1
2
3

Tâm Kinh Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa

Việt dịch: Quảng Minh

***

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Thế Tôn trú tại núi Thứu phong, thành Vương Xá, cùng với chúng đại Bí-sô một ngàn hai trăm năm chục người tụ tập, và chúng Bồ-tát ma-ha-tát cùng nhau vây quanh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nhập tam-ma-địa tên là Thậm thâm quang minh tuyên thuyết chánh pháp. Khi ấy, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại đang ở giữa Phật hội. Vị Bồ-tát ma-ha-tát này có khả năng tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quán chiếu thấy tự tính của năm uẩn thảy đều Không.

Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi Tử nương uy thần của Phật, bước lên trước mà bạch với Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân ưa muốn tu học ở trong pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên học như thế nào?”

Khi ấy, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại nói với tôn giả Xá-lợi Tử rằng:

“Ông nay hãy lắng nghe, tôi sẽ vì ông tuyên thuyết. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân ưa muốn tu học ở trong pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, hãy quán chiếu tự tính của năm uẩn thảy đều Không.”

“Thế nào gọi là tự tính của năm uẩn đều Không? Đó là, tức sắc là Không, tức Không là sắc; sắc không khác với Không, Không không khác với sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.”

“Xá-lợi Tử! Tướng Không như vậy của tất cả các pháp ấy vốn không có cái gì được sinh, không có cái gì bị diệt; không cấu nhiễm, không thanh tịnh; không tăng trưởng, không tổn giảm.”

“Xá-lợi Tử! Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không tồn tại mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không tồn tại sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới và không nhãn thức giới, cho đến không ý giới và không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí, không thủ đắc, cũng không không thủ đắc.”

“Xá-lợi Tử, do vì không thủ đắc như vậy, Bồ-tát ma-ha-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa mà thực hành tương ứng, thì tâm không bị vướng mắc, cũng không bị chướng ngại; không bị vướng mắc, không bị chướng ngại, thì không có khiếp sợ, xa lìa tất cả điên đảo vọng tưởng, được cứu cánh viên tịch. Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Vì vậy, nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa là minh chú quảng đại, là minh chú vô thượng, là minh chú không gì sánh bằng, có năng lực dứt trừ được mọi khổ não, vì đó chính là pháp chân thật, không hư vọng. Những ai tu học hãy tu học như vậy.”

“Nay tôi tuyên thuyết đại minh chú Bát-nhã ba-la-mật-đa rằng: Đát-ninh-dã-tha, nga-đế, nga-đế, bá-ra-nga-đế, bá-ra-tăng-nga-đế, mạo-đề, sa-hạ.”

“Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát ma-ha-tát nếu thường tụng đọc minh chú Bát-nhã ba-la-mật-đa này tức là tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn an lành xuất khỏi tam-ma-địa; Ngài ca ngợi Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Những điều ông tuyên thuyết, đúng vậy, đúng vậy! Bát-nhã ba-la-mật-đa nên được tu học như vậy. Đó chính là cứu cánh chân thật tối thượng. Hết thảy đức Như Lai cũng đều tuỳ hỷ.”

Phật thuyết kinh này xong; Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại, cùng các Bí-sô, cho đến thế gian gồm Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà, v.v. hết thảy đại chúng, sau khi nghe những điều Phật nói, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đại Minh Chú Kinh - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Pháp Thành - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Trí Huệ Luân - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Huyền Trang - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Phổ Biến Trí Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Tinh Yếu Đế Thích Bát Nhã - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Bát Nhã Cộng Lợi Ngôn Đẳng - Kinh Tạng
  • Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Thánh Phật Mẫu Tiểu Tự Bát Nhã - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 5 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 26 - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Tàng Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Đỉnh Nhứt Thiết Như Lai Chơn Thực Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim - Kinh Tạng
  • Kinh Phổ Biến Quang Minh Thanh Tịnh Sí Thạnh Như Ý Bảo Ấn Tâm Vô Năng Thắng Đại Minh Vương Đại Tùy Cầu Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Tưởng Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Liễu Nghĩa Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng