Cổ nhân đã dạy: “Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên, nhơn sanh do Tổ do Tông”. Nghĩa là: cây có gốc, nước có nguồn, con người có Tổ có Tông. Uống nước mà không nhớ nguồn; ăn trái mà không nhớ kẻ trồng cây, con cháu mà không nhớ tới Ông Bà, Tổ Tiên thì sao cho phải đạo làm người?

Ý nghĩa lễ Vu Lan thắng hội

Kinh sách Phật giáo cũng đã ghi chép nhiều về việc cầu siêu như trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Vu Lan… hay chuyện Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ,v.v… Do đó mà lễ truy tiến Tiên linh cũng không kém phần quan trọng, danh từ nhân gian thường gọi là “Hiệp Tế “. Mục đích là để nhờ thần lực chư Tăng, công đức cúng dường, bố thí thay cho Tiên linh, đặc biệt là nhắc nhở, hướng dẫn hương linh tu tập như khoa nghi đã soạn sẳn để giúp hương linh thoát khỏi cảnh phiền não cũng như làm cho người còn sống an tâm một phần nào đối với người đã khuất , và xứng đáng là một người Phật tử trong nhiệm vụ thượng cúng dường hạ bố thí.

1. Ý NGHĨA CHỮ VU LAN BỒN:

Vu Lan Bồn là tiếng phiên âm từ chữ Sancrit llambhana qua chữ Trung hoa là Ôlambàna (theo Từ Hải). Về sau lại phiên âm thành Vu Lan Bồn. Vu thay cho Ô, Lan thay cho chữ Lam và Bồn thay cho chữ Bà + n (a). Vu Lan Bồn là tiếng phiên âm từ chữ Phạn nên không có nghĩa riêng từng chữ một trong Hán tự, mặc dù mỗi chữ phiên âm đều trùng âm một chữ Hán. Nghĩa chính của chữ “Vu Lan Bồn” là “Giải thoát khỏi sự khốn khổ tột cùng” (theo các nhà Phật học và Phạn học). Do đó Lễ Vu Lan, là một nghi lễ để giải thoát khỏi sự khốn khổ vô cùng chứ hoàn toàn không có nghĩa là “Cứu nạn treo ngược” như đã hiểu lầm từ xưa đến nay.

Ý nghĩa lễ Vu Lan thắng hội

2. NGUỒN GỐC LỄ VU LAN:

Phật tử chúng ta ai cũng biết trong Kinh Vu Lan kể rằng Đức Mục Kiền Liên khi vừa đắc lục thông, vì lòng hiếu hạnh muốn cứu cha mẹ để đền đáp ân sanh thành dưỡng dục, nên đã dùng thiên nhãn tìm mẹ khắp trong các nẻo luân hồi và đã thấy mẹ sinh vào trong đường Ngạ Quỷ, không có đồ ăn, đồ uống chỉ có da bọc xương. Ngài rất đau xót, lấy bát đựng cơm đem xuống cho mẹ, khi mẹ nhận được, tức thì Bà dùng tay trái che bát cơm và tay phải bốc cơm ăn. Nhưng cơm chưa đến trong miệng đã biến thành than; lửa nên không thể ăn được. Ngài kêu lên và khóc than thảm thiết, tức tốc chạy về bạch lên Đức Phật cảnh tượng ấy và những gì đã xảy ra thật rõ ràng. Đây là duyên khởi của Kinh Vu Lan. Đoạn nầy đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng thần thông không chống nỗi nghiệp lực.

3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢI ĐƯỢC NGHIỆP LỰC?

Phật dạy Đức Mục Kiền Liên: “Thân Mẫu Tôn giả gốc rễ tội chướng kết quả quá sâu, không phải năng lực một mình Tôn giả có thể giải cứu được. Dầu cho Tôn giả hiếu thảo khóc than vang động trời đất, nhưng mà những vị Thiên Thần, Địa Kỳ, Tà ma ngoại đạo, các vị Đạo sĩ và bốn Thiên Vương cũng đều không thể làm gì được. Phải nhờ uy lực của Thập phương Tăng mới được siêu thoát. Hôm nay Như Lai chỉ dạy Tôn giả cách thức cứu vớt, để cho hết thảy những kẻ khốn khổ cùng được siêu thoát.” Theo như lời Phật dạy, chúng ta thấy rõ không có một sức mạnh nào địch nỗi nghiệp lực ngoại trừ uy lực của Thập phương Tăng mà thôi.

Ý nghĩa lễ Vu Lan thắng hội

Thập phương Tăng là những vị Tỳ kheo ở khắp mọi nơi, khi họ hiện diện tại một chỗ dù thời gian lâu hay mau, vĩnh viễn hay tạm thời, với số lượng bốn (4) vị trở lên đều gọi là Thập phương Tăng. Vì các vị nầy có đủ công đức của Tăng chúng là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến nên uy lực của các vị ấy đủ phẩm lượng để cứu khổ, diệt được nghiệp và nghiệp báo nên mới giải được nghiệp lực. Uy lực nầy là Thắng Pháp Vu Lan.

4. CÚNG VU LAN NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG PHÁP VÀ CÓ HIỆU QUẢ?

Phật dạy Đức Mục Kiền Liên: “Đại Mục Kiền Liên, Thập phương Tăng chúng lấy rằm tháng bảy làm ngày TỰ TỨ. Ngày ấy các người hãy vì tất cả cha mẹ bảy đời, cha mẹ hiện tại, những kẻ đang ở trong vòng khổ nạn, mà sắm trai soạn đủ hết mùi vị, các thứ trái, củ, thau chậu múc, rưới nước, hương dầu đèn nến, giường có đồ nằm, đem đồ ngon nhất để hiến cúng Thập phương Đại Đức Tăng chúng.” Taị sao lại cúng dường chư Tăng vào ngày Tự Tứ vì ngày ấy vị Tỳ kheo được thêm một tuổi đạo nên còn gọi là ngày Thọ tuế, sau 90 ngày an cư kiết hạ, thân tâm sẽ thanh tịnh, thiền định giải thoát có thể đạt được. Cũng chính trong ngày nầy các Hiền Thánh Tăng, hoặc tu thiền định trong rừng núi, hoặc đã thành tựu bốn thứ đạo quả hoặc thường kinh hành dưới gốc đại thọ, hoặc Thanh Văn, Duyên Giác đủ sáu thần thông, hoặc chính những vị Bồ Tát đã hóa hiện tướng Tỳ kheo đều qui tụ trong Tăng chúng, nên đạo đức của Tăng chúng ấy sâu rộng, mênh mông có đủ khả năng giải nghiệp lực của cha mẹ hiện tại và bảy đời cha mẹ. Cha Mẹ bảy đời không phải là Ông Cha bảy thế hệ, mà là cha mẹ bảy đời kiếp đã qua của mình. Số 7 ở đây ý nói là hoàn toàn như người Việt Nam chúng ta thường nói mười phân vẹn mười, chứ không phải là một định số. Lời dạy trên đây của Đức Phật không phải dạy riêng cho Ngài Mục Kiền Liên để cứu một mình Mẹ Ngài, cũng chẳng phải để cứu riêng cho một loài Ngạ Quỷ, mà là dạy cho tất cả Phật tử để biết cách cứu độ tất cả cha mẹ ở mọi nơi thống khổ. Đó là Thắng Pháp Vu Lan trong ngày TỰ TỨ tức rằm tháng bảy.

5. NHỮNG VÙNG KHÔNG CÓ CHƯ TĂNG PHẢI CÚNG LỄ VU LAN NHƯ THẾ NÀO?

Đây là một vấn đề thực tế đã xảy ra trên những mảnh đất tạm dung của người Phật tử Việt Nam. Theo Kinh Vu Lan, Phật tử chúng ta phải cúng dường phẩm vật lên chư Tăng trong ngày Lễ Tự Tứ. Trước khi chư Tăng thọ dụng phải đặt mọi thứ trai soạn trước án thờ Phật tại chỗ trai tăng hay trong chùa, tháp để cúng dường lên chư Phật, chú nguyện cho trai gia, rồi mới thọ thực theo đúng như nghi thức đang áp dụng.

Vậy xét theo ý kinh, ở những nơi không có điều kiện như Kiết hạ, lễ Tự Tứ, hoặc Thập Phương Tăng vân tập, thiết nghĩ Phật tử chúng ta cũng có thể phụng hành thắng pháp Vu lan bằng cách sắm sửa trai phẩm và tứ sự cúng dường để hiến cúng lên Thập Phương Chư Phật, Thánh Hiền Tăng và vị Thầy hay Sư Cô mà chúng ta đã cung thỉnh được trong ngày lễ (tức phàm phu tăng). Ngoài Hiền Thánh Tăng, thành phần chính của Tăng chúng vẫn là Phàm phu Tăng, chứ không thể không có vì “nhà Cồ Đàm rất rộng”, dung được cả những kẻ hý lộng Ngài. Phàm phu Tăng có hai hạng: hạng có giới luật và hạng chỉ có hình thức. Trong Thập Luận Kinh đã dạy rằng: “Đừng khinh khi hủy nhục những người xuất gia, vì lẽ đầu cạo, y mang, chính là biểu tướng của Hiền Thánh Tăng, dẫu phá giới cho đến không giới, trong giới luật của Phật họ chỉ là thây chết, chết rồi đọa ác đạo đi nữa, cũng vẫn làm được ruộng phước cho cả trời, người (nhân, thiên), ở chỗ vì có hình thức của Hiền Thánh Tăng nên làm cho nhân thiên nhìn vào mà sinh nhiều cảm nghĩ thù thắng, lại có thể tuyên thuyết diệu pháp cho nhân thiên, bản thân cũng có chánh nguyện, và phạm tội thì biết sám hối. Hạng phàm phu Tăng nầy thật ra không phải là thành phần của Tăng chúng, nhưng là cái thế lực thừa của giới xuất gia, là cái sức kính tin Tam Bảo và Thánh giới. (Kinh Vu Lan Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch và giải 1984)

Trường hợp không cung thỉnh được một vị Tăng, Ni nào cả thì chúng ta cúng dường lên mười phương Chư Phật và chư Hiền Thánh Tăng với tấm lòng thành; nguyện cầu chư Phật, chư Hiền Thánh Tăng gia hộ cho “Hiện Tại Phụ Mẫu đã quá vãng thoát thống khổ ở trong ba đường – thoát được tức thì, cơm áo tự nhiên; Cha Mẹ bà con đang còn sống thì hưởng phước lạc, sống lâu trăm tuổi. Cha Mẹ bảy đời quá khứ sanh lên chư Thiên, tự tại hóa sanh trong thiên giới hoa lệ chói sáng.”

Tóm lại, dù rằng Phật tử chúng ta thiếu may mắn phải sinh sống những nơi không có đủ điều kiện để phụng hành Thắng Pháp Vu Lan như Kinh đã dạy.

Nhưng chúng ta có thể dựa trên lý của kinh để gieo hạt lúa đức của chúng ta vào đám ruộng phước vừa để đền đáp phần nào công ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ vừa vun xới thêm duyên tốt cho hạt giống thiện của chúng tsớm nảy mầm và tăng trưởng.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

Nguyên Bình