Thời Phật còn tại thế, các vị tỳ kheo chỉ ba y một bát, không cầm nắm thêm hay giữ một điều gì, nên người tu chứng quả vô số, ngàn người tu, ngàn người chứng.
Một người chủ có một trang trại nuôi bò rất lớn, một hôm ông hớt hãi chạy tìm dáo dát vì có một số bò vừa bị thất lạc. Lão ta vừa đi, vừa chạy với vẻ thểu não mà hỏi quý thầy rằng, “này các ông thầy tu ơi, hồi nãy đến giờ có thấy đàn bò của tôi gần 50 con chạy ngang qua đây không?”
Đức Phật nhẹ nhàng êm ái trả lời, “thưa ông, từ trưa đến giờ chúng tôi không thấy con bò nào chạy ngang qua đây cả. Ông thử chạy qua phía đồi bên kia, xem coi có chúng ăn cỏ ở đấy không.”
Ông lão nghe nói vậy vẻ mặt thêm buồn hiu, tức tối dậm chân kêu khóc gào thét lên, “trời ơi, cả sự nghiệp của tôi có bao nhiêu đó thôi, bây giờ đã tiêu tan hết rồi”. Ông lão vừa chạy, vừa khóc, trông tội nghiệp làm sao.
Đợi đến khi ông lão đi xa, Phật mới quay sang các vị đệ tử mà nói rằng, “quý thầy rất là có phước, nên không phải mất thời gian, bận tâm lo lắng về cuộc sống được mất, hơn thua, thành bại, do đó đâu có con bò nào để mất”.
Ngày xưa, khi Phật còn là một hoàng thái tử có cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, cùng thân dân thiên hạ. Ngài đã dám từ bỏ tất cả, nên được tất cả. Nhờ vậy, ngày nay chúng ta được thừa hưởng cả một gia tài tâm linh mà không cần phải mệt nhọc tìm kiếm, tốn hao gì nhiều, đó là bình yên và hạnh phúc.
Trong cuộc sống bề bộn với bao nỗi lo toan để duy trì mạng sống, con người phải cật lực làm việc để có miếng ăn, thức uống. Nhờ vậy, ta khỏi phải nhọc nhằn vất vả lo lắng chén cơm, manh áo, mà có cơ hội để học và tu được đến nơi tới chốn.
Bởi ta đâu có gì để buông, để xả, ấy thế mà càng tu ta càng dính mắc, vì sự nghiệp chùa to Phật lớn, lợi dưỡng và sự cung kính. Ta khuyên bảo và chỉ dạy mọi người hãy biết buông xả, nhưng ta lại chất chứa nhiều hơn, có ai góp ý “sao huynh tu mà càng ngày càng tăng trưởng thêm tham-sân-si?” thì lại nóng, “ông im đi, ta vì phương tiện độ khắp chúng sinh, bởi họ còn mê, nên ta mới khuyên như vậy, còn ta đâu còn gì để mê nữa”, nhưng khi gặp việc, mới chưa được nửa gió bát phong thôi thì đã bị cuốn bay mất tiêu rồi.
Cho nên, trong kinh Phật đã chỉ dạy rất rõ ràng và tường tận, “người tu phải xa lìa ba thứ cung kính, lợi dưỡng, và ta chưa chứng mà nói rằng mình tu chứng. Ba thứ này sẽ làm hại đời tu của chúng ta”. Ngày xưa, Phật thấy sự tác hại của việc chứa chấp tài sản. Đó là nhân dẫn đến tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, không rộng lượng, làm cho tâm mình bị vẫn đục theo thời gian.
Phật trước kia buông tất cả để được tất cả, còn ta từ không có gì mà lại có tất cả. Nếu ta có phước báu, mình làm việc thiện nhằm mục đích san sẻ bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, thì việc có phước ấy sẽ được lợi cho chúng sinh, nhưng mình lúc nào cũng có ông luật sư tâm bào chữa, nên mình tuy có phước mà cũng như không phước.
Đức Phật dạy qua bài kinh bị mất bò của ông lão, ta có diễm phúc hơn nên sống trong môi trường thuận lợi là không có gì để mất mà phát triển, mở mang gia tài tâm linh. Một môi trường có bậc minh sư chân chính, có thầy lành bạn tốt, có những người biết buông xả thật sự những được, mất, khen, chê, cung kính và lợi dưỡng. Nhờ vậy, ta bình yên, hạnh phúc để sống biết dung hòa đạo và đời.
Ta bây giờ khỏi phải nhọc nhằn lao khổ mà kiếm miếng ăn, mọi cái, mọi thứ đã có đàn na tín thí lo cho hết rồi, từ ăn uống, thuốc men, y phục, tiền bạc. Ta chỉ còn một việc duy nhất là học và tu, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn để nhiều người cùng tu theo.
Nên tu nhà, tu chợ sẽ khó hơn tu chùa rất nhiều. Bởi ngoài việc lo tròn nhiệm vụ đối với người thân và gia đình, người tại gia còn phải đóng góp cho xã hội, và cuối cùng là có trách nhiệm hộ trì Tam Bảo. Quý thầy cô chỉ lo một việc học và tu thôi, nên dễ dàng buông xả, do đó biết chia vui sớt khổ trên tin thần vô ngã, vị tha.
Ngày xưa, sự hưởng thụ tiện nghi vật chất không nhiều như thời nay nên dễ tu, vì ta đâu có gì để dính mắc. Quý thầy phải khiêm tốn thấp mình để xin ăn, nhờ vậy mà dễ dàng buông xả vì không có gì để chất chứa. Do đó, muôn người tu, muôn người chứng là vậy.
Còn ta bây giờ thì sao? Chùa to Phật lớn được xây dựng kiên cố với nhiều sắc thái, kiến trúc đẹp mắt, nên so với ngày xưa mình khó tu hơn nhiều. Chính vì vậy, muôn người tu chỉ được vài người chứng là cùng, nhưng mình không chịu tu thì càng tệ hại hơn. Dấn thân tu học để đạt được bình yên hạnh phúc và giác ngộ, giải thoát, nhằm đem lại lợi ích cho nhiều người là một việc làm khó khăn, đòi hỏi ta phải biết kiên trì, bền bỉ trong việc tu học, mới có đủ khả năng vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Trong suốt con đường tu tập để vượt qua các chướng ngại, giống như khúc gỗ trôi giạt trên biển, không dính mắc chỗ này, chỗ kia. Ta muốn không bị si mê, tà kiến, tham ái nhận chìm, không bị người thế gian chi phối, thì người tu phải dùng cây cung thiền định và cây kiếm trí tuệ để vượt qua mọi trở ngại mà đến bờ giác ngộ, giải thoát.
Người tu nên buông xả tâm dính mắc vào vật chất, còn người cư sĩ tai gia có quyền làm giàu bằng đôi bàn tay và khối óc của mình. Ta chỉ buông xả tâm tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, si mê, nóng giận, thù hằn, ghét bỏ, mà quay trở về sống với tâm chân thật, không có ta-người-được mất, nhờ vậy mà mình an lạc, hạnh phúc.
Hầu như ta vẫn thích bám víu vào vật chất nhiều hơn, những nhu cầu vật chất thông thường ta còn không muốn bỏ, huống chi là các tiện nghi vật chất quan trọng khác; thử hôm nào ban tri nhật nấu ăn dở một chút là mình đã cảm thấy không hài lòng; hoặc ta đã quen ngồi xe hơi rồi, hôm nào phải đi xe Honda hay xe buýt thì cảm thấy khó chịu hơn. Đó chỉ là những thứ đơn giản thôi mà ta còn chưa buông xả được, huống hồ khi đi sâu vào đời sống tâm linh.
Người tu thời nay khó lòng buông xả, vì nhu cầu tiện nghi vật chất quá hưng thịnh. Một phần do Phật tử quá quý trọng mà cung kính cúng dường quá nhiều, nên dễ làm cho quý thầy xao lãng việc tu học của mình.
Rồi nạn tranh nhau thụ hưởng vật chất vì sự cung kính, lợi dưỡng, nên càng ngày, việc tu học của chúng ta giảm sút rõ rệt. Cho nên, việc buông xả để tâm không dính mắc vào vật chất đã khó, huống chi chuyển hóa những thói quen thâm căn cố đế hay tập khí nhiều đời sẽ lại càng khó hơn.
Một khi ta đã thích tiện nghi vật chất quá nhiều, thì chí xuất trần thượng sĩ của mình bị chựng lại, mình không còn đủ sức nhìn sâu vào nội tâm để chuyển hóa tham lam, sân giận, si mê. Muốn ít biết đủ là phương pháp nhiệm mầu nhằm giúp ta trị liệu các bệnh tật tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Dù ta có nhiều phước báu, nhưng không phải để thụ hưởng, mà chỉ để sẻ chia hay nâng đỡ mọi người khi cần thiết mà thôi.
Từ ngàn xưa cho đến nay, biết bao tu sĩ đã gục ngã chỉ vì không đủ khả năng vượt qua sự hấp dẫn của vật chất. Phật dạy ba việc thường chớ đủ, một là ăn, hai là mặc, ba là ngủ nghỉ, tức thiếu một chút về những nhu cầu này thì ta nhẹ nhàng an nhiên mà chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Có một điều mầu nhiệm là khi ta càng buông xả thì tâm ta càng an ổn, nhẹ nhàng, bình yên hơn. Nó hoàn toàn ngược lại với thói quen tham lam chất chứa, khiến mình thường lo lắng, bất an, vì sợ bị hao hụt, mất mát, bị người khác cướp đi.
Thực tế, thế gian này còn rất nhiều người đói tình thương, thiếu thốn về mọi phương diện, ta chỉ cần xả bớt một chút vật chất hay chia sẻ tinh thần, là cơ hội để mình sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết, làm mọi người được an vui hơn.
Khi ta biết buông xả, mình luôn mở rộng tấm lòng để nâng đỡ người khác, làm cho họ được vui là mình đã biết kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống, làm mọi người an tâm, không lo lắng, sợ hãi, biết quý trọng và tôn kính lẫn nhau.
Cuộc đời này nếu ai cũng khư khư ôm giữ cho riêng mình, không có lòng yêu thương chân thành, biết giúp đỡ, sẻ chia, thì sự sống đâu còn giá trị và ý nghĩa gì nữa. Có những thứ ta đáng được thụ hưởng, nhưng lại không thụ hưởng; có những thứ ta đáng được khen ngợi nhưng lại không hãnh diện tự hào mà coi thường kẻ khác; mình vẫn luôn khiêm tốn và ý thức rằng, ai cũng có cái hay riêng của họ.
Nhiều khi, ta đáng được an nhàn, thảnh thơi, nhưng không đành lòng thừa hưởng một mình, mà còn dấn thân chia sẻ, để mọi người cùng vui. Nhờ vậy, ta buông xả được những dây mơ rễ má đang còn tiềm ẩn bên trong, có tính cách tàn phá, hủy hại tâm mình.
Buông xả các tiện nghi vật chất đã khó, buông xả tâm chất chứa lại càng khó hơn gấp vạn lần. Cho nên, người tu là phải nắm chặt đầu dây, giữ vững lập trường, “thà sống đời đơn giản để trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh”.
Để có thể thực hiện được hoài bão và ước mơ cao thượng, ta phải biết buông xả từ những cái nhỏ nhặt nhất. Ta tập theo dõi tâm mình một cách tự nhiên mà không cần phán xét, mình đang tham thì biết tham, chỉ cần biết rõ ràng như vậy.
Dù ta biết chắc mình vẫn chưa thực sự buông xả hết những tâm xấu ác có tính cách hại người hại vật, nhưng mình vẫn quyết tâm duy trì bền bỉ và không ngừng quán sát nó, ắt sẽ có ngày ta làm chủ được nó hoàn toàn mà không cần trông đợi thời gian.
Ta có rất nhiều con bò như ông chủ mất bò trên, con bò tham lam, con bò chất chứa, con bò ích kỷ, con bò hẹp hòi, con bò si mê và con bò vô cảm. Khi ta sống với những loài bò này, ta sẽ đồng hóa với loài quỷ đói, dù mình đang có tiền muôn bạc vạn. Dù nhiều tiền của, ta vẫn chất chứa, tìm cách vơ vét thêm mà không giúp gì cho ai, thì mình chẳng khác nào loài quỷ đói, nên phải quyết tâm tu theo lời Phật dạy, nương thầy tổ mà tìm cách để những con bò trở về chỗ ban đầu, là con bò chân thật.
Khi ta biết từng cảm xúc trong mình, như thế nào thì biết rõ như thế đó, thì những nỗi lo về con bò không còn tái hiện trong ta nữa. Con đường dấn thân của các bậc hiền Thánh tuy làm việc, phục vụ nhưng rất an lạc, thảnh thơi, nhờ biết soi sáng trở lại với tình thương chân thật bằng trái tim hiểu biết.