1
2
3
4
5

QUYỂN 3

6.11- Thích Huệ Giác (531-620) ở chùa Vũ Đức, Tinh Châu, sống vào Tùy (581-618):

Sư họ Phạm, người Tề Quận, trí tuệ cao vời, kiến thức sâu rộng, ít ai sánh bằng. Thân cao hơn 7 trượng, mày cao, mắt sáng, y phục sạch đẹp, dung nghi đĩnh đạc, cử chỉ nhu hoà, giọng nói thanh thoát; mỗi khi đi đường, hàng sĩ tử không ai không ghé mắt nhìn theo.

Tuy học rộng các kinh điển, nhưng Sư lấy kinh Hoa Nghiêm làm đầu. Sau Sư được mời đến Cao Dương giảng kinh, không bao lâu trở thành giảng sư nổi tiếng, thính chúng có hơn 1000 người, giảng đường lúc nào cũng đông nghịt mà người đến vẫn không ngớt. Vì vậy, Sư nghỉ giảng để chờ xây dựng, mở rộng giảng đường. Bấy giờ, có một thí chủ phát tâm xây cất giảng đường có sức chứa cả ngàn người. Công trình xây dựng chưa đầy một tháng thì hoàn thành. Sư lên tòa thuyết pháp, thính chúng ngồi chật cả giảng đường. Mọi người lấy làm lạ về sự hưng thịnh của pháp hội này.

Năm Vũ Đức thứ 3 (620), cảm thấy hơi đau ở tim, Sư nói với các đệ tử: “Ta sắp đi đây”, rồi bảo đem tất cả của cải của mình thiết trai cúng dường chúng tăng và dặn dò đại chúng. Từ đó, Sư chánh niệm suốt đêm; trời vừa sáng, thì an nhiên thị tịch, hưởng thọ 90 tuổi.

Sư soạn chú sớ các kinh Hoa Nghiêm, Thập Địa, Duy-ma v.v…

6.12- Thích Pháp Mẫn (570-645) ở chùa Tĩnh Lâm, Việt Châu, sống vào đời Đường (618-907):

Sư họ Tôn, người Đơn Dương, xuất gia năm 8 tuổi, thờ thiền sư Anh làm thầy. Sau Sư vào Mao Sơn nghe pháp sư Minh giảng Tam Luận. Năm 23 tuổi, lại nghe ngài Thật Công người Cao Li giảng các kinh luận Đại thừa, Sư dừng lại nơi đây 3 năm để học tập.

Năm Trinh Quán thứ 1 (627), Sư trở về Đơn Dương, giảng kinh Hoa Nghiêm, Niết-bàn. Đến năm Trinh Quán thứ 2 (628), Điền đô đốc ở Việt Châu thỉnh Sư đến chùa Nhất Âm tiếp tục thuyết giảng. Bấy giờ, có hơn 800 sa-môn Nghĩa học, 1200 vị Tăng, 300 vị Ni và vô số cư sĩ vùng đó đến nghe giảng. Đây là pháp hội hưng thịnh vào thời ấy.

Năm Trinh Quán thứ 19 (645), các cư sĩ ở Cối Kê thỉnh Sư đến chùa Tĩnh Lâm giảng kinh Hoa Nghiêm. Cuối tháng 6 năm ấy, Sư đang giảng kinh, bỗng có một con rắn dài khoảng 7 thước, màu vàng chói, từ miệng phóng ánh sáng 5 màu, vắt nửa thân mình phía trên đầu Sư; đến cuối buổi giảng, nó mới ẩn. Cuối mùa Hạ năm ấy, Sư trở về chùa Nhất Âm. Đêm nọ, có 2 người mặt áo đỏ đến đảnh lễ, thưa: “Pháp sư giảng 4 bộ kinh Đại thừa, công đức khó nghĩ bàn, bây giờ nên đến phương khác giáo hóa, chúng tôi từ phương Đông đến nghinh đón Pháp sư”. Mấy mươi đệ tử của Sư đều thấy như thế.

Vào ngày 17 tháng 8 năm ấy, Sư thị tịch, hưởng thọ 67 tuổi. Trước đó 3 ngày 3 đêm, tự nhiên trời tối mịt; đúng vào ngày Sư viên tịch, bỗng phát ánh sáng rực rỡ, đêm sáng như ngày, lại có mùi thơm lạ bay khắp, mọi người đều kinh ngạc. Bấy giờ, đạo tục đều trang nghiêm, đưa tiễn Sư đến núi Long An.

Sư trước tác Hoa Nghiêm Kinh Sớ 7 quyển.

6.13- Thích Huệ Thiếu ở chùa Thần Túc, Tương Châu, sống vào đời Đường (618-907):

Sư họ Trang, xuất gia từ thuở nhỏ, tu tập theo pháp Tiểu thừa, nổi tiếng ở vùng Giang Hán. Nhân nghe ngài Tượng Vương Triết giảng Tam Luận tại chùa Long Tuyền, Sư không kiềm chế được mình, mới nói rằng: “Tam Luận trình bày Tánh không, người giảng lại chấp vào không”. Vừa dứt lời, lưỡi Sư dài ra 3 thước, mắt, mũi và tai đều chảy máu, cấm khẩu luôn 7 ngày. Pháp sư Phục nghe thấy vậy, liền quở trách: “Ông quá ngu si! Một lời huỷ báng kinh điển thì tội nặng hơn tội ngũ nghịch[108]. Ông nên kính tin pháp Đại thừa mới được khỏi tội”. Pháp sư bảo đốt hương, sám hối. Sau khi Sư sám hối, lưỡi liền trở lại như cũ.

Sau đó, Sư đến chỗ ngài Tượng Vương Triết nghe kinh Đại thừa. Khi ngài Triết viên tịch, Sư lập đại trai đàn Phương Quảng Thất xứ Bát hội bên mộ trong 100 ngày. Sau đó, Sư đến chùa Thần Túc ở Hương Sơn, hằng ngày tu tập pháp Đại thừa, giảng kinh Hoa Nghiêm và chí thành sám hối, không bao giờ bước ra khỏi chùa.

Ngày 3 tháng 4 năm Trinh Quán thứ 11 (637), Sư đang tọa thiền trong rừng tùng sau chùa, bỗng thấy 3 người dáng hình thanh nhã, mặc y phục đỏ, đến đảnh lễ xin thọ giới Bồ-tát. Sau khi lãnh thọ giới pháp, họ thưa rằng: “Thiền sư là bậc có căn cơ nhạy bén, nếu không chuyển tâm kính tin pháp Đại thừa, dù 1.000 Đức Phật ra đời, cũng vẫn ở trong địa ngục”. Sư nghe lại lời răn nhắc, liền khóc lớn, máu lẫn nước mắt tuôn trào mà trở về chùa. Vừa đến trước phòng ngài Triết, Sư ngã nhào xuống, ngất đi, không nói được. Mọi người lấy nước vẩy lên, Sư mới tỉnh lại, càng khóc to hơn.

Từ đó, hàng ngày, Sư thường nhiễu Phật và sám hối, lại khuyên hàng cư sĩ biên chép các kinh Hoa Nghiêm, Đại Phẩm, Pháp Hoa, Duy-ma, Tư Ích, Phật Tạng, Tam Luận…, mỗi loại 100 bộ.

Vào giờ Ngọ ngày 09 tháng 03 năm Trinh Quán thứ 13 (639), khi đang lễ sám trước Phật, Sư an nhiên thị tịch, hưởng thọ hơn 80 tuổi. Trong vòng 7 ngày sau khi Sư thị tịch, cây cối trong rừng đều biến thành màu trắng, sau đó mới trở lại bình thường. Đó chính là điềm biểu hiện Sư biết lỗi mà hối cải. Thật đáng khen ngợi!

Chùa Sư cách thành ấp gần 50 dặm mà người đến xin thọ Tam quy Ngũ giới hơn 7000 người, chật kín cả vùng núi ấy. Sau đó, các đệ tử lập đại trai đàn nơi mộ Sư, thỉnh 30 vị Pháp sư, mỗi vị khai tụng một bộ kinh để trợ tiến giác linh Sư.

6.14- Thích Đạo Anh ở chùa Phổ Tề, Bồ Châu, sống vào đời Đường (618-907):

Sư họ Trần, người Y Thị, Bồ Châu. Năm Sư 18 tuổi, luật sư Thúc Hưu muốn độ cho xuất gia, nhưng cha mẹ vì thương yêu nên ép lấy vợ; tuy 5 năm chung sống mà không hề xúc chạm.

Sau Sư trốn đến chỗ pháp sư Cự ở Tinh Châu, nghe kinh Hoa Nghiêm… Đến năm Khai Hoàng thứ 10 (590), mới được độ xuất gia, Sư liền vào chùa Bách Thê trên núi Thái Hành, huyện Giải tu tập chỉ quán, bỗng nhiên tỏ ngộ. Sau đó, Sư đến trụ tại chùa Thắng Quang ở Kinh đô, nghe thiền sư Đàm Thiên giảng luận Nhiếp Đại Thừa. Thiền sư Đàm Thiên khen: “Tuy rất nhiều học trò thông văn nghĩa, nhưng chỉ một mình Đạo Anh lãnh hội được yếu chỉ!” Ngoài giờ nghe pháp, Sư thường y theo kinh Hoa Nghiêm phát nguyện phục vụ chúng tăng, mượn sự để hiển bày lý, nhằm điều phục tâm. Sư thường nói: “Khi nhắm mắt ngồi thiền, dường như có chỗ tỉnh ngộ; nhưng khi mở mắt ra, thì trở lại bình thường. Vì vậy, đối với tất cả việc làm, nên quán xét và điều tâm để không kẹt vào có – không”. Nhưng mỗi khi Sư ngồi thiền, mắt hé mở suốt 2-3 đêm, sau đó nhập thiền định, thì hiện vài điềm linh dị.

Lần nọ, có người đến tranh đất, bỗng nhiên Sư ngã nhào, người cứng như thây chết, tắt thở, thần sắc biến đổi, chốc lát trương sình lên. Khi người kia hồi tâm sám hối, Sư trở lại cười nói như thường[109]; hoặc Sư ngâm mình trong nước 16 ngày đêm[110]; hoặc Sư nằm trên tuyết trải qua 3 ngày[111], mà chỉ nói: “Lửa đốt cháy, đất làm nhơ”. Như vậy, hễ gặp việc thì Sư dùng cách đối trị, mặc tình tự tại, thật khó lường được.

Một hôm, đang giảng luận Khởi Tín, đến phần Chân như môn, bỗng Sư im lặng không nói nữa. Lấy làm lạ, mọi người đến xem, thì thấy Sư tắt thở, người lạnh ngắt. Đại chúng biết Sư đã nhập Diệt tưởng định, nên để yên như vậy. Trải qua nhiều đêm, Sư mới xuất định.

Lại có lần, trời hạn hán, Sư giảng kinh Hoa Nghiêm để cầu mưa. Bỗng có 2 ông lão hình dạng hơi khác thường, mỗi người có 2 đồng tử theo hầu đến nghe pháp. Lấy làm lạ, Sư hỏi lai lịch, ông lão thưa:

– Đệ tử là thần biển, vì ưa thích kinh Hoa Nghiêm, nên đến đây nghe.

Sư bảo:

– Nay tôi đã giảng kinh này cho đàn việt nghe, vậy xin hãy cho mưa xuống.

Hai vị thần bèn bảo các đồng tử làm mưa. Hai đồng tử liền từ cửa sổ đi ra, phút chốc mưa trút xuống, xa gần đều thấm ướt. Hai ông lão bái tạ Sư, rồi biến mất.

Vào khoảng tháng 9 năm Trinh Quán thứ 10 (636), lúc sắp viên tịch, Sư lấy nước cạo tóc, tắm gội, trở lại chỗ ngồi, đắp đại y, rồi bảo đệ tử: “Vô thường đã đến rồi, không thể tránh được”; đồng thời, bảo tụng bài kệ Hiền Thủ trong kinh Hoa Nghiêm. Khi hơi thở sắp dứt, Sư bảo đại chúng niệm danh hiệu Phật; trời vừa hửng sáng, thì an nhiên thị tịch, hưởng thọ 80 tuổi.

Trước ngày Sư thị tịch, cảm đến bầy chim tới mấy vạn con, đậu trên phòng Sư, kêu la buồn thảm. Ngay đêm Sư mất, có 2 đồng tử mặc áo xanh, cầm hoa đi vào. Lại có một luồng khí màu tím giống như hào quang từ thân Sư phóng ra, tỏa sáng đến mấy trượng. Khi trời vừa sáng, sương mù dày đặc, phủ một vùng rộng 20 dặm. Người và vật đều không nhìn thấy. Ba ngày sau mới hết cảnh tượng này. Đệ tử tăng tục ở hai vùng Bồ và Tấn (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) nghe tin Sư tịch, đều đến khóc than, như mất cha mẹ. Lại cảm đến các loài voi, bò, tiếng chúng kêu rên thấu đến mấy dặm, nước mắt chảy dài, bỏ ăn bỏ uống liên tục 7 ngày. Khi sắp hạ huyệt, vừa cuốc một nhát, thì đất chấn động mạnh cả 15 dặm. Mọi người đều kinh hãi. Lại có 2 đường cầu vồng bao quanh kim quan, và có 2 con chim trắng vừa bay vừa kêu theo tiễn đưa Sư đến nơi đặt kim quan. Rõ ràng, Sư là người huệ giải siêu phàm, giáo hóa chúng sanh, âm cảnh dương gian đều quy tụ, nên mới ứng hiện những điềm lành này. Thật không uổng phí một đời!

6.15- Thích Đạo Ngang ở chùa Hàn Lăng, Tương Châu, sống vào đời Đường (618-907):

Chưa rõ Sư họ gì, người Ngụy Quận, phong thái thanh nhã, khí tiết cao thượng, là bậc mô phạm cho đời, sớm có huệ giải, không đợi Thầy khai ngộ.

Năm 9 tuổi, Sư đảnh lễ pháp sư Linh Dụ và được độ cho xuất gia. Không bao lâu, đã gội nhuần ân đức dạy dỗ, Sư yêu kính phụng sự Thầy. Trải qua nhiều năm, Sư đã hơn hẳn các vị đồng môn. Tại chùa Hàn Lăng, Sư nghiên cứu tinh tường giáo pháp sơ thời[112] đó chính là giáo Hoa Nghiêm. Thế là Sư được giao cho giảng kinh Hoa Nghiêm, luận Thập Địa, văn nghĩa vượt xa các bậc tiên triết.

Đêm nọ, khi lên pháp tòa, không có đèn nến, Sư đưa tay chỉ lên cao, liền phóng ra ánh sáng, soi chiếu khắp giảng đường. Thấy điềm lành này, đại chúng đều ngạc nhiên, không biết ánh sáng ấy từ đâu đến. Sư bảo: “Ánh sáng này luôn trong tay ta, đâu có gì đáng ngạc nhiên”. Đó là nhờ phước nghiệp sâu dày của Sư, thật không thể lường được.

Cuối đời, Sư chuyên tâm hướng về phương Tây, nguyện sanh cõi An Dưỡng. Sau Sư tự biết mạng sắp hết, liền báo trước thị tịch với những người có duyên, nhưng không ai hiểu cả. Đến ngày mồng 1 tháng 8, đang lúc khỏe mạnh, Sư hỏi đại chúng: “Đã đến giờ thọ trai chưa? Hãy thứ tự theo ta”. Nói xong, Sư lên pháp tòa, trên thân hiện ra nhiều tướng lạ, lư hương tỏa mùi thơm ngát, rồi Sư truyền giới Bồ-tát cho 4 chúng, lời lẽ tha thiết, khiến người nghe đều xúc động. Bấy giờ, bảy chúng[113] vây quanh đều được thấm nhuần đạo vị.

Sư ngước nhìn lên, thấy vô số thiên chúng y phục sặc sỡ, đàn sáo ngân vang, trong hư không lại có tiếng bảo rằng: “Chư thiên cõi trời Đâu-suất trỗi nhạc xuống nghinh đón Ngài”. Nghe vậy, Sư nói: “Cõi trời chính là cội gốc sanh tử, vốn chẳng phải là nguyện của ta. Ta chuyên tâm nơi cõi Tịnh, vì sao giờ đây không được như nguyện?” Ngay lúc đó, Sư thấy thiên nhạc bay lên cao, phút chốc biến mất; lại thấy hội chúng phương Tây mang vô số hương hoa, kỹ nhạc, cung kính vây quanh trên đảnh Sư. Cả chúng đều trông thấy. Khi ấy, Sư bảo: “Đại chúng ở lại mạnh khỏe. Nay tướng lành đến đón, ta phải cùng đi”. Sư vừa dứt lời, đại chúng thấy lư hương rời tay và tịch ngay tại pháp tòa chùa Báo Ứng, hưởng thọ 89 tuổi, nhằm tháng 8 năm Trinh Quán thứ 7 (633).

Đạo tục đau buồn thương tiếc, người đến xem rất đông. Khi sắp tẩm liệm, dưới chân Sư hiện ra ba chữ “Phổ Quang Đường”. Nếu Đạo không hợp với khế kinh và hạnh không đúng với bậc Thánh, thì đâu thể ứng hiện những điềm lành này! Các đệ tử đưa nhục thân Sư đến núi Hàn Lăng, đục một hang động để an trí; đến mùa Xuân, nhục thân Sư vẫn ngồi ngay thẳng, không bị mục rã.

6.16- Thích Linh Biện ở chùa Đại Từ Ân[114], tại Kinh đô, sống vào đời Đường (618-907):

Sư họ Lý, người Địch Đạo, Lung Tây. Ông nội của Sư tên là Long Tương nhậm chức Tư mã ở Tương Châu vào đời Cao Tề (còn gọi là Bắc Tề 550-577). Cha tên là Lăng Già, nhậm chức Lục sự tham quân ở Lạc Châu vào đời Tùy (581-618), nên Sư theo cha đến Lạc Châu.

Lúc Sư mới sanh ra, các tướng tốt đều ẩn, người trầm mặc như ngu. Lên 8 tuổi, Sư mới biết nói và tỏ ra rất thông minh, nên dòng họ ai cũng ngạc nhiên, nhân đó đặt tên là Quảng Biện; sau, do trùng tên húy của Tùy Dạng Đế[115], nên đổi thành Linh Biện.

Năm 10 tuổi, cha mất, Sư dốc lòng cư tang, đến nổi thân thể gầy yếu. Người bác là pháp sư Linh Cán thương yêu, đưa về nuôi dưỡng, dạy cho phép tắc và đạo lý hành sự. Năm 13 tuổi, Sư xuất gia và trụ tại chùa Thắng Quang. Pháp sư Linh Cán và thiền sư Đàm Thiên vốn là những bậc ưu tú và đồng tông, nên pháp sư Linh Cán bảo Sư làm thị giả thiền sư Đàm Thiên. Từ đó, Sư được học hỏi, tiếp thu những điều mới lạ, ngày đêm nghiên cứu tinh tường, nên không bao lâu đạt đến chỗ uyên áo.

Năm 18 tuổi, Sư giảng kinh Thắng Man, Duy-ma, luận Duy Thức, Khởi Tín… Sau khi thọ giới Cụ túc, đức hạnh ngày càng tỏa sáng, Sư lại giảng kinh Nhân Vương, luận Thập Địa, Địa Trì, Nhiếp Đại Thừa…, nhưng Sư cho rằng: “Luận về yếu chỉ Nhất thừa[116] thì không kinh nào hơn kinh Hoa Nghiêm này”. Cho nên, Sư nghỉ giảng thuyết, đến chỗ pháp sư Trí Chính[117] chùa Chí Tướng, núi Chung Nam, nghe giảng và nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm. Nơi đây, Sư đã làm tròn bổn phận thầy trò, lại nêu cao sự nghiệp truyền pháp, đồng thời xem đọc các kinh, tìm tòi nghĩa lý mới lạ, và soạn Hoa Nghiêm Kinh Sớ[118] 12 quyển, Sao[119] 10 quyển và Chương[120] 3 quyển, đều được lưu hành ở đời.

Khi chùa Từ Ân mới thành lập, vua Đường muốn tuyển chọn bậc anh tài, nhờ tiếng tăm vang khắp, nên Sư được suy cử, nhưng lòng Sư vẫn kiên trinh nghiêm cẩn, xứng đáng làm mô phạm cho mọi người. Tại các nơi như cung Sùng Thánh, chùa Hạc Lâm, chùa Đức Nghiệp, điện Bách Phước…, Sư đều truyền trao giới pháp. Tăng ni ở Kinh đô và các châu theo Sư quy y, thọ giới có hơn ngàn người. Sư giảng kinh Hoa Nghiêm cả thảy 48 lần.

Một hôm, khi đang giảng tại chùa Bồ Đề, tự nhiên cảm thấy bất an, Sư liền trở về chùa Từ Ân. Không bao lâu, Sư thị tịch, hưởng thọ 78 tuổi, nhằm ngày 5 tháng 9 năm Long Sóc thứ 3 (663).

Sư vốn là người chí hiếu. Mỗi khi giảng kinh, gặp đoạn văn nói về ân sâu của cha mẹ, Sư đều nghẹn ngào hồi lâu, có khi phải ngưng giảng. Sư không bao giờ để ý đến những lời ca tiếng nhạc, phố xá ồn náo. Từ nhỏ đến già, y phục, giày dép, Sư đều tự may vá, giặt giũ, không làm nhọc đệ tử. Thường có 4 người đệ tử trở lên, sớm tối theo hầu Sư; nếu cần dạy răn thì Sư bảo ngồi xuống; nếu không có việc gì, thì bảo đứng dậy lui ra; khi đối đáp, thì Sư tự xưng tên mình. Đây cũng là cách thức tốt đẹp thể hiện sự kính cẩn khiêm cung.

6.17- Thích Trí Nghiễm (602-668) ở chùa Chí Tướng, núi Chung Nam, sống vào đời Đường (618-907):

Sư họ Triệu, người Thiên Thủy. Ông cố của Sư tên Hoằng, là người luôn giữ vững khí tiết trong sáng. Cha tên là Cảnh, nhậm chức Lục sự tham quân ở Thân châu. Một hôm, mẹ Sư mộng thấy có một vị tăng Ấn Độ cầm tích trượng đến bảo rằng: “Hãy mau nghiêm trì trai giới, thanh tịnh thân tâm”. Người mẹ giật mình tỉnh giấc, nghe có mùi thơm lạ, từ đó bắt đầu thọ thai, rồi sanh ra Sư.

Được vài tuổi, Sư đã tài trí hơn hẳn những đứa trẻ bình thường. Sư thường chất đá thành tháp, hoặc kết hoa thành bảo cái, hoặc bảo bạn bè làm thính chúng, còn mình làm Pháp sư. Trí tuệ này đã sẵn có từ nhiều đời.

Năm 12 tuổi, thần tăng Đỗ Thuận không biết vì sao lại đến nhà, vỗ đầu Sư, rồi nói với người cha: “Đây là con ta, hãy trả lại cho ta”. Nghe nói vậy, biết là bậc chân tu, nên cha mẹ vui vẻ thuận cho. Ngài Đỗ Thuận liền giao Sư cho pháp sư Đạt, bậc Thượng thủ trong hàng đệ tử dạy dỗ. Sư sớm tối xem đọc, chưa từng hỏi lại.

Sau đó, có 2 vị tăng Ấn Độ đến chùa Chí Tướng, nhìn thấy vẻ thanh thoát phi thường của Sư, nên trao cho bản kinh tiếng Phạn. Chưa đầy một ngày, Sư đã thuộc lòng. Vị Tăng Ấn Độ nói với chúng tăng: “Đứa trẻ này mai sau sẽ là bậc thầy lỗi lạc trong Phật pháp”.

Vừa lên 14 tuổi, Sư xuất gia. Bấy giờ, nhà Tùy sắp diệt, người dân đói rét, tuy còn nhỏ, nhưng Sư ý chí rất mạnh mẽ. Sau học luận Nhiếp Đại Thừa nơi pháp sư Pháp Thường[121], chưa đầy vài năm, Sư đã hiểu rõ ngôn từ, tinh thông nghĩa lý.

Có lần, nhân lúc các bậc Long tượng vân tập, ngài Pháp Thường bảo Sư thụ nghĩa. Lúc đó, pháp sư Tăng Biện[122] là người uyên thâm giáo pháp, muốn xem thần khí của Sư, nên đích thân tra xét, gạn hỏi nhiều lần, Sư đều đáp với ngôn từ và nghĩa lý vô cùng sâu sắc, nên mọi người đều khen huệ giải của Sư cao vút như các bậc tiên triết.

Sau khi thọ giới Cụ túc, Sư học luật Tứ Phần, Ca-chiên-diên, Tỳ-đàm, Thành Thật, Thập Địa, Địa Trì, Niết-bàn… Thời gian sau, Sư đến pháp sư Tĩnh Lâm, chuyên tâm học tất cả các các kinh luận, tìm tòi những điểm sâu kín, nghiên cứu yếu chỉ vi diệu; người bấy giờ đều khen Sư đã đạt ý kinh. Tuy nhiên, Sư cho rằng: “Pháp môn thì vô lượng, biển trí thật rộng sâu, chưa biết lấy gì làm kim chỉ nam”. Sư bèn đến trước Tạng kinh, lễ bái và tự lập nguyện, rồi thuận tay lấy một quyển kinh, thì được kinh Hoa Nghiêm quyển 1. Thế rồi, Sư đến chỗ pháp sư Trí Chính chùa Chí Tướng, nghe giảng và nghiên cứu kinh này. Tuy đã xem qua các bản xưa, Sư vẫn thường lưu tâm đến các chỉ thú mới lạ. Trải qua nhiều gian khó, nhưng vẫn chưa trừ được mối nghi, Sư liền xem khắp Tạng kinh, nghiên cứu các bản chú thích; khi đọc đến văn sớ của luật sư Quang Thống, thì mới dần dần tỏ ngộ được chỉ thú mới lạ, đó là “Vô tận duyên khởi[123] của Biệt giáo Nhất thừa[124]”. Sư vui mừng lãnh hội, tạm hiểu được nghĩa văn.

Sau đó, có vị tăng lạ đến bảo Sư: “Ông muốn hiểu được giáo nghĩa Nhất thừa, thì nên nghiên cứu nghĩa Lục tướng viên dung[125] trong phẩm Thập Địa. Thận trọng, chớ xem thường, nên nhiếp tâm tư duy trong vòng 1-2 tháng, sẽ tự lãnh hội”. Nói xong, vị ấy bỗng biến mất, Sư kinh ngạc hồi lâu. Từ đó, Sư chuyên tâm nghiên cứu, chưa đầy một tháng, đã tỏ ngộ, liền lập giáo, phân tông, soạn Hoa Nghiêm Kinh Sớ. Lúc này, Sư mới 27 tuổi.

Lần nọ, sau khi đảnh lễ nhiễu Phật 7 đêm để cầu chỉ điểm đúng sai, Sư mộng thấy có một thần đồng đến khải thị ấn chứng. Từ đó, Sư lui về ẩn nơi hoang vắng, không đua chen với đời. Về già, Sư mới ra hoằng truyền giáo pháp. Bấy giờ, Hoàng thái tử được phong làm Bái Vương, đích thân Sư làm giảng chủ; Hoàng thái tử ban lệnh cho quan phủ nơi đây lo việc cung cấp tứ sự[126]; nhờ đó, bánh xe Chánh pháp mãi xoay chuyển. Bởi thông thạo mọi việc, giỏi văn chương, lại có nhiều tài năng, nên Sư đã vẽ một bản đồ thế giới Liên Hoa Tạng, treo bên trái sông Thông, là việc hy hữu xưa nay.

Năm Tổng Chương thứ 1 (668), một hôm, Sư mộng thấy đài Bát-nhã của chùa Chí Tướng bỗng nhiên sụp đổ. Huệ Hiểu, đệ tử của Sư, lại mộng thấy một tràng phang treo cao vút, viên bảo châu trên đầu tràng phang sáng chói như mặt trời, từ từ di chuyển vào Kinh đô rồi ngã nhào. Thấy những điềm này, Sư biết mình sắp viên tịch, nên bảo đệ tử: “Thân huyễn của ta do duyên sanh, không có tự tánh. Nay ta tạm về cõi Tịnh; sau này, ta đến thế giới Liên Hoa Tạng, các ông theo ta, cũng nên lập chí nguyện này”. Thế rồi, vào đêm 29 tháng 10 năm ấy, thần sắc vẫn bình thường, Sư nằm theo thế cát tường, thị tịch tại chùa Thanh Tịnh, hưởng thọ 67 tuổi.

Đêm ấy, có người tu theo pháp môn Tịnh Độ, nghe giữa hư không có tiếng nhạc từ phương Tây vang đến, trong chốc lát lại trở về phương Tây, liền cho rằng, đây là điềm minh chứng việc vãng sanh của một bậc phước đức vẹn toàn. Sáng ra, vị ấy hỏi thăm, quả đúng như vậy.

Sư soạn hơn 20 bộ sớ và chú giải các kinh luận, câu cú ngắn gọn, cách giải thích sáng tỏ mới lạ, đạt được pháp môn, khai thông yếu chỉ.

Đệ tử của Sư là Hoài Tề, Hiền Thủ. Vào khoảng năm Vĩnh Long (680), Quách Thần Lượng, người huyện Trường An, Ung Châu, phạm hạnh thanh tịnh, bỗng nhiên bị chết thình lình. Chư thiên dẫn thần thức ông ta lên cung trời Đâu-suất, đảnh lễ Phật Di-lặc. Khi ấy, có một Bồ-tát hỏi Lượng: “Sao ông không thọ trì kinh Hoa Nghiêm?” Lượng thưa: “Vì không có người giảng”. Bồ-tát bảo: “Hiện có người đang giảng, sao nói là không?” Sau đó, Lượng sống lại, trình bày đầy đủ sự việc với pháp sư Bạc Trần. Từ đó mới biết, ngài Hiền Thủ đang giảng kinh Hoa Nghiêm, tinh thông giáo nghĩa sánh với bậc tiên triết. Hoài Tế (còn gọi là Hoài Tề) thì rất thông minh, nhưng chưa lãnh hội ý chỉ sâu kín, đã sớm thị tịch.

Vào đời Đại Chu (690-705), hoàng đế Tắc Thiên[127] đã gieo giống Phật trong vô lượng kiếp, đáng được suy tôn ức triệu lần. Đại Vân Thọ Ký[128], chuyển xe vàng đến dự; Hà đồ ứng lục[129], gióng trống ngọc mà lai lâm. Là thánh là thần, vận Lục thần thông[130] mà không cùng; chí thiện chí mỹ, dùng Thập thiện[131] hóa độ đến vô biên. Đại xá cho tù nhân, xót thương người có tội. Hơn hẳn nhà Hạ, vượt xa nhà Ân. Thế là đắp Tương Thành[132] ở Phần Thủy[133], trải tuệ nhật khắp mọi nơi. Vì vậy, Vũ Hậu khổ thân, dốc lòng hành trì Thập lực[134]; kính hiền trọng sĩ, quên mình thực hiện Tứ y[135]. Đúc tượng khắc kinh, rực sáng soi cửa khuyết[136]; thỉnh tăng dự hội, vân tập chốn cửu trùng[137]. Tuy nhà Hán, nhà Ngụy có thành cảm; nhà Lương, nhà Tề dốc lòng tin, so với đây cũng đâu đáng kể.

Bấy giờ, Vũ Hậu mở pháp tạng Hoa Nghiêm, mời danh tăng từ khắp chốn, thì ngày giờ tiếp nối, năm tháng không ngừng; còn tán tụng Phật đức, ca ngợi pháp ngôn, thì đàn sáo ngân vang, bút mực chồng chất.

Đêm mồng 7 tháng Giêng năm Vĩnh Xương thứ 1 (689), Vũ Hậu sắc lệnh cho chư tăng kiến lập đạo tràng Bát hội pháp tòa Hoa Nghiêm tại cửa Huyền Vũ, để xiển dương yếu chỉ nhiệm mầu của kinh Hoa Nghiêm; qua ngày mồng 8, hơn mấy ngàn Tăng tục cùng thiết lập trai hội. Bấy giờ, có vị quan phụ trách việc cất giữ băng, nhặt được một tảng băng ngọc. Trong đó, có 2 ngôi tháp cao hơn một thước, đầy đủ các tầng bậc, màu bạch ngân, trong sáng rõ ràng. Khi ấy, Vũ Hậu bảo đem ra cho chư tăng xem, mọi người kinh ngạc, vui mừng đảnh lễ, đều cho là ân đức Hoàng đế cảm nên. Thật là điềm lành hiếm có. Nhân đó, Vũ Hậu làm bài thơ Thính Hoa Nghiêm và lời tựa.

Lời tựa rằng:

Nhân lúc nhàn rỗi,

Nghe kinh Hoa Nghiêm.

Thấy biện tài ngang dọc

Xem dấu tích tượng long[138].

Đã giúp huân tập

Lại bặt mối nghi.

Nên bày tâm nguyện,

Ghi lại vài lời.

Bài từ như sau:

Giảng tòa Hoa Nghiêm khai,

Tăng chúng đầy pháp hội

Thánh nhân cũng vân tập

Thiên hoa rực bầu trời.

Tòa phân sen ngàn cánh

Hương tỏa khói nhẹ lan

Chuông vang thấu Hữu đảnh[139]

Phạm âm[140] vọng vô biên.

Một lời nêu diệu nghĩa

Thất xứ lại trùng tuyên

Duy tâm đạt Bát hội[141]

Ý lặng, chứng Tam thiền[142].

Ngộ pháp vô sanh diệt,

Thường vui Phật hiện tiền.

Vậy là,

Thế giới Liên Hoa

Dậy sóng cả nơi Hải ấn.

Cõi nước vi trần

Thâu vào lưới Nhân-đà-la[143].

Thánh thượng

Việc triều nhàn rỗi,

Thương xót triệu dân.

Chiếu Thất giác[144] khai ngộ kẻ mê,

Bày Tứ biện[145] cảnh răn người tối.

Phật đạo cao xa,

Vòi vọi vượt ngoài hoàn vũ.

Giáo nghĩa trác tuyệt,

Sừng sững thoát khỏi trần ai.

Một lời diễn nghĩa,

Thật là nghe điều chưa từng nghe.

Bảy xứ hoằng tuyên,

Quả là thấy điều chẳng từng thấy.

Bài tán Phu mã hoàng và bài thơ Dịch đăng hậu thông có thể sánh được sao?

] Pháp sư Đàm Vô Tối ở chùa Dung Giác, kinh đô Lạc Dương, sống vào đời Bắc Ngụy (386-534).

] Pháp sư Ý ở Bắc Đài, sống vào đời Ngụy (386-534) (soạn sớ, nhưng không rõ mấy quyển).

] Thiền sư Tăng Đạt ở chùa Hồng Cốc, núi Lâm Lư, sống vào đời Tề (550-577).

] Pháp sư Tăng ở chùa Tê Vụ, Nhiếp Sơn, sống vào đời Tề (550-577).

] Pháp sư Đàm Tuân ở Nghiệp Trung, sống vào đời Tề (550-577).

] Pháp sư Huệ Thuận ở chùa Tổng Trì, Nghiệp Hạ, sống vào đời Tề (550-577).

] Pháp sư Huyền Sướng ở chùa Tề Hưng, núi Tề Hậu, Thục quận, sống vào đời Tề (550-577).

] Pháp sư Đạo Bằng ở chùa Bảo Sơn, Nghiệp Tây, sống vào đời Tề (550-577).

] Pháp sư Thuyên ở chùa Chỉ Quán, Nhiếp Sơn, sống vào đời Trần (557-581).

] Pháp sư Pháp Lãng ở chùa Hưng Hoàng, kinh đô Lạc Dương, sống vào đời Trần (557-581).

] Pháp sư Huệ Tượng ở Đại Thiền Chúng tự, kinh đô Lạc Dương, sống vào đời Trần (557-581).

] Pháp sư An Lẫm ở chùa Kỳ Xà, Chung Sơn, sống vào đời Trần (557-581).

] Pháp sư Hồng Tuân ở Đại Hưng Thiện tự, Tây Kinh, sống vào đời Tùy (581-618) (soạn sớ 7 quyển).

] Pháp sư Đàm Thiên ở đạo tràng Thiền Định, Tây Kinh, sống vào đời Tùy (581-618) (soạn sớ phẩm Minh Nạn).

] Pháp sư Huệ Viễn ở chùa Tịnh Ảnh, Tây Kinh, sống vào đời Tùy (581-618) (soạn sớ 7 quyển, nhưng chưa hoàn thành, chưa thuyết giảng).

] Pháp sư Tĩnh Uyên ở đạo tràng Chí Tướng, núi Chung Nam, sống vào đời Tùy (581-618).

] Pháp sư Huệ Giác ở chùa Huệ Nhật, Giang Đô, sống vào đời Tùy (581-618).

] Pháp sư Cát Tạng ở chùa Diên Hưng, tại Kinh đô, sống vào đời Đường (618-907).

] Pháp sư Trí Cư ở chùa Kiến An, Thường Châu, sống vào đời Đường (618-907).

] Pháp sư Trí Chính ở chùa Chí Tướng, núi Chung Nam, sống vào đời Đường (618-907) (soạn sớ 10 quyển).

] Pháp sư Huệ Trì ở chùa Hoằng Đạo, Việt Châu, sống vào đời Đường (618-907).

] Pháp sư Huệ Trách ở chùa Thanh Thiền, tại Kinh đô, sống vào đời Đường (618-907).

] Pháp sư Huệ Tuyền ở chùa Quang Phước, Tương Châu, sống vào đời Đường (618-907).

] Pháp sư Quang Giác ở chùa Phổ Quang, tại Kinh đô, sống vào đời Đường (618-907) (soạn sớ 10 quyển).

Các vị Pháp sư trên rất uyên thâm kinh điển và đều hiểu rộng kinh Hoa Nghiêm, nhưng có vị khiêm hạ mà ẩn cư, hoặc có chí nhưng chưa thành. Các vị này đã không chuyên về kinh Hoa Nghiêm, lại không có điềm lành ứng hiện, nên chỉ phụ ghi ở đây, ngõ hầu biết được những vị có tâm nguyện hoằng dương kinh này làm cho hương thơm còn mãi.

Chú thích:

[108] Tội ngũ nghịch: Năm tội cực ác trái với đạo lý. Theo thuyết của Tiểu thừa, 5 tội nghịch là: Giết mẹ, giết cha, giết A-la-hán, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp tăng. Hai tội trước là phá ân điền, 3 tội sau là hủy đức điền. Người phạm 5 tội này sẽ bị đọa vào địa ngục Ngũ vô gián. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2983).

[109] Vào năm Đại Nghiệp thứ 9 (613), khi Sư đang làm Tri sự, có người đến tranh đất. Sợ mất quyền lợi của chúng tăng, không có ích cho người đời, Sư hết sức khuyên can, nhưng họ không nghe, nên nói: “Ta sẽ chết cho ông biết!” Nói xong, Sư ngã nhào, người cứng như thây chết. Dân chúng cùng bàn với nhau: “Ông Thầy này hay giả vờ lắm! Thử lấy kim chích vào mấy đầu ngón tay để xem thật hay giả”. Thế rồi, họ lấy kim chích thật sâu, nhưng thân Sư vẫn chuyển dần qua màu của xác chết, không lay động, gần trương sình lên. Bấy giờ, có người trí đứng bên cạnh, bảo người kia hồi tâm sám hối, nguyện không dám tranh cãi nữa. Họ vừa dứt lời, Sư liền trở lại đứng, ngồi, nói, cười như thường. (Theo Pháp Uyển Châu Lâm quyển 33).

[110] Có lần, đến bên cạnh ao hồ ở Long đài, thấy cá đang bơi lội, Sư nói: “Ta và các ngươi cùng đọ sức, xem thử ai hơn? Các ngươi không hơn ta, ta chẳng lẽ cũng không hơn các ngươi ư?” Nói xong, Sư cởi áo, nhảy xuống nước. Đệ tử cầm giữ áo cho Sư. Trải qua 16 đêm, đọ sức xong, Sư lên bờ, nói: “Tuy ở trong nước, mà bùn đất làm ta thêm dơ bẩn thôi”. (Theo Tục Cao Tăng Truyện quyển 25).

[111] Lần nọ, vào mùa Đông giá rét, tuyết phủ dày đặc, Sư nói: “Chỗ yên lặng như vầy, sao mà ngủ không được?” Vừa dứt lời, Sư cởi y phục, nằm trên tuyết trải qua 3 đêm, rồi đứng dậy nói: “Hình như lửa đốt cháy ta!” (Theo Tục Cao Tăng Truyện quyển 25).

[112] Giáo pháp sơ thời: Tức là thời Hoa Nghiêm. Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày đầu tiên sau khi Ngài thành đạo. Bấy giờ, nội dung thuyết giáo thì chính là Viên giáo, phụ là Biệt giáo và đối tượng để thuyết giáo là chúng Đại Bồ-tát Biệt giáo và những vị ưu tú trong Viên giáo. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 3031, điều “Ngũ thời Bát giáo”).

[113] Bảy chúng: Bảy hàng đệ tử (xuất gia và tại gia) hình thành giáo đoàn của đức Thích Tôn. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5348).

[114] Chùa Đại Từ Ân: Còn gọi chùa Từ Ân. Ngôi chùa cổ ở Thành Nam, huyện Tây An, Trung Quốc, do thái tử Trị (Cao Tông) xây dựng để báo từ ân cho mẹ là hoàng hậu Văn Đức. Chùa có khoảng 10 viện, 1.000 gian, trang nghiêm hùng vĩ. Khi chùa xây xong, Thái tử đích thân đến lễ Phật, rồi ban sắc lệnh cho độ 300 người xuất gia làm Tăng, thỉnh ngài Huyền Tráng làm Thượng tọa, biệt thỉnh 50 vị Đại đức. Viện dịch kinh được xây ở phía Tây Bắc của chùa để thờ kinh điển, tượng Phật và Xá-lợi do ngài Huyền Tráng đem từ Ấn Độ về. Sau đó, vua xây thêm tháp Đại Nhạn cao 5 tầng theo kiểu Tây Vực để cất giữ kinh Phật tiếng Phạn của ngài Tam tạng A-địa-cù-đa người Thiên Trúc thỉnh từ Ấn Độ sang. Vách sau phía Nam của tháp có hai bia đá khắc bài “Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo Tự” của vua Thái Tông và bài “Tự Kí” của thái tử Trị. Năm 656, ngài Huyền Tráng tâu vua lập bia chùa Đại Từ Ân, nhà vua y tấu và đích thân soạn văn bia. Bia này được đặt ở Phương Lâm Môn. Sự nghiệp dịch kinh của ngài Huyền Tráng phần lớn được hoàn thành ở chùa này. Sau khi Ngài thị tịch, có đệ tử là ngài Khuy Cơ kế thừa, ở chùa này hoằng hóa môn Duy Thức. Cho nên, tông Duy Thức còn gọi là tông Từ Ân. Thời vua Đức Tông, có ngài Tam tạng Mâu-ni-thất-lợi người Bắc Ấn Độ cũng đến chùa này dịch kinh và thị tịch ở đây. Trải qua nhiều triều đại, bao nhiêu đổi thay chùa này chỉ còn duy nhất tháp Đại Nhạn. Ngôi chùa này được trùng tu vào khoảng năm 1662-1722. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1323-1324).

[115] Tùy Dạng Đế (605-617): Tên là Dương Quảng, con thứ của Tùy Văn Đế Dương Kiên.

[116] Nhất thừa: còn gọi là Phật thừa. Phương pháp duy nhất giúp chúng sanh đạt đến quả vị Phật. Đức Phật giảng nói pháp Nhất thừa giúp chúng sanh theo đó tu hành, vượt ra ngoài biển khổ sanh tử, chuyên chở hành giả đến bờ Niết-bàn. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3260).

[117] Pháp sư Trí Chính (559-639): Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Bạch, người An Hỉ, Định Châu (nay là huyện An Hỉ, tỉnh Hà Bắc)… Sư tinh thông kinh Hoa Nghiêm, thường thăng toà thuyết pháp. Sư soạn Hoa Nghiêm Sớ 10 quyển. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VII, trang 5774).

[118] Sớ: còn gọi Nghĩa sớ, sách chú thích kinh luận.

[119] Sao: Văn chú giải sớ. Sao tức sao lược, tùy thuận theo bản gốc mà giải thích sơ lược thêm, khiến cho diệu nghĩa của kinh sớ càng rõ ràng, dễ hiểu.

[120] Chương: Phân chia thành thiên để luận giáo nghĩa.

[121] Pháp thường (567-645): Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Trương, người Bạch Thủy, Nam Dương (nay là tỉnh Hà Nam). Lúc nhỏ, Sư theo Nho học. Năm 19 tuổi, Sư xuất gia với ngài Đàm Diên. Năm 22 tuổi, Sư học luận Nhiếp Đại Thừa, nghiên cứu và giảng dạy kinh Hoa Nghiêm, luận Thành Thật, Tì-đàm, Địa Luận. Đời Tùy, Sư vâng lệnh vua trụ ở chùa Đại Thiền Định tại Trường An. Sư thị tịch vào năm 645, hưởng thọ 79 tuổi. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3559).

[122] Tăng Biện (568-642): Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Trương, người ở Nam Dương (nay là tỉnh Hà Nam). Sư xuất gia từ thuở nhỏ, học luận Nhiếp Đại Thừa nơi pháp sư Trí Ngưng. Khoảng 618-626 đời Đường, Sư giảng thuyết, xiển dương luận Nhiếp Đại Thừa. Khoảng năm 627-649, khi ngài Huyền Tráng dịch kinh, Sư được cử làm người Chứng nghĩa. Sau đó, Sư vâng sắc trụ ở chùa Hoằng Phước, chuyên giảng thuyết giáo hóa. Tuy nổi tiếng khắp trong nước, nhưng Sư vẫn tự khiêm, từng đến dự nghe ngài Đạo Nhạc giảng luận Câu-xá. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4276).

[123] Vô tận duyên khởi: Còn gọi Pháp giới duyên khởi, Pháp giới vô tận duyên khởi, Thập thập vô tận duyên khởi, Thập huyền duyên khởi, Nhất thừa duyên khởi, là pháp quán Sự vô ngại pháp giới trong giáo nghĩa của tông Hoa nghiêm. Tông Hoa Nghiêm cho rằng: Hiện tượng giới tuy có muôn ngàn sai biệt, nhưng tính của nó là thật thể, tức tất cả các pháp duyên khởi đều có Thật thể. Đây là Thật tướng của pháp giới. Sự hình thành của pháp giới là từ một pháp thành tất cả pháp, từ tất cả pháp sinh khởi một pháp. Vì thế, một là tất cả (nhất tức nhất thiết), tất cả là một (nhất thiết tức nhất), tương nhập tương tức, viên dung vô ngại và trùng trùng vô tận… (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3503-3504).

[124] Biệt giáo Nhất thừa: Giáo nghĩa Nhất thừa của tông Hoa Nghiêm cách biệt với căn cơ Tam thừa, chỉ khế hợp với căn cơ Đại thừa Viên giáo và Đốn giáo. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 539).

[125] Lục tướng viên dung: còn gọi Lục tướng duyên khởi. Sáu tướng: Tổng, Biệt, Đồng, Dị, Thành và Hoại, dung hợp lẫn nhau mà không ngăn ngại. Thuyết này cùng với thuyết Thập huyền môn, gọi chung là Thập huyền lục tướng, là giáo nghĩa trọng yếu của tông Hoa Nghiêm. Tông Hoa Nghiêm dùng 6 tướng này làm cơ sở lập thuyết “Lục tướng viên dung”, tức là các pháp đều đầy đủ 6 tướng này, hỗ tương lẫn nhau mà không ngăn ngại, toàn thể và bộ phận, bộ phận và toàn thể đều là một thể. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2568).

[126] Tứ sự: Bốn món y phục, thức uống ăn, ngọa cụ và thuốc men; hoặc chỉ cho y phục, thức uống ăn, thuốc men và phòng xá. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4840).

[127] Võ Tắc Thiên (624-705): Vị nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa (690-705), người Văn Thủy, Tĩnh Châu (nay thuộc huyện Văn Thủy, tỉnh Sơn Tây).

Năm 14 tuổi, Võ Tắc Thiên được tuyển vào cung hầu hạ vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân), nhờ thông minh mà được sủng ái. Đường Thái Tông băng hà, Võ Tắc Thiên xin ra tu ở chùa sư nữ, lúc đó bà mới 27 tuổi. Thái tử Lý Trị lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Đường Cao Tông, triệu bà vào cung làm Chiêu nghi, không bao lâu thì lập làm Hoàng hậu, bấy giờ bà 32 tuổi. Khi vua Cao Tông về già, bà nắm hết mọi việc triều chính. Vua Cao tông băng, bà truất phế vua Trung Tông (Lý Hiển) vào năm 684, lập Lý Đán lên ngôi, là Đường Duệ Tông. Võ Tắc Thiên vẫn nắm trọn quyền bính, đổi tên kinh đô Lạc Dương thành Thành Đô, cải tạo bộ máy quan lại từ trung ương đến địa phương, từ cơ cấu đến thể chế.

Năm 690, Võ Tắc Thiên buộc Đường Duệ Tông đứng đầu hơn 600.000 người cùng ký tên dâng biểu tôn bà lên làm Hoàng đế, đổi quốc hiệu Đường thành Chu, tự xưng là “Tắc Thiên Kim Luân Hoàng Đế”. Bà giỏi về chiến lược, khéo dùng người, chấp chính đến hơn 40 năm. Bà cùng tỳ-kheo Đàm Từ tạo kinh Đại Vân gồm 4 tập, nội dung: “Võ hoàng hậu nguyên là đức Phật Di-lặc xuống trần làm vua để cai trị nhân dân”. Nhưng bà lại thờ các Cao tăng Thần Tú, Pháp Tạng, Nghĩa Tịnh… làm thầy, hết lòng cung kính. Bà còn cho xây chùa để độ tăng, đắp tượng, chép kinh, qua nhiều năm mà không chán mỏi. Về già, tính tình bà trở nên kiêu căng, bạo ngược, nên đưa triều đình nhà Chu vào con đường diệt vong.

Một buổi sáng đầu năm 705, Trương Giản Chi buộc Võ Tắc Thiên nhường ngôi tức khắc, bỏ quốc hiệu Chu, khôi phục nhà Đường. Bà băng vào tháng 11 năm 705, thọ 82 tuổi, thụy hiệu “Tắc Thiên Hoàng Hậu”.

(Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VII, trang 6057; Lê Giảng, Các triều đại Trung Hoa, Nxb. Thanh Niên, 2002, trang 156-160).

[128] Đại Vân Thọ Ký: Lời báo trước trong kinh Đại Vân. Kinh Đại Vân: Còn gọi kinh Đại Phương Đẳng Đại Vân, kinh Đại Phương Đẳng Vô Tướng Đại Vân, kinh Đại Vân Vô Tướng, kinh Đại Vân Mật Tạng… Kinh gồm 6 quyển, hoặc 5 quyển, 4 quyển. Nội dung gồm 37 phẩm, nói về việc Đức Phật khai thị cho bồ-tát Đại Vân phương pháp tu hành thông đạt môn Đà-la-ni, tam-muội Đại Hải, thật ngữ của chư Phật, Như Lai thường trụ, bảo tạng của Như Lai. Về nguồn gốc, kinh này có 2 thuyết Ngụy tạo và Trùng dịch. Thuyết chủ trương ngụy tạo cho rằng, kinh này do Võ Tắc Thiên đời Đường ban sắc lệnh cho sa-môn soạn, truyền bá khắp trong nước để củng cố quân quyền của Thiên Hậu. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1291-1292, điều “Đại Phương Đẳng Vô Tưởng Kinh”).

[129] Hà đồ: Bản đồ trên lưng con long mã ở sông Hoàng hà. Hà đồ ứng lục: Nói đủ là Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, nghĩa là Hoàng Hà xuất hiện đồ hình, Lạc Thủy xuất hiện văn tự. Câu này trích từ thiên Hệ Từ, thượng, trong Chu Dịch “Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi”. Thiền tông dùng nhóm từ này để chỉ cho việc lạ ngoài trí năng của con người. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1738).

[130] Lục thần thông: Sáu năng lực thù thắng của bậc thánh Tam thừa. Đó là: Thần túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông và lậu tận thông. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2570).

[131] Thập thiện: Mười hành vi thiện do 3 nghiệp thân, khẩu, ý tạo ra. Thập thiện bao gồm: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ (không nói sai sự thật), không lưỡng thiệt (không nói lời ly gián), không ác khẩu (không nói lời thô ác), không ỷ ngữ (không nói lời thêu dệt), không tham dục, không sân khuể, không tà kiến (không có kiến giải sai lầm). (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5318).

[132] Tương Thành: Tên huyện, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

[133] Phần thủy: Sông Phần, phát nguyên từ núi Quản Sầm, phía Tây Nam huyện Ninh Vũ, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

[134] Thập lực: Mười lực của Bồ-tát. Đó là: Thâm tâm lực (trực tâm lực), tăng thượng thâm tâm lực, phương tiện lực, trí lực (trí huệ lực), nguyện lực, hành lực, thừa lực, thần biến lực (du hý thần thông lực), bồ-đề lực và chuyển pháp luân lực. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5256).

[135] Tứ y: Còn gọi Hành tứ y. Bốn hành pháp mà người tu hành y chỉ. Bốn hành pháp này là duyên để nhập đạo, là chỗ y chỉ của bậc thượng căn lợi khí. Đó là: Mặc y phấn tảo, thường đi khất thực, ngồi dưới gốc cây, dùng trần hủ dược. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4904).

[136] Nguyên bản là Thiên môn 千門 : tức cung môn 宮門 , cửa khuyết, cửa ở cung điện nhà vua.

[137] Cửu trùng: Chín bậc, tức chỗ vua ngồi.

[138] Tượng long: Tức Long tượng.

[139] Hữu đảnh: Còn gọi Hữu Đảnh Thiên, Sắc Cứu Cánh Thiên, tầng trời thứ 9 thuộc Tứ thiền thiên của cõi Sắc, là đỉnh cao nhất của thế giới hữu tình. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 2064-2065).

[140] Phạm âm: Còn gọi Phạm thanh, âm thanh vi diệu, thanh tịnh của Phật, Bồ-tát, một trong 32 tướng tốt của Phật. Theo luận Đại Trí Độ 4, Phạm âm của Phật có 5 năng lực: 1- Rền vang như sấm; 2- Trong trẻo vang xa, người nghe tâm sinh vui mừng; 3- Khiến người sinh tâm kính ái; 4- Dễ hiểu; 5- Người nghe không chán. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3464).

[141] Thất xứ Bát hội: Thất xứ là bảy chỗ Phật nói kinh Hoa Nghiêm. Bát hội là tám hội Phật nói kinh Hoa Nghiêm. Hội thứ 1 tại Tịch Diệt Đạo Tràng. Hội thứ 2 tại Điện Phổ Quang Minh. Hội thứ 3 tại Trời Đao-lợi. Hội thứ 4 tại Trời Dạ-ma. Hội thứ 5 tại Trời Đâu-suất. Hội thứ 6 tại Trời Tha Hóa. Hội thứ 7 tại Điện Phổ Quang Minh. Hội thứ 8 tại Rừng Thệ-đa. Như vậy, Phật nói ở Điện Phổ Quang Minh đến hai lần. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1296; tập VI, trang 5385).

[142] Tam thiền: Cõi thiền thứ 3 trong 4 cõi thiền của Sắc giới.

[143] Lưới Nhân-đà-la: Lưới báu dùng để trang nghiêm cung điện của trời Đế-thích… Kinh Hoa Nghiêm dùng lưới Nhân-đà-la để dụ cho ý nghĩa một và nhiều tương tức tương nhập, trùng trùng vô tận của các pháp. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3140).

[144] Thất giác: Còn gọi là Thất giác chi. Bảy pháp có công năng giúp cho trí huệ bồ-đề phát triển. Đó là: Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi và xả giác chi. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5360).

[145] Tứ biện: Còn gọi là Tứ vô ngại giải. Bốn thứ năng lực lý giải (tức trí giải) và năng lực diễn đạt bằng ngôn ngữ (tức biện tài) một cách tự do tự tại, không trệ ngại. Đó là: Pháp vô ngại giải, nghĩa vô ngại giải, từ vô ngại giải và biện vô ngại giải. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4898).

    Xem thêm:

  • Những Truyện Cảm Ứng Về Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (Trọn bộ 4 tập) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 2 - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 01 – Kính Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 03 – Kính Tăng - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Cao Tăng Triều Tiên - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 3 - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni - Kinh Tạng
  • Truyện Pháp Sư Bà Tẩu Bàn Đậu - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Niệm Tụng Đà La Ni Nhứt Kế Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 02 – Kính Pháp - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhập Pháp Giới Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Hoa Thủ - Kinh Tạng
  • Tổng Quan Kinh Điển Nam Truyền (Pali) - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng