Vô Úy Tam Tạng Thiền Yếu

Khuyết danh,

Bản Việt dịch của Huyền Thanh

*

Trong chùa Na Lan Đà Trúc Lâm tại thành Vương Xá ở nước Ma Già Đà thuộc miền Trung Thiên Trúc có vị Tam Tạng Sa Môn tên húy là Thâu Bà Ca La (‘Subha-kara), đời Đường nói là Thiện Vô Úy . Ngài là con nhà Quý Tộc thuộc dòng Sát Lợi cùng với Đại Đức Thiền Sư ở chùa Hội Thiện tại Tung Nhạc là Hòa Thượng Kính Hiền đối luận Phật Pháp, lược xếp chỉ yếu của Đại Thừa, mở ngay đất tâm của chúng sinh khiến cho mau ngộ Đạo với thọ nhận Bồ Tát Giới, Nghi Quỹ Yết Ma.

Thứ tự được ghi chép như bên dưới

Phàm người muốn vào Pháp Đại Thừa. Trước tiên nên phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề, thọ nhận Đại Bồ Tát Giới, thân khí trong sạch, sau đó thọ nhận Pháp.

Lược làm mười một Môn phân biệt. Thứ nhất là Phát Tâm Môn, thứ hai là Cúng Dường Môn, thứ ba là Sám Hối Môn, thứ tư là Quy Y Môn, thứ năm là Phát Bồ Đề Tâm Môn, thứ sáu là Vấn Già Nạn Môn, thứ bảy là Thỉnh Sư Môn, thứ tám là Yết Ma Môn, thứ chín là Kết Giới Môn, thứ mười là Tu Tứ Nhiếp Môn, thứ mười một là Thập Trọng Giới Môn.

1_ Phát Tâm Môn:

Đệ Tử chúng con là….. xin quy mệnh với mười phương tất cả chư Phật, các Đại Bồ Tát, Đại Bồ Đề Tâm … là bậc Đại Đạo Sư hay khiến cho chúng con lìa các nẻo ác, hay mở bày nẻo Người, Trời, Đại Niết Bàn.

Chính vì thế cho nên nay con xin chí tâm đỉnh lễ.

2_ Cúng Dường Môn:

(Tiếp, ứng với Giáo Lệnh vận tâm, tưởng khắp mười phương chư Phật với vô biên Thế Giới, vi trần Sát Hải, hằng sa chư Phật Bồ Tát. Tưởng thân của mình ở trước mặt mỗi một Đức Phật rồi đỉnh lễ, khen ngợi, cúng dường)

Đệ Tử chúng con là…xin đem hết thảy tất cả mọi loại Thắng Sự, hương, hoa, phan, lọng tối thắng thượng diệu của mười phương Thế Giới, cúng dường chư Phật với các Bồ Tát, Đại Bồ Đề Tâm. Nay con phát tâm tận đến bờ mé vị lai đều luôn chí thành cúng dường.

Con xin chí tâm đỉnh lễ

 

3_ Sám Hối Môn:

Đệ Tử là….. từ quá khứ vô thủy cho đến ngày nay. Do tất cả phiền não của nhóm Tham Sân Si với các Tùy Phiền Não của nhóm phẫn hận… gây não loạn thân tâm, rộng tạo tất cả các tội. Thân Nghiệp chẳng lành: giết hại, trộm cắp, tà dâm. Khẩu Nghiệp chẳng lành: nói dối, nói thêu dệt, nói ác, nói hai lưỡi (nói chia rẽ). Ý Nghiệp chẳng lành: Tham, Sân, Tà Khiến.Tất cả phiền não từ vô thủy nối tiếp nhau ràng nhiễm thân tâm khiến cho thân khẩu ý tạo tội vô lượng. Hoặc giết hại cha mẹ, hoặc giết A La Hán, hoặc làm cho thân Phật đổ máu, phá Hòa Hợp Tăng, hủy báng Tam Bảo, đánh đập cột trói chúng sinh, phá Trai phá Giới, uống rượu ăn thịt…

Tội của nhóm như vậy nhiều vô lượng vô biên chẳng thể nhớ biết. Ngày nay xin thành tâm tỏ bày sám hối. Một lần Sám xong, chặt đứt hẳn sự nối tiếp chẳng dám làm nữa. Nguyện xin mười phương tất cả chư Phật, các Đại Bồ Tát gia trì hộ niệm hay khiến cho tội chướng của chúng con được tiêu diệt.

Con xin chí Tâm đỉnh lễ.

4_ Quy Y Môn:

Đệ Tử là…. bắt đầu từ thân này cho đến khi ngồi ở Bồ Đề Đạo Trường. Xin: Quy y ba thân vô thượng của Như Lai. Quy y Pháp Tạng của Phương Quảng Đại Thừa. Quy y tất cả Tăng Bồ Tát chẳng thối. Nguyện xin mười phương tất cả chư Phật, các Đại Bồ Tát chứng biết cho chúng con

Con xin chí Tâm đỉnh lễ

5_ Phát Bồ Đề Tâm Môn:

Đệ Tử là… bắt đầu từ thân này cho đến khi ngồi ở Bồ Đề Đạo Trường, xin thệ nguyện phát tâm Vô Thượng Đại Bồ Đề

Chúng sinh vô biên, thề nguyện độ

Phước Trí vô biên, thề nguyện tập

Pháp Môn vô biên, thề nguyện học

Như Lai vô biên, thề phụng sự

Phật Đạo vô thượng, thề nguyện thành

Nay đã phát tâm, lại nên xa lìa hai tướng Ngã, Pháp hiển rõ Bản Giác Chân Như, Bình Đẳng Chính Trí hiện tiền, được Trí khéo léo, viên mãn đầy đủ Tâm của Phổ Hiền. Nguyện xin mười phương tất cả chư Phật, các Đại Bồ Tát chứng biết cho chúng con

Con xin chí tâm sám hối

6_ Vấn Già Nạn Môn:

Trước tiên hỏi. [Nếu có người phạm tội bảy Nghịch thì vị Thầy chẳng nên cho thọ Giới, cần dạy sám hối. Tu bảy ngày, 14 ngày cho đến 49 ngày, lại đến một năm khẩn khoản chu đáo sám hối đợi hiện tướng tốt. Nếu chẳng thấy tướng tốt thì có thọ Giới cũng chẳng được Giới].

Này các Phật Tử ! Các ngươi từ khi sinh ra đến nay, có giết cha không ?

(Người có phạm nhẹ cũng nên thú tội chẳng được che dấu ắt bị quả báo lớn, cho đến người phạm vào tội ấy cũng thế. Người không có phạm đáp rằng: “Dạ! Không có”)

Các ngươi có giết mẹ không ? Có làm cho thân Phật đổ máu không ? Có giết A La Hán không ? Có giết Hòa Thượng không ? Có giết A Xà Lê không? Có phá hòa hợp Tăng không?

Nếu các ngươi phạm bảy tội Nghịch như trên thì cần phải đối trước Chúng tỏ bày sám hối, chẳng được che dấu, ắt bị đọa vào Vô Gián chịu vô lượng khổ. Nếu người y theo lời Phật dạy, tỏ bày sám hối ắt tội nặng được tiêu diệt, được thân thanh tịnh, vào Trí Tuệ của Phật , mau chứng Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề.

Nếu người chẳng phạm thì tự đáp rằng:”Dạ ! Không có”

Này các hàng Phật Tử ! Từ ngày nay cho đến khi ngồi ở Bồ Đề Đạo Trường, ngươi có thể siêng năng thọ trì Đại Luật Nghi Giới tối thắng tối thượng của tất cả chư Phật chư Đại Bồ Tát không ? Đây có tên gọi là ba Tụ Tịnh Giới gồm có:Nhiếp Luật Nghi Giới, Nhiếp Thiện Pháp Giới, Nhiêu Ích Hữu Tình Giới.

Các ngươi từ thân này cho đến khi thành Phật, ở khoảng giữa ấy, thề chẳng phạm. Ngươi có thể giữ được không? (Đáp: Dạ! Có thể được)

Ở khoảng giữa ấy, chẳng buông lìa ba Tụ Tịnh Giới, bốn Hoằng Thệ Nguyện. Ngươi có thể giữ được không? (Đáp: Dạ! Có thể được)

Đã phát Tâm Bồ Đề, thọ nhận Bồ Tát Giới. Nguyện xin mười phương tất cả chư Phật, các Đại Bồ Tát chứng minh cho chúng con, gia trì cho chúng con, khiến cho con vĩnh viễn chẳng bị thối chuyển.

Con xin chí tâm đỉnh lễ.

7_ Thỉnh Sư Môn:

Đệ Tử, chúng con là…. xin phụng thỉnh mười phương tất cả chư Phật với các Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Chấp Kim Cương Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Kim Cương Tạng Bồ Tát, Trừ Cái Chướng Bồ Tát với tất cả chúng Đại Bồ Tát nhớ lại Bản Nguyện kia đi đến Đạo Trường chứng minh cho chúng con

Con xin chí tâm đỉnh lễ.

Đệ Tử là… xin phụng thỉnh Thích Ca Mâu Ni Phật làm Hòa Thượng, phụng thỉnh Văn Thù Sư Lợi làm Yết Ma A Xà Lê, phụng thỉnh mười phương chư Phật làm Chứng Giới Sư, phụng thỉnh tất cả Bồ Tát Ma Ha Tát làm bạn cùng học Pháp (Đồng Học Pháp Lữ). Nguyện xin chư Phật, các Đại Bồ Tát từ bi thương xót nhận lời thỉnh cầu của con.

Con xin chí tâm đỉnh lễ

8_ Yết Ma Môn:

Này các Phật Tử hãy lắng nghe ! Nay vì các ngươi , Yết Ma trao cho Giới. Đây chính là lúc được Giới. Hãy chí tâm lắng nghe văn Yết Ma

Mười phương tất cả chư Phật, các Đại Bồ Tát trong ba đời Từ Bi nhớ nghĩ. Này các Phật Tử ! Bắt đầu từ ngày hôm nay cho đến khi ngồi ở Bồ Đề Đạo Trường, thọ nhận học Tịnh Giới của tất cả chư Phật Bồ Tát trong ba đời quá khứ hiện tại vị lai. Ấy là: Nhiếp Luật Nghi Giới, Nhiếp Thiện Pháp Giới, Nhiêu Ích Hữu Tình Giới. Thọ trì đầy đủ ba Tịnh Giới này (như vậy đến ba lần).

Con xin chí tâm đỉnh lễ.

9_ Kết Giới Môn:

Các hàng Phật Tử ! Bắt đầu từ ngày hôm nay cho đến khi chứng Vô Thượng Bồ Đề nên thọ trì đầy đủ Tịnh Giới của chư Phật Bồ Tát. Nay thọ nhận Tịnh Giới xong. Việc đó, nên trì giữ như vậy (như vậy đến ba lần).

Con xin chí tâm đỉnh lễ

10_ Tu Tứ Nhiếp Môn:

Các hàng Phật Tử ! Như trên đã phát Tâm Bồ Đề, đủ Bồ Tát Giới xong, cần phải tu bốn Nhiếp Pháp với mười Giới nặng, chẳng nên thiếu sót với vi phạm. Bốn Nhiếp ấy là: Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành, Đồng Sự

Vì muốn điều phục tham lam keo kiệt từ vô thủy với làm lợi ích chúng sinh cho nên phải hành Bố Thí

Vì muốn điều phục: sự giận dữ, kiêu mạn, phiền não với làm lợi ích chúng sinh cho nên phải hành Ái Ngữ

Vì muốn nhiêu ích cho chúng sinh với mãn Bản Nguyện cho nên phải tu Lợi Hành

Vì muốn gần gũi Đại Thiện Tri Thức với khiến cho tâm lành không bị gián đoạn cho nên phải hành Đồng Sự

11_ Thập Trọng Giới Môn:

Các Phật Tử thọ trì Bồ Tát Giới, ấy là mười Giới nặng (trọng giới). Nay sẽ tuyên nói. Hãy chí tâm lắng nghe !

Một là: chẳng nên thối Tâm Bồ Đề, vì điều đó ngăn chận sự thành Phật

Hai là: chẳng nên buông xả Tam Bảo quy y Ngoại Đạo; vì đó là Tà Pháp

Ba là: chẳng nên hủy báng Tam Bảo với Giáo Điển của ba Thừa, vì điều đó trái ngược với Phật Tính

Bốn là: đối với Kinh Điển Đại Thừa thâm sâu, nơi mình chẳng hiểu thông được thì chẳng nên nghi hoặc, vì đó chẳng phải là cảnh của Phàm Phu 

Năm là: Nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ Đề thì chẳng nên nói Pháp như vậy khiến họ thối Tâm Bồ Đề quay hướng về Nhị Thừa, vì điều đó chặt đứt mầm giống của Tam Bảo

Sáu là: người chưa phát Tâm Bồ Đề cũng chẳng nên nói Pháp như vậy khiến họ phát nơi Tâm của Nhị Thừa, vì đó là Bản Nguyện

Bảy là: đối với người Tiểu Thừa với người Tà Kiến. Trước tiên chẳng nên vội nói Đại Thừa sâu xa màu nhiệm, vì sợ kẻ ấy sinh lòng chê bai mà bị tai nạn lớn

Tám là: chẳng nên phát khởi các Pháp của nhóm Tà Kiến, vì điều đó khiến cho chặt đứt căn lành

Chín là: đối với Ngoại Đạo. Trước tiên chẳng nên tự nói Ta có đủ Giới màu nhiệm của Vô Thượng Bồ Đề, khiến kẻ ấy dùng tâm sân hận cầu vật như vậy, chẳng thể làm được rồi khiến cho thối Tâm Bồ Đề. Vì làm điều đó thì cả hai đều bị tổn hại.

Mười là: đối với tất cả chúng sinh, có sự tổn hại với không có lợi ích thì đều chẳng nên làm với dạy người làm, thấy kẻ khác làm mà tùy vui. Vì điều đó đều trái ngược với Pháp lợi tha với Tâm Từ Bi

Phần bên trên là thọ nhận Bồ Tát Giới xong

Các ngươi nên như vậy trong sạch thọ trì đừng để bị phạm, thiếu

Đã thọ nhận ba Tụ Tịnh Giới xong. Tiến nên thọ nhận Mật Yếu của Quán Trí, Pháp Môn Thiền Định, Diệu Chỉ của Đại Thừa

Phàm muốn thọ nhận Pháp. Pháp này thâm ảo, hiếm có người tin, chẳng thể đối trước Chúng , cần phải cân nhắc căn cơ mà kín đáo truyền thụ. Nhân người tu, trước tiên vì họ nói mọi loại phương tiện, hội thông Thánh Giáo khiến cho sinh niềm tin bền chắc, quyết trừ bỏ lưới nghi. Như thế mới có thể bày cho hiểu rõ.

Tam Tạng Thâu Ba Ca La (‘Subha-kara) nói:” Căn cơ của chúng sinh chẳng đồng nên Bậc Đại Thánh bày ra Giáo cũng chẳng phải một. Vậy nên chẳng thể thiên chấp một Pháp để cùng nhau sinh điều “Đúng, Sai” (Thị Phi). Làm như thế còn chẳng được quả báo của Người, Trời huống chi là Đạo vô thượng. Hoặc chỉ hành riêng Bố Thí được thành Phật, hoặc chỉ có tu Giới cũng được làm Phật. Nhẫn, Tiến, Thiền, Tuệ cho đến tám vạn bốn ngàn trần sa Pháp Môn… mỗi một Môn nhập vào, ắt được thành Phật. Nay tạm y theo tất cả phương tiện của Kinh Kim Cương Đỉnh, làm điều này để tu hành cho đến thành Phật. Nếu nghe Thuyết này sẽ tự Tịnh Ý lặng yên an trụ”

Lúc đó Tam Tạng ở trong Chúng Hội chẳng rời khỏi chỗ ngồi, lặng yên chẳng động như nhập vào Thiền Định hồi lâu rồi mới từ Định đứng dậy, quán khắp bốn Chúng. Bốn Chúng chắp tay cúi đầu trân trọng lễ ba lần xong.

Sau một lúc lâu thời Tam Tạng nói rằng:”Trước kia tuy có thọ Tịnh Giới của Bồ Tát, nay lần nữa nên thọ nhận Nội Chứng của chư Phật là Pháp Giới Thanh Tịnh Vô Lậu thì mới có thể nhập vào cửa Thiền (Thiền Môn)

Vào Thiền Môn xong, cần yếu nên tụng Đà La Ni này. Đà La Ni (Dhàranì) là cứu cánh chí cực đồng với chư Phật, nương vào Pháp, ngộ nhập biển Nhất Thiết Trí. Đấy gọi là Chân Pháp Giới. Pháp này bí mật chẳng khiến cho nghe ngay. Nếu người muốn nghe, trước tiên thọ nhận một Đà La Ni là:

Án, tam muội gia, tát đát tông

OM _ SAMAYA STVAM

Đà La Ni này, khiến tụng ba biến liền hợp với nghe Giới với Bí Pháp khác, cũng hay đầy đủ tất cả Luật Nghi thanh tịnh của Bồ Tát. Các Công Đức to lớn, chẳng thể nói đủ.

Lại vì người phát tâm mà trao cho một Đà La Ni này:

Án, mạo địa tức đa mẫu đát-ba, dã mê

OM _ BODHICITTAM UTPADA YAMI

Đà La Ni này lại tụng ba biến, liền phát Tâm Bồ Đề cho đến thành Phật, bền chắc chẳng thối lui.

Lại vì người chứng nhập mà trao cho một Đà La Ni là:

Án, tức đa bát-la để phệ đàm, ca lỗ mê

OM _ CITTA PRATIDHAIDHAM KAROMI

(?OM _ CITTA PRATIVEDHAM KARA –UMI)

Đà La Ni này lại tụng ba biến, liền được tất cả Giới Tạng thâm sâu với đủ Nhát Thiết Chủng Trí, mau chứng Vô Thượng Bồ Đề, tất cả chư Phật đồng thanh cùng nói

Lại vì người nhập vào Hạnh Vị của Bồ Tát mà trao cho một Đà La Ni à:

Án, phộc nhật-la mãn tra lam, bát-la tị xả mê

OM _ DHAJRA (?VAJRA) MANDALAM PRAVE’SA MA (?ME)

Đà La Ni này, nếu tụng ba biến liền chứng tất cả địa vị của Quán Đỉnh Mạn Đà La. Đối với các bí mật, nghe không có chướng ngại, đã vào địa vị Quán Đỉnh của Bồ Tát, có thể thọ nhận Thiền Môn.

Phần bên trên là trao truyền Vô Lậu Chân Pháp Giới xong.

Lại trước tiên vì ủng hộ Hành Nhân mà trao cho một Đà La Ni là:

Án, thú đà thú đà

OM _ ‘SŪTHĀ ‘SUTHĀ

(? OM _ ‘SUDDHA ‘SUDDHA)

Trước tiên tụng mười vạn biến trừ tất cả chướng, ba Nghiệp trong sạch, Tội dơ bị tiêu diệt, Ma Tà chẳng quấy nhiễu. Như lụa trắng sạch dễ nhuộm màu sắc, Hành Nhân cũng thế , tội chướng diệt xong, mau chứng Tam Muội.

Lại vì Hành Giả trao cho một Đà La Ni là:

Án, tát bà vĩ đề, sa-phộc hạ

OM _ SARVA VIDE _ SVĀHĀ

Pháp Trì Tụng, hoặc trước sau có hai Đà La Ni, tùy ý tụng một, chẳng thể tụng kèm vì sợ hưng tâm chẳng chuyên

Phàm người muốn nhập vào Tam Muội. Lúc mới học thời dứt hết các cảnh, ngăn trừ việc duyên, một mình ở nơi an tĩnh, ngồi Bán Già xong, trước hết nên tác Thủ Ấn hộ trì . Dựng hợp Đàn Tuệ (2 ngón út), Giới (ngón vô danh phải)Nhẫn (ngón giữa phải) Phương (ngón vô danh trái) Nguyện (ngón giữa trái), bên phải đè bên trái, cùng cài chéo nhau đính trên hai lưng ngón, hợp dựng Tiến Lực (2 ngón trỏ) sao cho cong đầu ngón trụ nhau, mở trong tâm chút ít, kèm hợp dựng Thiền Trí (2 ngón cái) liền thành

Tác Ấn này xong, trước tiên ấn trên đỉnh đầu, tiếp ấn trên trán, liền hạ xuống ấn vai phải, tiếp ấn vai trái, sau đó ấn trái tim. Tiếp hạ xuống ấn đầu gối phải, tiếp ấn đầu gối trái. Ở mỗi một nơi ấn đều tụng Đà La Ni lúc trước bảy biến, cho đến bảy chỗ xong.

Sau đó ở trên đỉnh đầu bung Ấn xong, liền cầm tràng hạt, niệm tụng Đà La Ni này.Nếu có thể tụng nhiều từ hai trăm, ba trăm biến cho đến ba ngàn, năm ngàn cũng được. Mỗi lúc ngồi thời tụng mãn một Lạc Xoa (mười vạn biến) thì rất dễ thành tựu

Đã gia trì thân xong, như thế ngay thẳng thân Chính Trụ như lúc trước ngồi Bán Già, đem bên phải đè bên trái, chẳng nên kết Tồn Già vì Tồn Già liền bị đau nhức nhiều. Nếu tâm duyên theo cảnh đau nhức tức khó được Định.

Nếu trước kia đã ngồi Tồn Già được rồi thì rất vi diệu. Như thế có thể thẳng đầu ngăn che vọng, mắt chẳng được mở quá, lại chẳng nên nhắm kín, mở lớn tức tâm tán, nhắm kín liền hôn trầm. Đừng duyên theo cảnh bên ngồi, ngồi yên liền xong, như thế có thể vận tâm cúng dường sám hối

Trước tiên nêu tâm quán sát mười phương tất cả chư Phật ở trong hội của Người Trời, vì bốn Chúng nói Pháp. Sau đó tự quán thân của mình ở trước mặt mỗi một chư Phật, dùng ba nghiệp chân thành cung kính, lễ bái, khen ngợi

Lúc Hành Giả tác Quán này thời, khiến cho mỗi mỗi phân minh rõ ràng như đối trước mắt khiến nhìn thất thật rõ. Sau đó vân tâm ở mười phương Thế Giới, hết thảy tất cả hương hoa thượng diệu, phan, phướng, thức ăn uống, trân bảo, mọi loại vật cúng trên cõi Trời với nhân gian đều đầy tràn tận hư không khắp Pháp Giới, cúng dường tất cả chư Phật, các Đại Bồ Tát, ba thân Pháp, Báo, Hóa; Giáo, Lý, Hạnh, Quả với Đại Chúng Hội

Hành Giả tác cúng dường này xong, sau đó vận tâm ở trước mặt mỗi một chư Phật, Bồ Tát khởi tâm ân trọng chí thành bày tỏ sám hối.

“Chúng con từ vô thủy cho đến ngày hôm nay, do phiền não che tâm nên khó thể nói đủ nghiệp của thân khẩu ý lưu chuyển theo dòng sinh tử lâu dài, Nay con chỉ biết rộng hối hận ăn năn (quảng sám). Một lần hối hận ăn năn xong, sau đó chặt đứt hẳn sự nối tiếp, chẳng dám khởi làm nữa, Nguyện xin chư Phật Bồ Tát dùng sức Đại Từ Bi gia uy hộ niệm , nhiếp thọ sự ăn năn hối hận của con, khiến cho tội chướng của con mau được tiêu diệt”

(Đây gọi là Nội Tâm Bí Mật Sám Hối , rất vi diệu)

Tiếp nên phát Hoằng Thệ Nguyện :”Từ lâu con đã ở tại dòng lưu chuyển trong các cõi. Hoặc ở quá khứ đã từng hành Bồ Tát Hạnh lợi lạc cho vô biên hữu tình. Hoặc tu Thiền Định, siêng hành tinh tiến hộ trì ba nghiệp. Hết thảy hằng sa Công Đức cho đến Phật Quả. Nguyện xin chư Phật Bồ Tát hưng sức Từ Nguyện gia uy hộ niệm khiến con nương theo Công Đức này mau chóng tương ứng với tất cả Môn Tam Muội, mau chóng tương ứng với tất cả Môn Đà La Ni, mau chóng được tất cả Tự Tính thanh tịnh.”

Như vậy rộng phát Thệ Nguyện khiến cho chẳng bị thối lui, mau được thành tựu

Tiếp nên học cách điều hòa hơi thở. Người điều khí (điều hòa hơi thở), trước tiên tưởng hơi thở ra vào theo mỗi một chi tiết gân mạch trong thân của mình cũng đều chảy rót thông suốt, sau đó theo miệng từ từ xuất ra. Lại tưởng hơi thở này có màu trắng như tuyết, thấm ướt như sữa, luôn luôn phải biết nơi xa gần mà hơi thở đã đến, rồi lại từ từ theo lỗ mũi vào, khiến tràn khắp trong thân cho đến gân mạch thảy khiến cho vòng khắp. Như vậy ra vào đều khiến đến ba lần.

Làm cách điều khí này khiến cho thân không bị bệnh về gió, lạnh , nóng… thảy đều an ổn vừa ý. Sau đó học Định

Tam Tạng Thâu Ba Ca La nói:”Ngươi ! Người mới học phần lớn sợ khởi tâm, động niệm , ngưng thở tiến cầu mà chuyên giữ Vô Niệm dùng làm cứu cánh, tức tìm kiếm tăng trưởng, chẳng thể đắc được vậy

Phàm Niệm có hai loại. Một là niệm Bất Thiện, hai là niệm Thiện.

Bất Thiện là Vọng Niệm nên cần phải trừ bỏ

Thiện Pháp là Chính Niệm , chẳng khiến cho bị diệt

Người tu hành chân chính, cần yếu nên Chính Niệm tăng tu, sau mới đến nơi Cứu Cánh Thanh Tịnh. Như người học bắn cung, tập lâu ngày cho thuần thục, lại thêm không có tâm tưởng, đi đứng luôn đều cùng với Định, chẳng sợ hãi khởi tâm, lo bị mất thiếu nơi Tiến Học

Tiếp nên tu Tam Ma Địa (Samàdhi). Đã nói Tam Ma Địa là không có pháp riêng biệt, chỉ thẳng Tự Tính Thanh Tịnh Tâm của tất cả chúng sinh nên có tên gọi là Đại Viên Kính Trí . Bên trên từ chư Phật, bên dưới đến lồi xuẩn động thảy đều ngang bằng , không có tăng giảm, chỉ vì Vô Minh Vọng Tưởng Khách Trần che lấp, bởi thế cho nên bị lưu chuyển trong sinh tử chẳng được làm Phật.

Hành Giả cần phải an tâm tĩnh trụ, đừng duyên theo tất cả các cảnh. Mượn tưởng một Viên Minh (ánh sáng tròn trịa) giống như mặt trăng trong sạch, cách thân bốn thước (Xích: thước Tàu) đối diện ngay phía trước, chẳng cao chẳng thấp, lớn bằng một vòng tròn rộng một khuỷu tay với sắc sáng tỏ, bên trong bên ngồi sáng trong tinh khiết mà đời không có cách gì so sánh được.

Mới đầu tuy chẳng thấy nhưng lâu ngày tinh tế tìm kiếm sẽ thấy rõ. Tức liền quán sát , dần dần khiến cho lớn rộng, hoặc bằng bốn khuỷu tay, như vậy tăng thêm cho đên tràn đầy ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, khiến cho thật rõ ràng.

Lúc muốn ra khỏi Quán thì như vậy dần dần thu nhỏ lại, ngang bằng tướng ban đầu (Bản Tướng). Khi mới Quán thời tựa như mặt trăng vòng khắp, sau lại không có hình vuông tròn nữa.

Tác Quán đó xong, tức liền chứng được Giải Thốt Nhất Thiết Cái Chướng Tam Muội. Người được Tam Muội này có tên gọi là Địa Tiền Tam Hiền. Y theo đây dần dần tiến lên vòng khắp Pháp Giới. Như Kinh đã nói, tên gọi là Sơ Địa

Sở dĩ gọi là Sơ Địa vì đã chứng Pháp này mà xưa kia chưa được đến nay mới được, cho nên sinh niềm vui thích lớn. Chính vì thế cho nên Sơ Địa có tên là Hoan Hỷ Địa. Cũng đừng tác phân tích hiểu rõ, tức Tự Tính Thanh Tịnh Tâm này dùng ba nghĩa cho nên giống như đối với mặt trăng

1_ Tự Tính Thanh Tịnh có nghĩa là lìa sự dơ bẩn của Tham Dục

2_ Thanh Lương (trong mát) có nghĩa là lìa sự nhiệt não của sự giận dữ (Sân)

3_ Quang Minh (Sáng tỏ) có nghĩa là lìa sự ám tối của Si Mê

Lại mặt trăng do bốn Đại tạo thành nên rốt ráo cũng hoại đi. Đó là dùng mặt trăng mà người đời cùng nhìn thấy để làm ví dụ khiến cho người kia được ngộ nhập. Hành Giả lâu ngày tác Quán này, quán tập thành tựu, chẳng cần kéo dài rút ngắn, chỉ thất sáng tỏ không có một vật, cũng chẳng thấy Thân cùng với Tâm, vạn Pháp chẳng thể đắc được giống như hư không , cũng đừng tác Không Giải (phân tích sự trống rỗng), dùng nhóm của Vô Niệm cho nên nói như hư không, chẳng phải nói là Không Tưởng , lâu ngày có thể thành thục, đi đứng ngồi nằm, tất cả thời xứ, tác ý với chẳng tác ý , nhậm vận tương ứng , không có chỗ ngăn ngại. Tất cả vọng tưởng, tất cả phiền não của nhóm Tham Sân Si chẳng mượn đoạn trừ, tự nhiên chẳng khởi, Tính thường trong sạch.

Y theo tu tập này, chỉ có một con đường, không có Lý riêng biệt. Đây là Đạo Nội Chứng của chư Phật Bồ Tát, chẳng phải là ảnh giới của Nhị Thừa, Ngoại Đạo

Tác Quán đó xong thời tất cả hẳng sa Công Đức của Phật Pháp chẳng do cái gì khác mà ngộ (tha ngộ). Dùng một Quán thì tự nhiên thông đạt, hay mở một chữ diễn nói vô lượng Pháp, sát na ngộ nhập ở trong các Pháp, tự tại không ngại, không có đi đến khởi diệt, tất cả bình đẳng. Hành điều này dần dần đến tướng Thăng Tiến, lâu dần tự chứng biết, chẳng phải nay mới chuẩn bị nói cứu cánh của Sở Năng

Tam Tạng Thâu Ba Ca La nói:” Đã hay tu tập, quán một thành tựu xong. Nay các ngươi ở trong tâm này, lại có nghĩa của năm loại tâm. Hành Giả nên biết

1_ Sát Na Tâm : là tâm ban đầu (Sơ Tâm) nhìn thấy Đạo, một niệm tương ứng, mau chóng quên mất như ánh điện ban đêm, tạm hiện liền diệt, cho nên nói là Sát Na (Ksana)

2_ Lưu Chú Tâm: Đã thấy Đạo xong, niệm niệm gia công liên tục chẳng dứt như giòng nước tuôn chảy, cho nên nói là Lưu Chú

3_ Điềm Mỹ Tâm: Ấy là gom chứa công chẳng thôi, liền được rỗng không sáng suốt, thân tâm rộng rãi nhẹ nhàng, tập quen cùng mùi vị của Đạo, cho nên nói là ngọt đẹp (điềm mỹ)

4_ Tồi Tán Tâm: vì vội vàng khởi siêng năng hoặc lại ngưng nghỉ bỏ phế. Cả hai đều trái ngược với Đạo, cho nên nói là Tồi Tán (bẻ gãy cho tan ra) 66

5_ Minh Kính Tâm: Đã lìa tâm tán loạn, soi đạt Viên Minh, tất cả không dính. Cho nên nói là Minh KÍnh (gương sáng)

Nếu hiểu đạt năm tâm này, ở đây tự nghiệm thời ba Thừa, Phàm Phu, Thánh Vị đều có thể tự phân biệt vậy

Các ngươi ! Hành Nhân mới học tu Định, nên hành Pháp phương tiện bí mật gia trì tu Định của chư Phật đời quá khứ. Một Thể cùng tương ứng với tất cả Môn Tổng Trì. Chính vì thế cho nên cần phải tu bốn Đà La Ni này

Đà La Ni là:

Án, tốc khất-xoa-ma, phộc nhật-la

OM _ MUKSMĀ (?SUKSMA) VAJRA

(Biệt Bản Hán Chú là: Án, tô khất-xoa, phộc nhật-la OM _ SUKSA VAJRA)

Đà La Ni này hay khiến cho nơi đã quán (Sở Quán) thành tựu

Án, để sắt-tra, phộc nhật-la

OM _ TISTA VAJRA

Đà La Ni này hay khiến cho nơi đã quán (Sở Quán) không bị mất

Án, sa phả-la, phộc nhật-la

OM _ MUPRA (? SPHARA) VAJRA

Đà La Ni này hay khiến cho nơi đã quán (Sở Quán) dần dần lớn rộng

Án, tăng hạ la, phộc nhật-la

OM _ SAMHĀRA VAJRA

Đà La Ni này hay khiến cho nơi đã quán (Sở Quán) đang lớn rộng lại dần dần thu nhỏ như cũ.

Bốn Đà La Ni như vậy là phương thiện thâm sâu trong Pháp Tự Chứng của Bà Nga Phạm (Bhagavàn: Đức Thế Tôn) khai mở cho các người học, khiến mau chứng nhập

Nếu muốn mau, cầu Tam Ma Địa này , ở bốn uy nghi, thường tụng Đà La Ni này, chế phục niệm, dụng công đừng tạm bỏ hư thì không có gì không mau nghiệm.

Các ngươi ! Người tập Định lại nên biết Pháp Tắc của Kinh Hành. Ở một nơi yên tĩnh, bình trị đất cho sạch sẽ, bề mặt dài 25 khuỷu tay, hai đầu dựng cây nêu, khắp đầu cột buộc dây tơ, vừa ngang bằng lồng ngực, dùng ống trúc chứa đầy dây tơ, dài có thể dùng tay cầm lấy. Ống ấy tùy theo mặt trời, chuyển theo bên phải, bằng thẳng qua lại, dung thông Tâm, vòng khắp, nhìn kỹ phía trước sáu thước (Xích:Thước Tàu), nương theo Tam Muội, hiểu biết, nhận giữ Bản Tâm, chân thật hiểu rõ ràng không khiến cho quên mất. Chỉ hạ thấp xuống một bàn chân, liền tụng một Chân Ngôn.

Như vậy bốn Chân Ngôn, từ khởi đầu đến lúc sau, cuối cùng rồi lại bắt đầu, tụng niệm đừng trụ. Hơi biết mệt mỏi liền tùy theo chỗ mà ngồi yên.

Hành Giả nên biết vào Đạo có phương tiện sâu xa trợ cho tiến bộ, như tu Kim Cương của Tâm, chẳng nghiêng chẳng dời, mặc giáp trụ đại tinh tiến, tác tâm mãnh mẽ sắc bén (mãnh lợi), thề nguyện thành được làm hạn kỳ. Cuối cùng không có thối chuyển để khác đi. Không dùng tạp học làm mê mờ tâm khiến cho sinh lỗi hão (Lỗi không đúng với sự thật)

Pháp như thế không có hai Tướng. Tâm, lời nói… cả hai đều quên. Nếu chẳng có phương tiện mở bày thì không do đâu mà ngộ nhập được. Tốt nhất dùng sự cách đặc thù của Phạn Hán, chẳng dịch khó thông, nương nhờ sự chỉ bày, tùy ghi nhớ sao chép đem truyền cho người chưa ngộ

Chùa Kinh Tây Minh, Tuệ Cảnh Thiền Sư trước kia có soạn tập, nay lại bổ sung cho rõ ràng. So sánh nói là đủ vậy.

Nam mô cúi lậy mười phương Phật

Chân Như Hải Tạng, Cam Lộ Môn

Ba Hiền, mười Thánh, Ứng Chân Tăng

Nguyện ban uy thần thêm sức niệm

Bí yếu Thiền, Tổng Trì hiếm có

Hay phát Viên Minh, Tâm rộng lớn

Nay con tùy phần , lược xưng dương

Hồi thí Hàm Thức trong Pháp Giới

    Xem thêm:

  • Mười Sáu Tôn Phật Trong Kiếp Hiền - Kinh Tạng
  • Kim Cang Đỉnh Du Già Hàng Tam Thế Thành Tựu Cực Thâm Mật Môn - Kinh Tạng
  • Tâm Yếu Kim Cang Đỉnh Du Già Lược Thuật Ba Mươi Bảy Tôn Vị - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Nhứt Thiết Bí Mật Tối Thượng Danh Nghĩa Đại Giáo Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Phổ Hiền Mạn Noa La - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bí Mật Bồ Tát Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại - Kinh Tạng
  • Kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chơn Thực - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Thành Tựu Tụng Niệm Cúng Dường Bồ Tát Cam Lộ Quân Đồ Lợi - Kinh Tạng
  • Chơn Ngôn Nghi Quỹ Thắng Sơ Du Già - Kinh Tạng
  • Pháp Niệm Tụng Du Già Liên Hoa Bộ - Kinh Tạng
  • Pháp Niệm Tụng Đà La Ni Kim Cang Thọ Mạng - Kinh Tạng
  • Kim Cang Đỉnh Siêu Thắng Tam Giới Kinh Thuyết Văn Thù Ngũ Tự Chơn Ngôn Thắng Tướng - Kinh Tạng
  • Mười Tám Khế Ấn - Kinh Tạng
  • Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Bi Tâm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Đại Tì Lô Già Na Lược Yếu Tốc Tật Môn Ngũ Chi Niệm Tụng Pháp - Kinh Tạng
  • Du Già Thập Bát Hội Chỉ Quy Kinh Kim Cang Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Kim Cang Thọ Mạng - Kinh Tạng
  • Bồ Tát Quán Tự Tại Bồ Tát Như Ý Luân Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Đỉnh Nhứt Thiết Như Lai Chơn Thực Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Nghi Quỹ Đại Oai Nộ Ô Sô Sáp Ma - Kinh Tạng