1
2
3

Quyển 3

Chư Đại đức, đây là bốn pháp Ba-la-đề đề-xá-ni, cứ mỗi nửa tháng nói một lần, trong giới kinh chép ra.

1. Giới Nhận Thức Ăn Từ Tì-Kheo-Ni Không Phải Bà Con Trong Thôn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa, lúa gạo quí hiếm, người bị chết đói nhiều vô số. Như thường lệ, đúng giờ, tì-kheo-ni Liên Hoa Sắc đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Vì ba ngày liền khất thực được đều cúng dường lại hết cho tì-kheo khác, nên bị đói ngã bên đường, nằm úp mặt xuống vũng bùn. Người đời thấy vậy chê cười. Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Tì-kheo nào, vào trong thôn xóm, nếu không bệnh mà tự tay nhận thức ăn từ tì-kheo-ni không phải thân quyến mà ăn. Tì-kheo ấy cần phải đối trước tì-kheo khác phát lồ rằng: “Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.” Đây là pháp hối quá.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Chẳng phải thân quyến: như trên đã nói.

– Không bệnh: như trên.

– Tự tay nhận thức ăn: hai loại thức ăn như trên đã nói.

Nếu tự tay nhận mỗi mỗi miếng phạm ba-la-đề đề-xá-ni. Tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.

– Trường hợp không phạm: nhận thức ăn từ tì-kheo-ni là bà con; hoặc có bệnh; hoặc đặt trên đất; hoặc bảo người trao cho; hoặc thức ăn được đem đến trong tăng-già-lam cho; hoặc cho ở ngoài thôn; hoặc cho trong chùa ni; những trường hợp vừa nêu trên, nếu nhận đều không phạm.

2. Giới Ăn Thức Ăn Do Tì-Kheo-Ni Chỉ Dẫn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có số đông tì-kheo và nhóm sáu thầy tì-kheo cùng ngồi ăn trong nhà bạch y. Khi ấy, nhóm sáu cô tì-kheo-ni đòi cơm canh rồi bỏ qua thứ tự đem cho nhóm sáu thầy tì-kheo. Họ còn chỉ dẫn: “Đem canh cho vị này, đem cơm cho vị kia.” Các thầy tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Tì-kheo nào, vào trong nhà bạch y để ăn. Trong đó, có tì-kheo-ni chỉ bảo rằng: “Đem canh cho vị này, dâng cơm cho vị kia.” Tì-kheo nên nói với tì-kheo-ni kia rằng: “Này cô, hãy thôi đi! Hãy để yên cho các tì-kheo ăn xong!” Nếu không có một tì-kheo nào nói với tì-kheo-ni kia rằng: “Này cô, hãy thôi đi! Hãy để yên cho các tì-kheo ăn xong!” Tì-kheo nên đối trước tì-kheo khác mà phát lồ rằng: “Bạch Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.” Đây gọi là pháp hối quá.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Trong nhà: nơi có nam, có nữ ở.

Nếu không quở trách tì-kheo-ni mà ăn thì mỗi mỗi miếng đều phạm ba-la-đề đề-xá-ni. Tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.

– Trường hợp không phạm: nếu nói rằng: “Này cô, hãy thôi đi! Hãy để yên cho các tì-kheo ăn xong!” Hoặc tì-kheo-ni tự mình làm đàn-việt. Hoặc đàn-việt thiết thực rồi nhờ tì-kheo-ni phân chia thức ăn cho tì-kheo. Hoặc không có tâm có làm thiên lệch với tì-kheo này, tì-kheo kia; tất cả đều không phạm.

3. Giới Nhận Thức Ăn Ở Học Gia

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở thành La-duyệt-kì. Bấy giờ, có cư sĩ và vợ cư sĩ đều đã đắc kiến đế, không còn luyến tiếc gì, kể cả thịt trên thân. Vì thế, họ cúng dường rất nhiều, đên nỗi thức ăn, đồ mặc đều hết sạch. Hàng cư sĩ thấy vậy chê cười. Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên làm pháp bạch nhị yết-ma cấm tì-kheo không đến nhà người đó khất thực nữa.” Sau đó, họ giàu có trở lại, Đức Phật bảo các tì-kheo nên giải yết-ma. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.

b. Văn giới

Tì-kheo nào, nếu trước đó đã tác yết-ma học gia, đối với học gia đó, không có sự thỉnh trước, không bệnh, tự tay nhận thức ăn và ăn. Tì-kheo ấy cần đối trước tì-kheo khác phát lồ rằng: “Tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay tôi đối trước Đại đức, xin phát lồ sám hối.” Đây là pháp hối quá.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Học gia: là nhà được Tăng trao pháp bạch nhị yết-ma. Giống như trên.

– Không có sự thỉnh trước: nếu đã nhận lời mời trước thì được phép đến.

– Không bệnh: cho phép tì-kheo có bệnh được nhận thức ăn ở nhà đó.

– Tự tay nhận thức ăn: hoặc cho bằng cách để trên đất; hoặc sai người đem cho thì được phép nhận.

Nếu tự tây nhận lấy mỗi mỗi miếng phạm ba-la-đề đề-xá-ni. Tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.

– Trường hợp không phạm: đã nhận lời mời trước; hoặc vì bệnh; hoặc để trên đất rồi lấy; hoặc nhận qua người khác; hoặc bạch nhị yết-ma giải rồi, nhận và ăn; tất cả đều không phạm.

4. Giới Nhận Thức Ăn Trong A-Lan-Nhã Có Sự Khủng Bố

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Thích-súy-sấu. Bấy giờ, trong thành có những người nữ mang thức ăn đến Tăng-già-lam cúng dường. Bọn giặc cướp biết được đón đường làm hại. Các tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Đức Phật dạy: “Phải báo cho họ biết việc ấy.” Nhân đó, Đức Phật chế giới này.

b. Văn giới

Tì-kheo nào, sống nơi a-lan-nhã, xa xôi hẻo lánh, chỗ đáng nghi có kinh sợ. Tì-kheo sống tại trú xứ a-lan-nhã như vậy, trước không nói cho đàn-việt biết, không thụ nhận thức ăn bên ngoài tăng-già-lam; trái lại, không bệnh mà ở trong tăng-già-lam, tự tay nhận thức ăn để ăn; tì-kheo ấy cần phải đến đối trước tì-kheo khác mà pháp lồ rằng: “Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách. Nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.” Đây là pháp hối quá.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Nơi a-lan-nhã: cách thôn năm trăm cung. Một cung bằng một khuỷu tay, là cách đo lường của nước Giá-ma-la.

– Chỗ đáng nghi: nghi có giặc cướp, có khủng bố.

– Tì-kheo sống tại trú xứ a-lan-nhã như vậy, trước không nói cho đàn-việt biết: Đức Phật dạy: “Nên báo cho người nữ biết, chớ ra khỏi thành, vì đoạn đường ấy có giặc cướp, có khủng bố.”

– Không thụ nhận thức ăn bên ngoài tăng-già-lam: Nếu họ đã ra khỏi thành, thì nên nói với họ: “Chớ đến trong tăng-già-lam, vì đoạn đường ấy có giặc cướp, có khủng bố.”

– Không bệnh mà ở trong tăng-già-lam: nếu họ quyết tâm mang thức ăn đến thì cho phép người bệnh được nhận.

– Tự tay nhận thức ăn để ăn: nếu có thí chủ đem thức ăn đặt trên đất; hoặc sai người đem cho.

Tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.

– Trường hợp không phạm: hoặc lúc đến nhận sự chỉ bảo; hoặc đến để nghe pháp; tự có thức ăn riêng bảo trao cho; tất cả đều không phạm.

Chư Đại đức, tôi đã nói xong bốn pháp Ba-la-đề đề-xá-ni. Nay hỏi chư Đại đức trong đây thanh tịnh không? (3 lần). Chư Đại đức trong đây thanh tịnh, vì quí ngài đều im lặng. Việc này tôi xin ghi nhận như vậy.

Chư Đại đức, đây là những pháp Thức-xoa-ca-la-ni nửa tháng nói một lần, trong giới kinh rút ra.

1.Giới Đắp Niết-Bàn Tăng Ngay Ngắn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo đắp niết-bàn-tăng không ngay ngắn, nên bị hàng cư sĩ chê cười rằng: “Giống như vào những ngày tiết hội, người trong phường chèo khoác y để làm trò. Và cũng giống như cách ăn mặc của vua, đại thần.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Phải đắp niết-bàn-tăng cho chỉnh tề, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Chỉnh tề: y không ngay ngắn, có những trường hợp sau: 1. Đắp y thấp: nghĩa là buộc dây lưng dưới rốn. 2. Đắp y cao: vén y cao trên đầu gối. 3. Quấn như vòi voi: một góc phía trước thòng xuống. 4. Đắp như lá cây đa-la: hai góc phía trước thòng xuống. 5. Gấp nhỏ: quấn quanh thắt lưng và xếp nhăn nhó.

– Đắp niết-bàn-tăng: nếu người nào đắp y không ngay ngắn, có ý làm như vậy thì phạm đột-kiết-la, cần phải sám hối. Vì cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tì-kheo-ni và bốn chúng v.v… đều phạm đột-kiết-la. Cho đến thiên sau thành phạm tướng đều căn cứ theo đây.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc trong rốn sinh ghẻ nhọt nên mặc thấp; hoặc đầu gối có mụt ghẻ nên mặc cao hơn; hoặc ở trong tăng-già-lam; hoặc ở ngoài thôn; hoặc khi làm việc; hoặc đi đường; tất cả đều không phạm.

2. Giới Đắp Ba Y Ngay Ngắn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo đắp y không ngay ngắn. Lúc ấy, có một ông trưởng giả thấy vậy chê cười: “Tì-kheo tự cho mình biết chính pháp. Như thế có gì là chính pháp? Đắp y không ngan ngắn, như người thế tục không khác.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quán sát ba đời chư Phật và chế giới này.

b. Văn giới

Phải quấn ba y cho ngay ngắn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trước.

Trong đây, không ngay ngắn có những trường hợp sau: 1. Quấn y thấp: thòng xuống quá khuỷu tay, trống bên hông; 2. Quấn y cao: quấn cao quá ống chân; 3. Quấn như vòi voi: một góc y phía trước thòng xuống; 4. Quấn như lá cây đa-la: hai góc y phía trước thòng xuống, phía sau vén cao lên; 5. Gấp nhỏ: gấp nhỏ làm viền của y.

– Trường hợp không phạm: hoặc mặc thấp xuống vì ở vai, cánh tay có mụt ghẻ. Những trường hợp không phạm đều giống giới trước.

3. Giới Vắt Ngược Ba Y Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo vắt ngược y đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích-tử không biết tàm quí, ăn mặc giống như vua, đại thần, cư sĩ.” Các tì-kheo đem lỗi đó bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được vắt ngược y khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Vắt ngược y: hoặc vắt ngược y lên trên hai vai trái và phải.

– Nhà bạch y: chỉ cho thôn xóm.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc bên hông có bệnh ghẻ; hoặc ở trong tăng-già-lam; hoặc trên đường đi; hoặc đang làm việc; tất cả đều không phạm.

4. Giới Vắt Ngược Y Ngồi Trong Nhà Bạch Y

Không được vắt ngược y khi ngồi trong nhà cư sĩ, thức-xoa-ca-la-ni.

5. Giới Quấn Y Ở Cổ Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo quấn y ở cổ đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử quấn y ở cổ giống như cư sĩ, trưởng giả.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b.Văn giới

Không được quấn y ở cổ đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

-Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Quấn y ở cổ: buộc chặt hai góc y lại trên vai.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh; hoặc trên vai có mụt ghẻ; hoặc ở trong chùa tăng; hoặc ở ngoài thôn xóm; hoặc khi làm việc; hoặc đang đi đường; tất cả đều không phạm.

6. Giới Khống Y Nơi Cổ Ngồi Trong Nhà Bạch Y

Không được quấn y nơi cổ ngồi trong nhà cư sĩ, thức-xoa-ca-la-ni.

7. Giới Trùm Đầu Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo lấy ý trùm đầu đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử có gì gọi là biết chính pháp? Trùm đầu như bọn giặc cướp.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được trùm đầu đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Trùm đầu: hoặc dùng lá cây; hoặc vật được xé ra từng mảnh; hoặc lấy y trùm.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh; hoặc vị thời tiết lạnh; hoặc trên đầu có mụt ghẻ; hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải trùm đầu mà đi; tất cả đều không phạm.

8. Giới Trùm Đầu Ngồi Trong Nhà Bạch Y

Không được trùm đầu ngồi trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

9. Giới Vừa Đi Vừa Nhảy Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo vừa đi, vừa nhảy khi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, chạy nhảy vào nhà giống như chim sẻ.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được vừa đi vừa nhảy khi vào nhà cư sĩ, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Vừa đi vừa nhảy: hai chân nhảy nhót.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh; hoặc bị người đánh; hoặc có giặc; hoặc thú dữ; hoặc có chông gai; hoặc nhảy qua kênh, hào; hoặc nhảy qua bùn lầy; tất cả đều không phạm.

10. Giới Nhảy Nhót Vào Nhà Bạch Y Ngồi

Không được vừa đi vừa nhảy vào nhà bạch y ngồi, thức-xoa-ca-la-ni.

11. Giới Ngồi Chồm Hổm Trong Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng đến nhà để thiết trai cúng dường. Lúc ấy, nhóm sáu thầy tì-kheo cũng đến và ngồi chồm hổm trong nhà cư sĩ. Tì-kheo ngồi bên cạnh vô tình đụng phải nên bị ngã ngửa, lộ hình. Các cư sĩ chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn để lộ hình giống như bà-la-môn.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được ngồi chồm hổm trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Ngồi chồm hổm: hoặc ngồi trên đất, hoặc ngồi trên giường mà mông không chạm đất.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc đang có bệnh, hoặc một bên mông có mụt ghẻ; hoặc do đưa vật gì; hoặc lễ bái, hoặc sám hối, hoặc nhận giáo giới v.v… tất cả đều không phạm.

12. Giới Chống Nạnh Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo chống nạnh đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử tự cho mình biết chính pháp mà chống nạnh vênh váo, đắc chí như người mới cưới vợ.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được chống nạnh đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Chống nạnh: khuỷu tay ngay thẳng.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh; hoặc dưới hông sinh mụt ghẻ; hoặc ở trong tăng-già-lam; hoặc ở ngoài thôn xóm; hoặc khi làm việc; hoặc trên đường đi; tất cả đều không phạm.

13. Giới Chống Nạnh Ngồi Trong Nhà Bạch Y

Không được chống nạnh ngồi trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Chống nạnh: chống tay lên hông, khuỷu tay ngay thẳng làm trở ngại tì-kheo ngồi bên cạnh.

14. Giới Lắc Lư Thân Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo thân lắc lư đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, đi lắc lư thân giống như vua, đại thần.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được lắc lư thân mình khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Lắc lư: thân nghiêng bên trái bên phải mà rảo bước.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc vì bệnh; hoặc bị người đánh nên phải nghiêng mình để tránh gậy; hoặc bị thú dữ tấn công; hoặc gặp người gánh gai nên phải nghiên mình tránh; hoặc vì qua sông, qua hầm nên phải nghiêng mình qua; hoặc mặc y phải nghiêng mình xem cho ngay thẳng; tất cả đều không phạm.

15. Giới Lắc Lư Thân Ngồi Nhà Bạch Y

Không được lắc lư thân đi vào nhà bạch y ngồi, thức-xoa-ca-la-ni.

16. Giới Vung Tay Đi Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo vung cánh tay đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, vừa đi vừa vung cánh tay giống như vua, trưởng giả.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được vung cánh tay khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Vung cánh tay: duỗi cánh tay trước chân mà đi.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh; hoặc bị người đánh nên đưa tay ra đỡ; hoặc bị thú dữ tấn công; hoặc có người gánh gai đên nên phải đưa tay ra chận lại; hoặc lội qua sông, qua đầm đưa tay vẫy gọi bạn; tất cả đều không phạm.

17. Giới Vung Tay Ngồi Nhà Bạch Y

Không được vung tay đi vào nhà bạch y ngồi, thức-xoa-ca-la-ni.

18. Giới Để Hở Thân Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo che thân không kín đáo đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử mặc y phục che không kín thân giống như bà-la-môn.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Phải che kín thân thể khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Nhà bạch y: tức xóm làng.

– Che kín thân thể: vì thân hở trước, hở sau.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc bị trói, hoặc gió thổi y bay khỏi thân; tất cả đều không phạm.

19. Giới Hở Thân Ngồi Nhà Bạch Y

Phải che kín thân thể khi ngồi trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

20. Giới Nhìn Ngó Hai Bên Đi Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo khi đi vào nhà bạch y thường nhìn ngó hai bên. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử mà như kẻ trộm rình người.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Liếc ngó hai bên: ở trong thôn xóm nhìn ngó các nơi.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh; hoặc ngước xem mặt trời, thời tiết; hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải nhìn ngó phải trái, khắp nơi để tìm đường trốn thoát; tất cả đều không phạm.

21. Giới Nhìn Ngó Hai Bên Ngồi Trong Nhà Bạch Y

Không được liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y ngồi, thức-xoa-ca-la-ni.

22. Giới Lớn Tiếng Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo kêu gọi lến tiếng đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử chẳng khác nào bà-la-môn, không biết hổ thẹn, không có chính pháp.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Phải yên lặng khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Trong đây không im lặng: là lớn tiếng cao giọng. Hoặc dặn dò, hoặc lớn tiếng thí thực.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc điếc không nghe nên cần phải nói lớn tiếng, hoặc dặn dò, hoặc lớn tiếng thí thực, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải nói cao giọng để chạy thoát, tất cả đều không phạm.

23. Giới Yên Lặng Vào Nhà Bạch Y Ngồi

Phải yên lặng vào nhà bạch y ngồi, thức-xoa-ca-la-ni.

24. Giới Cười Giỡn Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo cười giỡn đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, cười giỡn như khỉ, vượn, có gì là chính pháp?” Các tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được cười giỡn khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Cười giỡn: cười để hở răng.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc môi bị đau không che được răng, hoặc vì nhớ nghĩ pháp sinh hoan hỉ nên cười, tất cả đều không phạm.

25. Giới Ngồi Nhà Bạch Y Cười Giỡn

Không được ngồi trong nhà bạch y cười giỡn, thức-xoa-ca-la-ni.

26. Giới Không Dụng Ý Nhận Thức Ăn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chư Tăng về nhà thiết trai cúng dường. Lúc ấy, nhóm sáu thầy tì-kheo khi nhận thức ăn mà không chú ý nên để cơm, canh đổ ra ngoài. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử thụ nhận không biết chán, vì tham nên nhận nhiều, giống như lúc đói kém.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Khi nhận thức ăn phải chú ý, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Chú ý: vì không chú ý nên làm canh, cơm, thức ăn rơi ra ngoài.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc khi ấy mắc chứng bệnh như vậy, hoặc bát nhỏ, hoặc trong lúc ăn cơm bị rơi, hoặc cơm rơi trên bàn, tất cả đều không phạm.

27. Giới Nhận Thức Ăn Tràn Bát

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chư Tăng đến nhà thụ thực. Lúc ấy, nhóm sáu thầy tì-kheo nhận thức ăn tràn bát, làm cho cơm, canh rơi rớt ra ngoài. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không biết đủ, như quỉ đói, tham nhiều.” Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Chỉ nên nhận thức ăn vừa ngang bát, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Ngang bát: không ngang bát là tràn bát.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc lúc ấy có bệnh, hoặc bát nhỏ, hoặc rơi rớt trên bàn, tất cả đều không phạm.

28. Giới Nhận Canh Tràn Bát

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Lúc ấy, nhóm sáu thầy tì-kheo lấy cơm quá nhiều, nên không thể nhận thêm canh. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử giống như những người đói khát tham ăn.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Nhận canh vừa ngang bát, thức-xoa-ca-la-di.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Nhận canh vừa ngang bát: tràn chảy ra ngoài làm nhơ uế.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc là lúc ấy có bệnh, hoặc bát nhỏ nên đổ thức ăn tràn lên bàn, hoặc nhận ngang bằng với bát, tất cả đều không phạm.

29. Giới Thụ Thực Không Cân Bằng

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường và tự tay san sớt thức ăn. Sau khi sớt cơm xong, họ vào trong lấy canh trở ra thì tì-kheo đã ăn hết cơm. Rồi cư sĩ sớt canh xong, trở vào trong mang cơm ra thì các tì-kheo đã ăn hết canh. Cư sĩ chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử giống như những người đói khát.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Phải ăn cơm và canh căn bằng nhau, thức-xoa-ca-la-di.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Ăn cơm và canh căn bằng nhau: tì-kheo ăn cơm và canh không đồng đều là cơm mang đến thì canh đã hết.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc chỉ cần canh mà không cần cơm, hoặc cần cơm mà không cần canh. Hoặc sắp hết giờ ăn, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải ăn thật nhanh, tất cả đều không phạm.

30. Giới Thụ Thực Không Theo Thứ Tự

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường chư Tăng và tự tay san sớt thức ăn. Lúc ấy, nhóm sáu thầy tì-kheo không theo thứ tự nhận thức ăn. Các cư sĩ chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử nhận không biết chán, không biết đủ, giống như heo, chó, bò, lừa, lạc đà, chim, quạ.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Phải theo thứ tự mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Theo thứ tự mà ăn: tì-kheo kia không theo thứ tự mà ăn nghĩa là moi lấy thức ăn khắp nơi trong bát ăn mà ăn.

– Thức-xoa-ca-la-ni.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc sợ cơm nóng nên moi lấy chỗ nguội, hoặc sắp quá giữa trưa, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên ăn gấp, tất cả đều không phạm.

31. Giới Moi Giữa Bát Ăn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường và tự tay sớt thức ăn. Lúc ấy, nhóm sáu thầy tì-kheo nhận thức ăn và moi ở giữa bát làm cho nhìn thấy trống rỗng. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử nhận thức ăn không biết chán giống như bò, lừa, lạc đà, heo, chó.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách rồi chế giới này.

b. Văn giới

Không được moi giữa bát mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Moi giữa bát mà ăn: nghĩa là chừa xung quanh lại chỉ moi ở giữa bát xuống tới đáy.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc sợ thức ăn nóng nên moi ở giữa để nguội; hoặc thời gian nửa ngày sắp hết; hoặc vì mạn nạn, phạm hạnh nạn cần ăn gấp nên khoét ở giữa để ăn; tất cả đều không phạm.

32. Giới Đòi Thức Ăn Cho Mình

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Lúc ấy, nhóm sáu thầy tì-kheo tự đòi hỏi thức ăn cho mình, giống như lúc đói khát. Các cư sĩ thấy vậy chế cười rằng: “Sa-môn Thích tử có gì là biết chính pháp, nhận thức ăn không biết chán.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Tì-kheo nào, không bệnh, không được đòi hỏi canh cơm cho mình, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Không bệnh: nếu có bệnh thì cho phép được đòi hỏi thức ăn cho mình.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc đòi hỏi cho người khác, hoặc người khác đòi hỏi cho mình; hoặc không cầu mà tự được; tất cả đều không phạm.

33. Giới Cơm Che Canh

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Lúc ấy, nhóm sáu thầy tì-kheo nhận canh rồi. Cư sĩ biết thứ tự lấy canh sớt tiếp. Nhóm sáu thầy tì-kheo sau đó lấy cơm lấp lên canh. Các cư sĩ thấy vậy chê cười rằng: “Sa-môn Thích tử nhận lấy không biết chán, giống như người đói khát, có gì là biết chính pháp?” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được lấy cơm phủ lên canh để mong được thêm, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc được mời ăn, hoặc có lúc chỉ cần canh, có lúc chỉ cần cơm; tất cả đều không phạm.

34. Giới Nghi Ngờ Liếc Nhìn Người Ngồi Bên Cạnh

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, cư sĩ thiết trai cúng dường. Lúc ấy, nhóm sáu thầy tì-kheo được thức ăn ít và thấy tì-kheo ngồi bên cạnh nhận được nhiều. Vì vậy, nhóm sáu thầy tì-kheo phàn nàn với cứ sĩ: “Nay ông mời chúng Tăng đến thụ thực, tùy ý sớt thức ăn cho người này nhiều, người kia ít, như vậy là ông có thiên vị.” Các cư sĩ nói: “Tôi sớt thức văn với tâm bình đẳng.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được liếc nhìn vào bát của người ngồi bên cạnh, thức-xoa-ca-la ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

Trong đây nhìn là nhìn xem ai được thức ăn nhiều, ai được thức ăn ít.

– Trường hợp không phạm: tì-kheo ngồi bên cạnh bị bệnh, hoặc mắt bị mù nên phải nhìn xem họ được thức ăn hay không được thức ăn, tịnh hay bất tịnh, nhận hay chưa nhận, hoặc tự mình có bệnh, tất cả đều không phạm.

35. Giới Ăn Không Nhìn Vào Bát

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Nhóm sáu thầy tì-kheo nhận thức ăn rồi, mãi lo nhìn ngó hai bên, không tập trung, tì-kheo ngồi bên cạnh lấy bát giấu. Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Phải chú tâm vào bát mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Chú tâm: tức không nhìn ngó hai bên.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, tì-kheo ngồi bên cạnh mắt bị mù, như những trường hợp của giới trước, hoặc xem mặt trời để đoán giờ, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn định bỏ trốn nên phải nhìn hai bên, tất cả đều không phạm.

36. Giới Vắt Cơm Lớn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các cư sĩ cùng thiết trai cúng dường. Nhóm sáu thầy tì-kheo nhận được cơm rồi vắt thành cục lớn nên không thể đưa vào miệng được. Các cư sĩ thấy vậy chê trách: “Sa-môn Thích tử thụ nhận không biết nhàm chán, không biết đủ, giống như loài heo, chó, lạc đà, lừa, bò, chim, quạ.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được vắt cơm lớn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Vắt cơm lớn: không thể đưa vào miệng được.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, thời gian sắp hết, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên cần phải ăn gấp, tất cả đều không phạm.

37. Giới Há Miệng Lớn Đợi Thức Ăn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo khi đưa thức ăn chưa đến đã há miệng lớn đợi sẵn. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, nhận không biết nhàm chán, giống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được há miệng lớn đợi cơm mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tì-kheo: nghĩa như trên.

– Há miệng lớn: cơm vắt chưa đến mà đã há miệng đợi sẵn.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh như thế, hoặc thời gian sắp hết, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên cần phải ăn gấp, tất cả đều không phạm.

38. Giới Vừa Ăn Vừa Nói

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trái cúng dường. Nhóm sáu thầy tì-kheo sau khi nhận thức ăn rồi vừa ăn vừa nói chuyện. Các cư sĩ chê trách bằng cách ví như heo, chó, lạc đà, quạ, chim. Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được ngậm thức ăn mà nói chuyện, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Ngậm thức ăn mà nói chuyện: ngậm cơm trong miệng mà nói, nên nói không rõ ràng làm cho người nghe không hiểu.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc bị nghẹn nên xin nước, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên khi ăn phải lên tiếng thông báo, tất cả đều không phạm.

39. Giới Vắt Cơm Ném Vào Miệng

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai thỉnh Tăng cúng dường, rồi tự tay sớt thức ăn. Nhóm sáu thầy tì-kheo vắt cơm rồi từ xa ném vào miệng. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, nhận không biết nhàm chán, giống như những nhà ảo thuật.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được vắt cơm rồi từ xa ném vào miệng, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc bị trói buộc nên cần phải ném vào miệng để ăn, tất cả đều không phạm.

40. Giới Làm Thức Ăn Rơi Rớt

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Nhóm sáu thầy tì-kheo tay cầm cơm vắt cắn một nửa, nên rớt nửa trong nửa ngoài. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử thụ nhận không biết chán, không biết đủ, giống như loài heo, chó, lạc đà, lừa, bò, quạ, chim.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được để cơm và thức ăn rơi vãi, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Rơi vãi: một nửa vào miệng, một nửa cầm trên tay.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc ăn bánh tráng, cơm cháy, hoặc ăn dưa, mía, ăn rau trái, ăn trái lê, ăn nho, nhụy, lá, tim các loại cây cỏ, tất cả đều không phạm.

41. Giới Phồng Má Mà Ăn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Nhóm sáu thầy tì-kheo phồng miệng mà ăn. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, ăn như khỉ, vượn.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được phồng má mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Phồng má: làm cho hai má căng phồng giống như khỉ vượn thường làm.

– Trường hợp không phạm: hoặc mắc bệnh, hoặc thời gian giữa ngày sắp qua, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên cần phải ăn gấp, tất cả đều không phạm.

42. Giới Nhai Thức Ăn Ra Tiếng

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường Tăng. Nhóm sáu thầy tì-kheo nhai thức ăn ra tiếng. Các cư sĩ chê trách: “Ăn uống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, quạ, chim.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được nhai cơm phát ra tiếng mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc nhai bánh khô, cơm cháy, mía, dưa, nho, hồ đào, ti đào lê, phong lê, tất cả đều không phạm.

43. Giới Húp Thức Ăn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Nhóm sáu thầy tì-kheo húp cơm canh ra tiếng. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, ăn uống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, quạ, chim.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được húp thức ăn lớn tiếng mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Húp thức ăn: há miệng lớn từ xa húp thức ăn.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc miệng bị đau, hoặc uống canh, hoặc uống sữa, lạc, tô, nước tì-la, rượu đắng, tất cả đều không phạm.

44. Giới Lưỡi Liếm Thức Ăn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Nhóm sáu thầy tì-kheo lè lưỡi ra liếm thức căn. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, ăn uống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, quạ, chim.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được dùng lưỡi liếm thức ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Dùng lưỡi liếm thức ăn: tức le lưỡi ra để lấy thức ăn mà ăn.

– Trường hợp không phạm: hoặc mắc bệnh, hoặc bị trói, hoặc tay dính bùn, bụi, mồ hôi, nhơ, nên dùng lưỡi nhận lấy thức ăn, tất cả đều không phạm.

45. Giới Rảy Tay Khi Ăn

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Cư sĩ tự tay sớt thức ăn. Nhóm sáu thầy tì-kheo rảy tay mà ăn. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết chính pháp, ăn uống như vua, đại thần.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được rảy tay mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc mắc bệnh, hoặc trong thức ăn có cỏ, có trùng, hoặc tay có chất bất tịnh, nên cần phải rảy nó đi, hoặc lúc chưa ăn tay chạm chất dơ nên phải vảy tay để trừ đi, tất cả đều không phạm.

46. Giới Dùng Tay Nhặt Thức Ăn Rơi

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Nhóm sáu thầy tì-kheo dùng tay nhặt những thức ăn rơi. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử ăn uống như gà, chim.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được dùng tay nhặt thức ăn rơi mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Cơm rơi: cơm bị rơi vãi.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc trong thức ăn có cỏ, trùng, hoặc có chất bất tịnh làm nhơ, hoặc lúc chưa ăn có gì đó cần bỏ, tất cả đều không phạm.

47. Giới Tay Nhơ Cầm Đồ Đựng Thức Uống

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bầy giờ, có cư sĩ thiết trai cúng dường. Nhóm sáu thầy tì-kheo tay không sạch mà cầm đồ đựng. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết chính pháp, giống như vua, đại thần.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được tay dơ mà cầm nắm vật đựng đồ uống, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Tay dơ: tay bị dính cơm.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc hoặc nhận thức ăn trên cỏ, nhận trên lá cây, rửa tay rồi nhận, tất cả đều không phạm.

48. Giới Đổ Nước Rửa Bát Vào Nhà Bạch Y

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo rửa bát rồi đổ nước rửa bát ở nhà vừa thụ thực, nên cơm và thức ăn vung vãi ra đất. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử thụ nhận nhiều, giống như người đói.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được đổ nước rửa bát trong nhà bạc y, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Nước rửa bát: cơm lẫn với nước.

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc cùng một lúc rửa nhiều vật đựng, hoặc rửa mâm, hoặc rửa mâm rồi lấy nước đổ ra ngoài, tất cả đều không phạm.

49. Giới Đại Tiểu Tiện Trên Cỏ Tươi

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Nhóm sáu thầy tì-kheo đại tiểu tiện, khạc nhổ trên cỏ, lá cây. Các cư sĩ thấy vậy chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, giống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ lên cỏ tươi, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trừ bệnh: vì bệnh nên không thể tránh nơi có cỏ tươi được. Đức Phật dạy: “Bệnh thì không phạm.”

– Trường hợp không phạm: do nước chảy làm rơi lên cỏ tươi, lá cây, hoặc vì chim ngậm rồi rơi xuống, tất cả đều không phạm.

50. Giới Không Đại Tiểu Tiện, Khạc Nhổ Trong Nước

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo tiểu tiện, khạc nhổ trong nước. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử giống như heo, chó, bò, lạc đà, lừa.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được tiểu tiện, khạc nhổ trong nước sạch, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc mắc bệnh, hoặc tiểu tiện trên bờ rồi rơi xuống nước, hoặc gió thổi, chim tha bị rớt, tất cả đều không phạm.

51. Giới Đứng Đại Tiểu Tiện

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo đứng đại tiểu tiện. Các cư sĩ thấy vậy chê trách: “Sa-môn Thích tử không có chính pháp, đứng đại tiểu tiện giống như bò, ngựa, heo, dê, lạc đà.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được đứng đại tiểu tiện, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trừ bệnh: vì bệnh nên không thể ngồi xổm được.

– Trường hợp không phạm: hoặc mắc bệnh, hoặc bị trói, hoặc chỗ đứng bị nhơ, hoặc bùn nhơ, tất cả đều không phạm.

52. Giới Nói Pháp Cho Người Không Cung Kính

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo nói pháp cho người không cung kính, vén ngược y mà nghe. Lúc ấy, các tì-kheo nghe, trong đó có người thiểu dục, biết hổ thẹn bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được nói pháp cho người không cung kính, vén ngược y, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc khi có bệnh như thế, hoặc nói pháp cho vua, đại thần của vua, tất cả đều không phạm.

53. Giới Nói Pháp Cho Người Quấn Y Ở Cổ

Không được nói pháp cho người quấn y nơi cổ, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

54. Giới Nói Pháp Cho Người Trùm Đầu

Không được nói pháp cho người trùm đầu, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

55. Giới Nói Pháp Cho Người Quấn Đầu

Không được nói pháp cho người quấn đầu, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

56. Giới Nói Pháp Cho Người Chống Nạnh

Không được nói pháp cho người chống nạnh, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

57. Giới Nói Pháp Cho Người Mang Dép Da

Không được nói pháp cho người mang dép da, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

58. Giới Nói Pháp Cho Người Mang Guốc Gỗ

Không được nói pháp cho người mang guốc gỗ, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

59. Giới Nói Pháp Cho Người Đi Ngồi Xe

Không được nói pháp cho người ngồi xe, cưỡi ngựa, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

60. Giới Ngủ Trong Tháp Phật

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo vào trong tháp Phật ngủ. Có tì-kheo biết hổ thẹn biết được việc đó, bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ vì canh giữ, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc vì canh giữ nên phải ngủ nghỉ lại trong đó, hoặc bị thế lực cưỡng bức, hoặc bị bắt, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên ngủ nghỉ, tất cả đều không phạm.

61. Giới Cất Giấu Tài Vật Trong Tháp Phật

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo cất giấu vật trong tháp Phật. Có tì-kheo thiểu dục biết được việc đó, nên bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được chôn giấu tài vật trong tháp Phật, trừ vì muốn cho bền chắc, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc vì muốn giữ cho chắc chắn nên mới chôn cất, giấu trong tháp Phật, hoặc bị cưỡng bức, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả đều không phạm.

62. Giới Mang Dép Da Vào Trong Tháp Phật

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo mang dép da đi vào trong tháp Phật. Có tì-kheo hổ thẹn biết việc đó, nên bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được mang dép da đi vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh như thế, hoặc bị cưỡng bức, hoặc bị bắt buộc phải đi vào trong tháp Phật, tất cả đều không phạm.

63. Giới Cầm Dép Da Vào Trong Tháp Phật

Không được tay cầm dép da đi vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

64. Giới Mang Dép Da Đi Nhiễu Tháp Phật

Không được mang dép da đi nhiễu quanh tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

65. Giới Mang Phú-La Vào Trong Tháp Phật

Không được mang phú-la đi vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

66. Giới Cầm Phú-La Vào Tháp Phật

Không được tay cầm phú-la đi vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

67. Giới Làm Nhơ Chân Tháp

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo sau khi ngồi bên chân tháp dùng bữa xong, bỏ lại thức ăn và cỏ lót ngồi làm nhơ đất, rồi bỏ đi. Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới: “Không được ngồi ăn dưới tháp.” Sau đó, các tì-kheo làm tháp, làm phòng, hoặc thí ao, thí giếng, thí thực, chúng Tăng tụ tập đông đảo, nên chỗ ngồi chật hẹp. Lúc ấy, Đức Phật cho phép được ngồi thụ thực bên chân tháp, nhưng không được làm nhơ đất. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.

b. Văn giới

Không được ngồi ăn dưới tháp lưu lại cỏ và thức ăn dư làm dơ đất, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: tì-kheo ngồi ăn một lần và không làm pháp dư thực; hoặc tì-kheo bị bệnh thì cho phép lót một chỗ bên dưới chân và khi đi phải gom bỏ, tất cả đều không phạm.

68. Giới Khiêng Tử Thi Đi Ngang Qua Dưới Tháp

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo khiêng tử thi đi ngang qua dưới tháp, làm cho thầy bảo vệ tháp nỗi giận. Các tì-kheo thích học giới bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được khiêng tử thi đi qua dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc cần phải đi ngang qua con đường đó, hoặc bị thế lực ép buộc dẫn đi, tất cả đều không phạm.

69. Giới Chôn Tử Thi Dưới Tháp

Không được chôn tử thi dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni.

70. Giới Thiêu Tử Thi Dưới Tháp

Không được thiêu tử thi dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni.

71. Giới Thiêu Tử Thi Trước Tháp

Không được đối diện tháp thiêu tử thi, thức-xoa-ca-la-ni.

72. Giới Thiêu Tử Thi Quanh Tháp

Không được thiêu tử thi ở bốn phía quanh tháp Phật, làm mùi hôi xông vào tháp, thức-xoa-ca-la-ni.

73. Giới Mang Y Phục Của Người Chết Đi Ngang Qua Tháp

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy Tì-kheo mang y phục và giường của người chết đi ngang qua dưới tháp, nên làm cho thần ở trú xứ đó nỗi giận. Các tì-kheo tu hạnh đầu-đà bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được mang y phục và giường của người chết đi ngang qua dưới tháp, trừ giặt, nhuộm, xông hương, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc mắc bệnh như thế, hoặc y phấn tảo của Tì-kheo, hoặc đã giặt, nhuộm, xông hương rồi mới mang đi, tất cả đều không phạm.

74. Giới Đại Tiểu Tiện Dưới Tháp Phật

Không được đại tiểu tiện dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

75. Giới Đại Tiểu Tiện Trước Tháp Phật

Không được đại tiểu tiện trước tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

76. Giới Đại Tiểu Tiện Quanh Tháp Phật

Không được đại tiểu tiện bốn phía quanh tháp Phật, làm cho mùi hôi bay vào bên trong, thức-xoa-ca-la-ni.

77. Giới Mang Tượng Phật Đến Nơi Đại Tiểu Tiện

Không được mang tượng Phật đến chỗ đại tiểu tiện, thức-xoa-ca-la-ni.

– Có ba trường hợp không phạm: hoặc khi có bệnh như thế, hoặc trên đường đi phải đi ngang qua đó, hoặc bị thế lực ép buộc phải mang đi, tất cả đều không phạm.

78. Giới Xỉa Răng Dưới Tháp Phật

Không được xỉa răng, súc miệng dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

79. Giới Xỉa Răng Trước Tháp Phật

Không được xỉa răng, súc miệng trước tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

80. Giới Xỉa Răng Quang Tháp Phật

Không được xỉa răng, súc miệng ở bốn phía quanh tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

81. Giới Khạc Nhổ Dưới Tháp Phật

Không được khạc nhổ dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

82. Giới Khạc Nhổ Trước Tháp Phật

Không được khạc nhổ trước tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

83. Giới Khạc Nhổ Bên Tháp Phật

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo khạc nhổ bốn phía quanh tháp Phật. Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được khạc nhổ bốn phía quanh tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh như thế, hoặc do chim ngậm, hoặc do gió thổi bay đến bên tháp.

84. Giới Duỗi Chân Trước Tháp

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo ngồi duỗi chân hướng về trước tháp. Các tì-kheo thích học giới bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được ngồi duỗi chân trước tháp, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc bị bệnh như thế, hoặc khoảng giữa có sự ngăn cách, hoặc bị thế lực ép buộc phải làm vậy, tất cả đều không phạm.

85. Giới Đặt Tượng Phật Ở Phòng Dưới

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Câu-la. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo đặt tượng Phật ở phòng tầng dưới còn họ thì ở phòng tầng trên. Các tì-kheo tu hạnh đầu-đà bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được đặt tượng Phật ở phòng tầng dưới còn mình ở phòng tầng trên, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh như thế, hoặc có người đang mang tượng Phật ở phòng tầng dưới còn mình đang ở phòng tầng trên, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả đều không phạm.

86. Giới Nói Pháp Cho Người Ngồi

Không được nói pháp cho người ngồi mà mình đứng, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

87. Giới Nói Pháp Cho Người Nằm

Không được nói pháp cho người nằm mà mình ngồi, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

88. Giới Nói Pháp Cho Người Ngồi Chính Giữa

Không được nói pháp cho người ngồi chính giữa mà mình ngồi một bên, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

89. Giới Nói Pháp Cho Người Ngồi Chỗ Cao

Không được nói pháp cho người ngồi chỗ cao, còn mình ngồi chỗ thấp, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

90. Giới Nói Pháp Cho Người Đi Trước

Không được nói pháp cho người đi trước, còn mình đi phía sau, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

91. Giới Nói Pháp Cho Người Ở Chỗ Kinh Hành

Không được nói pháp cho người ở chỗ kinh hành cao, còn mình ở chỗ kinh hành thấp, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

92. Giới Nói Pháp Cho Người Ở Giữa Đường

Không được nói pháp cho người ở giữa đường, còn mình ở bên đường, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

93. Giới Nắm Tay Nhau Cùng Đi

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo nắm tay nhau đi ngoài đường, nên làm cản trở những nam, nữ khác. Các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết chính pháp, giống như vua, đại thần, trưởng giả giàu sang.” Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được nắm tay nhau khi đi đường, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc mắc bệnh, hoặc có tì-kheo bị mù mắt, nên cần phải dìu đi, tất cả đều không phạm.

94. Giới Trèo Cây Cao Quá Đầu Người

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tì-kheo nhập hạ an cư trên một cây đại thụ, rồi từ trên cao đại tiểu tiện xuống. Vì thế, thần cây nổi giận tìm dịp giết tì-kheo. Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới “Không được an cư trên cây và đại tiểu tiện quanh cây. Nếu đã có chỗ đại tiểu tiện sẵn, thì được phép.”

b. Văn giới

Không được trèo lên cây cao quá đầu người, trừ khi có nhân duyên, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải trèo cao quá đầu người, tất cả đều không phạm.

95. Giới Quẩy Bát Bằng Gậy

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Bạt-na-đà bỏ bát vào trong đãy, rồi xỏ qua đầu gậy, đặt trên vai vác đi. Các cư sĩ tưởng là quan lại, nên đều tránh bên đường. Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được bỏ bình bát vào đãy, xỏ vào đầu gậy quẩy trên vai mà đi, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc có bệnh, hoặc bị người có thế lực bức ép, hoặc bị trói buộc, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả đều không phạm.

96. Giới Nói Pháp Cho Người Cầm Gậy

a. Duyên khởi

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo nói pháp cho người không biết cung kính nghe. Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.

b. Văn giới

Không được nói pháp cho người cầm gậy, không cung kính, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

c. Giải thích

– Trường hợp không phạm: hoặc khi có bệnh, hoặc vì vua và đại thần, tất cả đều không phạm.

97. Giới Nói Pháp Cho Người Cầm Kiếm

Không được nói pháp cho người cầm kiếm, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

98. Giới Nói Pháp Cho Người Cầm Mâu

Không được nói pháp cho người cầm mâu, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

99. Giới Nói Pháp Cho Người Cầm Dao

Không được nói pháp cho người cầm dao, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.

100. Giới Nói Pháp Cho Người Cầm Dù

Không được nói pháp cho người cầm dù, thức-xoa-ca-la-ni.

Chư Đại đức, tôi đã nói một trăm pháp thức-xoa-ca-la-ni. Nay xin hỏi chư Đại đức trong đây thanh tịnh không? (3 lần) Chư Đại đức trong đây thanh tịnh, vì các ngài đều im lặng. Việc ấy tôi xin ghi nhận như vậy.

Chư Đại đức, đây là bảy pháp diệt tránh nửa tháng tụng một lần, trong giới kinh chép ra. Nếu có việc tranh cãi xảy ra thì cần phải trừ diệt.

Đức Phật dạy: “Tranh cãi có bốn loại: ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh, sự tránh.

– Về ngôn tránh dùng hai cách diệt để diệt trừ: hiện tiền tì-ni và đa nhân ngữ.

– Về mích tránh dùng bốn cách diệt để diệt trừ: hiện tiền tì-ni, ức niệm tì-ni, bất si tì-ni, tội xứ sở.

– Về phạm tránh dùng ba cách diệt để diệt trừ: hiện tiền tì-ni, tự ngôn trị, như thảo phú địa.

– Về sự tránh dùng tất cả cách diệt trên để diệt trừ.

Trong ba loại tránh trước, mỗi tránh có ba phẩm: thượng, trung và hạ, nên hợp chung lại có chín loại. Riêng về sự tránh khi lần lượt kết hợp với ba tránh trên, thì tùy theo mỗi tránh lại phân làm chín phẩm và tùy theo từng hiện tiền tì-ni trong mỗi phẩm mà có ba loại hay năm loại để diệt trừ ba phẩm thượng, trung và hạ. Đây là nói tùy theo bệnh mà cho thuốc. Việc này phải quát sát cho kĩ và hiểu cho kĩ.

1. Cần ban cho hiện tiền tì-ni thì ban cho hiện tiền tì-ni.

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di và nhóm sáu thầy tì-kheo cùng tắm sông. Tôn giả Ca-lưu-đà-di lên trước mặc nhầm y của nhóm sáu thầy tì-kheo kia rồi đi. Sau đó, nhóm sáu thầy tì-kheo cho tôn giả Ca-lưu-đà-di trộm y nên làm pháp yết-ma diệt tẩn vắng mặt. Tôn giả Ca-lưu-đà-di bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế pháp này.

Có ba loại hiện tiền: pháp hiện tiền, tì-ni hiện tiền và nhân hiện tiền. Và cũng có năm loại hiện tiền khác: pháp hiện tiền, tì-ni hiện tiền, nhân hiện tiền, Tăng hiện tiền, giới hiện tiền.

Pháp hiện tiền là gì? Chính là pháp được dùng để dập tắt tranh cãi. Tì-ni hiện tiền là gì? Chính là tì-ni được dùng để dập tắt tranh cãi. Nhân hiện tiền là gì? Chính là sự luận bàn đối đáp. Tăng hiện tiền gì? Chính là người nên đến thì đến, người nên gửi dục thì gửi dục, người bị trách phạt thì không trách phạt. Giới hiện tiền là gì? Chính là xướng yết-ma để hạn chế. Pháp hiện tiền này áp dụng chung cho tất cả yết-ma. Nếu người ở riêng làm pháp đối thú[73], tâm niệm thì được phép áp dụng ba pháp hiện tiền. Nếu có bốn người, năm người trở lên thì phải theo pháp của Tăng. Nếu cử pháp yết-ma thì phải theo năm pháp hiện tiền. Vì mỗi khi cử hành pháp yết-ma thì phải tác pháp trong cương giới. Trừ trường hợp giới do Tăng làm pháp kết hay trong giới tự nhiên.

2. Cần ban cho ức niệm tì-ni thì ban cho ức niệm tì-ni.

Một thời, Đức Phật ở thành Vương Xá. Bấy giờ, tì-kheo Đạp-bà-ma-la Tử làm tri sự[74] cho Tăng. Bấy giờ, trong nhóm sáu thầy tì-kheo có thầy vì được phân chia phòng xấu, ngọa cụ xấu, thỉnh xứ[75], nên nổi giận phỉ báng tì-kheo Đạp-bà-ma-la Tử: “Thầy có thiêng vị, có giận, có sợ, có si.” Vì thế, tì-kheo kia vu khống, hủy báng tì-kheo Đạp-bà-ma-la Tử bằng việc dâm dục. Bấy giờ, Phật cho gọi cả hai ra trước chúng, Ngài hỏi tì-kheo Đạp-bà-ma-la Tử việc ấy thật hư thế nào. Tì-kheo Đạp-bà-ma-la Tử thưa: “Từ khi con sinh ra đến nay trong mộng còn không có ý dâm dục huống gì khi tỉnh thức.” Các tì-kheo hỏi thầy tì-kheo trong nhóm sáu thầy tì-kheo về việc đó thì vị kia nói: “Tì-kheo Đạp-bà-ma-la Tử thanh tịnh, không có việc như thế.” Đức Phật nói: “Đạp-bà-ma-la Tử là người không có đắm nhiễm, nên không phạm giới, vì vậy, cần phải bạch tứ yết-ma để trao cho pháp ức niệm.”

3. Cần ban cho bất si tì-ni thì ban cho bất si tì-ni.

Một thời, Đức Phật ở thành Vương Xá. Bấy giờ, tì-kheo Nan-đề vì mắc bệnh hủi và si cuồng, nên ra vào, lui tới không có oai nghi, phần nhiều phạm các tội. Các tì-kheo vặn hỏi thì tì-kheo Nan-đề nói: “Vì lúc ấy cuồng si nên mới tạo tội, bệnh lành không tạo tội nữa.” Các tì-kheo bạch Phật. Đức Phật nói có ba loại cuồng si: 1. Thường nhớ, nên khi nói giới thường đến; 2. Không nhớ, nên khi nói giới không đến; 3. Hoặc nhớ, hoặc đến, hoặc không đến. Người này cần phải bạch tứ trao cho yết-ma bất si để nhận biết, khi bệnh thì tạo tội, sau khi lành bệnh không tạo tội nữa. Vì muốn cho Tăng được thanh tịnh và đủ số nên chế ra pháp này.

4. Cần ban cho tự ngôn trị thì ban cho tự ngôn trị.

Một thời, Đức Phật ở nước Chiêm-ba. Bấy giờ, nhằm vào tháng có trăng, chúng Tăng thuyết giới. Khi ấy, Đức Phật ngồi trong chúng im lặng không thuyết giới. Khi đầu đêm đã qua, tôn giả A-nan thỉnh Đức Phật thuyết giới. Đức Phật nói: “Ông muốn Như Lai ở trong chúng không thanh tịnh mà thuyết giới sao? Thật không có lí này.” Đến giữa đêm, cuối đêm, tôn giả A-nan lại thỉnh, Đức Phật vẫn đáp như vậy. Bấy giờ, tôn giả Đại Mục-kiền-liên dùng thiên nhãn xem tất cả mọi người trong chúng thì thấy tì-kheo phạm giới ngồi cách Đức Phật không xa. Vị ấy bên trong chứa sự mục nát, bên ngoài hiện nguyên vẹn, thanh tịnh. Sau khi, tôn giả Mục-kiền-liên kéo vị tì-kheo ấy ra khỏi chúng, rồi quay trở lại bạch Phật: “Trong chúng đã thanh tịnh, có thể nói giới được rồi.” Đức Phật dạy: “Từ nay về sau không nên làm như vậy mà phải dùng pháp ‘ngôn trị’.” Nhân đó, Đức Phật chế pháp này.

5. Cần ban cho đa nhân ngữ thì ban cho đa nhân ngữ.

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tì-kheo vì mười tám việc mà tranh cãi không dứt, nên đến trong Tăng để phán xét, nhưng vẫn không đoạn được. Các tì-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cần phải ba cho pháp đa mích tội tướng; nếu có tì-kheo nói lời phi pháp ở chung trong một trú xứ thì nên sai tì-kheo hành xá-la.” Về hành xá-la thì có ba cách: 1. Hiển lộ; 2. Che giấu; 3. Rỉ tai nhau. Nếu thượng tọa là bậc đứng đầu trong những người trí và hòa thượng xà-lê trụ như pháp địa thì nên hiển lộ hành xá-la; nếu trụ phi pháp địa thì nên cử hành hai pháp hành xá-la sau. Nếu nhiều có nhiều người phi pháp ngữ, vì những người kia có thể gây rối loạn rồi bỏ đi. Bản luật này nói ‘Cầu tìm tội tướng’ ý cũng giống như vậy.

6. Cần ban cho tội xứ sở thì ban cho tội xứ sở.

Một thời, Đức Phật ở nước Thích-sí-sấu. Bấy giờ, Thích tử Tượng Lực có tài nghị luận, bị ngoại đạo hỏi gắt nên trả lời trước sau mâu thuẫn nhau và ở trong Tăng cũng như vậy. Các tì-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Tăng nên bạch tứ để trao yết-ma cho vị tì-kheo kia để vị ấy nhận lấy bản tội, đồng thời tước ba mươi lăm việc. Nếu vị ấy chịu nhận bản tội thì nên bạch tứ yết-ma như phải để giải. Vì thế, nên Phật chế ra pháp này.

Có bản gọi pháp này là ‘tìm tội tướng, ý cũng giống như trên, nhưng theo thứ tự thì thuộc phần sáu ‘diệt mích tránh thượng phẩm dược’.

7. Cần ban cho như cỏ che đất thì ban cho như cỏ che đất.

Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tì-kheo tranh cãi nhau kéo dài suốt một năm mà không có khả năng chấm dứt. Các tì-kheo bạch Phật. Đức Phật cho phép hai chúng giáp mặt nhau để cùng diệt. Một vị thượng tọa đại diện cho mỗi chúng tác bạch: “Chúng tôi đi lại ra vào phần nhiều phạm các tội, trừ việc ngăn không cho đến nhà bạch y, những tội khác cùng trưởng lão làm pháp ‘dùng cỏ che đất’ để chấm dứt. Vị thượng tọa ở trong chúng kia cũng tác bạch như thế rồi, hai chúng hòa hợp tội và sự tranh cãi đều chấm dứt, nên không còn cật vấn nhau. Đây là pháp như cỏ che đất.

Chư Đại đức, tôi đã nói bảy pháp chấm dứt sự tranh cãi, nay xin hỏi chư Đại đức trong đây thanh tịnh không? (3 lần). Chư Đại đức trong đây thanh tịnh, vì quí ngài đều im lặng. Việc ấy tôi xin ghi nhận như vậy.

Bắt đầu từ bốn giới nặng, kết thúc bởi bảy pháp dứt sự tranh cãi này và văn của tám đoạn, phần chính tông của quảng giáo đều gọi là phạm hẹp, chế rộng. Đồng thời giúp cho hàng giáo ấy đem lại lợi ích cho mọi căn cơ.

Các Đại đức, tôi đã nói lời tựa của giới kinh, đã nói bốn pháp Ba-la-di, đã nói mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa, đã nói hai pháp bất định, đã nói ba mươi pháp Ni-tát-kì ba-dật-đề, đã nói chín mươi pháp Ba-dật-đề, đã nói bốn pháp Ba-la-đề đề-xá-ni, đã nói pháp chúng học Thức-xoa-ca-la-ni, đã nói bảy pháp diệt tránh. Đây chính là giới kinh do Phật nói, nửa tháng nói một lần, từ trong giới kinh trích ra.

Đây là văn của phần lưu thông thuộc quảng giáo. Vì sợ mọi người buông lung nên mới tổng kết lại để chỉ bảo cho họ biết.

Nếu còn có thêm Phật pháp khác thì mọi người trong đây đều cùng nhau hòa hợp cần phải học.

Đây là lời tựa riêng của phần Lược giáo. Phần này trình việc làm lợi ích mọi căn cơ của Phật, nhưng không cần phải nhọc công chép hết ra mà chỉ nêu lên những điều cốt yếu, khiến cho ai nghe cũng đều hiểu được đạo.

Nhẫn nhục đạo thứ nhất

Phật nói không gì hơn

Xuất gia làm phiền người

Không gọi là sa-môn.

Giới kinh này do đức Tì-bà-thi Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chính Giác nói.

Chín mươi mốt kiếp trước thuộc kiếp Hiền này, Đức Phật ấy xuất hiện ở thế gian. Trong vòng một trăm năm thường nói bài kệ này. Sau đó mới nói rộng ra.

Thí như người mắt sáng

Tránh được đường hiểm ác

Người thông minh ở đời

Hay lìa xa đường ác.

Giới kinh này do đức Tì-thi-khí Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chính Giác nói.

Ba mươi bốn kiếp trước thuộc kiếp Hiền này, Đức Phật ấy xuất hiện ở thế gian. Trong vòng tám mươi năm thường nói bài kệ này. Sau đó mới nói rộng ra.

Không chê cũng không ghét

Nên làm theo giới luật

Ăn uống biết dừng đủ

Thích ở nơi vắng vẻ

Tâm định thích tinh tấn

Đó là chư Phật dạy.

Giới kinh này do đức Tì-khí-la Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chính Giác nói.

Đức Phật này xuất hiện ở thế gian cùng kiếp với Đức Phật trước. Lúc ấy, tuổi thọ con người là bảy vạn năm. Trong bảy mươi năm đầu, Đức Phật ấy thường nói bài kệ này. Về sau mới nói rộng ra.

Thí như ong lấy mật

Không làm hư sắc, hương

Chỉ lấy vị rồi đi

Tì-kheo đi vào làng

Không ngăn cản việc người

Không xem làm, không làm

Chỉ tự xét việc mình

Là đúng, hay không đúng.

Đây là giới kinh lời do đức Câu-lâu-tôn Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chính Giác nói.

Đức Phật này là Đức Phật đầu tiên trong kiếp Hiền. Khi ấy, con người sống thọ sáu vạn năm. Trong vòng sáu mươi năm, Đức Phật thường nói bài kệ này. Về sau mới nói rộng ra.

Đừng để tâm buông lung

Phải siêng học thánh pháp

Như thế không buồn lo

Tâm định vào niết-bàn.

Đây là giới kinh do đức Câu-na-hàm Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chính Giác nói.

Là Đức Phật thứ hai trong kiếp Hiền này. Khi ấy, con người sống thọ bốn vạn năm. Trong hai mươi năm đầu, Đức Phật thường nói bài kệ này. Về sau mới nói rộng ra.

Chớ làm các việc ác

Nên làm những điều lành

Tự làm sạch ý chí

Đó là lời Phật dạy.

Đây là giới kinh do đức Ca-diếp Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chính Giác nói.

Là Đức Phật thứ ba trong kiếp Hiền này. Khi ấy, con người sống hai vạn tuổi, trong hai mươi năm đầu, Đức Phật nói bài kệ này. Về sau mới nói rộng ra.

Khéo giữ gìn lời nói

Làm trong sạch ý chí

Thân chớ làm điều ác

Ba nghiệp đều thanh tịnh

Hay làm được như thế

Là đạo Đại tiên nhân.

Đây là giới kinh do đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chính Giác trong mười hai năm đầu nói cho Vô sự Tăng. Từ đó về sau phân biệt và nói rộng rãi.

Phần lược giáo của Phật đây chính là phần chính tông của lược giáo. Khi Đức Phật tiếp dẫn hàng đệ tử căn tính lanh lợi, không phạm lần thứ hai, nên Ngài nói bài kệ này. Về sau, vì hàng đệ tử nhiều lần phạm lỗi, nên Đức Phật dừng không nói và giao việc hai giáo rộng và lược cho đệ tử nói.

Các thầy tì-kheo, các thầy là những người thích pháp, thích đời sống sa-môn, biến hổ thẹn, thích học giới. Vì vậy, các thầy nên học những giới ấy. Đây là phần lưu thông của Lược giáo.

Người biết hay giữ giới

Thì được ba điều vui

Tiếng tốt và lợi dưỡng

Chết được sinh lên trời.

Phải quán sát việc ấy

Người trí nên giữ giới

Giới tịnh có trí tuệ

Liền được đạo thứ nhất.

Như chư Phật quá khứ

Và chư Phật vị lai

Các Thế Tôn hiện tại

Luôn thắng mọi điều lo

Đều cùng tôn kính giới

Đây là các Phật pháp.

Nếu người nào vì mình

Mà muốn cầu Phật đạo

Phải tôn trọng chính pháp

Các Phật dạy thế ấy.

Bảy Phật vì Thế Tôn

Diệt trừ các kết sử

Và nói bảy giới kinh

Các trói buộc được mở

Đã vào niết-bàn rồi

Các hí luận diệt hết

Vâng làm theo Đại tiên

Thánh hiền khen ngợi giới

Việc làm của đệ tử

Vào niết-bàn tịch diệt.

Khi Thế Tôn niết-bàn

Còn phát khởi đại bi

Tập họp chúng tì-kheo

Căn dặn như thế này

Chớ cho Ta niết-bàn

Mà không giữ tịnh hạnh

Nay Ta nói giới kinh

Và khéo nói tì-ni

Tuy Ta bát-niết-bàn

Phải xem như Thế Tôn

Kinh này trụ đời lâu

Phật pháp được hưng thạnh

Vì Phật pháp hưng thạnh

Nên được vào niết-bàn.

Hoặc không giữ giới này

Như điều cần bố-tát

Giống như mặt trời lặn

Thế gian đều tối tăm

Phải hộ trì giới này

Như trâu mao[76] tiếc đuôi.

Hòa hợp ngồi một chỗ

Như những điều Phật nói.

Tôi đã nói giới kinh

Chúng Tăng bố-tát xong

Nay tôi nói giới kinh

Được bao nhiêu công đức

Cho tất cả chúng sinh

Đều cùng thành Phật đạo.

Phần văn kệ ấy do tôn giả Pháp Hộ sáng tác. Đây cũng chính là phần lưu thông chung của quảng giáo và lược giáo. Nay trong phần chú thích của tôi, chỉ là thuật lại chứ không sáng tác thêm; giống như dùng bụi núi, bọt biển để khen ngợi người đời xưa và ngồi chung thuyền mà tồn tại. Thật đúng như vậy!

*

Chú thích:

[73] Đối thú 對首: tác pháp sám hối được thực hành trong ngày bố-tát hoặc trong ngày tự tứ của chúng Tăng. Khi hành pháp này phải đối trước từ 1 đến 3 vị tì-kheo, 1 trong 3 loại pháp yết-ma. Ngoài ra, pháp Đối thú thường thực hành khi an cư, y chỉ, xả hoặc thụ y, bát, tọa cụ, thụ dược v.v…

[74] Tri sự 知事: chức vụ quản lí các công việc thứ yếu của Tăng trong chùa viện, thường do các vị tì-kheo thuận nguyện vọng của đại chúng, nghiêm trì giới luật, có tâm công bằng chính trực đảm nhiệm.

[75] Thỉnh xứ 請處: nhà Phật tử (thí chủ) thỉnh tì-kheo đến để cúng dường thức ăn.

[76] Trâu Mao 犛牛: trâu có thân lùn mà khỏe, lông dài, đa phần lông có màu đen, có chỗ đen rặt, hoặc có chỗ trắng đen lẫn lộn, chịu lạnh tốt, dễ nuôi. Lông đuôi của nó mọc rất dày, có thể dùng làm cờ hiệu. Khi lông đuôi của chúng bị mắc gai, dù thợ săn đến chúng vẫn cố bảo vệ, giữ lấy mà không hề sợ chết.

    Xem thêm:

  • Giới Tì Kheo Ni Trong Luật Tứ Phần – Thích Trí Quang dịch - Luật Tạng
  • Giới Tì Kheo Trong Luật Tứ Phần – Thích Trí Thủ dịch - Luật Tạng
  • Giới Tì Kheo Trong Luật Tứ Phần – Thích Trí Quang dịch - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 7. Thức-xoa-ca-la-ni - Luật Tạng
  • Khuyên Dạy Các Vị Tỳ Kheo Mới Phải Nghiêm Trì Giới Luật - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 3. Bất Định - Luật Tạng
  • Giới Tì Kheo Trong Luật Tứ Phần – Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến dịch - Luật Tạng
  • Giới Tì Kheo Ni Trong Luật Tứ Phần – Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến dịch - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 1. Ba-la-di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 4. Ba-dật-đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 4. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 1. Ba-la-di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 5. Ba-dật-đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 8. Bảy Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 2. Tăng Tàn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 5. Ba La Đề Đề Xá Ni - Luật Tạng
  • Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Oai Nghi (Ba Ngàn Oai Nghi Của Vị Đại Tỳ Kheo) - Luật Tạng