Mấy hôm nay, sau vụ án thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước, với 6 mạng người ra đi vì hận tình mà nên nỗi, tôi lại đọc đi, đọc lại hai câu thơ của Nguyễn Thiên Ngân: “Vì thương nhau quá phải dừng/ Biết nhau thanh thản thì mừng cho nhau”. Và thấy, yêu như thế thật đẹp. Giữ tình yêu trọn vẹn, trong trẻo chứ không phải giữ người yêu bên cạnh mình một cách cố chấp.
“Nếu bạn thích một bông hoa, đừng ngắt nó ra khỏi cành. Bởi vì nếu bạn ngắt nó, nó sẽ chết và không còn là bông hoa đẹp cho bạn ngắm nhìn nữa.
Yêu thương không phải sở hữu/ Mà yêu thương là trân trọng” –Osho
Thi thoảng, ta và nhiều người vẫn thường ngộ nhận điều đó, cố giữ, cố níu kéo một người và nghĩ đó là giữ tình yêu. Khi thuở ban đầu và hiện tại không còn được như nhau nữa, người hoài cổ thường luyến tiếc và hành xử cuồng dại.
Khổ đau hay gây đau khổ cho người khác vốn không phải là cách để cứu lấy tình yêu mà là đánh mất cơ hội để yêu và được yêu.
Nghĩ thế, rồi lại nhớ những lời dạy con “chấn động” lòng người của vị chính khách Đài Loan, ông Tôn Vận Tuyền gửi gắm: “Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác này tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi”.
Vậy thì, việc cần thiết ở đây chính là chấp nhận, như một biểu hiện của tình yêu mà mình dành cho ai đó. Yêu thương một người vì thế là quá trình, trước, trong và sau khi mối quan hệ ấy kết thúc – chuyển sang một mối quan hệ khác, gọi tên bằng cách khác.
Dạy cách yêu thương dường như thiếu thốn trong nhà trường và gia đình nên khi yêu người ta cuồng, vội với cảm xúc, sẵn sàng sống thử, chung sống với những hứa hẹn cảm tính mà thiếu cam kết lâu dài, tạo ra ảo tưởng về nhau và về cuộc sống phía trước của hai người nên khi thực tế không như dự tính, không như mộng mơ đó thì thất vọng vây kín, dẫn tới hận thù là hệ quả.
Giá như người trẻ được dạy rằng, “khi một khoảnh khắc tình yêu qua đi, nếu con vẫn còn để trái tim mình trong trẻo lành lặn, tự khắc sẽ có một tình yêu khác đến. Nếu làm tổn thương mình chỉ vì không có được tình yêu của người khác, có phải con quá tàn nhẫn với bản thân con hay không?
Và nếu làm tổn thương người khác chỉ vì không được yêu như ý muốn, có phải con quá vô lý hay không, bởi kể cả họ đã chết, có phải con sẽ không bao giờ được họ yêu thương, và sẽ không bao giờ có được cơ hội yêu thương trong trẻo một lần nữa?
Con lấy quyền gì để yêu cầu tình yêu từ người khác? Cho nên, từ bỏ cũng là một loại vốn. Đó chính là vốn cơ hội. Khi từ bỏ một điều không còn phù hợp, một người không còn yêu con nữa, đó là cơ hội cho con có một tình yêu khác. Nhưng quan trọng hơn, đó chính là cơ hội tự do cho người mà con đang yêu thương” (*) – thì có lẽ mọi tình yêu đến đi đều có thể là “tùy duyên”, quan trọng là ta đã hết lòng rồi.
Bối Bối