ta độ là lỗi

Do chấp giữ pháp ấy: Tức chấp giữ trong năm ấm là chúng sinh.

Chấp giữ là độ chúng sinh: Tức muốn khiến chúng sinh đạt giải thoát, có tướng như thế.

Kinh lại nói: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói có ngã, tức phi có ngã, nhưng hàng phàm phu tối tăm sinh khởi, cho là có ngã. Nghĩa nầy là sao? Kệ viết:

Nên biết không chấp thủ.

Đây là nêu về gì? Do nghĩa ấy không thật, thế nên Bồ-tát không giữ lấy. Do không giữ lấy, tức là hàng phàm phu kia nhận lấy nhưng không chấp giữ, nên nói là không chấp thủ.

Lại, như kinh nêu: Nầy Tu-bồ-đề! Phàm phu tối tăm sinh khởi, Như Lai nói là phi sinh khởi. Không sinh pháp Thánh nhân, nên nói là phi sinh khởi.

* Kinh viết: “Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Có thể dùng tướng thành tựu để thấy Như Lai chăng? Tu-bồ-đề thưa: Như con hiểu về nghĩa do Như Lai đã giảng nói, thì không thể dùng tướng thành tựu để thấy Như Lai.

Đức Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Nầy Tu-bồ-đề! Không thể dùng tướng thành tựu để được thấy Như Lai. Nếu dùng tướng thành tựu để quán Như Lai, thì Chuyển luân Thánh vương nên là Như Lai. Do đấy, không phải dùng tướng thành tựu để được thấy Như Lai”.

* Luận nêu: Lại có nghi vấn: Tuy tướng thành tựu không thể thấy được Như Lai. Là do các thứ ấy không phải là thể. Là do Như Lai lấy Pháp thân làm thể. Nhưng Pháp thân của Như Lai là do tướng thành tựu mà thấy. Dùng trí so sánh để biết Pháp thân của Như Lai từ phước tướng thành tựu.

Từ đây tiếp xuống, phần văn kinh là nhằm dứt trừ nghi vấn đó. Dứt trừ nghi như thế nào? Kệ viết:

Không phải tướng sắc thân

So sánh biết Như Lai

Chư Phật chỉ Pháp thân

Chuyển luân vương phi Phật.

Nghĩa ở đây là thế nào?

Như có người nói: Phước đức có thể thành tựu là tướng nơi quả báo. Do thành tựu tướng ấy, tức biết diệu lực của phước đức đạt được Đại Bồ-đề. Nếu như thế thì Như Lai tức do tướng thành tựu mà chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Vì nhằm ngăn chận kiến giải ấy, như kinh nói: Nếu dùng tướng thành tựu để quán Như Lai, thì Chuyển luân Thánh vương nên là Như Lai. Nghĩa nầy là thế nào? Kệ nêu:

Phi quả báo tướng tốt

Dựa phước đức thành tựu

Nhưng đắc chân Pháp thân

Phương tiện khác với tướng.

Đây là làm rõ về nghĩa gì?

Pháp thân là thân trí tướng.

Phước đức là thân dị tướng.

* Kinh viết: “Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu dùng sắc thấy Ta

Dùng âm thanh tìm Ta

Người ấy đi đường tà

Không thể thấy Như Lai.

Thể diệu của Như Lai

Tức Pháp thân chư Phật

Thể pháp không thể thấy

Thức kia không thể biết”.

* Luận nêu: Hai kệ ấy nêu bày về nghĩa gì?

Kệ viết:

Chỉ thấy sắc nghe tiếng

Người ấy không biết Phật

Do Pháp thân chân như

Không phải cảnh giới thức.

Đây là chỉ rõ về nghĩa nào? Pháp thân của Như Lai không nên thấy nghe như thế. Không nên thấy nghe như thế: Là không nên thấy sắc, nghe tiếng như vậy.

Những người nào là không thể thấy? Nghĩa là hàng phàm phu không thể thấy. Kệ nêu:

Chỉ thấy sắc nghe tiếng

Người ấy không biết Phật.

Như kinh nói:

Người ấy đi đường tà

Không thể thấy Như Lai.

Người ấy: Là người phàm phu, không thể thấy Pháp thân chân như. Như kinh viết:

Thể diệu của Như Lai

Tức Pháp thân chư Phật

Thể pháp không thể thấy

Thức kia không thể biết.

* Kinh viết: “Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có thể dùng tướng thành tựu để chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng chăng? Nầy Tu-bồ-đề! Chớ khởi niệm như thế, chớ cho là Như Lai đã dùng tướng thành tựu để chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Nầy Tu-bồ-đề! Nếu Tôn giả khởi niệm: Bồ-tát phát tâm Bồ-đề, cầu đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng, nói tướng đoạn diệt của các pháp! Chớ nên khởi niệm ấy. Vì sao? Vì Bồ-tát phát tâm Bồ-đề, cầu đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng, đối nơi pháp không nói tướng đoạn diệt.

Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ đem bảy thứ báu đầy khắp trong các thế giới nhiều như số cát sông Hằng để hành bố thí. Nếu lại có Bồ-tát nhận biết tất cả pháp vô ngã, đắc pháp Nhẫn vô sinh, thì công đức nầy hơn hẳn phước đức có được trong trường hợp trước. Nầy Tu-bồ-đề! Do các Bồ-tát không chấp giữ nơi phước đức.

Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật: Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát không chấp giữ nơi phước đức?

Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát thọ nhận phước đức, nhưng không chấp giữ nơi phước đức, thế nên Bồ-tát nhận lấy phước đức”.

* Luận nêu: Có người khởi tâm như vầy: Nếu không dựa nơi phước đức để đạt Đại Bồ-đề, như thế thì các Bồ-tát tức mất hết phước đức cùng mất quả báo. Từ đây tiếp xuống, văn kinh nhằm dứt bỏ nghi vấn ấy. Đoạn dứt nghi như thế nào? Kệ nêu:

Không mất nhân công đức

Cùng quả báo thù thắng

Được nhẫn thắng không mất

Do được quả không cấu.

Hiển tướng phước đức hơn

Thế nên nói thí dụ

Phước đức ấy không báo

Như vậy nhận, không chấp.

Nghĩa ở đây là thế nào?

Tuy không dựa nơi phước đức để được Bồ-đề đích thực, nhưng không mất phước đức cùng quả báo ấy. Vì sao? Vì có thể thành tựu trí tuệ trang nghiêm, công đức trang nghiêm.

Do đâu đã dựa nơi phước đức kia để nói lần nữa về thí dụ? Kệ nêu:

Được nhẫn thắng không mất

Do được quả không cấu.

Nghĩa nầy là sao? Có người khởi tâm như vầy: Các Đại Bồ-tát được pháp Nhẫn vô sinh, do đạt được trí thế gian, nên mất phước đức ấy cùng với quả báo.

Vì nhằm ngăn chận kiến giải nầy, hiển bày phước đức không mất, mà lại được công đức thù thắng thanh tịnh, thế nên không mất. Như kinh nói: Vì sao? Vì Bồ-tát phát tâm Bồ-đề, cầu đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng, đối với pháp không nói tướng đoạn diệt.

Nếu lại có Bồ-tát nhận biết tất cả pháp vô ngã đắc pháp Nhẫn vô sinh: Có hai thứ vô ngã, tức không sinh hai thứ tướng vô ngã. Do đó thọ nhận, nhưng không chấp giữ.

Như kinh nêu: Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát thọ nhận phước đức, nhưng không chấp giữ phước đức, thế nên Bồ-tát nhận lấy phước đức.

Thế nào là Bồ-tát thọ nhận phước đức, nhưng không chấp giữ phước đức? Kệ nêu:

Phước đức ấy không báo

Như vậy nhận, không chấp.

Nghĩa nầy là thế nào?

Chấp giữ: Là cho phước đức kia có được quả báo hữu lậu. Do quả báo hữu lậu nên phước đức đó có thể bị chê trách. Giữ lấy như thế gọi là chấp giữ, như chấp giữ không phải đạo. phước đức nầy không báo: không báo là không có quả báo hữu lậu, thế nên phước đức nầy thọ nhận nhưng không chấp giữ.

* Kinh viết: “Nầy Tu-bồ-đề! Như có người nói: Như Lai hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu về nghĩa do Như Lai giảng nói. Vì sao? Vì Như Lai là không từ đâu đến, không đi về đâu, nên gọi là Như Lai”.

* Luận nêu: Nếu các Bồ-tát không thọ nhận quả báo ấy, thì vì sao phước đức của các Bồ-tát, chúng sinh được thọ dụng? Kệ viết:

Phước đức ấy nên báo

Vì độ các chúng sinh

Tự nhiên nghiệp như thế

Chư Phật hiện mười phương.

Nghĩa nầy như thế nào? Tức nêu rõ hóa thân của chư Phật là có diệu dụng, còn chư Phật của Pháp thân thì không đi, không đến. Kệ nêu:

Tự nhiên nghiệp như thế

Chư Phật hiện mười phương.

Đây lại nêu về nghĩa gì? Kệ viết:

Đi, đến, hóa thân Phật

Như Lai thường bất động

Nơi xứ pháp giới ấy

Không một, cũng chẳng khác.

Đây là làm rõ nghĩa không đi, không đến. Như kinh nói: Vì sao? Vì Như Lai là không từ đâu đến, không đi về đâu.

Nghĩa nầy là thế nào? Nếu Như Lai có đi, đến sai biệt, tức không được gọi là thường trụ như thế. Thường trụ như thế là không biến đổi, không khác.

* Kinh viết: “Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ, đem Tam thiên đại thiên thế giới phân chia nhỏ thành vi trần, lại đem từng ấy vi trần thế giới nghiền nát làm A-tăng-kỳ vi trần. Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Số lượng vi trần ấy nên cho là nhiều chăng? Tu-bồ-đề thưa: Số lượng vi trần ấy là rất nhiều, bạch Đức Thế Tôn! Vì sao? Vì nếu các vi trần ấy là thật có, thì Phật không nói là các vi trần. Vì sao? Vì Phật nói các vi trần tức phi các vi trần, thế nên Phật nói là các vi trần. Thế Tôn! Như Lai nói Tam thiên đại thiên thế giới tức phi thế giới, do đó Phật nói Tam thiên đại thiên thế giới. Vì sao? Vì nếu thế giới thật có, tức là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng tức phi một hợp tướng, do đó Như Lai nói là một hợp tướng.

Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Một hợp tướng tức là không thể nêu bày. Chỉ do hàng phàm phu tham chấp nơi sự. Nầy Tu-bồ-đề! Nếu người nói như vầy: Đức Phật đã nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến. Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Người ấy nói như thế là chánh ngữ chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không phải, bạch Đức Thế Tôn! Vì sao? Bạch Đức Thế Tôn! Vì Như Lai nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, tức phi ngã kiến v.v…, đó gọi là ngã kiến v.v…

Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát phát tâm Bồ-đề, cầu đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng, đối với tất cả pháp nên nhận biết như thế, thấy rõ như thế, tin hiểu như thế, không trụ nơi tướng của pháp như thế. Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Gọi là tướng của pháp, tướng của pháp ấy, Như Lai nói tức phi tướng của pháp, đó gọi là tướng của pháp. Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có Đại Bồ-tát, đem bảy thứ báu đầy khắp trong vô lượng A-tăng-kỳ thế giới để hành bố thí. Hoặc có thiện nam, thiện nữ phát tâm Bồ-đề, đối với Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nầy, cho đến chỉ bốn câu kệ, thọ trì, đọc tụng, vì kẻ khác giảng nói, thì phước đức có được hơn hẳn trường hợp trước vô lượng A-tăng-kỳ. Vì sao vì người diễn nói, mà không gọi là nói, đó gọi là nói?”.

* Luận nêu: Thí dụ về nghiền nát thành vi trần là hiển bày nghĩa gì? Kệ viết:

Thế giới làm vi trần

Dụ nầy chỉ rõ nghĩa

Vi trần tán làm bột

Hiển bày phiền não tận.

Đây là làm rõ về nghĩa gì? Kệ nói:

Nơi xứ pháp giới ấy

Không một, cũng không khác.

Chư Phật, Như Lai, ở trong pháp giới chân như, không phải là trụ một xứ, cũng không phải là trụ khác xứ. Vì hiển bày nghĩa nầy, nên nói dụ về thế giới nghiền nát thành vi trần. Dụ ấy làm rõ nghĩa gì? Kệ viết:

Vi trần tán làm bột

Hiển bày phiền não tận.

Dụ nầy là phi các vi trần tụ tập, chỉ rõ không phải là một tụ. Nghĩa ấy là thế nào? Kệ viết:

Phi tụ tập nên tập

Phi chỉ là một dụ

Xứ tụ tập phi kia

Phi dụ sai biệt ấy.

Nghĩa ở đây là sao? Như vi trần tán làm bột, không phải là một xứ trụ, do không có vật tụ tập. Cũng không phải là xứ khác có sai biệt, vì tụ tập vi trần sai biệt không thể được, do không trụ sai biệt. Như vậy, chư Phật Như Lai, xa lìa phiền não chướng, trụ trong pháp giới, không phải là một xứ trụ, cũng không phải là khác xứ trụ. Như thế, Tam thiên đại thiên thế giới dụ về một hợp tướng, không phải là tụ tập. Đây là do nghĩa gì? Như kinh viết: Như Lai nói một hợp tướng, tức phi một hợp tướng, thế nên Như Lai nói là một hợp tướng.

Nếu thật có một vật tụ tập, Như Lai tức không nói vi trần tụ tập. Như vậy, nếu thật có một thế giới, Như Lai tức không nói Tam thiên đại thiên thế giới. Như kinh nêu: Nếu thế giới thật có, tức là một hợp tướng, chỉ do người phàm phu tham chấp nơi sự.

Vì tụ tập kia không vật có thể giữ lấy, do phân biệt hư vọng nên phàm phu vọng giữ lấy. Nếu có thật, tức là chánh kiến, nên nhận biết là vọng chấp.

Do đâu phàm phu không vật mà chấp giữ vật? Như kinh viết: Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Một hợp tướng tức là không thể nêu bày. Chỉ do người phàm phu tham chấp nơi sự v.v…

Đây là làm rõ về nghĩa gì? Kệ viết:

Chỉ tùy nơi âm thanh

Phàm phu chấp điên đảo

Phi không hai đắc đạo

Xa lìa nơi ngã pháp.

Như kinh viết: Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Nếu người nói như vầy: Đức Phật đã nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, như thế cho đến: Đó gọi là ngã kiến v.v…

Đây lại nêu về nghĩa gì? Kệ viết:

Phi không hai đắc đạo

Xa lìa nơi ngã, pháp.

Nghĩa nầy là thế nào? Tức không phải không ngã, không pháp, lìa hai sự ấy mà đạt được Bồ-đề. Làm thế nào đạt được Bồ-đề? Xa lìa hai kiến chấp kia, nên đạt được Bồ-đề. Kệ nêu:

Xa lìa nơi ngã, pháp.

Đây lại nêu rõ về gì? Kệ viết:

Thấy ngã tức không thấy

Thấy hư vọng không thật

Đây là chướng vi tế

Thấy chân như, xa lìa.

Do đó, thấy tức là chẳng thấy, vì nghĩa ấy là không thật, do phân biệt hư vọng. Vì là vô ngã, thế nên Đức Như Lai nói ngã kiến kia tức là chẳng thấy (phi kiến), vì không thật.

Không thật tức là không vật. Vì nghĩa nầy nên nói ngã kiến tức là thấy hư vọng. Như vậy là chỉ rõ ngã kiến là không thấy. Kiến pháp cũng là không thấy. Như kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát phát tâm Bồ-đề, cầu đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng, đối với tất cả pháp nên nhận biết như thế, thấy rõ như thế, tin hiểu như thế, không trụ nơi tướng của pháp như thế.

Đây lại nêu bày về nghĩa gì? Do thấy tướng của pháp tức là không thấy tướng, như ngã kiến ấy tức là không thấy (phi kiến).

Do đâu hai kiến nầy gọi là không thấy (phi kiến)? Kệ nêu:

Đây là chướng vi tế

Thấy chân như, xa lìa.

Đó lại nêu rõ về nghĩa nào? Kiến chấp về ngã, kiến chấp về pháp, đấy là chướng vi tế, vì không thấy hai thứ ấy, nên do thấy rõ pháp mà được xa lìa chướng. Kệ nêu:

Thấy chân như, xa lìa.

Lại, nhận biết như thế, thấy rõ như thế, tin hiểu như thế: Đây là chỉ rõ về nghĩa gì? Kệ nêu:

Hai trí cùng Tam-muội

Như thế được xa lìa

Hóa thân hiện rõ phước

Phước vô tận phi không.

Nghĩa ấy là sao? Là chỉ rõ về thế trí, đệ nhất nghĩa trí, cùng nương dựa nơi Tam-muội nên xa lìa được chướng kia. Thế nên nói lần nữa thí dụ về phước đức thù thắng. Đấy là nêu bày về gì? Kệ nói:

Hóa thân hiện rõ phước

Phước vô tận phi không.

Đây lại nói về nghĩa nào? Tuy chư Phật tự nhiên tác nghiệp hóa thân, nhưng hóa thân của chư Phật thuyết giảng giáo pháp có vô lượng công đức vô lậu vô tận.

Vì sao vì người diễn nói mà không gọi là nói, đó gọi là nói? Do đâu nói như thế? Kệ viết:

Chư Phật lúc thuyết pháp

Không nói là hóa thân

Do không nói như thế

Thế nên thuyết giảng đúng.

Nghĩa nầy là thế nào? Nếu chư Phật của hóa thân lúc thuyết pháp, không nói Ta là hóa thân, thế nên điều thuyết giảng là đúng đắn. Nếu không nói như thế, thì chúng sinh được hóa độ không sinh tâm cung kính. Vì sao? Vì do không thể tạo lợi ích cho chúng sinh, tức sự thuyết giảng kia là nói không đúng. Do đấy không nói Ta là hóa Phật.

* Kinh viết: “Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Hết thảy pháp hữu vi

Như sao, màng, đèn, huyễn

Sương, bọt, mộng, chớp, mây

Nên quán xét như thế”.

* Luận nêu: Lại có nghi vấn: Nếu chư Phật, Như Lai thường vì chúng sinh thuyết pháp, vì sao nói Như Lai nhập Niết-bàn? Để đoạn trừ nghi ấy, thế nên Như Lai nói kệ dụ. Nghĩa ấy là thế nào? Kệ nêu:

Phi hữu vi, phi lìa

Chư Như Lai Niết-bàn

Chín thứ pháp hữu vi

Diệu trí nên chánh quán.

Chư Phật nhập Niết-bàn, không phải là pháp hữu vi, cũng không lìa pháp hữu vi. Vì sao? Vì do chư Phật đắc Niết-bàn, còn hóa thân thuyết pháp là thị hiện hành của thế gian, vì tạo lợi ích cho chúng sinh. Đây là nêu rõ chư Phật vì không trụ nơi Niết-bàn, do không trụ nơi thế gian. Vì sao chư Phật thị hiện hành thế gian mà không trụ trong pháp hữu vi? Kệ nêu:

Chín thứ pháp hữu vi

Diệu trí nên chánh quán.

Đây là nói về nghĩa gì? Tức các pháp tương đối như tinh tú v.v… chín thứ nên chánh quán. Chánh quán chín thứ ấy, nên biết là ở nơi cảnh giới của chúng. Quán về cảnh giới nào? Kệ viết:

Thấy tướng cùng nơi thức

Khí, thân, sự thọ dụng

Pháp quá khứ, hiện tại

Cũng quán đời vị lai.

Thế nào là quán 9 thứ pháp? Ví như tinh tú, bị ánh sáng mặt trời ngăn che, nên có mà không hiện. Có thể thấy tâm pháp cũng lại như vậy. Lại, như mắt có màng nhặm, tức thấy các sắc như có nhiều vòng nhỏ. Quán pháp hữu tình cũng lại như vậy, do thấy điên đảo. Lại như đèn, thức cũng như thế, nương dựa nơi pháp tham ái mà trụ. Lại như huyễn, xứ nương trụ cũng như vậy. Do khí thế gian có vô số sai biệt, không một thể thật. Lại như sương móc, thân cũng như thế, do ít thời gian trụ. Lại như bọt nước, sự thọ dụng cũng như vậy, do thọ, tưởng, nhân ba pháp không định. Lại như mộng, pháp quá khứ cũng như thế, do nhớ nghĩ. Lại, như ánh chớp, pháp hiện tại cũng như vậy, do sát-na không dùng. Lại như mây, pháp vị lai cũng như thế. Do lúc đối với mầm, giống, thức A-lê-da cùng với tất cả pháp làm chủng tử căn bản.

Quán 9 thứ pháp như vậy đạt được những công đức gì, thành tựu trí gì? Kệ viết:

Quán tướng cùng thọ dụng

Quán sự nơi ba đời

Ở trong pháp hữu vi

Được tự tại vô cấu.

Nghĩa nầy là thế nào? Quán pháp hữu vi có 3 thứ:

1. Quán pháp hữu vi, do quán kiến cùng thức.

2. Quán thọ dụng. Do quán khí thế gian, dùng xứ nào trụ, dùng những thân nào, thọ dụng những gì.

3. Quán hành hữu vi. Do những pháp nào, nơi ba đời chuyển có sai biệt.

Quán tất cả pháp như thế, ở trong pháp thế gian được tự tại. Kệ nêu:

Ở trong pháp hữu vi

Được tự tại vô cấu.

* Kinh viết: “Đức Phật giảng nói kinh nầy xong, Trưởng lão Tu-bồ-đề cùng các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các Đại Bồ-tát, hết thảy hàng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà v.v… ở thế gian, nghe Phật thuyết giảng đều hết sức hoan hỷ, tin nhận phụng hành.

Pháp Tổng trì chư Phật hy hữu

Câu nghĩa sâu không thể xưng lường

Từ chư Phật nghe cùng rộng nói

Xoay phước đức nầy thí quần sinh”.

    Xem thêm:

  • Luận Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật - Luận Tạng
  • Luận Thích Kinh Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa - Luận Tạng
  • Luận Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Phá Thủ Trước Bất Hoại Giả Danh - Luận Tạng
  • Luận Tụng Kinh Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa - Luận Tạng
  • Luận Kim Cương Bát Nhã - Luận Tạng
  • Kim Cương Bát Nhã Luận - Luận Tạng
  • Sớ Thần Bảo Ký Nhơn Vương Hộ Quốc Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Luận Tạng
  • Luận Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Cửu Tụng Tinh Nghĩa - Luận Tạng
  • Lược Giải Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa - Luận Tạng
  • Luận Kim Cương Tiên - Luận Tạng
  • Luận Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Viên Tập Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Kim Cang Đỉnh Du Già Trung Phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề - Luận Tạng
  • Bài Tán Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Bản 2) - Luận Tạng
  • Luận Thích Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Viên Tập Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Sớ Luận Toát Yếu Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng
  • Luận Kim Cang Châm - Luận Tạng
  • Bài Tán Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Bản 1) - Luận Tạng
  • Ba Mươi Bài Luận Tụng Duy Thức - Luận Tạng
  • Thiền Ba La Mật - Luận Tạng
  • Tán Thuật Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng