Hãy Cứ Cho Đi
Hãy Cứ Cho Đi
Người hành giả thọ trì và thực hành miên mật pháp bố thí ba la mật sẽ đem đến nhiều lợi lạc rất lớn về phước đức và trí huệ. Pháp bố thí ba la mật bao gồm: Ngoại thí, Nội thí, Pháp thí và Vô Ý thí.
Thứ nhất là Ngoại thí gồm có bố thí tiền tài, các món đồ dùng có giá trị, dùng sức lực và thời gian của mình để giúp đỡ người khác, hoặc cúng dường đồ ăn, nước uống cho người tu hành giúp họ có thêm nhiều thuận duyên trên đường tu tập. Hành trì cách bố thí này rất hay, người có thể buông bỏ việc chất chứa và đề cao cái tham lam, ngã mạn của mình. Người biết thực tập tâm từ bi, biết chia sẻ cho người đang thiếu thốn, cưu mang những người đang cần sự giúp đỡ. Không tham gia vào các hoạt động gây nguy hại đến đời sống và môi trường xung quanh. Người thương yêu các em bé trẻ thơ không đủ cơm ăn, áo mặc, đồ dùng để học tập . Chia sẻ trong lúc dân tộc đang gặp khó khăn như thiên tai lũ lụt, động đất. Dân tộc Việt Nam có một câu dân gian rất hay “Lá lành đùm lá rách”. Mọi người biết gắn kết và thương yêu nhau.
Giúp đỡ vật chất cho người khó khăn thì vật chất không bị sử dụng sai mục đích như chạy đua vũ trang, phát triển các loại vũ khí, hay thiết bị sử dụng cho chiến tranh. Một cá thể là một tế bào và đất nước là một bộ phận và cả thế giới là một cơ thể. Nếu tất cả các tế bào đều khỏe mạnh, đầy đủ thì bộ phận đó sẽ hoạt động trơn tru và tất cả bộ phận đều trơn tru thì cơ thể sẽ kiện khương. Đi ngược với Ngoại thí là tham nhũng. Hành động tham nhũng đưa người đi thẳng xuống địa ngục. Có thể bạn là người giàu có hoặc cuộc sống đầy đủ nên đối với bạn tờ 100.000 đ nó không có giá trị gì nhiều, nhưng nếu đối với một người ăn xin hoặc bán vé số thì nó khác hẳn. Họ phải lao lực công sức cả ngày và chỉ kiếm được 40.000 đ một ngày, trừ chi phí ăn uống họ chỉ để dành được 5.000đ. Khi có một vụ lũ lụt ở miền trung, họ dùng 100.000 đ tiền dành dụm trong mấy tháng trời để làm từ thiện cứu giúp người bị nạn. Nếu ăn chặn những đồng tiền bằng xương bằng máu ấy và ngăn chặn công đức của người kia thì hỏi xem người ấy có địa ngục mà đi thẳng xuống hay không. Thực hạnh giới tôn trọng quyền tư hữu giúp người không lấy của không cho, không làm giàu bất chính. Nếu biết thọ trì giới và bố thí thật là công đức vô lượng.
Thứ hai là Nội thí, là cách bố thí các phần bên trong cơ thể như máu, hiến thận, gan, mắt, tim khi ta còn sống hoặc lúc ta qua đời. Nếu sinh ra ta là một hình hài có trọn vẹn các bộ phận thân thể và tất cả đều khỏe mạnh thì thật là may mắn, nhưng có nhiều người sinh ra đã bị khiếm khuyết một vài bộ phận trên cơ thể như tay, chân, mắt hoặc các cơ quan trên cơ thể bị đau bệnh, tê liệt như ung thư, gan nhiễm mở, máu nhiễm trùng và các bệnh liên quan đến nội tạng. Hàng ngày các vụ tai nạn giao thông, hoặc các ca cấp cứu phẫu thuật diễn ra liên tục. Máu được sử dụng để truyền cho người bị tai nạn hoặc người bị bệnh, hay cơ quan nội tạng để thay thế cho người cần. Xã hội ngày càng phát triển về y khoa nhưng cũng theo đó mà nhiều căn bệnh lạ cũng phát sinh theo thời hiện đại. Việc sử dụng thực phẩm chứa nhiều hóa chất dẫn đến ngày càng nhiều người bị mắc bệnh ung thư, hoặc các căn bệnh liên quan đến thận, gan, phổi, tim. Sự tiêu thụ quá mức và phức tạp dẫn đến cơ thể chịu không nổi và bắt đầu bị hủy hoại nhanh hơn. Ví như các nội tạng có thể hoạt động tốt đến khi ta chín mươi tuổi nhưng vì dính mắc hút thuốc, uống rượu, chích ma túy hoặc sử dụng nhiều sản phẩm chứa độc tố dẫn đến phổi bị lủng, gan bị nát, thân thể gầy guộc, các cơ quan bắt đầu suy yếu và kiệt quệ dẫn đến chỉ còn có thể hoạt động trong mười hoặc hai mươi năm.
Người thực tập Nội thí là chia sẻ sự sống cho nhân loại. Được thân mạng người thật quý lắm, nếu ta biết gìn giữ và tu tập thì lợi ích không gì sánh bằng. Dòng máu của người khỏe mạnh, biết tu tập, biết yêu thương đi vào những nơi đang thiếu thốn, cần sự giúp đỡ. Sự hiện diện của tình thương của người bố thí đi vào người được bố thí, như những người công nhân sửa chửa các linh kiện bị hư hỏng và người bác sĩ chữa lành cho các vết thương.
Sự yêu thương xóa bỏ mọi thù hận và gắn kết con người lại với nhau. Chúng ta có chung một nguồn gốc, một dòng máu thì dù có căm ghét, chối bỏ thì cũng không thể tách rời dòng máu ấy, nguồn gốc ấy ra khỏi người mà ta có thể sống được. Đi ngược với nội thí cũng là tham nhũng, cướp bóc. Người đánh cắp những giọt máu, những bộ phận quý báu của người hiến tặng. Có người giết cả người hoặc hại người khác để lấy đi những bộ phận trên cơ thể đem đi bán. Sự dại dột đã khiến cho người mê muội và dẫn đến hành động xấu ác cùng tột. Và quả của gieo nhân này cũng chính là địa ngục rộng mở. Thân thể của chúng ta đây là sự hiện diện của ba mẹ, ông bà, tổ tiên và tất cả vạn vật. Một người chiến sĩ hi sinh thân mình để bảo vệ đất nước cũng là nội thí nhưng người tạo ra chiến tranh thì nghiệp không biết bao giờ mới trả hết.
Thứ ba là Pháp thí, thực tập hạnh bố thí này sẽ đem lại công đức rất lớn cho người hành trì. Để có thể bố thí được Pháp thí thì điều trước hết là người phải tự mình hành trì, tu tập, chuyển hóa các khổ đau, phiền não trong thân tâm mình. Người sẽ có nhiều an lạc và các kinh nghiệm thực tập để chia sẻ cho người khác biết sống một đời tỉnh thức, bình an và hạnh phúc. Ta thường đi chùa, được nghe các thầy, các sư giảng pháp và ta có nhiều cách tiếp cận các phương tiện tu tập và tri kiến để chuyển hóa những khổ đau. Chư Tăng và các bậc thiện tri thức là đoàn thể tu học, là những người đang đi trên con đường giải thoát, là ruộng phước điền của thế gian. Là nơi để tất cả chúng sanh cúng dường và nương tựa. Một vị tỳ kheo hay một vị cư sĩ tại gia vẫn đều có thể bố thí Pháp viên mãn như nhau. Nếu một vị cư sĩ biết giữ giới miên mật, biết hành trì tinh tấn và đi đúng con đường chánh pháp thì họ vẫn có thành tựu trên con đường đi đến giác ngộ. Công đức và lợi lạc do Pháp thí mang lại rất to lớn. Khi bố thí Pháp, không chỉ những người hiện diện được thọ hưởng mà còn có cả những vong linh, các chư thiên, phạm thiên cũng được thọ hưởng. Việc bố thí Pháp đưa người từ đau khổ đi đến an lạc, thanh tịnh; đưa người đi sai đường quẫn trí trở về với ngôi nhà của Tam Bảo, nơi có thể hoàn toàn dứt trừ mọi sầu khổ, nhiễm đắm, vô minh.
Pháp thí rất hay và vi diệu nhưng nếu đi sai có thể mang lại hậu quả khôn lường. Người chưa biết chuyển hóa, chưa dứt trừ khổ đau thì chưa thể bố thí Pháp. Nếu bố thí thì người chỉ đưa đến con đường sai lệch khiến cho người nghe đi vào khổ đau thêm mà thôi. Khi xưa Phật Thích Ca đã thuyết giảng Kinh Nền Tảng Mười Đức Tin. Qua đó hướng dẫn cho chúng sinh biết chọn con đường của chánh pháp, biết tìm cầu các phương tiện đích thực có thể đem đến lợi lạc và bình an trong cuộc sống. Nghe chỉ để nghe thôi, nghe không phải để thỏa mãn nhu cầu tranh luận, đối đáp. Nghe là để hành trì và áp dụng xem nó có đem đến hạnh phúc đích thực cho mình không, còn không thì thôi bỏ qua không dính mắc.
Thứ tư là Vô Ý thí, đây là pháp bố thí cao thượng nhất và công đức vô lượng nhất. Người hành trì và thực tập hạnh bố thí này thì phước báu không biết bao nhiêu mà kể. Khi người hành trì hạnh bố thí, tâm người trong sáng rạng ngời khắp mười phương, không vương mắc những bụi trần, như mặt hồ phẳng lặng và tươi mát. Người bố thí chỉ để bố thí mà thôi. Bố thí mà không mong cầu một lợi ích gì cho bản thân, hoặc vì một mục đích gì cả. Người bố thí sự bình an, thanh tịnh. Tâm của người đẹp như bông hoa sen tỏa ngát khắp cả khu vườn. Người quán chiếu thấy không có người nào là người bố thí , người nào là người được bố thí và vật gì là vật bố thí cả. Ngũ uẩn này không phải là ta, là của ta. Nếu là của ta thì chúng không đau khổ và hoại diệt. Thân thể do duyên mà sinh, và cũng do duyên mà diệt. Nhưng sinh diệt cũng chỉ là tiến trình biểu hiện của nhân duyên mà thôi, không gì sinh và cũng không có gì là diệt cả. Sự hiện diện của thân thể này là do cha mẹ, ông bà, tổ tiên, bốn yếu tố Tứ Đại và vạn vật trao truyền. Và rồi thân thể này sẽ già, sẽ bệnh và chết, thân thể này rồi sẽ tan rã trở về với đất, nước, lửa,gió. Ta chỉ đang mượn thân thể này và phải trao trả lại nó. Nó không phải của ta, nó vô ngã, vô tướng và vô thường. Các tướng biểu hiện đều do nhân duyên mà hợp, nhưng chớp mắt tướng ấy đã biến đổi liên hồi và sẽ tan rã trở về tánh chân không. Các tướng đang trá hình. Ta cũng vậy, người cũng vậy, tất cả các pháp đều như vậy thì có người nào riêng biệt để gọi là người bố thí và người nhận bố thí, hoặc vật được bố thí đâu. Đó là tiến trình của nhân duyên mà thôi. Quán chiếu rốt ráo và triệt để giúp người vượt thoát được tất cả các tâm độc và các tâm bất thiện. Người an trú nơi hiện tại cùng tột và cho đi tất cả.
Một vị hành giả đang sống trong tỉnh thức, biết giữ giới miên mật, hành trì thực tập tinh tấn và phát triển trí huệ tinh khôi là người ấy đã bố thí Vô Ý thí rồi. Thân thể người kiện khương, tâm thức người trong sáng, không vướng bận một tí bụi trần. Người ban tặng cho đời sự bình an, thanh tịnh. Tâm từ của người lớn mạnh, làm cho không gian xung quanh người luôn bình an và tươi mát. Chim ríu rít trên cành, hoa thơm mát, không khí mát mẻ, êm dịu. Các loài vật xung quanh đều cảm thấy an vui. Trông thấy vị hành giả này thôi tâm của ta cũng đã được thọ hưởng sự bình an rồi. Vị hành giả sống như một bông hoa cống hiến hết mình cho đời. Người biết tu là tu cho tất cả. Mình tu là do tất cả các yếu tố đang tu mà thôi. Tâm mình đang trở về với bản thể vốn có của nó là trong sạch, thanh tịnh. Thực tập các hạnh bố thí ba la mật là phương pháp rất vi diệu để đạp tan cái ngã chấp, vô minh. Người không còn phân biệt, không còn ngã chấp. Dù giàu hay nghèo, dù lớn hay nhỏ, dù già hay trẻ, dù cao hay thấp, đẹp đẽ hay xấu ác, người đều không phân biệt. Người bố thí chỉ để bố thí mà thôi. Sự bình an, thanh tịnh xua tan mọi xấu ác, xam tham.
Người được hưởng phước báu bố thí khi được nhận lấy nên phát tâm hoan hỷ. Tại vì mình có phước và đã tạo phước nên giờ đây phước duyên đã đủ nên biểu hiện. Phát tâm hoan hỷ trong sạch mà nhận sẽ giúp cho người bố thí được quả phước rất to lớn. Ta cũng phải biết cảm ơn người vì có người nên ta mới được thực tập bố thí ba la mật. Nếu không có người thì ta biết bố thí cho ai đây.
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
An Long Minh