1
2
3
4
5
6
7
8
9

QUYỂN 4

CHƯƠNG 6 – LƯỠNG TỰ

Mục đích thiết lập chấp sự tăng hai tự là để lo công việc cho tăng chúng, nhân đó giữ gìn uốn nắn kỷ cương, hoằng dương Phật pháp, thành sự phò trì trọng yếu đại kế khuếch trương tông phái. Đến như quản lý tiền tài, lương thực vải vóc là các chuyện thứ yếu hằng ngày, cả chuyện nắm bắt các qui định về đạo cũng như đời, không chuyện nào là không xử lý can thiệp. Sau đó mới ở cương vị cao trong chùa làm thầy mọi người, lãnh đạo tăng chúng, đạt đến trình độ tu dưỡng đạo đức cao thượng, tự thành toàn cho chính mình mà cũng thành toàn cho người. Người xưa rất rành rẽ nguyên lý này, cho nên hai ban Đông Tây tự có thể trao đổi thay thế chức vụ cho nhau, mà không tự hiềm chi tư cách và địa vị cao thấp. Ngày nay thì phân chia hẳn hòi hai ban (đi ngược lại tinh thần của qui định xưa) là không đúng vậy. Thậm chí còn lập bè kết cánh tranh đấu nhau, lấy mạnh hiếp đáp yếu, đưa đến tình trạng xung khắc như nước với lửa, chẳng dung thứ nhau. Mong rằng chính Hòa thượng trụ trì phải đích thân minh tổ huấn, nghiêm khắc ngăn cấm, đề phòng. Nếu muốn không xảy ra chuyện tranh giành đấu đá thì trụ trì phải hết sức thận trọng việc chọn lựa chấp sự tăng hai ban khiến cho ai ai cũng lo tròn chức vụ, người ngoài không có chỗ lời ra tiếng vào mới gọi rằng tốt!

LIÊN QUAN ĐẾN TÂY BAN ĐẦU THỦ : THỦ TỌA TIỀN ĐƯỜNG

(Chức trách của thủ tọa tiền đường là) làm gương mẫu của Thiền lâm, là mặt mày của đại chúng (nhân thiên nhãn mục), thay trụ trì thuyết pháp, khải phát kẻ hậu học. Trong buổi tọa Thiền, đôn đốc kiểm soát đồ chúng tuân thủ nghiêm ngặt qui chương. Ngay cả chuyện nhỏ nấu cơm, nấu cháo ngon hay dở cũng phải đôn đốc giám sát các chấp sự tăng lo tròn chức vụ, nếu có tăng nhân nào vi phạm nghi qui thì phải theo luật lệ mà trách phạt tội hình. Đối với tăng chúng già yếu bịnh tật thì an ủi hỏi han điều trị, còn nếu qua đời thì phải lo đám tang cho chu đáo. Nói tóm lại, bất cứ sự tình lớn bé gì của tăng chúng trong chùa, thủ tọa tiền đường đều phải quản lý dạy dỗ, như áo có cổ áo, lưới có giềng lưới, (tức địa vị sùng cao mà trọng yếu). Nhân đó mà dù cho là bậc tôn túc của chùa to lớn danh tiếng, mà nếu trụ trì bằng cách nào đó có thể lấy lễ mời thỉnh họ rời chùa đang ở đến chùa mình giữ chức thủ tọa tiền đường, điều đó gọi là “thoái vị vi nhân”. Như Bồ-tát Văn Thù là hóa thân của trí tuệ làm thầy của bảy Phật là (Phật Tì-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca mâu- ni), vậy mà còn đầu sanh sung chức thủ tọa tiền đường, tiếp đỡ đức Thế Tôn Thích-ca mâu-ni hoằng dương Phật hóa. Hay như thiền sư trứ danh của thiền tông là Mục Châu Đạo Minh khi xưa từng làm thủ tọa trong chùa của pháp sư Hoàng Bá Hi Vận, hay như thiền sư Vân Môn Văn Yển từng làm thủ tọa trong viện Linh Thọ của thiền sư Nhũ Nguyên Như Mẫn, đã làm rạng rỡ sự nghiệp của các tổ đời trước, và nêu gương sáng cho đời sau. Cương vị thủ tọa thật là quan trọng như thế, há có thể hời hợt giao nhiệm vụ sao?

Tổ đình Sự Uyển viết: “Thủ tọa tức là thượng tọa thời xưa, tiếng Phạn là “thế-na” chính có nghĩa là thượng tọa. (Chức này) thứ nhất phải là người tuổi cao, thứ nhì phải là quí tộc, thứ ba là người thọ giới trước hơn hết, lại phải chứng đạo quả. Ngày nay chốn Thiền môn gọi là thủ tọa, chọn lựa nơi người tự mình lo liệu công việc, được đại chúng phục tùng đức nghiệp, và có công hạnh tu hành mà trao chức cho”.

THỦ TỌA HẬU ĐƯỜNG

(Vị trí của thủ tọa hậu đường là) ở tại bên hông trái của xuất nhập bản của tăng đường, hiệp trợ duy trì môn phong của nhà chùa, và lấy phong cách gương mẫu trang nghiêm của mình để làm khuôn phép cho đại chúng. Bởi do (chùa to) tăng chúng quá đông nên mới phân ra chức thủ tọa tiền đường và hậu đường. Mỗi ngày hai buổi sớm trưa, tăng chúng vào tăng đường ăn cháo sáng, cơm trưa hay vào tăng đường ngồi Thiền thì thủ tọa hậu đường đều do cửa sau tăng đường mà vào ra. Nếu như chức thủ tọa tiền đường đang khiếm khuyết, trụ trì đợi đến ngày thượng đường cáo bạch đại chúng, đem thủ tọa hậu đường chuyển lên thủ tọa tiền đường và đem tên ghi trên bảng danh sách tăng chúng dời từ hậu đường sang tiền đường, cùng thay đổi thứ tự khi dùng cơm phải cử hành nghi thức niệm chú chúc nguyện. Mỗi khi gặp lúc tọa Thiền, tọa tham, thủ tọa hậu đường đợi các liêu đánh xong tiếng bản thứ ba thì vào tăng đường, không cần phải đánh bản trước liêu thủ tọa. Ngoài ra các công việc làm khác thì cũng y như thủ tọa tiền đường.

THƯ KÝ

Chức thư ký này trong Cổ thanh qui gọi là thư trạng, chức vụ là lo quản lý tất cả các loại văn thư. Phàm các bảng niêm yết thông báo, sớ, thư từ qua lại với các nơi và văn cảo lúc cầu cúng của các chùa đều do thư ký phụ trách. Nguyên do là vì hồi xưa các đại lão thiền sư danh tiếng đều phụng mạng Hoàng đế vời gọi và các chùa to lớn nổi tiếng mỗi khi tiếp đón sắc chỉ vua ban cho chức trụ trì, thì tân nhiệm mang trụ trì phải cụ bị dâng biểu tạ Thánh ơn. Gặp khi trụ trì bổn tự viên tịch thì cũng phải dâng di biểu, ngoài ra khi thọ nhận triều đình ban thưởng hoặc hỏi han điều gì đều phải soạn biểu dâng lên để tạ ơn hay phúc đáp điều vua hỏi, mà phần trụ trì thì chỉ chủ tâm nắm lấy đại pháp (Phật pháp), cho nên không có khả năng xử lý công tác văn tự, cũng như nơi mạc phủ của vị nguyên nhung đại soái phải thiết lập chức danh ký thất tham quân vậy, còn trong Thiền lâm thì riêng mời thư ký phụ trách công tác văn thư. Ngoài ra còn riêng đặt chức cất giữ thư trạng, là một trong các thị giả của thất phương trượng, chuyên bảo quản thư từ riêng của trụ trì qua lại với các nơi nên cũng còn gọi chức này là nội ký, mà thư ký trứ danh nhất trong lịch sử nhà thiền, trước hết phải suy tôn thiền sư Tuệ Nam ở núi Hoàng Long đời Tống, kế đến cũng phải kể ở đời Tống, thiền sư ngũ tổ Pháp Diễn ở Đông Sơn Kỳ Châu bảo môn đồ là thiền sư Phật Nhãn Thanh Viễn giữ chức này. Thiền sư Pháp Diễn cử Thanh Viễn giữ chức thư ký, mục đích là nhân đó khích lệ sư trong khi tu tập Phật pháp lại thông thạo điển tịch ngoài đời hầu hỗ trợ sư vượt qua sóng to, mòi lớn của biển pháp. Trước kia, thiền sư Đại Huệ Tông Cảo cũng từng đảm nhiệm chức thư ký này. Như nay đây, người đảm nhiệm chức vụ thư ký này nên lấy ba vị đại lão tiền bối Tuệ Nam – Phật Nhãn và Đại Huệ làm mẫu mực là tốt nhất.

NGƯỜI COI KHO SÁCH CHÙA

Là người phụ trách cất giữ toàn bộ kinh điển của tự viện, cả việc phải thông thạo lý luận Phật giáo (nghĩa học). Phàm tăng nhân muốn xem kinh, vừa vào kinh đường (tức kinh tàng), trước hết bẩm bạch đường chủ để cùng đến tạng ty (liêu tạng chủ) bái kiến tạng chủ, rồi mới đưa lên chỗ xem kinh, cùng nhau giập tọa cụ xuống nền lạy một lạy để trí ý. Những chi tiết vừa nêu trên là theo qui định thời xưa.

Như nay các tăng nhân xem kinh điển phần đông đều tại liêu xá của mình, chứ tại điện Kinh tạng (kinh đường) không có bày biện bàn ghế (cung ứng việc xem kinh). Tuy nhiên một khi đã nhận danh vị tri tạng rồi thì phải làm tròn chức vụ quản lý kinh điển cho tốt, tức phải thường xuyên căn cứ vào mục lục mà đối chiếu kiểm điểm sách kinh.

Nếu có thiếu khuyết phải bổ sung lại cho đầy đủ, nếu có quyển nào bị mốc meo ẩm ướt thì phải lau chùi phơi sấy cho khô lại. Nếu quyển nào bị sút sổ, rách rã thì phải khâu dán lại cho lành lặn. Khi tăng chúng có nhu cầu xem kinh thì tạng chủ chuẩn bị 1 cuốn sổ, căn cứ vào bảng danh sách các kinh điển liệt kê tại đường ty, ghi tên người mượn rồi lấy từng cuốn theo danh sách ghi trao cho tăng cần mượn đọc. Sau khi tăng mượn đọc xem xong, chiếu theo tên tuổi ghi trong sổ nhắc nhở giao trả lại để thu vào kho sách, nhằm tránh chuyện sách kinh bị lạc mất. Nghiên cứu đặc điểm của Thiền tông chúng ta nếu đã nói riêng truyền ngoài giáo điển, không lập chữ nghĩa sách vở, mà còn lập ra chức tri tạng quản lý kinh điển thì thế là thế nào? Lời lẽ và hành vi của đức Phật là giáo luật (Kinh giáo và Phật luật) cho nên phàm làm tăng nhân, thì không thể nói chẳng cần tuân thủ ngôn hạnh của Phật được. Nhưng cái mà Thiền tăng chúng ta cần đạt đến qua sách vở là sở chứng, sở đắc Phật lý, chứ không phải chìm đắm mê muội vào chữ nghĩa lời lẽ nơi kinh điển (đến nỗi bị chúng trói buộc) mà là vượt qua điều ngôn hạnh biểu đạt để hiển thị sâu xa bản tánh áo diệu hằng thường bất biến nơi chính mình (tự tánh). Hơn nữa, ý đồ của chư Tổ Thiền tông là muốn đồ đệ chúng ta tham cứu tìm tòi kinh điển của các tông các phái khác trong Phật giáo cùng với học thuyết của bá gia chư tử ngoài đời hầu mở rộng kiến thức học vấn để chống đỡ sự công kích của các giáo phái khác trong đạo Phật và các học thuyết khác ngoài đời đối với Thiền tông, đạt đến trình độ ứng biến vô cùng. Đó tức như lời tục gọi là “không tức không rời bỏ vậy”.

Về sau do Thiền tông phát triển rộng lớn, chốn Thiền lâm tăng chúng quá đông, mà điển tịch cũng tăng quá nhiều nên phải phân chia kinh tạng ra làm hai bộ phận Đông Tây dẫn đến chức tri tạng cũng chia ra làm Đông tạng và Tây tạng hai loại.

NGƯỜI TIẾP KHÁCH

Chức trách là tiếp đãi tân khách. Phàm có quan viên, thí chủ, các bậc tiền bối chốn Thiền lâm hay các nhân sĩ nổi tiếng các nơi đến viếng chùa thì tri khách phải cụ bị nhang, trà nghinh đón tiếp đãi, rồi bảo hành giả thông báo với phương trượng, sau đó hướng dẫn khách đến thất phương trượng tương kiến trụ trì, đoạn phải lo chỗ an nghỉ cho khách. Như khách bình thường là thứ dân (thấp hơn các vị nêu trên một bậc) thì chỉ tiếp đãi đại để tại liêu tri khách, thỉnh thoảng hoặc các vị khách loại này muốn đến thất phương trượng, khố ty hay các liêu của đại chúng để thăm hỏi thì tri khách cũng phải bảo hành giả hướng dẫn khách đến các nơi đó. Mỗi sáng tri khách phải đến khách đường kiểm tra giường nằm, màn trướng, các vật dụng, dầu đèn, than củi, mọi thứ nhất định phải đầy đủ chỉnh tề. Đối với các du tăng hành giả mới đến nương náu tại chùa mình thì lại càng phải gia tâm ôn tồn an ủi hỏi han. Nếu gặp lúc duy-na đang kỳ nghỉ phép thì phải thay thế duy-na trông coi các công việc của ông ta, phải thường xuyên đến tăng đường kiểm tra đốc thúc hành giả phải tăng thêm phần cơm cháo cho khách tăng mới đến. Gặp lúc có tăng nhân qua đời thì phải cùng hành giả quản lý việc che rạp tang, nếu khách tăng mới đến qua đời thì tri khách phải chủ trì biện lý việc ma chay cho người ta.

Thiền sư Tuyết Đậu Trùng Hiển khi ở tại hội của thiền sư Đại Dương Tuệ Kiên cũng như thiền sư Thiền Nguyệt Quán Hưu lúc ở tại hội của Thiền sư Thạch Sương Khánh

Chư đều đã từng giữ chức tri khách này (và đều danh lưu thiên cổ). Do vậy há chúng ta có thể hời hợt coi thường tính cách quan trọng của chức tri khách sao!

NGƯỜI LO VIỆC TẮM RỬA TRONG CHÙA

Phàm gặp lúc tổ chức việc tắm rửa, trước giờ độ trai tri dục phải treo bảng Khai dục. Tháng lạnh thì cứ năm ngày tắm một lần, còn tháng nóng thì mỗi ngày đều vả mồ hôi phải tắm rửa một lần.

Tri dục phụ trách dọn bày phòng tắm, treo khăn tay, chuẩn bị bồn rửa mặt, vải chùi giày, chùi chân. Tham đầu sai hành giả trực ban tại phòng tắm. Sau khi ăn cơm chay xong, dục đầu sau khi bẩm báo với duy-na, thủ tọa và trụ trì bèn đánh ba tiếng trống (trước hết cử hành nghi thức tắm tượng Thánh tăng), trong thùng cây có chứa ít nước nóng, sau đó đốt hương, lễ bái, ngưng thần tưởng tượng như đang mời Thánh tăng tắm rửa. Kế đến tuần tra các hành lang, đánh ba tiếng vân bản rồi lại gióng trống ba hồi. Xong hồi trống thông báo thứ nhất, tăng chúng vào phòng tắm rửa. Cuối hồi trống thứ hai, đầu thủ vào phòng tắm. Cuối hồi trống thứ ba, hành giả vào phòng tắm. Đến lúc ấy, trụ trì mới vào phòng tắm, dùng tấm bình phong che kín lại mà tắm riêng mình. Cuối hồi trống thứ tư thì các công nhân, phu dịch trong chùa mới vào tắm. Hành giả kiểm tra thôi thúc việc tắm rửa cùng với tăng chấp sự vào tắm sau chót, một mặt kiểm soát quở trách những kẻ vi phạm phép tắc, kỷ cương, một mặt kiểm tra công tác đun lửa, bảo các công dịch coi việc đốt lửa, hãy tắt lửa trong bếp lò và tro than đúng lúc, dùng nước rưới vào lửa than cho tắt ngúm, củi đốt còn dư phải khuân vác dời đi chỗ xa.

Thứ tự mỗi cấp bậc người vào tắm phải được niêm yết bên ngoài phòng tắm (ngày nay có người cho rằng trụ trì bước theo sau đầu thủ mà vào phòng tắm, tri sự bước theo sau hành giả vào phòng tắm là đều không đúng, bởi thỉnh thoảng trụ trì có nguyên nhân gì đặc biệt mà muốn cùng đầu thủ vào tắm trước một lượt thì không cần phải bày biện bình phong che lại, cũng không vào nơi phòng nhỏ, mà chỉ tại bản đầu của đầu thủ cởi quần áo, rồi cùng vào phòng tắm là xong). Trong phòng tắm treo một tấm bản nhỏ bên cạnh đóng một tấm bài hiệu nhỏ viết: “Đánh bản một tiếng, thêm nước nóng. Đánh bản tiếng thứ hai, thêm nước lạnh. Đánh bản lần thứ ba là coi như việc tắm rửa kết thúc, xin theo trình tự này mà biện sự”.

Nếu như thí chủ phát tâm kiến tạo nhà tắm, thì khi tụng kinh nên hồi hướng tuyên dương công đức cao cả của họ. Họ trở thành một Phật tử trung kiên, thì công đức cúng dường ấy mới không bị uổng phí.

NGƯỜI COI CÁC ĐIỆN ĐƯỜNG TRONG CHÙA

Là người chưởng quản trông coi việc nhang đèn nơi các điện đường trong chùa, phải thường xuyên lau quét chùi rửa bụi bặm, lau chùi rửa ráy sắp đặt bàn ghế nơi điện đường sao cho luôn ngăn nắp, tinh tươm, sạch sẽ. Như gặp phải lúc gió máy thổi đến thì phải tắt hết lửa nhang nơi lư hương, lại phải cột các chân cờ phướn lại không cho quơ phất nhằm đèn đuốc gần đó mà sanh hỏa hoạn.

Thí chủ vào điện đường lễ bái có cúng tiền nhang đèn thì không được lấy dùng lo vào việc khác. Gặp ngày Phật đản tắm Phật, thì phải lo nấu nước nóng cung cấp cho đại chúng. Gặp bốn ngày chay là mùng một, rằm, mùng 8 và 23 thì phải mở toang cửa điện để cho đàn-na tín thí tiện việc vào điện đường chiêm bái.

THỊ GIẢ

Có ba loại thị giả: thị giả đốt hương, thị giả thư trạng, và thị giả mời khách. Chức vụ thị giả trong chùa có sự quan hệ rất thân thiết với trụ trì, thường xuyên ở quanh quẩn trước sau bên trụ trì để tiếp nhận sự đào luyện về đạo đức, sớm tối kề bên trực tiếp nghe lời dạy dỗ. Lại trực tiếp tham học hỏi đạo với trụ trì, cho nên có nhiều hy vọng đạt được thành tựu to lớn về phương diện tu dưỡng Phật pháp. Tuy nhiên về phương diện lễ tiết thì cũng phải luôn luôn bảo trì nề nếp cung kính, cẩn thận. Như ngài Khánh Hỉ A-nan khi xưa làm thị giả cho đức Phật Thích-ca mâu-ni, hay ngài thiền sư Trừng Viễn ở viện Hương Lâm đời Tống làm thị giả cho đại sư Vân Môn Văn Yển, đều biểu thị sự kỳ vọng gửi gắm của Phật và Tổ nơi chức vụ thị giả, thế thì làm sao mà chúng ta có thể hời hợt coi nhẹ chức vụ này được?

Phàm trụ trì phải thượng đường, tiểu tham, phổ thuyết, khai thất, niệm tụng, phóng tham cho đến gặp những ngày lễ tiết quan trọng phải tham dự đều phải được thị giả nhắc nhở bẩm báo. Thay trụ trì hội kiến những tăng nhân mới đến chùa xin ghi tên trú ngụ, rồi thay trụ trì đốt hương, hành lễ, ghi chép các pháp ngữ do trụ trì tuyên thuyết, là chức vụ của hành giả thiêu hương. Phàm trụ trì có thư từ tới lui với các nơi quan hệ, hoặc cần soạn viết văn chương mà trước hết thay ngài soạn trình bản thảo, hay gặp lúc trong chùa khiếm khuyết chức thư ký mà phải thay thế đảm trách mọi công tác văn tự của thư ký trong chùa thì đây là chức trách của thị giả thư trạng. Phàm gặp trường hộp trụ trì phải ứng tiếp tân khách hoặc khoản đãi các bậc tôn túc, cho tới những hoạt động trong các ngày lễ tiết mà trước đó phải thay ngài chuẩn bị thư trạng và thiếp thỉnh mời, rồi thay thế luôn việc hành lễ thì đó là chức trách của thị giả thỉnh khách. Hoặc trong các hoạt động công cộng hằng ngày mà duy-na, tri khách đều không kịp có mặt tại chỗ để tiếp xúc đại chúng hoặc giả các vị đó đang trong thời gian nghỉ phép, thì phần việc của họ đều được ba loại thị giả trên thay thế xử lý (có kẻ bảo thị giả thư trạng không nên can thiệp vào các việc khác là lời vô căn cứ). Như trụ trì đi ra khổi chùa lâu ngày (mà không mang các vị thị giả đi theo) thì các thị giả phải quay về một trong các ban tăng chúng nào đó để ở vào hàng ngũ đó (trong tư cách đại chúng thường), còn trong trường hộp trụ trì chỉ tạm đi ra ngoài thì các vị thị giả không phải rời ban vị đương nhiệm của mình.

THỊ GIẢ Y BÁT (không lập ban bệ)

Chức vụ này thường do các bậc tiền bối chọn lựa nhân sĩ lão thành trong chốn tùng lâm đảm nhiệm, bởi các nhân sĩ lão thành này lòng trung trực chân thành, giúp trụ trì nghe nhận lời thật, tránh bớt lỗi lầm, đồng thời giúp trụ trì tiếp nhận nhân tài. Họ lại rành rõ chuyện trong chuyện ngoài lớn nhỏ của chùa, cho nên có thể thông biến mọi việc viên dung, khiến mọi người trên dưới đều đối xử v?i nhau nghiêm túc hòa mục thân ái, như ngài Thiền sư Mật Am Hàm Kiệt có thị giả Như giúp đỡ khiến nhân tài trong chùa đầy dẫy, dẫn đến việc có được ngài Thiền sư tài cao học rộng Tùng Nguyên Sùng Nhạc làm đệ tử truyền pháp, hay ngài Đông Tẩu được thủ tọa Thăng làm thị giả y bát mà môn phong gia pháp càng ngày càng nghiêm cẩn. Ngày nay chùa chiền các nơi chốn tùng lâm đều dùng lớp trẻ sanh sau làm thị giả y bát (và do lớp trẻ người non dạ này thiếu kinh nghiệm đối phó sự việc, ảnh hưởng không hay), làm bại hoại đạo đức của trụ trì và gây lỡ việc. Cho nên việc chọn thị giả y bát há có thể hời hợt thiếu thận trọng được sao!

THỊ GIẢ TRÀ NƯỚC THUỐC MEN (lập ban)

Thị giả này sớm tối hầu hạ trà và thang thủy cùng thuốc men cho trụ trì, tiếp đỡ bên mình thị giả y bát để ứng tiếp mọi việc, an ủi vỗ về hành giả, bộc tùng phục thị bên mình trụ trì. Hoặc nếu thị giả y bát tạm thiếu khuyết thì thị giả trà nước thuốc men phải ứng thời thay thế nhiệm vụ, nếu có khách khứa đến tham yết trụ trì thì phải thông báo rồi đốt hương. Hoặc trong các lễ tiết mà thiếu người nói lời chuyển thí (hồi hướng) công đức thì thị giả thang dược phải nhận phần việc đó. Chức này nên chọn lựa người đang độ trẻ trung mà tính tình cần mẫn trọng hậu đảm nhiệm.

THỊ GIẢ CỦA TƯỢNG THÁNH TĂNG (Không lập ban riêng làm việc theo chúng lo việc cơm cháo)

Người đảm nhận chức này quí là ở chỗ có lòng tin sâu Phật giáo (tức có đạo tâm). Tại hai thời cơm cháo sớm chiều phải dâng cúng, đánh chùy hạ tăng đường, sớm tối kiểm tra chỗ ngồi của đại chúng tham Thiền, nửa đêm cắt bỏ nhụy đèn cầy cháy lụn, cùng duy-na giao thâu tiền bán đấu giá y bát của tăng qua đời. Trong tang lễ trụ trì viên tịch thì nhận nhiệm vụ coi giữ màn trướng, gặp khi thủ tọa cầm xơ quất (phất tử) thượng đường giảng pháp thay trụ trì thì giữ nhiệm vụ đốt hương, hoặc thay ông ta đánh chùy, niệm Phật. Sau khi mãn nhiệm kỳ thì quay lại làm một thị giả bình thường trong chùa. Hai trưởng lão Thoái Canh và Đoạn Kiều lúc còn ở trong chúng từng giữ qua chức này, do rất khéo kết chúng duyên, mà lại gắng chí tu tập đạo Phật.

* * *

TRI SỰ CỦA ĐÔNG TỰ – ĐÔ GIÁM TỰ

Theo qui định của Cổ thanh qui thì nhà chùa chỉ thiết lập chức Giám viện, về sau nhân chùa to, chúng đông, đặt thêm chức Đông tự để tổng quản các sự vụ khác. Chức vụ này chủ yếu sớm tối đốc thúc việc đốt đèn nhang cùng ứng tiếp quan viên và thí chủ đến viếng chùa, đồng thời cũng quản lý tính toán cho tốt sổ sách và văn thư, giám sát việc xuất nhập tiền nong và lúa thóc, cố gắng bảo trì sao cho kinh phí hằng năm lúc nào cũng dư thừa, lại phải luôn tôn trọng trụ trì và thương xót, giúp đỡ đại chúng. Phàm gặp bất cứ việc gì có tầm quan trọng đều phải mở hội nghị để thương lượng rồi bẩm báo lại với trụ trì sau đó mới thi hành, dạy dỗ công dịch bộc tùng không được mạnh tay tùy tiện đánh đập bừa bãi. Thảng hoặc buộc lòng phải dùng đến hình phạt hoặc đuổi bỏ thì phải trải qua thảo luận thỉnh thị với trụ trì, suy lường tính toán tình tiết phạm tội mà biểu thị cảnh cáo răn đe chứ không được lạm dụng uy quyền, tạo ra sự biến dẫn đến kiện tụng (mất trang nghiêm). Phàm phân công tăng chúng đảm nhiệm việc ruộng rẫy hay trông coi kho đụn thì phải nhắm vào công bình

vô tư mà không được nhận dụng người của “phe ta”, dẫn đến trên dưới râm ran lời xì xào bàn tán trách móc cùng gây ra nỗi oán hận.

Khi xưa vào thời Thiền lâm thật thịnh hành, phần nhiều đều mời thư ký, thủ tọa của bổn tự hay Tây đường (tức trụ trì thoái nhiệm của chùa bạn hiện khách cư tại bổn tự) để đảm trách chức vụ này, mà ngược lại Đô giám tự cũng có thể giữ chức thư ký hay thủ tọa. Nếu không thế thì cũng phải chọn những vị có tuổi lạp cao nhiều kinh nghiệm, rành rõ mọi chuyện, đồng thời phải liêm khiết, công bình cẩn thận, từ lâu vốn được đại chúng tôn phục để sung vào chức này. Lại người được chọn lựa này chẳng những không đòi hỏi gì của thường trụ, lại còn phải là người, ngoài đạo đức tu dưỡng thật cao ra, còn có thêm lực lượng kinh tế thật sung túc khiến mọi người yên tâm tin tưởng, trên dưới đều cùng một lòng hy vọng giữ được người ấy liên tục tại chức vụ nhiều nhiệm kỳ. Do đó cho dù trải qua nhiều nhiệm kỳ mà không hề thay đổi chức vụ, hoặc giả cũng có từ chức thoái vị nhưng sau đó lại được tái suy cử giữ nhiệm vụ nhiều lần thì có gì tai hại cơ chứ? Do vậy mà trong một tự viện, các vị đơn liêu, cần cựu, bất quá chừng năm sáu người, riêng từ chức vụ phó viện trở xuống, nếu ai chưa từng giữ nhiệm vụ liên tiếp ba nhiệm kỳ thì không thể từ nhiệm để giữ chức vụ tiền tư. Giám tự chưa nắm giữ nhiệm vụ liên tiếp ba nhiệm kỳ thì không thể từ nhiệm để giữ chức vụ mông đường, Đô tự chưa nhận nhiệm vụ liên tục ba nhiệm kỳ thì không được thoái nhiệm để đạt đến cương vị đơn liêu.

Người được suy cử tái nhận nhiệm vụ Đô giám tự thì phải công khai trước đại chúng khóa cửa phòng mình đang ở lại để tránh sự hiềm nghi của mọi người, hai thời cơm cháo sáng chiều tất đích thân đến tăng đường hầu kiểm soát nắm rõ, thì phần cơm cháo của hành giả công dịch, bộc tùng đương nhiên được cung ứng đầy đủ một cách nghiêm túc.

Như Thiền sư Dương Kỳ Phương Hội làm Đô tự giúp thiền sư trụ trì Thạch Sương Sở Viên, thiền sư Thạch Song làm Đo tự giúp thiền sư trụ trì Hoằng Trí chùa Thiên Đồng đều có thể coi đó là các mẫu mực phép tắc vậy.

Tăng sử viết: “Tri sự là ba giềng. Nếu dây giềng to của mảnh lưới căng thì các mắt lưới sẽ bung ngay ngắn. Tiếng Phạn Ma-ma-đế có nghĩa là tự chủ (chủ cả chùa)”, tức chỉ Giám tự ngày nay vậy. Lại kinh Đại tập chép: “Tăng vật khó giữ gìn. Ta cho phép hai loại người có thể gìn giữ vật Tam bảo: một là A-la-hán, hai là Tu-đà-hoàn.

Lại còn có hai bậc nữa: một là người có thể giữ giới thanh tịnh, hiểu biết nghiệp báo, hai là người sợ tội kiếp sau mà có hổ thẹn vậy”.

DUY-NA

Chức trách của duy-na là giám sát chúng tăng tuân hành luật Phật và nội quy của chùa. (Nếu trong chùa có xảy ra chuyện tranh chấp) thì duy-na phải hết sức cố gắng điều giải hoặc xử lý, nếu có hành cước tăng đến tăng đường xin ghi tên tạm ngụ thì duy-na phải xem xét kiểm tra xem độ điệp của tăng ấy là thật hay giả. Nếu trong tăng chúng phát sinh cãi vả tranh chấp, hoặc có người bị mất tài vật gì thì duy-na phải ra sức cứu xét xem phải trái ra sao để cố gắng hòa giải. Ngoài ra, ngày tháng xuất gia của tăng chúng, tuổi lạp của họ cao thấp, giường nằm, chỗ ngồi tham Thiền, đồ thư trướng bộ trong chùa, nói chung là bất cứ sự việc trong ngoài, lớn nhỏ gì của tăng chúng thì duy-na đều phải nắm giữ giải quyết. Trong lúc cử hành Phật sự, duy-na đề xuất kinh văn nào cần đọc, lãnh đạo đại chúng niệm tụng kinh điển và tuyên thuyết lời chuyển thí công đức (hồi hướng công đức) lấy Thánh âm làm công đức tu đạo. Đối với tăng bệnh hoạn thì phải chăm sóc an ủi điều trị, riêng đối với tăng qua đời thì chuyện tổ chức tang ma chôn cất càng phải hết sức chú tâm, coi trọng hơn.

Mỗi ngày hai buổi sáng chiều đều phải đích thân đến tăng đường, nghe chuông trước tăng đường gióng lên thì rời chỗ đứng bước vào bên trong, đến trước tượng Thánh tăng dùng tay trái thượng hương, sau đó lui ra hai bước rưỡi, vái chào vấn an, chấp tay bước vào đứng bên cạnh chùy, trước hết xem tên tuổi các đối tượng cần hồi hướng công đức mỗi ngày ghi trong bảng thần kỳ, chờ cho tiếng chuông trống vừa dứt thì đánh một tiếng chùy chờ chúng đưa bát ăn xuống xong lại đánh chùy thêm một lần nữa rồi chấp tay lặng lẽ hướng về phía tên tuổi những người hôm nay đến lượt được hồi hướng công đức ghi trong bảng danh sách thần kỳ tuyên niệm lời lẽ biểu thị hồi hướng công đức. Mặc niệm xong, tay trái đặt lên cái chày đá nói: “Ngưỡng mong nhờ đại chúng niệm một thôi 10 lần danh hiệu pháp thân thanh tịnh Phật Tỳ-lô-giá-na, 10 tôn hiệu viên mãn báo thân v.v…”. Tay phải đánh chùy đưa lên cao nhất không quá năm tấc (tàu), đợi cho âm thanh dứt mới lại đánh chùy nữa, mau chậm thích độ. Đợi cho tiếng niệm chú ăn cơm của thủ tọa đến lần câu ba sắp chấm dứt, chuyển thân lui đến bản đầu của lập tăng thủ tọa mà đứng. Lại đợi cho hành giả đơm thêm cơm canh cho mỗi người đầy đủ đều khắp rồi bèn bước đến đánh một tiếng chùy, chấp tay tiến đến trước tượng Thánh tăng vái chào vấn an rồi ra khổi tăng đường, quay về vị trí ăn cơm của mình.

Nếu như do thí chủ ra tiền mời chúng tăng độ trai thì đợi cho khi ban phát vật bố thí xong và tiếng chùy ra hiệu dùng cơm đánh xong, từ phía sau tượng Thánh tăng chuyển đến bên trái, hướng về thủ tọa vái chào vấn an, rồi mới đánh thêm một tiếng chùy nữa mà ra khổi tăng đường, ấy là để mời thí chủ bố thí tài vật. Như lúc đó mà duy-na có bận sự duyên gì hay đang trong thời kỳ tạm nghỉ phép, thì phải đem sổ ghi giới lạp, sổ xin nghỉ phép, sổ đường ty tu tri, đích thân mang đến liêu tri khách, mời tri khách tạm thời thay mình phụ trách chức vụ.

Nam Hải ký quy nội pháp truyện viết: “Duy-na là gồm cả tiếng Hoa và tiếng Phạn. Duy là cương duy, tức dây giềng lưới là tiếng Hoa. Na là tiếng Phạn, là từ yết-ma-đà-na được cắt bớt ba chữ đầu để gọi giản lược, có nghĩa là duyệt chúng. Lại Thập tụng luật viết: “Do trong phòng tăng chúng không ai biết giờ giấc để đánh kiền chùy, lại không ai lo việc quét tước, dọn dẹp giảng đường, phòng ăn, không ai nối tiếp sắp đặt giường nằm. Khi đại chúng náo loạn thì không ai trấn áp v.v… nên Phật cho lập chức vụ duy-na”. Lại Thanh luận phiên âm là Thứ đệ, ý nói biết việc thứ đệ (trước sau) của tăng.

PHÓ TỰ

Trong sách Cổ thanh qui gọi là Khố đầu. Ngày nay, các chùa gọi là Quỹ đầu, phương Bắc gọi là Tài bạch, nhưng thực ra tất cả các tên gọi trên đều là chức Phó tự. Ấy là chức phó của Đô giám tự để chia bớt lao nhọc cho chức này để quản lý tiền bạc, vàng bạc, ngũ cốc của thường trụ. Phàm lúa thóc của thường trụ xuất nhập thì vị Phó tự phải kịp thời ghi chép vào sổ sách. Liên quan đến việc thu quản chi dụng, Phó tự bảo nhà kho mỗi ngày phải làm một bảng danh sách thu chi hằng ngày do mình kiểm định rồi trình cho trụ trì gọi là nhật đơn (tức là tờ danh sách thu chi thường ngày), hoặc bảng danh sách thu chi 10 ngày kết toán một lần gọi là tuần đơn. Lại còn có loại mỗi tháng kết toán một lần, đến cuối năm tổng kết lại xem có khớp với số mục hiện ghi trong sổ cái gọi là nhật hoàng tổng bộ. Ngoài ra lại còn có sổ riêng ghi chép thu chi từng món một như gạo, mì, ngũ vị cũng phải nên khảo toán rành mạch. Phàm tài vật tập thể của chùa (thường trụ) tuy là nhỏ nhiệm tóc tơ nhưng đều là phần được hưởng của tăng chúng mười phương, nếu chẳng phải là việc đối đãi theo nhân tình tới lui bình thường như tiếp đãi, đưa đón quan viên ngoại hộ của chùa, hay đàn việt thí chủ cố định thường xuyên, hoặc tặng quà khánh hạ, hay phúng điếu tang ma, thì dù cho một xu ten cũng không được khéo léo gian dối giả lập danh mục để xâm chiếm đục khoét chi dụng riêng. Cho nên sử dụng người coi kho trên dưới đều phải lựa kẻ có tâm lực, lại tinh thông việc kế toán sổ sách, an phận thủ thường, trong sạch cẩn trọng chuyện chung mà phục vụ để giao phó chức vụ.

Tăng nhân bị bệnh dù nặng nhẹ cần phải được cấp phát vật dụng trị liệu thì phải cấp phát ứng phó ngay. Như kho đụn sơ hở dột nát, khiến chim chuột có thể xâm phạm, làm hao hớt lúa thóc mì bị ẩm mốc kém chất lượng, hay các phẩm vật cất chứa thủ hộ không đạt yêu cầu, không đúng phép tắc, thì phải tức tốc chiếu cố việc quản lý, xử trí.

ĐIỂN TỌA

Chức vụ là quản lý việc cơm cháo của đại chúng, phải giữ cho các vật phẩm cúng dường luôn tinh mỹ, dưỡng khiết, thực phẩm phải điều hòa. Phải thường xuyên đốc thúc kiểm tra công tác của bộ môn do mình quản lý, luôn thương tiếc và bảo hộ của cải thường trụ, không được thô bạo giẫm đạp lãng phí của trời. Phải luôn dạy dỗ các hành giả tôn thủ qui củ, vì tăng chúng mà cung ứng cơm cho đầy bát, nếu cần thì đơm thêm cơm để ăn cho no, tham gia lao động tập thể không biếng lười trễ nhác. Phải quan tâm thương xót, bảo hộ kẻ làm vườn ruộng khiến họ gieo trồng đúng thời vụ. Phân phát tài vật bố thí phải bình đẳng giống như mọi người, mỗi ngày vào nhà bếp hai lần dùng cơm cháo, phần ăn không được đặc biệt hơn đại chúng. Sau khi cơm cháo đã đựng đầy thùng rồi, phải hồi hướng về phía tăng đường đốt hương lễ bái rồi mới bê lên tăng đường, bắt đầu dọn cơm cháo cho tăng chúng ăn.

TRỰC TUẾ

Chức trách quản lý tất cả mọi công việc xây cất và sửa chữa. Phàm điện đường hay các liêu xá bị hư tổn thấm dột thì phải kịp thời thường xuyên sửa chữa, các thứ đồ dùng phải luôn luôn tra điểm số lượng để không bị thiếu sót. Đối với công nhân lao dịch thì nên thường xuyên căn cứ tiến độ của công trình mà luôn kiểm tra đốc thúc, phê phán quở trách kẻ làm việc cà rề lơ là, không cho có kẻ ngồi nhà mát ăn bát vàng, lãng phí đục khoét tài vật, tổn hại lợi ích của công chúng. Đối với trang trại nơi ruộng vườn, nhà xay lúa, giã gạo, trâu bò, xe cộ, thuyền bè thì nên thường xuyên kiểm tra, tuần tra bảo vệ, đề phòng trộm đạo xâm phạm, hỏa hoạn thiêu rụi. Sai khiển các loại công nhân lao dịch, đều phải thưởng phạt đúng người, đúng công, đúng tội, khiến cho họ nỗ lực cần lao. Lại cũng phải phân công sao cho mọi người lao nhọc và nhàn hạ đều nhau. Nếu như nhận nhiệm vụ đại tu tạo (sửa chữa lớn) thì phải tăng thêm người chấp sự để cùng với trực tuế cộng đồng chưởng quản công việc.

* * *

CÁC CHỨC VỤ TẠP SỰ : LIÊU NGUYÊN

Quản lý kinh văn và thập vật của các liêu, kể cả trà thang, than củi, thông báo trình thỉnh với các phòng ban hữu quan để cung cấp nhu yếu cho các liêu, đồng thời kiểm soát việc quét tước, chùi rửa các liêu cho sạch sẽ cũng như đầu các tăng phải luôn cạo sạch tóc, giá treo khăn phải sẵn sàng.

Mỗi sáng khi ăn cháo xong, liêu nguyên bảo hành giả của trà đầu đứng đợi ngoài cửa các liêu, chờ cho đại chúng đều trở về đầy đủ, gõ ba tiếng vân bản, mọi người vào cả trong liêu. Liêu trưởng và liêu nguyên ngồi ngang nhau, liêu chủ và liêu phó ngồi giáp mặt nhau hai bên phải trái. Liêu phó rời chỗ ngồi đốt hương, rồi trở về chỗ ngồi như cũ. Hành giả trà đầu hướng về các liêu nguyên vấn an “Chẳng rõ (xin hỏi) các vị có ít bệnh, ít phiền, sinh hoạt bình thường chăng?”, đại chúng chấp tay vái chào tỏ bày trí ý. Gặp ngày mùng một, ngày rằm có đãi thang thủy, liêu nguyên đánh vân bản tập họp đại chúng, đốt hương, bảo hành giả dọn thang thủy khoản đãi như lễ tiết thông thường.

LIÊU CHỦ & LIÊU PHÓ

Phàm nơi nào có tăng chúng cư trú tập thể thì phải đặt ra chức liêu chủ và liêu phó. Liêu nguyên căn cứ vào tuổi lạp của các tăng tính từ thấp đến cao theo thứ tự, thỉnh mời chỉ định người đảm nhiệm chức vụ. Viết tên tuổi người được chỉ định vào một tấm bài treo lên hầu công bố cho đại chúng biết, cứ mười ngày thay phiên một lần, nhằm giúp liêu nguyên lo liệu công việc. Sớm chiều khi tăng chúng đến tăng đường (liêu chủ và liêu phó đi sau một bước), tuần thị các bàn để kinh xem có ai bỏ quên vật gì mà trước đó có nhiều người cùng nhìn thấy chứng minh được thì nhặt giùm trả lại cho người làm mất. Ngoài ra, liêu chủ và liêu phó còn phải phụ trách kiểm tra di giao tạp vật của bổn liêu.

Hằng ngày phải sắp bày nhang đèn, dọn trà thang, không cho người ngoài đến ngủ nhờ trong liêu, hoặc gửi bán bất cứ vật gì. Trong liêu còn phải lúc nào cũng phải dự phòng một liêu hờ nhằm thay thế cho liêu phó ngay khi vị trí này bất ngờ khiếm khuyết. Nếu liêu chủ mãn nhiệm thì phải báo cáo với duy-na thỉnh cầu đưa người thay thế, còn nếu liêu phó mãn nhiệm thì phải báo cáo với liêu nguyên thỉnh cầu chọn người thay thế.

ĐƯỜNG CHỦ DIÊN THỌ ĐƯỜNG

Đường chủ diên thọ đường phụ trách trông coi săn sóc các tăng nhân bệnh nặng, phải duy trì đầy đủ sẵn sàng cung ứng thuốc men, trà thang, dầu đèn, than lửa, cháo cơm và năm vị điều liệu là chua, ngọt, đắng, cay, mặn tại diên thọ đường. Nếu của thường trụ tại chùa thiếu thốn các thứ nêu trên mà riêng mình có đầy đủ thì đường chủ diên thọ đường nhận tu bồi công đức cùng Phật kết duyên, nên lấy của riêng mình cống hiến, cung cấp cho tăng nhân bệnh nặng dùng xài, hoặc cũng có thể khuyên mời thí chủ hành thiện tu bồi công đức ra tiền ra của cung ứng vật tư cần dùng. Giường chiếu, quần áo, chăn màn bầy hầy dơ bẩn phải kịp thời chịu khó giúp giặt giũ, lau chùi, rửa ráy sạch sẽ, chứ không nên biểu lộ tình ý nhờm gớm bỏ mặc. Trong tám phước điền thì hành thiện tu đức nuôi nấng, chăm sóc, chữa trị bệnh nhân là phước điền lớn nhất.

NGƯỜI DỌN VỆ SINH

(Trong Thiền lâm, tịnh đầu là tăng nhân trông coi vệ sinh, mà nhiệm vụ cụ thể là) phải kịp thời quét tước sân vườn, trang hương, thay thẻ, kiểm điểm nhân số rửa nhà xí, đun nước nóng, thêm nước. Nếu nhà xí có phần nào uế tạp thì phải lập tức quét dọn, dội nước rửa ráy sạch sẽ, khăn tay và thùng nước luôn phải kiểm tra đặt thêm hay đổi mới. Phàm người nhận chức vụ này đều xuất phát từ đạo tâm (tức là đối với Phật giáo có lòng kiền thành mà tự nguyện làm). Khi nhiệm vụ của một tịnh đầu sắp mãn cần người khác thay thế thì đường ty niêm yết một tấm bảng nhỏ viết: “Tiếp theo đây chức tịnh đầu không có người, nếu có ai tình nguyện nhận chức này cùng đại chúng kết duyên thì xin điền tên vào bảng này”. Người tình nguyện kết duyên cùng đại chúng thâu lấy bảng đem trình với đường ty (duy-na), duy-na báo bẩm lại với trụ trì đồng ý mới mời người đó nhận chức.

NGƯỜI LO VIỆC HÓA DUYÊN THÍ CHỦ BỐ THÍ

Phàm nơi nào có tăng chúng cư trú tập thể (chẳng kể qui mô lớn nhỏ), nếu thu nhập tiền nong, thóc gạo của thường trụ có phần hạn chế thì phải trông cậy vào hóa chủ khuyên mời thí chủ tùy sức cúng dường (đó là lai nguyên của việc phụ trợ cung cấp cho tăng chúng). Còn nếu như thu nhập tài sản cố định của chùa đã đủ để cung ứng chi dụng cho tăng chúng, thì hóa chủ cũng chẳng cần chi phải nài nỉ ỷ ôi thí chủ bố thí, bởi vì cầu cạnh thì dễ khiến cho người ta sanh chán nản mình.

NGƯỜI COI VIỆC LÀM VƯỜN

Người giữ chức này không nề hà lao khổ, lấy thân mình làm gương mẫu (đánh động các phu làm vườn) khiến họ cần cù trồng rau cải, kịp thời tưới bón, để cung cấp cho nhà bếp, không để nơi đây phải thiếu rau rán hằng bữa.

NGƯỜI COI NHÀ XAY LÚA

Ma chủ quản lý nhà xay lúa cũng quản lý luôn nhà giã gạo. Công việc thành liên quan đến chuyện cung ứng gạo mì mỗi ngày cho tăng chúng cả chùa ăn, cho nên phải chọn người thuần thành đạo tâm, lại rành rẽ chuyện xay lúa giã gạo sung chức này.

NGƯỜI PHỤ TRÁCH NƯỚC NÔI TRONG CHÙA

Người này canh năm đã phải thức dậy đun nước sôi để đại chúng rửa mặt, rửa tay. Phải cụ bị khăn tay, bồn rửa mặt, đèn đuốc, thuốc đánh răng đầy đủ chẳng thiếu sót. Tháng Đông phải hấp sấy khăn tay, cho nên phải thức dậy sớm để bày biện sẵn sàng, chứ không đợi đến lúc cần dùng mới hốt hoảng bày biện cẩu thả, khiến tâm lý tăng chúng bất mãn.

NGƯỜI LO CUNG CẤP THAN CỦI

Thán đầu phải cụ bị than củi để đốt giúp đại chúng chống lạnh, phần nào nhờ cậy thí chủ bố thí, phần nào nương vào tiền của thường trụ bỏ ra mua sắm, nhưng nói chung là phải luôn cụ bị đầy đủ để dùng.

TRANG CHỦ

Nhiệm vụ là trông nom ranh giới (bốn bên Đông, Tây, Nam, Bắc) ruộng vườn của chùa (không cho ai lấn chiếm), sửa sang lại trại ruộng, láng vườn, sắp xếp đốc thúc vụ mùa cho kịp thời, quản lý tốt và chăm lo đời sống của người canh tác trồng trọt ruộng vườn (tá điền). Trong ruộng vườn có xảy ra xích mích nhỏ thì kịp thời xử lý, ngăn chặn thủ tiêu mâu thuẫn không cho lan rộng, còn nếu có chuyện trọng đại liên quan đến đại thể xảy ra thì phải báo cáo lại với nhà chùa để chùa đích thân định đoạt.

Gần đây trong chốn Tùng lâm tệ lậu xảy ra trăm thứ, mà riêng chỗ ruộng vườn thì tệ đoan lại càng nghiêm trọng hơn cả. Xin nêu ra sơ lược ba vụ việc điển hình: a- Cái tai hại phổ thông nhất ở các chùa là trước tiên mọi người tranh nhau sung vào các chức vụ trong ban ruộng vườn (nhưng mà người tranh giành thì đông mà chức vụ lại ít) nên làm sao có thể thỏa mãn hết ý muốn mọi người. Thế là kẻ không thỏa nguyện oán trách trụ trì, “quậy tưng lên” làm trên dưới không hòa thuận, đây là vụ việc thứ nhất.

b- Một khi đã nắm được chức vụ gì đó trong ban ruộng vườn, nhìn thấy ruộng vườn tọa lạc khá xa chùa, thế là chẳng chuyện bậy nào mà không dám làm, đưa đến tranh chấp kiện tụng lung tung khiến tiền bạc lương thực đáng lẽ được dùng để cung cấp cho đại chúng lại bị hoang phí sạch trơn vào thưa kiện, riêng bản thân những người tranh tụng lại phải mang công mắc nợ nhà nước, làm cho người tiếp nhận sau đó phải nhọc công bồi thường, nhân đó mà uy tín và kỷ cương không phấn chấn (pháp độ chẳng nghiêm) riêng tranh điền phu đâm ra khinh lờn lại thiếu thuế không trả nổi, đó là vụ việc thứ hai.

c- Dẫu cho có bậc lão thành trang trọng đủ sức giữ được chức này thì cũng đối phó không kham, ứng thù tới lui vô tận với các quan viên châu huyện, lại dịch địa phương cùng chức dịch trong làng và phú hào quanh vùng. Những kẻ này vòi vĩnh đòi tiện nghi phải luôn đáp ứng mà nếu đối với họ có chỗ nào hơi thù ứng chẳng chu đáo, liền bị chúng rình chờ kẽ hở sanh sự (cho nên tuyệt đối không được lôi thôi lơ là). Các khoản phí dụng ứng thù này do không được công khai chi ra nên phải khéo lập ra các danh mục giả đủ kiểu để bù lấp các khoản chi dụng đó, cho nên đối với việc công – việc tư đều không có ích lợi tốt đẹp gì. Do đó mà phí dụng to lớn của ban ruộng vườn nhiều khi thậm chí chiếm hết phân nửa khoản chi tiêu của toàn chùa! Đây là vụ việc thứ ba.

(Trong ban ruộng vườn có ba loại tệ đoan lớn như vừa nêu ra, nếu không sửa đổi là không được). Như một đại gia đình, sản nghiệp dồi dào phong phú giàu sang, hầu hết đều chưa từng nghe nói có nhà nào phái con em mình phân chia nhiệm vụ trực tiếp, ở khắp ruộng vườn. (Ruộng vườn nhà chùa cũng thế), bởi cày cấy gieo trồng đã có phu dịch ruộng vườn (tá điền), chỉ huy đốc thúc đã có giáp cán (cặp rằng), lúc thu tô đã có tăng hành giả giám thu phụ trách. Ngoài ra, nếu có việc giao nạp tô thuế cho quan phủ, hay phải đắp vá bờ bao xung quanh ruộng vườn đề phòng nước tràn vào hoặc các phần việc như phân phối lương thực thì chỉ nên vào ngay lúc đó, tạm giao phó các công việc ấy cho cần cựu, tri sự lo liệu trong một thời hạn nhất định nào đó, công việc xong rồi thì quay trở về chùa giữ nhiệm vụ cũ là hay hơn. Điều này chẳng những giảm bớt phí dụng, bù lỗ cho việc chi tiêu của thường trụ (nhà chùa được phần tốt đẹp) mà còn tiêu diệt mâu thuẫn trên dưới khi chúng còn chưa chớm phát sinh, khiến cả công lẫn tư đều nhận được lợi ích. Như nay đây nhiều chùa chiền suy sụp chẳng khác nào những gia đình đào vong (vì nghèo đói phải trốn bỏ nơi quê mình đi kiếm ăn nơi khác). Nếu trụ trì và cần cựu có thể đoái hoài thương xót đến tiền đồ của nhà chùa, tưởng nên giảm bớt các phí dụng, cứu đỡ dẹp bỏ những chỗ tích tụ tệ đoan, trừ bỏ các cơ cấu thiết lập dư thừa bừa bãi vô ích, loại bỏ các nhân viên nhũng lạm thì xin mở đầu việc sửa đổi chế độ quản lý ruộng vườn từ đây.

Đối chiếu qui củ thuở ban sơ xưa kia, thì nếu trong tình trạng nặng nề khó khăn (dầu sôi lửa bỏng cực kỳ nguy khốn như vừa nêu trên), nếu ai dám đứng ra đảm nhận chức vụ chủ quản ruộng vườn thì nên cùng nhau thương lượng để có thêm khoản thù lao bù lỗ cho người ta!

CHƯ TRANG GIÁM THU

Cứ theo Cổ thanh qui thì trước kia không có hai chức trang chủ và giám thu, đời gần đây mới thiết lập hai danh vị này. Danh vị vừa lập ra là điều tệ lậu xảy ra đầy dẫy, cũng có phần do trụ trì riêng dùng kẻ không ra gì, cũng có phần do chạy theo lợi quyền riêng tư mà dùng người bừa bãi, cũng có chuyện chức này nhiều năm liền bị cần cựu và Tây chấp sự bá chiếm nắm giữ, cũng có trường hộp do người nương cậy kẻ quyền thế bao che mà âm mưu nắm giữ chức này, cũng có trường hộp do bọn người lập bè, kết cánh chia nhau để chiếm giữ chức này, cũng có trường hộp đấu đá ngầm hay công khai bằng vũ lực để chiếm đoạt chức này. Chuyện đục khoét của công (thường trụ) và xâm hại của tư không sao kể xiết, tuy cũng có nhiều người nghĩ đến chuyện dùng cách thức cứu đỡ, cải biến tệ đoan nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu.

Thảng hoặc có được cần cựu liêm chính phò giúp trụ trì, công khai việc đề bạt, lượng tài cán mà bổ dụng, hoặc giả phải dùng đến biện pháp trước đại chúng giở sách ra bói quẻ chọn người sung chức này!

Người được chọn giữ chức giám thu các ruộng vườn phải nên trọn lòng nghĩ đến việc khắc kỹ phụng sự việc công, chẳng những không được hà khắc đối với người cày cấy trồng trọt ruộng vườn (tá điền) mà còn không để cho tài sản thường trụ của chùa bị tổn thất, thế là trọn vẹn lợi ích cả ta lẫn người.

* * *

NGHI THỨC SUY CỬ LẬP TĂNG THỦ TỌA

Chuyện này thật là nghiêm trọng, không thể suy cử hời hợt bừa bãi được. Nếu như trong chùa hiện có bậc trụ trì các chùa lớn danh tiếng nay đã thoái vị (Tây đường) hay danh đức thủ tọa trước kia đang cư ngụ tại bổn tự mà đức hạnh và học vấn của họ vốn được đại chúng kính trọng suy tôn, thì nhà chùa phải uyển chuyển trần tình hỏi ý kiến của họ. Nếu như các vị ấy biểu thị đồng ý thì phải đặc biệt cử hành nghi thức thượng đường bẩm bạch: “Chùa này đại chúng quá đông, cần phải có người xứng đáng đủ sức đảm đương trọng nhiệm cùng nhau cộng đồng kiến lập đại pháp, tăng cường việc rèn luyện tăng chúng. Trong chùa hân hạnh có được mẫu người như thế, kiến thức cao minh, là hóa thân của trí huệ (huệ mạng ký thác)”. Sau khi xuống tòa một lúc, (trụ trì) cùng với hai tự và đại chúng bái thỉnh vị ấy: “Vì chúng khai tòa thuyết pháp để mọi người được học hỏi, hy vọng phát tâm từ bi chấp nhận”. Sau khi vị ấy xuống tòa, hành giả của thất phương trượng dùng mâm cây có phủ vải trình hai tấm bài có chữ nhập thất và phổ thỉnh, đồng đại chúng nơi dưới tòa bái thỉnh, trí tứ rằng: “Đại chúng dốc lòng ái mộ sư từ lâu, sớm mong được sư dạy dỗ. Hy vọng sư rủ lòng từ bi nhận lời thỉnh cầu”. Người nhận lời mời thỉnh ngay đó đến thất phương trượng đốt hương cùng giập tọa cụ xuống nền trí ý tạ ơn, bẩm bạch: “Mỗ giáp đây hân hạnh được chấp nhận cho cư ngụ tại quí tự, lý ra không nên xuất đầu lộ diện, chỉ nương náu chút thân tàn, nhưng nay đã mong được tiến cử thì nào dám chối từ, cô phụ trái ý mọi người”. Trụ trì đáp từ: “Phật pháp hoằng dương đều trông cậy ở thanh đức của sư, ngưỡng mong sư thương xót mà nể tình!”. Trụ trì đáp tạ xong, hành giả của đường ty gióng chuông ở tăng đường, đại chúng cùng đưa lập tăng thủ tọa trở về liêu.

Bấy giờ, tân lập tăng thủ tọa và trụ trì cùng giập tọa cụ xuống nền một lần trí ý lễ bái, đoạn đưa tiễn tân lập tăng thủ tọa ra khổi thất phương trượng. Lập tăng thủ tọa tiếp đó vái chào vấn an đại chúng. Sau đó, duy-na đến liêu của tân lập tăng thủ tọa thương nghị bố trí cho ngài một thị giả, tiếp đó treo bài phổ thỉnh, đồng thời bố trí chiếu đường nơi tân lập tăng thủ tọa sẽ vì đại chúng thuyết pháp với các pháp cụ như ghế Thiền, cây xơ quất, chủ trượng, lư hương, đèn cầy. Gióng một hồi trống, đại chúng tề tựu tại chiếu đường, yên đâu đó rồi thì lập tăng thủ tọa đến chỗ ngồi của mình. Duy-na bước ra khổi ban đốt hương rồi cùng đại chúng lần nữa hạ bái biểu thị tình ý khẩn thiết thỉnh mời, lập tăng thủ tọa ngồi kiết-già, lưỡng tự vái chào vấn an. Kế đó, trụ trì vái chào vấn an. Lập tăng thủ tọa vì đại chúng thuyết pháp xong, duy-na lại cùng đại chúng hạ bái thân tạ. Lập tăng thủ tọa tức ôm hương đến thất phương trượng trí tạ trụ trì, trải tọa cụ lễ bái ba lạy hai lần, bẩm bạch: “Những mong được Hòa thượng đường đầu ủy phái làm việc, con chỉ còn biết dạn mặt dạn mày thừa đương chức vụ nặng nề. Nếu có chỗ nào không tròn nhiệm vụ thì mong được Hòa thượng phát tâm từ bi, rộng lượng bao dung, thật không khổi hổ thẹn, kinh sợ!”. Nói

đoạn, lập tăng thủ tọa đến khố ty và các liêu xá vái chào vấn an. Phương trượng chuẩn bị bữa cơm rau giản đơn chiêu đãi lập tăng thủ tọa, lại đặc biệt chuẩn bị thang thủy và cơm tối, ban đêm lại chiêu đãi thang thủy và trái cây. Các buổi chiêu đãi này đều mời chấp sự tăng lưỡng tự quang lâm bầu bạn, thị giả của lập tăng thủ tọa cũng được dự tiệc mời.

Qua ngày hôm sau, trụ trì đặc biệt tổ chức trà điểm tại tăng đường để chiêu đãi lập tăng thủ tọa. Thị giả thỉnh khách cụ bị bảng văn báo chiêu đãi trà, đến liêu lập tăng thủ tọa thắp hương bái thỉnh, lễ tiết cũng giống như khi thiết đặt trà điểm chiêu đãi tân thủ tọa. Lập tăng thủ tọa cũng phải thiết đặt trà điểm chiêu đãi lại thủ tọa và đại chúng, lễ tiết cũng giống như thủ tọa tiền đường thiết đặt trà điểm chiêu đãi thủ tọa hậu đường và đại chúng. Trụ trì cũng chọn một ngày nào đó tại thất phương trượng thiết đặt trà điểm để khoản đãi tân lập tăng thủ tọa, có mời chấp sự tăng lưỡng tự đến quang lâm bầu bạn.

NGHI THỨC THỈNH MỜI DANH ĐỨC THỦ TỌA

(Đối với người được mời thỉnh) thì trụ trì trước hết phải hỏi qua ý vị này, nếu như vị ấy đồng ý thì trước tiên trụ trì phải chiêu đãi ông ta trà tại thất phương trượng có lưỡng tự quang lâm bầu bạn. Sau đó gióng trống thăng tòa mà không cần trải qua giai đoạn treo bảng báo cho đại chúng biết. Tại pháp tòa, trụ trì thành khẩn giới thiệu lý do tôn thỉnh danh đức thủ tọa. Xuống tòa, trụ trì cùng toàn thể tăng chúng hướng về danh đức thủ tọa biểu thị thành ý bái thỉnh, sau đó thỉnh chuông đưa danh đức thủ tọa trở về tăng liêu. Lễ nghi thiết bày trà thang quản đãi cũng giống như nghi thức chiêu đãi lập tăng thủ tọa đã nói ở trên.

Nghi thức tựu chức và thoái nhiệm của danh đức thủ tọa được cử hành đơn độc (nhưng trang trọng), chứ không cử hành chung với nghi thức tựu nhiệm và thoái chức của chấp sự tăng lưỡng tự (bởi danh đức thủ tọa không quản lý một sự vụ cụ thể nào) nên không có thủ tục giao tiếp thay thế.

Bảng thức mời trà danh đức thủ tọa:

Sáng nay sau khi dùng trai xong, Hòa thượng đường đầu (trụ trì) tại vân đường (tăng đường) đãi trà tân mạng thủ tọa, tạm tỏ bày nghi thức chúc mừng. Thỉnh mời các tri sự và đại chúng cùng quang lâm bầu bạn.

Ngày … tháng … thị ty mỗ kính bẩm bạch

* * *

NGHI THỨC CHẤP SỰ TĂNG LƯỠNG TỰ TỰU CHỨC VÀ THOÁI NHIỆM

Đầu thủ của (Tây ban trong chấp sự tăng lưỡng ban vị trí rất quan yếu) nên phải lựa chọn người tài đức công xứng để đảm nhiệm, nhưng gần đây, bọn người dung tục chẳng có chút kiến thức, nghĩ giản đơn chức vụ đầu thủ chỉ có nhiệm vụ lo việc ăn uống để thù tiếp mọi người, khiến cho bậc cao sĩ an bần lạc đạo càng thêm cam chịu lui gót giấu thân không đảm nhiệm chức vụ đầu thủ để bảo trì thanh cao thì tùng lâm lấy gì khiến người ta nghe tiếng mà đến, nhân đó mà hấp dẫn nhân tài đây? Giữ chức vụ trụ trì thì phải nên nỗ lực cách trừ tệ đoan nêu trên mới được.

Còn như tri sự Đông ban thì theo Cổ thanh qui chỉ nêu ra năm người là giám viện, duy-na, điển tọa, trực tuế, khố đầu mà thôi.

Khi nhiệm kỳ của chấp sự tăng hai ban đã mãn, tự động đánh chùy gỗ, hướng về đại chúng tuyên bố thoái vị, quay về tăng đường giữ thân phận 1 tăng chúng bình thường trong đại chúng, ban sơ chẳng yêu cầu được đặc biệt đãi ngộ liêu riêng, giường lẻ, do đó mà tùng lâm hết sức thịnh hành.

Gần đây (phong khí đại biến) tại các chùa Thiền lâm bất kể là lớn hay nhỏ, số cần cựu hưởng thụ đãi ngộ đặc thù đông có số trăm, bộc dịch phục thị cho nhóm người này tăng thêm gấp bội. Trong khi tại tăng đường, số tăng nhân phổ thông chủ yếu le hoe không được mấy người.

Trong khoản niêu hiệu Thái Định, thừa tướng Thoát Hoan kiêm luôn chức quản lý Tuyên chính viện, phân các chùa ra ba hạng thượng – trung và hạ, qui định hạn ngạch sính thỉnh tăng tri sự và cần cựu mỗi năm của các chùa, căn cứ vào tình hình thiếu thừa mà hoạch định, ấy là vì chuyện nêu trên vậy. Các chùa Thiền lâm phải tuân thủ qui định này của thừa tướng Thoát Hoan mới được. Phàm chức sự tăng sắp mãn nhiệm kỳ phải đến thất phương trượng thỉnh cầu thoái vị. Như lựa chọn ngày tấn chức và thoái vị đã xong, trụ trì bảo hành giả bẩm báo cho lưỡng tự biết. Ngay tối đó, lúc chuông chiều gióng lên, đoàn cựu tri sự các người đến thất phương trượng thắp hương bẩm báo, lấy tọa cụ giập xuống nền biểu ý lạy một lạy, nạp lại cho khố ty chìa khóa và sổ sách rồi là thoái vị. Như trong đám có người nhất định là được lưu nhiệm thì trụ trì đích thân đưa số người đó đến khố ty, thị giả đốt hương, dọn thang thủy, trụ trì ân cần khuyên mời họ lưu nhiệm.

Qua ngày hôm sau, lúc chuông gióng báo canh năm, các đầu thủ ôm hương đến thất phương trượng, giập tọa cụ xuống nền biểu ý lạy một lạy, bẩm báo thoái vị. Thảng hoặc có người được lưu nhiệm thì lễ tiết tiến hành cũng như đối với tri sự. Trước đó, dọn thang thủy lưu nhiệm họ.

Sau đó, trụ trì giao cho hành giả khách đầu một bảng danh sách chấp sự tăng hai ban vừa mới tuyển định, bảo mời thỉnh các vị tân chấp sự tăng, cùng Tây đường, cần cựu độ cháo. Dùng cháo xong thì đãi trà. Nhóm người tri sự cần cựu trong hai ban đợi tăng đường múc cháo khắp mới theo cửa sau mà vào. Một vị có tư cách cao trong nhóm cựu tri sự đánh một chùy gỗ nói: “Xin các vị hãy chú ý! Nhóm chúng tôi đây trước kia được Hòa thượng đường đầu từ bi phân công trông coi các hạng mục công tác của khố ty. Nhưng nay đây tâm lực đều mệt mỏi, xin được thoái vị trở về tăng đường làm một tăng chúng bình thường. Xin kính cẩn bẩm báo!”. Lại đánh một tiếng chùy gỗ nữa, từ bên trái tượng Thánh tăng bước ra trước trụ trì, trải tọa cụ giập đầu lạy ba lạy hai lần. Trải tọa cụ lần đầu nói: “Bọn chúng con đây trước kia thừa mong Hòa thượng tuyển chọn đề bạt lục dụng, tự biết tài năng không đủ, trong lòng hết sức hổ thẹn!”. Lần trải tọa cụ thứ hai thưa hỏi chuyện ấm lạnh. Nói xong, giập tọa cụ xuống đất 3 lần lễ bái rồi trở người lui ra, từ bên hông phải tượng Thánh tăng tiến ra phía trước tượng, trải tọa cụ quì lạy giập đầu ba lạy, chuyển người từ thủ tọa bản đầu đứng dậy, đi khắp tăng đường một vòng rồi đứng lại tại chính giữa tăng đường, vái chào vấn an mọi người rồi lui ra.

Dùng xong cháo, hành giả khách đầu giữ lại tân nhiệm chấp sự tăng, mời đến thất phương trượng hiến trà. Uống trà xong, trụ trì đích thân đứng dậy đốt một nắm nhang, trở về vị trí cũ nói: “Hai tự trước đây đã báo thoái vị nhưng chức vụ này không thể thiếu trống người phụ trách được. Nay xin bái thỉnh vị mỗ sung chức tri sự, vị mỗ sung chức đầu thủ!”. Sau khi tuần tự tuyên bố thỉnh mời vị nào sung chức nào rồi, trụ trì bước đến trước lư hương đứng. Thị giả vái chào mời các người mới nhận chức đến trước trụ trì, hai bên cùng giáp mặt giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy. Các tri sự mới nhận chức cũng bước tới trải tọa cụ lạy ba lạy hai lần. Trải tọa cụ lần đầu nói: “Bọn con vào tùng lâm chưa lâu, mọi sự việc đều còn mới lạ. Nay thừa mong Hòa thượng tín nhiệm cho bọn con nhận chức vụ vâng theo sự sai bảo của ngài, trong lòng thật không khổi hết sức sợ hãi!”. Trải tọa cụ lần thứ hai nói: “Hôm nay thời khí chính đang tốt đẹp, kính chúc Hòa thượng đường đầu sinh hoạt như ý, bảo trọng pháp thể, mạnh khỏe, nhiều phước”. Kế giập tọa cụ xuống nền ba lần trí ý lạy ba lạy, mỗi lần tân tri sự lạy kính trụ trì đều lạy đáp lễ một lạy. Tân đầu thủ bước đến trước trải tọa cụ giập đầu lạy ba lạy hai lần, bạch lời như tân tri sự đã nói trước đó. Sau đó, hai ban tân chấp sự quay về vị trí của mình, thị giả hiến thang thủy (căn cứ vào bản Hàm Thuần thanh qui – trùng tu vào niên hiệu Hàm Thuần đời Nam Tống ghi chép thì lúc ấy) còn có nghi thức vái chào mời ngồi, thỉnh mời đốt hương, mời thang thủy cho đến nay tự viện các nơi vẫn còn tuân hành. Có người còn cho rằng tới hôm ấy tự viện phải đặc biệt chiêu đãi tân chấp sự. Tuy nhiên, điều này cũng có thể miễn thi hành hoặc giả cử hành hay không là tùy ở ý trụ trì. Dùng thang thủy xong, tân chấp sự ban phải biểu thị cảm tạ trụ trì, có khi trải tọa cụ giập đầu lạy ba lạy, có khi miễn cử hành nghi thức này (nghĩa là tùy nghi mà quyết định). Hành giả cung đầu gióng chuông tăng đường, đại chúng ai ai đều trở về chỗ mình ăn cơm mà đứng. Trụ trì bước vào tăng đường, trước hết đưa thủ tọa tiền đường, kế đến là các đầu thủ trở về vị trí dùng cơm. Các người này đều dập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy. Kế đến, trụ trì đưa thủ tọa hậu đường trở về vị trí ăn cơm, giáp mặt cùng giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy nhau một lạy. Cả ban tân tri sự trước tiên đứng tại bản đầu của Tây đường. Sau khi trụ trì quay về vị trí ăn cơm của mình, thì duy-na tiến đến trước mặt trụ trì vái chào vấn an xong đứng kế bên (trong trường hộp duy-na đã thoái vị thì do tri khách hoặc thị giả thay thế cử hành lễ này). Trụ trì lấy danh sách tân ban chấp sự giao cho duy-na, duy-na ngay đó vái chào vấn an, từ sau lưng tượng Thánh tăng bước vòng ra đánh một tiếng chùy gỗ bẩm bạch: “Kính bạch đại chúng! Các tiền tri sự đã tuyên bố thoái vị, nhưng chức vụ này không thể thiếu người. Vừa hay tuân phụng từ chỉ của Hòa thượng đường đầu thỉnh mời vị mỗ này sung vào chức vụ mỗ, vị mỗ kia sung vào chức vụ mỗ. Nay xin cẩn cáo bạch!”. Lại đánh một tiếng chùy gỗ nữa, thị giả vái chào mời cả ban tân tri sự đến trước trụ trì giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy. Duy-na bẩm bạch rằng: “Nghi thức bái thỉnh tân ban tri sự đến đây là dứt”, rồi lại đánh một hồi chùy gỗ. Cả ban tân tri sự trải tọa cụ lạy ba lạy hai lần, lời lẽ cảm tạ cũng giống như trước. Các tân tri sự chuyển từ sau tượng Thánh tăng theo phía bên phải tượng Thánh tăng mà ra trước tượng Thánh tăng đứng thành hàng, trải tọa cụ giập đầu đại lễ ba lạy. Duy-na hướng dẫn tân tri sự ban đi một vòng tăng đường, quay trở về đứng ngay chính giữa chào hỏi vấn an, rẽ lui ngang qua bản đầu của Tây đường mà đứng. Hành giả đường ty nói to: “Đại chúng hãy lạy mừng tân ban tri sự!”, rồi cùng giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy. Xong lại nói rằng: “Tân ban tri sự hãy lạy tạ ơn đại chúng!”, mọi người lại cùng giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy. Xong lại nói: “Đại chúng hãy đưa tân ban tri sự đến khố ty!”, hành giả cúng đầu dộng chuông tăng đường. Trụ trì đích thân đưa tân ban tri sự vào khố ty, cùng nhau giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy, tân ban tri sự đưa trụ trì ra khổi khố ty. Rồi đó tân cựu ban tri sự tiến hành nghi thức giao nhận chức vụ, chuyển người đứng giáp mặt nhau, cùng giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy, tân ban tri sự đưa cựu ban trị sự ra. Thị giả trước tiên chúc mừng, kế đó đầu thủ lãnh đạo đại chúng chúc mừng. Xong đâu đó, hành giả nói: “Đại chúng hãy đưa tân thủ tọa về liêu!”, rồi lại dộng chuông lần nữa đưa mừng. Xong nói rằng: “Đại chúng hãy đưa tân duy- na về đường ty!”, rồi lại thỉnh chuông đưa mừng. Kế đó nói: “Hai ban cựu chấp sự tăng thoái nhiệm hãy đưa tân thủ tọa hậu đường, thư ký, tạng chủ, tri khách trở về tăng liêu!”. Lễ tiết đưa, mừng cùng nghi thức giao nhận cùng với lễ tiết tân cựu tri sự giao tiếp giống nhau. Xong hành giả đường ty lại cao giọng nói: “Đại chúng hãy đưa cựu thủ tọa và Đô giám tự trở về tăng liêu!”, lại cũng dộng chuông biểu thị đưa mừng. Xong lại cao giọng nói: “Lưỡng ban cần cựu hãy đưa từ thủ tọa trở xuống là các cựu đầu thủ về mông đường, từ đô tự trở xuống là các cựu tri sự về liêu tiền tư!”. Lễ tiết cũng cử hành như đưa tân chấp sự trước đó. Kế đó, tân ban chấp sự tăng đưa tiễn trụ trì ra khổi khố ty và tân ban tri sự được liêu chủ ngay đó đến tiếp rước, cùng nhau chuyển người đứng giáp mặt, cùng nhau giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy, nhưng không cần đưa tiễn liêu chủ ra ngoài mà ngồi lại đón nhận chức mừng. Lễ tiết đưa tiễn, chúc mừng, đón tiếp xong, tân và cựu ban tri sự đều mang hương đến thất phương trượng bái tạ trụ trì. Hương của tân ban chấp sự do khố ty cụ bị. Lễ tạ ơn xong, tân cựu ban chấp sự cùng rảo một vòng các liêu thăm hỏi đại chúng. Phương trượng chiêu đãi mời dùng điểm tâm và bán trai. Buổi ngọ trai chỉ dọn cơm rau sơ sài, nhưng có mời Tây đường và cần cựu quang lâm bầu bạn. Các chức trách tạp vụ (từ liêu nguyên trở xuống) mãn nhiệm kỳ thì phải đợi khi trụ trì hoàn thành việc mời tân ban chấp sự lưỡng tự xong mới chọn ngày thuận tiện đến liêu duy-na (đường ty) bẩm báo xin thoái vị. Duy-na sẽ nhất nhất tuyển chọn nhân viên tạp vụ tốt mới cùng với nhân viên cũ tiến hành nghi thức giao nhận.

THỈNH MỜI TRI SỰ LÚC TREO BÁT

Có nơi trụ trì mời thỉnh tân tri sự nhưng không cùng mọi người thương lượng hỏi ý kiến trước mà âm thầm tự mình tuyển định người. Trước tiên dặn dò hành giả đường ty ngay tăng đường khi đại chúng vừa ăn cháo sớm xong treo bát bèn nói: “Đại chúng hãy tạm đứng lại giây lát để cử hành nghi thức thỉnh mời tân tri sự!”. Duy-na vào tăng đường đến trước tượng Thánh tăng đốt hương đi rảo một vòng quanh tăng đường rồi đến trước trụ trì chào hỏi vấn an rồi đứng kế bên, trụ trì đưa cho duy-na danh mục các tân tri sự mà mình mời thỉnh. Duy-na tiếp lấy ngay đó vái chào vấn an, rồi từ phía sau tượng Thánh tăng chuyển mình bước ra đánh một tiếng chùy bẩm bạch: “Kính bạch đại chúng! Vừa hay phụng mạng từ chỉ của Hòa thượng đường đầu mời thỉnh vị mỗ sung chức vụ tân tri sự”. Duy-na tuần tự bẩm bạch xong thì thị giả vái chào mời tân tri sự đến trước mặt trụ trì nhận chức, lễ tiết cũng như lễ mời thỉnh tân tri sự thông thường trước đó. Sau đó quay về thất phương trượng dùng trà, nghi thức thỉnh mời tân đầu thủ ở trường hộp này cũng giống như nghi thức thỉnh mời thông thường tân đầu thủ trước đó.

THỊ GIẢ THOÁI CHỨC, TỰU NHIỆM

Sau khi công tác thỉnh mời chấp sự tăng lưỡng tự hoàn tất, cựu thị giả theo trụ trì đến thất phương trượng bẩm báo rằng: “Bọn con đây thị phụng Hòa thượng đã lâu, nay muốn bẩm báo thoái chức theo đại chúng tu học đạo pháp. Ngưỡng mong Hòa thượng từ bi chấp thuận!”. Nói xong đốt hương, trải tọa cụ đại triển ba lạy rồi lui ra. Trụ trì đem ý kiến thỉnh mời tân thị giả phê duyệt rồi truyền cho đường ty (liêu duy-na). Duy-na đem bản phê duyệt này giao cho hành giả bảo y cứ theo bản phê duyệt thỉnh mời này mà bái thỉnh tân thị giả, lại bảo liêu nguyên cùng ra sức khuyên mời rồi cùng tân thị giả đến liêu duy-na uống trà. Sau khi mời vào, đốt hương dọn trà đãi xong rồi duy-na lại đứng dậy đốt hương tuyên bạch rằng: “Vừa hay phụng mạng từ chỉ của Hòa thượng đường đầu lệnh vị thượng tọa mỗ giáp sung chức thị giả”. Tuần tự bẩm bạch xong, vái chào mời người được mời thỉnh bước tới rồi cùng nhau giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy rồi chuyển vị trí đưa đến chỗ vị trí của thị giả. Duy-na vái chào mời ngồi, mời đốt hương rồi quay về vị trí thị giả mà ngồi. Sau khi dùng thang thủy xong, dẫn lên thất phương trượng. Trụ trì bước ra, duy-na tiến tới trước bẩm bạch: “Vừa hay phụng mạng từ chỉ của Hòa thượng bảo mời thỉnh vị mỗ sung chức thị giả mỗ. Nay đưa vị ấy đến đốt hương lễ bái Hòa thượng”. Trụ trì ngồi nghiêm trang trên vị trí mình, tân thị giả thắp hương, trải tọa cụ cử hành đại lễ lạy ba lạy. Xong, duy-na đưa tân thị giả trở về tăng liêu, cùng nhau giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy. Thị giả đưa duy-na ra khổi liêu rồi cùng cựu thị giả làm thủ tục giao nhận chức vụ, lễ tiết này cũng giống như lễ tiết giao nhận chức vụ của tân cựu đầu thủ [căn cứ vào Hàm Thuần thanh qui (thanh qui đời Hàm Thuần nhà Nam Tống)] ghi chép thì cũng có tình huống trụ trì đích thân tiễn đưa thị giả về tăng liêu. Phần thị giả phải giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy trụ trì một lạy rồi đưa ngài ra khổi tăng liêu. Nhưng căn cứ vào Chí Đại thanh qui (thanh qui đời Chí Đại nhà Nguyên) ghi chép thì chỉ khi nào có bậc danh sĩ đầy đạo đức sung vào chức thị giả thì trụ trì mới đích thân đưa vào liêu, giáp mặt giập tọa cụ xuống đất trí ý lạy một lạy, duy-na phải chúc mừng mà thôi. Không nên xem đây là thường qui]. Sau đó, hành giả thất phương trượng, kiệu phu và trực sảnh đường đến lạy mừng. Sau đó, hành giả đường ty dẫn thị giả cũ mới cùng rảo khắp các liêu một vòng để thăm hỏi đại chúng. Xong rồi, tân thị giả phải đến thất phương trượng thắp hương lạy tạ ơn trụ trì. Buổi đầu mới bàn giao chức vụ, cựu thị giả sớm tối luôn quanh quẩn bên cạnh tân thị giả để đến thất phương trượng hướng về trụ trì vái chào vấn an.

Ba ngày sau, trụ trì mới phê lệnh cho đường ty đưa cựu thị giả về liêu chúng tăng, cùng với duy-na đồng giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy nhau một lạy rồi mới đưa duy-na ra khổi liêu, kế đó vái chào cùng thăm hỏi liêu nguyên. Xong lại trở lên thất phương trượng đốt hương lễ bái tạ ơn trụ trì. Riêng thị giả Thánh tăng thì thuộc trách nhiệm của duy-na tuyển chọn, duy-na cùng với người trúng tuyển thương lượng, sau khi tựu chức được duy-na dẫn lên thất phương trượng lễ bái tạ ơn trụ trì, và theo lệ thường thì cũng có bày trà thang cùng điểm tâm mà gia dĩ khoản đãi.

* * *

CHẾ ĐỘ BÀN GIAO ĐỒ ĐẠC CỦA LIÊU XÁ

Đồ đạc của liêu xá do thường trụ sắm ra không phải dễ, nhưng thường thường các chức sự tăng hay xem liêu xá như là nhà khách truyền nhau từ người này sang người nọ, cho nên gặp lúc phải bàn giao rời chùa thì mặc cho hương nhân của mình mạnh ai nấy khuân vác lấy xài, khiến trong liêu xá chỉ còn trống lốc, khiến người tới tiếp nhận liêu xá đớ người ra chẳng biết phải làm sao, chỉ còn cách kê khai một danh mục vật dụng cần dùng, đến khố ty yêu cầu cung ứng. Nếu cung ứng không đủ thì chẳng tránh được chuyện trách móc phiền lòng, khiến trên dưới miệng mồm lời tiếng chẳng yên. Giá như (khố ty chiếu theo số vật dụng yêu cầu mà) cung cấp cho người mới nhận liêu xá, thì lại tăng thêm phần gánh chịu của thường trụ nhà chùa.

Dó đó mà khố ty nên thành lập một tổng sổ bộ, rành rõ ghi chép vật dụng các liêu trình trụ trì tri sự kiểm định, rồi tại mỗi liêu phân phát cho một sổ bộ nhỏ cũng ghi chép đầy đủ vật dụng của mỗi liêu, hai sổ lớn nhỏ này đối chiếu giống nhau mới được (khố ty và người quản sự các liêu mỗi bên giữ một sổ). Khi tân cựu chấp sự thay thế nhau thì phải căn cứ vào vật dụng ghi trong sổ bộ hiện còn mà giao nhận nhau, nếu có vật dụng nào hư hoại thì phải lấy của thường trụ mà tu bổ, còn nếu vật dụng nào mất mát thì người hiện ngụ tại liêu đó phải tự bồi thường. Lúc sắp tấn chức và thoái vị, thì trước đó vài ngày phó tự dẫn theo hành giả mang sổ bộ đến các liêu, trước hết kiểm điểm đối chứng rõ ràng. Trách nhiệm cụ thể do nhân bộc của liêu đó đảm đương, không được để vật dụng mất mát (mà phải giữ gìn cẩn thận). Nếu ai vi phạm điều lệ thì phải bị trách phạt bồi thường, hoặc giả vật dụng trong liêu có tăng thêm số mục sau khi kiểm kê thì phải kịp thời hạch toán ghi thêm vào sổ bộ để tiện kiểm chứng ngày sau.

* * *

PHƯƠNG TRƯỢNG ĐẶC BIỆT ĐÃI THANG THỦY TÂN – CỰU LƯỠNG TỰ

Thị giả thỉnh khách bảo hành giả khách đầu cụ bị mâm cây có phủ vải cùng lư hương đến chỗ tân cựu thủ tọa tiền đường đốt hương, giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy bẩm bạch: “Đường đầu Hòa thượng thỉnh trước buổi tiểu tham đến tẩm đường phương trượng để dự khoản đãi thang thủy”, kế đó đến trước tân – cựu đô tự đốt hương mời nhưng không lạy, lời lẽ cũng giống như mời thỉnh tân – cựu thủ tọa tiền đường nói ở trước. Kế đó đối với tân cựu chấp sự lưõng tự thì bảo khách đầu đến mời thỉnh, đồng thời cũng mời luôn cần cựu quang lâm bầu bạn. Treo bảng Đãi thang thủy ở tẩm đường, bày biện trang hoàng tòa vị, cần cựu quang lâm bầu bạn ngồi hai bên đối mặt nhau. Tân đầu thủ hàng nhất, tân tri sự hàng nhì, cựu đầu thủ hàng thứ ba, cựu tri sự hàng thứ tư. Phần các cần cựu khác dự quang lâm bầu bạn sắp ở hai bên chủ quang lâm bầu bạn, Tây tự ở bên trái, Đông tự ở bên phải.

Thị giả đốt hương cụ bị chiếu bài (tấm bảng ghi thứ tự chỗ ngồi). Đến giờ gióng trống, khách mời tập họp cùng với thị giả thỉnh khách hành lễ (cùng với tiểu tòa thang lễ giống nhau). Đến chiều tối, dọn thang thủy và trái cây khoản đãi. Qua ngày hôm sau, khi dùng cháo sáng xong, thỉnh tân – cựu dùng trà, khố ty cũng mời thỉnh dùng trà, nhưng không đến dự kịp mà phải đến thất phương trượng dùng trà xong, liền đến khố ty trí tạ buổi bán trai. Khố ty đãi điểm tâm đến dự bù lại, đưa người củ đãi cơm cháo ba ngày.

ĐƯỜNG TY ĐẶC BIỆT ĐÃI TRÀ THANG THỦY THỊ GIẢ MỚI CŨ

Buổi cơm sơ sài xong, duy-na bảo hành giả đường ty (liêu duy-na) thỉnh mời thị giả mới cũ cùng với thị giả của tượng Thánh tăng trước buổi tiểu tham, đến liêu duy-na (đường ty) đãi thang thủy.

Đường ty (liêu duy-na) bày biện vị trí ngồi, treo bảng nêu vị trí, thỉnh liêu nguyên quang lâm bầu bạn. Đánh vân bản trước liêu, tiếp rước khách vào vái chào ngồi (lễ cũng giống như của khách ty chiêu đãi). Phải nên đãi thang thủy trước thất phương trượng đãi thang thủy hầu không phương hại đến việc hành lễ, đợi cho phương trượng đặc biệt đãi tân thủ tọa dùng trà xong thì khố ty cũng đặc biệt mời thỉnh thị giả cũ mới dùng trà. Qua ngày hôm sau, các người được chiêu đãi phải trí tạ hai nơi.

KHỐ TY ĐẶC BIỆT THẾT ĐÃI LƯỠNG TỰ CŨ MỚI DÙNG THANG THỦY VÀ CƠM TỐI

Cơm rau xong, bảo hành giả khách đầu cụ bị mâm gỗ trải nắp vải, đặt lư hương, đuốc. Thượng thủ tri sự đến chỗ liêu của thủ tọa và đô tự cũ mới đốt hương bẩm bạch rằng: “Chiều tối nay, buổi chiêu đãi thang thủy ở thất phương trượng xong, xin mời đến khố ty đặc biệt đãi thang thủy. Cúi mong đến dự cho thêm phần trang trọng!”. Khách đầu nối gót mời thỉnh rằng: “Sau khi dùng thang thủy xong, xin tựu tòa dùng cơm tối!”, cũng mời thỉnh luôn các chức sự lớn nhỏ. Lại cũng mời thỉnh luôn Tây đường và cần cựu quang lâm bầu bạn, bày biện vị trí ngồi dự lễ và treo bảng phân định vị trí ngồi. Vị trí ngồi phân ra làm bốn hàng: tân đầu thủ hàng thứ nhất, cựu đầu thủ hàng thứ hai, cựu tri sự hàng thứ ba, trang khố hàng thứ tư. Tân tri sự cũng y theo ban mà bày vị trí, riêng duy-na tựu tòa quang lâm bầu bạn và cần cựu thì bày vị trí như phương trượng. Chờ cho buổi chiêu đãi thang thủy ở thất phương trượng xong xuôi rồi, khố ty đánh vân bản, mọi người y theo bảng phân vị trí đứng an định, đô tự đi rảo một vòng tòa vị xong vái chào mọi người mời ngồi rồi đốt hương mời mọi người thắp hương, y theo thứ tự các hàng tòa vị rảo một vòng vái chào vấn an, quay về chính giữa đốt hương mời khách quang lâm bầu bạn thắp hương, quay trở về vị trí của mình mà ngồi rồi dâng đãi thang thủy. Dùng thang thủy xong, các người được mời đứng dậy bước ra đến trước lư hương tạ ơn đãi thang thủy, xong rồi khoác y đến tòa vị dùng cơm tối.

ĐƯỜNG TY ĐƯA CỰU THỦ TỌA VÀ CỰU ĐÔ TỰ ĐẾN BÁT VỊ

Duy-na vào lúc ba ngày sau lúc lưỡng tự thoái chức và tựu nhiệm xong, mới vừa hừng sáng, dặn dò hành giả đường ty dẫn nhân lực xách đèn lồng mời cựu thủ tọa, cựu đô tự đến đường ty (liêu duy-na) dâng đãi thang thủy. Duy-na đón tiếp vào, đốt hương dùng thang thủy xong, bẩm bạch rằng: “Chức vụ thanh cao của các vị vừa mãn, theo lễ nhà chùa phải đưa về chỗ dùng cơm (bát vị)”. Nói xong, đưa đến tăng đường từ cửa sau vào. Trước đưa cựu thủ tọa, kế đến đưa cựu đô tự quay về vị trí bản đầu của họ. Mọi người cùng giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy nhau một lạy, ngay hôm đó ghi tên đến tăng đường.

PHƯƠNG TRƯỢNG KHOẢN ĐÃI LƯỠNG TỰ MỚI CŨ

Trụ trì nhất nhất đặc biệt mời thượng đường nêu tên cảm tạ xong, lưỡng tự cũ mới tựu lại dưới tòa cảm tạ. Thị giả thỉnh khách bảo hành giả khách đầu cụ bị mâm gỗ có trải nắp vải, đặt lư hương, đèn cầy và hộp nhang đến trước thủ tọa và đô tự cũ mới đốt hương bẩm bạch lời mời rằng: “Hòa thượng phương trượng vào lúc giờ ngọ, thỉnh mời các vị đến tẩm đường để khoản đãi!”. Khách đầu kế đó thỉnh mời những người cũ mới và cần cựu quang lâm bầu bạn. Tẩm đường bày biện vị trí ngồi và treo bảng phân định vị trí ngồi, khi khách đã tập họp đầy đủ thì báo trụ trì. Trụ trì bước ra đón tiếp mọi người vào tòa, y theo thứ tự ghi trong bảng phân vị trí mà lập định. Kế thị giả đốt hương cùng thị giả thỉnh khách rảo một vòng mời mọi người ngồi, xong đốt hương ngồi vào bàn dự tiệc. Cả ban thị giả sắp hàng trước trụ trì vái chào vấn an, rồi ngồi vào vị trí. Đến lúc dọn cơm thì thị giả đốt hương rời chỗ ngồi đốt hương. Cử hành bố thí quà tặng và dùng cơm xong, rời khổi bàn tiệc, gióng trống cử hành lễ đãi trà (cũng giống như lễ đặc biệt mời thang thủy). Sau đó, gióng trống ba tiếng lui ra khổi tòa. Những người mới cũ cùng trải tọa cụ lạy giập đầu theo đại lễ ba lạy hai lần để bái tạ.

PHƯƠNG TRƯỢNG ĐẶC BIỆT ĐÃI TRÀ TÂN THỦ TỌA

Khoản đãi xong, sáng hôm sau thị giả đốt hương phúc bẩm lại với trụ trì, bảo hành giả khách đầu cụ bị mâm gỗ có nắp vải cùng lư hương, đèn cầy và nhang. Thị giả thỉnh khách viết bảng thông báo đãi trà (hình thức cũng giống như khi đãi thủ tọa danh đức nói ở trước), đến liêu của tân thủ tọa, đốt hương giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy, bẩm bạch rằng: “Hòa thượng đường đầu mời sau buổi độ trai đến vân đường đặc biệt đãi trà, cúi mong đến dự để tăng thêm phần trang trọng!”. Khách đầu báo đại chúng treo bảng báo Đãi trà, cùng thỉnh mời tri sự và đại chúng quang lâm bầu bạn, bày trí bảng phân vị trí. Thị giả hành lễ (đều giống như bốn lễ tiết nêu ở trước, nhưng tại bốn bản đầu không để bàn đặt lư hương. Lại cũng không rảo một vòng tăng đường thỉnh mời trà). Lễ dứt, thu dọn chén trà của trụ trì và thủ tọa. Thủ tọa tiến đến trước trụ trì làm lễ đại bái, lần trải tọa cụ thứ nhất nói: “Hôm nay đây đặc biệt mong được dự lễ khoản đãi trà, ý tứ quá ân cần, trong lòng không khổi hết sức cảm kích hổ thẹn!”. Lần trải tọa cụ thứ nhì nói lời chúc tụng chuyện ấm lạnh hằng ngày. Xong đâu đấy, giập tọa cụ xuống đất trí ý lạy ba lạy. Thủ tọa từ phía sau tượng Thánh tăng theo phía bên phải mà bước ra trước tăng đường, trụ trì lại đưa vào vị trí cũ nâng chén. Thị giả đốt hương cảm tạ khách quang lâm bầu bạn xong đâu đấy thu dọn chén, gióng trống ba tiếng lui khổi lễ tòa. Thủ tọa vẫn đứng tại phía phải bên ngoài pháp đường đợi trụ trì ra để tạ ơn đãi trà.

TÂN THỦ TỌA ĐẶC BIỆT ĐÃI TRÀ THỦ TỌA VÀ ĐẠI CHÚNG Ở HẬU ĐƯỜNG

Sau khi được phương trượng đặc biệt đãi trà rồi. Sáng hôm sau, tân thủ tọa ôm hương đến thất phương trượng bái thỉnh rằng: “Sau bữa độ trai, đặc biệt mời thủ tọa và đại chúng hậu đường đến vân đường (tăng đường) để đãi trà, cúi mong từ bi đến để tăng thêm phần trang trọng!”. Kế dâng trạng mời (hình thức chép phía sau), rồi cụ bị mâm gỗ có trải nắp vải, đặt lư hương, đèn cầy, đến liêu thủ tọa hậu đường đốt hương bái thỉnh rằng: “Sáng mai lúc độ trai xong, xin mời đến vân đường đặc biệt đãi trà. Cúi mong đến để tăng thêm phần trang trọng!”. Trình nạp tờ trạng mời xong, bảo trà đầu của liêu mình giao phó cúng đầu tờ thông báo cho đại chúng, dán ở phía bên trái của tăng đường, bì thư dán phía trước tờ văn trạng thông báo. Kế đó bảo hành giả đường ty (liêu duy-na) thông báo đại chúng treo tấm bài Đãi trà, đoạn đánh một hồi dài vân bản, đi rảo một vòng trong tăng đường mời dùng trà (gióng trống tập họp chúng hành lễ cùng với lễ đãi trai thông thường giống nhau).

Hình thức văn trạng thỉnh mời:

Thủ tọa tiền đường là tỉ-kheo mỗ, có mỗ (tân thủ tọa) sáng nay sau buổi độ trai đến vân đường mở tiệc đãi trà đặc biệt khoản đãi thủ tọa hậu đường và đại chúng, đồng thời mời thỉnh các vị tri sự cùng tưởng nghĩ mà quang lâm!

Ngày … tháng … kẻ dâng thư trạng này là mỗ

Bì thư đề

Thỉnh thủ tọa hậu đường và đại chúng

Kẻ cụ bị bì thư là mỗ kính cẩn dán

TRỤ TRÌ TƯỞNG NGHĨ THĂM HỎI ĐẦU THỦ ĐÃI TRÀ

Lễ đãi trà và thang thủy xong, sau buổi độ trai, trụ trì đến liêu các đầu thủ đãi trà, thong dong ôn tồn thăm hỏi kiểm điểm mọi thiếu thốn, tùy tình hình mà bảo khố ty cung ứng thố biện.

TIỆC TRÀ ĐÃI LƯỠNG TỰ GIAO NHẬN CHỨC VỤ

Theo dõi phương trượng đặc biệt đãi trà tân thủ tọa xong, theo thứ lớp các tân chức sự cụ oai nghi, ôm hương đích thân đến liêu các người được thay thế, thắp hương giáp mặt giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy một lạy, mời thỉnh rằng: “Sau buổi độ trai, bái thỉnh hạ mình đến liêu đãi trà!”, rồi tiếp đó bảo trà đầu mời lưỡng tự mỗi nơi một người cần cựu ở Đông Tây tự mỗi nơi một người quang lâm bầu bạn (nếu mời trà Tây tự thì tri sự ngồi hai bên đối mặt nhau, đối với các đầu thủ đồng hàng, thỉnh bậc dưới một người quang lâm bầu bạn, nếu người bậc trên đến dự tòa có điều không tiện. Mời trà Đông tự thì đầu thủ ngồi hai bên giáp mặt nhau, nếu như duy-na hiện cư vị ở Đông tự thì lúc mời trà, mời bậc nhỏ hơn là phó tự một người đến dự). Phía hướng nội trong liêu thiết đặt tòa vị, chủ tịnh ngồi hai hàng giáp mặt nhau, hai bên phải trái là vị trí của người quang lâm bầu bạn. Sau buổi độ trai, đánh vân bản trước liêu, tiếp thụ người được mời, kế đón tiếp người quang lâm bầu bạn, vào vị trí rồi thị giả vái chào mời ngồi, đốt hương mời thắp hương, đốt hương mời những người quang lâm bầu bạn đốt hương, vào tòa bày trà khoản đãi. Đãi trà xong, người được thay thế đứng dậy đem nguyên thỉnh hương cắm và lư hương, giập tọa cụ xuống đất trí ý bái tạ rồi lui ra. Ngày hôm sau, bảo hành giả đường ty (liêu duy-na) mời hai bên giao và nhận chức vụ dùng điểm tâm, có mời một bậc danh đức quang lâm bầu bạn. Nếu là thủ tọa tiền đường giao nhận thì mời Tây đường và cần cựu mỗi nơi một người quang lâm bầu bạn, nếu là thuộc ban khố ty giao nhận thì thỉnh mời Tây đường, cần cựu và đầu thủ quang lâm bầu bạn. Khố ty bài trí đóng treo hướng vào bên trong thiết vị trí người được đãi, hai bên phải trái bày vị trí của những người quang lâm bầu bạn. Đầu thủ và chủ tịnh phân ra hai bên ngồi đối diện nhau, đồng tự với nhau ngồi theo ban vị của mình. Ngày hôm sau điểm tâm, vị trí các chỗ ngồi cũng như hôm qua. Tây tự vị trí ở tri khách, Đông tự vị trí ở duy-na. Phàm thị giả giao nhận nhiệm vụ, đãi trà và điểm tâm nên thỉnh mời duy-na quang lâm bầu bạn (thiết bày vị trí và hành lễ cũng giống như các chức vụ khác giao nhận). Thời gần đây, nhân điểm tâm mà hành giả thỉnh khách thỉnh mời luôn hương khúc là không đúng lễ vậy.

ĐÃI TRÀ VÀO LIÊU, RA LIÊU

Người vào mông đường bẩm bạch với liêu chủ treo tấm bài báo Đãi trà, bên trái tấm bài có dán miếng giấy nhỏ viết: “Mỗ lạy mời tôn chúng tất cả các liêu, sau bữa độ trai tựu thượng liêu”. Sau bữa trai, cụ bị hương, đèn cầy cùng nhau vái chào vấn an, chào mời liêu chủ ở vào chủ vị, còn người đãi trà ở vào vị trí khách. Ngồi giây lát đứng dậy đốt hương vái chào vấn an. Lại ngồi bày trà, uống xong thu dọn chén. Liêu chủ đứng lên đứng trước lư hương trí tạ. Từ bậc mông đường ra nhận chức đầu thủ đều có đãi trà giao nhận chức vụ xong ngày khác bảo trà đầu bẩm báo với liêu chủ treo tấm bài báo Đãi trà, dùng trai xong đánh tấm bản nhỏ trong liêu. Người dọn đãi trà đứng bên phải cửa liêu chào mời mọi người vào rồi đến trước lư hương vái chào vấn an. Liêu chủ ngồi ở chủ vị, người dâng đãi trà chia ngồi hai bên đối diện nhau. Ngồi giây lát đứng dậy đốt hương vái chào vấn an, lại ngồi xuống hiến trà. Xong, liêu chủ và đại chúng đứng dậy đến trước lư hương trí tạ rồi tiễn đưa người đãi trà ra. Từ các liêu mà ra nhận chức đầu thủ, bảo trà đầu báo với liêu chủ treo tấm bài báo Đãi trà. Sau bữa trai, đánh bản rồi trước hết đứng bên phải các liêu chào mời đại chúng vào vị trí ổn định trong liêu, đoạn vái chào vấn an rồi vái chào mời ngồi. Sau đó đến khoảng giữa và hai khoảng phải trái đốt hương, sau đó lại tại khoảng giữa và hai bên phải trái vái chào vấn an, ngay khoảng giữa vái chào vấn an. Liêu nguyên vái chào người đãi trà, đến vị trí đối diện mà ngồi. Đãi trà xong, liêu nguyên đến trước lư hương trí tạ rồi tiễn đưa khổi liêu. Vào các liêu đãi trà, lễ tiết cũng giống như đãi trà lúc ra khổi liêu, nhưng do liêu nguyên và liêu trưởng phân ra vị trí chủ khách, tự mình không thể đương nhiên vào vị trí mà ngồi.

ĐẦU THỦ VÀO TĂNG ĐƯỜNG ĐÃI TRÀ

Theo dõi đợi cho lễ đãi trà người ra khổi liêu xong, cụ bị bảng báo đãi trà (dạng thức chép phía sau), bảo trà đầu dán tại bên gian tri tăng đường. Cụ oai nghi thỉnh mời phương trượng đãi trà. Các liêu treo bảng báo Đãi trà thông báo mời đại chúng, dự bị bảo cúng đầu nấu thang thủy và bày chén. Khố ty cụ bị trà, đèn cầy, dùng trai xong thì tựu tòa đãi trà. Đầu thủ đãi trà vào tăng đường đốt hương dâng trà đãi (cùng với lễ mùng một, ngày rằm giống nhau).

Hình thức bảng thông báo mời đãi trà:

Liêu xá của mỗ chật hẹp, không dám mời quí vị đến dự nơi đó. Sáng mai sau khi dùng bữa trai xong, xin tựu tại tăng đường đãi trà nơi đó. Cúi mong đại chúng từ bi cùng đến để tăng thêm phần trang trọng! Ngày … tháng … cụ vị mỗ bái thỉnh Kính mời

Các thiền sư biện sự chùa ta.

Các thiền sư ẩn tích, danh đức.

Các thiền sư hương khúc, đạo cựu.

Các thiền sư, tôn chúng các đường.

LƯỠNG TỰ XUẤT BAN DÂNG HƯƠNG

Phàm xuất ban thượng hương hành hương phải đánh chập chỏa, duy-na ra trước lư hương hướng về bên ngoài đứng nghiêng, vái chào trụ trì mời thượng hương (thị giả bưng hộp hương), kế đó vái chào lưỡng tự, cùng đối mặt nhau mà ra ngoài, chuyển thân vái chào vấn an trụ trì (gọi là tá hương) rồi sau đó mới thượng hương (dâng hương). (Nếu gặp Thánh tiết hay giỗ kị Phật Tổ các pháp sư nối tự thì không tá hương và chào hỏi vấn an), nếu có lập ban Tây đường thì trước hết phải dâng hương, hoặc giả là có kẻ cho là thượng tọa đã xuất thế thì phải dâng hương là sai trật, thực ra nguyên do là cùng với đô tự xuất ban.

Chương Tây tự hết.

CHƯƠNG 7 – ĐẠI CHÚNG

Nước trở về hư vô, cây mọc trên rừng, lấy việc tụ hội làm đông đảo. Ôi nay thì các chùa lớn, đại chúng cư ngụ có đến cả ngàn người. Do đó phải vét hết kho để thổi, đốt đỏ núi để nấu, ấy cũng vì đông người tụ họp vậy. Nhưng người từ bốn phương qui tụ về chùa, nếu chỉ lấy cái cố hữu thì chẳng biết phải làm sao. Bởi vì đức Phật cho rằng con người lưu chuyển trong ba cõi, ngụp lặn trong sanh tử, duy chỉ có kẻ sáng đạo, ngộ tánh vượt đến diệu giác thì quần sanh dị loại đều nhờ cậy vào cái thiện của họ. Nhưng phàm huấn luyện đồ đệ thì ai cũng muốn họ giống được như mình, cho nên ai ai cũng đối đãi với đồ đệ như đối đãi với thầy của mình. Tuy tăng chúng chen vai nối bước mà đến, duy chỉ sợ là cung phụng nhu cầu cho họ không đủ, chứ không dám lấy việc đông đảo mà lơ là. Nếu không thì chuyện chỉ vì một tấc đất, một đấu lúa mà kiện cáo nhau sẽ xảy ra thật nhiều. Thí chủ há chỉ riêng ngu si cam hủy hoại tiền của để cơi nới rộng liêu xá cho chúng ta ở, hao mất cơm gạo để nuôi chúng ta ăn. Bọn ta ở như thế, ăn như thế thì biết làm sao đây? Biết làm sao đây?

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Ái Đạo Bát Niết Bàn - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Đồng Tử Quang Minh - Kinh Tạng
  • Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát Cát Tường Già Đà - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Kinh Tạng
  • Kinh Lục Độ Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Quảng Tụ - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Thiền Sư Tào Sơn Bản Tịch - Kinh Tạng
  • Đại Đường Tây Vực Ký - Kinh Tạng
  • Quy Nguyên Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Cúng Dường Dược Sư Thất Phật Kinh Như Ý Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng