Theo mình, có con đường nào đẹp bằng con đường tu đâu, còn bạn thì sao?

Một bậc anh hùng đã sinh ra trên Trái đất này, Người đã khám phá và để lại cho chúng sanh một kho báu quý giá, đó chính là đức Phật, bậc đại tỉnh thức. Vậy tỉnh thức là gì và phải thực tập ra sao, áp dụng nó như thế nào? Tôi xin được chia sẻ với kiến thức sơ sài của mình.

Tại sao phải biết tỉnh thức, phải biết dừng lại và phải biết quán chiếu. Trong cuộc sống dục trần này, ta luôn phải chạy theo những mong cầu đáp ứng thỏa mãn cho bản thân. Tâm này luôn tiếp xúc với tương lai mộng tưởng, với dục trần bằng sự mê chấp, vô minh và không biết đâu là bến dừng thỏa mãn.

Vậy thì sao phải biết dừng lại? Khi sống trong vội vã và chạy đua với mong cầu của bản thân, các bạn có thấy được rằng tâm mình đang phát khởi như thế nào và tâm gì đang phát khởi, sai sử mình hay không. Tâm là một dòng chảy, tâm này vừa kết thúc thì tâm khác lại phát khởi ngay lập tức. Mình sống trong vội vã nên không nhận diện được tâm gì đang phát khởi và sai sử mình. Khi ta biết nhận diện tâm thì có chánh niệm về tâm.

Có con đường nào đẹp bằng con đường tu đâu

Tâm mang tính vô thường, nó phát khởi đó rồi nó sẽ kết thúc, nó đến rồi nó sẽ đi. Tâm mang tính vô thường như vậy thì còn gì là sợ hãi các tâm độc và tâm bất thiện nữa hay không.Nếu không biết nhận diện tâm thì bị tâm bất thiện sai sử và con người chỉ mãi chạy đua với tâm.

Vào thời đức Phật còn tại thế, mọi người ai ai cũng đều hành thiền và thực tập miên mật.Và chỉ trong thời gian ngắn, số người đạt đạo giải thoát rất nhiều. Tâm nào vừa phát khởi thì biết là tâm ấy vừa phát khởi, khi tâm đang phát khởi thì biết là đang phát khởi và khi tâm kết thúc thì biết tâm đang kết thúc.Và cứ như vậy mọi lúc, mọi nơi việc hành thiền đều diễn ra một cách miên mật. Các tâm đều được nhận diện trong chánh niệm và điều phục thì còn gì là sự phân biệt tâm bất thiện hay là tâm thiện. Không còn bị sai sử bởi tâm bất thiện và không mong cầu bởi tâm thiện.

Thời Mạt pháp, con người đã dần dà quên đi gia tài tỉnh thức của đức Phật. Họ chạy đua theo hình thức và tô điểm thêm ngã mạn cho mình. Đọc đâu, nhìn đâu cũng thấy “chùa to nhất, tượng to nhất, chùa nhiều tượng nhất” và đủ thứ nhất khác. Xây một cái chùa, đắp một tượng phật phước đức người ấy thật to lớn vì biết duy trì cho đạo Phật. Nhưng lời Phật dạy nhiều hơn như vậy.

Phật là tỉnh thức và biết buông bỏ những dục trần không đáng mong cầu. Xây ngôi chùa thật là to, đúc pho tượng thật là bự cũng tốt nhưng bản thân NÊN hành trì chánh pháp thì sẽ hay hơn cả. Việc tu tập không nên dính mắc hình thức và đánh mất đi trái tim của sự tu tập đó là hành trì.

Khi con người sống trong xô bồ, vội vã họ mãi bị dòng tâm lôi kéo đi trong mộng tưởng; những giây phút Niệm Phật là những giây phút họ biết đứng lại, dành một chút thời gian lắng tâm hướng về Phật pháp và niệm Phật. Chính những giây phút ấy đã nhắc nhở họ tu tập, nhắc nhở họ phải sống tỉnh thức. Niệm Phật là một sự nhắc nhở. Niệm Phật là mình đang sống tỉnh thức, đang nhắc nhở mình tu tập, mình đang được tiếp xúc với Phật tính trong mình. Và rồi mình vỡ òa ra rằng mình phải tăng thời gian Niệm Phật hơn nữa, phải sống tỉnh thức nhiều hơn nữa để thân tâm luôn được thanh tịnh và an lạc hơn.

Bạn hãy nghĩ xem, nếu như một người cả đời sống trong lầm lỗi và tạo nghiệp triền miên, đến khi sắp lâm chung thì niệm Phật và nhờ hộ niệm thì Phật A Di Đà đến đón người ấy qua cõi Cực Lạc và người ấy vãng sanh không còn nằm trong vòng sanh tử nữa. Nếu vậy thì đạo Phật dễ quá rồi, thực tập chi nữa. Theo như pháp sư Tịnh Không thuyết giảng “Các vị hãy đi bảy ngàn dặm về hướng Tây, rồi quay lưng nhìn lại đấy chính là cõi Cực Lạc“. Ánh sáng của Phật A Di Đà là vô lượng, vô biên thì nơi đâu mà ánh sáng ấy không chiếu đến được. Ánh sáng mà nơi đâu cũng tới được thì ngay địa cầu này ánh sáng cũng tới. Cõi Cực Lạc ngay tại Địa cầu này, nơi ta đứng đây mà ta cứ mãi chờ đợi tìm tòi trong một cõi xa lắc xa lơ. Ngay trong thực tại nếu ta sống trong tỉnh thức, biết gieo sự bình an thì ngay trong giây phút ấy ta nhận được sự bình an, thanh tịnh, cõi Cực Lạc đang hiện tiền đó thôi. Đây chính là định luật của nhân quả. Giải thoát không nằm ở cuối con đường mà nó nằm ngay trên con đường bạn đang đi. Muốn giải thoát thì hành trì giải thoát ngay bây giờ.

 Chư Phật vì thương mình, thương chúng sanh mà họ đã quyết tâm đi tìm con đường giải thoát. Muốn giúp được cho chúng sanh thì trước hết phải giải thoát cho mình trước. Khi xưa lúc lệnh bà Da Du Đà La sanh em bé La Hầu La, thái tử Tất Đạt Đa rất vui nhưng ngay sau đó là sự phiền não ập đến. Thái tử thấy rằng mình giờ đây chưa đạt đạo giải thoát thì rằng con của mình cũng sẽ mãi chìm trong đau khổ. Vậy nên thái tử Tất Đạt Đa đã quyết chí ra đi tìm con đường đạo để giải thoát cho mình và sau đó là cho gia đình và tất cả chúng sanh.Nếu như lúc ấy mà thái tử Tất Đạt Đa luyến ái dục trần thì giờ đây chúng sanh vẫn không tìm ra được con đường giải thoát khổ não. Khi đã đắc đạo và giải thoát được mọi dính mắc, Phật đã quay về trả ơn cho cha mẹ bằng cách hướng dẫn cho cha mẹ đi trên con đường giải thoát, trả duyên cho vợ con bằng con đường giải thoát, trả nghĩa cho chúng sanh bằng con đường giải thoát. Điều ấy thật hay biết bao.

Vì biết thương mình, muốn thoát khỏi phiến não, đau khổ nên Chư Phật đã lo thực tập và đi trên con đường giải thoát. Phật và các vị thánh nhân cũng từ phàm phu mà đi lên đó thôi. Vậy thì mãi phân biệt rằng mình là phàm phu nên không thể thực tập giống như Phật và các vị thánh được. Mình đang xây một bức tường ngăn trở mình mà không hay biết. Phật đã để lại một gia tài tỉnh thức rồi, hãy biết thương mình đi, biết thương cha mẹ, ông bà, tất cả chúng sanh mà hãy dấn thân đi, hãy tu tập đi. Con đường đang ở ngay trước mắt đó rồi. Phải tự mình bước trên con đường ấy,vượt qua mọi thử thách, có những tuệ kiến chân thật như vậy mới tự cứu độ được cho mình. Không ai có thể tu dùm cho bạn được. Nếu tu dùm được thì Phật đã tu cho bạn rồi, bạn cứ ăn chơi thả cửa rồi cuối đời đạt quả giải thoát. Điều đó không thể được.

Phật thương chúng sanh lắm, nếu như làm vậy được thì Phật đã làm rồi đâu cần chờ bạn phải đến cầu nguyện. Qua lời dạy của Phật, của các vị thánh nhân, của Thầy, của các bạn đồng tu. Tôi biết rằng mình phải tự lực bước đi trên con đường tu tập của mình. Tôi biết thương mình, thương cha mẹ, ông bà mình, những người xung quanh mình vậy nên tôi phải tự giải thoát được cho bản thân rồi sau đó mới có thể hướng dẫn cho người thương được.Nếu thương cha mẹ bằng cách lo kiếm tiền chất đầy mấy két sắt rồi đem về cho ba mẹ xài có phải là báo hiếu tốt nhất không? Trả hiếu cho ông bà, tổ tiên có phải là lo cúng kiến bằng mâm vàng, đĩa ngọc, thức ăn xa xỉ là tốt nhất không? Trả duyên cho người bằng cách đám cưới rồi sinh con đàn cháu đóng là tốt nhất không? Thưa rằng tiền ấy ba mẹ có thể đi cùng với ba mẹ sang cõi khác không? Ông bà có thọ hưởng được những thức ăn mâm vàng đĩa ngọc được hay không? Đám cưới sinh con là giúp cho người yêu hạnh phúc hay là lại đem đến nhiều hệ lụy không những cho mình và cho cả người ấy? Theo tôi thấy rằng việc kiếm tiền ấy, việc cúng giỗ ấy, việc lập gia đình ấy cũng tốt nhưng không là cách tốt. Phương pháp ấy không thể đem lại hạnh phúc, thanh tịnh cho người thương mà bản thân mình còn vướng vào dục trần, vô minh phiền não.

Hãy bước đi trên con đường của giác ngộ, phải tự cứu lấy mình trước, Rồi trả nghĩa cho cha mẹ, ông bà, trả duyên cho người thương, cho chúng sanh. Điều ấy thật tán thán, công đức biết bao. Không những mình có thể giải thoát mà ba mẹ, ông bà, người thương ai ai cũng đều được giải thoát. Đây chính là con đường tốt nhất mà tôi đã chọn. Còn bạn thì sao?

Khi đức Phật thành đạo tại cội bồ đề, các em bé trong làng đã gặp Phật và nương tựa Phật để được Phật chia sẻ về cách thực tập tình yêu thương. Phật đã kể câu chuyện gia đình cậu bé Cát Tường. Hôm ấy em gái út của Cát Tường là Hima bị sốt nên khóc hoài không dứt. Em gái lớn của Cát Tường là Bala thấy em bé út khóc hoài không thôi nên cảm thấy bực bội và đánh đít em một cái. Thế là em lại khóc to hơn. Cát Tường vội chạy lại bế em, dùng tay đặt lên trán của em và biết là em đang bị sốt nên em khóc. Cát Tường đã hiểu được vì sao em khóc nên đã nhắc nhở bé Bala lại sờ đầu em Hima mà xem. Thế là Ba La hiểu ngay, nó ôm em vào lòng thật trìu mến và ru cho em ngủ. Hima đã nín khóc dù nó vẫn còn sốt.

Không hiểu được thì không thể thương được. Việc sống trong tỉnh thức, ta mới có thể hiểu mÌnh, hiểu người và vạn vật. Khi đã hiểu được, ta mới có thể thương mình, thương người, thương vạn vật. Ví như rằng thời đại ngày nay hễ nghe đến ăn trộm, ăn cướp, giang hồ là ai ai cũng xa lánh, chỉ trích, chê bai. Hãy thử quán chiếu xem, nếu những con người ấy được sống trong một môi trường giáo dục, có một hoàn cảnh sống đầy đủ thì họ đâu cần phải đi ăn trộm, ăn cướp làm gì. Vì hoàn cảnh túng quẫn, vì THÓI QUEN ĐUA ĐÒI, VÌ TÂM BẤT THIỆN BỨC nên họ phải làm như vậy. Mình cũng như vậy thôi, trong những lúc không thể tìm được lối thoát, tâm trở nên cuồng loạn và sẽ tìm mọi cách để nuôi sống bản thân mình. Còn có những trường hợp rằng họ đang sống trong một môi trường giàu sang, khá giả nhưng vì không điều phục được lòng tham họ đã bị tâm tham lấn áp và dẫn đến con đường phá sản, rồi trong con đường túng quẫn họ phải đi làm những việc bất thiện để nuôi bản thân mình. Chẳng phải họ đáng thương lắm sao. Con người ai mà không có lúc phải phạm sai lầm. Hãy cho họ một nơi nương tựa, hãy cho họ cơ hội được nhận diện những chất liệu yêu thương trong họ. Họ đang rất cần những cánh tay chia sẻ. Khi mình phạm sai lầm cũng như họ thôi, mình cũng cần sự tha thứ và bao dung để làm lại cuộc đời. Vậy thì sao phải ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân mình mà không bao dung, vị tha cho người. Hãy đem đến cho họ một con đường mới, một cuộc đời mới không phải xã hội sẽ tốt đẹp hơn sao.

Trong đợt về quê vừa rồi, tôi có chia sẻ với một người bạn về bố thí ba la mật. Bố thí không mang tâm phân biệt, không mong cầu điều gì. Bạn tôi hỏi tôi rằng : “Có trường hợp những người giang hồ đã ép buộc những  em bé, người già đi ăn xin rồi về nộp tiền lại cho họ. Như vậy có nên bố thí hay không? Nếu bố thí thì mình đang làm giàu cho những kẻ giang hồ bất lương ấy.” Nếu mình không giúp những em bé thì khi trở về chỗ trú ngụ, chúng có thể bị đánh đập và bị bỏ đói bởi những người ép chúng đi ăn xin. Trách nhiệm của xã hội là phải ngăn chặn những kẻ lạm dụng trẻ con để nuôi thân, đồng thời tìm cách giúp đỡ trẻ em môi trường được nuôi dưỡng và được học tập.

Khi xưa đức Phật không bao giờ nói rằng những người bất thiện, nhu nhược, hiểm ác thì không nên cứu độ họ, giúp họ đi trên con đường giải thoát. Chính những con người ấy, những chúng sanh ấy là những người đang bị con đường lầm lỗi lôi kéo VÀ xa ngã. Đó là những người bị bệnh rất nặng. Cần được cứu chữa hơn ai hết. Phật có chọn chữa cho những người bệnh nhẹ hay không bệnh mà không chữa cho người bị bệnh nặng hay không. Ta phải hiểu được như vậy mà phát tâm bình đẳng không mang sự phân biệt, nguyện dùng lấy tình thương này, tấm lòng bao dung này mà ôm lấy tất cả những niềm đau, hãy xoa dịu nó và điều phục cho nó về con đường an lạc. Hãy thực tập yêu thương mình đi và yêu thương tất cả vạn vật đi. Hãy thực tập yêu thương cả những người mình cho là đem đến khổ đau, phiền não cho mình. Khi gặp một vấn đề không hay, có thể người ấy chửi mắng mình, xua đuổi mình. Biết rằng người ấy đang bị tâm sân sai sử, người ấy đang khổ đau. Mình không nên giận một người đang khổ đau.

Một buổi sáng đẹp trời tôi đứng trên lan can trước nhà nhìn xuống dòng người đang tấp nập chạy qua chạy lại. Có những người nhìn thấy ngôi nhà to quá, đẹp quá và họ ngắm nhìn ngôi nhà. Thế là trong lòng tôi nảy sanh sự ngã mạn, “nhà của ba mẹ tôi đấy, nhà tôi đẹp không và tôi sung sướng biết nhường nào”. Tôi biết mình còn ngu muội nên mãi sống trong ngã chấp dục trần. Rồi tôi nghĩ đến mộ của ông tổ tôi. Mộ ông xây to quá, đẹp quá, nào là tháp cao, chạm rồng. Nhưng ông vẫn đang bị vương vấn chưa siêu thoát thì việc xây ngôi mộ to, đẹp có giúp được công đức cho ông có thể giải thoát hay không. Cái ngã mạn của một con người đang còn hiện diện nơi đây, mình đang có ngã mạn và ông tổ mình cũng như vậy. Ông thấy rằng à con cháu mình xây cho mình ngôi mộ to quá, đẹp quá, cúng kính mình nhiều quá. Ai đi ngang qua cũng trầm trồ khen ngợi. Vậy thì mình cần siêu thoát chi nữa, đi đâu chi nữa ở đây sung sướng quá rồi. Ông vẫn còn vương vấn chưa siêu thoát được, nay lại tăng thêm những ngã chấp không đáng mong cầu. Vậy thì thật sự việc ấy có nên hay không, có giúp được ông bà hay không? Là con cháu nên tôi không dám nói này nói nọ và biết rằng mình hãy thực tập đi, hãy biết thương yêu ông bà cha mẹ mà lo tu tập để hồi hướng tìm ra con đường giải thoát cho người thương của mình.

Mình đang mang trong mình những tế bào của tổ tiên cha mẹ, những dòng máu của tổ tiên cha mẹ.Khi mình thực tập thì những tế bào ấy cũng đang thực tập. Vậy thì mình ơi, mình hãy lo tu tập đi thôi. Không  con đường nào đẹp bằng con đường tu cả. Quán rộng hơn tôi nghĩ đến các vong linh đang còn vương vấn chưa được siêu thoát. Họ đang mang trong mình những đau khổ chưa thể chấm dứt. Khi cúng tổ tiên MÌNH HAY cầu xin cho mình được giàu sang, được như thế này như thế nọ. Các vị vong linh nay lại phụng sự thêm cho sự tham cầu ích kỉ. Vô tình chung họ lại vướng mắc thêm những ràng buộc không thể siêu thoát. Mình biết thương mình vậy sao không thương họ đi, không cứu giúp họ đi mà lại còn đưa họ thêm vào con đường đau khổ. Và sự thật rằng phước ai làm người nấy hưởng chứ người ta đâu thể giúp cho mình được. Mình tạo phước thì mình nhận phước, không tạo thì không có để mà nhận. Tại sao còn tham lam không làm mà lại “chờ sung rụng”.  Khi xưa đức Phật thần thông như thế, nếu có thể hóa cả cõi Ta Bà này thành kim cương , vàng bạc để con người có thể sống thảnh thơi không phải tranh giành, đấu đá thì người đã làm rồi, Đâu cần phải đợi đến khi chúng sanh cầu mong Phật mới làm. Phật thương yêu chúng sanh biết mấy. Nhưng nếu chìm trong hình thức hỷ lạc của dục trần, mãi chìm trong luân hồi của tử sanh điều ấy Phật có muốn đưa chúng sanh đến những con đường ấy không. Vậy sao ta không biết buông bỏ những ngã chấp, mê muội, vô minh nhiễm đắm trong dục trần mà không biết dừng lại.Con đường giải thoát Phật đã để lại rồi đấy, nó đang có sẵn đó thôi. Hãy vượt qua mọi cám dỗ của bản thân, của dục trần, vượt qua mọi thử thách gian nan để bước đi trên con đường tỉnh thức. Điều ấy làm Phật vui lắm thay, mừng lắm thay.

“ Hiểu để mà thương mình, thương người, thương vạn vật .”

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

An Long Minh

Sachminhthanh.wordpress.com

Phật Pháp Ứng Dụng