1. Say Sưa Trong Điện Ảnh Kinh Dị Và Bạo Động
Bằng những cảnh tượng kinh hoàng và rùng rợn, nhiều người trẻ tìm kiếm sự kinh sợ giả tạo bằng điện ảnh kinh dị và bạo động trên truyền hình hay màn ảnh. Hàng ngàn bộ phim kiểu này ra đời thu hút không biết bao nhiêu người trẻ và họ thưởng thức những bộ phim như vậy để đưa mình vào thế giới đầy kinh dị và bạo động và bản thân họ bị tưới tẩm những hạt giống kinh dị và bạo động mà họ không biết. Xem phim là để giải trí nhưng họ lại mang đến cho mình sự sợ hãi, căng thẳng, hơi thở gấp gáp trong suốt quá trình xem và cả sau khi xem. Có người còn không dám đi vệ sinh một mình chỉ vì xem bộ phim kinh dị. Có người bắt chước hành vi bạo động trong phim để chứng minh cái kiểu anh hùng rơm. Cách thức hưởng thụ các mối nguy hiểm rình rập là cách thức làm sống dậy lối sống sáo mòn đầy chán nản của người trẻ. Họ đánh giá bộ phim sau có kinh dị bằng hay bạo động bằng những bộ phim bạo lực trước. Sự lừa dối bản thân bằng những pha nguy hiểm theo kiểu kỹ thuật điện ảnh đưa họ vào thế giới ảo với nỗi sợ hãi ảo cùng bạo lực ảo. Nhưng càng ngày càng tưới tẩm những hạt giống như thế thì vô hình chung sẽ ăn sâu vào tiềm thức của người trẻ và biến họ thành nạn nhân. Không biết có bao nhiêu tội ác được gây ra do bắt chước cho giống phim ảnh. Hưởng thụ cảm giác kinh dị và bạo động được dẫn dắt từ cái tâm thèm muốn kinh dị và bạo động, sự chấn động về tâm lý hay cảm giác hưng phấn khi chứng kiến sự kinh dị bạo lực.
Thế giới ảo của điện ảnh bạo lực đã đi vào thế giới thực và biến thế giới thực thành thế giới đầy bạo động. Nó có thể tạo nên sự rối loạn về tinh thần hay tim mạch cho người xem và nhiều khi hoang tưởng về những sự nguy hiểm hoang đường không thực sự có. Số lượng người phạm tội vì hành động bạo lực do phim ảnh ngày càng trẻ hóa. Những chương trình được cho là điều kỳ thú như nuốt rắn sống hay sống chung với bò cạp, đóng đinh vào thân người hay cho xe cán qua được ca tụng như trò anh hùng nhưng thực chất đó là trò đầy bạo lực, có tác động không nhỏ đến tâm lý trẻ em. Nhiều bộ phim bạo lực đã ngụy biện thành tên khác là phim hành động. Phim hành động cũng chỉ là biến tướng của phim bạo lực mà thôi. Tác giả có nghe một người trẻ tuyên bố rằng thật là sướng con mắt khi nghe họ đánh võ thuật rùm beng trên phim. Sự đam mê bạo lực do tác hại của điện ảnh bạo lực mang lại làm giảm giá trị con người và đóng góp vào việc thực hiện hành vi của người trẻ trong đời sống hàng ngày của họ. Người nghiện loại phim này trở nên nóng nảy, hay gắt gỏng, suy nghĩ đầy bạo lực và hận thù, thậm chí dẫn đến chán nản và tuyệt vọng, đồng thời họ tôn thờ những thần tượng ảo trong phim ảnh và dùng những lời nói của các nhân vật trong phim đó làm kim chỉ nam cho lối sống của họ?!
Nếu có cơ hội được xem bộ phim The Ultimate Gift (tạm dịch là Món Quà Tối Thượng) của đạo diễn Mỹ Michael O. Sajbel, mình sẽ thấy bộ phim này có tính giáo dục người trẻ rất cao, trong đó họ giáo dục về sự tận hưởng thành quả lao động thực sự, trân quý sự có mặt của người thương, học cách sử dụng đồng tiền và ý thức sống vì cộng đồng. Những bộ phim như vậy mới đáng xem. Điện ảnh ra đời là để đưa con người đến chân thiện mỹ cho nên điện ảnh cần phải phục vụ cho mục tiêu đó. Người có ý thức xây dựng bộ phim có tính giáo dục, có tính nhân bản, có tính bảo vệ trẻ em, có tính xây dựng nền tảng yêu thương và tạo dựng đoàn kết xã hội, là người biết xây dựng hòa bình; còn người lạm dụng điện ảnh để đưa con người vào những phiêu lưu mạo hiểm không đáng có, chém giết bạo loạn, đồi trụy và buông thả ngôn từ, lên án hay chỉ trích, kích động kinh dị bạo lực làm hại môi trường văn hóa, làm hại trẻ em thì người này là kết quả của tội ác chiến tranh. Những bộ phim kinh dị bạo lực là thứ chất độc hóa học làm ô nhiễm môi trường tâm của người trẻ và làm băng hoại đạo đức xã hội, cho nên thiết tưởng giải thưởng Oscar hay giải thưởng Cannes không nên trao tặng bất cứ danh hiệu nào cho những loại phim như vậy. Một tác phẩm điện ảnh nhất thiết phải đem niềm vui thực sự cho người trẻ, chứ không phải là sợ hãi hay bạo động. Nền tảng của điện ảnh là đem con người xích lại gần nhau, chứ không phải là khiến con người xa nhau. Các đề tài về gia đình, bạn bè, học đường dựa trên việc xây dựng tình thương cần phải đưa vào điện ảnh và cần được quảng bá, còn những bộ phim mang tính ảo tưởng kích động những hạt giống bất thiện thì không nên sản xuất. Người chiến binh chỉ xem những bộ phim lành mạnh vì anh ý thức rằng xem phim là để khỏe mạnh thân tâm, không phải để nhọc nhằn thân tâm.
2. Say Sưa Trong Những Cuốn Tiểu Thuyết Tình Sầu
Người trẻ đánh mất nhiều thời gian của mình trong những cuốn tiểu thuyết tình sầu đầy nước mắt. Nếu mình là người xem truyện hay những bộ phim của Quỳnh Dao về những câu chuyện tình cảm nhằm lấy nước mắt con người, và tác giả như muốn đưa con người vào những chuyện tình éo le, đầy oan trái và sầu bi khổ não, thì mình sẽ cảm thấy sao mà mệt mỏi khi đọc những cuốn sách như vậy. Và hàng trăm cuốn tiểu thuyết khác cũng vào dạng này. Người đọc truyện gần như hóa thân thành nhân vật trong truyện, sống cho nhân vật đó và đời sống hàng ngày bị ảnh hưởng bởi tính cách của nhân vật trong truyện, họ chìm đắm trong những cuộc tình tay ba tay tư trong truyện. Có lần tác giả chứng kiến một người xem phim tình cảm rồi ngồi khóc sướt mướt vì câu chuyện tình éo le trong phim hoặc là nhìn thấy một người trở nên nổi giận chỉ vì hành xử của một nhân vật trong đó. Nếu có người thích xem phim hay nghe nhạc, thì lại có người thích đưa mình vào thế giới ảo của tiểu thuyết, nhiều khi bản thân người trẻ đó có cách suy nghĩ hay hành vi y chang như tiểu thuyết và cứ tưởng đời thật là một cuốn tiểu thuyết cũng sầu muộn và éo le như vậy, để rồi lấy những quan điểm của tiểu thuyết làm quan điểm cho chính mình?!
Nhiều cuốn tiểu thuyết ca ngợi tình người rất đáng khen ngợi. Nếu bạn đọc tiểu thuyết Không Gia Đình của nhà văn người Pháp Hector Malot, cuốn sách được xuất bản vào năm 1878, bạn sẽ thấy tình người dàn trải khắp cuốn sách, không có một chút gì là tình sầu đứt ruột cả. Người đọc trang này và muốn đọc trang tiếp theo. Những cuốn tiểu thuyết tình sầu chỉ mang tính thương mại, nhằm thỏa mãn cái tính thích sầu muộn của con người. Ở đây chưa nói đến cái tính thích được chìm đắm với “cái thú đau thương” trong âm nhạc của người trẻ. Tác giả xin để dành phần này nói về những ca khúc tình sầu đứt ruột ở vài trang kế tiếp. Tìm kiếm cảm giác ảo trong những tình tiết éo le để đem cái tâm của mình trở nên sầu bi, mơ màng, hay hoang mang ảo tưởng cũng chỉ là cách trốn chạy thực tại mà thôi. Mình thường hay trốn chạy với những khổ đau trong đời sống thực và không dám đương đầu với nó, cho nên mình tìm cách nhận diện nó trong những cuốn tiểu thuyết tình sầu, rồi khi nào bắt gặp những hoàn cảnh trong tiểu thuyết giống mình thì lại khen là ông tác giả này quá hay, viết rất giống tâm lý của mình. Nhưng ông tác giả đó không hề đưa ra bất kỳ phương pháp nào để mình thực tập vượt qua khổ đau hay mỉm cười với khổ đau cả. Hiện tượng này trở thành hội chứng “tình sầu”, càng não nề thì càng tốt, nhiều khi ngẫm nghĩ lại mình cảm thấy mình lạ thật, mình thích cái gì đó sầu bi hơn là vui vẻ, càng sầu bi thì mới càng ăn tiền.
Mục đích của đọc tiểu thuyết là gì? Đọc chỉ để đọc thôi nhưng mà mình đọc sách gì mà có thể nuôi dưỡng thân tâm của mình. Đọc không phải là để đưa ra sự nhận xét về ngôn từ hay bị dính mắc vào quan niệm của tác giả. Người viết tiểu thuyết cũng vậy, họ cần phải mang đến cho người đọc những âm thanh hay hình ảnh của ngôn từ nói lên những điều lành và ngăn ngừa những điều dữ. Tiểu thuyết cũng như phim ảnh hay Internet không nên bị lạm dụng nói sai sự thật, kích động bạo động hay hận thù, và cũng không thể kích động cái kiểu gọi là tình sầu éo le. Tình sầu éo le thật vậy, đúng là một thứ kích động, chỉ làm cho mình nhức đầu. Say sưa vào nó là say sưa trong thế giới ảo, không biết đâu là thật. Sách cần được viết về mặt đạo đức, đó mới chính là chức vụ của sách. Đọc xong cuốn tiểu thuyết, người đọc cảm thấy vui và hạnh phúc như bắt được vàng, và hãnh diện đem chia sẻ nó cho người khác. Tiểu thuyết không nên nặn ra một người mà khi đọc xong, chẳng thấy giống người, chỉ thấy giống ai đó, đầy đau khổ, đầy oán thù, đầy dâm dục và đầy bạo động. Người đọc sẽ cảm thấy đau đớn khi đọc những loại sách như vậy. Cuộc đời đã có quá nhiều đau khổ, vậy mà mình lại cứ tiếp tục hành hạ mình trong những thứ chơi vơi thế kia. Bây giờ người ta lại còn chạy theo trào lưu đọc sách làm giàu. Mình có thể nhìn thấy hàng trăm đầu sách dạy con người về cách làm giàu. Người chiến binh dù không đọc sách nhiều nhưng mỗi khi anh đọc sách thì chỉ đọc những cuốn sách có quan điểm tích cực, có tác dụng tưới tẩm hạt giống lành, ngôn từ nhẹ nhàng dễ thương, không cần phải quá trau chuốt, chỉ cần mộc mạc giản dị, để khi đọc anh không cần phải quá suy nghĩ về nó, đọc chỉ để đọc, thì cần gì phải suy nghĩ nhiều nữa. Cuộc sống đã làm cho anh phải suy nghĩ nhiều rồi, buổi tối về nhà lại phải suy nghĩ về những gì trong sách nữa thì mệt quá.
3. Cái Gì Gọi Là Fan Cuồng Nhiệt
Nhiều người trẻ bây giờ thích thần tượng hóa đối tượng của công chúng. Trong tất cả mọi lĩnh vực họ thần tượng hay đưa lên vị trí cao trong sự ái mộ của họ: phim ảnh, âm nhạc, tác giả, vận động viên… Họ dành thời gian để tìm hiểu về thành quả của thần tượng, thậm chí là đời sống riêng tư của họ. Suy nghĩ hay quan điểm về một vấn đề nào đó của thần tượng ảnh hưởng lớn đến lối sống, suy nghĩ hay quan điểm của fan cuồng nhiệt. Họ cổ vũ cho thần tượng của mình, bênh vực cho thần tượng, nhiều khi sẵn sàng gào thét hay làm đủ thứ chuyện để có thể cổ vũ cho sự nghiệp của thần tượng. Nhiều câu lạc bộ hâm mộ thần tượng ra đời cốt yếu là để nâng cao tầm quan trọng của thần tượng mà họ theo đuổi. Một số người cuồng nhiệt đến nỗi hét toáng lên, thậm chí ngất xỉu khi có cơ hội tiếp xúc với thần tượng. Họ mua những món quà đắt tiền, những bó hoa to tướng hay những chú gấu bông đầy ấn tượng để tặng thần tượng nhằm tôn vinh tài năng hoặc vẻ đẹp của họ. Lắm lúc tác giả suy nghĩ không biết họ có hâm mộ hay dành nhiều thời gian cho người thương hay không, người đã hy sinh rất nhiều để họ có mặt. Có khi họ ngại mua một bó hoa tặng mẹ, nhưng lại không ngại mua đủ thứ quà hay làm đủ thứ trò hòng làm đẹp lòng thần tượng. Thần tượng trở nên một động lực để họ chia sẻ, tâm sự hay thậm chí là yêu mến quá mức. Vui buồn của thần tượng trở thành vui buồn của fan cuồng nhiệt và báo chí phải dùng đến từ là các fan trở nên phát cuồng trước sự trình diễn của ai đó.
Nhưng điều gì đến cũng phải đến. Đó là thần tượng sụp đổ. Tác giả có một người học trò học tại một trường cao đẳng kinh tế thần tượng một nữ diễn viên đóng vai nữ sinh trong một loạt phim truyền hình và lúc nào cũng lên tiếng bênh vực cô này, nhưng đến khi cuộc sống không trong sạch của cô được phơi bày thì anh ta gần như suy sụp, không còn muốn tin vào điều gì nữa, khi đó anh ta bày tỏ sự hối tiếc vì đã không nghe lời khuyên của tác giả. Khi thần tượng một người quá lớn và sự thật được rõ ràng thì người hâm mộ trở nên cực kỳ thất vọng. Niềm tin của họ đã đặt nhầm chỗ, cái mà họ tin tưởng chỉ là điều gì đó thật thật hư hư. Cái đam mê bề ngoài của người hâm mộ không thể nào che dấu đi sự thật bên trong của một con người. Không có gì là thần tượng, không có ai là thần tượng cả. Nhiều người được mang danh là thần tượng của người trẻ có một lối sống khác hẳn với hào quang thực sự mà họ có. Khi khám phá thần tượng của mình là người đa nhân cách mang nhiều bộ mặt khác nhau thì người hâm mộ bắt đầu nuối tiếc và thất vọng, có người còn thề thốt rằng từ rày về sau không thần tượng ai nữa, không tin ai nữa.
Người chiến binh đặt ra một câu hỏi là có nên thần tượng ai hay không? Phải chăng tình cảm về thần tượng chỉ là một thứ ranh giới của sự ảo tưởng? Bản thân người chiến binh hoàn toàn không có thần tượng bởi vì anh không muốn bị mắc kẹt vào một điều mà anh không biết rõ hay không biết chắc là niềm tin của anh vào ai đó sẽ đem đến cho anh niềm hạnh phúc thực sự. Việc tôn thờ thần tượng chỉ làm anh mê muội mất lý trí thậm chí là rất bồng bột mang tính nhất thời, không vững chắc. Ngay cả Đức Phật cũng đã nói với các đệ tử của mình không nên tin vào những lời của Ngài mà cần phải thực tập, quán chiếu sự thật thì lúc đó mới xem xem có nên tin hay không. Nhiều sự việc thần tượng chỉ là do phong trào hay bị lôi kéo bởi bạn bè vì mọi người xung quanh ai cũng như vậy. Bây giờ bạn thử nghĩ một chàng diễn viên đẹp trai có hàng ngàn người hâm mộ vây quanh khi anh ta xuất hiện. Bạn thử tưởng tượng 50 năm sau, anh chàng trẻ đẹp ngày nào già nua lụm khụm, không thể phát biểu nổi một câu trước công chúng có thể tìm lại được hào quang của thời trai trẻ hay không, hay chính vào lúc này anh ta phải đối diện biết bao chỉ trích và những lời chê bai. Danh lợi, cuồng nhiệt, hâm mộ, thần tượng, mọi thứ đều là vô thường, không có gì là không hoại cả, nếu như mình chạy theo một thứ gọi là thần tượng không đáng có thì thật ra mình đang tôn thờ cái “ảo”. Cái gì mà bạn dính mắc vào thì khi không hài lòng thì bạn sẽ khổ đau, cái khổ đau này phải do chính bạn gánh chịu, chứ không phải do vị thần tượng nào đó mang đến, bởi vì bạn đã lựa chọn điều đó. Sự rảnh rang của người trẻ khi không biết làm gì cộng với công nghệ lăng xê quá tuyệt hảo làm tăng thêm đam mê theo đuổi thần tượng của người trẻ đến nỗi lắm lúc họ không còn nhận ra họ theo đuổi điều gì nữa. Cái vẻ đẹp giả tạo của thần tượng lấn át vẻ đẹp tâm hồn làm người trẻ mờ mắt và họ trở nên một phiên bản của thần tượng ngày nào họ cũng không hay. Không có gì đẹp bằng vẻ đẹp tâm hồn, cho dù người đó bề ngoài quyến rũ cách mấy, cho dù người đó tiền tài giàu sang địa vị đến đâu, cho dù người đó tài năng xuất chúng, họ cũng không thể làm cho mình gục ngã bởi nỗi ám ảnh về hình thức bề ngoài được. Chỉ có vẻ đẹp tâm hồn mới tồn tại mãi với thời gian. (15)
4. Say Sưa Trong Những Ca Khúc Đứt Ruột
Có quá nhiều ca khúc não tình được thưởng thức trong giới trẻ. Dòng nhạc tình sầu đứt ruột đã khiến không biết bao nhiêu người nghe và thưởng thức hàng ngày. Những âm điệu lời ca đầy than van trách móc hờn giận hay cô đơn là niềm say mê của người thích đắm chìm trong thú đau thương. Nhạc càng não nề càng được khen hay. Người đang buồn mà nghe những bài nhạc này thì chắc chắn sẽ buồn thêm. Cái thú đau thương đem con người vào cõi hệ lụy trong đau khổ, thích thú vì đau khổ, thèm khát đau khổ và cổ vũ cho sự đau khổ. Có lần tác giả tình cờ nghe một câu hát “Đời là vạn ngày sầu biết tìm vui chốn nào”. Thật là nực cười khi nghe những kiểu nhạc như vậy, mỗi giây phút của cuộc sống đều cần phải trân quý và thưởng thức, đằng này lại cho nó là cả vạn ngày sầu, như vậy người nghe có cảm thấy vui khi nghe bài nhạc này không? Thú đau thương nhấn chìm con người trong một thứ dục, gọi là dục “đau đớn”, càng đau đớn càng hay, càng lấy được nước mắt người nghe càng giỏi. Nếu bạn có dịp tìm hiểu về hậu quả của bài hát Gloomy Sunday, tạm dịch là Chủ Nhật Xám mới thấy tác giả thật đáng trách biết dường nào. Không biết bao nhiêu người nghe bài này rồi đi tự tử hoặc tìm đến cái chết, và nghe đâu tác giả của bài hát cũng quyên sinh luôn. Suy nghĩ sầu khổ được viết thành ca khúc đòi hỏi người nghe phải sầu khổ với mình, rồi cho là đồng cảm với cảnh ngộ của tác giả, tác giả có biết đâu họ đang tưới tẩm những hạt giống quá bi lụy, sầu thương và đầy ai oán.
Sức công phá của loại nhạc sầu như “sóng thần” (16) đi khắp hang cùng ngõ hẻm của làng trên xóm dưới đâu đâu cũng có thể nghe được. Cái kiểu tình yêu “đau thương” được ca tụng trong âm điệu đầy tính hoàng hôn hay màn đêm không có chòm sao nào mọc. Con người sống quá khổ đau mà họ không có cách nào tâm sự hay chia sẻ cùng ai, cho nên họ tìm cách lắng nghe những bài nhạc nói lên tâm sự của chính họ, coi như là miêu tả cuộc đời đầy đau khổ đầy oan trái về tình duyên. Trong cuộc sống thường nhật, họ đã gánh chịu khổ đau, vì miếng cơm manh áo hay dòng đời ngược xuôi phải chịu biết bao trăm đắng ngàn cay, đêm về tìm sự an ủi trong khúc nhạc tình sầu muộn. Thú đau thương đưa họ đi vào những quên lãng hay cực nhọc của thường nhật, nhưng điều họ không thấy được là loại nhạc này mang tính tiêu cực, chỉ tưới tẩm hạt giống khổ đau và càng khổ đau thêm. Họ đi vào thế giới “não tình”, làm biến chất tình yêu và làm lu mờ vẻ đẹp thánh thiện hay tình yêu chân thật, lời lẽ không lối thoát không mang đến sự hân hoan hay tinh thần tích cực nào. Người ta đã khai quật âm nhạc bằng các phương tiện của nỗi buồn, mất mát, thất vọng, thậm chí cả hận thù và bạo động. Âm nhạc não tình ấy làm tâm hồn trống trải càng thêm chao đảo, trống vắng và ngơ ngác. Con người mơ màng vào thế giới ảo, tự buồn, tự khóc, tự cô đơn và nhiều khi chơi vơi giữa những giai điệu lạc lõng bơ vơ. Thậm chí con nít hát nhạc người lớn cũng mùi mẫn không kém gì người lớn cả, thật hết chỗ nói.
Người chiến binh khuyên bạn không nên nghe loại nhạc như vậy. Một bài hát ca ngợi việc xây dựng hạnh phúc hay ca ngợi tình yêu thương thì vẫn đáng giá hơn những ca khúc lâm li bi đát. Sáng tạo ca khúc ca ngợi tình người hay nhắc nhở về tình người hãy biết yêu thương nhau mới gọi là sáng tạo thực sự, còn ngược lại là phi sáng tạo. Âm nhạc đích thực là thứ âm nhạc phục vụ cho hàn gắn, thủy chung, tình nghĩa, hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau, chứ không phải thứ âm nhạc đẩy con người vào tận cùng của khổ đau. Người biết lao động nghệ thuật là người cần trân trọng khán giả, ý nghĩa của bài nhạc có tác dụng nối vòng tay lớn chứ không phải là đem xe tăng hay xác chết vào bài nhạc. Nhạc phải nhẹ nhàng êm ái, thoang thoảng như mùi hương lài, bồng bềnh như hạt sương mai, hay êm đềm như dòng sông chảy. Nhạc mà ầm ầm như động đất, kích động như chiến tranh, ào ào như thác lũ về, hay nhão nhẹt như cơm thiu chỉ có tác dụng làm hư đường hư bột. Mục đích của âm nhạc khi được sáng tác phải vì trị liệu, vì hòa bình, vì màu sắc của sự sống, một lời ca cất lên là để ngợi ca sự sống, ngợi ca hòa bình, ngợi ca thủy chung. Bài ca như vậy mới đi vào lòng người, cứu người, còn những bài ca tình sầu đứt ruột hay quá kích động chỉ có tính giết người mà thôi. Bài ca đích thực khi cất lên tâm hồn được tưới mát như được tắm trong nước cam lộ của tình thương và từ bi, bài ca đó mới thực sự đáng được trao giải Grammy hay Làn Sóng Xanh.
5. Say Sưa Trong Những Cái Tôi
Người trẻ thích say sưa trong những cái tôi hay là ngã kiến (the self). Mình thường hay chấp vào điều đúng hay điều sai về mặt ý kiến, quan niệm hay tư tưởng, rồi cho rằng cái này chính là tôi, cái kia không phải chính là tôi. Bây giờ còn xuất hiện tính từ “có cá tính” (distinctive) để thể hiện cái tôi riêng biệt của mình với người khác. Các yếu tố xã hội và cách thức giáo dục theo lối dân chủ càng tôn vinh cái tôi, điều này cho thấy xã hội ảnh hưởng đến cái tôi như thế nào. Khi làm việc, mình luôn muốn được công nhận, khi sáng tác một tác phẩm mình muốn được bảo vệ tác quyền, khi nói chuyện với người khác hay người lớn tuổi, mình muốn xưng là “tôi”, khi phát biểu ý kiến mình chỉ muốn nhắc đến tên của mình, phong cách của mình. Tất cả những điều này đều nhằm phục vụ cho ngã kiến của người trẻ, hay là nâng cao cái tôi của họ. Cái tôi này đưa mình vào một thế giới của sự hãnh diện hoặc tự ti. Mình hãnh diện về những thành tích hoặc những lời khen ngợi, nhưng ngược lại cái tôi làm cho mình tự ti khép kín và tránh né với xã hội bên ngoài do chưa có những thành tích hay lời khen ngợi xứng tầm với tiêu chuẩn xã hội. Cho dù hãnh diện hay tự ti, người trẻ dễ dàng đi vào con đường giảm thiểu sự lắng nghe và ôm ấp quan điểm nhỏ bé của mình.
Người trẻ cần thực tập để hiểu rằng không có cái gì là cái tôi cả. Mình sẽ không thể hiện được bản thân nếu như không có sự đóng góp của hàng vạn hàng ngàn, thậm chí hàng triệu yếu tố khác. Một người quản lý làm việc trong công sở đạt được doanh thu, vượt chỉ tiêu trong tháng và muốn ông chủ công nhận thành tích. Nhưng anh có biết rằng để làm được điều đó hơn 50 nhân viên làm việc với anh phải nỗ lực hết sức, hàng trăm khách hàng phải chịu hợp tác với phòng của anh và bản thân công ty phải đưa ra sản phẩm có chất lượng. Một mình anh không thể làm nên thành tích, như vậy ở đây công ty phải công nhận ai? Nếu như anh không có những người nhân viên giỏi và công ty không tạo ra sản phẩm tốt, thì sức mấy anh có được thành tích như vậy. Bây giờ nhiều tác giả muốn được bảo vệ tác quyền cho tác phẩm của mình. Vậy anh hãy tự quán chiếu xem, bằng cách nào anh có thể sáng tác ra một tác phẩm được cho là hay. Những hạt mưa rơi, tiếng gió xào xạc, dòng sông êm đềm trôi, bóng dáng của những cô thiếu nữ hay chàng trai, cuộc tình éo le hay những cuộc đời ngang trái, hạnh phúc hân hoan hay những đau thương mất mát trong cuộc sống, tất cả điều này và điều khác nữa hội tụ nên một tác phẩm. Nếu như nói đến người chủ của một tác phẩm thì phải bao gồm luôn cả hạt mưa rơi, tiếng gió xào xạc, dòng sông êm đềm trôi… Các yếu tố này cũng đáng được hưởng tác quyền. Nói như vậy là để bỏ cái tôi của mình đi.
Không có gì là cái tôi cả, hay nói cách khác không có gì là tôi. Vạn vật nương nhau mà sống. Người sống vì cái tôi thì cũng sẽ chết vì nó. Say sưa vì cái tôi chỉ là sự say sưa về cái ảo. Sở dĩ có cái này là vì cái kia có, sở dĩ tôi có là vì bạn có, tôi và bạn tuy hai mà một, chẳng có gì khác nhau cả. Tôi không thể sống một mình và bạn cũng vậy. Chúng ta cần nương tựa vào nhau mà sống. Hãy xem xét ngành du lịch. Ngành này chẳng thể nào phát triển nếu như không nương tựa vào các ngành khác như hàng không, thực phẩm, nhân sự, giao thông,… Nói về trồng một cái cây, cái cây này không thể lớn nếu như không có các yếu tố con người, đại địa, nước mưa, ánh mặt trời, không khí, phân bón… Nói về một đứa trẻ, nó không thể sinh ra và lớn lên nếu không có sự góp mặt của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thực phẩm, không khí, các nhà giáo dục, các nhà tâm lý học, các nhà xã hội học,…. Cho nên cái tôi mà bạn muốn khẳng định chẳng là nghĩa lý gì so với sự đóng góp của hằng hà sa số các yếu tố khác để làm nên cái mà bạn cho là cái tôi. Nếu như thực tập để buông bỏ điều này, bạn sẽ nhận thấy rằng trong chúng ta là cả một vũ trụ. Ngày xưa tác giả đi phỏng vấn vào vị trí chuyên viên tư vấn văn hóa doanh nghiệp, người phỏng vấn hỏi rằng vì sao chọn ngành nhân sự, tác giả chỉ trả lời vì mỗi một con người là cả một vũ trụ, khám phá cả một vũ trụ đã khó thì làm sao khám phá nổi cả một con người. Sự tôn trọng tất cả các yếu tố trong vũ trụ, từ dòng sông con suối, từ cây cỏ muôn thú, từ không khí mặt đất, từ biển cả bầu trời xanh, từ người chị người anh, từ người cha người mẹ, từ người thầy người bạn, từ quyển sách bài thơ… có nghĩa là tôn trọng bản thân. Tôn trọng người khác, lắng nghe và yêu thương lẫn nhau là cách khẳng định cái tôi hay nhất. Còn nếu cứ mãi đắm chìm trong những cái tôi, đánh mất thì giờ vào sự tranh cãi quan điểm ý kiến này nọ, đòi hỏi công nhận chủ quyền hay bảo vệ cái tôi, chỉ là cách phung phí thì giờ, uổng cả một kiếp làm người.
6. Say Sưa Trong Thế Giới Thời Trang
Người trẻ thích trau chuốt bên ngoài hơn là trau chuốt tâm hồn. Những bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền hay kiểu thời trang mới đang là cái chạy theo của rất nhiều người trẻ trên toàn thế giới. Họ đam mê ăn mặc và tạo ra nhiều cách ăn mặc hơn, thậm chí kỳ quái không giống ai. Cái thói thích hàng hiệu, đua đòi ăn mặc thời trang, thực tập lối sống sành điệu làm người trẻ xa rời những giá trị đẹp đích thực. Họ coi trọng vẻ đẹp bề ngoài và tôn sùng người ăn mặc đẹp, theo mốt, biết lựa chọn thời trang và dính mắc hàng hiệu. Người ta dành nhiều thời gian để chưng diện nhằm tôn vinh vẻ đẹp bề ngoài và tạo ra một hình tượng giả tạo trong mắt người khác. Tạo dựng hình tượng từ lâu đã trở thành mốt và thay đổi hình tượng cũng là mốt luôn. Mà muốn làm điều này, họ không tiếc tiền bạc và thì giờ quý báu mang lên mình những bộ cánh bắt mắt và làm tăng thêm vẻ tích cực của hình thể. Họ xây dựng câu lạc bộ thời trang để chạy đua với nhau rồi với người chế tạo ra những trang phục lạ lùng nhất được khen tặng là có tính sáng tạo và đi trước thời đại. Đây chính là điều nghịch lý của xã hội, người ta ca ngợi hình thức hơn là nội dung. Họ đem chuyện thời trang để bàn tán sôi nổi, phân biệt hay là làm đề tài trò chuyện trong một buổi gặp gỡ đã không còn đề tài.
Tô điểm vẻ đẹp bên ngoài quá mức có chăng là che lấp cái xấu xa tội lỗi bên trong? Nhìn một người ăn mặc đẹp như búp bê chỉ là sản phẩm của công nghệ thời trang và người dính mắc vào chuyện ăn mặc diêm dúa hay thời trang đình đám cũng chỉ là sản phẩm của công nghệ, tự biến mình thành một thứ hóa phẩm. Vẻ đẹp con người không định hình từ kiểu đẹp như vậy. Người thiết kế đã kiến trúc nên một bộ áo cho một người nào đó mặc vào và chiếc áo vượt ra ngoài mục đích của nó là để che thân, mà còn để làm đẹp. Thất vọng bên trong quá lớn khiến cho một người tìm kiếm vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài, cho nên họ tô điểm thân thể bằng những bộ quần áo đắt tiền, sang trọng để che lấp đi cái thất vọng hay buồn chán đó. Quần áo đẹp là một sự cám dỗ, hớp hồn người chỉ biết cho rằng nét đẹp chân thật là nằm ở chỗ như vậy. Trong một câu hỏi phỏng vấn về sự chọn lựa giữa cái đẹp hình thức và cái đẹp tâm hồn nên chọn cái đẹp nào thì chắc chắn ai cũng sẽ trả lời cái đẹp bên trong là cần thiết hơn cả. Vậy thì cần gì phải mất thì giờ cho những cái được cho là cái đẹp bên ngoài, mà nên đầu tư thời gian cho việc trau dồi cái đẹp bên trong.
Cái ảo bên ngoài không thể nào che lấp cái thực bên trong. Tục ngữ Việt Nam có câu: Chiếc áo không làm nên thầy tu. Một ông thầy tu mặc chiếc áo nâu sòng nhưng trong tâm lúc nào cũng tán loạn và luôn đánh mất chánh niệm. Ở trong chùa mà tâm tán loạn thì chẳng khác nào ở ngoài đời. Cũng vậy, một người mặc một chiếc áo cực đẹp và được trầm trồ khen ngợi, thì người ta đang khen cái áo hay khen chính bản thân con người ấy? Quá nhiều người nhìn hình thức bên ngoài để chọn người, ngay như bây giờ người ta còn chọn cơm chọn canh để chọn một người môn đăng hộ đối làm vợ làm chồng hơn là tình yêu đích thực. Người đẹp về hình thức thì đầy dẫy như lá mùa thu mà người đẹp về tâm hồn thì tìm hoài mỏi cả mắt. Người chiến binh không cần mất công đi tìm kiếm những điều như vậy. Anh thực tập một lối ăn mặc giản dị và sạch sẽ, đem sự ưa nhìn đến cho người khác. Người với nét đẹp tâm hồn sẽ mang lại sự chú ý và ngưỡng mộ lâu dài hơn một người tận dụng nét đẹp hình thức chỉ có ấn tượng thoáng qua trong phút chốc. Ăn mặc giản dị là cách thức tiết kiệm hay nhất trong thời buổi thắt lưng buộc bụng. Khi ăn mặc giản dị người khác không dành thời gian ngắm nhìn hình thức của anh, mà họ sẽ dành thời gian chiêm nghiệm và tận hưởng nét đẹp tâm hồn hơn. Và ngay cả bản thân của anh, anh sẽ không đánh mất nhiều thời gian quý báu cho mua sắm hay trau chuốt, mà anh sẽ có nhiều thì giờ hơn rèn giũa tâm hồn của mình, đồng thời có thể tiết kiệm tiền bạc làm từ thiện. Hãy nghĩ đến những đứa trẻ không có áo ấm vào ngày trời mưa hay mùa đông lạnh giá, chia sẻ với chúng những manh áo ấm thì anh đã biết cách làm đẹp rồi, nghĩ như vậy anh sẽ không có nhu cầu kiến tạo bản thân bằng những bộ quần áo được gọi là thời trang kiểu này kiểu nọ nữa. Nếp sống ăn mặc thanh bạch, giản dị và khiêm tốn là cách thức tốt nhất để trau dồi tâm hồn, khi làm được như vậy, bản thân anh đã tự chiến thắng được mình, chiến thắng trước dục vọng cho rằng để thu hút người khác chỉ có hình thức bên ngoài.
7. Say Sưa Trong Thế Giới Mỹ Phẩm
Nét đẹp của con người có phải làm bằng những chất liệu của mỹ phẩm hay không? Chắc mình chẳng cần trả lời câu hỏi này. Mỹ phẩm cũng chỉ là một thứ hóa chất mà ngay chính cả người chuyên gia trang điểm cũng không khuyến khích sử dụng nhiều. Cũng như quần áo, mỹ phẩm chỉ mang lại cho mình một cái mặt nạ mang lớp mỹ phẩm. Những căn bệnh nguy hiểm mà người sử dụng mỹ phẩm phải gánh chịu do lạm dụng nó không phải ít mà nhu cầu làm đẹp bên ngoài không thể nào khiến họ cưỡng lại được trước sức hấp dẫn của các bài quảng cáo mỹ phẩm. Nếu trước đây nữ giới chủ yếu là đối tượng sử dụng mỹ phẩm, thì bây giờ các loại mỹ phẩm dành cho nam giới cũng không thua kém gì. Có người nói với tác giả rằng có những người nam giới sử dụng mỹ phẩm và trau chuốt bề ngoài đến nỗi họ không còn nhận ra người đó là nam hay nữ, và sự am tường về mỹ phẩm của nam giới nhiều khi cũng khiến nữ giới ngạc nhiên.
Mình thường hay tôn trọng vẻ đẹp của mỹ phẩm hay vẻ đẹp của dao kéo hơn là vẻ đẹp của sự vững chãi và thảnh thơi. Mỹ phẩm không phải là chất liệu xây dựng nên hạnh phúc hay đem lại sự sống còn cho một đời người. Sách tham khảo khuyên về cách thức ăn mặc khi đi phỏng vấn chẳng bao giờ khuyên bạn lạm dụng mỹ phẩm. Có khi nào bạn suy nghĩ về những ảo tưởng chỉ có mỹ phẩm mới tạo dáng cho bạn và thu hút người khác không? Bây giờ có đủ thứ loại mỹ phẩm, nào là làm trắng da, nào là đủ thứ dầu thơm, nào là đủ thứ nước rửa mặt, với thông điệp quảng cáo mang lại sự tự tin cho bạn. Nếu xem bộ phim truyền hình của Mỹ Betty Xấu Xí (Ugly Betty) thì bạn sẽ nhìn thấy sự thành công của cô gái này hoàn toàn không nhờ vào vẻ đẹp của mỹ phẩm, mà nhờ vào khả năng lao động không ngừng nghỉ và sức chịu đựng dẻo dai của cô. Chính vì thông điệp mang tính nhân bản của bộ phim mà nó đã thu hút hàng triệu khán giả trên khắp thế giới theo dõi và ngưỡng mộ.
Người chiến binh thực tập như thế nào để có thể vững chãi và thảnh thơi? Anh biết chỉ có những chất liệu này mới có thể làm đẹp cho bản thân. Buổi tối trước khi đi ngủ anh dành thời gian đi thiền hành trong nhà hoặc ngoài vườn, những bước đi nhẹ nhàng khoan thai không vội vã không dính mắc vào một thứ gì cả. Nếu có người nhìn vào anh là có thể nhận thấy nét đẹp của một người không lo toan, không kỳ thị, không mắc nợ vào việc làm đẹp. Bởi vì mỗi bước chân có chánh niệm là mỗi bước anh đưa cái đẹp vào cuộc sống, thì cần gì phải kiếm cách làm đẹp khác nữa. Đó chính là cái đẹp nơi tự thân của anh. Anh nhìn một người đẹp bằng mỹ phẩm, anh quán chiếu người này sẽ già nua, da dẻ sẽ nhăn nheo, ánh mắt mờ đục, lời nói run rẩy, vậy thì công nghệ mỹ phẩm có thể biến một bà già 80 tuổi thành một cô thiếu nữ 18 hay đôi mươi không? Thật sự là không thể nào. Nếu có người khen mình trẻ do sử dụng mỹ phẩm thì mình lại hạnh phúc ảo trong lời khen đó, nếu có người khen mình già thì mình cũng lại sử dụng mỹ phẩm khác nữa để che dấu cái già của mình và cố tìm kiếm tuổi thanh xuân. Làm như vậy có đáng gì, trong khi có một thứ không bao giờ già, không bao giờ tàn phai, cho dù vô thường của thời gian có đưa bạn đi về đâu thì nó vẫn đẹp: đó là cái đẹp của nội tâm. Cho nên mình mong bạn đừng có mất thì giờ tìm kiếm cái đẹp đâu xa, đừng chạy đua trong thế giới mặt nạ của mỹ phẩm, mà hãy đầu tư thời gian để tìm kiếm cái dễ chịu: sự dễ chịu trong cái đẹp nội tâm. Người đi tìm cái đẹp không phải là tìm kiếm siêu mẫu, hoa hậu hoàn vũ hay người có nhan sắc hút hồn mà người đi tìm cái đẹp chính là chẳng tìm gì cả, bởi vì cái đẹp nằm trong nội tâm của người ấy. Cái đẹp này không phải là kiểu đẹp của photoshop hay corel draw mà là cái đẹp của tự thân, chân chất, mộc mạc và giản dị. Cái đẹp thể hiện ở sự bao dung, vị tha, độ lượng, tế nhị và tinh tế, ở sự trân quý sự sống. Cái đẹp thánh thiện còn nằm ở tình thương, biết chế tác tình thương và thưởng thức tình thương. Khi bạn biết tạo ra sự tương tác giữa những con người với nhau bằng chất liệu của vững chãi và tình thương thì bạn rất đẹp, mình sẽ trân quý bạn. Công nghệ mỹ phẩm không thể mang cho bạn cái đẹp như vậy. Chính vì thế trang điểm bản thân bằng những nét đẹp của nội tâm là cách thức làm đẹp hay nhất, là cách thức tôn vinh bản thân hay nhất, và là cách thức tạo thương hiệu cho bạn hay nhất, lúc này mình sẽ khen bạn là người biết cách làm đẹp.
8. Người Đi Như Kẻ Mộng Du
Mình tìm kiếm những điều không thực có trong thế giới ảo, cho nên mình đi tới đi lui như kẻ mộng du. Mình đang đi thẫn thờ trong một kiếp sống mà không biết đang làm gì, vì cái gì và điều mà mình đang làm đó mình có ý thức được không. Đó là suy nghĩ của một kẻ mộng du. Mình cứ mơ mộng hão huyền về cái đích phải tới, về bằng cấp phải đạt, về gia đình phải gầy dựng, hay ý thức hệ phải theo đuổi. Những điều đó khiến cho mình đánh mất tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm ở giây phút hiện tại và mình lúc nào cũng phải chạy như bị ma đuổi trong tất cả mọi hành động mà không một phút nào ý thức được mình đang tận hưởng điều gì. Đây chính là bản chất của người mộng du: không biết mình đang làm gì nữa. Mình đang trông chờ niềm vui hạnh phúc vào cuối con đường và ảo tưởng về hạnh phúc trong thú vui vật chất. Mình luôn cho rằng bây giờ phải mua cho được một chiếc ti vi đời mới để xem hàng chục kênh truyền hình thì mới có hạnh phúc, như vậy là những thế hệ của hàng ngàn năm trước khi ti vi chưa ra đời chắc là chẳng có hạnh phúc? Những điều mà mình đang mơ màng và thực hiện những thứ đó đưa mình vào thế giới của mộng du, một thế giới không bao giờ cạn cám dỗ và bị lôi kéo bởi tà dục.
Sự thất vọng của người đi trong thế giới mộng du thường rất lớn. Điều này thật đơn giản và dễ hiểu, mình mong ước nhiều thì thất vọng sẽ nhiều, và mình đạt được nhiều thì lại tiếp tục mong ước nữa, những mong ước nối tiếp những mong ước và chính mình biến cuộc đời thành những mong ước không có bến đậu. Những ảo mộng trong cuộc sống hiện tại hay những ảo tưởng về tương lai làm cho mình đánh mất sự sống, mình không còn nhận diện được mình đang cần điều gì và xung quanh chuyện gì đang xảy ra, bởi vì mình đang chạy, chạy như một cái máy. Có bao giờ mình biết dừng lại chưa? Khi mình rảnh một tí là mở máy vi tính lên để tán gẫu, mở điện thoại di động chơi game, mở ti vi xem giải trí hay la cà ở những quán cà phê… Khi mình rảnh thì mình không ngồi yên được, mình tìm chuyện này chuyện kia để làm, hoặc là đem chuyện công ty về nhà làm, thậm chí là tìm kiếm những dự án này nọ để khỏa lấp khoảng ở không không thể nào chịu nổi. Cái cảm giác ngồi không trở nên bứt rứt khó chịu nếu mình không làm gì đó. Điều này mình có bao giờ nghĩ mình đang cố tránh né cuộc sống hiện tại để tìm kiếm những lạc thú trong giải trí hay trong công việc, những thứ đã chiếm hết cuộc sống của mình.
Có lúc mình đang mộng du giữa đời mà mình không biết. Ngồi trong lớp học mình vỗ vai thằng bạn ngồi kế bên để xem có nó ở trong lớp hay không, nhiều khi xác thân của nó ở trong lớp nhưng thực sự nó đang du phương về một phương trời khác. Một đứa trẻ chạy tới ba của nó và khều ba nó “Ba ơi, ba có ở nhà không?”. Câu nói của trẻ thơ có thể khiến cho người cha thoát khỏi thế giới mộng du của công việc để quay về hiện tại nhận diện sự có mặt của đứa trẻ. Tiếng của người mẹ gọi đứa con gái của bà đang thả hồn theo một đối tượng nào đó có thể khiến cô gái giật mình kéo cô về với thực tại. Tiếng chuông chánh niệm nhắc nhở một vị tu sĩ không bị lôi kéo vào tà dục. Nhưng để không trở thành kẻ mộng du, tất cả những điều này đều khiến cho mình quay về hiện tại nhưng mà mình đều phải nhờ đến tha lực như người cha nhờ vào tiếng kêu của đứa trẻ, người con nhờ tiếng kêu của người mẹ, người bạn nhờ tiếng vỗ vai của mình hay người tu sĩ nhờ vào tiếng chuông. Thế thì tại sao mình lại không tự lực vào bản thân để có thể sống trong hiện tại, không sống trong mộng du. Khi người chiến binh đi, anh biết là mình đang đi, khi anh nói chuyện anh biết là mình đang nói chuyện, khi anh uống cà phê anh biết là mình đang uống cà phê. Mọi hành động, lời nói, cử chỉ, hay suy nghĩ cũng như những gì đang xảy ra ở bên trong và bên ngoài đều được anh nhận biết, điều này giúp anh tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại, hiện tại anh đang sống, chứ không phải cái đích cuối cùng đang sống. Sự sống dậy của hiện tại giúp anh thực tập mạnh mẽ hơn từng chút một, khi đó, tâm không bị bất cứ tạp niệm nào đi vào thì cái gọi là mộng du không có cách nào xâm chiếm anh được nữa. Từ khi thức dậy cho tới khi đi ngủ anh đều có khả năng ý thức mình đang làm gì thì đây chính là điều kiện giúp anh trở về với cuộc sống thực, giúp anh tiếp xúc được với anh, với bầu trời xanh, với tiếng chim hót buổi sáng, với tiếng cười của trẻ thơ, với ánh nắng của buổi sớm hay làn gió thoảng vào buổi chiều. Nếu anh đi vào thế giới mộng du, anh sẽ chẳng bao giờ thấy được những mầu nhiệm của sự sống như vậy. Anh sẽ chỉ thấy được căng thẳng, hồi hộp, bận rộn, cạnh tranh, mất mát, vô thường của những thứ mang tính chất mộng du mà thôi. Nếu như anh niệm hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ hiện tiền, còn nếu anh niệm mệt mỏi của mộng du thì mệt mỏi của mộng du sẽ hiện tiền.
9. Các Tệ Nạn Xã Hội
Sự phát triển kinh tế thường đi kèm theo những tệ nạn xã hội nếu như một quốc gia quá mải mê với việc phát triển kinh tế. Tệ nạn xã hội là hiện tượng xã hội thể hiện sự tha hóa đạo đức hay các chuẩn mực xã hội, làm xấu những hình ảnh lành mạnh của xã hội, và biến nó thành một xã hội đầy bạo động, sợ hãi, và hết sức nguy hiểm. Người tham gia vào các hành vi tệ nạn không ý thức được những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy đến cho bản thân họ và ngay cả cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do nạn lười biếng lao động, cái nghèo dai dẳng, uất ức xã hội, thích ăn chơi đua đòi, đắm chìm trong những thú vui dục lạc, bị rủ rê hay lôi kéo, bị bỏ mặc, bị đau khổ, và đủ thứ nguyên do trên đời khác để có thể dẫn người trẻ đến con đường nguy hiểm. Văn hóa tệ nạn hình thành là suy đồi của xã hội, sự bỏ bê tuổi trẻ. Người trẻ bây giờ bị bỏ rơi về mặt tinh thần đến nỗi số người cô đơn trong giới trẻ không thể nào đếm hết được. Họ tìm kiếm chất chứa kiến thức quá lớn trong khi giáo dục về đạo đức hay ít nhất là xoa dịu tinh thần ngày càng giảm. Bằng chứng là các trường học hay đại học dạy quá nhiều về cách làm giàu và tiêu thụ vật chất hơn là dạy về đạo đức hay làm thế nào để chuyển hóa thân tâm.
Kênh truyền hình VTV trong một bài tin về tội phạm vị thành niên ngày càng trẻ hóa đến mức báo động, nhưng họ không đưa ra bất cứ một kiến nghị nào về việc làm thế nào để người trẻ thực tập nuôi dưỡng thân tâm hoặc làm thế nào để tạo điều kiện cho họ chuyển hóa những khổ đau, họ chỉ biết đưa tin như vậy mà thôi, một cái tin mà có thể gây ra sự sợ hãi trong xã hội. Xã hội đã làm gì để cứu người trẻ khắp nơi trên thế giới khỏi bàn tay ma của tệ nạn. Có nhiều quốc gia đã quá chú trọng đến các vấn đề nước ngoài mà không ngó ngàng gì đến các vấn đề trong nước. Những giải pháp mang tính bạo động để giải quyết các vấn đề trong nước như bắt bớ hay cầm tù không thể giải quyết được gốc ngọn của tệ nạn xã hội một khi tình hình ngày càng tăng. Các nhà tù có đủ chỗ để có thể chứa hết tất cả các phạm nhân hay không? Người trẻ ngày càng vấp ngã bởi các vấn đề liên quan đến gia đình, bạn bè, giáo dục, kinh tế, hay sinh hoạt và họ không có nhiều chỗ dựa hay nương tựa, chính vì thế họ phải nương tựa nhầm chỗ và dính vào các con đường tàn hoại thân tâm.
Tất cả xã hội phải có trách nhiệm về việc này, không thể đổ lỗi cho một cá nhân nào. Sự thực tập của một cá nhân trước những cám dỗ của xã hội rất quan trọng trong quá trình thay đổi xã hội. Mỗi cá nhân cần thực hiện giữ gìn năm giới để ý thức làm đẹp cho bản thân và làm đẹp cho cộng đồng. Giới bảo vệ sinh mạng một khi được thực tập và giữ gìn thì sẽ ngăn chặn những hành vi bạo động trong xã hội. Thực tập giới này giúp người trẻ ý thức được những khổ đau do sự giết hại sinh mạng gây ra, cho nên không giết hại kẻ khác, không để bị giết hại, và không gây chiến tranh, giới này cần được áp dụng cho cả việc bảo vệ sinh mạng các loài động vật. Giới này đã được đưa vào giáo dục cho trẻ em và thanh niên chưa? Giới tiếp theo là giới tôn trọng quyền tư hữu của người khác. Học và thực tập giới này sẽ giúp con người xa lìa trộm cướp, lừa đảo, đàn áp, bóc lột, lười biếng hay áp bức bất công và nói lên tiếng nói công bằng của xã hội. Giới này áp dụng cho cả việc tôn trọng quyền tự do làm ăn chính đáng của con người, tôn trọng cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng giữ gìn tài sản của xã hội, tôn trọng tài sản của nhân dân và nói không với tham nhũng hối lộ. Giới này đã được đưa vào giảng dạy, thực tập và cam kết trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên và thanh niên hay chưa? Giới thứ ba là bảo vệ tiết hạnh của bản thân và của người khác. Trong xã hội mọi gia đình đều thực tập giới này thì ai ai cũng có hạnh phúc, vợ chồng con cái nào cũng thấy an tâm và vui vẻ. Giữ gìn tiết hạnh có được giáo dục cho người trẻ và đưa vào các tuyên ngôn về mặt đạo đức ở các thôn xóm hay chưa? Giới thứ tư là không sử dụng rượu và các chất độc hại khác bao gồm cả thuốc lá và các chất gây nghiện. Gần gũi chia sẻ và lắng nghe để có thể ban tặng tình thương và tạo dựng lối sống lành mạnh để người trẻ có cơ hội tiếp xúc với tình thương và thực tập các giới thì họ không còn bất cứ nguyên do nào sa đọa hay vướng mắc vào tệ nạn xã hội. Giới này đã được truyền bá rộng rãi bằng áp phích, bằng biểu ngữ, bằng sự khen thưởng, tuyên dương hay chưa? Một giới nữa là thực tập lắng nghe và ái ngữ. Giới này đã được trình bày kỹ ở phần trên. Thực tập giới này sẽ giúp mọi người hiểu nhau, hòa giải với nhau và yêu thương nhau không phân biệt. Giới này đã được đặt tên cho một chương trình truyền hình, một game show, một câu lạc bộ, một buổi sinh hoạt hay một tiết mục ở một tờ báo để khuyến khích mọi người thực tập hay chưa? Xã hội mà người nào cũng giữ năm giới thì chắc chắn sẽ không có tệ nạn mà ngược lại, nó sẽ trở thành xã hội kiểu mẫu rất hiện đại trong cách ứng xử và các hành vi xã hội.
10. Cái Gì Gọi Là Ngôn Ngữ Tuổi “Teen”
Bạn lựa chọn ngôn ngữ nào để giao tiếp hay truyền thông? Bạn có bao giờ lợi dụng ngôn ngữ để làm biến chất đi tính truyền thông giữa những con người với nhau? Những ngôn từ bị biến dạng thể hiện thái độ lười biếng hay vô cảm đối với việc sử dụng ngôn ngữ, hay người trẻ quá dễ dãi trong khi giao tiếp? Những ngôn ngữ khó hiểu chỉ có tuổi teen mới biết tạo nên một thế giới riêng của họ. Các từ ngữ lủng củng được chế tác để diễn bày lối suy nghĩ chán nản, tìm niềm vui trong những câu nói đâu đâu hay cố quên đi điều gì đó bằng lời lẽ chẳng giống ai. Ngôn ngữ kiểu này trước đây được áp dụng trong thế giới của tán gẫu trên mạng và bây giờ lan tràn trong cách nói chuyện hàng ngày của khá nhiều bạn trẻ. Ngay cả cha mẹ họ cũng không hiểu bọn trẻ đang nói chuyện gì với nhau, cứ tưởng họ đang nói tiếng của cõi âm?! Để hiểu được những thứ ngôn ngữ này ắt hẳn mình phải tốn kém nhiều thời gian để tưởng tượng, suy luận theo kiểu ngôn ngữ số hóa và sự đơn giản mà phức tạp của thứ ngôn ngữ ấy khiến cho mình dễ dàng hiểu lầm ý tưởng hay tình cảm của người truyền đạt thông điệp. Họ tôn sùng sự thông minh trong việc chế tác loại ngôn ngữ như vậy và nhiều khi bản thân họ cũng chẳng hiểu những điều họ đang nói có giải quyết được gì. Sự sai văn phạm và cố tình phát âm sai nhiều lúc trở thành thói quen và trong những trường hợp nghiêm túc họ không thể phát âm chuẩn được vì cái thói quen cố tình phát âm sai đã đi sâu vào phản ứng tự nhiên của họ. Và khi họ trưởng thành hay trải qua vài năm sau, cái kiểu ăn nói cà rỡn như vậy khiến cho họ phải khổ sở rất nhiều mỗi khi muốn truyền thông hay giao tiếp với người khác.
Ngôn ngữ ảo xuất hiện đầy ắp khắp nơi, thậm chí nhiều phương tiện thông tin đại chúng còn ủng hộ và quảng bá kiểu ngôn ngữ này. Thật là hết chỗ nói, một cách làm rất vô trách nhiệm tiếp tay cho những hành vi và thái độ làm tha hóa ngôn ngữ. Những loại ngôn từ công nghiệp có làm giảm giá trị thực sự của ngôn ngữ hay không? Bạn hãy thử trả lời xem khi mà người trẻ đối diện với những vấn đề của cuộc sống, họ ăn nói theo kiểu ngang như cua mà được khen là vui vẻ thì hậu quả sẽ như thế nào? Cái cho là ngôn ngữ hiện đại thực sự chính là cổ vũ cho sự suy đồi của ngôn ngữ. Thiết tưởng các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục cần nhắc nhở con cái của mình thực tập sử dụng những ngôn ngữ lành mạnh và thích hợp với tuổi trẻ. Đã có nhiều bậc giáo dục yêu cầu người trẻ chung tay xây dựng sự trong sáng của ngôn ngữ, và ở Việt Nam đó là chung tay xây dựng sự trong sáng của tiếng Việt, không để nó bị bôi nhọ bởi những thành phần vì lý do cá nhân mà làm ô uế. Các phương tiện thông tin đại chúng không nên hỗ trợ hay phổ biến loại ngôn ngữ này, đồng thời cũng cần giảm thiểu việc sử dụng quá nhiều ngôn ngữ nước ngoài hay ngôn ngữ mang tính công nghiệp, trừ trường hợp từ ngữ khoa học nhất thiết phải sử dụng.
Người tuổi vị thành niên được hỏi vì sao sử dụng loại ngôn ngữ cẩu thả này thì họ cho như vậy là dễ thương và sành điệu. Một nhận thức sai lầm chưa từng thấy và điều này chỉ giúp họ mất đi tính tôn trọng người nghe mà thôi. Khi đọc một bài viết hay một đoạn hội thoại mình phải hiểu được người kia muốn nói gì bằng những câu chữ lời viết trong sáng, dù không cầu kỳ lắm nhưng dễ đi vào lòng người, người đọc có thể học tập hay thực tập từ điều hay được viết từ đó. Bôi nhọ hay biến chất ngôn ngữ là một sự hành hạ ngôn ngữ. Xin đừng bỏ tù ngôn ngữ trong sáng! Sử dụng loại ngôn ngữ theo kiểu của các trang mạng là hậu quả của giáo dục và học tiếng Việt chưa được nghiêm túc và là sự dung túng cho những trang mạng không trong sạch. Sự ô nhiễm của ngôn ngữ thật trầm trọng. Nếu như trước đây hãng bảo hiểm nhân thọ Prudential có tổ chức cuộc thi Văn Hay Chữ Đẹp, thì nên chăng tiếp tục duy trì cuộc thi này và áp dụng chúng vào cuộc sống; đồng thời nên có tiếp cuộc thi giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ hay cuộc thi Lời nói đẹp hay Phát ngôn đẹp, nói theo kiểu của tôn giáo là lời nói ái ngữ. Thi thì vẫn cứ tổ chức, nhưng điều quan trọng vẫn là thực tập của người sử dụng ngôn ngữ. Hãy thử tưởng tượng nếu không có sự ra đời của ngôn ngữ thì bạn sẽ làm gì để bày tỏ tình yêu thương của bạn với con người, cho nên phải trân quý ngôn ngữ, sử dụng nó như một kỳ quan hay một người bạn để trao gửi yêu thương, còn như bôi lên nó bằng nếp sơn, gia vị thô thiển hay cộc cằn thì đáng xót thương biết bao, ngôn ngữ sẽ chẳng kêu cứu với ai nếu như người nào cũng sử dụng lời hòa nhã dễ thương. Nếu trao giải kỳ quan thế giới thì thiết tưởng nên trao cho sự có mặt của ngôn ngữ. Ngôn ngữ không hề đi xuống, nó vẫn đẹp đẽ và thịnh vượng như bản chất của nó, chỉ có con người, đúng vậy, chính họ làm cho bản thân họ xa rời cái đẹp của ngôn ngữ mà thôi.
Trích sách Người chiến binh trong thế giới ảo – TG Minh Thạnh.
(www.sachminhthanh.wordpress.com)
Phật Pháp Ứng Dụng