1
2
3
4
5
6
7
8
9

QUYỂN 8

CHƯƠNG 9 – PHÁP KHÍ

Đời thượng cổ có cảm hóa mà không có giáo huấn. Nhưng vì cảm hóa không đủ nên phải tạo ra lễ nhạc. Ca bằng kích nhưỡng không bằng tấu khúc cửu thành; dùng chén oa tôn không bằng sử dụng ngũ tề. Văn hoa phát sinh từ thực chất, nên cái quý giá là bản chất vậy. Bậc thánh nhân của ta người Thiên Trúc, ban đầu dạy dỗ giáo hóa chúng sinh cho rằng mọi người đều có diệu giác, không ai phàm, ai thánh; muôn vật đều thuần chân, há có cái gì dơ, cái gì sạch. Không cần nhờ đến sự tu chứng, chẳng liên quan gì đến việc dụng công. Nhưng mà những kẻ mê muội, lù mù ngớ ngẩn như mù lòa, điếc lác. Bởi thế, đức Thế Tôn tùy theo căn cơ mà thiết lập giáo pháp, đánh kiền chùy, họp tăng chúng, tuyên thuyết ba tạng Thánh giáo, tu tập theo pháp môn thiền định. Trải qua 49 năm thì hoá nghi xong. Thế rồi, các bậc cổ đức dùng các thứ như ngói, gỗ, đồng, sắt có thể phát ra âm thanh chế tạo thành chuông, khánh, nạo bạt, cái dùi (chùy), bản, loa, bối mà tiếng Phạn gọi là Kiền chùy để sử dụng. Và thiền lâm từ xưa đến nay mô phỏng theo đó mà chế tạo ra các pháp khí dùng để đánh thức những kẻ hôn trầm, lười biếng, khiến họ nghiêm túc tuân theo quy củ mà giải trừ sự trì trệ trở thành người lanh lợi sáng suốt. Nếu bàn về đại định thì thường vắng lặng có công dụng lớn lao: nghe mà chẳng phải nghe, biết mà cũng như không biết; nhờ có khua động kích thích mà ngọn gió mầu nhiệm thổi tung; không suy nghĩ, không hành động mà hóa nhựt trường cửu; thênh thang thay cảnh giới nhân ái trường thọ; ung dung thay xứ sở an ổn thái bình!

CÁC LOẠI CHUÔNG – ĐẠI HỒNG CHUNG

Hiệu lệnh của Tùng lâm nhờ vào các loại chuông này. Đánh vào buổi sáng là để phá tan đêm dài, đánh thức sự ngủ nghỉ, còn đánh vào buổi chiều là để thức tỉnh hôn mê, giải tỏa u ám. Kéo chày dộng chuông phải chậm rãi khiến cho tiếng vang được kéo dài. Thông thường mỗi lần đánh là ba hồi, mỗi hồi ba mươi sáu tiếng, tổng cộng là 108 tiếng. Khi khởi đầu và lúc kết thúc phải nhịp ba tiếng, hơi nhanh một chút, và người đánh chuông tưởng niệm bài kệ:

“Nguyện tiếng chuông này siêu pháp giới,

Thiết vi tăm tối thảy đều nghe.

Sức nghe thanh tịnh chứng viên thông,

Hết thảy chúng sinh thành Chánh giác”.

Đồng thời niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, vừa đánh, vừa niệm lợi ích rất lớn.

Nếu gặp ngày Thánh tiết, tụng Kinh, ra vào chánh điện, nhằm dịp tụng niệm các ngày mồng tám, mười tám, hăm tám, các ngày lễ Phật đản sinh, thành đạo, Niết-bàn, hay lúc thiết lập pháp hội Lăng nghiêm, lúc cơm cháo quá đường, nhập định đều đánh 108 tiếng. Còn khi đánh để đưa đón các quan viên, Trụ trì, tôn túc thì không hạn chế 108 tiếng mà có thể tùy nghi nhiều hay ít. Việc này do Khố ty chủ trì.

CHUÔNG TREO Ở TĂNG ĐƯỜNG

Chuông này dùng để đánh khi tập họp Tăng chúng. Mỗi khi Trụ trì đến thăm đại chúng hay vào tăng đường thì đánh bảy tiếng. Còn khi kết thúc các bữa cơm cháo Tăng chúng rời khổi trai đường, lúc phóng tham, các ngày mồng một, ngày rằm, lúc tuần đường, uống trà, rời khổi thiền sàng thì đánh ba tiếng (nhưng nếu Trụ trì không đến tham dự hay vắng mặt thì không đánh). Khi Tăng chúng niệm tụng tại Tăng đường thì mỗi tiếng niệm Phật đánh nhẹ một tiếng và cuối cùng đánh “double” (xấp đôi) một tiếng. Việc này do Đường ty chủ trì.

CHUÔNG ĐỂ Ở CHÁNH ĐIỆN

Vào các buổi sáng và tối, khi Trụ trì vào thắp hương, đánh bảy tiếng chuông này. Thông thường khi tập hộp tăng chúng lên chánh điện thì đánh chuông này nối tiếp với chuông ở tăng đường, và do Duy-na điều khiển.

Truyện Cảm thông kể rằng: “Đức Phật Câu-lưu-tôn khi ở viện Càn Trúc Tu-đa-la có chế tạo một cái chuông bằng đá xanh. Vào lúc mặt trời xuất hiện có các vị Hóa Phật cùng xuất hiện một lần với mặt trời, đã bí mật tuyên thuyết hiển giáo, và được xếp thành mười hai thể loại Kinh điển. Những người được nghe giáo pháp này chứng đắc Thánh quả không thể kể xiết”.

Kinh Tăng nhất A-hàm cũng nói: “Khi đánh chuông, tất cả mọi nỗi khổ trong đường ác đều được ngừng lại”.

Còn sách Kim lăng chí viết: “Thuở ấy, có một người dân bị chết đột ngột, xuống cõi âm ty, thấy một người bị gông cùm bằng năm thanh gỗ nói với ông: ‘Ta là tiên chúa của Nam Đường, vì ta giết nhầm quân Tống Tề và quân đầu hàng của một châu mà đến nỗi này. Mỗi lần được nghe tiếng chuông thì sự đau khổ của ta tạm thời chấm dứt. Nhờ ngươi khi trở về dương thế nói với tự quân (vua kế ngôi) đúc đại Hồng chung mà đánh để giúp ta bớt khổ’. Tên dân ấy khi được sống lại, trở về dương thế, thuật lại đầy đủ với Hậu chúa. Nhân đó, Hậu chúa cho đúc đại Hồng chung treo tại chùa Thanh Lương, trên chuông khắc hàng chữ “Kính dâng liệt tổ khảo cao hoàng đế thoát cảnh u đồ, lìa nơi ách nạn”.

BẢN

Bản lớn dùng để đánh vào hai bữa cơm và cháo. Sau khi đánh ba tiếng mõ thì tiếp đánh ba hồi bản dài, gọi là trường bản. Lúc tụng kinh Lăng nghiêm hay cảnh giác về việc củi lửa thì đánh ba tiếng, còn khi báo canh thì tùy theo canh giờ tuần tự mà đánh. Tại phòng phương trượng, Khố ty, liêu Thủ tọa và các liêu của đại chúng đều có loại bản nhỏ. Bản này, khi khai tĩnh (đánh thức chúng) thì đánh một hồi dài, khi thông báo cho đại chúng thì đánh ba tiếng. Các liêu của tăng chúng đều có hai loại bản, bản để trong liêu và bản đặt ngoài liêu. Bản đặt ngoài liêu, hằng ngày khi đại chúng vấn an nhau, đánh ba tiếng; khi đại chúng vào Thiền đường, ngồi thiền, tham vấn đều tuần tự đánh ba tiếng; còn lúc đãi trà nước thì đánh một hồi dài. Bản để trong liêu dùng khi quải đáp, lúc đại chúng trở về liêu phòng, đánh ba tiếng; lúc đem ly tách ra để uống trà nước đánh hai tiếng; lúc thu dọn ly tách đánh một tiếng; lúc kết thúc tiệc trà nước đánh ba tiếng; còn khi đãi nước đơn sơ thì đánh một hồi dài.

Loại mõ này dùng vào các dịp: hai bữa cơm cháo, đánh hai hồi dài; đợi khi tập họp tăng chúng để lao động tập thể, đánh một hồi dài; khi triệu tập các hành giả (người làm các tạp sự), đánh hai hồi.

Có truyền thuyết cho rằng loài cá đêm ngày thường tỉnh thức, cho nên khắc hình cá vào cây chày gỗ để đánh thì sẽ cảnh tỉnh được sự hôn trầm và lười biếng.

KIỀN CHUỲ

Loại Kiền chùy này được sử dụng vào các dịp: Hai thời cơm cháo; lúc mở nắp bát tại tăng đường; lúc dọn thức ăn, mời ăn, niệm Phật, lúc bạch chúng bố thí phẩm vật, đều do Duy-na đánh; còn khi rời khổi trai đường thì do Thị giả đánh. Và khi Tri sự nghỉ việc hay nhậm chức cũng sử dụng Kiền chùy này. Hoặc lúc Trụ trì nhậm chức, lên tòa thuyết pháp, thì các vị Thượng thủ của các chùa bạn đánh, và được gọi là bạch chùy.

Một hôm, đức Thế Tôn lên pháp tòa, đại chúng vân tập đâu đó ổn định, Bồ-tát Văn Thù bạch chùy rằng: “Hãy quán chiếu cẩn thận pháp yếu của đấng Pháp vương. Pháp yếu của đấng Pháp vương là như vậy (chân thật)”. Thế rồi, đức Thế Tôn liền bước xuống pháp tòa.

KHÁNH

Khánh lớn do Trực điện đánh khi Trụ trì, Tri sự thắp hương vào hai buổi sớm, tối tại chánh điện, còn khi làm lễ xướng y thì do Duy-na đánh. Lúc hành giả cạo tóc xuất gia thì vị xà-lê đọc bằng tiếng Phạn đánh. Còn chiếc khánh nhỏ thì Đường ty hành giả thường đem theo bên mình, hễ khi nào gặp tăng chúng tụng kinh thì đánh lên, vì đây là công cụ dùng làm hiệu lệnh cho việc khởi đầu và kết thúc các buổi lễ.

CHẬP CHÕA

Khi Duy-na vái chào mời Trụ trì, Lưỡng tự rời vị trí đến thắp hương trước điện Phật, hoặc khi chuyển pháp luân, chúc tán tại tạng điện đều sử dụng đến chập chõa và do hành giả đảm trách. Khi tiếp dẫn vong linh, khi cạo tóc cho hành giả xuất gia, lúc tăng chúng hành đạo, đón tiếp Trụ trì mới đến nhậm chức tại Thiền viện đều đánh chập chõa.

CÁC LOẠI TRỐNG

Trống dùng khi tiến hành các phật sự.

Khi Trụ trì lên toà thuyết pháp, lúc tiểu tham, phổ thuyết, nhập thất đều đánh trống này. Cách đánh trống: lúc thượng đường đánh ba hồi, trước hết nhịp nhẹ nhẹ vào thành trống ba cái, rồi mới từ từ đánh mạnh tay khiến cho tiết tấu nhanh chậm thích hộp, sự trầm bỗng tương ưng, âm thanh điều hòa, tiếp nối liên tục, vang vang rền rền, giống như tiếng sấm động mùa xuân. Hồi thứ nhất, tiếng trống chậm rãi kéo dài, nghỉ một lát rồi đánh hồi thứ hai, tiếng trống liên tục, hơi nhanh và không cho gián đoạn, kế đến đánh hồi thứ ba, âm thanh cuộn vào nhau; thế rồi, chờ cho Trụ trì lên pháp tòa ổn định mới kết thúc bằng cách chập hai dùi lại đánh ba tiếng cuối cùng. Còn như lúc tiểu tham thì đánh một hồi, lúc phổ thuyết thì đánh năm tiếng, khi nhập thất thì đánh ba tiếng, và đều đánh một cách chậm rãi.

Trống đánh khi uống trà

Trống này do thị giả đánh, và đánh một hồi dài.

Trống đánh lúc thọ trai

Trống này đánh ba hồi khi đến trai đường, vào dịp lễ đầu tháng, và đánh hơi nhanh một chút.

Trống đánh lúc tập hộp đại chúng lao động

Đánh một hồi dài.

Trống đánh vào các canh giờ

Các tự viện thường vào buổi sáng sớm và buổi tối đánh ba hồi trống này một cách khoan thai. Ngoài ra, tùy nghi có thể đánh vào các canh giờ, và do Đô tự đảm trách.

Trống đánh báo hiệu giờ đi tắm

Trống này được đánh bốn hồi báo hiệu giờ đi tắm của chúng tăng (xem đầy đủ chương Tri dục) và do vị Tri dục đánh.

Các loại pháp khí kể trên phải sử dụng đúng quy định, thông thường không được dùng sai cách thức. Khi vị tân Trụ trì đến nhậm chức tại tự viện thì các pháp khí đều đồng loạt đánh lên.

Kinh Kim quang minh nói: “Bồ-tát Tín Tướng đêm nằm mộng thấy chiếc trống bằng vàng có hình dáng to lớn đẹp đẽ, ánh sáng tỏa chiếu giống như ánh sáng mặt trời. Trong ánh sáng ấy, Bồ-tát thấy mười phương chư Phật đang ngồi trên các tòa lưu ly trong rừng cây báu thuyết pháp cho hàng trăm nghìn quyến thuộc đang ngồi xung quanh. Có một người giống như Bà-la-môn cầm chiếc dùi đánh trống, khiến trống phát ra tiếng kêu vang rền, tiếng ấy tuyên thuyết một bài kệ sám hối. Sau khi tỉnh mộng, Bồ-tát Tín Tướng đi đến chỗ đức Phật, thuật lại cho đức Như Lai những gì mình đã nghe, thấy trong giấc mộng như chiếc trống bằng vàng và bài kệ sám hối”.

Kinh Lăng nghiêm cũng kể rằng: “Phật bảo tôn giả A- nan: Như ông đã nghe trong vườn Kỳ-đà này khi cơm đã dọn xong, trống được đánh lên, tăng chúng vân tập, tiếp theo là chuông đánh, khiến tiếng chuông trống trước sau liên tục . Ông nghĩ thế nào? Đó là âm thanh nhập vào hai tai, hay hai tai tiếp thu âm thanh?”

Chương Pháp khí hết.

PHỤ LỤC

Phần phụ lục sách Sắc tu Bách Trượng thanh qui có 7 bài minh tựa như sau:

1. Bài minh khắc trên tháp cố Thiền sư Hoài Hải, núi Bách Trượng, Hồng Châu, đời Đường (Trần Hủ soạn)

2. Bài ký gác thiên hạ sư biểu, chùa Đại Trí Thọ Thánh, núi Bách Trượng

3. Bài nguyên tựa sách Bách Trượng thanh qui (Dương Ức soạn)

4. Bài tựa Thanh qui đời Sùng Ninh

5. Bài tựa Thanh qui đời Hàm Thu?n;

6. Bài tựa Thanh qui đời Chí Đại;

7. Bài tựa của Sắc tu Bách Trượng thanh qui

Vì thấy nội dung có phần giống nhau, nên chúng tôi chỉ dịch bốn bài tiêu biểu, đó là các bài 1, 2, 3 và 7.

BÀI MINH KHẮC TRÊN THÁP CỐ THIỀN SƯ HOÀI HẢI, NÚI BÁCH TRƯỢNG, HỒNG CHÂU, ĐỜI ĐƯỜNG

TƯỚNG SĨ LANG THỦ ĐIỆN TRUNG THỊ NGỰ SỮ TRẦN HỦ SOẠN

THỦ TÍN CHÂU TY HỘ THAM QUÂN VIÊN NGOẠI TRÍ ĐỒNG CHÁNH VIÊN VŨ DỰC HOÀNG VIẾT CHỮ

Tinh đẩu vần xoay, núi non hiểm trở như ngọn Linh Thứu. Bậc Thượng thủ trong hàng sa-môn là Thiền sư Hoài Hải, lập am thất nơi đây, xây bảo tháp nơi đây và trao truyền đại pháp cũng tại đây. Các đệ tử của tông môn e bảo tháp bị di dịch, thời gian lâu không được ghi chép nên nhờ nhà Nho soạn bài minh để nêu rõ sự tích. Giáo pháp của phương Tây (Ấn Độ) truyền sang Trung Quốc, thì Lục độ của Phật giáo được xem như Ngũ thường của Trung Hoa ta, cải ác theo thiện, khác đường mà cùng về một nẻo. Chỉ duy nhất Thiền tông là độ khổi sinh tử, và chỉ có bậc đại trí tuệ mới đạt được. Từ Kê Túc (chỉ Tổ Ca-diếp) cho đến Tào Khê (tổ Huệ Năng) thì sự truyền thừa đều được ghi chép tường tận.Tào Khê truyền cho Hòa thượng Hoài Nhượng ở Quan Âm đài Hành Nhạc. Hoài Nhượng truyền cho Hòa thượng Đạo Nhất ở Giang Tây. Đạo Nhất sau khi viên tịch được ban thụy hiệu là Thiền sư Đại Tịch. Đại Tịch truyền cho Đại sư (Hoài Hải). Thế rồi thầy trò trao truyền cho nhau trải qua chín đời tại cõi Đông độ (Trung Hoa). Đại sư họ Vương, người huyện Trường Lạc, Phúc Châu, Thái Nguyên. Vào khoảng năm Vĩnh Gia bị giặc giã loạn lạc, viễn tổ của Sư di cư sang đất Mân Ngung. Vì nhân duyên lớn lao, Đại sư sinh ra đời vào thời kỳ cuối của tượng pháp. Khi Sư vào bào thai thì mùi hôi tanh tan biến; lúc sắp chào đời thì sự thần dị hiển hiện; tuổi còn ấu thơ mà điều linh Thánh đã bộc lộ. Nếu chẳng do vun bồi cội gốc phước đức từ đời trước thì làm sao có được những điềm hiệu linh ứng như vậy. Sư xuống tóc xuất gia với Hòa thượng Tuệ Chiếu ở Tây Sơn, thọ giới cụ túc với Luật sư Pháp Triêu ở Hành Sơn.(Nghĩ đến đạo nghiệp tương lai) Sư than rằng: “Muốn rửa sạch nguồn mê vọng phải bơi qua biển pháp; quyết định ngày chứng ngộ cần nương nhờ những lời chỉ dạy. Thế rồi, Sư đi đến Lô Giang, đóng cửa đọc Đại tạng Kinh suốt mấy năm không ra khổi phòng. Sư thờ thiền sư Đại Tịch (Đạo Nhất) làm thầy, đạt được tâm ấn rốt ráo, khiến lời nói giản dị mà nghĩa lý sâu xa, diện mạo hòa nhã mà thần thái sáng suốt, hễ ai thấy Sư đều đem lòng cung kính. Sư thường cư xử khiêm tốn, khéo léo khước từ danh tiếng. Vì thế mà văn bia của Tiên sư giấu bớt lời ca tụng. Sư lao động giống như đại chúng, cho nên môn nhân ai nấy dốc sức làm việc hết lòng. Kẻ oán người thân đều quên, nên không để ý đến chuyện cũ. Kẻ hiền người ngu đều đối xử như nhau, nên tiếp độ được nhiều người đến tham học. Sư thường dạy rằng ba thân không đình trụ, vạn hạnh đều trống không; tà chánh đều vứt bỏ, nguồn dòng thảy cạn khô. Dùng giáo chỉ này làm khuôn thước cho người. Những điều Phật dạy xưa kia chính là pháp môn đốn ngộ hiện nay. Đồ chúng của Thiền sư Đại Tịch phần nhiều là các bậc long tượng. Có người đạt đến danh vọng vạn thừa, ra vào cung cấm; có kẻ giáo hóa một phương, làm cho quốc gia ổn định. Chỉ có Đại sư là ưa thích cuộc sống ẩn dật, ở chốn mây ngàn, ẩn danh mà đức độ được mọi người xưng tụng, sống một mình mà đồ chúng càng thêm hưng thịnh. Nếu có người đi khắp nơi tham cứu các trường giảng, gõ cửa các Thiền sư, mà sự chấp trước chưa tiêu, việc có-không còn vướng mắc, thì các bệnh ấy cũng được phong tỏa. Hoặc có kẻ đi xa nghìn dặm để tìm một lời quyết định, khi lưới nghi trương ra liền bị nhát dao trí tuệ chặt đứt vĩnh viễn. Vì vậy mà các nơi như Tề Lỗ Yên Đại Kinh Ngô Mân Thục nghe thanh danh và ảnh hưởng của Sư đều bôn ba tìm đến. Và khi được Sư tiếp độ thì họ chẳng khác gì kẻ đang đói khát mà được an ổn lập tức. Qủa thật có một bậc huyền giải siêu việt vào thời đại ấy. Lúc đầu, Sư ở bên tháp của Đại Tịch tại Thạch Môn, sau đó trùng tuyên giáo pháp làm rạng rỡ cho thầy. Về sau, tăng chúng quy tụ đông đúc, Sư nghĩ đến đạo nghiệp lâu dài, muốn kiến tạo một ngôi tùng lâm tại núi Bách Trượng, nhưng nơi đây bốn bề vắng bật bóng người; nếu muốn xây dựng tự viện thì phải đợi đàn na phát tâm; và thời cơ lại đến, bấy giờ có Ưu- bà-tắc Cam Trinh đang du ngoạn, phát tâm đem đồi đất của nhà mình cúng dường cho Sư, mong được Sư thân cận dắt dẫn. Thế rồi, am thất được xây dựng san sát, các thức ẩm thực được Thí chủ mang đến cúng dường, đồ chúng còn đông đúc hơn cả Thạch Môn. Vì thấy nơi này địa linh, cảnh trí cách xa phồn hoa, nên ý muốn gửi nắm xương tàn nơi đây. Vào ngày mười bảy tháng giêng, năm Nguyên Hòa thứ chín, Sư an tọa trên giường Thiền viên tịch, hưởng thọ 66 tuổi, và 47 tăng lạp. Đến ngày 22 tháng Tư cùng năm, đồ chúng rước nhục thân của Sư lên an trí trên ngọn Tây phong. Đó là theo di chúc của Sư phải an táng như một Bà-la-môn tịnh hạnh mà luận Tỳ-bà-sa đã mô tả. Sau khi nhục thân Sư đã nhập tháp, người ta thấy bạch quang xông lên từ tịnh thất của Sư, và tiếng tích trượng khua vang trên không, nước khe đang mùa xuân mà khô cạn, còn gỗ thông thì cháy sáng suốt đêm, diệu đức âm thầm cảm ứng không nơi nào là chẳng có. Môn nhân Pháp Chánh cùng các huynh đệ thường phụng thờ Sư rất là chu đáo, và tuần tự nhau phát triển tông môn không dám quên lời di chúc, trải qua năm tháng tiếp tục lưu truyền không dứt. Môn nhân Đàm Tự nhớ mãi ơn thầy, ra sức dựng xây điện đường bảo tháp, lấp thêm đất chất thêm đá hết lòng dốc sức không kể ốm đau. Môn nhân Thần Hạnh, Phạm Vân kết tập những lời Sư dạy biên sọan thành ngữ lục. Ngày nay, các học giả không bị vấp váp khi hành xử là nhờ tuân thủ những phép tắc của Sư. Xưa kia Luật sư Linh Ái người đất Mân Việt vốn là bậc lãnh tụ tôn giáo một miền, các học giả tam giáo đều quy ngưỡng thường đem câu hỏi “Phật tính có hay không” đến chất vấn Sư, Đại sư đã viết thư phúc đáp giải thích rõ ràng mà ngày nay còn lưu truyền trong ngữ lục cho kẻ hậu học. Trần Hủ tôi khi nhậm chức tại phủ Giang Tây hân hạnh được thưởng thức pháp vị của Sư nên không dám phụ lòng ủy thác của mọi người. xin soạn mấy lời văn như đây:

Bài I: Thế Tôn lập giáo,

Có quyền và thật.

Nếu chưa đốn ngộ,

Thì còn sai trật.

Tổ sư xót thương,

Mới truyền bí mật.

Như đêm u ám,

Bỗng hiện vừng Nhật.

Bài II: Đây là Đại sĩ,

Hoằng truyền chánh tông.

Tuy tu diệu hạnh,

Chẳng chấp chân không.

Không nhờ phương tiện,

Mài giữa hoài công.

Điềm nhiên về gốc,

Vạn cảnh dung thông.

Bài III: Hàng trăm ngàn người,

Đều trừ bệnh nhiệt.

Họ đều có đắc,

Ta chẳng tuyên thuyết.

Tâm vốn không sinh,

Hình cũng thị diệt

Tro tàn cõi này,

Phương kia nguyệt hiện.

Bài IV: Pháp truyền người thế,

Tháp ẩn núi non

Tùng bách âm u,

Chùa Tháp vẫn còn

Đồ chúng đông đúc,

Rạng rỡ tông môn.

Chỉ người giác ngộ,

Đích thực báo ân.

Ngày mồng ba tháng 10 năm Nguyên Hoà thứ 13 – lập bia này.

Bên cạnh bi văn, đại chúng cùng ghi lại năm sự việc đến nay vẫn còn, có thể làm khuôn mẫu để răn bảo người sau. Nguyên sau khi trà tỳ Đại sư, chưa mời viện chủ mới, Tăng chúng họp bàn bạc việc cách tân sơn môn, cuối cùng nhất trí đúc kết thành năm điều như sau:

1. Phải mời một vị Đại tăng quản lý tháp viện và sai một Sa-di lo quét dọn.

2. Trong khuôn viên Chùa Tháp không cho xây dựng Ni tự và Tháp mộ của Ni chúng, cũng không cho người thế tục cất nhà cư trú.

3. Các kẻ đồng chơn xuất gia và người y chỉ, phải nương tựa một vị Viện chủ duy nhất. Tăng chúng không được xây dựng am thất riêng tư.

4. Không được khai khẩn vườn tược ruộng đất làm của tư hữu.

5. Đồ chúng ở núi này không được cất chứa tiền bạc, thóc lúa riêng tư trong chùa cũng như cất ở chỗ khác.

Muốn cho dòng nước trong trẻo thì phải làm cho đầu nguồn thanh khiết, để người đời sau tiếp tục kế thừa, vĩnh viễn tuân hành và một dạ tôn sùng.

Ngày lập văn bia, tất cả đại chúng đồng ký tên.

BÀI KÝ GÁC THIÊN HẠ SƯ BIỂU, CHÙA THIỀN ĐẠI TRÍ THỌ THÁNH, NÚI BÁCH TRƯỢNG

Thế hệ thứ tám của đại sư Bồ-đề-đạt-ma có vị đại Tỳ kheo ở núi Bách Trượng, người đời gọi là Thiền sư Bách Trượng.

Thiên tử truyền lệnh rằng nhân vì Thiền sư trước đây đã được ban Thụy hiệu là Đại Trí Giác Chiếu, nay ban thêm hiệu Hoằng Tông Diệu Hạnh, còn tên chùa là Thọ Thánh thì biển ngạch đã có từ trước. Núi này cách quận trị 300 dặm, khi chưa xây chùa thì suối khe hiểm trở, đỉnh núi chót vót, lối đi của tiền phu tắt nghẽn. Bấy giờ có Tư Mã đầu đà là người giỏi thuật phong thủy về địa hình cung thất, thấy thế núi cao vút với những ngọn đồi lồi lõm đầu đuôi tiếp ứng nhau, biết đó là nơi địa linh, nên để lại lời huyền ký rằng: “Đây là chỗ đấng Pháp vương cư trú, làm bậc thầy tiêu biểu trong thiên hạ”.

Về sau, Thiền sư Hoài Hải đến trác tích nơi đó quả phù hộp với lời dự đoán trước kia. Thiền sư Đông Dương Đức Huy là cháu đời thứ 18 của Hoài Hải, kế thừa sự nghiệp Thầy tổ, ở núi này, không những xây cất pháp đường mới, mà còn kiến tạo thêm lầu cao để tôn trí di tượng của Tổ sư. Và tấm hoành treo trên nhà đề là: “Gác của bậc Thầy tiêu biểu trong thiên hạ (thiên hạ sư biểu chi các)”. Trong đây có ghi lại: Lúc Văn Tông hoàng đế mới lên ngôi, âm thầm xây chùa tại Kim Lăng đặt tên là Long Tường Tập Khánh, truyền lệnh cho vị khai sơn chùa là Đại Hân quản lý đồ chúng, và dùng Thanh quy do Tổ sư chế định làm quy củ cho những oai nghi hành xử hằng ngày của tăng chúng. Nhưng vì bộ Thanh quy này ra đời đã lâu (hiện tại không còn), người đời sau chỉ ức đoán rồi tự ý thêm bớt, khiến cho đôi chỗ mâu thuẫn không được chiết trung thỏa đáng. Đức Huy và Đại Hân cùng học một thầy và cùng nắm cương lĩnh của tổ đình e rằng những kẻ mới đến đem truyền những điều nghi hoặc mà không biết thế nào là thích hộp khiến cho mâu thuẫn với sự nghe thấy của các sơn môn, nên quyết tâm lặn lội đến Kinh sư để tìm người hiệu chính những sai lầm. Lúc ấy quan Ngự sử đại phu Tát Địch đang làm chấp pháp trung đài, Huy bèn nhờ ông tâu lên vua, và được vua mời vào yết kiến. Vua bèn truyền lệnh cho Huy soạn những gì đã được nghe trước đây, rồi trao cho Đại Hân, khiến Đại Hân chọn lựa những điều Tổ sư để lại, hiệu khảo ổn định, soạn thành Thanh quy dùng làm phép tắc cho Tùng lâm. Vua còn phong tặng sư hiệu Như Tích thiền sư, hết lời khen ngợi và khích lệ rất vẽ vang.

Đức Huy phụng sắc lệnh được đóng ấn của vua, trở về lại chùa, thì căn gác đã xây cất hoàn thành nhưng chưa kịp ghi chép sự tích. Ông bèn đi đến Hoàng Tấn, thỉnh cầu Tấn soạn bài tựa: “Xin Ngài vui lòng viết giúp bài tựa ghi lại nguyên nhân kiến tạo căn gác này đặng tôi đem về khắc làm bài ký”.

Tấn trộm nghĩ: Thánh hiền đời xưa tùy thời hành xử, vừa nắm vừa buông, vận dụng uyển chuyển, tuần hoàn không cùng, nhờ vậy mà mọi việc đều chuyển biến thông suốt. Đức Phật thiết lập giáo pháp, trước hết chế ra giới luật. Nghĩa lý của các bộ phái, Đại Tiểu thừa đều trình bày đầy đủ; các việc khai già (cho phép hay cấm chỉ) cũng chỉ nhằm một mục đích. Nhưng hễ càng cách xa Thánh nhân (đức Phật) thì càng giới hạn vào những chuyên môn, tên gọi đặt ra càng nhiều thì đạo lý ngày càng ẩn khuất. Vì thế, Tổ Đạt-ma không dùng đến phương tiện mà chỉ thẳng nguồn tâm; tướng trạng của giới luật rất uyển chuyển, không có gì chướng ngại; nhưng càng gần thế tục, ngọn ngành, cái hoang đường chiếm ưu thế thì điều chân chính bị chia lìa, chạy theo cái phù phiếm bên ngoài thì tạo thành tư tưởng tà mạn. Vì thế, Tổ Bách Trượng hoằng dương quỹ phạm, dựa vào giới luật mà hành động, điều hộp hộ trì, vin vào sự tướng mà là vận dụng lý tính. Bởi vì, đạo lý của Phật nhờ Tổ Đạt-ma mà sáng tỏ; sự tướng của Phật do Bách Trượng mà hoàn bị. Cái diệu dụng của sự biến hóa thông suốt là do con người mà ra. Về sau, sự truyền thừa của Tổ Đạt-ma được chia thành năm phái, mà phát xuất từ Tổ Bách Trượng thì có hai phái. Các Thiền sư khác tuy mỗi nhà đều thiết lập ra yếu chỉ này, tông phái nọ, nhưng để quản lý đồ chúng ổn định thì chưa thấy ai không theo phép tắc của Bách Trượng. Thế thì gọi Sư (Bách Trượng) là “Thiên hạ sư biểu” quả thật xứng đáng, chẳng ngoa chút nào. Tại cõi Trung độ (Trung Quốc) này vua tôi đều tôn kính sùng mộ Phật pháp làm cho Phật giáo tỏa sáng không lúc nào bằng lúc này. Huy gặp thời có Thánh chúa, nương nhờ sự hộ pháp của hoàng đế mà xiển dương những lời giáo huấn của tiền bối, thiệu long tông phong, khiến cho sơn môn cùng với quốc gia bền vững lâu dài, mãi mãi trường tồn; không những ngày nay Thiên hạ tôn xưng là Sư biểu mà cùng tận đời vị lai ai nấy cũng đều phải nương tựa. Tấn tôi kính cẩn ghi lại vài điều trên đây, còn việc siêng năng theo thời khóa kinh kệ và xây dựng cơ ngơi tráng lệ thì khổi cần bàn đến. Căn gác là một ngôi nhà chia làm năm gian, cao 120 thước, cứ một lần tu bổ thì tăng thêm một phần ba chiều cao, và ba lần tu bổ thì hoàn chỉnh rộng rãi như hiện nay. Việc xây dựng cho đến tháng sáu mùa hạ năm đầu niên hiệu Chí Thuận (1330) thì ổn định, nhưng đến tháng mười mùa đông thì công việc mới hoàn tất. Đức Huy yết kiến Thánh Thượng tháng năm mùa hạ, năm thứ ba niên hiệu Nguyên Thống, và vua xuống chiếu cho Sư vào tháng hai mùa xuân năm sau đến trụ núi này. Như vậy, Đức Huy chính thức trác tích tại núi này là năm Chí Nguyên nguyên niên (1335).

Thừa Trực lang quốc tử bác sĩ Hoàng Tấn soạn lời ký.

Hàn lâm thị chế phụng nghị đai phu kiêm quốc sử viện biên tu quan Yết Hề Tư viết chữ thường.

Hàn lâm thị giảng học sĩ thông phụng đại phu tri chế cáo đồng tu quốc sử tri kinh diên sự Trương Khởi Nham viết chữ triện.

Tiền Vinh Lộc đại phu ngự sử trung thừa Triệu Thế An, Quang Lộc đại phu Giang Nam chư đạo hành ngự sử đại phu Dịch Thích Đổng A cùng dựng bia đá.

BÀI NGUYÊN TỰ SÁCH BÁCH TRƯỢNG THANH QUI (Do Quan Hàn Lâm Học Sĩ Khai Quốc Hầu Dương Ưc Soạn Thuật)

Thiền sư Bách Trượng Đại Trí cho rằng Thiền tông bắt đầu từ (ngài Bồ-đề-đạt-ma) ở núi Thiếu Thất cho đến (lục tổ Huệ Năng) tại Tào Khê đổ lại, phần nhiều ở đậu chùa luật. Tuy liệt biệt viện, nhưng về thuyết pháp trụ trì thì chưa hộp qui độ, cho nên thường để ý nơi lòng, bèn nói rằng: “Đạo của Phật và Tổ là muốn ban bố rộng rãi, giáo hóa từ gốc, mong đến ngày sau không mờ diệt vậy. Há nên cùng với các bộ A-cấp-ma Giáo mà tùy hành ru? Có kẻ nói luận Du-già và kinh Anh Lạc là giới luật Đại thừa, vậy sao lại không nương theo chứ!”. Sư nói: “Tông môn của ta không thuộc Đại – Tiểu thừa, mà cũng không khác Đại – Tiểu thừa, vậy nên co dãn chiết trung, thiết lập nơi chế phạm, nhằm thích nghi mà thôi”. Do đó mà sáng ý lập riêng Thiền tự. Phàm người gồm đủ mắt đạo, có đủ đạo đức đáng tôn vọng thì gọi là Trưởng lão, giống như bên Tây Vức ai đạo cao, tuổi lạp lớn thì gọi là A-xà-lê vậy. Tức phàm làm hóa chủ thì ở nơi chỗ phương trượng giống như thất của Tịnh Danh (Duy- ma-cật), chứ không phải nơi thất chỉ là buồng ngủ riêng. Không lập các Phật điện chỉ xây pháp đường, biểu thị nơi Phật và Tổ đích thân trao dặn, người đời nay phải tôn trọng. Còn chỗ tụ tập của số đông người học, không kể là nhiều ít, cao thấp, đều vào trọn tăng đường, y theo thứ tự tuổi lạp hạ an cư mà an bài, thiết lập giường dài liền nhau, làm giá treo để móc đạo cụ. Nằm thì gối nghiêng đầu mép giường, theo thế cát tường nghiêng sườn bên phải mà ngủ, coi như tọa thiền quá lâu, tạm nghỉ ngơi phần nào mà thôi. Còn về đầy đủ 4 oai nghi, trừ khi vào thất thưa hỏi thầy, còn thì để mặc cho người học cần mẫn hay trễ nhác, hoặc phải hoặc trái, không câu nệ nơi thường chuẩn. Còn đại chúng cả viện sáng thăm hỏi, chiều tụ tập, vị Trưởng lão vào pháp đường lên trên tòa cao mà ngồi. Chủ sự và đồ chúng, đứng thành hàng như nhạn bay lắng nghe. Chủ – khách vấn đáp mà kích dương tông yếu, biểu thị nương theo pháp mà trụ vậy. Cháo cơm tùy nghi, hai thời đều cùng khắp, nhằm tiết kiệm biểu thị pháp thực song vận vậy. Thi hành phép phổ thỉnh (tức lao động tập thể) trên dưới đều phải gắng sức ngang nhau. Đặt 10 nhiệm vụ phòng liêu, mỗi thứ đều dùng một người thủ lĩnh trông coi nhiều người làm việc, khiến mỗi người đều điều khiển, trông coi thuộc hạ của mình. Hoặc có kẻ giả hiệu trộm hình lộn sòng vào thanh chúng, gây chuyện rùm beng lộn xộn thì duy-na kiểm soát biết được, tước bỏ vị trí dùng cơm, gạch tên khổi danh sách chư tăng đuổi ra khổi viện nhằm tôn quí việc tu tập an ổn thanh tịnh của đại chúng. Hoặc có kẻ phạm lỗi thì tập hộp chúng lại, công cộng bình nghị khiển trách, tức dùng hèo mà đánh, hoặc trục xuất buộc phải theo cửa hông mà ra khổi viện, biểu thị sỉ nhục. Xét kỹ điều chế này có b?n cái lợi ích:

1. Không làm ô uế chúng trong sạch, nảy sanh chuyện cung kính, tin tưởng.

2. Không hủy hoại tăng hình, tuân theo Phật chế định.

3. Không phiền quan lại công môn, tránh chuyện ki?n tụng.

4. Không tiết lộ ra ngoài, bảo hộ kỷ cương của Tông phái.

Đại chúng cùng ở chung, Thánh hay phàm ai mà phân biệt được. Vả lại, thời đức Như Lai ứng thế còn có nhóm 6 tỷ-kheo xấu ác, huống hồ nay là thời tượng pháp mạt thế, há có thể hoàn toàn không có những kẻ xấu được sao? Tuy nhiên nếu mỗi lần thấy một ông tăng có chút lỗi là lôi cả luật lệ sấm sét chê mắng thậm tệ mà không biết đó là khinh chúng, hoại pháp, tổn hại lớn lắm đấy!

Nay đây chốn Thiền môn mà muốn phần nào không có chuyện phương hại, thì nên nương theo qui thức của Bách Trượng tùng lâm mà lượng sự, xử phân. Đành rằng lập pháp phòng gian là không dành cho bậc thiện sĩ, tuy nhiên nên hữu cách vô phạm, mà không nên hữu phạm vô giáo. Ích lợi hộ pháp của Thiền sư Đại Trí thật lớn lao thay! Độc hành của Thiền môn bắt đầu từ ông lão đó vậy. Nét đại yếu của Thanh Qui trải soi khắp kẻ hậu học, khiến không quên gốc vậy. Các phép tắc đường lối, sách này đều tập hộp rành rõ đầy đủ cả.

Dương Ức tôi lạm được đọc chỉ ý sâu xa, san định Truyền đăng. Sách thành định dâng lên Thánh thượng, nhân đó viết lời tự dẫn. Ngày lành tháng tốt năm Giáp thìn, niên hiệu Cảnh Đức cải nguyên.

BÀI TỰA SẮC TU BÁCH TRƯỢNG THANH QUY

Vào khoảng năm Thiên Lịch Chí Thuận (1328-1332) Hoàng đế Văn Tông kiến tạo ngôi chùa Đại Long Tường Tập Khánh tại Kim Lăng. Đến khi chùa hoàn thành, tăng chúng mười phương đến cư trú, thì được thánh chỉ truyền lệnh thực hành thanh quy của Bách Trượng. Tháng bảy mùa thu, năm Ất Hợi, niên hiệu Nguyên Thống năm thứ ba, đức Kim Thượng hoàng đế vâng theo mệnh lệnh của triều trước, dạy rằng: “Những năm gần đây, Thanh quy của tùng lâm thỉnh thoảng bị thêm bớt không còn thống nhất. Do vậy, trẫm truyền lệnh cho Trụ trì chùa Thiền Đại Trí Thọ Thánh núi Bách Trượng là Đức Huy sưu tập các bộ sách ấy, đồng thời truyền lệnh cho Trụ trì chùa Đại Long Tường Tập Khánh là Đại Hân tuyển chọn các Sa-môn có học thức cùng nhau hiệu chính để bộ Thanh quy được thống nhất, ngõ hầu dùng làm phép tắc hằng ngày tại chốn tùng lâm”.

Đức Huy và các người khác kính cẩn phụng mệnh thực hiện Thánh chỉ. Khi sách sắp hoàn thành, Sư bèn đến nhờ Huyền tôi viết lời tựa. Huyền tôi từng nghe các bậc tôn sư dạy rằng: “Trong khoảng trời đất này không có một việc gì là không dùng đến lễ nhạc. Sự ăn ở được yên ổn, có trật tự là nhờ có lễ. Mọi sinh hoạt hằng ngày diễn ra vui vẻ là nhờ có nhạc.” Một ngày nọ, tiên sinh Trình Minh Đạo ghé qua chùa Định Lâm, ngẫu nhiên trông thấy nghi thức của bữa thọ trai, cảm động tán thán: “Lễ nhạc của ba thời đại (Hạ, Thương, Chu) đều có tại đây vậy. Há chẳng phải do năng lực kỷ cương của Thanh quy mà được như thế ư? Chính nhờ tuân hành thuần thục Thanh quy mới được như thế! Do tuân thủ những phép tắc nhất định mà tự nhiên đạt được sự diệu dụng. Khi thực hành những quy cũ này, kẻ không biết thì cho đó là chướng ngại sự lý, còn người thông hiểu thì bảo rằng tất cả pháp môn an lạc đều hội tụ nơi đây.” Nhưng để cho cuốn sách rối rắm này trở nên mạch lạc thì cần có bài tựa để điều hòa các ý nghĩa, nhờ vậy sẽ có giá trị tốt đẹp lâu dài. Thế nên, công lao của sự hiệu chính sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho bộ sách này. Và ân huệ mà hai triều đại (Tống, Nguyên) đã ban cho người học là vô cùng lớn lao vậy. Bộ Thanh quy này đã được ban hành từ đời Tống, và quan Hàn lâm học sĩ Dương Ức đã viết tựa trình bày đầu đuôi điều mục đầy đủ rõ ràng, ở đây không cần phải lập lại nữa.

Thượng tuần tháng ba mùa xuân năm Bính Tý, niên hiệu Chí Nguyên năm thứ hai (1336), Hàn lâm trực học sĩ Trung đại phu tri chế cáo đồng tu quốc sử quốc tử tế tửu Lô Lăng Âu Dương Huyền viết tựa.

Sắc tu Bách Trượng thanh quy quyển 8 hết

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Ái Đạo Bát Niết Bàn - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Đồng Tử Quang Minh - Kinh Tạng
  • Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát Cát Tường Già Đà - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Kinh Tạng
  • Kinh Lục Độ Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Quảng Tụ - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Thiền Sư Tào Sơn Bản Tịch - Kinh Tạng
  • Đại Đường Tây Vực Ký - Kinh Tạng
  • Quy Nguyên Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Cúng Dường Dược Sư Thất Phật Kinh Như Ý Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng