1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Quyển 7

Phần một: pháp BA-DẬT-ÐỀ

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp Cô Ðộc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, tôn giả La-vân nói dối, trêu chọc mọi người. Các Tỳ-kheo liền quở trách:

– Ông là con Phật, vì sao lại nói dối?

Các Tỳ-kheo đem việc ấy bạch đầy đủ với Phật. Thế Tôn bảo La-vân:

– Vì sao ông lại nói dối để vui đùa?

Phật nói kệ quở trách La-vân:

– Nói dối gần địa ngục

Làm mà nói chẳng làm

Hai tội sau đều chịu

Bị nghiệp dẫn dắt đi.

Pháp y mặc trên thân

Làm ác không biết mệt

Người nào làm việc ác

Khi chết đọa địa ngục

Không giới, nhận cúng dường

Khất thực không hổ thẹn

Chết nuốt hòn sắt nóng

Lửa cháy đỏ rất nóng.

Sau khi quở trách xong, Thế Tôn kiết giới cho Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào nói dối đùa giỡn, phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo mạ nhục các Tỳ-kheo bằng các chủng loại. Các Tỳ-kheo đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào dùng các chủng loại hủy nhục các Tỳ-kheo thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo thường tranh cãi với nhóm mười bảy Tỳ-kheo. Có Tỳ-kheo nghe nhóm này có việc gì liền đến nói với bên kia, nghe bên kia có việc gì liền nói với bên này. Nghe vậy, các Tỳ-kheo liền đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào đùa cợt nói lời hai lưỡi, gây rối loạn hai bên thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-xá-di.

Tỳ-kheo ở Câu-xá-di thích đấu tranh, sự việc đã được các vị trưởn giả giải quyết như pháp ở giữa chúng, nhóm sáu Tỳ-kheo lại khơi dậy việc cũ và nói rằng:

– Việc tranh chấp đó vì sao không để chúng tôi dẹp trừ?

Nghe tin nhóm sáu Tỳ-kheo khơi dậy lại sự việc đã được giải quyết xong, các Tỳ-kheo liền đến bạch đầy đủ với Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào việc tranh chấp đã được giải quyết xong như pháp mà lại khơi dậy thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, Ca-lưu-đà-di vào trong cung một mình để thuyết pháp cho Mạt-lợi phu nhân. Các đại thần của vua nói với nhau:

– Vì sao Tỳ-kheo vào cung thuyết pháp một mình vậy?

Tỳ-kheo hành mười hai pháp liền đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào một mình thuyết pháp cho người nữ thì không được quá năm sáu lời (trừ khi có người). Nếu quá thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy nhóm sáu Tỳ-kheo đem luật Tỳ-kheo nói với Sa-di. Thấy vậy các Tỳ-kheo nói:

– Vì sao lại đem luật Tỳ-kheo nói với người chưa thọ đại giới?

Họ liền đến bạch đầy đủ với Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào nói một câu giới pháp với người chưa thọ đại giới thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy có một Tỳ-kheo vào trong chúng Sa-di tự khen ngợi rằng:

– Tôi đã đắc sơ thiền, nhị, tam, tứ thiền, từ, bi, hỷ, xả. Thấy vậy, các Tỳ-kheo liền đến trách mắng:

– Vì sao Tỳ-kheo lại khoe với người chưa thọ đại giới rằng mình đắc thiền?.

Họ liền đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào tự ca ngợi với người chưa thọ đại giới rằng: “Tôi biết việc ấy, thấy như thật việc ấy” thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo nói với người chưa thọ đại giới:

– Tỳ-kheo ấy phạm Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề.

Nghe việc ấy, các Tỳ-kheo liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào nói với người chưa thọ đại giới rằng: “Tỳ-kheo ấy phạm Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề” (trừ khi được Tăng sai) thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy các trưởng giả đến tham quan vườn tược, phòng ốc. Ðến khi trở về thì đói không chịu nổi. Họ liền nói với Tỳ-kheo thực hành mười hai pháp:

– Sa-môn Thích tử thường thọ nhận thức ăn của người vậy mà về tịnh xá không hề đãi khách.

Các Tỳ-kheo nói với nhóm sáu Tỳ-kheo:

– Các trưởng giả đến thăm tịnh xá, đến lúc về đói không chịu nổi. Xin các vị cho ít gạo để đãi khách.

Nhóm sáu Tỳ-kheo nói:

– Ðược thôi.

Sau đó, các Tỳ-kheo lấy nhiều lúa gạo để đãi khách. Nhóm sáu Tỳ-kheo nói:

– Ai cho các thầy phung phí tiền của chúng Tăng, lấy lúa gạo đãi khách?

Các Tỳ-kheo đáp:

– Chính thầy đã cho phép.

Nhóm sáu Tỳ-kheo nói:

– Tôi dâu có cho.

Các Tỳ-kheo không biết trả lời làm sao, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào trước đã cùng nhau thỏa thuận, sau đó nói rằng: “Ông đã xài phí phạm của cải của chúng Tăng”, trái với sự thỏa thuận lúc trước thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy vào ngày mười lăm, kiền chùy được đánh để tập hợp chúng Tăng lại thuyết giới. Tôn giả Xiển-nộ nói với các Tỳ-kheo:

– Cứ nửa tháng lại nói những giới vụn vặt đó làm gì! Chỉ khiến cho các Tỳ-kheo buồn rầu, bối rối, không thể hành đạo.

Nghe vậy, các Tỳ-kheo liền bạch Thế Tôn. Nhân việc ấy, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho Sa-môn:

– Vào ngày thuyết giới, Tỳ-kheo nào nói rằng: “Cứ nửa tháng lại nói những giới vụn vặt đó làm gì”, vì khinh chê giới thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo chặt cây làm giường. Thần cây tức giận, đến nói với Tỳ-kheo hành mười hai pháp rằng:

– Nhà tôi đang ở đã bị chặt phá sạch.

Các Tỳ-kheo đến bạch với Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

– Có thần nương ở rễ cây, có thần nương ở cành cây, có thần nương ở bên trong nhánh cây, có thần nương bên trong vỏ cây, có thần nương ở chỗ nứt trên vỏ cây, có thần nương ở nụ hoa, có thần nương ở lá cây, có thần nương ở hoa đã nở, có thần nương nơi quả… Tất cả cây cỏ đều có thần. Lý do thần nương nơi đó là để thọ hưởng mùi hương của nó. Tỳ-kheo nào tự chặt cây, hoặc dạy người chặt thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo thường tranh cãi với nhóm mười bảy Tỳ-kheo. Nhóm mười bảy Tỳ-kheo không thể chịu đựng được, lập tức nổi sân. Nghe vậy, các Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch với Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào nổi sân thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo quấy nhiễu, kích động các Tỳ-kheo ở A-lan-nhã:

– Các thầy đã đắc sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, tu phạm hạnh, chấm dứt sanh tử.

Nghe vậy, các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào kích động làm người khác nổi sân thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy nhóm sáu Tỳ-kheo bày ghế, giường, chiếu, gối ở đất trống, ngồi nói chuyện rồi đứng dậy bỏ đi. Lúc ấy trời mưa to, ướt hết tọa cụ, giường, chiếu, gối… Thấy vậy, các trưởng giả nổi giận nói với nhau:

– Chúng ta giảm bớt phần của con cháu để cúng cho chúng Tăng. Thế mà các Tỳ-kheo không biết xấu hổ khi nhận của tín thí đã để cho mưa làm mục nát.

Tỳ-kheo thực hành mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào bày giường, chiếu, gối… ở đất trống để ngồi hoặc nằm, khi đứng dậy không chịu dọn cất, không dạy người khác dọn cất thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy nhóm sáu Tỳ-kheo bày ngọa cụ ở trong phòng. Sau khi đi không chịu dọn ất, làm ngọa cụ bị trùng ăn hư nát. Các trưởng giả vào phòng thấy vậy liền nói với nhau:

– Sa-môn Thích tử này nằm ngủ rồi không chịu dọn cất ngọa cụ để trung mối ăn hư nát.

Nghe vậy, các Tỳ-kheo hành mười hai pháp đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào bày tọa cụ, ngọa cụ của chúng Tăng ở trong phòng để ngồi hoặc nằm, sau khi đứng dậy không tự dọn cất hoặc bảo người dọn cất thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy tôn giả Da-xá dẫn năm trăm đệ tử đi từ Câu-tát-la đến nước Xá-vệ. Nhóm sáu Tỳ-kheo nói với nhau:

– Chúng ta hãy tránh một lát để các Tỳ-kheo quét dọn phòng ốc, trải tọa cụ xong, chúng ta sẽ đến hỏi tuổi tác, họ sẽ nói họ bao nhiêu tuổi, chúng ta sẽ nói chúng ta lớn hơn và bảo họ ra khỏi phòng. Nếu họ không ra thì chúng ta sẽ cưỡng ép họ ra.

Khi ấy, các Tỳ-kheo đã quét dọn phòng ốc, trải tọa cụ, họ liền đến hỏi:

– Thầy bao nhiêu tuổi?

Ðáp: Tôi chừng đó tuổi.

Nhóm sáu Tỳ-kheo nói:

– Tôi lớn tuổi hơn. Các thầy hãy đi đi, không được ở đây.

Các Tỳ-kheo không biết làm sao, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào giả vờ sân hận đuổi Tỳ-kheo khác ra khỏi phòng, hoặc sai người đuổi thì phạm đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Vào ban đêm có nhiều Tỳ-kheo trải tọa cụ ở trước giảng đường để tọa thiền hoặc nằm nghỉ. Ca-lưu-đà-di đến sau cũng trải tọa cụ để nằm. Ca-lưu-đà-di giả vờ nói sảng, thở gằn, ngáy, kêu la, quơ tay chân loạn xạ làm phiền nhiễu các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo đang tọa thiền không trụ thiền được, đều thu tọa cụ tránh đi nới khác.

Nghe việc ấy, các Tỳ-kheo hành mười hai pháp liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào, ở trong phòng đã có trải sẵn ngọa cụ, mình đến sau, lại cưỡng ép trải thêm tọa cụ và nghĩ rằng: “Nếu không ưa ta thì họ sẽ tự động đi ra”, đồng thời gây rối loạn, phiền hà các Tỳ-kheo thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Lúc ấy có căn gác mới được tạo thành, trên gác có đặt một chiếc giường chân nhọn. Dưới gác có Tỳ-kheo đang tọa thiền. Thích tử Bạt-nan-đà ở trên gác buông mình ngồi phịch xuống giường làm chân giường đâm xuyên qua sàn gác rơi xuống đất làm tét đầu Tỳ-kheo đang tọa thiền, vị ấy kêu la thất thanh. Các Tỳ-kheo chạy đến hỏi:

– Vì sao đầu thầy bị tét?

Tỳ-kheo ấy trình bày đầy đủ lý do. Các Tỳ-kheo không biết làm sao, liền đến bạch với Phật. Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào buông mình nằm hoặc ngồi phịch xuống giường có chân nhọn đặt ở trên gác thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Tôn giả Xiển-nô lấy nước có trùng rưới lên đất bùn. Các Tỳ-kheo bảo Xiển-nô:

– Thầy không được đổ nước có trùng lên đất bùn.

Xiển-nô bướng bỉnh không chịu nghe lời can gián. Các Tỳ-kheo không biết làm sao, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào biết nước có trùng mà rưới lên đất, hoặc dạy người rưới, hoặc tự trộn với bùn, hoặc dạy người trộn thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Có một Tỳ-kheo vô tri nhận của đàn-việt trăm ngàn lượng vàng làm giảng đường lớn. Một ngày nọ, ông ấy cho trét nhiều lớp bùn trên nóc nhà nên ngay đêm ấy căn nhà bị sụp đổ. Nghe tin ấy, vị trưởng giả rất buồn rầu và kinh ngạc, nghĩ rằng: “Tốn bao nhiêu đó tiền mà rốt cuộc không thành giảng đường”.

Ông ấy liền đến bạch Phật. Nhân việc ấy, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng hòa hợp, đủ mười công đức để kiết giới cho Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào làm giảng đường lớn, trước tiên phải làm ngưỡng cửa, cửa sổ cho ánh sáng mặt trời chiếu vào, dùng bùn đất mịn trét lên ba lớp (lại lấy cỏ phủ lên). Nếu quá ba lớp thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, nhóm sáu Tỳ-kheo chưa đến lượt thuyết pháp cho Tỳ-kheo ni nhưng tự đến thuyết pháp. Nghe vậy, các Tỳ-kheo hành mười hai pháp liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào chưa được Tăng sai mà tự đi thuyết pháp cho Tỳ-kheo ni thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Các Tỳ-kheo theo thứ lớp thuyết pháp cho Tỳ-kheo ni. Ðến lượt tôn giả Nan-đà, vị ấy không chịu đi. Ðại Ái Ðạo Cù-đàm-di dẫn năm trăm Tỳ-kheo ni đến chỗ Như Lai, đảnh lễ sát đất rồi đứng qua một phía. Thế Tôn liền nói cho Ðại Ái Ðạo và năm trăm Tỳ-kheo ni nghe pháp vi diệu. Thuyết pháp xong, Thế Tôn nói:

– Ðã đến giờ, hãy trở về đi.

Ðại Ái Ðạo và năm trăm Tỳ-kheo ni đảnh lễ sát đất, nhiễu ba vòng theo chiều phải rồi ra đi.

Khi họ đi được một lát, Thế Tôn quay lại hỏi A-Nan:

– Lần này đến lượt ai thuyết pháp cho Tỳ-kheo ni?

A-Nan bạch Phật:

– Chúng Tăng đã đi giáp vòng, nay đến lượt Nan-đà, nhưng thầy ấy không chịu đi.

Lúc ấy, Nan-đà cũng đang ở trong giảng đường. Thế Tôn bảo Nan-đà:

– Ông phải đến thuyết pháp cho Tỳ-kheo ni. Vì sao vậy? – Việc thuyết pháp của Ta và việc thuyết pháp của ông có gì khác nhau đâu?

Nghe Phật dạy, Nan-đà im lặng vâng lời.

Vào sáng sớm, tôn giả Nan-đà đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, vị ấy đi ra khỏi thành, cất y bát, vắt tọa cụ lên vai, vào phòng ngồi thiền.

Nghe tin đến lượt Na-đà thuyết pháp, các Tỳ-kheo ni nói với nhau:

– Nan-đà học một bài kệ suốt bốn tháng hạ không thuộc thì làm sao nói pháp cho Tỳ-kheo ni nghe được?

Nan-đà ra khỏi phòng, trải tọa cụ trước sân, ngồi kiết già.

Lúc ấy, Ðại Ái Ðạo và năm trăm Tỳ-kheo ni đến chỗ Nan-đà, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía. Tôn giả Nan-đà liền nhập thiền, dùng sức tam muội biến mất ở phía Ðông và vọt lên ở phía Tây, biến mất ở phía Tây vọt lên ở phía Ðông, ngồi nằm trên hư không, thân phóng ra các loại ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hoặc màu lưu ly; dưới thân phun lửa, trên thân phun nước; trên thân phát lửa, dưới thân phun nước… biến hóa đủ cách như vậy rồi trở về ngồi kiết-già trên tòa.

Nan-đà bảo các Tỳ-kheo ni:

– Ta nói pháp, cá cô hãy chú ý lắng nghe.

Này các cô, mắt là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà hỏi:

– Nếu vô thường, vậy khổ hay không khổ?

Ðáp:

– Là khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi, vậy bậc kiến đế có nói rằng đó là của ta hay chẳng phải của ta hay không?

Ðáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà lại hỏi:

– Này các cô, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là vô thường, vậy là khổ hay vui?

Ðáp:

– Là khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi, vậy có bậc kiến đến ào nói rằng đó là của ta hoặc chẳng phải của ta không?

Ðáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà nói:

– Vì sao vậy? Như những bậc kiến đế với trí tuệ biết mắt là vô thường, sự khổ vui của nhãn thức cũng vô thường. Cũng vậy, như tai, mũi, lưỡi, thân, tâm vô thường, sự khổ vui, không khổ, không vui của nhĩ thức….. ý thức cũng vô thường.

Lành thay, này các cô! Như lời các cô nói: mắt vô thường, sự khổ vui mà mắt cảm nhận cũng vô thường. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm vô thường, sự khổ vui, không khổ, không vui do nhĩ thức…. ý thức cảm nhận cũng vô thường.

Này các cô! Do mắt mà có thức, vậy nhãn thức ấy là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là vô thường, vậy là khổ hay vui?

Ðáp:

– Là khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi, vậy bậc kiến đế có nói rằng đó là của ta hay chẳng phải của ta hay không?

Ðáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà hỏi:

– Do tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà có thức phát sanh, vậy nhĩ thức,… ý thức là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là vô thường, vậy là khổ hay vui?

Ðáp:

– Là khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi, vậy bậc kiến đế có nói rằng đó là của ta hoặc chẳng phải của ta hay không?

Ðáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà nói:

– Vì sao vậy? – Như bậc kiến đế với trí tuệ biết mắt vô thường, sắc trần vô thường, khổ vui do nhãn thức phát sanh cũng vô thường. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm thức vô thường. Sự khổ vui, không khổ, không vui do tâm thức làm duyên phát sanh ra cũng vô thường.

Lành thay! Lành thay! Này các cô, như các cô đã nói: mắt vô thường, sắc do nhãn thức nhận biết cũng vô thường. Sự khổ vui, không khổ, không vui do nhãn thức làm duyên sanh ra cũng vô thường. Tai, mũi, lưỡi, thân, tâm và pháp do tâm thức nhận biết được cũng vô thường. Sự khổ vui, không khổ, không vui do tâm thức làm duyên sanh ra cũng vô thường.

Này các cô, mắt làm duyên cho sắc, sắc làm duyên cho thức. Ba pháp ấy hợp lại nên có xúc. Này các cô, xúc ấy là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là vô thường, vậy là khổ hay vui?

Ðáp:

– Là khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi thì bậc kiến đế có nói rằng: đó là của ta hoặc chẳng phải của ta hay không?

Ðáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà hỏi:

– Như vậy, xúc do tai, mũi, lưỡi, thân, tâm đối với pháp và tâm thức làm duyên tạo ra thì xúc ấy là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là vô thường, vậy khổ hay vui?

Ðáp:

– Khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi, vậy bậc kiến đế có nói rằng: đó là của ta hoặc chẳng phải của ta hay không?

Ðáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà nói:

– Vì sao vậy? – Như bậc kiến đế với trí tuệ thấy mắt vô thường, sắc do mắt nhận biết, nhãn thức, sự xúc chạm, sự khổ vui, không khổ, không vui do nhãn xúc làm duyên sanh ra cũng vô thường. Như vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, pháp, tâm thức làm duyên sanh xúc thì sự xúc chạm, sự khổ vui,, không khổ không vui do sự xúc chạm ấy phát sanh ra cũng vô thường.

Lành thay, này các cô! Như lời các cô nói: mắt vô thường, sắc, nhãn xúc, nhãn thức làm duyên sanh ra xúc, khởi ra tưởng khổ vui, không khổ, không vui cũng vô thường. Như vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, pháp, tâm thức làm duyên sanh xúc, khởi ra tưởng khổ vui, không khổ, không vui cũng vô thường.

Này các cô! Mắt là duyên của sắc, sắc là duyên của thức. ba pháp ấy hợp thành xúc. Xúc làm duyên cho thọ. Cảm thọ do xúc phát sanh ấy là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà hỏi:

– Nếu vô thường, vậy là khổ hay vui.

Ðáp:

– Khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi thì bậc kiến đế có nói rằng: đó là cảu ta hay chẳng phải của ta không?

Ðáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà hỏi:

– Như vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, pháp, tâm thức àm duyên phát sanh ra xúc, xúc làm duyên phát sanh thọ, thì thọ ấy là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là vô thường, vậy là khổ hay vui?

Ðáp:

– Khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi thì bậc kiến đế có nói rằng: đó là của ta hoặc chẳng phải của ta hay không?

Ðáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà nói:

– Vì sao vậy? – Như bậc kiến đế với trí tuệ thấy mắt vô thường, sắc do nhãn thức nhận biết, nhãn thức, xúc chạm của mắt, sự cảm thọ do nhãn xúc phát sanh, tưởng do cảm thọ phát sanh, sự khổ vui, không không khổ, không vui do thọ phát sanh cũng đều vô thường. Như vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, pháp do tâm nhận biết, tâm thức, xúc chạm do tâm sanh, thọ do sự xúc chạm của tâm sanh cũng đều vô thường, tưởng do thọ phát sanh, sự khổ vui, không khổ, không vui do thọ ấy phát sanh cũng đều vô thường.

Lành thay! Này các cô! Như lời các cô nói: mắt vô thường, sắc do nhãn thức nhận biết, nhãn thức, sự xúc chạm của mắt, cảm thọ do nhãn xúc phát sanh, sự khổ vui, không khổ, không vui do thọ phát sanh cũng vô thường. Như vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, pháp được tâm nhận biết, tâm thức; xúc chạm do tâm sanh; thọ do tâm xúc chạm pháp phát sanh; sự khổ vui, không khổ, không vui do thọ làm duyên phát sanh cũng vô thường.

Này các cô! Mắt là duyên của sắc, sắc là duyên của thức, thức là duyên của xúc, xúc là duyên của thọ, thọ là duyên của ái. Ái do mắt phát sanh là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là vô thường, vậy là khổ hay vui?

Ðáp:

– Là khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi, vậy người đã thấy được hơn lý có nói rằng: đó là của ta hay chẳng phải của ta hay không?

Ðáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà nói:

– Như vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, pháp do tâm nhận biết, tâm thức, sự xúc chạm của tâm, thọ do tâm xúc chạm phát sanh, ái do cảm thọ ấy phát sanh, vậy ái đó là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Nan-đà nói:

– Nếu là vô thường, vậy khổ hay vui?

Ðáp:

– Là khổ.

Nan-đà hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi thì người thấy chơn lý có nói rằng: đó là của ta hoặc chẳng phải của ta hay không?

Ðáp:

– Không, thưa thôn giả.

Nan-đà nói:

– Vì sao vậy! – Như bậc thấy chơn lý quán thấy các pháp tự sanh, các pháp tự diệt.

Lành thay, này các cô! Các pháp ấy tự sanh, các pháp ấy tự diệt. Như vậy, này các cô! Sự khổ vui, không khổ, không vui do sáu tình làm duyên phát sanh ra cũng lại vô thường.

Này các cô! Giống như người mổ trâu – hoặc học trò của ông ta -cầm dao bén giết trâu, lột da, lấy gân, thịt, cắt thành từng miếng rồi đem bỏ ở một chỗ, lại lấy da ấy phủ lên, thì này các cô, đống thịt da ấy có thành con trâu trở lại không?

Tỳ-kheo ni đáp:

– Không, thưa tôn giả.

Nan-đà nói:

– Vì sao vậy? – Trâu đã bị cắt xẻ thì không thể trở lại giống như cũ. Lý do tôi đưa ra ví dụ này là để giải thích ý nghĩa này.

Này các cô! Trâu là dụ cho sáu căn sum họp, nhân đó phát sanh tưởng cho là khổ vui, không khổ, không vui, thường trụ, không diệt, là pháp không biến đổi. Ai thấy được như vậy thì có thể đắc đạo. Vì sao vậy? – Như bậc kiến đế không lệ thuộc các pháp khi thấy các pháp sanh và diệt. Lý do đưa ra ví dụ này là để quán sát sự nhóm họp của ý. áu căn không khác con trâu, sáu trần chính là giống như gân, thịt… Dao bén chính là trí tuệ. Vì sao vậy?

Này các cô! Ðao trí tuệ có thể chặt đứt tất cả dây trói sanh tử, không còn sanh lại nơi này nơi kia.

Lành thay, này các cô! Các cô phải học như vậy, không dính mắc vào các pháp dễ dính mắc, phải muốn dứt bỏ các pháp ràng buộc, tâm không chạy theo sân hận, ngu si. Kế đó phải học bốn ý chỉ, bảy giác ý, tám thánh đạo, tám cửa giải thoát.

Này các cô! Các vị Như Lai Ðẳng Chánh Giác đều từ các pháp ấy mà ra. Vô số pháp lành đều từ ba mươi bảy phẩm phát sanh ra. Phải thường trau dồi thân tâm theo các pháp ấy, đừng cho gián đoạn,

Lúc Nan-đà nói pháp ấy, năm trăm Tỳ-kheo ni đắc đạo A-la-hán.

Lúc mới xem biến hóa, hai trăm năm mươi Tỳ-kheo ni đắc đạo A-la-hán..

Vào thời Phật Ca-diếp, hai trăm năm mươi Tỳ-kheo ni ấy đã nghe pháp này,nay lại nghe pháp ấy, liền được chứng quả.

Nan-đà nói:

– Ðến giờ rồi, các cô hãy về đi.

Ðại Ái Ðạo và năm trăm Tỳ-kheo nliền đảnh lễ sát đất rồi ra về.

Sáng hôm sau, Ðại Ái Ðạo và năm trăm Tỳ-kheo đắp y mang bát đến chỗ Như Lai, đản lễ sát đất rồi lui lại đứng qua một phía. Thế Tôn quan sát và thấy các Tỳ-kheo ni đều đã đắc đạo.

Phật bảo các Tỳ-kheo ni:

– Ðến giờ rồi, hãy trở về đi.

Các Tỳ-kheo ni liền đảnh lễ rồi trở về.

Thế Tôn bảo Nan-đà:

– Này mai hãy thuyết pháp cho Tỳ-kheo ni nghe lần nữa.

Nan-đà im lặng vâng lời.

Ngày hôm sau, Nan-đà đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, vị ấy trở ra ngoài thành, cất y bát, rửa tay chân, vắt tọa cụ lên vai, vào phòng ngồi thiền, sau đó ra khỏi phòng, trải tọa cụ trước giảng đường, ngồi kiết-già.

Ðái Ái Ðạo Cù-đàm-di dẫn năm trăm Tỳ-kheo ni dến chỗ Nan-đà, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía. Tôn giả Nan-đà giảng cho họ nghe các loại pháp vi diệu. Thuyết pháp xong, Nan-đà nói:

– Ðến giờ rồi, các cô hãy về đi.

Các Tỳ-kheo ni liền đảnh lễ sát đất rồi ra về.

Lúc ấy mặt trời đã lặn, cửa thành đã đóng. Các Tỳ-kheo ni hoặc nghỉ đêm dưới gốc cây, hoặc nghỉ đêm cạnh núi đất, hoặc trên bờ sông, bờ ao, hoặc trên bờ suối, hoặc nghỉ trên hào nước đào quanh thành.

Sáng hôm sau, khi cửa thành mở, các Tỳ-kheo ni vào thành. Nhưng người giữ thành nói với nhau:

– Các Tỳ-kheo ni là vợ của các Sa-môn nên ngủ đêm chung với nhau ở ngoài thành và sáng sớm thì vào trở lại.

Tỳ-kheo thực hành mười hai pháp nghe vậy liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo theo thứ lớp thuyết pháp cho Tỳ-kheo ni,k được thuyết giảng đến tối mới cho về. Ai thuyết giảng đến tối thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy nhóm sáu Tỳ-kheo đi chung đường với Tỳ-kheo ni. Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau:

– Các Sa-môn Thích tử này đi chung đường với các Tỳ-kheo ni, chắc các cô ấy là vợ của Sa-môn. Nếu chẳng phải vợ thì vì sao đi chung đường?

Nghe vậy, các Tỳ-kheo thực hành mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào đi chung đường với Tỳ-kheo ni từ một thôn đến một thôn thì pạm tội đọa. Trường hợp có thể đi chung là đi với lái buôn, hoặc phía trước có hổ, sói, giặc cướp… thì được đi chung.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy nhóm sáu Tỳ-kheo đi từ nước Câu-tát-la đến Xá-vệ. Khi đó muốn qua sông A-chỉ-la thì phải đi thuyền. Nhóm sáu Tỳ-kheo đi thuyền chung với các Tỳ-kheo ni, hoặc chèo ngược dòng, hoặc chèo xuôi dòng, cho đến khi mặt trời lặn mới chịu qua sông rồi mạnh ai nấy đi.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo ni bị giặc cướp, liền đem việc đó bạch đầy đủ với Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào đi cùng thuyền với Tỳ-kheo ni, hoặc đi ngược dòng, hoặc đi xuôi dòng, trừ khi đi ngang, thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy Ca-lưu-đà-di cho Tỳ-kheo ni Quật-đa tấm y. Các Tỳ-kheo ni hỏi:

– Do đâu mà được y này?

Ðáp:

– Ca-lưu-đà-di cho.

Các Tỳ-kheo ni đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào đem y cho Tỳ-kheo ni chẳng phải bà con thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy Ca-lưu-đà-di sai Tỳ-kheo ni Quật-đa may y. Các Tỳ-kheo ni hỏi:

– Cô may y cho ai?

Ðáp:

– May y cho Ca-lưu-đà-di.

Các Tỳ-kheo ni không biết làm sao, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào sai Tỳ-kheo ni chẳng phải bà con may y thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Câp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, Ca-lưu-đà-di cùng Tỳ-kheo ni Quật-đa ngồi ở chỗ kín. Thấy vậy, các Tỳ-kheo ni đến bạch Thế Tôn, Phật liền chế giới:

– Tỳ-kheo nào ngồi một mình với Tỳ-kheo ni tại chỗ kín thì phạm tội đọa.

Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy Ca-lưu-đà-di cùng Ưu-bà-di Phật-đa ngồi nơi đất trống. Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau:

– Vì sao Sa-môn Thích tử lại cùng ngời nữ ngồi nơi đất trống?

Nghe vậy, các Tỳ-kheo thực hành mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn liền chế giới:

– Tỳ-kheo nào ngồi một mình với người nữ tại nơi đất trống thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Có một Ưu-bà-di thỉnh Ma-ha Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-na-luật. Lúc ấy vợ trưởng giả soạn đủ loại đồ ăn uống, bày tọa cụ đẹp. Tỳ-kheo ni Thâu-la-nan-đà vốn đã quen biết với vợ trưởng giả, vào sáng sớm, cô ấy đắp y mang bát đến nhà trưởng giả đó. Thấy vợ trưởng giả soạn đủ loại đồ ăn uống và bày tọa cụ đẹp, cô ấy liền hỏi vợ trưởng giả:

– Ðịnh thỉnh ai mà làm đủ món đồ ăn uống ngon lành và trải tọa cụ vậy?

Vợ trưởng giả đáp:

– Thỉnh Ma-ha Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-na-luật.

Tỳ-kheo ni nói:

– Bỏ voi lớn mà đi thỉnh la lừa.

Vợ trưởng giả hỏi:

– Ai là voi lớn?

Tỳ-kheo ni đáp:

– Tôn giả Ðiều-đạt, Khiên-đà-đạt, Bà-ca-lưu-la, Ðề-thi-tam-văn, Ðà-hệ-đầu. Ðó là các bậc thượng nhân.

Ca-diếp là vị vào nhà trước tiên.

Thấy trưởng giả vào, Tỳ-kheo ni nói với vợ trưởng giả:

– Lành thay, này Ưu-đà-di! Bậc được gọi là voi lớn đã đến.

Các trưởng giả đều nghe lời này, liền nói rằng:

– Này Tỳ-kheo ni xấu xa! Lúc nãy nói vị ấy là la, lừa, sao giờ lại nói là voi lớn? Hãy đuổi Tỳ-kheo ni xấu xa ấy đi đi, đừng cho vào nhà trở lại nữa.

Thấy tôn giả đã ngồi yên, trưởng giả liền tự đi dâng nước, bày các loại đồ ăn uống. Ăn uống xong, trưởng giả lại đi dâng nước, rồi ngồi ở một phía để nghe lời chúc phúc. Sau khi nói lời chúc phúc xong, Ma-ha Ca-diếp liền đứng dậy, đến chỗ Như Lai đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía, đem việc ấy bạch đầy đủ với Thế Tôn.

Nhân việ ấy, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới hco Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào biết Tỳ-kheo ni khen một Tỳ-kheo này, chê một Tỳ-kheo khác mà đến đó dùng cơm thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành Vương-xá.

Lúc ấy, nhân dân đói kém, khất thực khó được. Các trưởng giả hoặc thỉnh một Tỳ-kheo, hoặc thỉnh hai Tỳ-kheo. Những người không được thỉnh cũng đi theo bốn hoặc năm người. Thấy vậy các trưởng giả nói với nhau:

– Sa-môn Thích tử không biết đủ, không biết xấu hổ, thỉnh một người mà năm ba người kéo đến.

Nghe vậy, Tỳ-kheo hành lười hai pháp đến bạch với Thế Tôn, Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào không thỉnh mà tự đến thì phạm tội đọa, trừ khi có việc cần, bệnh, hoặc làm việc cho Tăng, hoặc may y thì được phép tự đến thọ thực.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Ở biên giới Câu-tát-la có một trưởng giả xây dựng nhà dành cho Tăng bốn phương. Nếu có Tỳ-kheo đến thì được ở và thọ thực một ngày.

Tôn giả Xá-lợi-phất mắc bệnh phải đi từ nước Câu-tát-la đến nước Xá-vệ, ngang qua nhà Tăng này, nghỉ và ăn ở đó ba đêm. Sau đó, Xá-lợi-phất lên đường đến vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc ở nước Xá-vệ, liền hoài nghi không biết mình có ăn quá phần thức ăn dành cho Tăng bốn phương hay không, nên liền đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào không bệnh thì được phép ở và thọ thực một đêm. Nếu thọ thực nhiều hơn thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Có nhiều Tỳ-kheo đi từ Câu-tát-la đến nước Xá-vệ, giữa đường có trưởng giả cúng dường cơm và nhiều bơ, cao, sữa. Nhóm sáu Tỳ-kheo nhận đầy hai, ba bát. Các Tỳ-kheo đi sau không được nhận. Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau:

– Sa-môn Thích tử này nhận chồng chất hai, ba bát; còn các Tỳ-kheo đi sau thì không được nhận.

Các Tỳ-kheo liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào được thỉnh vào nhà, trưởng giả dọn thức ăn ngon chứa đầy bơ, cao, sữa thì không được nhận hai ba bát. nếu phạm thì mắc tội đọa. Nếu nhận hai ba bát thì khi ra khỏi nhà ấy phải phân chia cho các Tỳ-kheo không được nhận.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy nước Xá-vệ có một trưởng giả bị tiêu gia bại sản, chỉ còn cóm ột cậu con trai nhỏ tuổi nối dõi. Cậu con trai này nghe nói cúng dường Phật và chúng Tăng thì được sanh lên tầng trời thứ nhì ở cõi trời Tam thập tam nên liền suy nghĩ: “Ta phải dùng hết sức lực kiếm tiền của để cúng dường Phật và chúng Tăng”.

Cậu ấy liền đến nhà bên cạnh nói với trưởng giả rằng:

– Tôi muốn làm thuê, có được không?

Trưởng giả đáp:

– Cậu cần vật gì?

Cậu thiếu niên nói:

– Cho tôi năm trăm lượng vàng, tôi sẽ đem hết sức ra phục vụ ngài.

Trưởng giả suy nghĩ: “Lúc này đói kém, khất thực khó được. Xin một bữa cơm còn không được, huống là bấy nhiêu lượng vàng”.

Trưởng giả hỏi:

– Cậu có thể làm được những việc gì?

Cậu thiếu niên đáp:

– Có thể ngồi bán vàng, bạc, đồng, thiếc, tơ lụa vải vóc… Tôi không nhận tiền công liền bây giờ. Ðợi làm đủ mười tháng rồi sẽ nhận.

Trưởng giả suy nghĩ: “Có người đòi tiền công trước, sau đó mới làm mướn. Cậu bé này lại làm mướn trước rồi mới lấy tiền công sau”.

Trưởng giả liền cho cậu ấy trông coi việc bán vàng bạc.

Cậu ấy vốn có phước đức. Người thường bán hàng được lời gấp đôi, còn cậu ấy bán thì lời gấp tám, gấp mười. Trưởng giả suy nghĩ: “Có được cậu bé này đó là sự may mắn của ta. Người thường ngồi bán chỉ lời gấp đôi, cậu bé này ngồi bán thì lới gấp tám, gấp mười”.

Kế đó, trưởng giả cho cậu ấy trông coi tiệm bán đồng, thiếc, vải vóc tơ lụa… thì đều được lợi như vậy. Trưởng giả lại cho cậu ấy trông coi ruộng vườn. Người thường gieo trồng, cày cấy chỉ được lời gấp đôi, cậu ấy thì lời gấp tám, gấp mười.

Kỳ hạn mười tháng chấm dứt, cậu ấy liền gặp trưởng giả xin tiền công. Trưởng giả không muốn đưa vì sợ nếu đưa thì cậu ấy sẽ ra đi. Cậu ấy lại đòi thêm hai, ba lần nữa:

– Xin hãy trả tiền công cho tôi.

Trưởng giả hỏi:

– Cậu dùng số vàng này làm những việc gì?

Cậu thiếu niên đáp:

– Tôi nghe nói dâng cơm cho Phật và Tăng thì được sanh lên cõi trời thứ Ba mươi ba. Vì vậy tôi làm mướn để kiếm tiền dâng cơm cho Phật và Tăng. Xin ông hãy giao cho tôi.

Trưởng giả suy nghĩ: “Thật lạ! Cậu bé này đã làm việc rất siêng năng là vì Phật và chúng Tăng”.

Trưởng giả hỏi:

– Cậu định cúng dường cơm cho Phật hay sao?

Ðáp:

– Dâng cơm cho Phật.

Trưởng giả nói:

– Ở đây đã có sẵn củi, cỏ, nồi, bếp, chén, bát và nhân lực. Hãy cúng Phật và Tăng ở đây để cả hai người đều được phước.

Cậu thiếu niên đáp:

– Như vậy cũng được.

Trưởng giả nói:

– Ông hãy tự đến thỉnh Phật và chúng Tăng.

Cậu ấy liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía. Thế Tôn liền thuyết pháp cho cậu ấy. Thuyết pháp xong, Thế Tôn im lặng. Cậu thiếu niên liền đứng dậy sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Thế Tôn rằng:

– Con muốn cúng dường, xin Phật và chúng Tăng hạ cố đến thọ nhận.

Thế Tôn im lặng nhận lời.

Thấy Như Lai im lặng chấp nhận, cậu thiếu niên liền đứng dậy đảnh lễ sát đất rồi ra về.

Ngay đêm ấy, cậu thiếu niên chuẩn bị các loại thức ăn, trải các tọa cụ đẹp, rồi đến bạch Thế Tôn:

– Ðồ ăn uống đã được chuẩn bị xong, đã đến giờ, xin thỉnh Thế Tôn đi thọ thực.

Thế Tôn cho chúng Tăng đi thọ thực, còn Thế Tôn ở lại tịnh xá đợi thị giả mang cơm về.

Chúng Tăng đến nhà trưởng giả và ngồi theo thứ lớp. Khi chúng Tăng đã ngồi yên, cậu ấy liền đich thân đi rót nước, dọn các loại đồ ăn. Hôm đó là ngày mồng tám. Vào ngày này, ở nơi đó có tục lệ cúng thức ăn cho những người đã quá cố, phàn còn lại họ đem cúng cho chúng Tăng. Các Tỳ-kheo ăn thức ăn ấy đã no nên khi đến nhà cậu ấy họ chỉ ăn qua loa rồi đồng thanh bảo người dọn thức ăn hãy dọn xuống.

Thấy đồ ăn uống còn nguyên vẹn, cậu thiếu niên suy nghĩ: “Tỳ-kheo Tăng không ăn, chắc ta không được sanh lên cõi trời Tam thập tam”. Cậu ấy liền khóc than và chạy đến chỗ Như Lai, bạch Thế Tôn rằng:

– Chúng Tăng chỉ ăn qua loa, con không được sanh lên cõi trời Ba mươi ba.

Thế Tôn bảo:

– Chỉ cần ông cúng chút ít thức ăn thì chắc chắn sẽ được sanh lên cõi trời Ba mươi ba, không còn nghi ngờ.

Cậu thiếu niên suy nghĩ: “Như Lai dùng lưỡi dài rộng để nói thì chắc chắn ta được sanh lên trời Tam thập tam”. Cậu ấy hết sức vui mừng, không thể tự kềm chế, liền đảnh lễ sát đất, nhiễu Phật ba vòng rồi đi đến chỗ chúng Tăng.

Khi chúng Tăng ăn xong, cậu ấy lại đi rót nước rồi quỳ phía trước nhận lời chú nguyện. Vị Thượng tọa chú nguyện xong, liền cùng chúng Tăng ra về.

Ngay hôm ấy có năm trăm lái buôn vào biển trở về. Người cầm đầu vào thành tìm thức ăn. Ông ta hỏi người đi đường:

– Nhà nào có bán thức ăn?

Người đi đường đáp:

– Nhà trưởng giả ấy hôm nay cúng dường cơm cho Phật và chúng Tăng, chắc là có đồ ăn uống.

Người cầm đầu liền đến nhà ấy, bảo người giữ cửa rằng:

– Nhờ anh vào thưa với trưởng giả, bên ngoài có người cầm đầu những người vào biển muốn gặp.

Người giữ cửa liền vào thưa trưởng giả. Trưởng giả liền ra đón, thăm hỏi nhau rồi dẫn vào trong nhà. Ngồi chơi được một lát, người lái buôn hỏi trưởng giả:

– Anh còn đồ ăn uống xin hãy bán cho tôi.

Lúc ấy, cậu thiếu niên đang ngồi ở một bên. Trưởng giả chỉ cậu ấy mà nói:

– Ðó chẳng phải là thức ăn của tôi mà là thức ăn của đàn-việt này.

Lái buôn lại hỏi cậu ấy:

– Có thức ăn xin hãy để lại cho tôi, tôi sẽ gởi tiền cho.

Ðáp:

– Thức ăn ấy tôi không bán, Nếu cần thì mời ngồi vào, tôi sẽ đãi chứ không lấy tiền.

Lái buôn liền gọi các lái buôn bạn vào ngồi. Cậu thiếu niên tự tay rót nước, dọn các loại thức ăn. Khi các lái buôn ăn xong, cậu ấy trở về chỗ ngồi. Cách chỗ cậu ấy không xa có chiếc bát bằng mã-não Câu-tát-la, người cầm đầu nhóm nói với các lái buôn:

– Thiếu niên ấy đã đãi cơm cho chúng ta ăn no nê, chúng ta phải cùng báo ân cậu ấy.

Các thương nhân đều cho là phải. Người cầm đầu bảo cậu ấy:

– Nhờ cậu đem chiếc bát kia lại đây.

Cậu ấy liền đem chiếc bát lại. Người cầm đầu liền mở khăn lấy viên ngọc trị giá trăm ngàn lượng vàng đặt vào bát. Các thương nhân khác đặt vào bát các viên ngọc trị giá chín mươi ngàn lượng vàng, hoặc tám mươi, bảy mươi, sáu mươi, năm mươi, bốn mươi, ba mươi, hai mươi, cho đến mười ngàn lượng vàng đầy tràn bát. Họ đem bát ấy biếu cho cậu thiếu niên. Cậu thiếu niên không nhận và nói rằng:

– Chút ít thức ăn tôi không bán mà chỉ đãi cho các vị.

Người cầm đầu nói:

– Số ngọc này có giá nhiều gấp trăm ngàn vạn lần giá của thức ăn ấy, chúng tôi muốn tặng cho cậu. Xin đừng từ chối.

Cậu ấy liền suy nghĩ: “Nếu ta nhận số ngọc này thì sợ rằng sẽ không được sanh lên cõi trời Ba mươi ba”. Cậu ấy nói:

– Ðợi ở đây một lát để tôi đến hỏi Thế Tôn”.

Cậu ấy liền trở lại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía, đem việc ấy bạch đầy đủ với Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Ông cứ việc nhận đi. Ðó chỉ là hoa báo. Thật báo sẽ đến sau.

Cậu ấy hết sức vui mừng, không thể kềm chế được, liền đảnh lễ sát đất rồi ra đi. Một lát sau, Phật kiết giới cho Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào đã nhận thọ thực rồi lại đi thọ thực chỗ khác nữa thì phạm tội đọa.

Lúc ấy trưởng giả đến gặp người vợ, nói rằng:

Nhà cửa, dòng họ của cậu thiếu niên này không thua gì dòng họ ta, giá của một viên ngọc cũng bằng giá ruộng vườn của ta. Ta hãy gả con gái cho cậu ấy.

Người vợ nói:

– Tốt quá.

Họ liền gả con gái cho cậu thiếu niên. Ðột nhiên vợ chồng trưởng giả đều qua đời. Nghe tin trưởng giả ấy chết, vua Ba-tư-nặc hỏi cận thần:

– Ông ấy còn anh em, con cái gì không?

Ðáp:

– Không, chỉ còn một cô con gái và người chồng của cô ấy.

Vua ra lệnh mời họ đến. Họ liền được mời đến. Thấy dung mạo cậu ấy, vua rất vui và kính mến, liền phong cho một ngàn nhà và trông coi khắp thành. Khi mặt trời mọc, cậu ấy lên nhận chức vị nên có tên là Tướng quốc Mặt trời mọc.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc thành Xá-vệ. Các Tỳ-kheo đi từ thành Xá-vệ đến biên giới Câu-tát-la. Ðệ tử của Bạt-nan-đà – kết bạn đi chung với các Tỳ-kheo đến Câu-tát-la – đến từ giã Bạt-nan-đà:

– Hôm nay các Tỳ-kheo lên đường, con muốn đi chung.

Bạt-nan-đà nhớ lại nỗi bực mình lúc trước nên nói:

– Ông hãy nán lại một lát để thọ thực.

Dệ tử nói:

– Con đã ăn rồi.

Bạt-nan-đà nói:

– Ta biết ông đã ăn rồi nhưng ta muốn ông ăn nữa rồi đi.

Hai người nói chuyện không dứt. Các Tỳ-kheo đã đi hết. Ðệ tử của Bạt-nan-đà đi sau, không đuổi kịp bạn nên bị giặc cướp cướp sạch, liền đến bạch đầy đủ với Thế Tôn. Thế Tôn liền chế giới:

– Tỳ-kheo nào biết Tỳ-kheo khác đã ăn no mà cưỡng ép, khuyến khích ăn nữa thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, trưởng giả Thất-lê-quật thờ ngoại đạo và thường nghi ngờ không biết Thế Tôn là Phật hay chẳng phải Phật, là Pháp hay phi pháp, là chúng Tăng hay chẳng phải chúng Tăng. Ông ta nghĩ: “Ta phải bày đồ ăn và đến thỉnh Phật để thử xem”.

Ông ta liền đến chỗ Thế Tôn, vòng tay thăm hỏi rồi ngồi ở một phía. Thế Tôn nói cho ông ta nghe pháp vi diệu. Thuyết pháp xong,, Phật ngồi im lặng. Trưởng giả Thất-lê-quật bạch Phật rằng:

– Con muốn thỉnh Sa-môn Cù-đàm và chúng Tăng.

Phật im lặng chấp nhận.

Thất-lê-quật rời khỏi chỗ ngồi, vòng tay mà lui ra.

Về nhà, ở trong sân trước, ông cho đào hố đựng đầy lửa than, không có khói và ánh lửa, dùng một lớp cát mỏng che lên trên và suy nghĩ như vầy: “Sa-môn Cù-đàm có Nhất thiết trí, biết tất cả các việc chưa xảy ra, sẽ tự biết việc này. Nếu không có Nhất thiết trí thì ông ấy sẽ rơi vào lửa cùng với chúng Sa-môn”.

Ở nhà trên, ông ta bày giường dây không có dây buộc và trải tọa cụ ở bên trên để ngụy trang. Ông ta suy nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm có Nhất thiết trí sẽ tự biết. Nếu không có trí Nhất thiết trí thì sẽ cùng chúng Tăng rớt từ trên giường xuống đất và bị mọi người chê cười”.

Ông ta lại bày thứ ăn có thuốc độc và nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm có Nhất thiết trí thì sẽ tự biết. Nếu không có Nhất thiết trí sẽ ăn cơm này mà chết cùng với các Sa-môn”.

Ông ta liền đến bạch Phật:

– Thức ăn đã được dọn xong, đã đến giờ, xin thỉnh Phật và chúng Tăng thọ trai.

Thế Tôn đắp y mang bát cùng các Tỳ-kheo đến nhà Thất-lê-quật. Thế Tôn quay lại bảo A-nan:

– Ông đến bảo các Tỳ-kheo không được vào nhà Thất-lê-quật trước Như Lai.

A-Nan liền đi nói với các Tỳ-kheo:

– Không được vào nhà Thất-lê-quật trước Như Lai.

Khi chân Như Lai đạp lên hố lửa, hố lửa tự nhiên biến thành ao tắm, bên trong sanh các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, chim le le, chim nhạn, uyên ương đua nhau hót líu lo.

Lúc ấy, Thế Tôn bước chân lên hoa sen vào nhà Thất-lê-quật. Hoa có màu lưu ly hoặc màu ngọc bích, Như Lai có màu vàng ròng, các màu đó hòa vào nhau thật đẹp. Giường dây giả tự nhiên biến thành giường châu báu.

Thấy hai việc biến hóa ấy, tâm ý trưởng giả liền được khai mở, ông ta chấp tay bạch Thế Tôn rằng:

– Thức ăn này có chất độc, xin chờ một lát, con sẽ dọn thức ăn ngon.

Thế Tôn bảo:

– Cứ dọn thức ăn này, không có gì đáng lo cả.

Thất-lê-quật tự đi rót nước, dọn các loại thức ăn.

Phật bảo A-Nan:

– Tất cả các Tỳ-kheo không được ăn ở đây, phải đến chỗ A-nậu-đạt.

Lúc ấy, Thế Tôn nói cho những người nam nữ của Thất-lê-quật nghe pháp bố thí, trì giới, tu thập thiện, sanh thiên; tham dâm thì đọa đường ác, xuất gia thì đắc đạo. Thế Tôn lại nói pháp khổ, tập, diệt,đạo. Thất-lê-quật liền chứng sơ quả, như tấm vải trắng dễ nhuộm màu. Thất-lê-quật đứng dậy, đảnh lễ sát đất và nói:

– Từ nay trở đi, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm người Ưu-bà-tắc, suốt đời không sát sanh.

Thế Tôn và năm trăm A-la-hán đựng cơm đầy bát rồi nhập tam muội, từ cửa ngõ nhà Thất-lê-quật bay hết lên hư không, đến cung A-nậu-đạt. Biết Như Lai đến, A-nậu-đạt liền hóa ra năm trăm hoa sen lớn như bánh xe. Lại hóa ra một bông hoa hết sức vi diệu cho Như Lai ngồi. Năm trăm vị A-la-hán đều ngồi theo thứ lớp.

Như Lai cùng chúng Tăng gồm năm trăm A-la-hán thọ thực xong, liền giảng rộng kinh A-nậu-đạt. Sau đó, Như Lai cùng chúng Tăng nhập thiền, từ cung A-nậu-đạt trở về Kỳ-hoàn.

Nghe tin Phật và năm trăm A-la-hán nhận lời thỉnh của Thất-lê-quật, đến A-nậu-đạt thọ thực, giảng rộng kinh A-nậu-đạt, nay đã trở lại Xá-vệ, Tỳ-xá-khư – mẹ của Vô-di-la – suy nghĩ: “Ta phải thỉnh Phật và năm trăm A-la-hán”.

Bà ấy liền đến chỗ Như Lai đảnh lễ sát đất và đứng qua một phía. Thế Tôn liền thuyết pháp cho Tỳ-xá-khư nghe. Khi Phật thuyết pháp xong, Tỳ-xá-khư liền quỳ xuống thỉnh Phật và năm trăm A-la-hán. Thế Tôn im lặng nhận lời. Tỳ-xá-khư đảnh lễ sát đất rồi ra đi.

Ngay đêm ấy, bà ấy chuẩn bị đầy đủ thức ăn ngon, bày tọa cụ đẹp, mở rộng cửa, rồi bà ấy đến chỗ Phật, tay bưng lư hương, chấp tay bái và bạch rằng:

– Ðồ ăn uống đã được chuẩn bị xong, xin thỉnh Phật và Tăng.

Các Tỳ-kheo đến đó, hoặc từ dưới đất vọt lên, hoặc xuyên qua vách mà vào, hoặc từ trên không xuống. Chỉ có Như Lai ở lại tịnh xá.

Tỳ-xá-khư xới thức ăn để riêng cho Phật. Thấy các Tỳ-kheo đã ngồi yên, Tỳ-xá-khư tự tay dâng nước, dọn các loại thức ăn. Khi chúng Tăng ăn xong, bà ấy đi dâng nước rồi quỳ phía trước để nhận lời chú nguyện. Chú nguyện xong, Thượng tọa ra về. A-Nan đến nhận phần thức ăn của Phật.

Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-Nan:

– Có bao nhiêu Tù-kheo đến nhà Tỳ-xá-khư thọ thực?

A-Nan bạch Phật:

– Năm trăm A-la-hán trước đây đã đến thọ thực ở cung A-nậu-đạt đều đến thọ thực ở nhà Tỳ-xá-khư.

Thế Tôn bảo:

– Này A-Nan, có Tỳ-kheo nào được chúng Tỳ-kheo sai đi không?

– Không, thưa Thế Tôn.

Thế Tôn bảo:

– Thật đáng tiếc cho Tỳ-xá-khư đã không thu được trọn vẹn phước. Vì sao lại không dâng thức ăn cho Tỳ-kheo như thế? A-Nan! Nếu Tỳ-xá-khư cúng thức ăn cho Tỳ-kheo như vậy sẽ được phước lớn, được quả báo lớn.

Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào không thông báo trong chúng mà tự đi thọ trai thì phạm tội đọa. Trường hợp được phép là: hoặc đi trên đường, hoặc đi thuyền, hoặc lễ hội lớn, hoặc hội chung của Sa-môn.

Lúc ấy người dân trong nước ai cũng đều nghe Phật nói cúng dường cơm cho một Tỳ-kheo như vậy thì được phước nhiều hơn cúng dường cơm cho năm trăm vị A-la-hán; trưởng giả, bà-la-môn đều tin Phật và kính trọng chúng Tăng.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 01 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 05 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 17 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 15 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 04 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 18 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 30 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 09 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 32 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 37 - Luật Tạng