1
2
3
4
5

QUYỂN 5

9- THƯ TẢ (Những vị biên chép kinh Hoa Nghiêm) [179]:

9.1- An Phong Vương Diên Minh và Trung Sơn Vương Nguyên Hy:

Diên Minh và Nguyên Hi đều thuộc dòng Tôn thất đời Ngụy[180], thông hiểu chuyện xưa, có học vấn và tri thức. Hai ông cùng lập đạo tràng, thay nhau giảng pháp; lại dùng nước thơm hòa mực để chép 100 bộ kinh Hoa Nghiêm. Đặc biệt, có chép một bộ kinh Hoa Nghiêm chữ nhũ vàng trên lụa trắng, tất cả đều đặt trong rương tứ bảo[181] và hòm ngũ hương[182]. Vào đêm khuya vắng lặng, hai ông thanh tịnh thân tâm, tụng kinh hành đạo. Bấy giờ, thường có luồng ánh sáng 5 sắc[183] phóng ra, chiếu rực cả nhà. Mọi người đều thấy, càng tin sâu kinh này.

9.2- Thích Đức Viên:

Sư người Thiên Thủy, xuất gia từ thuở nhỏ, thường chọn kinh Hoa Nghiêm làm pháp tu, lấy việc tụng kinh, tham thiền làm thường khóa. Sư tham học khắp các đạo tràng, tỏ ngộ được lý cùng tột. Lại kính nghĩ Hoa Nghiêm là bộ kinh uyên áo; muốn tỏ lòng chí thành với kinh, Sư bèn tạo một khu vườn thanh tịnh, trồng cây dó[184] và các hoa cỏ thơm. Từ đó, hàng ngày, sau khi tắm gội sạch sẽ, Sư vào vườn, tưới nước thơm cho cây. Suốt 3 năm, cây dó lớn lên, tỏa hương thơm ngát. Bấy giờ, Sư dựng riêng một tịnh thất, dùng đất thơm trát vách, đắp nền, rồi chuẩn bị đầy đủ hương thơm, vật dụng sạch sẽ, đồ tắm, y phục mới. Những người thợ được mời cũng phải trai giới, khi ra vào phải thay y phục, súc miệng, rửa tay, xông hương, rồi mới lột lấy vỏ cây ngâm vào nước trầm để chế tạo thành giấy, trọn một năm mới xong.

Sư lại đắp một nền khác để làm căn phòng mới, mà toàn bộ cột kèo, rui mè cho đến ngói lợp cũng đều rửa bằng nước thơm. Mọi việc đều tinh khiết, nghiêm cẩn. Trong căn phòng ấy, Sư bố thí một tòa được làm bằng gỗ bách khảm ngà voi, chung quanh bày biện hương hoa, phía trên có treo lọng báu và chuông gió. Bàn kinh được làm bằng gỗ bạch đàn[185], kết rèm xen với lưu tô[186], tử trầm[187], bên cạnh là cái án bày đầy bút nghiêng. Người viết kinh hàng ngày phải giữ giới nghiêm tịnh, tắm 3 lần bằng nước thơm, mặc y mới, đội hoa quan[188], giống như người cõi trời, rồi mới vào phòng chép kinh. Hai bên đường vào phòng chép kinh, có đốt hương thơm ngát và xướng tụng Phạm âm. Bấy giờ, Sư cũng đắp y trang nghiêm, bưng lư hương, cung kính dẫn đường, rải hoa cúng dường, rồi mới chép kinh. Sư quỳ gối dốc lòng, định thần chú ý. Mới chép được vài hàng, mỗi chữ đều phóng hào quang chiếu sáng cả căn nhà, hồi lâu mới tắt. Thấy vậy, mọi người đều rất cảm động.

Có khi còn cảm đến Thần nhân hiện hình cầm kích bảo vệ, chỉ Sư và người chép kinh trông thấy. Lại có một đồng tử cõi trời Phạm[189] mặc áo xanh, tay cầm hoa trời, không biết từ đâu, chợt đến cúng dường. Những chuyện linh cảm xảy ra liên tiếp. Trải qua 2 năm mới chép xong. Sư lại xếp kinh vào chiếc hộp hương, màn báu phủ quanh, đặt trong tĩnh thất, thường vào lễ bái. Một hôm, Sư đang đọc tụng, thì chiếc hộp phát ra ánh sáng lạ.

Việc giữ thanh tịnh và cung kính kinh điển, cũng như những điềm lành ứng hiện như vậy, xưa nay thật hiếm có.

Đến nay, kinh này lần lượt truyền trao qua năm đời mà người sau vào tịnh thất tụng kinh vẫn còn linh cảm. Hiện kinh được lưu giữ, cúng dường ở chỗ sư Hiền Thủ tại chùa Tây Thái Nguyên (tức Ngụy Quốc Tây Tự).

9.3- Thích Pháp Thành:

Sư họ Phần, người huyện Vạn Niên, Ung Châu, Trung Quốc. Sư xuất gia từ thuở nhỏ, lấy việc tụng kinh Hoa Nghiêm làm sự nghiệp. Nhân gặp thiền sư Huệ Siêu là người đức hạnh cao vời, ẩn cư chốn thâm sơn, Sư thầm biết mình có duyên, liền từ bỏ nơi ồn náo, chí thành đến thỉnh giáo.

Sau Sư lập Hoa Nghiêm đường trên đỉnh núi phía Nam của chùa. Ngói và vách của ngôi nhà được làm bằng đất trộn nước thơm do đích thân Sư nhồi đạp tự làm. Trang trí phòng ốc xong, Sư lau sạch họa tượng Thất xứ Bát hội, lại đến mời một người viết chữ đẹp lúc bấy giờ là học sĩ Trương Tĩnh ở Hoằng Văn quán; khi mọi việc đã thanh tịnh, mới cung kính biên chép kinh văn. Bấy giờ, Sư bưng lư hương nhất tâm cúng dường, cho đến mỗi chấm mỗi nét cũng đều định thần chú tâm. Sư phải trả phí rất trọng, 2 trang đến 500 tiền.

Chuyện này cảm ứng đến một con chim quý có hình sắc lạ thường, ngậm cành hoa bay vào nhà, từ từ lượn quanh, rồi đáp xuống bàn kinh, kế đó lại bay đến lư hương. Những ngày chép kinh kế tiếp, chim lại bay đến. Chép xong, Sư đặt kinh vào hộp thơm, màn báu vây quanh, trang trí rất đẹp. Từ đó về sau, những người chuyên tâm đọc tụng, phần nhiều có cảm ứng.

9.4- Thiền sư Thích Tu Đức:

Sư người Trung Sơn, Định Châu, sống vào đời Đường (618-907), Trung Quốc. Sư bản tánh ưa khắc khổ, ẩn cư nơi núi rừng, chuyên tâm tu tập theo kinh Hoa Nghiêm và luận Đại Thừa Khởi Tín, đồng thời cũng nhiếp niệm tu thiền.

Vào năm Vĩnh Huy thứ 4 (653), nhân kính tin kinh Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm, Sư phát đại tâm, dốc lòng sao chép. Do đó, Sư ở riêng trong một tịnh viện, trồng cây dó và các loại thảo dược, suốt 3 năm tưới bằng nước thơm. Sau đó, bóc lấy vỏ chế tạo thành giấy. Sư lại xây thêm một tĩnh thất, mời người viết chữ đẹp Vương Cung ở Ngụy Châu về ở nơi ấy, hàng ngày giữ trai giới, tắm gội, thay y phục, đốt hương, rải hoa, treo bảo cái, lễ kinh sám hối, rồi mới lên tòa chép kinh. Mỗi lần ông ta đặt bút thì ngậm hương, nhấc bút mới thở ra; ngày ngày như thế, tinh cần không biếng trễ. Còn Sư thì đích thân vào tịnh thất, chí thành đốt hương, chú tâm theo dõi từng nét bút, như thế cho đến khi chép xong. Cứ mỗi quyển, Sư trả công 10 xấp lụa, đến hoàn tất trọn bộ thì tính hơn 600 xấp lụa, nhưng Vương Cung phát tâm cúng dường. Do tâm trí lao khổ, khiến sức cùng lực kiệt, nên vừa chép kinh xong, thì ông cũng qua đời.

Sư mở trai đàn tạ lễ việc chép kinh hoàn mãn, mọi người đều cầu mong được lễ bái và chiêm ngưỡng. Trước chúng, Sư đốt hương, rải hoa và phát nguyện rộng lớn. Vừa mở hộp kinh, ánh sáng phóng ra, tỏa hơn 70 dặm, chiếu đến thành Định Châu. Trai gái trong thành đều trông thấy. Đại chúng ở Trung Sơn thấy việc này, đều cho là điều chưa từng có, nên gieo mình xuống đất, than khóc sám hối.

Sư lại khắc kinh Niết-bàn, Pháp Hoa lên đá, mỗi loại một bộ. Vừa đưa vào tôn trí trong rương, hai bộ kinh này liền phóng ánh sáng, tỏa khắp hơn 10 dặm. Mọi người thấy vậy, đều vô cùng cảm ngộ.

9.5- Triều tán đại phu Tôn Tư Mạc:

Ông là người Vĩnh An, Ung Châu, sống vào đời Đường (618-690). Ông có thần thái cao khiết, dung mạo khôi ngô, thân cao 7 thước, mắt sáng, mày thưa, học thông nội ngoại điển[190], giỏi y thuật, rành âm dương, thuật số, thiên văn, lịch pháp và bói toán. Ông còn giỏi dưỡng thần, thích đan dược[191]. Do thường dùng Lưu châu đan và Vân mẫu phấn[192], nên da dẻ hồng hào, răng tóc nguyên vẹn. Tương truyền, Ông đã hơn 100 tuổi mà tướng mạo như chừng bảy tám mươi.

Năm Nghĩa Ninh thứ 2 (618)[193], lúc Đường Cao Tổ (Lý Uyên, 618-626) khởi nghĩa ở Tinh Châu, ông cũng đang ở đó. Biết ông là người uyên bác, Cao Tổ lấy lễ mà đối đãi, phong chức Quân đầu[194], cấp hàm Tứ phẩm, nhưng ông một mực từ chối. Về sau, ông chu du khắp nơi, tùy thời tùy lúc giúp ích cho đời, nhưng chuyên lấy y thuật làm sự nghiệp. Hễ có người đến hỏi bệnh, ông đều cứu chữa. Ngoài ra, ông còn khuyên mọi người chép được hơn 750 bộ kinh Hoa Nghiêm.

Trong khoảng niên hiệu Thượng Nguyên (674-676) đến niên hiệu Nghi Phượng (676-679), ông sống ở 2 huyện Trường An và Vạn Niên. Tại đây, ông thường nói chuyện về các nhân vật Tề, Ngụy hay cố đô Lạc Dương. Các quan trong thành và tăng chúng các chùa đều chứng kiến việc này, nhưng khi hỏi thì ông tuyệt nhiên không nói.

Ông có soạn bộ sách nói về diệu thuật của các danh y xưa nay, đặt tên là “Tôn Thị Thiên Kim Phương”, gồm 60 quyển, được đương thời sử dụng. Khi ông dâng lên Cao Tổ, Cao Tổ ban thưởng gấm lụa, nhưng ông kiên quyết từ chối. Bấy giờ, vua triệu ông vào cung và tiếp đãi rất ưu ái suốt một tháng.

Có lần, vua Cao Tông (Lý Trị, 649-683)) ung dung hỏi ông:

– Tu công đức gì là tốt nhất?

Mạc trả lời:

– Tâu Hoàng thượng, không gì bằng tụng kinh Hoa Nghiêm.

Vua hỏi:

– Tại sao?

Mạc đáp:

– Hoàng thượng là bậc Đại nhân, phải tụng Đại kinh. Thí như vật báu thì phải đựng trong hòm quý mới tương xứng.

Vua nói:

– Nếu luận về Đại kinh, thì gần đây có bộ Đại Bát-nhã 600 quyển[195], do pháp sư Huyền Tráng dịch, há không phải là Đại sao?

Mạc nói:

– Bát-nhã Không tông[196] là ngọn ngành, được rút ra từ kinh Hoa Nghiêm.

Vua rất tin lời này.

Ông mất trước năm Vĩnh Thuần (682-683). Con của ông tên Nguyên Nhất, hiệu Hành Chân, là người có tánh ngay thẳng, học vấn uyên bác, nghe nhiều, biết rộng, trí nhớ tốt, hiểu sâu pháp yếu, cũng quy hướng Nhất thừa. Nối nghiệp cha, Nguyên Nhất cũng lấy kinh Hoa Nghiêm làm sự nghiệp, nổi danh đương thời, là một thanh tín sĩ[197] xuất sắc.

9.6- Cư sĩ Khang A Lộc Sơn:

Cư sĩ người huyện Vạn Niên, Ung Châu.

Vào ngày mồng 1 tháng 5 năm Điều Lộ thứ 2 (680), ông lâm bệnh rồi qua đời. Năm ngày sau, người nhà mới liệm và đưa đi chôn, nhưng chưa kịp khiêng xuống xe, thì nghe trong quan tài có tiếng động. Người thân nghi ông sống lại, nên mở ra xem, quả thật như thế. Đưa về đến nhà, Ông nói Diêm vương[198] bắt nhầm.

Trước mặt Diêm vương, có tất cả 35 người xếp thành một hàng. Trong đó, 15 người như Quả Nghị ở Tân Phong, Lộc Sơn v.v…, lúc còn sống đã giữ giới hạnh, bày tỏ trước vua, nên được tha về.

Ngoài ra, ông còn thấy thầy thuốc A Dung ở hiệu thuốc tại chợ Đông. Thầy bị bệnh, chết vào năm Điều Lộ thứ 1 (679), vì lúc sống luộc gà, nên cùng 700 người đọa vào địa ngục Hoạch Thang[199]. Vì trước có quen biết Lộc Sơn, nên thầy nhắn gởi rằng: “Đứa con thứ tư của tôi là Hành Chứng, có lòng nhân từ. Xin ông vì tôi bảo nó chép một bộ kinh Hoa Nghiêm, nếu chép những kinh khác thì không thích hợp. Nếu được thì 700 người này đều được giải thoát”.

Sau khi khỏe lại, Sơn đến Tân Phong tìm Quả Nghị. Hai người gặp nhau vui buồn lẫn lộn, như quen biết từ lâu, nói rõ nguyên nhân xưa đều rất phù hợp. Sau Sơn đến hiệu thuốc ở chợ Đông để chuyển lời của thầy Dung cho Hành Chứng. Khi nghe tin này, Chứng rất đau xót, nên đến chỗ ngài Pháp Tạng ở chùa Tây Thái Nguyên, thỉnh kinh Hoa Nghiêm, rồi nhờ người biên chép. Kể từ khi thầy Dung mất, người nhà hoàn toàn không thấy báo mộng, nhưng khi vừa chép kinh, đêm ấy mọi người đều thấy cha mình về báo mộng rất vui vẻ.

Đến tháng 8 năm Vĩnh Long thứ 1 (680), kinh được chép xong, Chứng thiết trai cúng dường tạ lễ các Sa-môn Đại đức. Hôm ấy, Lộc Sơn thấy 700 quỷ trong đó có thầy Dung đều đến trai đàn, kính lễ Tam bảo và quỳ trước chư tăng, xin sám hối, thọ giới, việc xong rồi đi.

Chứng kiến mọi việc ở âm ty, Sơn càng tin sâu tội báo, nên dứt bỏ việc đời, vào núi Chung Nam, Thái Bạch ẩn tích mai danh. Sau không biết ông chết ở đâu.

10- TẠP THUẬT (Những tác phẩm liên quan đến kinh Hoa Nghiêm):

] Phật Danh 2 quyển, Bồ-tát Danh 1 quyển, không biết ai soạn từ kinh Hoa Nghiêm, nhưng chưa được đầy đủ. Nay sa-môn Hiền Thủ soạn lại đầy đủ và rõ ràng hơn.

] Phổ Lễ Pháp Thập Ngũ Bái, do thiền sư Trí Khải ở núi Thiên Thai soạn. Phần lễ bái, đầu tiên xướng “Phổ lễ”, sau cùng xướng “Lô-xá-na Phật”, đoạn giữa dẫn tên gọi của Thất xứ Bát hội, như “Phổ lễ Tịch Diệt đạo tràng Lô-xá-na Phật”… Pháp Phổ lễ hiện đang thịnh hành ở vùng phía Nam Trường Giang. Đại sư Trí Khải vẫn phán thích kinh Hoa Nghiêm là Đốn giáo viên mãn.

] Hoa Nghiêm Trai Ký 1 quyển, do Cánh Lăng Văn Tuyên Vương[200] soạn. Từ đời Tề, đời Lương trở về sau, có lập nhiều trai đàn Phương Quảng và đều y cứ vào đây mà tu hành. Nay pháp sư Hoằng ở Ích Châu cũng chọn kinh Hoa Nghiêm làm chí hướng. Sư từng khuyên 50 hoặc 60 thanh tín sĩ, dân thường lập phước xã (hội làm phước). Mỗi người tụng một quyển kinh Hoa Nghiêm. Mỗi nửa tháng, một nhà thiết trai, trang nghiêm đạo tràng, lập một cao tòa, vị cúng chủ lên tòa, còn mọi người ngồi dưới mà tụng, tụng xong mới giải tán. Pháp sự này cũng thuộc về Trai hội.

] Cúng Dường Thập Môn Nghi Thức, do sa-môn Trí Nghiễm soạn.

] Thiện Tài Đồng Tử Chư Tri Thức Lục, do sa-môn Ngạn Tông soạn.

] Hoa Nghiêm Chỉ Quy 1 quyển, do sa-môn Pháp Tạng soạn, nội dung gồm 10 môn: 1. Nơi chốn thuyết kinh; 2. Thời gian thuyết kinh; 3. Đức Phật thuyết kinh; 4. Chúng thuyết kinh; 5. Nghi thức thuyết kinh; 6. Luận về ngôn giáo của kinh; 7. Hiển bày nghĩa lý của kinh; 8. Giải thích ý nghĩa của kinh; 9. Biện giải lợi ích của kinh; 10. Trình bày chỗ viên dung của kinh.

Trong 10 môn, mỗi môn dùng 10 nghĩa để giải thích, tất cả thành 100 môn để hiển bày ý kinh, giúp cho nghĩa lý sâu rộng hiện rõ ràng, như trong bản văn đã nói.

] Hoa Nghiêm Tam-muội Quán 1 quyển, do ngài Pháp Tạng soạn, nội dung gồm 10 môn, mỗi môn dùng 10 nghĩa để nêu yếu chỉ của kinh, mong giúp tu thành tựu hạnh nguyện Phổ Hiền, gieo giống Kim Cang, tạo nhân Bồ-đề, mai sau được dự vào Hải hội Hoa Nghiêm. Pháp Hoa Tam-muội Quán của đại sư Thiên Thai đáng làm gương sáng soi tâm cho hành giả.

] Hoa Nghiêm Cương Mục 1 quyển.

] Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa Chương 1 quyển.

] Hoa Nghiêm Giáo Phân Ký 3 quyển.

Ba tác phẩm trên đều do sa-môn Pháp Tạng soạn, nằm ngoài các chú sớ. Nội dung tùy người hỏi mà theo nghĩa trả lời, rồi gom chép thành quyển. Tất cả đều nêu rõ ý nghĩa kinh Hoa Nghiêm.

] Hoa Nghiêm Phiên Phạn Ngữ 1 quyển (Bản cũ)

] Hoa Nghiêm Phạn Ngữ Cập Âm Nghĩa 1 quyển (Bản mới)

Tất cả những chữ Phạn trong 2 bản và chữ khó trong bản mới đều đã được phiên âm và giải nghĩa đầy đủ. Đây là 2 bộ sách cần thiết cho người xem kinh.

] Hoa Nghiêm Tam Bảo Lễ, gồm 10 lễ:

Lễ thứ nhất là: “Quy mạng Phật Lô-xá-na và tất cả Phật khắp pháp giới trong 10 phương ngồi trên tòa sư tử nơi cội Bồ-đề, đã nói Pháp hải quả đức sâu xa, và Đại Bồ-tát nhiều như vi trần, như Phổ Hiền… cùng tất cả Tam bảo trong hội thứ nhất”.

Bảy hội sau là nêu tên của nơi chốn, pháp tu và Bồ-tát, phần còn lại đều giống như trên.

Hội thứ 9 là đảnh lễ Tam bảo trong kinh Hoa Nghiêm bản Trung, gồm 498.800 bài kệ.

Hội thứ 10 là đảnh lễ Tam bảo trong kinh Hoa Nghiêm bản Thượng, gồm 10 đại thiên thế giới vi trần số bài kệ. Tất cả chỉ nêu lên Phật, Pháp và bồ-tát Phổ Hiền (Tăng) trong kinh này.

] Hoa Nghiêm Tán Lễ 10 quyển, gồm 10 bài, trong đó:

Lễ đầu tiên là:

Chí tâm quy mạng lễ

Hội thứ nhất Hoa Nghiêm.

Thọ vương[201] thành Chánh giác,

Liên giới[202] thuyết Chân kinh[203].

Chặng mày phóng Thánh chúng

Diện môn[204] phát thần quang[205].

Trên tòa tuôn biển tuệ

Chân lông hiện mây lành.

Mảy trần nhiếp pháp giới

Một niệm thâu chín đời.

Nguyện cùng các chúng sanh

Đồng dạo cõi Hoa tạng.

Hội thứ hai có bài tán rằng:

Cung rồng, mây tín[206] phủ

Hải ấn, pháp mầu tuôn.

Hào quang soi cùng khắp

Danh Đế[207] từ viên âm[208].

Hiền Thủ[209] hàm Lục vị[210]

Mười phương đến, vừa truyền.

Chủ bạn[211] hằng soi sáng

Lý Đế võng[212] khó tìm.

Hội thứ ba có bài tán rằng:

Mặt trời soi đỉnh núi

Mây phủ khắp hư không

Chưa rời cội Bồ-đề.

Cõi trời hiện tôn dung[213].

Chú thích:

[179] Bản Hán là quyển 5.

[180] Đời Ngụy: tức Bắc Ngụy (386-534), còn gọi là Hậu Ngụy, Nguyên Ngụy thời Nam Bắc triều, do Đạo Vũ Đế Thác Bạc Khuê sáng lập.

[181] Tứ bảo: Bốn thứ báu trong bảy báu. Bảy báu là bảy thứ ngọc báu quý giá ở thế gian. Các kinh nói về bảy thứ báu khác nhau. Theo kinh A-di-đà và luận Đại Trí Độ, bảy thứ báu là vàng, bạc, lưu ly, pha-lê, xa cừ, xích châu, mã não. Theo kinh Pháp Hoa 4, bảy thứ báu là vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu và mai khôi. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5347).

[182] Ngũ hương: Năm thứ hương quý được các hành giả Mật giáo chuẩn bị đầy đủ để giúp cho việc trì niệm các chân ngôn được thành tựu. Đó là Trầm thủy hương, Bạch đàn hương, Tử đàn hương, Ta la hương và Thiên mộc hương. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2972).

[183] Năm sắc: Năm màu căn bản: Xanh, vàng, đỏ, trắng và đen. Màu sắc trang nghiêm Tịnh độ Cực lạc và mây ngũ sắc, vật cầm tay của Đức Quán Âm nghìn tay, đều có 5 màu này. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2999).

[184] Cây dó: Vỏ dùng làm giấy.

[185] Bạch đàn: Còn gọi Bạch chiên-đàn, Bạch đàn hương thụ. Một loại thực vật có hương thơm, thân màu trắng (thuộc giống Chiên-đàn) ở vùng nhiệt đới như Ấn Độ… Người ta dùng cây chiên-đàn để chế tạo hương liệu. Hương liệu chế từ Bạch đàn được xem là tốt nhất, gọi là Bạch đàn hương hay Bạch chiên-đàn hương. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 234).

[186] Lưu tô: Vật trang sức có hình bông lúa được chế thành từ những sợi tơ hay lông chim, lông thú sặc sỡ, thường dùng để trang trí trên xe ngựa, màn trướng…

[187] Tử trầm: Loại trầm khô dùng để trang sức.

[188] Hoa quan: Vòng hoa trang sức trên đầu.

[189] Cõi trời Phạm: Là cõi trời Sơ thiền của Sắc giới, gồm3 tầng: Phạm Chúng, Phạm Phụ và Đại Phạm.

[190] Nội ngoại điển: Kinh sách nhà Phật và Bách gia chư tử.

[191] Đan dược: Thuốc thần, thuốc tiên.

[192] Lưu châu đan và Vân mẫu phấn: Thuốc luyện đơn của các đạo sĩ.

[193] Nguyên bản là Nghĩa Ninh nguyên niên 義寧元年 , tức năm Nghĩa Ninh thứ 1 (617), đời Tùy. Tuy nhiên, ông sống vào đời Đường (618-690) và Đường Cao Tổ (Lý Uyên, 618-626) tại vị năm 618. Như vậy, đây có thể là năm Nghĩa Ninh thứ 2 (618), đời Tùy. Và khi lên ngôi, Đường Cao Tổ lấy niên hiệu Vũ Đức (618-626).

[194] Quân đầu: Chức quan trong quân đội.

[195] Kinh Bát-nhã (600 quyển): do ngài Huyền Tráng dịch từ năm 660-663 mới xong, qua năm 664 thì Ngài tịch. Bấy giờ, cả Cao Tổ và Thái Tông đã băng hà, Cao Tông tại vị.

[196] Không tông: Tông phái chủ trương tất cả đều Không. Không tông lấy tư tưởng Bát-nhã của Đại-thừa làm cơ sở, dùng Không quán làm chính để tuyên dương lý Trung đạo. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2320).

[197] Thanh tín sĩ: Cư sĩ.

[198] Diêm vương: Còn gọi Diêm-ma vương, Diêm-la vương. Vua của thế giới ma quỷ, vị tổng quản cõi U minh và vị chủ thần địa ngục. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1076).

[199] Hoạch Thang: Một trong 18 địa ngục dùng để đun nấu người tội.

[200] Cánh Lăng Văn Tuyên Vương: Quan Tư đồ đời Nam Tề (479-502), tên Tiêu Tử Lương.

[201] Thọ vương: Cây lớn nhất trong các loại cây, chỉ cội Bồ-đề. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5652).

[202] Liên giới: Thế giới hải Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm.

[203] Chân kinh: Kinh Hoa Nghiêm.

[204] Diện môn: Có 3 cách giải thích: 1. Miệng; 2. Dung mạo chân thật; 3. Khoảng dưới mũi và trên miệng. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1092).

[205] Thần quang: Quang minh của Phật linh diệu không thể nghĩ bàn. Quang minh tượng trưng cho trí tuệ, Phật trí lìa tất cả tướng phân biệt hư vọng, không thể nghĩ bàn, vì thế quang minh của Phật cũng lìa hình tượng, nên gọi là Thần quang. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5164).

[206] Mây tín: Mây báo tin.

[207] Danh Đế: Danh là phẩm Như Lai Danh Hiệu, Đế là phẩm Tứ Đế.

[208] Viên âm: Âm thanh viên diệu, chỉ lời Phật.

[209] Hiền Thủ: Phẩm Bồ-tát Hiền Thủ.

[210] Lục vị: Sáu giai vị tu hành của Bồ-tát. Theo kinh Hoa Nghiêm (bản Cựu dịch), 6 giai vị Bồ-tát: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập Địa và Phật Địa. Còn kinh Hoa Nghiêm (bản Tân dịch) thì ghi Thất vị tức thêm “Đẳng giác” sau giai vị Thập Địa. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2583).

[211] Chủ bạn: Chủ thể và Khách thể. Tông Hoa Nghiêm khi nói về Pháp giới duyên khởi chủ trương: Nếu lấy đây làm chủ thì kia làm bạn, nếu cho kia là chủ thì đây là bạn. Như thế, chủ bạn đầy đủ mà nhiếp đức vô tận, gọi là Chủ bạn cụ túc. Mặt khác, trong vạn hữu mỗi mỗi đều là chủ, mỗi mỗi đều là bạn, sự tương túc tương nhập như vậy trùng trùng vô tận, gọi là Chủ bạn vô tận. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 959).

[212] Lý Đế võng: Tức Pháp giới duyên khởi, Vô tận duyên khởi; xem chú thích “Vô tận duyên khởi”.

[213] Tôn dung: Chỉ Đức Phật.

    Xem thêm:

  • Những Truyện Cảm Ứng Về Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (Trọn bộ 4 tập) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 2 - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 01 – Kính Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 03 – Kính Tăng - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Cao Tăng Triều Tiên - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 3 - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni - Kinh Tạng
  • Truyện Pháp Sư Bà Tẩu Bàn Đậu - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Niệm Tụng Đà La Ni Nhứt Kế Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 02 – Kính Pháp - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhập Pháp Giới Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Hoa Thủ - Kinh Tạng
  • Tổng Quan Kinh Điển Nam Truyền (Pali) - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng