Tiền lẻ hay tiền chẵn đều là đồng tiền do ngân hàng Nhà nước phát hành, và bản thân nó không có gì phải “hạn chế” hay “giảm lưu thông”, mà vấn đề là trong nhiều năm qua, đi cùng đó là “rải” tiền lẻ tràn ngập gây phản cảm chốn linh thiêng.
Tôi là một Phật tử, gia đình có truyền thống đạo Phật lâu đời, có dịp lên Hà Nội học tập tôi vẫn giữ thói quen duy trì lên chùa lễ Phật ngày Rằm, mùng Một, thỉnh thoảng thường vãn cảnh chùa gần nơi tôi thuê trọ, hay cuối tuần về các chùa vùng ven đô, và có dịp là đi khắp các chùa ở miền Bắc.
Gần đây, nhất là dịp giáp Tết, đi chùa nào tôi cũng thấy các “quán cóc” hay các “đại lý di động” ghi đổi tiền lễ, bàn tàn xôn xao về việc dịp Tết Nguyên Đán năm nay ngân hàng nhà nước hạn chế phát hành và lưu thông tiền có mệnh giá nhỏ, gọi nôm na là tiền lẻ.
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết và chuẩn bị vào dịp lễ hội Xuân 2014, các quán cóc xung quanh các di tích, chùa chiền và thắng cảnh dịch vụ đổi tiền lẻ với các mệnh giá nhỏ như 200, 500, 1000đ…vẫn hoạt động nhộn nhịp.
Tôi thấy lạ, sao người ta cứ phải đổi tiền để làm gì? Mà đổi là mất thêm tiền sao người ta cũng vẫn phải chen nhau để cố đổi bằng được? Tôi còn thấy một số người còn cảm thấy hoang mang khi năm nay nếu ngân hàng hạn chế thì lấy đâu ra lộc để đi rải, đi xin?
Dịp Tết năm Quý Tỵ, tôi cũng đã mục sở thị hiện tượng lấy tiền xoa vào tượng Phật, rồi kết tiền thành từng dây quấn quanh Đại Hồng Chung chùa Bái Đính. Không hiểu người dân có quan niệm như nào mà làm việc đó hay do không biết làm như vậy cũng chẳng có ý nghĩa gì! Chỉ gây thêm phiền phức cho những người phải đi dọn những đồng tiền đó thôi!
Và từ đó có người cho rằng lỗi tại người dân miền Bắc thiếu ý thức, chỉ có các chùa ở miền Bắc mới có hiện tượng đó. Song theo tôi nếu nói như vậy là không đúng.
Nếu các bạn có dịp sang thăm thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội), nơi sinh hoạt của các đạo tràng, ngày đông nhất cũng lên đến cả nghìn người, thế nhưng sẽ thấy chẳng có tờ tiền lẻ nào được dắt vào tay tượng, vào lọ hoa, rải ở các ban thờ…Chú ý quan sát, thấy mỗi ban đều có một vị Thầy đi nhắc nhở mọi người vào lễ, hướng dẫn họ theo môn quy thiền viện.
Hay như về chùa Tiêu (Bắc Ninh) tôi thật bất ngờ bởi không có hòm công đức, dù trước đó tôi đã đọc những dòng chữ này trên các trang mạng. Các ban thờ khá “đơn giản” bởi hoa quả, bánh kẹo, đèn nhang. Được biết sự cụ trụ trì luôn dạy Phật tử, đức ở trong tâm mình chứ đâu phải ở cái hộp đựng tiền!
Hay thiền viện Tây Thiên (Vĩnh Phúc), có ai thấy tiền lẻ rải ở các ban thờ không? Tuyệt nhiên không hề có, vì đã có các sư hướng dẫn phật tử cách thực hành đúng khi đi lễ.
Chùa Ngọc Quán Tỉnh ở Long Biên – Hà Nội cũng vậy, các ban thờ rất trang nghiêm, và tuyệt nhiên không có hiện tượng phản cảm như đã nêu.
Cũng ở miền Bắc, nhưng ở các chùa đó các sư đã hướng dẫn cho Phật tử chu đáo, nên không có hiện tượng rải tiền lẻ, nhét tiền vào khắp nơi, thậm chí cả ở các nơi tôn nghiêm như báo chí đã phản ánh.
Đi chùa lễ Phật là nét đẹp trong tín ngưỡng, văn hóa người dân Việt, xong nó đang dần bị biến tướng bởi những hành động phi tín ngưỡng ở trên.
Một phần rất nhỏ là do sự thiếu hiểu biết của người dân, do sự a dua theo hiện tượng tâm lý đám đông, nhưng ai sẽ đứng ra hướng dẫn họ? Phải chăng, trách nhiệm này thuộc về sư trụ trì?
Hướng dẫn cho mọi người tìm về đúng với chính pháp, nâng cao đời sống tâm linh thì làm gì có hiện tượng “rải tiền lẻ” bừa bãi như vậy? Nếu chùa nào ở miền Bắc cũng làm được như thiền viện Sùng Phúc, thiền viện Tây Thiên, chùa Ngọc Quán Tình, chùa Tiêu…..thì đâu đến nỗi ngân hàng nhà nước phải làm một việc chẳng đừng “hạn chế lưu thông tiền lẻ?”
Xin đừng đổ lỗi cho những “đồng tiền lẻ vô tri, vô giác”, cũng xin đừng đổ cho người dân thiếu ý thức. Mà hãy nêu câu hỏi, ban quản trị các chùa, sư trụ trì có trách nhiệm gì trong các vấn đề vừa nêu? Ở các di tích các cơ quan quản lý Nhà nước về di tích đã làm gì?
Trần Nhật Khương
(Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của một Phật tử trẻ là sinh viên Trường Đại học KHXH & NV – Đại học Quốc gia Hà Nội)