Bố thí là một trong sáu pháp môn (bố thí, trì giới, nhẫn nại, tinh tấn, thiền định, bát nhã) giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm bồ đề rộng lớn để tự độ mình và độ người ra khỏi biển sinh tử luân hồi, chạm đến bờ giác ngộ.
Bố có nghĩa là cùng khắp. Thí là cho, là trao tặng. Bố thí là cho cùng khắp, cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi nơi. Paramità dịch âm là Ba La Mật Ða, nói tắt là Ba La Mật (parami). ‘Para’ có nghĩa là bờ bên kia, ‘mi’ có nghĩa là đi đến. Bố thí Ba La Mật có nghĩa là băng qua con sông Bố thí (dànanadi) và đến được bờ bên kia. ‘Bờ bên này’ có nghĩa là bờ tham lam, bỏn xẻn, con sông là sự Bố thí, ‘bờ bên kia’ là bờ đại bi. Ngoài ra, ‘bờ bên này’ còn có thể được hiểu là bờ tà kiến chấp trước, ‘bờ bên kia’ là bờ Trí huệ; ‘bờ bên này’ là bờ sanh tử luân hồi, ‘bờ bên kia’ là bờ Niết Bàn giải thoát. Ta bắt đầu qua sông, nhưng do chưa đủ duyên hay phước báu để thực hành bố thí nên đến nửa đường ta lại quay trở về, đó không gọi là Ba La Mật. Ví như khi thấy một bà cụ già bán vé số, người mẹ thấy người con tặng tiền thì mẹ suy nghĩ lại thôi không tặng nữa. Hay khi ta bố thí mà mong được trả ơn hoặc muốn được vinh danh thì cũng không được gọi là bố thí trong sạch.
Bố thí Ba La Mật là bố thí cả vật chất lẫn tinh thần bao gồm Tài thí, Nội thí, Ngoại thí, Pháp thí, Vô úy thí một cách thật trong sạch. Trong sạch ở đây có nghĩa là cho chỉ là cho, không mục đích gì khác. Tài thí là đem tiền bạc, của cải của mình ra tặng người khác như trao quà, tiền cho người nghèo, người bệnh, cúng dường xây chùa, xây mái ấm, viện dưỡng lão… Không lãng phí tiền bạc vào các trò chơi và mua sắm xa xỉ phẩm cũng là một cách bố thí.
Nội thí là tặng những gì trong thân thể mình như nội tạng, hiến máu… Thí nội tài là một cử chỉ hy sinh cao đẹp nhất mà chỉ những người giàu lòng từ bi, bác ái mới làm được. Khi còn sống, còn khỏe, chúng ta có thể hiến máu cứu người. Khi qua đời, mình có thể hiến xác cho bệnh viện để sử dụng các bộ phận của cơ thể cho người đang bị khiếm khuyết. Hành giả khi thực tập Thiền tuệ nhận diện được tính không của ngũ uẩn, danh sắc, ta không phải là ta, sắc thân này không phải của ta, tất cả đều vô thường và vận hành theo quy luật thành trụ hoại không, từ đó buông bỏ sự sở hữu hình tướng và dâng tặng với tâm hoan hỷ cứu người.
Thí thứ ba là ngoại thí, ban tặng những vật ngoài thân mình như thức ăn, trang phục, xe cộ, đất đai, nhà cửa… Dành thời gian và sự có mặt của mình cho người thân, cùng lắng nghe, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống cũng là một cách bố thí dễ thương.
Trong các phép thí, loại bố thí cao thượng nhất chính là Pháp thí. Phước đức của một người được nghe chánh pháp, hành trì theo, đạt được quả vị giải thoát cao gấp ngàn lần tất cả núi tu di trên thế gian. Khi giác ngộ, người sẽ giáo hóa và cứu độ được nhiều người khác và những người ấy lại tiếp tục ban pháp cứu khổ cho nhiều người khác nữa. Pháp thí giúp đỡ nhân loại rất nhiều về phương diện tinh thần, không riêng gì đối với người nghèo khó, mà cả người giàu sang, chức tước; không phải chỉ có ảnh hưởng tốt trong một giai đoạn, mà gieo nhân lành cho nhiều đời kiếp về sau. Riêng tự thân người tu hành miên mật theo giáo lý của Đức Phật, bỏ dữ làm lành, cải tà quy chánh cũng là một sự bố thí cao đẹp cho đời. Một bạn lớp trưởng học giỏi, đạo đức, hay giúp đỡ bạn bè trong lớp, ngoan ngoãn với thầy cô sẽ là một tấm gương sáng cho các bạn cùng lớp noi theo. Một lớp ngoan, giỏi sẽ được nhiều lớp khác noi theo và cả trường sẽ cùng tiến bộ, xã hội tương lai sẽ chào đón một thế hệ trẻ tài đức lên ngôi. Nói công đức vô lượng là như thế.
Loại bố thí cuối cùng là vô úy thí, có nghĩa bố thí sự không sợ hãi. Muốn bố thí bình an, trước tiên chúng ta phải tôi luyện cho mình sự mạnh mẽ từ trong tâm. Quán chiếu được sanh già bệnh chết, tiền tài danh vọng… tất cả đều vô thường nên cõi lòng không còn xao động, thân tâm luôn an tịnh trước mọi đổi dời của thế gian. Nếu trong ta có quá nhiều sợ hãi và khổ đau thì năng lượng từ bi không thể được nuôi dưỡng và phát triển. Đời đã là bể khổ nên đừng làm bể đầy hơn vì những nỗi sợ vô hình của mình. Đã mang nghiệp vào thân thì không tránh khỏi vay trả. Thấu hiểu được chân lý giả tạm của cuộc đời, ban tặng sự bình an cho bản thân và người thương chính là đang giúp mình và người tát bớt khổ đau hiện tiền. Như người mẹ ôm ấp đứa con đang khóc vào lòng vỗ về, dùng tình thương của mình xoa dịu làn sóng sợ hãi.
Trong một lần đi hành hương, đoàn chúng tôi thấy một con chó bị xe đụng chảy máu đang vùng vẫy đau đớn bên vệ đường. Không chút ngần ngại, một vị thầy trên xe đã nhanh tay xuống vỗ về chó, bảo chó hãy ngồi yên để thầy bế vào nhà người dân băng bó. Một vài cô Phật tử lo lắng không biết con chó ấy có bị bệnh dại hay không, sợ nó đang hoảng hốt sẽ cắn nhầm thầy… Nhưng với tình thương dạt dào từ tâm tỏa ra, sau câu nói ấy, chú chó thu mình nằm yên một cách ngoan ngoãn để thầy và mọi người cứu chữa. Việc làm của thầy không chỉ ban tặng sự bình yên cho chó mà còn cứu được sinh mạng một chúng sinh đang gặp nạn. Sau chuyến đi ấy, đoàn chúng tôi đã có được một bài học vô cùng quý giá về lòng từ cứu chúng sinh không phân biệt của chư Tăng.
Khi mang của cải, vật chất, sự sống, sự hiểu biết, sự giúp đỡ, sự bình an… tặng cho tất cả chúng sinh, không phân biệt, vô điều kiện, không có bất cứ một dụng ý hay yêu cầu nào, phát tâm bố thí một cách hoan hỷ, không cầu lợi, không cầu danh; kể cả khi thực hành bố thí bị người nhận bố thí làm điều trái ý, nghịch lòng mà tâm mình vẫn hoan hỷ, không phiền muộn, khổ đau; thực hành bố thí với tấm lòng như thế gọi là Bố thí Ba la mật. Như Bồ Tát bố thí một cách bình đẳng với tất cả mọi loài, không bao giờ nghĩ rằng phải bố thí cho người lớn chứ không cho trẻ em, phải bố thí cho người tu hành chứ không cho người thường, phải bố thí cho người chứ không cho thú vật, phải bố thí cho Hòa Thượng chứ không cho chú tiểu. Bồ Tát bố thí không kể ngày hay đêm, mùa đông hay mùa hè, trời tốt hay trời xấu. Bồ Tát bố thí cũng không cầu được phước báo hay với mục đích là thực hiện thực tướng của sự bố thí. Vì lòng Người đã là bờ đại bi, bờ Niết Bàn nên người không cần băng qua con sông bố thí nào cả. Bố thí chỉ để bố thí mà thôi. Cứu một con cá cũng như cứu một con người. Giúp một trẻ em cơ nhỡ cũng như giúp một cụ ông, cụ bà neo đơn. Đi từ thiện ở chùa, viện dưỡng lão hay mái ấm là như nhau. Cúng dường cho một chú tiểu nhỏ cũng như cúng dường cho một vị Hòa Thượng. Biết đâu sau này chú tiểu tu hành giỏi giang sẽ giúp được nhiều người như vị Hòa Thượng kia… Giúp chúng sinh không kể hình tướng như thế gọi là bố thí không chấp tướng.
Bố thí không chấp tướng là bố thí với một dụng ý trong sạch, đúng với ý nghĩa của bố thí. Trong khi bố thí, vì lòng từ bi bình đẳng mà mình xem chúng sinh như con, nên không sinh tâm vị kỷ, không phân biệt quen hay không quen, thương hay không thương. Chúng ta biết tài sản cũng như thân mạng mình đều là giả tạm, vô thường, nên không tham lam, tiếc nuối. Chúng ta biết cái ngã không có thật, nên khi cho không thấy ai là người cho, ai là người nhận, không tự cao, tự đại mà ngược lại phải cảm ơn người nhận bố thí vì đã tạo duyên lành cho mình thực tập chánh pháp. Bố thí với một tâm địa trong sạch như trên sẽ được phước báu thanh tịnh, mới đúng là Bố thí Ba la mật. Ví như khi ta cho đi một đồng mà muốn phước điền thì phước nhận lại sẽ được tương đương một đồng; còn khi ta cho đi một đồng, mong người nhận được no đủ, hoan hỷ thì phước nhận lại sẽ được mười lần; hay khi ta cho đi một đồng và kêu gọi nhiều người cùng chung tay đóng góp, tình thương trải ra, nhân rộng khắp thì phước báu nhân lên vô lượng vì tình thương là thứ cho đi không bao giờ mất mà lại còn tăng trưởng mạnh hơn. Bố thí không phân biệt, không mong cầu với một tâm thiện lành, hoan hỷ như thế sẽ làm cho hạnh bố thí vô cùng trong sáng và dễ thương.
Ngược lại, nếu bố thí mà còn phân biệt kẻ sang người hèn hay phân biệt đối tượng được phước thì đó gọi là bố thí chấp tướng, nghĩa là bố thí với một dụng tâm không trong sạch. Bố thí xuất phát từ tâm mà ra, là một pháp môn để tự độ và độ tha. Nhưng nếu bố thí với một dụng tâm khác như cầu danh, cầu tài lợi thì gọi là bố thí chấp tướng hay sự đầu tư. Một số doanh nghiệp hay cá nhân đưa từ thiện vào nghiệp vụ quan hệ công chúng (PR) thường niên để quảng bá thương hiệu rộng rãi trên thị trường. Không hẳn là các doanh nghiệp không có tâm làm từ thiện. Chỉ vì áp lực truyền thông, áp lực doanh số mà họ tối ưu hóa tất cả chi phí bỏ ra để đạt được mục đích. Tuy nhiên cũng không nên quá lợi dụng lòng tốt của đại chúng, mượn hình ảnh những hoàn cảnh đáng thương để được lợi cho mình.
Có người nói nghèo quá lấy gì bố thí. Một người đi ngang chùa trong túi có 100 ngàn, người đó cúng hết 100 ngàn. Một người nghèo hơn đi ngang chùa trong túi có năm ngàn, người đó cúng hết năm ngàn. Một người không có tiền đi ngang thấy hai người cúng dường, sanh tâm hoan hỷ, vỗ tay tán thán. Ba người phước ngang nhau. Đức Phật không đòi hỏi thí chủ phải cúng bao nhiêu tiền, bao nhiêu vật thực. Ngài Ca Diếp thậm chí dùng ngay tại chỗ bát cơm hẩm cúng dường của bà cụ nghèo một cách trân trọng. Của ít lòng nhiều. Lòng ở đây là tâm cung kính, là tình thương và sự tu tập của người bố thí. Mẹ bảo con thương mẹ, con dâng tặng mẹ thời gian ở cạnh bên, lắng nghe và chia sẻ tâm sự với mẹ, cùng mẹ ăn cơm thì mẹ đã vô cùng hạnh phúc. Làm lụng vất vả, đi khắp thế gian mua của ngon vật lạ về biếu mẹ chưa chắc mẹ đã thấy vui. Thầy nói con thương thầy, con lo tu tập để đạt được quả vị giải thoát, cứu độ nhiều người, rải tâm từ cho toàn thể chúng sinh là trả hiếu cho thầy rồi. Qua đó, ta có thể thấy bố thí tình thương, sự hiếu đạo, sự tu tập không những không tốn kém mà còn làm cho phước điền được trải đều khắp nhân sinh.
Một lần đi du lịch ở Vũng Tàu, đang nằm nghỉ trên bãi biển, tôi thấy có một em bé đến xin ăn một cặp vợ chồng khá sang trọng. Người vợ bỏ thức ăn vào chiếc bịt ny lông và ném ra xa để em bé chạy theo lấy ăn. Lần khác ngồi ở cửa chùa, tôi cũng vô tình thấy một bà cụ nắm tay cháu mình đến tặng hai nghìn đồng cho một ông lão ăn xin với một thái độ rất cung kính. Sau khi lấy hai tay biếu tiền ông cụ, cháu bé chắp tay chào ông bằng câu A Di Đà Phật. Ba ông bà cháu đều mỉm cười an lạc. Một hành động bố thí trong hai hoàn cảnh khiến người chứng kiến phải suy ngẫm về câu ‘Của cho không bằng cách cho’. Con người sinh ra và lớn lên không ai muốn đi xin ăn, trừ những trường hợp bất đắc dĩ. Ai cũng có lòng tự trọng. Khi quán chiếu được tánh không của Bố thí Ba La Mật, ta thấy không có ai là người cho, không ai là người nhận cũng không có vật bố thí mà chỉ thấy sự biến chuyển, diễn tiến và sinh diệt của vô số nhân duyên. Các pháp không tự tánh cho nên sự bố thí cũng không có tự tánh. Người cho và người nhận là giả danh của hợp thể ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), đồ vật được cho là giả danh của một hợp thể vô số chất liệu. Nếu không có người nhận thì vật thí nhiều cách mấy người cũng không cho được. Do đó, người bố thí phải biết cảm ơn người nhận bố thí vì họ đã tạo điều kiện cho mình làm phước và thực tập buông bỏ tâm tham, ngã mạn của tự thân.
Không có gì trên thế gian mà cơn lũ của cái chết không cuốn theo nó. Những gì mà ta trân quý như một cái ta, thân thể của ta, tài sản của ta, gia đình của ta…, một khi thần thức mất rồi thì có còn gì nữa đâu. Trời vô thường, đất vô thường, người vô thường, danh vọng, tiền tài rồi cũng vô thường… thì tại sao ta lại cứ thích ôm vào? Thực tập buông bỏ, sẻ chia với người đang thiếu thốn, cưu mang những người đang cần sự giúp đỡ, cho đi đến tận cùng với tất cả tình thương, mong chúng sinh luôn được an vui chính là thực tập hạnh bốn tâm vô lượng của Chư Phật và Bồ Tát. Như lòng mẹ bao la cần mẫn, dù thịt nát xương tan, dù trăm cay ngàn đắng vẫn vui cười, nguyện một lòng vì hạnh phúc trường tồn của con, không một lời ai oán. Dù cho sanh mạng mất tất cả, tình thương với các con vẫn bao la thiên hạ. Từ bi thênh thang như trời xanh. Đây đích thực gọi là Bố thí Ba La Mật.
Tường Lam
http://sachminhthanh.wordpress.com/
Theo Phật Pháp Ứng Dụng