1
2

Luận Kinh Vô Lượng Thọ

Việt dịch: Huyền Thanh

_ Thế Tôn! Con một lòng

Quy mệnh tận mười phương

Vô Ngại Quang Như Lai

Nguyện sinh nước An Lạc (Sukhā-vatī)

_ Con y Tu Đa La (Sūtra: Khế Kinh)

Tướng Công Đức chân thật

Nói Nguyện Kệ Tổng Trì

Tương ứng lời Phật dạy

_ Quán tướng Thế Giới ấy

Hơn hẳn Đạo ba cõi (Tam Giới)

_Cứu cánh như hư không

Rộng lớn không bờ mé

_Chính Đạo, Đại Từ Bi

Xuất Thế, sinh căn lành

_ Tịnh Quang Minh (hào quang trong sạch) đầy đủ

Như gương, vành Nhật Nguyệt

_ Đủ Tính các châu báu

Đầy đủ Diệu Trang Nghiêm

_ Vô Cấu Quang (ánh sáng không dơ bẩn) rực lửa

Trong sáng, chiếu Thế Gian

_ Cỏ Công Đức, Tính báu

Mềm mại xoay trái phải

Người chạm sinh Thắng Lạc (niềm vui thù thắng)

Hơn Ca Chiên Lân Đà (Kācilindi: tên của Thủy Điểu, loài chim ở trong biển,

khi tiếp chạm thì sinh niềm vui lớn)

_ Hoa báu, ngàn vạn loại

Phủ khắp ao, sông, suối

Gió nhẹ lay cánh hoa

Ánh sáng chen nhau chuyển

_ Cung điện, các lầu gác

Quán mười phương không ngại

Cây tạp, màu sáng lạ

Lan can báu vây quanh

_ Vô lượng báu quấn nhau

Lưới, võng đầy hư không

Mọi loại chuông phát tiếng

Tuyên bày âm Diệu Pháp

_ Mưa hoa, áo trang nghiêm

Vô lượng hương xông khắp

_ Phật Tuệ, mặt trời sáng

Trừ si ám Thế Gian

_ Lời tiếng Phạn sâu xa

Vi diệu vang mười phương

_ Chính Giác A Di Đà

Pháp Vương (Dharma-rāja) khéo trụ trì

_ Như Lai Tịnh Hoa Chúng (Chúng Tịnh Hoa của Như Lai)

Hoa Chính Giác hóa sinh

_ Yêu thích vị Phật Pháp

Dùng Thiền Tam Muội ăn

_ Thân Tâm lìa phiền não

Vui thích không gián đoạn

_ Giới, căn lành Đại Thừa

Đẳng (Sama:bình đẳng) không Ky Hiềm Danh (tên gọi bị trách móc nghi ngờ)

Người nữ với thiếu Căn

Mầm Nhị Thừa chẳng sinh

_ Chúng sinh: nguyện ưa thích

Tất cả hay đầy đủ

Nên con nguyện vãng sinh

Nước Phật A Đi Đà

_ Vô lượng Đại Bảo Vương

Đài hoa sạch vi diệu

_ Tướng sáng đẹp một tầm (tám thước)

Sắc tượng vượt quần sinh

_ Tiếng Như Lai vi diệu

Âm Phạn vang mười phương

_ Đồng đất, nước, lửa, gió

Hư Không không phân biệt

_ Trời, Người, Chúng bất động (Acala-saṃgha)

Sinh biển Trí trong sạch

_ Như vua núi Tu Di

Thắng diệu không ai hơn

_ Trời, Người, Chúng trượng phu (Puruṣa-saṃgha)

Cung kính nhiễu quanh, ngắm

_ Quán sức Bản Nguyện Phật

Hiểu lỗi Không (Abhava: Vô) trống rỗng (Śūnya: Không)

Hay khiến mau đầy đủ

Biển báu lớn Công Đức

_ Nước An Lạc trong sạch

Thường chuyển Vô Cấu Luân

Hóa Phật Bồ Tát Nhật (mặt trời của Hóa Phật, Bồ Tát)

Như Tu Di (Sumeru) trụ trì

_ Sáng trang nghiêm không dơ

Một niệm với một thời

Chiếu khắp các Phật Hội

Lợi ích các Quần Sinh

_ Mưa Thiên nhạc, hoa, áo

Hương màu nhiệm cúng dường

Khen các Công Đức Phật

Không có Tâm phân biệt.

_Thế Giới nào không có

Báu Công Đức Phật Pháp

Con đều nguyện vãng sinh

Bày Phật Pháp như Phật

_ Ta làm Luận, nói Kệ

Nguyện thấy A Di Đà

Cùng khắp các chúng sinh

Sinh về nước An Lạc.

Chương Cú của Vô Lượng Thọ Tu Đa La (Vô Lượng Thọ Kinh), Ta đã dùng Kệ nói gộp lại xong. Luận ghi rằng: “Nguyện Kệ này minh họa cho nghĩa nào? Là quán Thế Giới An Lạc nhìn thấy Đức Phật A Di Đà (Amitābha: Vô Lượng Quang).

Quán như thế nào? Làm sao sinh Tâm tin tưởng? Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện tu năm Niệm Môn thành tựu, rốt ráo được sinh về cõi nước An Lạc, nhìn thấy Đức Phật A Di Đà.

Nhóm nào là năm Niệm Môn? Một là Lễ Bái Môn, hai là Tán Thán Môn, ba là Tác Nguyện Môn, bốn là Quán Sát Môn, năm là Hồi Hướng Môn.

_Thế nào là Lễ Bái? Là Thân Nghiệp (Kāya-karma) lễ bái Đức A Di Đà Như Lai Ứng Chính Biến Tri, là Ý (Manas) sinh về cõi nước ấy.

_Thế nào là Tán Thán? Là Khẩu Nghiệp (Vāk-karma) khen ngợi, xưng tên của Đức Như Lai ấy. Như tướng Quang Minh Trí của Đức Như Lai ấy, như nghĩa của tên gọi ấy, muốn như thật tu hành tương ứng.

_Thế nào là Tác Nguyện? Là Tâm thường tác Nguyện, một lòng chuyên niệm, rốt ráo vãnh sinh về cõi nước An Lạc, muốn như thật tu hành Xa Ma Tha (Śamatha: Thiền Chỉ)

_Thế nào là Quán Sát? Là Trí Tuệ quán sát, Chính Niệm quán điều ấy, muốn như thật tu hành Tỳ Bà Xá Na (Vipaśyanā: Thiền Quán)

Quán Sát ấy có ba loại. Nhóm nào là ba loại?

1_ Quán sát Công Đức trang nghiêm trong cõi nước của Đức Phật ấy

2_ Quán sát Công Đức trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà

3_ Quán sát Công Đức trang nghiêm của các vị Bồ Tát

_Thế nào là Hồi Hướng? Là chẳng buông bỏ tất cả chúng sinh khổ não, Tâm thường tác nguyện, hồi hướng làm đầu, thành tựu Tâm Đại Bi (Mahā-kāruṇa-citta)

_ Thế nào là quán sát Công Đức trang nghiêm trong cõi nước của Đức Phật ấy? Do Công Đức trang nghiêm trong cõi nước của Đức Phật ấy thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn, như Tính báu như ý của Ma Ni (Maṇi: ngọc Ma Ni) kia, tương tự Pháp tương xứng

Quán sát Công Đức trang nghiêm trong cõi nước của Đức Phật ấy có mười bảy loại việc nên biết. Thế nào là mười bảy

1_ Thành tựu Công Đức của sự thanh tịnh

2_ Thành tựu Công Đức của Lượng

3_ Thành tựu Công Đức của Tính

4_ Thành tựu Công Đức của hình tướng

5_ Thành tựu Công Đức của mọi loại việc

6_ Thành tựu Công Đức của Diệu Sắc (hình thể màu sắc màu nhiệm)

7_ Thành tựu Công Đức của sự tiếp chạm

8_ Thành tựu Công Đức của sự trang nghiêm

9_ Thành tựu Công Đức của việc tuôn mưa

10_ Thành tựu Công Đức của ánh sáng

11_ Thành tựu Công Đức của âm thanh

12_ Thành tựu Công Đức của người chủ

13_ Thành tựu Công Đức của quyến thuộc

14_ Thành tựu Công Đức của sự thọ dụng

15_ Thành tựu Công Đức của sự không có các nạn

16_ Thành tựu Công Đức của Đại Nghĩa Môn

17_ Thành tựu Công Đức của tất cả sự mong cầu

_ Thành tựu Công Đức của sự thanh tịnh. Kệ nói: “Quán tướng Thế Giới ấy Hơn hẳn Đạo ba cõi”

_ Thành tựu Công Đức của lượng Kệ nói: “Cứu cánh như hư không Rộng lớn không bờ mé”

_ Thành tựu Công Đức của Tính

Kệ nói: “Chính Đạo, Đại Từ Bi Xuất Thế, sinh căn lành”

_ Thành tựu Công Đức của hình tướng

Kệ nói: “Ánh sáng Tịnh đầy đủ Như gương, vành Nhật Nguyệt”

_ Thành tựu Công Đức của mọi loại việc

Kệ nói: “Đủ các Tính châu báu Đầy đủ Diệu trang nghiêm”

_ Thành tựu Công Đức của Diệu Sắc (hình thể màu sắc màu nhiệm)

Kệ nói: “Vô Cấu Quang (ánh sáng không dơ bẩn) rực lửa Trong sáng, chiếu Thế Gian”

_ Thành tựu Công Đức của sự tiếp chạm

Kệ nói: “Cỏ Công Đức, Tính báu

Mềm mại xoay trái phải

Người chạm sinh Thắng Lạc (niềm vui thù thắng)

Hơn Ca Chiên Lân Đà (Kācilindi: tên của Thủy Điểu, loài chim ở trong biển,

khi tiếp chạm thì sinh niềm vui lớn)”

_ Thành tựu Công Đức của sự trang nghiêm, có ba loại nên biết. Nhóm nào là ba? Một là nước, hai là đất, ba là hư không.

.) Nước trang nghiêm

Kệ nói: “Hoa báu, ngàn vạn loại Phủ khắp ao, sông, suối Gió nhẹ lay cánh hoa Ánh sáng chen nhau chuyển”

.) Đất trang nghiêm

Kệ nói: “Cung điện, các lầu gác Quán mười phương không ngại Cây tạp, màu sáng lạ Lan can báu vây quanh”

.) Hư không trang nghiêm

Kệ nói: “Vô lượng báu quấn nhau Lưới, võng đầy hư không

Mọi loại chuông phát tiếng Tuyên bày âm Diệu Pháp”

_ Thành tựu Công Đức của việc tuôn mưa

Kệ nói: “Mưa hoa, áo trang nghiêm Vô lượng hương xông khắp”

_ Thành tựu Công Đức của ánh sáng

Kệ nói: “Phật Tuệ, mặt trời sáng Trừ si ám Thế Gian”

_ Thành tựu Công Đức của âm thanh màu nhiệm

Kệ nói: “Lời tiếng Phạn sâu xa Vi diệu vang mười phương”

_ Thành tựu Công Đức của người chủ

Kệ nói: “Chính Giác A Di Đà Pháp Vương (Dharma-rāja) khéo trụ trì”

_ Thành tựu Công Đức của Quyến Thuộc

Kệ nói: “Như Lai Tịnh Hoa Chúng (Chúng Tịnh Hoa của Như Lai) Hoa Chính Giác hóa sinh”

_ Thành tựu Công Đức của sự thọ dụng

Kệ nói: “Yêu thích vị Phật Pháp Dùng Thiền Tam Muội ăn”

_ Thành tựu Công Đức không có các nạn

Kệ nói: “Thân Tâm lìa phiền não Vui thích không gián đoạn”

_ Thành tựu Công Đức của Đại Nghĩa Môn

Kệ nói: “Giới căn lành Đại Thừa Đẳng (Sama: bình đẳng), không Ky Hiềm Danh (tên gọi bị trách móc nghi ngờ) Người nữ với thiếu Căn Mầm Nhị Thừa chẳng sinh”

Quả báo của Tịnh Thổ lìa hai loại lỗi quở trách (ky) hiềm nghi (hiềm). Một là Thể, hai là Danh (tên gọi).

Thể có ba loại: Một là người thuộc Nhị Thừa, hai là người nữ, ba là người chẳng đủ các Căn. Không có ba lỗi này, cho nên gọi là lìa sự quở trách hiềm nghi của Thể

Danh cũng có ba loại, chẳng phải chỉ không có ba Thể, cho đến chẳng nghe thấy tên gọi của ba loại: Nhị Thừa, người nữ, các Căn chẳng đủ. Cho nên gọi là lìa sự quở trách hiềm nghi của Danh

Đẳng (Sama) là một Tướng bình đẳng

_ Thành tựu đầy đủ Công Đức của tất cả sự mong cầu

Kệ nói: “Chúng sinh: nguyện ưa thích Tất cả hay đầy đủ” Lược nói 17 loại Công Đức trang nghiêm cõi nước của Đức Phật A Di Đà ấy.

Hiện bày thành tựu sức Đại Công Đức lợi ích cho thân mình, thành tựu Công Đức lợi ích cho người khác của Đức Như Lai. Cho nên trang nghiêm cõi Phật Vô Lượng Thọ ấy là Cảnh Giới màu nhiệm của Đệ Nhất Nghĩa Đế (Paramārtha-satya), gồm 16 câu với một câu theo thứ tự nói, nên biết vậy.

_ Làm sao quán thành tựu Công Đức Trang Nghiêm của Đức Phật?

Quán thành tựu Công Đức Trang Nghiêm của Đức Phật có tám loại nên biết. Nhóm nào là tám loại? Một là Tòa trang nghiêm, hai là Thân trang nghiêm, ba là Khẩu trang nghiêm, bốn là Tâm trang nghiêm, năm là Chúng trang nghiêm, sáu là Thượng Thủ trang nghiêm, bảy là Chủ trang nghiêm, tám là Bất Hư tác trụ trì trang nghiêm.

.) Thế nào là Tòa trang nghiêm?

Kệ nói: “Vô lượng Đại Bảo Vương Đài hoa sạch vi diệu”

.) Thế nào là Thân trang nghiêm?

Kệ nói: “Tướng sáng đẹp một tầm (tám thước) Sắc tượng vượt quần sinh”

.) Thế nào là Khẩu trang nghiêm?

Kệ nói: “Tiếng Như Lai vi diệu Âm Phạn vang mười phương”

.) Thế nào là Tâm trang nghiêm?

Kệ nói: “Đồng đất, nước, lửa, gió Hư Không không phân biệt” Do không có phân biệt cho nên không có Tâm phân biệt

.) Thế nào là Chúng trang nghiêm?

Kệ nói: “Trời, Người, Chúng bất động (Acala-saṃgha) Sinh biển Trí trong sạch”

.) Thế nào là Chủ trang nghiêm?

Kệ nói: “Như vua núi Tu Di Thắng diệu không ai hơn”

.) Thế nào là Chủ trang nghiêm?

Kệ nói: “Trời, Người, Chúng trượng phu (Puruṣa-saṃgha) Cung kính nhiễu quanh, ngắm”

_ Thế nào là Bất hư tác trụ trì trang nghiêm?

Kệ nói: “Quán sức Bản Nguyện Phật Hiểu lỗi Không (Abhava: Vô) trống rỗng (Śūnya: Không) Hay khiến mau đầy đủ Biển báu lớn Công Đức”

Liền nhìn thấy Bồ Tát chưa chứng Tâm trong sạch của Đức Phật ấy, rốt ráo được Pháp Thân bình đẳng cùng với Bồ Tát có Tâm trong sạch không có khác, cùng với các Bồ Tát ở Thượng Địa rốt ráo đồng được Tịch Diệt bình đẳng

Lược nói tám câu, hiện bày thứ tự thành tựu Công Đức trang nghiêm lợi mình lợi người của Đức Như Lai, nên biết vậy.

_ Thế nào là quán thành tựu Công Đức trang nghiêm của Bồ Tát?

Quán thành tựu Công Đức trang nghiêm của Bồ Tát là quán vị Bồ Tát ấy, có bốn loại Chính Tu Hành thành tựu Công Đức. Nhóm nào là bốn?

1_ Ở một cõi Phật, Thân chẳng dao động mà biến ra mọi loại Ứng Hóa khắp mười phương, như thật tu hành, thường làm việc Phật.

Kệ nói: “_ Nước An Lạc trong sạch

Thường chuyển Vô Cấu Luân

Hóa Phật Bồ Tát Nhật (mặt trời của Hóa Phật, Bồ Tát)

Như Tu Di (Sumeru) trụ trì”

Khai mở đóa hoa đọng bùn của các chúng sinh

2_ Ứng Hóa Thân ấy ở tất cả Thời chẳng trước chẳng sau, một lòng một niệm phóng ánh sáng lớn đều hay đến khắp mười phương Thế Giới, giáo hóa chúng sinh, mọi loại phương tiện tu hành đã làm đều diệt trừ tất cả khổ đau của chúng sinh.

Kệ nói:

“Sáng trang nghiêm không dơ

Một niệm với một thời

Chiếu khắp các Phật Hội

Lợi ích các Quần Sinh”

3_ Ở tất cả Thế Giới không có dư sót, chiếu soi Đại Chúng của các Phật Hội không có dư sót, rộng lớn vô lượng cúng dường khen ngợi chư Phật Như Lai.

Kệ nói:

“Mưa Thiên nhạc, hoa, áo

Hương màu nhiệm cúng dường

Khen các Công Đức Phật

Không có Tâm phân biệt”

4_ Ở tất cả Thế Giới trong mười phương, nơi không có Tam Bảo, trụ trì trang nghiêm biển lớn Công Đức của báu Phật Pháp Tăng, bày khắp khiến cho hiểu biết, như thật tu hành.

Kệ nói:

“Thế Giới nào không có

Báu Công Đức Phật Pháp

Ta đều nguyện vãng sinh

Bày Phật Pháp như Phật”

_ Lại nếu nói thành tựu Công Đức trang nghiêm của cõi nước Phật, thành tựu Công Đức trang nghiêm của Phật, thành tựu Công Đức của Bồ Tát. Ba loại thành tựu trang nghiêm Nguyện Tâm này, lược nói nhập vào câu của một Pháp, câu của một Pháp là câu thanh tịnh, câu thanh tịnh là Trí Tuệ chân thật, Pháp Thân Vô Vi.

Sự thanh tịnh này có hai loại, nên biết. Nhóm nào là hai loại? Một là Khí Thế Gian Thanh Tịnh, hai là Chúng Sinh Thế Gian Thanh Tịnh.

Khí Thế Gian Thanh Tịnh. Nếu nói 17 loại thành tựu Công Đức trang nghiêm của cõi nước Phật. Đây gọi là Khí Thế Gian Thanh Tịnh.

Chúng Sinh Thế Gian Thanh Tịnh. Như nếu nói tám loại thành tựu Công Đức trang nghiêm của Phật, bốn loại thành tựu Công Đức trang nghiêm của Bồ Tát. Đây gọi là Chúng Sinh Thế Gian Thanh Tịnh.

Như vậy câu một Pháp nhiếp hai loại Thanh Tịnh, nên biết vậy.

Xa Ma Tha (Thiền Chỉ), Tỳ Bà Xá Na (Thiền Quán) của Bồ Tát như vậy, rộng lược tu hành, thành tựu Tâm nhu nhuyễn, như thật biết rộng lược các Pháp, như vậy thành tựu phương tiện hồi hướng khéo léo.

_ Thế nào là phương tiện hồi hướng khéo léo của Bồ Tát?

Phương tiện hồi hướng khéo léo của Bồ Tát là nói năm loại tu hành của nhóm lễ bái, đã gom tập căn lành của tất cả Công Đức, chẳng mong cầu sự vui thích trụ trì của thân mình, muốn nhổ bứt nỗi khổ của tất cả chúng sinh, tác Nguyện nhiếp lấy tất cả chúng sinh, cùng nhau đồng sinh về nước Phật An Lạc. Đây gọi là Thành tựu phương tiện hồi hướng khéo léo của Bồ Tát.

Bồ Tát như vậy khéo biết thành tựu hồi hướng, xa lìa ba loại Pháp trái nghịch với Bồ Đề Môn. Nhóm nào là ba loại?

1_ Y theo Trí Tuệ Môn chẳng cầu niềm vui cho mình, xa lìa Tâm tham dính vào thân của mình

2_ Y theo Từ Bi Môn nhổ bứt tất cả nỗi khổ của chúng sinh, xa lìa không có an ổn cho Tâm của chúng sinh

3_ Y theo Phương Tiện Môn thương xót tất cả Tâm của chúng sinh, xa lìa Tâm cúng dường cung kính thân của mình.

Đây gọi là ba loại Pháp trái nghịch với Bồ Đề Môn.

_ Bồ Tát xa lìa ba loại Pháp trái nghịch với Bồ Đề Môn như vậy, được đầy đủ ba loại Pháp tùy thuận Bồ Đề Môn. Nhóm nào là ba loại?

1_ Tâm trong sạch không có nhiễm dính, chẳng mong cầu các sự vui thích cho thân của mình.

2_ Tâm trong sạch an ổn, dùng nhổ bứt tất cả nỗi khổ của chúng sinh

3_ Tâm trong sạch ưu thích, khiến cho tất cả chúng sinh được Đại Bồ Đề (Mahā-bodhi), dùng nhiếp lấy chúng sinh sinh về cõi nước ấy.

Đây gọi là ba loại Pháp tùy thuận Bồ Đề Môn, nên biết vậy

_ Lại nói ba loại Môn: Trí Tuệ, Từ Bi, Phương Tiện nhiếp lấy Bát Nhã (Prajñā). Phương Tiện nhiếp lấy của Bát Nhã, nên biết

_ Lại nói xa lìa Ngã (Cái tôi), Tâm chẳng tham dính vào thân của mình. Xa lìa không có an ổn cho Tâm của chúng sinh. Xa lìa Tâm cúng dường cung kính thân của mình. Ba loại Pháp này xa lìa sự chướng ngai Tâm Bồ Đề, nên biết vậy.

_ Lại nói Tâm trong sạch không nhiễm dính, Tâm trong sạch an ổn, Tâm trong sạch ưa thích. Ba loại Tâm này lược vào một chỗ là thành tựu Chân Tâm diệu thắng lạc, nên biết vậy.

Như vậy Tâm Trí Tuệ, Tâm Phương Tiện, Tâm không có chướng ngại, Tâm Thắng Chân của Bồ Tát hay sinh cõi nước Phật thanh tịnh, nên biết vậy.

Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát tùy thuận năm loại Pháp Môn đã làm, tùy Ý thành tựu tự tại. Như hướng đã nói: Thân Nghiệp, Khẩu Nghiệp, Ý Nghiệp, Trí Nghiệp, Phương Tiện Trí Nghiệp là Pháp Môn tùy thuận vậy.

_ Lại có năm loại Môn dần dần theo thứ tự thành tựu năm loại Công Đức, nên biết. Nhóm nào là năm Môn? Một là Cận Môn, hai là Đại Hội Chúng Môn, ba là Trạch Môn, bốn là Ốc Môn, năm là Viên Lâm Du Hý Địa Môn.

Năm loại Môn này thì bốn loại Môn ban đầu thành tựu Công Đức nhập vào, môn thứ năm thành tựu Công Đức xuất ra

1_ Nhập vào Môn thứ nhất. Do lễ bái Đức Phật A Di Đà để sinh về nước ấy cho nên được sinh vào Thế Giới An Lạc. Đây gọi là Nhập Đệ Nhất Môn

2_ Nhập vào Môn thứ hai. Do khen ngợi Đức Phật A Di Đà, tùy thuận theo nghĩa của tên gọi, xưng tên của Như Lai, y theo ánh sáng của Như Lai, tưởng tu hành cho nên được vào Chúng Số của Đại Hội. Đây gọi là Nhập Đệ Nhị Môn

3_ Nhập vào Môn thứ ba. Do một lòng chuyên niệm, tác Nguyện sinh về cõi ấy, tu Xa Ma Tha (Thiền Chỉ) Tịch Tĩnh Tam Muội Hạnh cho nên được vào Thế Giới Liên Hoa Tạng (Padma-garbha). Đây gọi là Nhập Đệ Tam Môn

4_ Nhập vào Môn thứ tư. Do chuyên niệm, quán sát sự trang nghiêm màu nhiệm ấy, tu Tỳ Bà Xá Na (Thiền Quán) cho nên được đến cõi ấy, thọ dụng niềm vui của mọi loại Pháp Vị. Đây gọi là Nhập Đệ Tứ Môn.

5_ Xuất ra Môn thứ năm. Do Đại Từ Bi quán sát tất cả chúng sinh khổ não, cũng ứng hóa thân quay trở lại vào vườn sinh tử, rừng phiền não, Du Hý THần Thông đến đất giáo hóa, dùng sức Bản Nguyện hồi hướng. Đây gọi là Xuất Đệ Ngũ Môn.

Bồ Tát vào bốn loại Môn thành tựu Hạnh lợi cho mình, nên biết vậy. Xuất Đệ Ngũ Môn của Bồ Tát là thành tựu Hạnh hồi hướng, lợi ích cho người khác, nên biết vậy.

Bồ Tát như vậy tu năn Môn Hạnh lợi mình lợi người cho nên mau được thành tựu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)

VÔ LƯỢNG THỌ KINH LUẬN _MỘT QUYỂN (Hết)_

Giới căn lành Đại Thừa. Thiên Đài Trí Giả liền nói là chữ Giới (界) là sự lầm lẫn của chữ Nam (男) nên thích hợp sửa làm, nhưng các nhà Sớ Giải đều ghi là chữ Giới, cho nên ngày nay còn lưu lại vậy.

    Xem thêm:

  • Luận Đại Trí Độ Tập 5 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 2 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 4 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh - Luận Tạng
  • Luận Giải Thoát Đạo - Luận Tạng
  • Sớ Luận Toát Yếu Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng
  • Thiền Ba La Mật - Luận Tạng
  • Thanh Tịnh Đạo Luận - Luận Tạng
  • Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Lược Sớ - Luận Tạng
  • Luận Hồi Tránh - Luận Tạng
  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng
  • Tịnh Độ Luận - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Sớ Giải Kinh A Di Đà - Luận Tạng
  • Sớ Thần Bảo Ký Nhơn Vương Hộ Quốc Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Luận Tạng
  • Luận Tứ Đế - Luận Tạng