1. Hôm kia, và đâu đó, lâu lâu tôi lại đọc được một dòng triết lý về tình yêu thế này: những người yêu nhau thì sẽ tìm thấy nhau, hay sẽ lại tìm thấy nhau, tìm về bên nhau.
Điều đó có nghĩa là, khi trong mỗi người còn (sót) lại tình yêu-thương trao về cho nhau thì chắc chắn sẽ tìm nhau, để được gặp nhau, bên nhau. Nhưng, ở trường nghĩa vô hình vô tướng cũng có thể hiểu là, dẫu có không đi chung đường nữa, không thể hay không còn gặp nhau được nữa thì những người yêu-thương nhau vẫn “gặp” nhau trong ý niệm, thao thức hướng về nhau: người kia sẽ hiện diện trong miền nhớ miên viễn của người này và ngược lại.
Chính sự gặp nhau, còn gặp lại nhau – dẫu là hình tướng hay vô hình đi nữa thì những người còn có tình yêu, còn dưỡng nuôi tình yêu với một ai đó sẽ còn có lý do để sống, để hy vọng hay để có được cảm giác nhớ nhung, chờ đợi, thấy sự đợi chờ và được sống (để yêu thương) là một điều thật ý nghĩa.
2. Không phải ai đến với nhau, sống cùng nhau cũng yêu thương nhau và không phải ai yêu thương nhau cũng có thể sống cùng nhau dưới một mái nhà. Có khối người đã sống trong nỗi niềm bất đắc ý như thế này. Đó có thể là “oán tắng hội” mà cũng có thể là “ái biệt ly”(*), để rồi ai trong hai trường hợp ấy cũng cắn răng mà sống, cắn răng chịu đựng và bước qua cho xong một đoạn đời đầy giông bão, để cho những giằng xé gặm nhấm tâm tư mình.
Ở đó, có sự cam chịu – một thứ yếu đuối tồn tại song song trong sự an phận, không dám tranh đấu vì đã bị đốn hạ mất vũ khí đấu tranh là lòng can đảm, tình yêu thương đủ lớn cũng như sự vô úy trước những thế lực xung quanh lớn mạnh, và quan trọng là trước định kiến xã hội vốn đã ăn sâu, cắm rễ vào trong nếp sống con người, làm tê liệt hết mọi đường hướng, ý thức đấu tranh cần thiết cho hạnh phúc của mình. Tất nhiên, trong ý thức tranh đấu, bảo vệ hạnh phúc cá nhân cũng có cả hạnh phúc của người khác, ít ra là người liên đới, để dẫu không có được hạnh phúc một cách vẹn tròn thì ít ra cũng không tạo ra đổ vỡ, đau khổ triền miên nơi mình, nơi người.
Trở lại với mệnh đề chung sống và không được chung sống ở trên, để nhắc về sự may mắn và cần trân quý sự may mắn mà bạn hay ai đó đang còn có được là: có thể sống với người mình yêu thương trong một mái nhà, để có thể sẻ ngọt chia bùi, đồng cam cộng khổ, cùng nhau kiến tạo một cuộc sống an vui dẫu cuộc đời có ba chìm bảy nổi. Khi đó, khó khăn đương nhiên chẳng có sá chi nếu “đồng vợ đồng chồng”, nếu tình yêu còn lớn mạnh và lòng vị tha còn đủ rộng để bao dung – theo nghĩa “biển Đông còn tát cạn”, huống hồ những vướng mắc, hiểu lầm thường ngày, nhỏ nhặt?
3. Khi một mối quan hệ có “vấn đề” thì dù gặp một chuyện nhỏ bé như cây kim cũng có thể là “chuyện to” trong sự tiếp nhận của mỗi người. Bởi vì, khi đó, mỗi người sẽ luôn cân đo đong đếm thiệt hơn, xét nét từ chút một với người thân thương (trước đó).
Khi đó, ta sẽ thấy mình là “nạn nhân” còn người luôn là “tác nhân” gây ra những đổ vỡ, những sự hục hặc trong mối quan hệ của hai người.
Khi đó, ta luôn thấy mình là người xây dựng còn ai kia là kẻ đạp đổ mọi thứ.
Khi đó, người ta thương trước đó trở thành kẻ đổi thay, bớt đẹp hay chẳng còn tí gì đẹp đẽ trong mắt mình.
Khi đó, ta sẽ đổ lỗi cho ai đó thay vì nhìn nhận một phần lỗi của mình để có thể cảm ơn, xin lỗi và hứa với lòng mình, là dù còn có may mắn đi tiếp với người này hay sẽ sang bến mới thì mình sẽ cố gắng để “không lặp lại lỗi lầm xưa”. Chính vì không làm được như thế mà đại đa số, hậu kỳ những cuộc tình vỡ luôn luôn là bới móc, nói xấu nhau thay vì trung dung nhìn lại để “hiểu và thương”.
Sự cạn cợt trong yêu thương khiến ta trở nên cạn cợt trong cái nhìn, thì lúc ấy “làm mới” nếu còn khả năng cứu vãn thì may thay. Song, nếu duy trì và cố duy trì một hình thức đẹp trong khi nội dung thì đã trồi sụt, đã trở nên chống báng nhau, hơn thua nhau, chông chênh ít nhiều… thì chỉ khiến mối quan hệ ấy đi xuống trầm trọng hơn, đến mức quay lưng 180 độ: từ yêu thương thành hờn ghét, oán hận nhau mất thôi.
Vì vậy, thiết nghĩ, có nhiều mối quan hệ không nhất thiết bạn phải giữ lại một cách “cố đấm ăn xôi” vì đơn giản, bạn phải biết rằng: để nó trôi đi, đặt một dấu chấm hết khi còn có thể dừng lại trước vạch an toàn, có khi còn may mắn hơn bội phần. Thực tế, nỗi sợ đổ vỡ hay sống vì những định kiến nào đó trong một mối quan hệ cụ thể như người yêu, vợ chồng… khiến người ta cố nắm níu, nhưng càng vậy thì càng bế tắc, càng mệt mỏi, càng hãi hùng.
Lúc ấy, lời khuyên buông-bỏ trở nên thấm thía, trở nên có giá trị nhưng nếu nó chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết, thiếu một sự thực hành nghiêm túc, kiên trì thì có khi sẽ chỉ là một ước nguyện mơ hồ, mèo vẫn hoàn mèo, nỗi khổ đau và bức bách đến nghẹn họng, nghẹt thở sẽ đeo đuổi bạn từ ngày này tới tháng khác. Sống vậy cũng là đang sống trong tù ngục và kết cuộc là “xôi hỏng bỏng không”!
4. Ta và người ta thương cũng vô thường. Có nghĩa là, ai cũng sẽ-phải đối mặt với chết chóc bất thường, hôm nay đây, ngày mai hoặc chốc lát nữa. Chính vì thế, nếu còn thương nhau thì hãy thứ tha cho nhau, hãy vượt qua những định kiến đã đến với nhau hay về lại bên nhau. Giận, ai cũng còn, nếu là người: còn buồn-vui, còn tham muốn. Nhưng, là người học Phật, giận không thể giống với người chưa bao giờ học và thực tập lời Phật dạy.
Ta đang giận, giận người mình thương, gọi tên và nhớ đến cuộc tử sinh chốc lát, để xí xóa, để lòng mình sớm nhẹ tênh vì đã được chuyển hóa. Ta không thể để cơn giận trong ta làm mình khổ và người thương của mình muộn phiền, vì biết đâu… Khi nghĩ tới sự vô thường, ta sẽ nhanh chóng tìm gặp người mình thương để giãi bày, bộc bạch, để nói một lời xin lỗi nếu đó là lỗi lầm của mình và để nhẹ nhàng đón nhận lời xin lỗi nếu đó là tì vết do người tạo ra. Vì ta biết, ta vẫn còn thương người và ta cũng thừa hiểu, họ thương ta cũng nhiều y như vậy, không kém – thì tại sao lại đặt lên vai nhau một tảng đá nặng ỳ mang tên hờn giận? Sự thực tập này cũng là sự thực tập từ bi với chính mình và với người thương.
Không để cho cơn giận biến thành cơn cuồng nộ để rồi có những ý nghĩ, lời nói, hành vi gây đổ vỡ cũng chính là ta đang xây dựng tình thương thêm lớn, để mối quan hệ của mình trở nên bền chặt, đủ lực mà chống chọi với phong ba cuộc đời. Khi cùng với người mình thương vượt qua được những chướng ngại, hiểu lầm hay có thể bỏ qua để họ được có cơ hội sửa mình là ta đang đóng góp giá trị cho sự thăng hoa tình cảm, để chữ biết ơn thấm đẫm trong nếp nghĩ về nhau.
Thực ra, để làm được điều đó thì mỗi người phải thực tập kỹ càng, hiểu giáo lý từ bi, nhân quả, vô thường…, từng bước ứng dụng và kiên trì ứng dụng chứ không phải một sớm một chiều mà có thể làm được. Vì thế, nếu một vài lần đầu bạn thất bại, chưa thực sự làm tốt được chức năng của một người đang đem tình thương chân thành trao tặng tới người mình thương thì cũng đừng vội nản, đừng vội đầu hàng hay sớm kết luận mình dở. Chúng ta hoàn toàn có thể tỉnh thức để gọi đúng tên những tâm hành vừa thoáng qua trong cảm thọ và trong biểu hiện, hồi ứng với những biểu hiện của cuộc sống, chỉ có điều ta chưa thực tập dài lâu, tập khí cũ vẫn còn chi phối. Hãy cố lên!
Lưu Đình Long
Theo Giacngo
(*) Oán tắng hội: Oán ghét phải gặp nhau; Ái biệt ly: Yêu thương phải xa lìa